YOMEDIA
ADSENSE
Đóng góp của ngành bảo hiểm đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia
10
lượt xem 5
download
lượt xem 5
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Bài viết "Đóng góp của ngành bảo hiểm đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia" nhằm hệ thống hóa những đóng góp của ngành Bảo hiểm đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Đóng góp của ngành bảo hiểm đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia
- ĐÓNG GÓP CỦA NGÀNH BẢO HIỂM ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA CÁC QUỐC GIA ThS. Nguyễn Thị Lệ Huyền Khoa Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Khi nói đến vai trò của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), người ta thường đề cập đến vai trò ổn định tài chính cho các tổ chức, cá nhân; huy động tiết kiệm cho đầu tư phát triển kinh tế; tạo việc làm cho người lao động; tăng thu và ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước; bổ sung hoặc thay thế cho các chương trình an sinh xã hội; góp phần đề phòng, hạn chế tổn thất. Không chỉ vậy, các DNBH còn góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống tài chính thông qua giảm chi phí giao dịch, tạo ra tính thanh khoản và giúp tăng tính kinh tế theo quy mô của các khoản đầu tư; góp phần phân bổ có hiệu quả vốn đầu tư. Bài viết nhằm hệ thống hóa những đóng góp của ngành Bảo hiểm đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Từ khóa: Doanh nghiệp bảo hiểm, phát triển kinh tế, ổn định tài chính 1. Giới thiệu Theo tác giả Harold D. Skipper, Jr trong bài viết “Liberalization of insurance market: Issues and concerns”, các DNBH là các trung gian tài chính. Vì vậy, có thể nói, các DNBH mang lại các lợi ích cho nền kinh tế một quốc gia tương tự như các trung gian tài chính khác, nhưng đồng thời, các DNBH cũng có vai trò quan trọng trong quản lý rủi ro cho các tổ chức và cá nhân. Điều này có nghĩa là các DNBH có đóng góp cho sự phát triển kinh tế một cách rất riêng, hoàn toàn khác với các trung gian tài chính khác. 2. Đóng góp của ngành Bảo hiểm đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia Thứ nhất, bảo hiểm góp phần ổn định tài chính cho các tổ chức và cá nhân, từ đó ổn định việc làm cho người lao động, ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Thông qua hoạt động bồi thường, trả tiền bảo hiểm, các DNBH góp phần ổn định tài chính cho cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại. Nếu không có bảo hiểm, các doanh nghiệp có thể bị khánh kiệt về tài chính, thậm chí phá sản. Ngoài việc trực tiếp gây thiệt hại cho riêng bản thân doanh nghiệp, những đóng góp trong tương lai của doanh nghiệp cho nền kinh tế cũng bị mất đi. Ví dụ, người lao động của doanh nghiệp bị mất việc làm, các nhà cung cấp cho doanh nghiệp bị mất bạn hàng, khách hàng của doanh nghiệp mất cơ hội mua sản phẩm từ doanh nghiệp, Chính phủ thiệt hại thuế doanh thu… Do vậy, sự ổn định mà các DNBH cung cấp cho các tổ chức và cá nhân sẽ khuyến khích các tổ chức và cá nhân tạo ra của cải với sự đảm bảo rằng, các nguồn lực của họ sẽ được bảo vệ. Thứ hai, bảo hiểm góp phần phát triển sản xuất và thương mại. Nhiều sản phẩm và dịch vụ chỉ được sản xuất và bán trên thị trường nếu được bảo hiểm đầy đủ. Việc có bảo hiểm bảo vệ cũng là điều kiện để tham gia vào một số hoạt động kinh doanh. Do hoạt động kinh doanh mới luôn tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại nên các nhà đầu tư chỉ đầu 79
- tư vốn khi tài sản cố định và toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp được bảo hiểm đầy đủ. Các doanh nhân sẽ sẵn sàng thành lập doanh nghiệp và mở rộng hoạt động kinh doanh nếu họ có được sự bảo vệ đầy đủ từ bảo hiểm. Trong nền kinh tế hiện đại, dựa trên sự chuyên môn hóa và nâng cao năng suất, thương mại sẽ ngày càng phát triển và do đó nhu cầu bảo hiểm cũng tăng lên. Như vậy, có thể khẳng định, ngành Bảo hiểm hỗ trợ cho nhiều hoạt động thương mại và kinh doanh trên toàn cầu. Thứ ba, bảo hiểm góp phần tạo việc làm cho người lao động và tăng thu cho ngân sách nhà nước. Khi nói đến đóng góp của ngành Bảo hiểm đối với nền kinh tế một quốc gia, không thể không nhắc đến vai trò tạo việc làm cho người lao động và tăng thu cho ngân sách nhà nước. Vai trò này càng thể hiện rõ ở các quốc gia có ngành Bảo hiểm phát triển. Ví dụ, tại Mỹ – quốc gia có ngành Bảo hiểm phát triển nhất thế giới, năm 2019 có 5.965 DNBH hoạt động (trong đó 2.496 DNBH tài sản và thiệt hại, 837 DNBH nhân thọ và niên kim, 952 DNBH sức khỏe, còn lại là các doanh nghiệp khác). Các DNBH này khai thác được tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc là 2.460,12 tỷ USD (chiếm 39,1% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc toàn thế giới) và cung cấp chỗ làm cho 2.790.200 người lao động (chiếm 2,2% việc làm tại Mỹ). Trong đó, 1.598.500 người làm việc cho các DNBH và tái bảo hiểm; 1.191.700 người làm đại lý, môi giới bảo hiểm và các doanh nghiệp phụ trợ. Năm 2019, các DNBH tại Mỹ đóng góp 23,6 tỷ USD tiền thuế, chiếm 2,2% tổng số thuế các bang thu được3. Hoặc tại Nhật Bản – quốc gia có ngành Bảo hiểm đứng thứ ba thế giới, năm 2019, có 95 DNBH nhân thọ và phi nhân thọ hoạt động (trong đó có 53 DNBH và tái bảo hiểm phi nhân thọ, 42 DNBH nhân thọ). Các doanh nghiệp này sử dụng 329.249 lao động làm cán bộ quản lý và cán bộ khai thác trực tiếp cho các DNBH và sử dụng 3.054.063 người làm đại lý và đại diện bán hàng cho các tổ chức đại lý bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.4 Thứ tư, bảo hiểm góp phần huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả của hệ thống tài chính thông qua giảm chi phí giao dịch, tạo ra tính thanh khoản và giúp tăng tính kinh tế theo quy mô của các khoản đầu tư. Với đặc thù phí bảo hiểm được thu trước, bồi thường, chi trả tiền bảo hiểm thực hiện sau, các DNBH là những trung gian tài chính huy động vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là các DNBH nhân thọ. Do tính chất dài hạn của hợp đồng bảo hiểm, các DNBH nhân thọ trở thành những nhà đầu tư dài hạn trên thị trường vốn. Tính dài hạn của các nguồn tài chính mà DNBH nhân thọ và các quỹ hưu trí cung cấp là nguồn tài trợ dài hạn lý tưởng cho Chính phủ và các doanh nghiệp, không như nguồn tài trợ thường là ngắn hạn của các ngân hàng thương mại. Ví dụ, tại Mỹ, năm 2019, tổng giá trị các khoản đầu tư của các DNBH là 6.212,35 tỷ USD, trong đó của DNBH nhân thọ là 4.342,5 tỷ USD, DNBH phi nhân thọ là 1.869, 85 tỷ USD. Trong số đó, 500 tỷ USD được các DNBH đầu tư vào trái phiếu của các tiểu bang, từ đó giúp cho các tiểu bang có vốn xây dựng đường sá, trường học và các công trình công cộng khác.5 3 Insurance Information Institute (2021), “2021 Insurance Fact Book”, USA. 4 The General Insurance Association of Japan (2021), “Fact book 2020-2021 General Insurance in Japan”, Japan. 5 Insurance Information Institute (2021), “2021 Insurance Fact Book”, USA 80
- Không chỉ đóng vai trò quan trọng là kênh dẫn vốn cho đầu tư của quốc gia, theo tác giả Harold D. Skipper, Jr trong bài “Liberalization of insurance market: Issues and concerns”, các DNBH còn góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống tài chính theo ba cách sau đây: Một là, bảo hiểm giúp làm giảm chi phí giao dịch do gắn kết người tiết kiệm và người đi vay. Cụ thể, khách hàng nộp các khoản phí bảo hiểm cho DNBH và DNBH đầu tư một phần số phí này dưới dạng các khoản cho vay cho các tổ chức. Khi thực hiện vai trò trung gian tài chính, các DNBH giúp chủ hợp đồng bảo hiểm giảm được thời gian và chi phí của việc trực tiếp cho vay hoặc đầu tư. Thêm vào đó, DNBH sẽ thu thập thông tin cho hoạt động đầu tư hiệu quả hơn so với các cá nhân tự thực hiện. Đến lượt mình, lãi từ hoạt động đầu tư sẽ được chuyển một phần cho chủ hợp đồng bảo hiểm dưới dạng phí bảo hiểm được giảm. Hai là, bảo hiểm tạo ra tính thanh khoản. Cụ thể, DNBH đầu tư các quỹ mà khách hàng tin cậy giao phó vào các khoản cho vay dài hạn và các dạng đầu tư khác, nhưng khách hàng vẫn luôn tiếp cận được đến các khoản bồi thường trong khi những người đi vay không phải trả lại tiền vay ngay lập tức. Nói cách khác, nếu các cá nhân cho vay trực tiếp một phần của cải của mình với thời hạn dài, các tài sản không có tính thanh khoản (không có tính lỏng) sẽ chiếm tỷ trọng cao. Các DNBH giống như các trung gian tài chính sẽ làm giảm sự không có tính thanh khoản tồn tại trong việc cho vay trực tiếp. Ba là, bảo hiểm giúp tăng tính kinh tế theo quy mô của các khoản đầu tư. Nhiều dự án đầu tư có vốn lớn, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, sẽ hưởng tính kinh tế của quy mô, thúc đẩy chuyên môn hóa và khuyến khích các đổi mới sáng tạo về công nghệ, và do vậy, các dự án này rất quan trọng với sự phát triển kinh tế của quốc gia. Thông qua việc huy động phí bảo hiểm từ hàng triệu khách hàng, các DNBH có thể đáp ứng nhu cầu tài trợ vốn của các dự án lớn này, và do vậy đóng góp vào sự phát triển của kinh tế quốc gia thông qua việc mở rộng các dự án đầu tư và thúc đẩy hiệu quả kinh tế. Thứ năm, bảo hiểm có vai trò thay thế hoặc bổ sung cho các chương trình an sinh của Chính phủ Bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, có vai trò thay thế hoặc bổ sung cho các chương trình an sinh của Chính phủ. Do vậy, bảo hiểm sẽ làm giảm áp lực của các chương trình phúc lợi xã hội, bảo tồn nguồn lực của Chính phủ cho các chương trình an sinh xã hội thiết yếu và giúp các cá nhân có thể tự thiết kế các chương trình an sinh xã hội theo mong muốn của riêng bản thân. Ví dụ, tại Mỹ, năm 2018, tổng chi phí cho chăm sóc y tế là gần 3.600 tỷ USD, trong đó: 34% là do các DNBH sức khỏe chi trả; chi cho chăm sóc y tế từ nguồn tài chính công (các chương trình bảo hiểm y tế công và các chương trình khác) chiếm 44%, chi trả từ tiền túi chiếm 10%, còn lại là từ nguồn đầu tư, các chương trình do bên thứ ba chi trả.6 Thứ sáu, bảo hiểm góp phần thúc đẩy các hoạt động hạn chế tổn thất. DNBH có động lực kinh tế đối với việc giúp người được bảo hiểm phòng ngừa và giảm thiểu tổn thất, bởi vì giảm tổn thất của người được bảo hiểm sẽ giúp DNBH giảm được chi phí bồi thường. Ngoài ra, do có kiến thức chuyên sâu về các sự kiện, hoạt động, các quá trình gây ra tổn thất, DNBH sẽ có lợi thế so với các doanh nghiệp khác trong việc đánh giá và kiểm soát tổn thất. Về phía người được bảo hiểm, nếu phí bảo hiểm phải nộp hoặc việc 6 Insurance Information Institute (2021), “2021 Insurance Fact Book”, USA. 81
- được tham gia bảo hiểm phụ thuộc vào tổn thất trong quá khứ và các hành vi hàm chứa rủi ro, thì đến lượt mình, người được bảo hiểm sẽ có động lực kinh tế để kiểm soát tổn thất. Trong thực tế, các DNBH đã hỗ trợ cho rất nhiều chương trình kiểm soát tổn thất như: phòng ngừa tai nạn giao thông, phòng cháy, các hoạt động an toàn và sức khỏe nơi làm việc, phòng ngừa tổn thất công nghiệp, phổ biến kiến thức về kiểm soát tổn thất… Do vậy, các chương trình và hoạt động này giúp làm giảm tổn thất cho xã hội nói chung. Thứ bảy, bảo hiểm giúp phân bổ vốn hiệu quả Cũng theo tác giả Harold D. Skipper, Jr, trong bài “Liberalization of insurance market: Issues and concerns”, với tư cách là nhà bảo hiểm – để ra quyết định có nhận bảo hiểm hay không và nhận bảo hiểm ở mức phí là bao nhiêu, DNBH sẽ thu thập các thông tin quan trọng nhằm đánh giá nguy cơ rủi ro của các nhà máy, dự án, các nhà quản lý. Với tư cách là người cho vay – chủ đầu tư, DNBH cũng sẽ sẽ thu thập các thông tin quan trọng nhằm đánh giá nguy cơ rủi ro của các dự án mà DNBH dự định đầu tư. Nói cách khác, DNBH có lợi thế trong việc thu thập và phân tích thông tin trước khi ra quyết định, trong khi những nhà đầu tư cá nhân có thể không có thời gian, nguồn lực và khả năng để tiến hành thu thập và phân tích những thông tin này. Chính vì vậy, các DNBH có thể phân bổ nguồn lực tài chính tốt hơn. DNBH sẽ lựa chọn chấp nhận bảo hiểm và cấp vốn cho các nhà máy, dự án, các nhà quản lý mà họ thấy hiệu quả nhất. Thêm vào đó, DNBH sẽ luôn quan tâm và giám sát các nhà máy, dự án và các nhà quản lý mà họ đã cấp vốn và nhận bảo hiểm. DNBH khuyến khích các nhà quản lý hành động vì quyền lợi của các bên liên quan (khách hàng, cổ đông, người cho vay…). Bằng cách này, DNBH đưa tín hiệu cho thị trường rằng, đó là các nhà máy được quản lý tốt, có triển vọng và thúc đẩy phân bổ hiệu quả các nguồn lực tài chính khan hiếm. 3. Kết luận Từ những phân tích trên, có thể khẳng định vai trò to lớn của ngành Bảo hiểm đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Ngành Bảo hiểm không chỉ góp phần ổn định tài chính cho các tổ chức, cá nhân mà còn tạo việc làm cho người lao động, tăng thu cho ngân sách nước, giúp huy động các nguồn lực dài hạn…, do đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phân bổ nguồn lực hiệu quả. Chính vì vậy, các quốc gia đều chủ trương phát triển ngành Bảo hiểm nhằm phát huy những vai trò to lớn của ngành này. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Center for Capital Markets Competitiveness, (2019), “The role of Insurance Investments in the U.S economy”, US Chamber of Commerce. 2. Insurance Information Institute (2021), 2021 Insurance Fact Book, USA. 3. Harold D. Skipper, Jr, “Liberalization of insurance market: Issues and concerns”, trong OECD (2001), “Insurance Regulation and Supervision in the OECD countries”, Policy Issues in Insurance No.3, Paris. 4. The General Insurance Association of Japan (2021), Fact book 2020 - 2021 General Insurance in Japan. 5. The Life Insurance Association of Japan (2021), Life Insurance Fact book 2021. 82
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn