Giấy gọi
lượt xem 3
download
Khi N mở thùng thư, anh thấy nó nằm lẫn trong đám mấy tờ báo đặt mua hằng ngày, một cái bì thư viền đỏ đan xanh dương, như mọi bì thư khác. Vỏn vẹn mấy chữ “Giấy gọi sẽ đến trong vài hôm nữa. Chuẩn bị”. Vợ N đang quét nhà, nhìn thấy vẻ thẫn thờ của anh sau khi xé cái bì thư, mặt cô liền biến sắc. - Gì vậy anh? N ấp úng, định không nói, hay là tìm một cách thể hiện nào đó, rồi anh thở dài. - Giấy gọi sắp đến… Vợ N...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Giấy gọi
- Giấy gọi TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN DANH LAM Khi N mở thùng thư, anh thấy nó nằm lẫn trong đám mấy tờ báo đặt mua hằng ngày, một cái bì thư viền đỏ đan xanh dương, như mọi bì thư khác. Vỏn vẹn mấy chữ “Giấy gọi sẽ đến trong vài hôm nữa. Chuẩn bị”. Vợ N đang quét nhà, nhìn thấy vẻ thẫn thờ của anh sau khi xé cái bì thư, mặt cô liền biến sắc. - Gì vậy anh? N ấp úng, định không nói, hay là tìm một cách thể hiện nào đó, rồi anh thở dài. - Giấy gọi sắp đến… Vợ N buông xoạch cây chổi, ngồi sụp xuống nơi đầu cầu thang gỗ dẫn lên gác xép. Rất nhanh, hai giọt nước mắt lặng lẽ trôi dài hai bên cánh mũi cô. N lại gần vỗ vỗ nhẹ lưng vợ. - Thôi, biết vậy rồi, em đừng nghĩ ngợi nữa. Rồi ngày ấy cũng phải đến thôi. Anh đã biết trước, em cũng đã biết trước như thế rồi mà… - Anh đưa em xem nào? N lục lại cái bì thư trong xấp báo, đưa vợ. - Đấy, chỉ có thế. - Tại sao không phải là giấy gọi ngay mà lại là giấy báo… sẽ gọi? - Hừ, thì thế… Đấy cũng là một cái cách… - Dù gì, em van anh đừng nói với mẹ! Mẹ sẽ không thể nào chịu nổi việc này! - Có lẽ vậy, vì mẹ không hiểu…
- N ngồi xuống cạnh vợ, nơi đầu cầu thang. Buổi sáng trong trẻo. Tiếng bà bán xôi rao dài đầu ngõ. Đám trẻ đá banh về, kéo qua rầm rập. Vợ N đột ngột òa khóc. - Sao lại vậy chứ hả?! - Em phải cứng rắn lên chứ! Hãy vì con. Vì cả anh và em nữa. Khéo bà lại biết đấy. Hai bà cháu chưa dậy phải không? - Có thể bà dậy rồi, nhưng con thì chưa. Chắc bà nằm nán, chờ nó dậy rồi xuống một thể. - Có lẽ phải chuẩn bị... Thôi cứ ăn sáng đi rồi tính. Dù gì anh sẽ vẫn đi làm. - Còn tâm trạng nào mà làm nữa hả anh? - Em đừng nghĩ thế. Sáng mai giấy tới, đêm nay anh sẽ vẫn làm. Chẳng thể nào ngăn được anh làm việc!- N đấm tay lên tường. Bà già bồng đứa nhỏ xuống cầu thang. Con bé mặt còn ngái ngủ nhưng cái miệng đã toét cười. Nó đang tập đứng và chưa biết nói. Bà già có phần chậm chạp. Chân hơi khập khiễng. Bà từng lên cơn tai biến mạch máu não một lần. Nhưng nhẹ. - Chào bố mẹ đi nào!- Bà già cúi xuống dòm mặt con bé. Con bé vòng tay trước ngực, đầu gập chúi tới trước. Vợ N lén ngoảnh mặt đi, quệt vội cườm tay ngang má. N cười lớn, giang tay đón con bé từ bà già, ôm ghì nó vào ngực. - Bà ăn sáng đã, rồi hãy cho nó ăn- N bảo bà già. - Hãy khoan, nó đói rồi đấy. Mà bố mày ăn trước rồi còn đi làm. Bà ăn lúc nào chẳng được. - Hay anh nghỉ đi một bữa?- Vợ N liếc kín anh, thì thào- Lỡ chuyện lại xảy ra ở cơ quan thì sao? - Nhìn chung, nếu nó đã đến thì đến ở đâu cũng vậy. Anh chuẩn bị tinh thần rồi. - Cái gì thế?- Bà già hơi khựng người, khi nghe hai vợ chồng N to nhỏ. - Không, việc cơ quan ấy mà mẹ- N quay mặt chỗ khác.
- - Hôm qua miếng ván ở trên gác nó muốn rớt ra rồi đó. Tụi con thu xếp thế nào, tiến hành sửa nhà đi. Định dễ đến hơn năm rồi, cứ treo đó hoài, rồi có ngày cả cái mái nó ập xuống đầu không chừng! - Con biết vậy rồi… Nhưng mẹ chờ thêm ít bữa! N đi vòng ra sau bếp. Lớp cát từ sân đã tràn vào đến tận nền qua mấy cơn mưa lớn giữa mùa. Sau bếp, kẹp giữa hai vách tường cao sừng sững của hai căn nhà kế bên, một khoảng cỏ mọc pha lẫn sình lầy. Tiếp nữa đến một bãi rác lớn. Muỗi từ khoảng trống tù đọng này tràn vào nhà N ngày đêm. Con bé đã hơn một lần nằm viện bởi những chứng bệnh liên quan đến muỗi mòng và ô nhiễm. Thêm nữa, vách hai căn nhà lớn tạo thành một hõm gió, và căn bếp nhà N là túi đựng cuối hõm gió ấy. Bao nhiêu tôn, cót, ván ép, phên che tường đắp vào, chỉ vài bữa là tốc tung lên. Chẳng phải N không có tiền xây một bức tường chắn vào chỗ ấy, thậm chí là làm lại toàn bộ căn nhà, nhưng anh biết giấy gọi sẽ đến. Trước sau gì cũng đến. Nên mọi sự đành gác lại. Đợi. Đã rất lâu như thế. Hôm nay tuy chưa phải giấy gọi, nhưng đã có giấy báo. Đã xác định sẽ đi làm, làm đến tận cùng, tuy nhiên hai chân N mềm nhũn như có ai rút mất xương. Anh định tìm một chỗ nào đó ngồi xuống, nhưng nghĩ vợ sẽ nhìn thấy biểu hiện uể oải ở anh, nên lại ráng đứng với tư thế bình thản nhất. Mặt ngửa nhìn bầu trời, vẻ như nhắm thời tiết ngày hôm ấy. Vợ N đang lau mặt, thay quần áo cho con bé. Bà già vịn đầu lan can, đứng lom khom, tay đấm đấm lưng. - Bố nó đâu rồi? - Ảnh loanh quanh đâu ngoài đó mẹ. - Tao thấy sáng nay cái mặt nó giống như trúng gió? Đêm qua nó thức khuya à? Vợ N ẵm con bé lên, ráng nựng à à, coi như không nghe thấy câu nói của bà già. Bà già nhắc lại: - Đêm qua nó thức khuya à?
- - Hình như vậy. Ảnh đang bận lắm mẹ à. - Bận gì cũng giữ gìn sức khỏe. Tao lo lắm! Con nó còn nhỏ thế này… N đứng bên này vách tường mỏng, hở cả khe, nghe và thấy hết. Giọng bà già cùng nội dung câu nói chứa đầy tính linh cảm khiến anh hơi chột dạ. N bước vào. - Mẹ đừng lo vu vơ! Con có gì đâu nào? - Đó là tao dặn thế. Bố mày đã để tao một nách với mày. Rồi giờ đến mày. Đấy, mày cứ nhìn mẹ con nó. Tao lo chẳng thừa! *** Cái thư nhận hôm thứ tư, N nghỉ liền mấy ngày, đến hết thứ sáu. Bà già nhìn anh, bồn chồn ra mặt, nhưng không hỏi gì thêm. Sáng nào N cũng xuống lục thùng thư sớm, đề phòng nếu có giấy gọi tới bà già lại phát hiện ra trước anh, sẽ rất đáng lo ngại. Thư ở đây thường đến lúc sáng sớm, vẫn chưa thấy gì. Cả ngày N trốn bà già, giả làm việc để có lí do khép cửa, nằm lơ mơ trên gác xép. Nóng khủng khiếp. Mặc cho cái quạt đã chạy hết công suất, người N vẫn hóa lỏng, chảy nhại nhễ cho đến chiều tối thì khô kiệt. Máy lạnh, cũng như mọi thứ đắt tiền, hoặc sử dụng dài lâu N đều không dám sắm. - Chắc cuối tuần này phải đi đâu một chút. Anh có cảm giác mình sắp ốm!- Tối thứ sáu, N rỉ tai vợ khi bà già ẵm con bé ra cổng hóng gió. - Anh ốm thật rồi chứ cảm giác gì nữa!- Vợ N nhìn anh lo ngại- Ý anh là đi du lịch? - Thì cũng định thế. Nhưng anh biết là sẽ rất khó… - Đi thế nào được- Vợ N lắc đầu- Đấy sẽ là lí do để phiền hà! - Thì đành vậy. Anh chỉ thương em và con! Không lẽ lại gửi con cho bà rồi đi xem phim, xem kịch? Mấy chỗ đó làm sao ẵm con bé vô? - Em cũng không biết nữa!- Vợ N tay vẫn cầm cái tô đang nhúng dở trong bồn rửa, lúng túng trong cử chỉ định đưa tay lên vén tóc. N lại gần, vén tóc cài lên vành tai cho vợ.
- - Em để anh làm. - Thôi, anh để em, còn mấy ngày nữa đâu? - Chính thế anh mới nên làm. À, hay ngày mai mình đến nhà một đứa bạn nào đó? - Em có cảm giác bạn bè anh giờ cũng đang trốn anh!? Không biết cảm giác ấy của em có đúng không? N thở dài. - Để anh thử gọi. Một gã bạn từ thời còn học đại học cho hai vợ chồng N cái hẹn vào chiều thứ bảy. Trước N hay lai rai cùng gã này. Gã từng mời hai vợ chồng lên nhà chơi từ hồi N mới kết hôn. Bữa nay đã có con bé, N mới nhớ ra gã, sau khi gọi ba bốn đứa bạn khác. Mỗi đứa có một lí do, đa số đã lỡ chuẩn bị cho kế hoạch hai ngày cuối tuần, N gọi cận giờ quá, không thu xếp kịp. Tuy nhiên, có bao nhiêu phần trăm sự thật trong lời từ chối của chúng, N không nghĩ là cao. Thịt quay, đồ nguội, rau sống cùng mấy món nhậu lai rai cho hai gã đàn ông và hai cô vợ, chưa kể con gái N. Gã bạn và cô vợ mới cưới, chưa có con. Bàn kê trên sân thượng tòa nhà gã bạn, ngang tầng bốn. Gã làm xong căn nhà ở khu đất mới này trước khi cưới. Một kẻ thành đạt. Chai rượu gì đó, N không rõ lắm, chỉ đoán là đắt tiền, được gã bạn mở nắp. - Mày học lái xe chưa?- Gã bạn khà một cái. - Xe hơi? - Không lẽ xe máy hay xe tăng? - Xe đâu mà lái? - Trước sau gì đời mày cũng phải có xe hơi chứ! N nâng li, uống một ngụm nhỏ. Rượu cay xé cổ họng. Nhớ lại khoảng bếp còn treo đó. - Nhà, tao còn chưa dám sửa, nói gì xe?
- - Đấy là tại mày thôi. Xuất phát điểm tao cũng như mày. Nhưng tao lựa chọn sự ổn định, còn mày thì không. - Mày có chắc là mày ổn định? - Ừ thì biết vậy, nhưng hãy cứ chọn cái êm đềm trong lòng một vỏ ốc rỗng, giữa ngày biển bão đi. - Ừ, đành vậy. Mỗi người một con đường. Mày chọn vỏ ốc, tao thì khác. Một cái gì đó chọn tao, hay tao chọn một cái gì đó… Thôi uống đi! Cô vợ gã bạn chủ yếu ăn rau sống. - Em đang ăn kiêng đó. Chưa có con mà đã muốn tăng cân rồi. Chị hay thiệt, đúng là gái một con! Mà chị có tập ở đâu không? - Không, tôi ăn uống bình thường, cũng không tập gì cả. - Bà xã mày nhìn cứ trong suốt ra. Cái tạng người hay nghĩ đó. Em đẹp một cách… u ẩn- Gã bạn quay qua N, rồi lại quay sang vợ anh. - Đúng, bà xã tao phải lo nhiều. - Em tưởng chị tập ở đâu, hay có phương pháp nào, chị chỉ em với! Có tiếng động cơ xe máy lồng lên từ dưới hẻm. Tiếng thét xé gió- cướp cướp. Những cánh cửa trong xóm vỡ tung. Những bóng người lao vọt ra ngoài. Cái xe máy đổ xà xuống mặt hẻm. Tiếng đấm đá, gào thét. Cô vợ gã bạn vùng dậy. - Cướp! Hình như bắt được rồi!- Vừa nói, bóng cô đã biến mất dưới cầu thang. - Ở đây đụng mấy vụ này hoài. Khu mới, nhiều hẻm, lại gần bờ sông, cướp giật dữ lắm. Thôi, vô đi. N “vô” tổng cộng được ba li, mặt đỏ rực. Thấy chiều chao chao. Thoáng bình an như chiếc lá khoảnh khắc ngưng gió. - Vô nữa đi! - Tao còn phải chở vợ con.
- - Uống đi, quẳng xe đây, tao lái xe đưa cả nhà mày về. Xe mai quay lại lấy sau. - Cơ bản là tao không uống nổi, chứ không phải không muốn uống với mày. - Đó, rượu không, xe không, đủ thứ không… Tao đang nghi ngờ mày cần phải có một hướng đi khác. Hay đơn giản là chẳng đi đâu cả cũng vẫn còn hơn. Có tiếng hổn hển lên cầu thang. - Bắt được hai thằng. Uýnh nát bấy luôn. Chắc đêm nay em hết ngủ quá, máu không hà!- Cô vợ gã bạn trở về, tay bưng ngực, mặt tái xanh, giọng đứt quãng. - Ai biểu em cứ tò mò ra đó làm gì, để rồi lại sợ?! - Thì coi cho biết… - Thôi, tao phải về. Tự nhiên thấy nóng ruột- N đập vai gã bạn. Vợ N nhìn chồng, vẻ chột dạ. - Ừ đúng, bà cụ ở nhà một mình. Anh để tụi em về, khi khác có dịp lại ghé. Hai vợ chồng gã bạn tiễn gia đình N ra tận hẻm. - Đó, máu còn nè anh- Cô vợ gã bạn chỉ một vệt đen dưới mặt hẻm. - Anh đã nói em thôi đi rồi mà- Gã bạn N gắt. N tự nhiên bủn rủn. Tay lái hơi chao chao. Vợ N ngồi sau ghì chặt con bé. - Anh cẩn thận, say rồi phải không? - Anh chưa say. Nhưng cứ thế nào ấy… *** Cơ thể bà già nằm quẹo dưới chân cầu thang. Cái bì thư chuyển phát nhanh rớt cạnh đó. Hẳn nó được gửi bảo đảm đến tận nhà vào cái giờ N không lường trước được. Và bà già đã đọc nó sau khi ký nhận từ bưu tá.
- Xe cấp cứu hụ còi đầu hẻm. Không cần phải qua bước phẫu thuật não để vớt vát sự sống, bà già đã ra đi trước đó, rất nhanh. Một mạch máu bất thần vỡ tung. Và mọi sự kết thúc về phía bà già. Tuần sau, N hình dung lại sự việc, khi xem nội dung trong cái bì thư, vẫn chỉ thế: “Giấy gọi sẽ đến trong vài hôm nữa. Chuẩn bị”. Nếu đoán được tình huống, N đã chẳng chở vợ con đến nhà gã bạn. N ôm hũ tro bà già lên chùa gửi. Vợ N nằm thiếp trên gác xép suốt tuần sau đó, thay vào chỗ N những ngày trước. Hơi nóng mề mệt càng được dịp hầm lên trong những ngày điện cúp. Con bé khóc khản giọng khi N loay hoay với bữa ăn, phải nhốt nó vào cũi. N ngăn mình không được tưởng tượng nếu giấy gọi đến đúng thời điểm ấy. Nhưng nó vẫn treo lơ lửng. Hết tuần lễ, vợ N bỗng bật dậy vào một buổi chiều. - Em không nằm nữa! Có chết ngay em cũng không nằm nữa! Mình phải đối mặt với nó! - Em nói cái gì? - Thì đó. Cho dù giấy gọi có đến giữa lúc này em cũng không sợ! N thần người. - Thôi, em đừng nhắc nữa. Mà thấy em cứng lên như vậy, anh cũng mừng! - Mai em sẽ đi làm lại, rồi tìm một người giúp việc. - Anh nghĩ là chưa cần thiết, đến bao giờ nó tới hẵng hay… - Nhưng bao giờ nó mới tới chứ? Cứ treo lơ lửng thế này… Khốn nạn nhất là mình không nắm được cuộc sống của mình trong tay! - Biết làm sao được em. Thì ai cũng vậy thôi. Cách này cách khác- N lại ghì vợ vào lòng. Con bé quá nhỏ để có thể gửi nó vào trường mẫu giáo. Vợ N cũng phải đi làm. Khả năng cô mất việc nếu tiếp tục loay hoay chuyện nhà cửa là rất cao. N quyết định, chính anh sẽ ở nhà để chăm con bé. Anh có một số công việc lặt vặt có thể kiếm sống tại nhà
- mà không cần đến cơ quan hay công ty, tuy thu nhập có giảm khá trầm trọng. Mối lo lắng lớn nhất hẳn nhiên vẫn là nếu giấy gọi đến đúng lúc vợ N đi vắng. ừng ngày, N đếm. Đã gần một tháng kể từ hôm nhận cái bì thư viền đỏ đan với xanh dương đầu tiên. Một cú dập của miếng tôn trên mái, một tiếng chuông reng bên nhà hàng xóm, đều khiến N mềm rũ người đến cả giờ, không làm được bất cứ việc gì. Cái cũi thành khoảng không gian dính bệt hằng ngày của con bé. Đến độ N sợ vì thế mà nó không thể biết đi. Nhưng nếu anh thả nó ra ngoài, cho bò vẩn vơ, chỉ cần một thoáng suy nghĩ mất tập trung của N cũng khiến nó gặp tai nạn. Nhà cửa bừa bộn, đầy vật dụng tạm bợ, những cánh cửa long bản lề, những đoạn dây điện đấu nối lộn xộn chỗ này chỗ kia… đều là những ẩn họa đối với con bé, cũng có nghĩa là với cả cái gia đình bấp bênh này. Nhiều ngày N ngồi đối diện cái cũi nhìn con bé ngủ bên trong, nghe như có tiếng người bưu tá gọi ngoài cửa, rồi như có bóng đen lao vào ôm con bé chạy vụt đi mất… N rú lên. Không biết tỉnh hay mơ. *** Những công việc có thể kiếm tiền thưa đi một cách đột ngột. N gọi đứa bạn nào cũng thấy chúng báo đang bận, sẽ gọi lại sau, rồi im luôn. Hai tháng tròn qua đi, nguy cơ cái đói hiển hiện nhanh không ngờ. N chở cả con bé, tìm đến cơ quan cũ, sau khi thống nhất với vợ sẽ kiếm một người trông trẻ nếu anh quay lại làm việc. - Đã có thông báo đến cơ quan, cậu sắp có giấy gọi, nên chúng tôi không thể nhận lại cậu- N choáng váng nghe lời nhắn từ thủ trưởng, qua lão thường trực. Như mộng du, N trở về nhà. Một cái bì thư mới, lần này ném qua khe cửa. Màu khác, hình thức gửi khác. Nhưng nội dung bên trong vẫn y hệt: “Giấy gọi sẽ đến trong vài hôm nữa. Chuẩn bị”. N đá vào cánh cổng, rú lên. Tiếng rú vô âm, dội ngược vào lồng ngực. Con bé nhìn mặt N đỏ kè, òa khóc. Đợt khám định kỳ, con bé đã sụt hơn một ký từ ngày N ở nhà chăm nó. - Anh sẽ nhịn ăn, để tiền mà tìm một bà trông trẻ. Anh thật lúng túng trong chuyện này. Khổ con quá!
- - Không, em có cách để lo, ít ra cũng được một thời gian. Mai bà trông trẻ sẽ đến. Anh ráng bình ổn tinh thần, tìm được việc nào thì tìm vậy. Sáng kế tiếp, N ôm vai vợ khi cô dắt xe ra cổng. - Em gắng lo cho con! - Anh đừng nói bậy, giấy đã tới đâu!? - Thì em biết đó, nó có thể đến bất cứ lúc nào, mà em lại đi làm cả ngày. Vợ N ngoảnh mặt đi, khóc. Con bé cũng khóc trong tay bà trông trẻ, từ nhà trong. Chiều ấy, từ công ty về. Vợ N nhận được cái thư từ tay bà trông trẻ. - Cậu ấy đưa tôi rồi đi chưa thấy về. Vợ N mở thư: Em cùng con yêu, anh phải đi, dù giấy gọi chưa tới. Nhưng cứ sống lơ lửng mãi thế này ai cũng khổ. Thà đi trước. Lo cho con giùm anh. Hôn con và em.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
TRUYỆN CƯỜI NỔI TIẾNG THẾ GIỚI - 4
23 p | 212 | 108
-
Ý nghĩa tên gọi các địa danh Việt Nam [Bắc Bộ]
4 p | 254 | 86
-
Bí mật ánh trăng khuya P2
25 p | 126 | 16
-
Ngựa biết gọi điện
2 p | 97 | 13
-
Lá Rụng Chiều Thu
101 p | 81 | 10
-
ĐÔI GIÀY THỦY TINH - TẬP 01
128 p | 55 | 9
-
Con yêu bố nhiều lắm
4 p | 77 | 6
-
Chiếc giày bên trong cánh cửa
2 p | 55 | 5
-
Chiếc giày phải bên trong cánh cửa
3 p | 44 | 4
-
Đơn giản hãy gọi người ấy là mẹ
4 p | 100 | 4
-
Văn hay
5 p | 64 | 4
-
Có thứ hạnh phúc gọi là "chia tay"
4 p | 57 | 3
-
Sống là không chờ đợi
6 p | 102 | 3
-
Kỳ VIII: Giày Bata và Xe đạp Eska
6 p | 75 | 3
-
Người Lạ Hoàn Hảo
5 p | 56 | 2
-
Tượng giấy tuyệt đẹp ở Valencia
8 p | 81 | 2
-
Có thứ hạnh phúc gọi là chia tay
5 p | 64 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn