intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Lễ hội Pơthi của người Jrai ở Gia Lai

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

36
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Lễ hội Pơthi mặc dù là một lễ nghi tang ma, nhưng trên thực tế là một lễ hội lớn của người Jrai. Hơn thế nữa, lễ hội Pơthi còn biểu hiện cho những giá trị văn hoá đặc sắc, đặc biệt nhất là ý niệm về sự sống và cái chết thật độc đáo: “Pơthi để người chết được tái sinh” -một quan niệm rất đặc trưng của một số dân tộc ở Tây Nguyên và Đông Nam Á.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Lễ hội Pơthi của người Jrai ở Gia Lai

  1. LỄ HỘI PƠTHI CỦA NGƯỜI JRAI ỞGIA LAI RƠLAN H’ HLƠNH Khoa Lịch sử Tóm tắt: Lễ hội Pơthi mặc dù là một lễ nghi tang ma, nhưng trên thực tế là một lễ hội lớn của người Jrai. Hơn thế nữa, lễ hội Pơthi còn biểu hiện cho những giá trị văn hoá đặc sắc, đặc biệt nhất là ý niệm về sự sống và cái chết thật độc đáo: “Pơthi để người chết được tái sinh” -một quan niệm rất đặc trưng của một số dân tộc ở Tây Nguyên và Đông Nam Á. Để thể hiện ý niệm này, người Jrai tiến hành một loạt nghi thức và sáng tạo nên những biểu tượng văn hoá hết sức tiêu biểu như nhà mồ, tượng nhà mồ…cùng với những sinh hoạt văn hoá mang đậm dấu ấn của người Jrai. Do vậy, nếu mất đi lễ hội Pơthi cũng đồng nghĩa với việc mất đi không ít những giá trịvăn hoá của người Jrai. Từ khóa: Pơthi, Jrai, Gia Lai 1. MỞ ĐẦU Pơthi (lễ bỏ mả) là một lễ hội lớn của đồng bào Tây Nguyên nói chung và người Jrai ở tỉnh Gia Lai nói riêng. Quan niệm của người Tây Nguyên là “vạn vật hữu linh” và một người khi đã chết thì đó chưa phải là chết mà họ chỉ mới tạm rời cõi sống để chuẩn bị sang thế giới Atâu (ma quỷ). Trong thời gian chôn cất, người sống vẫn chia của cải, mang cơm nước để phục vụ hàng ngày. Cho đến khi chuẩn bị đầy đủ các vật cúng (bò, heo, gà, dê...), người sống sẽ tiến hành tổ chức lễ Pơthi để vĩnh viễn chia tay, không vướng bận với người chết nữa. Như vậy, lễ hội Pơthi là một nghi thức đặc biệt trong phong tục tang ma của người Jrai, ghi dấu sự đoạn giao giữa người sống với người chết - là cuộc chia ly cuối cùng giữa người sống và người chết. Bởi lẽ sau khi lễ hội kết thúc, người thân của người chết sẽ chấm dứt việc thăm mộ. Đối với họ, nghĩa vụ và tình cảm với người chết đã hoàn toàn hết. Trong nhiều năm trở lại đây, cuộc sống của người Jrai so với truyền thống đã có nhiều thay đổi. Các lễ hội văn hoá của người Jrai nói chung và lễ hội Pơthi nói riêng cũng đang đứng trước những thử thách. Đặc biệt, trong tầng lớp trẻ của người Jrai hiện nay gần như bị đồng hóa về nhiều mặt. Thậm chí một số con em Jrai không biết đến sự tồn tại của các lễ hội truyền thống dân tộc mình. Hiện nay có những công trình nghiên cứu mà người nghiên cứu không am hiểu về lễ hội Pơthi. Từ đó đưa ra những nhận định sai lệch, như lễ hội Pơthi là một hủ tục lạc hậu, cần được xóa bỏ…Điều này, không chỉ không góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa Tây Nguyên mà còn tạo ra những ấn tượng không được tốt về vùng đất Tây Nguyên và về con người Jrai. Vì vậy, nghiên cứu về lễ hội Pơthi là một việc làm hết sức có ý nghĩa nhằm phục dựng một cách toàn diện những nghi lễ cũng như làm sáng tỏ những giá trị tiêu biểu của lễ hội Pơthi nhằm bảo tồn và phát triển lễ hội trong bối cảnh mới. 80
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2017-2018 2. NỘI DUNG 2.1. Khái quát về người Jrai ở Gia Lai Là một trong 5 tộc người anh em (Jrai, Ê Đê, Chăm, Raglai, Chu Ru) thuộc nhóm Mã Lai-Đa Đảo, người Jrai hiện đang sinh sống trên vùng đất nam Trường Sơn và đồng bằng ven biển Trung Bộ. Địa bàn cư trú là từ Nam tỉnh Kon Tum đến Bắc tỉnh Đăk Lăk (theo chiều Bắc - Nam) và từ Tây Bắc tỉnh Phú Yên đến vùng biên giới tiếp giáp với Campuchia (theo chiều Đông - Tây). Trong đó, Gia Lai là địa bàn có người Jrai sinh sống tập trung đông nhất. Khu vực cư trú chính là phía tây cao nguyên Pleiku (thuộc các huyện Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, thành phố Pleiku) và vùng trũng Cheo Reo - Phú Túc ở phía Đông Nam tỉnh (thuộc thị xã Ayun Pa và các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa). Người Jrai được chia thành năm nhóm chính là: Jrai Chor, Jrai Hdrung, Jrai Mthur, Jrai Aráp, Jrai Tbuăn với mười dòng họ lớn: Rơlan(Rahlan, Rlan), Rơ châm (Rơ chom, Rcom), Nay, Rơ Ô, Siu, Rơmah, Ksor, Hiec (Hiao), Kpă, Kpuih 1. 2.2. Lễ hội Pơthi của người Jrai ở Gia Lai Với người Jrai ở Tây Nguyên, cái chết chưa phải đã kết thúc tất cả mà linh hồn vẫn còn lưu luyến với người thân. Người Jrai quan niệm rằng khi chết linh hồn vẫn trú ngụ xung quanh các nhà mồ, linh hồn vẫn phải ăn uống nên hàng ngày, người sống vẫn phải mang cơm nước đến khu nhà mồ để nuôi người chết. Trong nhà, trong làng có chuyện gì, cứ chiều tối đến, người nhà lại ra khu nhà mồ tâm sự cùng các linh hồn. Vì tin rằng khi chết linh hồn của người chết sẽ sang sống ở thế giới bên kia của tổ tiên nên người Jrai tổ chức lễ hội Pơthi để tiến đưa linh hồn người chết ra đi hay chuyển trạng thái sống cho người chết. Do vậy, lễ hội Pơthi là tang thức cuối cùng mà người sống phải làm cho người chết. Chỉ sau khi làm lễ Pơthi, linh hồn người chết mới rời khỏi dương gian về với thế giới bên kia, hoàn toàn tách khỏi mọi ràng buộc với người sống. Còn người sống thật sự được giải phóng khỏi mọi liên hệ với người chết. Bởi vậy, người góa có thể lấy chồng hoặc lấy vợ mới. Vì có ý nghĩa đối với cả người chết lẫn người sống nên lễ hội Pơthi đặc biệt quan trọng đối với người Jrai. Lễ hội Pơthi thường được tổ chức vào khoảng tháng 3, tháng 4 dương lịch hàng năm. Người Jrai thường gọi khoảng thời gian tháng 3, tháng 4 là “Blan ning nông thông atâu” (tháng nghỉ đi chơi lễ hội Pơthi). Những ngày này, thóc lúa trên nương đã cất đầy kho, men rượu đã ủ chín, người dân trong làng bắt đầu vào mùa lễ hội. Tại đây, các sắc thái văn hóa lẫn các loại hình nghệ thuật truyền thống đậm chất sử thi sẽ được thể hiện. 1 Về tên gọi của 10 dòng họ lớn của người Jrai, theo truyền thuyết, tất cả người Jrai là con cháu của nàng Hơ Bia. Khi nàng mang thai, ngủ dưới gốc cây Phun Siu thì sinh ra họ Siu; đẻ dưới gốc cây um tùm Brang Rơ com sinh ra họ Rơ com; nàng đau quá phải ôm gốc cây Rơ ma sinh ra họ Rơ mah; nàng đẻ trên đường đi sinh ra họ Rơ lan; đẻ dưới gốc cây tre sinh ra họ Rơ ô; đẻ dưới bóng cây Kpala sinh ra họ Kpă; đẻ dưới bóng cây Hieo và dưới gốc đa trăm tuổi sinh ra họ Nay… 81
  3. RƠLAN H’ HLƠNH Trước đây, lễ hội Pơthi được tổ chức rất lớn và thường kéo dài từ 7 ngày đến 10 ngày. Hiện nay, do nhiều tác động (chủ yếu do điều kiện kinh tế không cho phép, môi trường sống đã thay đổi), thời gian của lễ hội Pơthi không được dài ngày như trước, nhưng cũng kéo dài trong khoảng từ 3 ngày hay tới 7 ngày. Dù được tổ chức ít hay nhiều ngày, song bao giờ lễ hội Pơthi cũng được tiến hành tuần tự theo ba bước như sau: dựng nhà mả, làm lễ bỏ mả và làm lễ giải phóng cho người sống. 2.2.1. Ngày mở lễ hội Pơthi (ngày thứ nhất) Khi mọi bộ phận của nhà mả đã làm xong, mọi người định ngày để làm lễ dựng nhà mả. Ngày dựng nhà mả đồng thời cũng là ngày bắt đầu của lễ hội Pơthi. Người Jrai tổ chức ngày dựng nhà mả giống như ngày lễ dựng nhà mới. Những ngày đầu tiên này bao giờ cũng là ngày chuẩn bị mọi thứ cho ngày vào hội hôm sau. Vào ngày dựng nhà mả, ngoài việc dựng nhà mả, gia đình và dân làng còn phải chuẩn bị đầy đủ củi, đuốc và nước để uống rượu cần, đem hết của cải chia cho người chết và dắt theo trâu, bò, gà… (người dắt con vật chính là người gia chủ làm lễ hội Pơthi. Đó có thể là người vợ, người mẹ nếu làm lễ cho chồng, con là người đã chết; con gái trưởng nếu làm lễ Pơthi cho cha mẹ hoặc ông bà…) ra khu nhà mả để buộc vào cột gang phía sau nhà mả. Tất cả mọi việc đều có nghi lễ kèm theo: lễ cúng làm xong nhà mả mới, lễ chia của cho người chết, lễ chuyển giao những con vật cho người chết… Vì thế, tuy chưa phải là ngày lễ chính thức của lễ hội Pơthi nhưng ngày dựng nhà mả đã nhộn nhịp, tấp nập và vui vẻ như một ngày hội. Suốt ngày và suốt đêm hôm đó, cả làng đều đổ ra khu nhà mả để phụ giúp cùng gia đình, vui chơi và ăn uống. Người Jrai gọi đêm này là đêm “Thức cùng trâu, dê (kbao, be)”. 2.2.2. Ngày chính (ngày thứ hai - chính lễ) Vào ngày lễ Pơthi hay gọi là ngày Vỡ (pa Chăh), khi mặt trời mọc, những người đàn ông có kinh nghiệm đến bên những cột gang để đập (the) và đâm (kirăh) trâu, bò chết, sau đó đem trâu, bò đã chết thui bên cạnh nhà mả. Khi đã sạch lông, người ta cắt đầu, đuôi và móng của con vật đem lên các cột gang ở nhà mả rồi mời mổ thịt. Ngoài đầu, đuôi, móng, người Jrai còn dâng cúng người chết những bộ phận quý nhất, giá trị nhất của con vật như: tai (gan), lôm (sách), Klo (ốc), và dlah (lưỡi). Những đồ cúng được gói vào lá hoặc xâu thành từng que để cúng trong nhà mả. Trong khi người nhà làm lễ dâng cúng cho người chết, tất cả mọi người tham gia làm các món ăn hoặc nhảy múa và đánh cồng chiêng… Khi mọi nghi thức cho người chết đã xong, các mâm thức ăn cũng được dọn ra xung quanh nhà mả, và bữa ăn cộng cảm bắt đầu. Mọi người từng tốp ngồi quanh những chiếc mâm bằng lá chuối, ăn uống, trò chuyện vui vẻ. Những người góa và họ hàng thân thiết thì đem phần cơm của mình vào ăn trong nhà mả (với quan niệm là ăn cùng người chết). Có thể nói, đối với người Jrai, không một bữa ăn nào của lễ hội nào lại mang tính cộng đồng và đồng cảm lớn như bữa ăn trong lễ hội Pơthi. Toàn bộ dân làng từ già tới trẻ, từ dân trong làng xã đến khách từ các làng khác hoặc những người qua đường tình cờ gặp đều được mời ăn bữa cơm bỏ mả. Trong bữa ăn đó, không hề có sự phân biệt nào bởi theo phong tục của người Jrai, 82
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2017-2018 mọi người (kể cả những người đã khuất) đều được mời ăn như nhau. Ngược lại, bao giờ người dự lễ cũng đem các đồ vật để biếu gia chủ, như vò rượu. Sau bữa ăn cộng cảm, người ta cho rằng người chết sẽ về với tổ tiên còn người sống thì được giải phóng, không còn bị ràng buộc với người chết nữa. Ăn cơm xong, họ hàng thân thuộc chải đầu, mặc áo cho người góa rồi đưa họ ra khỏi nhà mả để nhập vào điệu múa vui của cả làng. Kể từ giờ phút này, phần hội chính thức được phát động với các hoạt động vui chơi, ăn uống, nhảy múa và trình diễn nghệ thuật dân gian đến hết buổi chiều và cả đêm. Quy định của làng đưa ra cho mọi người tham gia lễ hội là khi vui chơi cấm mọi hằn thù, hiềm khích, mâu thuẫn, xích mích cá nhân. Mọi tranh chấp, nợ nần đời thường... không ai được tính toán, xử lý trong lúc này. Ngày thứ hai (chính lễ) từ từ kết thúc như vậy. 2.2.3. Ngày với dòng họ (ngày giải phóng linh hồn) Người Jrai thường bắt đầu lễ hội Pơthi vào buổi tối của những đêm trăng (bởi quan niệm đêm ở dương gian là ngày của những hồn ma). Người Jrai thường chọn những ngày trăng sáng nhất, tuần thứ hai tức tuần trăng tròn của tháng để bắt đầu làm lễ Pơthi hay ăn bỏ mả (hoắ lui pơxat) như người Jrai thường gọi. Trong ngày giải phóng linh hồn, lời cúng của các nhóm Jrai ở Gia Lai không có nhiều khác biệt, nội dung chính là: “Hôm nay chúng tôi ăn bỏ ma đây, từ nay là hết, các ma ở nơi khác, chúng tôi ở nơi khác…Từ nay người sống không còn quan hệ gì với ma nữa. Lễ bỏ mả đến ngày sau lưng rồi. Từ nay, người sống ăn cơm trắng, còn ma thì ăn cơm đỏ, ăn hoa tím, hoa đỏ của các thần…” [1, tr. 339]. Sau đấy, người chủ lễ mới bày tỏ tâm tư và nguyện vọng của những người sống: “Xin ma đừng gọi, đừng lại gần, đừng thương yêu con cháu nữa, từ nay chúng tôi sẽ không còn mang cơm, sẽ không còn mang nước cho ma nữa, nếu muốn ăn thịt gì, xin ma hãy hỏi thần trăng;nếu muốn ăn cám ăn thịt, xin hãy hỏi thần trời. Thôi, từ nay, thế là hết, như lá m’nang đã lìa cành, như lá m’tư đã úa tàn”. [1, tr. 339] 2.2.4. Giải phóng cho người sống sau lễ hội Pơthi Đối với người Jrai, lễ giải phóng cho người sống (hay còn gọi là lễ rửa nồi) được tiến hành ngay tại nhà của người làm lễ Pơthi (hoặc tại nhà mả). Chủ nhà làm lễ gọi các hồn lúa, hồn trâu, bò về để tạ ơn và để các hồn đừng đi theo atâu (ma). Nghi lễ được tiến hành đơn giản, có sự chứng kiến của già làng, người thân trong gia đình và dòng họ. Lễ vật để cúng là một con gà, một ghè rượu. Vị trí cúng được đặt ở giữa cửa của ngôi nhà sàn. Hiện nay, nhiều gia đình không còn nhà sàn nữa mà là nhà xây, khi đó các đồvật cúng được đặt trên bàn và cũng được đặt ngay ngắn ở giữa nhà. Nghi lễ này được thực hiện để các hồn gà, trâu, bò và những hồn người đừng đi theo atâu, vì atâu đã được chia đầy đủ của cải và để tạ ơn các Yang đã phù hộ. Làm lễ xong, mọi người vẫy nước vào gia chủ hoặc họ đem ra suối tắm. Đây là nghi lễ cuối cùng biểu hiện sự giải phóng. Từ thời điểm này, người sống không còn ràng buộc gì với người chết. Họ có thể lấy vợ hoặc lấy chồng, có thể tham dự những cuộc vui của cộng đồng. 83
  5. RƠLAN H’ HLƠNH 2.3. Giá trị văn hoá, nghệ thuật của lễ hội Pơthi Lễ hội Pơthi của người Jrai chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc, đó là giá trị cố kết cộng đồng, giá trị hướng về cội nguồn; giá trị tâm linh, giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hoá. 2.3.1. Giá trị cố kết cộng đồng Lễ hội bao giờ cũng được nảy sinh và gắn kết với một cộng đồng, tộc người nhất định. Đó là cộng đồng của làng xã trong các lễ hội làng của người Việt, cộng đồng của những người theo Kitô giáo, Hồi giáo, Phật giáo… Đối với người Jrai, tính cộng đồng được biểu hiện rõ nét nhất trong lễ hội Pơthi. Để tổ chức lễ hội Pơthi cho người đã quá cố trong gia đình, gia chủ cùng với họ hàng phải cùng nhau bàn bạc các công việc và đưa ra quyết định, điều này thể hiện sự cố kết ở quy mô dòng tộc, họ hàng. Và ở mức độ cao hơn là sự cố kết mang tính cộng đồng xóm giềng, làng xã ở khâu chuẩn bị cho việc làm nhà mồ. Làm nhà mồ không chỉ là công việc của mỗi một dòng họ mà nó còn cần sự giúp sức của các thành viên trong làng xã. Trong quá trình tổ chức lễ hội, tính cộng động còn được biểu hiện ở vai trò của các thành viên trong làng xã tham gia vào các nhóm đánh cồng chiêng, nhóm múa xoang, nhóm hóa trang…; ở bữa ăn trong lễ hội Pơthi. Hàng trăm ché rượu được huy động, hàng ngàn ống cơm lam được chuẩn bị để dâng tiến thần linh, để cúng ma và để cho mọi người dự lễ hội uống và ăn. Vào dịp lễ hội Pơthi không chỉ có dân của làng xã đó mà còn nhiều xã khác, huyện khác thậm chí cả cộng đồng người Jrai ở tỉnh khác đến tham dự. 2.3.2. Giá trị hướng về cội nguồn Lễ hội Pơthi là thời điểm để người Jrai tưởng nhớ và hướng về nguồn cội của mình. Không ở đâu có lễ hội mang đậm tính nhân văn như lễ hội Pơthi của người Jrai. Chia tay người chết bằng một lễ hội, bằng những phẩm vật cả về vật chất và tinh thần, thể hiện lòng thành kính đối với người đã khuất. Tư tưởng chủ đạo của lễ hội Pơthi không gì khác hơn là giáo dục giá trị truyền thống cho các thế hệ, trao truyền từ đời này sang đời khác về lòng dũng cảm, đoàn kết, yêu thương buôn làng, tấm lòng nhân ái, đùm bọc nhau, tinh thần nhiệt tình, hăng say. Giáo dục cho thế hệ trẻ ngày nay lòng tự hào dân tộc, biết trân trọng mọi thứ xung quanh, trân trọng những người đã quá cố trở thành động lực cho các thế hệ trẻ ra sức phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước. Đó là bổn phận, trách nhiệm của thế hệ ông cha người Jrai gửi gắm lại cho con cháu mình. 2.3.3. Giá trị tâm linh Vì tin rằng khi mất đi linh hồn của người chết sẽ sang sống ở thế giới bên kia của tổ tiên nên Jrai có tục làm lễ Pơthi để tiến đưa linh hồn người chết hay chuyển trạng thái sống cho người chết. Chỉ sau khi làm lễ Pơthi, linh hồn người chết mới rời khỏi dương gian về với thế giới bên kia, hoàn toàn tách khỏi mọi ràng buộc với người sống. Do vậy, người Jrai không làm đền miếu thờ, lăng tẩm hay bàn thờ vĩnh viễn cho người chết và không có tục thờ cúng tổ tiên cho họ. Sau lễ, người sống không chỉ không cúng giỗ mà 84
  6. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2017-2018 còn bỏ luôn cả mả của người chết. Từ đây, người sống sẽ không vương vấn gì với linh hồn của người chết nữa, được giải phóng thực sự khỏi mọi liên hệ với người chết. Khi tổ chức lễ hội Pơthi, người Jrai xây cho ma nhà mới, cho ma nhiều của cải: trâu bò, ché, gùi... để cho họ có một cuộc sống mới với đầy đủ nhà ở, đủ vật nuôi và công cụ để lao động hàng ngày ở thế giới bên kia. Đây là một triết lí về thế giới quan của người Jrai. Giá trị tâm linh của lễ hội Pơthi còn được thể hiện qua việc làm nhà mồ thật hoành tráng và tạc tượng mồ. Đa số tượng tại các nhà mồ đều thuộc nhóm tượng lễ, miêu tả thế giới sinh động của con người với sức mạnh nguyên sơ, từ sinh thực khí, giao phối, quá trình mang nặng đẻ đau, việc nuôi dưỡng con cái, tư thế ôm mặt đầy cảm xúc (kra kom - khỉ ngồi chờ ăn)…đến những công việc đời thường như giã gạo, chọc lổ tỉa lúa, săn bắn…, những con vật gần gũi với con người như chim hạc, hổ, voi, chó, trâu, bò…Những bức tượng mồ chính là những gửi gắm của người đang sống với người chết về cuộc sống của thế giới bên kia, một cuộc sống cũng như hiện tại, để hồn ma khỏi phải lo buồn. 2.3.4. Giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa Không chỉ có giá trị cố kết cộng đồng, giá trị tâm linh mà lễ hội Pơthi còn chứa đựng những giá trị đặc sắc trong việc sáng tạo và hưởng thụ văn hoá. Có thể kế đến đầu tiên của hoạt động sáng tạo văn hoá nghệ thuật của lễ hội Pơthi là việc làm nhà mồ. Nhà mồ được các nghệ nhân dân gian trong buôn tạo dựng, trang trí cầu kỳ, tinh tế. Tiêu biểu nhất trong văn hóa nhà mồ là hệ thống tượng gỗ đa dạng, độc đáo như rồng, rắn, cá sấu, nam nữ khỏa thân, người ngồi xổm,…trong đó, biểu tượng chủ yếu của người Jrai là hình mặt trăng. Việc phục dựng và trang trí nhà mồ đã phản ánh ước mong về cuộc sống sung túc, phồn thực ở thế giới tổ tiên cũng như đời sống hiện tại. Hệ thống các tượng nhà mồ trong lễ hội Pơthi của người Jrai được xem là một trong những giá trị văn hóa độc đáo của văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, những sinh hoạt văn hóa dân gian được trình diễn trong lễ hội Pơthi như các điệu múa, âm nhạc của cồng, chiêng, trống, hóa trang,…cũng là những sáng tạo nghệ thuật. Khi phần hội được tổ chức cũng là thời điểm cho những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật được trình diễn và sáng tạo, tiêu biểu là âm thanh của dàn cồng chiêng diễn xướng mang tính tập thể đã thể hiện tài năng và sức sáng tạo của người Jrai. 3. KẾT LUẬN Là một lễ hội lớn của người Jrai ở tỉnh Gia Lai, Pơthi phản ánh tư duy, quan niệm của người Jrai về nhân sinh quan và thế giới quan, về mối liên hệ giữa cõi chết với cuộc sống thực tại. Cũng đồng thời là quan niệm về mối quan hệ giữa cộng đồng và gia đình, dòng tộc, về thế giới siêu nhiên với các vị thần rất đỗi gần gũi, hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của họ. Thế giới ấy là thế giới trường tồn mà khi con người mất đi sẽ được “tiễn biệt” phần hồn về miền vĩnh cữu và sống như cuộc sống trần thế, khi được xây nhà, chia của… nên đây là những giá trị văn hóa luôn được các thế hệ đi trước thực hiện và trao truyền cho các thế hệ sau. Những nghi lễ trong lễ hội Pơthi thể hiện rõ người Jrai thờ cúng các vị thần sông, suối, thần rừng và tổ tiên họ và bằng cách đó, 85
  7. RƠLAN H’ HLƠNH đồng bào đã giáo dục toàn cộng đồng lòng tự hào dân tộc, ý thức đoàn kết, gắn bó chặt chẽ máu thịt với quê hương, đất nước, với tổ tiên, dòng họ. Có thể nói, đây là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa trong nghi lễ đời người, góp phần làm giàu thêm di sản văn hóa truyền thống quý giá và hết sức độc độc đáo của tộc người Jrai. Việc bảo tồn những giá trị của một nghi lễ liên quan đến đời người đã được phát huy đưa để vào cuộc sống mới, loại bỏ những yếu tố không còn phù hợp, lạc hậu, gây cản trở cho sự phát triển của xã hội. Trong đó, bảo tồn và phát huy lễ hội Pơthi không phải là việc của một tộc người, một buôn làng, một tổ chức, cá nhân nào đó mà là sự đóng góp của cả một cộng đồng. Đó chính là việc đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm vừa bảo tồn được lễ hội truyền thống không bị mai một trước thời gian, vừa phát huy những giá trị của nó, cho nó trở về với cuộc sống, thấm vào đời sống nhân dânvà đưa đời sống văn hoá của người dân Jrai lên một tầm cao mới phù hợp với xu thế phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Vũ Thụy An (2014), Lễ hội Việt Nam, NXB Thanh niên. [2] Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai (2005), Lịch Sử Đảng Bộ tỉnh Gia Lai(1945-2005), NXB Chính trị Quốc Gia. [3] Ngô Sĩ Danh (2010), Bơ-thi Cái chết được hồi sinh, NXB Thời đại, Hà Nội. [4] Nguyễn Xuân Phước(2006), Nghi lễ đời người Jrai(ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội. [5] Chu Thái Sơn (cb), Nguyễn Trường Giang (2005), Người Giarai, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. [6] Bà Rơlan H’ Bup, 73 tuổi, Hội người cao tuổi làng Sung Tung, xã Iakla, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. [7] Ông Siu Dup, 56 tuổi, xã Bầu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. [8] Ông Rơmah Thuek, 79 tuổi, Gìa Làng làng Sung Tung, xã Iakla, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. RƠLAN H’ HLƠNH SV lớp Sử 4C, khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế ĐT: 0165. 5229290, Email: thienthanheocuoi@gmail.com 86
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2