intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giới và xung đột vũ trang. Phụ nữ là nạn nhân

Chia sẻ: Hsu Hsu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:17

124
lượt xem
13
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 Giới và xung đột vũ trang. Phụ nữ là nạn nhân, phụ nữ là tác nhân Marguerite Rollinde Ban nghiên cứu CRESPPA (Trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và chính trị Paris) Trung tâm nghiên cứu Giới, lao động, di dân- Trung tâm nghiên cứu quốc gia CNRS/Đại học Paris 8/ Đại học Paris 10 Pháp (Bài này đã được đăng trên tạp chí điện tử « Aspects », số 4 – 2010) Người dịch : Thái thị Ngọc Dư 1. DẪN NHẬP Phụ nữ có lịch sử riêng của mình...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giới và xung đột vũ trang. Phụ nữ là nạn nhân

  1. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 Giới và xung đột vũ trang. Phụ nữ là nạn nhân, phụ nữ là tác nhân Marguerite Rollinde Ban nghiên cứu CRESPPA (Trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và chính trị Paris) Trung tâm nghiên cứu Giới, lao động, di dân- Trung tâm nghiên cứu quốc gia CNRS/Đại học Paris 8/ Đại học Paris 10 Pháp (Bài này đã được đăng trên tạp chí điện tử « Aspects », số 4 – 2010) Người dịch : Thái thị Ngọc Dư 1. DẪN NHẬP Phụ nữ có lịch sử riêng của mình không ? Đó là tiêu đề của bài giảng đầutiên về lịch sử phụ nữ tại một đại học Pháp ở Jusieu năm 1973, Michelle Perrot đã nhắc lại chi tiết này trong tác phẩm của bà về lịch sử phụ nữ. Đã cần phải có thời gian để người ta nghĩ rằng lịch sử không chỉ là lịch sử của nam giới, rằng phụ nữ cũng có vai trò trong lịch sử, lịch sử các cuộc chiến tranh trước hết là lịch sử của nam giới, ở đó nữ giới chỉ là nạn nhân, mà ngay ở vị trí nạn nhân thì cũng chỉ mới đây thôi người ta ngưới ta mới quan tâm đến sự hành hạ phụ nữ trong bối cảnh chiến tranh. Như Yannick Ripa đã nhấn mạnh, đã phải cần nhiều thời gian hơn nữa để người ta không còn qui những hành động bạo lực đối với phụ nữ trong chiến tranh về « một hiện tượng vốn có của hoàn cảnh chiến tranh vì nó gắn chặt với thân phận con người : thú tính bùng dậy trong bối cảnh chiến tranh – một lần nữa lại là lối suy nghĩ đặc trưng của nam giới-.1. Những cuộc chiến tranh ngày nay không chỉ có một mục đích là kiểm soát các vùng lãnh thổ, và những cuộc đối đầu giữa hai khối ý thức hệ (Đông / Tây) đã nhường chỗ cho những cuộc xung đột mà Samuel Huntington gọi là « chiến tranh giữa các nền văn minh ». Khái niệm này được sử dụng để biện minh và làm cơ sở phân tích cho những cuộc xung đột gắn liền với bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa và những tranh chấp để giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đầu hỏa, các mỏ khoáng sản, hoặc kiểm soát những thị trường đem lại nhiều lợi nhuận với những hoạt động mua bán bất minh như buôn bán ma túy, vũ khí. 1 Ripa, Y., « Bạo lực và chiến lược chống phụ nữ trong nội chiến ở Tây Ban Nha », trong Veauvy, C. Rollinde M
  2. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 Nhưng những khía cạnh gắn liền với xung đột vũ trang nêu trên không thể che giấu hay đẩy xuống hàng thứ yếu những hệ quả đối với những diễn biến của các mối quan hệ về giới, đặc biệt là những tác động đối với phụ nữ, dù đó là những can thiệp vũ trang của nước ngoài, những cuộc đối đầu giữa nhà nước và nhân dân, hay là chiến tranh giữa các cộng đồng, bộ tộc, với những lý do có thực hay giả định. Việc phân tích hoàn cảnh và vai trò của nữ giới trong khi các cuộc chiến đang diễn ra, khi cuộc chiến bắt đầu cũng như trong các giải pháp chấm dứt chiến tranh, sẽ giúp chúng ta tìm hiểu sâu hơn về địa vị thực sự của nữ giới và khả năng tác động của họ đối với những mối quan hệ xã hội chủ đạo trong thời gian chiến tranh. Là nạn nhân hay tác nhân bị lôi cuốn vào guồng máy chiến tranh quân sự, nữ giới có một vai trò, tích cực hoặc tiêu cực, họ nắm lấy những cơ hội do cuộc chiến đem lại để thay đổi địa vị của họ, thậm chí có khi còn làm hại đến những phụ nữ khác ; để dấn thân vào những hoạt động mới mẻ vì sự sống còn (trường hợp những phụ nữ góa, bị bỏ rơi, phụ nữ chủ hộ v.v…) hay để thực hiện những những hoạt động có tác động đối với chính trị (tuần hành vì hòa bình, gặp gỡ những phụ nữ của phe đối phương).2. 2. PHỤ NỮ LÀ NHỮNG NẠN NHÂN HÀNG ĐẦU 2.1. Hiếp dâm, một vũ khí chiến tranh Chính trong thời chiến mà phụ nữ là những nạn nhân hàng đầu, tất nhiên không chỉ có họ, nhưng phụ nữ là nạn nhân của nạn hiếp dâm từ những người lính cầm súng. Ngày nay, đặc biệt là từ cuộc chiến ở Nam Tư cũ và từ cuộc chiến tranh hủy diệt ở Rwanda, các nhà nghiên cứu bắt đầu chú ý đến tính chất chính trị của hình thức bạo lực này và tìm hiểu những lý do đã thúc đẩy những người lãnh đạo biến hiếp dâm thành một thứ « vũ khí chiến tranh » như Véronique Nahoum Grappe đã lên tiếng ngay từ đầu thập niên 90. Họ tố cáo chủ trương hiếp dâm những phụ nữ của phe đối phương một cách có hệ thống và có kế hoạch, trong khuôn khổ một cuộc « tiêu diệt chủng tộc » mà những người lính Serbes đã tham gia, và ở một mức độ nhẹ hơn là người Croates ở Bosnie. 3. 2 Vấn đề này sẽ là nội dung của một cuộc họp về chủ đề « Giới và xung đột vũ trang trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trường hợp nước Cộng hòa Dân chủ Congo (RDC) » tháng 12/2009 o83 Kisangani, do CEP và CR DG của Đại học Kinsha sa và trung tâm CRSPPA- GTM (CNRS-ĐH Paris 8) và CERASA (ĐH Paris 8) đồng tổ chức. 3 Tham khảo những tác phẩm khác của cùng tác giả,Nahoum Grappe, V. (chủ biên.), « Vukovar, Sarajevo…. Chiến tranh ở Nam Tư cũ », Paris, Tạp chí Esprit, 1993 ; hay « Chiến tranh và sự khác biệt giới : những hành bđộng hiếp dâm có hệ thống (Nam Tư cũ, , 1991-1995) », trong Dauphin, C., Farge, A. (chủ biên), Về bạo lực và phụ nữ, Paris, Albin,, 1997, 201 trang. Khái niệm « hiếp dâm vù khí của chiến tranh » cũng là chủ đề của một báo cáo của một nhóm nghiên cứu để tham gia vào nghị quyết của một hội nghị của UNESCO tháng 11 / 1993. 2
  3. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 Cũng vào thời gian ấy, có nhiều bài báo được đăng trên báo chí tại Pháp. Đặc biệt là Françoise Héritier đã phân tích hành vi của những người đàn ông đã tuân theo mệnh lệnh để hiếp dâm người phụ nữ thuộc về một cộng đồng tôn giáo/văn hóa khác cho đến khi người đàn bà ấy mang thai : « những người đàn ông này mang một ý nghĩ điên rồ cho rằng « tinh trùng » chất chứa máu và tôn giáo. Ở đây có cái gì đó vượt xa hơn bạo lực : tính khí của nam giới có tính chất thống trị và hàm chứa những nguyên lý về bản sắc »4. Như vậy, ngoài sự sỉnhục đối với phụ nữ và đối với những người đàn ông của phe đối phương phải chứng kiến hành động hiếp dâm này, còn là vấn đề biến thân xác phụ nữ thành một công cụ « trời cho » để tiếp nhận một dấu vết ô nhục về bản sắc, những người đàn ông này đã làm cho những phụ nữ nạn nhân trở thành những kẻ nhơ nhớp trước mắt chồng và cha của họ, họ không còn sự tinh khiết cần thiết để sản sinh nòi giống. Họ bị ô nhục bởi hành động của kẻ thù, nhất là khi hiếp dâm đã dẫn tới việc mang thai và sinh con, sự hiện diện của đứa con này lại được kẻ thù xem như chứng cứ của thế thượng phong về sinh học và di truyền của mình. Như vậy không phải chỉ vì họ là phụ nữ nên phải chịu những hành vi bạo lực, mà còn là vì « với tư cách là phụ nữ, nghĩa là những tác nhân xã hội được gán cho một vai trò xã hội và một vị trí, thậm chí là một chức năng trong một xã hội nhất định », điều này đã khiến Jane Freedman đưa ra khái niệm « sự hành hạ phụ nữ có tính phân biệt giới » thay cho khái niệm bạo lực đặc thù. Cũng trong dòng suy nghĩ ấy, mới đây những người tổ chức một hội thảo đã nêu ra mục đích của hội thảo là « phát triển một cách tiếp cận thực trạng hiếp dâm trong chiến tranh như là một chủ đề lịch sử ». 5 Nêu ý tưởng này không phải để đưa chủ đề này lên hàng những bạo lực tột cùng và bị lãng quên, mà là để tìm hiểu, tự vấn về vị trí của hành vi này trong các cuộc chiến bằng cách chú ý đến những tác nhân, những hành động và thời điểm diễn ra hành vi.6. 2.2. Tàn phá nhà ở, mất không gian riêng. Những hình thức khác của bạo lực tuy không nhắm đến phụ nữ đã đặc biệt tác động đến các mối quan hệ giới. Có thể kể những cuộc dội bom đã tàn phá làng mạc và đẩy các gia đình vào cảnh màn trời chiếu đất trong lúc nam giới phải chiến đấungoài mặt trận hoặc trong bưng biền. Hoặc như việc quận đội Israel tàn phá nhà cửa của người Palestine đã gây ra 4 Héritier-Augé, F., Le Monde, 6/4/ 1993. 5 Freedman, J., « Dẫn nhập», trong Freedman, J.bàt Valluy, J. (chủ biên.), Hành hạ phụ nữ. Kiến thức, huy động và bảo vệ, Paris, éd. du croquant, coll. Terra, nov.2007, 639 p.13. 6 Branche, R., Virgili, F. (coo), “Hiếp dâm trong thời chiến Một câu chuyện cần được viết », Hội thảo quốc tế, Paris I Panthéon- Sorbonne, 11 và 12/5/ 2009. 3
  4. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 những hậu quả cho phụ nữ Palestine, « đẩy họ đi đến những lựa chọn làm thay đổi nhận thức về mình, thay đổi vai trò của họ trong gia đình, và trong mọi trường hợp, đã làm thay đổi mối quan hệ của họ với tập thể và với chính trị. »7. Những cuộc tàn phá có hệ thống này được xem như là tội ác chiến tranh theo Hiệp định Genève số 4 ngày 12 / 9 / 1949 về bảo vệ người dân trong thời chiến. Những cuộc tàn phá nhà cửa trong vùng chiến sự đã gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với phụ nữ: họ phải sống trong tình trạng mất an ninh, phải đối phó với gánh nặng xây dựng lại nhà ở hoặc phải di dời đi nơi khác, cố tìm lấy một chỗ trú ngụ và đồng thời phải kiếm ăn, tìm chỗ giặt giũ, chỗ thay quần áo để đi làm hay đưa con đi học. Quá trình hạ thấp và gây áp lực sau những tàn phá làm gia tăng áp lực bên trong các gia đình và « phá vỡ một cách nghiêm trọng những hệ thống hỗ trợ phi chính qui của không gian ngôi nhà cũ đối với những người xem ngôi nhà của mình là một trong những nơi có ý nghĩa nhất trong cuộc đời họ - đó là phụ nữ và trẻ em »8. 3. KHI CHIẾN TRANH TẠO THUẬN LỢI CHO GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ 3.1. Phụ nữ chủ hộ, trưởng làng Bên cạnh những hình thức bạo lực do chiến tranh đã nêu ở trên, cần phải thêm sự kiệt lực của vì phải gia tăng những hoạt động mưu sinh. Thật vậy, trở thành chủ gia đình trong lúc chồng phải ra chiến trận, có khi đã bị giết, mất tích hoặc bị đi tù, những phụ nữ này phải làm tròn trách nhiệm của cả người mẹ lẫn người cha và phải làm nhiều việc để đáp ứng cho nhu cầu của cả gia đình. Trong những xã hội mà tính chất phụ quyền còn thống trị và phụ nữ còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên thì hoàn cảnh đơn thân sẽ gia tăng tình trạng nữ hóa nạn nghèo khó và làm nảy sinh những mối quan hệ quyền lực và loại trừ về mặt xã hội và văn hóa dựa trên cơ sở giới tính. Nhưng ngược lại, những hoạt động mưu sinh đầy tính sáng tạo của phụ nữ có khả năng thay đổi không gian kinh tế - xã hội có tính giới và làm cho họ trở thành những tác nhân trong lãnh vực kinh tế - xã hội và cả chính trị nữa. Chẳng hạn đó là trường hợp các ủy ban phụ nữ Palestine,trong các thập niên 70 và 80 dưới sự chiếm đóng của Israel, họ đặc biệt năng động ở các ngôi làng và trong các trại tị nạn. Tập hợp chung quanh những dự án như nhà trẻ hay trung tâm y tế, những mạng lưới phụ nữ này quả là một cơ hội cho một số phụ nữ để đạt một 7 Shalhoub-Kevorkian, N., « Tàn phá nhà cửa : một cách tiếp cận nữ quyền Palestine », www.topicsandroses.com, 2007, bản gốc tiếng Anh tháng 3/2006 trên trang web của Jerusalem Center for Women, www.j-c-w.org 8 Ibid. 4
  5. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 vị trí trong đời sống chính trị của thôn làng, được thừa nhận là những người lãnh đạo và sau đó có thể đóng vai trò những người đại diện cho chính quyền Palestine . Liệu chúng ta có thể nói rằng đối với những phụ nữ này chiến tranh đã có những ưu điểm hỗ trợ giải phóng phụ nữ hoặc có tính chất làm suy yếu trật tự đã được thiết lập ? Chúng ta có thể hoài nghi điều này khi thấy cách mà các tổ chức phi chính phủ có quan hệ với chính quyền Palestine đã giành quyền kiếm soát những ủy ban phụ nữ tiếp sau quá trình Oslo , bằng cách yêu cầu phụ nữ hãy rời bỏ môi trường chiến đấu và các hoạt động xã hội để quay về chỉ để lo bảo vệ những quyền đặc thù của riêng nữ giới. Nhưng như giảng viên đại học Islah Jahad đã nêu : « Chúng ta không thể hình dung được bằng cách nào phụ nữ có thể đòi hỏi những quyền lợi xã hội đối với chính quyền Palestine nếu họ không là một thành phần tham gia cuộc chiến đầu của dân tộc »9. Những tổ chức chính trị Hồi giáo đã hiểu điều đó, đặc biệt là sau biến cố Intifada lần thứ hai. Sự đàn áp lại một lần nữa buộc phụ nữ phải lo cuộc mưu sinh cho cả gia đình, tham gia vào các hoạt động cứu thương, giúp đỡ những phụ nữ nghèo, xây dựng các cơ sở sản xuất. Nhưng trong lúc các lực chượng chính trị Hồi giáo đi đến những khu vực do các ủy ban phụ nữ chiếm đóng trước đây, thì các tổ chức phi chính phủ vẫn chưa biết cách thoát ra khỏi công việc của tư vấn quốc tế khiến họ xa rời xã hội mà họ đang sống. 3.2 Phụ nữ chiến binh Chiến tranh cũng cung cấp cho nữ giới những nghề mới như làm việc trong các xưởng sản xuất vũ khí hay làm y tá, cứu thương ngoài chiến trường, lái xe tải, nữ quân nhân. Người ta cũng thấy nữ chiến binh chiến đấu cùng nam giới trong các lực lượng kháng chiến. Thật vậy, nếu phụ nữ thường là nạn nhân chính của những tác động nguy hại của chiến tranh thì họ cũng có thể tham gia chiến tranh với vai trò tác nhân như nam giới, có một lich sử như nam giới. Nhưng có phải vì thế mà chiến tranh qua cách nhìn của nữ giới cũng giống như những gì nam giới kể về chiến tranh ? Hoàn toàn không chấp nhận quan đểm dựa vào bản chất sinh học của giới tính để giải thích những khác biệt giữa nam giới và nữ giới về nhận thức những mức độ tham gia trong hoàn cảnh chiến tranh ; cũng không thể cho rằng yêu hòa bình là xu hướng bẩm sinh của phụ nữ. Quan sát thực tếcho thấy phụ nữ cũng tham gia chiến tranh với tư cách là chiến binh. Bị tù đày, tra tấn, bị giết như nam giới, phụ nữ cũng bị xem là những « kẻ khủng bố » khi họ tham gia kháng chiến chống lại chính quyền trong nước hoặc đoàn 9 Jahad, I., « Giữa chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa Hồi giáo », phỏng vấn Etienne, M., Cho Palestine, tạp chí AFPS (Association France Palestine Solidarité), n°45 tháng 4/ 2005, có thể tham khảo trên www.france-palestine.org 5
  6. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 quân ngoại xâm. Khi đó họ lại đối mặt với với những phụ nữ tham gia quân đội của phe chính quyền. Nếu cả từ hai phía, phụ nữ quyết định dịch chuyển ranh giới phân định vai trò của nữ giới và nam giới trong cộng đồng của mình thì không phải khi nào lựa chọn của họ cũng được dẫn dắt bởi nhận thức về các mối quan hệ thống trị đang định đoạt thân phận của phụ nữ. Và khi ấy, một cách có ý thức hoặc không, họ biến cuộc đấu tranh cho các quyền của phụ nữ thành thứ yếu, như là kết quả của của cuộc đấu tranh chính cho cách mạng hoặc cho đất nước, khi sự tham gia quân đội không đơn thuần vì lý do kinh tế, như ở Mỹ, hay được xem như là một phương cách hội nhập vào xã hội cho những phụ nữ nhập cư ; vả lại đối với nam giới cũng vậy, gia nhập quân đội là một cơ hội để hợp pháp hóa tình trạng của họ. Khi tham chiến, cũng như nam giới, nữ chiến binh cũng không ngần ngại giết không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ và trẻ em, họ giết những người đang cản trở bước tiến của cách mạng, của giải phóng dân tộc hay của cuộc chiến chống khủng bố. Chẳng hạn ở Népal, trong thời gian xung đột giữa quân đội theo Mao và quân đội hoàng gia trong thập niên 70, rất nhiều phụ nữ đã tham gia quân đội ở cả hai phe và họ đã không ngần ngại tấn công dân làng nam cũng như nữ khi những người này làm chậm buốc tiến của họ. Tình hình tương tự đã diễn ra trong các cuộc giết chóc giữa người Hutus và người Tutsi ở Rwanda. Nhiều phụ nũ đã tham gia chém giết để bảo vệ bộ tộc của họ đang lâm nguy, cho dù kẻ thù mà họ giết là láng giềng của họ. Chúng ta cũng có thể nhắc đến những phụ nữ tham gia quân đội Mỹ đã tích cực tham gia tra tấn tù nhân ở nhà tù Guantanamo mà họ cho là những kẻ man rợ đang gây nguy hiểm cho nền văn minh. Tuy nhiên, dù phụ nữ tham chiến dưới bất kỳ hình thức nào, thì phương pháp phân tích giới cho thấy rằng nam giới và nữ giới đã có những « trải nghiệm khác nhau và không đồng bộ », trong đó vai trò của phụ nữ luôn luôn lệ thuộc vào vai trò của nam giới và thời hậu chiến thường tái lập lại trật tự trước chiến tranh. Dù phụ nữ là nạn nhân dân sự, hay đã tham gia vào các cuộc tàn sát nhân danh quốc gia, dân tộc, bộ tộc, tôn giáo hay một nguyên tắc nào đó, những người đàn ông chủ xướng đều nhìn về phụ nữ như một bảo đảm cho một bản sắc đang bị đe dọa và đòi hỏi phụ nữ phải gắn kết vô điều kiện với những giá trị của cộng đồng và phải gác lại những yêu cầu đặc thù của nữ giới. Câu chuyện những nữ chiến binh đã tham gia lực lượng kháng chiến giải phóng Algérie bị đưa trở lại công việc nội trợ sau khi Algérie giành độc lập là một bằng chứng, cũng như những nữ chiến binh Nga trong thế chiến thứ hai. Sau khi đã tham gia giai đoạn bi hùng của 6
  7. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 cuộc bao vây Stalingrad, họ đã phải đối mặt với những nghi ngờ của người thân lo lắng về sự chung đụng với nam giới ở chiến trường, cho rằng họ tham chiến chỉ để tìm ý trung nhân hay các cuộc phiêu ưu tình cảm. đồng chí của họ cũng ngoảnh mặt vì : « sau khi chịu đựng những dơ bẩn, chí rận, chết chóc…người ta muốn tìm đến cái gì đẹp đẽ, rực rỡ. Người ta muốn có những phụ nữ đẹp (…) chúng ta muốn quên đi chiến tranh và chúng ta cũng quên luôn những phụ nữ của chúng ta »10. 3. NỮ QUYỀN CHIẾN ĐẤU Ngày nay, khi mà các cuộc chiến đã vượt ra ngoài khuôn khổ chiến trường và ngày càng tấn công vào xã hội dân sự, thì phụ nữ cưỡng lại mệnh lệnh của cộng đồng hay của quốc gia. Một số vẫn kiên trì đấu tranh trong lãnh vực các quyền của phụ nữ, một số khác dấn thân đấu tranh cho hòa bình, và cuối cùng có những phụ nữ từ chối tách biệt những mục tiêu đấu tranh cho nữ quyền khỏi những cuộc đấu tranh chính trị hoặc khỏi bối cảnh kinh tế - xã hội của toàn cầu hóa. 4.1. Phụ nữ Algérie là con tin của Nhà Nước và của các nhóm vũ trang Năm 1997, ở Algérie, ủy ban phối hợp quốc gia, được thành lập ngày 1 / 12 / 1989 qui tụ những tổ chức phụ nữ Algérie, đã ra một thỉnh nguyện thư. Tuy không yêu sách đến độ đòi hủy bỏ luật gia đình, thỉnh nguyện thư kêu gọi « thương thảo lại quyền của phụ nữ trong gia đình ». Nhựng vào giai đoạn đó, người ta lại viện dẫn các vụ ám sát trí thức và các cuộc tàn sát toàn bộ nhiều ngôi làng để thúc đẩy các tổ chức hội gây ra chiến dịch này phải im lời yêu sách. Cũng như trong chiến tranh giải phóng, trong những năm đầu độc lập, những cuộc đấu tranh cho quyền của phụ nữ bị hoãn lại sau độc lập, sau chiến thắng của cách mạng, rồi sau khi tiêu diệt được những kẻ khủng bố hoặc được cho là như vậy. Phải chờ đến khi bạo lực lan tràn ra khắp xã hội thì lúc đó chính nghĩa của phụ nữ mới được trưng ra như một cái cớ để biện minh cho việc ngưng quá trình bầu cử và việc dùng biện pháp bắt bớ, bắt cóc hoặc làm cho mất tích. Lúc đó, phụ nữ bị yêu cầu phải xác định chỗ đứng của mình giữa quân đội và các nhóm vũ trang (GIA : groupes d’intervention armée). Có những phụ nữ chọn ủng hộ Nhà Nước vì Nhà Nước hứa hẹn bảo đảm an ninh và tự do cho phụ nữ, và hoãn lại việc thực hiện hoài bão của mình về một thế giới được xây dựng trên nền tảng luật pháp và công bằng, thậm chí họ còn nhắm mắt làm ngơ trước những cuộc đàn 10 Alexievitch, S., Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ, Paris, Nxb. J’ai lu, 2005 (xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp , Presse de la Renaissance, 2004), tr.113. 7
  8. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 áp đối phương, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Những phụ nữ khác vẫn tiếp tục đấu tranh và từ chối sử dụng chủ trương có tính thiên vị liên quan đến sự tôn trọng quyền con người. Họ là luât sư, những người đấu tranh cho quyền con người, trí thức, nhà báo, và có cả những nữ công dân bình thường. Trên mặt trận này, phụ nữ lại ở hàng tiên phong. Cái giá phải trả là phải quên đi những năm tháng đen tối tiếp theo sau khi ngưng quá trình bầu cử năm 1992. Một số phụ nữ không sẵn sàng để trả giá. Đó là những người vợ, những bà mẹ tập hợp trong các tổ chức tập thể các gia đình, họ đã quyết định đưa vấn đề « những người mất tích » lên chương trình nghị sự của diễn đàn chính trị quốc gia và quốc tế.Hầu hết những phụ nữ này không có kiến thức về chính trị, không biết những hoạt động của chồng, con hoặc anh em của họ, nhưng họ cảm thấy việc bắt cóc những người thân của họ là bất công, là một hàng động bạo lực không gì có thể biện minh. Điều mà các đảng phái đã có đặc quyền không muốn nghe nói đến, nhân danh sự đoàn kết dân tộc, những giá trị dân chủ hay cuộc chiến chống khủng bố. Những phụ nữ này đã đặt Nhà Nước trước trách nhiệm của mình và làm suy giảm những xác tín của Nhà Nước bằng cách phá vỡ sự im lặng mà họ đã chấp nhận trước đó. Từ đó họ trở thành những chủ thể chính trị. Vì những phụ nữ này tố cáo quan điểm của Nhà Nước, Nhà Nước sẽ làm cho họ sợ hãi, bằng cách đe dọa sẽ đàn áp họ, hoặc thuyết phục họ im lặng nhân danh lợi ích tối thượng của quốc gia, bằng cách công bố luật hòa hợp dân sự năm 2000. Nhà Nước cũng tìm cách thương lượng cái giá của sự im lặng của những phụ nữ này, và nhất là tạo ra sự đối đầu giữa các nạn nhân, « mất tích » chống lại « khủng bố », « Hồi giáo »chống lại « dân chủ », nhưng dần dần hình thành những liên minh giữa các bà mẹ của những người « mất tích » và các gia đình nạn nhân của khủng bố. Chính như thế mà vào ngày 20 tháng tám năm 2005, một thông cáo chung của các tổ chức hội những nạn nhân khủng bố và gia đình những người « mất tích » ở Algérie đã kêu gọi nêu lên sự thật vế tất cả các hồ sơ. Các tổ chức này viết rằng : « Không được xem yêu sách về công bằng là ý muốn trả thù, mà là một lời kêu gọi của xã hội để từ nay không để cho sự thiếu trừng phạt tiếp tục bảo vệ những thủ phạm của tội ác. Đó là một nghĩa vụ của hiện tại để trong tương lai những ký ức chung này sẽ ngăn cản được những hành động sai lệch như vậy »11. 11 Để có thêm thông tin về vấn đề này, tham khảo M., « Sáng tạo lại la chính sách hoặc để mất dấu vết của những ngưới mất tích. Những tập thể gia đình tại các nước ở Bắc Phi », trong Phụ nữ ở Nam Âu và Bắc Phị, sđd, tr. 361-371 8
  9. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 Như vậy, những gia đình khởi xướng phong trào nà y đã xây dựng những không gian mới để đấu tranh chống lại sự thiếu trừng phạt, buộc các đảng phái và các tổ chức phi chính phủ phải đầu tư cho vấn đề này và biến nó thành một vấn đề chính trị quan trọng. Nhưng xa hơn yêu sách về sự thật và công lý cho chính những người con của họ, họ đấu tranh để những thảm kịch như vậy không lập lại nữa, bằng cách dùng văn hóa đối thoại và hòa bình để chống lại văn hóa bạo lực và chiến tranh. Ngày nay, cuộc chiến đấu của họ đã vượt ra khỏi biên giới Algérie ; họ liên kết với các tổ chức phụ nữ khác, những người này cũng như họ đã bước ra ngoài xã hội để đòi áp đặt thế giới quan của mình. 4.2. Phụ nữ chống chiến tranh ở Israel và Palestine 4.2.1. Hãy chấm dứt sự chiếm đóng Trong số những phụ nữ, có thể kể tổ chức Những phụ nữ mặc áo đen, được thành lập năm 1988 tại Israel trong thời kỳ Intifada thứ hai, sau đó phong trào này đã đạt tầm mức quốc tế, nhất là ở Serbia và Kosovo. Đó là một nhóm phụ nữ Israel, họ tụ họp mỗi ngày thứ sáu, mặc áo đen, lúc đầu họ tập họp ở Jerusalem, sau lan ra các thành phố lớn của Israel, họp trong yên lặng và dưới những biểu ngữ chỉ có một khẩu hiệu «Hãy chấm dứt chiếm đóng Palestine ». Phương thức phản kháng của họ đã tạo ra một khoảng không gian có tính tượng trưng, nơi mà họ xoay vòng không mệt mỏi, nơi mà một mẫu phụ nữ mới trong chính trị tham gia hành động, tương tự như hình ảnh các bà mẹ ở quảng trường tháng năm ở Argentine hoặc như tập thể các gia đình có ngưới mất tích ở Algérie sau này. Năm 1993, trong phong trào Intifada lần thứ hai, một số phụ nữ đã quyết định di chuyển nơi tụ họp từ Jerusalem đến Beethleem ở Cisjordanie, từ đó xuất hiện tổ chức Mahsom Watch.Những phụ nữ này tập hợp trước các chốt kiểm soát (mahsom) để canh chừng các binh lính và cố gắng hạn chế những hành động xúc phạm đến nhân phẩm, có khi nguy hại đến cả tính mạng của người Palestine khi họ phải đi qua những chốt kiểm soát cố định hoặc di động giữa Isrel và các vùng bị chiếm đóng và cả những chốt ngay bên trong các vùng này. Người ta tìm thấy trong hai phong trào này những người,những người thuộc nhiều xu hướng chính trị khác nhau : chống chủ nghĩa phục quốc Do Thái, theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái cánh tả, vô chính phủ, cộng sản , thành viên của những phong trào đòi quyền dân sự, một vài nhà nữ quyền, một số khác lại không chấp nhận tên gọi này ; phần lớn không có màu sắc tôn giáo, gốc ashkenaze (ND :thành viên của cộng đồng Do Thái ở các quốc gia châu Âu không thuộc 9
  10. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 Địa Trung hải), có bằng cấp và đang có một nghề chuyên môn và thường dấn thân chính trị ở mức độ cao. Hình thức hoạt động là những cuộc biểu tình im lặng phản đối sự chiếm đóng. Ngoài yêu sách tối thiểu là « Chấm dứt chiếm đóng », những phụ nữ này không xác định những phương thức cần có trong các cuộc thương thuyết cho mục tiêu trên, họ cũng không thắc mắc về những lý do khác nhau đã khiến mọi người ủng hộ yêu sách này. Một phụ nữ đã lý giải cho sự có mặt của mình như sau : « Tôi tham gia biểu tình vì các con trai tôi (để cho chúng khỏi phải thi hành nghĩa vụ quân sự trong vùng chiếm đóng). Tôi thì có liên quan gì đến việc phụ nữ có mặt tại đây vì chủ nghĩa nữ quyền (…) hay một phụ nữ khác yêu những người Palestine vì họ cũng là những con người và có cuộc sống như chúng ta. Tôi không quan tâm đến lý do tại sao những phụ nữ này lại có mặt ở đó. Lý do là tôi không hề tự đặt ra câu hỏi ấy.12. Một số khẩu hiệu khác nhằm đòi hỏi phải có những cuộc thương thảo vì hòa bình hoặc ùng hộ cho chủ trường « hai quốc gia hai dân tộc » thỉnh thoảng xuất hiện nhưng đóng vai trò thứ yếu trong các cuộc phản khàng sự chiếm đóng. Những phụ nữ này gây sức ép cho trật tự chính trị - xã hội và trật tự giới : họ chiếm quảng trường, mà lại là chiều thứ sáu, lúc mọi người bữa ăn tối cho ngày nghỉ sabbat (ND : ngày nghỉ trong đạo Do Thái, tương đương với ngày chủ nhật), họ hành động như những phụ nữ « hư hỏng « và không có tôn giáo. Khi thoát ra khỏi vai trò truyền thống của phụ nữ Do Thái sống dưới sự kiểm soát của những ông chồng, thì với thái độ và những đòi hỏi của mình, những phụ nữ này đã đặt lại vấn đề bản sắc dân tộc của Do Thái đặt trên nền tảng là sự thống nhất của dân tộc, lãnh thổ và tôn giáo. Do phụ nữ có yêu cầu nêu lên ý kiến của mình về các vấn đề hóa bình và an ninh « với tư cách là những công dân ngang hàng với nam giới –chứ không phải như người mẹ hoặc vợ của chiến sĩ »13, họ làm đảo lộn trật tự đã được an bài và họ muốn trở thành một lực lượng những tác nhân chính trị độc lập. Về mặt này, họ khác với những tập thể các bà mẹ mà sự phản kháng của những bà này được xem như sự mở rộng vai trò truyền thống của phụ nữ ra ngoài phạm vi gia đình, ngay cả khi họ không tuân thủ những ranh giới giữa không gian riêng tư và công cộng để tác động lên chương trình nghị sự chính trị của các quốc gia. 4.2.2. Vấn đề sống còn, khẳng định chiến đấu hay mong muốn hòa bình ? 12 Helman, S. et Rapoport, T., « Những phụ nữ mặc áo đen : sự phản kháng trật tự Israel », trong Cahiers du Genre, n°37, 2004, pp.193-221. 13 Helman, S. et Rapoport, T., sđd, tr..215. 10
  11. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 Sự khẳng định với tư cách là phụ nữ trong một xã hội đang có chiến tranh không hoàn toàn đương nhiên và việc huy động những phụ nữ này chống lại sự chiếm đóng có liên quan, ít nhất là trong giai đoạn đầu, đến ước muốn được sống hòa bình trong xã hội của họ hơn là một ý thức rõ ràng về sự áp bức mà phụ nữ Palestine phải gánh chịu. Tương tự, nếu những hoạt động của Mahsom Watch đôi lúc giúp cho việc băng qua các chốt kiểm soát có tính nhân văn hơn thì những hoạt động này cũng không tố cáo một cách rõ ràng sự tồn tại của những chốt kiểm soát này. Khi làm cho những chốt kiểm soát này trở nên dễ chấp nhận hơn, thì mối nguy là họ sẽ có được những điều kiện để tự mình vi phạm và một cách vô ý thức sẽ hành động đi ngược lại mục tiêu là đòi hỏi chấm dứt chiếm đóng. Mặt khác, vì chỉ giới hạn vào mục tiêu này, họ cũng quên không đặt câu hỏi về những vấn đề như : các mối quan giữa các giai tầng xã hội giứa người Do Thái (Juifs) và người Do Thái gốc Ả Rập, người Do Thái thuộc các giáo phái sépharade và ashkénaze ; vấn đề nhà nước hợp pháp hoá những trào lưu tôn giáo cực đoan ; về mối quan hệ giữa bạo lực quân sự, bạo lực tôn giáo và bạo lực chống lại phụ nữ, giữa bạo hành gia đình và bạo lực ở nơi công cộng. Một tổ chức khác là hội Beit Shalom (Những cô gái hòa bình) có các văn phòng ở Jerusalem đã mở cửa tiếp nhận những phụ nữ Palestine ở Israel, cho dù họ chỉ chiếm một phần tư của tổng số phụ nữ. Hội này tỏ ý muốn hợp tác với một hội gồm những phụ nữ Palestine ở đông Jerusalem, Trung tâm phụ nữ Jerusalem (Jerusalem Center for women), trên cơ sở lập trường nữ quyền, với tư cách là những nạn nhân của hệ thống gia trưởng phụ quyền được xây dựng trên nền tảng tôn giáo, dù đó là Hồi giáo, Do Thái giáo hay Thiên Chúa giáo, hay với tư cách là nạn nhân chiến tranh. Điều này là hiển nhiên đối với đối với phụ nữ Palestine trong vùng bị chiếm đóng, họ không được tiếp cận với y tế, giáo dục, hoặc cả nhà ở khi nhà của họ đã bị tàn phá ; nhưng những phụ nữ của hội Beit Shalom cho rằng bản thân họ cũng có thể mất tất cả nếu cuộc chiến kéo dài, lúc đó ngân sách dành ưu tiên cho quân đội còn giáo dục là thứ yếu, an ninh là ưu tiên so với vấn đề quyền của phụ nữ trong chương trình nghị sự chính trị của lãnh đạo. Đó là chưa kể đến nỗi đau mất con ngoài chiến trường và những tác động lên trạng thái tâm thần của cả một thế hệ trẻ được giáo dục bằng bạo lực. 4.2.3. Một bạo lực bất cân xứng : « chiếm đóng là hiếp dâm » Nhưng cuộc đối thoại sẽ rất khó khăn nếu dựa trên những cơ sở như vậy, vì chúng không chú ý đầy đủ đến tính bất cân xứng trong tình trạng của mỗi bên. Đối với những phụ nữ của tổ 11
  12. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 chức Jerusalem Center for Women, không thể nói đến sự áp bức có phân biệt giới tính mà không nói đến xâm chiếm thuộc địa như là một sự hiếp dâm : « Theo quan điểm của tôi, nếu các vị lên án hiếp dâm thì các vị cũng phải lên án sự xâm chiếm lãnh thổ vì chính nó là một sự hiếp dâm »14. Vấn đề không phải là không thừa nhận những hành vị bạo lực đối với phụ nữ hay xem đó là một vấn đề thứ yếu, mà là cần suy nghĩ về những phương thức hành động có quan tâm đến hoàn cảnh đặc thù là sự chiếm đóng. Phải cọ xát với bạo lực mà các nữ chiến binh Israel nhắm đến đàn ông cũng như phụ nữ ở những chốt kiểm soát, thì làm sao những phụ nữ Palestine lại có thể thấy nợi những phụ nữ trong các phong trào chống chiếm đóng những người bạn gái đồng hành cùng chia sẻ hoàn cảnh của mình ? Đối với một bên, sự dấn thân có nghĩa là tham gia chiến đấu và là một vấn đề sống còn, còn với bên kia, động cơ lại là tính đạo đức và mong muốn hoà bình. Việc cùng gắn bó với nữ quyền không đủ để đưa họ về cùng một phe trên bàn thương thuyết. Những hạn chế này đưa trở lại vấn đề chia rẽ giưa các tầng lớp phụ nữ mà triết gia Rada Ivekovich đã nêu ra : « Sự lệ thuộc phổ biến của phụ nữ đối với nam giới không xoá nhoà thực trạng là có sự chia rẽ giữa phụ nữ với nhau và họ không là một khối chính trị thuần nhất (…). Họ thật sự bị chia rẽ bởi tầng lớp xã hội, đẳng cấp, chủng tộc, dân tộc. Sự chia rẽ giữa phụ nữ thành những thành phần dân tộc hay thành phần giới tính là một phần của hệ thống nam giới thống trị và là công cụ chiến lược tinh vi, vì nó bảo đảm sẽ chống lại mọi phản kháng có yếu tố giới của phụ nữ » »15. 4.2.4. Hiếu biết người khác là điều tiên quyết của đối thoại Sự vượt qua ranh giới chia rẽ phụ nữ của hai nước Israel và Palestine trước hết đòi hỏi phụ nữ Israel phải thừa nhận thực trạng chiếm đóng và những tác động của nó đối với phụ nữ Palestine. Điều đó cũng có nghĩa là thông qua sự hiếu biết ngưới khác. Phụ nữ Israel mong chờ phụ nữ Palestine hiêu rằng sự dấn thân của họ cho hoà bình là vô cùng khó khăn trong bối cảnh một xã hội đang sống trong nỗi sợ mất con trong chiến tranh hay trong những cuộc ám sát cảm tử ; rằng họ đã đau khổ biết chừng nào vì đang thuộc về dân tộc của những kẻ đi chiếm đóng. Những phụ nữ Palestine thì đang chờ đợi phụ nữ Israel chuyển thông điệp những yêu sách về công bằng và chấm dứt chiếm đóng cho dân chúng và lãnh đạo Israel. 14 Nashashibi, R., « Bạo lực chống lại phụ nữ: sự tưởng đồng giữa chiếm đóng và hiếp dâm . Trường hợp Palestine »,The case of the Palestinian people”, Palestinian conseling center, Jerusalem, 2004, xuát bản bằng tiếng Ả Rập và tiếng Anh trên www.pcc-jer.org 15 Ivekovic,R., Giới tính của quốc gia , Paris, Nxb Léo Scheer, [Tiểu luận/ Không và Không], 2003, tr. 112-113. 12
  13. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 Chính những gặp gỡ thường ngày của phụ nữ ở hai phía sẽ xoá dần đi những trở ngại của sự hợp tác giữa hai bên cho một mục tiêu chung, trong lòng những phong trào phụ nữ hay những phong trào hỗn hợp chẳng hạn như phong trào « Những người vô chính phủ chống lại bức tường » qui tụ nam nữ thanh niên Israel, phần lớn ở độ tuổi từ 20 đến 30, từ năm 2003 họ đã làm việc sát cánh với các uỷ ban nhân dân các làng thôn Palestine. Tương tự, « hội những gia đình để tang cho hoà bình » đã nối kết những gia đình Israel và Palestine. Một trong những người sáng lập tổ chức này về phía Israel là bà Nurit Peled, một giáo sư đại học Israel có một người con gái bị giết trong một cuộc ám sát khủng bố. Trong bài diễn văn của bà nhân kỷ niệm 20 năm tổ chức « Những phụ nữ mặc áo đen », bà đã tán thán hành động của những trong tổ chức này vì « bản thân hành động là sự chối bỏ nền giáo dục kỳ thị chủng tộc và sự đầu độc liên tục và có hệ thống trí não ở trường học,trong truyền thông và trong những phát biểu của những người đại diện cho nhân dân »16. Mặt khác, bà vạch rõ những bà mẹ Israel hôm nay ẩn mình đàng sau vai trò người mẹ anh hùng và đau khổ đã không muốn thừa nhận rằng « những kẻ giết trẻ em, tàn phá nhà cửa, phá bỏ vườn cây ô liu, bỏ chất độc vào giếng nước chính là những đứa con trai, con gái tuyệt vời của họ chứ không phải ai khác , những đứa con đã được giáo dục trong nhiều năm ở nơi đây, trong nhà trường của thù hận và kỳ thị chủng tộc ». Với những lời phát biều ấy, bà đã đặt lại vấn đề về mối liện hệ của mình với một cộng đồng, một dân tộc được định nghĩa là dân tộc hẹp hòi và kỳ thị chủng tộc đối với Kẻ khác, kẻ thù, dân tộc Ả Rập mà họ cần tiêu diệt : « Chữ « chúng ta » của tôi bao gồm tất cả những người sẵn sàng chiến đấu để bảo toàn tính mạng và cứu cho con cái khỏi chết. Đó là những bà mẹ ông cha không hề thấy được an ủi trước cái chết của những đưa trẻ khác ». 5. NHỮNG NHÀ NỮ QUYỀN VÌ HÒA BÌNH 5.1. Tiến đến việc giải quyết xung đột 5.1.1. Những phụ nữ ủng hộ thương lượng 16 Peled-Elhanan, N., « Ở quốc gia Israel, người mẹ Do Thái đang biến mất », phát biểu ngày 28/12/2007 ở quảng trường Paris,, Jérusalem, và được Alternative Information Center in Jerusalem đăng lại trong www.alternativenews.org. Nữ tác giả là thánh viên sáng lập tổ chức “Những gia đình để tang vì hòa bình”, và là giáo sư đại học. par the (traduit en français par Bruno Adjignon). L’auteure est la fondatrice de l’Association des Familles Endeuillées pour la Paix, également Professeure d’Université. Sau cái chết của con gái Smadar , bị giết lúc 13 tuổi trong một cuộc tấn công khủng bố cảm tử năm 1997 ở Jérusalem, bà đã trở thành người có tiếng nói phê phán công khai chính sách chiếm đóng của Israel và dải Gaza và ởCisjordanie . Hai người con trai của bà họat động rất tích cực trong các phong trào hòa bình của « Refuzniks những người đấu tranh cho hòa bình », một phong trào mới của cựu chiến binh Israel và Palestine.et de Combattants pour la paix, un nouveau mouvement d'ex-combattants israéliens et palestiniens. 13
  14. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 Một khi người phụ nữ của một bên được thừa nhận thì có khả năng giao dịch được với những phụ nữ của phía bên kia (đối phương) để cùng tìm một tiếng nói chung hướng đến đến hòa bình và dân chủ cho mọi người, nam cũng như nữ, xuất phát từ một kinh nghiệm chung là kinh nghiệm của những phụ nữ bị trói buộc trong các mối quan hệ thống trị / bị trị do chính cộng đồng của họ áp đặt. Cùng nhau hợp lực thì những phụ nữ này có tiếng nói có trọng lượng trong việc giải quyết xung đột cho dù sự tham gia của họ vào quá trình thương lượng vẫn còn là hy hữu do phụ nữ chỉ có một địa vị thứ yếu trong hầu hết các cộng đồng xã hội trên thế giới. May thay đó lại là ý nghĩa của nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về phụ nữ, , hòa bình và an ninh được thông qua vào tháng 10 năm 2000 và Ủy ban về quyền của phụ nữ của Quốc hội Liên minh châu Âu dự kiến rằng phụ nữ sẽ là một bộ phận tham gia các cuộc thương thuyết. Đó cũng là mục tiêu cho năm 2005 của Ủy ban Phụ nữ quốc tế vì một nền hòa bình công bằng và bền vững cho Israel và Palestine (IWC), Ủy ban này muốn tham gia một cách bình đẳng với nam giới vào việc phòng ngừa và tìm giải pháp cho các cuộc xung đột cũng như củng cố hòa bình. Công việc của Ủy ban này được thực hiện trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Các thành viên thường phải gặp nhau ở nước ngoài vì phụ nữ Palestine không được phép đến Jérusalem. Nhưng đối với Samia Bamieh, một trong những sáng lập viên của ủy ban, thì vai trò của ủy ban là thiết yếu : « Đã đến lúc phải có một mục tiêu chính trị chung để huy động mọi người từ cả hai phía. Cũng đã đến lúc phụ nữ chúng ta phải trực tiếp ngồi vào bàn thương thuyết và những quan điểm của phụ nữ phải thực sự được chú trọng : người ta nói về nước hay về vấn đề biên giới, thị phụ nữ đều liên quan ».17. Tầm quan trọng của Ủy ban này xuất phát từ chỗ là ủy ban không phải là một nhóm đối thoại mà ủy ban đã có những tuyên bố do tất cả phụ nữ tham gia xây dựng nên, họ có cùng tiếng nói và gửi những thông điệp của mình cùng lúc cho cả hai cộng đồng Israel và Palestine. Với hành động này, họ không chỉ giới hạn vào những hành động phản kháng trong im lặng, bởi vì họ tin rằng chỉ có cách đầu tư vào lãnh vực chính trị mới thúc đẩy được tiến trình hòa bình và như vậy sẽ tiến đến bình đẳng, sự hòa hợp và công bằng trong xã hội Israel cũng như Palestine. Nhưng ở đây cũng vậy, con đường còn dài, vì không phải chỉ cần mở ra ra một 17 Bamieh, S. « Phụ nữ chống lại quyền lực quân sự », Tạp chí của BDIC, Tháng 9/ 2008, tr.6 và 7. 14
  15. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 cuộc đối thoại công khai giữa hai nhóm là đủ, nếu tất cả các tiếng nói không có khả năng lên tiếng và được lắng nghe một cách bình đẳng và nhất là nếu trước đó không thực hiện việc thừa nhận những bất công đã phạm phải. 5.1.2. Phụ nữ dấn thân với tư cách là chủ thể Điều gắn kết những phụ nữ này trước hết sự nhận thức về khả năng tàn phá của mọi hình thức bạo lực đối với xã hội. Ngoài ra còn có ý là họ có thể cùng nhau thay đối vận mệnh của bản thân họ thông qua việc tác động lên xã hội và tầng lớp lãnh đạo. Từ đó, trong khi đấu tranh cho hòa bình, họ cũng đấu tranh cho quyền được sống như những chủ thể toàn vẹn. Những người mẹ Algérie đã hiểu điều đó khi họ quyết định chống lại Nhà nước bằng cách cùng nhau, những bà mẹ có con mất tích và những bà mẹ nạn nhân của khủng bố, yêu cầu sự thật và công bằng cho con của họ. Tiến trình tương tự cũng đã diễn ra với Ủy ban những bà mẹ binh sĩ Nga, thành lập năm 1989 để tố cáo những sự đối xử tồi tệ và những hành vi tội ác mà nạn nhân là những thanh niên trong quân ngũ. Năm 1944, họ đã khởi động một một hoạt động ủng hộ hòa bình và đòi hỏi sự thật về những người con đã chết trên chiến trường hay « mất tích » ở Tchetchenia và ủng hộ những người lính từ chối đi phục vụ ở Tchetchenia. Một năm sau, họ trực tiếp liên lạc với chính phủ lưu vong Techetchenia ở Luân Đôn và bắt đầu các cuộc thương thuyết, và vào tháng hai năm 2005 họ đã đi đến kết quả là ra một văn bản chung lên án những vi phạm quyền con người và những hành động khủng bố. 5.2. Đạo đức bất bạo động của những người theo nữ quyền 5.2.1. Không sinh con cho chiến tranh Một cách triệt để hơn, phụ nữ Colombia đã tiến hành những hoạt động trong thập niên 1990. « Con đường hòa bình của phụ nữ cho cuộc thương thuyết chính trị về xung đột » có mục tiêu thương thuyết chấm dứt xung đột ở Colombia bằng cách làm rõ hơn những tác hại của chiến tranh đối với phụ nữ. Những người lãnh đạo của tổ chức Con Đường tuyên bố vì hòa bình, chống quân sự và muốn xây dựng một đạo đức bất bạo động dựa trên những nguyên tắc công bằng, bình đẳng, tự chủ, tự do và thừa nhận người khác. Họ kêu gọi phi quân sự hóa đời sống dân sự dù bất cứ chuyện gì xảy ra, ngay cả với lý do đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Sự chọn lựa là một phong trào phụ nữ có cơ sở lập luận vững chắc cả về mặt chính trị lẫn lý thuyết. Vấn đề không phải là loại trừ nam giới mà là loại trừ cách xây dựng phong 15
  16. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 trào đấu tranh dựa trên những quan niệm gia trưởng của nam giới, ngược lại với nhiều phong trào khác chấp nhận cả nam lẫn nữ. Họ dùng một chiến lược nhanh chóng biến thành một khẩu hiệu : Chúng tôi không sinh con trai cũng không sinh con gái cho chiến tranh. Từ chối sinh con cho chiến tranh. Từ chối có bạn tình là những người đàn ông cầm vũ khí : « Nếu muốn, phụ nữ chúng tôi có thể chấm dứt chiến tranh. Cho dù vũ khí có sức mạnh. Đơn giản là chúng tôi có thể từ chối có quan hệ tình dục với những người đàng ông có trang bị vũ khí, chúng tôi từ chối sinh con cho họ »18. Một cuộc tuần hành khác vào tháng năm năm 2000 đã qui tụ phụ nữ của Libéria, Sierra Leone và Guinée. Họ tuần hành và cùng nhau cầu nguyện từ nhà thờ hoặc thánh đường Hồi giáo và tập trung lại ở một vùng biên giới giữa ba nước để chống lại việc buôn lậu ma túy, kim cương và vũ khí đã tác hại đến ba nước, với quan điểm vượt lên trên lợi ích quốc gia. Họ cùng nhau thành lập những nhóm can thiệp nhắm đến những cơ quan cao nhất của chính phủ, với tư cách là phụ nữ, sức mạnh của họ đến từ sự đoàn kết. Cùng lúc, họ đã đi thực tế trong vùng để hướng dẫn phụ nữ theo dõi và phòng chống những hoạt động vận chuyển vũ khí và ma túy : « Hòa bình bắt đầu từ trong nhà. Chúng tôi có năng lực hòa giải xã hội ». Những lập trường này hoàn toàn nêu rõ khái niệm « sự liên tục của bạo lực » mà Cynthia Cockburn đã nêu ra. Tác giả này cho rằng không thể tách rời bạo lực chiến tranh với những bạo lực trước và sau chiến tranh và bạo lực này có nguồn gốc từ trong gia đình là nơi lan truyền bạo lực qua phụ nữ trong một nền văn hóa nam giới thống trị. 5.2.2. Chiến tranh giữa các nền văn minh, giữa các giai tầng xã hội, giữa hai giới tính Trong bối cảnh này, phụ nữ lấy trách nhiệm, trước tiên là trong gia đình, sau đó là trong xã hội, đứng về phía đối lập trước những áp đặt của quốc gia hay của cộng đồng. Đó chính là phương hướng của tập thể Code Pink19 từ năm 2002 đã qui tụ những phụ nữ Mỹ từ chối giữ im lặng trước những nỗi đau của nhiều trẻ em và phụ nữ trong các cuộc chiến do chính phủ nước họ tiến hành ở Irak hay ở Afghanistan, họ tố cáo những chi tiêu khổng lồ cho trang bị vũ khí của Mỹ, gây thiệt thòi cho ngân sách xây dựng trường học hay bệnh viện, họ lên tiếng báo động về ảnh hưởng của chiến tranh đối với thế hệ trẻ của cả hai phía, họ nhắc lại tình trạng của thanh niên Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Những thanh niên này ra đi với lòng hăng hái và niềm tin ngây thơ để sau đó trở về Mỹ đắm chìm trong địa ngục của ma túy và bạo 18 Cockburn, C., sđd, tr..21 : 19 Xem trang web www.codepink4peace.org và Cockburn, C., sđd, tr.64 16
  17. Bản tin Giới và Xã hội Số 3 2011 lực. Đối với những phụ nữ Mỹ trong phong trào này, một cách tiếp cận các cuộc xung đột theo quan điểm nữ quyền không thể tách rời với sự phân tích chống kỳ thị chủng tộc và phân tích giai tầng xã hội, nhất là khi tham chiếu những kẻ hưởng lợi thực sự từ chiến tranh như các tập đoàn dầu khí, buôn bán vũ khí, tập đoàn xây dựng để tái thiết đất nước đã bị tàn phá. Đó cũng là ý nghĩa của cuộc tuần hành thế giới của phụ nữ mà hiến chương đã được thông qua ở Kigali (Rwanda) ngày 10 tháng 12 năm 2004, hiến chương này tuyên bố rằng những hệ thống này « tăng cường lẫn nhau. Những hệ thống này đã mọc rễ sâu và liên kết với sự kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, kỳ thị phụ nữ, kỳ thị người nước ngoài, chủ nghĩa thực dân, nạn nô lệ, công việc khổ sai. Những hệ thống này dọn đường cho những nhóm tôn giáo cực đoan ngăn cản nữ giới và nam giới trở thành những con người tự do. Những hệ thống này sản sinh ra nghèo đói, sự loại trừ, vi phạm quyền con người, đặc biệt là 20 quyền của phụ nữ, và đưa nhân loại đến tình trạng hiểm nguy « . 6. LỜI KẾT Bối cảnh khác nhau, mức độ huy động và ý thức cũng vậy ; một số phụ nữ hành động trong không gian quen thuộc hàng ngày, những phụ nữ khác lại hành động trong bối cảnh toàn cầu hóa ; nhưng điều liên kết tất cả những phụ nữ này lại là họ từ chối vai trò truyền thống của họ và tấn công vào mọi hình thức áp bức , dù đó là quốc gia, dân tộc, xã hội hay kinh tế , và họ muốn thoát ra khỏi cái khung đã áp đặt cho họ. Trong một diễn tiến không phải do tự nhiên mà do kinh nghiệm bị áp bức mà họ có được nhờ giáo dục và nhờ các mối quan hệ xã hội, họ đã ý thức rằng đứng trước bạo lực của các nhóm vũ trang cũng như của sự đàn áp của chính phủ, họ cần phải tìm một lời đáp khác. Họ đã thí nghiệm việc tự do lựa chọn và quyết định và phác họa một cách vô ý thức những con đường cho một nến văn hóa mới, một nền văn hóa không chỉ hài lòng với việc định nghĩa các quyền của mỗi người, nam và nữ, mà nó còn vượt ra ngoài biên giới đang ngăn cách các quốc gia, các cộng đồng, nam giới và nữ giới, và nền văn hóa ấy gắn các cuộc đầu tranh nữ quyền vào khuôn khổ của sự từ chối một thế giới do nam giới thống trị và điều khiển được xác định là hệ thống đàn áp nữ giới. 20 Hiến chương thế giới của phụ nữ cho nhân loại, 10/ 12/ 2004, Kigali, www.marchemondialedesfemmes.org 17
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2