intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Dị vật trên đầu

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

59
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Không phải xanh lục, chẳng phải thanh thiên, hòa trộn cũng chẳng phải, xanh của làng đảo rất riêng, Sa gọi xanh đảo và dạy các giáo sinh gọi như vậy trong những lần anh hướng dẫn về đây vẽ thực tập. Anh thường nhắc học trò mình phải lắng, thật lắng khi căng mắt hoặc lim dim quan sát để bắt được sắc khí của cây và đá, của trời và nước. Hình tướng muôn vật trên đảo rất rõ nét dấu vết "bàn tay" của nhiều nguồn thiên lực....

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Dị vật trên đầu

  1. Dị vật trên đầu TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN HIỆP Không phải xanh lục, chẳng phải thanh thiên, hòa trộn cũng chẳng phải, xanh của làng đảo rất riêng, Sa gọi xanh đảo và dạy các giáo sinh gọi như vậy trong những lần anh hướng dẫn về đây vẽ thực tập. Anh thường nhắc học trò mình phải lắng, thật lắng khi căng mắt hoặc lim dim quan sát để bắt được sắc khí của cây và đá, của trời và nước. Hình tướng muôn vật trên đảo rất rõ nét dấu vết "bàn tay" của nhiều nguồn thiên lực. Từ rặng, khe, vực, vách, thung, lũng... đều là những dịch chuyển lớn, người vẽ phải vừa nhìn thấy chi tiết mà không sa vào chi tiết mới được gọi là thâm hạng lão luyện. Sa chưa bao giờ tự coi là họa sĩ gì cả, anh là thầy dạy vẽ cho một trường trung học sư phạm tỉnh nhà, nhưng mỗi khi minh họa hình ảnh làng đảo của mình là anh trở thành kẻ "nhập đồng", anh biết đó là tình yêu sâu nặng, là cảm xúc mãnh liệt mà anh đã dành cho làng đảo này. Ngay cả khi nhắm mắt lại Sa vẫn thấy mồn một quê hương trước mắt. Chính phẩm chất sâu thẳm của nước biển dưới vực kia, phẩm chất thanh sạch của bầy én trên sườn núi dựng đứng kia đã giúp anh trưởng thành từng ngày, trưởng thành trong những suy tư đằm sâu. Vẫn biết thế giới quá rộng lớn và đầy màu sắc, thế nhưng hình ảnh rộn ràng của bầy yến đảo mỗi tàn đông luôn là một phần ký ức lạ lùng nhất trong Sa. Dập dìu và rộn ràng. Ríu rít và rộn ràng. Cả hình ảnh, cả âm thanh đều mê hoặc con người, nó như một bức họa của sự sống thanh sạch miên viễn, lại vừa như một bản giao hưởng của sự sinh sôi nảy nở bất tận. Sự hòa trộn giữa hai điều tưởng chừng tương phản ấy kỳ thực lại diễn đạt được cái ý nghĩa nhất thể tạo nên và thăng bằng cho thế giới này. Không biết bao nhiêu lần Sa đã ngước nhìn, lắng nghe nỗi bồi hồi xúc động bên trong mình. Cho tới giờ này, Sa nghĩ rằng mình thật may mắn khi đã có sự giao cảm thật sớm, thật ấn tượng với cái đẹp ngay tại quê nhà.
  2. Tiếng ríu rít của bầy yến đảo ở cung bậc cao chói, chúng đang rót vào tai con người những âm thanh tinh tế nhất, da diết nhất có thể mà mẹ thiên nhiên muốn tạo ra, loại âm thanh có khả năng đánh thức những gì đang thiêm thiếp trong mỗi con người. Còn một nguyên nhân khác khiến Sa rung động mỗi khi ngắm nghe cái rộn ràng cảnh vật nơi này. Đó là bãi biển, là thủy triều lên xuống rõ rệt theo dòng nước sâu chia đảo với làng cát bên trong. Khi thủy triều rút là lúc đường bãi hiện ra, cát chưa kịp khô, bước chân đỡ lún, quang gánh đỡ nặng. Mới sinh được mươi ngày, Sa đã nằm trong chiếc thúng, một đầu đôi quang gánh của má trong những ngày bươn bả áo cơm trên đường bãi mặn rát thân thuộc này. Có lẽ vì vậy mà vùng bãi bờ này đã trở thành vùng từ trường tình thương đối với riêng Sa. Mỗi khi về với nó, Sa chợt bấn loạn, chợt nhạy cảm, chợt chìm sâu, chợt rung lên, những gì trước mắt đã hòa trộn với ký ức để tạo ra một hiện thực khác, hiện thực của riêng Sa. Thời mở cửa. Cây cầu bê tông đã nối kết đảo với đất liền, hàng quán tràn sát mép con đường bãi ngày xưa. Làng đảo biến hình thành làng du lịch náo nhiệt chào mời. Những người bà con của Sa ở đây, cũng những thế hệ nối tiếp của người dân quê ấy nhưng không còn chân chất mộc mạc. Con người không còn thân thuộc với nhau, tất cả các loại giá trị đều bị quy về một chữ "tiền", người ta dùng mọi thủ đoạn, kể cả đào mồ cuốc mả, để chiếm đất, lừa tình, để có thật nhiều tiền... Dường như sự phát triển nơi đây không đồng bộ, thái độ tôn sùng vật chất đã dắt con người đi theo một nẻo khác, xa lạ... *** Người đàn ông có bề ngoài cổ quái, khó phân biệt tuổi tác này bâng quơ kể, cái lối nghĩ bằng chuyện, nói bằng chuyện thường gặp đâu đó xa xưa lắm rồi. Bộ xương sườn của ông nhô ra tưởng như không còn chút da thịt nào khiến tôi rùng mình không dám nhìn thêm. Ánh mắt là nơi biểu lộ sự sống còn lại của con người này. Bỏ qua hết những dúm dó, kéo dùn của mớ cơ mặt teo đến mỏng mảnh, sẽ chạm được ánh mắt chơi vơi, chơi vơi giữa ấm áp, tin yêu và sự rỗng không, thất thần.
  3. Tôi thầm cám ơn ý tưởng đưa các nhà văn đi tham quan khu đầm nước mênh mông vốn chứa nhiều bí mật này. Chiếc ghe ba lốc len qua dải đá dựng, đi vào vùng lô nhô đá núi. Tôi cảm giác đây là vùng nguyên sơ, lâu lắm chưa có bước chân người. Tôi chợt đưa mắt về phía vách núi và phát hiện có ngôi nhà lợp bằng lá rừng hay những thứ gần giống như vậy. Đơn độc. Cheo leo. Trên nó là lổn nhổn đá. Đá đứng, đá ngồi, đá muốn bay lên, đá đang chìm lún, đá như bầy ngựa phi nước kiệu, đá như bầy voi trong cơn động rừng... Tôi có một quyết định trong đầu, bắt đầu mường tượng đến bước chân mình sẽ bầm dập, chênh chao như thế nào trong cơn loạn thạch phải đưa vào trang viết, trong một địa hình thạch loạn phải tiếp cận, phải vượt qua. Phía dưới ngôi nhà là vực thẳm, là nước xanh nhói mắt mèo, là đá nhô lên từ nước còn hằn dấu cháy đen từ thuở hồng hoang. Chính cái bóng dáng mờ mờ của hai con người bên trong cửa khiến tôi có ý định tách đoàn, tôi thuyết phục được người phụ trách trại viết, một nhà thơ quen thân rất hiểu tôi nhưng anh không quên dặn đi dặn lại phải cẩn thận. Từ nơi neo ghe, tôi xốc lại ba lô bước lên tảng đá đầu tiên với sự háo hức nóng hổi trong lồng ngực, tôi lần lượt leo qua bao sườn đá hiểm trở, mọc thêm cả mắt dưới hai bàn chân mới thực hiện được lời tự hứa với lòng sẽ tiếp cận bằng được ngôi nhà cô độc bí hiểm giữa heo hút gió, giữa chênh chao gió kia. Mồ hôi ướt đẫm áo, tôi ngập ngừng bước đến nơi có một mớ lá rừng, những mảnh ni lon chằng đụp trên những cây chống giao đầu nhau. Một khung cửa trống hoác và tấm bạt tươm xơ cuộn vắt sang trái. Nó giống túp lều dã chiến hơn là một ngôi nhà. Hai cái sọ trắng hếu cạnh nhau làm tôi chợt bước giật lùi. Tôi không biết có phải thứ giấc mơ quái đản nào đó vụt hiện không. Tôi cố xua hết những cảm giác. Họ là hai con người, chân tay co rút nhưng khuôn mặt, ánh mắt và cả cái gật đầu chào thân thiện của họ nói rằng họ đang còn sống bên nhau, chỉ với nhau giữa chốn đèo heo hút gió này. Khi đã vào nhà, tôi để ý thấy da đầu của họ trắng bợt và rất mỏng nên hình hộp sọ mới lồ lộ như thế. - Sao hai bác lại ở đây? - Thịnh suy khó lường... Từ cái sọ đàn ông, một giọng nói nhát gừng. - ...
  4. - Hôi ổ. Một số chết. Số trốn đi. Cái hố ngăn cách đã mở ra, lấp lại... khó... - Vậy trước đây, nơi này có làng mạc à bác? - Vừa mới đây. Làng đảo. Bình thường. Từ ngày người ta giật sập cầu, rồi sóng thần đã cuốn đi tất cả. Ngôi làng bị bỏ rơi. Giờ chỉ còn... đá và chúng tôi... Hai cái sọ cúi nghiêng xuống, mắt họ vừa có đám mây đen che phủ. Cái sọ đàn ông lại tiếp: Người ta không phải với nhau, không phải với chính mình... - Sao thế bác? - Chẳng phải tà thuật phù phép, cũng chẳng phải bệnh lý thông thường, đích danh là gì thì thật không ai có thể chỉ mặt đặt tên. Rêu mọc trên đá, trên cây, không ai tưởng tượng nổi rêu lại mọc trên sọ người. Không ai tưởng tượng nổi. Cái sọ đàn ông chợt nhòe nhoẹt nước mắt. - Là rêu gì? Cái sọ chồm sát mặt tôi, trên da đầu có những vết nám màu chàm. Tóc đã rụng nhẵn, ngay cả chân tóc cũng không còn dấu vết. - Đó, chú thấy cái còn lại không? Một loài rêu độc, chúng đã mọc trên đầu bọn tôi. Tôi tưởng chú có nghe thấy rồi. Người ta nói nhiều, cả báo chí cũng đăng nhiều bài viết... Cà phê chuyện, rượu chuyện, chợ chuyện... Người ta nói về chính mình, nói về xung quanh, trên trời dưới đất, từ nghiêm túc đến tào lao, nói từ ghê tởm ánh mắt đến ói mửa cửa miệng. Tất cả mọi lời cuối cùng đổ hết vào loài rêu lạ, thứ dị vật trên đầu. Dị vật trên đầu, trong đầu, của đầu... Không ai, không một ai biết phải làm gì để ngừa, không có loại vắc- xin nào, bởi nhân đã gieo thì chạy trời cũng đừng mong thoát quả, không muốn cũng phải nhận. Hoảng loạn. Mê cuồng. Đau đớn lắm. Chúng tôi đã nhận lãnh, mùa nhận lãnh tồi tệ của trần gian này! Hai hơi thở cùng lúc hắt ra thườn thượt. Tôi cũng thở hắt ra. ***
  5. Cái sọ đàn ông tên Sa. Cái sọ đàn bà tên Hoài. Họ mời tôi cốc nước ngọt quý giá và một ít đọt lá đo đỏ hiếm hoi sót lại trên đảo. Tôi nhận ra cái sọ đàn ông hay nói về cảnh vật và những bức họa, ông kể chuyện rất hay, đôi lúc kể như nhập đồng, kể như để trút cho bằng hết những chất chứa trong lòng, kể như là khao khát tha thiết lâu nay muốn nói hết với một xứ giả là tôi câu chuyện của chính họ, nỗi đau của chính họ, của làng đảo chỉ còn đống xương đá khô trong cơn thạch loạn này. ... Mỗi tuần, ngoài thời gian ra tỉnh dạy, Sa về sống hai ngày thứ bảy, chủ nhật ở đảo. Sa là người đầu tiên đem "giấc mơ lạnh" về làng. Dân làng đảo vốn không quen với những thiết bị hiện đại. Thật ra anh có lý do riêng để sắm cái tủ lạnh. Làng đảo mấy tháng nay xáo trộn, ầm ào ô hợp không chịu nổi, nay người này kiện mất đất, mai người kia chém hàng xóm vì những bất đồng chia chác gì đó. Những gốc cổ thụ thật đẹp trên vách núi qua đêm chợt biến mất. Những rừng cây quý bị phù phép cưa tận
  6. gốc, bứng tận rễ. Những đoạn bờ biển bị rào không cho dân bén mảng. Những vách núi đầy tổ yến đã bị lấy bằng hết, yến mẹ yến con chẳng còn một mống. Người ta cho phát tiếng gọi bầy của yến và dùng lưới tóm sạch. Thu nhặt vô tội vạ. Đập phá vô tội vạ. Xây cất lòe loẹt vô tội vạ. Tất cả cứ nháo nhào cả lên. Hình ảnh đẹp đẽ bình yên ngàn năm của làng đảo bỗng chốc được thay bằng bức tranh tàn phá vụn vỡ, tan hoang. Mỗi khi nghĩ đến chuyện thế thái nhân tình của cái làng đảo vốn rất thân thương này, mỗi khi nghĩ đến cái vực không đáy mà làng đảo này đang chìm xuống là anh lại đau đầu, hai bên thái dương cứ buốt nhói từng cơn, anh muốn bứt tóc bứt tai mà nhảy cuồng lên, la hét, chửi bới, cảnh báo. Mỗi thứ bảy về làng là đầu anh cứ đau ran, anh đã thử chườm trán, chườm đầu, chườm ngực bằng những viên đá lấy ra từ tủ lạnh nhưng không ăn thua. Mỗi khi sững sờ nhìn một hoang cảnh quái thai nào đó vừa xuất hiện là mạch máu hai bên thái dương Sa căng nhức, máu trong người như đang sôi lên. Anh muốn nguyền rủa thật to, nhưng nguyền rủa ai bây giờ, xét cho cùng những con người đang lăng xăng lít xít kia cũng chỉ là nạn nhân. Anh chợt mừng vì nghĩ mình đã tìm được phương kế để thoát, anh sẽ như con đà điểu găm đầu vào cát trong cơn hoảng loạn, sợ hãi. Anh bỏ hết các ngăn chứa ra ngoài, khom người bước vào. Một cảm giác hân hoan lâng lâng dâng lên, anh bắt đầu nguyền rủa ngày tháng sống ngoài cái tủ lạnh, nóng bức, điên đầu và mệt nhọc. Những làn hơi lạnh thật dễ chịu quấn quýt lấy da thịt Sa làm cho anh càng lớn giọng phỉ báng chuỗi ngày chịu đựng thật phi lý ở bên ngoài. "Từ đây anh đã có nàng..." Sa cất tiếng hát ca tụng "nàng" tủ lạnh lý tưởng của anh. Chợt sa thấy tay chân mình bắt đầu run lập cập, rồi giần giật từng cơn, Sa cảm giác toàn bộ xương sườn của mình là những thanh gỗ nặng trịch ai đó đã khoan, đã bắt vít lên ngực, trơ và nặng. Tóc Sa đông cứng bó thành từng cụm, anh rờ tay lên cứ tưởng chạm phải bàn chông. Hơi thở Sa bắt đầu phì phò, anh phải thở bằng miệng, từng làn hơi trăng trắng phả ra. Hơi thở mà nắm được trên tay thì thật lý thú... Da đầu Sa co rút lại khô buốt, cảm giác này quả thật chưa từng đến với anh. Sa mỉm cười mãn nguyện với những trải nghiệm đặc biệt. Sống thế mới đáng sống! Môi anh định nhếch lên cười thì bị đông cứng nửa chừng, nụ cười méo xệch, bất động. Sương sọ, hình như xương sọ của mình đang co bóp sao đó, rân rân, buôn buốt,
  7. nhồn nhột, có cái gì như gai đang mọc, đang nhô lên trên xương sọ. Sa mường tượng tới bệnh gai cột sống, lẽ nào có gai sọ?... Chỉ còn ý thức tới đó thì Sa hoàn toàn không biết chuyện gì đã xảy ra với mình. Đứt phim. Tê liệt. Cơ thể tê liệt. Ý thức tê liệt. Giống như người bước lên lan can một tòa nhà rất cao rồi bước ra ngoài, trong tích tắc đã không kịp chới với sợ hãi. Sa đã lịm đi và được cứu sống nhưng rồi vĩnh viễn anh đã trở thành con bệnh. Làn tóc bồng rất nghệ sĩ ngày nào nhường chỗ cho những đám rêu dị dạng đen - đỏ - độc. Từ đó Sa không còn kiểm soát được mình nữa, rêu bắt đầu lây lan với tốc độ chóng mặt. Cả làng đã bị rêu sọ nhưng không ai biết nó là thứ gì, nhiều người nghĩ nó đơn giản như thứ nấm tóc hay chấy rận vào những năm đầu thế kỷ trước. *** Chiếc váy liền thân mỏng, hai đường cong lượn từ eo xuống đùi của Hoài hiện rõ mồn một, da thịt mịn hồng lồ lộ nhìn thấy được từ xa. Sa đưa mắt hình dung hình ảnh chiếc đàn violon tuyệt mỹ, hình dung đến một chữ S mềm mượt và hình đối xứng gợi cảm... Sa bị chia trí, không thể vẽ tiếp. Anh xếp tập giáo án, vứt cây cọ lên bảng màu, bước về phía nàng. Hai bàn tay Sa áp nhẹ vào eo thon mềm mại, cơ thể nóng rực của anh áp cạ vào nàng từ sau lưng, mê đắm cảm nhận từng phần da thịt khắp cơ thể của nàng. Những sợi lông măng mịn tơ trên gáy nàng mơn man môi Sa, chúng khẽ rung động. Sa căng người hít chứa cho đầy tràn lồng ngực làn hương đàn bà ngọt ngào thơm tho mát mẻ. Rạo rực, mê đắm, hai bàn tay Sa chồm tới trước, lần lên bầu vú ấm mềm. Toàn thân Sa căng cứng trong nỗi đê mê của thân xác và cơn xúc động mụ mị của tâm hồn. Nàng tắt vòi nước, rời tay khỏi đống chén bát đầy xà bông, với lau lên chiếc khăn treo trên vách, thật khẽ khàng, thật dịu dàng, nàng ngã đầu vào vai Sa. Nàng rạo rực chờ đợi. Cơ thể nàng mềm lả nuông chiều theo cơn sóng nhục cảm đang tràn dâng. Nàng mềm lả trong khao khát làm vợ, khao khát được úp nhập vào người đàn ông của mình, khao khát trở thành một xương một thịt. Mềm nóng và thơm ngát. Dịu dàng và êm ái. Cơ thể đang chờ đợi của nàng đã phảng phất mùi hoa đồng cỏ nội...
  8. Chợt dòng điện lạ chạy dọc sống lưng, Sa rùng mình, nỗi đê mê nhanh chóng biến mất, nhường chỗ cho cơn nhợn lạnh rùng rùng xâm chiếm. Anh biết nó đã nhiễm vào mình. Sa nhận ra những thay đổi đột ngột lan đi từ tim mình. Sa định báo cho nàng nhưng không kịp, cơn lấn chiếm đã thực hiện được cái việc cần làm. Nó đã chiếm, đã choán tâm hồn Sa, choán lý trí Sa bằng cơn khùng điên cuồng bạo. Bất ngờ hai bàn tay đẩy mạnh. Bất ngờ hai mắt long lên. - Con đĩ! Môi Sa run giật trong cơn giận dữ không biết đến từ đâu. Mày chưa ngừng làm đĩ, không ngừng làm đĩ, mày bán thân khắp làng trên xóm dưới mà không biết ngượng sao? Nàng choáng váng nhìn sững vào mặt Sa. Chưa kịp hiểu gì thì nàng đã bị tới tấp hai cú tát tai thật mạnh, máu trên má nàng muốn bung ra khỏi làn da vốn rất mịn màng, vốn là nơi không biết bao lần Sa hôn lên đó với sự cuồng nhiệt ham muốn của người chồng mê vợ rất mực. Nổ đom đóm. Tai nàng ù đặc. Kèm theo tiếng chửi rủa là cái tát làm tóc nàng bung ra rũ rượi. Nàng sợ hãi co rúm, nước mắt ràn rụa, nhòe tràn. Nàng bịt hai tai, ép người lui dọc theo cái bồn rửa. Đôi mắt đẫm ướt thất thần đang lui dần lui dần... Nàng gục xuống co rúm, đau đớn tâm hồn, ê ẩm thể xác. Sa nhào tới đá mạnh. Nàng ngã dụi ra nền nhà, mặt đập vào cạnh ghế, môi sưng vều lên đỏ bầm. Nàng đau điếng vừa khóc vừa van xin. Khốn nạn! Sa lại nhào tới đưa chân lên... Chợt sựng lại, rùng mình, một cơn rũ mạnh đau rát như ai đó đang lột da anh, đang banh gan ruột anh ra mà cắt, banh xương anh ra mà cưa nhùn nhầy bằng thứ lá gai sắt nhọn. Mồ hôi tuôn túa, Sa quỵ xuống, dịu xuống trở về con người vốn có của mình, một thầy giáo hiền lành, tính tình mô phạm, vóc dáng mô phạm, sự mô phạm toát ra ngay cả những hành vi nhỏ nhất. Mãi lúc sau Sa mới hiểu chuyện gì đã xảy ra, anh nhào tới ôm vợ xin lỗi. Sa cố giải thích cho vợ hay cơn bệnh kì lạ vừa nhập vào mình, Sa định báo nhưng không kịp. Anh đã nghe báo đài nói về loài rêu tác nhân gây bệnh này nhưng không ngờ chính mình lại bị lây nhiễm, anh bị lây nhiễm hay chính anh là gốc bệnh sau cái lần dở sống dở chết trong tủ lạnh ấy, anh cũng không biết nữa. Anh cố gắng giải thích loài rêu vừa mọc trên đầu anh, trên đầu con bệnh đã tạo ra độc tố, sự kiểm duyệt bệnh hoạn đã
  9. làm méo mó những suy nghĩ bình thường, dẫn đến lầm lạc, dẫn tới nóng giận vô cớ, rối loạn và sai lệch. Nhưng nàng đã lết đi tránh xa bàn tay ve vuốt của Sa với ánh mắt kinh tởm tột độ. Nàng nhìn Sa như nhìn một quái vật. Sa luýnh quýnh đi lấy chai dầu xanh đến định xoa những vết bầm, những chỗ sưng trên mặt nàng, trên cơ thể nàng nhưng chai dầu đã bị hất tung vào tường nhà. Sa tiếp tục năn nỉ xin nàng tha thứ. Sa kiên nhẫn giải thích nhiều lần về loại rêu sọ này... Vẫn không thay đổi được thái độ của nàng. Hai tay bó gối, đầu gục xuống, đôi vai nàng rung giật từng hồi. Họ không nói được gì nữa với nhau. Ngôi nhà chìm trong im lặng nặng nề. Nàng lẳng lặng xếp quần áo vào va li rồi đi ra khỏi nhà, không một lần ngoảnh lại. Sa chết trân trên hiên. Sa đứng yên như vậy nhìn bóng Hoài xa dần mà không biết phải làm gì. Chợt nó quay lại. Lấn chiếm. Thay đổi. Nhờn nhợn, rùng rùng như một thứ nhập hồn ma quái. Sa quay ngoắt vào nhà. Lại đá. Lại đập. Lại hất đổ. Tiếng rủng roẻng, ầm ầm càng lúc càng vang lên mạnh hơn. Đột ngột im bặt. Căn nhà đột ngột chết lặng. *** Sa giật mình tỉnh dậy khi ánh sáng đã tràn ngập trong nhà. Anh nhón bước qua đống bàn ghế gẫy đổ, qua đống sách vở, giấy vẽ rách vụn, để nguyên quần áo, anh vào buồng tắm xả nước, bất động trong làn nước làm cho cơ thể anh dễ chịu hơn, Sa đứng thật lâu, mở hết cỡ vòi sen mà vẫn chưa có được cảm giác sạch sẽ. Sa cố nhớ lại những gì vừa xảy ra. Anh không thể hiểu nổi căn bệnh quái ác này là gì. Anh vào phòng làm việc mở computer, thông tin mới cập nhật từ một trang web y học cho hay: Các bác sĩ, chuyên gia giỏi nhất thế giới đang tập trung về một nước ven biển của vùng Đông. Có loại rêu cực kỳ nguy hiểm đang lây lan, hoành hành ở một làng nhỏ. Bệnh lây lan qua không khí, qua môi trường sống, thậm chí qua sóng não nếu ở gần. Triệu chứng không lường được, có thể biến con bệnh thành những cỗ máy có sức tàn phá kinh dị, có thể khiến con người trở thành kẻ vô tâm, vô cảm, câm, mù, điếc... Những cơn điên ngắn bất chợt đến làm cho người bệnh mất kiểm soát, mất trí nhớ ngắn hạn. Người ta đang tìm mọi cách có thể để khống chế... Dù đã nghe sơ sơ những cảnh báo về loại rêu này trước đây nhưng đọc những thông tin mới nhất đã làm Sa hốt hoảng cực độ, đến đâu Sa nổi da gà đến đó. Từ
  10. chuyện xảy ra với vợ chồng mình, anh biết cái làng mà người ta đang nói đến chính là ngôi làng biển thân yêu của anh. Sa vội vàng thay đồ rồi lao đi tìm vợ trong trạng thái thất thần. Đói. Cái đói cồn cào đang hành hạ anh. Sa bước vào một quán ăn. Anh sững sờ trước cảnh tượng chưa từng có. Mọi người đang nháo nhào ngốn ngấu tất cả thứ gì họ vớ được. Một sức mạnh cuồng loạn nào đó đang điều khiển họ như những con rối, như những người máy. Một người đàn ông trung niên bước ra từ quầy chế biến thức ăn, hai tay ôm chầm một con cá to còn sống, nó đang giãy giụa, ông ta vội đưa lên miệng cắn phập nhai nuốt, vừa đi vừa cắn phập nhai nuốt. Một người đàn bà mập ú phục phịch đang thồn một cách đầy khoái cảm cả đống hoa hồng trong chiếc bình lớn, miệng há thật to, mỗi khi bà nuốt cả bó hoa cổ họng lại phồng lên, bạnh ra như con trăn nuốt được con hươu trong mùa cháy rừng. Một cô trẻ măng tóc nhuộm vàng đang đứng ăn cái túi đựng tiền trên chiếc áo khoác đàn ông. Một gã đầu hói bụng phệ đang quỳ chân đưa miệng gặm chiếc ghế mình vừa ngồi, ông ta nhai rau ráu một cách ngon lành cái chân ghế vuông như nhai một ổ bánh mì, thỉnh thoảng lại giật một miếng da giả bọc nệm cho vào miệng như nhai một miếng rau cải ăn kèm. Những mảnh gỗ vụn rơi ra được ông ta nhặt nhạnh một cách cẩn thận tọng tém vào miệng. Bị điều khiển bởi một ma lực nào đó, nước bọt ứa ngập trong mồm, cơn thèm thuồng đói khát dâng lên tột độ đã khiến Sa biến thành một cỗ máy ăn như những người kia trong chốc lát. Sa đột ngột nhảy phắt vào giật bộ xương cá trên tay người đàn ông trung niên. Đưa tay xoáy một quả đấm vào giữa mặt người đang cầm một khối thịt mỡ to lớn, khối thịt mỡ văng ra đã bị bà mập ú đứng sẵn ở đó đón bắt bằng chiếc mồm dị thường toang hoác của mình. Sa tức tối gầm thét đánh dạt những kẻ gầy hơn mình rồi lại phốc sang chỗ khác. Nhai, tọng bất cứ thứ gì mà vẫn đói khát cồn cào. Sa nốc hết các loại nước có được mà vẫn chưa thỏa. Bàn chân cứ phốc đi, phốc đi... Chẳng còn gì, cả những chiếc tủ đựng thức ăn cũng bị ngốn sạch, Sa quyết định cạp vào cột nhà. Thật ngạc nhiên cột nhà lại ngọt đến như vậy. Sa dùng đầu ụi ra từng mảng vôi vữa nhấm nháp như nhấm lớp bơ trét ngoài béo ngậy của chiếc bánh ga-tô. Nhiều người
  11. khác làm theo, từng nhóm xúm lại bu chật quanh các cột. Hết lớp "bơ", người ta lại ăn cả gạch xây, sắt lõi bên trong. Những cây cột rùng mình rồi gẫy đoạn. Cứ mỗi đoạn gẫy vừa nhào ngửa là các nhóm người, các nhóm máy ăn ấy lại nhào theo giành giật, ẩu đả lẫn nhau. Những bộ răng như làm bằng kim cương trắng hếu ấy rà xuống sát đất nhặt nhạnh nhai, lưng họ cong vồng, đầu họ chúc xuống tóc tai lết quét trên nền nhà. Bỗng có những tiếng rắc rắc đe dọa ngay trên đầu, tất cả sựng lại im nghe. Tiếng rắc rắc tiếp tục phát ra từ bốn góc nhà. Ầm! Ầ... ầâm! Một tiếng nổ sập vang rền, bụi tung mù mịt. Ngói vỡ rớt xuống tứ tung. Những cây đòn tay, rui, mè gẫy thành những khúc giáo nhọn lao xuống, găm phập xuống, ghim cả chân người xuống nền nhà, ghim cả phổi, tim người xuống nền nhà, căn nhà chứa đầy những âm thanh xạc xạc phầm phập như đang hứng một trận mưa tên của những chiến binh khổng lồ nào đó chợt sống dậy. Những người thoát chết co rúm thành từng cụm, tiếng "mô Phật", "lạy Chúa" râm ran, râm ran. Sa ngồi thụp xuống một góc sát tường, dòng điện lạ vừa thoát đi, anh rùng mình dụi mắt. Những cụm người sống sót cũng cùng lúc lồm cồm bò dậy, phủi bụi, lau miệng lau mồm. Miệng mồm người nào cũng tèm lem, tươm máu. Sa nghĩ ngay đến thứ bệnh dịch mà vì nó vợ anh đã bỏ nhà ra đi. Anh xấu hổ quay mặt vào tường móc họng ói ọc cho bằng hết những gì trong cơn cuồng loạn anh đã tọng vào bụng mình. Một thứ nước vàng chua khoắm, tởm lợm chảy ra nhễu nhão, tất cả đã được tiêu hóa rất nhanh, nhanh một cách không giải thích được. Tiếng ọc ói rộ lên từng đợt ở các góc nhà, từ hàng trăm cái miệng háu ăn lúc nãy giờ bắt đầu chảy ra, nhễu ra hòa thành một dòng vàng nâu, sền sệt đậm mùi, từ đó đang tỏa ra một thứ âm khí rất lạ, lạnh toát chung quanh. Hốc hác, mệt mỏi, Sa cố gượng hết sức tàn để ói ra những thứ cuối cùng có trong bao tử. Lúc đã biết không còn gì để ói, mật vàng mật xanh cũng đã thốc tháo, Sa đưa mắt nhìn quanh. Tất cả đang nháo nhào, loay hoay tìm lối thoát ra khỏi ngôi nhà, thoát khỏi những ánh mắt xấu hổ lịt lịt xuống đất.
  12. Bên ngoài, nhiều xe y tế đậu cạnh những tấm pa-nô trốc gãy, nhiều nhóm người cao lớn có, nhỏ thó có, họ ăn mặc kỳ lạ, mặt mũi chụp mặt nạ ống thở dị hợm như những người nhái đang lặn trong lòng biển. Những "người nhái" này ùa đến chặn đoàn người vừa chui ra từ quán ăn. Tiếng thông báo vang vang trên loa: Ai ở yên chỗ nấy! Khu này đang bị bệnh dịch nguy hiểm. Chúng tôi sẽ mang cơm đến cho các bạn... Đoàn người lại ngoan ngoãn chui ngược lại lỗ ngói thủng. Sa nhào ra hất ngã một "người nhái", chạy đi, anh đang nóng ruột tìm vợ mình, nhưng hai cánh tay cứng như thép đã còng cùm được anh. Sa bị áp tải thụt lùi vào trong. Họ đậy ván, đóng đinh niêm tất cả trong ngôi huyệt mộ có tên là "quán ăn" rồi quệt lên đó một chữ thập trắng to lớn như cách người ta trừ ma quỷ ngày xưa. *** Một huyệt mộ nhỏ hơn đã được đào lên bên trong ngôi nhà để chôn những người tắt thở. Những người còn lại xúm xít bùi ngùi. Ai đó đọc mấy câu kinh Ăn năn tội, người người đọc theo, đầu cúi xuống, mái tóc rũ xuống. Hai tiếng "a men!" của họ nghe như không còn hy vọng. Sa giúp họ một tay lấp đất cho huyệt mộ của những con người xấu số. Còn vài xẻng đất nữa công việc mới tạm ổn thì cả đám đông lại rùng rùng uốn éo, co giật. Đồng tử giãn nở, mắt họ trở nên trơ lạnh đột ngột. Họ bỏ đi quanh quanh trong không gian vốn chật hẹp của ngôi nhà đã sụp xuống. Họ cứ đi thật nhanh qua nhau, bụi tung mù mịt, họ lách lượn thật nhanh không hề đụng nhau và trong mắt họ như không không hề có những người chung quanh. Khi đêm đến, họ vẫn tiếp tục đi cho đến khi một người đột ngột ngã rật xuống, hai người ngã rật xuống, ba người ngã rật xuống... Cơn chấn động bất ngờ đã quật ngã những con người quá căng thẳng và kiệt sức, quật ngã lần lượt từng người trong số đông ấy, không từ một ai. Sa nhón chân nhẹ nhàng dỡ ngói leo lên nóc len lén thoát ra ngoài, cơn thôi thúc đi tìm vợ mình đã khiến bước chân anh thật nhanh lẹ, vượt qua được cái đói khát rã rượi của cơ thể. Đường sá vắng tanh, xơ xác, im lìm. Sa đưa chân rảo bước, trong tâm trí anh giờ chỉ có Hoài. Anh lo lắng cho nàng, không biết nàng có bị nhiễm căn bệnh quái ác nguy hiểm
  13. này không. Sa chạy, chạy, chạy nhanh dần trong đêm với hình ảnh khuôn mặt người vợ đang nhập nhòa trước mặt. Trong căn phòng của chính mình, Hoài đã thăng bằng trở lại. Nhưng nàng không làm sao ngăn được những dòng nước mắt lã chã, ướt đẫm cả đôi môi héo hắt. Nàng nhớ chồng, thương chồng quá đỗi. Nhiều lần nàng chạy đi tìm Sa nhưng những bác sĩ ở ngoài đường đã không cho, họ giải thích khu vực ấy đã bị phong tỏa hoàn toàn. Dù rất nhiều bác sĩ giỏi nhất thế giới đã có mặt kịp thời nhưng tất cả vô phương cứu chữa, trừ khi người nào có sức đề kháng thật đặc biệt, loại đề kháng được sinh ra trong cơn yêu thương nồng cháy, sẽ tự hết bệnh. Hoài bất lực, nàng chỉ còn biết hy vọng. Sáng sớm, đang chải lại mái tóc mượt như dòng suối của mình, Hoài dừng tay, tim nàng đập rộn. Có tiếng gõ cửa. Hoài quơ vội cây son tô lại làn môi nhợt nhạt rồi bước ra đẩy cửa. Hoài òa khóc. Sa nhìn kỹ lại khuôn mặt vợ mình, anh không tin là còn gặp lại được. Những gì xảy ra thật nhanh mà cũng thật ác nghiệt đã khiến anh nghĩ tới một hậu quả xấu nhất. Anh đặt lên mắt nàng nụ hôn ngập tràn hạnh phúc, rồi nhanh chóng môi họ quấn quýt lấy nhau, cơ thể họ quấn quýt lấy nhau. "Em còn đau... không?" Sa thì thào bên tai vợ. Hoài khẽ lắc đầu rồi lả mềm người trong vòng tay của chồng mình. Nhưng sau nụ hôn ấy tóc họ, cả Sa và Hoài, đã rụng trút xuống nền nhà nhường chỗ cho một loài rêu độc lún phún bò lan trên da đầu, rễ ăn vào tận não, những cơn đau buốt triền miên đã co rút thân xác của hai người. Họ ôm siết nhau, co rút vào trong nhau, đau đớn co rút, tê dại co rút trong từng đêm, từng ngày... Có lẽ nhờ vậy mà cho đến khi chiếc cầu nối làng đảo với bờ bị giật sập để chống lây lan, chỉ duy nhất Sa và Hoài còn ở lại, còn sống. Tôi đã rời ngôi nhà duy nhất trên đá ấy, tôi lắng tai tìm kiếm những âm thanh cao vút của loài yến đảo nhưng không hề nghe, tôi đưa mắt tìm màu xanh đảo như Sa đã nói nhưng chỉ thấy một màu nâu chết. Tôi về lại trại viết. Tóc tai bơ phờ. Kể từ đó, tôi trở thành một kẻ biếng nói. Đêm, cứ thiêm thiếp ngủ là tôi thấy hai hộp sọ trắng hếu hiện lên và từng đám rêu độc màu chàm đang bò ra rượt đuổi con người, phủ trùm mặt đất, phủ trùm cả ác mộng chính tôi. Dị vật! Dị vật! Dị vật! Dị vật! Dị vật!... Tôi vừa chạy vừa ôm đầu vừa hét lên, hoảng loạn, sợ hãi đến tột cùng.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2