YOMEDIA
ADSENSE
Ebook Địa chí Quảng Trị: Phần 2
13
lượt xem 9
download
lượt xem 9
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Tiếp nội dung phần 1, cuốn sách Địa chí Quảng Trị: Phần 2 cung cấp cho người đọc những kiến thức như: Nông lâm, ngư nghiệp; Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp; Tài chính, thương mại, dịch vụ và du lịch; Xây dựng, Giao thông vận tải, Bưu chính - viễn thông; quá trình hình thành, tiếp biến văn hóa của vùng đất Quảng Trị trong tiến trình lịch sử. Mời các bạn cùng tham khảo!
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Ebook Địa chí Quảng Trị: Phần 2
- PHẦN III KINH TẾ
- CHƯƠNG XII NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP VÀ NGƯ NGHIỆP I. NÔNG NGHIỆP Nền nông nghiệp ở nước ta nói chung luôn chịu sự chi phối của địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước và địa cư; nền nông nghiệp Quảng Trị vẫn nằm trong quy luật chung ấy. Hệ thống canh tác truyền thống của người Việt chủ yếu là dựa vào khai thác các tài nguyên thiên nhiên bằng cách tổ chức các hoạt động sản xuất phù hợp với các điều kiện môi trường bên ngoài. Bằng sức lao động và những công cụ cầm tay, người nông dân với kinh nghiệm tích lũy từ đời này sang đời khác đã từng bước tìm ra những phương pháp phù hợp với mùa vụ và điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết mỗi vùng. Ở đồng bằng ven các sông Thạch Hãn, sông Hiếu, Bến Hải, Ô Lâu... phần lớn trồng lúa nước, làm vườn. Vùng gò đồi, trung du trồng cây ăn trái, cây công nghiệp, hoa màu, làm lúa khô, làm nương rẫy, làm vườn. Vùng ven biển trồng màu (chủ yếu là khoai, môn, dưa) xen kẽ lúa và cây chắn cát. Một số nơi đã hình thành vùng chuyên canh lúa, lạc, đậu, tiêu, chè, khoai, sắn... Tính đa dạng của hệ thống canh tác không chỉ được thể hiện trong cùng một diện tích mà còn ở cơ cấu cây trồng. Việc sử dụng phân bón, xen canh, tăng vụ, gối vụ đã được chú trọng từ xưa. 1. Nông nghiệp Quảng Trị trong lịch sử 1.1. Tình hình ruộng đất và chính sách nông nghiệp dưới các triều đại phong kiến Dưới thời nhà Lý năm 1069 vùng đất Ma Linh/Minh Linh (từ bắc sông Hiếu trở ra) đã trở về với Đại Việt; nhưng phải đến năm 1075 Lý Thường Kiệt đã cho vẽ lại bản đồ 3 châu Địa Lý, Bố Chính và Ma Linh (tức Minh Linh). Một số làng được ra đời trong thời kỳ này, nhiều làng được thành lập do những lớp người đầu tiên di dân vào phía bắc Quảng Trị họ mang theo những phong tục và phương thức canh tác từ các địa phương phía bắc Hoành Sơn (tức Đèo Ngang) vào cùng cộng cư, sinh sống với các nhóm cư dân tiền trú, bản địa. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: Nhà Lý chiêu mộ dân nghèo, phiêu tán đến khai khẩn, làm ăn và ban cấp ruộng đất cho dân cày cấy và miễn thu thuế trong 3 năm.Tư liệu ít ỏi đó, cho chúng ta hình dung về một hình thức sở hữu về chế độ ruộng đất ở vùng đất mới về chế độ công điền công thổ và các hoạt động sản xuất, canh tác của các nhóm cư dân đầu tiên từ thế kỷ XI cho đến các thế kỷ XII, XIII sau đó. 699
- Đến giữa thế kỷ XVI, khi nhuận sắc và biên soạn cuốn Ô châu cận lục, Dương Văn An có ghi một chi tiết đáng chú ý về ruộng đất vùng Thuận Hoá thời Lê- Mạc “trong công điền có cả tư điền” 1. Tình trạng tư điền đã phát triển mạnh trong các thế kỷ sau đó, dẫn đến việc chấp chiếm, tranh đoạt khiến nhà nước nhiều lần tổ chức đo đạc nắm ruộng thực trưng để đánh thuế và phân cấp cho dân được yên nghiệp. Đại Nam thực lục tiền biên ghi chép: “Năm 1586, vua Lê sai Hiến sát sứ Nguyễn Tạo vào Quảng Trị khán, đo đạc các loại ruộng đất thực canh để thu thuế. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng một mặt tiếp đón nồng hậu, mặt khác sai quan các phủ huyện làm sổ địa bạ giao cho Tạo đem về” 2. Năm 1618, chúa Nguyễn Phúc Nguyên lại tổ chức đo đạc ruộng dân (tức ruộng công làng xã) “để thu thuế, dân mới hết tranh nhau, mọi người đều yên nghiệp” 3. Năm 1669, chúa Nguyễn Phúc Tần cho đo đạc lại ruộng tư để thu thuế, vì nông dân nhiều người chiếm canh ruộng lậu mà không chịu nộp thuế. Để bảo đảm nghĩa vụ hài hòa nhà nông, xuất thóc lúa nuôi binh lính và nộp thuế cho triều đình. Ruộng đất từ đó được đo đạc chia làm 3 bậc theo hai vụ mùa thu và mùa khô để thu thuế. Còn ruộng công chia đều cho dân cày cấy và nộp tô. Nếu có người khai khẩn đất đai hoang hóa mà canh tác, cày cấy thành ruộng thì cho trưng làm ruộng tư (gọi bản bức tư điền) cho cày cấy mãi mà nộp thuế riêng, xã dân không được tranh chiếm. Từ đó, nhân dân hết mối tranh kiện yên phận làm ăn, về sau ruộng khẩn (ruộng tư) ngày mỗi nhiều lại đặt Ty Nông trông coi việc thu thuế 4. Về ruộng công, ngoài ruộng dân (ruộng công làng xã), ở Quảng Trị có các loại ruộng sau: Tư điền: sử liệu cho biết vào năm 1693, cấp cho Tham khán Trần Văn Lễ 100 mẫu tư điền ở xã Phú Kỳ huyện Minh Linh 5. Quan đồn điền và quan điền trang được đặt từ năm 1680, để cấp cho huân thích và quý thần và các tướng có công làm ngụ lộc (từ 2,5 mẫu đến 10 mẫu), còn bao nhiêu cho dân cày mướn đến mùa thu hoạch để sung việc chi dùng cho Nội phủ 6. Quảng Trị là nơi tập trung nhiều quan đồn điền hơn cả, thống kê các huyện như sau: Huyện Đăng Xương: 9 xã: 1.143 mẫu 7 thước (trừ đất mạ, đất thổ cư, đất hoang là 40 mẫu 6 sào 6 thước không nộp thuế). Huyện Hải Lăng: 6 xã: 1.190 mẫu 9 sào 2 thước 9 tấc (trừ đất mạ, mương nước, đất cát, đất hoang 81 mẫu 6 sào 10 thước không nộp thuế). Huyện Minh Linh: 6 xã: 2.406 mẫu 10 thước 8 tấc (trừ đất mạ, kênh ngòi, đất nước lở, đất hoang 111 mẫu 3 sào 7 thước không nộp thuế) 7. 1. Dương Văn An. Ô châu cận lục (bản dịch của Bùi Lương). Văn hóa Á châu xuất bản, Sài Gòn, 1961, tr. 43. 2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr. 32. 3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr. 48. 4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr. 70, 112, 115. 5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr. 70, 112, 115. 6. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, Nxb Giáo dục. Hà Nội, 2001, tr. 70, 112, 115. 7. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1964, tr. 134. 700
- Tổng số quan điền ở Quảng Trị 4.750 mẫu chiếm 73% số quan điền trong toàn xứ Thuận Hóa (6494 mẫu). Lê Quý Đôn có ghi chép về chính sách ruộng đất các chúa Nguyễn như sau: “Họ Nguyễn trước lấy ruộng công làng xã làm ruộng nhà nước là, theo lệ nộp thóc tô chứa ở kho vựa sở tại, không cấp cho quan viên làm ngụ lộc, tướng thần lại bộ hộ giữ sổ sách thu nộp, lấy quan điền trang và quan đồn điền làm của tư, cho dân cày cấy và thuê người cày cấy, mỗi kì sai người coi gặt cho thuyền chở về sung vào kho Nội trù (nhà bếp trong cung) cấp ngụ lộc cho người họ và thần hạ đều lấy ở đây”1. Chúa Nguyễn lập kho ở Thạch Hãn để chứa thóc tô hai huyện Hải Lăng và Đăng Xương, có lính thuyền khang nhất 30 người coi giữ; kho Lai Cách ở huyện Minh Linh để chứa thóc tô huyện Minh Linh có lính An Nhất 33 người coi giữ2. Năm 1680, lập thêm kho Trương Xá của huyện Đăng Xương (nay là làng Trương Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ) và kho Tân An của huyện Minh Linh để tăng sức chứa thóc tô của nhà nước 3. Mặc dù các chúa Nguyễn có nhiều biện pháp mở rộng và duy trì ruộng công nhưng trên thực tế không ngăn chặn được nạn chấp chiếm, mua bán ruộng công. Bởi thế vào ngày 8 tháng 6 năm 1776 chính quyền họ Trịnh đóng ở Thuận Hoá ra hiểu thị 8 điều cho dân, trong đó ở điều khoản thứ nhất là “Dù ruộng công đã bán bất cứ thời gian nào, qua bao nhiêu chủ, đều chiếu theo văn khế chuộc về chia đều cho dân cày cấy, không được đem bán nữa. Ai không tuân thì người mua người bán đều phải tội” 4. Chính sách phân chia ruộng đất, ngày xưa theo phép “chu quan” chia sản vật 5 nơi: Rừng núi, sông chằm, cồn gò, bờ bãi, đồng bằng và đất trưng để đóng thuế, phân biệt 12 thứ đất theo từng loại giống để dân cày cấy 5. Dưới thời Tây Sơn, nhà nước cho đo đạc lại ruộng đất lập các sổ địa bạ cho các làng xã, đẩy mạnh khai hoang, ngăn chặn nạn tranh chấp, chiếm đoạt ruộng đất, mở rộng công hữu nhất là ruộng công làng xã. Đầu triều Nguyễn năm Gia Long thứ 9 (1810) nhà vua hạ lệnh làm lại địa bạ tất cả các xã (thôn, làng), tịch thu loại ruộng quan điền trong thời Tây Sơn làm quan điền, quan trại cho dân cày thu thuế 6. Nhưng do tô thuế nặng nề nên vào thời Minh Mạng chuyển các quan điền, quan trại thành ruộng công làng xã, phân cấp cho dân làng cày cấy. Điển hình như trường hợp năm 1824 Minh Mạng quyết định trao gần 500 mẫu quan đồn điền ở các xã Cổ Lũy, Vinh Quang, Hạ Lang, Lễ Môn thành ruộng đất công, phân cho dân làng cày cấy. Cũng có trường hợp, lý do chuyển thành ruộng công làng xã cũng như trường hợp chuyển quan đồn điền ở các xã Nhĩ Hạ 151 mẫu 6 sào 11 thước xã Kỳ Trúc (đều thuộc 1. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1964, tr. 131 và 260. 2. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1964, tr. 131 và 260. 3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1. Sđd, tr. 125. 4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Việt sử ký tục biên. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, tr. 143. 5. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1964, tr. 131, 260. 6. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên (Đệ nhất kỷ, tập 1). Nxb Sử học, Hà Nội, 1962, tr. 278. 701
- huyện Minh Linh) là 80 mẫu 6 sào vì “không có người lĩnh canh, làm ruộng để đất bỏ hoang” 1. Năm 1827 tiếp tục chuyển giao 332 mẫu 8 sào 8 thước quan đồn điền ở xã Trung Đan, huyện Đăng Xương và 238 mẫu 3 sào 2 phường Mỹ Tá và Kỳ Trúc, huyện Minh Linh thành ruộng công làng xã vì lý do “nhân dân thưa ít, cày cấy không xuể, nơi gần bên cạnh cũng không chịu lãnh canh” 2. Ruộng công làng xã 3 năm chia lại một lần cho dân đinh từ 18 tuổi trở lên, có chính sách ưu tiên cho quan viên chức sắc trong việc nhận ruộng trước, rồi đến thứ dân. Biện pháp bảo vệ ruộng đất công của nhà Nguyễn chỉ có hiệu lực ở Quảng Trị là một trong 2 tỉnh có tỷ lệ ruộng đất công nhiều nhất so với cả nước. Năm 1819, Quảng Trị có 17.200 dân đinh, canh tác trên 56.500 mẫu ruộng công tư 3. 1.2. Chính sách khẩn hoang của các triều đại phong kiến với vùng đất Quảng Trị Văn bản đầu tiên có nói đến khẩn hoang ở Quảng Trị có từ năm 1075, nhà Lý mộ dân đến lập làng ở châu Minh Linh 4. Sau đó, dân nghèo các vùng Thanh Nghệ vào khẩn hoang lập làng sau năm 1307 ở Châu Thuận. Năm Hồng Đức thứ 16 (1485) vua Lê Thánh Tông xuống chiếu khẩn hoang “phàm chỗ ven núi ven biển bỏ hoang chưa khai khẩn hết, thì các viên phủ, huyện phải đi khám thực, đôn đốc dân khai khẩn cày trồng”5. Tờ chiếu đó đã có tác dụng lớn đối với việc khẩn khoang lập làng ở vùng Thuận Hoá. Chỉ nhìn vào hai số liệu thống kê cách nhau trên 50 năm trong thế kỷ XV, cũng thấy được hiệu lực của tờ chiếu này. Vào thời thuộc Minh (1414 - 1425) phủ Tân Bình và Thuận Hóa có 106 xã (Tân Bình 37 xã, Thuận Hóa 79 xã) số hộ 3.602, số dân: 10.401 người. Vào thời Hồng Đức (1470 - 1479) Tân Bình, Thuận Hoá có 8 huyện, 4 châu, 732 xã, tức gấp gần 7 lần số xã thời thuộc Minh. Vào năm 1490 lúc định bản đồ toàn quốc thống kê được ở Quảng Trị có 312 xã trong đó: Huyện Vũ Xương có 53 xã, Hải Lăng có 75 xã, châu Minh Linh có 63 xã, châu Sa Bôi có 68 xã, châu Thuận Bình có 53 xã. Đó là một sự thừa nhận thành quả lớn lao trong việc khai hoang lập làng ở Quảng Trị vào các thập niên của thế kỷ XV. Dưới thời các chúa Nguyễn, chính sách khẩn hoang còn đẩy mạnh hơn trước, đã tận dụng mọi khả năng lao động và đất đai có thể canh phá được; như sự kiện vào năm 1527, chúa Nguyễn Hoàng đã đánh bại đám tàn quân Mạc do tướng Lập Bạo chỉ huy với 1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam hội điển sự lệ (quyển 37, tập 4). Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 80 - 81. 2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam hội điển sự lệ (quyển 37, tập 4). Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 80 - 81. 3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỷ tập 1, Sđd, tr. 1001. 4. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, Hà Nội, 1972, tr. 233. 5. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 12, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1959, tr.37. 702
- 60 binh thuyền trên sông Ái Tử (Thạch Hãn), bắt được hàng trăm tù binh, hàng binh của Mạc được chúa tha chết, đưa lên khai khẩn vùng đất Cồn Tiên lập nên 36 phường thuộc tổng Bái Trời (Bái Ân) 1, hình thành nên các làng xã trù phú vùng tây Gio Linh ngày nay. Năm 1669, chúa Nguyễn khuyến khích dân khai khẩn ruộng hoang, cho trưng làm ruộng tư vĩnh viễn, xã dân không được tranh chiếm gọi là bản bức tư điền 2. Chúa Nguyễn đặt chức Ty Nông Sứ để trông coi, khuyến khích nông nghiệp và bỏ thu thuế phần ruộng đất mới khai phá 3. Lê Quý Đôn hết sức ca ngợi chính sách khai hoang dưới thời các chúa Nguyễn 4. Theo Lê Quý Đôn, tổng số ruộng đất mới khai phá trong 8 huyện của xứ Thuận Hoá đến năm Giáp Ngọ (1774) là 1.510 mẫu, 3 sào, 3 thước 9 tấc. Riêng ruộng tư của các họ do canh phá lâu đời hoặc tự mua lấy cũng rất nhiều, gồm 4.700 mẫu trong đó: Huyện Đăng Xương: 1.143 mẫu 7 thước Huyện Hải Lăng: 1.190 mẫu 9 sào 2 thước 2 tấc Huyện Minh Linh: 2.406 mẫu 10 thước 8 tấc 5. Nếu kể ruộng đất ở Thuận Hoá từ đầu thế kỷ XV đến năm 1770, chưa đầy 300 năm, diện tích tăng thêm 167.000 mẫu ruộng 6. Dưới thời Minh Mạng, vào năm 1836, triều đình Huế ban đặc ân cho dân Quảng Trị khai hoang nội tỉnh: cấp tiền, nông cụ, thóc giống cho những ai có nguyện vọng khai hoang nơi cư trú, thu hoạch xong trả lại cho nhà nước phần vốn đã vay, còn bao nhiêu diện tích khai khẩn thì được hưởng. Chính sách khẩn hoang được thực hiện qua nhiều thời kỳ khác nhau gắn liền với sự ra đời của nhiều thôn làng cùng nguồn gốc, tổ quán như các làng thượng, hạ, trung, xã, phường, thượng nguyên... (Cam Lộ thượng, Cam Lộ hạ, Cam Lộ phường..., An Thái xã, An Thái phường)... Nhiều làng khai hoang thành lập muộn mang tên đầu chữ Tân (Tân Định, Tân Độ, Tân Mỹ, Tân Hưng, Tân Trúc, Tân Tường...) phản ánh những chặng đường đấu tranh chinh phục, khai phá đất tự nhiên lập thêm nhiều thôn làng ở Quảng Trị qua các giai đoạn lịch sử. Ngoài khẩn hoang nội tỉnh, nhân dân Quảng Trị đã góp phần quan trọng trong việc khai phá vùng đất mới phía nam, như canh phá đất Thăng Hoa, Tư Nghĩa vào thời Hồ đầu thế kỷ XV, cả vùng đất Quảng trong thời gian sau đó theo bia “Thần đạo” của Lê Hiến Tông (1498 - 1504) cho biết: “Bây giờ ở Quảng Nam nhiều chỗ chưa khai khẩn, vua xuống chiếu cho biền dân Thuận Hoá được tự do khai phá” 7. Sau đó, những người dân vùng Tân Bình, Thuận Hóa (trong đó có Quảng Trị) tham gia khai khẩn, mở đất 1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, tâp 1, Sđd, tr. 36, 112. 2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, tâp 1, Sđd, tr. 36, 112. 3. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1964. Sđd, tr. 136 và 131 4. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1964. Sđd, tr. 136 và 131 5. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, tr. 134. 6. Trương Hữu Quýnh, Chế độ ruộng đất Việt Nam, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983, tr. 34. 7. Trương Hữu Quýnh, Chế độ ruộng đất Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1982, tr. 254. 703
- vùng Nam Bộ, với những địa danh còn lưu dấu như Mỗi Xoài, Bà Rịa thế kỷ XVII, rồi Đồng Nai, Gia Định với hào khí khai phá, mở đất phương Nam một thuở: Làm trai cho đáng nên trai Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng tường 1.3. Về thuỷ lợi Ở vùng Bắc Quảng Trị có hệ thống thủy lợi cổ của cư dân tiền Đại Việt. Người dân lợi dụng khe suối ở vùng cao kè đá lấy nước để uống và tưới tiêu. Khi người Việt vào lập làng đã tận dụng nguồn nước này, nhưng quan trọng hơn về đào sông, vừa để tiện việc đi lại vừa có nguồn nước để dẫn thủy nhập điền. Rất nhiều kênh ngòi, sông hồ được đào và nạo vét khơi thông tạo nên mạng lưới thuỷ lợi chằng chịt ở Quảng Trị luôn được các triều đại phong kiến quan tâm. Năm 1404, nhà Hồ sai đào kênh Sen từ Tân Bình đến Thuận Hoá, xác định là thuỷ đạo nội địa quan trọng nối Quảng Bình với Quảng Trị, nhưng bị bùn cát phun lên không đào được đành thôi. Khi Lê Thánh Tông dẫn quân chinh phạt Chiêm Thành (1471) cũng cho binh sĩ đào kênh Sen, để tiện đường đi lại, nhưng sau đó bị cát đùn lên làm tắc nghẽn lộ trình. Năm 1668, chúa Nguyễn Phúc Tần theo dấu cũ cho khai kênh Hồ Xá, chúa đích thân đôn đốc dân 3 huyện Đăng Xương, Hải Lăng, Minh Linh (cả tỉnh Quảng Trị hồi bấy giờ) khơi đào, nhưng chỉ mấy tháng cát lại bồi lấp, bàn hạ lệnh cho dân dọc kênh tùy thế mà khơi đào, theo lệ thường hàng năm 1. Tháng 5 năm 1681, chúa Nguyễn Phúc Tần cho đào kênh Trung Đan, chúa đích thân ra xem 2. Năm 1693, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, lại cho đào kênh Trung Đan 3 . Tháng 8 năm 1681, chúa Nguyễn Phúc Tần cho đào kênh Mai Xá sai dân hai huyện Đăng Xương và Hải Lăng đào từ Mai Xá đến quán Nhĩ Hạ trong một tháng thì xong, khách buôn đi lại tiện lợi. Lại sai đo chỗ đất đào kênh hết bao nhiêu trừ ngạch thuế cho xã Mai Xá và Lâm Xuân 4. Tháng 11 năm 1686, chúa Nguyễn Phúc Tần lại cho đào kênh Hà Kỳ, chúa đích thân ra xem, dừng chân ở phủ cũ Tân An, chúa có ý định chọn đất đắp phủ mới. Vì đất này địa thế eo hẹp và ở kề bên sông. Năm 1703, chúa Nguyễn Phúc Chu, sai ngoại tả Tôn Thất Diệu và văn chức Trần Đình Thuận đốc suất lính đắp kè kênh Hà Kỳ từ xã Lai cách đến Thuỷ Liên, phàm 5 sở tiện việc vận tải, sau một tháng thì xong 5. Dưới thời quân Trịnh, vào năm 1775, Bùi Thế Đạt sai cai Lưu và cai Mỹ khơi đào sông ở xứ Quán Tháp và Ông Đốc để thông đường vận tải với Minh Linh; bắt dân hai huyện Đăng Xương và Hải Lăng mỗi xã nộp tiền khoán 25 quan, rồi tự sai gia nhân đi đào, nhưng bùn cát lấp đầy, vẫn cứ ứ tắc. Nhiều lần bắt dân khơi đào, dân lấy làm khổ lắm 6. 1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, Sđd, tr. 111 – 112. 2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, Sđd, tr. 127. 3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, Sđd, tr. 147. 4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, Sđd, tr. 128. 5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, Sđd, tr. 160. 6. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, tr. 111. 704
- Dưới triều Nguyễn, vua Minh Mạng nhiều lần cho vét sông Vĩnh Định. Năm 1825, do mưa lũ, sông Vĩnh Định có chỗ vỡ, vua sai cấp tiền gạo cho sửa chữa lại 1. Năm 1826, lại vét đào ở chỗ sông bị bồi nông, chi cấp tiền lương cho quân dân 2. Năm 1840, dân xã Xuân Dương và Phú Hải ở dòng cảng cũ giáp sông Vĩnh Định, cửa cảng bị lấp không có nước tưới vào ruộng, cày cấy khó khăn, xin cho khơi đào. Vua Minh Mạng phê chuẩn rằng: “Chiếu theo các dòng cũ, các xã ấy, chỗ nào có cát lấp thì khơi cát đi, chỗ nào nông cạn thì khơi mở ra, thì vùng lúa nhờ đó có nước tưới vào mà nước mưa cũng khỏi ứ tích, việc làm ruộng chưa phải là không có lợi vậy” 3. Ngoài sông Vĩnh Định, nhà Nguyễn còn cho tổ chức khơi đào một số sông khác khi thấy yêu cầu chính đáng. Năm 1822, Minh Mạng cho khơi đào sông Lễ Môn. Năm 1828, Minh Mạng miễn lao dịch cho tân binh và dân hai xã Thân Trào (Hải Lăng), Hương Liệu (Đăng Xương) để đào kênh thủy lợi, xong việc lại cho nghỉ 6 tháng và thưởng 300 quan tiền 4. Dưới các triều đại phong kiến, vua chúa rất quan tâm đến đào sông, khơi dòng để lưu thông và dẫn nước vào ruộng ở Quảng Trị. Các chúa Nguyễn đích thân ra hiện trường kiểm tra đôn đốc việc thi công. Nhân dân Quảng Trị đã nỗ lực, kiên trì đào sông làm thủy lợi. Nhà nước ban hành các chế độ lao động và khen thưởng, động viên cho quan chức, binh lính và nhân dân trực tiếp thực thi các công trình thủy lợi trên đất Quảng Trị, hiện nay hệ thống sông đào, dẫn thủy đó vẫn còn lưu dấu và phát huy tác dụng đối với nền nông nghiệp Quảng Trị và đời sống xã hội. 1.4. Nông nghiệp trồng lúa Vào đầu thế kỷ XVI, Dương Văn An đã mô tả cảnh đồng áng vùng Ô Châu “Cày thì đóng đôi trâu, mà cái cày ở giữa, bừa thì coi như tấm phản mà người đứng ở trên. Nhà dân nhiều thóc gạo, túi không có một mảnh tiền đồng” 5 và một số làng ở Quảng Trị được nhắc đến như là một sự hào hiệp của thiên nhiên dành tặng cho “Ruộng đất xã An Nhơn mở rộng thì kho đụn chứa đầy, có nước xã An Lạc ngon lành thì trâu bò béo tốt... thóc làng Đan Quế chất đống như gò, làng Đông Dương nhân nước cạn đào ao bắt cá, làng Đan Quế nhân gió rét lấp hang để đâm lợn rừng” 6. Ruộng có hai vụ, vụ mùa hạ gọi là vụ chính, vụ mùa thu gọi là vụ trái. Vào thế kỷ XVI, Dương Văn An cho biết, có loại lúa nếp mọc ở núi có mùi vị rất thơm, đến thế kỷ XVII ở phủ Triệu Phong, Lê Quý Đôn thống kê được rất nhiều loại nếp: nếp mây, nếp kỳ lân, nếp suất, nếp hạt cau, nếp mía, nếp hương bầu, nếp ông lão (còn gọi nếp trâu). Lúa có các loại giống: lúa sa, lúa chiêm, lúa hẻo, lúa xung, lúa nhé, lúa tám, lúa đốc, lúa viên, lúa nước mặn, lúa bán nguyệt. 1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên (Đệ nhất kỷ, tập 2), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr. 448, 492. 2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên (Đệ nhất kỷ, tập 2), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr. 448, 492. 3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên (Đệ nhị kỷ, tập 4), Sđd, tr. 307. 4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên ( Đệ nhất kỷ, tập 2), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr. 705. 5. Dương Văn An, Ô châu cận lục, Sđd, tr. 43, 45. 6. Dương Văn An, Ô châu cận lục, Sđd, tr. 43, 45. 705
- Riêng ở huyện Minh Linh cũng có các loại nếp bò (lúa vàng, gạo trắng, hạt to, thơm dẻo, cấy tháng 11 tháng 4 gặt) nếp mít (lúa gạo đều trắng, tháng 11 cấy tháng 2 gặt), nếp ông lão. Giống lúa có lúa ba xã, lúa chiêm, lúa nước mặn, lúa chăm bạc, chăm xa, chăm hót. Tổng bái trời có xã Mai Xá có lúa hẻo, lúa vàng, lúa nhự, lúa tám, lúa trĩ, lúa bánh lá 1. Giống nếp, có nếp bầu hương, nếp bột, nếp kỳ lân, nếp trong, nếp a suất, nếp cun cút, nếp nưa, nếp mông... Thuở đó, chỉ có tổng Bái Trời và xã Mai Xá mới trồng được lúa tẻ 5 loại giống: hẻo, vàng, nhự, tám, trĩ. Các nơi khác không màu mỡ trồng không trổ bông. Lê Quý Đôn có mô tả về một vùng sản xuất nông nghiệp phát triển ở Thuận Hoá vào thế kỷ XVIII như sau: “Tổng Bái Trời và xã Mai Xá thuộc huyện Minh Linh đất đều là quan điền, kỳ này người ta mướn ruộng để cày, mỗi mẫu phải nộp 50, 60 quan tiền kẽm, ngang với 17, 18 hay 20 quan tiền đồng, mỗi năm hết vụ thì trả lại ruộng, đất khô thì cày qua lên mà bừa, rồi vãi trồng, theo đó mà bừa qua, 5 ngày lúa mọc. Theo tục dân địa phương, trâu đực thì làng chỉ một con, trâu cái thì 2 con cùng cày” 2. Ở Thuận Hoá vào thời Lê có loại gạo khi nấu chín có thể để đến 26 năm sau vẫn còn ăn được dùng để làm lương thực dự trữ cho quân đội đánh giặc. Năm 1471, sau khi đánh thắng Chămpa vua Lê Thánh Tông trả lại lương thực chứa trong dinh Thuận Hóa. Vua hỏi Nguyễn Văn Chất - “Gạo nấu chín có thể để được 10 năm không” - Chất trả lời “Khoảng năm Thái Hòa (1443-1453) gạo nấu chín khi đi đánh Chiêm thành đến khi đánh Bồ Nam trải qua 26 năm còn có thể ăn được” - Vua nói “Hạng gạo tốt mới được như thế, há không mối mục ư?” “Đại khái để lâu vừa thì 10 năm còn tốt nguyên” 3. 1.5. Các loại cây trồng khác - Củ mài: Trong Ô châu cận lục Dương Văn An cho biết “Củ mài có nhiều ở đồi núi châu Minh Linh” 4. - Khoai: Thuận Hoá có nhiều loại khoai, ngon nhất là khoai sáp đường, nấu lên hơi vàng, mềm dẻo như sáp, có thứ là khoai đầu hùm, nơi nào cũng có trồng, tháng 4 trồng tháng 11 đào, củ to như cái vò, nấu ăn như mùi khoai đông xứ Kinh Bắc, có thứ gọi là khoai gừng, sắc trắng mềm dẻo, có thứ gọi là khoai nưa, củ sinh ra từng bụi rất nhiều, rọc nó có thể muối dưa. Cũng theo Lê Quý Đôn, ở Quảng Trị còn có các loại cây trồng như: - Chuối: có nhiều loại chuối, chuối bụt (còn gọi là chuối nanh lợn), rất ngọt và thơm, chuối sứ (chuối có hột) chuối tiêu, chuối bà hương, chuối thanh tiêu, chuối giai, chuối cau... - Thơm, mãng cầu. 1. Dương Văn An, Ô châu cận lục, Sđd, tr. 45. 2. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, tr. 380. 3. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 4, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1972, tr. 238. 4. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, tr. 380. 706
- - Mít có mít ướt mít ráo. - Xoài có xoài voi, xoài cơm. - Cau: 4 mùa đều có mềm và ngọt, giá rất rẻ, 10 quả có 2 đồng. - Trầu không: 5 lá một liền, 10 liền giá 20 đồng. - Rau đậu có bo bo (ý dĩ), mè (vừng). - Dầu lai: trồng ở tổng Bái Trời, ép dầu để bán. - Đặc biệt, hạt hồ tiêu ở tổng Bái Trời (Gio Linh) trong các thế kỷ XVI - XVIII là một đặc sản xuất khẩu quan trọng mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho dân Quảng Trị nói riêng và của cả Đàng Trong nói chung. Sách Phủ biên tạp lục chép: “Hồ tiêu ở các phường và xã Mai Xá, tổng Bái Trời huyện Minh Linh mọc đầy rừng, leo vào các cây mà mọc, tháng 9 có hoa, tháng 11 kết quả, tháng 5 thì hái, tháng 6 thì thu xong... Xưa Đoan Quận công từng sai người y theo giá mà mua chở về cùng với vây cá, yến sào để đổi cho khách buôn lấy hóa vật, bèn làm thành lệ. Họ Nguyễn hàng năm cứ đến thượng tuần tháng 5 thì sai đội trưởng thuyền Tân nhất cùng tinh binh ra địa phương hạ lệnh cho dân tùy vườn nhiều ít mà chia bao, họp số định giá mua lấy. Một gánh hồ tiêu thì trả 5 quan tiền, chở về phố Thanh Hà bán cho khách Tàu” 1. 1.6. Các loại đồn điền Đồn điền là một tổ chức kinh tế - xã hội có thể bắt nguồn từ các hình thức “điền trang” và “thái ấp” dưới triều Trần. Cũng có ý kiến cho rằng có gốc gác ngoại lai, được Việt Nam hoá và đã có tác dụng tích cực trong lịch sử phát triển đất nước. Vào thời nhà Minh đô hộ, để giải quyết nạn thiếu lương thực nhà Minh lập các đồn điền, sử dụng binh lính, chủ yếu là ngụy quân để sản xuất lương thực tại chỗ, ngay các vệ, sở và xung quanh đồn luỹ của chúng. Ở 3 vệ: Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá quan quân 3 phần, 7 phần chinh thủ, còn ngụy quân 6 phần làm đồn điền còn 4 phần chinh thủ. Quân đồn điền mỗi năm nộp 18 thạch luá. Đây là hình thức tước đoạt ruộng đất sẵn có của nhân dân bằng sức lao động của ngụy quân để nuôi sống bọn thống trị nên ít có tác dụng về phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến năm 1481, sau khi mở rộng lãnh thổ đến phía nam Quy Nhơn, vua Lê Thánh Tông mới ban chiếu đặt các sở đồn điền với mục đích “là để hết sức làm ruộng, rộng nguồn tích trữ cho nhà nước. Cả nước lúc đó có 43 sở đồn điền trong đó có đồn điền Triệu Phong 2. Dưới thời các chúa Nguyễn, sử liệu có ghi về sở đồn điền ở huyện Đăng Xương, ruộng hạ (vụ chính) 48 mẫu sai thuyền Tân nhất coi gặt, thu thóc để giống một phần đem về nộp một phần. Lúc quân Trịnh vào chiếm đóng Thuận Hoá, năm 1776, Phạm Nguyễn Du làm Hàn lâm viện kiểm thảo có dâng tờ khai trình bày cách cai trị ở Thuận Quảng, có đề nghị “Nên ban ơn để cứu dân xiêu tán, mộ dân làm đồn điền tại chỗ để giảm bớt sự vận tải lương thực” 3. 1. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, tr. 322. 2. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, tr. 322 và 355. 3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Việt sử kí tục biên, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, tr. 410. 707
- Trong khi đó ở Đàng Ngoài, đồn điền bị bãi bỏ từ năm 1756. Dưới thời các vua Nguyễn, các đồn điền ở Quảng Trị được dân sự hoá và được giảm tô thuế cho dân như các năm 1820, 1822, có lệnh giảm thuế đồn điền ở huyện Hải Lăng theo lệ công điền. Đồn điền ở huyện Kỳ Lâm, huyện Minh Linh giảm theo lệ tam đẳng ruộng tư và đồn điền ở xã Minh Lương, huyện Minh Linh theo lệ ruộng công điền. Vào đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp thực hiện chính sách khai thác thuộc địa lần thứ 2, chúng đã nhắm vào các vùng đất đỏ ở dọc Đường 9, ở Gio Linh, Vĩnh Linh để lập đồn điền nhưng không phải trồng lúa bóc lột địa tô theo phương thức phong kiến mà trồng các cây công nghiệp như cà phê, chè, tiêu... làm công trả lương theo phương thức tư bản chủ nghĩa. Dọc Đường 9 có các đồn điền Alla, Opelry, Rolme, Polavane, Lavan... Pecarda ở nguồn Rào, Leca, Bouxdolduer... diện tích đồn điền lên tới 6.878 ha. Riêng tên thực dân Loadir đã chiếm 250 mẫu ruộng và 300 mẫu đất ở Vĩnh Linh để lập đồn điền 1. Các loại đồn điền ở Quảng Trị ra đời trong hoàn cảnh khác nhau và có tác dụng nhất thời trong một giai đoạn lịch sử nhất định, nhưng đã để lại bài học về trình độ và phương thức sản xuất, kinh nghiệm thăm dò tài nguyên đất đai và cây giống gieo trồng cho các thế hệ mai sau. 1.7. Chăn nuôi Vào thế kỷ XVI, Dương Văn An đã mô tả cảnh trù phú chăn nuôi ở nông thôn Quảng Trị: “Xóm làng trù mật nên gà chó từng đàn, cỏ nước ngon lành nên trâu bò béo tốt” 2. Ở Quảng Trị có nuôi ngựa rất sớm. Năm 1427, sau khi giải phóng Thuận Hoá, Lê Lợi cho tư nhân người Minh là Châu Sài đem 340 con ngựa vào châu Hoá chăn nuôi. Đến thế kỷ XIX, các nhà giàu thường nuôi dê cũng là một ngành kinh tế thu được lãi to. Năm Minh Mạng 19 (1838), Án sát sứ Quảng Trị là Nguyễn Huy Chuẩn dâng tập thỉnh an nói “dân giàu trong tỉnh phần lớn theo lối nuôi dê con hoặc giữ văn tự không trả, hoặc đem lãi làm gốc” 3. Ngoài chăn nuôi gia súc, gia cầm, dân Quảng Trị có tài săn bắt thú rừng, nổi tiếng là dân làng Thuỷ Ba (xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh). Dưới thời Gia Long, năm 1809, lấy 200 dân Phú Bài và Thuỷ Ba đi bắt hổ, thưởng 100 quan tiền 4. 2. Nông nghiệp ngày nay 2.1. Tình hình ruộng đất và tư liệu sản xuất Do các đặc điểm của điều kiện tự nhiên, mà ruộng đất ở đây có nhiều loại hình khác nhau và phân bố rất đa dạng. Rừng núi đã chiếm tới 2/3 diện tích toàn tỉnh mà phần lớn nằm trong huyện Hướng Hoá, Đakrông, miền tây Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Do vậy đất đai dùng trong sản xuất nông nghiệp tập trung trong 1/3 diện tích còn lại, được phân bố trong các vùng tự nhiên như sau: 1. Hồng Chương, Tìm hiểu lịch sử tỉnh Quảng Trị, Bản đánh máy. Hà Nội 1972, tr. 2.t9. 2. Dương Văn An, Ô châu cận lục (bản dịch của Bùi Lương), Văn hóa Á châu xuất bản, Sài Gòn, 1961, tr. 37. 3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên (Đệ nhị kỷ, tập 5). Sđd, tr. 284. 4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên (Đệ nhất kỷ, tập 1). Sđd, tr. 717. 708
- - Vùng đồng bằng nhỏ hẹp khoảng 610 km2, chiếm 13% tổng diện tích toàn tỉnh, chạy dọc theo bờ biển, bên trong là đồi núi, bên ngoài là cồn cát. Dải đồng bằng này tương đối tập trung hơn ở hai huyện phía nam tỉnh là Triệu Phong và Hải Lăng cùng một phần ở huyện Gio Linh. - Các vùng đất đỏ bazan chiếm một diện tích 20.074 ha 1 nằm ở phía bắc tỉnh và ven đường số 9. Đó là các vùng đất thuộc tây Gio Linh; Cùa (Cam Lộ), Khe Sanh (Hướng Hoá) và các xã phía đông Vĩnh Linh. - Vùng trung du rộng gồm các ngọn đồi thấp, có dạng bát úp, phân bổ ở Cam Lộ, tây Vĩnh Linh; vùng cồn cát ven biển với các truông dài như Hau Hau (Gio Linh), Ái Tử (Triệu Phong). Các vùng này đang được khai phá dần để bổ sung vào diện tích đất nông nghiệp vốn ít ỏi của tỉnh. Theo số liệu thống kê đến ngày 01.8.1992 diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị là 76.029 ha chiếm 16,5% diện tích tự nhiên (459.200 ha); bình quân 1487 m2/người (510.992 người) 2. Trong đó, diện tích canh tác là 39.354 ha. Cũng theo số liệu thống kê năm 1992, tổng diện tích gieo trồng các loại cây công nghiệp là 68.528 ha; trong đó cây hàng năm các loại là 60. 899 ha. Trong diện tích cây nông nghiệp chiếm 55.222 ha thì cây lúa chiếm tới 42.243 ha. Đất trồng cây lâu năm của tỉnh là 7629,2 ha; trong đó chủ yếu là các loại cây công nghiệp (5766 ha), cây ăn quả không nhiều (1863 ha) 3. Đất trồng cây công nghiệp phân bố nhiều nhất ở vùng đất đỏ bazan; gồm các loại cây: cao su, cà phê, chè, hồ tiêu và các loại cây ăn quả: mít, dứa, chuối, avoca (cây bơ)... Theo kết quả điều tra điều chỉnh bổ sung bản đồ đất (tỷ lệ 1/50.000) của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Quảng Trị có 11 nhóm đất và chia thành 32 loại đất loại đất 4 với diện tích và phân bố như sau: 1. Nhóm cồn cát, bãi cát và đất cát biển - C (Arenosols - AR): Diện tích đất cát toàn tỉnh là 34.732 ha chiếm 7,32% diện tích tự nhiên. Nhóm đất này tập trung chủ yếu ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh. Nhóm đất này thích hợp cho phát triển rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày và trồng rừng... 2. Nhóm đất mặn - M (Salic Fluvisols - FLs): Có 1.430 ha chiếm 0,30% diện tích tự nhiên. Nhóm đất này phân bố tập trung ở các khu vực thấp, ven cửa sông và thường xuyên bị nhiễm mặn do thủy triều, thuộc các huyện Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh. Nhóm đất này thích hợp cho nuôi trồng thủy sản và trồng rừng ngập mặn. 3. Nhóm đất phèn - Sj (Sali Orthi Thionic Fluvisols - FLt-o-s): Diện tích 418 ha chiếm 0,52% diện tích đất bằng và chiếm 0,09% diện tích tự nhiên. Toàn bộ là đất phèn mặn ít và trung bình. Phần lớn diện tích đất này được sử dụng trồng lúa, nhưng năng suất thấp. 1. Cục thống kê Quảng Trị, Số liệu thống kê tỉnh Quảng Trị 1860 – 1990, Đông Hà, 1991, tr. 7. 2. Cục thống kê Quảng Trị, Số liệu thống kê tỉnh Quảng Trị 1860 – 1990, Đông Hà, 1991, tr. 7. 3. Cục thống kê Quảng Trị, Số liệu thống kê tỉnh Quảng Trị năm1992, Quảng Trị, 1993, tr. 50. 4. Theo Quyết định số 2211/QĐ-UBND tỉnh Quảng Trị ngày 15/10/2014 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp Quảng Trị đến năm 2020. 709
- 4. Nhóm đất phù sa - P (Fluvisols - FL): Có 40.492 ha, chiếm 50,19% diện tích đất bằng và 8,53% diện tích tự nhiên. Nhóm đất này phân bố ven sông, suối và rất thích hợp cho trồng lúa, các loại cây hoa màu và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. 5. Nhóm đất lầy và đất than bùn - GL (Glay sols and histosols): gồm 405 ha, chiếm 0,09% diện tích tự nhiên. Đất được hình thành ở những nơi thấp, trũng, ứ đọng nước và những nơi có mực nước ngầm nông. Đất lầy (J): 356 ha, chiếm 0,44% diện tích đất bằng và 0,07 diện tích tự nhiên. Loại đất này tập trung chủ yếu ở xã Cam Chính (huyện Cam Lộ). Đất than bùn (T): 49 ha, chiếm 0,06 diện tích đất bằng và chiếm 0,01% diện tích tự nhiên. Loại đất này tập trung phần lớn ở các xã Gio Châu, Gio Quang (huyện Gio Linh) và xã Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng). 6. Nhóm đất xám bạc màu trên phù sa cổ - AC (Acrisols): Diện tích 1.304 ha, chiếm 0,24 diện tích tự nhiên. Nhóm đất này tập trung chủ yếu ở huyện Cam Lộ và phù hợp với các loại cây công nghiệp hàng năm. 7. Nhóm đất đen: 79 ha, toàn bộ là đất đen trên bazan (R) ở huyện Hướng Hóa. Loại đất này thích hợp để trồng cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày. 8. Nhóm đất đỏ vàng - AC: có 357.191 ha, chiếm 75,25% diện tích tự nhiên. Đây là nhóm đất có diện tích lớn nhất và phân bố hầu khắp ở các huyện, thị, thành phố. Loại đất này thích hợp cho trồng hoa màu và cây ăn quả. 9. Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi - Acu (Humic Acrisols): Có 10.871 ha, chiếm 2,29% diện tích tự nhiên và phân bố chủ yếu ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa và Vĩnh Linh. Nhóm đất này thích hợp cho trồng cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả. 10. Nhóm đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ - D (Dystric Gleysols): 1.902 ha, chiếm 2,36% diện tích đất đồng bằng và chiếm 0,40% diện tích tự nhiên, phân bố ở hầu khắp các huyện của tỉnh Quảng Trị. 11. Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá - E (Dystric Gleysols): 4.018 ha, chiếm 0,89% diện tích tự nhiên. Phân bố tập trung ở thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Đakrông và Hướng Hóa. Diện tích sông, suối, mặt nước chuyên dùng và núi đá không có rừng cây là 21.936,11 ha, chiếm 4,62% diện tích tự nhiên. Tài nguyên đất Quảng Trị có sự phong phú về nhóm, loại đất nên quá trình khai thác sử dụng có thể cho phép đa dạng hóa hình thức sử dụng với nhiều loại cây trồng như: cây lương thực, hoa màu, các loại cây công nghiệp dài và ngắn ngày, cây ăn quả... Tuy nhiên do điều kiện địa hình và đặc điểm khí hậu nên có nhiều nơi đất nghèo chất dinh dưỡng do bị xói mòn, rửa trôi... Vì vậy để góp phần khai thác tốt nguồn tài nguyên đất, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đòi hỏi phải có sự đầu tư một cách phù hợp, nhất là các công trình thủy lợi; đồng thời phải bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ nhằm tăng cường khả năng giữ nước. Về phương diện các loại tư liệu sản xuất trong sản xuất nông nghiệp, ruộng đất là loại tư liệu đặc biệt và có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, góp phần quyết định đến năng suất và sản lượng của sản xuất nông nghiệp, đặc biệt khi vai trò của khoa học và công 710
- nghệ chưa phát huy được đầy đủ tiềm lực của nó thì với một nền sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn mang nhiều tính tự nhiên như nước ta thì chất lượng ruộng đất và cách tổ chức quản lý, sử dụng ruộng đất của con người càng vô cùng quan trọng. Nhìn chung, cũng như các tỉnh khác, ruộng đất ở Quảng Trị được quản lý dưới ba loại hình: Quốc doanh của nhà nước, tập thể nông dân các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và ruộng đất của tư nhân. Theo số liệu thống kê năm 1992 lực lượng Quốc doanh quản lý 4.806 ha trong tổng số 68.528 ha diện tích gieo trồng 1 và được tổ chức thành các nông trường quốc doanh, diện tích trong các nông trường đó được sử dụng chủ yếu để trồng cây công nghiệp. Tính đến ngày 01/6/1993 trong tổng số 64 doanh nghiệp nhà nước được thành lập lại thì ngành nông nghiệp - thủy lợi có 9 đơn vị. Trong đó có 4 nông trường quốc doanh là Nông trường Bến Hải, Nông trường cà phê Khe Sanh, Nông trường Quyết Thắng và Xí nghiệp liên hiệp hồ tiêu Tân Lâm 2. Đối với bộ phận ruộng đất tập thể của nông dân thì đại bộ phận ruộng đất và một phần sức kéo ở nông thôn đồng bằng được tập trung vào 298 hợp tác xã, 83 tập đoàn sản xuất nông nghiệp do tập thể nông dân làng xã quản lý và sản xuất 3. Nếu như trước đây người nông dân chỉ sở hữu các công cụ thô sơ và một số rất ít ruộng đất, thì hiện nay xu hướng để cho người nông dân gắn bó với các tư liệu sản xuất chủ yếu ngày càng được coi trọng. Công cuộc tập thể hoá, công hữu hoá tư liệu sản xuất làm cơ sở để xây dựng quan hệ sản xuất mới ở nông thôn có lịch sử rất sớm và không cùng một thời điểm trong địa bàn toàn tỉnh do hoàn cảnh tỉnh nhà bị chia cắt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đây là điểm khác biệt của Quảng Trị so với các tỉnh khác. Năm 1958, khu vực Vĩnh Linh đã hoàn thành hợp tác hoá nông nghiệp dưới hình thức các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất. Quan hệ sản xuất mới hình thành đã phát huy tác dụng rất lớn trong sản xuất và chiến đấu ở vùng địa đầu giới tuyến. Từ năm 1976, bên cạnh việc củng cố quan hệ sản xuất mới, nông thôn Vĩnh Linh, công cuộc công hữu hoá, tập thể hoá được tiến hành ở phía nam sông Bến Hải. Ba nông trường quốc doanh được thành lập: Cồn Tiên, Tân Lâm, Khe Sanh. Đại bộ phận đất đai sản xuất nông nghiệp ở nông thôn được tập thể hoá. Thời kỳ 1981 - 1985, cơ chế khoán theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư trung ương Đảng theo hướng bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh quy mô hợp tác xã đã có tác dụng kích thích người nông dân gắn với ruộng đất, tạo ra một bước ngoặt mới trong sản xuất nông nghiệp. Sau đó, cơ chế khoán mới theo Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chú trọng việc giao khoán ruộng đất theo năng lực sản xuất, đa dạng hoá quản lý tài sản chủ yếu đã góp phần tạo nên động lực mới trong sản xuất nông nghiệp. Người nông dân càng gắn bó hơn với ruộng đồng vốn ít ỏi của mình để thâm canh tăng vụ, ra sức bảo vệ và duy trì sức kéo, sản xuất nông cụ đạt hiệu quả lao động cao hơn. Đó là tiền đề căn bản để bà con nông dân Quảng Trị phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng từ trong chiến đấu, đức tính cần cù nhẫn nại của quê hương vào mặt trận sản xuất lương thực theo cơ chế mới hiện nay. Như vậy, đánh giá vai trò của ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp, tùy theo từng 1. Cục thống kê Quảng Trị, Số liệu thống kê tỉnh Quảng Trị năm1992, Quảng Trị, 1993, tr. 50. 2. Cục thống kê Quảng Trị, Số liệu thống kê tỉnh Quảng Trị năm1992, Quảng Trị, 1993, tr. 136. 3. Cục thống kê Quảng Trị, Số liệu thống kê tỉnh Quảng Trị năm1992, Quảng Trị, 1993, tr. 139. 711
- loại hình, chất lượng đất đai mà có cách quản lý thích hợp, tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất gắn bó máu thịt với nó, trả lại cho nông thôn con đường phát triển tự thân của nó mà không rập khuôn máy móc. Đó là một bước tiến trong công tác quản lý sử dụng ruộng đất nói riêng và quản lý nông thôn nói chung của mỗi một cấp, một ngành quản lý kinh tế nông nghiệp và quản lý nhà nước. Tóm lại, trên cơ sở địa hình hỗn hợp gồm cả miền núi, trung du, đồng bằng của một tỉnh duyên hải miền Trung, với các dải đồng bằng châu thổ hẹp và chia cắt, với các hình thức sở hữu các tư liệu sản xuất chính ngày càng hoàn thiện dưới các chính sách khuyến nông đúng đắn, người nông dân Quảng Trị đang ra sức khai phá, sử dụng mọi loại diện tích đất đai có khả năng dùng vào sản xuất nông nghiệp. Đó là điều kiện tiên quyết để phát triển của ngành kinh tế nông nghiệp truyền thống, có vị trí bản lề trong cơ cấu các ngành kinh tế của quê hương Quảng Trị. 2.2. Tổ chức sản xuất 2.2.1. Giai đoạn 1945 - 1954 Năm 1946, sau một năm xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã đạt được một số thành quả trong nông nghiệp. Đã tiến hành chia 49.360 ha ruộng đất công (chiếm 53% ruộng đất canh tác của toàn tỉnh) cho nông dân, đã tạo ra động lực mới cho nông nghiệp phát triển; thành lập “Nông hội” vận động nông dân tích cực tham gia phong trào xây dựng thủy lợi, giúp nhau sản xuất, mở rộng chăn nuôi, tiến hành tiếp quản các đồn điền của tư sản Pháp ở dọc Đường 9 1. Trong những năm 1947 -1954, quân và dân Quảng Trị thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, “Vườn không nhà trống”, chuyển máy móc và phương tiện sản xuất lên miền núi, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phát động phong trào tăng gia sản xuất, đảm bảo nguồn hậu cần tại chỗ, vượt qua nạn đói và phục vụ kháng chiến. 2.2.2. Giai đoạn 1955 - 1975 2.2.2.1. Khu vực Vĩnh Linh Sau Hiệp định Genève (1954), Vĩnh Linh trở thành Đặc khu hành chính trực thuộc Trung ương, cùng với miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn này Ty nông - lâm Vĩnh Linh được thành lập, đồng thời hình thành các hợp tác xã nông nghiệp, thủy sản với nhiệm vụ tổ chức sản xuất nông nghiệp và đánh bắt thủy sản. Các Nông trường Quyết Thắng, Bến Hải và Lâm trường Bãi Hà được thành lập với nhiệm vụ trồng cây cao su, khai thác gỗ phục vụ kiến thiết quê hương, đồng thời làm hầm hào, xây dựng các công trình quân sự, giao thông phục vụ chiến đấu; xây dựng các hồ đập thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong thời kì 1955 - 1957, ở Vĩnh Linh, phong trào đổi công đã thu hút hầu hết nhân dân lao động nông nghiệp vào trong 1094 tổ đổi công, tiến hành tổ chức thí điểm hai hợp tác xã nông nghiệp, huấn luyện, đào tạo trên 1440 cán bộ tổ đổi công và hợp tác xã. Từ năm 1958, cuộc vận động hợp tác hoá đã trở thành cao trào ở nông thôn. Một trong hai hợp tác xã xây dựng thí điểm là Vĩnh Kim đã trở thành điển hình cho công 1. Cục Thống kê Quảng Trị, Quảng Trị trước thềm thế kỷ XX: Con số và sự kiện, Quảng Trị, 2001, tr. 394. 712
- cuộc tổ chức làm ăn tập thể 1. Tiến hành khai hoang phục hóa hơn 2334 mẫu đất ruộng, chuyển ruộng sản suất 1 vụ thành 2 vụ. Huy động 18 vạn ngày công làm thủy lợi, đã xây dựng mới 800 công trình tiểu thủy nông và 3 công trình trung thủy nông cùng hàng chục km đê ngăn mặn, kênh mương tưới tiêu. Đến cuối năm 1958, Vĩnh Linh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ hợp tác hóa nông nghiệp 2. Năm 1961, Vĩnh Linh thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), với mục tiêu lấy phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc làm trọng tâm, củng cố các hợp tác xã nông nghiệp nhằm giải quyết vấn đề lương thực, đồng thời ra sức phát triển cây công nghiệp. Trên lĩnh vực thủy sản, thành lập các đội tàu thuyền vừa đẩy mạnh đánh bắt thủy sản vừa vận chuyển lương thực, vũ khí cho quân và dân đảo Cồn Cỏ trực tiếp chiến đấu. Dưới mưa bom, bão đạn ác liệt của quân đội Mỹ, nhưng cán bộ và nhân dân Vĩnh Linh đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hiểm nguy, tiến lên giành những thắng lợi to lớn trong chiến đấu, sản xuất, quyết tâm bảo vệ vững chắc tiền đồn miền Bắc Xã hội chủ nghĩa và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, do đó trong những năm 1965 - 1968 Bác Hồ đã tám lần gửi thư khen quân và dân Vĩnh Linh “Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”. Các phong trào thi đua “phất cao cờ đông - xuân rửa hận Hướng Điền”,“học tập và vượt hợp tác xã Đại Phong”, “tay cày tay súng” được phát động. Mặc dù bị địch đánh phá ác liệt nhưng các cánh đồng ở Nam Hồ, Đơn Thạnh, Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy thuộc địa bàn Vĩnh Linh vẫn luôn có người chăm bón cho cây lúa, duy trì sản xuất. Ngày 01/5/1972, Quảng Trị được giải phóng. Trong muôn vàn khó khăn của ngày đầu giải phóng, Ty nông - lâm - ngư nghiệp - thủy lợi ra đời, đồng thời hình thành các Ban Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi, Thủy sản. Số lượng cán bộ (43 người) và cơ sở vật chất hạn chế, nhưng với tinh thần cách mạng tiến công, ngành Nông nghiệp đã vượt qua mọi khó khăn, tìm hướng đi mới và đã đạt được những thành quả trong sản xuất lương thực, góp phần ổn định đời sống của người dân Quảng Trị. Từ đầu năm 1973, để ra sức củng cố vùng giải phóng, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân cách mạng, Ủy ban Dân tộc giải phóng miền Nam phát động toàn quân mở các chiến dịch tháo gỡ bom mìn, khai hoang phục hóa, làm thủy lợi, đường giao thông, khôi phục và đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, tạo thế và lực để thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng phần dân cư và đất còn lại của tỉnh Quảng Trị vào ngày 19/3/1975. 2.2.2.2. Khu vực chính quyền Sài Gòn kiểm soát Để giành được nông thôn và nông dân, một vấn đề khẩn thiết và cấp bách đối với chính quyền Sài Gòn; ngay dưới thời Ngô Đình Diệm đã dùng chính sách “bình định” nông thôn, thông qua việc “cải cách điền địa”. Nội dung “cải cách điền địa” dưới thời Ngô Đình Diệm, được thể hiện trong 3 tờ 1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị, Quảng Trị 60 năm một chặng đường, Sở Văn hóa thông tin Quảng Trị, 1990, tr. 216. 2. Cục Thống kê Quảng Trị, Quảng Trị trước thềm thế kỷ XX: Con số và sự kiện, Quảng Trị, 2001, tr. 397. 713
- dụ: Dụ số 2 (8/1/1955), Dụ số 7 (5/2/1955) và Dụ số 57 (22/10/1956). Nội dung chính của 3 văn bản đó tập trung vào 2 vấn đề quan trọng là xác định bằng pháp lý mối quan hệ giữa địa chủ với tá điền, đồng thời ấn định một giới hạn có lợi cho chế độ sở hữu ruộng đất của địa chủ. Thực chất các tờ Dụ “cải cách điền địa” đã bắt nông dân phải lập khế ước tá điền, tức là luật pháp hóa cho phép địa chủ chiếm lại ruộng đất mà chính quyền cách mạng đã chia cho nông dân trước đó. Bắt những gia đình nông dân lao động trở lại địa vị tá điền với mức tô phổ biến là tăng lên. Sang thời Nguyễn Văn Thiệu “cải cách điền địa” trở thành mối quan tâm lớn nhất của chính quyền. Luật “người cày có ruộng” ra đời, với những khẩu hiệu “hữu sản hóa nông dân”, “tạo cơ hội thăng tiến đồng đều cho mọi nông dân”, “bãi bỏ chế độ tá canh và nạn trung gian bao tá”. Để thực hiện những khẩu hiệu đó, luật “Người cày có ruộng” đặt vấn đề “truất hữu” ruộng của địa chủ; nhưng có khác thời Ngô Đình Diệm trong biện pháp thực hiện. Nếu như trước đây, Dụ số 57 của Ngô Đình Diệm quy định, mức sở hữu ruộng đất của địa chủ là 100 ha, thì luật “Người cày có ruộng” chỉ cho phép địa chủ giữ lại 15 ha, số ruộng còn lại sẽ bị truất quyền sở hữu. Giá biểu bồi thường bằng hai lần rưỡi số hoa lợi thường niên về lúa của thửa ruộng đó (điều 8). Địa chủ được bồi thường theo thể thức 20% giá trị ruộng đất bằng tiền mặt; số còn lại được trả trong 8 năm bằng trái phiếu và được hưởng lãi 10% (điều 9). Các trái phiếu này được quyền đem cầm cố, chuyển nhượng hoặc mua bán (điều 10) 1. Kết quả của luật “Người cày có ruộng” là đã truất hữu ruộng của địa chủ, để cấp không cho nông dân cùng với giấy chứng nhận, gọi là “chứng khoán ruộng đất”. Tuy vậy, với việc chia nhỏ ruộng đất, đã hạn chế đầu tư trên quy mô lớn và cản trở việc đưa sản xuất nông nghiệp đi vào con đường sản xuất lớn, có hiệu quả cao 2. Suốt 20 năm vùng Nam sông Bến Hải, dưới chế độ Sài Gòn kiểm soát, Quảng Trị là một chiến trường nóng bỏng và ác liệt nhất. Chiến tranh đã gây nên bao cảnh điêu tàn, làng mạc bị đốt cháy, đồng ruộng bị hoang hóa, phần thì bị san ủi thiết lập các căn cứ quân sự của Mỹ và quân đội Sài Gòn; phần thì bom đạn dày đặc, người dân không thể canh tác được. Thêm vào đó, với chính sách “bình định” nông thôn, chính quyền Sài Gòn đã dồn dân lập ấp, đưa dân vào các trại tập trung, như: Trại tập trung Cam Lộ, trại tập trung Quán Ngang, trại tập trung La Vang, trại tập trung Triệu Thượng... Ở những trại tập trung này, cuộc sống nông dân bị bần cùng hóa, họ sống chủ yếu bằng sự cứu trợ ít ỏi, cho nên cuộc sống cơ cực, túng thiếu. Sản xuất, canh tác bị đình đốn, ruộng đồng thì bỏ hoang... nhà thơ Tố Hữu trong bài “Nước non ngàn dặm” đã phải thốt lên rằng: Bời bời cỏ lút đồng hoang Chim kêu cành cụt, chang chang nắng cồn Bên cạnh đa số những người nông dân bị bần cùng hóa, họ phải bỏ bê ruộng đồng, tìm kiếm các nghề khác mưu sinh, đắp đỗi qua ngày; thì một bộ phận nhỏ những người nông dân sống ven thị xã, gần các trung tâm thị trấn, thị tứ... thuộc quyền kiểm soát của 1. Cao Văn Lượng, Chính sách ruộng đất của Mỹ ngụy, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 7, 1976, tr. 25 2. Cao Văn Lượng, Chính sách ruộng đất của Mỹ ngụy, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 7, 1976, tr. 25 714
- chế độ Sài Gòn, họ vẫn duy trì nghề nông, bám ruộng đồng sản xuất. Một bộ phận khá giả, đầu tư máy móc phục vụ nông nghiệp như máy cày, máy bơm nước, máy xay xát, cùng với một số vật tư nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc trừ sâu...nên đối với một số diện tích, cánh đồng còn duy trì được mùa vụ, thì năng suất bình quân cũng đạt từ 1,3 đến 1,5 tấn/ha. Tuy nhiên, có một thực tế là phần lớn những người nông dân nghèo, không thể mua sắm được máy móc, nên họ phải phụ thuộc vào chủ máy móc, các chủ hàng buôn bán xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu... họ phải thuê máy móc, ứng vật tư tại các đại lý, đến cuối vụ thu hoạch phải trả nợ và lợi tức theo % cam kết. Sản xuất nông nghiệp trong điều kiện như vậy, nên đại đa số có đến 70 - 80% số hộ nông dân Quảng Trị có cuộc sống rất thấp, họ không mấy thiết tha với ruộng đồng, mùa vụ. 2.2.3. Giai đoạn 1976 - 1989 Là một nơi đụng đầu lịch sử của một chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử dân tộc, mảnh đất Quảng Trị đã hứng chịu những hậu qủa chiến tranh nặng nề nhất với hàng trăm triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học các loại trút xuống xóa đi thảm thực vật trên mặt đất bị cày xới và chứa đầy bom đạn. Chính vì thế mà trong khi đất đai đồng bằng vốn đã ít, việc giành giật lại từng tấc đất hoang hóa, cải tạo môi sinh trở thành vấn đề hàng đầu thời hậu chiến. Ý thức đó không chỉ là sự trăn trở thường trực trong các cấp, các ngành quản lý kinh tế mà còn biến thành sự nhiệt tâm, thành sức mạnh khai phá tiềm tàng trong bà con nông dân tỉnh nhà. Lực lượng quân đội, thanh niên xung phong đã được huy động làm nồng cốt để giải quyết vấn đề này và đã đem lại hiệu quả tích cực. Các chiến dịch tháo gỡ bom mìn, khai hoang phục hoá được tiếp tục tiến hành trong thời kì 1976 - 1980, kết hợp với các biện pháp đồng bộ khác như xây dựng các công trình thuỷ lợi, lập các khu kinh tế mới. Công tác điều tra, quy hoạch đất đai đã có những bước tiến đáng kể. Trong những năm 1975 - 1976, đã hình thành những điểm tụ cư của người Kinh xen với đồng bào dân tộc ít người, lập nên các làng xã có người Kinh của huyện Hướng Hoá, mà bộ phận chủ yếu là hàng ngàn hàng vạn nông dân ở các huyện đồng bằng Quảng Trị lên miền Tây xây dựng cuộc sống mới. Tình hình khai hoang xây dựng các vùng kinh tế mới có nhiều biến chuyển rõ nét trong giai đoạn từ những năm 1976, 1977 trở về sau...1 Bà con đã định cư thành các tụ điểm kinh tế mới ở ven đường 9 - Khe Sanh; miền tây Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh. Từ những vùng đất trống đồi núi trọc, những xóm làng trồng cây lương thực, cây ăn qủa và đặc biệt là cây công nghiệp đã mọc lên ven các nông trường quốc doanh của nhà nước như nông trường Bến Hải, Nông trường Đường 9, Khe Sanh... góp phần phân bố lại lực lượng lao động trên địa bàn toàn tỉnh, thực sự đã làm thay đổi bộ mặt của vùng núi đồi Quảng Trị. Giai đoạn này đánh dấu sự hình thành và phát triển của các công ty, trang trại nông, lâm, thủy lợi, thủy sản, nhiều hợp tác xã tự điều chỉnh mô hình và tổ chức sản xuất tạo nên sự phát triển mạnh mẽ trong nông nghiệp. Sản lượng lương thực tăng nhanh, đảm 1. Số liệu chuyển dân năm 1991, 1992, 1993 và 5 tháng đầu năm 1994, tài liệu của ban di dân và phát triển vùng kinh tế mới Quảng Trị. 715
- bảo nhu cầu tiêu dùng, đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh tập trung như ớt, lạc, cà phê, hồ tiêu... Từ năm 1976 đến 1980 phong trào hợp tác hoá ở vùng nam Bến Hải được phát động với nhiều quy mô khác nhau trên cơ sở rút kinh nghiệm xây dựng phong trào ở Vĩnh Linh trước đây và ở vùng giải phóng Quảng Trị sau năm 1972. Từ những năm đầu thập 80 của thế kỷ XX, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến chuyển, tư tưởng chỉ đạo kinh tế chuyển hướng mạnh sang coi trọng “năng suất - chất lượng - hiệu quả” nên nền nông nghiệp Quảng Trị nói riêng có nhiều biến chuyển. Chỉ thị 100 ra đời, áp dụng mạnh mẽ chế độ khoán kết hợp bố trí lại cơ cấu cây trồng, coi trọng cây công nghiệp, cây xuất khẩu, điều chỉnh lại quy mô hợp tác xã phù hợp với trình độ quản lí, tạo điều kiện khai thác tốt hơn tiềm năng và đất đai nông nghiệp. Bàn về tác dụng của nó đối với sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã đánh giá như sau: “Việc mở rộng hình thức khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà phát triển nhanh chóng. Năng suất lúa tăng từ 12,2 tạ/ha trong năm 1980 lên 16,5 tạ /ha trong năm 1982; 20,8 tạ/ha năm 1984 lên 22,4 tạ/ha trong năm 1987” 1. Đặc biệt từ khi có nghị quyết của Tỉnh ủy Bình Trị Thiên (cũ) “về phát triển toàn diện kinh tế vùng biển” người nông dân vừa chủ động sản xuất lương thực, vừa mở rộng diện tích trồng cây phòng hộ ven biển. Hầu hết ở các xã ven biển Triệu Hải, Bến Hải đã có thảm rừng cây phi lao, bạch đàn với hàng chục vạn cây hoặc triệu cây có tác dụng rất lớn trong cải tạo môi trường, bảo vệ và phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, phải đến cơ chế khoán theo đơn giá, thanh toán gọn, đa dạng hoá cách quản lý tư liệu sản xuất, coi trọng lợi ích của người nông dân, tinh giản bộ máy quản lý gián tiếp theo Nghị quyết 10 (năm 1988) thì cơ chế khoán mới được hoàn chỉnh. Người nông dân tin tưởng hơn vào sự nhạy bén và năng động trong việc tổ chức sản xuất nông nghiệp của Đảng. Sau 3 năm triển khai, nền nông nghiệp tỉnh nhà đã phát triển toàn diện, cả cây lương thực cây công nghiệp xuất khẩu lẫn chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá nước ngọt, nuôi tôm sú, trồng rau câu. Tổng sản phẩm lương thực hàng năm đều tăng, đưa bình quân đầu người trong năm 1989 đạt 300 kg và có xuất khẩu 2. Kết quả sản xuất nông nghiệp từ năm 1976 - 1980 3 Tốc độ phát triển liên hoàn Năm 1976 1977 1978 1979 1980 (%) 77/76 78/77 79/78 80/79 Tổng SLLT quy thóc 108,6 113,0 108,1 101,1 93,5 103,9 95,6 93,5 92,5 Trong đó: Thóc 67,3 67,8 60,8 67,9 51,4 100,0 97,7 111,1 75,6 Bình quân nhân khẩu 319 330 32,50 331 288 103,4 98,5 101,8 81,0 NN (kg/người) 1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị, Quảng Trị 60 năm một chặng đường, Sđd, tr. 236. 2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị, Quảng Trị 60 năm một chặng đường, Sđd, tr. 239. 3. Cục Thống kê Quảng Trị, Số liệu thống kê tỉnh Quảng Trị 1991, Tlđd.(Phụ lục tham khảo), tr. 54. 716
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn