Lỗ thủng nhân cách
lượt xem 7
download
“Lỗ thủng” nhân cách không có trong tự điển, không có trong kinh điển chỉ có nơi cái “cười ra nước mắt” của dân gian. Nó tầm thường, đơn lẻ, đê tiện bởi chỉ là một “lỗ thủng”. Song lại là phổ biến và cực kỳ vĩ đại về mức độ đổi trắng thay đen. “Con vua không biết làm vua Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi” Tháng 9-1976 Tôn Thất Phi - giảng viên danh giá của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội được điều vào Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường cho trường Đại học...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Lỗ thủng nhân cách
- Lỗ thủng nhân cách TRUYỆN NGẮN CỦA LẠI VĂN LONG “Lỗ thủng” nhân cách không có trong tự điển, không có trong kinh điển chỉ có nơi cái “cười ra nước mắt” của dân gian. Nó tầm thường, đơn lẻ, đê tiện bởi chỉ là một “lỗ thủng”. Song lại là phổ biến và cực kỳ vĩ đại về mức độ đổi trắng thay đen. “Con vua không biết làm vua Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi” Tháng 9-1976 Tôn Thất Phi - giảng viên danh giá của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội được điều vào Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường cho trường Đại học K vừa thành lập. Vợ con ông cũng sụt sịt giã biệt khu tập thể có vòi nước công cộng và cống nước bẩn hay đọng nghẹt ở thủ đô để “tòng phu, tòng phụ” Đến nhiệm sở mới, gia đình được phân một ngôi nhà hai tầng sang trọng, xứng đáng với chức vụ giảng viên và dòng dõi Tôn Thất của ông. Nhà có tường bao quanh, trong là vườn, sát tường là căn nhà kho bỏ trống, bên ngoài bức tường cao lút đầu người này là một đại lộ sầm uất. Mỗi khi đứng trên lầu giương mắt nhìn cái chợ đời hỗn độn ầm ĩ ở ngoài thế giới trí thức suy tư, Phi nhún vai khinh miệt đua chen và kiêu hãnh với vị trí xã hội dành cho mình. Mấy tháng sau ngày Phi đến, mụ Hợi - một mụ goá kéo bốn đứa con đẻ năm một lít nhít vào tạm trú trong nhà kho. Mụ là vợ một binh nhì chế độ cũ. Binh nhì chết trận để lại bầy con hỗn hợp sắc nét làm thiên hạ phải nghĩ đến quá khứ không yên tĩnh của mụ vợ.
- Mẹ con mụ Hợi chui rúc co ro trong cái kho thiếu ánh sáng, lở lói và hôi hám (vì lâu nay gia đình Phi vẫn dùng chứa rác). Mụ nuôi bầy con lít nhít, lem luốc, đói rách này bằng thu nhập lao công vệ sinh của trường. Thỉnh thoảng mụ lại sang “thông” giúp cái hố xí nhà giáo sư Tôn Thất để nhận thêm vài ký gạo thừa về nuôi bầy con háu ăn. Vợ Phi là giáo viên cấp 3, vợ chồng nhà sư phạm đẻ được hai con. Trai đặt Tôn Thất Quang Vinh, gái là Tôn Nữ Đoan Trinh, chúng cùng lứa với bốn đứa con gái nhà mụ Hợi. Mụ Hợi vốn dốt nát, đẻ con theo quán tính, đặt tên con theo cửa miệng: Tèo, Tẻo, Teo, Chút… Khu vực mênh mông phía tây của trường này chỉ có hai nhà, con nít vốn thèm bạn nên Quang Vinh và Đoan Trinh thích sang bò lê, bò càng cùng đám con mụ Hợi. Có lần vợ chồng nhà giáo đi làm về thấy những “hạt giống” Tôn Thất say mê làm bò cho mấy đứa con mụ quét hố xí cưỡi, Phi giận tím mặt, còn vợ Phi vất cả giáo án gào lên như cháy nhà: - Trời hỡi, xuống đây chứng kiến… Vợ Phi lôi con về, giáo dục bằng thước kẻ đến đỏ mông, thế mà hai đứa chẳng sợ. Mùa hè làm cô cậu Tôn Thất mình mẩy nổi u, mưng mủ, đóng mày, ngứa ngáy đau nhức khóc suốt đêm. Phi gọi hai đứa đến, bắt lấy tay quệt máu mủ ngửi. Thằng anh nhăn mặt ghê tởm, con em nôn thốc tháo, Phi hỏi: - Sợ ghẻ chưa? - Thưa rồi ạ! - Biết sao các con có ghẻ không? - Thưa không! - Tại chơi với con mụ rửa hố xí ấy! - Nhưng bố ơi! Tẻo, Teo… đâu có ghẻ? - Ghẻ của chúng chạy qua các con hết rồi. Con ghẻ nhà nó có chân, có lông lá, bé xíu, nó ăn vào xương là các con chết, chết thối! - Eo ôi tởm quá!
- Lúc ấy ngoài sân đám con mụ Hợi léo nhéo: “ Trinh, Vinh ơi! Xuống đây chơi”… Bé Trinh chạy ra lan can nhổ nước bọt xuống: - Mẹ chúng mày quét hố xí, nhà chúng mày có con ghẻ có chân, có lông ghê lắm… tao ứ chơi! Thằng Vinh cũng hùa theo “ghê lắm, tao ứ chơi…” rồi nhặt vỏ cam trong nhà, ném tới tấp vào đám con gái dưới sân. Vợ Phi vỗ tay khen chồng: - Anh đúng là nhà giáo dục lỗi lạc! Phi ưỡn ngực kiêu hãnh: - Ta dạy cho cả thiên hạ còn được nữa là… Tuần sau bắt đầu dạy con học tiếng Pháp. Chúng biết kinh tởm hạng cùng đinh là ý thức được gốc qúy phái rồi đấy! *** Cây me bên gốc đường trốc gốc, cành cụt trong tường đâm thẳng vào bức tường nhà kho, thế là tường nhà mụ Hợi thủng một lỗ như tấm chiếu. Cái thân to lớn chứa bao nhiêu là củi của cây me được thiên hạ giải quyết trong chớp nhoáng. Còn cái lỗ thủng toang hoang nơi tường nhà nhân viên vệ sinh Bùi Thị Hợi chẳng ai dòm ngó. Mụ Hợi một mặt kiếm nilon, bao bố rách trám giả cầy che sương nắng, mặt khác chạy chọt lung tung xin nhà nước “vá lỗ”. Quản trị nhà trường một mực đổ về sở nhà đất. Đến sở nhà đất lại eo sèo thủ tục. Mụ Hợi thuộc loại “dai” nên cứ kêu…kêu đến lúc sở nhà đất bực bội mới quyết định không bao cấp nhà cho mụ nữa. Công văn gởi về trường báo là: “Nhân viên vệ sinh Bùi Thị Hợi không đủ tiêu chuẩn nhận bao cấp nhà, sở nhà đất quyết định hoá giá cái nhà kho đó. Theo chế độ hiện hành, lương tháng sẽ tính ra trả lần vào tiền nhà…”. Thế là xong! Không chức vụ, không địa vị, không huân chương đừng hòng làm phiền chế độ bao cấp! Mụ Hợi khóc thầm nhiều tuần lễ, sau đó để khắc phục tình trạng lương bị khấu trừ không đủ nuôi con, mụ đặt xô trà đá và hộp thuốc lá lẻ vào cái lỗ thủng. Đồng thời cắt luôn tiêu chuẩn “tự do” của con Tèo (đã 16 tuổi)…Mẹ con có thêm thu nhập lai rai nhờ cái lỗ thủng không được bao cấp sữa chữa. Khách hàng của “dịch vụ giải khát” này đa số sinh
- viên, dân xích lô. Ghế bàn chẳng có cứ đứng mà uống, uống no thôi vì gọi là “trà” thực chất chỉ có nước máy cộng đá! Song “rẻ” là yêu cầu đầu tiên anh em “vô sản” cần, nên quán bán được từ sáng đến khuya. Bạc lẻ rỉ rả chảy đều vào nhà kho kiêm hộc rác một thời Đầu năm 1987, dứt điểm nợ nần với cái quyết định hoá giá kéo dài năm năm xong, những đồng bạc vụn tích luỹ đã biến cái lỗ lở lói thành một quán cà phê khang trang có cái tên nghe nghi ngờ hết sức - “Như Ý”! Mà đúng là Như Ý thật! Bốn đứa con năm một “của nợ” ngày nào giờ trở thành bốn nàng tiên thướt tha, căng cứng, đầy bí ẩn dưới ánh đèn mờ ảo và tiếng nhạc du dương. Đàn ông đua nhau đến, đua nhau bỏ tiền để nhìn ngắm, mua hi vọng. Đua nhau chứng minh với các người đẹp phong cách hào hoa và túi tiền không bao giờ cạn của mình. Tèo, Tẻo, Teo, Chút…bây giờ lột xác với những cái tên kiêu sang không có trong khai sinh, chả cần cha mẹ chọn, ấn vào miệng bắt thiên hạ phải gọi, phải nhớ: Diễm Lệ, Bảo Liên, thay cho Tẻo, Tèo; Lệ Thu vốn tục là Teo, còn cô út hay cô Chút nay là hoa hậu Thu Thuỷ…Cuộc sống tự dạy khôn các nàng. “Cái lỗ trời cho” đẻ tiền, tiền làm tăng sắc, sắc rủ tiền về, tiền nhiều tăng danh giá…Cứ thế xoay vần vun đắp… Bốn năm nữa trôi qua, quán cà phê khang trang biến thành Restaurant sang trọng có lầu. Bốn người đẹp đã vĩnh viễn cách ly với cái tên xưa cũ, thân phận xưa cũ, những người khách trà đá xưa cũ…để đường hoàng lên ngôi bà chủ. Bà chủ kiêm ca sĩ. Những bài hát các nàng mang đến cho khách giống như cái “list” thức uống có men ở nhà hàng “Bốn em” này…Nó đủ các “quốc tịch”, đủ mùi vị: nhạc nhẹ buồn teo tim, nhạc rock ầm ĩ, lambada khiêu dục… Đàn ông mờ mắt vì bia rượu, nhìn da thịt bốc lửa của bốn cô chủ mà…đặt giá! Lời tỏ tình lúc này không còn những dòng chữ nguệch ngoạc ảnh hưởng “tân cổ giao duyên” của dân buôn tỉnh lẻ, cũng không còn những trang thư thẳng thớm “treo” những lời lẽ cầu kỳ khoe khoang tri thức của lớp sinh viên mơ mộng, như cái thời ở quán cà phê. Mà, ông giám đốc, ông Việt Kiều, ông ngoại quốc thích đặt giá cuộc chơi bằng cái ưỡn ngực- “Tôi…chức vụ…bất động sản… vốn kinh doanh… cưới xong sẽ….”
- *** Tôn Thất giáo sư đã về hưu, hưu non. Chấm dứt thời bao cấp, cơ chế mới, mời luôn những vị bất tài, “hưởng lộc trời” về…nằm thở dài trên ghế bố. Biệt thự của ông người ta “xin” lại tầng lầu cho một gia đình khác. Một nửa diện tích chật chội còn lại làm cảm giác bị phụ bạc của ông tăng lên vạn lần. Ông cay cú nhìn mẹ con mụ “rửa hố xí” nghêng ngang kết thân với quan to, quan nhỏ, và hồ hởi đếm đô la, vàng lá trước mũi mình. Ông hậm hực rải đơn tố cáo cái “ổ sa đoạ” khắp từ phường đến thành phố. Song, trả lời lại chỉ có sự im lặng như miệt thị cái máu thích “đấu tranh” kiểu cổ của ông. Cuối cùng ông đành đến năn nỉ một tờ báo đăng cho bài mỉa mai: “Lệ Thu, Bảo Liên hát nhạc Tây mà không hiểu tiếng Tây…Còn Diễm Lệ, Thu Thuỷ khoe vú, khoe mông như Monnequin cao su ở các cửa hiệu may mặc”…rồi ông nghiến răng thét lên: “Một đất nước chỉ xum xoe với xướng ca, mỹ nữ, bỏ quên các giáo sư triết học duy vật là một đất nước sắp lụn bại…”. Dù sao ông cũng là loại được nhà nước “bao cấp uy tín” từ thời còn rất ít người được đặc quyền viết báo, viết sách nên bài của ông được đăng ngay. Bốn chị em người đẹp không vừa. Bị ông bôi nhọ trước dư luận họ kiện ra tòa. Khi đủ mặt pháp luật, công luận, khán giả… bốn chị em bệ vệ như những bà hòang, bước trên xe hơi xuống, có bốn đàn ông đi kèm gồm hai đeo “kiếng màu” và hai đeo “kiếng trắng”. Một “kiếng màu” nhã nhặn giới thiệu: - Tôi – thông dịch viên Pháp – Nga – Đức, còn đây (“kiếng màu” kế bên) chuyên gia về Anh – Hoa – Nhật ngữ, chúng tôi thuộc công ty dịch vụ ngoại giao quốc tế. Hân hạnh tiếp kiến và chứng minh trình độ với giáo sư. Tiếp theo một “kiếng trắng” đủng đỉnh cất lên một định nghĩa: - Ngọai ngữ là khả năng, khả năng có được từ kinh nghiệm học tập và… bỏ tiền ra mua. Kinh tế thị trường định nghĩa khả năng là khả năng có tiền để mua… “Kiếng trắng” (Luật sư) kia cũng quay về Tôn Thất Phi, nối lời đồng nghiệp:
- - Văn phòng tư vấn pháp luật của chúng tôi chưa bao giờ để thân chủ mình thua kiện. Chúng tôi chuẩn bị cho các thân chủ đến làm việc với giáo sư bằng sáu ngoại ngữ … xin bắt đầu… Mấy hôm sau một tờ báo có tiếng đứng đắn phát lên một bài báo bình luận nhan đề: “Bốn mỹ nhân Knock – out giáo sư triết học bằng sức mạnh … dịch vụ”… Sau ngày cay đắng đó, Tôn Thất giáo sư ốm liệt giường. Một hôm vừa nguôi ngoai cơn đau danh dự, có người mang đến một hợp đồng kinh tế: “Nhờ giáo sư dịch giúp ra tiếng Pháp, thù lao 1 triệu đưa trước, chiều mai có người đến nhận hàng ”. Hôm sau chị cả của ba mỹ nhân còn lại, lộng lẫy và thơm nức bước qua khoảng sân cách biệt, đến viếng nội thất giáo sư. Ông mời cô hàng xóm ngồi bằng thái độ thiếu thiện cảm pha xấu hổ: - Cô đến có việc gì? - Thưa giáo sư em… (phải gọi bác xưng cháu chứ!) đến xin bản hợp đồng hôm qua nhờ giáo sư dịch. Thù lao giáo sư đã nhận, giờ chỉ xin gởi thêm cặp rượu để gọi là … là… tình lối xóm. Bây giờ Phi mới ngã ngữa, ngã ngữa cũng đã muộn. Hơn nữa “Napoleon” – cặp rượu hoàng đế đã đặt một cách thành kính lên bàn. Giáo sư đang bối rối, ngượng ngùng thì người đẹp nở nụ cười đê mê cùng đôi mắt lúng liếng đa tình. Một bàn tay trau chuốt lóng lánh màu đá qúi được chìa ra… san bằng khoảng cách tạo ra bởi mặt bàn. Giá bàn tay “hữu nghị” này xuất hiện truớc đây vài năm ắt Tôn Thất giáo sư không ngần ngại cho một tát tai hay cái gì tương đương về tội “vô lễ”. Song giờ đây… - “Phải biến khu vực này từ chiến trường thành thị trường”… xin mượn lời thủ tướng Thái Lan vừa phát biểu để… mong giáo sư cùng hợp tác! Trời ơi! Sau ngoại ngữ là thông tin, thời sự, những cái độc quyền của giới cán bộ trí thức lâu nay, được tầng lớp nửa con buôn, nửa lầu xanh tiếp nhận và sử dụng rành rỏi thế sao? Thế thì những người như ta còn dạy được ai nữa? Xã hội không phân công cụ thể. Cứ để
- tầng lớp cùng đinh thành tri thức, thành chuyên gia, thành nghệ sĩ cả thì… loạn mất thôi! Hỏng bét! Hỏng bét! Phi vò đầu, đau khổ trước giá trị học vấn đang bị xói mòn của mình. *** Từ ngày vợ chồng về hưu đến nay kinh tế gia đình xuống dốc tệ hại, thật ra đồng lương nhà giáo đã làm gầy yếu cuộc sống gia đình này lâu rồi. Song với tư cách “Tôn Thất” cả nhà phải nhịn ăn để mặc, chịu túng kiết để bảo toàn gia phong. Hậu quả của “ Trường kỳ kháng chiến” âm thầm với tư cách Tôn Thất, đã biến thế hệ trẻ thành mẫu điển hình của lối khổ hạnh chân tu. Tôn Thất Quang Vinh người gầy như que củi, cái đầu méo mó tựa trái bưởi lúc nào như cũng muốn gục xuống, song chẳng bao giờ dám gục vì mệnh lệnh gia truyền là : “Những đứa con dòng họ Tôn Thất phải ngẩng cao đầu” và cũng vì gục xuống sợ đôi kính cận dày cộp rơi thì… đã yếu lại mù, nguy to! Ái nữ Đoan Trinh xuống cấp còn trầm trọng hơn. Nước da Tôn Thất vốn chẳng đẹp, giờ chứng thiếu dinh dưỡng làm thâm xỉn lại. Đồng điệu một cách đáng buồn với mái tóc khô xác là đôi tròng mắt lờ đờ sau cặp kiếng di truyền. Lại thêm cái thân vừa dài vừa lép cứ muốn gập đôi, nên đã 24 tuổi rồi cô vẫn “băng trinh”. Mười năm trước Tôn Thất Quang Vinh có làm chuyện yêu đương với cô út nhà mụ Hợi. Hồi đó cái “gien” trưởng giả dở hơi do ông bố truyền lại giúp cậu có cái nhìn vừa thích thú vừa khinh khỉnh với cô hàng xóm. Còn cô bé thì say mê anh ta bằng sự thèm muốn của mặc cảm nghèo đặt lên tư cách uy nghi ở địa vị bố mẹ cậu, mẹ cô hèn hạ quá nên cô vẫn mơ đến cái gì đó cao hơn… Cô ít học song vẫn lớn. Càng lớn càng đẹp. Cô lấy nhan sắc bù thân phận, bù gia cảnh. Cô yêu chàng công tử Tôn Thất bằng tình đầu trộn lẫn ước mơ và mặc cảm. Cô kính phục dáng dấp “học cao” của chàng, và run lên vì hoảng sợ trước ánh mắt lạnh lẽo của bà giáo. Bà vẫn thường xưyên đề phòng cô tặng cho con trai bà “những con ghẻ có lông” gớm ghiếc! Bất ngờ cô thành hoa hậu, cô đội vương miện nhờ những thứ qúi có tính tự nhiên thay vì chuẩn bị kỹ. Cô nhắm mắt đê mê trước cơn lốc quảng cáo đang quấn lấy tấm thân sáng
- giá của mình. Tỉnh lại nhận ra đời đã sang trang, cô “đá giò lái” thẳng thừng vào trái tim tự cao một cách ngu xuẩn và bệnh hoạn của thằng bồ cận thị để nhảy lên ôm chầm eo ếch một sĩ quan Campuchia đang tu nghiệp tại Việt Nam. Sau đó cô lại đổi “màu đen MêKông” lấy mái tóc xoăn tít của ông bác sĩ Nam Mỹ, cuối cùng cô khóc vì hạnh phúc trên vai một nhà báo Ăng-lê, để lại sau làn khói xe hơi một chàng Tôn Thất vừa thất nghiệp vừa thất tình, thất thểu lê chân… *** Nhà giáo về hưu làm kinh tế, công thức ông chọn là: “Bòn mót sức khoẻ (cộng) hy sinh (một phần) danh dự (cộng) vốn liếng còm cõi… “Quậy đều những thứ này lên ông có món sữa chua, tên phổ biến là Yaourt! Ông thiếu một “lỗ thủng” để thông thương giữa thế giới trí thức và chợ đời náo nhiệt, nên đành im lặng bào chế rồi quẳng ra xã hội dinh dưỡng cặn bã lên men của con bò cái. Công việc này gây buồn ngủ và buồn đời đến phát điên, nên một hôm ông cao hứng đá luôn cái xô chứa nguyên liệu ra sân. Sữa chảy làm Tôn Thất phu nhân xót ruột , thế là bao nhiêu bực tức bà trút cả vào mặt nhà quí tộc khổ sở: - Chồng với con gì mà ngu si… “Bép”… nhà mô phạm cắt lời vợ bằng cử chỉ thật “lịch sự”. Bây giờ người ta mới biết rằng mấy mươi năm nay ông say sưa giáo dục người khác kính trọng phụ nữ đến… quên cả bản thân mình! Cậu con trai mới đi đâu về được ông bố “đón luôn” bằng một câu mai mỉa: - Đi đâu về thế hỡi chàng thất tình? Tao đặt mày tên Quang Vinh mà chẳng quang vinh tí nào! Cậu con công khai thể hiện dân chủ với bố bằng một câu chứng tỏ thông minh: - Vâng con tệ lắm! Vậy mà thiên hạ cứ khen con giống bố đấy! - Thằng mất dạy!... Đừng nghĩ nghèo là tại tao! Kia kìa (chỉ tay sang nhà hàng “bốn chị em”) bi kịch là cuộc cách mạng của gia đình mình thiếu một… “lỗ thủng”.
- - Con cũng thấy cái trò đóng cửa dạy nhau “thắt lưng buộc bụng” nghe chừng… thối quá! Chưa nhà nào ngu bằng gia đình có trình độ đại học trăm phần trăm này! - Phải! Tao cũng công nhận “đạo đức viêm mãn”, sai lầm ngay từ dự định. *** “Đạo đức viêm mãn cũng là một bi kịch”… Tuyên ngôn mới đã được xác lập!... Chiều hôm đó người lãnh đạo gia đình Tôn Thất bước qua ranh giới vừa khai thông qua cuộc viếng thăm “tiền trạm” của người đẹp Diễm Lệ thuộc vương quốc bia lon rượu mạnh, thực hiện cuộc gặp cấp cao lần thứ nhất giữa hai gia đình xưa nay chống nhau vì lập trường giai cấp. Ông đặt những bước chân e ngại lên thềm nhà rồi so vai đi qua cửa chính trong cố gắng tự chủ. Đang giờ nghỉ trưa, nhà hàng vắng khách. Một cô tiếp viên môi đỏ, má hồng, mini jupe ngắn đến… nổi da gà, đon đả mời ông an toạ trên một đệm ghế êm ái. Cô trải rộng thực đơn trước mặt ông. Những con số… dù biết cô gái hiểu lầm mục đích đến đây của mình, ông vẫn tranh thủ liếc qua những con số…! May quá! Lệ Thu – nhân vật số hai trong nội các “bốn chị em”, sau quầy thu ngân đã quẳng đến một cái nhìn không ngạc nhiên mà là… dò xét! Chẳng quan tâm thử ông xó đồng ý không, cô chõ mồm lên cầu thang. - Chị Hai ơi! Khách qúi của chúng ta đến nè! - Gọi mẹ đi! - Mẹ ngủ! - Em tiếp thay chị một lát! - Tâm (tên cô tiếp viên) -Dạ… - Hỏi khách uống gì! Lệnh xong cho đầy tớ. Lệ Thu lại chúi mũi vào cuốn sổ trên quầy… Tôn Thất Phi nghe cổ đắng ngắt. Ông muốn phủi đít đứng dậy, xong không đủ dũng khí. Hình như với tư cách hiện tại, ông chỉ cầu mong lẩn trốn đuợc vào thế giới đồ vật để trốn
- tránh nhiệm vụ làm người. Đây là thất bại đáng thương nhất của kiếp người mà ông đang mang! *** Danh dự vốn vô hình nên sự tổn thương của nó chỉ có ý nghĩa trừu tượng. Dấn thân với đồng tiền Phi căm ghét khái niệm trừu tượng. Ông chỉ mê những hợp đồng kinh tế có giá cả hợp lý như cái ông đang thực hiện đây - Đứng tên một chuyên san về phụ nữ. “Phụ nữ thời này” ra mỗi tháng hai ký. “Bốn chị em” bỏ tiền mua giấy phép, thuê nhiếp ảnh, bồi bút. Giáo sư Tôn Thất là tổng biên tập, tên ông là đòn đối phó với cơ chế giấy phép, còn thân xác của bốn người đẹp mới là ý nghĩa đích thực để kinh doanh. Số đầu tiên, bìa trước in hình Diễm Lệ mặc đồ tắm nằm tênh hênh bóng lưỡng. Bìa sau là tấm ảnh Lệ Thu bị chụp lén trong …phòng ngủ ! Số thứ hai: Bìa trước Bảo Liên nhảy choi choi như Madona, cũng áo da, dây xích, tóc tai rũ rượi như dân ma túy lên cơn… Bìa sau trương tồng ngồng cặp vú hoa hậu Thu Thuỷ, coppy kiểu lịch sex Thái Lan… Tất cả đều được gọi là “nghệ sĩ” và nhiệm vụ của uy tín giáo sư là phải thuyết phục cả xã hội tin đó là “nghệ sĩ” đang hoạt động “nghệ thuật”! Hai số đầu tiên thắng lợi, bốn người đẹp vuốt đầu giáo sư khen rồi trả thêm bạc triệu cho công lăng xê họ qua mấy bài giới thiệu nửa “lá cải” nửa “hàn lâm” của giáo sư. Cụ giáo sư sướng mê tơi và trẻ lại hàng trăm tuổi trong vai “con mèo” dễ sai, dễ dạy của đồng tiền, sắc đẹp. Vài hôm sau ông chạy về sung sướng khoe với con gái: Đoan Trinh ạ! Các chị “bên ấy” đã đồng ý nhận con. Các chị bảo con ốm chạy bàn mệt (kỳ thực là xấu gái) nên ưu tiên cho xuống phụ bếp. Nghĩ mắt con kém không phát hiện được sâu sia trong rau cỏ, ảnh hưởng đến uy tín của món ăn nhà hàng, thành thử bố chỉ xin các chị cho con rửa chén. Chiều nay qua gấp “bên ấy”nhé! Sau đó ông hồ hởi đi tìm vợ dặn dò: - Chị (mụ Hợi) với các cháu “bên ấy” tính bỏ vốn cho mình nuôi chó Berger đấy! Thức ăn thừa của nhà hàng cứ thế tận dụng. Làm sữa chua vất vả chả mấy lăm đồng… Cứ lấy
- phòng làm việc của tôi để chó nằm cho thoáng. Giống chó Tây mà bí quá không lớn đâu! À này! Yaourt hũ còn không? Cứ đem qua bên ấy là tiêu thụ hết ngay, lại được giá cao nữa! “Tối huệ quốc” mà lị… Ông ba chân bốn cẳng ra ngõ, gặp con trai, ông bắt tay thật chặt kèm một chuỗi cười ha hả: - Thế là sung sướng nhé Quang Vinh! Nhà hàng các chị đang thiếu người giữ xe. Bố đã làm việc xong đâu đấy, tối nay con nhận ca đầu tiên. Nhớ là khi nhận tiền “poa” của khách con phải cúi đầu hơi thấp và đánh tay chậm rãi ra trước như thế này này… Còn câu cảm ơn là không thể thiếu được… “Nhà toán học” từng làm lừng lẫy thanh danh Tôn Thất ở “cuộc thi toán cho tuổi 15”, giờ đang là cậu thanh niên 25 tuổi, giương kính ngơ ngác: - Thưa bố thế khẩu hiệu “Còn sống còn ngẩng cao đầu” của ông nội thì sao ạ? Phi vỗ vai thân mật rồi nháy mắt xuề xòa: -Xùy! Cậu bảo hoàng vừa chứ! Cậu sinh sau không biết chứ bố tớ tức ông nội của cậu là lọai cực kỳ phản động . Làm quan to triều Nguyễn mà lại… ơ… thật đấy chứ! Tớ gần cụ nhiều tớ biết, cụ dở hơi lắm! Chỉ có quan điểm của tổ cách tớ 8 đời tức cách cậu 9 đời là tớ phục thôi – “Ngã gia bổn hạ chi lưu” (dòng nhà ta vốn là tiện dân)… đấy! Cứ ngẫm mà xem! - Thưa bố! - Thưa gởi gì! Cứ “ai” (tôi) “du” (anh) đuợc rồi… Làm công tác tư tưởng cho vợ con xong, Phi tất bật chạy qua nhà hàng “bốn em”. Ở đó người ta dành sẵn một bàn có bình phong che khuất, trên bàn có vài đĩa mồi, mấy lon bia. Giờ cho hết ngày mai ông phải suy nghĩ thấu đáo cho bài “Công kích ca sĩ “Linda mắt mơ” vừa nổi lên cạnh tranh với ca sĩ Bảo Liên của gia đình này. Ông đang nghiên cứu những tài liệu “mật” mà đám “đệ tử” của “bốn em” vừa khai thác từ gầm giường đối thủ “mắt mơ” ra. Nhiều chi tiết thú vị đây: nào là “mắt mơ đồng tính luyến ái”, rồi là “ngón
- chân cái bàn chân trái bị chó cắn cụt”, “từng bị đánh ghen giữa chợ Bến Thành” v.v… Ông ta lấy bút đỏ gạch dưới những chi tiết cần khai thác triệt để này. Điều làm ông băn khoăn đến không gắp mồi tiếp, không khui bia là… “Mắt mơ” chính là cháu gọi ông bắng bác! Các tài liệu đã hở ra cho ông biết như vậy. Bác mà đi nói xấu cháu trên báo kể ra cũng khó coi thật! Song, “Tối huệ quốc” sữa chua đã hưởng rồi, “xử lý thức ăn thừa qua hợp đồng nuôi chó gia công” cũng rồi, “giải quyết nạn thất nghiệp cho con cái” cũng rồi! Nói chung ông đã lệ thuộc vè mặt kinh tế! Thôi thì đành hy sinh một chút máu mủ vậy! À phải! Ông sẽ đứng trên tư cách ông bác “góp ý” chuyện “lấy lộn chồng, chuyện “quan hệ tình dục không đứng đắn”… Đấy! Bài báo của ông sẽ mang chủ đề giáo dục cao thượng như thế đến cô cháu gái. Sau đó ông sẽ vờ hối hận, gởi thư riêng năn nỉ nó thông cảm đừng thù hằn ông. Thế là với “bốn em” đồng minh, ông đã thanh toán đối thủ cạnh tranh của các cô ấy, rõ ràng, sòng phẳng, ông lại có tiền, có uy tín làm ăn… Hớ! Hớ… Hớ! (ông khoái chí khui bia) “Tóc” – bèo bọt phụt ra thành vòi chảy rồng trên khuôn mặt đỏ gay, hả hê, đắc chí của ông – của Tôn Thất giáo sư, của người chỉ huy gia đình sữa chua, của Tổng biên tập phụ nữ khỏa thân, của “chức nghiệp bút thủ” (cao thủ viết mướn). *** “Lỗ thủng” nhân cách không có trong tự điển, không có trong kinh điển chỉ có nơi cái “cười ra nước mắt” của dân gian. Nó tầm thường, đơn lẻ, đê tiện bởi chỉ là một “lỗ thủng”. Song lại là phổ biến và cực kỳ vĩ đại về mức độ đổi trắng thay đen.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn