intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Lựa chọn phương pháp hạch toán tỷ giá đối với các giao dịch bằng ngoại tệ

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

6
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này nghiên cứu và đưa ra một số gợi ý về lựa chọn phương pháp kế toán liên quan đến các giao dịch bằng ngoại tệ, là tài liệu cho các doanh nghiệp có các giao dịch liên quan đến ngoại tệ tham khảo thực hiện.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Lựa chọn phương pháp hạch toán tỷ giá đối với các giao dịch bằng ngoại tệ

  1. LỰA CHỌN PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN TỶ GIÁ ĐỐI VỚI CÁC GIAO DỊCH BẰNG NGOẠI TỆ SELECTING THE EXCHANGE RATE ACCOUNTING METHOD FOR FOREIGN CURRENCY TRANSACTIONS Nguyễn Mạnh Tuyển-Lê Thị Mỹ Nguyệt-Trà Thị Hải Hà-Huỳnh Tấn Bảo-Vũ Thị Bích Hoa Đại học Công nghiệp - Thành phố Hồ Chí Minh Tóm tắt: Kế toán các giao dịch bằng ngoại tệ đã được hướng dẫn tại chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành nhưng còn khá phức tạp, khó khăn trong thực hiện tại các doanh nghiệp. Bài viết này nghiên cứu và đưa ra một số gợi ý về lựa chọn phương pháp kế toán liên quan đến các giao dịch bằng ngoại tệ, là tài liệu cho các doanh nghiệp có các giao dịch liên quan đến ngoại tệ tham khảo thực hiện. Từ khoá: Kế toán các giao dịch bằng ngoại tệ, tỷ giá hối đoái. Abstract: Accounting for foreign currency transactions has been guided by current standards and accounting regime, but its implementation in businesses is quite complex and challenging. This article investigates and provides recommendations on the selection of accounting methods related to foreign currency transactions and serves as a reference documents for businesses with foreign currency transactions. Keywords: Accounting for foreign currency transactions, exchange rates. JEL Classifications: M40, M42, M49 DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.04202318 Với sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều các giao dịch liên quan đến ngoại tệ. Hiện nay, hướng dẫn về kế toán các giao dịch bằng ngoại tệ, Bộ Tài chính đã có Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 10 (VAS 10) ban hành theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002, Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 và Thông tư số 53/2016/TT-BTC ngày 21/03/2016. Đặc biệt là hướng dẫn của chế độ kế toán theo Thông tư 200 và Thông tư 53 của Bộ Tài chính về kế toán các giao dịch bằng ngoại tệ được đánh giá là đã tiếp cận gần hơn với các quy định của chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế, giúp báo cáo tài chính phản ánh hợp lý hơn tình hình tài chính, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, hướng dẫn của chế độ kế toán hiện hành cũng còn khá phức tạp, khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện, cần có phương pháp hạch toán đơn giản dễ áp dụng hơn, trên cơ sở đáp ứng
  2. được các nguyên tắc quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành, tiếp cận chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đó là nội dung cần bàn luận trong bài viết này. 1. Tóm tắt các quy định về kế toán và thuế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ theo Luật kế toán, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và luật thuế hiện hành. Theo Điều 10 Luật kế toán năm 2015, đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán là Đồng Việt Nam (VND). Trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh bằng ngoại tệ, thì đơn vị kế toán phải ghi theo nguyên tệ và Đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế. Đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng một loại ngoại tệ thì được lựa chọn loại ngoại tệ đó làm đơn vị tiền tệ để kế toán. Khi lập báo cáo tài chính sử dụng tại Việt Nam, đơn vị kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế. Đoạn 10 VAS 10, tại ngày lập Bảng cân đối kế toán, các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ phải được báo cáo theo tỷ giá hối đoái cuối kỳ; các khoản mục phi tiền tệ có gốc ngoại tệ phải được báo cáo theo tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch; các khoản mục phi tiền tệ được xác định theo giá trị hợp lý bằng ngoại tệ phải được báo cáo theo tỷ giá hối đoái tại ngày xác định giá trị hợp lý. Theo Điều 69 Thông tư 200 của Bộ Tài chính, việc quy đổi đồng ngoại tệ ra đồng Việt Nam phải căn cứ vào tỷ giá giao dịch thực tế hoặc tỷ giá ghi sổ kế toán. Khi xác định nghĩa vụ thuế (kê khai, quyết toán và nộp thuế), doanh nghiệp thực hiện theo các quy định của pháp luật về thuế. Có thể tóm tắt quy định của Thông tư 200 như sau: - Khi mua bán ngoại tệ, tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá ký kết trong hợp đồng mua, bán ngoại tệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại. Trường hợp giao dịch bằng ngoại tệ mà hợp đồng không quy định tỷ giá thanh toán thì doanh nghiệp ghi sổ kế toán theo nguyên tắc: Khi góp vốn hoặc nhận vốn góp là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản để nhận vốn của nhà đầu tư tại ngày góp vốn; Khi ghi nhận nợ phải thu là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh; Khi ghi nhận nợ phải trả là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch phát sinh; Đối với các giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua các tài khoản phải trả), là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thực hiện thanh toán. Tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm giao dịch phát sinh được sử dụng để quy đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán đối với các tài khoản phản ánh doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí khác, các tài khoản phản ánh tài sản, vốn chủ sở hữu, bên nợ tài khoản phải thu, bên nợ tài khoản vốn bằng tiền, bên có tài khoản phải trả.
  3. Riêng giao dịch nhận trước tiền của người mua thì doanh thu, thu nhập tương ứng với số tiền nhận trước của người mua được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước mà không áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận doanh thu, thu nhập; Giao dịch trả trước cho người bán thì giá trị tài sản tương ứng với số tiền trả trước cho người bán được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả trước mà không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận tài sản; Khi phân bổ chi phí trả trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ thì chi phí được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả trước mà không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận chi phí. - Khi thu hồi các khoản nợ phải thu, các khoản ký cược, ký quỹ hoặc thanh toán các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ, áp dụng tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh. Bên có tài khoản tiền khi thanh toán tiền bằng ngoại tệ, áp dụng tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động (được xác định trên cơ sở lấy tổng giá trị được phản ánh tại bên nợ tài khoản tiền chia cho số lượng ngoại tệ thực có tại thời điểm thanh toán). - Khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập Báo cáo tài chính, tỷ giá thực tế được xác định như sau: Đối với các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là tài sản, là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời điểm lập Báo cáo tài chính; Đối với các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là nợ phải trả, là tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. - Chênh lệch tỷ giá nếu phát sinh được ghi nhận ngay vào doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ) tại thời điểm phát sinh. Riêng khoản chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện dự án, công trình trọng điểm quốc gia gắn với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng được tập hợp, phản ánh trên TK 413 và được phân bổ dần vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính khi doanh nghiệp đi vào hoạt động. Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 53/2016/TT-BTC ngày 21/3/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi một số điều của Thông tư 200/2014/TT-BTC thì doanh nghiệp được lựa chọn tỷ giá giao dịch thực tế hoặc tỷ giá xấp xỉ với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch để ghi sổ kế toán. Tỷ giá xấp xỉ phải đảm bảo chênh lệch không vượt quá + -1% so với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình. Tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình được xác định hàng ngày hoặc hàng tuần hoặc hàng tháng trên cơ sở trung bình cộng giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán
  4. chuyển khoản hàng ngày của ngân hàng thương mại. Việc sử dụng tỷ giá xấp xỉ phải đảm bảo không làm ảnh hưởng trọng yếu đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của kỳ kế toán. Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn tỷ giá xấp xỉ để ghi sổ kế toán, thì cuối kỳ kế toán tại thời điểm lập Báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải sử dụng tỷ giá chuyển khoản của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Tỷ giá chuyển khoản này có thể là tỷ giá mua hoặc bán hoặc tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại. Theo Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp và chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục nợ phải trả gốc ngoại tệ vào cuối năm tài chính được tính vào chi phí được trừ (nếu lỗ tỷ giá) hoặc thu nhập chịu thuế (nếu lãi tỷ giá). Khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển bằng ngoại tệ, các khoản nợ phải thu gốc ngoại tệ vào cuối năm tài chính không được tính vào chi phí được trừ (nếu lỗ tỷ giá) hoặc thu nhập chịu thuế (nếu lãi tỷ giá). 2. Nhận xét, đánh giá những tồn tại của Thông tư 200, Thông tư 53 Thứ nhất, hướng dẫn của Thông tư 200 còn khá phức tạp, quy định quá chi tiết, quá nhiều loại tỷ giá gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Việc lựa chọn áp dụng tỷ giá nào trong nhiều loại tỷ giá như quy định của Thông tư 200 để ghi sổ kế toán cho phù hợp với từng trường hợp ghi nhận tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí đối với kế toán các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phát sinh nhiều giao dịch bằng ngoại tệ thật không đơn giản. Mỗi một giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh kế toán đều phải xem xét ghi nhận chênh lệch tỷ giá hối đoái (nếu có) do việc ghi chép vào các tài khoản khác nhau theo những tỷ giá khác nhau là thực sự không cần thiết, vì xét cho cùng việc ghi chép vào sổ kế toán chỉ nhằm mục đích cuối kỳ kế toán chúng ta lập ra được sản phẩm là Báo cáo tài chính mà sản phẩm này phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính, kết quả kinh doanh trong kỳ của đơn vị là được. Cũng vì quy định quá chi tiết nên có trường hợp hướng dẫn của Thông tư 200 chưa thật sự thuyết phục, chẳng hạn ta xét trường hợp sau đây: Đối với giao dịch ứng trước tiền cho người bán, Thông tư 200 quy định bên nợ tài khoản 331 ghi theo tỷ giá giao dịch thực tế, là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi thường xuyên có giao dịch tại thời điểm ứng trước nhưng đối
  5. với các giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ, không qua các tài khoản phải trả, Thông tư 200 lại hướng dẫn ghi nhận theo tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thực hiện thanh toán. Phân tích ta thấy hướng dẫn của Thông tư 200 trong hai trường hợp này mâu thuẫn với nhau. Cụ thể, nếu giả định rằng để ứng trước tiền cho người bán, người mua phải mua ngoại tệ để chuyển tiền ứng trước và do đó phải mua theo tỷ giá bán của ngân hàng, và như vậy ghi nợ tài khoản 331 theo tỷ giá bán là hợp lý; Nhưng cũng lập luận như vậy đối với giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ, để có tiền thanh toán ngay cho người bán (nhà cung cấp), người mua cũng phải mua ngoại tệ để thanh toán và do đó phải mua theo tỷ giá bán, và như vậy phải ghi nhận tài sản hoặc chi phí theo tỷ giá bán mới tuân thủ nguyên tắc giá gốc. Hoặc ngược lại, giả định rằng trong tài khoản người mua đang có tiền ngoại tệ rồi, khi mua sắm tài sản hoặc thanh toán các khoản chi phí trả ngay bằng ngoại tệ thì kế toán ghi nhận tài sản hoặc chi phí theo tỷ giá mua là hợp lý, tuân thủ nguyên tắc giá gốc vì nếu không thanh toán, người mua đem bán số ngoại tệ đó để chi tiêu thì cũng chỉ bán được theo tỷ giá mua mà thôi; Tuy nhiên cũng lập luận rằng trong tài khoản người mua đang có tiền ngoại tệ rồi thì khi chuyển tiền ứng trước cho người bán, phải ghi nợ tài khoản 331 theo tỷ giá mua mới phù hợp, vì đó mới là trị giá quy đổi ra Việt Nam Đồng mà người mua mất đi để ứng trước cho người bán. Thứ hai, Thông tư 53 cho phép doanh nghiệp dùng tỷ giá xấp xỉ để ghi sổ kế toán, tuy nhiên phải đảm bảo chênh lệch không vượt quá + -1% so với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình và không làm ảnh hưởng trọng yếu đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của kỳ kế toán. Như vậy, trong trường hợp tỷ giá biến động thường xuyên hay biến động lớn thì khó có thể áp dụng phương pháp này, hoặc nếu muốn áp dụng thì hàng ngày kế toán cũng phải cập nhật và tính toán tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình để làm cơ sở so sánh, thực hiện ghi sổ kế toán, do đó công việc kế toán không hẳn đã giảm hơn so với áp dụng tỷ giá theo Thông tư 200. Mặt khác, nếu trong kỳ doanh nghiệp có áp dụng tỷ giá xấp xỉ để ghi sổ kế toán thì đến cuối kỳ kế toán tại thời điểm lập Báo cáo tài chính, doanh nghiệp cũng phải sử dụng tỷ giá chuyển khoản của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Như vậy, chênh lệch tỷ giá hối đoái sẽ tập trung vào cuối kỳ, và sẽ có thể có rủi ro về thuế vì theo quy định tại Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC, khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển bằng ngoại tệ, các khoản nợ phải thu gốc ngoại tệ vào cuối năm tài chính không được tính vào chi phí được trừ hoặc thu nhập chịu thuế.
  6. 3. Đề xuất giải pháp Thứ nhất, đối với Bộ Tài chính: Hiện nay theo lộ trình, Bộ Tài chính đang nghiên cứu ban hành và đưa vào áp dụng các VFRS thay thế các chuẩn mực kế toán Việt Nam, trong đó có VAS 10. Khi ban hành các chuẩn mực mới, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn một số nội dung chưa phù hợp của chế độ kế toán hiện hành. Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét nếu có hướng dẫn về áp dụng tỷ giá đối với các giao dịch bằng ngoại tệ, thì nên hướng dẫn theo hướng ngắn gọn, chỉ đưa ra những quy định chung nhất về áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế và tỷ giá ghi sổ, còn trong tình huống cụ thể thì cho phép doanh nghiệp chủ động căn cứ thực tế để lựa chọn tỷ giá cho phù hợp. - Đối với tỷ giá giao dịch thực tế, Bộ chỉ nên quy định khi mua bán ngoại tệ, tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá ký kết trong hợp đồng mua, bán ngoại tệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại. Nếu giao dịch bằng ngoại tệ mà hợp đồng không quy định tỷ giá thanh toán thì doanh nghiệp tự xác định tỷ giá thực tế trong từng trường hợp cụ thể trên cơ sở lựa chọn tỷ giá mua hoặc bán chuyển khoản do ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp có giao dịch để ghi sổ kế toán sao cho tuân thủ các nguyên tắc kế toán, đặc biệt là nguyên tắc thận trọng và nguyên tắc giá gốc. Ví dụ như đối với giao dịch ứng trước tiền cho người bán, nếu doanh nghiệp phải mua ngoại tệ để chuyển tiền ứng trước thì doanh nghiệp sẽ quyết định lựa chọn tỷ giá bán để ghi nợ tài khoản 331, còn nếu doanh nghiệp đang có tiền ngoại tệ trong tài khoản rồi, khi doanh nghiệp chuyển tiền ứng trước cho người bán, doanh nghiệp sẽ quyết định lựa chọn tỷ giá mua để ghi nợ tài khoản 331 mới phù hợp, tuân thủ nguyên tắc giá gốc. Hoặc một ví dụ khác, khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá với giá bán quy định trên hợp đồng là ngoại tệ, USD chẳng hạn, kế toán khi ghi nhận doanh thu, ghi nhận nợ phải thu đương nhiên sẽ phải lựa chọn tỷ giá mua để ghi nợ tài khoản 131 và ghi có tài khoản 511, vì nếu lựa chọn tỷ giá bán để hạch toán trường hợp này tức là đã đánh giá cao hơn tài sản và thu nhập, vi phạm nguyên tắc thận trọng rồi vì khi khách hàng trả tiền, doanh nghiệp phải bán USD cho ngân hàng để lấy tiền chi tiêu, và sẽ chỉ bán được theo tỷ giá mua mà thôi. - Đối với tỷ giá ghi sổ, Bộ chỉ nên quy định sử dụng tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh hoặc tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động, còn việc áp dụng tỷ giá nào do doanh nghiệp tự xác định. Ví dụ như khi thu hồi các khoản nợ phải thu, các khoản ký cược, ký quỹ hoặc thanh toán các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ, về nguyên tắc doanh nghiệp phải áp dụng tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh thì khi thu hồi hết nợ phải thu, hết ký quỹ, ký cược hoặc thanh toán hết nợ phải trả bằng ngoại tệ thì số dư các tài khoản này bằng đồng Việt Nam mới bằng không. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, khi doanh nghiệp chỉ có một khách
  7. hàng hoặc một người bán, doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động. Khi lựa chọn áp dụng tỷ giá nào, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ nguyên tắc nhất quán để thông tin kế toán có thể so sánh được. Thứ hai, đối với các doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ: Trong thời gian chưa có hướng dẫn mới của Bộ Tài chính, trên cơ sở vẫn tuân thủ quy định của chế độ kế toán hiện hành, nhưng có thể lựa chọn phương pháp hạch toán tỷ giá sao cho thuận tiện, dễ thực hiện, giảm bớt các công việc ghi chép. Ví dụ như đối với tài khoản vốn bằng tiền, để không phải ghi nhận lãi hoặc lỗ tỷ giá theo từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh, doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng theo tỷ giá của tài khoản đối ứng. Cuối mỗi tháng, doanh nghiệp căn cứ vào tỷ giá mua chuyển khoản của ngân hàng thương mại để đánh giá lại số dư tài khoản vốn bằng tiền, toàn bộ lãi hoặc lỗ tỷ giá trong tháng được phản ánh một lần vào doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi tỷ giá) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ tỷ giá). Việc ghi nhận như vậy đơn giản hơn, phản ánh đúng lãi hoặc lỗ tỷ giá trong tháng đồng thời đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc kế toán, đặc biệt là nguyên tắc thận trọng (tài khoản tiền được ghi nhận theo tỷ giá mua). Cuối kỳ kế toán tại thời điểm lập Báo cáo tài chính, doanh nghiệp sử dụng tỷ giá mua hoặc tỷ giá bán chuyển khoản của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ như quy định hiện hành. Để làm rõ hơn nội dung đề xuất trên, tác giả đưa ra một ví dụ thật đơn giản để minh hoạ cho các doanh nghiệp tham khảo như sau: Tại công ty XYZ năm tài chính bắt đầu ngày 1/1 và kết thúc ngày 31/12 hàng năm. Công ty kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên. Đơn vị tiền tệ kế toán là VNĐ. Số dư đến cuối ngày 31/12/20X2 của một số tài khoản có gốc ngoại tệ như sau: + TK 112 (2) : 100.000 USD, tỷ giá 23.410 tại ngân hàng Vietcombank + TK 131 (A) : 30.000 USD, tỷ giá 23.410 (dư nợ, phải thu công ty A). + TK 331 (B) : 40.000 USD, tỷ giá 23.730 (dư có, phải trả công ty B) Phát sinh trong tháng 1/20X3 một số nghiệp vụ liên quan đến ngoại tệ như sau: 1. Ngày 5, nhập khẩu lô nguyên liệu trị giá nhập khẩu theo hợp đồng (CIF.HCM) là 30.000 USD của công ty B ở Nhật, hàng đã về nhập kho, tiền mua hàng chưa thanh toán. Thuế nhập khẩu 0%, thuế GTGT hàng nhập khẩu là 10%, đã nộp thuế ngay cho cơ quan hải quan bằng chuyển khoản. Tỷ giá mua chuyển khoản của ngân hàng Vietcombank tại ngày nhập khẩu là 23.340 đồng/USD, tỷ giá bán ra 23.660 đồng/USD. Tỷ giá khai hải quan là 23.410 đồng/USD.
  8. 2. Ngày 10, xuất khẩu lô hàng cho khách hàng A ở Mỹ, giá xuất khẩu (FOB.HCM) là 90.000 USD, chưa thu tiền người mua. Giá xuất kho lô hàng là 1.320.000.000 đồng. Thuế xuất khẩu 0%. Tỷ giá mua chuyển khoản của ngân hàng Vietcombank tại ngày xuất khẩu là 23.300 đồng/USD, tỷ giá bán ra 23.620 đồng/USD. 3. Ngày 20, khách hàng A ở Mỹ chuyển khoản trả nợ cũ 30.000 USD, đã nhận được báo có của ngân hàng. Tỷ giá mua chuyển khoản của ngân hàng Vietcombank tại ngày 20 là 23.280 đồng/USD, tỷ giá bán ra 23.620 đồng/USD. 4. Ngày 30, bán 50.000 USD ở tài khoản tiền gửi ngân hàng ngoại tệ thu tiền gửi ngân hàng VNĐ để chi tiêu, tỷ giá mua chuyển khoản của ngân hàng Vietcombank tại ngày 30 là 23.280 đồng/USD, tỷ giá bán ra 23.620 đồng/USD. 5. Ngày 31, kế toán lập chứng từ ghi sổ đánh giá lại số dư tài khoản 112 (2) vào cuối tháng để ghi nhận chênh lệch tỷ giá tháng 1/20X3. Biết tỷ giá mua chuyển khoản của ngân hàng Vietcombank tại ngày 31 là 23.280 đồng/USD. Giả định rằng kế toán công ty XYZ ghi nhận các giao dịch bằng ngoại tệ theo phương pháp tác giả đề xuất, các nghiệp vụ kinh tế nêu trên được phản ánh trong sổ kế toán của công ty XYZ như sau: 1. Ngày 5: a. Nợ TK 152 / Có TK 331 : 30.000 x 23.660 = 709.800.000 b. Nợ TK 133 / Có TK 3331(2) : 30.000 x 23.410 x 10% = 70.230.000 c. Nợ TK 3331 (2) / Có TK 1121 : 70.230.000 2. Ngày 10: a. Nợ TK 131 / Có TK 511 : 90.000 x 23.300 = 2.097.000.000 b. Nợ TK 632 / Có TK 155 : 1.320.000.000 3. Ngày 20: Nợ TK 1122 / Có TK 131 (A) : 30.000 x 23.410 = 702.300.000 (Bên nợ TK 1122 ghi theo tỷ giá thu hồi nợ phải thu) 4. Ngày 30: Nợ TK 1121 / Có TK 1122 : 50.000 x 23.280 = 1.164.000.000 (Bên có TK 1122 ghi theo tỷ giá mua của ngân hàng) 5. Ngày 31: số dư TK 1122 nguyên tệ là 80.000 USD, trị giá VNĐ là 1.879.300.000 Nợ TK 635 / Có TK 1122 : 1.879.300.000 – (80.000 x 23.280) = 16.900.000 Kết luận: Việc lựa chọn phương pháp hạch toán tỷ giá hối đoái đối với các giao dịch bằng ngoại tệ ảnh hưởng nhiều đến khối lượng công việc kế toán cũng như chất lượng Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp phát sinh các giao dịch này. Trong thời gian tới, khi ban hành các VFRS, Bộ Tài chính xem xét có hướng dẫn các doanh nghiệp theo hướng mở, cho phép các doanh nghiệp tự quyết định lựa chọn áp dụng tỷ giá hối
  9. đoái cho phù hợp trong từng trường hợp cụ thể. Trước mắt, để thuận lợi trong việc xác định tỷ giá và giảm bớt áp lực công việc, các doanh nghiệp có thể lựa chọn phương pháp hạch toán tỷ giá cho phù hợp với thực tế tại doanh nghiệp mình, trên cơ sở vẫn tuân thủ hướng dẫn của chế độ kế toán, tuân thủ các nguyên tắc kế toán và Báo cáo tài chính phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Tài liệu tham khảo: Quốc hội. (2015). Luật kế toán; Bộ Tài chính. (2002). Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ban hành và công bố 6 chuẩn mực kế toán Việt Nam (đợt 2), trong đó có chuẩn mực kế toán số 10 – Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái; Bộ Tài chính. (2014). Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Bộ Tài chính. (2014). Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp; Bộ Tài chính. (2016), Thông tư số 53/2016/TT-BTC sửa đổi một số điều của Thông tư 200/2014/TT-BTC; Bộ Tài chính. (2020). Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án “Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam”. http://ifrs.vn
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2