YOMEDIA
ADSENSE
Khu vườn có những lối đi phân nhánh
143
lượt xem 4
download
lượt xem 4
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Dịch giả: Trần Thiện Huy Nguyên tác: The Garden with Forking Paths Ở trang 22 cuốn Lịch sử thế chiến thứ I của Liddell Hart có viết rằng một cuộc tấn công vào chiến tuyến Serre-Montauban của 13 sư đoàn quân Anh (được 1,400 khẩu pháo các loại yểm trợ) được trù tính cho ngày 24 tháng 7, 1916, đã phải hoãn lại cho đến buổi sáng ngày 29.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Khu vườn có những lối đi phân nhánh
- Khu vườn có những lối đi phân nhánh Dịch giả: Trần Thiện Huy Nguyên tác: The Garden with Forking Paths Ở trang 22 cuốn Lịch sử thế chiến thứ I của Liddell Hart có viết rằng một cuộc tấn công vào chiến tuyến Serre-Montauban của 13 sư đoàn quân Anh (được 1,400 khẩu pháo các loại yểm trợ) được trù tính cho ngày 24 tháng 7, 1916, đã phải hoãn lại cho đến buổi sáng ngày 29. Những cơn mưa như trút nước đã gây ra sự chậm trễ này theo như Đại úy Liddell Hart ghi nhận; chỉ là một sự chậm trễ nhỏ nhoi không quan trọng gì, tiện thể cũng nói thêm cho rõ. Lời khai dưới đây, được ghi lại từ miệng một vị Tiến sĩ có tên Yu Tsun, cựu giáo sư Anh văn ở trường Trung học Đức tại Thanh Đảo, và được ông ta đọc lại để kiểm tra nội dung và ký tên xác nhận, đã rọi một tia sáng bất ngờ vào toàn bộ vụ việc. Hai trang đầu của văn bản đã bị lạc mất. ”… rồi tôi gác máy điện thoại. Ngay lập tức, tôi nhớ ra giọng nói vừa trả lời bằng tiếng Đức. Đó là giọng của Đại úy Richard Madden. Sự có mặt của Madden trong căn hộ của Viktor Runenberg có nghĩa là đã đến lúc chấm dứt những nỗi phập phồng lo âu của chúng tôi, cũng như – điều này lại có vẻ, hoặc đúng lý thì phải có vẻ, giống như một chuyện thứ yếu đối với tôi – đến lúc chấm dứt tính mạng của chúng tôi. Việc đó cho biết là Runenberg đã bị bắt giữ hoặc sát hại.[1] Trước khi mặt trời lặn, tôi sẽ cùng chịu chung số phận. Madden là một kẻ không bao giờ biết khoan nhượng. Hay nói cho đúng thì hắn bị buộc phải không biết khoan nhượng. Một tên người Ireland phục vụ cho nước Anh, một kẻ bị buộc tội trễ nải và có thể cả tội phản bội, hắn sao lại có thể bỏ lỡ không chụp lấy và đội ơn một cơ hội tuyệt vời như vậy chứ: cơ hội phát hiện ra, bắt giữ, và cũng có thể là hạ sát hai điệp viên của Đế chế Đức. Tôi đi lên phòng mình, làm một chuyện phi lý là khoá cửa lại rồi nằm ngửa ra trên chiếc ghế bố hẹp bằng sắt. Qua cửa sổ, tôi nhìn thấy những mái nhà quen thuộc và vầng mặt
- trời lúc sáu giờ tối khuất sau mây. Có vẻ thật khó thể tưởng tượng nổi là một ngày như ngày hôm nay, không có điềm báo hay dấu hiệu gì, lại là ngày tôi gặp cái chết không tránh khỏi. Mặc dù có một người cha như người cha quá cố của tôi, mặc dù đã từng là một đứa trẻ trong khu vườn đối xứng của Hai Feng, tôi rồi cũng phải – ngay lúc này – chết ư? Rồi tôi ngẫm ra rằng mọi sự đều đến với con người vào ngay lúc này. Đã từng có bao thế kỷ chồng lên thế kỷ, nhưng chỉ trong thời khắc hiện tại mới là lúc mọi thứ diễn ra; có vô số con người trong không trung, trên mặt đất và dưới biển, nhưng tất cả những gì thật sự đang xảy ra chỉ xảy ra cho tôi mà thôi…. Sự hình dung cực kỳ khó chịu lại khuôn mặt như mặt ngựa của Madden đánh dạt những ý tưởng mông lung đó. Giữa cơn thù hận và kinh hoảng (giờ đây nói đến kinh hoảng đối với tôi chẳng còn nghĩa lý gì, khi mà tôi đã đùa cợt với Richard Madden, khi mà cần cổ tôi đang mong mỏi vòng dây thòng lọng) tôi nhận ra là vị lính chiến loạn động và chắc chắn là đang rất vui sướng kia không hề ngờ rằng tôi đang nắm giữ Điều bí mật. Địa danh chính xác nơi đặt pháo đội mới nhất của người Anh bên sông Ancre. Một con chim vụt qua bầu trời xám và trong sự mù quáng, tôi chuyển dịch nó sang thành một chiếc máy bay và từ chiếc máy bay đó sang nhiều chiếc khác (bay trên nền trời nước Pháp) xoá sổ căn cứ pháo binh kia bằng bom ném thẳng. Chỉ cần làm sao miệng tôi, trước khi bị bắn tan bằng một viên đạn, có thể kêu to được cái tên bí mật ấy để tận bên Đức cũng nghe được… Tiếng nói tự nhiên của tôi thì rất yếu. Làm sao tôi bắt nó vượt không gian tới được tai của Tư lệnh? Đến tai gã bệnh hoạn và đầy thù hận đó, kẻ không biết gì về Runenberg và tôi ngoài chuyện chúng tôi đang có mặt ở Staffordshire, và giờ đây đang uổng công chờ đợi báo cáo của chúng tôi trong căn phòng u ám của ông ta ở Berlin trong khi đọc miệt mài các loại báo chí…. Tôi nói thành tiếng: Mình phải trốn. Tôi ngồi thẳng dậy không một tiếng động, trong sự im lặng một cách hoàn toàn chẳng để làm gì, cứ như là Madden đang nằm chờ tôi sẵn vậy. Vì cái gì không rõ – có lẽ chỉ là ý muốn phô trương rằng phương tiện trong tay tôi chỉ là con số không – tôi lục lại hết túi quần mình. Tôi thấy những gì tôi biết chắc mình sẽ thấy. Chiếc đồng hồ Mỹ, sợi xích bằng kền và đồng tiền vuông, xâu chìa khoá với những chiếc chìa vô dụng rành rành tội chứng dùng để mở cửa căn hộ của Runenberg, cuốn sổ, một lá thư tôi quyết định hủy ngay lập tức (và đã không hủy), một đồng bảng, hai đồng shilling
- và mấy đồng tiền xu, bút chì xanh và đỏ, khăn tay, khẩu súng với một viên đạn. Tôi cầm khẩu súng trên tay và ước lượng sức nặng của nó để khơi gợi lòng dũng cảm của mình một cách hoang đường. Tôi nghĩ mơ hồ rằng tiếng súng nổ có thể vọng đi được rất xa. Trong mười phút, kế hoạch của tôi đã hoàn chỉnh. Niên giám điện thoại liệt kê tên của một người duy nhất có thể chuyển đạt được thông điệp; ông ta sống ở khu ngoại ô Fenton, cách đó chưa tới nửa tiếng đi xe lửa. Tôi là một kẻ hèn nhát. Giờ đây tôi mới nói điều đó, sau khi đã tiến hành đến cùng một kế hoạch mà không ai phủ nhận được là rất nguy hiểm. Tôi cũng biết cách thực hiện nó quả là tồi tệ. Tôi không làm vì nước Đức, chắc chắn. Tôi chẳng gắn bó gì với một quốc gia man rợ đã áp đặt lên tôi sự thấp hèn của một kẻ làm gián điệp. Ngoài ra, tôi biết một người Anh – một con người khiêm tốn, khép kín - đối với tôi cũng vĩ đại không kém gì Goethe. Tôi chỉ nói chuyện với ông ta chưa tới một tiếng đồng hồ, nhưng trong suốt tiếng đồng hồ đó, ông chính là Goethe….Tôi đã làm vì tôi cảm thấy hình như Tư lệnh sợ người dân nước tôi – vì vô số những vị tổ tiên đã hoà nhập lại trong con người tôi. Tôi muốn chứng minh cho ông ta là một người da vàng có thể cứu được quân đội của ông ta. Hơn nữa, tôi cũng phải trốn khỏi Đại úy Madden. Nắm tay và giọng nói của hắn có thể gọi cửa ngoài kia bất cứ lúc nào. Tôi lặng lẽ mặc quần áo, từ biệt bản thân mình trong gương, xuống nhà dưới, quan sát kỹ con đường yên ắng rồi ra ngoài. Nhà ga không xa lắm, nhưng tôi nghĩ khôn ngoan thì nên đi xe taxi. Tôi lý luận là bằng cách đó, mình giảm được khả năng bị nhận mặt; sự thật là đi trên đường vắng, tôi cảm thấy mình quá lộ liễu và yếu thế vô cùng. Tôi nhớ mình đã bảo người lái xe ngừng lại từ một khoảng cách ngắn trước cổng chính. Tôi chui ra với một sự chậm chạp tự nguyện, gần như khổ sở; tôi đi tới làng Ashgrove nhưng lại mua vé tới một trạm xa hơn. Còn vài phút xe lửa sẽ chạy, vào lúc 8:50. Tôi phải vội cho kịp; đến 9:30 chiếc kế mới khởi hành. Trên tàu gần như chẳng có ma nào. Tôi đi qua các toa; nhớ rằng có thấy vài người nông dân, một phụ nữ mặc đồ tang, một cậu bé đang say sưa đọc cuốn Biên niên của Tacitus, một người thương binh vui vẻ. Cuối cùng cũng đến lúc toa tàu chồm tới trước. Một người tôi quen mặt cố đuổi một cách vô vọng để bắt kịp cuối tàu. Đó chính là Đại úy Richard Madden. Toàn thân
- như bị tung toé ra, run rẩy, tôi thu mình vào góc ngoài cùng của ghế, xa khỏi khung cửa sổ đáng sợ. Trong trạng thái rệu rã đó tôi rơi vào một khoái cảm gần như thấp kém. Tôi tự nhủ rằng trận đấu đã bắt đầu và tôi đã thắng hiệp đầu bằng cách chặn đứng, dù chỉ là trong 40 phút, dù là nhờ một sự may mắn nhỏ, đòn tấn công của đối thủ. Tôi lý luận rằng cái thắng lợi cực kỳ nhỏ nhoi này báo hiệu cho chiến thắng vào chung cuộc. Tôi lý luận (một cách hàm hồ không kém) rằng cái khoái cảm hèn nhát này đã chứng minh tôi là người có thể thực hiện cuộc phiêu lưu thành công. Từ sự yếu kém, tôi đã tìm thấy sức mạnh vốn chưa hề rời bỏ tôi. Tôi tiên liệu ngày con người càng lúc càng chuyển sang những hành động khốc liệt hơn; chẳng bao lâu nữa, sẽ chỉ còn có chiến binh và kẻ cướp trên đời này; tôi có lời khuyên cho họ: kẻ thực hiện những hành động khốc liệt phải tưởng tượng như mình đã hoàn thành nó, phải áp đặt cho mình một tương lai cũng bất di bất dịch như quá khứ vậy. Cứ thế, tôi tiến tới trong khi đôi mắt mình ghi nhận quang cảnh ngày tàn và bóng tối toả rộng ra với cái nhìn của người đã chết. Xe lửa chạy êm ái xuyên qua những rặng cây tần bì. Nó ngừng lại, gần như ngay giữa đồng trống. Không ai báo tên nhà ga cả. “Có phải Ashgrove không?” Tôi hỏi vài cậu bé trên tàu. “Ashgrove”, chúng trả lời. Tôi xuống tàu. Một chiếc đèn chiếu sáng trên tàu, nhưng khuôn mặt mấy cậu bé chìm trong bóng tối. Một đứa hỏi tôi, “Ông đi tới nhà tiến sĩ Stephen Albert đấy à?” Chưa đợi tôi trả lời, đứa khác đã nói, “Nhà ông ấy khá xa chỗ này, nhưng ông không sợ lạc nếu ông rẽ trái ở con đường kia, rồi cứ đến góc đường nào cũng rẽ trái tiếp.” Tôi thảy cho bọn nó một đồng tiền (đồng cuối cùng tôi có), đi xuống theo vài bậc thang đá, rồi đi theo con đường lẻ loi. Từ từ, nó đi xuống dưới đồi. Mặt đường bằng thứ đất nguyên thủy; trên đầu rợp bóng cành cây đan nhau; vầng trăng tròn, chậm chạp hình như đang trôi theo bước tôi. Trong một ý nghĩ thoáng qua, tôi đã tưởng Richard Madden bằng cách nào đó đã nhìn thấu được vào ý đồ tuyệt vọng của tôi. Nhưng rất nhanh, tôi hiểu ngay không có lý nào có chuyện đó. Lời hướng dẫn luôn rẽ về bên trái nhắc nhớ rằng đó cũng là cách thức thông thường để tìm tâm điểm của một số mê cung. Tôi cũng hiểu biết về mê cung tới một mức
- nào đó: đâu có phải vô ích mà tôi lại là cháu chắt của Ts’ui Pên, người từng giữ chức tổng đốc Vân Nam và đã từ bỏ quan trường để viết một cuốn tiểu thuyết trong đó còn nhiều nhân vật hơn Hồng Lâu Mộng, và để kiến thiết một mê cung mà trong đó tất cả ai vào cũng bị lạc. Ông đã bỏ 13 năm trời toàn tâm cho hai việc này, nhưng rồi bị sát hại vì tay một kẻ lạ mặt – cuốn tiểu thuyết của ông thì hỗn độn không ai đọc hiểu, còn mê cung thì chưa người nào tìm thấy. Dưới bóng những cây cối nước Anh, tôi suy ngẫm về mê cung bị thất lạc ấy; hình dung ra nó toàn vẹn và hoàn hảo trong một khe núi bí mật; hay bị che phủ dưới những đồng lúa hoặc dưới mặt nước; hình dung ra nó mênh mông vô tận, không phải ghép lại bằng những cung bát quái và những lối trở ra nữa, mà bằng những dòng sông, lãnh thổ và vương quốc… Tôi nghĩ đến một mê cung của các mê cung, đến một mê cung quanh co khuất khúc chứa đựng được cả quá khứ vị lai, và có gì đó liên quan tới các vì tinh tú. Chìm đắm trong những ảo ảnh giả tưởng, tôi quên bẵng cả mục đích mình đang theo đuổi. Trong bao lâu không rõ nữa, tôi thấy mình như một người quan sát trừu tượng thế giới này. Cảnh miền quê mơ hồ, sống động, mặt trăng, những gì còn lại của một ngày trời đã tác động lên tôi, cũng như độ dốc của con đường, đã loại trừ khả năng thấm mệt. Buổi chiều thật cận kề, thật vô tận. Con đường đổ xuống và chia thành những ngã rẽ giữa những bãi cỏ như bị làm cho rối trí. Một điệu nhạc lảnh lót, gần như đều đều từng âm tiết, vọng lại rồi tản ra theo chiều gió lay chuyển, bị các tán lá và khoảng cách làm tản ra rồi yếu dần đi. Tôi nghĩ chuyện một người có thể là kẻ thù đối với những người khác, đối với những khoảnh khắc của những người khác, nhưng không thể đối với một vùng quê: không thể là kẻ thù của đom đóm, những lời nói, khu vườn, dòng nước, buổi hoàng hôn. Cứ như thế, tôi đi đến một cánh cổng cao, rỉ sét. Đằng sau những song sắt, tôi nhìn ra được một vườn ươm bạch dương và một mái đình. Tôi bỗng hiểu ra hai chuyện, chuyện thứ nhất thì tầm thường, còn chuyện thứ hai gần như không thể tin được: tiếng nhạc vọng ra từ trong đình, và đây là nhạc Trung Hoa. Chính vì lý do đó mà tôi chấp nhận nó ngay được mà không cần phải chú ý lắng nghe gì. Tôi không nhớ rõ có chuông ở cổng không, hay mình đã gõ cửa bằng tay. Tiếng nhạc vẫn tiếp tục buông lóng lánh.
- Từ phía sau nhà, một chiếc đèn tiến tới: chiếc đèn mà đôi khi bóng cây vạch ngang qua hay cản lại, chiếc đèn giấy có hình dạng cái trống và màu mặt trăng. Một bóng người cao đang cầm nó trong tay. Tôi không nhìn rõ mặt ông vì ánh sáng làm tôi chói mắt. Ông mở cổng và nói chậm rãi, bằng chính ngôn ngữ của tôi: “Tôi thấy là ngài Hsi P’eng công chính cương quyết muốn giúp tôi thoát cảnh cô độc. Hẳn là ngài có ý muốn xem khu vườn?” Tôi nhận ra tên của một trong những lãnh sự nước tôi, và trả lời, rối trí: “Khu vườn?” “Khu vườn có những lối đi chia nhánh”. Có cái gì khuấy lên trong ký ức, và tôi lầm bầm với sự quả quyết từ đâu không hiểu được, “Khu vườn của ông cố tôi, Ts’ui Pên”. “Ông cố ngài? Vị tổ tiên hiển hách của ngài? Mời vào”. Con đường ẩm chạy dích dắc hệt như ngày tôi còn nhỏ. Chúng tôi vào tới một thư viện gồm cả sách Đông phương và Tây phương. Tôi nhận ra, bọc trong lụa vàng, vài tập của bộ Bách khoa toàn thư thất lạc, được hiệu đính do chính tay đời Hoàng đế thứ ba của Đại Thanh triều[2], nhưng không bao giờ ấn hành cả. Dĩa nhạc quay trong máy sát cạnh một con phượng bằng đồng. Tôi cũng nhớ có cả một chiếc bình “dương thể”[3] sắc hồng và một cái nữa, xưa hơn nhiều thế kỷ, có sắc lam mà những thợ cả của chúng tôi đã phỏng theo đồ gốm Ba Tư…. Stephen Albert quan sát tôi với một nụ cười. Như tôi đã nói, ông ta rất cao, nét mặt gọn và sắc, mắt và râu màu xám. Ông cho biết đã từng là một nhà truyền giáo ở Thiên tân “trước khi đi vào con đường trở thành nhà Trung hoa học”. Chúng tôi ngồi xuống – tôi trên một chiếc phản dài, thấp, ông ta quay lưng về cửa sổ và một chiếc đồng hồ cao. Tôi tính toán là kẻ truy đuổi mình, Richard Madden, còn phải ít nhất một tiếng nữa mới tới. Quyết tâm không lay chuyển được của tôi có thể hoãn lại một chút.
- “Một số phận đáng kinh ngạc, cuộc đời ngài Ts’ui Pên,” Stephen Albert nói. “ Tổng đốc của nguyên quán mình, am tường thiên văn học, chiêm tinh học và bộ môn diễn dịch miệt mài các kinh sách tiên hiền, kỳ thủ, thi sĩ và nhà thư hoạ lừng danh – ông từ bỏ tất cả để chuyên tâm tạo ra một cuốn sách và một mê cung. Ông xa lánh lạc thú của cả quyền lực độc đoán lẫn công lý, của chốn phòng the đông đúc, những buổi tiệc tùng và cả sự uyên bác nữa để tự nhốt mình 13 năm trời trong toà “Minh Liêu đình”[4]. Sau khi chết, con cháu không thấy ông để lại gì ngoài những bản thảo hỗn tạp. Gia đình ông, như ngài đã biết, muốn bỏ chúng vào lửa, nhưng người quản thủ – một đạo sĩ hay hoà thượng gì đấy – cương quyết đòi phải đem chúng ra công bố.” “Chúng tôi, các con cháu của Ts’ui Pên,” Tôi đáp, “giờ này vẫn còn đang nguyền rủa ông thày chùa đó. Công bố chúng ra thật là vô nghĩa. Cuốn sách đó là một đống không rõ ràng những bản thảo mâu thuẫn nhau. Có lần tôi cũng thử xem qua: trong chương ba thì nhân vật chính chết, đến chương bốn thì lại còn sống. Còn về công trình thứ hai của Ts’ui Pên, cái mê cung….” “Đây chính là mê cung của Ts’ui Pên,” ông ta nói, chỉ vào một cái bàn cao chạm trổ. “Mê cung bằng ngà!” Tôi thốt lên. “Một mê cung nhỏ nhoi”. “Một mê cung các biểu tượng,” ông ta chỉnh lại. “Một mê cung vô hình của không gian. Tôi, một người Anh man di, lại được phó thác cho lời giải đáp của bí ẩn mờ ảo này. Sau hơn 100 năm, giờ đây không thể nào tái tạo lại các chi tiết, nhưng không khó gì việc phỏng đoán chuyện đã xảy ra. Ts’ui Pên hẳn đã có lần nói: Ta lui về ẩn dật để viết một cuốn sách. Và lần khác: Ta ẩn dật để xây dựng một mê cung. Mọi người đều hình dung ra hai công trình; không ai từng nghĩ tới chuyện cuốn sách và mê cung chính là cùng một thứ. Toà Minh Liêu đình đã đứng ở giữa một khu vườn chắc là được thiết kế phức tạp và tinh tế; cảnh huống ấy có thể đã gợi ý cho những người thừa kế về một mê cung thực sự. Ts’ui Pên mất đi; không ai trong cả lãnh địa mênh mông từng thuộc về ông tìm thấy mê cung; tính cách rắc rối khó hiểu trong cuốn tiểu thuyết gợi ý cho tôi rằng nó mới chính là mê cung. Hai bối cảnh đã cho tôi lời giải đáp đúng đắn cho nghi vấn này. Một: chính là
- huyền thoại kỳ lạ nói rằng Ts’ui Pên đã có ý tạo ra một mê cung vô tận đúng nghĩa. Cái kia là một mẩu của một lá thư tôi đã khám phá.” Albert đứng dậy. Ông quay lưng lại phía tôi một lúc, mở ra một ngăn kéo của cái bàn đen và thiếp vàng. Ông quay lại tôi và trong tay ông cầm một mảnh giấy đã từng là màu điều, nhưng bây giờ thành màu hồng, mong manh và gấp nếp. Danh tiếng về thư hoạ của Ts’ui Pên thật quả xứng đáng. Tôi đọc, mù mờ không hiểu nhưng với cảm giác nồng nhiệt, những lời này được viết bằng nét cọ cực mảnh bởi một người mang dòng máu của tôi: Ta để lại cho nhiều tương lai ngày sau (nhưng không phải cho tất cả) khu vườn có những lối đi chia nhánh của ta. Không biết nói sao, tôi trả lại mẩu giấy. Albert tiếp tục: “Trước khi tìm thấy bức thư này, tôi đã từng tự hỏi mình làm thế nào một cuốn sách có thể mở ra vô tận. Tôi không nghĩ ra được cách nào hơn là một cuốn sách xoay vòng. Một cuốn sách mà trang cuối giống hệt với trang đầu, có khả năng tiếp tục đến vô cùng. Tôi cũng nhớ đến cái đêm trong phần giữa tập Ngàn lẻ một đêm khi mà Scheherazade (với sự sắp đặt quyền phép của một nhà sao chép) bắt đầu thuật lại từng chữ câu chuyện trong Một ngàn lẻ một đêm, làm cho người ta lo ngại câu chuyện sẽ dẫn nàng đến cái đêm nàng bắt đầu nhắc lại câu chuyện thêm lần nữa, và cứ như vậy cho đến vô cùng. Tôi cũng hình dung một công trình truyền đời theo kiểu Platon: chuyển từ tay cha tới con, trong đó mỗi người thêm vào một chương hay chỉnh sửa với sự cẩn trọng sùng kính những trang mà tiền nhân đã viết. Những sự phóng tưởng ấy đều thú vị; nhưng không có cái nào tương ứng, dù chỉ là một chút hơi hướng, với những chương truyện mâu thuẫn nhau của Ts’ui Pên. Đang phức tạp rắc rối như vậy thì tôi tìm thấy từ Oxford bản thảo mà ngài vừa xem xét. Lẽ tự nhiên, tư tưởng của tôi chựng lại trên câu này: Ta để lại cho nhiều tương lai sẽ tới (nhưng không phải tất cả) khu vườn có những lối đi chia nhánh. Gần như ngay lập tức, tôi hiểu ra: “khu vườn với những lối đi phân nhánh” chính là cuốn tiểu thuyết hỗn loạn; cụm từ “những tương lai sẽ tới (nhưng không phải tất cả)” gợi ý rằng sự chia nhánh là của thời gian chứ không phải không gian. Một lần đọc lại bao quát toàn bộ công trình đã củng cố cho giả thuyết này. Trong tất cả các tác phẩm hư cấu, mỗi lần một người phải đối mặt với nhiều lựa chọn, anh ta lựa một và loại trừ những cái còn lại; trong tiểu thuyết
- của Ts’ui Pên, anh ta chọn – cùng một lúc – tất cả. Bằng cách đó, anh ta đã tạo ra nhiều tương lai khác biệt, những thời gian khác biệt, bản thân chúng cũng lại sinh sôi nảy nở ra và chia nhánh. Chỗ này, vì vậy, chính là sự giải thích cho những mâu thuẫn của cuốn tiểu thuyết. Nói ví dụ, Fang có một bí mật; một người lạ mặt đến gọi cửa nhà anh ta; Fang quyết định giết người này. Theo lẽ tự nhiên, có một số cách diễn tiến thích hợp: Fang có thể giết kẻ xâm nhập kia, hắn có thể giết Fang, họ có thể cùng thoát thân được, họ có thể chết chung, vân vân; mỗi cái là một khởi điểm dẫn đến một chỗ phân nhánh khác. Đôi khi, những nẻo của mê cung nhập lại với nhau: ví dụ, ngài tới căn nhà này, nhưng ở một trong những quá khứ có thể xảy ra khác, ngài là kẻ thù của tôi, ở cái khác nữa, bạn tôi. Nếu ngài chịu bỏ quá cho cách phát âm không thể chữa được của tôi, chúng ta sẽ cùng đọc một vài trang.” Khuôn mặt ông ta, trong vùng sáng rõ của chiếc đèn, rõ là của một người già không thể chối cãi, nhưng có nét gì đó vĩnh viễn không thể đổi thay, thậm chí bất tử. Ông ta đọc với sự chuẩn xác chậm rãi hai dị bản khác nhau của cùng một chương hùng ca. Trong chuyện trước, một đạo quân tiến ra trận mạc ngang qua một đỉnh núi cô độc; sự kinh khủng trên những tảng đá và trong các bóng tối làm cho bọn họ coi nhẹ tính mạng và họ giành được thắng lợi dễ dàng. Chuyện thứ hai, cũng đạo quân ấy tấn công một lâu đài, nơi một lễ hội lớn đang diễn ra; trận chiến tưng bừng đối với họ cũng giống như sự nối tiếp của buổi lễ, và họ giành được chiến thắng. Tôi lắng nghe với sự tôn kính thích hợp những cố sự xa xưa này, có lẽ tự chúng không đáng kính phục bằng việc chúng đã được tạo ra bởi thân thuộc của tôi, và đang được tái tạo lại cho tôi nhờ một người từ một đế quốc xa xôi, giữa một cuộc phiêu lưu trong tuyệt vọng, nơi một hòn đảo phương Tây. Tôi nhớ những lời cuối cùng, nhắc lại ở cuối mỗi dị bản như một điều răn bí mật: Và cứ như vậy, các anh hùng đã chiến đấu, tâm can đáng phục của họ bình thản, kiếm của họ dữ dội, đặt mình vào chỗ chỉ còn biết giết chóc và chịu chết. Từ lúc đó, tôi bỗng cảm thấy xung quanh và trong thân thể tối tăm của mình, một sự chuyển dịch, một cái gì đó quy tụ lại, không thể nhìn thấy mà cũng không thể chạm vào được. Không phải sự quy tụ của những đạo quân riêng rẽ, song song và cuối cùng kết
- đoàn lại, nhưng là một sự kích động khó tiếp cận hơn, mật thiết hơn mà chúng biểu hiện. Stephen Albert tiếp tục: “Tôi không tin là vị tổ tiên hiển hách của ngài đã chơi một trò chơi vẩn vơ với những khảo dị này. Tôi thấy thật là khó tin nếu cho rằng ông đã hy sinh 13 năm trời cho một thể nghiệm vô tận về tu từ. Ở nước ngài, tiểu thuyết chỉ là một dạng phụ của văn học; vào thời Ts’ui Pên, nó là một dạng văn học bị khinh rẻ. Ts’ui Pên là một nhà văn tài năng, nhưng ông còn là một học giả, người chắc chắn không tự cho mình đơn thuần là một nhà văn. Lời thuật lại của những người đồng thời với ông quả quyết – và chính cuộc đời ông khẳng định – về những ý hướng siêu hình cũng như huyền bí của ông. Sự tranh luận về triết học chiếm một phần khá lớn trong sách. Tôi biết là trong mọi vấn đề, không có cái nào ám ảnh ông hay làm ông trăn trở nhiều bằng câu hỏi sâu thẳm về thời gian. Thế mà, đó là vấn đề duy nhất không hề xuất hiện lần nào trong Khu vườn. Ông thậm chí không hề dùng đến chữ “thời gian”. Ngài giải thích sự loại trừ tự ý ấy như thế nào? Tôi đưa ra một vài cách giải thích, cái nào cũng khó thoả mãn. Chúng tôi bàn luận về chúng. Cuối cùng Stephen Albert hỏi tôi: “Trong một câu đố muốn nói đến cờ, chữ nào là chữ duy nhất bị cấm không được dùng? Tôi ngẫm nghĩ 1 lúc rồi trả lời: “Chữ cờ”. 87788925_5caa24b643“Chính xác,” Albert đáp. “Khu vườn có những lối đi phân nhánh là một câu đố, hay một dụ ngôn lớn lao, mà chủ đề là thời gian; nguyên do bí hiểm này ngăn cản không cho nhắc đến nó. Luôn luôn tránh né một từ ngữ, xử dụng những ẩn dụ lạc điệu và những cách nói vòng quá rõ ràng, đó có lẽ là cách nhấn vào ý tưởng đó mạnh nhất. Đó là phương pháp quanh co được Ts’ui Pêng, con người nhiều ngụ ý lắt léo, ưa chuộng, trong tất cả mọi chuyển đoạn của cuốn tiểu thuyết không biết mỏi mệt này. Tôi đã so sánh hàng trăm bản thảo, tôi đã chỉnh sửa những khiếm khuyết do sự cẩu thả của những người sao chép, tôi đã đoán được ý đồ của tác phẩm hỗn loạn đó, tôi đã tái tạo được – tôi tin mình đã tái tạo được – cách sắp xếp nguyên thủy, tôi đã chuyển ngữ toàn bộ tác phẩm: tôi thấy rõ ràng là ông không bao giờ dùng chữ thời gian lấy một lần. Lời
- giải thích thật rõ ràng: Khu vườn là một hình ảnh, chưa hoàn chỉnh nhưng không sai lầm, của vũ trụ như trong cách hình dung của Ts’ui Pên. Trái ngược với Newton và Schopenhauer, ông cố của ngài không tin vào một thời gian tuyệt đối, đồng bộ. Ông tin vào một dãy vô tận những thời gian khác nhau, trong một cái lưới không ngừng tăng trưởng, chằng chịt chóng mặt những thời gian tách biệt, sáp nhập và song song với nhau. Những thời gian này, khi thì tiếp cận với nhau, khi thì rẽ nhánh, tách lìa ra, hoặc hoàn toàn không biết đến nhau suốt hàng thế kỷ, tạo thành một mạng lưới bao quát mọi khả thể về thời gian. Trong đa số những thời gian này, cả tôi và ngài cùng không hiện hữu, trong vài cái, có ngài không có tôi, vài cái khác, có tôi không có ngài, lại có những cái cả hai chúng ta đều tồn tại. Trong cái này đây, mà một số phận ưu ái đã ban cho tôi, ngài đã tìm đến nhà tôi; trong một cái khác, khi đang băng qua vườn, ngài tìm thấy tôi nằm chết ở đó; lại có cái khác nữa, tôi cũng đang nói những lời này, nhưng tôi chỉ là một sự ngộ nhận, một bóng ma. “Trong cái nào cũng vậy,” tôi khẳng định, không tránh đuợc giọng nói hơi run rẩy. “Tôi mang ơn và kính phục ngài vì đã phục chế lại được khu vườn của Ts’ui Pên”. “Không phải thế đâu,” ông ta đáp với nụ cười. “Thời gian không ngừng phân nhánh hướng đến vô số những tương lai. Trong một cái, tôi lại là kẻ thù của ngài.” Một lần nữa, tôi lại cảm giác sự quy tụ mà tôi đã nhắc đến. Tôi cảm thấy khu vườn ẩm ướt xung quanh nhà dày đặc đến vô tận những người vô hình. Những người đó là Albert và tôi, bí ẩn, bận rộn và muôn hình vạn trạng trong những chiều kích khác của thời gian. Tôi nhướng mắt lên và ảo ảnh mong manh đó tan ra. Trong khu vườn vàng và đen, chỉ có duy nhất một người, nhưng là một người mạnh mẽ như một pho tượng… người này đang tiến lại gần lối đi, và hắn chính là Đại úy Richard Madden. “Tương lai vốn đã tồn tại sẵn,” tôi đáp. “Nhưng tôi là bạn của ngài. Tôi có thể xem lại bức thư đó không?” Albert đứng dậy. Cao sừng sững, ông ta mở ngăn kéo chiếc bàn cao; trong lúc đó lưng ông ta quay lại tôi. Tôi đã chuẩn bị súng từ trước. Tôi bắn với sự thận trọng tối đa. Albert
- ngã xuống, không phàn nàn một lời, ngay tức khắc. Tôi dám thề cái chết của ông ta là cấp kỳ – giáng xuống như một tia chớp. Những gì còn lại thì phi thực và vô nghĩa. Madden phá cửa vào và bắt giữ tôi. Tôi bị kết án và trao cho giá treo cổ. Tôi đã thắng một cách đáng phỉ nhổ. Tôi đã thông báo được cho Berlin tên thành phố mà họ phải tấn công. Họ ném bom nó hôm nay. Tôi đọc thấy chuyện đó trên cùng tờ báo đã cung cấp cho nước Anh vụ bí ẩn của nhà Trung Hoa học thông thái Stephen Albert, bị giết vì tay một kẻ lạ mặt, Yu Tsun. Tư lệnh đã giải mã được vụ bí ẩn. Ông ta biết vấn đề của tôi là phải chỉ điểm (xuyên qua sự bùng nổ huyên náo của chiến tranh) thành phố mang tên Albert, và tôi không có cách nào khác hơn là giết chết một người cùng có cái tên đó. Ông ta không hề biết (không có ai biết được cả) về vô số những nỗi hối hận và chán nản của tôi. Chú thích: [1] Một giả thuyết vừa nặng thù hận vừa lạ lùng. Điệp viên của nước Phổ Hans Rabener, dưới bí danh Viktor Runenberg, đã dùng súng liên thanh tấn công người mang lệnh bắt giữ anh ta, Đại úy Richard Madden. Người kia, trong khi tự vệ, đã gây ra vết thương đem tới cái chết của Runenberg. – Ghi chú của biên tập (nguyên văn trong truyện). Đây cũng chỉ là một tình tiết hư cấu trong truyện, không phải là thông tin về sự kiện lịch sử liên quan (chú thích của người dịch). [2] Nguyên văn dùng chữ “Hoàng triều sáng chói”, chính ra là gần nghĩa với nhà Minh hơn, nhưng nhân vật soạn tự điển này đúng là lấy nguyên mẫu từ vua Khang Hy nhà Thanh. (N.D.) [3] Loại men sứ hồng được sản xuất dưới thời Khang Hy, làm theo mẫu của Tây phương nên được gọi là “dương thể” (màu sắc ngoại quốc). Tây phương gọi là famille rose, cũng là chữ Borges dùng trong nguyên tác. (N.D.) [4] Nguyên văn: Ngôi đình của sự cô tịch thấu đạt. Tạm Hán hoá để cho đỡ rườm rà. Đúng ra, đình không phải chỗ để ở, nhưng có lẽ Borges không nắm rõ lắm về kiến trúc Trung Hoa (N.D.)
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn