YOMEDIA
ADSENSE
Gốm sứ Trung Hoa thời kỳ nhà Nguyên
22
lượt xem 3
download
lượt xem 3
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Bái viết Gốm sứ Trung Hoa thời kỳ nhà Nguyên khái quát về quá trình phát triển của gốm sứ Trung Hoa thời kỳ nhà Nguyên, mở ra hướng nghiên cứu mới trong hành trình nghiên cứu văn hóa Trung Quốc nói chung và gốm sứ Trung Hoa nói riêng.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Gốm sứ Trung Hoa thời kỳ nhà Nguyên
- GỐM SỨ TRUNG HOA THỜI KỲ NHÀ NGUYÊN Lê Thị Thùy Vi Khoa Trung Quốc học, Trường Đại học Công Nghệ TP. Hồ Chi Minh Giảng viên hướng dẫn: TS. Huỳnh Bích Ngọc TÓM TẮT Gốm sứ là một phát minh của người Trung Quốc.116 Gốm sứ Trung Hoa không chỉ là những sản phẩm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mà còn được phát triển thành những sản phẩm nghệ thuật tinh tế. Những đặc trưng về kiểu dáng, hoa văn trên gốm sứ phản ánh văn hóa Trung Quốc và có thể dùng để định dạng các triều đại Trung Quốc. Trong đó vào triều Nguyên được xem là một trong những thời kỳ phát triển đỉnh cao của gốm sứ Trung Hoa. Vào thời nhà Nguyên gốm sứ không chỉ được tiêu dùng trong nước mà còn là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc. Gốm sứ Trung Hoa đã đến khắp các châu lục trên thế giới, khẳng định được sức mạnh kinh tế và phạm vi ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc thời bấy giờ đối với thế giới. Chính vì lý do trên bài báo muốn khái quát về quá trình phát triển của gốm sứ Trung Hoa thời kỳ nhà Nguyên, mở ra hướng nghiên cứu mới trong hành trình nghiên cứu văn hóa Trung Quốc nói chung và gốm sứ Trung Hoa nói riêng. Từ khóa: Gốm sứ Trung Hoa, nghệ thuật, thời kỳ nhà Nguyên, văn hóa, xuất khẩu. 1. Khái niệm về gốm sứ Trung Hoa Lịch sử gốm sứ Trung Hoa bắt nguồn từ thời đại đồ đá mới. Trải qua quá trình phát triển thăng trầm, gốm sứ Trung Hoa đã không ngừng thay đổi, phát triển và cải tiến về kỹ thuật, nguyên liệu, hình dáng, hoa văn,... Từ “China” trong tiếng Anh ngoài dùng để chỉ đất nước Trung Quốc, nó còn có nghĩa là “đồ sứ”, thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Trung Quốc và gốm sứ. Các sản phẩm được nung bằng đất sét của Trung Quốc được chia thành hai loại: gốm và sứ. Các đồ vật bằng đất sét nung, bề mặt giáp không tráng men được gọi là “đồ gốm”. Ngoài ra, tuy có tráng men nhưng những đồ nung ở nhiệt độ thấp (như gốm men xanh thời Hán) cũng được xếp vào loại gốm. Đồ sứ là đồ dùng có chứa một lượng lớn axit silicic trong đất nung, được nung ở nhiệt độ cao sau khi tráng men. Không giống như đồ gốm, đồ sứ hầu như không có tính hút nước, khi gõ nhẹ sẽ tạo ra âm thanh giòn giã. Nhưng ranh giới giữa “sứ” và “gốm” là không hoàn toàn rõ ràng. Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Hoa Kỳ có các định nghĩa khác nhau về “đồ sứ”. Ở Trung Quốc, bất kể mức độ thủy tinh hóa của đất sét, đất nung tráng men được nung ở nhiệt độ cao thường được gọi là đồ sứ. 2. Gốm sứ Trung Quốc hiện nay Từ khi bước sang thế kỷ XXI, ngành sản xuất gốm sứ của Trung Quốc đã có một thời kỳ phát triển ổn định, sản lượng sản phẩm gốm sứ và số lượng doanh nghiệp sản xuất ngành gốm sứ đều tăng lên rất nhiều, hầu hết 116 Phương Lý Lợi, gốm sứ Trung Quốc, nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2013, tr.8. 3591
- các tỉnh, thành phố ở Trung Quốc đều có nhà máy sản xuất gốm sứ. Sản phẩm gốm sứ cũng là mặt hàng xuất khẩu chính của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm của thu nhập kinh doanh chính của các doanh nghiệp trên quy mô chỉ định trong ngành gốm sứ luôn ở mức ổn định. Ba khu vực có thu nhập kinh doanh gốm sứ chính hàng đầu Trung Quốc là Giang Tây, Quảng Đông và Sơn Đông. Về nhu cầu thị trường, Châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ và Châu Á là những khu vực chính có nhu cầu nhiều về gốm sứ Trung Quốc. Thị trường xuất khẩu gốm sứ của Trung Quốc chủ yếu tập trung ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong Liên minh Châu Âu. Hiện nay với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và công nghệ, ngành gốm sứ Trung Quốc cũng phát triển nhanh chóng, một số thiết bị truyền thống lạc hậu và quy trình sản xuất phức tạp đang bị loại bỏ, thay thế bằng những phương pháp sản xuất, thiết bị tiên tiến và dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại, do đó sản lượng gốm sứ tăng nhanh, mẫu mã ngày càng đa dạng phong phú. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển hiện đại, những thay đổi về chính trị và kinh tế cũng như cơ giới hóa trong sản xuất, gốm sứ làm bằng tay ngày càng mai một, ngay cả những lò gốm truyền thống như Cảnh Đức Trấn cũng ngày càng bị cơ giới hóa. Những năm gần đây, bảo vệ phương thức sản xuất gốm sứ truyền thống đã trở thành mối quan tâm lớn với chính phủ Trung Quốc. Bộ Văn hóa nước này đã đưa nghệ thuật gốm sứ thủ công Trấn Cảnh Đức vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được ưu tiên hàng đầu. Chính quyền địa phương cũng thực hiện các dự án khôi phục lại lò nung để tăng cường sản xuất. Do đó, dù cho hiện nay với trình độ khoa học công nghệ phát triển mạnh, kỹ nghệ gốm sứ Trung Hoa được cải tiến rất nhiều so với các thời kỳ trong lịch sử phong kiến, nhưng nhìn chung các sản phẩm gốm sứ hiện nay của Trung Quốc vẫn được phát triển dựa trên kỹ nghệ gốm sứ lâu đời và vẫn còn lưu giữ những nét tinh hoa vốn có của nghệ thuật gốm sứ từ những thời kỳ trước. Trong đó gốm sứ thời kỳ nhà Nguyên cũng có những ảnh hưởng nhất định lên ngành gốm sứ Trung Quốc hiện nay. Chính vì lý do này bài báo tập trung nghiên cứu về gốm sứ Trung Hoa thời kỳ nhà Nguyên. 3. Gốm Sứ thời nhà Nguyên Trong thời nhà Nguyên (1271-1368), dưới sự thống trị của người Mông Cổ, đồ gốm sứ Trung Quốc không hề bị trì trệ mà ngược lại đã có những bước phát triển quan trọng. Quá trình chế tác đồ sứ vào thời nhà Nguyên chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong lịch sử gốm sứ Trung Quốc. Nghề sản xuất gốm sứ thời nhà Nguyên phát triển trên cơ sở kế thừa những kỹ nghệ gốm sứ của các triều đại đi trước, đồng thời do sự gia tăng trong việc xuất khẩu gốm sứ sang các nước khác mà quy mô sản xuất gốm sứ thời này cũng tăng lên rõ rệt, kỹ thuật nung cũng được cải thiện rất nhiều. Vào thời kì này giao thông vận tải giữa Trung Quốc và phương Tây rất phát triển, hàng hóa có thể được vận chuyển đến nhiều nơi khác nhau bằng đường bộ và đường biển, gốm sứ trở thành mặt hàng quan trọng được xuất khẩu đi nhiều nơi. Do đó, ngoài việc cung ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của người dân trong nước, nhu cầu giao thương với nước ngoài cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của sản xuất gốm sứ vào 3592
- thời nhà Nguyên. Và việc xuất khẩu gốm sứ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa của Trung Quốc thời bấy giờ với các nước trên thế giới. Vào thời nhà Nguyên, các lò nung gốm sứ trên toàn đất nước Trung Quốc thi nhau sản xuất, đặc biệt là các lò nung ở miền nam Trung Quốc sản xuất gốm sứ với chất lượng tinh tế và số lượng lớn. Trong số các lò nung gốm sứ quan trọng thời bấy giờ có lò Long Tuyền ở Chiết Giang, chủ yếu sản xuất sứ men ngọc. Ở Phúc Kiến cũng có rất nhiều lò nung gốm sứ với quy mô lớn, chủ yếu sản xuất sứ men ngọc Phúc Kiến và sứ thanh bạch. Lò nung Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây là một lò sản xuất gốm sứ quan trọng trong thời nhà Nguyên. Bất luận là về chất lượng hay số lượng, các sản phẩm của lò Cảnh Đức Trấn đều sánh ngang với lò Long Tuyền ở Chiết Giang. Các sản phẩm của lò Cảnh Đức Trấn bao gồm sứ trắng, sứ thanh bạch, sứ men ngọc, sứ Thanh Hoa, sứ trang trí hoa văn đỏ dưới lớp men,... Trong đó sứ Thanh Hoa và Sứ trang trí hoa văn đỏ dưới lớp men là hai loại sứ mới, lần đầu tiên được sản xuất ở lò Cảnh Đức Trấn. 4. Các loại sứ nổi tiếng thời nhà Nguyên 4.1. Sứ Thanh Hoa Sứ Thanh Hoa thuộc dòng sứ có tráng men màu, là đồ sứ được trang trí hoa văn màu xanh lam dưới nền men trắng. Sứ Thanh Hoa được sản xuất lần đầu tiên là ở lò Cảnh Đức Trấn. Trong lịch sử gốm sứ thời nhà Nguyên, sứ Thanh Hoa được xem là loại sứ nổi tiếng nhất. Về quy trình sản xuất, đầu tiên người ta sẽ dùng chất màu có chứa oxit Coban vẽ hoa văn lên cốt gốm sau đó tráng qua một lớp men trong suốt rồi nung ở nhiệt độ cao. Các chất màu oxit coban được sử dụng vào thời nhà Nguyên chủ yếu được nhập khẩu từ Tây Á, vào thời điểm đó được gọi là “hồi thanh” (có nghĩa là “màu xanh lam của thế giới Hồi giáo”). Kỹ thuật tráng men màu thật ra xuất hiện sớm nhất ở lò Trường Sa vào thời nhà Đường nhưng không phổ biến, sau đó vào thời nhà Tống nó vẫn không trở thành xu hướng chủ đạo của gốm sứ Trung Quốc. Cho đến thời nhà Nguyên đồ sứ tráng men màu bắt đầu hưng thịnh trở lại từ lò Cảnh Đức Trấn. So với các giai đoạn trước, đồ sứ thanh hoa thời nhà Nguyên có nhiều điểm khác biệt về hình dáng và độ dày. Phôi của sứ trắng thời Nguyên rất trắng, chắc, đặc, dày, lớp men cũng khá dày và đặc điểm nổi bật là kích thước to lớn. Điều này chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các nước xuất khẩu như Tây Á. Các nước Hồi giáo ở Tây Á vào thời kỳ này rất thịnh hành việc dùng bữa xung quanh những chiếc bàn tròn lớn và mọi người thích dùng những đồ dùng lớn để đựng thức ăn và ăn riêng. Ngoài những chiếc đĩa lớn, lọ lớn, bát lớn và bình lớn, cũng có các sản phẩm sứ Thanh Hoa nhỏ nhẹ hơn. Mặc dù những món đồ sứ Thanh Hoa nhỏ nhẹ và mỏng không phải là chủ đạo của đồ sứ Thanh Hoa thời nhà Nguyên, nhưng vai trò quan trọng của chúng là được bán ra nước ngoài dưới dạng đồ sứ xuất khẩu, vì vậy hình dáng của đồ dùng hầu hết đều phù hợp với nhu cầu của đất nước nhập khẩu chúng. 3593
- Đồ sứ Thanh Hoa thời nhà Nguyên có hoa văn phong phú và hầu hết mọi thứ trong tự nhiên đều có thể được sử dụng làm chủ đề trang trí. Các mẫu hoa văn điển hình như: núi, gợn sóng, cá và tảo, hoa sen, mây,...hoa văn động vật ví dụ như: rồng, phượng, kỳ lân, uyên ương,... Về kỹ thuật trang trí, trước thời nhà Nguyên, ứng dụng của kĩ thuật khắc và in vượt xa so với vẽ bằng bút lông, nhưng kể từ khi sản xuất đồ sứ Thanh Hoa trở thành xu hướng chủ đạo, kỹ thuật trang trí khắc và in trên Đồ sứ Trung Quốc đã dần tụt hậu và kĩ thuật vẽ bằng bút lông trở nên phổ biến hơn. Việc nung thành công đồ sứ trắng xanh là một sự kiện có tính thời đại trong lịch sử chế tác đồ sứ Trung Quốc. Ưu điểm của sứ Thanh Hoa là: thứ nhất, sứ Thanh Hoa có độ bền màu bền cao, màu sắc tươi sáng, quá trình lên màu ít bị ảnh hưởng bởi không khí trong lò nung. Thứ hai, sứ Thanh Hoa là một loại sứ vẽ hoa văn dưới lớp men nên hoa văn trang trí mãi không phai. Thứ ba, nguyên liệu là chất màu có chứa oxit coban, được sản xuất ở Vân Nam, Chiết Giang và Giang Tây, ngoài ra còn có thể nhập khẩu từ nước ngoài nên nguồn nguyên liệu dồi dào. Thứ tư, những hoa văn xanh lam trên nền trắng của sứ Thanh Hoa mang ý nghĩa thanh tao, trong sáng, mang âm hưởng của bức tranh mực tàu truyền thống của Trung Quốc. Thứ năm, sứ Thanh Hoa có tính thiết thực và giá trị thẩm mỹ cao, được người dân trong và ngoài nước vô cùng yêu thích. Đây là những ưu điểm của đồ sứ Thanh Hoa mà các loại đồ sứ khác không có được 4.2. Sứ trang trí hoa văn đỏ dưới lớp men Sứ trang trí hoa văn đỏ dưới lớp men là một trong những phát minh quan trọng của những người thợ chế tác gốm sứ ở lò Cảnh Đức Trấn vào thời nhà Nguyên. Bên cạnh sứ Thanh Hoa, sứ trang trí hoa văn đỏ dưới lớp men cũng được xem là một loại sứ nổi tiếng của thời kỳ này. Vào thời nhà Nguyên, ngoài việc sử dụng chất màu chứa oxit màu coban để sản xuất đồ sứ Thanh Hoa, chất màu chứa đồng còn được sử dụng để làm nên sứ trang trí hoa văn đỏ dưới lớp men. Sứ trang trí hoa văn đỏ dưới lớp men là một loại sứ sử dụng chất màu chứa đồng để vẽ hoa văn lên cốt gốm sau đó tráng qua men và nung lên sẽ cho ra các thành phẩm sứ có hoa văn đỏ trên nền men màu trắng. Tuy nhiên, bột màu đồng dễ bị hóa hơi ở nhiệt độ cao, khó tạo ra màu đỏ tươi nên màu của đồ sứ hoa văn đỏ tráng men thời kỳ này thường có màu đỏ sẫm. Sứ Thanh hoa và sứ trang trí hoa văn đỏ dưới lớp men đều có màu men giống nhau, nhưng khác nhau về chất màu vẽ hoa văn. Sứ Thanh Hoa dùng chất màu chứa oxit coban vẽ lên rồi tráng qua men sau khi nung sẽ cho ra hoa văn màu xanh lam, còn sứ trang trí hoa văn đỏ dưới lớp men dùng chất màu có chứa đồng vẽ lên rồi tráng qua men sau khi nung sẽ cho ra hoa văn có màu đỏ. Cả hai loại sứ này đều cần được nung ở nhiệt độ cao, nhưng có các yêu cầu khác nhau về khí không khí trong lò nung. Sứ trang trí hoa văn đỏ dưới men có yêu cầu nghiêm ngặt đối với không khí trong lò nung, trong khi sứ Thanh Hoa không có yêu cầu khắc khe này và sự thay đổi của không khí trong lò nung ít ảnh hưởng đến việc lên màu của sứ Thanh Hoa. Vì vậy, việc nung sứ Thanh Hoa tương đối dễ dàng nên được sản xuất phổ biến hơn vào thời kì nhà Nguyên. Do khó nung và năng 3594
- suất tráng sứ trang trí hoa văn đỏ dưới men thấp hơn nên số lượng đồ sứ đỏ được lưu truyền và khai quật vào thời nhà Nguyên không nhiều. 4.3. Các loại sứ khác Ngoài hai loại sứ nổi tiếng trên thời nhà Nguyên còn có các loại sứ khác như: sứ thanh bạch, tráng men trắng, sứ men đỏ, sứ tráng men xanh lam,... Sứ thanh bạch: Đồ sứ thanh bạch là loại sứ được sản xuất ở lò Cảnh Đức Trấn vào thời nhà Tống. Thời nhà Nguyên tiếp tục phát triển. Phôi của sứ thanh bạch thời Nguyên chắc, đặc, dày, nước men hơi dày, rất trắng, có màu trắng trong hoặc trắng đục, được trang trí bằng các phương pháp chạm khắc và chạm nổi. Các hoa văn chạm khắc thường thấy như rồng, cây cỏ, hoa mẫu đơn, cánh sen,... hoặc chạm nổi hoa lá trong lòng đĩa, bát. Sứ men trắng: Đồ sứ tráng men trắng hay còn gọi là đồ sứ tráng men lòng trắng trứng. Không có nhiều đồ sứ tráng men trắng vào thời nhà Nguyên, nhưng chúng đều được làm rất tinh xảo. Loại sứ này rất mịn, trắng, chắc, thân dày, nước men cũng dày, có nhiều họa tiết trang trí, chẳng hạn như rồng, phượng, hoa sen cây cỏ,... Sứ men đỏ: Đồ sứ tráng men đỏ có thể xem là tác phẩm khó nhất và tinh xảo nhất trong các lò nung Cảnh Đức Trấn thời nhà Nguyên. Loại đồ sứ men đỏ thuần túy này được lưu truyền lại rất ít, hiện vật khai quật được từ các lăng mộ cũng rất ít. Do hạn chế về điều kiện nung nên đồ sứ tráng men đỏ thời nhà Nguyên mặc dù có màu đỏ đồng nhưng chưa đến mức đỏ tươi, nhìn chung vẫn mang những nét đặc trưng riêng của thời đại. Sứ men lam : Một đồ sứ men màu nhiệt độ cao khác được nung thành công bởi các lò Cảnh Đức Trấn vào thời nhà Nguyên là đồ sứ men lam. Đặc điểm của nó là màu men trong và sáng, trong như pha lê và chói lọi như sapphire. Nó được tạo ra bằng cách trộn một lượng nhất định các chất có chứa coban làm chất tạo màu vào men và nung ở nhiệt độ cao. Bởi vì việc nung men xanh coban ở nhiệt độ cao dễ hơn so với men đồng đỏ ở nhiệt độ cao, nên có nhiều loại đồ gốm men lam được lưu truyền hoặc khai quật vào thời nhà Nguyên hơn đồ gốm men đỏ. Đồ sứ tráng men lam vào thời nhà Nguyên thường không có hoa văn, nhưng cũng có một số được trang trí bằng các hoa văn màu trắng hoặc màu vàng. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hoàng Xuân Chinh (2010) Cổ vật gốm sứ Trung Quốc. nhà xuất bản Hà Nội [2] Li Song Tang (2012) Chinese Yuan dynasty blue and white porcelain appreciation. Chinese bookstore [3] Phương Lý Lợi (2013) Gốm sứ Trung Quốc. nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh [4] S.T. Yeo, Jean Martin (1978) Chinese blue and white ceramics. Southeast Asian ceramics society [5] Wang Qingzheng (2003) A dictionary of Chinese ceramics. Sun Tree publishing 3595
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn