intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Dân tộc và chủ nghĩa quốc gia dân tộc: Quan niệm và tiếp cận nhìn từ các nghiên cứu quốc tế

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

59
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này phân tích quan niệm về dân tộc từ nhiều trường phái lý thuyết khác nhau như trường phái nguyên thủy luận, thuyết văn hóa, trường phái diễn giải luận, thuyết diễn giải xã hội, thuyết công cụ, thuyết tích hợp và một số xu hướng trong nghiên cứu dân tộc trong thời gian gần đây. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Dân tộc và chủ nghĩa quốc gia dân tộc: Quan niệm và tiếp cận nhìn từ các nghiên cứu quốc tế

  1. Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 04 (60) - 2019 29 Dân tộc và chủ nghĩa quốc gia dân tộc: Quan niệm và tiếp cận nhìn từ các nghiên cứu quốc tế Vũ Thái Hạnh Học viện Chính trị khu vực III Email liên hệ: vuthaihanh@gmail.com Phạm Thị Thanh Phương Học viện Chính trị khu vực III Tóm tắt: Trên thế giới, các tiếp cận về dân tộc và chủ nghĩa quốc gia dân tộc rất đa dạng. Bài báo phân tích quan niệm về dân tộc từ nhiều trường phái lý thuyết khác nhau như trường phái nguyên thủy luận, thuyết văn hóa, trường phái diễn giải luận, thuyết diễn giải xã hội, thuyết công cụ, thuyết tích hợp và một số xu hướng trong nghiên cứu dân tộc trong thời gian gần đây. Đồng thời, bài báo cũng phân tích những nhận định của các nhà nghiên cứu về chủ nghĩa quốc gia dân tộc trong bối cảnh hiện nay, luận giải những diễn biến và xu hướng biến đổi phức tạp của chủ nghĩa quốc gia dân tộc trong bối cảnh quốc tế hóa. Kết quả nghiên cứu này khẳng định rằng, cần thiết phải xây dựng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và không ngừng tăng cường tiềm lực quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Từ khóa: Dân tộc; Chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Abstract: There are many concepts of ethnicity and nationalism with variety of approaches in international researches. This article analyzes concepts from theoretical perspectives and approaches such as the primordialist school, culturalist perspective, the constructionist school, social constructionist perspective, the instrumentalist school, an integrated approach and the trend of ethnic research in recent time. In addition, the article analyzes the views of international researchers on nationalism, explaining the complicated changes and trends of nationalism in the current context of internationalization. The results confirm that it is necessary to consolidate the power of great national unity and to continuously enhance national potentials and strength in the context of international integration. Keywords: Ethnicity; Nationalism. Ngày nhận bài: 2/7/2019 Ngày duyệt đăng: 26/8/2019 1. Đặt vấn đề Trên thế giới, nhận dạng vấn đề dân tộc là một việc làm khó khăn bởi nhiều quan niệm đa dạng và khác biệt trong từng bối cảnh và định hướng nghiên cứu cụ thể. Có thể thấy, quá
  2. 30 Vũ Thái Hạnh & Phạm Thị Thanh Phương trình di cư và sinh sống đan xen qua nhiều thế hệ đã tạo ra tính phức tạp trong nhận diện tộc người. Hơn nữa, dân tộc là một khái niệm vừa mang tính chủ quan vì nó là sản phẩm của suy nghĩ và tình cảm của con người, cảm giác mình thuộc về một nhóm hay một dân tộc nào đấy, vừa mang tính khách quan vì nó dựa vào các đặc điểm khách quan và được xây dựng và hình thành từ các lực lượng xã hội và các mối quan hệ quyền lực. Một số nhà lý luận hiện đại (modernism) đã dự đoán rằng khi xã hội ngày càng phát triển, hiện đại, vấn đề dân tộc sẽ mờ nhạt dần, thậm chí biến mất. Tuy nhiên, các tiên liệu trên vẫn chưa diễn ra trên thực tế, ngược lại, trong bối cảnh hiện tại vấn đề dân tộc không những vẫn tồn tại mà còn có vai trò quan trọng trong những thời điểm và địa điểm nhất định. Thông qua tổng quan các công trình nghiên cứu trên thế giới, bài báo phân tích một số quan niệm dân tộc, chủ nghĩa quốc gia dân tộc, qua đó gợi mở những hàm ý quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. 2. Quan niệm và tiếp cận về dân tộc Hiện nay, có rất nhiều trường phái, tiếp cận và quan niệm khác nhau về dân tộc. Theo quan điểm sinh học xã hội (sociobiological perspective), yếu tố sinh học xã hội và quan hệ họ hàng quyết định đặc điểm dân tộc. Van den Berghe (1981) lập luận rằng, dân tộc là sự mở rộng của quan hệ họ hàng. Các nhánh dân tộc bắt nguồn từ thành viên của các gia đình hạt nhân, sau đó là gia đình mở rộng và cuối cùng là nhóm dân tộc. Bản sắc dân tộc phát triển và tồn tại nhờ sự gắn kết chung tổ tiên của một nhóm các thành viên. Hàm ý của luận điểm này là vấn đề dân tộc không bao giờ lụi tàn bởi vì quan hệ họ hàng luôn tồn tại. Quan điểm văn hóa (culturalist perspective) nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa chung trong việc quyết định tư cách thành viên của nhóm dân tộc. Các giá trị văn hóa chung có thể là ngôn ngữ và tín ngưỡng chung làm nên bản sắc dân tộc, thậm chí trong trường hợp không có chung tổ tiên. Các nhóm chủng tộc khác nhau có cùng nguồn gốc quốc gia có thể thành lập một nhóm dân tộc thiểu số và phát triển bản sắc dân tộc chung, thậm chí không có mối liên hệ về mặt sinh học nào. Dựa vào yếu tố tâm lý, trường phái nguyên thủy luận giải thích sự phát triển và gắn kết dân tộc. Tuy nhiên, trường phái này cũng có một số hạn chế: thứ nhất, cách lập luận này không thể giải thích thấu đáo các cá nhân, nhóm dân tộc và bản sắc dân tộc thay đổi; thứ hai, luận thuyết này cũng không lý giải thỏa đáng các nhóm dân tộc và bản sắc dân tộc mới nổi lên như nhóm người Mỹ gốc Á (Asian American) trong các nhóm có sự đa dạng về văn hóa, sinh học và lý do các dân tộc, bản sắc dân tộc phai mờ và biến mất; thứ ba, cách diễn giải này có xu hướng bỏ qua bối cảnh cấu trúc, lịch sử rộng lớn hơn ảnh hưởng theo hai chiều hướng củng cố hoặc làm suy giảm sự trung thành, gắn kết với dân tộc; cuối cùng, luận thuyết này bỏ qua lợi ích kinh tế, chính trị có gắn bó chặt chẽ với yếu tố tình cảm và hoạt động thực tiễn của dân tộc (Glazer và Moynihan,1970; Greenberg, 1980; trích qua Yang, 2000). Có thể thấy rõ rằng, tính dân tộc đòi hỏi cần có vài điểm chung như tổ tiên hay văn hóa nhưng mức độ quan trọng của các điểm chung này trong việc quyết định các nhánh dân tộc
  3. Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 04 (60) - 2019 31 như thế nào và liệu đặc tính dân tộc có phải được gán sẵn cho cá nhân là những vấn đề đang được tranh luận. Trường phái nguyên thủy luận thống trị trong các nghiên cứu về dân tộc cho đến những năm 70 của thế kỷ trước và đến bây giờ nhiều người vẫn quen với các lập luận này. Vào thập niên 1970, trường phái diễn giải luận có sự tương phản khá rõ nét với nguyên thủy luận ở những điểm chính sau: thứ nhất, dân tộc, tính dân tộc là bản sắc được xây dựng nên hay được diễn giải có tính xã hội, trường phái này nhấn mạnh vào sự định hình, xây dựng về mặt xã hội của dân tộc, điều đó khiến họ được gọi là trường phái diễn giải hay kiến tạo; thứ hai, như là sự mở rộng của bản sắc được xây dựng, bồi đắp thì biên giới, hay giới hạn của dân tộc là linh hoạt, có thể thay đổi. Nói cách khác, dân tộc có tính động; cuối cùng, việc xác định tư cách hay nhận dạng dân tộc được quyết định hay diễn giải do xã hội. Yancey và các cộng sự (1976) đề xuất lý thuyết giải thích sự hình thành dân tộc tính (emergent ethnicity), chú ý đến tác động của di sản văn hóa, xem dân tộc như là hiện tượng nổi bật được tạo ra bởi các điều kiện có tính cấu trúc. Lấy dẫn chứng là người di cư Ý, Do Thái, Ba Lan tại Mỹ, các tác giả nhận thấy sự hình thành, kết tinh và phát triển của các cộng đồng dân tộc, văn hóa, bản sắc được hình thành bởi các điều kiện có tính cấu trúc, gắn chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa và vị trí của các nhóm dân tộc trong xã hội mà họ định cư. Đặc biệt, quá trình công nghiệp hóa dẫn đến sự hình thành, mở rộng của một số ngành công nghiệp nhất định (vải sợi, thép, xây dựng,…) và việc làm tương ứng, các nhóm người nhập cư với kỹ năng nghề nghiệp khác nhau làm việc trong các ngành công nghiệp đa dạng ở các thời điểm khác nhau dẫn đến sự tập trung nghề nghiệp của các nhóm dân tộc có cùng lối sống, mối quan hệ công việc, lợi ích (theo tầng lớp, giai cấp); những người nhập cư làm việc trong cùng một lĩnh vực có xu hướng sống tập trung tại cùng một khu vực, việc có chung nghề nghiệp và nơi sinh sống dẫn đến họ có chung các thiết chế và các dịch vụ như trường học, nhà thờ và dịch vụ tài chính. Tất cả những điều kiện có tính cấu trúc đó góp phần hình thành và phát triển đặc điểm văn hóa của các cộng đồng người Ý, Do Thái, Ba Lan tại Mỹ thông qua sự củng cố và duy trì mạng lưới quan hệ dòng họ, bạn bè. Theo quan điểm này, vấn đề dân tộc nổi lên như là sự đáp ứng những thay đổi có tính cấu trúc của xã hội. Sarna (1978) phát triển lý thuyết về dân tộc hóa (theory of ethnicization) có vài điểm khác nhau so với lý thuyết của Yancey và cộng sự (1976). Tác giả cho rằng, dân tộc được hình thành bởi 2 điều kiện: được gắn cho và nghịch cảnh. Sự sắp xếp hay gắn các cá nhân vào các nhóm dân tộc nhất định bởi những thực thể bên ngoài như chính phủ, nhà thờ, trường học, truyền thông, người bản xứ hay các nhóm nhập cư khác. Nghịch cảnh bao gồm thành kiến, sự phân biệt đối xử, sự thù địch và sự khó khăn. Sarna cho rằng, nghịch cảnh buộc các thành viên trong cùng một nhóm phải thống nhất từ đó tạo ra bản sắc và tình đoàn kết trong nhóm. Có thể thấy, lý thuyết của Sarna đã coi nhẹ tính tích cực của các nhóm dân tộc trong việc định hình đặc điểm của nhóm trong khi cường điệu hóa tác động của các tác nhân bên ngoài. Tuy vậy, điểm nhấn của lý thuyết này là sự gắn kết giữa việc hình thành sắc thái của các nhóm dân tộc với bối cảnh xã hội rộng lớn hơn.
  4. 32 Vũ Thái Hạnh & Phạm Thị Thanh Phương Sollars (1989) đề xuất khái niệm sự ra đời của dân tộc (the invention of ethnicity), thách thức nhận định của thuyết nguyên thủy luận rằng tính dân tộc là một hình thức phi lý của sự gắn kết văn hóa. Tác giả cho rằng, bản sắc dân tộc được gắn vào lịch sử, được tạo ra, duy trì và thay đổi diện mạo đều là do con người. Trong khi đó, Nagel (1994, 1997) nhận định tính dân tộc được xây dựng/tái xây dựng là mang tính xã hội bởi yếu tố bên trong (chính nhóm dân tộc lựa chọn hành động như dàn xếp, tái định nghĩa, tái xây dựng bản sắc của mình) và yếu tố bên ngoài (như quá trình chính trị, kinh tế, xã hội và các thế lực bên ngoài khác), và tính dân tộc là đặc điểm thay đổi thường xuyên, liên tục của cá nhân, nhóm. Tập trung vào tính trung tâm của chủng tộc, Orni và Winant (1994) chứng minh rằng, ý nghĩa và thứ hạng của chủng tộc định hình và được định hình bởi tiến trình chính trị. Tựu trung lại, trường phái diễn giải luận tập trung vào sự xây dựng mang tính xã hội trong việc hình thành và duy trì dân tộc, trong đó các yếu tố có tính cấu trúc và lịch sử sẽ tạo ra và củng cố tính dân tộc, góp phần giải thích tốt hơn sự biến thiên của một số đặc điểm của tính dân tộc. Cũng như trường phái nguyên thủy luận, luận thuyết diễn giải xã hội chưa chú trọng đúng mức đến vai trò của lợi ích kinh tế, chính trị trong việc hình thành tính dân tộc. Không giống như 2 trường phái lý thuyết trên, thuyết công cụ (the instrumentalist school) xem dân tộc như một công cụ hay phương tiện chiến lược để đạt được các nguồn lực. Con người trở thành một cá thể của dân tộc và vẫn là một dân tộc khi yếu tố đó mang lại những thứ quan trọng cho họ. Nói cách khác, dân tộc tồn tại và duy trì vì nó có ích. Portes và Bach (1985) minh họa: “sự hỗ trợ về tinh thần, vật chất được cung cấp bởi mạng lưới dân tộc cho những thắng lợi chính trị thông qua phiếu bầu của khối cử tri dân tộc đó”. Là những người tiên phong của trường phái này, Glazer và Moynihan (1975) cho rằng dân tộc không đơn giản là sự pha trộn tình cảm, nhưng giống như tầng lớp và quốc tịch, nó là phương tiện để gắn kết với tính chính trị nhằm tối đa lợi ích nhóm. Các nhóm dân tộc cũng chính là các nhóm lợi ích. Ở góc độ cực đoan của thuyết này, việc đạt được và duy trì thành viên, đặc điểm văn hóa của dân tộc đơn giản bởi động lực mong muốn đạt được các lợi thế so sánh. Việc xác định tính dân tộc thường dễ thay đổi tùy theo tình huống khi lợi ích của quốc gia dân tộc thay đổi. Ở cách tiếp cận mềm mỏng hơn, thuyết này kết nối cả mặt thuận lợi và những yếu tố ảnh hưởng đến dân tộc. Cohen (1969) nhận thấy tính đồng nhất văn hóa tạo nên sự thuận tiện và nâng cao hiệu quả tổ chức nhóm lợi ích và thúc đẩy tình đoàn kết và tính dân tộc. Từ các trường phái lý thuyết trên, có thể thấy việc tích hợp các giá trị của các lý thuyết trên là khả thi. Cách tiếp cận tích hợp (integrated approach) cho rằng dân tộc (bao gồm cả chủng tộc) được xây dựng có tính xã hội một phần dựa trên nguồn gốc tổ tiên, song quan trọng hơn là xã hội, mà ở đó lợi ích của các nhóm dân tộc cũng một phần quyết định đến việc xác định nguồn gốc dân tộc. Lập luận này dựa trên 4 nhận định sau: Nhận định thứ nhất, dân tộc có tính được quy gán, phần nào đó dựa trên nguồn gốc tổ tiên với các đặc điểm văn hóa, thể chất và nguồn gốc quốc gia, lãnh thổ. Feagin và cộng
  5. Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 04 (60) - 2019 33 sự (1993) nhận định, “khái niệm tổ tiên chung, cả thực tế hay truyền thuyết có ý nghĩa quan trọng đối với cách nhìn nhận của những người bên ngoài và sự tự xác định của các nhóm dân tộc”. Max Weber, nhà xã hội học người Đức, định nghĩa nhóm dân tộc là “những nhóm người chia sẻ niềm tin chủ quan trong thế hệ con cháu của họ nhờ sự tương đồng về đặc điểm thể chất hoặc phong tục, tập quán hoặc cả hai, hoặc dựa trên ký ức của quá trình thuộc địa hoặc di cư, bằng cách này niềm tin trở nên quan trọng cho sự tiếp tục các mối quan hệ cộng đồng không cùng huyết thống”. Do đó, nguồn gốc tổ tiên phải là điều kiện có tính bắt buộc cho sự nhận diện dân tộc. Vì vậy, không nên tách biệt các khía cạnh của dân tộc hay chủng tộc với nguồn gốc tổ tiên chung hay tổ tiên có tính huyền thoại. Mỗi cá nhân được xã hội sắp xếp vào một nhóm dân tộc cụ thể hoặc tự mình lựa chọn nguồn gốc dân tộc một phần bởi dòng dõi tổ tiên của anh ta. Nhận định thứ hai, dân tộc phần lớn được định hình bởi xã hội. Có ít nhất 4 cơ chế để xã hội định hình dân tộc. Cơ chế đầu tiên, xã hội quyết định tư cách thành viên nhóm dân tộc thông qua các quy tắc thành văn hoặc bất thành văn. Phân loại, xếp hạng hay định nghĩa dân tộc do xã hội quyết định phản ánh mối quan hệ quyền lực liên nhóm. Quy tắc xếp loại dân tộc/chủng tộc thay đổi từ xã hội này sang xã hội khác, vì vậy mới có việc cùng một cá nhân có thể được xếp vào các dân tộc khác nhau ở các xã hội khác nhau. Ví dụ, ở Mỹ, tổ tiên đóng vai trò quan trọng hơn đặc điểm thể chất trong việc quyết định dân tộc/chủng tộc của cá nhân; ở Brazil, các đặc điểm thể chất tổng hợp của một cá nhân (màu da, tóc, hình dáng khuôn mặt,…) lại là yếu tố quyết định cho sự phân loại dân tộc/chủng tộc. Do đó, có việc nhiều người da đen sáng (ít đen) ở Mỹ lại được coi là người da trắng ở Brazil. Ngoài ra, ở Brazil người ta còn dùng nhiều tiêu chí nữa, như tầng lớp xã hội. Những người ở địa vị xã hội cao có xu hướng được xếp vào nhóm da trắng so với những người có địa vị xã hội thấp. Người Brazil nói rằng “một người da đen giàu có là da trắng và một người da trắng nghèo là da đen”, đây là miêu tả sống động tiêu chí tài sản quyết định màu da, chủng tộc. Cơ chế thứ hai, các điều kiện xã hội có thể tạo ra bản sắc và các nhóm dân tộc mới. Chẳng hạn, người nhập cư tạo nên nhóm dân tộc mới vì nhóm nhập cư hôm nay sẽ trở thành nhóm dân tộc ngày mai. Cơ chế thứ ba, các điều kiện xã hội có thể thay đổi tư cách thành viên dân tộc hoặc bản sắc của các cá nhân, nhóm. Chính phủ có thể coi một nhóm dân tộc là chủng tộc gì tùy thuộc vào từng giai đoạn với các nhận thức, quan niệm khác nhau. Cơ chế thứ tư, các điều kiện có tính cấu trúc xã hội có thể làm tăng thêm bản sắc và ý thức dân tộc. Rất nhiều các điều kiện có tính cấu trúc này thực hiện chức năng như chất xúc tác hoặc kích thích bản sắc và sự thức tỉnh dân tộc. Sự công nhận của chính phủ có thể dẫn đến gia tăng tính tổ chức và ý thức tự thân của nhóm và có thể làm tăng thêm sự nhận dạng, sự huy động trong nhóm không được công nhận chính thức. Nhận định thứ 3, chi phí và lợi ích gắn liền với tư cách thành viên các nhóm dân tộc quyết định một phần sự nhận dạng dân tộc. Khi cá nhân có nhiều sự lựa chọn dân tộc thì chi phí và lợi ích của tư cách thành viên dân tộc đóng vai trò then chốt quyết định sự lựa chọn dân tộc của các cá nhân và nhóm. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố quyết định duy nhất,
  6. 34 Vũ Thái Hạnh & Phạm Thị Thanh Phương nó thường liên quan tới các yếu tố xã hội khác. Con người lựa chọn hoặc lẩn tránh gắn kết với một nhóm dân tộc nhằm mục đích tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu những mất mát, tính tư lợi quyết định phần nào sự lựa chọn. Nói chung, tư cách thành viên dân tộc có thể đem lại nhiều lợi ích sẽ làm tăng tính nhận dạng dân tộc, trong khi đó nếu tư cách thành viên này mà phải trả nhiều chi phí sẽ khiến các cá nhân có xu hướng xa lánh hay rời xa nhóm dân tộc đó. Chi phí và lợi ích ở đây có thể bao gồm yếu tố vật chất hoặc tinh thần như sự thỏa mãn/không thỏa mãn về mặt tâm lý. Nagel và cộng sự (1996) nhận định, sự lựa chọn dân tộc có thể mang tính duy lý hoặc không bị chi phối bởi lý trí. Nhận định thứ tư, ranh giới dân tộc tương đối ổn định nhưng có thể thay đổi theo thời gian, đặc biệt khi việc xếp loại các nhóm dân tộc trở nên khó khăn. Có thể thấy, dòng dõi dân tộc được định hình theo yếu tố huyết thống nhưng lại được thừa nhận từ xã hội, sự thay đổi, xáo trộn không thể diễn ra nhanh chóng trong thời gian ngắn. Điều này chỉ diễn ra khi cách xếp loại dân tộc có vấn đề, thường do thách thức chính trị đối với trật tự dân tộc đang tồn tại, dẫn đến ranh giới dân tộc bắt đầu thay đổi. Nhiều nhà nghiên cứu có chung nhận định rằng, đặc điểm dân tộc có tính động, thay đổi theo thời gian và bối cảnh. Từ đó, các nhà nghiên cứu tiếp biến văn hóa và hoạch định chính sách băn khoăn liệu khi tham gia vào đời sống xã hội trong nước và quốc tế, việc giao tiếp với các nhóm xã hội lớn khác có làm đánh mất hoặc phai mờ các giá trị văn hóa của dân tộc nói riêng và văn hóa của quốc gia nói chung hay không? Chúng tôi cho rằng, trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay, quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa là không tránh khỏi, vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý là làm sao để bảo tồn các giá trị văn hóa tích cực, thể hiện giá trị văn hóa của dân tộc, quốc gia đồng thời tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại, làm phong phú thêm giá trị văn hóa dân tộc. Quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa cũng còn là cơ hội để chúng ta nhận diện rõ hơn giá trị văn hóa của dân tộc và có ý thức giữ gìn, bảo tồn các giá trị đặc sắc ấy. Các giải pháp bảo tồn và phát huy cần mang tính tổng thể, dài hạn, chú trọng lồng ghép chính sách trên nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, kinh tế, xã hội, trong đó đặc biệt chú ý đến hiệu quả trong giáo dục lịch sử và các chương trình văn hóa, giải trí. Từ đó, các giá trị văn hóa dân tộc sẽ thấm đượm trong mỗi cá nhân ngay từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành theo tiến trình tự nhiên, sâu lắng nhất. Thực hiện tốt điều này sẽ góp phần tạo ra sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nâng cao tiềm lực của quốc gia dân tộc một cách bền vững và trường tồn. 3. Quan niệm và tiếp cận về chủ nghĩa quốc gia dân tộc Từ quan niệm về dân tộc, các nhà nghiên cứu hướng đến tìm hiểu chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Chủ nghĩa quốc gia dân tộc thường có hệ tư tưởng của riêng mình. Các xung đột thường xảy ra khi các giá trị văn hóa của hệ tư tưởng này có nhiều khác biệt, ngược lại sự tương đồng càng lớn thì sự hòa hợp, thống nhất và hòa bình càng là ưu thế. Các phong trào, cuộc vận động chính trị thường liên quan đến tính dân tộc hoặc chủ nghĩa quốc gia dân tộc,
  7. Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 04 (60) - 2019 35 với nhiều cấp độ khác nhau. Gellner (1983) cho rằng, chủ nghĩa quốc gia dân tộc là biên giới địa lý quốc gia trùng với biên giới văn hóa quốc gia đó, trong trường hợp ngược lại thì được coi là những người theo chủ nghĩa dân tộc. Dân tộc hay chủ nghĩa quốc gia dân tộc cần được đặt trong mối quan hệ với nhà nước. Chủ nghĩa quốc gia dân tộc hàm ý sự giải thích mang tính tư tưởng cho sự tồn tại của nhà nước, có thể là thực tế hoặc tiềm năng. Theo tiêu chí này, dân tộc đôi khi có thể được diễn giải là một hình thức của chủ nghĩa quốc gia dân tộc có tính tĩnh, trong một số giai đoạn lịch sử nhất định hoặc cuối cùng dân tộc biểu hiện như chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Xem xét ở góc độ địa chính trị, chủ nghĩa quốc gia dân tộc là một loại hệ tư tưởng mơ hồ, nó có thể mang tính hung hăng và bành trướng trong và ngoài biên giới quốc gia, nó có thể được dùng như một phương thức hội nhập văn hóa và gìn giữ hòa bình đích thực trong một quốc gia dân tộc hoặc một khu vực. Các nhà lý thuyết tự do thường xem chủ nghĩa quốc gia dân tộc như là một hệ tư tưởng phổ quát nhấn mạnh đến sự bình đẳng và quyền con người nhưng nó cũng có thể được xem là một loại chủ nghĩa biệt lập chối bỏ những người không phải công dân của mình hoặc những công dân có sự lệch lạc văn hóa, trong trường hợp cực đoan, nó còn chối bỏ họ với tư cách thành viên cộng đồng xã hội (Giddens, 1987). Dựa vào bối cảnh xã hội, chủ nghĩa quốc gia dân tộc có thể có tác động hội nhập/phân rã về mặt văn hóa xã hội, hoặc có thể là phương tiện hàn gắn sự chia rẽ giữa các dân tộc trong cùng một quốc gia có sự đa dạng văn hóa. Về sự trỗi dậy của chủ nghĩa quốc gia dân tộc, trong tính lịch sử của nó, tư tưởng quốc gia dân tộc nhằm mục đích gắn kết người dân về văn hóa, chính trị và kinh tế. Mô hình quốc gia dân tộc như là một thực thể chính trị tối thượng đã trở nên phổ biến trong thế kỷ XX, các quốc gia dân tộc đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra thế giới ngày nay do vai trò quan trọng của các mối quan hệ quốc tế. Các quốc gia tạo ra sự hội nhập xã hội thông qua việc đề ra các khuôn mẫu chung như hệ thống giáo dục thống nhất, ngôn ngữ phổ thông, hợp đồng lao động có tính phổ biến. Có thể thấy, việc xây dựng hình ảnh quốc gia thống nhất thông qua tạo sự khác biệt với quốc gia khác nhằm tăng cường tính cố kết trong nước đã không còn là sự cá biệt. Trong quốc gia, tất cả đàn ông, đàn bà đều là công dân, họ tham gia vào hệ thống các mối quan hệ xã hội, họ được nương tựa, bảo vệ, đóng góp cho quốc gia, sự phân biệt chỉ đến khi có sự xuất hiện của người bên ngoài (quốc gia khác). Ở nơi nào tinh thần quốc gia dân tộc được phổ biến thành công đến các công dân của mình, nơi đó mỗi người dân sẽ là một nhà vận động cho dân tộc, bản sắc, lối sống của họ dần trở nên tương thích với các yêu cầu của quốc gia dân tộc, hỗ trợ cho sự phát triển quốc gia. Trong trường hợp chủ nghĩa quốc gia dân tộc thất bại, nhà nước có xu hướng sử dụng bạo lực hoặc đe dọa sử dụng bạo lực nhằm ngăn chặn sự phân rã. Sự độc quyền trong sử dụng bạo lực chính đáng, độc quyền thu thuế là một trong những đặc tính quan trọng nhất của nhà nước hiện đại. Tuy nhiên, bạo lực được xem như là phương án cuối cùng, gắn kết con người thông qua văn hóa, hệ tư tưởng vẫn là ưu tiên, được sử dụng phổ biến và có tính bền vững.
  8. 36 Vũ Thái Hạnh & Phạm Thị Thanh Phương Vì biên giới quốc gia luôn có sự thay đổi trong tiến trình lịch sử, các cộng đồng người trong quốc gia cũng có sự thay đổi, đây là một tiến trình diễn ra liên tục, không ngừng nghỉ. Các nhóm dân tộc có thể tiếp tục tồn tại và tạo ra mối nguy đối với chủ nghĩa quốc gia dân tộc đang thống trị theo hai cách: lật đổ hoặc phân rã. Chủ nghĩa quốc gia dân tộc chỉ thực sự thành công khi nhà nước đồng thời tăng cường ảnh hưởng và phản ứng thích đáng với những yêu cầu chung, thỏa mãn được các nhu cầu chính đáng của người dân, thì khi đó mỗi người dân sẽ trở thành các nhà ái quốc, có tinh thần dân tộc. Có thể nảy sinh các xung đột tiềm tàng giữa quốc gia dân tộc với các hình thức tổ chức không phải quốc gia dân tộc khi các tổ chức này theo đuổi các nguyên tắc chuẩn mực không tương thích với các chuẩn mực, nguyên tắc của nhà nước, nhất là xung đột hệ tư tưởng. Trong xã hội hiện đại, các dân tộc thiểu số ít nhiều phải đối mặt với nguy cơ bị đồng hóa (do hội nhập và sự hiện đại hóa), họ có thể yêu cầu được hưởng một số quyền đặc biệt do tính khác biệt về văn hóa và lối sống, mặt khác họ cũng có thể phải chịu sự phân biệt đối xử có tính hệ thống nếu họ được nhà nước trao cho các quyền này. Chế độ Apacthai ở Nam Phi dành cho người da đen ở nước này các đặc quyền về kinh tế, dạy ngôn ngữ châu Phi, giữ gìn các di sản văn hóa truyền thống đồng thời cũng tước đi của họ sự tham gia vào đời sống chính trị của đất nước Nam Phi. Nếu tất cả công dân đều được đối xử bình đẳng, một số giá trị văn hóa sẽ được tôn vinh nhưng nếu người dân bị phân biệt đối xử theo sự khác biệt về đặc điểm văn hóa thì thành viên thuộc các dân tộc ít người dễ bị thiệt thòi, yếu thế. Vì vậy, chủ nghĩa quốc gia dân tộc cần được mở rộng nội hàm, giàu tính bao dung, đại diện cho ước mơ và nguyện vọng của đông đảo người dân, bao quát được mọi thành phần dân tộc, vượt qua sự khác biệt, hướng đến lợi ích chung của đất nước. Cần lưu ý, chủ nghĩa quốc gia dân tộc gắn với nhà nước, với các nhóm dân tộc quy mô lớn đôi khi không tương thích/khác biệt với các giá trị của các dân tộc ít người, từ đó tạo ra sự tác động tiêu cực tới các dân tộc này. Khi văn hóa của họ bắt buộc phải thích nghi với các yêu cầu của nhà nước hiện đại, thường ít nhiều dẫn tới sự thay đổi bản sắc văn hóa dân tộc. Các dân tộc yếu thế hơn có xu hướng học ngôn ngữ phổ thông, trong quá trình này bản sắc văn hóa của họ cũng sẽ có sự thay đổi đáng kể. Sự khác biệt giữa các quốc gia dân tộc thường liên quan đến các phương thức hội nhập, hệ thống chính trị và điều kiện kinh tế đa dạng, do đó khi xem xét, xử lý các vấn đề dân tộc cần linh hoạt phù hợp với điều kiện của từng quốc gia cụ thể. Điểm lưu ý tiếp theo là truyền thống và lịch sử chính trị đặc thù có ảnh hưởng đến bản chất của các mối quan hệ giữa các dân tộc bên trong quốc gia. Cuối cùng, có lẽ là cơ bản nhất, sự phân chia quyền lực kinh tế, chính trị tạo thành cấu trúc xã hội của một quốc gia. Nói dễ hiểu hơn, các nhóm bị phân biệt đối xử, nghèo đói thì có ít cơ hội đạt được những quyền lợi của mình một cách thuyết phục, ngược lại các nhóm có sự thành công, như người Do Thái ở Mỹ, đã tạo dấu ấn, sắc thái văn hóa dân tộc rõ nét, được công nhận như những công dân Mỹ tiêu biểu trong so sánh với người nhập cư từ các dân tộc khác trong xã hội Mỹ.
  9. Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 04 (60) - 2019 37 Hiện nay, vấn đề dân tộc và các phong trào quốc gia dân tộc vẫn liên tục có nhiều diễn biến mới, với các xu hướng tồn tại song song: xu hướng liên kết như mô hình của Liên minh châu Âu, ASEAN hay xu hướng đấu tranh ly khai như ở Scotland (Liên hiệp vương quốc Anh), xứ Catalonia (Tây Ban Nha),.... Xử lý tốt vấn đề này lại tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất của từng bối cảnh cụ thể, mối quan hệ giữa các dân tộc trong quốc gia và mối quan hệ dân tộc với quốc gia, đặc điểm văn hóa lịch sử của từng quốc gia cụ thể. 4. Kết luận và hàm ý Khái niệm dân tộc và chủ nghĩa quốc gia dân tộc là những luận điểm còn gây tranh cãi trong giới học giả cũng như các nhà chính sách. Các trường phái lý thuyết có thể giải thích dân tộc từ góc độ sinh học, xã hội, văn hóa, kinh tế, lịch sử, theo đó dân tộc là khái niệm có tính động, thay đổi theo thời gian. Chủ nghĩa quốc gia dân tộc là khái niệm được các nhà tư tưởng, giới nghiên cứu giải thích dựa theo yếu tố lợi ích, với những cách tiếp cận riêng. Một số quốc gia sử dụng khái niệm này với biểu hiện bành trướng lãnh thổ trong khi nhiều quốc gia sử dụng nó như yếu tố đoàn kết dân tộc, quan tâm đến các nhu cầu chính đáng của người dân để cùng hội nhập, hợp tác hòa bình với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng chủ nghĩa quốc gia dân tộc diễn biến phức tạp, đa chiều cạnh, do đó đòi hỏi các nhà lãnh đạo cần có cách xử lý thận trọng, phù hợp với điều kiện thực tế, lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn hướng đến bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chính sách dân tộc được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển. Chúng ta cũng ý thức được rằng, việc xây dựng, củng cố, phát triển các giá trị tốt đẹp của dân tộc là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự góp sức của mỗi thành viên cũng như vai trò của nhà nước với hệ thống chính sách tổng thể, linh hoạt. Chủ nghĩa quốc gia dân tộc, trong bối cảnh quốc tế hiện nay có nhiều diễn biến đan xen phức tạp, chúng ta cần hướng đến bảo vệ các giá trị chính đáng, xây dựng khối đại đoàn kết trong nước, đồng thời tăng cường hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ đối tác trong khu vực và thế giới để tận dụng sức mạnh thời đại. Tăng cường tiềm lực quốc gia dân tộc là cơ sở mấu chốt để xây dựng, bảo vệ đất nước đồng thời đem lại cuộc sống ấm no, phát triển bền vững cho mỗi người dân Việt. Tài liệu tham khảo: Aboud, F. E. (1987). The development of ethnic self-identification and attitudes. Children’s ethnic socialization: Pluralism and development, 32-55. Calhoun, C. (1993). Nationalism and ethnicity. Annual review of sociology, 19(1), 211-239. Eriksen, T. H. (1991). Ethnicity versus nationalism. Journal of Peace Research, 28(3), 263-278. Gans, H. J. (1979). Symbolic ethnicity: The future of ethnic groups and cultures in America. Ethnic and racial studies, 2(1), 1-20.
  10. 38 Vũ Thái Hạnh & Phạm Thị Thanh Phương Gellner, E. (1983). Nationalism and the 2 forms of cohesion in complex societies. In Proceedings of the British Academy (Vol. 68, pp. 165-187). England: Oxford Univ Press. Glazer, N., & Moynihan, D. P. (1970). Beyond the Melting Pot: The Negroes, Puerto Ricans, Jews, Italians, and Irish of New York City (Vol. 63). Cambridge, MA: mit Press. Glazer, N., Moynihan, D. P., & Schelling, C. S. (Eds.). (1975). Ethnicity: Theory and experience (No. 109). Harvard University Press. Hobsbawm, E. J., & Kertzer, D. J. (1992). Ethnicity and nationalism in Europe today. Anthropology today, 8(1), 3-8. Nagel, J. (1994). Constructing ethnicity: Creating and recreating ethnic identity and culture. Social problems, 41(1), 152-176. Nagel, J. (1997). American Indian ethnic renewal: Red power and the resurgence of identity and culture. Oxford University Press on Demand. Orni, M., & Winant, H. (1994). Racial Formation in the United States: From the 1960s to the 1990s. London and New York: Routledge. Portes, A., & Bach, R. L. (1985). Latin journey: Cuban and Mexican immigrants in the United States. Univ of California Press. Sarna, J. D. (1978). From Immigrants to Ethnics: Toward a New Theory of. Ethnicity, 5(4), 370-78. Van den Berghe, P. L. (1981). The ethnic phenomenon. New York: Elsevier. Yancey, W. L., Ericksen, E. P., & Juliani, R. N. (1976). Emergent ethnicity: A review and reformulation. American sociological review, 391-403. Yang, P. Q. (2000). Ethnic studies: Issues and approaches. SUNY Press.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
8=>2