Lối về
lượt xem 2
download
Đầu thế kỷ trước, bố gã mở hãng “Phương Đông” buôn bán hàng vải tơ lụa nổi tiếng ở Hà Nội. Nhà có năm anh chị em, anh trai đầu, gã là út, còn ở giữa làba con vịt giời, nhưng tất cả đều phổng phao khỏe mạnh. Tháng 8 năm 1945, cuộc cách mạng do những người Cộng sản lãnh đạo đã thành công, tuyên bố một nước Việt nam mới ra đời. Thật khó hình dung trong cái thời khắc tối sáng đó, đối với một đứa trẻ lên năm tuổi như gã nghĩ gì? Khi đoàn quân...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Lối về
- Lối về TRUYỆN NGẮN CỦA ĐỖ VIẾT NGHIỆM Đầu thế kỷ trước, bố gã mở hãng “Phương Đông” buôn bán hàng vải tơ lụa nổi tiếng ở Hà Nội. Nhà có năm anh chị em, anh trai đầu, gã là út, còn ở giữa làba con vịt giời, nhưng tất cả đều phổng phao khỏe mạnh. Tháng 8 năm 1945, cuộc cách mạng do những người Cộng sản lãnh đạo đã thành công, tuyên bố một nước Việt nam mới ra đời. Thật khó hình dung trong cái thời khắc tối sáng đó, đối với một đứa trẻ lên năm tuổi như gã nghĩ gì? Khi đoàn quân Việt Minh tiến vào Hà Nội, nhân dân đứng dọc hai bên đường tay cầm hoa, tay cầm cờ đỏ sao vàng tưng bừng vẫy chào rộn rã. Một Hà nội chưa bao giờ vui như thế, náo nức như thế! Phải mất nhiều năm sau gã mới hiểu người Pháp, người Nhật thất bại ở Việt Nam đành rút quân về nước. Cùng thời gian anh trai gã được bố cho sang Pháp du học. Thật ra chuyến đi hơi vội vàng, nên trong bữa tiệc chia tay không khí gia đình hơi trầm lặng nhàn nhạt không vui, nhưng chuyện ấy chỉ có bố gã, anh trai gã, mới rõ hết vì sao lại như vậy. “Nước Pháp là đại quốc. Tương lai lâu dài của anh gã là ở đó. Hy vọng một ngày nào người Pháp sẽ quay trở lại Việt Nam”. Rồi người Pháp trở lại Việt Nam thật. Họ phá bỏ cam kết với Chính phủ Cụ Hồ. Một lần nữa hai bên choảng nhau nảy lửa, rốt cuộc quân đội Pháp đại bại ở chiến trường Điện Biên Phủ, chấm dứt sự đô hộ Việt Nam hàng trăm năm. Rồi gã được chứng kiến một thời kỳ mới ở miền Bắc, sôi động chưa từng có đối với lớp người trai trẻ như gã. Cả nước là một công trường hăng say lao động đến cuồng nhiệt, trên đồng ruộng, nhà máy và hầm mỏ. Nhưng theo gã được khoảng mười năm là tuyệt đẹp, đủ để gã hoàn toàn lột xác theo đúng nghĩa. Và chiến tranh lại nổ ra, nhưng lần này là với người Mỹ. Khi những chiếc máy bay địch vút qua bầu trời như một mũi tên, tiếng gầm rú, tiếng bom nổ xé nát sự bình yên làm nghiêng ngã mặt đất. Và máu đã đổ. Gã ý
- thức được sự khốc liệt của cuộc chiến tranh, qua năm tháng tiếp sau đó. Rồi gã đi Bộ đội, năm sau có lệnh vào Nam. Phải mất một trăm năm mươi ngày hành quân gian khổ, chống trọi với mưa nguồn, gió núi, sốt rét rừng và cả máy bay B.52 ném bom rãi thảm, cuối cùng đơn vị gã cũng đến được nơi tập kết là một cánh rừng già sát với biên giới Campuchia. Người ta nói với gã, từ đây có thể đi Phước Long, Bình Long. Xa hơn về miền Đông Nam Bộ. Xuôi Sài Gòn độ ba trăm ki lô mét là tới vùng đồng bằng châu thổ, vựa lúa, trái cây phong phú của trời đất phương Nam. Rồi không lâu gã bắt đầu xung trận, chiến đấu gan lì như cóc tía lập nhiều chiến công. Tên tuổi của gã nổi lên từ đấy. *** Tên trung tá Chi khu trưởng Phước Long, hình như vừa nói chuyện với cấp trên của hắn, đặt ống nghe xuống nét mặt để lộ vẻ hân hoan. Hắn được thông báo trận phục kích đêm qua đơn vị hắn, đụng độ với một phân đội quân chính qui Bắc Việt bắt sống được mười hai tù binh. Hắn sướng là phải, vì chưa bao giờ đơn vị hắn lập công to đến như vậy. Hắn bắt đầu mơ tới chiếc lon đại tá và cái ghế ở chức vụ cao hơn. Chính lúc ấy hắn nghe tiếng gõ cửa, làm cắt ngang mất ước mơ vàng đang bay nhảy trong đầu hắn. Cụt hứng, hắn gằn giọng: “Vào đi”. Tưởng ai, tên thiếu úy mặt rổ chằng như tổ ong bước vào đứng nghiêm, báo cáo: - Trình trung tá, bản hỏi cung lũ tù binh Cộng sản ạ? Hắn chỉ vào chiếc ghế đối diện, bảo tên thiếu úy ngồi. Hắn nói: - Để đấy, báo cáo cụ thể moa nghe. Đặt tập hồ sơ xuống bàn, viên thiếu úy nói: - Thưa trung tá, trong mười hai tên Cộng sản có một tên trời đánh trật búa à. Hắn không chịu mở miệng ngoài mấy câu lãng sẹt, “các ông muốn giết thì giết, hỏi gì lắm chuyện”. Đ… má, em muốn rút lưỡi coi hắn có chịu thấu không. Tên trung tá khẽ nhíu lông mày, một cử chỉ biểu lộ không thích kiểu nói chợ búa đó. Rồi hắn hỏi:
- - Quê quán ở đâu? Tên thiếu úy cao giọng. - Í, Bắc rặt à. Tên trung tá rủa thầm “thằng ngu dốt hết chỗ”, rồi đứng dậy nói với tên thiếu úy: - Đưa tên tù binh đó lên đây! Tên thiếu úy liếng thoắng. - Dạ, gặp trung tá chắc hắn mới chịu nôn à. Vẻ giả dối, xu nịnh của tên thiếu úy khiến tên trung tá nhắc nhở. - Thiếu úy. - Dạ? - Đủ rồi, khi nào cần moa gọi. Tên thiếu úy giật thót, rồi quay người bước ra cửa. *** Mới một ngày một đêm mà thể xác gã thay đổi như vừa móc lên từ dưới mồ. Bộ quân phục Quân giải phóng bụi đất bám vàng khè, quần thủng gối, áo rách lòi một bên vai, mặt gồ ghề bầm tím. Tên lính dẫn gã vào, chỉ chiếc ghế ở góc phòng bảo gã ngồi xuống rồi đi ra. Một căn phòng sang trọng rộng chừng bốn chục mét vuông, có ti vi, máy lạnh chạy ro ro. Trên bàn làm việc đặt ba chiếc máy điện thoại chiếc màu đen, chiếc đỏ, chiếc trắng. Hướng chính diện từ ngoài cửa nhìn vào treo một tấm bản đồ hành quân to như chiếc chiếu lớn, chằng chịt các mũi tên đen đỏ. Người gã gai gai lạnh, khi nhìn thấy một viên sĩ quan đeo lon trung tá điển trai từ phòng bên bước sang. Trong phòng giờ đây chỉ còn gã và hắn. Gã cố giữ vẻ bình thản, mắt nhìn xa vời chờ đợi. Tên trung tá ung dung bước qua bước lại trong phòng, nhìn gã miệng cười tủm tỉm. Hắn rút một điếu thuốc “quân tiếp vụ” đưa lên môi, rồi gẩy một điếu khác trồi ra khỏi bao trông rất điệu nghệ chìa trước mặt gã. - Mời.
- - Không quen. – Gã trả lời cộc lốc. - Tốt, thanh niên Bắc kỳ tiến bộ! Xin lỗi tụi lính của tôi đã làm anh khó chịu. “Tách”, chiếc Zipo Americơn phụt lên một ngọn lửa nhỏ hình quả ớt, hắn nghiêng đầu châm thuốc rít một hơi thật sâu rồi ngửa cổ mở miệng nhả khói. Từng vòng trắng từ trong cái miệng, chum chúm như đít gà mái phập phồng bay lên. Hắn lặp lại lần hai, rồi dụi điếu thuốc vào chiếc gạt tàn, lúc sau hắn hỏi nhẹ nhàng. - Bạn tên gì? - … - Đơn vị nào? - Quân giải phóng! - Gã trả lời. - Biết rồi! Quân giải phóng. Đơn vị nào? – Hắn vẫn ôn tồn hỏi. - Thôi được, quê đâu? - Hà Nội. Tên trung tá bỗng sửng người. “Hà Nội”. Hắn nhắc lại hai từ đó một cách trân trọng. “Hà Nội, Hà Nội”. Hắn nhớ Hà Nội ba mươi sáu phố phường cổ kính, đến từng chi tiết mỗi mùa đi qua. Một cảm giác bâng khuâng, hiện hữu trong trí tưởng tượng của hắn rất thơ. Rét ngọt báo mùa xuân sang, rộn ràng người đi sắm tết. Ngắm hoa đào về làng Nhật Tân. Vào chợ Đồng Xuân mua cau trầu cưới. Ngất ngây cười góc chợ gái quê lên. Mùa hè đi dưới hàng me trong vườn sở thú. Nghe leng keng tiếng rao bán kem que. Thu sang trắng hoa sữa nở. Hương bay theo gió cuốn lối về. Đông sương trắng đổ cong mái chùa Thê Húc. Reo lăn tăn mặt nước Hồ Gươm. Nhưng Hà Nội dưới con mắt hắn vào những năm năm mươi, không còn được cái trầm tư lãng mạn vốn có từ khi Việt Minh làm cuộc cách mạng, lật đổ chính phủ Bảo Đại tuyên bố một nước Việt Nam độc lập. Rồi người Pháp đưa quân tái chiếm lần thứ hai và cuộc chiến tranh kéo dài tới chín năm. Cộng sản thắng lợi. Hà Nội hệt một bức phù điêu có hai khuôn mặt, một mặt tràn đầy sung sướng mặt kia tối tăm buồn thảm. Gia
- đình hắn in hình khuôn mặt thứ hai. Bố hắn một trùm kinh doanh thóc gạo, cấu kết với quân Pháp cung ứng lương thảo, một kẻ chống Cộng như con thú theo bản năng. Tình thế đó đã thay đổi hoàn toàn, rồi cả nhà hắn xuống Hải Phòng lên tàu vào Nam. Con tàu nhỏ nhoi như cái vỏ trấu, lênh đênh trên biển ba ngày bốn đêm đã ám ảnh cuộc đời hắn như là một nỗi nhục. Sự căm thù đối với hắn không cần ai nhồi nhét, thế là đủ. Ở Sài Gòn một năm, hắn đã xung ngay vào lính và xem đây là cơ hội để trả thù. Không lâu sau hắn được đi đào tạo tại trường sĩ quan Đà Lạt, ba năm ra trường thăng hàm trung úy. Đường quan lộ với hắn có chiều thuận lợi, như nấc thang vàng từng cấp bước lên. Mười bốn năm sau hắn được mang lon trung tá, rồi nhậm chức Chi khu trưởng Phước Long. Những người quen biết cũ đều công nhận hắn là một sĩ quan trẻ có tài, nhưng cũng không ít kẻ đố kỵ như thằng thiếu úy mặt rô dưới quyền chỉ huy của hắn, được CIA cài đặt đôi lúc đã tìm cách chơi đểu. Tuy nhiên hắn là con người có bản lãnh, biết che, biết chắn vào ra uyển chuyển nên chẳng hề gì. Giấc mộng cầm súng khuyến khích hắn, đến một ngày nào đó sẽ quay trở về đi giữa phố phường Hà Nội. Người Mỹ quả khôn ngoan hiểu thấu ruột gan loại người như hắn, một giống chó gốc Việt lai tây trung thành với chủ. Nhớ Hà Nội với hắn là một gói tình kỳ quặc, gồm cả thù hận lẫn yêu thương ám ảnh tâm can hắn đến não nùng. “Không ngờ”. Hắn khẽ nhếch mép cười, đơn vị hắn lại bắt được một tên tù binh Bắc Việt người Hà Nội gốc. Đây là cơ hội giúp hắn hiểu thêm Hà Nội, bằng chính con người Hà Nội sau bao nhiêu năm hắn ly hương. Nhưng xem ra tên Việt Cộng này rắn, chứ không mềm như hắn tưởng. Hắn quyết định bỏ qua những câu hỏi có tính nghiệp vụ và kìm nén sự nóng vội. “Mưa dầm thấm lâu”, hắn lấy đó làm phương châm. - Anh ở phố nào? – Hắn hỏi. Lời gã vẫn trơn tuột đầy khí phách. - Hàng Bông! - Số nhà bao nhiêu? Gã im lặng và mặt lạnh như tiền.
- - Nhà tôi cũng ở phố hàng Bông. - Tên trung tá quyết định nhún mình bằng cử chỉ xưng tôi thân thiện và hắn đã đạt được mục đích. Gã từ từ ngẩng mặt lên nhìn tên trung tá, như như muốn hỏi “mày có sạo không?”. Gã nhận được một nụ cười. Gã nói: - Số ba lăm! Tên trung tá giật thót và không kìm được cảm xúc, ồ lên. - Tôi bên số chẵn, nhà mười bốn. - Chợt hắn hỏi gã: - Bố anh là chủ hãng tơ lụa “Phương Đông”, đúng không? Gã suýt đứng bật dậy reo lên, nhưng gã đã kịp dừng. Gã nghĩ giờ đây gã giống con cá nằm trên thớt, nếu tiếp tục thái độ bất cần thì sớm muộn gã cũng gánh lấy hậu quả khó lường. Rồi bộ mặt thằng thiếu úy hiện lên trong đầu gã. Đôi mắt hắn trắng như hai cái vỏ sò chết, cái mũi khằm hình mỏ quạ, cặp môi thâm nhe hàm răng vổ như muốn táp vào thịt da gã nuốt chửng. Tiếng hắn còn khiếp hơn tiếng cọp gầm. “ Đ… má, tao sẽ lột da, chán cơm rồi phải hông?”. Mặt tên thiếu úy bạch ra nhờn nhợt, mỗi lời hắn nói tanh tưởi mùi máu. Gã thật sự không muốn gặp lại hắn. Gã hạ giọng: - Làm sao ông biết? - Tôi hiểu nhiều hơn “cậu” nghĩ. - Hắn chuyển cách xưng hô từ anh sang cậu để tạo sự gần gủi. Hắn mỉm cười, nói với gã: - Anh cậu đi du học ở Pháp? Lại lần nữa gã giật mình. Tên trung tá nói tiếp. - Anh em cậu có ba em gái, còn cậu sao tôi không biết nhỉ? Gã suy diễn, “có thể hắn giả vờ”. Hắn nói tiếp. - Anh trai cậu là người có lý tưởng, còn bố cậu một lão già quá nhu nhược. Các bà chị của cậu cũng không cần bàn, đấy chỉ là những cái máy sinh sản, thiếu họ thế giới thêm buồn tẻ điều đó khiến họ tồn tại.
- Gã không thể tưởng tượng được, tên trung tá lại hiểu biết cặn kẻ về gia cảnh nhà gã. Có điều, không hiểu sao gã mù tịt về hắn. Nhà số mười bốn kín cổng cao tường, gợi cho gã cái gì đó rất mơ hồ. Gã liếc nhanh nhìn khuôn mặt của tên trung tá, như để so sánh với một người nào đó rất xa vời. “Lão thọt”? Chính là bố hắn sao?! Theo bố gã kể, năm 1945 bố hắn làm việc cho sở mật vụ Pháp. Khi Việt Minh cướp chính quyền bố hắn không may trúng một viên đạn lạc vào chân, sau một thời gian chữa trị tuy khỏi nhưng mang tật suốt đời “hoạ vô đơn chí” đó làm cả gia đình hắn hận. Năm 1954, theo hiệp định Giơneo (tạm thời đình chiến) cả nhà hắn bỏ Hà Nội vào Nam. Qủa đất đúng là tròn! Gia đình hắn, gia đình gã mỗi bên giạt về một phía nhưng cuối cùng vẫn có ngày gặp nhau. Gã nhận xét “dẫu sao hắn vẫn giữ được cái tình”. Thôi, “tùy cơ ứng biến”. Gã tự an ủi, rồi nói: - Ngày đó tôi còn nhỏ, nhưng thấy anh trai thường chơi với đám bạn bè thâu đêm suốt sáng, mà bố tôi gọi là “một lũ điên rồ”. Hắn bỗng cười vang, làm đôi vai hắn rung rung, rồi một lát nói: - Điên rồ ư? Nếu bố cậu nghe lời ông cụ tôi, giờ chắc cậu đâu đến nỗi như thế này?! - Anh tôi cũng như ông, có khác là ẵm một con đầm Pháp và ở chết tiệt luôn bên ấy. Tên trung tá tỏ vẻ nhẫn nhục, giải thích. - Cậu không hiểu rồi, đường đi của anh cậu là đúng, nhưng chọn nhầm chủ. Gã nhăn mặt phản bác. - Đường nào? Ai đúng? Tôi nhổ vào mặt cái thằng anh ngu xuẩn đó. Tên trung tá mặt đỏ bừng, như chính hắn phải hứng chịu một bãi nước bọt vừa bị gã phụt ra. Hắn giận. Nếu trong trường hợp khác, chắc hắn đã bồi cho gã một trận nhưng hắn kịp dừng. Hắn không thể. Hắn im lặng hồi lâu ngẫm nghĩ. Cuộc tổng tiến công tết Mậu thân vừa mới sảy ra của quân Cộng sản đánh vào Sài Gòn, khiến hắn vẫn chưa hết bàng hoàng. Tại sao Bắc Việt lại có thể mở được một chiến dịch với quy mô lớn mạnh đến như thế? Tại sao? Suy cho cùng thất bại không phải chỉ riêng chế độ Việt Nam cộng hòa. Nửa triệu quân Mỹ đang ở trên đất miền Nam Việt Nam, trang bị cực kỳ hiện đại, nhưng
- chẳng làm được trò trống gì để ngăn chặn quân Cộng sản? Không, hắn không thể đối xử tàn nhẫn như hàng chục tên tù binh khác. Một người hàng xóm cũ, có huyết thống thượng lưu, hơn thế anh gã còn là bạn thân của hắn. Hà Nội lâu nay trong mắt hắn giống một nhà tù. Ở đó con người bị thôi miên, phù phép như những con vật. Chùa chiền, thánh đường hoang phế, sư sãi, cha cố bị hành hạ trên những cánh đồng tập thể. Nhưng từ khi gặp tên tù binh, chí ít cũng cho hắn cái nhìn khác và thực tế hơn sau mấy chục năm xa Hà Nội. Hà Nội đã thay đổi? Vốn là kẻ cơ hội có nòi như bố hắn “phò thịnh mấy ai phò suy”. Theo Pháp vào Nam. Pháp bại, quay sang ôm chân Mỹ. Nhưng trong cuộc đấu này hắn mường tượng tới một kết cục tồi tệ là khó tránh khỏi, mặc dù cuộc phản công của người Mỹ và quân lực Việt Nam cộng hòa đã đẩy được đối phương ra khỏi thành phố. Hắn sẽ được gì, nếu cuộc chiến tranh kết thúc? Và kẻ bại không phải là những người Cộng sản? Ý nghĩ đó gợi lên cho hắn một quyết định “giữ tên tù binh” đồng hương Hà Nội giành riêng cho mình. Hắn khẽ mỉm cười với phát kiến xuất thần. Một trò chơi phưu lưu nhưng ấn tượng mạnh. Anh trai gã đang ở Pháp bạn của hắn, sẽ phải biết ơn khi biết tin thằng em được hắn cứu thoát như thế nào. Trường hợp xấu Sài Gòn thất thủ, rủi hắn có rơi vào tay Cộng sản, gã sẽ là vật thế chấp cho sự an toàn của hắn và gia đình hắn. Nghĩ thế, hắn nói với gã: - Tôi mến cậu. – Hắn hạ thấp giọng nghe đến mủi lòng. Gã tù binh vẫn ngồi im, hắn nói tiếp. - Cậu về ở với gia đình tôi. Tôi bảo lãnh cho cậu? Gã thật sự bị sốc. Gã đã phỏng đoán điều gì đó sẽ sảy ra, nhưng hoàn toàn không phải theo chiều hướng này. Gã xoay người về phía viên trung tá và định nói nhưng hắn đã chặn ngay lời gã. - Cậu chưa cần quyết định lúc này, hãy suy nghĩ kỹ và trả lời tôi vào sáng mai. Tôi cũng nói rõ công việc, nếu cậu chấp nhận làm cho tôi. Hàng ngày cậu dậy lúc năm giờ sáng tập thể dục, vệ sinh cá nhân, sáu giờ ăn sáng, bảy giờ làm việc đến mười một giờ nghỉ ăn cơm. Chiều sau nghỉ trưa hai tiếng, mười bốn giờ làm việc đến mười bảy giờ.
- Lần nữa gã lại định lên tiếng, nhưng không kịp, hắn đã nói tiếp. - Việc nhẹ thôi, giai đoạn đầu sẽ có người giúp cậu làm quen và chăm sóc mười hai con chó Bẹc giê giống Đức. Sau hai tháng cậu hoàn toàn chỉ huy lũ “ác ôn” đó, để bảo vệ khu dinh thự gia đình tôi. Cậu yên tâm, lương tôi trả hai ngàn đồng tháng (tiền Việt Nam cộng hoà cũ). Cậu muốn lấy vợ, tôi sẽ giúp cậu. – Hắn dừng ở đây, rồi cất tiếng gọi: “Bây đâu?”. Có tiếng “dạ”. Hắn nói với tên lính vừa bước vào: “Đừng để anh ta buồn nghe hôn?”. “Rõ, thưa trung tá”. Giọng tên lính trịnh trọng: “Mời”. *** Sự thực gã giống một con chó, con chó thứ mười ba giữ nhà cho hắn. Gã không được ra khỏi nhà dù gã được đối xử đúng như lời cam kết. Cuối tháng 4 năm 1975 tình thế đã khác. Đêm đêm gã thường hay giật mình, bởi tiếng súng và tiếng pháo nổ quanh ngoại vi Sài Gòn. Trên bầu trời máy bay phản lực, trực thăng, hoạt động quần đảo gần như không dứt. Những ngày tiếp theo phía tây Nam sân bay Tân Sân Nhất, gã nghe được cả tiếng gầm rú xé trời loại hỏa tiễn Cachiusa của Quân giải phóng, nhiều cột khói đen kịt bốc cao từ nơi đó. Hướng đông Bắc từ thành phố Biên Hòa vào, có tiếng chuyển động rầm rầm của xích sắt xe tăng. Tất cả những âm thanh đó không làm cho gia đình nhà viên trung tá vui, một không khí nặng nề bao trùm ngột ngạt. Nhà hắn cửa đóng im ỉm suốt hai mươi bốn giờ. Rồi một đêm, bỗng tên trung tá gọi gã vào phòng khách, trông người hắn gày rộc, đôi mắt thâm quầng nhìn gã, nói: “Cộng sản đã bao vây Sài Gòn, người Mỹ bỏ chúng tôi. Rất tiếc tôi không thể đưa cậu cùng đi, cậu cứ ở lại đây, tất cả là của cậu”. Cuộc gặp thật ngắn ngủi có vậy. Hai ngày sau, Quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn. *** Ngày 30 tháng 4 năm 1975 không thể nào quên trong ký ức gã, đó cũng là ngày gã ra khỏi nhà tên trung tá đã cao chạy xa bay cùng vợ con hắn di tản sang Mỹ. Gã bỏ tất cả, ngoại trừ mang theo một chiếc túi vải đựng hai bộ quần áo cũ và vài ba thứ lặt vặt cần thiết hàng ngày. Cảm xúc trong gã lúc này là vui buồn lẫn lộn, bước đi về phía trung tâm thành phố. Gã nhìn trời, nhìn đất, nhìn những toà nhà cao ốc, vi la sang trọng hai bên
- đường trước đây uy nghi quyền lực là thế, giờ đây lạnh lẽo như các nấm mồ. Ngoài đường không khí bắt đầu rộn rạo, huyên náo khi có đoàn xe chở bộ đội Quân giải phóng tiến về hướng dinh tổng thống Sài Gòn cũ, chuẩn bị cho đại lễ mừng chiến thắng. Cảnh đó thôi thúc gã có lúc muốn chạy ra chắn ngang đường gọi lớn: “Tôi là Quân giải phóng đây, cho tôi lên xe với?”. Nhưng rồi gã kịp dừng lại, nước mắt gã trào ra rơi thánh thót. Gã tủi hổ, lòng đau như cắt. Gã đâu còn cái quyền được gọi như thế? Được muốn như thế? Niềm vui hân hoan tột đỉnh kia không phải giành cho gã. Gã lùi lại phía sau như kẻ lạc loài thừa thải. Nhưng những ngày tiếp theo, gã không gạt bỏ được nỗi khát khao đi tìm đơn vị. Gã lang thang khắp Sài Gòn chỗ nào có bộ đội là gã đến. Gã nhớ cái phiên hiệu X18, D5, E31 đoàn Lam Sơn của gã. Cuối cùng gã cũng tìm được, nhưng giờ đây nằm trong đội hình một quân đoàn. Hôm đầu tiên cảm xúc trong lòng gã thật bồi hồi, khi ngồi chờ đợi dưới gốc cây dầu bên đường trước cổng đơn vị, với ý nghĩ phải gặp được một người quen nào đó. Sang ngày thứ năm, gần trưa lúc gã đang thiu thiu ngủ vì quá mỏi mệt và thất vọng, chợt một viên đại uý từ trong cổng Quân đoàn đi ra, gã đứng bật dậy mừng khôn tả nhận ra người đó là Hoan. Không thể nhầm được, Hoan tiểu đội trưởng tiểu đội ba, còn gã ngày ấy là tiểu đội trưởng tiểu đội bốn. Gã chạy theo một đoạn định gọi tên. Giống như mọi lần gã chợt bừng tỉnh, rồi quay trở về gốc cây. Gã ngồi bệt xuống đất tự cật vấn mình: Nếu gặp Hoan, gã sẽ nói như thế nào nhỉ? Ngược lại chắc chắn Hoan sẽ hỏi gã “cậu biến đi đâu từ năm sáu tám?”. Rồi biết đâu, Hoan đã có những thông tin về gã ở nhà tên trung tá Chi khu trưởng Phước Long? Chỉ thế thôi, cũng đủ kết tội gã là tên phản bội. Gã rùng mình khi nghĩ đến điều tồi tệ đó. “Bỏ”. Gã quyết định không gặp Hoan, dù rằng suốt cả thời gian trên gã đâu làm điều gì tổn hại tới thanh danh gã cũng như Tổ Quốc. Nhưng ai là người hiểu cho gã? Không ai cả! Chỉ mình gã. Gã chấp nhận đến ở nhà tên trung tá với một suy nghĩ duy nhất, dựa vào nó để tìm kiếm cơ hội được trở về với đồng đội mà thôi. Nhưng tình ngay còn lý thì gian! Gã bất lực hoàn toàn, rồi gã chạy. Gã không dám bén mảng tới cái nơi mà trước đó gã từng hy vọng cứu vớt đời gã. Gã mất biến, lang bạt đến ba năm khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn. Gã lên cả vùng Bình Long, Phước Long xin làm phu cạo mủ cao su để kiếm sống. Rồi gã chán ở đấy, xuống miền tây chạy xe thổ mộ chở hàng thuê. Những đêm cô độc gã nhớ nhà, nhớ Hà Nội đến
- cồn cào, nhưng gã không đủ can đảm để trở về? Ra ngoài ấy gã sẽ nói gì với người thân, bạn bè và tổ chức nơi gã được tiễn đưa long trọng vào quân đội lên đường đánh Mỹ? Người ta đã báo tử gã. Gã sống mà như chết. Đầu óc gã mụ mị không còn cái sáng suốt. Rồi một đêm cuối năm 1986, nghe lời khuyên của một người thông cảm với cuộc đời gã “xuống Vũng Tàu lên thuyền vượt biên, biết đâu có ngày sung sướng?”. Úi chao, gã biết đi như thế là hèn, là nhục, nhưng còn lối nào khác? Chuyến đi kinh hoàng suýt bỏ thây giữa trùng khơi, cũng đã đưa gã đến được Hồng Kông. Gã bị nhốt ở đấy tới hơn ba năm, cuối cùng giấc mơ tới miền đất hứa tan thành mây khói. Nhưng số gã vẫn còn hên. Theo thoả thuận giữa chính phủ Việt Nam và tổ chức Quốc tế Cao uỷ liên hợp quốc, những người ra đi bất hợp pháp phải trở về Việt Nam. Vậy là gã đã quay về cố hương bằng nguồn vốn tài trợ của nhà nước, cấp cho gã một khoản tiền đủ để gã học được cái nghề lái xe. Năm 1993, một công ty taxi mới thành lập ở thành phố nhận gã vào lái xe từ ngày đó. Rồi gã có đồng ra đồng vào, gã nghĩ ngay tới một tổ ấm gia đình, hy vọng sẽ sưởi ấm trái tim cô đơn bấy lâu lạnh giá. Vợ gã một thôn nữ từ miền Tây lên phố tìm việc, học vấn chưa qua bậc tiểu học giữa thời buổi đòi hỏi bằng cấp nên chẳng ai nhận, đành đi phụ việc cho một quán cà phê vỉa hè. Gã kể gã gặp nàng, đúng hơn là gã nhặt được nàng trong một lần chạy taxi về khuya gần lăng Cha Cả. Nàng ôm một túi đồ vừa đi vừa khóc, gã mủi lòng dừng xe hỏi. Nàng cho gã biết, nàng làm công cho một tiệm ăn và bị bà chủ đuổi vì nghi nàng lấy cắp tiền của bà trong két. Nàng bị oan, nàng không bao giờ làm chuyện đốn mạt đó. Nhìn vào khuôn mặt phúc hậu của nàng gã tin. Gã lấy vợ đơn giản vậy đó. Không đăng ký, không cưới xin. Gã biết, nếu muốn đăng ký cũng không có một giấy tờ gì tuỳ thân khả dĩ chứng minh cho gã là một công dân trong sạch. Nhưng trên danh nghĩa cuộc đời gã đã sang trang. Thôi, thế cũng được. Nhà gã đi thuê, cái chuồng chim ấy vẻn vẹn sáu mét vuông, đủ ấp ủ nhau được ba năm và cho ra đời một cậu con trai giống gã như đúc. Gã mừng phát khóc. Đùng cái vợ gã bỏ gã lặn mất tăm, đem theo thằng con trai mà gã yêu quí như vàng và để lại mấy dòng chữ mực nhoè nước mắt: “Dù rất yêu anh, nhưng em không thể sống cùng anh chui nhũi như những con chuột. Anh giả. Em giả. Nhưng còn con của chúng mình? Cũng phải mang những giấy tờ giả? Không, em muốn con lớn lên, phải được đến trường đi học đường hoàng như bao đứa trẻ khác. Biết
- anh đau, nhưng em đành làm thế. Tha lỗi cho em”. Gã khóc tru lên và nằm liệt giường đến ba tháng ròng. Ba tháng gã nghĩ miên man về những dòng thư ngắn ngủi đó, để rồi gã chấp nhận sự thật ứa máu điều đó tốt cho mọi phía. Gã lại trở về với cuộc sống cô độc. Xe gã rong rủi gần như hai mươi bốn giờ đồng hồ trên đường, ăn ngủ cũng trên đường. Cứ như thế gần mười năm nay gã giống một cái bóng lúc ẩn, lúc hiện, vẫn bằng những tờ giấy đăng ký tạm, hộ khẩu thường trú giả. Đời gã mờ nhạt, thân thế mờ nhạt giữa thành phố trên bảy triệu dân, mênh mông như rừng như biển. *** Chiếc Boeing 747 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, bay thẳng từ Mỹ vừa hạ cánh xuống sân bay Tân Sân Nhất. Nửa giờ sau một người đàn ông đeo kính đen, tóc chãi mượt, một tay cầm kéo một chiếc túi du lịch da mầu cà phê sữa, thanh thoát sang trọng bước ra khỏi cửa nhà ga, rồi vẫy chiếc taxi đang chầm chậm đi tới. Khi ngồi vào xe, người khách nói: - Về trung tâm. Người tài xế lịch thiệp quay đầu lại, hỏi: - Hotel nào thưa ông? Vị khách chợt sững người, hỏi vẻ ngập ngừng: - Anh có phải… ? Một thoáng ngỡ ngàng nhìn khách qua chiếc kính chiếu hậu, người tài xế hỏi: - Ông là … ? - Không còn nghi ngờ gì nữa, vị khách bật cười ha hả rồi đưa tay vỗ nhẹ vào vai người tài xế, nói: - Tôi đã tìm cậu mỗi khi về Việt Nam nhưng đều vô vọng. Tôi có hỏi vợ chồng ông già trông coi vườn và làm bếp cho nhà tôi ngày trước, họ bảo: “Sau cái đêm gia đình tôi đi di tản, sáng ngày cũng không thấy cậu đâu”. - Ông trung tá, quên cái chuyện ấy đi. Vị khách khẽ mỉm cười.
- - Đừng gọi tôi là trung tá, giờ mình là dân làm ăn. Hắn vốn là tay lõi đời, nhìn người bắt vận. Hắn đoán chắc như đinh đóng cột gã tài xế người quen cũ, nhất định đang sống trong tình trạng không mấy suôn sẻ. Hắn cố tránh những lời dễ gây phản cảm như thời cuộc, sự nghiệp mà trước đây có lúc hắn từng tranh luận với gã nhiều giờ mỗi khi có dịp. Hắn hỏi xa vời như một phép thử và hắn đã đúng. - Cho tôi hỏi thăm cô nhà cùng các cháu? Gã khẽ nhếch mép cười, trả lời. - Vợ, cái con khỉ. - Cậu vẫn sống một mình? Gã không trả lời, hỏi khách: - Hotel nào? - Số 5, đường Hoàng Diệu. Gã đột ngột nhấn phanh, chiếc xe đứng khựng làm hắn chúi đầu về phía trước. Trán gã rịn mồ hôi, rồi định tâm trở lại tăng ga cho xe đi tiếp. Gã không tin, “làm sao hắn có thể trở về được chính ngôi nhà ấy sau từng đó năm bỏ đi biệt xứ?”. Sự vụng về của gã, không qua nổi mắt hắn. - Cậu không tin cũng phải thôi. Gã im lặng. Hắn nói tiếp: - Tiền, có tiền tôi mua được cả thế giới. Cậu đừng cực đoan mãi như thế, phải uyển chuyển lên, cuộc đời ngắn lắm. Xin lỗi, dẫu sao cũng là chỗ quen biết nếu cậu không chê mời cậu về làm cùng tôi. Cậu vẫn công việc bảo vệ như ngày xưa, có điều không phải đội quân của cậu mười hai con chó, lần này là một ngàn hai trăm con người sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. À , phải nói như thế này mới đúng. Đó là một ngàn hai trăm công nhân, giai cấp tiến bộ của chế độ mới. Tại sao cậu im lặng? Mà thôi, đường đột quá phải không? Cậu cứ suy nghĩ kỹ và gọi cho tôi. – Nói xong hắn rút trong túi áo, lấy ra một chiếc danh thiếp thơm thơm mùi hoa thảo ly đưa cho gã. Một chút chần chừ rồi gã nhận.
- *** Hai ngày sau, buổi sáng hắn ngồi uống cà phê và đọc báo tại quán “Hương Sen” trên đường Đồng Khởi. Hắn giật mình trong mục tin vắn in ở tờ Tuổi Trẻ: “Chiều qua trong một chiếc taxi mang biển số 53 – 06, thuộc hãng Bông Chà Là đậu trên đại lộ Chính Thắng, thuộc khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Quận bảy. Một người tài xế đã chết chưa rõ nguyên nhân ở tư thế ngồi, hai tay vẫn ôm vô lăng, đầu gục xuống như đang ngủ. Nội vụ đang được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra và làm rõ”. Hắn gấp vội tờ báo nhét vào cặp, rồi móc điện thoại di động gọi cho ai đó có vẻ xa xôi lắm. Hắn nói bằng tiếng Pháp, nên không ai hiểu. Ngày tiễn đưa người tài xế về nơi an nghỉ cuối cùng trời đổ mưa não nề. Đoàn người đi viếng khá đông, chủ yếu là bạn bè của hãng taxi “Bông Chà Là”. Ngoài số đó người ta còn nhìn thấy có hai người đàn ông dáng dấp Việt kiều và một người đàn bà Pháp. Vòng hoa của người đàn ông thứ nhất, trên dải băng tang ghi dòng chữ: “Vĩnh biệt người đồng hương Hà Nội”. Vòng hoa có nhiều bông hồng trắng của người đàn ông thứ hai cùng bà vợ Pháp, ghi dòng chữ: “Vĩnh biệt Hải, cầu xin em tha lỗi cho anh”. Hải là tên của gã. Đó là người anh trai sau mấy chục năm xa sứ trở về, muốn được gọi bằng cái tên thật bố mẹ gã đặt tên cho gã. Và cuối cùng, người ta cũng tìm được nguyên nhân cái chết của gã, qua bức thư gã viết để lại trong túi áo ngực: “Xin hãy hiểu cho sự ra đi của tôi, trở về với đất là một tự nguyện”.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Lời chia tay bất ngờ quá!
4 p | 103 | 21
-
Những lời khuyên vàng trước khi đi du lịch
4 p | 115 | 14
-
Câu trả lời của tình yêu
4 p | 70 | 11
-
Bí Ẩn Lời Nguyền
5 p | 102 | 8
-
Bệnh Parkison và lợi ích của việc tập luyện
7 p | 67 | 6
-
Lời nguyện cầu
2 p | 105 | 6
-
Lời xin lỗi thứ 100
6 p | 84 | 5
-
Tôn Giả Xá Lợi Phất
13 p | 80 | 5
-
Bến Lội
5 p | 74 | 4
-
Những Năm Về Trước
10 p | 62 | 3
-
Lối về ướt mưa
8 p | 39 | 3
-
Kể với anh về thiên thần của em
7 p | 69 | 3
-
Chửi mắng và lời dạy của Đức Phật
3 p | 65 | 3
-
Bó hoa có lõi
4 p | 75 | 3
-
Nợ nhau lời xin lỗi
10 p | 73 | 3
-
Lời xin lỗi muộn màng
5 p | 89 | 3
-
Xin lỗi
13 p | 77 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn