intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Dưa huyết

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

32
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Chách! Chách! Hai cái tát tai liên tiếp thật mạnh làm tôi choáng váng, mắt nổ đom đóm, má tôi ôm dằn lấy đầu tôi, nhìn chăm chăm vào mặt tôi: - Con, sao dại dột dữ vậy con! Vừa nói bà vừa nắm tay tôi hối hả kéo đi. Tôi điếng người chưa kịp khóc thì bị tiếp hai cái tát nảy lửa khác, tôi đau quá chịu không nổi nữa giãy nảy lên, tôi chưa biết mình đã làm gì nên tội nên phản ứng như vậy, chợt thấy cái cách má quíu cẳng quíu giò giẫm đạp...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Dưa huyết

  1. Dưa huyết Truyện ngắn của Nguyễn Hiệp Chách! Chách! Hai cái tát tai liên tiếp thật mạnh làm tôi choáng váng, mắt nổ đom đóm, má tôi ôm dằn lấy đầu tôi, nhìn chăm chăm vào mặt tôi: - Con, sao dại dột dữ vậy con! Vừa nói bà vừa nắm tay tôi hối hả kéo đi. Tôi điếng người chưa kịp khóc thì bị tiếp hai cái tát nảy lửa khác, tôi đau quá chịu không nổi nữa giãy nảy lên, tôi chưa biết mình đã làm gì nên tội nên phản ứng như vậy, chợt thấy cái cách má quíu cẳng quíu giò giẫm đạp lên rẫy dưa mà bươn đi, tôi nghi là “có chuyện” gì rồi, lấm lét ngoái nhìn lại góc rẫy dưa, nơi có trái dưa thiệt to đã chín rục, da sụp xuống, nước đỏ đặc sệt tràn ra một vệt lớn, tôi run lập cập sợ hãi. Má lại ôm tôi vào lòng, nói thầm vào tai tôi: - Là dưa huyết, dưa huyết, con biết không?! Má thường nhắc tôi không được lang thang trong góc rẫy này nhưng không giải thích vì sao, bấy giờ thì tôi mang máng hiểu ra và chợt im re, thôi cả tiếng thút thít, nước mắt muốn chảy ngược vào lại trong mắt. Má nắm tay tôi đi thật nhanh, sau khi băng vào chòi rồi quay trở lại cắm trước trái dưa to như cái thúng ấy ba cây nhang và cúi lạy ba lần, má lầm rầm khấn vái điều gì đó. “Khi trái dưa chín, máu trào ra lênh láng, ai nhìn vào đó sẽ bị hớp hồn, sẽ không còn là mình nữa, máu của dưa sẽ là máu mình, thịt của dưa cũng sẽ là thịt mình”. Má nói vậy làm tôi sợ chết khiếp, tôi đưa tay rờ xoa khắp cơ thể mình để xem có gì khác lạ không và thật sự tự hứa với lòng không bao giờ dám bén mảng đến nơi cấm kỵ đó nữa, tôi không hề biết rằng mình đã nhìn vào trái dưa huyết ấy một lần, vậy là quá đủ để suốt đời tôi phải trĩu nặng nỗi đắng cay, đau đớn, dằn vặt không nguôi. Không hiểu sao ba mươi năm qua mà góc rẫy dưa vận mạng của cuộc đời tôi vẫn không chút thay đổi nào, đó là khu rẫy dưa ở Râm Xanh, ngày ấy má tôi còn rất trẻ, tôi còn là một chú nhóc bám theo má suốt ngày, những trò bắt bướm hái hoa nghịch ngợm của tôi làm má tôi lúc nào cũng phải dõi mắt theo. Tôi nhớ mình đã uốn được thanh tre thành
  2. khung hình tam giác và vót cái cần le dẻo nhẹo, buộc thêm “con nhạy” bằng ngón tay út vào để làm bẫy sóc, tôi bẻ cành tắp luồng cẩn thận, một chú sóc sọc có chiếc đuôi cong vút bị kẹt vào, đó là thành tích ấn tượng nhất của tôi lúc ấy, nhưng nhìn con sóc chết cứng trong đớn đau tôi khóc hết nước mắt, ngày đó tôi là thằng bé thích nghịch ngợm nhưng lại hay mủi lòng. Má tôi giải thích về tâm tính thất thường của tôi gọn trong hai tiếng “dưa huyết” và có lẽ cũng để tự trấn an mình bằng hai tiếng cũng gọn không kém: “ký bán”, nguyên nhân của việc ký bán tôi chính là vì tôi đã đứng trước trái dưa huyết và còn dám nhìn vào vũng máu, má tin là tôi đã bị hớp hồn, máu của dưa huyết đã thành máu của tôi, thịt của dưa huyết đã thành thịt của tôi, vì lo lắng không giữ được sự sống của tôi, má còn xin cho tôi một sợi “niệc” với cái túi vải đỏ chứa trong đó những rễ cây cong queo kỳ lạ, mọi thứ được ếm bùa kỹ lưỡng. Má dắt tôi đến chỗ một đồng cô trẻ danh tiếng để xin ký bán tôi. Cô ấy trùm vải đỏ lên đầu tôi rồi phun lửa cháy bùng xòe bùng xòe quanh người tôi rồi đeo lên cổ tôi sợi “niệc” ấy (sau này tôi mới biết cô ta ngậm dầu lửa rồi phun ra cây hồng lạp đang cháy trước miệng). Cô ta còn dậm mạnh chân quanh người tôi ba cái và hô lớn: Aùn! Aùn! Aùn! làm hồn vía tôi bay tận chín tầng mây. “Cô ấy mạng lớn, cô ấy được ơn bề trên, chỉ cô ấy mới giữ gìn được con”, trên đường về nhà, má thì thầm vào tai tôi. Sau đó, tình cờ tôi nghe mấy người lớn trong làng thì thào vào tai nhau: “Nói trộm vía thằng nhỏ, ký bán cho chắc chứ cái vong dưa huyết là mạnh lắm”. Tôi hằng tin mình đã bị trói buộc vào một loại quy định vô hình như thế. Tôi tin số phận mình đã gắn vĩnh viễn với cô đồng tên Vi biết phun lửa và với cái miếu thờ dưa huyết mà má vừa chặt cây, cắt tranh về hì hục dựng lợp ngay trong buổi chiều mưa hôm đó. Má thường dắt tôi ra miếu lạy khấn nhang khói cho trái dưa huyết ấy, vỏ trái dưa huyết đã khô cong, méo mó, có lần khi má tôi đang sụp lạy, tôi chợt nghe tiếng động trong trái dưa, nhịp tim tôi tự dưng đập thình thịch, tôi cố gắng nhìn đi chỗ khác nhưng tia mắt tôi bị níu chặt vào cái lỗ chỗ vỏ dưa bị vỡ, thoạt đầu mấy tia mắt nhỏ trắng dã càng làm tim tôi đập nhanh hơn vì quá sợ hãi, nhưng khi nhìn thật kỹ vào trong ấy, tôi thấy vô vàn là chuột, những con chuột lớn ung dung ngồi gặm hột dưa, lúc nhúc dưới chân chúng là những đám chuột con đỏ lòm, bò đè lên nhau như giòi bọ. Tôi rùng mình, ngay lúc ấy má ấn đầu tôi xuống, má thì thầm “lạy đi con!” Tất cả những điều quy định
  3. dù mù quáng hay không đều dẫn tới bi kịch. Sau này, khi đã trưởng thành, đã nếm trải đủ mùi cay đắng, đã dệt đầy cuộc đời mình bằng những buổi chiều buồn hiu hắt, tái tê, tôi mới thấu hiểu ra được điều này dù đã quá muộn màng. Khi tôi học lớp tám, má “đi bước nữa”, tôi chăm rẫy dưa và cái chòi rẫy ấy một mình. Má nói: - Thời buổi này, được chút hạnh phúc, một chút thôi là quý lắm con à!… Má kể tôi nghe về con đường trước nhà tôi ở ngoài làng, vào thời kỳ chiến tranh ác liệt, con đường không ngày nào là không có đám tang ngang qua, mà rặt tang đôi, tang ba, thậm chí có lần còn cả năm chiếc quan tài, hai lớn ba nhỏ, cùng di quan một lúc, đó là trận phục kích vào đêm ba mươi Tết, hai bên chẳng biết hề hấn gì không, nhưng những con người đang ngồi quanh nồi bánh chưng xanh trong căn nhà bếp đó đều đã trúng đạn, hai vợ chồng và ba con nhỏ. Đám tang ấy không còn ai ruột thịt để chịu tang cho người thân vừa nằm xuống, đám tang không có lễ phục tang. Rúng động nhất, chạm lòng người nhất là đám tang chồng dì Chín, em ruột của má: chồng dì bị bắt đi lính chết trận tận cao nguyên, vừa đưa xác về. Dì Chín nhất quyết đòi mở nắp quan tài nhìn chồng lần cuối. Khi nắp quan tài mở ra, khi chiếc khoá dây kéo trên bọc ni lon đen roẹt ra một đường, dì bàng hoàng trước thân xác chồng mình, một khối cháy đen co rúm, mặt méo xệch biến dạng, hai con mắt đã cháy mất chỉ còn hai hốc mắt đen ngòm, bị chấn động mạnh dì hoá cuồng bứt tóc bứt tai, xé quần xé áo tung hết lên trời cùng với nắm tiền tử vừa lãnh nóng từ tay những người chuyển xác, thân thể hoàn toàn trần truồng, dì loạng choạng điên dại chạy đi trong tiếng gào rú thất kinh và những đồng tiền giấy lả tả bay. Đám tang ai má cũng ngỡ như đám tang của chính mình bởi vì nó là sự mất mát chung, phải vậy hông con? Con có nghĩ được như vậy hông con? Con thương má nghe con! Con thấy không, làng mình có còn mống đàn ông nào ra hồn đâu? Ba con ra đi trong một cuộc đưa tang đôi như bao đám tang thời khốc liệt; nghĩa tử nghĩa tận, chẳng lẽ lại trách người chết ích kỷ, nhưng sự thật là họ bỏ chúng ta mà đi, bỏ rơi chúng ta, ba bỏ rơi má con mình. Má tôi khóc sướt mướt, lết người tới dụi đôi mắt đẫm ướt vào vai tôi. Tôi lúc đó thật sự chưa hiểu lắm hạnh phúc là gì, nhưng nghe má kể má khóc má năn nỉ lại thấy tội nghiệp má, mình phải chịu khó sống một mình, phải dằn, giấu nỗi buồn vào trong người để má nhẹ lòng mà đi bước nữa,
  4. để má được hạnh phúc, không còn ba, má cực khổ nuôi tôi lâu nay rồi, má “được” chút gì đó cũng là điều tôi hằng ao ước. Thật ra, lúc đầu nghe má nói “má lấy chồng” tôi đã gào thét, bỏ cơm, không nhìn mặt má, tôi phản đối dữ dội, nhưng má kể lể dỗ dành riết lòng tôi lại lần hồi nguôi ngoai. Hơn nữa, má còn nhắc tôi “có khó khăn gì thì nhờ cô Vi”, tôi nghe mà an tâm hơn trong cảnh bơ vơ sắp tới. Mấy năm tôi ở một mình với khu rẫy dưa ấy, tuyệt không có trái dưa nào là dưa huyết nữa, tôi cứ thắc mắc mãi, mùa nào tôi cũng chăm chú nhìn kỹ từng dây dưa, từng bông dưa cái nhỏ nhắn đính những cánh hoa vàng nhạt trên đầu, đoán thử đâu là trái dưa huyết, tôi mường tượng nó sẽ lớn rất nhanh, máu sẽ ứ tràn ra cả vỏ dưa, nhưng rồi khi tom dưa lại để lấy hột, mọi trái dưa đều có độ lớn bình thường, những sợi gân sọc trên da vẫn sậm màu xanh lục, ruột dưa vẫn đỏ tươi, vẫn chạy đều hai ba hàng hột chắc nụi, không có dấu hiệu bất thường nào cả. Vậy mà nhiều đêm trước, tôi thường nằm mơ thấy trái dưa huyết to lớn mọc ra hai bàn chân, ngón cái bạnh, ngón giữa nhô, ông Dưa chuệnh choạng đi vào bộ vạt tre tôi đang nằm ngủ rồi há miệng ra, hột dưa biến thành hai hàm răng nâu đen nhe ra, từ cái miệng đó, máu đỏ tuôn trào lênh láng, những dòng máu đỏ đặc sệt từ trên đầu tôi tràn xuống qua trán, qua mắt rồi chui đầy vào mũi vào miệng tôi. Tôi nghẹt thở ú ớ, vùng vẫy, càng vùng vẫy tôi càng dính chặt vào lớp máu nhầy nhụa của trái dưa huyết và khi tưởng cả thể xác, tâm hồn đang rùng mình biến thành người khác thì tôi giật thót, bàng hoàng thức giấc với mồ hôi lạnh tuôn ướt cả người. Phải đợi mặt trời lên thật cao tôi mới dám ra rẫy dưa xem thử có trái dưa huyết nào không, nhưng trước mắt tôi chỉ những trái dưa con vừa đậu, da xanh mơn mởn chập chờn cạnh những chiếc lá hình bàn tay, khi khoe mình khi ẩn núp dưới ánh nắng chói chang được thả xuống từ trời cao, tôi quay vào chòi ngồi thừ ra mà nghĩ lẽ nào đất này không còn linh ứng, tôi nhớ lời má tôi: “Đất linh lắm mới có dưa huyết, con à”.
  5. Năm tôi mười bảy tuổi, vẫn sống một mình trong cái ốc đảo Râm Xanh ấy. Cá sẵn dưới suối, chỉ cần chiều đó chịu khó đào trùn móc vài cần câu cắm là sáng ra cũng được vài con lóc, con trê, có bữa còn được chú lươn bụng vàng dài ngoằng, chặt khúc kho đầy một xoong. Lúa khoai thì tôi trồng tỉa được ven suối và bán hạt dưa mua trữ thêm, không nhiều nhưng cũng đủ cho tôi qua ngày. Thời còn đi học thì có khổ hơn, muốn có sách vở đèn dầu phải chịu khó đi học thật sớm, gánh theo ra chợ ít rau lang, ít nải chuối thì mới có tiền mua, nói đơn giản, đôi gánh nặng trĩu trên vai lại phải vượt qua đoạn đường rừng dài hụt hơi để đến chợ rồi quay về trường học, mà tôi không biết sang vai nên vai phải của tôi luôn “chịu trận”, sưng đỏ, đau nhức không chịu nổi sau mỗi lần tôi cần tiền phải đi ra chợ. Tôi còn nhớ hình ảnh của mình lúc đó, trông như một con vật đen đủi, hai bắp chân mốc nâu như hai củ khoai mì chỉ được cái các cơ bắp nở nang, săn chắc. - Cưng ơi! Người cô đồng mà má tôi đã ký bán tôi ngày nào đột ngột xuất hiện trước chòi rẫy nơi tôi đang sinh sống. Tôi dựng cây cuốc trên vồng khoai lang đang vun nửa chừng, bước vào chòi, cô ta chồm người tới ôm tôi khóc rống lên. - Má cưng… - Má làm sao? Cô Vi, má làm sao? Tôi hốt hoảng. - Trời ơi, tội nghiệp cưng! Má cưng qua đời rồi. Người ta mới chở từ Sài Gòn về…
  6. Tôi không còn nghe được gì nữa cứ thế lao đi, tôi ào qua khu rừng chồi, khu cỏ lác đầy những rắn rít và gai góc. Mới đó mà má tôi qua đời đã được ba năm trời, tôi không đến trường nữa, sống trơ trọi một mình trong “ốc đảo” Râm Xanh. Thật ra tôi đỡ buồn cũng là nhờ cô đồng Vi thường vào rẫy thăm tôi, quà của cô ngày càng nhiều hơn, khi cái khăn tay, khi cái quần đùi, sự chăm chút của cô làm tôi mủi lòng, tôi biết ơn cô và thực sự xem cô là chỗ dựa tinh thần của mình. Vào một chiều, lúc đó còn chưa đầy tháng nữa là tôi vừa tròn mười bảy, trời mưa dữ quá, cô không về được, tôi nhường bộ vạt tre cho cô ngủ, tôi ôm vào chòi một bó mè lớn rồi cứ đun cây mè sáng trưng, định sẽ ngồi suốt cả đêm mà đọc sách. Chẳng biết từ lúc nào, tôi đã gục đầu lên trang sách ngủ mê đi, chợt cô lay tôi dậy bảo lên vạt mà nằm, cô canh lửa cho, trong cơn ngái ngủ tôi đã xoài người ra bộ vạt tre ngủ lịm đi. Khuya, trời buốt lạnh, tôi trở mình thì đụng phải tấm thân nóng ấm của cô Vi ngay trong mền của mình. Tôi nín thở không dám nhúc nhích thêm nữa, tôi từ từ hé mắt nhìn nhưng bếp lửa mè đã tắt ngấm, chung quanh tối đen như mực. Rồi một bàn tay choàng sang rờ rẫm trên ngực tôi, bàn tay ấy lại từ từ lần xuống dưới người tôi. Cơ thể tôi gồng lên chết cứng. Giọng cô thì thào: “Cưng là người của Vi mà, má đã ký bán cho Vi…” Mọi chuyện sau đó tôi chỉ biết làm theo cô… Tôi giật mình dậy thì mặt trời đã lên cao, cô Vi về làng từ lúc nào. Tôi đi thẳng ra bờ suối đến ngồi chỗ gốc sung quen thuộc, mỗi khi có chuyện gì phải suy nghĩ hay buồn bực tôi thường ra ngồi đây. Tôi cố nhớ lại mọi chuyện trong đêm, giờ này tôi mới thấm sự mệt mỏi rã rời, vậy là cô ta đã... Mười bảy tuổi tôi đã biết đến thân thể đàn bà, một người đàn bà lớn hơn tôi đến hơn hai chục tuổi. Nghĩ tới đó, máu tôi nóng rực, tại sao tôi phải là người của cô ta, tại sao tôi lại bị ký bán cho cô ta, tại sao, tại sao chớ? Tôi khóc, tôi đã khóc rấm rứt một mình, tôi luôn tay vò mái tóc rối bù lên, hết vò tóc lại gục mặt lên hai đầu gối mà gào thét. Đầu óc tôi ong ong những cơn đau nhức, ong ong những tiếng gào đòi nhưng hoàn toàn không có nghĩa của một chàng trai mới lớn. Cả tuần sau cô Vi mới lại vào chòi rẫy của tôi. “Nhớ Vi không?” Tôi nghiêm mặt không trả lời. Cô đặt mạnh túi ny lông đựng nửa con gà đã luộc sẵn lên bàn rồi cao giọng: “Này,
  7. nói cho cưng hay ma ăn mày bụt, bụt không ăn mày ma đâu”. Tôi bỏ ra ngoài suối, cô ta đi theo: “Cưng! Hay là Vi cúng giải lời ký bán đi, sống chết tuỳ cưng nha!” Tôi quay ngoắt lại nhìn sững cô đồng Vi, tia nhìn của tôi cố sắc mạnh như vậy nhưng trong ruột thì bắt đầu lo sợ, tôi nghĩ tới dưa huyết, tới màu đỏ sậm của máu. Cô ta đã thấy được điều đó nên bắt thóp tôi: “Vào đây, ngay bây giờ, Vi sẽ triệu gọi bề trên về thả cho cưng muốn ra sao thì ra”. Cô ta nhào tới nắm tay tôi lôi đi vào trong chòi rẫy. Đột ngột cô ta nhảy phóc lên bộ vạt tre ngồi xếp bằng, hai mắt trợn dọc, mặt ngửa lên, bắt đầu lầm rầm những lời “hiệu triệu”, nhịp điệu rất nhanh làm tôi không thể nào nghe kịp cô ta lầm rầm những lời gì, thỉnh thoảng cô ta dựng đứng người lên uốn éo. Trời vừa sập tối thì cô ta rùng mình một cái thật mạnh, chứng kiến cảnh ấy mồ hôi lạnh hai bên thái dương tôi bắt đầu rịn ra. “Con thật sự muốn rời khỏi mạng nữ phải không?” Một giọng nói lạ ồ ồ rờn rợn phát ra, cặp mắt trắng dã nhìn xoáy vào tôi. Tôi bắt đầu lúng túng, sợ hãi thật sự. “Triệu ta về đây làm gì?” Giọng nói lạ ấy nộ nạt. Tôi khiếp hãi lắc đầu liên tục. “Con thương cái ở mình mà không biết cung kính cái ở trời là sai rồi. Tai dị điềm trời! Tai dị điềm trời! Con phải là của mạng nữ thì mới ở trần gian được, nhớ chưa? Ta thăng đây”. Thật ra, cả tuần qua, phần hận cô ta nhưng phần tôi cũng cảm thấy thích thú khi nhớ lại cái cảm giác đêm đó. Giờ nghe vậy tôi nghĩ “thôi thì không duyên cũng là phận”, nên tôi đành im lặng chiều ý theo cái cảnh già nhân ngãi non vợ chồng với cô ta. Năm sau, cô ta tự ý sửa sang lại chòi rẫy, mua một tấm nệm lớn cho người đem vào rồi gạt gẫm tôi “Vi có thai” và đòi công khai đời sống vợ chồng với tôi. Cô ta nói ngon nói ngọt: “Cưng được ký bán cho Vi, Vi là đày tớ của cưng, tấm thân này cưng đã cùng ăn nằm bao nhiêu lần cưng có nhớ không? Vi đã giúp cho cưng thoát khỏi đói nghèo, cùng quẫn và tiếp tục hy sinh vì cưng, tiếp tục lo lắng cho cưng. Vi thấy cưng nằm bộ vạt tre bao nhiêu năm nay mà xót xa trong lòng, Vi thấy cái áo cưng rách mà rơi lệ, thấy miếng ăn cưng thiếu thốn mà đêm nằm mất ngủ… Vi sẽ làm cho cưng sung sướng… Nghĩ lại coi, cưng có con đường nào khác được không?” Nghe xong tôi chợt suy nghĩ lung lắm, xét ra công ít tội nhiều, nhưng quả thật tôi không có con đường nào khác hoặc cũng không dám có con đường nào khác, cả năm qua tôi đã thật sự bị tê liệt không suy nghĩ
  8. được gì nữa cả, tôi cũng không còn rạch ròi điều gì trong đầu. Có lần cô ấy nhìn xoáy vào tôi và hỏi: “Nghĩ gì đó?”, “Có nghĩ ngợi gì đâu”, “À, thế là cưng biết nghĩ đó”, “Sao lại như vậy?”, “Khuôn vàng thước ngọc của mọi suy nghĩ là cố xua đi trong đầu mọi suy nghĩ, Vi nói vậy có đúng không?” Tôi không tin nhưng tính tình tôi bấy giờ lại thích hợp để lãnh giáo những tín điều phi lý, bởi tôi quá mệt mỏi, bởi tôi đã hằn trong người thói quen tê liệt. Tôi đi nhiều đám tang, thấy nhiều lần người ta hạ huyệt rút dây, ném cho người nằm xuống nắm đất liền hối hả quầy quả ra về, nghĩ rồi thể xác kia sẽ nhanh chóng hư nát, mục rã trong lòng đất thâm u, cát bụi sẽ trở về cát bụi, con người mà là cát bụi sao. Tôi chưa một lần được yêu và cũng chưa bao giờ dám nghĩ tới điều đó và dường như tình yêu và tự do lại đi kèm với nhau như hình với bóng. Tôi nghĩ tới hình ảnh cỗ quan tài trong ngày cuối của mình có khoét hai cái lỗ để thò hai bàn tay trắng ra, tôi thở dài ngao ngán, tôi đau đớn tận cùng. “Cưng à, cưng ơi, Vi là đày tớ của cưng…” Sao mà tôi sợ đến vậy!? Tôi đã quen ăn lời dối trá ấy để sống rồi sao? Tôi đã bị nhiễm nặng nề thói quen nghe, một thói quen bị bủa vây và quy định từ trong máu thịt, từ cái ngày vận mệnh khi tôi đứng nhìn vào trái dưa huyết to đùng. Không, tôi là người thích nằm vạt tre, tôi cần gì tấm nệm vải của cô ta chứ? Nghĩ vậy nhưng rồi tôi lại nhanh chóng rơi về lại với tấm nệm êm bằng lời của người đàn bà có đôi vai vuông ấy. Qua hai mươi năm chung sống công khai, tôi giận cô ta rất nhiều và cũng giận mình không kém, nghĩ mình đã chấp nhận sống như vậy thì mình phải gánh chịu mọi nỗi, nói ra người khác cười chê cho chứ ích gì, tôi còn nhớ cái ngày tôi đồng ý sống với cô ta, làng nước chung quanh đã xôn xao, đàm tiếu rất nhiều, có người thấy tôi ngang qua đã chửi đổng, giả chửi chó mắng mèo nhưng thật ra là đang nhiếc móc tôi, nhiều người không ngại văng thẳng vào mặt tôi những câu tục tĩu hoặc gọi đích danh tôi mà mắng, nên thật tình trong thâm tâm, tôi không muốn mình trở thành đối tượng để người đời bêu giếu lần nào nữa, người ta quên hãy để cho người ta quên, với tôi biết cách để người khác quên mình đi lại là điều tốt, xem như tôi đã mất tích trong vũng bùn nào đó. Trời ơi, trong vũng bùn ấy, tôi khát khao được bình yên biết chừng nào! Vậy mà chính cô ta, cô ta nào để tôi chịu nhịn chịu nhục mà đổi lấy sự bình yên giả tạm ấy đâu. Khi đã coi như sở
  9. hữu được tôi, đã nắm bắt được ý nghĩ nhu nhược của tôi, cô ta ngày càng trở nên quá quắt, coi tôi không ra gì, thường xuyên trấn áp phủ đầu, hành hạ tôi bằng nhiều cách. Không ngày nào tôi và cô ấy lại không cãi nhau, thường thì tôi là người thua cuộc, lại ẩn mình im lặng đâu đó trong góc suối, góc chòi. Có lần cô ta còn cuốn tấm nệm lại, bắt tôi nằm lên bộ vạt tre, cô ta lấy cây nện vào người tôi nhưng sợ người khác tình cờ đi ngang qua rẫy nghe được mà vào can thiệp nên cô ta bắt tôi phải la to “chừa chưa?” mỗi khi cô ta đánh xuống người tôi, “bốp”, “chừa chưa?”, “bốp”, “chừa chưa?” “bốp”, “chừa chưa?”… Không hiểu sao tôi lại u mê đến mức nằm úp xuống chấp nhận cực hình, chấp nhận giả làm như tôi đang đóng cửa dạy vợ, chấp nhận làm theo mọi điều cô ấy nói ra. Và điều gì đến sẽ phải đến, năm nay, góc rẫy dưa của tôi lại có một trái dưa thiệt to, to bằng cái thúng, loại thúng đựng cả giạ lúa (tôi đọc sách tìm hiểu nên biết rằng đó chỉ là sự đột biến gien, tôi hiểu thêm một điều đơn giản: không phải cái gì màu đỏ cũng là máu). Từ khi phát hiện trái dưa đó, tôi thường ra đứng ngắm nhìn săm soi thật kỹ và tôi cũng nghĩ thấm nhiều điều, tôi nhận ra rằng chính sự u mê, ngu dốt đã làm cho mình bị tê liệt, tôi đã trả giá bằng chính tuổi thanh xuân của mình, bằng hơn nửa cuộc đời mình, không chỉ má tôi ký bán mà tôi cũng đã ký bán chính mình. Công bằng mà nghĩ cũng phần nhiều là tại tôi, tại tôi còn ham muốn nên sợ sệt mà chính vì sợ sệt nên tôi không đủ can đảm bước vào giữa sự cô độc để tìm lại mình. Ranh giới âm u huyền bí mỏng manh lắm! Nhờ sự xuất hiện trở lại của trái “dưa huyết” mà tôi tỉnh táo hẳn ra, một buổi sáng, ngồi cạnh trái dưa đột biến, tôi đã trực thị được thực trạng của mình, tôi quyết định không còn uất hận, cãi vã hay đối mặt với cô ta nữa, tôi sẽ ung dung tự tại sống bằng và với chính cuộc sống của mình, tôi im lặng vẫy vùng trong cõi phúc, trên con đường tự do, mặc cô ta nói gì thì nói, cô ta đay nghiến hay lên đồng doạ, tôi cũng mặc kệ, cô ta và cái miếu thờ “dưa huyết” lợp tranh mục rã không còn ảnh hưởng gì đến tôi nữa, tôi vẫn giữ nguyên danh nghĩa vợ chồng, tôi vẫn giữ nguyên cái sườn trơ ra của miếu thờ nhưng hoàn toàn ly thân với lý do chính đáng của mình. Quả nhiên tôi để ý thấy cô ta đã thật sự “trúng đòn”, cô ta lừ đừ đi đi về về như một thây ma vì bị mất hoàn toàn quyền lực với tôi. Chọn buổi sáng đẹp trời, tôi mài lưỡi dao thật bén rướn người chém một đường dứt
  10. khoát vào trái “dưa huyết”, trái dưa giòn rụm toác làm hai, một làn hương thơm mát, ngọt ngào phả vào mặt. Tôi gồng hai tay nâng nửa trái dưa lên cắn phập một cái thật mạnh, cả khung trời màu đỏ tươi rói ập vào mặt vào mắt vào môi vào lưỡi tôi, thậm chí thấm tận tâm hồn tôi cảm giác mát rượi. a
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2