PHẦN II: CHÍNH TRỊ <br />
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com<br />
<br />
CHƯƠNG VIII<br />
Các phong cách chính trị kiểu truyền<br />
thống định hướng, nội tại định hướng, và<br />
ngoại tại định hướng: người dửng dưng,<br />
người giáo huấn, người dự đoán nội tình<br />
Có những nước người dân chỉ chấp nhận với chút khó chịu các<br />
quyền chính trị do luật pháp đem lại. Làm cho ông ta quan tâm<br />
đến những lợi ích chung tưởng đâu như là lấy cắp thời giờ của<br />
ông ta vậy… Trái lại, khi mà người Mỹ bị buộc phải lo cho riêng<br />
công việc của chính mình thôi, khi đó tưởng như nửa cuộc đời họ<br />
bị cướp đoạt mất. Người dân Mỹ khi đó sẽ cảm thấy một sự<br />
trống rỗng mênh mông trong cuộc đời mình, và họ sẽ đau khổ<br />
không sao tưởng tượng nổi.<br />
Tocqueville, Nền dân trị Mỹ[196]<br />
Ở phần này của cuốn sách tôi sẽ chuyển sang một nỗ lực có<br />
tính chất khơi mở để áp dụng vào chính trị Mỹ lý thuyết tính<br />
cách đã phát triển trong phần trước. Song, trước hết cần chỉ rõ<br />
các vấn đề và hạn chế của kiểu tiếp cận chính trị này. Chính đề<br />
chung của tôi là tính cách nội tại định hướng đã có chiều hướng<br />
và vẫn đang có chiều hướng thể hiện mình trong chính trị theo<br />
kiểu “người giáo huấn” (moralizer), trong khi tính cách kiểu<br />
ngoại tại định hướng thường thể hiện mình về mặt chính trị<br />
theo kiểu một “người dự đoán nội tình” (inside-dopester). Các<br />
kiểu này cũng gắn liền với một chuyển biến trong tâm trạng<br />
chính trị từ “phẫn nộ” sang “khoan dung”, và một thay đổi trong<br />
quyết định chính trị từ sự thống trị của một giai cấp cầm quyền<br />
sang sự phân tán quyền lực giữa nhiều nhóm áp lực nhỏ đang<br />
cạnh tranh. Một số dịch chuyển này có thể nằm trong các yếu<br />
tố nguyên nhân của sự xuất hiện kiểu ngoại tại định hướng.<br />
Nói như vậy, tôi phải tức thì đưa ra một số sự dè dặt. Một lần<br />
nữa, tôi kêu gọi bạn đọc chú ý đến các hạn chế của tầng lớp xã<br />
hội và khu vực giới hạn bức tranh tính cách ở Mỹ mà tôi đã giới<br />
<br />
thiệu. Hơn nữa, như tôi cũng đã nói, con người thực tế là các<br />
kiểu pha trộn, phức tạp và đa dạng - những thứ mảnh vụn và<br />
miếng vá - hơn bất kỳ sơ đồ nào có thể bao quát. Ví dụ, họ có<br />
thể là kiểu ngoại tại định hướng về tổng thể, nhưng trong lĩnh<br />
vực chính trị họ có thể lại là kiểu nội tại định hướng hơn những<br />
lĩnh vực khác. Hoặc, người ta có thể hoạt động có hiệu quả<br />
trong chính trị - có một phong cách vượt hơn hẳn phong cách<br />
của người giáo huấn và phong cách của người dự đoán nội tình<br />
- dù nhìn chung ngoài đời họ có vẻ “lạc lõng”: chính trị có thể là<br />
hoạt động mạnh nhất của họ; hoặc chính trị cũng có thể là một<br />
lĩnh vực mà, vì nhiều lý do, họ không thích hợp bằng các lĩnh<br />
vực khác.<br />
Nhưng các vấn đề tính cách này không phải là những yếu tố<br />
duy nhất ngăn trở chúng ta giải thích hay tiên đoán hành vi<br />
chính trị cụ thể chỉ trên cơ sở tâm lý. Lấy ví dụ duy nhất, tâm<br />
trạng khủng hoảng triền miên trong đó chính trị hiện đại nói<br />
chung bị đóng khung, và sự thiếu hụt chung về giải pháp thay<br />
thế giàu tưởng tượng, có thể đủ, hay gần đủ, để lý giải vì sao<br />
người ta không mở mang thêm được các phong cách chính trị<br />
mới - nhằm đưa những động cơ thúc đẩy mới vào chính trị và<br />
các cách định nghĩa mới về chính trị, dù tính cách họ có thể đã<br />
khác.<br />
Điều tra của tôi không đề cập thêm đến người hoạt động<br />
chính trị như được định nghĩa theo quan điểm nhà nước hay<br />
theo quan điểm của các nhóm, các đảng phái và các giai cấp mà<br />
nhà nước được phân chia để có phân tích chính trị chính thức,<br />
mà đề cập đến quá trình người ta dần dần can dự vào chính trị,<br />
và sự phong cách hóa các tình cảm chính trị tiếp sau đó. Rõ<br />
ràng, không thể phân định quá rành mạch đường ranh giữa hai<br />
lĩnh vực này; truyền thống lớn của khoa học chính trị hiện đại<br />
đi từ Machiavelli và Hobbes[197] đến Tocqueville, và Marx quan<br />
tâm đến cả hai. Đây là lý do vì sao, khi nói đến các hệ quả<br />
chính trị của tính cách, tôi dùng thuật ngữ của chủ nghĩa ấn<br />
tượng là “phong cách”.[198] Nếu chính trị là một vở ba lê trên<br />
sân khấu mà lịch sử dựng lên thì phong cách không cho chúng<br />
ta biết các vũ công từ đâu ra hay họ sẽ di chuyển tới đâu mà<br />
<br />
chỉ cho biết họ đóng vai của mình như thế nào và khán giả<br />
phản ứng ra sao.<br />
Khi tôi đi tiếp, về sau, từ vấn đề phong cách đến vấn đề<br />
quyền lực, mối liên hệ giữa cấu trúc tính cách và cấu trúc chính<br />
trị sẽ trở nên còn ít thực chất hơn từ “phong cách” hàm ý. Về<br />
một mặt, hiển nhiên là nhiều người ngày nay trốn khỏi các thực<br />
tại quyền lực mà chạy vào những giải thích tâm lý học về tập<br />
tính xã hội để tránh thách thức các niềm tin chính trị hiện đại,<br />
hoặc trả về cho chính trị tính dễ lèo lái đáng mong ước bằng<br />
cách dựa vào một công cụ phân tích mới. Dẫu vậy, điều hiển<br />
nhiên không kém là một chủ nghĩa hiện thực chính trị phớt lờ<br />
chiều kích tính cách, phớt lờ mọi người giải thích bố cục quyền<br />
lực ra sao trên cơ sở các nhu cầu tâm lý của họ, sẽ chỉ hữu ích<br />
trong các luận giải rất ngắn hạn và thậm chí không phải bao giờ<br />
cũng có sẵn.<br />
<br />
I. Người dửng dưng<br />
PHONG CÁCH CŨ<br />
Cũng như quan điểm mọi thành viên trưởng thành trong cộng<br />
đồng phải có liên quan trong hoạch định chính sách của cộng<br />
đồng, quan điểm cho rằng sự dửng dưng và thờ ơ chính trị tạo<br />
thành những vấn đề cũng mới xuất hiện gần đây. Do đó, trong<br />
các xã hội phương Đông cổ đại, nơi chỉ có vương triều cùng một<br />
nhóm nhỏ quân sư và quý tộc có quyền tham gia, dân chúng<br />
còn lại không thể bị gọi là thờ ơ: họ chỉ là đang say ngủ về<br />
chính trị. Cũng giống như vậy, ở thị quốc Hy Lạp chúng ta có<br />
thể nghĩ sự thờ ơ là một vấn đề chỉ tồn tại trong các công dân<br />
của họ mà thôi - còn phụ nữ, ngoại kiều và nô lệ đã bị loại trừ<br />
khỏi mọi can dự tới lĩnh vực chính trị.<br />
Một số ít ỏi người kiểu truyền thống định hướng ở Mỹ nằm<br />
trong số những người dửng dưng chính trị theo kiểu này. Sự<br />
dửng dưng của họ là sự dửng dưng cổ điển của đám quần chúng<br />
thời Cổ đại hay Trung đại - những người mà, xuyên suốt lịch sử,<br />
đã chấp nhận thói bạo ngược của giới cầm quyền, với nỗi hoài<br />
nghi cứ đều đặn trở đi trở lại và các cuộc nổi loạn lác đác. Họ<br />
không có phương tiện để diễn đạt hùng hồn về mặt chính trị, họ<br />
<br />
cũng không hề biết điều này có thể bao hàm cái gì. Họ thiếu các<br />
công cụ chính trị sơ đẳng là biết đọc biết viết, giáo dục chính trị<br />
và kinh nghiệm tổ chức.<br />
Ở Hoa Kỳ ngày nay số người dửng dưng kiểu truyền thống<br />
định hướng như vậy rất ít. Có ít “khu bảo tồn” để người ta có<br />
thể tránh ảnh hưởng của các giá trị kiểu nội tại định hướng hay<br />
ngoại tại định hướng hay cả hai. Song, trong một số nhóm nhập<br />
cư và người da đen ở nông thôn, sự dửng dưng kiểu truyền<br />
thống định hướng xưa vẫn còn, ít ra cũng trong một mức độ<br />
nào đó. Tôi sẽ lấy ví dụ từ bài phỏng vấn[199] một phụ nữ trung<br />
niên làm công việc vệ sinh dọn dẹp từ khu vực Tây Ấn của Anh<br />
đến, giờ đang sống ở Harlem. Dù bà đã chịu ảnh hưởng nhiều<br />
của kiểu nội tại định hướng, các thái độ chính trị của bà (có tính<br />
đến phản ứng thận trọng) lại có vẻ đại diện cho vài chủ đề của<br />
một sự dửng dưng dựa trên kiểu truyền thống định hướng.<br />
Hỏi: Bà cho mình là người rất quan tâm đến chính trị, không<br />
quan tâm lắm, hay gần như không quan tâm?<br />
Đáp: Không hề. Chồng tôi thì có. Ông ấy nói hay lắm. Ông ấy<br />
còn biết tranh luận nữa.<br />
Hỏi: Bà có ý kiến về chuyện đang diễn ra không? Ví dụ bà có<br />
biết ai mà bà muốn đắc cử không?<br />
Đáp: Không. Tôi tin người giỏi nhất sẽ thắng.<br />
Hỏi: Vậy bà nghĩ ai thắng cũng thế, sẽ không có gì khác biệt?<br />
Đáp: Chẳng khác gì cả. Người giỏi nhất sẽ thắng. Dù gì họ<br />
cũng giống nhau cả thôi khi đã trúng rồi. Cũng vậy cả thôi. Họ<br />
cũng làm chừng ấy thứ. Một người đảng Cộng hòa trúng, hay<br />
một người Dân chủ, họ như nhau cả.<br />
Hỏi: Có bao giờ bà nghe thấy những thứ về chính trị trên đài<br />
và chúng làm bà bực tức không?<br />
Đáp: Không, tôi không quan tâm nên tôi chả bực tức.<br />
Hỏi: Có cái gì khác nghe trên đài làm bà bực không - không<br />
phải chính trị?<br />
<br />