intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp giảng viên sư phạm tại các trường đại học sư phạm Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

8
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp giảng viên sư phạm tại các trường đại học sư phạm Việt Nam trình bày về kết quả phỏng vấn 38 cán bộ quản lí cấp trường, phòng; chuyên viên các phòng có liên quan; và giảng viên sư phạm (GVSP) tại hai trường đại học sư phạm tại Việt Nam về các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp GVSP.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp giảng viên sư phạm tại các trường đại học sư phạm Việt Nam

  1. HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2022-0170 Educational Sciences, 2022, Volume 67, Issue 5, pp. 131-140 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn KHÁM PHÁ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUẢN LÍ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP GIẢNG VIÊN SƯ PHẠM TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM VIỆT NAM Lê Thị Thu Liễu1*, Nguyễn Kim Dung2 và Phạm Thị Hương1 1 Khoa Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh 2 Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Tóm tắt. Bài báo trình bày về kết quả phỏng vấn 38 cán bộ quản lí cấp trường, phòng; chuyên viên các phòng có liên quan; và giảng viên sư phạm (GVSP) tại hai trường đại học sư phạm tại Việt Nam về các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp GVSP. Điểm mới của nghiên cứu đó chính là phân tích được các yếu tố chủ quan và khách quan có ảnh hưởng đến quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp của GVSP thông qua ý kiến của cán bộ quản lí, chuyên viên và GVSP tại các trường đại học sư phạm ở Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu có thể đóng góp vào việc đề xuất các chính sách bồi dưỡng gắn liền với các nhu cầu bồi dưỡng của GV và các trường đại học sư phạm trong bối cảnh đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ khóa: quản lí, hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp, giảng viên sư phạm, các yếu tố ảnh hưởng, trường đại học sư phạm, Việt Nam. 1. Mở đầu Việc tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp của GVSP có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động bồi dưỡng GV bởi tương lai của việc đào tạo giáo viên phụ thuộc vào cách mà những người làm giáo dục, các GVSP thể hiện sự phản hồi tích cực và tăng cường tính chuyên nghiệp hóa việc giảng dạy [2]. Hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho GVSP chính là một trong số các hoạt động nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp hóa cho GVSP, nhằm giúp các GV đáp ứng phù hợp với những thay đổi liên tục của xã hội, từ đó, góp phần việc duy trì, cải tiến chất lượng cho hoạt động đào tạo giáo viên của các GVSP [3] cũng như nâng cao chất lượng giáo dục [4]. Ở ngoài nước, đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện trong đó đề cập đến các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp GVSP như nghiên cứu của [4], [5], [6] đề cập tới động cơ và nhu cầu của GVSP; của [7] đề cập tới khả năng khả năng tự khởi xướng của GV trong hoạt động nâng cao chuyên môn của [4], [8], [9], [10] về việc thiếu thời gian, khối lượng công việc nhiều cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc tham gia hoạt động bồi dưỡng [10] liên quan đến lí do trở thành GVSP ảnh hưởng đến việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng. Nhìn chung, hoạt động bồi dưỡng chuyên môn của giảng viên (GV) thường gắn với chính bản thân GV hoặc gắn với các yếu tố bối cảnh của tổ chức, xã hội bởi hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp GV luôn gắn với cấu trúc tổ chức và văn hóa xã hội cụ thể [11]. Ngày nhận bài: 1/11/2022. Ngày sửa bài: 22/11/2022. Ngày nhận đăng: 7/12/2022. Tác giả liên hệ: Lê Thị Thu Liễu. Địa chỉ e-mail: lieultt@hcmue.edu.vn 131
  2. Lê Thị Thu Liễu*, Nguyễn Kim Dung và Phạm Thị Hương Ở trong nước, một trong số ít các nghiên cứu đã đề cập đến các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động bồi dưỡng chuyên môn của GVSP giảng dạy tiếng Anh tại 3 trường đại học ở vùng Mê-kông ở Việt Nam cho thấy việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng của GVSP giảng dạy tiếng Anh ở các trường chịu nhiều tác động của các yếu tố liên quan đến chính sách quốc gia về giáo dục và chính sách của các trường đại học; thái độ của GV và các giá trị văn hóa, xã hội [12]. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các nhà quản lí ở các trường đại học trong nghiên cứu cần tạo ra một môi trường chuyển đổi để có thể cung cấp các hỗ trợ cho sự thay đổi về việc học tập đối với cả GV và các tổ chức. Tuy nhiên, điểm hạn chế của nghiên cứu này là mới chỉ đề cập đến đối tượng là GVSP giảng dạy tiếng Anh tại các trường. Ở trong nước, nghiên cứu của [13] cũng đề cập đến đối tượng GVSP, tuy nhiên, trọng tâm của nghiên cứu là đề xuất khung năng lực nghề nghiệp GVSP mà chưa chú trọng đến việc khai thác các yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lí hoạt đồng bồi dưỡng các năng lực nghề nghiệp của GVSP. Trong 3 năm trở lại đây, một trong số ít các nghiên cứu đã được thực hiện thông qua phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi đối với GVSP tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đề cập đến các yếu tố rào cản ảnh hưởng đến hoạt động bồi dưỡng nghề nghiệp của GVSP, trong đó, yếu tố về thiếu thời gian do khối lượng công việc nhiều và thiếu các nguồn tài trợ được nhiều GVSP chọn lựa nhất, tiếp đến là các yếu tố như thiếu thông tin về cách thức tốt nhất để phát triển trong vai trò giáo viên; thiếu các hỗ trợ từ các nhà quản lí; thiếu các cơ hội phù hợp; và các cam kết khác của bản thân GV làm cho GV không có thời gian để tham gia các hoạt động bồi dưỡng [14]. Tuy nhiên, nghiên cứu này chủ yếu mới đưa ra được các kết quả mang tính định lượng mà chưa có các khám phá sâu hơn để tìm hiểu các nguyên nhân tiềm ẩn đằng sau các yếu tố này ở một trường đại học sư phạm ở Việt Nam. Về mặt pháp lí, các chính sách về bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp giảng viên đại học nói chung, trong đó, bao gồm đối tượng là giảng viên sư phạm như Quyết định 1079 của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022 cũng được xem là các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp giảng viên [1]. Việc đưa ra các quy định cụ thể về nội dung bồi dưỡng đối với kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của giảng viên đại học nói chung với 8 chuyên đề, trong đó, có nội dung về năng lực giảng dạy (chuyên đề về hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả dạy học trong cơ sở giáo dục đại học) và nội dung về năng lực nghiên cứu (chuyên đề giảng viên đại học với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo) [1] được xem là các căn cứ và là yếu tố có tác dụng thúc đẩy việc quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp giảng viên đại học nói chung, trong đó, bao gồm cả đối tượng là GVSP. Mục đích của nghiên cứu này đó là khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp của GVSP thông qua phương pháp phỏng vấn sâu đối với GV tại hai trường đại học sư phạm ở Việt Nam, để từ đó, có cơ sở đưa ra các khuyến nghị về mặt chính sách đối với các trường trong việc bồi dưỡng GVSP. Điểm mới trong nghiên cứu này là thu thập ý kiến đa dạng của cán bộ quản lí cấp trường, phòng, khoa, tổ bộ môn; chuyên viên; và GVSP ở các ngành đào tạo giáo viên thuộc các nhóm khoa về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học giáo dục, đặc thù tại hai trường. Hai trường đại học được chọn là các trường hợp nghiên cứu cũng là hai trường đại học có truyền thống đào tạo giáo viên trên 40 năm tại Việt Nam, tọa lạc tại 2 vùng miền khác nhau, đại diện cho những nét văn hóa đặc trưng của các vùng miền ở Việt Nam. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Một số khái niệm cơ bản 2.1.1. Hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp giảng viên sư phạm Hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp hay bồi dưỡng chuyên môn giảng viên thường bao gồm các mục đích: (1) cải thiện nghề nghiệp, công tác đào tạo giáo viên của giảng viên sư 132
  3. Khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực… phạm; (2) duy trì mối quan tâm trong lĩnh vực nghề nghiệp để phát triển về mặt cá nhân và nghề nghiệp; và (3) nâng cao trong lĩnh vực nghề nghiệp, thăng tiến [15]. Như vậy, hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp GVSP có thể được hiểu là hoạt động nhằm giúp giảng viên nâng cao các năng lực nghề nghiệp của bản thân nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn của GVSP, trong đó có hai nhiệm vụ quan trọng là giảng dạy và nghiên cứu. 2.1.2. Quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp giảng viên sư phạm Quản lí là những tác động của chủ thể quản lí trong việc huy động, phát huy, kết hợp, sử dụng, điều chỉnh, điều phối các nguồn lực trong và ngoài tổ chức một cách tối ưu nhằm đạt mục đích của tổ chức với hiệu quả cao nhất [16]. Trong nghiên cứu này, tác giả tiếp cận với khái niệm quản lí của [16], trong đó, quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp giảng viên sư phạm trong nghiên cứu này có thể được hiểu là sự tác động có định hướng của chủ thể quản lí, bao gồm các nhà quản lí các cấp (tổ bộ môn, khoa, trường) trong các trường đại học đào tạo giáo viên lên hoạt động bồi dưỡng năng lực giảng dạy và năng lực nghiên cứu của giảng viên sư phạm nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao các năng lực này của giảng viên. 2.2. Phương pháp nghiên cứu 2.2.1. Công cụ nghiên cứu Với câu hỏi nghiên cứu đặt ra là: “Các yếu tố nào ảnh hưởng đến hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp GVSP?”, nhóm nghiên cứu sử dụng câu hỏi bán cấu trúc để phỏng vấn các cán bộ quản lí cấp trường, khoa, tổ bộ môn; chuyên viên một số phòng và GV tại trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh (trường A) và trường Đại học Sư phạm Huế (trường B), thuộc hai vùng miền khác nhau ở Việt Nam. Đây cũng là hai trường tham gia trong Chương trình nâng cao năng lực các trường sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn từ 2017 – 2021. 2.2.2. Thu thập và xử lí dữ liệu Có tổng cộng 38 cuộc phỏng vấn được thực hiện tại hai trường đại học sư phạm, trong đó có 18 cuộc phỏng vấn đối với GVSP (GVSP); 12 cuộc phỏng vấn đối với các cán bộ quản lí cấp khoa, tổ bộ môn; và 5 cuộc phỏng vấn đối với các cán bộ quản lí cấp trường, phòng và 3 chuyên viên của các phòng có liên quan đến quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp GVSP tại hai trường đại học sư phạm ở hai miền khác nhau, được gọi là trường A và trường B. Các đối tượng phỏng vấn được mã hóa để đảm bảo danh tính của người tham gia. Chẳng hạn, GVSP.01.B nghĩa là đối tượng là giảng viên sư phạm thứ nhất tại trường đại học B. Thời gian phỏng vấn nằm trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2022. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng hình thức trực tiếp tại các cơ sở của trường hoặc trực tuyến qua ứng dụng Ms Teams và Zoom. Tất cả các cuộc phỏng vấn đều được ghi âm, sau đó được đưa vào giải băng và đưa vào phần mềm MAXQDA 2020 để thực hiện việc mã hóa theo các nhóm chủ đề như các yếu tố chủ quan (xuất phát từ bản thân GV) như nhận thức, động cơ tham gia các hoạt động bồi dưỡng, thời gian, khối lượng công việc...; và các yếu tố khách quan (xuất phát từ nhà trường, bên ngoài) như văn hóa nhà trường, các chính sách bồi dưỡng của nhà trường... 2.3. Kết quả phỏng vấn cán bộ, GV về các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp GVSP và bàn luận 2.3.1. Các yếu tố từ phía giảng viên Có một số yếu tố từ phía GV đề cập liên quan đến quản lí hoạt động bồi dưỡng GV như: nhận thức, động cơ của GV; sự năng động, tinh thần đổi mới của GV; khối lượng công việc nhiều và không có thời gian tham gia; độ tuổi của GV; trình độ tiếng Anh... a. Nhận thức của GV 133
  4. Lê Thị Thu Liễu*, Nguyễn Kim Dung và Phạm Thị Hương Trong số các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp GVSP, yếu tố về nhận thức của GV được đề cập nhiều nhất (21 ý kiến). ... bản thân giáo viên là người có ảnh hưởng rất là lớn. Mặc dù nếu mà chúng ta nói rằng trường có những cái chính sách như vậy rất là tốt nhưng mà bản thân GV không tự mình nâng cao cái năng lực chuyên môn nghiệp vụ thì chính sách của nhà trường có tốt đến mấy thì kết quả cũng sẽ không được như ý. (GVSP.01.B) Khi năng lực và nhận thức của GV mà đạt được nhận thức được thì họ sẽ tạo điều kiện để quá trình hoạt động bồi dưỡng được hiệu quả. (CV.02.B) Việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng phụ thuộc phần lớn vào việc tự nhận thức cần thay đổi của GV, dựa trên các yêu cầu thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông, của xã hội. Điều này cũng được một GV chia sẻ: Mình nghĩ rằng là xuất phát thứ nhất về mặt GV mình cảm thấy rằng là chỉ khi nào GV cảm thấy rằng là việc dạy của mình chưa có hài lòng, thay đổi nó, nó mới nảy sinh cái nhu cầu. Nếu mà GV nghĩ rằng là đó giờ mình dạy bao nhiêu năm vẫn ổn thì không cần phải thay đổi thêm thì GV sẽ không có nhu cầu học, quan sát. (GVSP.02.A) Tinh thần tự đổi mới cũng chính là một biểu hiện của việc nhận thức rõ ràng về việc cần tham gia các hoạt động bồi dưỡng của GV. Nói về yếu tố chủ quan thì mình nghĩ rằng để nâng cao được năng lực giảng dạy và nghiên cứu thì chính bản thân giáo viên phải có tinh thần tự đổi mới cái này cực kì quan trọng. (GVSP.08.B) Có thể nói nhận thức, sự tự chủ của GV trong việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp GVSP hết sức quan trọng và các nhà quản lí cũng cần lưu ý tới điều này để xây dựng các chính sách bồi dưỡng theo hướng phát huy sự chủ động của GV bởi các chính sách bồi dưỡng thành công là các chính sách phát huy được tính tự chủ của GV [8]. Sự năng động của GV cũng là một yếu tố được nhiều GV đề cập có ảnh hưởng đến việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng của GV. Nếu GV năng động, GV có thể tự tìm kiếm được nhiều cơ hội bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp ở bên ngoài. …người GV họ năng động thì họ sẽ tự tìm kiếm cơ hội tại vì hiện tại bên ngoài có rất nhiều nơi họ tổ chức những buổi tập huấn miễn phí rất là chất lượng. (GVSP.04.B) Việc hiểu được sự gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy và nghiên cứu để từ đó, GV cần có ý thức hơn trong việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng về nghiên cứu khoa học bên cạnh các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy cũng được một cán bộ quản lí đề cập. Nghiên cứu khoa học cũng tương tự như vậy, họ chưa xem chưa thấy được cái nghiên cứu khoa học nó là cái gắn trực tiếp với lại cái việc giảng dạy, họ cứ nghĩ rằng là thì thôi họ tích lũy như vậy đủ và họ dạy thì nó thế thôi. Họ không nghĩ rằng là cái nghĩ nghiên cứu khoa học (NCKH) nó phải gắn chặt với lại giảng dạy thì đó là cái cái chủ quan đối với lại GV. (CBQL.01.A) Một số GV có động cơ nghề nghiệp mang tính thực dụng cũng chưa thể hiện nhận thức đúng đắn về việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng. Ôi em thấy có một số GV là cái cái nhận thức của họ về nghề nghiệp á nó không cao. .... cái đối tượng bây giờ làm GV có nhiều bạn chỉ đơn thuần là vào nhưng mà có một công việc ổn định thôi, chứ không nhận thức được, đây là hành trình mà mình phải rèn luyện rất nhiều để mà xứng đáng trở thành cái vai của một nhà khoa học, vừa là một người đi dạy ở trường sư phạm. (GVSP.01.A) b. Khối lượng công việc nhiều và thời gian Việc thiếu thời gian, khối lượng công việc nhiều cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc tham gia hoạt động bồi dưỡng của GV [3], [9-11]. 134
  5. Khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực… Kết quả phỏng vấn cho thấy, một GV cũng chia sẻ về thực trạng rằng việc có nhiều khối lượng công việc khác cùng lúc đã ảnh hưởng nhiều đến việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp. Chẳng hạn: … mọi người không thể nào vừa họp, vừa tham dự hội thảo, kế hoạch của nhà trường, tham gia học được nó sẽ ảnh hưởng tới việc đó. (GVSP.02.A) Khối lượng công việc nhiều cũng là một yếu tố được cho là ảnh hưởng đến việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng của GV. Giai đoạn hiện tại và em không biết là các trường khác như thế nào nhưng mà với trường sư phạm thì khối lượng công việc cũng khá là nhiều, mà nhiều áp lực dẫn đến là có nhiều GV họ làm nhiều, họ cũng không còn sức lực và tâm trí để mà tham gia những hoạt động bồi dưỡng thêm. (GVSP.01.A) Việc bận với các công việc chuyên môn cũng ảnh hưởng đến việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng của GV. Một số GV rất bận công việc chuyên môn, thời gian eo hẹp nên ảnh hưởng đến việc tham gia các lớp tập huấn hay là tham gia các hoạt động hội thảo, các hoạt động giao lưu nâng cao trình độ chuyên môn ... (CBQL.K.02.B) c. Độ tuổi Các GV lớn tuổi thường có ít động lực tham gia vào các hoạt động bồi dưỡng hơn so với các GV khác. … một số GV những người lớn tuổi, GV ít động lực thì việc tham gia vào lớp tập huấn còn hạn chế. (CBQL.K.02.B) d. Trình độ tiếng Anh của GV Năng lực ngoại ngữ hạn chế cũng là một cản trở đối với GV trong việc tiếp cận với các tài liệu nước ngoài và thực hiện các công bố quốc tế. … đặc biệt là nhiều GV gặp nhiều khó khăn trong ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để có thể tiếp cận được các công trình nghiên cứu đọc tư liệu, thực hiện các công bố quốc tế. (CBQL.K.03.B) 2.2.2. Các yếu tố khác Trong số các yếu tố khách quan được đề cập, yếu tố về yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông là yếu tố được nhiều GV đề cập nhất, tiếp đến là các yếu tố liên quan đến việc lãnh đạo nhà trường đối với hoạt động bồi dưỡng; cơ chế, chính sách, thu nhập của GV; môi trường nhà trường; sự phát triển của khoa học công nghệ; kinh phí tham gia các hoạt động bồi dưỡng; và yêu cầu của nhà trường đối với GV thể hiện qua các yêu cầu về việc hoàn thành các định mức tối thiểu về giờ nghiên cứu khoa học và giảng dạy. a. Yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xem là một yếu tố then chốt đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tham gia của GV trong các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao về năng lực nghề nghiệp. … có lẽ là yếu tố khách quan là do sự thay đổi của chương trình phổ thông. Theo quan sát của mình, từ lúc mình về trường tới giờ, cái giai đoạn mà khi chương trình phổ thông có sự thay đổi thì trường sư phạm có chuyển động rất là nhanh để có thể đi trước cái chương trình phổ thông áp xuống thực tế, để mà từ đó, mình hỗ trợ được giáo viên phổ thông. (GVSP.06.A) b. Cơ chế, chính sách, các hỗ trợ về kinh phí tham gia các hoạt động bồi dưỡng của các trường Cơ chế, chính sách hỗ trợ GV trong quá trình tham gia hoạt động bồi dưỡng cũng được cho là có tác động đến việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng của GV. 135
  6. Lê Thị Thu Liễu*, Nguyễn Kim Dung và Phạm Thị Hương Có hai góc độ, một là việc quản lý của nhà trường cái đó nó quyết định tất cả. Nó có thể là cử cán bộ đi, có thể là cơ chế chính sách để hỗ trợ cán bộ nâng cao năng lực. (GVSP.08.B) Có một chia sẻ cũng rất đáng lưu ý của một GV đó là, các cơ chế, chính sách của nhà trường cần kích thích, thúc đẩy được khả năng học tập, bồi dưỡng mang tính tự định hướng, học tập suốt đời của người học. Các chính sách, quy định, quy trình, hướng dẫn cụ thể về bồi dưỡng năng lực giảng dạy và nghiên cứu GVSP, kích thích hoạt động tự định hướng, học tập suốt đời của GV. (CBQL.02.A) Việc đảm bảo về thu nhập để GV có thể yên tâm tham gia các hoạt động bồi dưỡng, chuyên môn cũng là một yếu tố mà một số cán bộ, GV băn khoăn. Cái khách quan lớn nhất và là cái câu chuyện của trường thì đầu tiên vẫn là cái bài toán về kinh phí, về cái mức thu nhập. …Thực ra thì với GV thì họ không cần phải thu nhập quá cao nhưng mà cũng vẫn phải là một cái thu nhập đủ để họ yên tâm để dành nhiều thời gian cho cái việc chuyên môn thì cái mức trung bình ở trường là chưa đủ, chưa đủ cái mức yên tâm để các GV có thể yên tâm thì việc đấy là yếu tố khách quan ảnh hưởng lớn nhất (CBQL.01.A) Lương của giáo viên sư phạm cực kỳ thấp. Bản thân cá nhân tôi là GV tiến sĩ, … nhưng mà lương có bảy triệu rưỡi một tháng. Chỗ đó là riêng về cái chính sách tiền lương nó thấp rồi làm cho GV nó chưa thực sự yên tâm ở cái đồng lương để mà mà tập trung vào vấn về giảng dạy và nghiên cứu. (GVSP.03.B) … nếu mà lương dưới mười triệu thì mình sẽ không đảm bảo được cuộc sống ...mình còn phải làm những điều khác nữa nên nhưng cái đợt bồi dưỡng cho mình tham gia thì hầu như mình từ chối. (GVSP.02.B) Kinh phí để GV tham gia trong các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng là một vấn đề mà GV hết sức băn khoăn. Bản thân tôi là một người đam mê nghiên cứu nữa nên tôi nhiều khi cũng không tính toán nhiều đến việc kinh phí. Nhưng những người tham gia cùng tôi là tôi lại phải cân nhắc đến cái vấn đề này nên để có thể hợp tác với nhiều đối tác khác nhau thì phần kinh phí cũng là cái trăn trở trong cái việc đầu tư cái mảng thứ hai đó là cho nghiên cứu. (GVSP.04.A) c. Tầm nhìn, năng lực của lãnh đạo các hoạt động bồi dưỡng Tầm nhìn, năng lực lãnh đạo cấp trường, phòng ban, khoa cũng có ảnh hưởng đến việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng của GV. GV cũng cho rằng, nếu cán bộ quản lí có năng lực lãnh đạo tốt thì cũng tạo ra các chính sách, động lực cho GV tham gia các hoạt động bồi dưỡng. Do đó là chính sách của nhà trường có tác động khá là lớn, đó là vấn đề vai trò quản lý và năng lực quản lý năng lực tổ chức của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo của phòng ban, lãnh đạo của các khoa chuyên môn bởi vì đầu tiên chúng ta xây dựng các chế độ chính sách đó tất nhiên chúng ta thấy được năng lực và tầm nhìn của lãnh đạo khi đó mới tạo động lực cho GV tham gia. (GVSP.09.B) d. Môi trường, văn hóa tổ chức của nhà trường, đơn vị Môi trường nhà trường trong đó bao gồm môi trường tinh thần và môi trường vật chất cũng là một yếu tố được GV đề cập. Môi trường tinh thần cần tạo ra bầu không khí học thuật cởi mở, kích thích và thúc đẩy GV tham gia các hoạt động bồi dưỡng, trong khi đó, môi trường vật chất thể hiện qua khả năng đáp ứng của các cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động chuyên môn, nghiên cứu của GV. Nhưng mình nghĩ là cái yếu tố khách quan là cái môi trường trong nhà trường đó. Nếu như trong nhà trường của anh mà không có được, không duy trì được cái không khí sinh hoạt học thuật thì anh rất là khó tác động đến yếu tố chủ quan của người ta. Anh phải tạo được cái không khí đó, duy trì được cái môi trường đó thì người ta ở trong cái môi trường đó người ta sẽ cảm thấy là mình không thể nằm ngoài cái môi trường đó là khi người ta cảm thấy là mình phải 136
  7. Khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực… hòa nhập với môi trường đó thì người ta sẽ có động cơ để người ta nâng cao trình độ (TTBM.01.A) e. Nội dung của hoạt động bồi dưỡng và uy tín của chuyên gia, đơn vị tổ chức Một số GV cũng đề cập đến các yếu tố khách quan khác khi cân nhắc tham gia các hoạt động bồi dưỡng đó là ý nghĩa, nội dung của hoạt động bồi dưỡng và uy tín của đơn vị tổ chức hoạt động bồi dưỡng. Nội dung tập huấn cần phù hợp với đặc thù chuyên môn sâu của GV và đặc biệt phải phù hợp với nhu cầu thiết thực của GV là một khía cạnh mà GV cũng đề cập đến khi nói về các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động bồi dưỡng. Điểm thứ ba là các khâu tổ chức tập huấn nội dung tập huấn các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyên môn cũng ảnh hưởng đến kết quả tập huấn. Ví dụ, một số lớp tập huấn không phù hợp với chuyên môn đặc thù lĩnh vực mà GV theo đuổi, chuyên môn hẹp của GV hoặc là không gian chưa phù hợp cũng gây trở ngại đến hoạt động tập huấn của GV. (CBQL.K.02.B) Những ảnh hưởng về bồi dưỡng chính là chủ đề của bồi dưỡng nếu như thật là đáp ứng đúng mong muốn và nhu cầu của GV thì người ta sẽ tích cực và hăng hái tham gia. (CBQL.02.B) Chuyên gia hay người huấn luyện phụ trách các hoạt động bồi dưỡng của trường cũng là một yếu tố được GV quan tâm và xem là có ảnh hưởng đến việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng của GV. … muốn nâng cao được năng lực giảng dạy của GV thì phải tìm được chuyên gia. Mình xuất phát từ cái sứ mạng là đào tạo giáo viên kết hợp với cái đại học ứng dụng hay đại học nghiên cứu thì mình tìm đúng những cái chuyên gia, họ sẽ gợi cho chúng ta rất là nhiều. (GVSP.08.B) f. Sự thay đổi của khoa học công nghệ Sự thay đổi của khoa học công nghệ cũng tác động nhiều đến xu hướng chuyển từ các hình thức bồi dưỡng trực tiếp hoàn toàn sang hình thức bồi dưỡng trực tuyến hoặc kết hợp. Ngoài ra còn các yếu tố như là công nghệ này, công nghệ thông tin rồi tác động của cách mạng công nghiệp... thì rõ ràng là nó sẽ chi phối đến cái cách thức mà ta có thể tiếp cận được khoa học. Ví dụ là ta có thể học một khóa học online chẳng hạn hoặc là tổ chức một cái hội thảo nho nhỏ online, thì nó cũng rất là thuận lợi cho chúng ta trong việc cải tiến chính những cái năng lực của mình. (GVSP.03.A) 2.4. Thảo luận Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hướng đến quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp hay bồi dưỡng chuyên môn của GVSP đó chính là động cơ và nhu cầu của bản thân GV đối với việc tham gia bồi dưỡng [4], [5], [6] hay khả năng tự khởi xướng và quyết định của GV để đưa bản thân ra khỏi vùng an toàn và tìm kiếm các cơ hội phát triển bản thân mới [7]. Việc hiểu về tính độc đáo của đặc tính đa dạng của nghề nghiệp GVSP được xem là vô cùng cần thiết để xây dựng các chính sách liên quan đến bồi dưỡng GV [4]. Một trong những đặc tính đó chính là vai trò đa dạng của GV bao gồm: vai trò là giáo viên của giáo viên; vai trò của nhà nghiên cứu; vai trò của người phát triển chương trình; vai trò cố vấn, tư vấn; vai trò đánh giá người học; và vai trò cầu nối giữa người học và các bên liên quan [14]. Trong số các vai trò này, vai trò nghiên cứu và giảng dạy được nhắc tới nhiều hơn cả trong các nghiên cứu về bồi dưỡng chuyên môn cho GVSP. Hai vai trò này cũng được gắn kết chặt chẽ với nhau qua các hoạt động nghiên cứu ứng dụng (GV nghiên cứu về việc dạy của chính mình) [17]. Kết quả phỏng vấn cán bộ, GV trong nghiên cứu này cũng cho thấy các đối tượng cũng có ý thức cao đối với việc tham gia các hoạt động nghiên cứu. Kết quả này cũng tương tự với ý kiến phỏng vấn các GVSP đã được thực hiện trong nhiều nghiên cứu khác ở các quốc gia trên thế giới khi 137
  8. Lê Thị Thu Liễu*, Nguyễn Kim Dung và Phạm Thị Hương GV cũng cho rằng việc thực hiện nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo giáo viên [18]. Kết quả phỏng vấn các GVSP ở Ích-xa-ren trước đó của cũng nhấn mạnh rằng, việc tham gia các hoạt động nghiên cứu giúp ích cho các hoạt động giảng dạy [18]. Chẳng hạn như, việc đọc và thực hiện các nghiên cứu giúp GVSP có hiểu biết sâu sắc hơn đối với các vấn đề nghiên cứu về đào tạo giáo viên; cải thiện việc giảng dạy của GV; giúp GV giải quyết được các vấn đề…[18]. Động cơ nghề nghiệp hay lí do trở thành GVSP được một GV đề cập tới trong kết quả phỏng vấn cũng khá tương đồng với kết quả phỏng vấn GVSP trong nghiên cứu [19]. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng khẳng định thêm rằng, nếu GV tham gia tuyển dụng vào trường vì các lí do thực dụng sẽ khó có sự cam kết với nghề nghiệp và do đó, có thể có các ảnh hưởng tiêu cực đến tính chuyên nghiệp của các nhà giáo dục [19]. Theo đó, lí do trở thành GVSP cũng có thể được xem là một yếu tố có ảnh hưởng đến tính cam kết đối với nghề nghiệp cũng như động cơ tham gia các hoạt động bồi dưỡng của GV. Các thay đổi trong các chương trình, chính sách đào tạo giáo viên được xem là các thay đổi từ bên ngoài, đóng vai trò thúc đẩy việc nâng cao năng lực nghề nghiệp của GV [6]. Điều này cũng được thể hiện qua kết quả phỏng vấn trong nghiên cứu này khi một số ý kiến cho rằng trong 5 năm qua, cùng với sự thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường đào tạo giáo viên ở Việt Nam cũng phải thay đổi kéo theo sự thay đổi của GVSP trong việc cập nhật các đổi mới từ chương trình giáo dục phổ thông vào chương trình đào tạo giáo viên của các trường. Việc thiếu hụt các nguồn lực về chi phí, các nguồn lực khác cũng ảnh hưởng đến hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, năng lực nghề nghiệp cho GV [9]. Điều này đã được thể hiện tương đối rõ qua nhiều ý kiến phỏng vấn của cán bộ, GV cho rằng, việc chi trả lương và thu nhập chưa tương xứng cũng ảnh hưởng nhiều đến động cơ tham gia các hoạt động bồi dưỡng của GV. Yếu tố về tầm nhìn, năng lực lãnh đạo cũng được đề cập trong một số ý kiến phỏng vấn trong nghiên cứu. Điều này cho thấy, việc định hình và thể hiện các phong cách lãnh đạo trong đó thúc đẩy các hoạt động bồi dưỡng GVSP, học tập chuyên môn của GV có ý nghĩa rất quan trọng. Mặc dù, hầu như chưa có nghiên cứu nào mà tác giả được tiếp cận đề cập tới mối liên hệ giữa việc lãnh đạo và việc bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp GVSP, nhưng có rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện liên quan đến việc lãnh đạo lấy việc học làm trung tâm và sự ảnh hưởng của việc lãnh đạo này đến việc học tập, bồi dưỡng chuyên môn của giáo viên [20], [21], [22]. Yếu tố về môi trường tinh thần, văn hóa nhà trường cũng được đề cập tới trong một số ý kiến phỏng vấn GV. Việc tạo ra một bầu không khí học thuật cởi mở và cán bộ quản lí làm gương cho các GV khác trong việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cũng là một khía cạnh thể hiện việc lãnh đạo lấy người học làm trung tâm [20], [21], [22]. 3. Kết luận Kết quả phỏng vấn các cán bộ quản lí chuyên môn (cấp khoa, tổ bộ môn) và GVSP cho thấy có hai nhóm yếu tố chính ảnh hưởng đến việc quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp của GVSP, được thể hiện ở hình 1 dưới đây. Các kết quả phân tích và thảo luận trong nghiên cứu đóng góp thêm vào việc định hình các căn cứ thực tiễn cho việc xây dựng và triển khai các chính sách bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp GVSP tại các trường đại học Việt Nam, trong đó cần dựa trên nhu cầu bồi dưỡng thiết thực của GV và kích thích được tính tự chủ của GV khi tham gia các hoạt động bồi dưỡng. Các hướng nghiên cứu tiếp theo có thể khai thác sâu hơn các khía cạnh chưa được đề cập đến trong nghiên cứu này đó chính là, giai đoạn nghề nghiệp GVSP đang thuộc về cũng được xem là yếu tố quan trọng [23] có thể ảnh hưởng đến quản lí hoạt động bồi dưỡng. Chẳng hạn như, GVSP ở giai đoạn mới bắt đầu thường có nhiều động lực để học hỏi về nghề nghiệp mới, họ thường thích tham gia vào các nhóm đồng nghiệp để học hỏi lẫn nhau, trong khi đó, GVSP ở giai đoạn giữa của sự nghiệp thường tham gia vào các nghiên cứu hoặc cố gắng đạt được các vị trí quản lí, còn 138
  9. Khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực… GV sắp về hưu vẫn có một số nỗ lực để học thêm kỹ năng giao tiếp và thích học về huấn luyện và các hoạt động thực hành khác hữu ích cho việc đào tạo giáo viên nhưng ít đặc thù hơn cho lĩnh vực cụ thể của họ [23]. Đồng thời, các nghiên cứu tiếp theo cũng có thể tập trung khai thác sâu hơn từng yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lí hoạt động bồi dưỡng để có thể có cách nhận định sâu sắc hơn về từng yếu tố này gắn với việc đào tạo giáo viên đặc trưng tại các trường sư phạm Việt Nam trong bối cảnh đang diễn ra việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các cấp học. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2022. Quyết định 1079/QĐ-BGDĐT ngày 20/4/2022 về việc ban hành chương trình bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học. [2] Cochran-Smith, M, 2000. Teacher education at the turn of the century. Journal of Teacher Education, 51(3), 163–165. https://doi.org/10.1177/0022487100051003001 [3] Hội đồng Châu Âu (European Commision), 2013. Supporting Teacher Educators. Education and Training. http://ec.europa.eu/education/policy/school/doc/support-teacher- educators_en.pdf [4] Hội đồng Châu Âu (European Commision), 2013. Supporting Teacher Educators. Education and Training. http://ec.europa.eu/education/policy/school/doc/support-teacher- educators_en.pdf [5] Van der Klink, M., Kools, Q., Avissar, G., White, S., & Sakata, T, 2017. Professional development of teacher educators: what do they do? Findings from an explorative international study. Professional Development in Education, 43(2), 163–178. https://doi.org/10.1080/19415257.2015.1114506 [6] Ping, C., Schellings, G., & Beijaard, D, 2018. Teacher educators’ professional learning: A literature review. Teaching and Teacher Education, 75, 93–104. https://doi.org/10.1016 /j.tate.2018.06.003 [7] Meeus, W., Cools, W., & Placklé, I, 2018. Teacher educators developing professional roles: frictions between current and optimal practices. European Journal of Teacher Education, 41(1), 15–31. https://doi.org/10.1080/02619768.2017.1393515 [8] Czerniawski, G., Guberman, A., & MacPhail, A, 2016. The professional developmental needs of higher education-based teacher educators: an international comparative needs analysis. European Journal of Teacher Education, 40(1), 127–140. https://doi.org/10.1080/ 02619768.2016.1246528 [9] Desiree, D. A, 2019. Continuing Professional Development ( CPD ) of Teacher Educators ( TEs ) within the ecological environment of the island territories of the Organisation of Eastern Caribbean States ( OECS ). University of Liverpool. [10] Guberman, A., Ulvik, M., MacPhail, A., & Oolbekkink-Marchand, H, 2020. Teacher educators’ professional trajectories: evidence from Ireland, Israel, Norway and the Netherlands. European Journal of Teacher Education, 00(00), 1–18. https://doi.org/10. 1080/02619768.2020.1793948 [11] Đức, B. M, 2017. Đề xuất khung năng lực nghề nghiệp của giảng viên đại học sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới đào tạo giáo viên hiện nay. Tạp Chí Khoa Học, Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội, 62(4), 3–10. https://doi.org/10.18173/2354-1075.2017-0052 [12] Thu-Lieu T.L, Trung, N.T, Huyen, N.T.T, Trang, N.T.T & Ngoc, B. T. , 2020. Professional Development of teacher educators - A case study at HoChiMinh City University of Education, 5, 818-828. 139
  10. Lê Thị Thu Liễu*, Nguyễn Kim Dung và Phạm Thị Hương [13] Dengerink, J., Lunenberg, M. & Korthagen, F, 2014. The Professional Teacher Educator. The Professional Teacher Educator, June. https://doi.org/10.1007/978-94-6209-518-2 [14] Smith, K, 2003. So, what about the professional development of teacher educators? European Journal of Teacher Education, 26(2), 201–215. https://doi.org/10.1080/0261 976032000088738. [15] Bùi Minh Hiền, 2006. Quản lí giáo dục. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. [16] Cochran-Smith, M, 2005. Teacher educators as researchers: Multiple perspectives. Teaching and Teacher Education, 21(2), 219–225. https://doi.org/10.1016/j. tate.2004.12.003 [17] Guberman, A., & Mcdossi, O, 2019. Israeli teacher educators’ perceptions of their professional development paths in teaching, research and institutional leadership. European Journal of Teacher Education, 42(4), 507–522. https://doi.org/10.1080/ 02619768.2019.1628210 [18] Cochran, M., Grudnoff, L., Orland-Barak, L., & Smith, K, 2019. Educating Teacher Educators: International Perspectives. The New Educator, 16(1), 5–24. https://doi.org/10. 1080/1547688X.2019.1670309 [19] Liu, S., Hallinger, P., & Feng, D, 2016. Supporting the professional learning of teachers in China: Does principal leadership make a difference? Teaching and Teacher Education, 59, 79–91. https://doi.org/10.1016/j.tate.2016.05.023 [20] Hallinger, P., Piyaman, P., & Viseshsiri, P, 2017. Assessing the effects of Learning- Centered Leadership on Teacher Professional Learning in Thailand. Teaching and Teacher Education, 67, 464–476. https://doi.org/10.1016/j.tate.2017.07.008 [21] Huang, L., Zhang, T., & Huang, Y, 2020. Effects of school organizational conditions on teacher professional learning in China: The mediating role of teacher self-efficacy. Studies in Educational Evaluation, 66(October 2019. https://doi.org/10.1016/j.stueduc. 2020.100893 [22] Dengerink, J., Lunenberg, M., & Kools, Q, 2015. What and how teacher educators prefer to learn. Journal of Education for Teaching, 41(1), 78–96. https://doi.org/10.1080/02607476.2014.992635. ABSTRACT Exploring factors affecting professional development activities for teacher educators at Vietnamese teacher education universities Le Thi Thu Lieu1*, Nguyen Kim Dung2 and Pham Thi Huong1 1 Faculty of Educational Science, Ho Chi Minh City University of Education 2 Vietnam Institute for Education Sciences This article presents results of interviews with 38 managers, officers and teacher educators at two teacher education universities in Vietnam about factors affecting management of teacher educators’ professional development activities. The new point of the study is an analysis of internal and external factors that affect managing professional development activities of the teacher educators through different voices of managers and teacher educators in teacher education universities in Vietnam. The results of the study can contribute to the proposal of professional development policies for the teacher educators in the context of reforming the general education program. Keywords: management, professional development, teacher educators, factors, teacher education university, Vietnam. 140
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2