Ebook Lịch sử Hải Phòng (1888-1955): Phần 2 (Tập 3)
lượt xem 2
download
Cuốn sách Lịch sử Hải Phòng tập III được bố cục thành Lời nói đầu, 4 chương, phần Kết luận và Phụ lục ảnh, bản đồ thành phố của thời kỳ nghiên cứu. Nội dung tập trung phản ánh những biến đổi của Hải Phòng kể từ khi được thành lập (năm 1888) và trải qua hai đợt khai thác, bóc lột thuộc địa của thực dân tư bản Pháp; cùng phong trào đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp của nhân dân thành phố những năm cuối thế kỷ XIX, phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Hải Phòng trong 30 năm đầu thế kỷ XX. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung phần 2 dưới đây!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Ebook Lịch sử Hải Phòng (1888-1955): Phần 2 (Tập 3)
- HẢI PHÒNG Chương III HẢI PHÒNG LỊCH SỬ TỪ KHI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI ĐẾN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
- CHƯƠNG III Hải Phòng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời... 149 L ịch sử Hải Phòng từ năm 1930 đến tháng 8/1945 vận động, phát triển trong sự tác động sâu sắc của những biến động kinh tế, xã hội và chính trị có quy mô toàn cầu, Đông Dương và toàn quốc. Những biến động bao gồm: cuộc đại khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa 1929 - 1933, Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945), đặc biệt là sự ra đời và lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 3/2/1930 với các cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945 và thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chính vì vậy, năm 1930 là năm mở đầu cho một giai đoạn lịch sử mới với những nội dung và đặc điểm mới trong tiến trình lịch sử cận đại Hải Phòng. I- KINH TẾ 1. Tình hình kinh tế Hải Phòng a) Sự sa sút trong cuộc đại khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa 1929 - 1933 và đến năm 1936 Tháng 10/1929, khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa nổ ra ở Mỹ, rồi lan sang các nước tư bản khác. Mức sản xuất của toàn bộ thế giới tư bản chủ nghĩa giảm 42%, trong đó về tư liệu sản xuất giảm 53%. Tại Pháp, cuộc khủng hoảng nổ ra muộn hơn so với các nước khác nhưng lại hết sức mạnh mẽ và sâu sắc. Khủng hoảng công nghiệp xen kẽ khủng hoảng nông nghiệp và tài chính. Trút gánh nặng hậu quả khủng hoảng kinh tế lên vai người dân lao động thuộc địa, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã thi hành một loạt các biện pháp kinh tế - tài chính: rút vốn đầu tư về các ngân hàng Pháp, năm 1930 rút 50 triệu phrăng,
- 150 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập III (Từ năm 1888 đến năm 1955) năm 1931 rút hơn 100 triệu phrăng; dùng ngân sách Đông Dương trợ cấp cho các công ty tư bản Pháp đang có nguy cơ phá sản; tăng thuế và đặt thêm nhiều thứ thuế mới; phá giá đồng bạc Đông Dương1... Chính quyền thực dân thành phố Hải Phòng tăng thêm quyền hạn cho Phòng Thương mại trong việc kiểm soát sản xuất, kinh doanh, thuế quan và độc quyền khai thác cảng. Một khoản phụ thu 4% thuế môn bài được đặt ra ở Bắc Kỳ nhằm phục vụ hoạt động của Phòng Thương mại Hải Phòng và Phòng Thương mại Hà Nội. Phụ thuộc nặng nề vào kinh tế “chính quốc”, kinh tế Hải Phòng những năm này đình đốn và sa sút. Trong hai năm 1930 - 1931, do vốn đầu tư bị rút mà 43 cơ sở sản xuất, hãng buôn phải đóng cửa. Tư bản Pháp và tư bản nước ngoài đầu tư chủ yếu vào kinh doanh các mặt hàng xuất - nhập khẩu. Sự cạnh tranh theo quy luật “cá lớn nuốt cá bé” trong thời buổi kinh tế khủng hoảng diễn ra khốc liệt. Trong ngành cơ khí sửa chữa tàu thuyền, năm 1933 ra đời các công ty Comben (Combel), Đăng Xét (Dancette) do chủ các công ty này mua lại Hãng Sôva (Sauvage) bị phá sản. Sự ra đời và phát triển của Hãng dệt thảm len Hàng Kênh cũng ở dạng này. Năm 1926, Tuyniê đưa nghề dệt thảm len vào Hà Nội. Năm 1929, Tuyniê bị phá sản, hãng dệt thảm len ở Hà Nội bị tan vỡ. Nhân cơ hội này, hai nhà tư sản Pháp là Phêniét và Guynloa đã đánh cắp kỹ thuật, đưa nghề dệt thảm len xuống Hải Phòng, lập Hãng dệt thảm len Hàng Kênh. Từ năm 1931, sản xuất của hãng này tương đối ổn định. Đồng thời, sự câu kết trong hoạt động kinh doanh giữa tư sản Pháp và tư sản Hoa kiều trở nên ngày càng chặt chẽ hơn để chèn ép các hoạt động sản xuất, kinh doanh của tư sản Việt Nam. Trước sức ép đó, sự phá sản của các nhà tư sản Việt Nam diễn ra hàng loạt. 1. Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Đình Lễ: Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, t.2, tr.297.
- CHƯƠNG III Hải Phòng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời... 151 Từ năm 1929 đến năm 1933, riêng ở Hải Phòng, Tòa án Thương mại Đông Dương đã xử 76 vụ án phá sản và 29 vụ phát mại tài sản. Đó là chưa kể những nhà kinh doanh bị phá sản mà không đưa ra tòa. Mô tả thực trạng này, báo Phụ nữ tân văn, số ra ngày 11/6/1931 đã viết: “Cái nạn kinh tế hồi này làm cho các nhà buôn, xưởng thợ phải bớt thầy, bớt bạn đi... Kinh tế nguy nan là cái bệnh chung của cả thế giới đều vướng, mà riêng xứ mình thì trót năm nay lại còn bị tai nạn dồn dập, mùa màng thất bát, đến đổi lúa không có giá, dân không có tiền; nhà công nghệ và thương mại ở đây mua bán hàng hóa này, chế tạo đồ vật kia đều không có chỗ lưu thông tiêu thụ. Không tiêu thụ được ở nước ngoài mà cũng không tiêu thụ được ở trong xứ nữa”. Trong tình thế bị chèn ép, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải dãn thợ, hoặc phải làm đại lý kinh tiêu sản phẩm cho tư sản Pháp, hoặc góp vốn với tư bản Pháp thành lập ra các công ty mới như: Công ty đổ thùng thành lập năm 1931, ban quản trị có 4 người Pháp và 1 người Việt là bà Vũ Thị Loan, vốn ban đầu là 180.000 đồng Đông Dương; Công ty vô danh kéo chỉ Đông Dương thành lập năm 1931, ban quản trị gồm 2 người Pháp, 1 người Hoa và 1 người Việt là ông Trần Lập Cư, vốn ban đầu là 250.000 đồng Đông Dương... Một số nhà tư sản Việt Nam lại chuyển hướng, bỏ vốn vào đầu tư kinh doanh nông nghiệp, lập những đồn điền hoặc ấp trại ở nông thôn như nhà tư sản Nam Sinh (Lê Văn Thược). Vốn là nhà thầu khoán xây dựng, từng vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng nhiều nhà cửa, trúng thầu xây dựng trường Bonnal, trường Nam Sinh, trường Chéo..., khi vỡ nợ, bị ngân hàng tịch biên các công trình xây dựng, ông lập đồn điền trồng lúa ở Thọ Linh (nay là xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy). Trường hợp trụ vững và phát triển được duy nhất có Hãng sơn Résistanco của Nguyễn Sơn Hà. Hãng sơn của ông không chỉ đứng vững mà còn cạnh tranh thắng lợi với các hãng sơn Pháp, đã
- 152 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập III (Từ năm 1888 đến năm 1955) làm cho các hãng sơn Pháp “ngày càng bị sa sút, mất tín nhiệm”. Ông nắm độc quyền đại lý sơn ở Tourane (Đà Nẵng), Phnôm Pênh, Băng Cốc và Pháp. Bí quyết thành công của ông là chất lượng sơn tốt nổi tiếng1. Cho đến năm 1935, trong số 242 hãng buôn ở Hải Phòng, chỉ còn 2 hãng là của tư sản Việt Nam; còn lại đều do tư bản Pháp, Hoa, Anh, Ấn Độ nắm giữ, trong đó tư bản Pháp - Hoa là chủ yếu2. Như vậy, được ngân sách Đông Dương trợ cấp, tư bản Pháp đã cấu kết với tư bản Hoa và nước ngoài lợi dụng kinh tế khủng hoảng tăng cường sự độc quyền trong lĩnh vực công thương Hải Phòng. Hậu quả kinh tế sa sút chỉ có người Việt Nam phải gánh chịu. Nhìn chung, tình hình công thương nghiệp Hải Phòng những năm này sa sút, yếu tố dân tộc giảm mạnh, yếu tố mại bản tăng cường. Sự sa sút kinh tế Hải Phòng những năm này biểu hiện rõ nhất là lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu qua cảng Hải Phòng giảm một cách đáng kể. Lúa gạo là mặt hàng xuất khẩu số 1 qua cảng Hải Phòng giảm mạnh do sản xuất nông nghiệp bị đình đốn vì giá lúa gạo sụt một cách ghê gớm. Năm 1919, giá 1 tạ gạo là 11 đồng thì năm 1933 chỉ còn hơn 3 đồng. Mặt hàng xuất khẩu số 2 là than đá thời gian này cũng giảm do công nghiệp khai mỏ bị đình đốn. Số lượng than xuất đi các nước (chủ yếu qua cảng Hải Phòng) các năm (ngàn tấn): năm 1929 là 1.305; năm 1930 là 1.252; năm 1931 là 1.127; năm 1932 là 1.030; năm 1933 là 7823. 1. Phạm Xanh: “Tổng quan về hoạt động kinh doanh của các nhà doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài tại Hải Phòng trước năm 1945”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 320, 2002, tr.17-27. 2. Hải Phòng, Tài liệu tiếng Pháp, 1935, lưu tại Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Hải Phòng. 3. Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Đình Lễ: Đại cương lịch sử Việt Nam, Sđd, t.2, tr.298.
- CHƯƠNG III Hải Phòng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời... 153 Một nguyên nhân nữa làm cho các tàu to ít vào cảng Hải Phòng ăn và trả hàng là do những năm này, kênh đào Suez đã có những cải tiến lớn nên trọng tải tàu quá cảnh qua kênh đào đến châu Á tăng lên gấp 6 lần, từ 900 tấn năm 1870 lên 5.800 tấn năm 1930. Điều đó đòi hỏi luồng vào cảng Hải Phòng phải sâu từ 9 đến 10m. Trong khi đó, do kinh tế khó khăn, các dự án cải tạo luồng được vạch ra trong những năm 1928 - 1929 và tháng 4/1930 đều không thực hiện được. Do đó, luồng tàu vào cảng Hải Phòng thời gian này chỉ sâu từ 6 đến 8m, trong khi đó để duy trì độ sâu này, mỗi năm đã phải nạo vét khoảng 1.500.000m3 bùn, cát1. Sự sa sút của kinh tế Hải Phòng còn biểu hiện ở kết toán ngân sách hằng năm của Phòng Thương mại Hải Phòng liên tục giảm. Các khoản thu của Phòng năm 1934 là 27.876,88 phrăng thì năm 1936 chỉ còn 19.100,00 phrăng. Khoản phụ thu 4% thuế môn bài cũng giảm: năm 1931 là 11.921 phrăng, năm 1932 là 11.225 phrăng, năm 1933 là 10.357 phrăng, năm 1934 là 10.055 phrăng và năm 1935 chỉ còn là 9.635 phrăng2. Nhìn nhận về kinh tế Hải Phòng những năm chịu ảnh hưởng của cuộc đại khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa 1929 - 1933 và tình trạng tiêu điều kéo dài của kinh tế Pháp những năm 1934 - 1936, báo cáo của Phòng Thương mại Hải Phòng năm 1939 đã viết: “Hải Phòng đã qua thời kỳ ốm nặng vào các năm 1934 - 1935 rồi lại đến thời kỳ ngắc ngoải là năm 1936 và đầu năm 1937. Trong thời kỳ này, tàu bè không có. Sự buôn bán tẻ ngắt. Nhà cửa bỏ trống nhiều, không có người đến thuê gần như hoang phế”3. 1. Cảng Hải Phòng những chặng đường lịch sử, tr.23. 2. Budgets de la chambre de commerce de Haiphong (1934 - 1945). Hồ sơ số 72735, phông RST, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. 3. Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng: Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng, tập 1 (1925 - 1955), Sđd, tr.131.
- 154 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập III (Từ năm 1888 đến năm 1955) b) Sự phục hồi những năm 1937 - 1939 Những năm 1937 - 1939 là giai đoạn phục hồi và phát triển của kinh tế Việt Nam, trong đó có Hải Phòng. Tuy nhiên, sự phát triển đó chỉ tập trung vào những ngành kinh doanh các mặt hàng chiến lược, đáp ứng cho nhu cầu chiến tranh. Trong những năm này, không xuất hiện các ngành kinh tế mới. Tình trạng phụ thuộc của kinh tế Việt Nam và kinh tế Hải Phòng không hề giảm bớt. Tháng 4/1937, phát xít Nhật tấn công Lưu Câu Kiều (Trung Quốc). Chiến tranh Trung - Nhật bùng nổ. Pháp và các nước đế quốc ráo riết đẩy mạnh chuẩn bị tiến hành chiến tranh thế giới nhằm chia lại thị trường. Kinh tế Hải Phòng hồi phục trước hết và chủ yếu là nhờ cảng Hải Phòng những năm này trở thành cảng vận chuyển hàng quá cảnh lớn ở Bắc Kỳ, kéo theo sự phát triển kinh doanh các mặt hàng chiến lược phục vụ nhu cầu chiến tranh Trung - Nhật và chuẩn bị chiến tranh thế giới. Những năm này, có nhiều tàu cập cảng Hải Phòng ăn và trả hàng (các tàu Anh, Na Uy, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Hy Lạp, Mỹ, Pháp). Số tàu vào trả hàng thường xuyên đậu từ bến Sáu Kho đến bến Cầu Ngự. Năm 1937, cùng với cảng Sài Gòn, cảng Hải Phòng lập kỷ lục về vận chuyển hàng hóa trong số 11 cảng của tư bản Pháp ở các thuộc địa (Alger, Oran, Dakar, Casablanca, Bizerte, Tunis,... Sài Gòn và Hải Phòng)1. Năm 1938 và đầu năm 1939, số tàu cập cảng Hải Phòng nhiều đã buộc Thống sứ Bắc Kỳ phải ban hành Nghị định ngày 16/5/1939 quy định trật tự ưu tiên cập mạn vào các cầu tàu và dỡ hàng ở các kho thay thế cho các nghị định ngày 04/12/1938 và 24/02/1939 như sau: (1) Các tàu của Hải quân quốc gia và các tàu đặc biệt của Pháp đến từ các cảng của Pháp (các hãng Tàu biển Messageries Maritimes và Vận tải hợp nhất Chargeurs Réunis). 1. Le courrier d’Hai Phong, số ra ngày 19/12/1940.
- CHƯƠNG III Hải Phòng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời... 155 (2) Các tàu nước ngoài quan trọng không thể tự neo đậu trong các điều kiện an toàn đầy đủ. (3) Các tàu của công ty Pháp chạy tuyến Trung Quốc (các công ty đường biển, Công ty Hàng hải châu Á, Công ty Đường biển Trung Kỳ) và các tàu tuyến Đông Dương (Công ty Vận tải ven biển Trung Kỳ và Công ty Oraini). (4) Các tàu của công ty Anh chạy tuyến Trung Quốc đến Hải Phòng (Butterfish and Swire and Matheson). (5) Các tàu (Pháp hoặc nước ngoài) gặp tai nạn ở Bắc Kỳ. Các tàu gặp tai nạn vào cảng mắc cạn sẽ được dỡ hàng trước khi cập mạn để nhẹ tàu và được đưa hàng vào kho của Phòng Thương mại. Các tàu chở ngô được hưởng ưu tiên (4) khi được sự đồng ý của cảng. Các loại tàu phải sẵn sàng các hoạt động khi cập cầu tàu được đăng ký đầu tiên. Các tàu các loại (4) và (5) được ưu tiên vào các cầu tàu có thể được kéo ra cầu tàu khác để nhường chỗ cho các tàu ghi ở mục (1), (2) và (3). Các hãng tàu mới, dù treo cờ nước nào đến nhập vào một công ty của Pháp hay nước ngoài sẽ theo trật tự, được xếp vào mục (5). Tàu kéo của cảng sẽ ghi, đăng ký lịch dẫn tàu rời cảng1. Như vậy các tàu Hải quân Pháp, các hãng vận tải biển của tư bản Pháp đã được ưu tiên số 1 để nắm ưu thế trong cạnh tranh. Năm 1939, số tàu cập cảng Hải Phòng là 1.402 chiếc, lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng là 1.678.000 tấn, cao nhất những năm 1930 và vượt năm 1929 (năm cao nhất những năm 20 của thế kỷ XX). Hải Phòng trở thành kho chứa hàng hóa khổng lồ. Ngoài 50 kho của các hãng Viđờry (Vidry), Bờrôsa (Brossard), V. Uansơ 1. Xem Port de Haiphong (1924 - 1941). Hồ sơ số 74968, phông RST- Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
- 156 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập III (Từ năm 1888 đến năm 1955) (V. Huanx)..., hàng hóa còn được để ở các bãi cỏ hoang, các khu vườn rộng, thậm chí ở cả các rạp hát. Theo đó, các hãng kinh doanh vận tải hàng hóa xuất - nhập khẩu đua nhau mọc lên như nấm. Hoạt động thương mại tuyến Hải Phòng - Vân Nam (Trung Quốc) hết sức sôi động. Từ năm 1937 đến đầu năm 1939, hằng tháng thường xuyên có trung bình 6.000 tấn hàng hóa được lưu thông trên tuyến thương mại này. Để tận lực khai thác cảng Hải Phòng lúc này dường như đã bị “quá tải”, ngày 18/5/1939, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành Nghị định giải tán Hội đồng quản trị cảng với lý do là sự bất lực của Hội đồng trong việc lưu thông cảng. Ngày 25/5/1939, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập Ban quản trị cảng mới gồm 7 thành viên: ông Bigorgue - Chủ tịch, ông Whry, Giám đốc đường sắt - Phó Chủ tịch, các ủy viên có: ông Massimi, Thị trưởng thành phố Hải Phòng; ông Guillon, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hải Phòng; Bodin, Giám đốc Công ty Yunnan; Marcheix, cựu Giám đốc cảng Nantes; Castanet, Phó Chánh Sở Thuế quan. Quyền “tự trị” của cảng Hải Phòng bị xóa bỏ. Các dịch vụ khai thác do các sở thực hiện dưới sự kiểm soát, điều hành của kỹ sư chính Khu Công chính Bắc Kỳ. Ban quản trị mới của cảng đã tìm mọi cách lưu thông lượng hàng hóa quá cảnh sang Trung Quốc khi sức ép từ phát xít Nhật đối với chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đang gia tăng. Từ giữa năm 1939, các phương tiện vận tải hàng hóa trên các tuyến đường sắt, đường bộ, đường sông Hải Phòng - Lào Cai - Vân Nam được tận lực khai thác. Công ty Yunnan đã thực hiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh sang Trung Quốc đạt trung bình 19.000 tấn/tháng. Sự câu kết giữa tư bản Pháp và tư bản Hoa kiều ngày càng sâu sắc hơn. Năm 1939, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương cho phép lập Phòng Thương mại Trung Hoa ở Bắc Kỳ, trụ sở đóng ở tại số nhà 10, phố Sài Gòn (nay là phố
- CHƯƠNG III Hải Phòng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời... 157 Hoàng Ngân), gồm 21 thành viên đều là người Hoa để bảo vệ quyền lợi cho giới kinh doanh Hoa kiều1. Sự phát triển của thương mại nêu trên đã làm cho kết toán ngân sách hàng năm của Phòng Thương mại Hải Phòng tăng đột biến. Năm 1937 là 27.031,47 phrăng, tăng so với năm 1936 là 2.623,47 phrăng. Năm 1938 chỉ tính riêng khoản thu từ khai thác kho đã đạt 400.194,07 phrăng và năm 1939 khoản này đạt 1.160.004 phrăng2. Một số ngành công nghiệp có sự phát triển nhất định. Các cơ sở sửa chữa tàu thuyền làm ăn khá phát đạt. Năm 1938, Công ty Len Bắc Kỳ được thành lập, đặt trụ sở tại Nhà máy Len Hải Phòng. Công ty Bông vải sợi Bắc Kỳ mở rộng Nhà máy Tơ Hải Phòng, hoạt động liên tục 3 ca với số lượng công nhân 3.000 người. Các đại lý, công ty khai thác mỏ có trụ sở ở Hải Phòng cũng làm ăn phát đạt, nhờ sản lượng và tiêu thụ than đá tăng nhanh trong những năm này. Các công ty chế biến, xay xát gạo, ngô làm ăn khá thuận lợi. Công ty Tài Phát (tư sản Hoa) hoạt động mạnh trong việc bao tiêu, vận chuyển gạo xuất khẩu sang Hồng Kông. Làm ăn phát đạt nhất là Công ty Xi măng Portland có nhà máy xi măng duy nhất ở Hải Phòng. Vốn của Công ty này năm 1938 là 34,2 triệu phrăng, năm 1939 tăng đạt 42,75 triệu phrăng. Sản lượng xi măng sản xuất và tiêu thụ tăng liên tục: năm 1936 là 149 ngàn tấn, năm 1937 là 235 ngàn tấn, năm 1938 là 266 ngàn tấn và năm 1939 là 306 ngàn tấn3. Với sự phục hồi về kinh tế, ngân sách của chính quyền thực dân thành phố được cải thiện. Do đó, chương trình quy hoạch, 1. Port de Haiphong (1924 - 1941). Hồ sơ số 74968, phông RST- Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. 2. Budgets de la chambre de commerce de Haiphong (1934 - 1945). Hồ sơ số 72735, phông RST - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. 3. Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Đình Lễ: Đại cương lịch sử Việt Nam, Sđd, t.2, tr.323.
- 158 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập III (Từ năm 1888 đến năm 1955) phát triển đô thị Hải Phòng của kiến trúc sư đô thị M. Hébrard hoàn thành năm 1923 sau một thời gian không thực hiện được do“nền tài chính Hải Phòng mắc nợ nhiều” nay được khởi động trở lại. Năm 1938 và cho đến trước khi bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai (tháng 9/1939), chính quyền thực dân thành phố đã cho xây cầu Hạ Lý, tu bổ, trang trí các nền trên khu đất lấp sông đào Bonnal cũ (vườn trẻ, bến ôtô, sân vận động, vườn hoa cây cọ, sân vận động thành phố, công sở và công trình công cộng). Một khu nhà mới được xây dựng ở phố Bàng thay cho khu nhà cũ bị hỏa hoạn. Tuy nhiên, bộ mặt đô thị Hải Phòng cũng chỉ thay đổi có thế, bởi ngay sau đó, kinh tế Hải Phòng lại lâm vào tình trạng đình đốn và quyền đầu tư trong lĩnh vực kiến trúc đô thị vẫn nằm trong tay Ngân hàng Đông Dương1. Đặc biệt, để chuẩn bị chiến tranh, những năm 1936 - 1938, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã xây dựng sân bay Cát Bi. Chúng đã đuổi dân ở khu vực Cát Bi, Trung Hành, san ủi hàng ngàn mẫu đất canh tác, bắt hàng vạn nông dân hai tỉnh Kiến An, Thái Bình đi phu xây dựng sân bay. Năm 1938, sân bay Cát Bi hoàn thành, đưa vào sử dụng với diện tích gần 2.000 mẫu Bắc Bộ, chu vi trên 20km, có hai đường băng lớn dài 2.400m và 1.700m chạy vuông góc với nhau. Sân bay có thể chứa được hàng trăm máy bay. Đường băng cho phép các loại máy bay chiến đấu, vận tải như Moran, Spítphai, máy bay hai thân... lên, xuống dễ dàng. Các máy bay dân dụng của các hãng hàng không Pháp cũng được lên xuống sân bay Cát Bi. Đây là sân bay lớn nhất Đông Dương tính đến thời gian này2. 1. Nguyễn Nam: “Bài trích dịch tài liệu tiếng Pháp nói về quy hoạch thành phố Hải Phòng những thập kỷ đầu thế kỷ XX”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử Hải Phòng, số 3, 1987, tr.18, 19. 2. Nguyễn Đăng Tiếp: “Từ sân bay quân sự Cát Bi đến sân bay dân dụng Hải Phòng”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử Hải Phòng, số 3, 1985, tr.79.
- CHƯƠNG III Hải Phòng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời... 159 c) Sự đình đốn trong giai đoạn Nhật - Pháp cai trị (1940 - 8/1945) Để phát động cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương, phát xít Nhật nhận thức rõ vị trí chiến lược của Việt Nam đối với Đông Nam Á và Hải Phòng đối với việc vận chuyển hàng hóa quân sự cho chính quyền Tưởng Giới Thạch trong cuộc chiến tranh Trung - Nhật. Việt Nam và nhất là Hải Phòng là thị trường béo bở ở Đông Dương. Chính vì vậy, sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (tháng 9/1939), phát xít Nhật tăng dần sức ép với chính quyền thực dân Đông Dương bằng các hoạt động quân sự, chính trị, ngoại giao. Thái độ của chính quyền thực dân Đông Dương là tận lực tranh thủ bóc lột thuộc địa Đông Dương và từng bước nhượng bộ Nhật. Ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền thực dân Pháp đã thi hành chính sách “kinh tế chỉ huy” thời chiến, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trưng dụng một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặt thêm nhiều thứ thuế mới để chuẩn bị chiến tranh. Kinh tế Hải Phòng chịu tác động của quy luật chiến tranh và bước vào thời kỳ đình đốn. Đầu năm 1940, dưới sức ép của phát xít Nhật, Toàn quyền Đông Dương cấm xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Ngày 19/6/1940, phát xít Nhật gây sức ép buộc chính quyền thực dân Đông Dương phải đóng cửa biên giới Việt - Trung. Toàn quyền Đông Dương Catroux nhượng bộ và ngày 20/6/1940 ra lệnh đình chỉ mọi việc chuyên chở hàng hóa từ Đông Dương sang Trung Quốc. Ngày 01/7/1940, hai tàu chiến lớn của Nhật tiến vào cảng Hải Phòng. Ngày 02/7/1940, Nhật triển khai giám sát cửa khẩu cảng Hải Phòng. Tháng 9/1940, quân Nhật đánh chiếm Hải Phòng, thực dân Pháp dâng thành phố cho chúng và câu kết cai trị nhân dân thành phố1. 1. Xem Dương Trung Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
- 160 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập III (Từ năm 1888 đến năm 1955) Những sự kiện trên là đòn đau đánh vào kinh tế thành phố. Hải Phòng mất đi ưu thế địa - kinh tế trước đó. Ưu thế địa - quân sự của Hải Phòng được phát xít Nhật, tư bản Nhật tận lực khai thác phục vụ chiến tranh và kiếm lời. Sự kiểm soát và lũng đoạn thị trường của phát xít, tư bản Nhật là đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này. Chỉ sau gần hai tháng, Nhật giành quyền giám sát cửa khẩu cảng Hải Phòng, một tuyến đường hàng hải Nhật - Việt Nam qua cảng Hải Phòng mới đã được mở. Ngày 11/9/1940, tàu Arizona Maru trọng tải 10.000 tấn của Công ty Osaka Syosen Kaisya đã cập cảng Hải Phòng. Với đại diện của Công ty này là Công ty Xay xát gạo Đông Dương, từ đây cứ nửa tháng có 3 chuyến tàu chạy thường xuyên trên tuyến hàng hải mới này. Những năm 1941 - 1943, phát xít Nhật đã vơ vét, đưa về Nhật qua cảng Hải Phòng 3.500.000 tấn gạo, ngô1. Cũng từ ngày 30/9/1940, nhiều cửa hàng thương mại Nhật được mở lại ở Hải Phòng như: A.Yasuda, I. Wada và Ikida, Nagashima, Mitsubishi, Mitsui Bussan Kashalimited, Asaka Ageu, Kegyo Kabushisi, Kaisha... Một số công ty vô danh ra đời đại lý hàng hóa nhập cảng từ Nhật Bản như máy móc, tơ sợi, đồ sứ, thủy tinh, văn phòng phẩm và các mặt hàng xa xỉ... để bán buôn, bán lẻ trên thị trường Việt Nam. Một số tư sản Việt Nam góp vốn với tư sản Nhật lập công ty như Công ty Việt - Nhật có số vốn ban đầu là 500.000$, ban quản trị gồm Mizutati, Bạch Thái Tòng và Nguyễn Quý Hưng. Với sự tăng cường hoạt động trên, đồng yên Nhật được lưu thông khá rộng rãi trên thị trường với tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Đông Dương thông báo là: mua 100 đồng Đông Dương = 96,5 yên, bán 100 đồng Đông Dương = 98,5 yên. Thanh toán thực tế trên thị trường 1. Ban Chấp hành Đảng bộ Cảng Hải Phòng: Lịch sử Đảng bộ Cảng Hải Phòng, Hà Nội, 1999.
- CHƯƠNG III Hải Phòng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời... 161 Hải Phòng những năm này có giá trị ngang bằng 100 đồng Đông Dương ăn 100 yên Nhật. Ngày 16/5/1941, Chính phủ Pháp - Nhật ký kết Hiệp ước về quan hệ kinh tế giữa Nhật và Đông Dương. Sự xâm nhập kinh tế vào Hải Phòng và thị trường Đông Dương của tư bản Nhật được xúc tiến mạnh hơn. Tư bản Pháp câu kết chặt chẽ với tư bản Nhật, vơ vét, cung cấp lúa, gạo cho Nhật theo các hiệp định ký kết hàng năm. Từ năm 1942 trở đi, khi đường hàng hải nối Hải Phòng và Đông Dương với nước Pháp hoàn toàn bị cắt đứt (bởi sự ngăn chặn của hải quân phát xít Đức), thì Nhật trở thành bạn hàng chủ yếu, có lúc là duy nhất của hoạt động ngoại thương Đông Dương thông qua cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn. Kinh tế đình đốn. Nạn đói tháng 3/1945 diễn biến trầm trọng ở Bắc Bộ, nhưng tư bản Nhật - Pháp thì vẫn kiếm được lời trên mồ hôi, xương máu của công nhân, nông dân lao động Việt Nam và thành phố Hải Phòng. 2. Tình hình kinh tế tỉnh Kiến An a) Tình hình ruộng đất và sản xuất nông nghiệp Những năm này, ruộng đất của tỉnh Kiến An ngày càng tập trung vào tay các nhà tư sản kinh doanh đồn điền và giai cấp địa chủ ở nông thôn. Ruộng đất của nông dân ngày càng manh mún. Quá trình nhượng đất lập đồn điền theo quy chế nhượng địa chung ở tỉnh Kiến An diễn ra từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1935 thì cơ bản chấm dứt. Chính quyền thực dân đã cấp cho các nhà tư bản Pháp ruộng đất để lập 27 đồn điền với diện tích là 4.310,67ha, trong đó 16 là đồn điền nhỏ, diện tích 200,74ha; 11 đồn điền lớn, diện tích 4.109,93ha. 27 đồn điền này thuộc về 23 điền chủ bao gồm 20 điền chủ người Pháp và 3 là người Việt. Các điền chủ lớn loại này phải kể đến Lemée, Cruer de Cogodin,
- 162 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập III (Từ năm 1888 đến năm 1955) Bona, Thomé và Tourel, Faussemague, Mondange, Công ty Tài chính và Mỏ Đông Dương. Từ năm 1930 trở đi, các đồn điền theo quy chế nhượng và khai khẩn bãi bồi ven biển được đẩy mạnh. Cho đến năm 1935, Kiến An đã có 25 đồn điền và làng đồn điền được thiết lập với diện tích là 3561,3941ha, trong đó có 8 đồn điền nhỏ, 17 đồn điền lớn, trong đó lớn nhất là đồn điền của Hoàng Trọng Phu (694ha và 357ha), De Monpezat (489,4891ha). Kiến An là tỉnh đứng thứ ba sau Nam Định và Ninh Bình về đất bãi bồi được nhượng để lập đồn điền và làng đồn điền1. Ruộng đất ở các làng xã ngày càng tập trung vào tay giai cấp địa chủ, phú nông. Ruộng công làng xã tồn tại dai dẳng. Những năm 1930 - 1932, Kiến An có 779 chủ ruộng, chiếm 1,3% tổng số chủ ruộng có từ 10 mẫu đến 50 mẫu; 41 chủ ruộng, chiếm 0,07% chủ ruộng có từ 50 mẫu đến 100 mẫu, 11 chủ ruộng có trên 100 mẫu2. Kết quả điều tra, lập địa bạ năm 1937 cho thấy, số địa chủ, phú nông đã chiếm 10% số chủ ruộng, trong đó có 9% có từ 1ha đến 5ha, 0,8% có từ 5ha đến 20ha, 0,2% có trên 20ha.Trong khi đó, số nông dân không có ruộng đất hoặc có từ 1 sào đến 1 mẫu tăng, những năm 1930 - 1932 là 36.970 người, chiếm 64,8% thì năm 1937 là 75.012 người, chiếm 84% tổng số chủ ruộng. Cụ thể trong tổng số 89.300 chủ ruộng đã lập được địa bạ năm 1937 thì có 62.510 người không có ruộng hoặc có đến 0,3ha; 12.502 người có từ 0,3 đến 0,6ha; 5.358 người có từ 0,6 đến 1ha; 8.037 người có từ 1 đến 5ha, 893 người có từ 5 đến trên 20ha3. Nếu chia thành 1. Tạ Thị Thuý: “Việc nhượng đất, khẩn hoang ở Hải Phòng - Kiến An thời kỳ cận đại”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1, 2005. 2. Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Thành ủy Hải Phòng: Hải Phòng - Bước ngoặt lịch sử đầu thế kỷ XX, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb. Hải Phòng, 1988, tr.19-22. 3. Nguyễn Văn Khánh: “Địa bạ ở Bắc Kỳ thời Pháp thuộc”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 3, 2001.
- CHƯƠNG III Hải Phòng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời... 163 phần theo tiêu chí của cải cách ruộng đất (năm 1953 - 1956) thì năm 1937, ở nông thôn Kiến An, hạng bần, cố nông chiếm 84%, trung nông và trung nông lớp trên chiếm 6%; địa chủ và phú nông chiếm 10% (trong đó địa chủ 9%, phú nông 1%). Ruộng công làng xã tồn tại dai dẳng. Cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Kiến An có 26.309 mẫu công điền và 6.752 mẫu 5 sào công thổ1. Với tình hình ruộng đất như trên, sản xuất nông nghiệp ở Kiến An diễn ra với hai hình thức cơ bản là kinh doanh đồn điền và sản xuất ở các làng xã. Về kinh doanh, khai thác đồn điền: Ở các đồn điền được cấp theo quy chế nhượng địa chung, các chủ đồn điền trực tiếp quản lý và thuê nhân công. Công nhân làm việc trong các đồn điền được trả lương ở mức phổ biến là 6 đồng/tháng. Có những đồn điền sử dụng hàng chục công nhân. Có những năm, số công nhân đồn điền lên tới hàng trăm người. Theo báo cáo kinh tế hằng năm của Công sứ Kiến An thì có 57% diện tích đồn điền loại này đã được khai thác. Điều đó có nghĩa là còn tới 43% diện tích bị bỏ hoang. Về việc canh tác, lúa là cây trồng chính, những cây khác chỉ là phụ. Năm 1933, có 3 đồn điền trồng lúa, diện tích lúa là 175ha. Số công nhân sử dụng là 47 người với mức lương 0,15 đồng/ngày. Sản lượng thóc thu về là 300 tấn, trị giá 6.900 đồng. Trừ chi phí 4.200 đồng, các chủ đồn điền lãi ròng từ việc trồng lúa là 2.700 đồng. Năm 1939, diện tích trồng lúa của các đồn điền là 498,25ha. Số công nhân sử dụng là 173 người với mức lương 0,3 đồng/ngày. Sản lượng thóc thu được là 8.300 tấn, trị giá 44.586 đồng, chi phí là 16.909 đồng, các điền chủ thực lãi 27.680 đồng. 1. Báo cáo của Tỉnh ủy Kiến An tháng 12/1947, tài liệu lưu tại Văn phòng Thành ủy Hải Phòng.
- 164 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập III (Từ năm 1888 đến năm 1955) Bên cạnh lúa, chăn nuôi cũng được tiến hành trên các đồn điền có bãi cỏ tự nhiên với quy mô đàn gia súc hàng chục con. Năm 1933, giá trị đàn gia súc đồn điền của tỉnh là 3.260 đồng, lớn hơn giá trị thóc thu được cả năm. Thịt gia súc chủ yếu xuất khẩu sang Hồng Kông. Năm 1934 và 7 tháng đầu năm 1935, số lượng bò xuất sang Hồng Kông là 5.846 con1. Ở đồn điền khai hoang bãi bồi ven biển, việc khai thác gắn với việc di dân, phương thức khai thác không có gì thay đổi. Các điền chủ phát canh thu tô đối với các tá điền. Một số đồn điền, người nông dân phải chịu sự bóc lột của chủ điền và quá điền. Sản xuất nông nghiệp ở các làng xã những năm này chỉ có độc canh lúa, trình độ canh tác lạc hậu. Năng suất lúa đạt từ 16 đến 18 tạ/ha. Năm 1939 đạt 19,5 tạ/ha (năng suất bình quân) là năm cao nhất trong thời kỳ trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Diện tích, sản lượng lúa lên, xuống thất thường. Năm 1931, diện tích vụ chiêm là 12.751ha, sản lượng là 16.115 tấn, vụ mùa là 42.242ha, sản lượng là 72.242 tấn. Năm 1934, diện tích hai vụ là 14.060ha và 43.759ha, sản lượng đạt 11.487 tấn và 84.160 tấn. Năm 1937, diện tích hai vụ là 12.682ha và 44.171ha, sản lượng đạt 14.182 tấn và 85.663 tấn. Như vậy, sản xuất nông nghiệp ở các làng xã hầu như không có sự phát triển đáng kể nào2. Ngoài lúa, còn có một số cây trồng khác. Cho đến năm 1933, diện tích trồng thuốc lào là 620ha, sản lượng 420 tấn. Thuốc lào được trồng chủ yếu ở huyện Tiên Lãng, chất lượng ngon nhất là thuốc lào được trồng ở các làng Hán Nam, An Tử. Cau được trồng ở nhiều nơi, nhưng nhiều nhất là các huyện Thủy Nguyên, 1. Tạ Thị Thúy: “Việc nhượng đất, khẩn hoang ở Hải Phòng - Kiến An thời kỳ cận đại”, Tlđd. 2. Province de KienAn 1937, Hồ sơ số 74334, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
- CHƯƠNG III Hải Phòng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời... 165 An Dương, An Lão, tập trung ở các tổng Thái Lai, Hoàng Pha (Thủy Nguyên); Quỳnh Hoàng, Đồng Dụ (An Dương); Quán Trang, Câu Thượng (An Lão). Diện tích trồng cau khoảng 700ha. Diện tích khoai lang 600ha, ngô 47ha, chè 180ha. Các loại rau được trồng nhiều ở huyện Hải An, tập trung ở các làng ven thành phố Hải Phòng. Khoai tây được trồng nhiều ở Đồ Sơn, Đồ Hải và Ngọc Xuyên. Về hoa quả có cam Đồng Dụ (An Dương), bưởi ở Đại Trà (Kiến Thụy). Năm 1937 và năm 1938, diện tích trồng các loại cây trên có tăng chút ít. Chăn nuôi hầu như không phát triển do lương thực, chất bột còn không đủ đáp ứng nhu cầu đời sống hằng ngày của nông dân. Sau năm 1939, sản xuất nông nghiệp Kiến An bị đình đốn, ruộng đất hoang hóa nhiều. b) Một số ngành kinh tế khác Ngoài sản xuất nông nghiệp, Kiến An còn có một số ngành kinh tế khác. Nghề đánh cá biển tập trung chủ yếu ở tổng Đồ Sơn, Bàng La (Kiến Thụy) và các làng ven cửa sông Cấm, Thái Bình, Văn Úc, Lạch Tray thuộc các huyện Tiên Lãng, Thủy Nguyên và Hải An. Các xã có thể coi là chuyên nghề đánh cá là: Đồ Sơn, Đồ Hải, Ngọc Xuyên, Bàng La (Kiến Thụy), Lao Khê, Lao Chử, Thái Bình và Dương Áo (Tiên Lãng), Chung Mỹ, Tuy Lạc, Lôi Động (Thủy Nguyên), Đông Khê, Lương Xâm, Trực Cát (Hải An). Cá biển được bán tươi hoặc ướp muối để đưa đi bán ở các tỉnh Bắc Kỳ. Nước mắm và mắm tôm là hai sản phẩm chế biến từ nguồn hải sản biển của ngư dân. Tuy nhiên, phương tiện đánh bắt thô sơ, trình độ đánh bắt của ngư dân lạc hậu dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu. Thu nhập từ nghề cá chỉ đủ nuôi sống gia đình. Một số nơi ở Kiến Thụy (Bàng La), Hải An (Đình Vũ) và Thủy Nguyên có nghề khai thác muối biển. Chính quyền thực dân thi hành chính sách độc quyền thu thuế muối cao, thu mua muối hết do các đồn Đoan ở Đồ Sơn và Đình Vũ đảm nhiệm. Người
- 166 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập III (Từ năm 1888 đến năm 1955) làm muối không được tự do bán sản phẩm của mình. Diêm dân "một nắng hai sương“ nhưng cuộc sống rất cùng cực. Do đó, nhiều ruộng muối đã phải chuyển sang trồng lúa. Là một tỉnh nông nghiệp, công thương nghiệp ở Kiến An rất nhỏ bé, hầu như không đáng kể. Trên địa bàn tỉnh có nhà máy gốm ở Quỳnh Cư (An Dương) của Krug. Sản phẩm được bán ở Bắc Kỳ và xuất đi Hồng Kông. Công ty Thủy tinh Viễn Đông đặt nhà máy kính ở Cống Mỹ (An Dương). Làng An Dương có 3 xưởng thuộc da của Hoa kiều, mỗi xưởng có khoảng 20 công nhân. Một chủ đất ở Hải Phòng và một số dân làng Xuân Sơn góp vốn thành lập một công ty, mở một lò sứ ở chân núi sát làng Tiên Hội (An Lão). Từ năm 1930, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, sản xuất của các cơ sở này không phát triển được. Thủ công nghiệp hầu như chưa tách khỏi nông nghiệp và chỉ được coi là nghề phụ gia đình. Trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa tập trung ở Thủy Nguyên, Kiến Thụy và xã Lương Quy (An Dương). Lụa sản xuất ở Đồ Sơn được đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, đây chỉ là nghề thủ công gia đình và chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm. Nghề dệt vải được thực hiện trong các gia đình vào lúc nông nhàn để phục vụ nhu cầu mặc của chính họ và một phần sản phẩm được đem bán ở chợ làng, chợ tỉnh. Nghề sản xuất chiếu cói có ở các xã Quán Trang (An Lão), Giang Khẩu, Lật Dương, Lật Khê, Nam Phong, Bắc Phong (Tiên Lãng). Đây cũng là nghề thủ công gia đình, diện tích trồng cói rất hạn hẹp. Chiếu sản xuất ra chất lượng thấp, không thể sánh với chiếu đậu Thái Bình và chiếu ở Kim Sơn, Ninh Bình được. Toàn tỉnh Kiến An có 60 lò gạch, 20 lò vôi tập trung ở Thủy Nguyên và An Dương. Các vật liệu này thường được bán cho Hoa kiều để xuất sang Hồng Kông. Ngoài ra Thủy Nguyên còn có nghề đúc ở Mỹ Đồng. Trên lĩnh vực thương mại, Kiến An hầu như không tham gia vào hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa. Việc trao đổi, buôn
- CHƯƠNG III Hải Phòng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời... 167 bán ở các làng xã được thực hiện chủ yếu ở các chợ làng, một số huyện lỵ. Tại thị xã Kiến An, buôn bán phát triển ở một mức độ nhất định với các cửa hàng buôn bán của người Việt và người Hoa1. Các đảo Cát Hải, Cát Bà thời gian này thuộc tỉnh Quảng Yên. Kinh tế chủ yếu là nghề làm muối, nghề đánh cá. Tại đây, có cơ sở sản xuất của Hãng nước mắm Vạn Vân với sản phẩm nước mắm Cát Hải nổi tiếng từ đầu thế kỷ XX. Huyện Vĩnh Bảo lúc này thuộc tỉnh Hải Dương. Đây là một huyện thuần nông, tình hình kinh tế giống như các huyện khác của tỉnh Kiến An. Riêng xã Cổ Am có nghề dệt vải, những năm 30 của thế kỷ XX sợi dệt vải do Nhà máy Tơ Hải Phòng cung cấp. Nói tóm lại, nền kinh tế Hải Phòng những năm này không ổn định, phụ thuộc ngày càng chặt vào tư bản Pháp. Sự phục hồi kinh tế những năm 1937 - 1939 chỉ là sự phồn vinh giả tạo. Ngân sách chính quyền thực dân thành phố luôn ở trong tình trạng thâm hụt. Do đó, các dự án mở rộng cảng, cải tạo luồng vào cảng Hải Phòng (kể cả dự án làm trong nước cảng Hải Phòng do Toàn quyền Đờ Cu (Jean Decoux) phê chuẩn năm 1941 với nguồn vốn từ ngân sách Đông Dương) đều không thực hiện được. Hậu quả tất yếu của tình hình này là: phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội diễn ra sâu sắc hơn. Trong 15 năm này, đô thị Hải Phòng không được đầu tư nên hầu như không có sự phát triển nào đáng kể so với diện mạo kiến trúc mà nó đã có được từ năm 1888 và trong 30 năm đầu của thế kỷ XX. Việc duy trì phương thức sản xuất phong kiến và tình hình ruộng đất ngày càng manh mún đã kìm hãm sản xuất nông nghiệp của tỉnh Kiến An trong vòng lạc hậu. Nền kinh tế của tỉnh hầu như còn giữ nguyên ở trình độ tự cung, tự cấp. 1. Notice sur la Province de KienAn 1898 - 1933, phông AFC, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn