Đất yêu thương
lượt xem 5
download
Anh đoán chiều nay mưa lớn. Mới đầu buổi sáng lũ chuồn chuồn đã từ đâu bay tới, tỏa ra là đà chấp chới, xôn xao khắp mặt sông. Trời xám trắng ngưng đọng như cháo loãng, sắc xám buồn tẻ lây lan, kém tươi ngày chủ nhật. Gió thổi qua miếng vườn sau xốc xáo, hơi gió u u trĩu nặng hơi nước. Anh khuấy ly cà-phê thơm hương vị bắp rang, buông một câu tưng tửng bâng quơ: “Chắc chiều anh không đi vụ đó!”. Ba lần với ba giọng khác nhau, cuối cùng vợ anh cũng đáp,...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Đất yêu thương
- Đất yêu thương TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN THU PHƯƠNG Anh đoán chiều nay mưa lớn. Mới đầu buổi sáng lũ chuồn chuồn đã từ đâu bay tới, tỏa ra là đà chấp chới, xôn xao khắp mặt sông. Trời xám trắng ngưng đọng như cháo loãng, sắc xám buồn tẻ lây lan, kém tươi ngày chủ nhật. Gió thổi qua miếng vườn sau xốc xáo, hơi gió u u trĩu nặng hơi nước. Anh khuấy ly cà-phê thơm hương vị bắp rang, buông một câu tưng tửng bâng quơ: “Chắc chiều anh không đi vụ đó!”. Ba lần với ba giọng khác nhau, cuối cùng vợ anh cũng đáp, tay vẫn không ngưng vầy vọc mớ hột điều: - Nếu là chuyện quan trọng thì anh không nên bỏ hẹn. Chuyện đó thật ra có quan trọng không?! Nhạn không muốn hỏi có lẽ vì cô không cảm thấy ghen, cho dù theo anh, ráng giả bộ ghen đôi chút thì cũng hay. Những lúc nhận điện thoại của Linh anh thường tránh qua chỗ khác để nghe, bất kể nội dung có gì riêng tư vướng mắc hay không, nhưng Nhạn không lấy đó để nghi ngờ hay chất vấn. Lần lữa mãi anh cũng phải nhận lời Linh cho cuộc hẹn chiều nay, sau khá nhiều những trao đi đổi lại. Anh nửa muốn đi nửa không, bỗng lừng chừng trong khi thói thường anh rất khác. Bởi biết nếu xong rồi thì vẫn chưa hẳn xong, từ sau sẽ lu bù dính dáng. Nghỉ hè, vừa mới buông lũ học trò ra Nhạn đã tha về ngay một mớ hột điều gia công, rồi cứ thế bận tay suốt ngày bóc bóc lột lột. Năm ngoái thì cô gia nhập “đội quân” kéo chỉ xơ dừa, năm trước nữa đan lát mấy thứ đồ thủ công mỹ nghệ. Có người vợ thu vén đảm đang anh cũng thấy yên tâm, nhưng nhiều khi bỗng lên cơn tự ái kiểu đàn ông trong đầu anh đâm ra nghĩ ngợi vẩn vơ, liệu đó có phải là cô đang trách khéo khi anh chằn chẵn ngoài lương không biết làm gì thêm. Ngành du lịch của anh thời buổi này nếu giỏi xoay thì cũng khá phong lưu, nhưng anh biết rõ mình không tốt đường xoay xở. Ngoài ra, có gì đó rất mâu thuẫn trong cái cách mà sếp anh đối xử với anh, vừa tỏ ý nâng niu vì anh hăng
- hái, nhiệt tình, thông minh, thường xuyên nảy ra sáng kiến nọ kia; lại cũng rất thản nhiên lơ láo bỏ qua, không đưa áp dụng khá nhiều ý tưởng của anh tự ông biết là rất tốt. Cái ngày anh quyết định về đây đúng là công ty đã mở rộng cửa, trải thảm êm ái để đón anh, một cử nhân Du lịch tốt nghiệp hạng ưu từ thành phố trở về quê ôm ấp trong lòng bao nhiêu khát vọng, hoài bão. Đâu ngờ chỉ sau mấy năm va đập lăn lộn, anh thích nghi dần với kiểu sống an toàn, tự biết đâu là giới hạn để không còn quá hung hăng, đụng phải thứ gì cũng bức xúc, cũng đòi chấn chỉnh. Triết lý tỉnh lẻ cũ mòn dạy anh sống an toàn riết sẽ quen, kiểu quen lười biếng cho qua, hết giai đoạn tập sự rồi sẽ lên chính thức, hết xông xáo làm hướng dẫn viên dẫn đoàn đi rồi sẽ được đôn lên quản lý điều hành tour. Năm tháng phai mòn theo tuổi tác, đời cứ vậy trôi qua. Lấy vợ, sinh con, đời cứ vậy trôi qua. Bằng lòng, thỏa hiệp, đời cứ vậy trôi qua. Vậy nhưng trong suy nghĩ của anh, tuổi tác cũng không khiến người ta già nhanh bằng thói quen hờ hững, buông xuôi mà chấp nhận. *** Chuyển hầm hứ như vậy nhưng đến hơn một giờ trưa trời cũng chưa chịu đổ mưa. Sau bữa cơm thong thả với Nhạn, đợi khá sát giờ hẹn anh mới đẩy xe ra, nhưng tới nơi vẫn sớm hơn mười lăm phút. Từ ngày chiếc cầu dây văng to lớn nối thị xã với cù lao hoàn thành, đẩy những chuyến phà cần mẫn suốt bao năm xuôi ngược hai bờ của con sông lùi sâu vào dĩ vãng, chuyện đi lại nơi này nơi kia trong tỉnh đã đơn giản hơn rất nhiều. Vừa chạy xe anh vừa lan man nghĩ, ban nãy không biết vô tình hay cố ý Nhạn bỗng dưng lôi cái áo màu xanh đã rất lâu anh không mặc ra ủi rồi đưa cho anh, vô tư nhận xét anh mặc áo đó đẹp. Không ngờ qua mấy năm phát tướng, anh không còn thanh mảnh nữa mà đã có bụng, áo mặc chật như áo mượn. Là món quà Linh tặng anh từ trước khi chia tay. Không biết liệu Linh sẽ nghĩ gì nếu thấy lại anh trong chiếc áo của ngày xưa? Và Nhạn có mơ hồ biết lai lịch chiếc áo ấy không, nếu biết, Nhạn có còn vô tư chăm sóc anh như vậy? Chuyến về này, Linh đã chọn một nhà khách cỡ vừa để ở thay vì check in khách sạn hạng sang, anh đoán chắc là do quan hệ. Nhà khách BT của tỉnh anh vốn là đối tác khá hợp rơ
- với rất nhiều công ty du lịch lữ hành khắp nơi, hẳn Công ty Du lịch Cát Linh do Linh làm giám đốc cũng không ngoại lệ. Sang nhất thị xã anh là khách sạn ba sao HL nằm quay mặt ra con sông cùng tên, nơi mới tuần trước diễn ra Hội thảo Du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu long trong khuôn khổ Liên hoan Du lịch do tỉnh anh đăng cai tổ chức. Liên hoan khá xôm tụ nhưng tàn cuộc xong vẫn có cảm giác hơi thiêu thiếu, làm như có dịp thì cứ sum họp lại cho vui, vẫn còn bao nhiêu chuyện chưa nói và nói ra chưa biết sẽ làm được đến đâu, hay nói-không nói rồi rốt cuộc cũng y vậy thôi, chẳng khác. Riêng với anh lại càng bức xúc, cái dự án mà anh đã giành không ít thời gian, chất xám và tâm huyết đã bị sếp ơ thờ gác qua một bên, sau mấy bận thuyết trình trước công ty với minh họa rõ ràng, công phu, rốt cuộc đã bị sếp dán lên cái mác “không khả thi với thực tế kinh doanh du lịch trên địa bàn của tỉnh”. Rồi xếp xó luôn. Quá chán. Khi viết dự án đó, anh khởi đi từ suy nghĩ: sản phẩm du lịch xanh ở hầu hết các tỉnh miền Tây nói chung trong giai đoạn hiện nay đã gần như không còn khác biệt. Sao chép nhau na ná cùng một kiểu, quanh đi quẩn lại cũng nhà vườn, sông rạch, trái cây, tát mương bắt cá… Với địa hình đã lắm điểm chung, nếu không cố tạo ra nét gì riêng thì coi như “mất điểm”, du khách sẽ không còn muốn quay lại lần hai, và không quảng bá cho người khác cùng đi. Anh tâm huyết xây dựng một tuyến tour có hành trình xuyên suốt theo một kịch bản công phu, điều quan trọng cốt yếu là để du khách tham gia vào tour giống như tham gia những cuộc chơi do chính họ là nhân vật. Đường tour đầu tiên cũng là tuyến tour mẫu của dự án, anh đã chọn Xóm Cồn Dừa quê ngoại. Một xóm nhỏ có hai nghề truyền thống: dệt chiếu và nấu kẹo. Nhà vườn mùa nào thức nấy, anh tin chắc những đoàn khách tây hay du khách nội địa đến từ những chốn phồn hoa đô thị thích kiểu tour điền dã nông thôn sẽ hòa nhập nhanh nếu được tự tay trộn mắm tép, làm gỏi bưởi, hái lá giang nấu canh chua với thịt gà vườn, vò lá sương sâm, đan nệm cói, gói bánh tét lá dừa, ngủ thẳng giấc qua đêm theo kiểu homestay giữa vườn cây, sáng rủ nhau ra vườn bứt nấm mối, luộc hến vớt thịt, bằm củ hủ dừa đem đổ bánh xèo ăn kèm với rau cải trời… Thanh niên xứ dừa cần cù, chăm chỉ. Thôn nữ xứ dừa nước da rám hồng không son phấn, tánh nết thiệt thà, nói năng nhỏ nhẹ dễ nghe. Chỉ cần qua một lớp
- tập huấn chừng ba tháng dạy các em cách thức kinh doanh, cách thức làm dịch vụ du lịch sao cho tận tình chu đáo, cho khéo cho khôn, đảm bảo các em sẽ hút hồn du khách không chỉ vì chiếc áo bà ba ôm tấm lưng ong, hay mớ tóc dài đen óng ả. Cũng vì anh quá khát khao được khoe xứ sở quê hương với đất, với người rất mặn, rất duyên nên đã đổ công làm dự án, chi tiết đến từng bước đi, từng bối cảnh, nhưng tới lúc người ta muốn bác bỏ anh thì lý lẽ tuôn ra cũng không kém phần đanh gọn. Đòi hỏi những con người vốn mộc mạc, giản đơn như con cá, củ khoai bước một bước lên làm du lịch chuyên nghiệp như bên Thái, bên Sing hay bên Nhật… xem ra cũng khó như trèo trăng bắt gió. Sức ì quá lớn gây nên nỗi sợ, đã khiến người ta luôn lo lắng về thất bại. Suốt cả tuần lễ Liên hoan Du lịch anh đứng trực gian hàng của công ty, thấy thiên hạ kéo nhau lũ lượt tham quan, lũ lượt xin những tờ bướm in chương trình tour rồi lắc đầu chê bai không thấy gì mới cả. Chắc hẳn sếp anh quá biết, nhưng ông không lấy làm sốt ruột. Chỉ với năm năm ít ỏi đi làm, anh nhận xét chung có hai kiểu sếp: kiểu nhìn-xa-trông- rộng luôn đón ý cấp trên để ăn theo nói theo làm theo và kiểu an-phận-thủ-thường nếu hôm qua như thế nào thì hôm nay và ngày mai cũng cứ để y chang, sẽ yên ổn băng qua những điều chộn rộn. Sếp anh lại tổng hòa luôn cả hai thứ ấy. Mỗi ngày tới trực ở Liên hoan anh đều đem theo tập hồ sơ dự án, để yên trong cặp vì không tìm thấy lý do để lôi ra. Tận tới gần hôm kết thúc, khi anh bất ngờ gặp lại Linh. *** Tới nhà khách BT, anh ghé hỏi tiếp tân thì họ nói Linh đã đi ra ngoài từ trưa. Gọi di động chuông đổ liên hồi nhưng Linh không bắt máy. Anh trở ra nhà hàng, một kiểu nhà hàng sân vườn tỉnh lẻ kiêm luôn quán cà-phê với cây xanh đơn giản vây quanh. Chọn tới chọn lui anh lấy được cái bàn trong góc, hơi cách biệt nên đỡ ồn ào hơn. Đúng khi ấy trời đổ mưa, mưa như trên trời có bao nhiêu nước là trút hết. Đã khá lâu kể từ khi lấy vợ anh mới có cuộc hẹn riêng với một phụ nữ, không tin nổi chính là Linh. Gặp lại ở Festival sau gần sáu năm bặt tin, khi đời đã có biết bao đổi thay, Linh xử sự bình thường như cả hai mới vừa xa nhau hôm qua, như thể giữa anh và cô chưa từng có thất vọng, chia ly, ngỡ ngàng, đau khổ. Sáu năm Linh đã kịp có một công ty du lịch lữ hành riêng làm ăn rất tốt, kịp lấy
- một ông chồng tây, kịp đi thực tế nhiều nơi để tích lũy kinh nghiệm, cả trong và ngoài nước. Hay nói rõ hơn là Frederick, anh chồng người Mỹ của Linh đã hỗ trợ cô rất nhiều, vì anh ta vốn say mê cả ba thứ: Linh, kinh doanh và du lịch. Âm thầm quan sát và đánh giá Linh của hôm nay, anh thấy cô mặn mà duyên dáng xinh đẹp hơn, rất viên mãn và thành đạt. Sự tự tin của Linh đã làm anh bối rối, anh chỉ muốn cho qua những câu chuyện buồn trong quá khứ. Bận việc nên mãi đến ba ngày cuối Linh mới thu xếp để về tham dự Liên hoan. Lang thang qua chuỗi gian hàng của các công ty, xem cả xấp những chương trình tour và hỏi han đủ thứ thông tin, Linh rút ra nhận xét giống anh: sản phẩm du lịch xanh của miền Tây Nam bộ mấy năm trở lại đây hầu như không có gì đột phá. Mà cũng không phải đợi đến Liên hoan lần này Linh mới nhận ra điều đó, duy trì những tuyến điểm đưa du khách về đây nên cô vẫn hay để tâm mong ngóng, chờ đợi xem có đường tour mới lạ nào không. Gần đây, Linh nảy ra ý tưởng liên kết đầu tư, nhưng mới chỉ là dự định thôi nên vẫn đang phải suy nghĩ tiếp. Không ngờ ý hướng của Linh quá hợp ý anh, càng nói càng bật ra lắm điểm tương đồng trong cách cảm, cách nghĩ. Giữa chừng cuộc chuyện trò say sưa, trong một lúc hứng khởi bốc đồng anh đã lôi bản dự án từ trong cặp ra khoe với Linh, chỉ nghĩ nếu có tìm thêm một đồng minh ủng hộ và chia sẻ với những gì anh tâm huyết nhưng không có chỗ để dụng công thì cũng được an ủi. Cầm tập dự án đọc ngấu nghiến luôn ngay tại chỗ, khi ngẩng lên Linh nhìn thẳng mắt anh: - Em thích lắm. Anh đã bán kế hoạch này cho ai chưa? Cảm giác nghẹt thở kỳ lạ bỗng ùa dâng, xâm chiếm lấy anh. Giống như người bơi mãi không thấy được bến bờ là đâu bỗng dạt lên một chốn đảo hoang, ngỡ ngàng nhận ra nơi đây chính là thiên đường trong mơ tưởng. Linh không vội vã đưa ngay cho anh những lời hứa hẹn, nhưng cái cách mà cô bình tĩnh tung ra hàng loạt câu chất vấn tiếp theo khiến anh hiểu sự quan tâm của cô không chỉ dừng ở mức đổi trao ý tưởng. Trải qua giây phút sôi nổi phấn khích, anh chợt thấy mình giống như con cá ham ăn còn Linh giống tay câu lão luyện đang lặng lẽ buông cần, giăng lưới. Lần đầu tiên sau suốt quãng thời gian đi
- làm khá yên ổn trong một công ty du lịch của nhà nước, anh bỗng manh nha ý định xin nghỉ để tách ra làm riêng. Đúng hai giờ chiều Linh xuất hiện ở cổng nhà khách, đầu tóc áo quần ướt đẫm nước mưa. Anh giơ tay vẫy cô, thấy Linh hớn hở vô tư hệt như đứa trẻ con mười ba tuổi vừa trốn mẹ đi đón cơn mưa đầu mùa. Khi Linh đi tới bên bàn anh, nhiều người trong quán ngó anh rồi ngó cô, ánh nhìn hiếu kỳ của họ như có gì châm chọc. Nhẹ nhàng anh hỏi: - Em đi đâu mà ướt hết vậy? - Không, em cố tình tắm mưa đó chớ. – Linh hồn nhiên đáp. –Nghe người ta giới thiệu có một ngôi nhà cổ muốn đưa vào khai thác du lịch nên em tranh thủ tới coi. Đã canh giờ để về gặp anh nhưng về gần tới nơi xem đồng hồ thấy còn hơn năm phút nên em xuống xe đi bộ, vừa hay có cơn mưa này đổ xuống. Em dầm mưa luôn. - Em vẫn còn thích mưa y như hồi xưa. – Anh chùng giọng, nỗi nhớ lan tỏa râm ran. Tưởng như câu chuyện những cơn mưa chỉ có trong ngày hôm qua. Dạo ấy vào mùa mưa, Linh thường đi ra đường không đem theo áo mưa, và chỉ mong những cơn mưa đổ xuống để tắm mưa đến lạnh run, lạnh tới nỗi môi răng đánh vào nhau lập cập. Bây giờ vẫn vậy. Mưa ướt bết dán quần áo dính trên da thịt Linh, cũng may cô đang mặc bộ đồ đen và chất vải không quá mỏng. Nhưng khi nước mưa bắt đầu ngấm thì Linh khe khẽ run lên. - Em có cần lên trên phòng để thay đồ không?- Anh cảm thấy ái ngại. - Chắc em bị cảm. – Linh cười sau một tràng nhảy mũi. Và cô tươi tỉnh nhìn anh, làm như mới chợt nghĩ ra: - Hay anh gọi tính tiền nước đi, mình lên phòng em bàn công chuyện luôn.Ở đây đông người quá, coi bộ cũng lu bu. Anh gật, vui vẻ làm theo. Phòng Linh ở trên lầu hai, nhà khách không thang máy nên cả hai thong thả đi bộ. Phòng số 206 quay ra mặt sông, mưa vẫn đang giăng mờ mịt. Việc đầu tiên Linh làm là chui ngay vô phòng tắm, còn anh đi lại bàn ngồi. Lôi tập dự án đã
- gần như thuộc lòng ra, anh mở xem lại thêm một lần. Trong những cuộc trao đổi qua điện thoại, Linh đề nghị anh đích thân giám sát dự án nếu cô đầu tư. Công bằng mà nói điều Linh mong cũng hợp lý thôi, và anh rất biết với dân kinh doanh thì kết quả công việc tính theo lợi nhuận mới là quan trọng. Vấn đề lớn nhất của địa phương anh luôn vẫn là con người, mọi thứ sẽ trở nên bộn bề khi anh chỉ có một mình. Trước đây anh chỉ nghĩ, lập dự án này ra là để đem áp dụng với cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực sẵn có của công ty anh. Nghĩ tới đó anh giật mình ngẩng lên vì nghe tiếng nước chảy, không phải tiếng mưa ngoài cửa sổ. Qua cánh cửa phòng tắm khép hờ, những tiếng động khá nhạy cảm mà Linh gây ra từ bên trong vọng ra rõ mồn một. Anh thấy hơi ngạc nhiên. Đứng dậy, anh tiến về phía phòng tắm vừa giơ tay định đóng cửa giúp Linh thì ngay đúng lúc cô từ bên trong kéo cửa bước ra, trên mình chỉ quấn ngang một chiếc khăn tắm. Anh lúng túng thanh minh: “Ơ… Anh tính…”, nhưng cô mỉm cười bước nhanh về phía chiếc tủ, mở ra chọn quần áo tỉnh bơ như không có gì xảy ra. Trở lại chỗ ghế anh ngồi xuống, vẫn trong trạng thái rất không bình tâm. Dường như Linh đang cố ý làm cho anh phải xao động tâm tư thêm một lần vì cô, và anh chưa biết lý do để cô muốn vậy. Lúc đó thì Linh đang tháo bỏ chiếc khăn tắm và mặc quần áo ở ngay sau cánh cửa tủ. Vài phút sau Linh xuất hiện trước mặt anh trong bộ quần áo lụa, trông cô rất mềm mại và quyến rũ. Ngồi nơi mép giường Linh thong thả chải đầu, nhoẻn cười với anh nụ cười thân thuộc y như cái thời cô cùng sống với anh trong căn nhà trọ ở gần trường Đại học HB. Anh thở dài, hỏi khẽ: - Như vầy em không thấy ngại sao? - Ngại gì chứ, anh. Dù sao mình cũng từng có gần hai năm sống thử với nhau, thuộc nhau đến từng chân tơ kẽ tóc. – Linh giữ vẻ bình tĩnh. - Nhưng bây giờ em… - …em đã có chồng, còn anh có vợ. – Linh nhoẻn cười. –Thật ra thì em cũng không có ý gì đâu. Ăn thua mình biết mình thôi.
- Cách nói của Linh là vậy, tưởng như mọi thứ quá chừng giản đơn. Chẳng hạn như cái vụ chia tay ngày đó, một buổi sáng thức dậy trên giường Linh bảo có vấn đề nghiêm trọng: rằng cô không còn thấy yêu anh nữa nên họ không thể tiếp tục sống chung. Tưởng Linh đùa anh đã vừa cười vừa chất vấn cô tại sao, anh có lỗi gì quá kinh khủng để tới nỗi cô phải chán anh. Nhưng Linh nghiêm giọng nhắc lại thêm một lần xong lặng lẽ đi thu dọn đồ. Gần hai năm chung sống, gian phòng trọ nho nhỏ chất chồng thêm bao nhiêu thứ không thua gì một mái ấm gia đình. Nhà ba mẹ Linh ở cách đó không xa, chỉ vì yêu anh mà hai năm trước cô dọn tới cùng anh góp gạo thổi cơm chung, vượt lên trên tiếng đời dị nghị. Mà thật ra trong đám sinh viên hồi đó cũng không ít người sống thử. Có người tỏ ý lo cho đám trẻ bọn anh khi phá bỏ khuôn mẫu bền vững kiểu gia đình truyền thống, nhưng lý lẽ của Linh thật nhẹ nhõm: “mình không sống thử sao biết, lỡ không phù hợp đã ràng buộc hôn nhân muốn chia tay sẽ mắc kẹt trong hàng tỉ thứ linh tinh”. Suốt những ngày yêu đương chưa bao giờ Linh đặt ra vấn đề cưới hỏi, nhưng mặc nhiên anh đã xem cô là vợ. Mấy thằng bạn thân đồng môn cùng dân tỉnh có khi ganh tỵ, nói anh khôn hết phần thiên hạ. Bọn nó nhìn xa trông rộng giùm anh, học ra trường cưới Linh anh tất nhiên sẽ vô hộ khẩu thành phố. Linh xinh xắn, giỏi giang, lại không phải là con một nên lấy cô anh sẽ không phải chịu áp lực từ phía gia đình nhà vợ. Học cùng ngành du lịch nên nếu muốn hai vợ chồng có thể sát cánh bên nhau gầy dựng chung cơ nghiệp… Và còn bao nhiêu những lợi điểm khác nữa nếu Linh và anh kết thúc quãng thời gian “sống nháp” bằng đám cưới. Vậy mà do can cớ gì không rõ, anh đã làm cho phai hết tình yêu của Linh. Sau biến cố nặng nề làm thay đổi mọi thứ, anh suy sụp đến nỗi định bỏ thi tốt nghiệp, khăn gói trở về quê. Nhưng trái với sự suy đoán đầy ghen tuông tức giận của anh, Linh không dọn khỏi căn phòng chung của hai người để đến với kẻ-thứ-ba mà trở về nhà ba mẹ cô. Từ đó đến khi Linh bảo vệ luận văn tốt nghiệp, anh không hề nghe nói cô có chuyện yêu đương nào khác cả. Tuổi trẻ bốc đồng, dễ tổn thương nhưng cũng nhanh lành vết thương, anh lây lất chuyển tới ở chung với ba thằng bạn để chia bớt tiền phòng, lao đầu đi làm thêm để nỗi bận rộn xâm chiếm hết thời gian và đầu óc, không phải nghĩ
- không phải buồn. Lũ bạn thương tình khuyên anh nên tìm cô gái khác để lấp lên khoảng trống, nhưng anh thấy mình không sẵn lòng. Tình yêu với Linh đã tạo cho anh một số thói quen không dễ dàng dứt bỏ, bao gồm cả thói quen trong quan hệ giới tính. Cứ nghĩ đến việc sẽ phải tập lại từ đầu cho ai đó làm quen với những thói quen của anh, và tập cho chính anh quen được với người ta là anh thấy đầy ngán ngại. Sau này lấy Nhạn anh mới ngẫm ra không hẳn vậy, sự mới lạ trong tình dục có khi là yếu tố hấp dẫn lôi cuốn đôi bên hút vào nhau. Ngay cả khi không có tình yêu, quan hệ thể xác vẫn có thể khiến cho người ta quyến luyến và đắm say, để rồi lắm lúc chợt băn khoăn có phải vì đam mê thể xác mà yêu mến được nhau không. Thật cũng không biết được. Nên có những thằng bạn của anh thay bồ như thay áo, tụi nó thường hay lên mặt “dạy dỗ” anh rằng có những người phụ nữ để yêu nhưng cũng có những cô em chỉ thích hợp cho chiếu giường, chăn gối. Rồi có đôi ba lần anh ngồi nhậu với mấy ông anh lớn tuổi, những ông đã có bề dày hôn nhân, bị hôn nhân làm cho chán chường uể oải. Các ông khẳng định còn có thêm dạng phụ nữ thứ ba, rất đáng được nâng niu và ưu ái trong vị trí tình nhân, các nàng biết chia sẻ, cảm thông do có những điều họ thấu hiểu các ông còn hơn cả vợ. Họ như nắng ấm, mật ngọt, hương hoa, không những làm tươi tắn, sinh động tâm hồn tưởng như đã khô mòn, chai đá của các ông; mà còn biết lắng nghe, cộng hưởng, hỗ trợ, nâng đẩy tinh thần các ông rất nhiều trong công việc. Đó là những trải nghiệm anh chưa biết nên trong các cuộc trà dư tửu hậu ấy, các ông đa mang cứ mặc sức mà ba hoa. Anh bỗng thấy sợ khi Linh đang thu hút quá mãnh liệt anh không khác thỏi nam châm, còn anh thì như chỉ kháng cự cho phải phép. Nhưng Linh đã lôi anh về với thực tại, về với công việc, với cái dự án anh rất tâm huyết và ấp ủ. Cô rành rẽ đề đạt ra hai phương án, cái nào nghe cũng thấy ổn-nhưng-chưa-ổn. Phương án thứ nhất là anh sẽ nghỉ việc về làm trưởng chi nhánh miền Tây của công ty Cát Linh do cô làm giám đốc. Vốn đầu tư sẽ đổ về ngay để anh tập trung nhân lực và mua sắm trang thiết bị tiến hành triển khai dự án. Phương án thứ hai là anh mở hẳn một công ty riêng lo phần thiết kế và vận hành các tuyến tour thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trên địa bàn quê hương anh, còn công ty của Linh sẽ lo đầu vào, vì cô nắm được khá nhiều nguồn khách mua
- tour cũng như những đầu mối “thu gom” theo kiểu đại lý. Điều chắc chắn với cả hai phương án là anh sẽ phải chấm dứt công việc ở công ty nhà nước chuyển ra làm tư nhân. Thật ra trong bối cảnh xã hội hiện nay và theo cách tư duy của thế hệ 8X bọn anh thì làm việc cho công ty tư nhân hay nhà nước đã không còn là vấn đề quan trọng, nỗi trăn trở đáng nghĩ chính là việc anh luôn mong muốn được góp phần xây dựng thương hiệu mạnh cho ngành du lịch của tỉnh, tạo nên dấu ấn đậm đà khác biệt cho ngành-công-nghiệp- không-khói của xứ cù lao theo một cách thức “truyền thống” nhất. Thấy anh có vẻ băn khoăn, Linh nói anh cứ bình tâm suy nghĩ rồi đưa ra quyết định sau. Và cô đề nghị: - Bây giờ cũng chưa trễ lắm, hay anh đưa em về thăm Xóm Cồn Dừa quê ngoại của anh mà anh đã viết trong dự án được không? Em muốn “trăm nghe không bằng một thấy”. Tất nhiên là được thôi. Chợt nhớ khoảng thời gian cả hai còn chung sống với nhau, mấy lần anh rủ về quê nhưng lúc nào Linh cũng trưng ra cái giọng tưng tửng: “Biết có thành chồng vợ, dâu rể với nhau không mà về. Lỡ về chơi cho biết rồi em trót yêu luôn quê hương anh, thì khi lấn cấn chuyện gì đó em làm sao bỏ anh được!”. Anh nghe người ta nói có những việc không nên lấy ra để đùa chơi, ví dụ như chuyện chia tay trong một mối quan hệ yêu thương. Dường như Linh quá hay nói về cái sự bỏ nhau theo cùng cung cách nửa đùa nửa thật nên cuối cùng tan vỡ là không thể tránh. Anh ngó ra ngoài cửa sổ, mưa đã bớt nặng hạt nhưng vẫn chưa dứt hẳn. Trút được kha khá nước nên trời đã tan sắc xám, chuyển qua màu trắng đục. Đâu đó ở sau mây, mặt trời vẫn đang ủ nắng chờ mưa qua. - Chờ tạnh mưa hay mình đi luôn?– Không quay lại, anh hỏi Linh. - Đi luôn chớ. Mưa thì em tắm mưa lần hai. À phải, anh quên mất, Linh là cô gái chuyên dầm mưa. Anh điện thoại về nhà, dặn Nhạn có thể anh về trễ, tới bữa thì cô cứ ăn cơm trước đừng chờ. Còn Linh bấm máy gọi cho tài xế, nói chuẩn bị xe sẵn sàng trước cửa nhà khách, chờ cô xuống là đi ngay. ***
- Ngồi trên xe hơi riêng của Linh cùng với Linh về quê ngoại – nếu việc này xảy ra với anh từ sáu, bảy năm trước thì chắc anh sẽ rạng rỡ, vung vinh lắm. Người dân quê anh thường hay đánh giá sự thành công của những đứa con đi học, đi làm xa trở về quê nhiều khi chỉ thông qua mấy thứ vật chất mang nặng tính bề ngoài như nhà lầu xe hơi, chiếc nhẫn hột xoàn đeo nặng ngón tay hay sợi dây chuyền vàng chói chang sáng rực trên cổ. Nghèo khổ tuy khó chịu nhưng nghèo riết người ta cũng phải quen, chứ một khi đã giàu lên người ta có thể “chết” khơi khơi vì sĩ diện. Vừa lúc Linh bật cười chỉ cho anh một căn nhà đúc có màu sơn chói chang với trang trí nổi bật, diêm dúa trong khung cảnh đơn sơ bình dị của mía, dừa, cam, của xanh um đám lá xoài non, mộc mạc nâu mấy quày dừa nước. Cô chợt nhắc: - Em nhớ trong dự án của anh có phần lưu ý được nhấn mạnh: “tuyệt đối không sử dụng bê-tông cốt thép hay những nguyên vật liệu thô cứng, không xây dựng các công trình có kiểu dáng hiện đại phá vỡ cảnh quan của những tuyến tour Du lịch Xanh”. Chi tiết đó làm em tâm đắc, em dị ứng cái kiểu đó lắm. Anh thấy vui vui, vô tình hay cố ý Linh vẫn đang chứng tỏ cô và anh luôn có không ít điểm chung trong cách nhìn nhận và đánh giá công việc, cuộc sống. Lúc xe đi ngang ngôi trường tiểu học Lê Anh Xuân bé nhỏ khiêm tốn, anh chỉ cho Linh: - Hồi xưa anh học ở đó. - Vậy anh học có giỏi không?– Linh bấm cửa kính xe, thò cổ ra ngoái đầu lại xem. Anh cười: - Cũng giỏi… Học giỏi chính là phương cách tốt nhất để những đứa con nhà nghèo, dân tỉnh lẻ, không thân thế như anh có cơ hội để vươn lên, thoát ra cái nghèo cái khổ. Nhớ một thời tuổi thơ lam lũ, leo bẻ dừa chất thành đống cao có ngọn sau vườn, bán từng thiên cho thương lái nhưng tiền thu cũng chẳng bao nhiêu, rồi đẩy xuồng đi móc bùn mương bỏ mía, mình mẩy lấm láp tanh rình bùn đen, mỗi buổi chiều về ngụp lặn tắm sông. Ngồi nhìn những chuyến xà-lan chở khẳm cát, những chiếc ghe có trọng tải lớn chất đầy hàng cứ theo con
- nước lớn mà đi, anh đã ước sau này lớn lên cũng sẽ được ruổi rong khắp chốn cùng nơi cho thỏa khát vọng. Bây giờ thì anh đã cùng theo chân những đoàn du khách đi đó đi đây, và còn hơn như vậy nữa là được chào đón mọi người về đây thăm thú, vui chơi, để anh có dịp khoe quê hương với biết bao tự hào, hãnh diện. Nhưng nghĩ thêm về hai phương án mà Linh đưa ra anh vẫn nhiều lấn cấn. Nếu theo cách thứ nhất anh sẽ thành một nhân viên dưới quyền Linh, coi như anh đổi sự lệ thuộc từ sếp hiện nay sang một “sếp bà” là Linh, vẫn biết tính tình cô mềm dẻo, thức thời và đồng cảm với anh trong suy nghĩ, nhưng nỗi tự ái đàn ông đã đặt anh trong cảm giác bất an. Linh thật sự dám xả thân cho những gì cô đam mê nhưng cũng dám bỏ đi khi lòng đã nguội. Còn theo cách thứ hai anh sẽ chủ động hơn, tình thế cân bằng hơn khi anh và Linh kết nối như hai đối tác ngang cơ, nhưng mọi thứ cũng bộn bề hơn, đăng đăng đê đê đủ để nhấn chìm anh trong cái khung của người quản lý, thay vì chỉ tập trung chăm chú vào chuyên môn. Lúc anh và Linh dừng xe trước nhà ngoại thì mưa chỉ còn lất phất lay phay mấy sợi mỏng tang. Thấy anh về không báo trước lại không đi với Nhạn ngoại có vẻ lo, kéo anh vô trong buồng hỏi han: “Vợ con đâu? Hai đứa bây có chuyện gì không? Con nhỏ đó là ai?”. Anh bật cười, giải thích cho ngoại nghe rồi hỏi lại: “Má con đâu? Út Nghĩa có nhà không vậy ngoại?”. - Bên nhà nội con có đám giỗ, má con đi phụ giỗ từ hồi sớm mơi tới giờ chưa thấy về. Còn con Út thì bữa nay chủ nhựt mà cũng phải vô trường, nghe nó nói dắt học trò đi thi. Má anh nấu ăn ngon, tánh tình mau mắn, hiền hậu, sởi lởi nên bận rộn theo phụ đám quanh năm. Riêng bên nhà nội anh một năm mười hai tháng thì có tới mười ba cái đám giỗ. Anh cưới Nhạn, ra riêng, má không về cùng với vợ chồng anh mà vẫn ở đây với ngoại. Xưa ba má lấy nhau, nhà nội quá đông trong khi nhà ngoại thì neo đơn nên ông bà nội “gật đầu cái rụp” đồng ý cho ba đi ở rể. Loay hoay số phận hay sao, ông ngoại mất sớm bỏ bà ngoại bơ vơ một nách hai con ngay lúc nửa chừng xuân, rồi lại ứng y chang với má. Ba anh mất vì tai nạn từ hồi Nghĩa mới hơn năm tuổi, má mặn mà son trẻ nên cũng lắm ông theo – nhưng má vì thương con nên cũng chẳng ưng ai, ở vậy luôn cho tới bây giờ. Bởi vậy nên quê ngoại đối với anh là nâng niu, trọn vẹn yêu thương, ắp đầy
- những kỷ niệm trong ký ức cho suốt cả một thời hoa niên non nớt và vụng dại. Thời gian anh sống thử với Linh má biết, má không thuận ý hỏi đi hỏi lại anh có thật lòng thương cô không. Nếu có thì má sẽ đem trà rượu tới nhà thưa chuyện cùng ba má Linh, hỏi cưới cô cho anh đàng hoàng; còn nếu không thì phải dứt ra, không thể cứ “ầu ơ ví dầu” như vậy được. Không biết bây giờ gặp lại Linh trong hoàn cảnh như vầy má sẽ như thế nào? Qua chút lượng sượng ban đầu ngoại đã tươi trở lại, bà ân cần hỏi han Linh, chặt dừa cho cô uống, lấy mứt chùm ruột bà mới làm hôm qua mời cô ăn, rồi còn chỉ cho cô mấy cây xoài cây mận có trái chín ở sau vườn để cô tự tay hái xuống. Anh thấy vui vì Linh rất khéo, ngoại cho ăn gì uống gì cô cũng trầm trồ khen ngon, hồn nhiên thích thú như đứa trẻ mới từ thành phố được ba má cho về quê nghỉ hè, giản dị khiêm nhường trong cái vỏ sang trọng bên ngoài nên chan hòa rất nhanh. - Để con đưa Linh ra ngoài rạch chơi nghen ngoại. – Anh nói. - Ừa, con dắt bạn đi đi. Cái xuồng ngoại vẫn cột ở y chỗ đó. – Ngoại đáp lời anh, lui cui làm gì đó sau bếp. – Để ngoại nấu cơm, hai đứa ở chơi lâu lâu, ăn cơm rồi hẵng về nghen. Cả anh lẫn Linh cùng dạ, bật cười nhìn nhau. Anh đi lấy cây chèo rồi kéo Linh ra sau nhà, dẫn cô băng qua lối vườn với những cây dừa thân thẳng vươn cao, hướng về phía con rạch. Còn nghe văng vẳng tiếng ngoại dặn với theo “trời mới vừa mưa, con nhớ nhắc bạn cẩn thận nghe, sình trơn lắm đó, coi chừng té”. Ngoại cứ vậy thôi, anh lớn bao nhiêu thì cũng vẫn coi anh như một đứa trẻ cần được bảo ban, lo lắng. Chiếc xuồng quen thuộc neo ở dưới gốc sao nơi mé rạch dừa nước đan ken, anh đưa cây mái chèo cho Linh cầm, kéo xuồng vô cặp sát mí đất, leo xuống trước rồi đỡ cô lên theo. “Em thật giống cô dâu mới lần đầu về thăm quê chồng!”, anh mấy lần định nói với Linh như vậy nhưng thấy ngại nên thôi. Kể cũng lạ, cưới Nhạn đã mấy năm nhưng chưa bao giờ anh có với vợ một chuyến chèo ghe vui vẻ rong chơi, dọc ngang theo những con rạch xanh um cây lá vùng quê ngoại. Đơn giản vì Nhạn cũng là dân ở đây, ghe xuồng sông nước đối với cô không có gì mới lạ. Nhạn là bạn học chung khóa sư phạm với Nghĩa, em
- gái anh. Nhưng ngay cả khi đã là vợ anh thì Nhạn vẫn cứ duy trì một khoảng cách, như thể làm như vậy cô sẽ thấy an toàn yên ổn hơn. - Anh đang nghĩ gì mà có vẻ đăm chiêu quá? Linh hơi nghiêng người qua để tránh đám ô rô cóc kèn tua tủa gai, anh cho ghe quẹo phải rồi hướng thẳng về khu dệt chiếu. Giọng anh lắng nhẹ: - Linh à. Cuộc sống hôn nhân của em có hạnh phúc không? Câu hỏi rất tự nhiên bật ra, như thể anh muốn biết từ lâu. Có gì gợn gãy, không suôn sẻ không sau tất cả những điều tốt đẹp, long lanh mà Linh vẫn thường trưng ra. Hay em nói vậy không phải vậy?! - Đừng lo cho em. Fred tốt, cuộc sống em thoải mái. - Nếu được như vậy anh cũng mừng. - Thiệt mà anh. Em nghĩ là em ổn! - Vậy… có gì Fred có mà anh không có? Để làm cho em hạnh phúc… - Em cũng không biết nữa. Nhưng em tin hôn nhân là do duyên nợ. Với Fred, em đã bị anh ấy lôi cuốn và chinh phục vì luôn mới mẻ, hấp dẫn, không chỉ do những khác biệt về văn hóa, hoàn cảnh sống, nền tảng giáo dục, mà còn do sự thu hút từ tính cách của con người anh ấy, và từ những yêu thương, chia sẻ đầy trách nhiệm. - Ừ, anh hiểu… – Vàanh bất giác thở dài. – Vậy là em trọn vẹn, đầy đủ quá. Đâu còn thiếu thứ gì. - Còn chứ! Linh nhoẻn cười: - Bởi vì anh cũng có những điều mà Fred không thể có. Nhiều khi em chợt thấy, hạnh phúc mình vẫn luôn khao khát và tìm kiếm thật ra rất đơn giản thôi, ở đâu đó xung quanh mình… Bỗng Linh ngừng ngang, hớn hở đưa tay vẫy:
- - Ơ, coi kìa anh. Đám cưới… Thấp thoáng sau những vạt dừa nước, nơi con rạch mở rộng thành ngã ba dẫn ra sông, một chiếc đò hoa chở cô dâu chú rể đang tưng bừng lướt qua. Tiếng người cười nói vui vẻ xôn xao. Anh cho ghe tấp lại ngay chân chiếc cầu xi-măng cao ngất nghểu bắc vồng băng ngang con rạch, chỉ cho Linh căn nhà có cây mít sai lúc lỉu: - Hình như thím Bảy đang dệt chiếu đó. Linh gật: - Anh và em giống như hai người đi mở tour. Đúng thiệt, anh và Linh giống như hai người đi mở tour, mở thêm tuyến mới, mở ra những cơ hội đầy hy vọng. Anh thao thao dẫn dắt, nơi này sẽ dựng quán lá, đổ bánh bò nước dừa hay bánh bông lan, bắc cái lò than nho nhỏ quạt bánh phồng, đặt nồi ốc bươu hấp xả hay tráng bánh xèo phục vụ cho du khách, chỗ kia làm sân khấu nước, diễn dăm ba trích đoạn khẩn hoang, nếu du khách nào ham vui có thể cùng tham gia… Còn đây sẽ là nơi du khách có thể tự tay khắc chạm tên mình lên mấy món đồ lưu niệm xinh xắn làm từ gáo dừa, và đây sẽ là nơi mỗi du khách có thể trồng và “ký gởi” lại một cây xanh để cho người dân ở đây chăm sóc giùm, khi có thời gian sẽ quay trở lại thăm, coi cây lớn được tới đâu… “Em thấy yêu đất này”, Linh nói vậy ngay lúc cô trượt chân té lọt trong đám sình, “Yêu luôn cả cái mùi bùn!”. Đỡ cô dậy, sẵn đà anh làm tới: “Biết vậy anh đã đưa em về đây từ sáu bảy năm trước, để em yêu đất rồi yêu người luôn, em sẽ không bao giờ bỏ anh!”. Linh không đáp lời anh nhưng cái nhìn cô như muốn nói: “Anh quá biết thời gian có quay trở lại được đâu.”. Có những điều đã qua lòng sao nuối tiếc, dùng dằng như không muốn để cho qua. *** Khi anh cùng Linh tấp ghe về tới bến cây sao thì trời đã đổ hoàng hôn. Trong ánh tà dương buông, từng vệt mây như nét cọ quét ngang ráng chiều sâm sấp đỏ. Chưa tối hẳn nhưng bọn đom đóm đã chập chờn đi ăn đêm, cụm cây bần thẫm đen lập lòe muôn đốm sáng. Phụ anh cột ghe rồi vác cây chèo lên, Linh hồn nhiên xoa bụng than đói. Anh cười
- nói: “ngoại chắc đang chờ cơm”. Không biết Nhạn có ăn trước khi đến bữa đúng như anh dặn không, hay cũng đang khắc khoải chờ cơm anh ở nhà. Xách lên mấy bịch lủng củng đủ thứ trái cây trong vườn của những nhà quen mà anh và Linh mới vừa ghé thăm, cũng tại Linh ham nên ai cho gì cũng ôm, bây giờ xách nặng thì than mỏi. Băng trở lại lối vườn với những cây dừa thân thẳng vươn cao, anh bỗng gọi Linh đứng lại. Chắc thấy vẻ mặt anh khá quan trọng nên Linh đoán: - Anh đã chọn xong một trong hai phương án em đưa ra rồi phải không? Anh gật, anh đã có. Anh sẽ chọn cho mình phương án thứ ba. - Có lẽ qua tuần mới, anh sẽ thu xếp để cho sếp anh và em có cuộc gặp gỡ với nhau. Nếu em cũng vẫn bỏ vốn đầu tư để khai thác dự án của anh, khai thác hàng loạt tuyến điểm mới theo phương thức độc quyền, nhưng không phải em hợp tác với anh mà là liên kết cùng công ty anh, thì em có hào hứng không? - Ủa. Nói vậy anh vẫn thích “đeo” theo công ty nhà nước, không muốn tách hẳn ra làm ăn riêng sao? - Không chỉ nguyên do đó. Anh nghĩ Linh hiểu anh nhiều hơn như vậy. Linh nhìn anh, dịu dàng đáp: - Nếu anh thấy được thì em đồng ý. Biết đâu cách đó lại hay. Một người khó lường như sếp anh chuyện chắc sẽ không đơn giản đâu, nhưng anh phải ráng thuyết phục. Anh không muốn bằng lòng, thỏa hiệp với thói quen hờ hững, buông xuôi và cũng không muốn từ bỏ cái chung mà anh đang vun đắp để chăm lo cho chỉ một cái riêng. Trên những tầng cao, lá dừa khua rào rạo nghe như là tiếng mưa. Linh ngước mặt lên, háo hức đưa tay như chờ đón một cơn mưa muộn. Trời tối nhanh, mới đó mà trăng đã thắp, con chim bìm bịp kêu đâu đó văng vẳng xa nghe buồn man mác. Không biết má và em Nghĩa đã về chưa. Anh nghĩ về bữa cơm quây quần sắp tới, có má, có ngoại, có cô em gái, và có Linh. Cảm giác thân thương ấm áp tựa như khăn áo vây bọc lấy anh. Ừ, như
- Linh nói, hạnh phúc mà anh vẫn luôn khát khao và tìm kiếm – thật ra rất đơn giản thôi, ở đâu đó xung quanh mình.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Cẩm nang Oxford yêu thương
176 p | 107 | 25
-
Học cách yêu thương
3 p | 75 | 6
-
Khi yêu thương trở lại!
9 p | 71 | 5
-
Tâm Yêu
5 p | 51 | 4
-
Nắng sẽ lên, yêu thương lại trở về
26 p | 127 | 4
-
Bình minh của những yêu thương
9 p | 70 | 4
-
Chú mèo và một đời yêu thương
5 p | 53 | 4
-
Yêu một người lăng nhăng
7 p | 71 | 4
-
Người yêu của chị mãi là chàng trai trẻ
14 p | 44 | 3
-
Tâm Sự Tù đáy Lòng Tôi
10 p | 71 | 3
-
Ngàn lần thương nhớ con gọi: Mẹ ơi!
4 p | 86 | 3
-
Bóng hình thân thương - Kì cuối
14 p | 59 | 3
-
Sân thượng, hoa và tình yêu
9 p | 59 | 2
-
Truyện ngắn Bình minh của những yêu thương
16 p | 49 | 2
-
Lạc lối yêu thương
6 p | 62 | 2
-
Trong tình yêu cần tồn tại khoảng cách
5 p | 49 | 2
-
Hè yêu thương
4 p | 62 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn