intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

FDI - Cực tăng trưởng đối với kinh tế Việt Nam và nút thắt thể chế

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

6
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong thời gian qua khi Việt Nam đối mặt với tình trạng bất ổn vĩ mô, các cỗ máy của tăng trưởng kinh tế trong nước như SOEs và doanh nghiệp nội địa gần như ngưng trệ thì doanh nghiệp FDI vẫn duy trì sức tăng trưởng của mình và tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho kinh tế Việt Nam. Bài viết này sẽ đi vào phân tích ‘ngẫng cổ chai’ và sự phân cực của FDI đối với kinh tế Việt Nam và chỉ ra “nút thắt” thể chế tạo ra điều đó. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: FDI - Cực tăng trưởng đối với kinh tế Việt Nam và nút thắt thể chế

  1. FDI- CỰC TĂNG TRƯỞNG ĐỐI VỚI KINH TẾ VIỆT NAM VÀ NÚT THẮT THỂ CHẾ PGS,TS. Vũ Thị Tuyết Mai Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt: Trong thời gian qua khi Việt Nam đối mặt với tình trạng bất ổn vĩ mô, các cỗ máy của tăng trưởng kinh tế trong nước như SOEs và doanh nghiệp nội địa gần như ngưng trệ thì doanh nghiệp FDI vẫn duy trì sức tăng trưởng của mình và tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho kinh tế Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy FDI đã tạo ra ‘ngẫng cổ chai’ khi không có động cơ tham gia vào các mắt xích của nền sản xuất nội địa và làm cho mô hình tăng trưởng kinh tế trở nên thiếu bền vững và kém hiệu quả và có sự phân cực giữa các doanh nghiệp FDI và các động cơ tăng trưởng kinh tế khác. Bài viết này sẽ đi vào phân tích ‘ngẫng cổ chai’ và sự phân cực của FDI đối với kinh tế Việt Nam và chỉ ra “nút thắt” thể chế tạo ra điều đó. Từ khóa: FDI, Tăng trưởng kinh tế, Thể chế. FDI - GROWTH POLES FOR VIETNAM’S ECONOMY AND INSTITUTIONAL KNOTS Abstract: Vietnam’s economy has faced several challenges that rumbled the macro stability and revealed the weaknesses of the real domestic sector. While local growth engines like State-Owned Enterprises (SOE) and domestic firms were stagnant, the Foreign Direct Investment (FDI) sector maintained its growth momentum and continued to make important contributions to Vietnam’s economy. There are institutional bottlenecks that discouraged the FDI sector to participate in the local production chain and unexpectedly immunized them from problems of the domestic economy. This paper is going to briefly describe the FDI contributions to the economy and show the problems and limitations on institutions that may lead to the bottlenecks and then give some recommendations. Keywords: Economic Growth, FDI, Institutions. 1. Giới thiệu FDI ngày nay đang trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho cả các nhà đầu tư, các chủ sở hữu công nghệ và cả người nhận đầu tư khi muốn thực hiện việc tiếp nhận và hấp thụ công nghệ. FDI là đối tượng quan trọng mà các nước đang phát triển rất quan tâm, không chỉ vì nhu cầu về vốn mà cả nhu cầu muốn tiếp cận công nghệ từ nước ngoài. Ở Việt nam hai mục tiêu cơ bản đặt ra trong thu hút FDI đó là: (i) giải quyết việc làm và (ii) chuyển giao công nghệ. Trong nhiều năm qua thực hiện thu hút FDI đã có những thành công đáng kể như quy mô số lượng FDI tăng nhanh và giải quyết được nhiều bài toán cho Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa (CNH). Những thay đổi, cải cách về chính 196
  2. sách thu hút FDI đóng góp một phần quan trọng trong tiến trình này biến Việt Nam trở thành một điểm thu hút FDI lớn. Điều này góp phần cải thiện cơ cấu sản phẩm, lao động và thương mại. Tuy nhiên, đa số các dự án FDI đều chỉ nhằm mục tiêu sử dụng lao động rẻ và khai thác bòn rút tài nguyên. Nhiều dự án FDI sử dụng công nghệ ở trình độ rất thấp, tiêu phí điện năng rất cao, gây ô nhiễm môi trường rất nặng nề. Việc thu hút nguồn vốn nước ngoài, nhất là FDI hoàn toàn bị phụ thuộc bởi các nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn này chỉ giải quyết được bài toán giải quyết việc làm cho lao động giản đơn chứ không giải được bài toán chuyển giao công nghệ. Sự mờ nhạt của mục tiêu này trong chiến lược FDI làm cho mô hình tăng trưởng kinh tế trở nên thiếu bền vững và kém hiệu quả. Do vậy, nghiên cứu đi vào (i) đánh giá FDI đối với kinh tế Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid bao gồm việc xem xét FDI đã đáp ứng mục tiêu phát triển của Việt Nam như thế nào và từ đó xem xét (ii) ‘nút thắt’ thể chế làm cản trở mục tiêu trong chiến lược FDI. 2. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu Thể chế - đó là những “luật chơi” chính thức và phi chính thức ràng buộc các tương tác trong xã hội, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế trong dài hạn. Theo North (1990, tr.360) thể chế được được định nghĩa là “các ràng buộc do con người tạo ra nhằm để cấu trúc các tương tác giữa người với người”. Thể chế kinh tế là các quy tắc của trò chơi trong việc điều hành kinh doanh và các tương tác kinh tế, bao gồm: (i) Các quy định chính thức (hiến pháp, luật pháp và quy định được ban hành bởi nhà nước hoặc các tổ chức được nhà nước bảo trợ); (ii) Các ràng buộc không chính thức (các chuẩn mực xã hội về hành vi, quy tắc ứng xử) và; (iii) Cơ chế thực thi. Thể chế kinh tế có mối quan hệ tương quan với hiệu quả kinh tế. Theo North (1989, 1990), thể chế kinh tế đặc biệt là những quy định gắn liền với việc thực hiện các hợp đồng và bảo vệ quyền sở hữu trong việc tạo ra các ưu đãi làm tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Acemoglu và cộng sự (2001) đã nghiên cứu và khẳng định mối quan hệ tương tác qua lại giữa thể chế kinh tế và hiệu quả kinh tế. Nghiên cứu đã khẳng định thể chế kinh tế quyết định sự thịnh vượng của một quốc gia. Do vậy nhiều học giả đã nghiên cứu và đưa ra các lý thuyết, mô hình để đo lường thể chế kinh tế và sự tương quan giữa thể chế kinh tế và hiệu quả kinh tế trong đó có hiệu quả hoạt động của các thực thể trong nền kinh tế. Đo lường thể chế kinh tế đã được nhiều nhà kinh tế học thể chế đưa ra, theo như Knack và Keefer (1995), thể chế kinh tế được đo lường thông qua bốn biến đại diện đó là tham nhũng, chất lượng bộ máy hành chính, quy tắc luật pháp và bảo vệ quyền tài sản. Trong các nghiên cứu tại Việt Nam, thể chế kinh tế được đo lường thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, như trong nghiên cứu của Trần Thị Bích và cộng sự (2009), Phạm Thế Anh và Nguyễn Đức Hùng (2014), Neil và cộng sự (2013). Johan (2015) nghiên cứu ảnh hưởng của chất lượng thể chế kinh tế đến hiệu quả hoạt động của 16.105 doanh nghiệp tại 42 nước đang phát triển. Nghiên cứu này đã xây dựng các chỉ số đo lường chất lượng thể chế nhằm ước tính ảnh hưởng của những chính sách yếu kém đến hoạt động của doanh nghiệp. 197
  3. Bài nghiên cứu này sử dụng dữ liệu thứ cấp và vận dụng lý thuyết hàm Cobb- Douglas phân tích và đánh giá vai trò của FDI đối với nền kinh tế Việt nam, sự phân cực trong tăng trưởng kinh tế và ‘ngẫng cổ chai’ trong thể chế và từ đó đưa ra những kiến nghị để thảo gỡ những nút thắt thể chế. 3. Kết quả nghiên cứu Trong nhiều năm qua, với mục tiêu rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, Việt nam đã có những thành công trong việc đẩy mạnh thu hút FDI. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2020 Việt Nam đã thu hút được tổng số vốn đăng ký trên 377 tỷ USD với tổng số 33.148 dự án từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó là con số khá ấn tượng và hợp lý đối với một nước đang chuyển đổi cơ chế kinh tế như Việt Nam. 3.1 Đóng góp của FDI FDI là nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và là một động lực thúc đẩy tăng trưởng. Trước năm 1990, quy mô và số lượng các dự án FDI còn khiêm tốn, với 211 dự án, 1,6 tỷ USD tổng vốn đăng ký, vốn thực hiện khoảng 180 triệu USD vào năm 1990, tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp nhẹ và khai thác dầu thô. Kể từ năm 1991 đến trước khủng hoảng tài chính Châu Á, số lượng dự án với quy mô vốn FDI tăng mạnh, với 2.341 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 35,56 tỷ USD, vốn thực hiện là 13,37 tỷ USD. Tỉ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội vì vậy tăng từ 13,1% năm 1990 lên mức cao nhất là 32,5% năm 1995, FDI trở thành một nguồn vốn đầu tư quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong 10 năm đầu, khu vực FDI chỉ đóng góp 15,04% cho tăng trưởng, khu vực kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, tăng trưởng đạt bình quân 9,64% và đóng góp tới 45% vào tăng trưởng chung. Nguyên nhân là do quy mô của khu vực FDI còn nhỏ, chỉ chiếm khoảng 6,58% GDP năm 1995. Giai đoạn kể từ khi gia nhập WTO đến nay, dòng vốn FDI tăng khá nhanh; đặc biệt vốn đầu tư thực hiện đạt mức cao, trên 12,1 tỷ USD/năm, tổng vốn thực 19 hiện đạt 133,3 tỷ USD, chiếm 44% tổng vốn đăng ký, dẫn đến tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng lên, đạt bình quân khoảng 24,3%/năm. Khu vực FDI ngày càng trở thành một động lực quan trọng của tăng trưởng, với mức đóng góp cho tăng trưởng lên tới 27,7% trong mức tăng bình quân 6,0%/năm của nền kinh tế. Tỷ trọng khu vực FDI trong GDP đạt mức cao nhất là 19,6% năm 2017. Bên cạnh những đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng, khu vực FDI có tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và hình thành một số ngành, sản phẩm mới tạo ra sự đa dạng và gia tăng mức độ tinh xảo, phức tạp của các sản phẩm của quốc gia, nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn và hiện đại hóa nền kinh tế. Cơ cấu dòng vốn FDI theo ngành, lĩnh vực có sự thay đổi và chuyển dịch đáng kể theo hướng hiện đại hơn, giúp hình thành một số ngành, sản phẩm mới, tạo ra sự đa dạng và gia tăng mức độ phức tạp của nền kinh tế, từ đó góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngành công nghiệp - xây dựng Trong giai đoạn đầu “Đổi Mới”, tỷ trọng FDI tương đối thấp trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và GDP nên ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu còn hạn chế, doanh nghiệp FDI chỉ đóng góp khoảng 1/4 tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Nhưng hơn mười 198
  4. năm sau, tỷ trọng này tăng lên gần gấp đôi, đạt 46,3% vào năm 2012, bắt đầu vượt khu vực nội địa về giá trị sản xuất công nghiệp từ năm 2014, dẫn đến khu vực FDI ảnh hưởng mạnh mẽ tới chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp vàgóp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như viễn thông, khai thác, chế biến dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép, xi măng... Ngành dịch vụ Dịch vụ là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút FDI, đặc biệt sau khi gia nhập WTO dòng vốn FDI vào lĩnh vực này tăng mạnh.Tốc độ tăng trưởng FDI vào lĩnh vực dịch vụ khá cao, từ 42% (2006) lên 216% (2007) và 160% (2008), riêng năm 2009 giảm xuống còn 4,7% do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.Khu vực FDI đã góp phần phát triển nhiều dịch vụ chất lượng cao như khách sạn, văn phòng căn hộ cho thuê, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, tư vấn luật, vận tải biển, logistic, siêu thị, giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao, bán lẻ... Các dịch vụ này cũng góp phần tạo ra phương thức mới trong phân phối hàng hóa, tiêu dùng, kích thích hoạt động thương mại nội địa. Ngành nông lâm ngư nghiệp Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng vốn FDI cam kết và giải ngân, nhưng khu vực FDI đã góp phần nhất định vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu, tạo ra một số phương thức mới, có hiệu quả cao, nhất là các dự án đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu, góp phần cải thiện tập quán canh tác và điều kiện hạ tầng yếu kém, lạc hậu ở 20 một số địa phương. Ngoài ra, đóng góp nổi trội của các doanh nghiệp FDI là ở hoạt động xuất khẩu. Doanh nghiệp FDI góp phần quan trọng tăng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2018 xuất khẩu của khu vực FDI đạt 173,9 tỷ USD chiếm 74,1% tổng xuất khẩu của cả nước. Doanh nghiệp FDI đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI cao gấp 2-3 lần khu vực trong nước, kim ngạch xuất khẩu gấp khoảng 1,5-2 lần. Do đó, tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ mức 17,0% năm 1995 lên 74,1% vào năm 2018. Về xuất khẩu ròng (xuất khẩu trừ nhập khẩu), vai trò của khu vực FDI khá quan trọng. Rất nhiều ngành sản xuất nhập khẩu một số lượng lớn máy móc, thiết bị và nguyên liệu. Điều này làm giảm mức độ đóng góp của ngành trong việc tạo ra thu nhập ngoại tệ. Đã từ lâu, khu vực FDI được xem là nhà xuất khẩu ròng còn khu vực trong nước là nhà nhập khẩu ròng. Sự đóng góp trên được lý giải rất đơn giản bởi sản phẩm của doanh nghiệp FDI chủ yếu để xuất khẩu. Và đó chỉ là thành quả khi xét về ‘lượng’ thay vì ‘chất’. Với nguồn vốn nước ngoài đó mới chỉ đáp ứng được một phần một mục tiêu cơ bản đó là giải quyết việc làm. Giải quyết việc làm cho lao động giản đơn chứ không giải được bài toán chuyển giao công nghệ. Bởi hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện nay lại chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp có sử dụng công nghệ thấp, khai khoáng, chúng ta thu hút được rất ít FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, nông nghiệp nhất là lĩnh vực có giá trị gia tăng và xuất khẩu cao. Kết quả là, nguồn vốn đầu nước ngoài đã không giúp chúng ta thực hiện được mục tiêu xây dựng nền tảng công nghệ kỹ thuật cao 199
  5. cho nền kinh tế, không giúp Việt Nam nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý thông qua học hỏi kinh nghiệm của các nhà quản lý cơ sở FDI. Hơn nữa, FDI hiện nay chủ yếu là vốn của các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia, do đó doanh nghiệp FDI vẫn chủ yếu phụ thuộc nhiều vào hàng hóa trung gian và nguyên liệu thô nhập khẩu, chưa có được các mối liên kết với các chuỗi cung cấp là các doanh nghiệp trong nước. Theo như nghiên cứu của CIEM, DoE và GSO (2012) cho thấy hiệu ứng lan tỏa trong liên kết ngược là rất hạn chế. Các doanh nghiệp trong mẫu điều tra năm 2011 hầu hết đều sản xuất sản phẩm cuối cùng (62%), chỉ có một số ít doanh nghiệp sản xuất cả hàng hóa trung gian và hàng hóa cuối cùng (19%). Điều đó phản ánh đầu tư trực tiếp nước ngoài không hỗ trợ được nhiều cho sự phát triển thị trường nội địa khi mà doanh nghiệp FDI mua hàng hóa và dịch vụ trung gian từ các doanh nghiệp trong nước rất ít. Về liên kết xuôi, thì chỉ có khoảng 4% doanh nghiệp có liên kết xuôi với nhà cung cấp quốc tế, trong khi khoảng 14% doanh nghiệp có hình thức thỏa thuận chuyển giao công nghệ với nhà cung cấp nội địa. Do vậy, sự thiếu kết nối với doanh nghiệp trong nước làm cho các doanh nghiệp này mất đi nhiều cơ hội tận dụng và khai thác lợi thế công nghệ, năng suất từ khu vực FDI. Sự thiếu liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước được cho là do: (i) các nhà đầu tư được tự do lựa chọn đối tác và hình thức đầu tư nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp thành lập dưới hình thức 100% vốn nước ngoài. Thực tế đây là một hình thức khép kín, làm cản trở sự giao lưu giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, và do vậy tạo rào cản cho quá trình chuyển giao công nghệ; (ii) liên kết chuỗi, công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam phát triển còn rất sơ khai. Tốc độ phát triển khu vực công nghiệp phụ trợ FDI còn thấp. Số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực công nghiệp phụ trợ rất hạn chế. Hiện tại Việt Nam mới có 1.383 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp cả nước. Các doanh nghiệp này chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thụ động trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, và chậm đổi mới. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm của khu vực này thấp và kém ổn định, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp FDI; (iii) mức độ đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người lao động ở khu vực FDI còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp FDI muốn tận dụng lao động phổ thông giá rẻ nên phần lớn lao động trong khu vực FDI không được đào tạo hoặc chỉ đào tạo ngắn ngày tại công ty. Những khâu quan trọng rất ít được chuyển giao cho người lao động Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid đã có những ảnh hưởng ngay lập tức đến FDI và sẽ có khả năng hậu quả lâu dài. Sự tương tác đột ngột và đồng thời của cung và các cú sốc từ phía cầu, kết hợp với các phản ứng chính sách đối với cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới, đang gây ra một loạt các tác động lên FDI. Một số nhà máy sản xuất, công trình xây dựng…đã và đang bị đình trệ do phải đóng cửa để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh. Do đó đã dẫn tới thắt chặt biên lợi nhuận tái đầu tư và hạn chế đầu tư mới. Nhưng đối với Việt Nam, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo 200
  6. tăng. Số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ (tương ứng 37,8% và 15%). Tuy nhiên, việc suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD), trong khi số lượng các dự án quy mô lớn (trên 50 triệu USD) vẫn duy trì tăng mạnh trong 9 tháng năm 2021. Mức tăng này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Do đó, đây chính là thời cơ để Việt Nam nhìn nhận lại chiến lược thu hút và sử dụng FDI trong chiến lược FDI. 3.2. Phân cực giữa FDI và ba động cơ tăng trưởng kinh tế Kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào bốn động cơ tăng trưởng riêng biệt, khu vực kinh tế nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, nông nghiệp hộ gia đình - cá thể và khu vực doanh nghiệp FDI. Cỗ máy tăng trưởng bốn động cơ nhưng chỉ có một động cơ hoạt động, đó là khu vực FDI. Các doanh nghiệp tư nhân đang đứng trước khó khăn kể từ khi có Luật Doanh nghiệp, thể hiện trong việc thu hẹp sản xuất, giảm đầu tư, sa thải lao động và đóng cửa. Các doanh nghiệp tư nhân lớn hiện có gánh nặng nợ cao, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa thì không tiếp cận được tín dụng và nhiều nguồn lực cần thiết khác. Nhưng trong khi đó, khu vực FDI vẫn phát triển nhanh. Dòng vốn FDI mới tiếp tục đổ vào nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp FDI hiện hữu tiếp tục mở rộng sản xuất. Ngay cả khi giải ngân FDI không còn ở mức như những năm ngay sau khi gia nhập WTO, thì tỷ lệ vốn FDI lũy tích so với GDP của Việt Nam vẫn ở mức cao nhất trong các nền kinh tế châu Á, trên 60% năm 2010, Trung Quốc 10%, Indonesia 16% năm 2010. Câu chuyện phân cực này được lặp lại khi chúng ta so sánh kết quả tạo việc làm giữa doanh nghiệp nội địa và nước ngoài. Trước khi có Luật Doanh nghiệp 2005, việc làm trong khối doanh nghiệp nước ngoài đã tăng với tốc độ nhanh hơn so với doanh nghiệp nội địa. Sau khi bộ luật được thông qua, khu vực tư nhân nội địa đã đẩy mạnh tuyển dụng lao động với tốc độ nhanh hơn khối nước ngoài. Nhưng nhìn lại nền kinh tế sau khi xảy ra bất cân đối vĩ mô trong nước, ta lại thấy khu vực nước ngoài đang có tốc độ tăng trưởng việc làm nhanh hơn. Tăng trưởng việc làm trong các doanh nghiệp nội địa, ngược lại, đang bị chững lại. Đặc biệt khi đối diện với cùng một nền kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu kém và nền kinh tế nội địa bị trục trặc về cơ cấu, doanh nghiệp trong nước của Việt Nam gặp khó khăn còn doanh nghiệp FDI vẫn tăng trưởng tốt. Kết quả hoạt động của doanh nghiệp FDI trong cùng một môi trường thể chế kinh tế lớn hơn các doanh nghiệp khác, đặc biệt là doanh thu xuất khẩu (Phương, 2017). Xét về tác động của chính sách, bất ổn vĩ mô, lãi suất cao, giới hạn khả năng tiếp cận nguồn lực đã ảnh hưởng trực tiếp một cách rất tiêu cực đến các doanh nghiệp trong nước, trong khi các doanh nghiệp FDI đã phần nào tránh được những tác động này. 3.3. Nút thắt thể chế Một trong những tác nhân làm cho hình thành (i) ‘ngẫng cổ chai’ giữa thành tích thu hút và mức độ đóng góp của FDI vào mô hình phát triển kinh tế của quốc gia và (ii) sự phân cực giữa FDI và ba động cơ tăng trưởng của nền kinh tế là các doanh nghiệp FDI đã “bỏ qua” được phần lớn những thể chế của Việt Nam, vốn bị coi là đang cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. 201
  7. Về thể chế kinh tế, các doanh nghiệp FDI, mặc dù thành lập ở Việt Nam để khai thác các lợi thế về lao động, tài nguyên cùng một số ưu đãi về chính sách, vẫn tiếp tục dựa chủ yếu vào thể chế ở bên ngoài để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Tín dụng cũng được cung cấp phần nhiều từ các định chế tài chính nước ngoài hay định chế tài chính ở Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài. Liên kết sản xuất là với các tổ chức bên ngoài. Thể chế kinh tế có ảnh hưởng tích cực đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Hơn thế nữa khi chất lượng thể chế được cải thiện thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đó đồng thời được cải thiện tích cực theo (Phương, 2017), điều này chưa hẳn đã đúng với các doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó một nền kinh tế muốn phát triển bền vững thì sự phát triển đó nên dựa vào nội lực nên việc cởi trói những nút thắt thể chế để khơi thông các cực tăng trưởng đảm bảo sự phát triển cân bằng và bền vững là một bài toán các nhà quản lý và chính sách cần cân nhắc. Về thể chế pháp lý thì các doanh nghiệp FDI bị chi phối bởi hệ thống luật pháp từ bên ngoài trong các quan hệ hợp đồng. Bộ máy quản trị doanh nghiệp FDI là của nước ngoài. Hơn nữa, chính sách FDI của Việt Nam không có cấu trúc định hướng mục tiêu. Trong thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực xây dựng chính sách để bước đầu thiết lập, sau đó cải thiện khung chính sách của đất nước cũng như nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để thu hút nhiều FDI nhất và đẩy nhanh công nghiệp hóa. Việt Nam đã áp dụng các chuẩn quốc tế, trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và tham gia ký kết các thỏa thuận quốc tế khác, sửa đổi luật và quy định để tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại và đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư…Đây là những kết quả đáng ghi nhận nhưng đó mới chỉ là để ứng phó với hoàn cảnh đang thay đổi, đặc biệt là định hướng thị trường và hội nhập toàn cầu, chứ chưa phải là để chuẩn bị cho những mục tiêu dài hạn về năng lực cạnh tranh, năng suất và đổi mới. Vì vậy thành công của FDI được đo lường định lượng thay vì bằng chất. Trong khi đó về phía các doanh nghiệp Việt Nam đang phải hoạt động trong hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định, thường xuyên thay đổi. Hệ thống pháp luật Việt Nam gồm luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thông tư (thông tư liên tịch) của các bộ,… với số lượng khá lớn mỗi loại. Tuy nhiên, nội dung các văn bản thường xuyên thay đổi và phức tạp đặc biệt là các thông tư, đã tạo ra những bất lợi đối với môi trường kinh doanh như rủi ro chính sách, rủi ro pháp lý đối với đầu tư, tạo rào cản gia nhập thị trường…Ví dụ như, trong mỗi ngành quan trọng của nền kinh tế đều có ít nhất một luật về ngành đó. Bằng việc quy định thêm các điều kiện đặc thù cho ngành đã tạo thêm các rào cản gia nhập thị trường đối với ngành nghề có liên quan, làm cho gia nhập thị trường trở nên khó khăn, tốn kém hơn. Luật Đầu tư đã xác định danh mục 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng theo kết quả rà soát, phân loại của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2015), tương ứng với 267 ngành, nghề này có đến 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó 3.299 điều kiện hiện đang quy định tại 170 Thông tư, Quyết định của các Bộ. Tuy rằng theo quy định của Luật Đầu tư 2014 thì 3.299 điều kiện này sẽ đương nhiên bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2016, nhưng vẫn thể hiện rằng điều kiện kinh doanh vẫn còn khá phức tạp. 202
  8. Như vậy, cùng với sự thiếu vắng hoạt động công nghiệp phụ trợ nội địa, việc khu vực FDI sử dụng thể chế bên ngoài và bỏ qua các thể chế của Việt Nam giải thích lý do tại sao các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam không phát triển thành những mắt xích chắc chắn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn nữa Điều đó chứng tỏ thiếu vắng các chính sách và thể chế thích hợp để thúc đẩy sự liên kết dọc và ngang với các nhà sản xuất trong nước. Chừng nào Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống thể chế mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể thực sự lấy làm chỗ dựa cho hoạt động kinh doanh của họ thì viễn cảnh sản xuất chế biến lắp ráp mà đầu vào lệ thuộc nặng nề vào nguồn nhập khẩu như hiện nay sẽ còn tiếp diễn. 4. Kết luận và kiến nghị FDI đã đóng góp tích cực cho sự phát triển Việt Nam và trong thời gian tới khu vực FDI vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng kinh tế đặc biệt khi mà vẫn còn những bất ổn của nền kinh tế vĩ mô và khu vực kinh tế trong nước đang trong quá trình tái sinh. Những hạn chế trong đóng góp của khu vực FDI phải được nhìn nhận do những nút thắt thể chế chứ không phải do bản thân khu vực FDI. Nút thắt thể chế ở đây một phần do FDI được hưởng quá nhiều ưu đãi trong khi đó khu vực khác phải chịu sự hà khắc của các luật định, thể chế và chính sách của nhà nước. Do vậy, về thể chế pháp lý nên tiếp tục hoàn thiện để tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp mâu thuẫn giữa Luật Doanh nghiệp và luật chuyên ngành, bãi bỏ và đơn giản hóa và hợp lý hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Về thể chế kinh tế tránh phân tán và cát cứ trong thực hiện quyền sở hữu đối với DNNN, cần thảo luận để thành lập các cơ quan tín thác, nhận ủy nhiệm của chính quyền Trung ương hoặc chính quyền các địa phương để thực thi một cách tập trung các quyền sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp. Cuối cùng là thực hiện có hiệu quả các luật về kinh doanh và đầu tư, nhất là các luật tạo ra những thay đổi làm cho thị trường vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn, khắc phục các bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh và méo mó của thị trường; đồng thời, hoàn thiện quản trị theo thông lệ quốc tế và nâng cao hiệu lực quản trị công ty như Trao quyền quản lý tập trung, cần siết chặt kỷ luật minh bạch và công khai nền quản trị của DNNN. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Acemoglu, D., Johnson, S. và Robinson, J.A. (2001) “The Colonial Origins of Comparative Development: An Empirical Investigation“, The American Economic Review, Vol.91, No.5, tr.1369-1401. 2. Aitken, B. and Harrison, A. 1999. “Do Domestic Firms Benefit from Direct Foreign Investment? Evidence from Venezuela”, American Economic Review, 89(3). 3. Blomstrom, M. and Sjoholm, F. 1999. “Technology Transfer and Spillovers: Does local participation with multinational matter?”, European Economic Review, 43. 4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2015), Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/NQ- CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016 (Báo cáo số 4042/BC-BKHĐT ngày 23/6/2015). 203
  9. 5. CIEM, DoE và GSO (2012), Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt nam, Hà nội. 6. Cường, M.N, 2000: “Hoàn thiện chính sách và tổ chức thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam” 7. Hội, L & Hồng, N, 2009, Lan tỏa và hấp thụ công nghệ từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sang doanh nghiệp Việt nam: thực trạng và giải pháp, Nhà xuất bản Thống Kê, Hà Nội. 8. Chu Thị Mai Phương, 2017, Luận án tiến sĩ: Ảnh hưởng của thể chế kinh tế đến kết quả đầu tư và quyết định đầu tư của các doanh nghiệp ở Việt Nam, Đại học Kinh tế quốc dân. 9. Johan, B. (2015), Does Institutional Quality Impact Firm Performance? Evidence From Emerging and Transition Economies, For the Fulfilment of a Bachelor’s Degree, Lund University Sweden. 10. Knack và Keefer (1995), ‘Institutions and economic performance: institutional measures’, Economic and politics, Volum7, No.3, tr.207-227. 11. Phạm Thế Anh và Nguyễn Đức Hùng (2014), ‘Tác động của thể chế môi trường kinh doanh đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp ở Việt Nam’, Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân năm 2014, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và UNDP, Hà Nội. 12. North, D. C. (1990), ‘Institutions, Institutional Change and Economic Performance’, Cambridge University Press. 13. North, D. C. (1995), ‘Five Propositions about Institutional Change’, In Explaining Social Institutions, edited by Jack Knight and Itai Sened, University of Michigan Press. 14. Trần Thị Bích, Grafton, R.Q., và Kompas, T. (2009), ‘Institutions matter: The case of Vietnam’, The Journal of Socio-Economics. 15. Tổng cục thống kế, 2015,2014,2013, 2020 Niên giám thống kê, Hà Nội. 204
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2