intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hành lang pháp lý phát triển kinh tế số của Việt Nam – Thực trạng và một số đề xuất

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

4
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Hành lang pháp lý phát triển kinh tế số của Việt Nam – Thực trạng và một số đề xuất" tập trung nghiên cứu phân tích các quy định pháp luật điều chỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế số của Việt Nam dưới góc độ so sánh với một số quốc gia trên thế giới, để từ đó, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hành lang pháp lý phát triển kinh tế số của Việt Nam – Thực trạng và một số đề xuất

  1. HÀNH LANG PHÁP LÝ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ CỦA VIỆT NAM – THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT Phạm Thị Hồng Mỵ* Khoa Luật, Trường Đại học Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh * Tác giả liên hệ: pthmy@sgu.edu.vn TÓM TẮT Bài viết tập trung nghiên cứu phân tích các quy định pháp luật điều chỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế số của Việt Nam dưới góc độ so sánh với một số quốc gia trên thế giới, để từ đó, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật. Từ khóa: hành lang pháp lý; kinh tế số; Việt Nam. 1. Đặt vấn đề Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, hiểu theo nghĩa thông thường đó là việc tích hợp ứng dụng công nghệ, là một nền kinh tế vận hành dựa trên công nghệ số đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet. Việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam những năm gần đây có nhiều thuận lợi nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại một số khó khăn điển hình đó là khung pháp luật. Kinh nghiệm các nước như Hàn Quốc hay Trung Quốc hoặc ngay cả Liên minh Châu Âu cũng đã có những động thái rõ ràng đều cho thấy hành lang pháp lý có những văn bản luật phục vụ cho sự phát triển kinh tế số như Đạo luật quản trị dữ liệu; Luật chính phủ điện tử; Luật bảo mật dữ liệu; Luật điện toán đám mây hay Dự luật Đạo luật AI. Vì thế việc nghiên cứu hành lang pháp lý phát triển kinh tế số của Việt Nam để nhìn nhận, xem xét các văn bản pháp luật hiện hành phục vụ cho phát triển kinh tế số có điều chỉnh giải quyết vấn đề của kinh tế số chưa? và trên cơ sở so sánh kinh nghiệm lập pháp của một số quốc gia trên thế giới để từ đó đề xuất hoàn thiện pháp luật Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế số sẽ là vấn đề có tính thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển trong thời gian tới. 2. Phương pháp nghiên cứu Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính trường hợp cụ thể trên cơ sở các nguồn tài liệu thứ cấp như: các văn bản pháp luật, công trình khoa học của các chuyên gia và các nhà khoa học,… để làm rõ (i) tổng quan khung pháp lý thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam dưới góc độ so sánh với một số quốc gia và (ii) đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý cho Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế số hiện nay. 3. Kết quả và thảo luận 3.1. Tình hình phát triển kinh tế số của Việt Nam Năm 2021, theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á - Tiếng gầm thập kỷ XX: Thập kỷ kỹ thuật số Đông Nam Á”, nền kinh tế số Việt Nam có trị giá khoảng 21 tỷ USD, cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự đoán đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia (Trương Thị Hiền, 2022). Đóng góp của kinh tế số vào GDP năm 2022 là 14,26%, tăng 2,35% so với năm 2021, trong đó kinh tế số ICT đóng góp 50,644%; tiếp theo là kinh tế số ngành/lĩnh vực là 30,54% và kinh tế số nền tảng là 18,82%. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEDx cũng đã có sự thay đổi lớn, tăng từ 16.000 doanh nghiệp năm 2021 lên 77.000 doanh nghiệp năm 2022 (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2022). Trong ngành nông nghiệp: Một số doanh nghiệp lớn như VinEco, Hoàng Anh Gia Lai, Nafood, Dabaco, Vinamilk, TH True milk… đã ứng dụng công nghệ số vào điều hành sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Hiện cả nước có trên hai triệu hộ nông dân sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, có gần 50 nghìn sản phẩm nông nghiệp được đưa lên các sản thương mại điện tử với hàng nghìn giao dịch được thực hiện. Ước tính hết năm 2021, cả nước có gần 12% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Trong trồng trọt, công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) được ứng dụng giúp phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây. Trong chăn nuôi, công nghệ IoT, Blockchain, công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Trong đó, ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, nổi bật là các trang trại hiện đại của Tập đoàn TH True Milk và Công ty Vinamilk. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, công nghệ DND mã 690
  2. vạch được ứng dụng trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS (công cụ dùng để thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu từ không gian địa lý) và ảnh viễn thám dùng xây dựng các phần mềm cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát trong quản lý rừng, phát hiện sớm suy thoái hay mất rừng, nhờ đó, góp phần đánh giá tài nguyên rừng một cách hiệu quả làm cơ sở phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững (Nguyễn Thị Miền, 2022). Trong ngành công nghiệp: Công nghiệp công nghệ số năm 2022 được xem là điểm sáng của nền kinh tế với doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với 2021, số lượng doanh nghiệp hơn 70.000 và xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD (theo số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại Diễn đàn Make in Vietnam 2022). Các doanh nghiệp trong ngành vận tải chuyển đổi từ giao nhận truyền thống sang công ty giao nhận phục vụ thương mại điện tử để tăng tính cạnh tranh và thích nghi với thị trường. Theo số liệu từ Hiệp hội doanh nghiệp giao nhận Việt Nam, số lượng công ty ứng dụng công nghệ trong vận hành tăng từ 15-20% lên 40-50% trong những năm gần đây. Về ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) được thử nghiệm ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, như: hệ thống giao thông thông minh thu phí không dừng; xe tự hành cấp độ 3; chẩn đoán và điều trị đột quỵ; nội soi; lao phổi; ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Về xây dựng hạ tầng số:Việt Nam đã xây dựng và triển khai một số chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, làm tiền đề để thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng thông rộng đã kết nối đến từng gia đình, cá nhân. Chính phủ Việt Nam đã đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số, bao gồm: cải thiện mạng internet, phát triển các trung tâm dữ liệu và xây dựng mạng 5G, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số đã và đang được thúc đẩy phát triển (Trần Hoàng Hải và Quách Thị Hà, 2023). 3.2. Thực trạng pháp luật điều chỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế số của Việt Nam dưới góc độ so sánh với pháp luật quốc tế và một số quốc gia trên thế giới Để nhằm phát triển kinh tế số của Việt Nam, khung pháp luật đã được xây dựng và đồng bộ như: Về đạo luật khung, cơ bản: Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có quy định chung về hợp đồng, tài sản, các tội phạm về trốn thuế; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Về đạo luật chuyên ngành: trong hệ thống pháp luật Việt Nam đã có các quy định cụ thể điều chỉnh kịp thời quan hệ xã hội phục vụ cho phát triển kinh tế số như Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật Thương mại, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Quản lý thuế, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Luật sở hữu trí tuệ, Luật cạnh tranh, pháp luật về thương mại điện tử, Luật viễn thông, Luật thuế, Luật bảo vệ người tiêu dùng, Luật an toàn thông tin, Luật lao động, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chúng ta có thể tham khảo chi tiết tại Bảng 01: Bảng 01: Các văn bản pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế số ở Việt Nam Năm Văn bản pháp luật Luật Giao dịch điện tử Luật Sở hữu trí tuệ 2005 Luật thương mại Bộ luật Dân sự 2006 Luật Công nghệ thông tin Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng 2007 Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 2 năm 2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính Luật Công nghệ cao 2008 Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2008 về quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet Luật Viễn thông 2009 Luật Tần số vô tuyến điện 691
  3. Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 Luật tổ chức tín dụng Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 Luật xuất bản Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8 tháng 11 năm 2013 về Khu công nghiệp thông tin tập trung 2013 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 về Thương mại điện tử Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 về quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng Luật An toàn thông tin mạng 2015 Bộ luật Dân sự Bộ luật Hình sự 2016 Luật Báo chí 2017 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Luật Quản lý ngoại thương Luật Chuyển giao công nghệ 2018 Luật An ninh mạng Luật Cạnh tranh Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019 Luật Quản lý thuế Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. 2021 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử Luật số 07/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ Luật Điện ảnh Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27 tháng 1 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị 2022 định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 Luật Giao dịch điện tử Luật Viễn thông Từ bảng danh sách này chúng ta nhận thấy rằng, khung pháp lý cho phát triển nền kinh tế số của Việt Nam là tương đối đầy đủ. Tham khảo pháp luật quốc tế và một số quốc gia trên thế giới có thành tựu trong việc phát triển kinh tế số như Hàn Quốc, Trung Quốc hay của Liên minh châu Âu sẽ thấy rằng: Hàn Quốc: Khung pháp lý về kinh tế số của Hàn Quốc có một số văn bản luật điều chỉnh như Luật chữ ký số, Luật giao dịch điện tử, Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật chính phủ điện tử. Việt Nam trong hành lang pháp lý so với Hàn Quốc thì chúng ta vẫn chưa có đạo luật chuyên biệt về Luật chữ ký số hay Luật chính phủ điện tử, cũng như vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, chúng ta mới dừng lại ở cấp độ Nghị định chứ chưa phải là văn bản Luật như Hàn Quốc. Cụ thể: 692
  4. Chính phủ điện tử: Hàn Quốc đã ban hành Đạo luật chính phủ điện tử. Các cuộc thảo luận xung quanh việc ban hành Luật Chính phủ điện tử ở Hàn Quốc bắt đầu được công bố vào nửa cuối năm 1998. Ngày 22 tháng 3 năm 2000, Bộ trưởng Bộ Hành chính và Nội vụ đã báo cáo Chủ tịch nước về công việc thiên niên kỷ và xác định việc ban hành Luật Chính phủ điện tử là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ. Sau đó, Dự thảo Luật chính phủ điện tử đã được Quốc hội thông qua vào ngày 28 tháng 2 năm 2001. Đạo luật đã được trải qua nhiều lần sửa đổi và lần sửa đổi gần đây nhất là vào tháng 11 năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 5 năm 2023. Đạo luật với 07 chương và 78 điều luật. Mục đích của Đạo luật này là tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chính phủ điện tử một cách hiệu quả, nâng cao năng suất, tính minh bạch và dân chủ trong hành chính công, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân bằng cách cung cấp các nguyên tắc, thủ tục, giải pháp thúc đẩy cơ bản và các vấn đề liên quan khác để xử lý các công việc hành chính bằng điện tử. Theo đó, đạo luật định nghĩa, Chính phủ điện tử là việc sử dụng công nghệ thông tin để số hóa công việc của các cơ quan hành chính, tổ chức công (sau đây gọi tắt là “cơ quan hành chính, v.v”) để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ hành chính giữa các cơ quan hành chính, v.v. và cho công chúng. Quản trị dữ liệu: Hàn Quốc đã ban hành Đạo luật bảo vệ thông tin cá nhân và Đạo luật điện toán đám mây. Luật bảo vệ thông tin cá nhân (PIPA) được ban hành vào năm 2011 và được sửa đổi gần đây nhất vào tháng 2 năm 2023 có hiệu lực vào tháng 9 năm 2023. PIPA sửa đổi nhằm mục đích tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số của Hàn Quốc dựa trên các công nghệ và dữ liệu mới nổi, bao gồm những thay đổi chính sau: (i) Tăng cường quyền của chủ thể dữ liệu bằng cách đưa ra quyền về khả năng di chuyển dữ liệu và quyền phản đối việc ra quyết định tự động; (ii) Đơn giản hóa việc áp dụng PIPA cho tất cả bên kiểm soát dữ liệu bằng cách loại bỏ các điều khoản đặc biệt dành cho nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến; (iii) Chuyển từ trừng phạt hình sự sang trừng phạt kinh tế; (iv) Cung cấp thêm căn cứ cho việc chuyển thông tin cá nhân ra nước ngoài (tương tự như Quy định bảo vệ dữ liệu của Liên minh Châu Âu) bên cạnh yêu cầu chấp thuận nghiêm ngặt hiện hành. Bên cạnh đó, đạo luật điện toán đám mây được ban hành vào năm 2015 và được sửa đổi gần đây nhất vào năm 2022. Mục đích của Đạo luật này là góp phần cải thiện cuộc sống của người dân và phát triển nền kinh tế quốc gia bằng cách thúc đẩy sự phát triển và sử dụng điện toán đám mây và tạo ra một môi trường trong đó các dịch vụ điện toán đám mây có thể được sử dụng một cách an toàn. Điện toán đám mây đề cập đến việc sử dụng các tài nguyên thông tin và truyền thông tích hợp và chia sẻ như các thiết bị thông tin và liên lạc, phương tiện thông tin và truyền thông và phần mềm (sau đây gọi là “tài nguyên thông tin và truyền thông”) thông qua các mạng thông tin và truyền thông theo nhu cầu của người dùng hoặc những thay đổi về nhu cầu, nó đề cập đến một hệ thống xử lý thông tin cho phép sử dụng linh hoạt. Dịch vụ điện toán đám mây là dịch vụ sử dụng điện toán đám mây để cung cấp tài nguyên thông tin, truyền thông cho người khác nhằm mục đích thương mại theo quy định. Đạo luật sửa đổi vào năm 2022 bổ sung quy định cấm các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tiết lộ thông tin người dùng cho bên thứ ba mà không có sự đồng ý. Hơn nữa còn trao quyền cho Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin đánh giá việc tuân thủ các tiêu chuẩn điện toán đám mây và cung cấp chứng nhận bảo mật. Kiểm duyệt nội dung trực tuyến: Đạo luật kinh doanh viễn thông năm 2002 của Hàn Quốc là một trong những đạo luật được ban hành điều chỉnh sớm nhất trên toàn thế giới nhằm giải quyết vấn đề kiểm duyệt nội dung trực tuyến. Các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến phải xóa nội dung bất hợp pháp khi phát hiện. Đạo luật được sửa đổi vào năm 2020 để giải quyết nội dung lạm dụng giới tính sau vụ việc lạm dụng tình dục trực tuyến trong thực tiễn. Việc sửa đổi bắt buộc các bên trung gian trực tuyến phải ngăn chặn việc lưu hành các tài liệu quay phim bất hợp pháp. Bên cạnh đó, đạo luật cũng đưa ra các yêu cầu về chất lược dịch vụ đối với các nhà cung cấp mạng thông tin và truyền thông lớn và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng. Đạo luật mạng năm 2016 yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông xóa hoặc chặn quyền truy cập vào thông tin bất hợp pháp theo yêu cầu của người bị ảnh hưởng, của cảnh sát hoặc cơ quan chính phủ. Các nhà cung cấp phải ẩn nội dung ngay lập tức trong 30 ngày và nếu không có kháng nghị nào thì xóa nội dung đó. Năm 2021, một bản sửa đổi đã quy định thêm trường hợp ngăn chặn tội phạm tình dục kỹ thuật số yêu cầu các nhà cung cấp phải báo cáo về các biện pháp ngăn chặn việc phát tán tài liệu quay phim bất hợp pháp. Trí tuệ nhân tạo: Vào tháng 2 năm 2023, Dự thảo Đạo luật trách nhiệm về trí tuệ nhân tạo đã được đưa ra giới thiệu tại cuộc họp của Quốc hội Hàn Quốc. Đạo luật nhằm mục đích quản lý toàn diện trí tuệ nhân tạo bằng cách thiết lập các nguyên tắc cơ bản cho việc phát triển và sử dụng AI, nêu rõ trách nhiệm của nhà nước và các nhà điều hành doanh nghiệp phát triển và sử dụng AI, thiết lập quyền của người dùng AI và quy định các yêu cầu cao về rủi ro đối với hệ thống AI. Cụ thể, đạo luật sẽ yêu cầu chính phủ thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật cho AI và cho phép hạn chế AI nếu nó được coi là 693
  5. có hại, yêu cầu các nhà khai thác AI có rủi ro cao phải thông báo cho người dùng và cho phép họ từ chối xử lý bởi AI có rủi ro cao. Mặt khác, Đạo luật xúc tiến đầu tư nước ngoài cũng được sửa đổi vào năm 2020, sự sửa đổi này có tác động khiến 2.990 công nghệ trong 33 lĩnh vực bao gồm công nghệ và AI, đủ điều kiện nhận ưu đãi tiền mặt. Tiền điện tử (tiền ảo): Vào tháng 1 năm 2023, Bộ tư pháp Hàn Quốc trong báo cáo đã nêu rõ mục tiêu tạo ra Hệ thống theo dõi tiền ảo để tăng cường khả năng phát hiện các hoạt động rửa tiền bất hợp pháp thông qua tiền điện tử. Hệ thống theo dõi nhằm cho phép giám sát chi tiết giao dịch tiền ảo và kiểm tra nguồn tiền trước và sau khi chuyển. Bên cạnh đó, vào tháng 4 năm 2023, Dự luật đề xuất nhằm điều chỉnh sự công bằng trong thị trường tài sản kỹ thuật số và tạo ra môi trường giao dịch an toàn đã được Quốc hội Hàn Quốc xem xét lần đầu tiên. Dự luật tìm cách thiết lập các quy tắc để chống lại hoạt động giao dịch tài sản kỹ thuật số không công bằng và bảo vệ người dùng khỏi các giao dịch không công bằng trên thị trường tài sản kỹ thuật số. Cấm các hành vi như sử dụng thông tin liên quan không được tiết lộ, thao túng giá và giao dịch gian lận. Dự luật thiết lập các nghĩa vụ đối với các nhà khai thác tài sản kỹ thuật số, chẳng hạn như nghĩa vụ báo cáo thường xuyên. Các doanh nghiệp và cá nhân sẽ phải tự báo cáo những sai phạm và có thể phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc nếu không làm như vậy. Uỷ ban dịch vụ tài chính sẽ được trao quyền giám sát và thực hiện các cuộc điều tra liên quan đến hoạt động tài sản kỹ thuật số. Chữ ký điện tử: Đạo luật chữ ký điện tử được ban hành vào năm 1999, với nhiều lần sửa đổi và sửa đổi gây đây là vào năm 2021. Mục đích của Đạo luật này là thúc đẩy việc tin học hóa quốc gia và xã hội và cải thiện sự thuận tiện cho cuộc sống của người dân bằng cách thiết lập các vấn đề cơ bản liên quan đến chữ ký điện tử nhằm đảm bảo sự an toàn và độ tin cậy của tài liệu điện tử và thúc đẩy tính an toàn và độ tin cậy của tài liệu điện tử. Trung Quốc: Hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển kinh tế số của Trung Quốc có vai trò quan trọng để giúp bảng xếp hạng của Trung Quốc trên thế giới là quốc gia dẫn đầu nền kinh tế số toàn cầu. Trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng tăng cường pháp luật trong lĩnh vực kinh tế số, liên tiếp ban hành các luật cơ bản, toàn diện đơn cử một số văn bản quy định sau đây: Về bảo vệ dữ liệu, mạng: Luật Bảo mật Dữ liệu (DSL) Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (PIPL), Luật An ninh mạng , tăng cường hơn nữa lĩnh vực pháp lý về bảo mật và bảo vệ thông tin cá nhân. Về chữ ký điện tử: Luật Chữ ký điện tử của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thông qua tại Kỳ họp lần thứ XI của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ngày 28 tháng 8 năm 2004. Về thương mại điện tử: Luật Thương mại điện tử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ngày 31 tháng 8 năm 2018. Điều 30 của Luật Thương mại điện tử quy định người vận hành sàn thương mại điện tử phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật và các biện pháp cần thiết khác để đảm bảo an ninh và hoạt động ổn định của mạng, ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật và tội phạm trên Internet, ứng phó hiệu quả với an ninh mạng, sự cố và đảm bảo an toàn cho giao dịch thương mại điện tử. Điều 23 quy định rằng khi các nhà khai thác thương mại điện tử thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người dùng phải tuân thủ pháp luật và các quy định hành chính về bảo vệ thông tin cá nhân. Điều 24 quy định rằng các nhà khai thác thương mại điện tử phải nêu rõ các phương pháp và thủ tục truy vấn, chỉnh sửa, xóa và đăng xuất thông tin người dùng và không đặt ra các điều kiện bất hợp lý cho việc truy vấn, chỉnh sửa, xóa và đăng xuất thông tin người dùng. Về cạnh tranh: Luật chống độc quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thông qua tại Kỳ họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ngày 30 tháng 8 năm 2007. Đạo luật này được sửa đổi vào năm 2022 để phục vụ điều chỉnh tốt hơn cho kinh tế số khi đã bổ sung thêm các quy định về cạnh tranh trên thị trường số ví dụ có các điều khoản bổ sung như điều khoản đặc biệt về internet: Nhà kinh doanh có vị trí thống lĩnh thị trường không được sử dụng dữ liệu và thuật toán, công nghệ và quy tắc nền tảng để thực hiện các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của mình như quy định tại khoản trên. Liên minh Châu Âu (EU): EU đã ban hành nhiều quy định pháp lý phục vụ cho kinh tế số, chủ yếu theo Chương trình nghị sự kỹ thuật số và các sáng kiến Thị trường kỹ thuật số chung (DSM) bao gồm Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA), Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA), Đạo luật dữ liệu (GDPR), Đạo luật trí tuệ nhân tạo (Đạo luật AI), Đạo luật quản trị dữ liệu (DGA), quy định về không gian dữ liệu y tế châu Âu (EHDS), bản cập nhật quy định về dịch vụ nhận dạng và tin cậy điện tử (eIDAS 2) và biện pháp tăng cường an ninh mạng của cơ sở hạ tầng quan trọng 694
  6. (NIS2), đều đã được ban hành hoặc đang trong quá trình lập pháp với triển vọng được ban hành trong những tháng tới. Đạo luật quản trị dữ liệu của Châu Âu (DGA) được ban hành vào năm 2022, hoàn toàn phù hợp với các giá trị và nguyên tắc của EU, sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho các công dân và công ty EU. Quy định mới này được xây dựng dựa trên hai ý tưởng: tái sử dụng dữ liệu do các cơ quan khu vực công nắm giữ và chia sẻ dữ liệu tự nguyện. Đạo luật cung cấp một khuôn khổ để nâng cao niềm tin vào việc chia sẻ dữ liệu tự nguyện vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân. DGA là một công cụ liên ngành nhằm mục đích cung cấp nhiều dữ liệu hơn bằng cách quy định việc sử dụng lại dữ liệu được bảo vệ, công khai/được lưu giữ, bằng cách tăng cường chia sẻ dữ liệu thông qua quy định về các trung gian dữ liệu mới và bằng cách khuyến khích chia sẻ dữ liệu cho mục đích nhân đạo. Quy định (EU) 2022/868 này sẽ được áp dụng từ tháng 9 năm 2023. EU sẽ thúc đẩy phát triển các hệ thống chia sẻ dữ liệu đáng tin cậy thông qua 4 nhóm biện pháp rộng rãi: (1) Các cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái sử dụng một số dữ liệu khu vực công không thể sẵn có dưới dạng dữ liệu mở. Ví dụ, việc tái sử dụng dữ liệu sức khỏe có thể thúc đẩy nghiên cứu để tìm ra phương pháp chữa trị các bệnh hiếm gặp hoặc mãn tính; (2) Các biện pháp để đảm bảo rằng các dịch vụ trung gian dữ liệu sẽ hoạt động như những nhà tổ chức đáng tin cậy trong việc chia sẻ hoặc tổng hợp dữ liệu trong không gian dữ liệu chung của Châu Âu; (3) Các biện pháp giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng cung cấp dữ liệu của họ vì lợi ích xã hội; (4) Các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là giúp dữ liệu có thể được sử dụng xuyên suốt các lĩnh vực và xuyên biên giới, đồng thời cho phép tìm thấy đúng dữ liệu cho đúng mục đích. Đạo luật quản trị dữ liệu châu Âu là trụ cột chính của "chiến lược dữ liệu châu Âu". Mục đích là tạo ra một không gian dữ liệu châu Âu duy nhất – một thị trường dữ liệu duy nhất, nơi dữ liệu cá nhân cũng như phi cá nhân, bao gồm cả dữ liệu kinh doanh nhạy cảm, được bảo mật và các doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng truy cập vào lượng dữ liệu cao gần như vô hạn. dữ liệu công nghiệp có chất lượng, thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra giá trị, đồng thời giảm thiểu lượng khí thải carbon của con người và môi trường. Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) là các quy định toàn diện được đưa ra ở EU nhằm giải quyết những thách thức do nền tảng kỹ thuật số đặt ra. Họ nhằm mục đích quản lý các mối lo ngại ngày càng tăng liên quan đến cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và trách nhiệm của các nền tảng kỹ thuật số trong không gian trực tuyến. Nói cách khác, 2 đạo luật có hai mục tiêu chính: để tạo ra một không gian kỹ thuật số an toàn hơn trong đó các quyền cơ bản của tất cả người dùng dịch vụ kỹ thuật số được bảo vệ; để thiết lập một sân chơi bình đẳng nhằm thúc đẩy sự đổi mới, tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, cả trong Thị trường chung Châu Âu và trên toàn cầu. Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (AI) đặt ra các quy tắc hài hòa cho việc phát triển, đưa ra thị trường và sử dụng các hệ thống AI ở Liên minh Châu Âu, tuân theo cách tiếp cận dựa trên rủi ro tương ứng. Đạo luật đưa ra một phương pháp luận về rủi ro vững chắc để xác định các hệ thống AI “có rủi ro cao” , gây ra rủi ro đáng kể đối với sức khỏe, sự an toàn hoặc các quyền cơ bản của con người. Các hệ thống AI đó sẽ phải tuân thủ một loạt yêu cầu bắt buộc theo chiều ngang đối với AI đáng tin cậy và tuân theo các quy trình đánh giá sự phù hợp trước khi các hệ thống đó có thể được đưa vào thị trường EU. Các nghĩa vụ rõ ràng được đặt ra đối với các nhà cung cấp hệ thống AI để đảm bảo an toàn và tôn trọng luật pháp hiện hành bảo vệ các quyền cơ bản trong toàn bộ vòng đời của hệ thống AI. Ngày 9 tháng 12 năm 2023 - Hội đồng và Nghị viện đạt được thỏa thuận tạm thời về Đạo luật Trí tuệ nhân tạo. Tóm lại, so sánh thực trạng hành lang pháp lý phục vụ phát triển kinh tế số của Việt Nam so với EU, Hàn Quốc và Trung Quốc thì chúng ta thấy rằng: Thứ nhất, về bảo vệ dữ liệu. Quy định hiện hành của Việt Nam so với các nước là chậm trễ trong việc ban hành đạo luật bảo vệ dữ liệu. Hiện nay chúng ta điều chỉnh vấn đề này là dưới dạng văn bản dưới luật, có thể đánh giá là bước tiến chậm mà chắc, chuẩn bị cho trong tương lai, ban hành văn bản Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân như các nước. Chúng ta cũng không có đạo luật nói chung về dữ liệu như Luật bảo mật dữ liệu của Trung Quốc hay Đạo luật quản trị dữ liệu của EU bên cạnh văn bản Luật về dữ liệu cá nhân. Thứ hai, về chữ ký điện tử và thương mại điện tử. Quy định về chữ ký điện tử nằm trong văn bản Luật giao dịch điện tử năm 2023 của Việt Nam với số lượng điều luật khá khiêm tốn là 06 điều luật. Quy định về thương mại điện tử vẫn đang được thể hiện tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử. So với Hàn 695
  7. Quốc và Trung Quốc thì hai quốc gia này họ đều có văn bản luật chuyên biệt điều chỉnh về chữ ký điện tử và Luật thương mại điện tử. Thứ ba, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Bản chất của kinh tế số là sử dụng công nghệ hiện đại. Cho nên, ở Hàn Quốc đã đang trong quá trình xem xét Dự luật về trí tuệ nhân tạo, trong khi đó Luật về điện toán đám mây đã được ban hành. Ở EU thì Đạo luật Trí tuệ nhân tạo còn chờ đợi bước thủ tục cuối cùng là đạt được sự đồng thuận và công bố chính thức thì đạo luật sẽ được có hiệu lực. Ở Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có văn bản điều chỉnh cho các công nghệ mới như AI hay điện toán đám mây (Cloud Computing). Thứ tư, chính phủ điện tử. Hàn Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực chính phủ số và đã dẫn đầu kinh nghiệm phát triển về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho nhiều quốc gia. Có nhiều yếu tố đằng sau vị thế thống trị của Hàn Quốc trong lĩnh vực chính phủ số, nhưng yếu tố quan trọng nhất có thể bị bỏ qua là việc ban hành đạo luật về chính phủ điện tử. Năm 2001, Hàn Quốc ban hành đạo luật chính phủ điện tử đầu tiên trên thế giới nhằm giảm bớt tài liệu giấy và cung cấp dịch vụ hành chính điện tử cho công chúng (Choong Sik Chung, 2019). Năm 2022, theo bảng xếp hạng Chỉ số chính phủ điện tử do Liên Hợp Quốc công bố thì Hàn Quốc xếp hạng thứ 3 trên thế giới. Trong khi đó, ở Việt Nam, hiện chúng ta có văn bản Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Dưới góc độ khung pháp lý còn chưa đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử và cơ chế bảo đảm thực thi nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử chưa đủ mạnh nên kết quả triển khai nhiều nhiệm vụ về Chính phủ điện tử cũng còn chậm và nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức (Nguyễn Thị Thùy Dung, 2023). Trong bảng xếp hạng về chỉ số, thì Việt Nam xếp hạng thứ 86. Vậy, việc không có các văn bản điều chỉnh trên có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của kinh tế số của Việt Nam không? Câu trả lời là có. Bởi lẽ dựa vào các luận cứ sau đây: Một là, kinh nghiệm các nước cho thấy, khung pháp lý trụ cột của kinh tế số cần phải giải quyết tốt các vấn đề như điều chỉnh về dữ liệu; bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân; chính phủ điện tử; thúc đẩy sự phát triển của AI, Big Data hay Cloud Computing và thương mại điện tử. Hai là, bước vào kỷ nguyên kinh tế số, rủi ro bảo mật dữ liệu ngày càng nghiêm trọng, vấn đề quản trị dữ liệu được đặt lên hàng đầu. Nhu cầu cần có một đạo luật chuyên biệt điều chỉnh về dữ liệu rất cấp thiết, chúng ta cần một đạo luật điều chỉnh để xác định các tiêu chuẩn chống độc quyền trong lĩnh vực dữ liệu hay vấn đề quản trị dữ liệu về khái niệm, về phạm vi và các tính chất căn bản của dữ liệu, về sự phân loại dữ liệu bao gồm dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân… xác định quy chế quyền tài sản cho dữ liệu và vấn đề quyền sở hữu trí tuệ dữ liệu, vấn đề bảo vệ quyền riêng tư đối với dữ liệu nói chung, vấn đề quy định rõ ràng về quyền tài phán và bảo vệ quyền riêng tư áp dụng cho dữ liệu truyền thông bởi lẽ như tính minh bạch của thuật toán hay việc sử dụng các công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Mặt khác, hiện nay, trong khung pháp lý chúng ta mới đang có Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nghị định là văn bản pháp lý đầu tiên tại Việt Nam chính thức sử dụng khái niệm dữ liệu cá nhân, quy định về nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các chủ thể có hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân. Nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm 03 loại nghĩa vụ về nhân sự, hành chính, kĩ thuật và được xây dựng dựa trên 04 nguyên tắc gồm đồng thuận, tối thiểu, bảo mật và hợp pháp. Tuy nhiên, so sánh với Đạo luật quản trị dữ liệu 2022 của EU thì thấy rằng đạo luật này có quy định việc sử dụng lại dữ liệu, trong khi đó Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Việt Nam chưa có quy định này. Nên chăng đặt ra nguyên tắc hợp lý và tương thích: cho phép sử dụng lại dữ liệu cá nhân vào mục đích khác mục đích ban đầu trong trường hợp không ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ thể dữ liệu và sử dụng biện pháp bảo mật tương thích để bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nguyên tắc này có thể được giải thích cặn kẽ hơn trong nghĩa vụ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân (Phạm Lê, 2023). Hơn nữa, quy định của Nghị định vẫn hạn chế ở khái niệm dữ liệu cá nhân chưa chuẩn xác, “Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể”. Bởi vì, “dữ liệu” nên được hiểu tách biệt ra khỏi định nghĩa về “thông tin”. Dữ liệu có bản chất là các dấu hiệu, hoặc nhiều dấu hiệu được tập hợp lại thành hệ thống. Nếu như dữ liệu là hình thức thể hiện thì thông tin là ngữ nghĩa nội dung có thể trích xuất được từ hình thức thể hiện đó. Do đó, dữ liệu thường “thô”, giản đơn và không phức tạp như “thông tin”, bởi chúng cần được khái quát để trở thành “thông tin” (Đỗ Giang Nam và Đào Trọng Khôi, 2023). Mặt khác, xét hành lang pháp lý thì Việt Nam mới có văn 696
  8. bản về bảo vệ dữ liệu cá nhân, còn các dữ liệu phi cá nhân hay dữ liệu khác thì chưa có sự quy định. Hay nói cách khác, Việt Nam vẫn còn thiếu văn bản pháp lý điều chỉnh về bảo vệ dữ liệu chung. Ba là, Cloud Computing và AI là cơ sở hạ tầng cốt lõi của nền kinh tế kỹ thuật số, thu thập, lưu trữ và xử lý lượng lớn dữ liệu để kích hoạt đổi mới công nghiệp. Hiện Luật viễn thông năm 2023 cũng có những quy định liên quan đến việc điều chỉnh bảo mật thông tin quyền riêng tư trong môi trường điện toán đám mây. Nhưng về lâu về dài để phục vụ cho sự phát triển kinh tế số của Việt Nam thì rất cần ban hành đạo luật chuyên biệt cho các công nghệ như AI, Cloud Computing. Bốn là, với bản chất của nền tảng thương mại điện tử thì quy định về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại điện tử hay quy định điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử hoặc trách nhiệm liên đới của bên trung gian trong thương mại điện tử là các vấn đề cần được xem xét. Cho nên nhu cầu cần có đạo luật chuyên biệt về thương mại điện tử sau ngần ấy năm dưới dạng cấp độ Nghị định về thương mại điện tử sẽ là bước tiến về chất để phục vụ cho việc phát triển thương mại điện tử trong nền kinh tế số. Năm là, phát triển kinh tế số cần thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử. Vai trò của chính phủ điện tử đối với nền kinh tế số được thể hiện ở các khía cạnh sau: (1) tạo môi trường pháp lý minh bạch cho quá trình phát triển kinh tế số; (2) hỗ trợ đẩy nhanh quá trình xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng của cho phát triển nền kinh tế số. Quá trình xây dựng chính phủ điện tử cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước tăng cường đầu tư về các yếu tố liên quan đến hạ tầng công nghệ, kỹ thuật. Điều này không chỉ trực tiếp xây dựng chính phủ điện tử mà còn góp phần tạo dựng các điều kiện thuận lợi để triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cho nền kinh tế số; (3) đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực số, chuẩn bị sẵn sàng nền kinh tế số. Để xây dựng được nguồn nhân lực số, vai trò của Chính phủ điện tử là hết sức quan trọng. Bởi lẽ, Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, tạo cơ chế, môi trường thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của toàn xã hội, làm xuất hiện xã hội số; (4) đẩy nhanh việc số hoá các thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường số giữa Chính phủ với các doanh nghiệp (Nguyễn Văn Thành, 2020). Ở Việt Nam, ngày 14 tháng 10 năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử với mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc. Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: xây dựng chính phủ số có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội và hình thành chính phủ số vào năm 2030. Quyết định số 942/QĐ-TTg đề ra 06 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; phát triển cơ sở dữ liệu số quốc gia; phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng chính phủ điện tử minh chứng là năm 2022, theo bảng xếp hạng của Báo cáo chính phủ điện tử do Liên Hợp Quốc công bố thì Việt Nam có xếp hạng thứ 86/193 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập, vướng mắc, đòi hỏi cần có giải pháp đột phá để tiếp tục xây dựng chính phủ điện tử, mặt khác, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đến năm 2025, xếp hạng quốc gia về chính phủ điện tử của Việt Nam vào top 50; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 80%; số lượng giao dịch qua nền tảng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đạt 860 triệu giao dịch; tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước đạt 100%. Cho nên, việc xây dựng và ban hành Luật chính phủ điện tử sẽ là giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cũng như góp phần nâng cao vị thế xếp hạng của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì chúng ta cũng nên lưu ý rằng Hàn Quốc và Hoa Kỳ đều nằm trong Top 10 bảng xếp hạng quốc gia có chỉ số chính phủ điện tử mà cả hai quốc gia này đều có văn bản luật chuyên biệt về chính phủ điện tử. Sáu là, thiếu quy định pháp lý điều chỉnh về tài sản ảo. Đánh giá theo kinh nghiệm nước ngoài, tài sản ảo là vô hình, không sở hữu và không độc quyền, được đại diện bởi thiết bị trò chơi, có giá trị trong không gian nền tảng mạng. Do đó, những đặc điểm này đều xác định rằng tài sản ảo không thể áp dụng các phương tiện truyền thống được áp dụng cho tài sản hữu hình mà chỉ có thể hình thành một loại khung điều chỉnh pháp lý mới cho nó. So sánh với Trung Quốc, theo Điều 127 Bộ luật Dân sự, nếu pháp luật có quy định về bảo vệ dữ liệu, tài sản ảo mạng thì quy định đó sẽ được áp dụng. Đồng 697
  9. thời, theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao, đã thêm “Tranh chấp về hành vi xâm phạm tài sản ảo trên mạng” là một trong những tranh chấp thuộc thẩm quyền vụ việc của tòa án. Và vì thế, Bitcoin, ... có thể được coi là tài sản ảo ở Trung Quốc và được pháp luật bảo vệ trừ khi không có quy định đặc biệt nào không được pháp luật bảo vệ. 3.3. Một số đề xuất nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển kinh tế số của Việt Nam Nền kinh tế số gắn liền với sự phát triển chung của đất nước. Hiện nay, nền kinh tế số ngày càng trở thành động lực chủ chốt trong việc định hình lại cơ cấu kinh tế toàn cầu và thay đổi cục diện cạnh tranh toàn cầu. Là một quốc gia trong phát triển nền kinh tế số toàn cầu, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các luật, quy định liên quan trong lĩnh vực này nhằm đối mặt với những vấn đề mới, tranh chấp mới do các ngành công nghiệp mới và hình thức kinh doanh mới mang lại. Chỉ bằng cách tích cực xây dựng và hoàn thiện, chúng ta mới có thể thúc đẩy tốt hơn quá trình chuyển đổi số trong sản xuất, đời sống và quản trị xã hội, thúc đẩy tốt hơn các dịch vụ kinh tế số và hội nhập vào mô hình phát triển mới, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa. Vấn đề xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh trong bối cảnh kinh tế số cần đảm bảo nội dung: Đầu tiên, cần có cách tiếp cận cân bằng khi xem xét mối quan hệ giữa “quy định” và “đổi mới và tăng trưởng”, thay vì áp dụng quan điểm đối đầu. Thứ hai, là bước sơ bộ để thiết lập khung pháp lý mới như vậy, cần phải xem xét kỹ lưỡng liệu khung pháp lý hiện tại có thể hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế kỹ thuật số hay không. Đây là một quá trình thiết yếu để xác định hướng đi và mức độ sửa đổi, đồng thời dự kiến rằng một hệ thống quy chuẩn chặt chẽ hơn sẽ được thiết lập thông qua việc sửa đổi dựa trên kết quả xem xét. Cho nên, hành lang pháp lý của Việt Nam cần bổ sung xem xét ban hành các đạo luật chuyên biệt, cụ thể: Một là, Giải pháp tạm thời là tiến hành rà soát, tổng kết đánh giá thực hiện Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Giải pháp lâu dài, cần sớm ban hành Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Bảo mật Dữ liệu nhằm tạo khung pháp lý về bảo mật thông tin và bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu. Nghĩa là, xây dựng văn bản pháp lý chuyên biệt về dữ liệu, về bảo vệ dữ liệu hay quản trị dữ liệu làm nền tảng đẩy mạnh ứng dụng KHDL. Trong đó xác định rõ khái niệm dữ liệu (cần phân biệt với thuật ngữ thông tin vì dữ liệu là một hoặc tập hợp các dấu hiệu); phân loại dữ liệu; về phạm vi và các tính chất căn bản của dữ liệu, xác định quy chế quyền sở hữu cho dữ liệu; quyền sở hữu trí tuệ dữ liệu; vấn đề cạnh tranh dữ liệu; cơ quan có thẩm quyền quản lý và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan với nhau trong quản trị dữ liệu; trách nhiệm của người thực hiện xử lý dữ liệu. Hai là, để xây dựng cơ sở hạ tầng cho kinh tế số, cần thiết nghiên cứu và ban hành Đạo luật điện toán đám mây và Đạo luật về trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới. Cũng như, ban hành Luật về chính phủ điện tử, Luật thương mại điện tử để tạo khung pháp lý vững chắc cho nền kinh tế số. Ban hành văn bản điều chỉnh về tài sản ảo, trong đó, tập trung nhận diện bản chất pháp lý của tài sản ảo, tài sản mã hóa thông qua làm rõ những khái niệm liên quan tới tiền mã hóa, tiền ảo tại Việt Nam; Xây dựng các tiêu chí cụ thể về mặt pháp lý và công nghệ để từ đó, cấp phép hoạt động cho các sàn giao dịch tài sản mã hóa và các công ty trung gian trong lĩnh vực này tại Việt Nam; Xây dựng khung pháp lý phù hợp đối với tài sản ảo; Xác định rõ vấn đề thừa kế di sản là tài sản ảo…(Vũ Phong, 2022). 4. Kết luận Để phát triển kinh tế số ở Việt Nam thì hành lang pháp lý đóng vai trò nền tảng quan trọng. Cho nên việc nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện pháp luật sẽ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế trong điều kiện kinh tế số theo đúng tinh thần tại Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Thông tin và Truyền thông. (2022). Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023. NXB Truyền thông và Thông tin. 2. Choong Sik Chung. (2019). A Comparative Study of Digital Government Policies, Focusing on E-Government Acts in Korea and the United States, Electronics. 2019; 8(11):1362. https://doi.org/10.3390/electronics8111362. 3. Nguyễn Thị Thùy Dung. (2023). Hoàn thiện thể chế về kinh tế số ở Việt Nam: Thực trạng vàgiảipháp. Truy cập ngày 12/1/2024tại: https://giaoduclyluanhcma.vn/Default.aspx?portalid=33&tabid=19&distid=2409&name=Hoan thien- the-che-ve-kinh-te-so-o-Viet-Nam:-Thuc-trang-va-giai-phap. 698
  10. 4. Trương Thị Hiền. (2022). Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế số. Truy cập ngày 13/1/2024 tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/825738/viet-nam-day-manh-phat-trien-kinh-te-so.aspx. 5. Trần Hoàng Hải và Quách Thị Hà. (2023). Đặc trưng của kinh tế số và một số giải pháp thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Số 11 - tháng 4/2023. 6. Phạm Lê. (2023). Bàn chuyện về bảo vệ quyền riêng tư trong thời đại trí tuệ nhân tạo. Truy cập ngày 13/1/2024 tại: https://cafef.vn/ban-chuyen-bao-ve-quyen-rieng-tu-trong-thoi-dai-tri-tue-nhan-tao-188230618143958942.chn. 7. Nguyễn Thị Miền. (2022). Chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam. Truy cập ngày 18/1/2024tại:http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/4172-chuyen-doi-so-trong- nong-nghiep-nham-phat-trien-ben-vung-nganh-nong-nghiep-viet-nam.html. 8. Đỗ Giang Nam và Đào Trọng Khôi. (2023). Xây dựng quy chế quyền tài sản cho dữ liệu: nhu cầu và thách thức pháp lý. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 09 (481), tháng 05/2023. 9. Vũ Phong. (2022). Bắt đầu nghiên cứu khung pháp lý về quyền sở hữu đối với tài sản ảo. Truy cập ngày 13/1/2024 tại https://vneconomy.vn/bat-dau-nghien-cuu-khung-phap-ly-ve-quyen-so-huu-doi-voi-tai-san-ao.htm. 10. Nguyễn Văn Thành. (2020). Vai trò của chính phủ điện tử trong quá trình xây dựng nền kinh tế số Việt Nam. Truy cập ngày 14/1/2024 tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/vai-tro-cua-chinh-phu-dien-tu-trong-qua-trinh-xay- dung-nen-kinh-te-so-viet-nam-74778.htm. 699
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2