intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Học theo dự án - một định hướng đổi mới phương pháp học tập của sinh viên ngành Giáo dục mầm non

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

26
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Học theo dự án - một định hướng đổi mới phương pháp học tập của sinh viên ngành Giáo dục mầm non giới thiệu về phương pháp học theo dự án (HTDA) như là một định hướng đổi mới phương pháp học tập của sinh viên ngành giáo dục mầm non.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Học theo dự án - một định hướng đổi mới phương pháp học tập của sinh viên ngành Giáo dục mầm non

  1. HỌC THEO DỰ ÁN - MỘT ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON LÊ THỊ NHUNG - NGUYỄN TUẤN VĨNH Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên (trong đó có giáo viên mầm non) là một chủ trương lớn của giáo dục đại học Việt Nam. Một trong những việc làm quan trọng để đáp ứng chủ trương trên là đổi mới phương pháp (PP) dạy học giúp sinh viên chủ động khám phá tri thức. Nghiên cứu này giới thiệu về phương pháp học theo dự án (HTDA) như là một định hướng đổi mới phương pháp học tập của sinh viên ngành giáo dục mầm non (GDMN). Từ khoá: học theo dự án, phương pháp học tập, giáo dục mầm non. 1. MỞ ĐẦU Để đạt được mục tiêu “đổi mới cơ bản và toàn diện, tạo được sự chuyển biến cơ bản về chất lượng, hiệu quả và quy mô, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế”, Nghị quyết về “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020” đã chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp đổi mới: “…Triển khai đổi mới PP đào tạo theo 3 tiêu chí: trang bị cách học, phát huy tính chủ động của người học; sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động dạy và học; khai thác các nguồn tư liệu giáo dục mở và nguồn tư liệu trên mạng Internet…”(Chính phủ, 2005)[2]. Như vậy, đổi mới về PP dạy và học là một trong những nội dung của đổi mới giáo dục đại học hiện nay. Nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên, rất nhiều PP dạy học chủ động đã được sử dụng phổ biến ở các trường tiên tiến trên thế giới và Việt Nam. DHTDA là một trong những PP dạy học giúp người học có cơ hội được trải nghiệm và phát huy năng lực tự học tối ưu. Đây là PP tổ chức việc dạy và học thông qua các dự án hay công trình thực tế. Từ các dự án này, người học sẽ tham gia vào việc đưa ra ý tưởng, thiết kế, quyết định các hoạt động có liên quan đến dự án. Với DHTDA, người học sẽ phải làm việc theo nhóm và khám phá những vấn đề gắn liền với cuộc sống, sau đó sẽ thuyết trình trước lớp và chia sẻ những gì họ đã làm được trong dự án của mình. Trong buổi thuyết trình có thể sử dụng các phương tiện nghe nhìn, một vở kịch, một bản báo cáo viết tay, một trang web hoặc một sản phẩm được tạo ra. Theo Bransford và Stein (1993), phương pháp học dựa trên dự án chú trọng tới những hoạt động học có tính chất lâu dài, liên ngành và thường gắn với những vấn đề nảy sinh từ đời sống hiện tại. Bên cạnh đó, DHTDA còn tạo ra những cơ hội nhằm giúp người học theo đuổi được những sở thích của mình, và tự mình đưa ra quyết định về câu trả lời hay tìm ra giải pháp cho các vấn đề trình bày trong dự án. (Nguyễn Thành Hải, Phùng Thúy Phượng, Đồng Thị Bích Thủy, 2010)[4]. 358
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 Với những ưu việt của DHTDA, ứng dụng PP này trong đào tạo ngành giáo dục mầm non là hết sức cần thiết, giúp sinh viên không chỉ có kiến thức lí luận và còn có kĩ năng nghề nghiệp, làm nền tảng cho việc áp dụng DHTDA vào bậc học mầm non. 2. THỰC TRẠNG PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON Qua thực tế giảng dạy và đào tạo sinh viên (SV) ngành giáo dục mầm non tại trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, chúng tôi nhận thấy SV chủ yếu sử dụng các phương pháp học tập sau đây: Một là PP nghe giảng và ghi chép. Đây được xem là PP học truyền thống trong giáo dục đại học. Với PP nghe giảng và ghi chép, SV nắm vấn đề nhờ được giảng viên thuyết trình và ghi chép lại. Trong thời gian ngắn, SV có thể nắm một lượng kiến thức lớn và học hỏi cách sử dụng ngôn ngữ, khả năng sư phạm từ giảng viên. Tuy vậy, PP này dễ khiến SV trở nên thụ động trong việc tiếp thu kiến thức dẫn đến dễ bị ức chế, không phát huy được năng lực sáng tạo trong học tập, khả năng lưu giữ thông tin thấp, khó vận dụng trong thực tế... Hai là PP làm việc nhóm. SV có thể chia thành nhiều nhóm nhỏ, các thành viên trong nhóm phải làm việc, trao đổi để đưa ra ý kiến chung. Ưu điểm của PP này là có thể tích cực hóa người học. Trong quá trình làm việc nhóm, SV biết tự chủ, biết cách phối hợp với các thành viên khác trong nhóm, nâng cao kĩ năng thuyết trình trước đám đông. Tuy nhiên, PP này không phù hợp với những SV lười học, thiếu ý thức tự chủ, chờ hưởng lợi từ kết quả của nhóm. Ba là PP Seminar. Dưới sự điều khiển của giảng viên, SV trình bày, thảo luận, tranh luận các vấn đề môn học đặt ra. SV chủ động hoàn toàn từ khâu chuẩn bị tài liệu, trình bày nội dung, đưa dẫn chứng, trao đổi, thảo luận với các thành viên khác và cuối cùng rút ra nội dung bài học. Để buổi Seminar thành công, SV buộc phải tự tìm hiểu trước vấn đề sẽ thảo luận như đọc giáo trình, tài liệu liên quan, suy nghĩ về vấn đề sẽ thảo luận để lựa chọn cho mình cách hiểu và bảo vệ quan điểm cá nhân. PP này cũng ít hiệu quả đối với các SV yếu kém vì SV khó hệ thống, khó tiếp thu bài học. Bốn là PP sử dụng sơ đồ tư duy. PP này rất hữu ích, giúp SV trình bày các ý tưởng rõ ràng, liên kết, sáng tạo. Thông tin về vấn đề hay bài học được tóm tắt một cách logic, hệ thống theo sơ đồ tư duy. Từ đó, SV tăng cường khả năng ghi nhớ, đưa ra ý tưởng mới. PP này đòi hỏi SV lựa chọn nội dung phù hợp vì một số nội dung khi sơ đồ hóa không làm rõ được vấn đề. Nếu lạm dụng PP sử dụng sơ đồ tư duy cũng sẽ gây mất phương hướng trong việc tiếp thu tri thức. Năm là PP giải quyết vấn đề. Với PP này, SV được đưa vào những tình huống có vấn đề cần giải quyết nhằm tìm hiểu và vận dụng tri thức lí luận vào thực tiễn. PP này giúp nâng cao tính liên kết giữa lí luận và thực tiễn, từ đó SV sẽ hứng thú, chủ động và sáng tạo trong hoạt động ứng dụng. Ở mức độ cao hơn, SV có thể vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề đặt ra trong tình huống. Tuy nhiên, đây là một trong 359
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 những PP dạy học hiện đại nên SV khó tiếp thu tri thức nếu không năng động, tư duy cao và sáng tạo. Vì vậy, một số bộ phận SV không thích ứng được khi đã quen với PP học truyền thống. Sáu là PP sử dụng công nghệ thông tin. Sử dụng công nghệ thông tin là kĩ năng cần thiết trong thời đại khoa học công nghệ. Điều đó đòi hỏi SV phải nắm chắc và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin để thiết kế các giáo án điện tử. Bên cạnh đó, môi trường đa phương tiện, đa kênh sẽ giúp SV học bằng đa giác quan. Nhờ vậy, SV khai thác hiệu quả ngân hàng dữ liệu khổng lồ, đa dạng, sinh động nhờ những thành tựu công nghệ. PP này đã đạt được kết quả khả quan trên người học, nhưng do thời lượng tìm hiểu hạn chế, phương tiện hiện đại chưa được đáp ứng đủ, khả năng tự học của sinh viên chưa cao. Bảy là PP nghiên cứu khoa học. Học thông qua nghiên cứu cũng là PP đang được SV chú trọng. Các nghiên cứu của SV ở dạng bài tập lớn, tiểu luận, nghiên cứu khoa học cấp khoa, cấp trường, khóa luận tốt nghiệp... đã và đang được triển khai. Đây là PP giúp SV thực hiện phương châm học đi đôi với hành, lí luận gắn với thực tiễn. Nhờ việc nghiên cứu khoa học, SV tự tin hơn, có bản lĩnh thích ứng với thực tế, hiểu rõ và kiểm chứng được lí luận. Trên thực tế, đây là PP khó khăn đối với đại bộ phận SV vì đòi hỏi sự đam mê, lòng quyết tâm, nền tảng tri thức vững chắc và kĩ năng thuần thục. Nhìn chung, trong số những PP thường sử dụng của SV ngành Giáo dục mầm non hiện nay, mỗi PP đều có ưu, nhược điểm riêng. Điều quan trọng là SV cần lựa chọn cách học phù hợp để đáp ứng mục tiêu của ngành học. Vì chưa xác định được phương pháp học tập hiệu quả cho cá nhân và tập thể nên một số lượng lớn SV vẫn còn thói quen học tập thụ động, chỉ thích ghi chép bài, ngại phát biểu ý kiến, tham gia hoạt động nhóm không tích cực, không có thói quen đọc bài giảng trước khi đến lớp và không chủ động tìm kiếm tài liệu liên quan. Rất ít SV tiếp cận vấn đề bằng sơ đồ tư duy mà chủ yếu học máy móc, học thuộc lòng. Khả năng tự phát hiện và giải quyết vấn đề và sử dụng công nghệ thông tin chưa linh động. Điều này đòi hỏi sinh viên cần tiếp cận nhiều phương pháp dạy học tích cực khác nhằm hạn chế phần nào nhược điểm của PP dạy học thông thường, kế thừa ưu điểm của nhiều phương pháp dạy học khác nhau, phù hợp với đặc thù ngành Giáo dục mầm non. 3. HỌC THEO DỰ ÁN - MỘT PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP TÍCH CỰC CHO SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON 3.1. Dự án học tập Thuật ngữ dự án, tiếng Anh là “Project”, có nguồn gốc từ tiếng Latin “Proicere” và được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Theo nghĩa thông thường, có thể hiểu dự án là một dự định, một kế hoạch cần được thực hiện trong điều kiện thời gian, phương tiện tài chính, nhân lực, vật lực xác định nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Dự án có tính phức hợp, tổng thể (Nguyễn Văn Cường, 2010)[3]. Như vậy, một dự án nói chung có những đặc điểm: mục tiêu xác định 360
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 rõ ràng; thời gian quy định cụ thể; có nguồn tài chính, vật chất, nhân lực giới hạn; mang tính duy nhất; mang tính phức hợp tổng thể; được thực hiện trong hình thức tổ chức dụ án chuyên biệt. Dựa theo nội dung dự án, có thể chia thành các loại dự án: Dự án đầu tư xây dựng; dự án nghiên cứu - phát triển; dự án tổ chức; dự án hỗn hợp. Tên gọi dự án cũng không giống nhau khi thực hiện những nhiệm vụ khác nhau. Dự án sử dụng trong nghiên cứu khoa học, quản lí kinh tế, quản lí xây dựng… là dự án thực tiễn. Trong dạy học, dự án được gọi là dự án học tập. Dự án học tập là một nhiệm vụ học tập trong dạy học theo dự án, trong đó mục tiêu của dự án là mục tiêu của dạy học. Do đó, sản phẩm của dự án học tập là phương tiện để đạt được mục tiêu dạy học. Quy mô của dự án học tập nhỏ hơn dự án trong thực tiễn và phải do người học thực hiện. Vì vậy, khi xây dựng một dự án học tập, vừa phải dựa vào đặc điểm và tiến trình của một dự án nói chung, vừa phải dựa vào các quan điểm của lí luận dạy học (Lê Khoa, 2015)[5]. Dự án học tập có thể phân loại theo nhiều phương diện khác nhau. Theo chuyên môn, có dự án trong một môn học, dự án liên môn, dự án ngoài chuyên môn. Theo sự tham gia của người học, phân thành dự án cho nhóm học sinh và dự án cá nhân. Theo sự tham gia của giáo viên, có dự án dưới sự hướng dẫn của một giáo viên và dự án với sự cộng tác, hướng dẫn của nhiều giáo viên. Theo thời gian, chia ra dự án nhỏ, dự án trung bình, dự án lớn. Theo nhiệm vụ, có dự án tìm hiểu, dự án nghiên cứu, dự án thực hành, dự án hỗn hợp. Tuy nhiên, các loại dự án học tập này không hoàn toàn tách biệt mà có sự lồng ghép, đan xen nhau, góp phần thực hiện hiệu quả PP dạy học theo dự án. Quá trình thiết kế và thực hiện một dự án thường được phân chia thành 5 giai đoạn: (1) Xác định chủ đề và mục tiêu dự án. Người học đề xuất ý tưởng, thảo luận để xác định chủ đề và mục đích dự án dưới sự hướng dẫn của người dạy; (2) Lập kế hoạch dự án. Người học dưới sự hướng dẫn của người dạy xây dựng đề cương cũng như kế hoạch cho việc thực hiện dự án. Để xây dựng kế hoạch, cần xác định những công việc cần làm, thời gian dự kiến, vật liệu, kinh phí, phương pháp tiến hành và phân công công việc trong nhóm; (3) Thực hiện dự án. Các thành viên thực hiện công việc theo kế hoạch đã đề ra. Trong giai đoạn này, người học thực hiện các hoạt động trí tuệ và hoạt động thực tiễn, thực hành. Những hoạt động này xen kẽ và tác động qua lại lẫn nhau. Kiến thức lí thuyết, các phương án giải quyết vấn đề được thử nghiệm qua thực tiễn. Nhờ đó, sản phẩm của dự án và thông tin mới được tạo ra; (4) Kết thúc dự án. Sản phẩm của dự án có thể trình bày dưới dạng bài thu hoạch, bài báo, báo cáo…, cũng có thể là những hoạt động phi vật chất như biểu diễn một vở kịch, tổ chức sinh hoạt… trước nhóm sinh viên hay trong nhà trường, ngoài xã hội. Trong giai đoạn kết thúc dự án, người học cũng tham gia đánh giá quá trình thực hiện và kết quả dự án. Từ đó, người học rút ra kinh nghiệm cho việc thực hiện các dự án tiếp theo. 3.2. Những ưu điểm của HTDA đối với SV ngành GDMN Nhằm thực hiện mục tiêu chung “đào tạo cử nhân ngành giáo dục mầm non có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để thực hiện công tác 361
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 giáo dục trẻ và có khả năng học ở trình độ cao hơn”, chương trình đào tạo đại học ngành GDMN đã đặt ra những mục tiêu cụ thể về phẩm chất đạo đức, kiến thức, kĩ năng cần hình thành ở SV. Trong đó, để hình thành năng lực nghề nghiệp, SV phải nắm hệ thống kiến thức giáo dục đại cương, bao gồm kiến thức khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội. Các kiến thức đại cương là cơ sở và nền tảng để SV học các học phần chuyên ngành. Giữa các học phần trong khối kiến thức đại cương hay chuyên ngành đều có mối liên quan nhằm hướng đến đào tạo người giáo viên mầm non tương lai vững về kiến thức, có kĩ năng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non và có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp theo yêu cầu. Như vậy, để đáp ứng mục tiêu đào tạo, xác định phương pháp học tập phù hợp là một trong những yếu tố quyết định chất lượng học của SV ngành GDMN. Bên cạnh đó, đối tượng giáo dục của SV ngành GDMN sau này là trẻ mầm non từ 3 tháng đến 6 tuổi. Chương trình GDMN được ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ, xu hướng của GDMN hiện nay là giáo dục tích hợp theo chủ đề [1]. Các hoạt động của trẻ mang tính tích hợp cao, đòi hỏi giáo viên mầm non cần có kiến thức tích hợp để tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Vì vậy, sinh viên GDMN cũng cần có phương pháp trau dồi chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp sau này. Với những đặc thù của hoạt động học của sinh viên ngành GDMN, HTDA hoàn toàn phù hợp để áp dụng vào quá trình học tập của SV. HTDA có những ưu điểm đối với SV ngành GDMN như sau: Đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp học tập ở bậc đại học. Để thực hiện nhiệm vụ đổi mới theo Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ ngày 02 tháng 11 năm 2005 về “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020”, SV ngành GDMN cần linh hoạt áp dụng các phương pháp học tập hiện đại nhằm khắc phục hạn chế của PP học truyền thống. HTDA sẽ giúp tăng tính chủ động cho SV. Bằng cách học này, SV chủ động trong tất cả quá trình học tập từ việc tìm kiếm các ý tưởng, quyết định chủ đề, đưa ra mục tiêu, xây dựng kế hoạch đến khâu thực hiện, tạo sản phẩm, trình bày và đánh giá dự án. Nhờ đó, tính tự lực, tích cực và khả năng sáng tạo của SV được phát huy. Trong quá trình SV thực hiện dự án, giảng viên giữ vai trò là người kích thích, khơi ngòi, động viên và hỗ trợ sinh viên khi cần thiết. Kích thích hứng thú, động cơ học tập của SV. Nhờ việc trang bị cho sinh viên cách học hiệu quả, HTDA giúp SV được thực hiện những ý tưởng phù hợp với nhận thức và nhu cầu của bản thân. SV ngành GDMN cần hình thành cho mình tri hệ thống kiến thức đại cương và chuyên ngành, có kĩ năng thực hiện các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ và phẩm chất người giáo viên xã hội chủ nghĩa. Thông qua các dự án học tập, SV sẽ thấy thú vị hơn và dễ dàng hơn. Với các sản phẩm đa dạng xuất phát từ sở thích, SV sẽ nhớ lâu hơn và tự tích lũy các vấn đề cần thiết, hình thành động cơ học tập đúng đắn, phục vụ cho nghề nghiệp tương lai. Rèn luyện kĩ năng hoạt động nhóm cho SV. Trong quá trình HTDA, SV tham gia làm việc nhóm để đi tới sản phẩm cuối cùng. Hoạt động nhóm cũng giúp tạo sự liên kết và hợp tác giữa các thành viên trong nhóm cũng như giữa SV với giảng viên. Khả năng trình bày, thuyết phục, tư duy phản biện và trao đổi thông tin cũng có cơ hội được 362
  6. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 nâng cao nhờ sự tương tác giữa các thành viên trong nhóm. Đây là kĩ năng càng cần thiết cho môi trường làm việc của sinh viên sau này bởi thông thường, một nhóm/ lớp mầm non có từ 2 - 3 giáo viên. Trong một hoạt động, thường có giáo viên chính và giáo viên phụ. Nếu không có kĩ năng hoạt động nhóm, giáo viên sẽ khó có thể thực hiện tốt công việc của mình. Gắn lí thuyết với thực hành, tư duy với hành động, nhà trường với xã hội. HTDA gắn với thực tiễn xã hội. Chủ đề của dự án được lựa chọn dựa trên thực tiễn xã hội và nghề nghiệp. Đó là các vấn đề liên quan đến hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non. Để giải quyết được các vấn đề trong dự án, đòi hỏi SV phải vận dụng tất cả các kiến thức và kĩ năng vốn có vào hoạt động. Hơn nữa, nội dung hoạt động không chỉ thuần túy về lí thuyết mà SV cần dựa trên lí thuyết đó để trải nghiệm và đưa tất cả những gì thu nhận được vào sản phẩm. Đặc biệt, các hoạt động thực tế tại trường mầm non để tìm hiểu các vấn đề trong dự án sẽ cho SV có cái nhìn thiết thực nhất về nghề nghiệp của mình. Kết hợp hiệu quả với các PP học tập khác. PP HTDA kế thừa và vận dụng ưu điểm của các PP học tập hiện đại khác, bao gồm: PP hoạt động nhóm, PP Xê-mi-na, PP giải quyết vấn đề, PP sơ đồ tư duy, PP sử dụng CNTT, PP nghiên cứu khoa học… Chính vì vậy, PP HTDA thể hiện sự ưu việt của nó trong quá trình học tập của SV ngành GDMN nói riêng và người học nói chung. Để PP này phát huy tác dụng nhiều hơn, SV cần trang bị cho mình những tri thức chung về PP này và có khả năng thực hiện các dự án học tập hiệu quả. Làm cơ sở để áp dụng phương pháp DHTDA cho trẻ mầm non. Dạy học theo dự án không chỉ áp dụng ở bậc phổ thông và đại học. Hiện nay, trên thế giới và ở Việt Nam, đã có nhiều công trình nghiên cứu và cơ sở giáo dục mầm non quan tâm và triển khai phương pháp này. Vì vậy, những kinh nghiệm SV thu nhận được từ việc xây dựng các DAHT sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi tổ chức các dự án dạy học cho trẻ mầm non. 4. BIỆN PHÁP NÂNG CAO KHẢ NĂNG THỰC HIỆN DAHT CHO SV NGÀNH GDMN Thực hiện dự án học tập là một nhiệm vụ trọng tâm của DHTDA và là nhiệm vụ được tiến hành bởi SV. Do đó, cần nâng cao khả năng thiết kế DAHT cho SV bằng những biện pháp phù hợp. 4.1. Bồi dưỡng lí luận về DHTDA Muốn thực hiện được PP DHTDA, sinh viên cần nắm lí luận chung về PP này. Việc tiếp thu tri thức về DHTDA có thể thông qua tài liệu do giảng viên cung cấp, internet, các buổi seminar, hội thảo… Cần thành lập và duy trì hiệu quả các câu lạc bộ học thuật dành cho sinh viên; tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm trao đổi nhằm giới thiệu, trang bị cho sinh viên những phương pháp học tập hiện đại; giao lưu giữa sinh viên với những người thành công trong học tập. Như vậy, với các kênh khác nhau, SV sẽ nắm được khái niệm, phân loại, ưu và nhược điểm, quy trình thực hiện DHTDA nói chung và DAHT nói riêng để hiểu rõ tầm quan trọng của DHTDA. Đặc 363
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 biệt, trước khi tổ chức cho SV thực hiện các DAHT, giảng viên cần nhắc lại quy trình thực hiện các dự án này để SV có định hướng chung và sử dụng hiệu quả PP vào quá trình học tập. 4.2. Tạo hứng thú tham gia DAHT Hứng thú là thành tố đầu tiên ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện các DAHT. Vì vậy, cần tạo hứng thú cho SV tham gia DAHT bằng cách giúp SV nhận thức được mục tiêu và lợi ích của hoạt động. Định hướng ban đầu của giảng viên cũng rất quan trọng bởi sẽ khơi gợi sự tò mò, thích thú, muốn thực hiện dự án cho SV. Việc đáp ứng nhu cầu được hoạt động, được thể hiện bản thân nhiều hơn để giải mâu thuẫn giữa cái đã có và cái chưa có trong nhận thức cũng giúp SV thỏa mãn, đem lại sự khoái cảm và mong muốn nhận thức vấn đề một cách đầy đủ và sâu sắc hơn. 4.3. Gắn các DAHT với thực tiễn GDMN Thực hiện các DAHT cần gắn với các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non. Xác định các chủ đề dự án cần hướng tới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức, phương tiện tổ chức và đánh giá trong GDMN. Chuẩn bị các điều kiện môi trường để SV được trải nghiệm thực tiễn sinh động sẽ tránh nhàm chán, giúp SV thực hiện được nhận thức theo con đường biện chứng “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn”. Được tiếp xúc với thực tiễn GDMN cũng là cách để hun đúc nên tình yêu nghề của SV, là động cơ thúc đẩy SV tích cực hoạt động và thực hiện các dự án thực tiễn. 4.4. Đa dạng hóa các DAHT Có rất nhiều loại dự án khác nhau, tùy cách tiếp cận của giảng viên và sinh viên. Vì vậy, khi tổ chức DHTDA, SV cần xác định loại DAHT phù hợp để thực hiện. Tuy nhiên, mỗi vấn đề học tập lại chứa đựng mức độ thông tin khác nhau. Vì vậy, SV cần phải thực hiện đa dạng các loại dự án, không tập trung vào một loại dự án nhất định. Ngoài ra, cần thực hiện lồng ghép các loại dự án với nhau để hoạt động học tập đạt được hiệu quả tối đa. 5. KẾT LUẬN Đổi mới PP dạy học đại học là chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với các cấp học. Có rất nhiều phương pháp dạy học được sử dụng trong giai đoạn hiện nay, kể cả phương pháp truyền thống lẫn hiện đại. Việc lựa chọn các phương pháp này căn cứ vào mục tiêu, nội dung dạy học. Đối với SV ngành GDMN, bên cạnh các PP thường sử dụng, cần áp dụng PP HTDA, xem đó là một PP ưu việt để tổ chức các hoạt động học hiệu quả. Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp phù hợp sẽ nâng cao được khả năng thực hiện DAHT nói riêng và PP DHTDA nói chung cho SV ngành GDMN. Tuy vậy, tính khả thi và hiệu quả của phương pháp này cần tiếp tục được nghiên cứu về lí luận và thực tiễn, xác định độ tin cậy về mặt khoa học, làm cơ sở để nhân rộng phương học tập theo dự án, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng. 364
  8. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2009), Chương trình giáo dục mầm non, Nxb Giáo dục Việt Nam. [2] Chính Phủ (2005), Nghị quyết về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020. [3] Nguyễn Văn Cường (2009), Lí luận dạy học hiện đại, Trường Đại học Potsdam, Hà Nội. [4] Nguyễn Thành Hải, Phùng Thúy Phượng, Đồng Thị Bích Thủy (2010), Giới thiệu một số phương pháp giảng dạy cải tiến giúp sinh viên học tập chủ động và trải nghiệm, đạt chuẩn đầu ra theo CDIO, Hội thảo CDIO, Đại học Quốc gia Tp HCM. [5] Lê Khoa (2015), Vận dụng phương pháp dạy học theo dự án trong dạy học kiến thức về sản xuất và sử dụng điện năng cho học sinh trung học phổ thông, Luận án Tiến sĩ khoa học giáo dục, Đại học Thái Nguyên. Title: PROJECT-BASED LEARNING - AN INNOVATION IN LEARNING METHOD OF PRE-SHCOOL EDUCATION STUDENTS Abstract: Improving the quality of teacher training (including pre-school teacher training) is a major policy of Vietnamese higher education. One of the key solutions to meet this policy is renovation in teaching method to activate students’ learning activities. This article introduces the project-based learning approach as an innovation in learning method of pre-school education students. Keywords: Project-based learning, learning method, pre-school education THS. LÊ THỊ NHUNG TS. NGUYỄN TUẤN VĨNH Khoa Giáo dục Mầm non - Trường Đại học Sư phạm Huế ĐT: 0975236526; Email: lenhungqb@gmail.com. 365
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2