Luận văn Thạc sĩ Văn học: Cái kỳ trong tiểu thuyết Mạc Ngôn
lượt xem 25
download
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Cái kỳ trong tiểu thuyết Mạc Ngôn trình bày về “kỳ” và truyền thống “hiếu kỳ” trong tiểu thuyết Trung Quốc; hình tượng nghệ thuật đậm chất “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn; thủ pháp nghệ thuật đậm chất “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Cái kỳ trong tiểu thuyết Mạc Ngôn
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Võ Nguyễn Bích Duyên CÁI KỲ TRONG TIỂU THUYẾT MẠC NGÔN LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh – 2011
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Võ Nguyễn Bích Duyên CÁI KỲ TRONG TIỂU THUYẾT MẠC NGÔN Chuyên ngành: Văn học nước ngoài Mã số: 60 22 30 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. Đinh Phan Cẩm Vân Thành phố Hồ Chí Minh - 2011
- MỤC LỤC MỤC LỤC ................................................................................................................................ 1 0T T 0 MỞ ĐẦU .................................................................................................................................. 3 0T T 0 1. Lí do chọn đề tài........................................................................................................................................ 3 0T 0T 2. Lịch sử vấn đề ........................................................................................................................................... 4 0T 0T 3. Đối tượng nghiên cứu ................................................................................................................................ 8 0T 0T 4. Phạm vi nghiên cứu ................................................................................................................................... 8 0T 0T 5. Phương pháp nghiên cứu ........................................................................................................................... 8 0T 0T 6. Cấu trúc của luận văn ................................................................................................................................ 9 0T 0T CHƯƠNG 1: “KỲ” VÀ TRUYỀN THỐNG “HIẾU KỲ” TRONG TIỂU THUYẾT 0T TRUNG QUỐC .......................................................................................................................11 0T 1.1. Giới thuyết nội hàm khái niệm “kỳ” ..................................................................................................... 11 0T 0T 1.2. Truyền thống “hiếu kỳ” trong tiểu thuyết Trung Quốc .......................................................................... 18 0T T 0 1.3. Đôi nét về cái “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn ................................................................................... 25 0T T 0 CHƯƠNG 2 : HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT ĐẬM CHẤT “KỲ” TRONG TIỂU 0T THUYẾT MẠC NGÔN ..........................................................................................................31 0T 2.1. “Kỳ nhân” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn................................................................................................. 32 0T T 0 2.1.1. Nhân vật siêu nhiên ....................................................................................................................... 33 T 0 0T 2.1.2. Nhân vật kỳ tài – dị tật .................................................................................................................. 38 T 0 0T 2.1.3. Nhân vật trẻ thơ – người lớn ......................................................................................................... 46 T 0 0T 2.2. “Kỳ cảnh” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn................................................................................................. 58 0T T 0 2.2.1. Không gian phi thực ...................................................................................................................... 58 T 0 0T 2.2.2. Không gian thực bị ảo hóa ............................................................................................................ 68 T 0 0T 2.2.3. Không gian thực được lạ hóa......................................................................................................... 75 T 0 0T
- CHƯƠNG 3: THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT ĐẬM CHẤT “KỲ” TRONG TIỂU THUYẾT 0T MẠC NGÔN............................................................................................................................83 T 0 3.1. Thủ pháp miêu tả trong tiểu thuyết Mạc Ngôn ...................................................................................... 84 0T T 0 3.1.1. Nghệ thuật miêu tả cảm giác ......................................................................................................... 84 T 0 0T 3.1.2. Mỹ hóa cái phi mỹ ........................................................................................................................ 90 T 0 0T 3.1.3. Khốc liệt hóa cái chết .................................................................................................................... 95 T 0 0T 3.2. Thủ pháp tự thuật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn...................................................................................... 99 0T T 0 3.2.1. Lạ hóa chủ thể tự sự .................................................................................................................... 101 T 0 0T 3.2.2. Tự sự đa chủ thể.......................................................................................................................... 111 T 0 0T KẾT LUẬN ...........................................................................................................................125 0T T 0 TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................................127 0T 0T
- MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Có lần, Mạc Ngôn tự bạch với bạn đọc rằng: “Hai mươi năm trước, khi cầm bút viết tác phẩm đầu tay, tôi không nghĩ rằng công việc này lại làm thay đổi số phận của mình, cũng không hề nghĩ rằng một bộ phận tác phẩm của mình lại làm thay đổi diện mạo của văn học đương đại Trung Quốc […]. Động cơ ban đầu khi tôi sáng tác văn học vô cùng đơn giản: đó là kiếm chút nhuận bút để mua đôi giày bóng loáng, thỏa mãn lòng hư vinh của một chàng thanh niên. Tất nhiên sau khi mua được giày rồi thì tham muốn của tôi cũng theo đó lớn lên” [33, tr.55]. Dường như, Mạc Ngôn đã bước vào làng văn mà không mang theo những tham vọng và hoài bão to lớn đối với công việc của mình. Tuy vậy, những gì nghiệp cầm bút mang lại cho ông, cũng như những gì mà ông mang lại cho văn học Trung Hoa hoàn toàn vượt xa những dự định và mong ước ban đầu của chính mình. Khởi nghiệp từ năm 1981, nhưng phải đến 1985, khi các tác phẩm Củ cà rốt trong suốt, Bùng nổ, Dòng sông khát,…được xuất bản, Mạc Ngôn mới bắt đầu khuấy động bữa tiệc văn chương đương đại Trung Quốc. Đến lúc Cao lương đỏ ra đời, cộng với sự thành công của nó trong lĩnh vực điện ảnh, cái tên Mạc Ngôn dần dần thu hút nhiều hơn những quan tâm của giới nghiên cứu lẫn bạn đọc thông thường. Cho tới thời điểm này, hành trình văn chương của Mạc Ngôn đã gần 3 thập kỉ. Và trong 3 thập kỷ đó, ông đã xác lập được cho mình một vị thế tương đối vững chắc trên văn đàn với hàng loạt tác phẩm thuộc nhiều thể loại, nhiều đề tài khác nhau. Bằng một lối viết phá cách, sáng tạo, những sản phẩm văn học của Mạc Ngôn đã cùng với những sáng tác của Vương Mông, Giả Bình Ao, Phùng Ký Tài, Cao Hiểu Thanh, Lục Văn Phu,… đem đến những luồng gió mới cho văn học đương đại Trung Quốc, góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo của văn học Trung Quốc tại thời điểm đó. Chính những giá trị thiết thực mà tác phẩm của Mạc Ngôn đem đến cho văn học nước nhà, ông xứng đáng được tôn vinh như một trong những cây bút nổi bật của văn học Trung Quốc đương đại. Mạc Ngôn sáng tác ở nhiều thể loại, từ truyện ngắn đến truyện vừa, từ truyện dài đến tiểu thuyết,… Ở mỗi thể loại, tác phẩm của nhà văn đều có những dấu ấn nhất định. Tiểu thuyết của ông tất nhiên không ngoại lệ. Bước vào thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Mạc Ngôn, người đọc luôn được dẫn dắt theo một lộ trình khá thú vị và đầy hấp dẫn dẫu cho điều mà Mạc Ngôn phản ánh không hẳn hoàn toàn mới mẻ hay cực kỳ đặc biệt. Sức lôi cuốn mà tiểu thuyết Mạc Ngôn tạo ra nơi người tiếp nhận đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có lẽ một trong những căn nguyên cơ bản nhất, trọng yếu nhất đó là vì hầu hết tiểu thuyết của ông đều ít nhiều mang màu sắc của cái “kỳ”. Bên cạnh việc phát huy vai trò là
- nhân tố quan trọng trong nhiệm vụ khơi dậy bản tính hiếu kỳ của bạn đọc và thôi thúc họ khám phá tác phẩm, sự thường xuất của cái “kỳ” đã khiến nó trở thành một trong những đặc trưng của phong cách nghệ thuật tiểu thuyết Mạc Ngôn. Do đó, tìm hiểu cái “kỳ” trong tiểu thuyết của ông là một động thái hết sức cần thiết trong việc khắc họa chân dung, phong cách nghệ thuật Mạc Ngôn cũng như trong việc lĩnh hội những sáng tác của nhà văn này. Mạc Ngôn đến với bạn đọc Việt Nam đến nay đã trọn 10 năm. Trong khoảng thời gian đó, mỗi tác phẩm của Mạc Ngôn được xuất bản thường tạo được sự chú ý dù lúc ồn ào, lúc tĩnh lặng. Cứ như thế, với chúng ta, Mạc Ngôn không còn là khách lạ nữa, nếu như không muốn nói là đã quá quen thuộc. Không ai có thể phủ nhận mức độ phủ sóng của tác phẩm Mạc Ngôn (đặc biệt là tiểu thuyết) trên thị trường sách cũng như trong thị hiếu đọc ở Việt Nam. Tuy vậy, lịch sử tiếp nhận Mạc Ngôn cũng không ít thăng trầm khi ông và tác phẩm của ông kinh qua những tán tụng lẫn chê bai của mọi loại độc giả. Vậy nên, tìm hiểu cái “kỳ” với tư cách là sắc thái chủ đạo trong tiểu thuyết Mạc Ngôn hi vọng sẽ góp một phần nhỏ vào việc định hướng tiếp nhận tiểu thuyết của ông trong độc giả Việt Nam khi mà những tiểu thuyết của ông tuy có vẻ quen nhưng lại không kém phần lạ lẫm với “tầm đón đợi” của bạn đọc nước mình. 2. Lịch sử vấn đề 2.1. Tình hình nghiên cứu trong nước Theo thời gian, những bài viết, những công trình nghiên cứu về tiểu thuyết Mạc Ngôn ở Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng. Lịch sử tìm hiểu tiểu thuyết Mạc Ngôn dần dần có bề dày và tất nhiên chưa có dấu hiệu dừng lại. Những hướng nghiên cứu được mở rộng từ một hay một vài khía cạnh đến tổng thể thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết Mạc Ngôn. Nhưng dù được tiếp cận theo hướng nào, hầu hết những nghiên cứu đó đều chạm đến vấn đề cái “kỳ” vì gần như mọi phương diện nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn này đều thấm đẫm tính chất “kỳ” ấy. Lịch sử nghiên cứu cái “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn vì vậy, có thể nói, gắn liền và song hành với lịch sử nghiên cứu Mạc Ngôn và tiểu thuyết của ông. Nhìn một cách khái quát, cái “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn thường được tìm hiểu trực tiếp dưới hình thức nghiên cứu thủ pháp “lạ hóa” hoặc được đề cập gián tiếp thông qua việc khai thác một phương diện nghệ thuật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, sau đó đưa ra nhận xét về tính “kỳ” của phương diện đó từ góc độ cái mới, cái lạ. Tác giả Nguyễn Khắc Phi trong bài viết “Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết của Mạc Ngôn qua hai tiểu thuyết Đàn hương hình và Báu vật của đời” (Tạp chí Sông Hương, số 166, năm 2002) đã lý giải nguyên nhân hai cuốn tiểu thuyết này trở nên nổi tiếng, lôi cuốn hàng triệu độc giả nằm ở chỗ Mạc
- Ngôn đã biết “bày đặt” ra những chuyện kì lạ ít người biết trên một cái khung, cái nền không xa lạ. Chẳng hạn như kiểu xử tử “đàn hương hình”, cảnh đọ râu giữa Tiền Đinh và Tôn Bính (Đàn hương hình); chợ Tuyết, vị yên hùng Tư Mã Khố râu cứng như thép (Báu vật của đời). Người viết cũng khẳng định cội nguồn cái lạ trong tiểu thuyết Mạc Ngôn chủ yếu xuất phát từ một tâm hồn gắn bó tha thiết với quê hương. Bài viết tuy có chú tâm nghiên cứu cái “kỳ” nhưng vì sự nghiên cứu chỉ giới hạn trong phạm vi tương đối nhỏ, do đó, vấn đề cái “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn chưa được khám phá trọn vẹn. Bài nghiên cứu có phần toàn diện đầu tiên về tiểu thuyết Mạc Ngôn là “Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn” (Tạp chí Văn học nước ngoài, số 4, năm 2003) của nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc Lê Huy Tiêu. Ở đây, giáo sư đã cho rằng thủ pháp lạ hóa là một trong những đặc trưng của tiểu thuyết Mạc Ngôn. Theo ông, nhờ có trí tưởng tượng phong phú, có khả năng nắm bắt những cảm giác mới, Mạc Ngôn đã sáng tạo ra nhiều nhân vật, sự kiện, chi tiết kì lạ để hấp dẫn người đọc. Tác giả cũng phân tích khá sâu về nghệ thuật miêu tả cảm giác đặc biệt của Mạc Ngôn, như cách tạo ra thế giới cảm giác mang đậm dấu ấn chủ quan nên cảm giác trong tiểu thuyết Mạc Ngôn luôn mới lạ, làm cho bộ mặt cuộc sống mà tác giả mô tả không còn như nguyên dạng nữa; hay cách miêu tả chậm lại những hành động, những cảm nhận của nhân vật,… Song trong khuôn khổ một bài nghiên cứu có tính khái quát cơ bản về những đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, những biểu hiện cụ thể của “kỳ” hay “lạ hóa” vẫn còn nhiều vấn đề chưa được bàn đến. Trong luận văn thạc sĩ Nghệ thuật tự sự trong 41 chuyện tầm phào của Mạc Ngôn (Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2006), Trần Thị Thanh Thủy cho rằng yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự thành công cho tiểu thuyết 41 chuyện tầm phào chính là ở chỗ tự bên trong tác phẩm chứa biết bao điều mới lạ. Tác giả đã lần lượt miêu tả và phân tích những sáng tạo và đổi mới của Mạc Ngôn trong tiểu thuyết này ở các phương diện: kết cấu, nghệ thuật trần thuật, ngôn ngữ tự sự. Trong đó, cốt truyện lồng ghép, tự sự hai điểm nhìn, ngôn ngữ miêu tả cảm giác vừa thực vừa hư là những khía cạnh thể hiện rõ nhất sự mới lạ trong bút pháp của nhà văn. Tuy vậy, có thể thấy, luận văn không trực tiếp đề cập đến cái kì trong tiểu thuyết 41 chuyện tầm phào nói riêng cũng như trong tiểu thuyết Mạc Ngôn nói chung. Vì thế, tất yếu cái “kỳ” không được tập trung tìm hiểu cụ thể và cặn kẽ. Nguyễn Thị Minh Quân trong luận văn thạc sĩ Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Đàn hương hình của Mạc Ngôn (Đại học sư phạm Hà Nội, năm 2006) có chỉ ra yếu tố kì ảo trong tác phẩm này ở phương diện không gian. Theo tác giả, không gian ảo chủ yếu hiện lên trong thê giới tâm lý của các nhân vật, cách đánh giá của các nhân vật về cuộc sống. Không gian này được thể hiện ở không gian của cuộc đọ râu, giao mắt; không gian hành hình; không gian của các loài thú vật hiện lên trong cảm nhận
- của Giáp Con,… Chính kiểu không gian này đã tạo tính mơ hồ cho đề tài của truyện và làm giảm bớt tính ghê rợn của các cuộc hành hình. Rõ ràng, trong sự giới hạn của đề tài và phạm vi nghiên cứu, người viết không đi sâu vào những biểu hiện của “kỳ” trong tiểu thuyết này và các tiểu thuyết khác của Mạc Ngôn. Bài viết đầu tiên tập trung nghiên cứu đến những biểu hiện của cái “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn là của Hoàng Thị Bích Hồng với tiêu đề “Nghệ thuật trần thuật gắn với thủ pháp lạ hóa trong tiểu thuyết Mạc Ngôn” (Tạp chí Sông Hương, số 224, năm 2007). Tác giả đưa ra 3 biểu hiện của thủ pháp này trong tiểu thuyết Mạc Ngôn: miêu tả cảm giác (thể hiện qua khả năng giao lưu giữa người với vạn vật, mùi vị riêng của các nhân vật); thủ pháp kì ảo (motif linh hồn và giấc mơ, huyền thoại về nhân vật); phóng đại cái chết và nâng khổ hình lên tầm mỹ học của bạo lực. Đây là bài viết có tính khái quát và gợi mở vấn đề, cũng chính vì thế mà nó chưa đào sâu vào cái “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn một cách cụ thể và đầy đủ. Khi tìm hiểu hai góc nhìn: góc nhìn hư ảo và góc nhìn súc vật, Nguyễn Thị Tịnh Thy trong bài viết “Điểm nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn” (Tự sự học – Một số vấn đề lý luận và lịch sử (Phần 2), Nxb Giáo dục, 2008) cũng đã động chạm đến cái “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn ở khía cạnh điểm nhìn. Cái nhìn hư ảo trong tiểu thuyết Mạc Ngôn thể hiện qua cái nhìn hư ảo của người say rượu (Tửu quốc), say thịt (41 chuyện tầm phào), và của người ngốc (Đàn hương hình). Các nhân vật này luôn đứng ở trạng thái mơ hồ giữa hai bờ thực-ảo để trần thuật. Cái nhìn súc vật thể hiện chủ yếu trong tác phẩm Sống đọa thác đày với các điểm nhìn của lừa, lợn, chó. Như vậy, có thể thấy, một khía cạnh của “kỳ” đã được nghiên cứu và trình bày một cách gián tiếp trong bài viết này. Luận văn thạc sĩ Người kể chuyện trong tiểu thuyết Mạc Ngôn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, năm 2010) của Bùi Thị Thanh Hương cho rằng điểm nhìn hư ảo là một trong những biểu hiện của thủ pháp hiện thực huyền ảo vốn có nguồn gốc từ văn học Mỹ Latin và từ truyền thống hiếu kỳ của văn học Trung Quốc bên cạnh những biểu hiện khác như người kể chuyện xa lạ, cốt truyện mê lộ, chi tiết giấc mơ, tưởng tượng, nhân vật thần kỳ với những nét huyền thoại,… Tác giả luận văn cũng khai thác đặc điểm của điểm nhìn hư ảo với điểm nhìn của người say rượu (Tửu quốc), say thịt (41 chuyện tầm phào), của người ngốc (Đàn hương hình) và của người kể chuyện khó xác định (Thập tam bộ). Bên cạnh điểm nhìn hư ảo, điểm nhìn súc vật trong Sống đọa thác đày cũng nhuốm màu hư ảo. Với việc phân tích những điểm nhìn hư ảo trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, luận văn này đã cụ thể hóa đôi nét về một trong những biểu hiện của “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn. 2.2 Tình hình nghiên cứu Mạc Ngôn ở Trung Quốc
- Trong Người tỉnh nói chuyện mộng du (2008) (Nxb Văn học, Hà Nội) và một vài lần trả lời phỏng vấn (được Lâm Kiến Phát và Vương Nghiên tập hợp trong Mạc Ngôn và những lời tự bạch (2004) (Nxb Văn học, Hà Nội)) Mạc Ngôn có đề cập đến những bài viết, công trình nghiên cứu cũng như những người đã tìm hiểu các sáng tác của ông. Trong đó, có thể kể đến hàng loạt bài viết của Lý Hồng Chân thời kỳ đầu. Ở những bài viết đó, Lý Hồng Chân đã tốn khá nhiều công và hình thành nên cả một hệ thống và đã chỉ rõ một số nét riêng của Mạc Ngôn một cách toàn diện. Chu Hương Tiễn của bộ phận nghệ thuật quân giải phóng thì đề cập đến một số điểm khác của Mạc Ngôn với các nhà văn nói chung, bao gồm cả bài phê bình đối với truyện ngắn Bạch cẩu thiên thu giá. Giữa thập niên 80, Trương Chí Trung viết “Bàn về Mạc Ngôn” một cách khái quát về con người và các sáng tác của Mạc Ngôn. Trương Thanh Hoa khi viết “Nhìn lại tư trào văn học chủ nghĩa lịch sử mới trong mười năm” đăng trên số 4 năm 1988 của tạp chí “Trung Sơn” khá có tiếng ở Lục địa thì cho rằng Mạc Ngôn là người đã tiến tới làm cho lịch sử trở thành đối tượng của thẩm mỹ, dân gian hóa nội dung lịch sử và phong cách kể cũng được dân gian hóa với hàng loạt tiểu thuyết về gia tộc Cao lương đỏ. Bài viết “Thế giới bị ký ức vây bọc – Góc nhìn trẻ thơ trong sáng tác của Mạc Ngôn” của Trình Đức Bồi người Thượng Hải đã phân tích mối quan hệ giữa sáng tác và thời niên thiếu của Mạc Ngôn. Tương tự, Quý Hồng Trân cũng có ý kiến về việc Mạc Ngôn lựa chọn góc nhìn hương thôn và góc nhìn niên thiếu đã tạo nên cá tính sáng tác trong tiểu thuyết của nhà văn này,… Bên cạnh những nghiên cứu có tính chất tổng hợp, khái quát còn có nhiều bài viết tìm hiểu một số tác phẩm tiêu biểu của Mạc Ngôn như bài viết của Kiều Lương về Đàn hương hình… Có thể thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều bài viết, công trình nghiên cứu tác gia và tác phẩm Mạc Ngôn đã chứng minh sức thu hút cũng như vai trò, vị trí của Mạc Ngôn và sáng tác của ông trên văn đàn Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, do điều kiện và khả năng hạn chế, người viết chưa tiếp xúc được trực tiếp với các bài viết, công trình này. Ngoài ra, trên các trang web tiếng Anh cũng có nhiều bài viết đề cập đến Mạc Ngôn và tiểu thuyết của ông. Tuy nhiên những bài viết này chỉ mang tính chất giới thiệu khái quát về con người, sự nghiệp cũng như một số tác phẩm của Mạc Ngôn đã được xuất bản ở các nước phương Tây. Nhìn chung, vấn đề cái “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn tuy có được tình cờ nhắc đến lẫn được tìm hiểu một cách chủ động, tập trung qua việc nghiên cứu thủ pháp lạ hóa trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn song vấn đề vẫn chưa thể có được những cái nhìn toàn diện, sâu sát. Điều này có thể được giải thích bởi sự giới hạn của đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu và dung lượng văn bản nghiên cứu mà các tác giả xác định. Nghiên cứu cái “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn hi vọng sẽ tiếp nối và bổ sung phần nào vào lịch sử nghiên cứu vấn đề này vốn có những điều còn để ngỏ, đặc biệt là những biểu hiện cụ thể của “kỳ” trong hàng loạt tiểu thuyết của tiểu thuyết gia Trung Quốc Mạc Ngôn.
- 3. Đối tượng nghiên cứu Luận văn chủ yếu tập trung nghiên cứu biểu hiện của “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn ở cả hai phương diện nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện như “kỳ” trong hình tượng nhân vật, hình tượng không gian, nghệ thuật miêu tả, nghệ thuật kể chuyện,.... Để việc nghiên cứu này có thể được tiến hành trên một cơ sở lý thuyết ổn định và rõ ràng, chúng tôi cũng sẽ đi vào giới thuyết nội hàm khái niệm “kỳ”. Đồng thời, việc chứng minh “hiếu kỳ” là một trong những truyền thống của văn học Trung Quốc nói chung, tiểu thuyết Trung Quốc nói riêng sẽ giúp ích chúng ta trong việc đánh giá “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn như một yếu tố quan trọng thể hiện sự kế thừa, tiếp nối và sáng tạo của Mạc Ngôn đối với văn học dân tộc. 4. Phạm vi nghiên cứu Luận văn tiến hành nghiên cứu cái kỳ trong phạm vi một số tiểu thuyết của Mạc Ngôn đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, bao gồm: 1. Báu vật của đời (2001), Trần Đình Hiến dịch, NXB Văn nghệ 2. Đàn hương hình (2002), Trần Đình Hiến dịch, NXB Phụ nữ 3. Rừng xanh lá đỏ (2003), Trần Đình Hiến dịch, NXB Văn học 4. Tửu quốc (2004), Trần Đình Hiến dịch, NXB Hội Nhà văn 5. Tổ tiên có màng chân (2006), Thanh Huệ, Bùi Việt Dương dịch, NXB Văn học 6. Sống đọa thác đày (2007), Trần Trung Hỷ dịch, NXB Phụ nữ 7. Tứ thập nhất pháo (2007), Trần Trung Hỷ dịch, NXB Văn nghệ 8. Thập tam bộ (2009), Trần Trung Hỷ dịch, NXB Văn nghệ 9. Ếch (2010), Nguyên Trần dịch, NXB Văn học Ngoài ra trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng khảo sát những sáng tác của Mạc Ngôn ở các thể loại khác như truyện dài, truyện ngắn, tản văn; những bài trả lời phỏng vấn hay bài nói chuyện của Mạc Ngôn với độc giả… đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam. 5. Phương pháp nghiên cứu Để tìm hiểu cái "kỳ" trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, chúng tôi đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu văn học sau: 5.1. Phương pháp tiểu sử
- Phương pháp tiểu sử là phương pháp tìm hiểu và nghiên cứu tiểu sử nhà văn để lý giải tác phẩm văn học. Các sáng tác của Mạc Ngôn thường chịu sự chi phối và ảnh hưởng của những trải nghiệm, đặc biệt là những trải nghiệm thời niên thiếu đầy ám ảnh của chính mình. Cái "kỳ" trong tiểu thuyết Mạc Ngôn vì thế cũng là kết quả của những trải nghiệm đó. Do vậy, việc sử dụng phương pháp này vào nghiên cứu cái "kỳ" sẽ làm sáng tỏ một số vấn đề về vết tích, cội nguồn của "kỳ" trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, dưới góc độ nó là sản phẩm của một thời ấu thơ, một thời niên thiếu tăm tối một cách đáng sợ với sự đeo bám của cái đói, cái rét và sự vây bọc của nỗi cô đơn. 5.2. Phương pháp so sánh Tinh thần của phương pháp so sánh là hiểu một sự vật thông qua các sự vật khác. Vì vậy, muốn hiểu rõ cái "kỳ" trong tiểu thuyết Mạc Ngôn hơn, chúng tôi đã sử dụng phương pháp này trong suốt quá trình nghiên cứu của mình để làm rõ những tương đồng và dị biệt của cái "kỳ" giữa hai hay nhiều đối tượng, chẳng hạn như so sánh biểu hiện của "kỳ" trong nội bộ các tác phẩm Mạc Ngôn, "kỳ" trong tiểu thuyết Mạc Ngôn với "kỳ" trong các tác phẩm văn học của các tác giả văn học Trung Quốc cùng thời hay khác thời, các tác phẩm của các tác gia văn học phương Tây,… Từ đó, thấy được sự kế thừa và tiếp nối truyền thống, sự tiếp thu và vận dụng phương Tây, cũng như sự sáng tạo của Mạc Ngôn trong việc sáng tác nhìn từ góc độ của cái "kỳ". 5.3. Phương pháp lịch sử-xã hội học Ưu điểm của phương pháp này là nó đặt hiện tượng văn học vào bối cảnh xã hội để nghiên cứu, tránh cho chúng ta khỏi sa vào lối nghiên cứu siêu hình, xa rời thực tiễn. Tiểu thuyết Mạc Ngôn chủ yếu xoay quanh hai đề tài: thế sự và lịch sử. Tách rời bối cảnh xã hội của những tiểu thuyết đó chúng ta sẽ không có được những lý giải xác đáng đối với tiểu thuyết của ông nói chung, cái "kỳ" trong tiểu thuyết Mạc Ngôn nói riêng. Cái "kỳ" trong tiểu thuyết Mạc Ngôn mặc dù là sản phẩm của hư cấu và tưởng tượng, nhưng chúng một mặt, là sự biến dạng của những hiện tượng, sự kiện có thực; mặt khác, "kỳ" như là một phương thức phản ánh hiện thực của Mạc Ngôn. Do vậy, nắm bắt bối cảnh xã hội, lịch sử sẽ góp phần nhận ra những biểu hiện cũng như giá trị nghệ thuật của "kỳ" trong tiểu thuyết của ông hơn. Bên cạnh những phương pháp nghiên cứu văn học trên, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã sử dụng những thao tác quen thuộc trong nghiên cứu văn học như thống kê, phân tích, tổng hợp,… 6. Cấu trúc của luận văn Ngoài Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, cấu trúc của luận văn gồm có 3 chương:
- Chương 1. Trình bày nội hàm khái niệm “kỳ” và truyền thống “hiếu kỳ” trong văn học Trung Quốc, tạo nền tảng cho việc tìm hiểu “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn được thực hiện ở hai chương sau đó. Đồng thời, chúng tôi cũng tiến hành kiến giải một cách cơ bản nguyên nhân vì sao tiểu thuyết Mạc Ngôn lại đậm chất “kỳ” như vậy. Chương 2. Phân loại, miêu tả, phân tích và đánh giá biểu hiện của cái “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn từ phương diện hình tượng nghệ thuật: hình tượng nhân vật và hình tượng không gian. Chương 3. Tìm hiểu một số thủ pháp nghệ thuật đậm chất “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn như nghệ thuật miêu tả và nghệ thuật tự thuật. 7. Đóng góp của luận văn Với việc tìm hiểu những biểu hiện của “kỳ” trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, chúng tôi hi vọng đã mang được cái nhìn tương đối cụ thể và bao quát về vấn đề, từ đó, góp thêm một nét bút vào hành trình khắc họa chân dung và phong cách nghệ thuật Mạc Ngôn. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn rằng đề tài sẽ tạo được tiền đề, trở thành một tài liệu tham khảo hữu ích cho những công trình nghiên cứu sau này có liên quan đến Mạc Ngôn, tiểu thuyết Trung Quốc hay đến cái “kỳ” trong văn học,…
- CHƯƠNG 1: “KỲ” VÀ TRUYỀN THỐNG “HIẾU KỲ” TRONG TIỂU THUYẾT TRUNG QUỐC 1.1. Giới thuyết nội hàm khái niệm “kỳ” Nghiên cứu "kỳ" trong một phạm vi văn học nhất định nào đó không phải là sự lựa chọn mới mẻ của những người làm công tác phê bình văn học. Sự tồn tại và tăng lên của những bài viết hay công trình có liên quan tới khái niệm "kỳ" đã dần dần cung cấp cho khái niệm "kỳ" một nội hàm ngày càng cụ thể, đầy đủ hơn. Tuy vậy, nếu cần phải đưa ra một giới thuyết tương đối hoàn chỉnh, xác định những nét nghĩa phức tạp của "kỳ" với tư cách là một phạm trù, một đặc trưng thẩm mỹ của văn học Trung Quốc, thì đó vẫn là một công việc không hề đơn giản. 1. Trong luận án phó tiến sĩ khoa học Ngữ văn năm 1992 Đặc điểm kết cấu Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung, tác giả Trần Lê Bảo đã phân loại các nét nghĩa tương đối gần nhau của "kỳ" để phù hợp với việc phân tích và cảm nhận nội tại nghệ thuật và nội dung tác phẩm Tam quốc trong số 19 nét nghĩa được đưa ra trong “Trung văn đại từ điển” như sau: “Trước hết là nhóm "kỳ" có nét nghĩa là lạ, khác thường: "Kỳ" là khác lạ (dị dã – Thuyết văn)… "kỳ" là vật lạ hiếm có là cái khác thường. "Kỳ" là cái khác xa với cái đã có (Sử ký – Ngoại thích thế gia). "Kỳ" là quái (Hán Thư – Ngũ hành chi trung chỉ thượng). Vẻ lạ biến cố vô thường. "Kỳ" là xuất chúng (Bì Nhật Hưu – Cổ sam thi). Ba tầm (8 thước) đen hơi lạ. "Kỳ" là thậm (rất) (Thế thuyết tân ngữ bổ - Đức Hạnh). Nhờ có chăn đắp giữ ấm lạ lùng mà rơi lệ. "Kỳ" là sở trường (Hoài Nam Tử - Thuyên ngôn huấn). Bậc Thánh không theo cái sở trường người khác. Có thể nói, "kỳ" là cái lạ, cái khác biệt, phi thường, xuất chúng” [2, tr.42] Và khi phân tích đặc điểm kết cấu của Tam quốc từ yếu tố cái "kỳ"-tư tưởng kết cấu tiểu thuyết Tam quốc, người viết công trình cơ bản đã đưa ra hai nét nghĩa chủ yếu của khái niệm "kỳ": thứ nhất, "kỳ" là cái khác lạ, cái khác biệt, phi thường, xuất chúng; thứ hai, "kỳ" là ly kỳ biến ảo và đã tiến hành khảo sát biểu hiện của "kỳ" trong tư tưởng của Tam quốc theo hai nét nghĩa này. Phân tích kết cấu của Tam quốc, Trần Lê Bảo còn khai thác cái xảo – nghệ thuật tổ chức nghệ thuật trong tác phẩm. Ông cho rằng, “xảo là kỹ thuật đạt tới mức tinh xảo, điêu luyện. Nó là sự tổ chức giỏi tới mức hết sức tự nhiên mà các yếu tố, sự kiện liên kết với nhau không vết đứt nối. Nó là một yếu tố
- thẩm mỹ quan trọng của văn chương nói chung và tiểu thuyết nói riêng” [2, tr.81]. Tuy thế, tác giả cũng không tách rời cái "kỳ" với cái “xảo” và thừa nhận, ở một góc độ nào đó, “xảo” cũng là một phương diện của “kỳ”. “Kỳ” nhờ có “xảo” mà “kỳ” hơn, “xảo” mà không có “kỳ nhân”, “kỳ sự” cũng thành xảo ngụy. Đặc điểm kết cấu Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung là công trình trình bày tương đối cụ thể về nội hàm khái niệm "kỳ". Ở những bài viết hay công trình khác, khái niệm "kỳ" được định nghĩa khá sơ lược, việc nhận ra quan điểm của tác giả như thế nào là "kỳ" chủ yếu thông qua những phân loại, phân tích của tác giả về biểu hiện của "kỳ" trong phạm vi mà họ tìm hiểu. Khi đi tìm những biến đổi của yếu tố kỳ và thực trong truyện ngắn truyền kỳ Việt Nam, Vũ Thanh khẳng định “những tác phẩm văn xuôi nổi tiếng nhất của văn học Viễn Đông đều chứa đựng trong nó những yếu tố “kỳ lạ”. Cái kỳ lạ đầy rẫy trong huyền thoại tôn giáo, trong sử ký và là một đặc điểm của tư duy dân gian được phản ánh trong thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích” [41, tr.546]. Có thể thấy, một trong những đối tượng mà tác giả xác định là sự thể hiện của yếu tố kỳ chính là những cái siêu nhiên thường thấy trong thần thoại, sử thi hay cổ tích,…ngoài ra, tác giả cũng thừa nhận có những điều không cần sự có mặt của cái siêu nhiên, thần thánh nhưng vẫn tạo nên chất truyền kỳ cho tác phẩm, đó là vì tác phẩm dung nạp những cái lạ kỳ của đời thường. Vậy, khái niệm "kỳ" trong bài viết của tác giả Vũ Thanh phần nào được xác định bởi hai nét nghĩa: siêu nhiên và khác lạ. Cái "kỳ" trong tiểu thuyết truyền kỳ thường nhận được mối quan tâm của những người nghiên cứu khi "kỳ" là hạt nhân cơ bản trong loại tiểu thuyết này. Trong bài viết “Cái "kỳ" trong tiểu thuyết truyền kỳ” (Tạp chí Văn học, số 10, năm 2000), tác giả Đinh Phan Cẩm Vân cho rằng truyền kỳ là truyền đi một sự kỳ lạ. Song cái "kỳ" - lạ - trong truyền kỳ không dừng lại ở việc ghi chép “kỳ sự”, “kỳ nhân” mà còn là một phương thức tư duy nghệ thuật kiểu phương Đông. Thông qua việc tác giả cung cấp những đặc điểm cơ bản của "kỳ" trong tiểu thuyết truyền kỳ và chứng minh nó bằng những biểu hiện cụ thể về mặt tình tiết, không gian, thời gian, nhân vật; chúng ta có thể nhận thấy "kỳ" theo tác giả là lạ. “Kỳ” - lạ - vừa có thể là ảo; cũng có thể không ảo, nhưng không quen thuộc, khó gặp, hi hữu. Đến công trình Tiếp cận thể loại văn học cổ Trung Quốc (2011) (Nxb Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh), tác giả này khẳng định thêm “cái "kỳ" vừa là nội dung, thủ pháp nghệ thuật vừa là tư tưởng” [56, tr.55], nghĩa là cái "kỳ" không chỉ thuộc phạm trù nội dung mà nó còn là nét đặc trưng của nghệ thuật truyền kỳ khi truyền kỳ không ghi chép, tường thuật chuyện lạ một cách đơn giản mà đã đạt đến một trình độ nghệ thuật nhất định. Như vậy, "kỳ" ở đây trở thành một tiêu chí đánh giá chất lượng nghệ thuật tác phẩm. Nói cách khác, "kỳ" trong “kỳ văn” là hay, là xảo diệu vậy.
- “Cái “kỳ” trong Thánh Tông di thảo” (2006) (in trong Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh – 30 năm nghiên cứu và giảng dạy) của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Thúy cung cấp một cái nhìn bao quát, cụ thể về những biểu hiện của "kỳ" trong tác phẩm truyền kỳ nổi bật của văn học trung đại Việt Nam này. Với cách xác định những biểu hiện của yếu tố "kỳ" trong bài viết, có thể thấy rằng, tác giả bài viết đã quan niệm "kỳ" là một khái niệm chứa đựng trong nó những gì liên quan tới lực lượng siêu nhiên; tới cảnh, vật phi thực, thần ảo; tới con người bí ẩn, thần kỳ;…tức "kỳ" nhất định phải bao hàm cái ảo, cái siêu nhiên, cái kỳ lạ. Bên cạnh đó, tác giả cũng xem "kỳ" như một cách thức tổ chức, kiến tạo nên những tác phẩm thuần hiện thực nhưng có sức hấp dẫn kỳ lạ. Trên đây chỉ là một thao tác điểm lại một số nghiên cứu của các học giả Việt Nam trong việc tiếp cận cái "kỳ" ở một đối tượng tác phẩm nào đó. Tất nhiên nó chưa thể bao quát đầy đủ những bài viết, công trình có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến vấn đề, nhưng việc này phần nào giúp chúng ta có cái nhìn lịch sử sơ lược về nội hàm khái niệm "kỳ" đã được hình thành từ những suy nghĩ của các tác giả đối với cái "kỳ". Có thể nhận thấy, hầu hết các tác giả đều thống nhất với nhau về các nét nghĩa của "kỳ" thông qua cách họ định nghĩa hay qua cách họ xác định ngoại diên của "kỳ" trong phạm vi mà mình tìm hiểu. Trước hết, "kỳ" luôn gắn liền với cái ảo. Cái ảo bao giờ cũng "kỳ", cũng lạ, thế nên khía cạnh đầu tiên và cũng là khía cạnh không thể bỏ qua của "kỳ" chính là cái kỳ ảo. Cái được gọi là kỳ ảo thường có mặt trong các truyện truyền kỳ, theo các nhà nghiên cứu, là các thế lực siêu nhiên, phi phàm như thần phật, tiên ma, yêu quái; những hiện tượng vượt khỏi tầm kiểm soát và khả năng dự đoán cũng như lý giải của con người như biến dạng, giấc mơ linh nghiệm, báo mộng, tiền định,… Rõ ràng, những đối tượng ảo này bao giờ cũng là mục tiêu lựa chọn trước nhất khi người nghiên cứu muốn bàn đến cái "kỳ" trong phạm vi mà họ xác định. Tiếp theo, các tác giả cũng đều chỉ ra biểu hiện của "kỳ" tại những nơi mà cái ảo rất mờ nhạt hay hoàn toàn vắng bóng. “Kỳ” có thể tồn tại trong những tác phẩm thuần hiện thực. Chỉ có điều cái hiện thực đó nhất định không phải là một hiện thực người nào cũng biết, người nào cũng hay mà phải là một hiện thực hi hữu, hiếm gặp và lạ lùng so với hiểu biết, kinh nghiệm và mong ước của đại đa số người đọc. Đây chính là cái "kỳ" của Phú cái truyện (Thánh Tông di thảo) – câu chuyện về người đàn bà quanh năm ăn mày, nhưng người ta lại tìm thấy rất nhiều tiền trong nhà bà ta sau khi bà ta chết đi;… “Kỳ” nhìn từ góc độ này còn là những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên (kỳ ngộ) để viết nên những câu chuyện về “kỳ duyên”; những trí tuệ siêu việt, hơn người (kỳ trí) như Khổng Minh Gia Cát Lượng trong Tam quốc; những trận đánh ly kỳ, hấp dẫn và đầy biến hóa trong Tam quốc;… Loại bỏ những yếu tố thần
- ảo, hư cấu, một hiện thực cuộc sống vốn ẩn chứa nhiều điều phi thường, kỳ diệu đã giúp nó dù có thực, nhưng vẫn rất "kỳ" trong nhận cảm của tất cả chúng ta. Nhưng "kỳ" không chỉ là nội dung của tác phẩm. Dù không trùng khớp với nhau về cách gọi tên, nhưng các nhà nghiên cứu đều đồng ý về một địa hạt khác mà "kỳ" có thể tồn tại: "kỳ" trong hình thức hay nghệ thuật xây dựng và kiến tạo tác phẩm. Theo Trần Lê Bảo, "kỳ" đó là xảo. Nói một cách khái quát, "kỳ" là trình độ nghệ thuật điêu luyện, tài tình của tác phẩm; "kỳ" thể hiện cái “kỳ tài” của tác giả khi thuật lại những “kỳ nhân”, “kỳ sự” được thể hiện ở các phương diện nghệ thuật của một tác phẩm văn học như xây dựng tổ chức hệ thống hình tượng nghệ thuật (nhân vật, thời gian, không gian,…); tổ chức, sắp xếp hệ thống tình tiết; cấu trúc bố cục tác phẩm;… 2. Qua những gì đã thu nhận được từ quá trình tìm hiểu những nghiên cứu liên quan tới "kỳ" của những người đi trước, chúng tôi tạm thời đưa ra một cách hiểu tương đối cụ thể về khái niệm này như sau: “Kỳ” trước nhất là ảo. Cái ảo trong văn học tự bản thân nó đã viết riêng cho mình một lịch sử đáng lưu ý khi mà nó được nâng lên thành một thể loại gây nhiều tranh cãi từ trước đến nay: văn học kì ảo. Hàng loạt cách hiểu, hàng loạt quan niệm về cái kỳ ảo và văn học kỳ ảo thi nhau xuất hiện sau khi người ta chứng kiến sự sản sinh ồ ạt và lý thú của những tác phẩm văn học hiện đại nhưng thấm đẫm tính chất huyền ảo. Theo Gs.Phùng Văn Tửu định nghĩa: “cái kỳ ảo là cái lạ lùng, không có thật, không thể bắt gặp trong thế gian này, nói chung là cái siêu nhiên nếu ta hiểu cái siêu nhiên là những gì không tồn tại trên đời” [53, tr.270]. Và thế giới của cái siêu nhiên cũng được tác giả phân tách thành hai loại. Một bên là những ma quỷ, thần thánh trên thiên đường, dưới địa ngục, nói chung thuộc “thế giới bên kia” cùng với các đặc tính, năng lực siêu nhiên của chúng – đây cũng là chất liệu phổ biến của văn học kỳ ảo truyền thống – như quỷ sứ, bóng ma, oan hồn, bùa ngải, thần chú,…Một bên là những con người, những sự kiện trên thế gian này nhưng đã được kỳ ảo hóa bằng trí tưởng tượng của nhà văn – đây lại là hướng khai thác của truyện kỳ ảo hiện đại – như sự biến hình không lý do của Gregor Samsa trong Biến dạng của F.Kafka, sự xuất hiện của cụ già có đôi cánh khổng lồ trong Cụ già có đôi cánh khổng lồ của G.G.Marquez. Về dấu hiệu đặc trưng cái kỳ ảo, Tzevan Todorov cho rằng cái kỳ ảo là cái có khả năng gây ra sự phân vân (của độc giả hoặc nhân vật). Ông viết: “cái kỳ ảo, đó là sự lưỡng lự cảm nhận bởi một con người chỉ biết có các quy luật tự nhiên, đối diện với một hiện tượng bên ngoài mang tính siêu nhiên” [54, tr.34].
- Thông qua một vài định nghĩa trên đây, chúng ta nhận thấy chúng đều gặp gỡ, giao thoa nhau ở luận điểm cho rằng cái kỳ ảo là cái lạ thường, cái siêu nhiên. Cái lạ thường, siêu nhiên ấy đặt người đọc vào trạng thái nghi ngờ, phân vân lưỡng lự vì không thể giải thích được nó bằng tư duy logic thông thường, bằng nền tảng tri thức phổ quát của nhân loại đã có. Và theo sự phát triển của văn học, cái kì ảo được thể hiện trong các tác phẩm cũng khác nhau, có cái kỳ ảo hoang đường gây hoang mang, lo lắng, sợ hãi, kinh ngạc,… nhưng cũng có cái kỳ ảo hoang đường nhưng lại nhẹ nhàng, thậm chí được miêu tả một cách thản nhiên như đó là chuyện bình thường (trường hợp biến hình của Gregor Samsa trong Biến dạng của Kafka là tiêu biểu nhất cho dạng này). Góp mặt vào lĩnh vực của cái kỳ ảo chính là các thế lực siêu nhiên trong thần thoại, cổ tích, sử thi, tôn giáo,… như thần phật, tiên ma, yêu quái, quỷ sứ,…; những hồn ma, tinh linh, bùa ngải, thần chú, bảo bối thần kỳ,… Quan niệm của người Trung Quốc về cái ảo như là một biểu hiện đặc trưng của cái "kỳ" có thể được thấy rõ trong việc những tác phẩm được xem là truyền kỳ của quốc gia này luôn chứa đựng những điều thần ảo như nhân vật thần, quỷ, cõi tiên, cảnh mộng,… Truyền kỳ đời Đường, Liêu trai chí dị đa số đều là những câu chuyện được tạo thành từ những yếu tố kỳ ảo như vậy. Nhưng ảo không phải là tất cả “kỳ”. “Kỳ” còn bao hàm cả cái lạ. Tzevan Todorov khi khảo sát cái kỳ ảo đã xem xét khả năng thâm nhập của hai vị “láng giềng”: cái lạ và cái thần diệu đối với cái kỳ ảo. Ông hình dung những phân nhánh dựa vào biểu đồ: Lạ thuần túy / Kì ảo – lạ / Kì ảo – thần diệu / Thần diệu thuần túy “Kì ảo – lạ được hiểu là những hiện tượng tỏ ra siêu thường trong suốt câu chuyện, tới kết thúc được giải thích một cách duy lí” [54, tr.57]. Các hiện tượng đó có khả năng làm cho độc giả và người đọc tin là có sự can thiệp của cái siêu thường là bởi vì chúng mang tính dị biệt. Kì ảo – lạ có thể được gọi là cái siêu nhiên được giải thích bằng các kiểu sau: trước hết là sự ngẫu nhiên, những trùng hợp; tiếp theo là giấc mộng; tác động của thuốc gây nghiện; những gian lận, lừa bịp; ảo giác của các giác quan và cuối cùng là chứng điên. Cái lạ thuần túy thì lại là “những sự kiện hoàn toàn có thể giải thích được bằng những quy luật của lý tính, nhưng theo cách này hoặc cách khác, chúng khó tin, kỳ quái, gây sốc, độc đáo, gay cấn, dị biệt” [54, tr.59]. Cái lạ ở đây có thể xuất phát từ những ngẫu nhiên hay trùng hợp, ảo giác, giấc mộng,… và từ những cái ngoại lệ: thực tế ngoại lệ, tình huống ngoại lệ, con người ngoại lệ,… trong cuộc sống tự nhiên và con người. Cuốn sách Tội ác và hình phạt của Dostoyevsky là một trường hợp chứa rất nhiều cái lạ như thế: tình huống giết người và quá trình chịu sự trừng phạt của Raskonikov là một sự ngoại lệ, ngoại biệt; kiểu người tư tưởng như Raskonikov cũng không hề quen thuộc với chúng ta. Những ngoại lệ như thế gây ra những hiệu ứng tâm lý gần giống với cái kỳ ảo nhưng vẫn có thể được biện minh
- bằng lý tính một cách cụ thể, rõ ràng; nó thuộc lĩnh vực của cái thực nhưng là một cái thực hi hữu. Một đối tượng nhận thức nào đó dù không thần bí, kì ảo nhưng hiếm gặp, là “chuyện lạ có thực”, là độc nhất vô nhị hay vô tiền khoáng hậu, xưa nay hiếm thấy thì nó ngay lập tức có thể trở thành cái "kỳ". Mặc dù cái kì ảo – lạ, cái lạ có vẻ rời xa cái ảo bởi khả năng có thể giải thích được nhưng chúng vẫn khiến cho nhân vật, độc giả ngạc nhiên, tò mò và nghi hoặc khi tiếp xúc. Nói cách khác, những sự vật hiện tượng mang đặc tính lạ vẫn có sức khêu gợi sự “hiếu kỳ” nơi người tiếp nhận. Khổng Thượng Nhậm đời Thanh có viết rằng: Truyền kỳ là truyền đi những tình tiết khác lạ vậy. Tình tiết không ly kỳ thì không truyền. Vở Đào hoa phiến có gì ly kỳ đâu?... Cái không ly kỳ ấy lại là ly kỳ vậy. Ấy bông hoa đào trên cây quạt đó. Hoa đào, đó là vết máu của người đẹp. Vết máu, ấy là do sự giữ trinh tiết của nàng, đập đầu máu me lênh láng là do không chịu nhục đối với bọn quyền gian. […] Duy chỉ vết máu của người đẹp, ấy là bông hoa đào trên cây quạt vẫn được nhắc nhở ở trên môi, rờ rỡ ngay trước mắt, thế thì tình tiết không ly kỳ mà vẫn ly kỳ, cái không cần thiết truyền mà vẫn đáng truyền vậy. [40, tr.129]. Điều đó có nghĩa là về mặt hình thức, một số sự việc nhỏ nhặt xem ra là tầm thường, nhưng nó lại thể hiện những những nhân vật và tư tưởng không tầm thường chút nào. Cái điều “không ly kỳ mà vẫn ly kỳ” (bất kỳ nhi kỳ) chính là từ trong những sự kiện bình thường, rồi thông qua cấu tứ nghệ thuật xảo diệu, khơi gợi được những chủ đề khác thường rung động lòng người, viết nên được những hình tượng nhân vật mà người đọc không bao giờ quên. “Không ly lỳ mà vẫn ly kỳ” có thể nói rằng, “đó là sự bổ sung và phát triển lý luận truyền thống “không ly kỳ thì không truyền” của Khổng Thượng Nhậm viết ra từ thực tiễn sáng tác của mình” [40, tr.133]. Với quan niệm “bất kỳ nhi kỳ” như vậy, Khổng Thượng Nhậm đã dịch chuyển "kỳ" sang phạm trù của hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Sở dĩ những chuyện chẳng có gì là kỳ nhưng vẫn được truyền lưu là bởi nó có được một hình thức xảo diệu, tinh vi. Có lẽ vì vậy mà Trần Lê Bảo trong luận án Đặc điểm kết cấu của Tam quốc chí diễn nghĩa dù phân lập "kỳ" trong tư tưởng kết cấu và “xảo” trong nghệ thuật tổ chức nhưng vẫn không quên lưu ý với chúng ta về việc “xảo” cũng là một phương diện của cái "kỳ". Ngô Thánh Tích khi bàn về tính truyền kỳ của Tây du ký đã phân biệt tính truyền kỳ và tính thần kỳ như sau: Thần kỳ và truyền kỳ là hai phạm trù tuy có quan hệ mà cũng có sai biệt […] tính thần kỳ chủ yếu do nội dung đề tài quyết định. Tính truyền kỳ không như vậy. Nó là một loại đặc sắc của nghệ thuật tác phẩm văn học. Sự hình thành của nó là biểu hiện sự sáng tạo nghệ thuật của tác giả, là tiêu chí thể hiện sự thành thục trong nghệ thuật của tác giả. Sự xuất hiện của nó phản ánh thành tựu tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm, nói rõ tác phẩm đạt tới thành tựu nghệ thuật nội tại đặc thù, cho nên hai phạm
- trù trên không nên cùng loại” (dẫn theo Đặc điểm kết cấu Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung) [2, tr.37]. Sự phân biệt này cho thấy việc đòi hỏi cần phải có một ngòi bút tài hoa mới có thể nâng một câu chuyện thần kỳ lên tầm một câu chuyện truyền kỳ. Phẩm chất của một câu chuyện truyền kỳ vì vậy không chỉ dừng lại ở chỗ nó chuyển tải một nội dung thần kỳ mà hơn hết là phương pháp, cách thức chuyển tải nội dung đó cần phải tinh tế, uyển chuyển, gọt giũa,… để cái nội dung thần kỳ đó đi sâu vào lòng người đọc và để lại những dư vị đặc biệt. Có ý kiến cho rằng: “Trong trời đất có kỳ nhân sẽ sinh ra kỳ sự, có kỳ sự mới sinh ra kỳ văn” (Từ Như Hàn) (dẫn theo Đặc điểm kết cấu Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung) [2, tr.36]. “Kỳ nhân”, “kỳ sự” có thể là điều kiện cần để một tác phẩm được vinh danh thành “kỳ văn”. Nhưng không phải tác phẩm nào có những yếu tố đó đều được mặc nhiên thừa nhận là “kỳ văn”. Nhiều bộ tiểu thuyết của Trung Quốc như Liêu trai chí dị, Tam quốc chí diễn nghĩa, Thủy hử,… vốn được biên tập và viết lại những câu chuyện về “kỳ nhân”, “kỳ sự” đã tồn tại trước đó, nhưng phải đến ngòi bút của Bồ Tùng Linh, La Quán Trung, Thi Nại Am,… chúng mới trở thành “kỳ thư” lưu danh hậu thế. Đó là vì chúng được thể hiện với một kỹ thuật điêu luyện, nhuần nhuyễn, thuần thục hơn hẳn trước kia. Kỹ thuật viết lại ấy tạo cho tác phẩm một vẻ đẹp khiến người đọc không thể quên, đồng thời gợi nhiều suy nghĩ, liên tưởng kỳ diệu từ trong tâm tư của người đọc. Qua rất nhiều quan điểm liên quan đến cái “kỳ” trong văn học cổ điển, có thể thấy người Trung Quốc đã có ý thức rất rõ về tầm quan trọng của hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Cái truyền thống “hiếu kỳ” của họ có lẽ không chỉ dừng lại ở việc họ luôn có nhu cầu và luôn thích thú với những câu chuyện kỳ, chuyện lạ mà cao hơn, họ mong muốn được nghe, được đọc những trước tác nghệ thuật xứng tầm “kỳ văn”, “kỳ thư”, ngay cả khi “sự bất kỳ” nhưng văn phong, nghệ thuật xảo diệu, thì họ cũng lấy cái xảo diệu đó mà làm "kỳ" và thưởng thức. Như vậy, xét từ góc độ này, “kỳ” trở thành một tiêu chí để đánh giá chất lượng nghệ thuật của một tác phẩm. “Kỳ” ở đây là cái xảo, là kỹ thuật đã đạt đến mức độ diệu kỳ, đẹp đẽ và ấn tượng. “Kỳ” trong nét nghĩa là “lạ”, về mặt nội dung, nó hàm chỉ những sự việc, hiện tượng, con người,… vô cùng mới lạ, từ trước đến nay chưa từng được chứng kiến, được nghe qua, được kể lại. Cũng cùng một nét nghĩa ấy, về mặt nghệ thuật, “kỳ” dùng để chỉ những thủ pháp nghệ thuật, những hình thức biểu hiện tân kỳ, mới lạ và khác biệt. Khái niệm "kỳ", xét từ nét nghĩa là cái mới lạ, tân kỳ trong nghệ thuật thể hiện là một yêu cầu mà các nhà lý luận văn học, giới phê bình, độc giả đặt ra cho người cầm bút. Victor Sklovski, một nhà phê bình lý luận văn học người Nga thuộc trường phái Chủ nghĩa hình thức Nga, trong bài viết “Nghệ thuật như là thủ pháp” đã gọi yêu cầu đó là “lạ hóa”. Ông coi “lạ hóa” “như là một nguyên tắc nghệ thuật phổ quát thể hiện trong mọi cấp độ của nghệ thuật, có tác dụng phá
- vỡ tính tự động máy móc của sự cảm thụ bằng cách tạo ra một “cái nhìn mới” – “khác lạ” – đối với sự vật và hiện tượng quen thuộc chứ không phải là “nhận ra” cái đã biết, tức là phá vỡ những “khuôn hình” đã quen để người ta có thể nhận ra các ý nghĩa mới của sự vật và nhân sinh”[10, tr.172]. Khái niệm “hiệu quả lạ hóa” cũng đã được Bertold Brecht đưa vào mĩ học, căn cứ vào lý thuyết và thực tiễn sân khấu của ông. Theo ông, lạ hóa gây nên ở chủ thể tiếp nhận sự “ngạc nhiên và hiếu kỳ” trước một góc nhìn mới làm nảy sinh một thái độ tiếp nhận tích cực đối với cái thực tại được “lạ hóa” kia. Song dù gọi là “lạ hóa” hay tân kỳ, tất cả cùng đều phản ánh thái độ và ý thức muốn chối từ những hình thức đã quá quen thuộc có thể khiến độc giả nhàm chán của nhà văn. Từ một góc độ nhất định, thủ pháp “lạ hóa” hay sử dụng hình thức biểu hiện mới lạ cũng thuộc cái "kỳ" – “xảo” vừa đề cập ở trên. Một khi sự tân kỳ đóng góp phần lớn vào sự thành công của tác phẩm, mang lại cho tác phẩm một hình thức vừa mới lạ, lại vừa hoàn mỹ, thì không thể phủ nhận cái tân kỳ đó chính là cái “xảo” của tác phẩm. Với nội dung ngữ nghĩa cơ bản và thường dùng nhất của "kỳ" là khác lạ, siêu phàm, việc áp dụng những nét nghĩa đó vào việc tìm hiểu văn học có lẽ không thực sự thuận lợi và rõ ràng. Chính vì vậy, chúng tôi cố gắng giới thuyết một cách cụ thể, chi tiết hơn nội hàm khái niệm này và định vị những trường hợp, đối tượng có thể được xem là "kỳ" trong lĩnh vực văn chương. Ở đây, khi tiến hành giới thuyết, hai phạm trù nội dung và hình thức tạm thời được chúng tôi tách ra để chỉ rõ "kỳ" trong nội dung là gì, và "kỳ" trong hình thức là như thế nào. Đây chỉ là sự phân định mang tính tương đối để phục vụ cho việc trình bày dễ dàng hơn. Bản thân hai mặt nội dung và hình thức không thể biệt lập với nhau, hơn thế, cái "kỳ" trong nội dung và hình thức luôn luôn gắn kết, hòa quyện chặt chẽ với nhau. Kết quả của “lạ hóa” trong cách miêu tả một nhân vật, một sự kiện vừa tạo ra một “kỳ nhân”, “kỳ sự”; một “kỳ nhân”, “kỳ sự” thường phải được thể hiện theo một bút pháp khác lạ, xảo diệu. Nhìn chung, có thể tổng kết những dạng thức khác nhau của "kỳ" trong mỗi phạm trù một cách khái quát và ngắn gọn như sau: về mặt nội dung, "kỳ" sẽ được xác định ở hai nét nghĩa: "kỳ" - ảo và "kỳ" – lạ; về mặt hình thức, "kỳ" là khái niệm dùng để chỉ sự "kỳ" – xảo và "kỳ" – mới. Những thành tố hay phương diện nghệ thuật nào trong tiểu thuyết Mạc Ngôn có những biểu hiện thuộc những nét nghĩa này sẽ được chúng tôi chọn lựa và phân loại, sau đó miêu tả, phân tích rồi có những nhận xét, đánh giá để việc triển khai vấn đề cái "kỳ" trong tiểu thuyết Mạc Ngôn vừa có cơ sở lý thuyết, vừa được rõ ràng, tường minh. 1.2. Truyền thống “hiếu kỳ” trong tiểu thuyết Trung Quốc Tiểu thuyết Trung Quốc vô cùng phong phú, đa dạng về thể loại và nội dung phản ánh. Đi tìm những đặc điểm mang tính khái quát đối với một lịch sử tiểu thuyết như vậy chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, hơn nữa lại phải đối mặt với những khiếm khuyết vì thực tiễn sáng tác hàng nghìn năm làm
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn viết về đề tài tình yêu của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh
185 p | 263 | 50
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du
152 p | 305 | 46
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc trưng nghệ thuật của văn tế Nôm trung đại
132 p | 119 | 32
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học nước ngoài: Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết
20 p | 214 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ XV đến thế kỉ XIX)
115 p | 114 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận Văn học ở Việt Nam từ 1975 đến nay
166 p | 154 | 28
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hồn - Tình - Hình - Nhạc trong thơ Hoàng Cầm
184 p | 154 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết
114 p | 153 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm nghệ thuật thơ Bùi Giáng
168 p | 146 | 22
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nhân vật trí thức văn nghệ sĩ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại
151 p | 100 | 20
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay (qua một số tác giả tiêu biểu)
121 p | 173 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của Phùng Ký Tài (Roi thần, Gót sen ba tấc, Âm dương bát quái)
132 p | 145 | 17
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Khảo sát truyện cổ dân gian Ê Đê dưới góc độ loại hình
167 p | 123 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đóng góp của Tuệ Trung Thượng sĩ cho thơ Thiền Việt Nam
132 p | 158 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân
168 p | 146 | 15
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương
108 p | 122 | 13
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân
172 p | 81 | 10
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học Việt Nam: Tìm hiểu đặc sắc nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945
91 p | 64 | 8
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn