YOMEDIA
ADSENSE
Làng Công giáo Lạc An - Thái Hưng trong hai thập niên hình thành và phát triển (1954-1974)
3
lượt xem 1
download
lượt xem 1
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Bằng nguồn tư liệu thu nhận tại chỗ tương đối phong phú kết hợp với những mảnh rời quý hiếm khai thác được từ thư khố Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, bài viết tái dựng diện mạo làng Công giáo Lạc An - Thái Hưng một cách cận cảnh và khu biệt trong tiến trình hình thành và xây dựng quê hương mới.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Làng Công giáo Lạc An - Thái Hưng trong hai thập niên hình thành và phát triển (1954-1974)
- LÀNG CÔNG GIÁO LẠC AN - THÁI HƯNG TRONG HAI THẬP NIÊN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN (1954 - 1974) Nguyễn Văn Giác1 1. Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Từ một vùng rừng thâm u bên hữu ngạn dòng Đồng Nai chảy xiết, sau cuộc đình chiến lúc tháng 7.1954 bởi Hiệp định Genève, Lạc An đã trở thành một khu định cư tập trung hàng chục nghìn người có xuất xứ Công giáo thuộc giáo phận Thái Bình để từ đó hình thành làng Công giáo Lạc An - Thái Hưng khởi sắc với gần mươi xứ đạo, song lại phải hiện hữu xuyên suốt hai thập niên trong bối cảnh chiến tranh và ly tán. Dù vậy, nỗ lực vượt qua nghịch cảnh của giáo dân trong sinh hoạt đạo giáo lẫn đời thường đã tạo nên một bức tranh Công giáo sinh động nơi đây mà một số điểm nhấn trên quãng dọc dài hơn chục cây số khu định cư này là các giáo xứ Lực Điền, Cảnh Lâm, Thượng Phúc. Bằng nguồn tư liệu thu nhận tại chỗ tương đối phong phú kết hợp với những mảnh rời quý hiếm khai thác được từ thư khố Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, bài viết tái dựng diện mạo làng Công giáo Lạc An - Thái Hưng một cách cận cảnh và khu biệt trong tiến trình hình thành và xây dựng quê hương mới. Từ khóa: Giáo xứ Cảnh Lâm; Lạc An; làng Công giáo; xã Thái Hưng. 1. DẪN NHẬP Nhằm hợp thức hóa tình trạng hành chính của các trại định cư ở Nam Phần Việt Nam, ngày 19.10.1956 Tòa Đại biểu Chính phủ đề cử một Phái đoàn kinh lý đến giải quyết tại chỗ đối với tỉnh Biên Hòa, trong đó có khu trại Lạc An. Phúc trình của Hội nghị về việc hợp thức hòa tình trạng hành chính ở tỉnh Biên Hòa cho biết kết quả rằng khu định cư Lạc An thành lập làng mới hay xã Thái Hưng với dân số trên 10.000 người, còn đồng bào bản quán khoảng 500 người vẫn giữ tên cũ Lạc An và đứng riêng một làng/xã vì lẽ xa cách với bên định cư. Nghị định số 140-BNV/HC/NĐ của Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hòa, ngày 2.5.1957 xác nhận Thái Hưng và Lạc An là hai xã tồn tại độc lập của quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa. Tuy nhiên, đến ngày 20.10 cùng năm, Nghị định số 318-BNV/NC/NĐ lại công bố sáp nhập hai xã Lạc An và Thái Hưng, lấy tên mới Thái Hưng, thuộc lần lượt các quận Tân Uyên (Biên Hòa), Hiếu Liêm (Phước Thành) và Công Thanh (Biên Hòa), duy trì đến hết thời kỳ Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, danh xưng cũ Lạc An lại được tái lặp cho đến ngày nay, thuộc về huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé và rồi tỉnh Bình Dương. Thực tế, cho dù gắn với tên gọi Thái Hưng hay Lạc An, đây vẫn là vùng đất Công giáo nổi tiếng kể từ lúc khởi đầu lịch sử hiện đại tỉnh Bình Dương. Nhân 70 năm hình thành và phát triển khu trại/làng Công giáo Lạc An - Thái Hưng (1954 - 2024), chúng tôi xin cập nhật một số tư liệu chưa hoặc ít được phổ biến trước nay về đất và người nơi đây. 2. NỘI DUNG 2.1. Quá trình xác lập làng Công giáo Lạc An - Thái Hưng Thuộc địa phận tỉnh Bình Dương ngày nay nhưng đương thời do tỉnh Biên Hòa quản trị về phương diện hành chính, quận Tân Uyên tập trung đến 5 trại/làng định cư Công giáo có xuất xứ từ giáo phận Thái Bình bao gồm hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, thuộc về các giáo xứ Vạn Phúc, Ngọc Tiên, Hoàng Châu, Mỹ Vân và Biên Hà. 303
- Theo tài liệu, cảm thông với tình cảnh khó khăn của nhóm đồng bào di cư Công giáo này, viên Thiếu tá người Pháp Lacombe, hiện thời phụ trách phân nửa tỉnh, đã vận động Chính quyền tỉnh Biên Hòa nhượng cho khu đất có chiều dài khoảng 12km dọc sông Đồng Nai thuộc xã Lạc An, với lợi thế chiều sâu là rừng non, ước tính tới 9-10km, được xem là phù hợp với đời sống chuyên nghề nông để an cư lạc nghiệp đối với đồng bào nơi quê hương mới, với 9 xứ đạo, bao gồm: Vân Đồn với sự sáp nhập của hai xứ Vạn Đồn và Vân Am, Thượng Phúc, Ngọc Đồng, Cảnh Lâm, Võng Phan, Hoàng Châu, Mỹ Vân, Lực Điền, Biên Hà với sự hợp nhất từ ba xứ Vĩnh Phúc, Hữu Vi và Trà Vi1 (Phạm Quang Tòng, 2023). Vào lúc tháng 9.1955, trên Sổ các làng định cư của Văn phòng Ủy ban Hỗ trợ Định cư, số thứ tự được Ủy ban Cứu tế Công giáo Quốc tế (CICC) ở Roma thừa nhận đối với 5 trại/làng thành lập tại xã Lạc An này lần lượt là 82, 83, 84, 85 và 85b, đặt dưới sự dẫn dắt tinh thần của các vị Linh mục Thuật, Tuần, Trực, Luyện, Phan2. Tổng cộng nhân số của 5 trại/làng lúc ban đầu là 15.099 đồng bào, trong đó giáo dân mỗi trại cụ thể như sau: 1. Vạn Phúc: 5.531 đồng bào; 2. Ngọc Tiên: 3.622 đồng bào; 3. Hoàng Châu: 1.927 đồng bào; 4. Mỹ Vân: 3.307 đồng bào; 5. Biên Hà: 912 đồng bào3 (Hồ sơ số 4410, 1955). Bao quát 5 hoặc 6 trại mà mỗi trại hình thành trên cơ sở hợp nhất từ một số xứ họ nguyên gốc từ hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, giáo dân thuộc khu Lạc An tụ cư về phía hữu ngạn sông Đồng Nai được điều hành bởi Trưởng trại/khu là Tu sĩ Đaminh Trần Minh Trị, Giám đốc trại/khu là Linh mục Đaminh Trịnh Đức Luyện, phân chia các xứ họ làm hai tiểu khu hay hai miền Bắc và Nam, với cột mốc phân ranh là sự hiện hữu của một đồn binh Pháp, quen gọi là Đồn Tây. Tiểu khu/miền Bắc có 7 Linh mục cai quản các xứ họ: - Phêrô Nguyễn Quang Hiến OP. và Giuse Phạm Đức Sự OP. phụ trách Ngọc Đồng, Đức Ninh, Đông Lô, Hạnh Lâm, Ghềnh (Bách Tiền); - Giuse Nguyễn Đình Khuông phụ trách Hà Xá và Thọ Cách; - Đaminh Đinh An Khang phụ trách Thượng Phúc; - Gioan Baotixita Phạm Hưng Thi phụ trách Vân Am và Ngọc Châu; - Phêrô Mai Trí Thuật phụ trách Vạn Đồn, Diêm Điền; - Giuse Nguyễn Ngọc Linh phụ trách Bích Du, Sơn Thọ, Lễ Thần. Tiểu khu/miền Nam có 8 Linh mục cai quản các xứ họ: - Đaminh Nguyễn Hữu Chí phụ trách Cảnh Lâm, Quỳnh Lang, Bồ Ngọc, Giáo Thiện, Trà Lữ, Phương Xá; - Micae Nguyễn Khắc Tuần OP. phụ trách Tiên Chu, Viên Tiêu; - Tôma Aquinô Trần Lê Vinh phụ trách Võng Phan, Ngô Xá, Xuân Hải, An Cầu; - Đaminh Trần Trung Trực phụ trách Trung Châu, Hoàng Xá, Ninh Tập, Mạn Trù, Hưng Yên, Ngọc Châu; 1. Xưng danh Biên Hà được cắt nghĩa là bên bờ sông. 2. Dò theo tư liệu, có lẽ họ tên đầy đủ của các Linh mục này là Phêrô Mai Trí Thuật, Micae Nguyễn Khắc Tuần OP., Đaminh Trần Trung Trực, Đaminh Trịnh Đức Luyện, Đaminh Trịnh Ngọc Phan hoặc Vũ Ngọc Phan. O.P. là viết tắt của Order of Preachers, dịch nghĩa: Dòng Anh Em Thuyết Giáo. 3. Theo ước tính của Linh mục Phạm Sông Hồng, tức Phạm Quang Tòng, toàn khu Lạc An có tổng nhân số là 16.000 người; xem: Phạm Sông Hồng (2020), Những tháng năm cuộc đời, Tác giả tự xuất bản. 304
- - Đaminh Trịnh Đức Luyện phụ trách Đan Tràng, Hạ Lễ, Lê Xá, Bích Tây; - Phêrô Nguyễn Quang Minh (tức Nguyễn Minh Đăng)1 (Hồng Nguyên, 2006) phụ trách Lực Điền, Tân Mỹ, Thái Nội, Trung Đồng; - Đaminh Nguyễn Hữu Thọ phụ trách Vĩnh Phúc, Hữu Vi; - Đaminh Trịnh Ngọc Phan phụ trách Trà Vi. Cùng đó, công tác mục vụ còn được sự trợ giúp của 45 thầy giảng và 250 nữ tu thuộc các Nhà Phước gốc, bao gồm: Ngọc Đồng, Bồ Ngọc, Vân Am, Tiên Chu, Viên Tiêu, Ninh Cù… Bởi vậy, khu Lạc An có thể được xem là hình ảnh thu gọn của giáo phận Thái Bình trên quê hương đất Bắc (Phạm Sông Hồng, 2020). Đời sống định cư của cộng đồng giáo dân Thái Bình - Hưng Yên trên vùng quê mới Lạc An cơ bản cũng vẫn mô thức truyền thống Dĩ nông vi bản hay Canh nông vi bổn mà hồi ức hiếm hoi của một con dân nơi đây đã tái hiện một cách chân thực rằng “Chính phủ phát cho mỗi gia đình tiền làm nhà, tiền ăn trong 6 tháng, một con trâu hay bò Thái Lan, một số dụng cụ canh tác ruộng đất và một khoản tiền làm vốn sinh sống”, gắn với nền đất được cấp phát để dựng nhà, lập vườn mà trên đó “Mái tranh, cột gỗ, kèo tre, chung quanh được che chắn bằng những phên cỏ tranh đan thô sơ. Giường nằm bằng những thanh tre, chân gỗ, dát nứa, kết tạo cách nhanh vội. Thôi cũng an tâm, vì có chỗ che mưa che nắng, có giang sơn tư riêng sinh hoạt. Rồi lại phải làm thêm bếp núc, chuồng trâu, chuồng bò… tạo mảnh vườn trồng rau muống, rau cải, rau lang… phá đất trồng lúa, trồng ngô. Không bao lâu, dân làng đã thấy đời sống ‘canh nông vi bổn’ ngoài Bắc trở lại (…) tạo màu xanh tự nhiên quen thuộc” (Phạm Sông Hồng, 2020). Cùng với nghề nông, hoạt động thủ công và đánh bắt ở khu định cư Lạc An cũng dần dần bắt nhịp, xua tan cái đơn điệu nghèo nàn nơi cô thôn thông qua lợi thế về các nguồn tài nguyên sẵn có ở địa phương. “Lạc An thuộc rừng chiến khu Đ, rừng cây, rừng tre nứa, rừng lá gồi, rừng mây leo. Đó là kho bạc cho dân di cư mới đến: tiền rừng, bạc bể! Thế là một nghề mới, nghề tiểu thủ công đan lát xuất hiện. Người ta đua nhau lên thác Trị An, chặt tre chặt nứa, đóng bè, trổ thác, xuôi sông… Người ta kiếm tìm mây lá, dùng xe đạp thồ về theo đường đất đỏ phía bên Đại An, để đan quạt, tạo ghế bàn theo kiểu cách. Không bao lâu, Lạc An trở thành một Làng tiểu thủ công nghiệp sầm uất… Người ta đan quạt, đan nón, đan rổ rá, dần sàng, nong nia, thúng xảo, đánh thừng, đánh chão, đan cót, dệt thảm… Khu Tân Mỹ và Thượng Phúc làm nghề chài lưới, soi tôm bắt cá dọc sông Đồng Nai và ngược dòng sông Bé. Lạc An đã ổn định và phát triển đời sống rất nhanh” (Phạm Sông Hồng, 2020). Bên cạnh việc xây dựng một số công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng như khu Chợ ở Cảnh Lâm, Trường Tiểu học Mai Đức Tín ở Hoàng Châu… các giáo xứ cũng hào hứng chung tay kiến thiết Thánh đường và ổn định nền nếp sinh hoạt cộng đoàn. Tài liệu tái hiện vãng cảnh đời sống đạo hạnh buổi đầu hết sức sống động mà tôn nghiêm đó như sau: “… các nhà thờ: cột lèo bằng cây thô, đòn tay bằng tre, mái lợp tranh, tường bằng phên tre, cửa nẻo sơ sài, mặt nền bằng đất thịt chèn nện thật kỹ, ghế ngồi bằng gỗ và thanh tre khô. Đặc biệt, người ta thu gom các vỏ bom còn vương vãi quanh vùng, dưới sông suối, trên triền đồi, đem về cưa đôi làm hai quả chuông hiệu. Âm thanh báo hiệu của các nhà thờ vang lên, sắc thái khác nhau, đến nỗi người ta có thể phân biệt được chuông hiệu của xứ Mỹ Vân với Hoàng Châu, với Võng Phan. Sinh hoạt nhà thờ, nhà xứ các Cha được các Thầy giảng tận tình phụ giúp”; trong đó, có những tên tuổi đời thường đã đi vào lịch sử cộng đoàn Công giáo Lạc An, như Thầy Tài ở Biên Hà; Thầy Song, Thầy Chế ở Lực Điền; Thầy Hiên ở Mỹ Vân; Thầy Phương ở Hoàng Châu; Thầy Trị ở Cảnh Lâm; Cụ Tứ Trình và Thầy Bách ở Thượng Phúc… (Phạm Sông Hồng, 2020). Vai trò của Linh mục Đaminh Nguyễn Minh Đăng khá nổi bật trong các sinh hoạt tinh thần của khu Lạc An trong năm đầu tiên, cho dù ông chỉ trực tiếp phụ trách các xứ họ Lực Điền, Tân Mỹ, Thái Nội và Trung Đồng, thuộc tiểu khu/miền Nam. Thông qua Hiệp hội Thánh Mẫu mà Linh 4. Tên Thánh của Linh mục được gọi là Đaminh. 305
- mục đặc trách, các lời ca biểu lộ tâm tình đặc biệt của cộng đồng giáo dân đã được ngân vang vào những chiều êm ả bên dòng Đồng Nai hiền hòa; hoặc phong trào Đền tạ với chủ lễ tôn kính Trái Tim Đức Mẹ, xuất xứ từ xứ họ Hạ Lễ mà ông từng quản nhiệm ở nơi quê nhà, theo như hồi ức của Linh mục Phạm Quang Tòng cho biết: “Một hình thức tôn kính Đức Mẹ thật đặc biệt tại họ Hạ Lễ, do Cha Minh Đăng chủ xướng. Số là, Giáo xứ Hạ Lễ do Cha Minh Đăng làm Cha xứ, khi di cư vào Nam mang theo pho tượng Đức Mẹ bằng gỗ, nơi cổ bị những vết dao chặt chém. Cha Minh Đăng cổ vũ phong trào Đền tạ Trái Tim Đức Mẹ, và đặt danh hiệu cho pho tượng là: ‘Tượng Đức Mẹ Tân Khổ’. Hai từ ‘Tân Khổ’ có lẽ ngầm diễn tả Đức Mẹ bị đâm chém, chịu đau khổ lần nữa. Hiện nay, nhà thờ Hạ Lễ được gọi là Đền Đức Mẹ Tân Khổ. Hồi mới định cư, gia đình nào trong giờ kinh tối, cũng dùng hình thức Đền tạ, tài liệu của Linh mục Trinh Cát (Thái Bình). Kết thúc giờ Đền tạ, luôn đọc kinh Lạy Nữ Vương gia đình, rất phù hợp với tình trạng của các gia đình di cư…”1 (Phạm Sông Hồng, 2020). Trong khi đó, giáo dục học đường ở khu di - định cư Lạc An đông xấp xỉ mười sáu nghìn giáo dân tập trung chỉ có mỗi Trường Tiểu học Mai Đức Tín đặt ở giáo xứ Võng Phan, tiến hành khai giảng năm học đầu tiên ngay trong niên khóa 1954 - 1955, mở đến lớp Nhất, thu hút chủ yếu con em các xứ họ thuộc tiểu khu/miền Nam. Tuy vậy, kỳ thi trắc nghiệm cuối cấp lại được tổ chức ở trại Tân Mai, do Ban Tổ chức của Trường Ngô Quyền, Biên Hòa đảm trách. Qua năm học sau, các trò hoàn thành chương trình Tiểu học này muốn tiếp tục học lên bậc Trung học thì phải ghi danh ở các trường khác, như là Trường Thánh Tâm, thuộc giáo xứ Thánh Tâm, thị xã Biên Hòa. Ở Võng Phan, ngay từ năm 1962 Linh mục bổn xứ Giuse Trần Thái Hiến đã vận động xây cất Trường Trung học Gioan Nguyễn Túc và do ông làm Hiệu trưởng; đến trước năm 1970 trường này đã ngưng hoạt động nên lại thành lập Trường Trung học Tư thục Đệ Nhất cấp Nguyễn Trường Tộ do Linh mục Lưu Đức Tân làm Hiệu trưởng, khai giảng niên khóa đầu tiên 1969 - 1970 tại xứ đạo Cảnh Lâm mà sang niên khóa 1973 - 1974, được phép của Nha Tư thục mở thêm lớp Đệ Nhị cấp (Giáo hạt Lạc An, 2008). Ở ngạch Tiểu học, đến năm 1964, Trường Tiểu học Thái Hưng đã có 20 lớp với 851 học sinh và 22 nhân viên (Hồ sơ số 3844, 1964). Sinh hoạt của di dân Công giáo thuộc khu trại Lạc An vào buổi sơ khởi bên bờ hữu ngạn dòng Đồng Nai hầu như thiếu thốn mọi mặt, kể cả phương tiện qua sông. Với hơn 15.000 di dân cùng với 500 đồng bào địa phương mà phương tiện vận chuyển cung ứng chỉ có mỗi một chiếc phà nhà binh Pháp đang hoạt động. Do vậy, cần được trợ cấp thêm ghe thuyền để giải tỏa phần nào áp lực đối với phương tiện qua sông, đáp ứng yêu cầu đi lại tối thiểu của đồng bào di dân là điều mong mỏi bức thiết. Trình thư của Tổng ủy viên phụ trách Đồng bào Tỵ nạn gửi đến Tòa Đại biểu Chính phủ tại Nam Việt vào lúc giữa tháng 3.1955 cho biết sinh cảnh gian nan đó như sau: “Tại Lạc An (Biên Hòa) hiện có một chiếc phà do Binh gia Pháp thiết lập, song tôi nhận thấy tại nơi này đồng bào định cư đông đúc, 1 chiếc phà không đủ để đồng bào qua lại, cần phải đặt thêm 1 chiếc phà nữa. Theo ông Tổng trưởng Bộ Công chính cho Phủ tôi biết: hiện Nha Công chính Nam Việt có sẵn một chiếc đò chèo bằng gỗ do Ty Công chính Gia Định đóng với kinh phí của ngân sách Nam Việt, nếu ông Đại biểu Chính phủ ưng thuận thì Nha Công chính Nam Việt sẽ giao chiếc đò ấy cho ông Tỉnh trưởng Biên Hòa để dùng ở Lạc An. Vậy trân trọng xin ông Đại biểu Chính phủ vui lòng giao chiếc đò ấy cho ông Tỉnh trưởng Biên Hòa để dùng cho đồng bào tỵ nạn ở Lạc An chở qua sông” (Hồ sơ số 4061, 1955). Vào gần cuối mùa khô năm 1956, một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy đến đối với đồng bào di cư trại Ngọc Đồng thuộc khu định cư Lạc An, thiêu trụi 400 căn nhà lá. Theo điều tra và báo cáo từ Quận trưởng Tân Uyên cùng Ty Hiến binh Biên Hòa, vị Chánh sở Ngọc Đồng cho biết đám cháy xuất phát từ căn nhà số 137 của di dân Nguyễn Thị Tư, vào lúc cả gia đình đều đã ra rừng làm củi, nhưng có tạt nước vào bếp nấu kỹ càng trước khi rời đi; đồng thời vị Linh mục cũng nêu ra nghi vấn về 9. Bức tượng Đức Mẹ Tân Khổ hiện đặt trong Đền Đức Mẹ Tân Khổ, thuộc giáo xứ Lực Điền, giáo hạt Lạc An. 306
- mưu toan tư thù, phá hoại từ một nhóm di dân có mâu thuẫn về lợi ích chính trị liên quan đến cuộc vận động bầu cử Quốc hội cuối năm 1955 trước đó, khi mà các cử tri địa phương đã không bỏ phiếu cho ứng cử viên mong muốn của nhóm người này (Hồ sơ số 4061, 1956). Cho dù căn nguyên từ đâu, tổn hại đối với trại định cư giáo xứ Ngọc Đồng thuộc khu Lạc An là rất lớn, được ước tính lên tới 1,8 triệu đồng. Một báo cáo trong năm 1956 về hoạt động di cư định cư từ Phủ Tổng ủy có lưu ý về khu Lạc An thuộc tỉnh Biên Hòa rằng “Trại Lạc An: - xin cho sửa 14km đường từ trại đến Tân Uyên; - cho cày máy và máy bơm nước; - giếng nước ăn; - ghe thuyền. Trại trưởng xin phân tán 2.000 người đi Cần Thơ” (Hồ sơ số 4423, 1956). Như vậy, có thể một trong những lý do chủ yếu về việc sụt giảm nhân số của khu Lạc An là bởi sự thực hiện chuyển dời này. Vào lúc tháng 12.1955, tổng nhân số di cư Công giáo tại Lạc An tương đối ổn định với 15.092 đồng bào, trong đó xếp theo nghề nghiệp có: Nhóm nghề canh nông - làm rẫy - trồng tỉa: 10.564 đồng bào; Nhóm nghề tiểu công nghệ - buôn bán - làm thuê: 4.528 đồng bào; Nhóm nghề chài lưới - làm muối: không có (Hồ sơ số 4410, 1955). Thực tế, khu Lạc An có ít nhất một nhóm họ đạo chuyên nghề đánh bắt thủy sản; đó là họ Tân Mỹ. Trong khi đề cập sự hình thành xứ họ Lực Điền, có thể lúc đầu chung trại với Mỹ Vân trong các thống kê của Phủ Tổng ủy, hồi ký của Linh mục Đào Nguyên Thống cho biết: “Tân Mỹ, giáo họ phụ thuộc giáo xứ Quỳnh Lang, cũng đến Lạc An lập nghiệp. Bà con trong họ đã chọn bờ sông làm địa bàn sinh sống. Vì đa số mưu sinh bằng nghề cá. Việc định cư này, không ngờ, đã trở thành cái duyên kết thành Lực Điền hôm nay”; hoặc trong mối quan hệ với họ Trung Đồng rằng “Họ Tân Mỹ và Trung Đồng, không có cha thầy nào đồng hành. Bà con tới Lạc An, có lẽ, thấy đây là vùng đất thích hợp với nghề nghiệp đặc thù của mình: Tân Mỹ, nghề cá; Trung Đồng, nghề nông, nên đã chọn đây làm nơi lập nghiệp. Sau đó, vì cùng nằm trong địa bàn gần gũi với hai họ: Lực Điền, Thái Dương, nên đã tự nguyện xin sát nhập” (Hồng Nguyên, 2006). Trong khi đó, theo Linh mục Phạm Quang Tòng, số trại/làng chuyên nghề đánh bắt ở khu Lạc An không chỉ mỗi Tân Mỹ mà còn có Thượng Phúc, như cũng đã cập nhật trên đây rằng “Khu Tân Mỹ và Thượng Phúc làm nghề chài lưới, soi tôm bắt cá dọc sông Đồng Nai và ngược dòng sông Bé” (Phạm Sông Hồng, 2020). Theo Linh mục Đào Nguyên Thống, cách đánh bắt tôm nơi đây rất đặc biệt, bởi họ có những bãi để đặt bẫy tôm; bẫy đơn giản làm bằng nan tre, phần dưới như một cái mẹt, phần trên tương tự như cái rổ, dùng củ mì làm mồi; làm xong, họ thả xuống từng bãi; mỗi người làm chủ một số bãi riêng; ngày hôm sau họ trở lại thăm dò: chỉ cần một chiếc sào dài, đưa xuống nước, đụng vào bẫy tôm, họ có thể biết được đã có tôm mắc bẫy hay chưa? Một số khác sống bằng nghề đan lát với thành phẩm là những rổ rá, thúng, quạt… mà đồng bào xứ Thượng Phúc rất rành về nghề đan thúng. Tính đến ngày 1.8.1956, các trại ở Lạc An có lượng nhân số giảm xuống còn 14.032 đồng bào và dự án đã được chấp thuận bởi Phủ Tổng ủy Di cư Tỵ nạn. Được biết, việc sụt giảm nhân số của khu Lạc An có liên quan đến hoạt động di dời giáo dân sang tỉnh Biên Hòa, rải rác ở nhiều khu trại di - định cư, trong đó tập trung nhất tại khu Hố Nai, với hai giáo xứ theo như tên gọi về sau: giáo xứ Vân Côi và giáo xứ Đông Vinh. Một trong các xóm thuộc khu Đông giáo xứ Vân Côi là xóm Hoàng Xá, dần dần trở thành một giáo xứ cùng tên, nhờ “… những người Hoàng Xá Lạc An chuyển sang nhập cư mỗi ngày một đông khiến giáo họ trở nên như một giáo xứ nhỏ”; trong khi đó, xuất xứ của giáo xứ Đông Vinh có cội rễ sâu xa rằng “Ban đầu, dân làng Hoàng Xá hầu hết đều tới Lạc An để định cư. Nhưng sau một thời gian, vì thấy Lạc An ở một địa điểm xa xôi thuộc chiến khu Đ, rừng rú và nguy hiểm, một số người đã tìm đến một nơi khác để định cư. Một trong những nơi khác để định cư là ấp Đông Hải II, xã Hố Nai, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa… Năm 1970, Đông Hải II được nâng lên hàng Giáo xứ, lấy tên là Đông Vinh” (Phạm Sông Hồng, 2020). 307
- Nhằm hợp thức hóa tình trạng hành chính của các trại định cư ở Nam Phần Việt Nam, ngày 19.10.1956 Tòa Đại biểu Chính phủ đề cử một Phái đoàn kinh lý đến giải quyết tại chỗ đối với tỉnh Biên Hòa, trong đó có khu trại Lạc An với các đại diện lãnh đạo tinh thần, gồm bốn vị Linh mục: Trịnh Đức Luyện, Trần Lê Vinh, Đinh An Khang và Ngô Đức Tuấn. Phúc trình của Hội nghị về việc hợp thức hóa tình trạng hành chính ở tỉnh Biên Hòa cho biết kết quả rằng “khu định cư Lạc An thành lập làng mới tức xã Thái Hưng với dân số trên 10 ngàn, còn đồng bào nguyên quán độ 500 vẫn giữ tên Lạc An và đứng riêng một làng vì lẽ xa cách với bên định cư” (Hồ sơ số 4929, 1957). Nhân số làng mới Thái Hưng được biên bản Hội nghị xác thực là 10.500 đồng bào di cư Công giáo. Được biết, xã Thái Hưng vừa được tách lập bao gồm 6 xứ đạo thuộc khu trại Lạc An là một trong 7 đơn vị hành chính mới của tỉnh Biên Hòa, xác lập từ 14 khu định cư trực thuộc tỉnh và là một trong 10 làng mới được hình thành trong số 13 khu trại định cư chuyển đổi, cùng với 130 trại định cư được hòa hợp vào 82 làng địa phương của cả Nam Phần Việt Nam (Hồ sơ số 4929, 1957). Đến ngày 1.12.1956, Lạc An có 6 trại/làng định cư với các thông tin về tình hình thực hiện dự án như sau: NHÂN TIẾN ĐỘ DỰ LOẠI STT TRẠI/LÀNG SINH KẾ NHÀ GIẾNG SỐ ÁN TRẠI 1 Hoàng Châu Canh nông 2.074 452 - Mới bắt đầu B 2 Mỹ Vân -nt- 1.903 - - -nt- B 3 Ngọc Lâm -nt- 1.881 400 - -nt- B 4 Thái An -nt- 1.730 - - -nt- B 5 Thượng Phúc -nt- 1.198 78 - -nt- B 6 Vân Đồn -nt- 1.455 - - -nt- B TC 10.241 930 Bảng 1: Tình hình dự án các trại/làng định cư ở Lạc An (đến ngày 1.12.1956)1 (Hồ sơ số 4410, 1956). Ba tháng sau, tình hình thực hiện dự án tại các trại ở Lạc An tương đối khả quan hơn với các chỉ báo có sự gia tăng đáng kể, nhất là về nhân số, về nhà ở cho gia đình đồng bào và tiến độ. STT TRẠI/LÀNG SINH KẾ NHÂN SỐ NHÀ GIẾNG TIẾN ĐỘ LOẠI DỰ ÁN TRẠI 1 Hoàng Châu Canh nông 2.095 418 10 1/2 B 2 Mỹ Vân -nt- 1.903 382 - -nt- B 3 Ngọc Lâm -nt- 1.975 383 5 -nt- B 4 Thái An -nt- 1.745 349 - -nt- B 5 Thượng Phúc -nt- 1.215 243 1 -nt- B 6 Vân Đồn -nt- 1.524 337 4 -nt- B TC 10.457 2.112 20 Bảng 2: Tình hình dự án các trại/làng định cư ở Lạc An - Tân Uyên (đến ngày 1.3.1957) (Hồ sơ số 4933, 1957). Tình hình tiếp tục giữ được mức tăng ở các mặt như trên cho đến thời điểm 1.7.1957: 21. Việc phân hạng hay loại trại/làng định cư được một Hội đồng do Tổng ủy Trưởng Di cư Tỵ nạn triêu tập, phân chia làm 3 loại, cụ thể: A) Có thể tự túc được ngay; B) Sắp sửa tự túc được; C) Còn cần sự giúp đỡ triệt để của Chính phủ. Xem:TTLTQG II, Danh sách các tại định cư tại Nam Việt, hồ sơ số 2679, phông Tòa Đại biểu Chánh phủ tại Nam Phần. 308
- STT TRẠI/LÀNG SINH KẾ NHÂN NHÀ GIẾNG TIẾN ĐỘ DỰ LOẠI SỐ ÁN TRẠI 1 Hoàng Châu Canh nông 2.132 424 10 1/2 B 2 Mỹ Vân -nt- 1.903 381 4 -nt- B 3 Ngọc Lâm -nt- 1.915 400 5 -nt- B 4 Thái An -nt- 1.820 349 29 -nt- B 5 Thượng Phúc -nt- 1.290 238 3 -nt- B 6 Vân Đồn -nt- 1.576 330 4 -nt- B TC 10.636 2.122 55 Bảng 3: Tình hình dự án các trại/làng định cư ở Lạc An - Tân Uyên (đến ngày 1.3.1957) (Hồ sơ số 101, 1957). Biên bản Hội thương tại Phủ Tổng ủy Di cư vào ngày 2.4.1957 cho biết trong tờ trình tóm lược rằng “Vấn đề được đặc biệt chú ý trong kỳ hội thương này là xúc tiến việc địa phương hóa các trại định cư để có thể hoàn tất nhiệm vụ cuối tháng 6.1957… Phủ cũng chỉ thị cho các ông đại diện định cư tuyên truyền tại các trại mà dân cư quá đông hoặc không thể tự túc được, để di chuyển bớt lên các nông trường mới thành lập”; trên tinh thần đó, không kể 20.000 đồng bào giáo dân trại Hố Nai cần phải di chuyển đi nơi khác, trại Lạc An là một trong số 4 trại thuộc tỉnh Biên Hòa theo kịp tiến độ dự án, theo như tường trình của ông Đại diện Định cư tỉnh Huỳnh Văn Thái, cam kết “Trong vòng hai tháng nữa có thể hoàn tất được 4 trung tâm (Gia Kiệm, Lạc An, Tân Mai và Phước Lý)” (Hồ sơ số 4928, 1957). 2.2. Những giáo xứ tiêu biểu của làng Công giáo Lạc An - Thái Hưng 2.2.1. Giáo xứ Lực Điền Về hoạt động kiến thiết Thánh đường cùng các hạng mục vật chất khác ở khu Lạc An, một trong các cơ sở tiêu biểu nơi đây là giáo xứ Lực Điền, hợp nhất từ các giáo họ Lực Điền, Thái Dương, Tân Mỹ và Trung Đồng. Thánh đường đầu tiên được dựng nên mang tính cách tạm thời, dưới sự điều hành cấp thiết của Linh mục Đaminh Nguyễn Minh Đăng ngay khi cộng đồng di dân vừa đặt chân đến Lạc An vào cuối năm 1954. Sau khi vị Đaminh Chánh xứ gia nhập vĩnh viễn Hội Dòng Đồng Công vào năm 1955, Linh mục Đaminh Ngô Đức Tuấn được kế nhiệm chính thức với trọng trách tái thiết hoàn chỉnh ngôi Thánh đường, xứng đáng là nơi cử hành Thánh lễ và tôn thờ Thiên Chúa cao cả mà thành quả mang lại vô cùng hoan hỉ là đại lễ khánh thành diễn ra trong năm 1958. Cùng với nhà Chúa là việc kiến tạo xứ đường, theo tài liệu của bổn đạo, từ hiện trạng chỉ là ngôi nhà bằng cây gỗ, Linh mục Đaminh Tuấn kế nhiệm đã xây mới thành ngôi nhà đúc khang trang, bề ngang 15m, chiều sâu 9m, thiết dựng thêm một sảnh đón bằng bê-tông ngay ở mặt tiền, ngăn làm 3 gian phòng: phòng khách ở giữa, phòng Cha khách và phòng Cha chủ nằm ở hai bên; dưỡng phụ của Linh mục là Đaminh Tuần đã sử dụng phòng khách này cho đến khi về với Chúa và được chôn cất trong khuôn viên Thánh đường. Nếu như giáo họ Trung Đồng vì nhân số ít ỏi nên chỉ dựng một Lễ Đài dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm cùng thánh quan thầy Phanxicô thì hai họ đạo Thái Dương và Tân Mỹ đều có nhà thờ riêng, dâng kính thánh Gioan Tẩy Giả và thánh Phêrô của mỗi họ. Hàng tuần, Linh mục Đaminh Ngô Đức Tuấn dâng lễ ở nhà thờ chính Lực Điền trong 3 ngày, hai nhà thờ họ Thái Dương và Tân Mỹ lần lượt mỗi nơi 2 ngày, riêng ngày chúa nhật tập trung tất cả giáo dân về nơi Thánh đường chung; buổi tối, họ nào tụ họp về nhà thờ họ đó để phụng vụ. Mỗi họ có một chức Trùm đại diện và một vị Ký phụ tá. Trong khi đó, phụ giúp cho giáo xứ trong công tác điều hành có thầy Đaminh Trần Văn Song, trong lĩnh vực huấn giáo có thầy Giuse Trịnh Quang Chế. Từ năm 1954, công tác mục vụ được triển khai thông qua các chức dịch, bao gồm các Trùm, Ký, Từ, Quản; từ năm 1972 trở đi, cơ cấu Hội đồng Giáo xứ được thay thế theo quyết định của Hội 309
- đồng Giám mục Việt Nam mà niên khóa đầu tiên 1972 - 1975 gắn liền với các tên tuổi: Chánh Đúc, Trùm Khoa, Ký Hà, Trùm Nhân, Trùm Tào, Trùm Triêm, Quản Ngọc (Hồng Nguyên, 2006). 2.2.2. Giáo xứ Cảnh Lâm Giáo xứ tiêu biểu thứ hai gắn với những hoạt động trưởng thành tương đối cụ thể là Cảnh Lâm. Sau kiểu dáng tạm bợ lúc ban đầu di - định cư tại Lạc An với một ngôi nhà nguyện cột bằng gỗ tròn, mái lợp cỏ tranh, dài làm 7 gian, từ năm 1957 bắt đầu khởi công xây mới Thánh đường một cách bề thế với những cột bằng gỗ dầu vuông, mái lợp tole, tường gạch bao gồm 8 gian dài đến 40m, rộng 20m, cao 8m, hoàn thành trong năm 1960; tọa lạc giữa con lộ với bờ sông Đồng Nai, đầu hướng về nhà thờ Ngọc Đồng phía Bắc, cuối nhà thờ hướng theo con đường làng, dẫn đến bến sông Cảnh Lâm; cổng nhà thờ đối diện với cổng Trường Tiểu học Thái Hưng qua con đường nhỏ. Thánh đường Cảnh Lâm có khoảng sân khá rộng, nổi bật với hai cây phượng vỹ trỗ hoa đỏ tươi nằm ở hai phía lối vào. Giữa mặt bờ tường và bờ sông, hai dãy nhà gỗ thô sơ, tạm bợ với vách ván và mái tole xi-măng được dựng lên từ lúc thành lập khu trại Lạc An vào 1955, trong đó dãy sát nhà thờ sử dụng làm nhà xứ mà xuất phát điểm là phòng dành cho các Thầy giảng do Thầy Đaminh Trần Minh Trị quy tụ, dãy còn lại tiếp giáp với khoảng sân được dùng làm trường sở. Phía bờ sông được trồng bởi những cây me và vú sữa để che chắn gió. Từ tháng 9.1954, với số giáo dân ban đầu khoảng 400 người từ họ lẻ Cảnh Lâm thuộc nguyên quán Thái Bình, cộng với hơn 1.000 giáo dân thuộc các họ khác, lập thành một giáo họ riêng và được các Linh mục xứ Ngọc Đồng kề bên phụ trách, gồm Phêrô Nguyễn Quang Hiến, Tôma Aquinô Trần Lê Vinh và Đaminh Đinh An Khang, nên có tên là họ Ngọc Lâm. Chính Thầy Đaminh Trần Minh Trị với vai trò Trưởng khu trại Lạc An đã gắn bó sâu sát với địa bàn họ đạo Ngọc Lâm trong việc điều hành công tác di - định cư của toàn khu. Theo hồi ký của Linh mục Đaminh Đinh An Khang, đồng bào họ đạo Cảnh Lâm là một trong những nhóm di dân có mặt ngay từ đầu ở Lạc An vào thượng tuần tháng 9.1954, trước khi ông hướng dẫn giáo dân thuộc họ đạo Thượng Phúc của mình đến đây. Trong khi còn đang tiến hành việc khảo sát thực địa để lập kế hoạch di trú, Linh mục Khang đã ghi nhận tinh thần tiên phong năng động của giáo dân họ Cảnh Lâm cùng một trong những nguồn lợi đặc dụng tại chỗ khai thác khá dễ dàng, rằng “Tại Lạc An, một số bà con Cảnh Lâm đã tới trước. Để tranh thủ việc làm, bà con vào rừng chặt tre. Mỗi ngày đem về khoảng 8 cây, mỗi cây bán được 5, 6$. Như thế, mỗi ngày cũng kiếm được 45$. Số tiền không phải nhỏ, so với tỉ giá lúc bấy giờ. Phụ cấp Chính phủ tài trợ cho mỗi người, chỉ 12$ một ngày. Nghĩa là 12$ đã có thể sống một ngày. Con số 45$ làm được một ngày, như vậy, là một số tiền khá hấp dẫn. Tre luồng ở Lạc An rất to. Cỏ tranh lợp nhà không kể xiết. Cây nhỏ dùng làm nhà thì mặc sức chặt” (Giáo hạt Lạc An, 2008). Cũng theo Đaminh Khang, vị trí đất của các xứ trong khu trại Lạc An, nếu lấy Đồn Tây làm trung tâm thì bên Bắc có bến đò Ngọc Đồng, bên Nam có bến đò Cảnh Lâm, nhà kho lớn, văn phòng trại, tiếp đó nữa là giáo xứ Cảnh Lâm. “Về tinh thần, Cảnh Lâm được Cha Chí đảm nhận vai trò Tuyên úy; về xã hội, Thầy Trị đảm trách, kể cả việc nuôi dưỡng cho Cha Chí. Thầy được đánh giá là người tháo vát, đáng kính, giỏi giang” (Giáo hạt Lạc An, 2008). Được biết, từ một họ giáo nhỏ, ghép chung với xứ Ngọc Lâm lúc đầu, đến năm 1958 Giám mục Giáo phận Sài Gòn là Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đã ký văn thư công nhận chính thức họ Cảnh Lâm với số giáo dân 619 đồng bào; đồng thời cũng chính thức bổ nhiệm Linh mục Đaminh Nguyễn Hữu Chí làm Cha sở Cảnh Lâm, cho dù Linh mục đã đến và ở đây từ năm 1955 (Giáo hạt Lạc An, 2008). Nhiệm kỳ quản đạo giáo xứ Cảnh Lâm của Linh mục Đaminh Hà Chí Luyến (1972 - 1974) được hằn dấu bằng 2 trái B41 nã xuống ngôi nhà thờ khiến bị hư hại nặng vào ngày 23.10.1972 (Giáo hạt Lạc An, 2008). Vào thời điểm giữa mùa hè 1974, nhân số giáo xứ Cảnh Lâm có khoảng 500-600 giáo dân, được tổ chức sinh hoạt một cách nền nếp nhưng không kém phần sôi động. Nhờ có sự thay đổi vai trò cai quản của các vị Chánh xứ đứng đầu vào thời gian này mà một số nét đặc thù nơi đây đã được lưu ý qua những trang hồi ức hiếm hoi của Linh mục Phạm Sông Hồng; chẳng hạn trong khi cập 310
- nhật danh sách Hội đồng Giáo xứ với tên tuổi các chức dịch như Trưởng ban Nguyễn Doãn Dụ, Phó ban Nguyễn Doãn Bằng, Thư ký Nguyễn Doãn Đãn…, Linh mục cho biết: “Tôi nhận ra một điều hết sức thú vị, và có lẽ là nét đặc thù hi hữu nhất của giáo xứ Cảnh Lâm, đó là các cụ, các ông, các thanh niên, các em thiếu niên, nhi đồng nam giới, đều mang chung Thánh bổn mạng và dòng họ: Phêrô Nguyễn Doãn. Cho nên có ông mang tên Thánh, tên họ, tên gọi là: Phêrô Nguyễn Doãn Doãn…”; giáo xứ cũng là nơi duy nhất có khu chợ chung của Lạc An tọa lạc nên thuận tiện hành nghề buôn bán, đời sống khấm khá và phong lưu hơn các giáo xứ khác, bến đò Cảnh Lâm cũng nhờ đó mà tập trung nhộn nhịp người lại kẻ qua, “Dân ở chen chúc, nhà này kề sát nhà kia” (Phạm Sông Hồng, 2020). Về sinh hoạt kinh tế, trên cơ sở địa thế đặc trưng, giáo xứ phân chia làm hai giáo khu, gồm khu Bờ Sông và khu Phía Đồng gắn với hai loại hình hoạt động nghề nghiệp tương thích: buôn bán và canh nông - tiểu thủ công. Về sinh hoạt tín ngưỡng, Cảnh Lâm có ba hội đoàn chính hoạt động, gồm Dòng Ba Thánh Đaminh, Hiệp hội Thánh Mẫu và Thiếu nhi Thánh Thể; có Hội Kèn đồng, Hội Trống con; có Ca đoàn, Ban Giúp lễ, Ban Trang trí Ánh sáng, Ban Phục vụ Nhà thờ… 2.2.3. Giáo xứ Thượng Phúc Một giáo xứ khác đã có những nỗ lực quyết tâm lựa chọn Lạc An và không ngừng vượt lên theo thời gian, đó là Thượng Phúc, dưới sự dẫn dắt nhiệt thành của Linh mục Đaminh Đinh An Khang. Thượng Phúc ở nơi quê mới bao gồm họ nhà xứ và một số họ khác trong số 24 họ giáo di cư, như Cam Châu, Khúc Mai, Đông Hà, Đông Hồ, Đồng Tỉnh, Duyên Trữ. Giáo dân vào thời điểm ban đầu này khoảng 3.000 đồng bào, thuộc tỉnh Thái Bình. Trong khi còn ở trại tạm trú thuộc Trường Đua Phú Thọ (Sài Gòn) vào đầu tháng 9.1954, Đaminh Khang đã được mời tới Biên Hòa để xem đất định cư cùng với các Linh mục đại diện khác, tiến hành bốc thăm phân lô1. Nhìn hiện trạng vùng đất chỉ thấy um tùm cây rừng và nhấp nhô hầm hố, Linh mục Khang tỏ ra phân vân trước sự lựa chọn. Đúng lúc này, qua sự vận động và giúp đỡ của một nhà chức trách người Pháp ở Biên Hòa là Lacombe, Linh mục Khang đã đến tận vùng rừng hữu ngạn sông Đồng Nai, cách gần 30km để khảo sát, với địa thế khá thuận lợi: vừa có rừng cung cấp gỗ, có ruộng cấy cày, có sông lớn nước lành nên tỏ ra rất ưng ý. Nhận được sự động viên của các Linh mục Bề Trên gốc Thái Bình, đặc biệt là Linh mục Cha già Cẩm, Đaminh Đinh An Khang đã mạnh dạn dẫn dắt họ đạo Thượng Phúc cùng một số họ quan hệ gần gũi khác đi về hướng rừng Lạc An. Bởi vậy, lời truyền khẩu thân tình đầy cảm hứng của Linh mục Cha già Cẩm từ thành ngữ khuôn đúc tri thức dân gian địa phương đã trở thành nguồn động lực vô giá đối với di dân Công giáo Lạc An lúc ban sơ: “Cha Khang này, Lạc An, đất tốt, sông Đồng Nai, đúng là gạo Cẩm Đước, nước Đồng Nai”2 (Giáo hạt Lạc An, 2008). Sau khi vận động Phủ Tổng ủy Di cư cung cấp xe để vận chuyển 800 đồng bào Thượng Phúc cùng đồ đạc từ trại Phú Thọ đến Biên Hòa, qua Bửu Long tới sông Đồng Nai, đối mặt với Lạc An bên kia bờ. Tại khu vực bến đò, đoàn di dân chứng thực một hiện trạng nãn lòng: có nhiều căn nhà lá vừa bị thiêu hủy mà hỏi ra mới biết quân đội trước đó đã dựng khoảng 100 căn làm nơi tạm trú cho những người mới đến; đa số là di dân gốc Hải Phòng, nhưng họ vừa mới tá túc chỉ qua một đêm đã tỏ ra buồn chán nên bàn tính đốt hết rồi cuốc bộ gần chục cây số quay trở lại nơi xuất phát Hố Nai (Biên Hòa). Dù vậy, đoàn Thượng Phúc vẫn tổ chức việc qua sông với sự hỗ trợ bằng phà của nhà binh Pháp, kéo dài 2 giờ đồng hồ mới hoàn tất vào lúc 17 giờ chiều, ngày 11.9.1954. 31. Theo hồi ký của Linh mục Đinh An Khang, việc phân lô đất định cư ở Biên Hòa được tính khởi đầu từ bệnh viện Tâm Thần trên quốc lộ 1, dọc tới vùng Trảng Bom; mỗi lô 2km chiều dài; theo thứ tự các tỉnh thành: Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh, Thanh Hóa; trong: Màu nhớ - Kỷ yếu Lạc An 54 năm thành lập & phát triển, Sđd. 32. Theo chúng tôi, hàm ý câu thành ngữ này là sự biến cách của một thành ngữ phổ biến vùng Đông Nam Bộ: gạo Cần Đước, nước Đồng Nai; thay vì địa danh Cần Đước (ở Long An) nổi tiếng với các giống lúa họ “nàng”, người phát ngôn đã nhại chữ “Cần” thành “Cẩm”, ý chỉ địa danh bà Cẩm hay Bà Cẩm ở địa phương Lạc An (đồi/núi/đồng Bà Cẩm). Được biết, đồi Bà Cẩm có vị thế chiến lược của vùng nên từng là điểm tranh chấp của lực lượng quân sự hai phía trong chiến cuộc nơi đây vào lúc tháng 8 và 9.1974. 311
- Nhà binh Pháp cũng cấp thời dựng khoảng 200 căn nhà lá ở phía Bắc Đồn Tây để làm trại tạm trú cho đồng bào di cư đến Lạc An. Đoàn xứ Thượng Phúc xin vào ở tạm vì trại đã được các xứ khác đăng ký trước rồi, gồm có xứ Cao Xá và xứ Ngọc Đồng. Bằng vào nỗ lực tự thân, suốt hai tuần lễ liền sau đó Linh mục Khang đã huy động khoảng 120 thanh niên nam nữ trong họ đạo theo tàu và phà mượn được của nhà binh Pháp lên vàm Sông Bé, cách quãng 8km để chặt tre, cắt tranh đem về, dựng thành 4 căn nhà dài chia cho 4 khu, 1 căn cho Nhà Phước Vân Am và nhà xứ Thượng Phúc. Nhờ đó, thời gian tiếp theo đồng bào mới yên tâm tập trung khai phá phần đất được chỉ định cho mình. Địa giới của Thượng Phúc lúc này nằm giữa Hà Xá phía Nam và Vân Am phía Bắc, thuộc phân khu/miền Bắc tính từ Đồn Tây. Giáo dân di cư gốc Thượng Phúc ở các nơi cũng có một số tìm đến vùng Lạc An, gia tăng nhân số tới khoảng 1.200 đồng bào. Vào năm 1956, phân nửa xứ Hà Xá qua sông định cư, số còn lại sáp nhập vào xứ Thượng Phúc (Giáo hạt Lạc An, 2008). Ở đầu trại phía Bắc, cuối năm 1954 có khoảng 1.800 giáo dân xứ Vạn Đồn từ Hố Nai kéo qua, lập thành một trại mới. Như vậy, tính từ phía Bắc xuống, khởi đầu là xứ Vạn Đồn, tiếp đến Vân Am, rồi đến xứ Thượng Phúc; xứ Ngọc Đồng thuộc về điểm cuối phân ranh của phân khu/miền Bắc, kề sát Đồn Tây và chợ Cảnh Lâm, cũng là chợ chung cho cả khu trại Lạc An. Tổng cộng 5 trại thuộc phân khu/miền Bắc này cùng với trại Cảnh Lâm hợp thành 3 trại kê tên trên Danh sách các làng/trại Di cư của Phủ Tổng ủy như đa biết: Vân Đồn, Thượng Phúc và Ngọc Lâm, trong đó xứ Thượng Phúc vẫn hiện hữu là một trại độc lập nhờ giữ được nhân số ổn định cùng nỗ lực đức tin. Ngôi nhà thờ đầu tiên của xứ Thượng Phúc được dựng lên bằng tranh tre vách đất vào ngày Lễ Phục sinh tháng 2.1955 đáng nhớ. Quãng thời gian thử thách khắc nghiệt vừa qua đi thì vị Linh mục Đinh An Khang cũng nhận lệnh Bề Trên chuyển sang xứ Ngọc Đồng bên cạnh. Từ ngày 2.9.1957 là mốc khởi đầu công tác mục vụ của Linh mục Đaminh Hoàng Duy Thanh đối với Thượng Phúc, vị Cha xứ mang những nét tính cách mạnh mẽ của giới trẻ Công giáo: cương trực, hăng say và nhất quyết tẩy trừ tệ nạn cờ bạc. Năm 1958, Linh mục Thanh vận động xây mới ngôi nhà thờ với cột gỗ vuông, tường rào kiên cố, trang hoàng đầy đủ; cùng với đó là ngôi nhà xứ chạy dài, mái ngói, vách tô; đặc biệt là việc tự thiết kế để xây dựng cây tháp không sử dụng sắt thép nhưng vẫn đứng vững chãi suốt nửa thế kỷ, bất chấp mưa bom bão đạn của thời kỳ chiến cuộc kéo dài. Song thật đáng tiếc, công trình độc đáo này đã không còn được lưu giữ cho hậu sinh, do bị giải tỏa khi thực hiện công tác cầu đường thời hiện đại hóa (Giáo xứ Thượng Phúc, 2004). Những trận giao tranh khởi đầu thập niên 1960 làm cho đồng bào vùng Lạc An hoang mang, kéo theo số đông giáo dân mưu cầu cuộc sống tương đối bình yên nơi cách xa vùng chiến sự. Trong khung cảnh đó, giáo xứ Vân Đồn phía cực Bắc Lạc An diễn ra sự ly tán, người đi kẻ ở; vì thế số ít đồng bào trụ lại tiếp tục sáp nhập vào xứ ThượngPhúc, lập thêm 2 giáo khu. Lúc này giáo xứ Thượng Phúc được hợp thành bởi 6 giáo khu bao gồm cả cũ lẫn mới là Vân Côi, Mông Triệu, Vô Nhiễm, Hà Xá, Vân Am và Đức Tường. Năm 1966, trên đà lan rộng lẫn tăng cường mức độ ác liệt của chiến tranh, Linh mục Thanh buộc phải ra đi cùng với một số giáo dân về vùng Bà Quẹo, thuộc quận Tân Bình, khởi đầu cho sự hình thành một xứ đạo đông tới 10.000 giáo dân về sau. Số giáo dân còn lại của Thượng Phúc được các Linh mục ở giáo xứ Ngọc Đồng và Hoàng Châu quản nhiệm trong khi thiếu vắng người lãnh đạo tinh thần. Từ ngày 14.9.1967, Linh mục Giuse Nguyễn Bác Ái được Tòa Giám mục Phú Cường bổ nhiệm làm Chánh xứ Thượng Phúc, nỗ lực khắc phục những tổn thất của chiến tranh ngày càng leo thang, gắng sức khích lệ cộng đồng giáo dân củng cố các hội đoàn; nhất là huy động được sự đóng góp trong và ngoài xứ trùng tu ngôi Thánh đường, nâng mặt nền lên cao 1m1 (Giáo xứ Thượng Phúc, 2004). Đầu năm 1970, Linh mục Ái được điều động hỗ trợ cho giáo xứ Chơn Thành thuộc giáo hạt Bình Long; vị Linh mục thay thế cho Thượng Phúc là Phêrô Lưu Đức Tân. Trước tình hình chiến cuộc ngày càng trở nên khốc liệt, sự hiện diện của Linh mục Tân là chỗ dựa niềm tin lớn lao 35. Theo Linh mục Phạm Quang Tòng, Linh mục quản nhiệm này không phải tên Giuse Nguyễn Bác Ái mà là Giuse Nguyễn Ngọc Ban, mới từ giáo phận Huế xin gia nhập giáo phận Phú Cường và được bổ nhiệm Chánh xứ Thượng Phúc vào tháng 9.1967; xem: Màu nhớ - Kỷ yếu Lạc An 54 năm thành lập & phát triển, Sđd. 312
- cho đồng bào giáo dân trong xứ. Sau biến cố tháng 8.1974 với chiến thuật nghi binh của quân đội Giải phóng1, quang cảnh đổ nát phơi bày một thực trạng Lạc An đòi hỏi phải cần rất nhiều thời gian và công sức mới có thể phục hồi, thì có chút may mắn rằng nhà thờ Thượng Phúc (cùng với nhà thờ Ngọc Đồng) ít bị hư hại hơn, đồng thời được Linh mục Hạt trưởng Đaminh Ngô Đức Tuấn đề nghị là một trong bốn nhà thờ đại diện của vùng Lạc An, với kinh phí hỗ trợ kiến thiết lên tới 1.000.000$2 (Phạm Sông Hồng, 2020). Lý giải về sự may mắn hiếm hoi này, Linh mục Phạm Quang Tòng với tính cách người trực tiếp chứng kiến biến cố Lạc An cho biết: “Có điều gây ngạc nhiên là nhà thờ Ngọc Đồng, nhà thờ Thượng Phúc và nhà dân cư tọa lạc trong hai khu vực này bớt bị thiệt hại do bom rơi đạn nổ. Một lý giải cho trường hợp này được coi như hợp lý: hai khu vực này là hai xứ đạo, nhưng có người địa phương ở lẫn lộn. Những gia đình địa phương này thường có con em làm du kích trong rừng, hay làm giao liên giữa ấp chiến lược và ngoài rừng, thế nên quân chính quy BV [Bắc Việt - quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa] được chỉ lối xâm nhập và rút quân, cũng như đặt ụ chốt súng lớn, để bớt hại cho dân phía Bắc Lạc An, khi bên này bắn trả” (Phạm Sông Hồng, 2020). Linh mục tân quản nhiệm Thượng Phúc cho đến ngày 3.5.1975, gắn với sự kiện giải phóng miền Nam Việt Nam của quân đội Giải phóng. Nếu không kể 100 ngày ngắn ngủi gắn với Linh mục Giuse Lê Thanh Quang, giáo xứ Thượng Phúc chính là nơi gieo trồng, vun xới đức tin khá dài lâu với gần 30 năm dày công mục vụ của Linh mục Đaminh Hà Chí Luyến. Bởi vậy, Thánh đường Thượng Phúc cũng trở thành nơi gởi gắm vĩnh viễn hồn xác của vị Linh mục tận hiến cuộc đời cho đức tin Thiên Chúa. 3. THAY CHO LỜI KẾT Qua năm 1974 lại tiếp đến năm 1975 nhiều biến động dữ dội hơn với những đợt tấn công dồn dập của quân đội Giải phóng trên các chiến trường phía Bắc và Tây Nguyên. Dòng người di tản ở mọi nơi ngày càng đổ xô áp sát các tỉnh miền Đông Nam Phần và trực chỉ Đô thành Sài Gòn. Ở Lạc An chỉ còn lại có ba Linh mục Chánh xứ hiện diện túc trực, gồm Đaminh Trịnh Đức Luyện ở Mỹ Vân, Giuse Phạm Quang Tòng ở Cảnh Lâm, Phêrô Lưu Đức Tân ở Thượng Phúc; Linh mục Hạt trưởng Đaminh Ngô Đức Tuấn và Linh mục Đaminh Hà Chí Luyến thì vắng mặt. Sau sự kiện ban trưa ngày 30.4.1975 Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố lệnh đầu hàng qua đài phát thanh, tại Lạc An vào chiều cùng ngày tin báo đến Linh mục Tòng rằng lúc 7 giờ tối sẽ có cán bộ Cách mạng đến thăm. Đó là hai cán binh quân đội Giải phóng, một Nam một Bắc dõng dạc tuyên bố: “Anh em chúng tôi đến tiếp quản Ấp 1 và Ấp 2 xã Lạc An. Chúng tôi đến chào Linh mục… Nhờ Linh mục nói với bà con giáo dân, hãy yên tâm, đừng sợ hãi, đừng lo chạy đi đâu cả, hãy ở lại xây dựng cuộc sống mới…” (Phạm Sông Hồng, 2020). Tình hình cũng tương tự đối với ấp 3 và ấp 4. Bước ngoặt đổi đời của Công giáo Lạc An đã diễn ra như vậy trong ngày 30.4.1975. Thủ Dầu Một, tháng 4.2024 36. Cho đến nay, sự kiện chiến tranh được nhắc đến này chưa từng tìm thấy ở các tài liệu hoặc công trình nghiên cứu đương đại nào, ngoại trừ các Bản Thông tin do Địa phận Phú Cường biên soạn và ấn hành. 37. Thực tế, đề nghị này đã không được các xứ đạo tán đồng; mặt khác, khoản kinh phí hỗ trợ chưa kịp cấp phát thì sự kiện giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 30.4.1975 ập tới. 313
- PHỤ LỤC ẢNH Hình 1. Bản đồ thành lập làng Công giáo Thái Hưng tách ra từ làng Lạc An (1957) (TTLTQG II) Hình 2&3. Quả chuông làm từ vỏ bom thời chiến tranh đặt ở nhà thờ Võng Phan và tượng Đức Mẹ Tân Khổ tại Đền Đức Mẹ Tân Khổ (Tư liệu điền dã, tháng 2.2024) 314
- Hình 4. Di tích nhà nguyện Thượng Phúc (1958) (Tư liệu điền dã, tháng 2.2024) Hình 5. Lược đồ các giáo xứ thuộc xã Lạc An và vùng lân cận ngày nay (Phạm Quang Tòng, 2023) TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Giáo hạt Lạc An (2008), Màu nhớ - Kỷ yếu Lạc An 54 năm thành lập & phát triển. 2. Giáo xứ Thượng Phúc (2004), Thượng Phúc 50 năm tiến bước. 3. Phạm Sông Hồng (2020), Những tháng năm cuộc đời, Tác giả tự xuất bản. 4. Hồng Nguyên (2006), Hành trình nửa thế kỷ 1954 - 2006, Tác giả tự xuất bản. 5. Phạm Quang Tòng (2023), Kỷ yếu 50 năm thành lập giáo phận Phú Cường (1965 - 2015), bản thảo. 315
- 6. TTLTQG II - Việt Nam Cộng hòa (1964), Phước Thành ngày nay, Tòa Hành chánh Phước Thành, hồ sơ số V/v 3844, phông Sưu tập tư liệu. 7. TTLTQG II (1955), Sổ các làng định cư, Septembre 1955, hồ sơ số 4410. 8. TTLTQG II - Tòa Tổng ủy Đồng bào Tỵ nạn, “V/v xin 1 chiếc đò cho trại Lạc An”, vb số 1557- TU/DC/HC4, ngày 16.3.1955, hồ sơ số 4061, phông Tòa Đại biểu Chính phủ tại Nam Phần. 9. TTLTQG II, “Phúc trình về cuộc hỏa hoạn tại trại định cư Lạc An thuộc quận Tân Uyên và thiêu hủy hơn 400 nóc nhà tốn hao lối 1 triệu 800 ngàn đồng”, số 13/4.HB, ngày 8.3.1956, hồ sơ số 4061, phông Tòa Đại biểu Chính phủ tại Nam Phần. 10. TTLTQG II - Tổng ủy Di cư, “Di cư”, hồ sơ số 4423, phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa. 11. TTLTQG II, “Trại định cư tại Nam Việt xếp theo tiến độ dự án và phân hạng trại”, hồ sơ số 4410, phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa. 12. TTLTQG II, “Hợp thức hóa tình trạng hành chánh của các trại định cư trong Nam Phần Việt Nam”, hồ sơ số 4929, phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa. 13. TTLTQG II, “Tóm lược Phúc trình ngày 7.1.1957 của ông Đại biểu Chánh phủ tại Nam Phần v/v hợp thức hóa tình trạng hành chánh các trại định cư”, hồ sơ số 4929, phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa. 14. TTLTQG II, “Trại định cư tại Nam Việt xếp theo tiến độ dự án và phân hạng trại”, hồ sơ số 4410, phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa. 15. TTLTQG II, Danh sách các trại định cư tại Nam Việt, hồ sơ số 2679, phông Tòa Đại biểu Chánh phủ tại Nam Phần. 16. TTLTQG II, “Dân số định cư các trại tại Nam Phần - Trung Phần (Cao nguyên và Trung nguyên) tính đến ngày 1.3.1957”, hồ sơ số 4933, phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa. 17. TTLTQG II, “Dân số định cư các trại tại Nam Phần - Trung Phần (Cao nguyên và Trung nguyên) tính đến ngày 1.3.1957”, hồ sơ số 101, phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa. 18. TTLTQG II - Phủ Tổng ủy Tỵ nạn, “Tóm tắt Biên bản Hội thương”, “Biên bản Hội thương”, hồ sơ số 4928, phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa. 316
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn