YOMEDIA
ADSENSE
Di động điểm nhìn, trần thuật đa giọng điệu trong bộ ba tiểu thuyết Căn nhà đất của Pearl S. Buck
30
lượt xem 2
download
lượt xem 2
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Với việc đi sâu tìm hiểu, phân tích các điểm nhìn trần thuật cùng tính đa giọng điệu trong tác phẩm, chúng tôi nhận thấy để chuyển tải các bức thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc, tác giả đã rất khéo léo xoay chuyển các góc nhìn để mổ xẻ các lớp sự kiện và nhân vật.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Di động điểm nhìn, trần thuật đa giọng điệu trong bộ ba tiểu thuyết Căn nhà đất của Pearl S. Buck
- JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Science., 2010, Vol. 55, N◦ . 5, pp. 64-70 DI ĐỘNG ĐIỂM NHÌN, TRẦN THUẬT ĐA GIỌNG ĐIỆU TRONG BỘ BA TIỂU THUYẾT CĂN NHÀ ĐẤT CỦA PEARL S. BUCK Phạm Thị Hương Giang Trường Cao đẳng Sư phạm Huế 1. Đặt vấn đề Pearl S. Buck là nữ văn sĩ Mỹ đầu tiên (sau đó là Toni Morrison) nhận được giải Nobel văn học danh giá năm 1938. Những trang viết của bà đã tạo những vệt quang phổ gây hiệu ứng mạnh mẽ, lâu dài trên văn đàn thế giới từ thập kỉ 30 của thế kỉ XX. Đặc biệt, với Đất lành, Những người con trai và Gia đình chia rẽ là các tác phẩm nằm trong bộ ba tiểu thuyết Căn nhà đất (The House of Earth), bà đã nhận được huy chương William Dean Howells của Viện hàn lâm nghệ thuật và văn chương Hoa Kì cho sáng tác hay nhất năm 1931-1935, đồng thời nó cũng giúp tên tuổi bà nổi tiếng thế giới. Đến nay, gần 70 sáng tác của bà vẫn có thể được tìm thấy trong các ngôi làng và trang trại cô lập ở Tanzania, New Guinea, Ấn Độ, Colombia hay trong một túp lều ở Malawi. Tác phẩm Đất lành đã được dựng thành bộ phim cùng tên và được trao giải Academy. Như vậy có thể thấy tầm ảnh hưởng của bà đối với nền văn học đương đại vẫn còn vẹn nguyên sức hút. Đó là bởi ngòi bút tài tình trong việc mô tả chân thực cuộc sống của người dân Trung Hoa – vốn còn xa lạ với phương Tây – trong giai đoạn chuyển mình với sự hỗn độn, chồng chéo của các giá trị. Không chỉ có biệt tài mổ xẻ, phân tích tâm lí nhân vật, nhà văn cũng đã bước đầu xác lập phương thức trần thuật đa dạng. Theo đó, tác phẩm thường được soi chiếu dưới các góc nhìn (điểm nhìn) khác nhau, kéo theo đó là sự đa dạng trong giọng điệu trần thuật. Bộ ba tác phẩm Căn nhà đất – dưới hình thức saga novel – cũng được sáng tác theo phong cách đặc trưng đó của Pearl S. Buck. 2. Nội dung nghiên cứu Tổ chức điểm nhìn trần thuật là một trong những yếu tố hàng đầu của sáng tạo nghệ thuật. Theo Manfred Jahn: “Về mặt chức năng, điểm nhìn mang ý nghĩa của sự lựa chọn và giới hạn thông tin trần thuật, của việc nhìn các sự kiện và cấu trúc của các sự kiện từ điểm nhìn của một người nào đó và của việc tạo ra cái nhìn đồng cảm hoặc mỉa mai ở người quan sát” [7;41]. Với việc tổ chức điểm nhìn có dụng 64
- Di động điểm nhìn, trần thuật đa giọng điệu trong bộ ba tiểu thuyết Căn nhà đất... ý, nhà văn dễ dàng chi phối đến các tầng bậc cấu trúc của văn bản, trong đó có giọng điệu. Trong bộ ba tác phẩm viết về dòng họ Wang, toàn bộ câu chuyện chủ yếu được tường thuật theo cái nhìn toàn tri, đôi lúc đan xen điểm nhìn của nhân vật xưng “tôi”. Cùng với sự di chuyển điểm nhìn theo từng cấp độ người trần thuật là sự đa dạng hóa về giọng điệu. Sự thay đổi này tạo nên lăng kính xoay chiều cho phép độc giả khám phá các “mẫu sự sống” dưới cái nhìn đa diện. 2.1. Điểm nhìn toàn tri với giọng điệu triết lí Bộ ba tác phẩm Căn nhà đất viết về cuộc đời của các người con trong dòng họ Wang, lấy bối cảnh nước Trung Hoa những năm cuối triều Mãn Thanh vốn đang nằm trong sự tranh giành của loạn quyền phỉ và tình trạng xâu xé của các nước liên bang. Đối mặt với nhiều biến cố chồng chất như nạn đói, giặc cướp, chiến tranh, hạn hán... con người vẫn vươn lên cùng người bạn tri kỉ là đồng ruộng. Trả công cho những nỗi cơ cực của nhà nông là những vụ mùa bội thu và sự sung túc. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, đồng ruộng không bao giờ phản bội lại con người. Do vậy, dù đi đâu, làm gì, trải qua bao biến thiên của cuộc sống thì con người chỉ tìm thấy sự an bình khi trở về với đồng ruộng hay nói rộng hơn là trở về với quê hương, gốc gác của mình. Đây chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nội dung của bộ ba tác phẩm. Do vậy, dù có kết cấu độc lập nhưng bộ ba tác phẩm vẫn dễ dàng kết hợp với nhau trong một thể thống nhất với biểu tượng là Ngôi nhà đất – hình ảnh đặc trưng của nông thôn Trung Hoa. Điểm nhìn toàn tri trong ba tác phẩm xuất phát từ cái nhìn của người kể chuyện có kiến thức và quyền lực vô hạn, mang khả năng “biết tuốt” của Chúa. Điểm nhìn này cũng thường được sử dụng trong các sáng tác của Pearl S. Buck. người kể chuyện đóng vai trò là người thứ ba, quan sát, chú giải khách quan về nhân vật. Gọi nhân vật với những danh xưng của ngôi thứ ba như “he”, “the old man”, “Wang Lung”, gọi theo biệt danh “Wang the Tiger” , “Wang the Landlord” hay gọi tên theo số thứ tự trong gia đình như “Wang the second”, “Wang the oldest”. Dù là cách gọi nào thì cũng đều thể hiện điểm nhìn của người kể chuyện kể câu chuyện về một người khác. Ngay từ dòng đầu tiên của tác phẩm, người kể chuyện đã xác định vị thế đứng bên ngoài câu chuyện, làm nhiệm vụ tường thuật khách quan: “It was Wang Lung’s marriage day” (Đó là ngày cưới của Wang Lung) [4], “Wang Lung lay dying” (Wang Lung đang hấp hối) [5]. Thời điểm người kể chuyện kể câu chuyện luôn là thời quá khứ (quá khứ đơn và quá khứ tiếp diễn), chứng tỏ câu chuyện đã (đã đang) được xảy ra và hoàn toàn có căn cứ sự thật. Tuy nhiên, đôi lúc như muốn khẳng định sự tồn tại của mình, người kể chuyện tham gia trực tiếp trong tác phẩm, “cầm tay” độc giả chỉ vào sự việc: “Here, these were the reasons that Wang Yuan, Wang the Tiger’s son, went to the grandfather’s earth house, Wang Lung” (Đây, những lí do đã khiến Wang Yuan, con trai của Wang the Tiger, tìm đến căn nhà đất của ông nội hắn, Wang Lung) [6]. Tần suất người kể chuyện xuất hiện “đột ngột” 65
- Phạm Thị Hương Giang như vậy diễn ra trong suốt bộ ba tác phẩm không dưới 10 lần. Tương ứng với nó là những lần “mách nước”, phẩm bình khá “lộ liễu” bằng các đoạn trữ tình ngoại đề hướng dẫn độc giả: “Chẳng qua muôn việc ở đời cũng do ông Trời xếp đặt” [2;333]. Ở đây, cái nhìn khách quan đã bị lấn át nhường lời cho giọng điệu của chính người kể chuyện – tác giả. Khảo sát bộ ba tác phẩm, đôi lúc chúng tôi thấy tồn tại hai giọng điệu trong một đoạn văn ngắn. Một giọng mang sắc thái tâm lí nhân vật thể hiện qua lời “nửa trực tiếp”, một giọng bình luận mang tính khách quan của người ngoài nhìn vào: “No, his sons did not begrudge the silver, for Wang Lung took a vast comfort in this fine coffin of his... It was a coffin to comfort any man” (Không, những đứa con hắn không tiếc gì bạc, miễn sao cho Wang Lung một cỗ quan tài hợp ý... Đó là cỗ quan tài an ủi cho bất kì ai) [5]. Sự thay đổi sắc thái giọng điệu trần thuật này nhằm soi chiếu vào góc khuất của tình cảm nhân vật, làm phát lộ những suy nghĩ kín đáo nhất. Đây là lối viết đậm ảnh hưởng của văn chương cổ điển Trung Quốc, thích hợp cho truyền thống “nghe / thuật chuyện” – vốn được xem là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần người dân. Cùng với điểm nhìn “toàn tri”, người kể chuyện đã lồng ghép vào đó những trải nghiệm của mình đúc rút từ vốn sống của những năm gắn bó máu thịt với người dân Trung Hoa. Giọng văn “minh triết” (Per Hallstrom) với cái nhìn khách quan chính là một sự khẳng định “ngầm” tính đúng đắn của các kinh nghiệm được truyền đạt trong tác phẩm. Dọc theo kết cấu trung tâm bao gồm các sự kiện: chăm chỉ lao động (gắn bó với đồng ruộng) – mất mùa đói kém – gây dựng sự nghiệp – hưởng thụ và mải mê theo đuổi các giá trị phù du (quyền lực, tiền bạc, ăn chơi) – tỉnh ngộ (trở về với đồng ruộng), người kể chuyện lại hướng điểm nhìn của mình vào từng vấn đề mà mỗi loại người cụ thể phải đối mặt. Với số lượng nhân vật khá đồ sộ tương thích với các đam mê “sân - si” ở đời, cái nhìn “toàn tri” của người kể chuyện lại khái quát nên những qui luật ẩn mình trong lời tường thuật khách quan. Với những cố nông như Wang Lung - cả một đời gắn bó với đồng ruộng thì đất đai chính là linh hồn, là sự sống: “chỗ bạc này đã sinh ra từ đất. Mỗi một miếng ăn, mỗi một xu đều sinh ra từ mảnh đất mà anh cày xới và gieo hạt” [1;30], “miệng ăn núi lở, tiền tiêu mãi thì trước sau gì cũng sẽ hết. Nhưng nếu không có mưa, không có nắng, đất đai sẽ không cho mùa màng và cái đói sẽ đến” [1;57], “nghèo hèn phát sinh ra tội lỗi; nghèo là sự thiếu ăn; sự thiếu ăn là do đất cát bị bỏ phế, không chịu canh tác. Sự canh tác là sợi dây vô hình gắn liền con người vào bản thổ. Không có thứ dây đó ràng buộc, con người sẽ dễ dàng bỏ quê cha đất tổ, bỏ tổ ấm đi phiêu lưu, khác chi loài cầm thú. Thành tuy có kiên trì, hào tuy có sâu, luật pháp có nghiêm khắc, hình phạt có nặng nề, cũng không thắng nổi lòng người phải phiêu lưu mạo hiểm để tìm miếng ăn” [3;250]. Như vậy, đất đai chính là nguồn sống nuôi dưỡng và bảo bọc con người. Ruộng đất mang lại cho người nông dân lương thực và họ đền ơn đất đai bằng chính mồ hôi và máu của mình. Nhưng không phải chỉ công sức con người là đủ. Đất đai cần nhiều hơn thế. Nó còn cần “mưa thuận gió hòa” - 66
- Di động điểm nhìn, trần thuật đa giọng điệu trong bộ ba tiểu thuyết Căn nhà đất... vốn không thuộc vào chủ ý của con người. Do vậy, dẫu chăm chỉ nhưng người nông dân luôn đối mặt với dự cảm mất mùa và cái đói. Giọng điệu triết lí hé mở sự ám ảnh thường trực song hành trong các cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn để sinh tồn. Tuy nhiên, để tồn tại, nhân vật trong tác phẩm không chỉ đối mặt với các vấn đề về thiên tai mà còn phải đấu tranh với các vấn đề về địch họa do chính con người gây ra. Bộ mặt chiến tranh xuất hiện đậm đặc trong cả ba tác phẩm. Kéo theo nó là nạn hãm hiếp, cái đói và sự khốn cùng tàn khốc. Nó lan tràn như một nạn dịch, càn quét sự yên bình trong cuộc sống của dòng họ Wang. Dư chấn của nó đã gây nên sự ngớ ngẩn cho đứa con gái út của Wang Lung, lôi kéo Wang the Tiger trở thành “lãnh chúa thời chiến” bòn rút xương máu người nông dân vốn đã chịu nhiều bất hạnh, biến Wang the Merchant thành kẻ cơ hội cho vay nặng lãi với chủ nghĩa tôn thờ đồng tiền. Gọi tên và chỉ đích danh nguyên nhân chiến tranh, người kể chuyện khái quát nên qui luật của kẻ làm tướng thời chiến: “tàn nhẫn, chém giết, cái đó có lẽ cũng là nhược điểm của người làm tướng, sự vinh quang, thành công vẫn phần nhiều xây bằng xác chết của kẻ khác” [2;322]. Với những thanh niên đang trong tâm trạng lưỡng phân như Wang Yuan: băn khoăn về cách chọn cho mình một cách nhìn đời và một lối sống giữa thời đại ngổn ngang nhiều luồng tư tưởng, cái nhìn triết luận của người kể chuyện chỉ ra rằng “Trên đời này, không ai nhìn một việc gì, xét đoán một vấn đề gì với cái nhìn bao quát tất cả các khía cạnh” [3;247]. Không thể mãi phân vân nhìn nhận mọi mặt của vấn đề bởi con người luôn là những giới hạn nhỏ bé bị khu biệt trong hạt cát tri thức của loài người. Người kể chuyện ở đây đã đứng ngoài để đưa ra những dẫn giải về đời sống tinh thần và sự khiếm khuyết trong tư tưởng của nhân vật. Trạng thái do dự, không dám dấn thân chính là đặc trưng của tầng lớp thanh niên thuộc thế hệ thứ ba dòng họ Wang để rồi thấy cô đơn ngay trên chính mảnh đất ruột thịt của mình. 2.2. Điểm nhìn của nhân vật “tôi” với giọng điệu mỉa mai Trong kết cấu chung của toàn bộ tác phẩm, kiểu trần thuật của nhân vật kể lại, xưng “tôi” chiếm dung lượng không nhiều nhưng rất quan trọng, nó cho phép độc giả nhìn nhận vấn đề dưới góc nhìn đa chiều. Các trường đoạn trần thuật của nhân vật chủ yếu là bổ sung thêm mảng sự kiện bên cạnh diễn biến chính của cốt truyện mà người kể chuyện không đề cập đến. Lối trần thuật này tập trung nhiều ở văn bản Những người con trai (Sons) và Gia đình chia rẽ (A house divided) thể hiện qua các đoạn đối thoại. Lúc này cái nhìn toàn tri đã bị “mờ hóa”, di chuyển vào cái nhìn của nhân vật “tôi”. Nhân vật “tôi” được tự do đứng trên diễn đàn phát ngôn. Cùng với điểm nhìn trần thuật này, tác giả đã trao quyền năng cho “tôi” tự đánh giá, nhận xét để tăng tính khách quan, không áp đặt cho độc giả. Với sự thay đổi về điểm nhìn, giọng điệu cũng có sự biến chuyển rõ rệt. Bởi theo như Manfred Jahn, giọng điệu được qui định bởi “ngôn ngữ xã hội (lối nói đặc trưng của một 67
- Phạm Thị Hương Giang nhóm người), ngữ vực (phong cách cá nhân hoặc phong cách ngữ vựng), ngôn ngữ giới tính (phong cách đặc thù của giới mà đàn ông hoặc đàn bà ưa dùng, riêng cho từng người)” [7;40]. Với số lượng đông đảo và đều mang giọng điệu mỉa mai nhưng với ngữ điệu khác nhau, mỗi nhân vật “tôi” lại góp thêm tiếng nói đơn âm vào bản nhạc đa âm của tác phẩm. Giọng điệu của các tên lính thường cợt nhả, bông đùa xuất phát từ cái nhìn mang tính tầm thường, dung tục “Tao trông bọn đàn bà con gái ốm nhom, như gà trụi lông, trông không có gì là hứng thú cả” [2;323]. Khi tường thuật lại hành động mang tính trải nghiệm của mình, cũng nhân vật “tôi” này lại thể hiện giọng điệu mỉa mai mang tính chân chất của người vốn xuất thân từ bần nông ít học: “Tôi rình mò ngay trang trại cũ chỗ mình ở trước, tôi lấy bùn và phân bò trát đầy mặt, đầy người, không ai có thể nhận ra được, tôi lài nhài xin bố thí, để ý xem xét nghe ngóng. Cả trại rối loạn, lão già la hét om sòm, hắn lia lịa ra lệnh, hết lệnh nọ đến lệnh kia rồi lại hủy bỏ liền. Hắn nói gì nhiều lắm, mặt đỏ tía tai, phùng mang trợn mép. Tôi mon men lại gần nghe hắn nói: “tao không ngờ thằng quỉ sứ, lông mày sâu róm lại dám chơi xỏ tao thế này. Thế mà ai cũng bảo tụi dân miền Bắc thật thà, tử tế lắm. Tao muốn đâm cho nó một nhát mới hả giận. Quân ăn cướp” ” [2;130]. Theo nguyên bản, khuôn mặt tên tướng già được miêu tả qua cái nhìn của tên lính là “his face is all purple and swollen” (cả khuôn mặt hắn đều màu tím và sưng lên) [5]. Giọng điệu trần thuật mỉa mai của thằng Rỗ khi đi do thám căn cứ Tám Beo lại mang nét tự phụ, khoa trương, khoác lên lối kể chuyện mang màu sắc huyền ảo. Chất giọng châm biếm của người nông dân lại hướng về tầng lớp “chăn dân” và những anh học trò “trói gà không chặt” với hai cấp độ sắc thái khác nhau: bỡn cợt và mỉa mai khinh rẻ. Qua điểm nhìn của người quen lao động, bức chân dung biếm họa về các cậu học trò được vẽ nên bởi những nét nguệch ngoạc mang tính hài hước: “Những cậu học sinh khác, nom thấy ngán, người gì ốm nhom, cà khẳng, cậu nào cũng cặp kính, hai tay như hai cẳng gà, ngoe nguẩy, răng vàng, cặp giò như hai ống sậy, lồng trong chiếc quần ngoại quốc. Nói thật, nếu tôi có cái mẽ như thế, tôi xấu hổ, trùm chăn kín mít” [3;140]. Thế nhưng giọng điệu ấy lại nhanh chóng trở nên mỉa mai chua cay khi “chĩa mũi nhọn” vào nhiều đối tượng: bọn con buôn chuyên hút máu người để sống, bọn lính tráng chuyên bắt nạt dân nghèo, bọn quan lại chuyên “ăn rận nên người luôn béo tốt”. Cái nhìn cận cảnh của người trong cuộc như một pô ảnh, chụp lại những khuất tất vẫn đang từng ngày diễn ra ngoài xã hội. Không hề có bình luận trữ tình ngoại đề của tác giả, nhân vật đối thoại với nhau và dường như đối thoại với độc giả, dắt tay độc giả chứng thực cho những điều họ nói là sự thật hiển hiện. “Kìa kìa, chú coi, thằng cha to lớn như vâm, ngồi trong chiếc xe hơi, coi bộ hách dịch, oai vệ lắm. Thằng này vào hạng sét ty, hay tư bản, ít nhất cũng là chủ hãng. Nom cái điệu bộ hắn, tôi đoán không sai, nó có biết đâu đang ngồi trên Hỏa diệm sơn, không biết lửa sẽ phụt lên lúc nào, chết mất ngáp” [3;109]. Giọng điệu mỉa mai tự trào của kẻ làm tướng thì chứa đựng sự chua chát 68
- Di động điểm nhìn, trần thuật đa giọng điệu trong bộ ba tiểu thuyết Căn nhà đất... xuất phát từ những trải nghiệm do cuộc đời chinh chiến bèo bọt mang lại. Giọng điệu của tầng lớp cha mẹ thuộc thế hệ cũ thì chứa đựng rõ rệt sự ngán ngẩm trước thuần phong mỹ tục đang dần bị đánh mất trong lối sống của bọn thanh niên mới lớn thích hưởng thụ. Cùng là mỉa mai nhưng mỗi loại người lại có cách nhìn và cấp độ bộc lộ khác nhau. Tính chất mỉa mai khu biệt trong điểm nhìn của nhân vật được hòa quyện vào nhãn quan triết lí, thương cảm của người kể chuyện. Mỉa mai để thấy, để hiểu, để xót xa cho các giá trị tốt đẹp đang dần mai một, để cảm thông cho tầng lớp dân nghèo phải “một cổ nhiều tròng”. Giọng mỉa mai, do vậy, luôn song hành cùng giọng triết lí, thể hiện cái nhìn thương cảm của văn sĩ với kiếp người. Hiệu quả của việc xây dựng điểm nhìn trần thuật từ vai nhân vật xưng “tôi” trong tác phẩm, theo Manfred Jahn là thu hút sự chú ý tới ý nghĩ của nhân vật - người phản ánh và bỏ qua người kể chuyện cùng quá trình sắp xếp trần thuật. Nó giảm bớt sự hiện diện tràn lan của người kể chuyện, mở ra cánh cửa cho phép sự tiếp nhận trực tiếp suy nghĩ của nhân vật. Nói cách khác, nó gợi cảm giác về tính “trực tiếp”, “công khai”. Người đọc bị lôi cuốn vào câu chuyện và cùng trải nghiệm, tựa như một tham thể đặc biệt trong các sự kiện đang diễn ra. Điều này cho phép thể hiện thực tại trong tất cả các mâu thuẫn mang tính chất đa chiều, ẩn kín mà người kể chuyện “toàn tri” khó nắm bắt. Đây chính là dụng ý của Pearl S. Buck nhằm tạo nên tính đối thoại, liên hệ giữa độc giả với nhân vật và giữa nhân vật với nhau. Sự di động điểm nhìn và tính đa giọng điệu, với tiểu thuyết ngày nay, không phải là một khám phá mới mẻ. Nhưng đặt trong bối cảnh ra đời của bộ ba tác phẩm thì phương thức thử nghiệm ấy đã đánh dấu một bước chuyển khá rõ, làm thay đổi tư duy tiểu thuyết. Theo như Herman Broch đã từng cho rằng: “Khám phá ra cái mà chỉ có tiểu thuyết mới khám phá được, đó là lẽ sống duy nhất của tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết nào không khám phá ra thêm được một mẫu sự sống trước nay chưa từng biết là một cuốn tiểu thuyết vô đạo đức.” [8;12]. Có thể nói, cái mới mà Pearl S. Buck đã đem lại cho nền văn học thế giới chính là cái nhìn sâu sắc về cuộc sống, suy nghĩ của người Á Đông, dẫn đường cho sự cảm thông của con người trên nhiều miền đất. Nhờ vậy, đến nay văn học nhân loại có thêm nhiều dòng hợp lưu của các con sông mang trong mình phù sa văn hóa, tạo nên một thế giới phẳng của sự hiểu biết và lòng tin. 3. Kết luận Với việc đi sâu tìm hiểu, phân tích các điểm nhìn trần thuật cùng tính đa giọng điệu trong tác phẩm, chúng tôi nhận thấy để chuyển tải các bức thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc, tác giả đã rất khéo léo xoay chuyển các góc nhìn để mổ xẻ các lớp sự kiện và nhân vật. Theo đó, mỗi góc nhìn lại bộc lộ khả năng tối ưu theo chủ đích của tác giả. Gắn với cái nhìn toàn tri, người kể chuyện – tác giả 69
- Phạm Thị Hương Giang dễ dàng bày tỏ trực tiếp sự cảm thương mang tính nhân bản sâu sắc và lồng ghép vào đó những triết lí đúc rút từ kinh nghiệm bản thân. Điểm nhìn của nhân vật lại khai phá những ẩn ngữ tồn tại bên trong mỗi cá thể. Giọng điệu mỉa mai song hành cùng chất giọng triết lí là cảm quan về thế thái nhân tình, thể hiện sự xót xa cho những thân phận người nhỏ bé trong vòng xoáy luôn đổi chiều của các hệ tư tưởng. Đây cũng chính là những điểm nhấn tạo nên văn phong Pearl S. Buck không hề nhòe lẫn trong muôn mặt nhà văn Mỹ. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Pearl S. Buck, 2001. Đất lành, (Hoàng Quân dịch). Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. [2] Pearl S. Buck, 2001. Mấy người con trai Vương Long, (Nguyễn Thế Vinh dịch). Nxb Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh. [3] Pearl S. Buck, 2001. Vương Nguyên, (Nguyễn Thế Vinh dịch). Nxb Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh. [4] Pearl S. Buck, the Good Earth zip – Winrar (evaluation copy), http://www. truly-free.org/fiction [5] Pearl S. Buck, Sons zip – Winrar (evaluation copy), http://www.truly- free.org/fiction [6] Peter Conn, 1996. Pearl S. Buck: A Cultural Biography. Cambridge Uni- versity Press. http://www.english.upenn.edu/Projects/Buck/preface.html [7] Manfred Jahn, 2005. Trần thuật học, (Nguyễn Thị Như Trang dịch). Tài liệu lưu hành nội bộ trường ĐHSP, Hà Nội. [8] Milan Kundera, 2001. Nghệ thuật tiểu thuyết, những di chúc bị phản bội. Nxb Văn hóa thông tin & Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. [9] Nguyễn Hiến Lê (2006), Sử Trung Quốc. Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. ABSTRACT Moving the point of view to multiple tone of voice in narrative in the trilogy The House of Earth by Pearl S. Buck By moving the point of view in the trilogy The House of Earth Pearl S. Buck has created the multiple point of view about “the archetypes of life” which has not been exploited in Western literature yet. Combining the “total” point of view with the point of view of the first narrator, the author has composed the accord of many voices which concentrate on the main voice of the philosophical and the ironical. These voices describe the characteristics, aspects of the overlapping characters and events in the works. All show the reality of many conflicts in the Chinese society at the whirl of the old and the new. The exceptional style of Pearl S. Buck has been built on these materials. 70
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn