intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Khai thác thị trường khách du lịch Nhật Bản: Thành tựu và một số vấn đề đặt ra

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

26
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Khai thác thị trường khách du lịch Nhật Bản: Thành tựu và một số vấn đề đặt ra trình bày đặc điểm thị trường khách du lịch Nhật Bản; Tình hình khách du lịch Nhật Bản sang Việt Nam trong những năm gần đây; Triển vọng hợp tác và một số giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác thị trường khách du lịch Nhật Bản.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Khai thác thị trường khách du lịch Nhật Bản: Thành tựu và một số vấn đề đặt ra

  1. KHAI THÁC THỊ TRƯỜNG KHÁCH DU LỊCH NHẬT BẢN: THÀNH TỰU VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA Nguyễn Quốc Toàn(*) EXPLOITING THE JAPANESE TOURISTS MARKET: THE ACHIEVEMENTS AND SOLVING PROBLEMS Abstract Developing tourism is not only one of the important external economic activities but is also a judicious strategy in our country’s plans to develop our economy and social. In recent years, Japan has been one of the “markets” that holds an important percantage of purveying its citizen coming to VietNam. Erasing the limits and proposing many solutions synchronizingly are such important steps to exploit more economically this potential “market” then provide many resources that mainly contribute to our country’s development. * Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, có nhiều nét tương đồng về văn hóa. Trong những năm qua, hai nước thường xuyên tiến hành trao đổi đoàn, từ những chuyến thăm cấp cao cho đến giao lưu giữa nhân dân hai nước. Các hoạt động này giúp tăng sự hiểu biết về đất nước, lịch sử, văn hóa... của nhau, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị tốt đẹp. Đó là những điều kiện thuận lợi bên cạnh nhiều vấn đề còn tồn tại, đòi hỏi phải có sự giải quyết phù hợp, hài hòa để tạo ra bước đột phá, tăng cường hợp tác toàn diện, tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước trong thời gian tới. Xuất phát từ đó, bài viết dưới đây muốn tìm hiểu một số vấn đề về hoạt động khai thác thị trường khách du lịch Nhật Bản trong những năm gần đây thông qua việc nghiên cứu đặc điểm thị trường, thực trạng khách du lịch người Nhật sang Việt Nam, từ đó xem xét triển vọng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới. 1. Đặc điểm thị trường khách du lịch Nhật Bản Nhật Bản là cường quốc kinh tế thứ ba thế giới, dân số trên 127,3 triệu người(1), nổi tiếng là đất nước của những con người say mê công việc và có nhiều ngày lễ cấp quốc gia nhất trong số các nước công nghiệp phát triển trên thế giới. Người lao động được khuyến khích sử dụng những ngày nghỉ này để đi du lịch, nghỉ ngơi. Người Nhật thường có tâm lý tận hưởng cuộc sống bằng những chuyến đi xa bởi đối với họ, đây là liệu pháp giảm căng thẳng, phục hồi sức khỏe, tích lũy thêm kinh nghiệm sống và xây dựng các mối quan hệ. Từ năm 1992, để tạo điều kiện cho người dân, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Quỹ Khuyến khích du lịch dài ngày tại nước ngoài (Japan Long-stay Foundation). Ngoài ra từ năm 2008, “Chiến dịch đi thăm thế giới - Visit World Campaign” cũng đã được phát động. Theo kế hoạch đó, Hiệp hội Du lịch Nhật Bản (JATA) đã tập trung xúc tiến 23 thị trường outbound mục tiêu, trong đó có Việt Nam. Ở Nhật Bản, những ngày nghỉ lễ được chia làm 2 loại: thứ nhất là các kỳ nghỉ mang tính tâm linh và thứ hai là dịp để mọi người đi du lịch, tham quan. Người Nhật đi du lịch đông nhất vào một số thời điểm như đầu Năm mới, nghỉ Xuân tháng Ba, “Tuần lễ vàng” cuối tháng Tư đầu tháng Năm, lễ Obon vào tháng Tám và trong khoảng thời gian từ tháng Mười đến cuối năm. (*) ThS., Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, Tây Ninh.
  2. Các điểm đến được du khách Nhật ưa thích là những nơi có phong cảnh đẹp, các điểm di tích lịch sử, thân thiện với môi trường, có ẩm thực đặc biệt, có giá trị về nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ; những nơi có ưu thế về mua sắm, hệ thống cửa hàng bán đồ lưu niệm và đặc biệt quan tâm về mức độ thân thiện của người dân bản địa. Một bộ phận khách Nhật (chủ yếu là giới trẻ) thường có thói quen đi quán bar hoặc câu lạc bộ sau bữa tối và đặc biệt thích tham gia vào các hoạt động tình nguyện hướng tới cộng đồng như phổ biến văn hóa Nhật Bản, vệ sinh đường phố, trồng cây, tuyên truyền phòng chống bệnh dịch… Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch của du khách Nhật Bản là sự ổn định chính trị, an ninh, sự sạch sẽ, cơ sở lưu trú tiện nghi với dịch vụ chu đáo, hệ thống giao thông thuận tiện, chất lượng của hướng dẫn viên sử dụng tiếng Nhật, các thông tin, sách hướng dẫn. Ngoài ra, các yếu tố thời tiết, bệnh dịch, sức khỏe và y tế cũng ảnh hưởng tới việc lựa chọn điểm đến của họ. Khách Nhật Bản thường đi du lịch kéo dài nhất cũng chỉ trong phạm vi 1 tuần, những nhóm phụ nữ hoặc người trung, cao niên thường đến những nơi có khách sạn cao cấp, ăn ở những nhà hàng nổi tiếng, nơi có nhiều điểm tham quan, shopping. Trong khi đó, để thu hút khách trẻ tuổi thì cần có nhiều hoạt động, các dịch vụ vui chơi giải trí thông minh, ít tốn kém. Có một đặc điểm rất quan trọng cần lưu ý là trên lĩnh vực ẩm thực, người Nhật rất yêu thích món ăn của đất nước mình, đi đến đâu họ cũng muốn được thưởng thức. Do đó những địa điểm có nhiều nhà hàng, khách sạn mang phong cách Nhật luôn là sự lựa chọn ưu tiên trên lịch trình của du khách Nhật(2). Có thể chia đối tượng khách du lịch Nhật Bản ra thành các nhóm sau: Giới học sinh - sinh viên và khách du lịch ba lô, Giới nữ trẻ có độ tuổi trung bình từ 20 -30, Nhóm gia đình, Người cao tuổi(3) và Khách thương gia. Thực tế cho thấy, dù có nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhưng bù lại khách du lịch Nhật Bản là những người được “ưa chuộng” nhất thế giới vì bản tính lịch sự, gọn gàng và mức chi tiêu cao. Hiện nay lượng khách Nhật Bản được coi là một trong những thị trường lớn nhất trên thế giới với con số trên 18 triệu lượt mỗi năm. Đặc biệt là sự phục hồi trở lại kể từ sau thảm họa kép hồi tháng 3/2011 đang trở thành cơ hội lớn đối với các nước. Do đó, khách du lịch Nhật Bản trở thành một thị trường hấp dẫn cần phải đầu tư khai thác một cách hợp lý. 2. Tình hình khách du lịch Nhật Bản sang Việt Nam trong những năm gần đây Ngành du lịch Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút khách Nhật Bản như: du khách Nhật khi đến Việt Nam được miễn visa trong khoảng thời gian 15 ngày; tình hình chính trị xã hội ổn định; kinh tế tăng trưởng; chính sách ngoại giao rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và là đối tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới; vị thế của đất nước trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao; tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với sở thích và nhu cầu của du khách Nhật; khoảng cách địa lý giữa hai nước tương đối gần và đa số người dân Nhật Bản có thiện cảm với hình ảnh đất nước và con người Việt Nam bởi lẽ thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước cũng như đà hội nhập quốc tế nhanh chóng đã giúp Việt Nam nổi bật trên bản đồ thế giới. Người Nhật cũng từng trải qua chiến tranh nên luôn có sự đồng cảm và quan tâm đặc biệt và rất thích đến Việt Nam không chỉ để chứng kiến sự đổi khác sau chiến tranh mà còn muốn tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam thông qua việc tham quan các di tích lịch sử như: dinh Độc Lập, bảo tàng Chứng tích chiến tranh, địa đạo Củ Chi... Trong những năm gần đây, Nhật Bản luôn là một thị trường khách quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam do thị phần luôn tăng và ổn định trong tốp 5 nước có lượng khách lớn nhất, chiếm gần 10% tổng lượng khách quốc tế. Trong hơn 10 năm trở lại đây, lượng khách Nhật Bản tới Việt Nam có xu hướng tăng trưởng liên tục, trừ năm 2008 - 2009 là giai đoạn kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Trong năm 2013 vừa qua lượng khách Nhật Bản đạt
  3. 604.050 người, luôn duy trì ở vị trí thứ 3 trong nhóm đầu các nước gửi khách tới Việt Nam sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Bảng tổng hợp số liệu khách Nhật Bản đến Việt Nam (2006 – 2013) Đơn vị tính: nghìn người Năm 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014(4) Tổng số khách 3.583 4.171 4.253 3.772 5.049 6.014 6.847 7.572 7.217 quốc tế Khách 383,8 411,5 392,9 359,2 422 481,5 576,3 604 591,6 Nhật Bản Nguồn: [7] Để đạt được sự tăng trưởng trên, ngành du lịch Việt Nam đã và đang tổ chức một cách quy mô, bài bản nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá lớn như: Tổ chức các cuộc Hội thảo ở nhiều cấp, ngành và địa phương nhằm tìm giải pháp thu hút khách Nhật; ký Tuyên bố chung về hợp tác du lịch Việt - Nhật ngay từ năm 2004; tham gia Hội chợ du lịch quốc tế JATA được tổ chức thường niên tại Tokyo, lễ hội văn hóa du lịch do Trung tâm ASEAN - Nhật Bản tổ chức, Hội chợ Du lịch Lữ hành thế giới; phối hợp với VietNam Airlines tổ chức các Roadshow lớn tại nhiều thành phố của Nhật Bản là Osaka, Nagoya, Fukuoka, Tokyo; tổ chức lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành và Vietnam Airlines đón các đoàn famtrip và presstrip từ Nhật; xây dựng website quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam bằng tiếng Nhật; phối hợp với Trung tâm ASEAN – Nhật Bản tổ chức 02 lớp tập huấn về thị trường khách du lịch Nhật Bản, biên soạn ấn phẩm “Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn” bằng tiếng Nhật và phát hành vào tháng 9/2012; khai trương Văn phòng Đại diện của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam tại Tokyo vào ngày 4/6/2014 - là văn phòng đại diện đầu tiên của Du lịch Việt Nam ở Nhật Bản và nước ngoài; Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cũng khai trương đường bay mới Đà Nẵng - Nhật Bản, nối liền sân bay quốc tế Đà Nẵng với sân bay Narita (Tokyo) từ ngày 16/7/2014 (đường bay thứ 10 từ Việt Nam đến Nhật Bản)… Cùng với những mặt tích cực trên, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: đầu tư marketing còn hạn chế - với kinh phí chỉ 2 - triệu USD/năm, du lịch Việt Nam khó có thể thực hiện được các chương trình xúc tiến, quảng bá hiệu quả; chưa có trang web du lịch quảng bá điểm đến; nhận thức, kiến thức quản lý và phát triển du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ chế, chính sách quản lý còn bất cập; quy hoạch phát triển du lịch bị tác động mạnh bởi các quy hoạch chuyên ngành; tài nguyên có nguy cơ bị tàn phá, suy thoái nhanh và môi trường du lịch bị xâm hại vốn là những yếu tố mà người Nhật Bản rất nhạy cảm; kết cấu hạ tầng yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ; sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đặc sắc, trùng lặp và thiếu quy chuẩn; thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên tiếng Nhật có thể đáp ứng được những yêu cầu có phần khắt khe của du khách(5) và đội ngũ chuyên gia đầu ngành, lực lượng quản lý tinh thông và lao động trình độ cao. Theo khảo sát của Công ty Tiếp thị du lịch Nhật Bản (Japan Tourism Marketing Co) công bố năm 2012, có đến 88% du khách Nhật đến Việt Nam để hưởng thức ẩm thực và 82% để mua sắm. Tuy nhiên, hầu hết khách mới chỉ được thưởng thức ẩm thực chứ chưa trải nghiệm tour du lịch ẩm thực đúng nghĩa, hiện chúng ta chưa có những chiến lược, giải pháp và chương trình cụ thể để ẩm thực trở thành một thương hiệu du lịch. Trong các ấn phẩm quảng bá, ẩm thực luôn được giới thiệu “chung chung” là thế mạnh tiềm năng nhưng sản phẩm cụ thể lại rất “mơ hồ”. Có một thực tế là các nhà làm du lịch Việt Nam đôi khi lại chú ý và đầu tư đến những vấn đề quá vĩ mô mà chưa hẳn đã đem đến hiệu quả bởi những điều bình dị lại là yếu tố giúp VN trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách Nhật vốn có trình độ thưởng thức văn hóa theo chiều sâu rất cao.
  4. Bên cạnh đó, cùng một số vấn nạn khác như giao thông không an toàn, sản phẩm du lịch nghèo nàn... thì tình trạng “chặt chém”, chèo kéo khách du lịch cũng là những nguyên nhân làm cản trở lớn nỗ lực xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam và cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ khách quốc tế nói chung và Nhật Bản nói riêng không trở lại Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao(6). Mặt khác, hiện các nước láng giềng đều có chiến dịch đầu tư marketing rất lớn nhằm gia tăng sức hấp dẫn thị trường khách du lịch Nhật Bản vì thế khả năng cạnh tranh của ta càng khó khăn hơn(7). Có thể nhận thấy ngành du lịch Việt Nam đã làm rất nhiều việc nhưng cũng chỉ mới thu hút được hơn 600.000 du khách Nhật mỗi năm. Mặc dù đó là con số không nhỏ, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, Việt Nam có thể làm được hơn thế bởi số khách Nhật Bản đi du lịch nước ngoài hàng năm luôn ở mức rất cao và dự kiến đạt kỷ lục hơn 19 triệu người trong năm 2014. Rõ ràng số lượng khách Nhật dù đều tăng qua những năm gần đây nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của hai nước, bởi triển vọng của sự hợp tác trên lĩnh vực này rất sáng sủa, do đó cần thực thi nhiều giải pháp hợp lí, kịp thời để nâng cao hiệu quả khai thác thị trường Nhật Bản trong những năm tiếp theo. 3. Triển vọng hợp tác và một số giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác thị trường khách du lịch Nhật Bản Trong thời gian gần đây, xu thế đi du lịch các nước châu Âu và châu Mỹ của phần lớn người Nhật đã giảm hẳn, thay vào đó, các nước châu Á được lựa chọn làm điểm đến trong các chuyến đi ra nước ngoài. Chính vì vậy Nhật Bản là thị trường khách du lịch lớn mà Việt Nam đã và đang trọng khai thác, trong tương lai sẽ phát triển mạnh hơn do sự phục hồi kinh tế sau thảm họa kép năm 2011 và mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, dẫn đến khách Nhật Bản đang có xu hướng chuyển sang đi du lịch các nước khác trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh Đông Nam Á đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn, du lịch Việt Nam cũng là một điểm sáng thu hút khách quốc tế và các nhà đầu tư. Hiện nay, Nhật Bản đang có chính sách khuyến khích đi du lịch nước ngoài, mặt khác theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản (JITCO) năm cuối 2012 cho thấy đã và đang có một làn sóng doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam(8), làm tăng nhu cầu đi lại, công tác và thăm viếng giữa hai nước - là cơ hội rất tốt để chúng ta sẽ tiếp tục đón nhiều hơn nữa du khách Nhật trong thời gian tới. Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động này, Tổng cục Du lịch đã làm việc với Cục Du lịch và các doanh nghiệp Nhật Bản cùng các đối tác liên quan để triển khai chiến dịch thu hút 1 triệu khách Nhật Bản tới Việt Nam vào năm 2015. Đặc biệt trong năm 2013 - kỉ niệm 40 năm Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, được nhất trí lấy làm "Năm hữu nghị Nhật - Việt" là dấu mốc quan trọng để có những bước đi mang tính đột phá trong quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác du lịch cho những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, kế hoạch khai thác thị trường Nhật Bản cũng được tiếp tục thực hiện với rất nhiều hoạt động. Trong đó việc xúc tiến thành lập Văn phòng đại diện Du lịch Việt Nam tại Nhật Bản là một trong những hoạt động quan trọng và thiết thực nâng cao hình ảnh của Du lịch Việt Nam và ký kết biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục Du lịch hai nước với mục tiêu hợp tác thúc đẩy xúc tiến quảng bá thông tin về du lịch Việt Nam hứa hẹn sẽ đem đến những kết quả tích cực hơn nữa. Có thể nhận thấy những nét tương đồng về văn hóa, gần gũi về địa lý, những ưu điểm của ngành du lịch nước ta, những tình cảm của nhân dân Nhật Bản, sự nồng ấm trong quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực cùng với sự tác động của các yếu tố khách quan là điều kiện rất thuận lợi để mở rộng và khai thác tốt hơn nữa thị trường khách du lịch Nhật Bản. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu thu hút 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó có 1 triệu du khách Nhật Bản đến Việt Nam vào năm 2015 như trong Chiến lược phát triển du lịch Việt
  5. Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã đề ra, chúng ta cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc một số giải pháp sau đây: - Tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị ở cấp nhà nước và các tổ chức, bộ, ngành nhằm mở rộng thị trường. Nắm chắc diễn biến tình hình để có thể tranh thủ được thời cơ thuận lợi và đề ra những chương trình, kế hoạch hợp lý và có sức thu hút lớn. - Tăng cường công tác pháp chế và quản lý trong hoạt động du lịch. Trước mắt cần tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, trong việc thanh, kiểm tra, phát triển thị trường; xây dựng, quản lý và sắp xếp lại các doanh nghiệp du lịch, hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực trong hoạt động du lịch tại các địa phương. - Có chiến lược nhằm xây dựng được các công ty, doanh nghiệp du lịch có đủ tiềm lực về tài chính, nhân lực, về khả năng nghiên cứu phát triển và mở rộng thị trường theo hướng chuyên nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. - Nhân lực ngành du lịch nói riêng và các ngành kinh tế khác nói chung ở nước ta vẫn đang bị coi là yếu và thiếu. Do vậy, công tác định hướng các kỹ năng, kinh nghiệm thực tế được coi là một vấn đề cấp thiết, đẩy mạnh đào tạo hướng dẫn viên tiếng Nhật cũng như đội ngũ nhân lực du lịch để đáp ứng tốt những yêu cầu thực tế của công việc nâng cao chất lượng phục vụ. Trong đó, việc xây dựng kỹ năng, văn hóa ứng xử cho hướng dẫn viên là rất quan trọng bởi lẽ người Nhật Bản vốn rất coi trọng lễ nghi, ứng xử. - Cần đặc biệt chú trọng yếu tố xây dựng lòng tin bởi lẽ người Nhật nằm trong số những du khách có đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao. Do đó, trong khi khách đến từ các nước khác có thể châm chước về chất lượng thì người Nhật sẽ có những phản ứng tiêu cực nếu dịch vụ không đúng như yêu cầu đã được giới thiệu. - Xây dựng website quảng bá du lịch Việt Nam bằng tiếng Nhật trên cơ sở nghiên cứu những đặc điểm, thị hiếu và thị trường Nhật Bản; đầu tư cho quảng bá trên các mạng xã hội và blog du lịch mà người Nhật Bản thường xuyên sử dụng; thành lập Nhóm công tác Phát triển du lịch Việt Nam – Nhật Bản và các Văn phòng xúc tiến Du lịch của không chỉ quốc gia mà còn của các địa phương tại Nhật Bản; duy trì và phát triển thêm các đường bay thẳng giữa hai nước. - Cần thống nhất hành động, nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động xúc tiến du lịch, nhằm vào thị trường Nhật Bản theo hướng lấy điểm đến, sản phẩm và thương hiệu du lịch làm đối tượng xúc tiến trọng tâm; xây dựng và phát triển hệ thống thương hiệu du lịch Việt Nam gồm: Thương hiệu du lịch quốc gia, thương hiệu vùng, thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp du lịch. Qua đó, xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng, không trùng lặp nhằm tạo sức hút riêng biệt. - Có thể thấy việc mỗi đối tượng có đặc điểm, tâm lý và thị hiếu riêng, do đó nghiên cứu thị trường để có thể nắm vững được thị hiếu và nhu cầu của từng phân đoạn thị trường khách du lịch Nhật Bản sẽ nâng cao được chất lượng của dịch vụ. - Cần có những nghiên cứu nghiêm túc và quyết sách khoa học trước đề xuất xây dựng phố Nhật Bản ở những địa phương phù hợp để thúc đẩy giao lưu, hợp tác không chỉ trên góc độ kinh tế mà còn cả trong lĩnh vực du lịch và văn hóa. - Xây dựng chính sách liên kết phát triển thị trường khách: hợp tác với Lào và Campuchia để tạo ra các sản phẩm du lịch liên quốc gia cũng như quảng cáo chung cho 3 điểm đến. - Trong một chừng mực nào đó, đất nước và con người Việt Nam vẫn chiếm được rất nhiều cảm tình của nhân dân Nhật Bản so với các nước khác. Do đó cần đặc biệt chú ý giữ gìn, phát huy lợi thế này và tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực nhằm đẩy mạnh công tác truyền bá để duy trì và mở rộng thị trường hơn nữa.
  6. Kết luận Phát triển du lịch là chủ trương lớn, là mục tiêu chiến lược trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Trong những năm gần đây, gia tăng số lượng và thị trường du lịch đã mang lại những lợi ích vô cùng to lớn, đóng góp đáng kể vào việc tạo công ăn việc làm, thúc đẩy giao lưu hợp tác quốc tế, tăng nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia. Vì vậy, việc nghiên cứu và tìm biện pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực này được quan tâm đặc biệt đối với nước ta. Nhật Bản trong những năm vừa qua là một trong những thị trường cung cấp nhiều nhất khách du lịch đến Việt Nam. Với sự phục hồi và nhu cầu ngày càng cao của thị trường Nhật Bản, sự nỗ lực khai thác của Việt Nam và những yếu tố khách quan thuận lợi tác động đến giúp cho số lượng khách du lịch Nhật Bản đến nước ta tăng dần theo từng năm và dự kiến đạt kỷ lục vào năm 2015 với chỉ tiêu lên đến 1 triệu người. Bên cạnh những thành quả đã đạt được, hoạt động khai thác và thu hút khách du lịch Nhật Bản còn bộc lộ nhiều khó khăn và hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì và phát triển thị trường, đòi hỏi phải có nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt để giải quyết từ nhiều cấp, bộ ngành, các doanh nghiệp và tự bản thân mỗi người Việt Nam phải tự xem mình là một đại sứ du lịch. Với triển vọng khả quan cùng với việc thực hiện tốt được những giải pháp hợp lý sẽ góp phần đáng kể tạo ra sức mạnh tổng hợp để hoàn thành được chỉ tiêu đề ra, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho quốc gia, góp phần thắng lợi vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Chú thích: (1) Số liệu tháng 10/2013 (2) Ý kiến tư vấn của Giáo sư Yukichica Iijma - Phó chủ tịch Hiệp hội Quản lý khách sạn toàn cầu tại buổi “Hội thảo và tư vấn trực tiếp về tiềm năng, giải pháp để thu hút khách du lịch Nhật Bản đến miền Trung” cho các doanh nghiệp Việt Nam ngày 18/5/2010 ở TP Hội An. (3) Đây là nhóm đối tượng mà Việt Nam đã khai thác được khá thành công trong thời gian qua - vốn là nguồn khách hấp dẫn vì họ vừa có thời gian lại có mức chi tiêu lớn. (4) Số liệu 11 tháng đầu năm 2014 (5) Phần đông khách Nhật cho rằng so với Lào và Campuchia, hướng dẫn viên của Việt Nam nói tiếng Nhật kém nhất – Ý kiến khảo sát tác giả thu thập được từ đội ngũ hướng dẫn viên du khách Nhật của công ty du lịch TransViet Travel vào tháng 6/2013. (6) Nhiều nghiên cứu cho rằng tỉ lệ này lên đến trên 80%, tuy nhiên chiều 13/6/2013, trước chất vấn của Đại biểu Quốc hội về việc khách quốc tế sang Việt Nam "một đi không trở lại", Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng thông tin đó là không chính xác và đưa ra dẫn chứng kết quả khảo sát từ Bộ VH-TT-DL mới đây cho thấy 84,5% khách quốc tế hài lòng khi đến Hà Nội và 81,3% muốn quay trở lại; 80% khách quốc tế hài lòng và muốn quay trở lại Hội An? (7) Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn rất thấp: năm 2012 - 2013 Việt Nam xếp thứ 80/140 nước, trong khi Singapore xếp thứ 10, Malaysia xếp thứ 34, Thái Lan xếp thứ 43 [2, 12]. (8) Trong buổi đối thoại giữa doanh nghiệp hai nước tại Hà Nội vào ngày 24/9/2012, ông Toshio Nakamura, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) cho biết số doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam thời gian tới sẽ tăng gấp 2 - 3 lần so với hiện thời.
  7. Tài liệu tham khảo 1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2010), Báo cáo Hội thảo quốc gia lần thứ hai: Đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu xã hội, Hà Nội. 2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2014), Báo cáo chuyên đề: Du lịch Việt Nam thực trạng và giải pháp phát triển, Hà Nội. 3. Đỗ Thảo Nguyên, Chiến lược hút du khách Nhật Bản đến Việt Nam, Báo điện tử Vietnamplus http://www.vietnamplus.vn 4. Tổng cục Du lịch (2010), Kỷ yếu Hội thảo quốc gia: Phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, Hà Nội, ngày 29/6. 5. Tổng cục Du lịch (2012), Đề án đẩy mạnh thu hút khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015, Hà Nội. 6. Tổng cục Du lịch (2013), Kỷ yếu Hội thảo: Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam, Hà Nội, ngày 22/8. 7. Tổng cục Du lịch, Tổng hợp số lượng khách quốc tế đến Việt Nam các năm từ 2006 đến 2014. http://vietnamtourism.gov.vn 8. Footprints Vietnam Travel, “Vietnam one of Japanese’ 20 favourite destinations” http://www.footprintsvietnam.com TÓM TẮT Phát triển du lịch là một là một trong những hoạt động kinh tế đối ngoại quan trọng; là chiến lược đúng đắn trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của nước ta. Trong những năm qua, Nhật Bản là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch nhiều nhất đến Việt Nam. Việc khắc phục những khó khăn hạn chế, đề ra và thực hiện những giải pháp một cách đồng bộ của các cấp quản lý là rất cần thiết để khai thác tốt hơn nữa thị trường đầy tiềm năng này, tạo nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
16=>1