intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Dạy và học thật để có chất lượng thật ở trường phổ thông hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

15
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Dạy và học thật để có chất lượng thật ở trường phổ thông hiện nay" đề cập đến những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp thực hiện“dạy và học thật để có “chất lượng thật”ở trường phổ thông hiện nay. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Dạy và học thật để có chất lượng thật ở trường phổ thông hiện nay

  1. DẠY VÀ HỌC THẬT ĐỂ CÓ CHẤT LƯỢNG THẬT Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG HIỆN NAY ThS. Nguyễn Thị Minh Ngọc* 1 Tóm tắt: Đã từ lâu, bệnh thành tích luôn là vấn đề nhức nhối của giáo dục nước nhà. Những thành tích “ảo” trở nên đáng báo động ở các trường phổ thông các cấp. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng giáo dục “không thật” hiện nay. Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện theo Nghị quyết 29 của Đảng để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là nhiệm vụ hết sức to lớn và có ý nghĩa quan trọng của ngành Giáo dục đào tạo. Đây cũng là con đường hữu hiệu nhằm nhanh chóng khắc phục hạn chế đó. Muốn vậy, ngành Giáo dục nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng phải khẩn trương thực hiện việc dạy thật, học thật và thi thật. Đó là việc làm tuy không phải vấn đề mới nhưng lại rất cụ thể, thiết thực của mỗi giáo viên, mỗi nhà trường để góp phần vào công cuộc đổi mới thành công. Từ khóa: Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng, thành tích. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Từ lâu, trên cơ sở nhận thức rõ những hạn chế của nền giáo dục nước nhà, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo với mục đích tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhấp quốc tế của đất nước. Ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Nghị quyết số 29/NQ/ TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo với nhiều mục tiêu lớn nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ mọi mặt của sự nghiệp giáo dục đào tạo, phù hợp với sự phát triển của đất nước và thời đại. Đây còn là chủ trương hết sức đúng đắn và kịp thời để khắc phục những hạn chế đã tồn tại lâu dài của ngành giáo dục, đó là bệnh chạy theo thành tích, bệnh hình thức, hư danh….trong suốt thời gian qua. Trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nêu yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật” là một nhiệm vụ trọng tâm, cần làm ngay của ngành giáo dục hiện nay. * Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
  2. Phần 2: DẠY THẬT, HỌC THẬT - BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN 417 Muốn vậy, các nhà trường, các thầy cô giáo phải đảm bảo việc dạy thực chất, học thực chất, thi thực chất. Chuyển tải và thực hiện tinh thần, nội dung đó đến các trường học, lớp học, đến từng giáo viên và học sinh là cả một vấn đề lớn đòi hỏi toàn xã hội vào cuộc. Tuy nhiên trước hết, mỗi cán bộ quản lý, mỗi giáo viên trong ngành phải thực sự thấm nhuần, có sự quyết tâm cao để biến chủ trương thành hiện thực. Trong bài viết này, trên cơ sở thực trạng về tình hình dạy và học ở một số cơ sở, chúng tôi xin đề cập đến những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp thực hiện“dạy và học thật để có “chất lượng thật”ở trường phổ thông hiện nay. 2. NỘI DUNG 2.1. Dạy thật, học thật, thi thật để có chất lượng thật là nhiệm vụ và yêu cầu cấp thiết đối với mỗi nhà trường, mỗi giáo viên Chúng ta đều biết, sản phẩm của giáo dục là con người có tri thức, kỹ năng để sống, làm việc và hòa nhập xã hội. Chất lượng giáo dục không thật tức là sản phẩm lỗi của ngành. Nếu trong sản xuất công nghệ, sản phẩm lỗi phải loại bỏ thì “con người lỗi” do giáo dục sẽ vẫn phải sống và làm việc, nhưng chắc chắn hiệu quả không cao, đôi khi còn làm hại và trở thành gánh nặng cho xã hội. Vì vậy, nếu xảy ra tình trạng “chất lượng giả” hay “sản phẩm lỗi” quá nhiều trong giáo dục sẽ là cực kỳ tai hại. Trong hoàn cảnh chiến tranh hoặc điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn trước kia, trải qua thời kỳ bao cấp dài, chúng ta chấp nhận một sự phát triển giáo dục thiên về số lượng để đáp ứng nhu cầu trước mắt, phù hợp với hoàn cảnh của công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và chiến đấu, sản xuất nên không thể tránh khỏi chất lượng giáo dục còn hạn chế. Vô hình trung, những căn bệnh được coi là trầm kha xuất hiện: Nạn trọng bằng cấp, háo danh, chạy theo thành tích; sức ép tỷ lệ tốt nghiệp, chỉ tiêu thi đua, số học sinh giỏi v,v... đã ăn sâu vào xã hội. Vài chục năm gần đây, khi thực hiện đổi mới, kinh tế xã hội phát triển, đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng thì nhu cầu chất lượng giáo dục cao, “chất lượng thật” đòi hỏi ngành giáo dục đào tạo phải dạy thật, học thật và thi thật là điều đương nhiên. Thế nhưng tại sao, đã vài thập kỷ qua, ngành giáo dục vẫn chưa khắc phục được vấn nạn “chất lượng giả”? Đâu là nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn tới tình trạng đó? Những điều kiện nào để đảm bảo thực hiện dạy thật, học thật, thi thật? Trước hết ta hãy tìm hiểu một số thực trạng sau: 2.1.1. Về đội ngũ giáo viên Với một số ưu đãi của Nhà nước đối với ngành, sự cố gắng của các cấp quản lý giáo dục và cán bộ giáo viên, những năm vừa qua, chất lượng đội ngũ giáo viên phổ
  3. 418 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP thông đã được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tính đến tháng 8/2018 ở Tiểu học là 99,7%, Trung học cơ sở là 99,0% và Trung học phổ thông là 99,6% [1]. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung phương pháp giáo dục. Số giáo viên dạy giỏi các cấp được công nhận trung bình khoảng từ 10 - 20%/năm (tính theo số lượng GV giỏi bộ môn của năm có tổ chức thi trên tổng số GV); Đại đa số các thầy cô giáo đều có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm, yêu nghề và tâm huyết với học sinh. Tham khảo bảng thống kê đội ngũ giáo viên tại một trường Trung học cơ sở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ: Trình độ đào tạo Giáo viên giỏi Đội ngũ Tổng số Ghi chú Thạc sĩ Đại học C.đẳng Cấp huyện Cấp tỉnh GV 21 01 18 2 14 1 Tỉ lệ(%) 100 4,8 85,7 9,5 66,7 4,8 Như vậy, tại cơ sở này, số giáo viên trung học cơ sở có trình độ đại học và trên đại học chiếm đến trên 90%. Tìm hiểu về năng lực chuyên môn cũng như tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo trường khẳng định hầu hết các thầy cô giáo đều vững vàng trong nghề nghiệp, hết sức tâm huyết, tận tình với học sinh. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, so với yêu cầu đòi hỏi, số giáo viên phổ thông thực sự tâm huyết, luôn cố gắng học hỏi, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tìm tòi nội dung phương pháp giảng dạy đáp ứng nhiệm vụ đổi mới còn chiếm tỷ lệ chưa cao. Thói quen và nếp làm việc theo kiểu “hoàn thành nhiệm vụ” cũng còn khá phổ biến. Tình trạng dạy học qua loa, dạy ôm đồm kiến thức, yêu cầu kiến thức vượt quá qui định hoặc ngược lại, chưa đầy đủ kiến thức tối thiểu; ra đề thi, kiểm tra dễ cốt để lấy kết quả, thành tích cao cũng vẫn còn xuất hiện tại một số trường. Một số trường chuyên còn có tình trạng tạo điều kiện cho học sinh lớp chuyên tập trung môn học để đi thi nên “thả lỏng” môn không chuyên, giúp học sinh có kết quả đẹp trong học bạ. Rõ ràng chất lượng học sinh giỏi đó là chưa thật. Các tấm gương về sự tận tụy, hy sinh vì học sinh; sáng tạo trong công tác, dám chịu trách nhiệm và chấp nhận sự thay đổi nếp cũ về đánh giá, xếp loại còn ít. Một bộ phận nhỏ các thầy cô còn tư tưởng chạy theo thành tích hoặc nể nang nên dễ dãi trong cho điểm, nâng điểm; không dám đối mặt với kết quả kém của học sinh vì sợ ảnh hưởng đến xếp loại thi đua của cá nhân hoặc nhà trường. Tất cả các hiện tượng tiêu cực đó vẫn đang tồn tại âm thầm, ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng “chất lượng giả” hiện nay.
  4. Phần 2: DẠY THẬT, HỌC THẬT - BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN 419 2.1.2. Đối với học sinh Điều lệ qui định nhiệm vụ của các em là phải chăm chỉ tự giác học tập để nắm vững hệ thống kiến thức cơ bản, trau dồi phương pháp học tập, trung thực trong học tập. Đặc biệt nghiêm cấm việc gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử. Gần đây, Thông tư số 26/2020/TT BGD ĐT ngày 27/8/2020 sửa đổi bổ sung Qui chế 58/2011/BGDĐT về đánh giá xếp loại học sinh trung học phổ thông, đảm bảo nguyên tắc khách quan, công bằng, công khai, đúng chất lượng. được các trường quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Song, trong bối cảnh chung của địa phương và cân đối với chỉ tiêu kế hoạch đã được duyệt, thì việc đánh giá xếp loại học sinh đều được các thầy cô và lãnh đạo trường có “nương tay” hơn. Vì thế, thật sự, tỷ lệ học sinh khá giỏi chắc chắn là chưa đúng thực chất. Ta hãy tham khảo thống kê kết quả học tập rèn luyện trong 3 năm học của học sinh một trường trung học cơ sở: Năm học Năm học Tiêu chí Năm học 2017-2018 Ghi chú 2018-2019 2019-2020 Số lượng học sinh 240 254 263 Học lực Giỏi (%) 20,0 21,3 23,6 Học lực Khá (%) 45,0 44,9 42,2 Học lực TB (%) 35,0 33,8 34,2 Học lực yếu, kém (%) 0 0 0 Hạnh kiểm Tốt (%) 87,9 90,9 88,6 Hạnh kiểm Khá (%) 11,7 9,1 11,4 Hạnh kiểm TB (%) 0,4 0 0 Theo thống kê trên có thể thấy rõ sự “vô lý” khi cả một trường học vài trăm học sinh mà không có học sinh nào “học yếu”. Còn học lực khá giỏi có đến 65-70%. Nếu nhìn vào kết quả năm học của nhiều lớp ở cấp Tiểu học còn thấy “lạ” hơn khi có đến 80 - 90% học sinh xếp loại học tập giỏi, xuất sắc. Nguyên nhân có thể do qui định xếp loại khá, giỏi gần đây nhẹ hơn trước, song chủ yếu vẫn là tư tưởng phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu của cán bộ, giáo viên. Thực tế, ở một số trường, nhất là địa bàn có điều kiện học tập còn khó khăn, tỷ lệ học sinh yếu kém còn khá cao, nhiều học sinh chưa chăm học, ý thức học tập yếu, kết quả học tập kém nhưng để đạt chỉ tiêu kế hoạch, các thầy cô vẫn cố gắng tạo điều kiện để các em được lên lớp.
  5. 420 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP Một đặc điểm lớn của học sinh phổ thông chúng ta hiện nay là ý thức, động cơ học tập còn chưa đúng đắn. Đôi khi, sự phấn đấu để có thành tích, kết quả cao hoặc có hành vi tiêu cực trong học tập, thi cử là do sức ép từ người lớn chứ không phải xuất phát từ sự yêu thích, đam mê, tìm tòi khám phá tri thức. Tư tưởng háo danh, khoa bảng, trọng bằng cấp vẫn rất nặng trong dòng họ và xã hội đã gây cho học sinh nhiều tác động xấu về ý thức, tinh thần, thái độ học tập... Đặc biệt, học sinh ta còn thụ động trong học tập; chưa đổi mới phương pháp học tập nên chưa có phong cách học một cách chủ động, tự giác, tự nguyện. Đó cũng là nguyên nhân quan trọng về phía học sinh và gia đình gây nên tình trạng “học giả” hiện nay. 2.1.3. Đối với cán bộ quản lý nhà trường Đội ngũ cán bộ quản lý các trường phổ thông (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) đều từng là giáo viên có trình độ và năng lực được cất nhắc làm lãnh đạo nên họ hiểu sâu sắc thực tế nhà trường và việc dạy, học. Họ có trách nhiệm to lớn vừa phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học vừa phải lo toan mọi mặt của nhà trường về đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên, đặc biệt phải tạo mối quan hệ và vị thế của nhà trường với chính quyền, đoàn thể địa phương và cơ quan quản lý cấp trên. Luôn có ý thức đưa nhà trường phát triển, người lãnh đạo trường nào cũng mong muốn có thành tích cao; chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước; được xếp loại thi đua khen thưởng cao là điều dễ hiểu. Nên có tình trạng trường này nhìn trường kia, lớp này nhìn lớp khác, cố gắng theo các chỉ tiêu chung của đơn vị, địa phương; phấn đấu một số thành tích cao để đạt mức khen thưởng nhân các dịp kỷ niệm, v,v… cũng là những nguyên nhân đẩy “chất lượng giả” tăng lên. Đặc biệt là những qui định về xếp loại thi đua khen thưởng hàng kỳ, hàng năm đã trở thành “cố hữu” là phải dựa trên tiêu chí quan trọng đó là tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ lên lớp,…. có đạt và vượt không. Tìm hiểu qua nhiều giáo viên, hầu hết các thầy cô bộ môn đều đồng tình việc tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học sinh một cách trung thực. Nhưng khi đối diện với yêu cầu chỉ tiêu thành tích và xếp loại thi đua khen thưởng của nhà trường và cá nhân thì không phải lãnh đạo nào hoặc thầy cô nào cũng sẵn sàng chấp nhận kết quả năm nay thấp hơn năm trước (hoặc trường mình kém hơn trường bạn) bất kể chất lượng đầu vào và đặc điểm của học sinh thay đổi ra sao. Vì thế một sức ép vô hình hoặc lời động viên khéo sẽ buộc người giáo viên chấp nhận một sự nương nhẹ trong đánh giá xếp loại học sinh. Về phía cha mẹ học sinh, tình trạng chạy lớp, chạy trường, cầu cạnh để con được nâng điểm vẫn diễn ra. Cá biệt có phụ huynh còn bày thêm cách để con thi cử gian lận hoặc “chạy điểm” để có kết quả cao hoặc trúng tuyển. Đó là những hiện tượng đáng lên án vì đã sản sinh ra những “sản phẩm giả” cho xã hội.
  6. Phần 2: DẠY THẬT, HỌC THẬT - BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN 421 2.2. Thế nào là “dạy thật, học thật, thi thật” Bàn về việc dạy và học thật có nhiều ý kiến, tuy cách diễn đạt khác nhau nhưng đều thống nhất về nội dung. Xin trích dẫn một số ý kiến: “Dạy thật là dạy đầy đủ kiến thức, dạy có chất lượng, dạy bằng cả tâm huyết và niềm đam mê nghề nghiệp, luôn tìm ra những phương pháp hay trong từng mục bài dạy,,. Học thật là học không đối phó, học sinh thích học môn đó, luôn mong mỏi tìm hiểu và khám phá bộ môn, lĩnh hội và hoàn thành tốt bài học..” (Theo tác giả Nguyễn Thị Kim Minh - Báo Giáo dục online ngày 7/3/2014) [2]. “Dạy thật là dạy đúng, dạy đủ những kiến thức cần cung cấp cho học sinh để đạt mục tiêu bài học. Người dạy phải tận tâm, hỗ trợ nhiệt tình, giải đáp kịp thời những thắc mắc của người học. Có nội dung, phương pháp đánh giá trung thực, khách quan chất lượng học sinh. Học thật là học để hiểu biết, để làm, để khẳng định mình. Học vì đam mê nhận thức, tìm tòi, sáng tạo chứ không chỉ để lấy điểm cao, để thi đỗ, để đối phó…” (Tác giả Ngọc Huyền - Baoquocte.vn, ngày 26/5/2021) [3]. Tựu trung, có thể tóm tắt “dạy và học thật” là: dạy tốt, học tốt theo đúng yêu cầu nội dung, chương trình bằng phương pháp sáng tạo, tính tự giác, tự nguyện, lòng say mê, nhiệt tình và với mục đích, động cơ trong sáng để đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất. Thi thật là thi, kiểm tra đúng qui chế; nôi dung thi theo chuẩn kiến thức, đánh giá trung thực, khách quan, chính xác trình độ, nhận thức, tư duy, sáng tạo, ý thức của từng học sinh. Mục tiêu tổng quát của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo là: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng bảo vệ tổ quốc. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân…”. “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt….”. “Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực” (Nghị quyết 29-NQ/TW). Như vậy, chắc chắn chúng ta không những phải nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo mà còn không thể để tình trạng chất lượng giáo dục “giả” còn tồn tại như hiện nay nữa. 2.3. Giải pháp để thực hiện dạy thật, học thật, thi thật 2.3.1. Tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động trong cán bộ quản lý, giáo viên về tính cấp thiết của việc dạy và học thật, thi thật để có chất lượng thật Thực tiễn cho thấy, nếu không có “cuộc cách mạng” về nhận thức để có sự thống nhất từ trên xuống dưới thì vẫn không thể giải quyết được vấn đề chất lượng giả.
  7. 422 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP Mỗi trường học, mỗi giáo viên và mỗi cán bộ quản lý phải thống nhất cao về việc cố gắng nâng cao chất lượng dạy và học tốt nhất đi đôi với việc nghiêm túc trong đánh giá, xếp loại. Nếu cơ quan quản lý khẳng định quyết tâm thực hiện việc đánh giá chất lượng thật và sẵn sàng chấp nhận kết quả thực cho dù tỷ lệ đó là thấp hoặc “không đẹp” thì các trường học và mỗi giáo viên chắc sẽ yên tâm để dạy và học cũng như đánh giá chất lượng thật hơn nhiều. Chính vì vậy, thay đổi nhận thức và nghiên cứu để có qui định phù hợp trong việc giao chỉ tiêu kế hoạch, xếp loại thi đua “thật” hàng năm để đánh giá đúng thực chất sự cố gắng của từng trường, từng giáo viên mà vẫn động viên được tinh thần say mê, nhiệt tình của đội ngũ giáo viên là điều khó nhưng phải làm trong thời gian tới. Tiếp tục nghiên cứu, tham khảo, đề xuất và ban hành các văn bản qui định về dạy và học; văn bản đánh giá, xếp loại học sinh phù hợp với thực tế dạy và học của thầy và trò cũng như hội nhập quốc tế. Đặc biệt là các văn bản pháp qui hướng tới nền giáo dục mở, phát huy cao độ tính chủ động sáng tạo và ý thức tự nguyện, vai trò cá nhân trong dạy và học. 2.3.2. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo hướng hiện đại, tinh giản; qui định cụ thể yêu cầu kiến thức, kỹ năng cho từng chương trình giảng dạy làm cơ sở để người giáo viên chủ động tổ chức dạy học hiệu quả, phù hợp với đối tượng học sinh Thực tế ở các trường phổ thông, mặt bằng trình độ học sinh rất khác nhau. Sự khác nhau ở vùng miền, khác nhau ở đầu vào trong từng địa phương và khác nhau cả trong từng lớp của cùng một trường. Chính vì thế, yêu cầu mức độ kiến thức, kỹ năng cơ bản trong một bài dạy cũng khác nhau. Nghiên cứu để có yêu cầu kiến thức phù hợp với đối tượng là việc làm hết sức quan trong giúp người giáo viên có cách dạy phù hợp; ra đề thi, kiểm tra đúng, đủ, sát đối tượng; đánh giá đúng chất lượng. Đó còn là yếu tố cần thiết để các cấp quản lý có chỉ đạo, yêu cầu, đặt chỉ tiêu kế hoạch phù hợp với từng cơ sở trường học, từng lớp học. 2.3.3. Tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất, lòng say mê nhiệt tình và có đầy đủ khả năng đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học Vì vậy, tiếp tục ưu tiên việc đào tạo, bồi dưỡng và chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên để họ thực hiện tốt những đổi mới, những chủ trương của ngành là điều vô cùng quan trọng. Điều đó đòi hỏi Nhà nước có sự quan tâm hơn về chế độ đãi ngộ, các điều kiện thuận lợi về cơ chế quản lý, chính sách thì đại đa số giáo viên cũng sẽ nghiêm túc thực hiện việc dạy thật, học thật, thi thật và tất nhiên sẽ có chất lượng thật. Rất cần phát động phong trào “dạy và học thật, thi thật” trong toàn ngành để tạo tinh thần và không khí thi đua, thúc đẩy các tấm gương say mê, hết lòng vì học sinh
  8. Phần 2: DẠY THẬT, HỌC THẬT - BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN 423 thân yêu trong giáo viên. Khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” phải trở thành mệnh lệnh trái tim của mỗi nhà trường, mỗi giáo viên trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội của đất nước ta hiện nay. Về kỷ luật, phải kiên quyết loại trừ các kiểu dạy học qua loa, dạy cho hết giờ; không chịu tìm tòi đổi mới nội dung phương pháp dạy học; vô trách nhiệm và không nghiêm túc trong kiểm tra đánh giá học sinh; dễ dãi, nể vì hoặc bị vật chất, tiền bạc cám dỗ khi cho điểm, đánh giá,… 2.3.4. Tăng cường các biện pháp giáo dục, quản lý, bồi dưỡng ý thức, động cơ học tập tích cực, tự giác của học sinh. Đổi mới nếp suy nghĩ và phương pháp học tập cũ để các em coi học tập là nhu cầu, niềm đam mê để được học thật, thi thật Cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo mô hình giáo dục tiên tiến, đổi mới nội dung, phương pháp học tập cho học sinh để các em có những thay đổi căn bản ý thức, tinh thần, thái độ, phương pháp học tập theo hướng tích cực và hiện đại. Kết hợp hài hòa việc học, thực hành, vui chơi và hoạt động xã hội; giảm sức ép về thành tích để các em được học một cách thoải mái, tự giác, dám đối diện với thực trạng thật của mình để phấn đấu tốt hơn; Việc học đối với các em phải trở thành nhu cầu và niềm đam mê, khám phá mới có thể loại bỏ các sức ép tiêu cực về điểm số, thành tích học tập. Đối với cơ quan quản lý giáo dục, phải đổi mới chương trình, nội dung học tập; giảm nhẹ mức độ yêu cầu về học thuật một cách phù hợp để tạo điều kiện cho học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập; tổ chức nhiều các hội nghị, hội thảo, bồi dưỡng phương pháp dạy và học mới cho cả thầy và trò; bổ sung các văn bản chỉ đạo đối với học sinh để thực hiện nghiêm nội qui, qui chế học tập, thi cử, đánh giá, xếp loại. Đồng thời, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo, tự giác học tập của học sinh. Có như vậy, dần dần học sinh phổ thông chúng ta sẽ có chuyển biến tích cực trong ý thức, động cơ, phương pháp học tập đúng đắn, hạn chế tối đa tiêu cực trong học tập, thi cử để có chất lượng học thật. 2.3.5 Dạy thật, học thật và thi thật cần sự giúp đỡ, ủng hộ và chung tay của phụ huynh học sinh, các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội Mỗi bậc cha mẹ cần có nhận thức đúng đắn về tác hại của việc ngồi nhầm lớp, điểm giả, bằng giả để có cách ứng xử đúng. Động viên, tạo điều kiện để con em học thật, thi thật; kiên quyết giáo dục con thi cử, kiểm tra nghiêm túc, trung thực sẽ góp phần hạn chế rất lớn những tiêu cực của ngành giáo dục. Trong xu thế hội nhập và tình hình thực tế, hình thức dạy và học online cũng như các phương pháp dạy học mới chắc chắn sẽ được sử dụng nhiều hơn. Những hình thức đó coi trọng hơn tính tích cực, chủ động, tự giác của cả thầy và trò. Khi đó, vai trò của gia đình, cha mẹ học sinh lại càng quan trọng khi yêu cầu học thật, thi thật.
  9. 424 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP Hội phụ huynh có thể tổ chức tốt việc giám sát, nhận xét, đánh giá dạy và học của thầy và trò một cách hợp lý để tạo kênh thông tin hữu hiệu, góp phần thúc đẩy việc dạy và học thật, thi thật của nhà trường. Xác định đúng, rõ vị trí, vai trò của các cấp chính quyền và các đoàn thể sẽ giúp nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ, không can thiệp sâu về chuyên môn nhưng vẫn có sự phối hợp, giúp đỡ tích cực từ địa phương. KẾT LUẬN Thực hiện đổi mới theo Nghị quyết 29 của Đảng để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là nhiệm vụ hết sức to lớn và có ý nghĩa quan trọng của ngành Giáo dục đào tạo. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ, Sở chủ quản và các ngành chức năng, với tinh thần trách nhiệm với thế hệ trẻ, lòng say mê nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường phổ thông, chúng ta tin rằng tất cả các vướng mắc, khó khăn, hạn chế dù là cố hữu, lâu dài cũng sẽ được khắc phục và vượt qua. Việc thực hiện “dạy thật, học thật, thi thật” là việc làm tuy không phải vấn đề mới nhưng lại rất cụ thể, thiết thực của mỗi giáo viên, học sinh, mỗi nhà trường để góp phần vào công cuộc đổi mới thành công. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ (2019) “Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ở Việt Nam”, Tạp chí Tổ chức Nhà nước. 2. Nguyễn Thị Kim Minh (2014), “Làm thế nào để dạy thật học thật”, Tạp chí Giáo dục online. 3. Ngọc Huyền (2021) “Phải xóa bỏ bệnh ngụy thành tích trong giáo dục”, Baoquocte.vn. 4. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 5. Đại Thắng, Phú Minh (2018), “Hướng đến dạy thật, học thật, thi thật”, Tạp chí Giáo dục và Thời đại.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2