YOMEDIA
ADSENSE
Giảm thiểu việc trẻ em kết hôn sớm ở người Mông, tiếp cận từ góc nhìn công tác xã hội
30
lượt xem 3
download
lượt xem 3
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Dựa trên việc khảo cứu các tài liệu học thuật liên quan, kết hợp với kết quả nghiên cứu thực địa và kinh nghiệm thực tiễn làm việc tại cơ sở, trên cơ sở vận dụng các lí thuyết, cách tiếp cận của công tác xã hội (CTXH), tác giả đề xuất khung chương trình can thiệp vấn đề trẻ em kết hôn sớm ở người Mông.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Giảm thiểu việc trẻ em kết hôn sớm ở người Mông, tiếp cận từ góc nhìn công tác xã hội
- JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0044 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2A, pp. 161-168 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn GIẢM THIỂU VIỆC TRẺ EM KẾT HÔN SỚM Ở NGƯỜI MÔNG, TIẾP CẬN TỪ GÓC NHÌN CÔNG TÁC XÃ HỘI Lương Quang Hưng Khoa Công tác Xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Dựa trên việc khảo cứu các tài liệu học thuật liên quan, kết hợp với kết quả nghiên cứu thực địa và kinh nghiệm thực tiễn làm việc tại cơ sở, trên cơ sở vận dụng các lí thuyết, cách tiếp cận của công tác xã hội (CTXH), tác giả đề xuất khung chương trình can thiệp vấn đề trẻ em kết hôn sớm ở người Mông. Khung chương trình này thể hiện rõ một số luận điểm quan trọng của ngành CTXH trong việc giải quyết các vấn đề: Coi trọng kiến thức bản địa và sự tham gia của người dân, của nhóm đối tượng đích; can thiệp đa chiều, đa cấp độ; tăng cường hợp tác, phối hợp nhóm liên ngành; và vận động, phát huy vai trò lãnh đạo. Từ khóa: Công tác xã hội, kết hôn sớm, trẻ em, người Mông, cách tiếp cận. 1. Mở đầu Để trẻ em kết hôn là việc làm gây ảnh hưởng tiêu cực, nặng nề tới sức khoẻ và hạnh phúc của trẻ em, đặc biệt là các em gái [2]. Vấn đề này xảy ra khá trầm trọng ở tỉnh Hà Giang, nơi có nhiều người Mông sinh sống. Đây không chỉ là vấn đề quan tâm của chính quyền địa phương, các tổ chức hoạt động vì trẻ em mà của cả chính trẻ em và người dân trong cộng đồng. Chủ yếu sinh sống ở vùng núi phía bắc của Việt Nam, với dân số khoảng 1 triệu, người Mông là dân tộc lớn thứ 8 ở Việt Nam. Sống tại một trong những khu vực nghèo khó nhất của Việt Nam, cộng đồng người Mông ở Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, giáo dục, y tế và bảo vệ trẻ em [13]. Là một xã hội thị tộc phân bố theo dòng họ, người Mông coi trọng các giá trị chung của gia đình và ý thức cộng đồng hơn là nhu cầu của mỗi cá nhân [16]. Người Mông theo chế độ phụ hệ, nam giới thường có nhiều quyền lực và vị thế nhiều hơn phụ nữ [5]. Ngoài ra, nhiều người Mông thường tin vào thế lực siêu nhiên, thứ có thể gây ra những bất hạnh, rủi ro, ốm đau cho các cá nhân và gia đình [16]. Những yếu tố này đều góp phần tạo nên tình trạng nhiều trẻ em kết hôn sớm. Bài viết này sử dụng kết quả nghiên cứu trước đây của tác giả và đồng nghiệp, trên cơ sở phân tích các tài liệu học thuật liên quan và vận dụng kiến thức CTXH, phát triển cộng đồng để đưa ra gợi ý cho chương trình can thiệp giải quyết vấn đề trẻ em Mông kết hôn sớm. Ngày nhận bài: 15/2/2016. Ngày nhận đăng: 10/5/2016. Tác giả liên lạc: Lương Quang Hưng, địa chỉ e-mail: luongquanghung@yahoo.com 161
- Lương Quang Hưng 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Phương pháp nghiên cứu Năm 2011 - 2012, tác giả và nhóm cán bộ của tổ chức Plan tại Việt Nam (một tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên hoạt động trong lĩnh vực phát triển cộng đồng và bảo vệ trẻ em) sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu có sự tham gia của cộng đồng, bao gồm cả định lượng và định tính để đánh giá thực trạng trẻ em kết hôn ở người Mông tại Hà Giang. Các chuyên gia nghiên cứu xã hội đã xây dựng một bảng hỏi khảo sát định lượng và đưa ra hội thảo tham vấn với 40 cán bộ thôn, xã, huyện ở địa phương. Sau đó bảng khảo sát được chính đại diện cộng đồng (trưởng thôn, bản) thực hiện rà soát đối với các em trong độ tuổi từ 13 tới 18 trong 4 xã của huyện Yên Minh và 4 xã của huyện Mèo Vạc. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành sáu cuộc thảo luận nhóm tập trung với đại diện các nhóm là trẻ em gái, trẻ em trai, cán bộ thôn bản và cán bộ xã về thực trạng, nguyên nhân và quan điểm của các em cũng như người dân địa phương về vấn đề này. Nhóm cũng tiến hành một bảng hỏi với 78 nam giới và 64 phụ nữ có con/em trong độ tuổi vừa kết hôn hoặc có nguy cơ kết hôn sớm về nhận thức, quan điểm, thái độ và cách ra quyết định của họ đối với việc cho con/em kết hôn sớm. Thực hiện 20 cuộc phỏng vấn bán cấu trúc với đại diện các chi hội, đoàn thể, cán bộ địa phương, giúp cho việc tìm hiểu rõ và kiểm tra chéo các thông tin. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu áp dụng phương thức tiếp cận điền dã của dân tộc học, dành thời gian dài liên tục (2 năm với nhiều đợt thực địa, mỗi đợt 1- 3 tuần) ở địa phương, gặp gỡ, trao đổi, quan sát và nói chuyện trực tiếp với nhiều người dân và trẻ em về truyền thống, phong tục, văn hoá và suy nghĩ của họ về cuộc sống, về việc lấy vợ lấy chồng sớm. 2.2. Kết quả nghiên cứu Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ và mức độ trầm trọng của việc trẻ em kết hôn ở người Mông tại Hà Giang là khá cao. Phần lớn các bậc cha mẹ (54,61%) cho rằng con gái mình nên lấy chồng trước tuổi 18 (Luong, 2012). Bảng rà soát định lượng có sự tham gia của cán bộ và người dân tiến hành tháng 3/2012 ở 95 thôn, bản thuộc 8 xã dự án cho thấy có 192 cặp vợ chồng có ít nhất 1 người dưới 18 tuổi (trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng độ tuổi trẻ em là những người dưới 18 tuổi, theo công ước quốc tế). Cụ thể, tỉ lệ trẻ em trai lấy vợ trước tuổi 18 là 8,35% (tức 146 em trên tổng số 1,747 em); tỉ lệ này với nữ là 10,45% (tức 161 trong tổng số 1.540 em). Tuổi kết hôn trung bình là 16,34 với các em trai và 15,92 với các em gái (Luong, 2012). Bên cạch đó, tỉ lệ trẻ em có nguy cơ sẽ kết hôn sớm là rất cao: 35,29% đối với nam và 57.72% đối với nữ (Luong, 2012). Các em có nguy cơ cao nếu rơi vào nhiều hơn 2 điều kiện sau: i) đang bị ép cưới; ii) đã bỏ học; iii) hoàn cảnh gia đình đặc biệt nghèo; iv) hiện đang yêu hoặc đã đính hôn; v) mồ côi. Các tiêu chí này do chính người dân và cán bộ địa phương đưa ra và thống nhất. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng có một mối quan hệ chặt chẽ giữa việc trẻ em kết hôn sớm và các hệ quả tiêu cực về sức khoẻ, tinh thần, việc học và đời sống kinh tế (Amin, 2011; Plan, 2011). Hai ví dụ trường hợp mà tác giả thu thập được trong quá trình thực địa dưới đây là minh chứng cho kết luận này. “Sùng T. L. lấy chồng khi mới 14 tuổi. Tới 17 tuổi, em đã là mẹ của 2 em bé. Em thường phải mang theo hai đứa khi đi chợ hoặc đi làm. Cuộc sống của em giờ gắn liền với nương rẫy và chăm sóc cho hai đứa nhỏ. Em không có giấy đăng kí kết hôn và cũng không đăng kí khai sinh cho 162
- Giảm thiểu việc trẻ em kết hôn sớm ở người Mông - Tiếp cận từ góc nhìn công tác xã hội con mình. Em thấy việc này là bình thường vì nhiều bạn bè và họ hàng quanh em đều làm vậy.” (Ghi chép thực địa, Luong, 2012). “Vàng A. S. 14 tuổi. Em lấy vợ 2 tuần trước chuyến thăm của chúng tôi. Vợ em hơn em hai tuổi. Em không yêu cũng chẳng ghét cô ấy. Mẹ bắt em lấy vợ vì bố em đã mất và em được mong chờ sẽ sớm là trụ cột gia đình. Em không dám tới trường nữa và giờ thường thấy buồn chán. Em nói muốn đi học tiếp nhưng lại ngại với bạn bè, giờ chỉ có cách đi đâu đó thật xa kiếm tiền thôi.” (Ghi chép thực địa, Luong, 2012). * Nguyên nhân trẻ em kết hôn sớm Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc trẻ em kết hôn sớm. Kebede (2012) cho rằng bối cảnh văn hoá, quy tắc của cộng đồng, vốn xã hội, và các tổ chức xã hội là 4 yếu tố ảnh hưởng chính. Amin (2011) thì nhấn mạnh nghèo đói, phong tục truyền thống và bất bình đẳng giới là các yếu tố cơ bản dẫn tới kết hôn ở trẻ em. Kết quả nghiên cứu thực địa ở Hà Giang và việc tìm hiểu các phong tục, tập quán của người Mông cũng cho thấy có nhiều yếu tố văn hóa, tập quán ảnh hưởng tới việc trẻ em kết hôn. Điều này được thể hiện rõ ở Hình 1. Hình 1 cho thấy những niềm tin truyền thống và thói quen văn hoá đóng vai trò chủ yếu đối với việc kết hôn ở trẻ em. Các em bị ảnh hưởng nặng nề bởi các tập tục được truyền lại từ những người lớn trong gia đình, những trưởng họ, trưởng thị tộc (Culhane-Pera & Xiong, 2003; Tatman, 2004). Thực tế thực địa cũng cho thấy trong nhiều trường hợp, trẻ em kết hôn sớm là do người lớn mong muốn sớm có thêm con cháu, mở rộng cây phả hệ gia đình và do những nam trưởng lão trong họ quyết định. Biểu đồ này cũng phù hợp với cách tiếp cận đa chiều của CTXH, rằng một vấn đề xã hội có thể là hệ quả từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Hình 1. Các nguyên nhân dẫn tới việc trẻ em kết hôn sớm * Mục đích can thiệp Nhằm giải quyết vấn đề trẻ em kết hôn, rõ ràng cần phải đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau như: giáo dục, sinh kế, y tế và thay đổi một số quy tắc văn hoá xã hội không còn phù hợp (Amin, 2011; Plan, 2011). Với góc nhìn của CTXH và phát triển cộng đồng, chương trình can thiệp đề xuất dưới đây chỉ góp phần giải quyết các yếu tố liên quan tới phong tục văn hoá, tập quán 163
- Lương Quang Hưng truyền thống có thể dẫn tới việc trẻ em kết hôn. Từ góc độ CTXH, chương trình can thiệp cần giúp nâng cao năng lực chung của cộng đồng Mông trong việc nâng độ tuổi kết hôn trung bình, vì quyền lợi của trẻ em cũng như lợi ích lâu dài của cả cộng đồng. Tác giả đề xuất 3 mục tiêu cụ thể như sau: - Nâng cao nhận thức cộng đồng về những hậu quả tiêu cực của việc kết hôn sớm đối với sức khoẻ và hạnh phúc của trẻ em cũng như sự phát triển lâu dài của cộng đồng. - Xây dựng và củng cố năng lực, sự tự tin của các em gái trong việc ra quyết định đối với các vấn đề liên quan tới cuộc sống của mình ví dụ như độ tuổi kết hôn. - Khuyến khích các trưởng thôn bản, các trưởng dòng họ, thị tộc tham gia các hoạt động tuyên truyền tới người dân cộng đồng giúp tăng độ tuổi kết hôn. * Chiến lược thay đổi Mặc dù cần phải tiếp cận giải quyết vấn đề từ nhiều góc độ như kinh tế, giáo dục, chính sách và xã hội, song các bằng chứng nghiên cứu đã chỉ ra rằng trao quyền cho trẻ em gái và phát huy sự tham gia của cộng đồng là hai trong số những chiến lược hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề trẻ em kết hôn (Amin, 2011; Malhotra, Warner, McGonagle, & Lee-Rife, 2011). Chương trình cần trao quyền cho trẻ em gái, đặc biệt là các em có nguy cơ kết hôn sớm để các em có thể tự gây ảnh hưởng đối với những quyết định liên quan tới bản thân. Chiến lược này là một quá trình nâng cao năng lực, thông qua việc cung cấp thông tin, kiến thức và xây dựng những kĩ năng cần thiết. Cụ thể, các em gái cần được cung cấp thông tin liên quan tới những tác động, ảnh hưởng của việc kết hôn sớm đối với sức khoẻ và hạnh phúc lâu dài của mình, được dạy những kĩ năng sống cần thiết để có thể nói không với việc bị ép kết hôn sớm (Malhotra et al., 2011). Chiến lược này cần được thực hiện thông qua các nhóm giáo dục đồng đẳng, tạo cơ hội tham gia tích cực của các em gái vào hoạt động của các tổ chức xã hội và học tập ở trường (Amin, 2011; Plan, 2011). Các thành viên khác trong cộng đồng, đặc biệt là các bậc cha mẹ cần được tham gia, được cung cấp thông tin về các hậu quả tiêu cực của kết hôn sớm và những lợi ích của việc để con em họ kết hôn muộn hơn. Các can thiệp ở cấp cộng đồng cần đảm bảo có sự tham gia trong suốt quá trình của các thành viên cộng đồng và không mang tính chỉ đạo từ bên ngoài (Gilchrist, 2009; Okubo, 2008). Những cán bộ chương trình đến từ bên ngoài cộng đồng cần thiết phải luôn “suy nghĩ lại”, cởi bỏ quan điểm riêng của mình và phát huy tối đa sự tham gia tích cực, hiệu quả của cộng đồng. Trưởng thôn bản, trưởng dòng họ, thị tộc nên được coi là đối tượng tiếp cận ưu tiên nhất vì họ chính là những người có tầm ảnh hưởng lớn đối với việc ra quyết định về kết hôn cũng như hỗ trợ triển khai các hoạt động khác ở cộng đồng (Kolzow, 2008; Tatman, 2004). Việc truyền tải các thông điệp về độ tuổi kết hôn cần phải được chính những nam trưởng lão, người có uy tín trong gia đình, dòng họ truyền xuống cho con cháu họ (Tatman, 2004). Tóm lại, mô hình tiếp cận CTXH trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới truyền thống, văn hoá ảnh hưởng tới việc kết hôn trẻ em ở người Mông được thể hiện ở Hình 2. * Hoạt động can thiệp Sau quá trình nghiên cứu các tài liệu phát triển cộng đồng, kết hợp với kiến thức CTXH cận đại và hiểu biết thực tiễn, tác giả đề xuất những hoạt động sau đây khi thực hiện chương trình can thiệp về kết hôn trẻ em ở người Mông: Gilchrist (2009) khuyến nghị cần tổ chức các sự kiện cộng đồng mở để người dân có thể tiếp cận và tham gia thảo luận, chia sẻ và học hỏi thông tin, kiến thức. Trong các sự kiện đó, những kênh truyền thông cần được triển khai để giúp nâng cao nhận thức cộng đồng. Các buổi họp thôn 164
- Giảm thiểu việc trẻ em kết hôn sớm ở người Mông - Tiếp cận từ góc nhìn công tác xã hội bản, toạ đàm, hội thi, tờ rơi, áp phích, loa truyền thanh,... cần được linh hoạt sử dụng (Okubo, 2008). Malhotra et al. (2011) gợi ý rằng cần tận dụng các công nghệ truyền thông để kết nối, giáo dục và thu hút sự tham gia của cộng đồng. Điều này là phù hợp với thực tế của Hà Giang hiện nay khi sóng truyền hình, điện thoại di động đã phủ về các xã, các bản và nhiều người dân đã có thể tiếp cận được các công nghệ này. Cần triển khai tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản và trưởng các dòng họ, thị tộc. Đây là một bước quan trọng không thể thiếu trong các dự án phát triển cộng đồng tương tự (Okubo, 2008). Kebede (2012) gợi ý một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao kiến thức và thay đổi hành vi của nhóm đối tượng đích là cần phải có can thiệp, hỗ trợ trực tiếp đối với nhóm trẻ em gái, ví dụ như các bạn học cùng trường, chơi cùng thôn bản. Những buổi họp, trao đổi thường xuyên với các bên liên quan cần được tiến hành (Adams, Witten, & Conway, 2009), không chỉ vì mục đích giám sát mà còn giúp tăng cường cơ hội chia sẻ, học hỏi, trao đổi thông tin và nâng cao năng lực. Hình 2. Định hướng can thiệp * Phương thức tiếp cận trong quá trình can thiệp Một kế hoạch can thiệp chiến lược cần thiết phải lồng ghép các phương thức tiếp cận hiệu quả, bền vững ngay từ khâu thiết kế (Hoefer & Chigbu, 2013). Các mục tiêu và kết quả mong đợi của chương trình này sẽ chỉ có thể thành công nếu kết hợp tốt các chiến lược thực hiện về tăng cường sự tham gia, đẩy mạnh hợp tác, phối hợp mạng lưới, tăng cường vận động chính sách và khả năng lãnh đạo. 165
- Lương Quang Hưng - Tăng cường sự tham gia của cộng đồng Các học giả quốc tế về phát triển cộng đồng đều khẳng định sự tham gia của cộng đồng là một thành tố quan trọng không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề xã hội (Adams et al., 2009; Cavaye, 2006; Gilchrist, 2009). Quá trình tham gia vào các hoạt động phát triển sẽ giúp các thành viên cộng đồng học hỏi được các kỹ năng xã hội quan trọng, giúp nâng cao vốn xã hội của họ và từ đó họ có thể dần tự giải quyết các khó khăn trong cuộc sống. Quá trình tham gia vào các hoạt động cũng giúp họ tăng cường khả năng đoàn kết, tương trợ và hiểu biết lẫn nhau. Cách tiếp cận phát huy sự tham gia của cộng đồng cũng phản ánh sâu sắc nguyên tắc tôn trọng thân chủ, tôn trọng văn hoá và kiến thức bản địa mà ngành CTXH luôn hướng tới. Theo đó, cán bộ dự án cần luôn ý thức được tầm quan trọng của việc huy động kiến thức bản địa, ý kiến của người dân, đặc biệt là những người dân thường, những nhóm dễ bị tổn thương vào quá trình bàn luận, trao đổi, giải quyết các vấn đề chung. Nhân viên CTXH và các cán bộ phát triển cần luôn ý thức được rằng mình “làm việc cùng với cộng đồng” chứ không phải mình “làm việc cho cộng đồng” (Cramer, Brady, & McLeod, 2013, p. 144). Các chương trình can thiệp về vấn đề trẻ em kết hôn sớm ở người Mông sẽ rất dễ thất bại nếu những cán bộ chương trình cho rằng đó là “hủ tục”, “là những gì xấu xa cần xoá bỏ” và họ cần mang “ánh sáng văn minh” bên ngoài vào áp đặt để tạo ra những thay đổi. Sự thay đổi chỉ có thể diễn ra theo một quá trình tham gia lâu dài khi những người dân bản địa tự cảm nhận được sự cần thiết phải thay đổi và chính họ muốn thay đổi. Khó có thể lấy cơ chế, chính sách, chế tài pháp luật để ngăn cấm người Mông kết hôn sớm khi mà bản thân họ chưa hiểu ra vấn đề và chưa thực sự sẵn sàng thay đổi. Vai trò và sự tham gia của cộng đồng cũng được thể hiện rõ nét trong quá trình nghiên cứu. Khi mới tiếp cận cộng đồng, chúng tôi cảm nhận thấy rõ sự e ngại, dè dặn của cán bộ cơ sở, các già làng trưởng bản khi đề cập tới thực trạng trẻ em kết hôn. Thậm chí đa số họ đều lảng tránh, giấu giếm các vụ việc tại nơi mình sinh sống. Số liệu báo cáo chính thống ở các xã thường là rất thấp. Phải mất hơn một năm dài thu hút sự tham gia của cán bộ và người dân cộng đồng vào các hoạt động hội họp, trao đổi, nhóm nghiên cứu chiếm được lòng tin, tình cảm của họ. Việc chia sẻ thông tin từ đó cũng cởi mở hơn và chính đội ngũ trưởng thôn bản đã chủ động tham gia rà soát độ tuổi các cặp vợ chồng trẻ nơi họ sinh sống. - Đẩy mạnh hợp tác, xây dựng mạng lưới Tăng cường quan hệ hợp tác hiệu quả với các bên liên quan là một nguyên tắc quan trọng của phát triển cộng đồng (Okubo, 2008; Su, 2010; Taylor, Wilkinson, & Cheers, 2008). Đây cũng là một trong những cách tiếp cận quan trọng của ngành CTXH. Cán bộ xã hội cần phải làm việc trong các nhóm liên ngành, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phối hợp giải quyết các vấn đề chung của thân chủ, của cộng đồng. Sự hợp tác, phối kết hợp ở đây không chỉ là giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội mà còn cả với các tổ chức xã hội dân sự, các nhóm tương trợ tại cộng đồng như hàng xóm, láng giềng, bạn bè, dòng họ, v.v... (Kebede, 2012). Việc gắn kết, phát huy vai trò, sự ảnh hưởng của các nhóm tương trợ là vô cùng quan trọng trong việc giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ và sự thay đổi của nhóm đối tượng đích. Áp dụng với chương trình can thiệp về kết hôn trẻ em, một mặt cán bộ chương trình cần phát huy việc hợp tác với chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể cấp xã, huyện; mặt khác họ cần kết nối, tác động tới các hội nhóm ở thôn bản như đại diện các dòng họ, trưởng bản, giáo viên tại cơ sở,... Đây chính là những tác nhân thường xuyên có những mối tương tác với các 166
- Giảm thiểu việc trẻ em kết hôn sớm ở người Mông - Tiếp cận từ góc nhìn công tác xã hội bậc cha mẹ và các trẻ em có nguy cơ kết hôn sớm. Bên cạnh đó, chương trình cùng cần thiết phải có chiến lược xây dựng và tăng cường năng lực trực tiếp cho nhóm các trẻ em gái, các trẻ em trai để chính các em có thể vận động, tuyên truyền về hậu quả của việc kết hôn sớm và gây ảnh hưởng tới việc ra quyết định chung của dòng họ, gia đình. - Tăng cường vận động và phát huy vai trò lãnh đạo Nhiều học giả đã đề cập tới vai trò lãnh đạo của những người đứng đầu cộng đồng như một trong những chiến lược tiếp cận phát triển cộng đồng quan trọng nhất (Gilchrist, 2009; Kolzow, 2008). Những người đứng đầu làng, bản hoặc trưởng các dòng họ, thị tộc là những nhân tố tốt nhất để truyền thông, gây ảnh hưởng tới cộng đồng, giúp thay đổi những tập tục hoặc suy nghĩ của người dân. Họ cũng chính là những người hiểu bà con mình nhất, nắm được ý nghĩa của những phong tục tập quán, có kiến thức bản địa tốt nhất và thường chiếm được lòng tin của đa số thành viên trong cộng đồng mình. Chương trình can thiệp, vì vậy, cần ưu tiên việc vận động những cá nhân này. Những chương trình tập huấn xây dựng năng lực, những buổi nói chuyện, vận động và thuyết phục họ nhìn nhận ra vấn đề, thay đổi suy nghĩ và ủng hộ chương trình là vô cùng quan trọng. Khi đã có được sự ủng hộ của những “nhà lãnh đạo” này trong cộng đồng, việc tuyên truyền, vận động bà con thay đổi quan điểm, nhận thức sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. 3. Kết luận Thực trạng trẻ em người Mông ở Hà Giang kết hôn sớm còn khá phổ biến. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, đời sống và sự phát triển của bản thân các em nói riêng và cả cộng đồng người Mông nói chung. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc người Mông muốn con em mình kết hôn sớm. Ngoài những yếu tố về kinh tế, bất bình đẳng nam nữ, thiếu hụt các dịch vụ xã hội thì các phong tục văn hóa, tập quán truyền thống đóng vai trò chủ chốt. Vận dụng các nguyên tắc và cách tiếp cận của CTXH, việc giải quyết vấn đề nhận thức, các phong tục tập quán lâu đời ảnh hưởng tới kết hôn ở trẻ em đòi hỏi phải có chiến lược can thiệp đa cấp độ, trong đó đặc biệt coi trọng sự trao quyền đối với nhóm các trẻ em gái và tăng cường sự tham gia của cộng đồng. Quá trình can thiệp cần luôn chú trọng và phát huy sự tham gia tích cực, hiệu quả của trẻ em, cha mẹ và các thành viên của cộng đồng. Đồng thời cũng cần chú trọng tăng cường hợp tác liên ngành với các cơ quan, ban ngành đoàn thể và các nhóm, tổ chức tại cồng đồng, bao gồm cả họ hàng, bạn bè, hàng xóm của các đối tượng đích. Đặc biệt, cần hết sức vận động và phát huy vai trò lãnh đạo của các trưởng thôn bản, trưởng các dòng họ, thị tộc trong việc vận động cộng đồng thay đổi quan điểm, nhận thức. Các chiến lược này đòi hỏi quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài của tất cả các bên liên quan, của chính nhóm trẻ em có nguy cơ và các thành viên khác trong cộng đồng, chứ không phải hoạt động mang tính ép buộc, tác động từ bên ngoài trong một thời gian ngắn. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Adams, J., Witten, K., & Conway, K., 2009. Community development as health promotion: evaluating a complex locality-based project in New Zealand. Community Development Journal, 44(2), 140-157. [2] Amin, S., 2011. Programs to address child marriage: Framing the problem. Population Council. 167
- Lương Quang Hưng [3] Cavaye, J., 2006. Understanding Community Development. Cavaye Community Development. [4] Cramer, E. P., Brady, S. R., & McLeod, D. A., 2013. Building Capacity to Address the Abuse of Persons with Disabilities. Journal of Community Practice, 21(1-2), 124-144. [5] Culhane-Pera, K. A., & Xiong, P., 2003. Hmong culture: Tradition and change. Healing by heart: Clinical and ethical case stories of Hmong families and Western providers, 11-68. [6] Gilchrist, A., 2009. The well-connected community: a networking approach to community development. Chapter 7: Complexity and the well-connected community. The Policy Press. [7] Hoefer, R., & Chigbu, K., 2013. Planning to Succeed: A Case Study of the Implementation of the Strategic Prevention Framework. Journal of Community Practice, 21(1-2), 43-61. [8] Kebede, W., 2012. Women, Social Networks, and HIV. Journal of Community Practice, 20(1-2), 52-68. [9] Kolzow, D. R., 2008. Six skills of developing community leadership. In R. Phillips & R. H. Pittman (Eds.), An Introduction to Community Development: Routledge. [10] Luong, Q. H., 2012. BIAAG Ha Giang baseline survey report - child marriage component. Internal report. Plan in Vietnam. [11] Malhotra, A., Warner, A., McGonagle, A., & Lee-Rife, S., 2011. Solutions to end child marriage: what the evidence shows. [12] Okubo, D., 2008. Community visioning and strategic planning. In R. Phillips & R. H. Pittman (Eds.), An Introduction to Community Development: Routledge. [13] Plan., 2010. Phase-in study report of Meo Vac and Yen Minh district of Ha Giang Province. [14] Plan., 2011. BIAAG proposal - Promote the comprehensive development of ethnic minority girls. [15] Su, C., 2010. We call ourselves by many names: storytelling and inter-minority coalition-building. Community Development Journal, 45(4), 439-457. [16] Tatman, A. W., 2004. Hmong history, culture, and acculturation: Implications for counseling the Hmong. Journal of multicultural counseling and development, 32(4), 222-233. [17] Taylor, J., Wilkinson, D., & Cheers, B., 2008. Working with communities in health and human services. Oxford University Press Melbourne. ABSTRACT Diminishing child marriage issue in Mong peoples from social work perspective Based on the review of relevant literature, previous research and field trips to Mong communities in Ha Giang, the author suggests a program that addresses the child marriage issue from a social work perspective. This program respects indigenous knowledge and the participation of target groups and community members, it makes use of multidimensional and multi-level intervention, it promotes partnership, networking and interdisciplinary cooperation, and it strengthen advocacy and community leadership involvement. Keywords: Social work, child marriage, children, Mong. 168
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn