intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hai mươi lăm năm Luật Thương mại Việt Nam thời kỳ đổi mới

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

35
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Hiếm có lĩnh vực pháp luật nào gây nhiều tranh cãi khi mới ra đời và trải qua những trở ngại trong quá trình phát triển của nó như Luật Thương mại Việt Nam. Tuy vậy, có đến nay Luật thương mại Việt Nam đã khẳng định được vị trí của nó trong luật tư tại Việt Nam. Bài viết lược khảo một số dấu mốc quan trọng trong lịch sử luật thương mại Việt Nam. Sau đó bài viết tập trung vào đánh giá và đề xuất các kiến nghị thuộc phần chung của Luật Thương mại 2005.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hai mươi lăm năm Luật Thương mại Việt Nam thời kỳ đổi mới

  1. HAI MƯƠI LĂM NĂM LUẬT THƯƠNG MẠI VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI TS. Dương Kim Thế Nguyên1 Tóm tắt: Hiếm có lĩnh vực pháp luật nào gây nhiều tranh cãi khi mới ra đời và trải qua những trở ngại trong quá trình phát triển của nó như Luật Thương mại Việt Nam. Tuy vậy, có đến nay Luật thương mại Việt Nam đã khẳng định được vị trí của nó trong luật tư tại Việt Nam. Bài viết lược khảo một số dấu mốc quan trọng trong lịch sử luật thương mại Việt Nam. Sau đó bài viết tập trung vào đánh giá và đề xuất các kiến nghị thuộc phần chung của Luật Thương mại 2005. Từ khoá: Luật thương mại, Thương nhân, Hành vi thương mại, Hoạt động thương mại, Luật tư 1. Sơ lược lịch sử luật thương mại Việt Nam Luật phong kiến Việt Nam không dành nhiều sự quan tâm cho Luật thương mại. Người Việt xưa trọng nông hơn trọng thương nên ít dành sự quan tâm nuôi dưỡng và phát triển nghề thương mại. Hoạt động thương mại nếu có chỉ thực hiện lúc nông nhàn. Các phiên chợ diễn ra như là nhu cầu về tinh thần nhiều hơn giá trị kinh tế. Mãi đến đầu thế kỷ 18, hoạt động thương mại mới được đánh thức bởi các nhóm khách trú và những người ngoại kiều khác tìm đến giao lưu, mua bán với người Việt 2. Do thương mại kém phát triển mà nhu cầu lập pháp về thương mại cũng không xuất hiện. Ngoài trừ một vài quy định về nghĩa vụ được dùng chung cho dân thường, hiếm thấy các quy định riêng dành cho thương nhân. Du nhập luật thương mại theo mô hình phương Tây trong thời thuộc địa. Trong quá trình người Pháp xâm chiếm Việt Nam và biến Việt Nam thành nước thuộc địa của Pháp, pháp luật theo mô hình phương Tây đã được áp đặt tại Việt Nam. Tuy vậy, với cấu trúc truyền thống, theo đuổi nghề nông, văn hoá làng xã, “phép vua thua 1 Trưởng Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH). 2 Xem thêm Lê Tài Triển, Nguyễn Vạn Thọ (1972), Luật thương mại Việt Nam dẫn giải, tập 1, Kim Lai Ấn Quán. Sài Gòn, trang 3-23. 1
  2. lệ làng”, luật pháp theo mô hình này không để lại nhiều dấu ấn trong văn hoá pháp lý người Việt3. Thời kỳ phân chia đất nước, Luật Thương mại không có nhiều điều kiện phát triển. Năm 1954, đất nước chia thành hai miền. Miền Bắc xây dựng một nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, huy động nguồn lực cho chiến trường Miền Nam, nên không thừa nhận một nền kinh tế thị trường tự do trao đổi. Luật kinh tế theo mô hình Xô Viết được nghiên cứu và áp dụng mà không có Luật thương mại. Miền Nam Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng pháp chế thời thuộc địa cho đến năm 1972 mời ban hành Bộ luật Thương mại. Tuy vậy, Bộ luật này chỉ tồn tại có vỏn vẹn hai năm, trong bối cảnh chiến tranh lan rộng, kinh tế Miền Nam bước vào giai đoạn suy thoái và khủng hoảng trước khi xảy một biến cố lịch sử quan trọng – giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Vì lẽ đó, đạo luật này không có nhiều cơ hội để được áp dụng và thực hiện trên thực tế. Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, Luật kinh tế giữ vị thế độc tôn, thay cho luật thương mại. Sau cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam thống nhất đất nước, ngày 25/4/1976, Việt Nam chính thức đi vào giai đoạn xây dựng nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung trên cả nước. Nhu cầu về Luật Thương mại không còn nữa. Thay vào đó, luật kinh tế phục vụ cho nền kinh tế kế hoạch hoá thực sự trở thành là mối quan tâm chính của các nhà lập pháp, cơ quan quản lý và các nhà nghiên cứu pháp lý. Chủ đề Luật thương mại chỉ được xới lại và quan tâm nghiên cứu, lập pháp khi Việt Nam thực hiện chính sách “đổi mới” và mở cửa nền kinh tế sau năm 1986. 2. Truân chuyên Luật thương mại giai đoạn đầu của thời kỳ “đổi mới” Tranh luận Luật thương mại là một ngành luật hay là một lĩnh vực pháp luật? Truyền thống luật học theo trường phái Xô Viết phân chia hệ thống pháp luật thành các ngành luật dựa trên đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh riêng. Du nhập từ những năm 70 của thế kỷ 20 vào Việt Nam, Luật kinh tế được xem là một ngành luật độc lập, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lí nhà nước về kinh tế4. Thoát ra từ mô hình kinh tế tập 3 Lê Tài Triển, tlđd. 4 Nguyễn Như Phát (2001), Luật kinh tế - Mấy kinh nghiệm và bài học từ nước ngoài, Tạp chí Khoa học pháp lý số 1/2001 2
  3. trung, chuyển sang xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, lập pháp về pháp luật cho nền kinh tế thị trường mà trong đó có Luật thương mại Việt Nam được nghiên cứu và ban hành. Tuy vậy, đây là giai đoạn chứng kiến sự tranh luận gay gắt từ khái niệm Luật thương mại hay luật kinh tế cho đến các nội dung điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội hàm của các khái niệm được quy định trong luật thương mại. Việc tranh luận này diễn ra không chỉ trên nghị trường mà còn đặc biệt sôi nổi từ các nhà khoa học tại các cơ sở đào tạo. Luật thương mại truyền thống là lĩnh vực pháp luật riêng so với luật dân sự. Ở các nước Châu Âu lục địa, Luật Thương mại là lĩnh vực pháp luật quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội. Luật này được hình thành từ việc ghi nhận một số quy định riêng dành cho thương nhân. Lúc đầu, để điều chỉnh các quan hệ hàng hóa - tiền tệ, người ta chỉ có các quy tắc của Luật dân sự. Về sau, khi quan hệ thương mại phát triển đến mức người ta cần có nhu cầu đặc biệt, các quy tắt riêng. Sự hình thành Luật thương mại nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực thương mại mà các quy định của luật dân sự không thể đáp ứng được 5. Luật thương mại vì thế không hoàn toàn độc lập với luật dân sự mà là một lĩnh vực luật riêng bổ sung cho các quy định của Luật dân sự để điều chỉnh hành vi thương mại của các thương nhân. Nguồn gốc của cuộc tranh luận Luật thương mại hay Luật kinh tế. Trở lại với bối cảnh Việt Nam vào giai đoạn đầu trở lại nghiên cứu Luật thương mại trong thời kỳ đổi mới vào những năm 1990, do ảnh hưởng sâu sắc của quan niệm phân chia hệ thống pháp luật thành các ngành luật, nhiều ý kiến cho rằng không cho ngành luật thương mại mà chỉ có ngành Luật kinh tế. chính vì thế Luật Thương mại chỉ là một lĩnh vực pháp luật thuộc ngành Luật kinh tế chứ không phải là một ngành luật độc lập. quan niệm này đặc biệt được cổ vũ bởi sự ra đời của văn bản Luật Thương mại 1997, đạo luật về thương mại đầu tiên của thời kỳ đổi mới. Trong quá trình xây dựng Luật Thương mại 1997, dự kiến rằng luật này sẽ thay thế cho Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989. Tuy nhiên, do phạm vị điều chỉnh của Luật Thương mại 1997 quá hẹp từ khái niệm về hành vi thương mại và hoạt động thương mại dẫn đến nó không đủ sức bao quát các hoạt động kinh tế thuộc pháp vi điều chỉnh của pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1980. Sự không tương thích trong các quy định của pháp luật thương mại trước khi được thống nhất. Theo Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989, một hợp đồng được xem 5 Xem Nguyễn Quang Quýnh (1967), Dân Luật, quyền 1, Viện Đại học Cần Thơ 1967. 3
  4. là hợp đồng kinh tế nếu như thỏa mãn 3 điều kiện6: (1) Chủ thể của hợp đồng phải là giữa pháp nhân với pháp nhân hoặc giữa pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh, (2) hình thức của hợp đồng phải là văn bản hoặc tài liệu giao dịch, (3) Nội dung của hợp đồng là thực hiện công việc sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các thỏa thuận khác có mục đích kinh doanh. Như vậy, xét về nội dung, một hợp đồng kinh tế có nội dung đa dạng song xét về chủ thể, hình thức, chúng lại rất hẹp. Trong khi đó, với quy định của Luật Thương mại 1997, chủ thể và hình thức được mở ra khá rộng rãi nhưng lại hẹp về nội dung. Về chủ thể, Luật thương mại điều chỉnh quan hệ giữa “thương nhân với thương nhân hoặc thương nhân với các bên liên quan”7. Về hình thức, hợp đồng thương mại có thể được lập bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể. Như vậy chủ thể và hình thức hợp đồng mở rộng hơn so với quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989. Tuy vậy, nội dung hợp đồng thương mại lại khá hạn hẹn do khái niệm hoạt động thương mại chỉ giới hạn trong 3 nhóm hoạt động gồm: (2) mua bán hàng hoá, (2) cung ứng dịch vụ thương mại và (3) hoạt động xúc tiến thương mại8. Chính vì lý do không thống nhất này nên đã xảy ra tình trạng có những hợp đồng là hợp đồng thương mại (theo nghĩa được điều chỉnh bởi Luật Thương mại 1997) nhưng lại không phải là hợp đồng kinh tế (vì không thoả mãn yêu cầu về chủ thể và hình thức) nên phải được coi là hợp đồng dân sự và giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Ngược lại, có những hợp đồng là hợp đồng kinh tế nhưng không phải là hợp đồng thương mại dù các bên tham gia hợp đồng đều có mục đích lợi nhuận (ví dụ hợp đồng xây dựng do hoạt động xây dựng chưa được thừa nhận là hoạt động thương mại theo Luật Thương mại 1997). Sự trớ trêu này đã kéo dài hơn 10 năm sau đó dẫn đến hệ quả Luật Thương mại 1997 hiếm khi được toà án tham chiếu trong giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng có mục đích kinh doanh. 3. Sự thống nhất của Luật tư và vị trí của Luật Thương mại trong luật tư tại Việt Nam Sự thống nhất của Luật tư ở Việt Nam. Năm 2005 được đánh dấu là một năm quan trọng trong lập pháp về Luật tư tại Việt Nam với sự ra đời của hai đạo luật quan trọng: Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Thương mại 2005. Hai đạo luật này cùng có hiệu lực từ ngày 1.1.2006. Đồng thời với việc hai đạo luật này có hiệu lực thì Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 cũng hết hiệu lực sau hơn 15 năm tồn tại và gây không ít rắc rối cho 6 xem các Điều 1 và Điều 8 Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế 1989 7 Khoản 1 Điều 5 Luật Thương mại 1997 8 Khoản 2 điều 5 Luật Thương mại 1997 4
  5. hệ thống pháp luật tư. Sự kiện này đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong việc thống nhất luật tư tại Việt Nam. Bộ luật Dân sự 2005 chính thức được xem là đạo luật gốc khi xác định phạm vi điều chỉnh của Bộ luật này bao gồm các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động9. Đồng thời, Luật Thương mại 2005 xác định Bộ luật Dân sự sẽ được áp dụng đối với các Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác10. Như vậy, trong lĩnh vực luật tư, quan niệm luật kinh tế và luật dân sự là hai ngành luật độc lập đã dần được nới lỏng hơn, thậm chí trong các trường luật, môn học luật thương mại được hình thành, thay thế cho môn học Luật kinh tế. Một số thành tựu khi thống nhất luật tư. Từ các quy định của Luật Thương mại 2005, có thể nhận thấy các điểm nổi bật sau đây: Thứ nhất: mở rộng khái niệm hoạt động thương mại đến mức cao nhất, theo đó mọi hoạt động có mục đích sinh lợi đều được xem là hoạt động thương mại. Đây mà một quan niệm tiến bộ đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Khái niệm này tương thích với các quy định của UNCITRAL và luật pháp của nhiều nước trên thế giới. Thứ hai, nguyên tắc Luật chung (lex specialis) và luật chuyên ngành (lex generalis) của truyền thống luật lục địa được áp dụng trong các hoạt động thương mại. Bộ luật Dân sự và các luật điều chỉnh các hoạt động thương mại chuyên ngành khác là quan hệ giữa luật chung và luật riêng. Các luật chuyên ngành như luật kinh doanh bất động sản, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật chứng khoán… được ưu tiên áp dụng trước, nếu không có quy định thì áp dụng luật thương mại. Trường hợp Luật thương mại cũng không có quy định thì áp dụng Bộ luật Dân sự. Thứ ba, ngoài việc sửa đổi Bộ luật Dân sự và Luật thương mại, việc xây dựng Bộ luật tố tụng dân sự 2004 với việc thống nhất các thủ tục giải quyết tranh chấp dân sự và tranh chấp kinh doanh thương mại đã góp phần mạnh mẽ hơn cho việc thống nhất luật tư. Người ta không phải bận rộn với câu hỏi là tranh chấp kinh tế hay tranh chấp dân sự để làm cơ sở xác định cơ quan tài phán thích hợp: Tòa kinh tế hay Tòa dân sự. Vấn đề hủy án do xác định sai tranh chấp dân sự và tranh chấp kinh tế dẫn đến sai về thủ tục tụng dân sự và tố tụng kinh tế không còn xảy ra nữa. 9 Điều 1 Bộ luật Dân sự 2005 10 Khoản 3 điều 4 Luật Thương mại 2005 5
  6. 4. Một số vấn đề cần sửa đổi trong phần chung của Luật thương mại Việt Nam 2005 Sửa đổi quy định về thương nhân. Luật thương mại thường tập trung giải quyết hai vấn đề then chốt: thương nhân và hành vi thương mại. Cụ thể hơn, luật này quy định các điều kiện để trở thành thương nhân và các hành vi thương mại của thương nhân. Luật thương mại Việt Nam hiện hành dường như chưa có sự đầu tư tương xứng cho các quy định về thương nhân. Nhiều quy tắc về thương nhân còn mâu thuẫn. Ví dụ điều 6 Luật Thương mại 2005 quy định thương nhân phải đăng ký kinh doanh song điều 7 của Luật này lại quy định thương nhân không đăng ký kinh doanh vẫn phải chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại. Quy định này cho thấy sự xung đột giữa việc, một mặt chỉ thừa nhận thương nhân về pháp lý (phải đăng ký kinh doanh) nhưng mặt khác lại cho phép thương nhân thực tế tồn tại (không đăng ký kinh doanh vẫn phải chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại). hướng sửa đổi sắp tới cần bãi bỏ quy định về đăng ký kinh doanh là một trong những dấu hiệu của thương nhân và chỉ cần quy định đấy là nghĩa vụ trong những trường hợp nhất định. Cần tái bổ sung khái niệm hành vi thương mại và bỏ khái niệm hoạt động thương mại. Như đoạn trên đây đã đề cập, luật thương mại có nội dung điều chỉnh về thương nhân và hành vi thương mại. Luật Thương mại 1997 có cả hai khái niệm “hành vi thương mại” và “hoạt động thương mại”. Tuy nhiên, cách định nghĩa hai khái niệm này khá lòng vòng, không rõ nghĩa nên cần sửa đổi. Đáng tiếc để sửa đổi quy định khá lòng vòng này, Luật Thương mại 2005 lại chọn cách bỏ đi khái niệm hành vi thương mại thay vì khái niệm hoạt động thương mại. Khi không quy định về hành vi thương mại và nội hàm của hành vi thương mại đã dẫn đến hệ quả khó xử lý đối với các giao dịch có tính hỗn hợp: một bên thực hiện hành vi thương mại có mục đích sinh lợi với bên kia không có mục đích sinh lợi. Ví dụ giữa thương nhân với các tổ chức phi thương mại (trường học, bệnh viện công chẳng hạn). Giới hạn khái niệm hoạt động là không phù hợp trong tình huống này. Cần có cách xử lý phù hợp với việc lựa chọn luật thương mại áp cho những giao dịch hỗn hợp. Giao dịch hỗn hợp là loại giao dịch giữa một bên có hoạt động thương mại với bên kia không thực hiện hoạt động thương mại. Theo triết lý thông thường, luật thương mại chỉ dành cho thương nhân mà không áp dụng cho người không phải là thương nhân. Chính vì thế Luật Thương mại 2005 quy định đối với các giao dịch này, Luật thương mại được áp dụng trong trường hợp bên không phải là thương nhân, 6
  7. không có mục đích kiếm lời khi giao dịch với thương nhân chọn luật thương mại để áp dụng. Như vậy vô hình trung quy định này đã đi ngược lại với quyền tự do hợp đồng, cho phép bên không phải là thương nhân áp đặt việc chọn luật lên bên thương nhân cùng tham gia giao kết hợp đồng. Luật thương mại nên được sửa đổi theo hướng trao quyền thỏa thuận chọn luật cho các bên tham gia hợp đồng thương mại. 5. Lời kết Sau hơn 25 năm hình thành và phát triển, Luật thương mại Việt Nam đã dần dần chiếm lĩnh được vị thế quan trọng trong hệ thống luật tư. Nó trở thành đạo luật quan trọng cho nhánh luật chuyên biệt điều chỉnh về hoạt động thương mại và các hành vi thương mại. Nó cũng trở thành mắt xích nối kết quan trọng giữa các luật điều chỉnh các hoạt động thương mại chuyên ngành với Bộ luật Dân sự. Tuy vậy, như đã phân tích trên đây, một số nội dung thuộc phần chung của Luật Thương mại 2005 cần tiếp tục được điều chỉnh để luật này thực sự đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ thương mại của thương nhân với thương nhân và thương nhân với các bên có liên quan. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 2. Luật Thương mại 1997 3. Luật Thương mại 2005 4. Bộ luật Dân sự 2005 5. Bộ luật Dân sự 2015 6. Bộ luật tố tụng dân sự 2004. 7. Ngô Huy Cương (2015) Giáo trình Luật thương mại, phần chung và thương nhân, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 8. Phạm Duy Nghĩa (2004), Chuyên khảo luật kinh tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 7
  8. 9. Nguyễn Như Phát (2001), Luật kinh tế - Mấy kinh nghiệm và bài học từ nước ngoài, Tạp chí Khoa học pháp lý số 1/2001 10. Lê Tài Triển, Nguyễn Vạn Thọ (1972), Luật thương mại Việt Nam dẫn giải, tập 1, Trang 30 11. Nguyễn Quang Quýnh (1967), Dân Luật, quyền 1, Viện Đại học Cần Thơ 1967 8
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
6=>0