intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Văn học: Giải mã thế giới ảo trong Liêu trai chí dị dưới góc nhìn của huyền thoại học

Chia sẻ: Lavie Lavie | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:98

122
lượt xem
14
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận văn Thạc sĩ Văn học: Giải mã thế giới ảo trong Liêu trai chí dị dưới góc nhìn của huyền thoại học giới thiệu tới các bạn về thế giới ảo – đối tượng nghiên cứu của huyền thoại học; thế giới ảo thể hiện qua cốt truyện và nhân vật trong Liêu trai chí dị; thế giới ảo thể hiện qua không gian và thời gian trong Liêu trai chí dị.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Giải mã thế giới ảo trong Liêu trai chí dị dưới góc nhìn của huyền thoại học

  1. THƯ VIỆN BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Hoàng Thị Thùy Dương GIẢI MÃ THẾ GIỚI ẢO TRONG LIÊU TRAI CHÍ DỊ DƯỚI GÓC NHÌN CỦA HUYỀN THOẠI HỌC Chuyên ngành: Văn học nước ngoài Mã số: 60 22 30 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TRẦN XUÂN ĐỀ Thành phố Hồ Chí Minh - 2010
  2. LỜI CẢM ƠN Trong quá trình học tập tại Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã nhận được sự giúp đỡ từ những tấm lòng mà tôi trân trọng tri ân: Tôi xin gửi lòng biết ơn sâu sắc đến PGS. Trần Xuân Đề, giảng viên trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, người hướng dẫn luận văn. Xin chân thành cảm ơn quý thầy cô khoa ngữ văn trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, phòng Khoa học công nghệ và Sau đại học đã tạo điều kiện cho tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu. Xin cảm ơn gia đình, bạn bè đã tạo điều kiện và động viên tôi trong thời gian vừa qua. Người viết luận văn Hoàng Thị Thùy Dương
  3. MỞ ĐẦU 1.Lí do chọn đề tài Hiếu kỳ dường như là nét tính cách có ở mọi con người trên thế giới rộng lớn này. Không dừng lại ở đó, con người còn có hứng thú đặc biệt với những gì được xem là ảo – giống như thật nhưng không hề có thật. Cho dù đến ngày hôm nay khi khoa học đã rất phát triển, chúng ta vẫn chưa bao giờ thỏa mãn với tất cả những gì khoa học đã soi sáng, bằng chứng là những điều hư ảo, mộng ảo… luôn được tìm kiếm, đón nhận và thưởng thức với thái độ vô cùng thích thú. Trong mỗi con người hôm nay, dù đã cách xa thời nguyên thủy – thời của thần thoại với khoảng cách thời gian được tính bằng đơn vị nghìn năm thì trong tư duy, dù đã phôi phai theo thời gian vẫn in rõ dấu vết của sự tưởng tượng và niềm tin về sự kỳ diệu của thế giới. Mối liên hệ về tư duy của loài người từ thuở ấu thơ đến mãi về sau tuy không có hình hài cụ thể nhưng vô cùng chặt chẽ, hơn nữa cái ảo bản thân nó tuy không có thật nhưng xét cho cùng những đặc điểm riêng biệt của nó thì không phải hoàn toàn hư ảo cho nên con người luôn luôn có hứng thú đặc biệt với đối tượng này, ngay cả trong thời hiện đại. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của các nhà nghiên cứu Jean Chevalier, Alain Gheerbrant đã xác định: “Nếu phương Đông thường được đối lập với phương Tây như là tính duy tinh thần đối lập với chủ nghĩa vật chất, đức hiền minh với sự huyên náo, cuộc sống chiêm nghiệm với cuộc sống hoạt động, siêu hình học với tâm lý học – hoặc với logic học – thì đó là do những khuynh hướng sâu sắc và rất hiện thực…” [13, tr.310]. Như vậy, mặc cho “việc Tây hóa từng bước của các giới thượng lưu phương Đông” [13, tr.310], con người phương Đông nói chung vẫn giữ đặc trưng riêng của mình bằng tính hướng nội – hướng vào bên trong, vào thế giới tinh thần của bản thân mình. Chính vì thế, con người phương Đông cũng tìm kiếm, đón nhận và am hiểu những gì ảo diệu trong cuộc sống này không chỉ bằng trí tuệ mà còn bằng cả trái tim. Trung Hoa là một đất nước có lịch sử lâu đời nhất không chỉ ở phương Đông mà còn là một trong những cái nôi của văn hóa thế giới. Tiêu biểu cho tinh thần của thế giới, đặc biệt là tinh thần phương Đông, từ xưa cho đến tận ngày hôm nay, đất nước này luôn hiếu sử, hiếu sự trên cơ sở sử và sự phải có yếu tố ảo dù ít dù nhiều để thỏa mãn sự hiếu kỳ. Các yếu tố ảo đã trở thành một phạm trù thẩm mỹ của văn hóa Trung Hoa. Văn học dù chỉ là bộ phận của văn hóa nhưng là một trong những nơi lưu giữ nhiều và tập trung nhất các yếu tố ảo qua lăng kính nhìn
  4. nhận của con người cho nên sự kỳ ảo từ xưa đến nay đã làm nên một sắc thái độc đáo của văn học Trung Quốc. Mặc dù đặc trưng đời sống dân tộc và sự tồn tại của đạo Nho khiến cho kho tàng thần thoại của đất nước này thu thập rất ít nhưng bù đắp lại cái ảo đã tạo nên một dòng chảy bền bỉ, lâu dài xuyên suốt lịch sử văn học Trung Hoa. Ở Trung Hoa, văn học có sử dụng các yếu tố ảo ra đời từ rất sớm, thành một dòng riêng khơi nguồn từ những tình cảm lãng mạn trong các câu chuyện thần thoại thời thượng cổ, được bồi đắp bởi truyền kỳ Đường, thoại bản thời Tống – Nguyên, đặc biệt là dòng văn học mộng ảo đời Minh – Thanh… và hiện những năm gần đây xuất hiện hàng loạt những tác phẩm kỳ ảo gây tiếng vang trên cả thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, dù Trung Hoa có cả kho tàng tác phẩm văn học có yếu tố ảo thì nhắc đến thế giới kỳ ảo của văn chương vẫn gợi lên trong lòng người đọc ấn tượng sâu sắc nhất với tiểu thuyết Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh thuộc văn học Minh – Thanh “Các tác giả truyện thần quái Trung Quốc kể có đến hàng trăm người nhưng miêu tả sâu sắc đến chỗ vi diệu, truyện hay, sống động thì chỉ có một họ Bồ mà thôi” [24, tr.10]. Các yếu tố ảo trong tiểu thuyết Liêu trai chí dị đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho người đọc “chuyện hồ quỷ chiếm quá nửa, minh bạch là câu chuyện bịa đặt, mà cái hay cứ hay” [45, tr.6]. Có điều Liêu trai chí dị luôn khiến người đọc say mê nhưng không phải là dễ hiểu khi tiếp cận những yếu tố kỳ bí trong một tác phẩm văn học cổ điển. Giải mã thế giới ảo của tác phẩm này tìm ra cái ma lực hấp dẫn người đọc luôn là thách thức đối với những ai tâm đắc. Nghiên cứu văn học trong mấy chục năm qua đã chứng kiến sự lớn mạnh của huyền thoại học – ngành khoa học nghiên cứu về huyền thoại đặc biệt là huyền thoại trong các tác phẩm văn học. Điều này đã đáp ứng nhu cầu bức thiết của việc nghiên cứu tác phẩm văn học bởi vì văn học và huyền thoại vừa có quan hệ nguồn gốc lại vừa có quan hệ qua lại với nhau. Tác phẩm văn học sử dụng, sáng tạo rất nhiều yếu tố ảo và xét cho cùng chúng có nguồn gốc từ tư duy huyền thoại từ thời nguyên thủy – một kiểu tư duy vẫn tồn tại cùng lịch sử phát triển của loài người. Giờ đây, các tác phẩm có bàn tay gia công, sáng tạo của nhà văn còn sử dụng các yếu tố ảo của huyền thoại nhằm mục đích nâng cao hiệu quả nghệ thuật. Lý thuyết của huyền thoại học không chỉ tìm hiểu các dạng thức huyền thoại trong văn học mà còn chỉ ra nguồn gốc cũng như mục đích sử dụng của nó. Một tác phẩm văn học có giá trị luôn đòi hỏi sự tìm hiểu dưới nhiều góc độ để nó luôn bộc lộ những ý nghĩa mới mẻ. Liêu trai chí dị xưa nay thường được nghiên cứu dưới góc độ xã hội học, thi pháp học… Thử giải mã tuyệt tác văn học này dưới góc nhìn của khoa học về
  5. huyền thoại sẽ thấy cái hay của tác phẩm hiện lên với nhiều chiều kích. Thế giới ảo được tạo nên từ sự kế thừa tư duy huyền thoại – tài sản chung của cả nhân loại, từ đặc tính dân tộc nhưng cũng từ bàn tay, khối óc nhào nặn, sáng tạo của nhà văn Bồ Tùng Linh vì những mục tiêu nghệ thuật của mình. Đó là lí do người viết chọn đề tài “Giải mã thế giới ảo trong Liêu trai chí dị dưới góc nhìn của huyền thoại học”. 2. Lịch sử vấn đề Liêu trai chí dị thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Trước kia, các nhà Nho chính thống cho rằng Liêu trai chí dị chủ yếu viết về hồ ly, những chuyện quỷ quái hoang đường và nói nhiều về tình yêu trai gái nên họ xếp tác phẩm vào loại sách hoang đường và dâm loạn. Tuy nhiên, các ý kiến không ủng hộ tác phẩm chiếm một tỉ lệ vô cùng ít ỏi. Càng về sau, các nhà nghiên cứu có cái nhìn xác đáng hơn rất nhiều đối với Liêu trai. Về tiểu thuyết Liêu trai chí dị của nhà văn Bồ Tùng Linh cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách chi tiết toàn bộ giá trị của tác phẩm. Các nhà nghiên cứu thường đặt sự đánh giá về Liêu trai chí dị bên cạnh sự đánh giá về các tác phẩm khác của Trung Hoa trong khuôn khổ một giáo trình hoặc chỉ tìm hiểu một khía cạnh, một vấn đề của tác phẩm trong khuôn khổ một bài báo, một bài viết thuộc tập hợp các bài nghiên cứu của cùng một tác giả. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tuy phạm vi đánh giá của các nhà nghiên cứu đối với Liêu trai như thế nào thì sự đánh giá đó hết sức sâu sắc và xác đáng, các ý kiến hầu như chỉ để bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu đều khẳng định giá trị của tác phẩm là xây dựng được nhiều yếu tố ảo phát huy được hết sức mạnh của mình. Nhà nghiên cứu Trần Xuân Đề trong cuốn Lịch sử văn học Trung Quốc khẳng định Bồ Tùng Linh có “một phong cách nghệ thuật huyền ảo” [21, tr.210]. Giá trị của Liêu trai được tạo nên nhờ tác giả đã xây dựng được một bức tranh vừa thực vừa ảo: “Trong văn học Trung Hoa nửa cuối thế kỷ XVII – nửa đầu thế kỷ XVIII, Bồ Tùng Linh (1640 – 1715) là một cây bút đoản thiên văn xuôi vĩ đại. Với gần 500 truyện ngắn truyền kỳ xen lẫn chí quái tập hợp trong bộ Liêu trai chí dị, ông đã dựng lên cả một thế giới nghệ thuật kỳ ảo muôn hình muôn vẻ, làm say mê biết bao thế hệ bạn đọc trong hơn 300 năm qua, bắt người ta phải nghiền ngẫm khám phá không biết chán bức tranh thực - ảo đầy bí ẩn của ông…” [14, tr.28]. Nhiều người bình đã thể hiện ấn tượng sâu sắc với Bồ Tùng Linh – người đã đưa rất nhiều yếu tố ma mị vào tác phẩm của mình “tài không được như Can Bảo, thường thích việc sưu thần, tính giống như Hàng Châu, ưa nghe nói chuyện quỷ” [58, tr.272 ]. Số lượng các truyện ngắn tập hợp trong tiểu thuyết Liêu trai chí dị chính xác
  6. là 431, 445, 491, 505… thì vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy số lượng truyện ngắn rất nhiều nhưng sợi dây duy nhất liên kết chúng thành một tiểu thuyết lại dễ dàng được mọi người đồng tình: “Toàn bộ gồm 431 truyện ngắn, đại đa số là chuyện hồ ma, quỷ mị” [39, tr.245]. Theo hai dịch giả Nguyễn Chí Viễn và Trần Văn Từ, Liêu trai “Phần lớn là truyện kể những cuộc tình duyên kỳ ngộ giữa người và hồ ly hoặc ma quỷ” [44, tr.7], có một số truyện không có nội dung trên thì cũng kể về các sự việc huyền bí như chuyện hiển linh của thần thánh, Phật, tiên hoặc tục lạ của loài thú, phép thuật của cao tăng, mánh khóe gian manh của cường đạo, các vật lạ trên đời như đá quý, cỏ lạ, hoa yêu… Cũng không ngoài mục đích khẳng định sự tồn tại một cách vô cùng hấp dẫn của rất nhiều yếu tố ảo trong tiểu thuyết Liêu trai chí dị, nhà nghiên cứu Lê Nguyên Cẩn nhận định “Với Liêu trai chí dị, Bồ Tùng Linh trở thành đại diện tiêu biểu của văn học kỳ ảo Trung Hoa và thế giới” [11, tr.232]. Tất cả các nhận dịnh trên đây đều khẳng định sự tồn tại của thế giới ảo trong Liêu trai chí dị và tạo một tiền đề cơ bản để người viết triển khai các ý kiến của mình. Sau khi nhận định chung về tiểu thuyết Liêu trai chí dị, thông thường các nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu từng khía cạnh của tác phẩm và dĩ nhiên, các yếu tố ảo luôn được chú ý đặc biệt. Thông thường, tác phẩm sẽ được đánh giá theo quan điểm xã hội học. Đây là một hướng nghiên cứu tồn tại khá lâu trong lịch sử nghiên cứu văn học nói chung và Liêu trai chí dị nói riêng. Các công trình, bài viết chủ yếu được tiến hành theo quan điểm giai cấp, quan điểm xã hội để đánh giá nội dung tư tưởng, ý nghĩa xã hội của tác phẩm. Đối với tiểu thuyết Liêu trai chí dị, các yếu tố ảo được xem xét kết hợp với cái thực để làm nổi bật chức năng xã hội của tác phẩm. Tản Đà khi dịch Liêu trai đã có những cảm nhận riêng của mình bày tỏ sự hứng thú đối với tác phẩm nói chung và dành nhiều câu chữ trong lời bình ngắn gọn để bày tỏ sự đánh giá cao Liêu trai ở khả năng phản ánh hiện thực cuộc sống:“Cái hay của Liêu trai chí dị là nghìn vạn cảnh trạng ở nhân gian đều thu vào phiến ảnh rất nhỏ bé, mà cảnh nào tình ấy, nhận cho kỹ sẽ thấy rất rõ ràng” [45, tr. 5]. Lời giới thiệu của một bản dịch Liêu trai chí dị cho rằng hai câu thơ trong truyện Khảo thành hoàng gói gọn triết lý của cả bộ tiểu thuyết Liêu trai. Hai câu thơ đó như sau: “Hữu tâm vi thiện, tuy thiện bất thưởng / Vô tâm vi ác, tuy ác bất phạt” [44, tr.8]. Và dĩ nhiên, theo các dịch giả này, các yếu tố ảo đã làm nên giá trị to lớn của tác phẩm bởi vì “tác giả mượn chuyện ma quỷ, hồ ly để gián tiếp lên án các hành vi bỉ ổi của người đời và luôn thể răn đe người đọc phải tránh tà tâm mới khỏi mắc phải” [44, tr.8]. Bên cạnh các dịch giả, các nhà nghiên cứu dường như cũng rất chú trọng mặt nội dung tư tưởng, ý nghĩa xã hội của tác phẩm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi đã tìm hiểu sâu sắc về nhà văn Bồ Tùng Linh, đặc biệt
  7. là tư tưởng. Ông cho rằng tư tưởng của tác giả này là cả một khối phức tạp chứ không thuần nhất, vừa có trong mình nhân tố phi Nho, lại vừa là một đại biểu trung thành của Nho giáo, vừa biết nhập cuộc khẳng định cuộc sống trần thế, lại vừa rất tin vào thuyết luân hồi nhà Phật, cũng không ít cảm tình với phép thuật trường sinh của giới đạo sĩ. Từ nhận định Bồ Tùng Linh đã thể hiện sự mâu thuẫn tư tưởng trong tác phẩm, nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi đã khẳng định giá trị của Liêu trai chí dị như sau: “Sức mạnh của Liêu trai chí dị chủ yếu là ở chỗ, nó là sản phẩm của trí tưởng tượng của Bồ Tùng Linh nhưng lại không tách rời nền tảng hiện thực của thời đại tác giả” [14, tr.32]. Nội dung của Liêu trai chí dị thường được chia làm ba chủ đề chính: thứ nhất, “vạch trần chế độ chính trị đen tối tham quan ô lại, đả kích các tham quan ô lại, cường hào ác bá, bênh vực những người lương thiện bị oan ức, bị chà đạp, bị bức hại” [62, tr.212]; thứ hai, “đề cập đến tệ hại của chế độ khoa cử, nó đã đầu độc không biết bao nhiêu người, làm cho họ vì công danh mà mê muội, mất hết cả sự phán đoán sáng suốt” [62, tr.214]; thứ ba là “đề tài tình yêu và hôn nhân”, “coi tình yêu say đắm là chính đáng, tác giả nhiệt tình ca ngợi những người đang yêu, dựng dậy những hình tượng rạng rỡ, mạnh mẽ và trong sáng của nam nữ thanh niên trong đời sống yêu đương” [62, tr.218]. Nhà nghiên cứu Trần Xuân Đề trong cuốn sách Lịch sử văn học Trung Quốc cũng nhấn mạnh giá trị nội dung của Liêu trai, cho rằng bộ tiểu thuyết này có ba nội dung chính: tố cáo tội ác của giai cấp thống trị, ca ngợi phẩm chất của những người bị áp bức đặc biệt là những người phụ nữ và không chỉ là sự đấu tranh cho tình yêu lứa đôi, cuối cùng là nội dung tố cáo chế độ khoa cử. Cuốn sách Lịch sử văn học Trung Quốc (Nhà xuất bản Giáo dục, 1997) của Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc bên cạnh sự đánh giá ngắn gọn về một vài đặc điểm nghệ thuật đã tập trung đánh giá về ba nội dung chính của Liêu trai chí dị và chứng minh một cách vô cùng thuyết phục rằng các nội dung của bộ tiểu thuyết này đều phản ánh một cách vô cùng chân thực thực trạng xã hội đương thời. Có nhà nghiên cứu khác đã nhận định khái quát “những tác phẩm chiếm địa vị chủ đạo trong bộ Liêu trai chí dị là phê phán xã hội hiện thực và ảo tưởng về một cuộc sống tốt đẹp. Đó là điều làm cho mọi người yêu thích bộ sách này” [34, tr.60] và đã viết về cuộc đời, tư tưởng phức tạp của Bồ Tùng Linh, phân tích tường tận các nội dung chính của tác phẩm trước khi điểm qua một vài đặc sắc nghệ thuật về ngôn ngữ kể chuyện, về sự kế thừa chí quái và truyền kỳ… Một số dẫn chứng trên đây đã cho thấy các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu Liêu trai chí dị thường chú ý nội dung hơn là nghệ thuật, thường đánh giá cái ảo bằng thước đo chức năng xã hội.
  8. Tất nhiên, nhận xét trên chỉ là tương đối, tất cả các bài viết, công trình nghiên cứu, các cuốn sách có phân tích về Liêu trai chí dị không ít thì nhiều cũng đề cập và có khi phân tích giá trị nghệ thuật của bộ tiểu thuyết này. Bởi vì nghệ thuật của Liêu trai rất thống nhất, độc đáo và có hiệu quả rất cao, là kiểu mẫu, có sự định hướng đối với các tác phẩm văn học Trung Hoa sau này và cả đối với văn học nước khác. Nhà nghiên cứu Trần Lê Bảo trên tạp chí Văn hóa dân gian (số 1 năm 2000) đã gọi các tác phẩm Trung Hoa thuộc trào lưu quay về với quá khứ, quay về cội nguồn thần thoại là Liêu trai hiện đại, kể cả một số tác phẩm của văn học đương đại Việt Nam. Nhà văn Lỗ Tấn đã nhận định về sự kế thừa một cách đầy sáng tạo mới lạ của Bồ Tùng Linh đối với dòng văn học sử dụng các yếu tố ảo vốn xuyên suốt lịch sử văn học Trung Quốc: “dùng phương pháp truyền kỳ để viết theo lối chí quái, tình tiết biến ảo như bày ra trước mắt thật. Lại có khi đổi điệu thay dây, thuật hành vi lạ, tả người đặc kỳ hiếm thấy, ra cõi mộng ảo, vào thế gian tình cờ có thuật chuyện vặt thì cũng giản dị trong sáng, cho nên tai mắt độc giả cũng thấy mới và hay” [58, tr.273], “các sách chí quái cuối đời Minh đại để đều sơ lược lại lắm điều hoang đường quái đản, không ra tình người. Chỉ một mình Liêu trai chí dị là tường tận mà lại bình thường, khiến cho yêu hoa tinh cáo đều giống người ta, hiền hòa, giản dị dễ thân, quên mình là giống khác” [58, tr.273]. Tuy nhiên, dường như càng về sau, đặc biệt đến những năm gần đây, các nhà nghiên cứu mới tiếp cận Liêu trai chí dị từ chính những yếu tố cấu thành đặc trưng nghệ thuật của tiểu thuyết này, cũng như lý giải phần nào sức hấp dẫn ma mị của tác phẩm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi đã xác định điểm quy chiếu của tiểu thuyết này là nhân vật thư sinh trong hệ thống nhân vật đa dạng của tác phẩm, phân tích ba điểm trong sự tổ chức về nghệ thuật của tiểu thuyết này: nghệ thuật dựng truyện, miêu tả tâm lý, nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật, trong đó “đóng góp có ý nghĩa sáng tạo của Bồ Tùng Linh vào quá trình phát triển của tư duy tiểu thuyết là việc xây dựng tâm lý nhân vật” [14, tr.34]. Một thời gian sau, có nhà nghiên cứu khác lại khẳng định và chứng minh nhân vật mỹ nữ (hầu hết là nhân vật ảo) là điểm quy chiếu mới của hệ thống nhân vật trong Liêu trai chí dị. Ông không nhìn nhận nhân vật mỹ nữ trong quan hệ với thư sinh mà nhìn nhận mỹ nữ như một phương tiện nghệ thuật, một biểu tượng nhân dục đời thường. Con đường tiếp cận này rất phù hợp với Liêu trai chí dị vì tác phẩm này có đặc trưng nghệ thuật là sử dụng yếu tố kỳ ảo như một phương tiện nghệ thuật trong xây dựng nhân vật nói riêng và xây dựng tác phẩm nói chung “Xét hệ quy chiếu này không theo cấu trúc tầng bậc của hệ quy chiếu thư sinh. Mỹ nữ được xem như một biểu tượng của nhân dục, điều này phù hợp với đặc trưng nghệ thuật của Liêu trai: Sử dụng cái kỳ ảo như một phương tiện nghệ thuật tạo “nét nhòe” trong xây dựng nhân vật” [32, tr.51],
  9. “nói chuyện Liêu trai trước hết là người đọc nghĩ chuyện gái trai, chuyện mỹ nữ, hồ ly. Đó là tác động khách quan ban đầu khó phủ nhận” [32, tr.51]. Trong thế giới kỳ ảo của Liêu trai, có lẽ các nhân vật ma, hồ ly được nhà văn xây dựng thành công nhất. Ma là “dạng yếu tố kỳ ảo mang tính phổ quát toàn nhân loại” [11, tr.232] mà cái kỳ ảo là “một phạm trù tư duy nghệ thuật – nó còn là một cách nhận diện con người và cuộc đời” [11, tr.232]. Như vậy, nghệ thuật xây dựng nhân vật mà ở đây nhân vật kỳ ảo giữ vai trò quan trọng nhất đã quyết định nghệ thuật xây dựng truyện theo hình tượng kỳ ảo. Nhìn chung ý kiến bàn về nghệ thuật của Liêu trai chí dị chủ yếu xoay quanh nghệ thuật xây dựng cốt truyện và nhân vật. Bên cạnh đó, có một vài ý kiến bàn về các thành tố khác của nghệ thuật như không gian, thời gian… dù rằng rất ít ỏi. Không gian ảo trong Liêu trai chí dị là một sáng tạo của Bồ Tùng Linh “ông đã dùng thế giới quỷ như một tấm gương ảo để mọi người, với mọi trình độ khác nhau, quan niệm sống khác nhau, tư duy thẩm mỹ không đồng nhất đều có thể tìm thấy hình bóng, tiếng vang chân thực của thế giới hiện thực gần gũi với mình” [14, tr.20]. Nhà nghiên cứu Lê Nguyên Cẩn trong bài viết bàn về ma trong Liêu trai cũng dành vài dòng ngắn gọn cho không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật của tác phẩm này. Theo ông, không gian của tiểu thuyết này “Làm ra vẻ giống thật mà lại hoàn toàn là ảo, làm ra vẻ có địa điểm cụ thể mà lại không cụ thể chính là thủ pháp căng rộng kích thước không gian, đẩy nó tới mức phi không gian theo kiểu thi pháp cổ tích” [11, tr.235]. Đối với thời gian trong Liêu trai, nhà nghiên cứu này cho rằng “Thời gian nghệ thuật, ở đây được tạo ra nhờ có thủ pháp cô đúc hãm chậm, đẩy nhanh và đảo ngược thời gian” [11, tr.236]. Nói chung, sự nghiên cứu về nghệ thuật của Liêu trai chí dị trong các bài viết, các cuốn sách còn rất chung chung hoặc riêng lẻ từng mặt không được sự ưu ái như nội dung của tác phẩm, dù rằng sự phân biệt nội dung và nghệ thuật là điều hết sức khó khăn và chỉ mang tính tương đối. Tuy nhiên, những năm gần đây đã xuất hiện một số công trình nghiên cứu xoáy sâu vào thế giới nghệ thuật của Liêu trai chí dị như luận văn Cái kỳ trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, luận án Thế giới nghệ thuật trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh của tác giả Trần Văn Trọng. Có điều, các công trình này dù có cái nhìn bao quát về cái kỳ, về thế giới nghệ thuật bao gồm cả cái kỳ lẫn cái bất kỳ đi nữa thì cũng chưa tìm đến một cách tương đối đầy đủ cội nguồn của các yếu tố ảo cũng như nghệ thuật sử dụng nó – những yếu tố bắt nguồn từ huyền thoại – đầy mới mẻ, sắc sảo trong Liêu trai. Trên hành trình đi tìm nguồn gốc của các yếu tố ảo trong Liêu trai chí dị cũng như cách thức chuyển hóa huyền thoại vào trong tiểu thuyết này, chúng tôi bắt gặp không ít ý kiến khẳng định các yếu tố ảo trong Liêu trai có nguồn gốc lâu đời và là sự kế thừa qua các thời kỳ văn
  10. học. Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc sâu xa như thế nào và nhà văn Bồ Tùng Linh đã phải sáng tạo ra sao để gia tài các yếu tố huyền thoại ấy có tính thời sự sâu sắc thì vẫn chưa có ý kiến lý giải một cách đầy đủ. Hầu hết các nhà nghiên cứu khẳng định Liêu trai chí dị ra đời từ sự kế thừa các tác phẩm văn học trước đó, kể cả thần thoại và nhận định nhà văn Bồ Tùng Linh sử dụng các yếu tố ảo để phản ánh hiện thực xã hội, tránh búa rìu của lễ giáo đối với nhân vật, tác phẩm và chính bản thân mình. Lỗ Tấn đã đặt Liêu trai chí dị trong hệ thống tiểu thuyết chí quái, chí dị mô phỏng thời Tấn Đường của đời Thanh để khảo sát và phân tích diễn biến của thể loại để cuối cùng rút ra nhận định tuy Liêu trai có sự kế thừa sâu sắc nhưng đã có sự vượt trội so với các tác phẩm cùng loại hình trước đó: “Liêu trai chí dị tuy cũng có sách cùng loại đương thời, không ngoài những chuyện đời xưa nói về thần tiên, ma quái, yêu tinh song mô tả cũng khác, thứ lớp rõ ràng, dùng phương pháp truyền kỳ mà viết theo lối chí quái, tình tiết biến ảo như bày ra trước mắt thật” [58, tr.273]. Các tác giả của Lịch sử văn học Trung Quốc cũng nhận định: “Bộ Liêu trai chí dị rõ ràng chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết chí quái đời Ngụy Tấn và chuyện truyền kỳ đời Đường nhưng cách viết thì lại có nhiều chỗ phát triển và sáng tạo” [57, tr.609]. Riêng đối với nhân vật hồ ly – loại nhân vật ảo chiếm tỉ lệ cao trong hệ thống nhân vật của Liêu trai chí dị, có nhà nghiên cứu đã viết đôi dòng hé lộ nguồn gốc: “Những câu chuyện về hồ tinh, có nguồn gốc từ lâu trong tiểu thuyết cổ của Trung Quốc nhưng riêng Bồ Tùng Linh đặc biệt có chú ý và có sở trường về loại này” [34, tr.608], “chỉ khi nào người phụ nữ đó được miêu tả là một loại “hồ tinh” do thoát ra ngoài kết cấu cố hữu của xã hội mới không thể dùng chuẩn mực của lễ giáo để đánh giá họ” [34, tr.608]. Ở Việt Nam, cách đây khá lâu nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Khánh khẳng định Liêu trai chí dị là thành quả của sự kế thừa và sáng tạo “tác giả đã để đến hai mươi bốn năm sưu tập trong dân gian, trong các sách chí quái đời Lục triều, truyền kỳ đời Đường, Tống rồi viết lại và đẽo gọt rất công phu mới hoàn thành” [39, tr.245]. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất là nhà nghiên cứu này giải thích một phần thế giới ảo trong Liêu trai dưới góc nhìn phân tâm học “Thực ra Liêu trai chẳng có sức mạnh huyền bí gì cả nhưng Liêu trai đã nói lên được vấn đề mà mọi người thường – dù nam hay nữ - đều phải nghĩ tới: vấn đề sinh lý” [39, tr.247]. Ông cho rằng Liêu trai chí dị đấu tranh chống lại quan niệm trọng nam khinh nữ - một biểu hiện của lễ giáo phong kiến vô cùng giả dối, bất công, Liêu trai là tiếng nói khẳng định bản năng sinh lý của mọi người đều phải được phát triển công bằng và tình yêu phải tự do, chân thành, không phân biệt đẳng cấp và nên dẫn tới hôn nhân. Cho dù trong bài viết về Liêu trai chí dị, nhà nghiên cứu này dùng lối viết hết sức dân dã, tự nhiên nhưng ông đã có những nhận định rất sắc sảo mà chắc hẳn sẽ có rất nhiều người đồng
  11. tình: “Nếu để ý đọc kỹ những truyện của Bồ Tùng Linh, chúng ta thấy tác giả viết Liêu trai chí dị không phải vì mục đích khêu gợi dục tính. Tác giả có những dụng ý rất trong sạch mặc dù đã viết về những vấn đề bị coi là không trong sạch” [39, tr.251]. Nói chung, nguồn gốc xa xưa của Liêu trai chí dị được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình “Do tiếp thu truyền thống của chí quái và truyền kỳ, Liêu trai khai thác toàn bộ chuyện lạ (chí dị) đặc biệt là chuyện chung sống giữa người và hồ ly. Sự tưởng tượng huyền diệu của tác giả tạo nên màu sắc kỳ ảo của Liêu trai” [60, tr.221]. Sự biến hóa thực - ảo, ảo mà lại gần gũi thân thiết trong tiểu thuyết này “bắt nguồn từ việc quan sát cuộc sống, nhận thức hiện thực sâu sắc và thấu đáo của tác giả. Mặt khác còn do khuynh hướng lãng mạn tích cực của tác phẩm. Cũng giống như thần thoại, yêu quái ở đây đã giúp con người chiến thắng thiên tai nhân họa” [60, tr.221]. Qua đây, có thể thấy rằng sự tìm hiểu về thế giới ảo trong tác phẩm văn học về nguồn gốc cũng như về sự sáng tạo của nhà văn Bồ Tùng Linh khi chuyển hóa huyền thoại để xây dựng một thế giới ảo trong tác phẩm mới chỉ được các nhà nghiên cứu hé lộ đôi chút. Như vậy, thế giới ảo trong Liêu trai chí dị vẫn còn là một khoảng trống rất lớn đối với huyền thoại học – một ngành nghiên cứu dành cho những tác phẩm văn học mang màu sắc huyền thoại như Liêu trai. Huyền thoại học không chỉ nghiên cứu sự hiện hữu của thế giới ảo trong tác phẩm mà còn tìm hiểu nguồn gốc sinh thành của nó, không chỉ nghiên cứu về giá trị nghệ thuật của thế giới ảo mà còn khám phá cả giá trị nội dung, để từ đó có thể hiểu Liêu trai chí dị một cách sâu sắc hơn. 3.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1 Đối tượng nghiên cứu Luận văn nghiên cứu thế giới ảo trong Liêu trai chí dị nên đối tượng nghiên cứu của luận văn là tất cả các yếu tố thuộc về “Thế giới ảo trong Liêu trai chí dị”. 3.2 Phạm vi nghiên cứu Một tác phẩm văn học hiện lên như một chỉnh thể với vô số các yếu tố đan kết chặt chẽ với nhau. Người viết chỉ tìm hiểu các yếu tố ảo trong Liêu trai chí dị được thể hiện ở các bình diện chính trong tác phẩm là cốt truyện, nhân vật, không gian và thời gian. Huyền thoại như một kiểu nói mơ hồ, đa nghĩa mà nghĩa nào cũng có mặt lâu đời trong văn chương. Ở đây, chúng tôi xác định cách hiểu về huyền thoại theo quan niệm của nhà
  12. nghiên cứu người Nga Meletinsky được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình. Trước hết, huyền thoại (myth) là “những truyện kể thiêng liêng, giải thích thế giới và con người đã hình thành và có được dạng tồn tại hiện nay như thế nào” [40, tr.3]. Bên cạnh đó, “huyền thoại (mythology) còn được dùng để chỉ tổng thể các câu chuyện như thế, đồng thời cũng được dùng để chỉ hệ thống quan niệm hoang đường về thế giới” [40, tr.4]. Hiện nay có rất nhiều tuyển tập Liêu trai chí dị được dịch và xuất bản. Năm 1949, tuyển tập Liêu trai chí dị do Nguyễn Văn Thi dịch và xuất bản ở Hà Nội. Năm 1989, tuyển tập Liêu trai chí dị xuất bản với lời giới thiệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi. Năm 1995, Liêu trai chí dị xuất bản với lời bình của Tản Đà và lời bạt của Chu Văn. Năm 1996, Liêu trai chí dị được hai dịch giả Nguyễn Chí Viễn và Trần Văn Từ xem là dịch trọn bộ với 445 truyện. Văn bản chính mà người viết khảo sát là tiểu thuyết Liêu trai chí dị trọn bộ ba tập do dịch giả Nguyễn Chí Viễn và Trần Văn Từ dịch (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 2007). 4. Phương pháp nghiên cứu -Phê bình huyền thoại là phương pháp chủ đạo. Cơ sở phương pháp luận của phê bình huyền thoại là quan niệm cho rằng huyền thoại là nhân tố quyết định để hiểu toàn bộ các tác phẩm nghệ thuật của nhân loại “Việc nhấn mạnh tính phổ quát của huyền thoại trong toàn bộ hoạt động sáng tạo văn chương là một đặc điểm khu biệt cơ bản của phê bình huyền thoại” [15, tr.67]. Phương pháp này sử dụng các lý thuyết của huyền thoại học để phân tích yếu tố huyền thoại trong tác phẩm văn học, từ đó có sự đánh giá, định hướng cho sự sử dụng, sáng tạo huyền thoại. Hiện nay, phê bình huyền thoại là một phương pháp nghiên cứu khá mới mẻ trên thế giới, đang từng bước xác lập nội hàm khái niệm. Tuy mới mẻ nhưng ngành nghiên cứu này đã tỏ ra rất hữu hiệu khi đưa các yếu tố ảo trong tác phẩm văn học về với cội nguồn của nó là huyền thoại. -Phương pháp so sánh: so sánh giữa các yếu tố ảo trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh và các yếu tố ảo trong thần thoại Trung Hoa nói riêng, thần thoại thế giới nói chung cũng như một số tác phẩm được gọi là huyền thoại hiện đại trên thế giới để thấy sự tương đồng và khác biệt. -Phương pháp lịch sử, văn hóa học : đặt tác phẩm nói chung, các yếu tố của thế giới ảo nói riêng vào trong bối cảnh ra đời của Liêu trai chí dị.
  13. Ngoài ra, người viết còn sử dụng một số phương pháp khác như phương pháp phân tích: phân tích các yếu tố ảo có trong tác phẩm; phương pháp tổng hợp: đưa ra cái nhìn tổng thể về các yếu tố ảo; phương pháp thống kê: khảo sát một số yếu tố ảo chiếm số lượng như thế nào trong tác phẩm. 5. Đóng góp của luận văn Huyền thoại là một phương pháp sáng tác hiện đại. Ở châu Mỹ La Tinh, ở châu Âu thế kỷ XX, độc giả đã chứng kiến một loạt hiện tượng văn chương kỳ ảo. Ở Trung Hoa, văn học kỳ ảo đã có từ rất sớm, đã trở thành một dòng chảy xuyên suốt lịch sử văn học đất nước này. Tuy nhiên, yếu tố huyền thoại luôn có tính tượng trưng như những ký hiệu đã được mã hóa. Chính vì vậy, mục đích của luận văn là giải mã những yếu tố ảo trong Liêu trai chí dị, chỉ ra nguồn gốc hình thành của chúng bằng cách khảo sát những yếu tố ảo trong tác phẩm, xác định hình thái và chức năng của yếu tố ảo khi còn ở thi pháp huyền thoại, phân tích sự chuyển đổi, chức năng của yếu tố thi pháp huyền thoại thành yếu tố thi pháp tác phẩm văn học. Từ các bước trên có thể thiết lập mối quan hệ của tác phẩm với tư duy huyền thoại thể hiện điển hình trong thần thoại của Trung Hoa và của cả nhân loại cũng như sự sáng tạo của tác giả khi sử dụng các yếu tố huyền thoại. 6. Kết cấu của luận văn Ngoài hai phần mở đầu và kết luận, nội dung luận văn được sắp xếp thành ba chương. CHƯƠNG 1: THẾ GIỚI ẢO – ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA HUYỀN THOẠI HỌC 1.1 Huyền thoại học 1.2 Thế giới ảo 1.3 Thế giới ảo trong tác phẩm văn học CHƯƠNG 2: THẾ GIỚI ẢO THỂ HIỆN QUA CỐT TRUYỆN VÀ NHÂN VẬT TRONG LIÊU TRAI CHÍ DỊ 2.1 Thế giới ảo thể hiện qua cốt truyện trong Liêu trai chí dị 2.1.1 Truyện bắt nguồn từ quan niệm vạn vật hữu linh trong tư duy huyền thoại 2.1.2 Truyện là chuỗi các sự kiện kỳ ảo 2.2 Thế giới ảo thể hiện qua nhân vật trong Liêu trai chí dị 2.2.1 Hệ thống nhân vật kỳ ảo
  14. 2.2.2 Quan hệ kỳ ảo giữa các nhân vật CHƯƠNG 3: THẾ GIỚI ẢO THỂ HIỆN QUA KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN TRONG LIÊU TRAI CHÍ DỊ 3.1 Thế giới ảo thể hiện qua không gian trong Liêu trai chí dị 3.1.1 Âm phủ 3.1.2 Những cảnh giới kỳ ảo chốn trần gian 3.2 Thế giới ảo thể hiện qua thời gian trong Liêu trai chí dị 3.2.1 Đêm 3.2.2 Thời gian luân hồi nghiệp báo 7.Chỉ dẫn chú thích -Khi chú thích, số trước là số ký hiệu tác phẩm trích dẫn, số sau là số trang trích dẫn. Ví dụ: [45, tr.30] Số 45: là số ký hiệu tác phẩm trích dẫn: Bồ Tùng Linh (2008), Liêu trai chí dị, Nhà xuất bản Văn học Số 30: là số trang trích dẫn. -CD (chuyển dẫn) là ký hiệu trích dẫn lại từ một tài liệu khác. Ví dụ: [CD,1, tr.30] -Đối với các tài liệu mạng sử dụng trong luận văn này, chỉ có một số duy nhất là số ký hiệu tài liệu trích dẫn. Ví dụ: [73]
  15. CHƯƠNG 1: THẾ GIỚI ẢO - ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA HUYỀN THOẠI HỌC Mỗi ngành khoa học đều có những đối tượng nghiên cứu riêng. Đối với huyền thoại học, đối tượng nghiên cứu là thế giới ảo bởi vì thế giới ảo bao gồm các yếu tố của huyền thoại hoặc sinh ra từ huyền thoại. Huyền thoại và văn học có nhiều sự tương đồng nên chúng không chỉ có quan hệ nguồn gốc mà còn có quan hệ qua lại với nhau. Đối với tác phẩm văn học có sử dụng yếu tố ảo, góc nhìn của huyền thoại học sẽ soi chiếu cả sự hiện hữu của các yếu tố ảo lẫn cội nguồn của nó, sẽ lý giải cái hay của tác phẩm không chỉ ở bề rộng mà còn ở bề sâu. Huyền thoại học luôn tỏ rõ ưu thế của mình đối với những tác phẩm văn học mà cái hay của chúng tạo nên ít nhiều bởi sự đóng góp của các yếu tố ảo. 1.1 Huyền thoại học Xung quanh thuật ngữ huyền thoại có rất nhiều quan niệm khác nhau. “M.I.Sakhnôvich – nhà nghiên cứu người Nga từng tổng kết có đến hơn 500 định nghĩa, giới thuyết về huyền thoại (1971)” [43, tr.34]. Ngày nay đối với những gì được khâm phục, sùng bái thậm chí đối với những gì không thể tin được… người ta cũng gọi là huyền thoại. Dĩ nhiên nghiên cứu khoa học không dung nạp nghĩa hàng ngày của thuật ngữ này. Trong nghiên cứu về huyền thoại hiện nay, người ta sử dụng cả hai thuật ngữ thần thoại và huyền thoại có khi chỉ cùng một đối tượng. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hai thuật ngữ này sẽ xác định được sự phân biệt khá rõ ràng. Thần thoại là “truyện kể dân gian về các vị thần và các nhân vật anh hùng thần hóa, phản ánh quan niệm ngây thơ của người thời cổ về các hiện tượng tự nhiên và khát vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp” [70, tr.925]. Như vậy, thần thoại là một thuật ngữ chỉ tất cả các câu chuyện xoay quanh một hình tượng là các vị thần mà các vị thần này sinh ra từ sự nhân cách hóa chính bản thân con người. Tuy nhiên, trong các câu chuyện mà chúng ta xác định là thần thoại không phải bao giờ cũng có thần, có khi đó chỉ là những câu chuyện giải thích nguồn gốc các yếu tố tự nhiên và văn hóa không hề có sự xuất hiện của thần linh. Thuật ngữ huyền thoại ra đời sau thuật ngữ thần thoại đã dung chứa nghĩa rộng lớn hơn. Huyền thoại là thần thoại và còn bao quát cả những câu chuyện kỳ lạ, huyền hoặc nói chung. Huyền thoại là “câu chuyện huyền hoặc, kỳ lạ, hoàn toàn do tưởng tượng; thần thoại” [70, tr.471].
  16. Bên cạnh đó, sản phẩm tinh thần của con người thời nguyên thủy không phải lúc nào cũng được tập trung trong các câu chuyện gọi là thần thoại, nó còn tồn tại bằng các quan niệm hoang đường về thế giới rải rác trong tôn giáo, tín ngưỡng, ma thuật, các tác phẩm văn học… đòi hỏi một thuật ngữ có khả năng bao quát hơn. Hơn nữa, các sản phẩm tinh thần của con người nguyên thủy thường sinh ra từ một dạng tư duy đặc biệt: tư duy huyền thoại. Tuy thời kỳ hoàng kim của dạng tư duy này không còn nữa nhưng sự sống của nó vẫn còn kéo dài đến tận ngày hôm nay. Thế kỷ XIX trên thế giới diễn ra sự giải huyền thoại với sự tham gia mạnh mẽ của khoa học thì đến thế kỷ XX lại xuất hiện sự tái huyền thoại hóa – quay về với huyền thoại. Huyền thoại hóa đã sử dụng các hình tượng và cốt truyện của huyền thoại cổ xưa, sáng tạo nên những huyền thoại hiện đại mang đậm dấu ấn cá nhân… Dĩ nhiên, đối với những sản phẩm tinh thần hiện đại này chỉ có thể được gọi tên là huyền thoại chứ không thể là thần thoại. Nhà nghiên cứu Meletinsky đã định nghĩa huyền thoại như sau: “Huyền thoại là một hiện tượng trung tâm trong lịch sử văn hóa, đồng thời là một phương tiện cổ xưa để nhận thức thực tại, là mô hình của mọi hệ tư tưởng, là cái nôi nguyên hợp của các loại hình văn hóa khác nhau - văn học, nghệ thuật, tôn giáo và ở mức độ nào đó, cả triết học, thậm chí cả khoa học” [49, tr.XIV]. Như vậy, thuật ngữ huyền thoại bao quát hơn, là một phương tiện cổ xưa để nhận thức thực tại nên dần dần thường được sử dụng thay thế cho thuật ngữ thần thoại. Huyền thoại trước hết là những truyện kể giải thích nguồn gốc của thế giới bao gồm cả sự hình thành thiên nhiên, con người và văn hóa. Dĩ nhiên huyền thoại còn bao gồm cả các quan niệm hoang đường về thế giới nằm rải rác trong văn hóa của các tộc người bởi vì huyền thoại ra đời từ thời nguyên thủy, huyền thoại có sự pha trộn các yếu tố của tôn giáo, triết học, khoa học, nghệ thuật, cho tới hiện nay các quan niệm hoang đường của huyền thoại không phải lúc nào cũng tập trung trong các truyện kể mà nhiều khi tồn tại riêng lẻ, rải rác trong quan niệm của nhân dân, trong tôn giáo, văn học nghệ thuật… Điều đáng nói ở đây là huyền thoại ra đời từ thời nguyên thủy, khi con người vô cùng sợ hãi trước tự nhiên, đã dựa vào bản thân mình để giải thích tự nhiên và thế giới. Họ đã tạo ra những yếu tố không có thật bằng sự tưởng tượng vô cùng phong phú và niềm tin tuyệt đối chân thành. Sau này, khi khoa học đã phát triển, sự tưởng tượng của con người trong huyền thoại nguyên thủy sẽ theo loài người trên suốt cuộc hành trình của mình để giữ gìn, sáng tạo ra huyền thoại, tất nhiên không phải lúc nào cũng chứa đựng niềm tin thơ ngây, hồn nhiên như thuở ấu thơ của nhân loại. Huyền thoại học (mythology) là ngành khoa học nghiên cứu về huyền thoại. Huyền thoại học có cội nguồn từ sự tìm hiểu của khoa dân tộc học đối với những tài liệu huyền thoại của các
  17. dân tộc trên thế giới. Từ đó, trường phái nhân loại học ra đời vào nửa sau thế kỷ XIX đã có những đóng góp sâu sắc đối với việc nghiên cứu huyền thoại mà tiêu biểu là công trình Văn hóa nguyên thủy của Tylor. Sang thế kỷ XX, khoa nhân loại học ra đời với đại diện tiêu biểu là nhà nghiên cứu người Nga Meletinsky đã cùng với các khoa học xã hội và nhân văn khác cùng nghiên cứu huyền thoại đã tạo nên sự bùng nổ các trường phái và lý thuyết: trường phái nghi lễ và trường phái chức năng, trường phái xã hội học Pháp, lý thuyết biểu trưng về huyền thoại, lý thuyết phân tâm học, lý thuyết cấu trúc… Trải qua quá trình phát triển bền bỉ, huyền thoại học đã có những đóng góp lớn lao cho hiểu biết của con người về huyền thoại. Các nhà nghiên cứu về huyền thoại đã tìm hiểu văn hóa các dân tộc phát triển và cả những cộng đồng người còn lạc hậu để tìm bản chất của huyền thoại. Giữa huyền thoại và văn học có mối liên quan đặc biệt vì đều “tái hiện những quan niệm chung nhất trong một hình thức cụ thể - cảm tính” [40, tr.5] nên huyền thoại và văn học không chỉ có quan hệ nguồn gốc mà còn có quan hệ qua lại với nhau trong các giai đoạn phát triển sau này. Nhà nghiên cứu người Canada N.Frye đã có khuynh hướng đem văn học và huyền thoại hòa quyện với nhau: “Ông hướng việc tìm kiếm căn rễ của sáng tác văn học vào các mô hình nghi lễ - huyền thoại, hơn nữa ông cho rằng văn học không chỉ có cái căn rễ mà còn có cái bản chất bên trong, cái cơ sở của trí tưởng tượng nghệ thuật trong nghi lễ - huyền thoại” [40, tr.14]. Trong huyền thoại học có một bộ phận vô cùng quan trọng là phê bình huyền thoại với đặc điểm khu biệt là “nhấn mạnh tính phổ quát của huyền thoại trong toàn bộ hoạt động sáng tạo văn chương” [15, tr.67]. Phê bình huyền thoại vốn được xem là gồm hai nhánh: phê bình nghi lễ xuất phát từ tài liệu nghiên cứu của nhà dân tộc học người Anh Frazer và phê bình cổ mẫu bắt nguồn từ những công trình nghiên cứu của nhà tâm lý học Thụy Sĩ C.Jung nhưng nhìn chung vẫn là “sự hội tụ của nhiều phương pháp và hình thức tra cứu về những mối quan hệ phức tạp giữa văn học với huyền thoại” [15, tr.66]. Phê bình huyền thoại dù mới mẻ đã có đóng góp sâu sắc trong việc tìm hiểu các tác phẩm có sử dụng huyền thoại. Thông thường, các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu huyền thoại trong tác phẩm văn học thường phân tích sự chuyển hóa của huyền thoại trong tác phẩm, đôi khi nằm ở bề sâu rất khó nhận thấy. Vì huyền thoại sinh ra từ trí tưởng tượng của con người thời nguyên thủy nên đối tượng nghiên cứu của khoa học về huyền thoại là các yếu tố ảo. Huyền thoại học sẽ đưa các yếu tố này về với cội nguồn tư duy nguyên thủy của nó đồng thời tìm hiểu ý nghĩa sự chuyển hóa của nó trong tác phẩm văn học. Đối với các tác phẩm văn học có sử dụng các yếu tố huyền thoại, huyền thoại học đã thể hiện ưu thế đặc biệt khi tìm hiểu các yếu tố huyền thoại trong tác
  18. phẩm so với các ngành khoa học khác như xã hội học, thi pháp học… vì nó quan tâm đến cả hai bình diện giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của các yếu tố ảo này nói riêng, tác phẩm văn học nói chung, tìm về với cội nguồn cái nhìn huyền thoại của nhà văn để có thể tìm hiểu tác phẩm ở bề sâu của nó. Các nhà huyền thoại học không chỉ dựa vào các tác phẩm nổi tiếng toàn thế giới như sử thi I-li-at và Ô-đi-xê của Hi Lạp, sử thi Ma-ha-bha-ra-ta và Ra-ma-ya-na của Ấn Độ… tìm ra huyền thoại mà còn đến nhiều vùng đất được xem là hoang dã trên thế giới để tìm hiểu văn hóa của người bản địa mong tìm được những huyền thoại còn lưu giữ từ thời nguyên thủy xa xôi. Tuy nhiên, cho dù tìm hiểu bằng cách nào, các nhà nghiên cứu chỉ đến được với huyền thoại thông qua cái ảo. Các yếu tố ảo có từ thời nguyên thủy tất nhiên là huyền thoại nhưng các yếu tố ảo ra đời sau này cũng xuất phát từ sự kế thừa tư duy huyền thoại của người nguyên thủy và cũng từ sự tưởng tượng, hư cấu có thể có sự tự giác hoặc không. Tìm hiểu các yếu tố ảo ra đời sau thời nguyên thủy vẫn sẽ tìm thấy cốt lõi huyền thoại bên trong và còn thấy được sự khác biệt, sáng tạo của người thời sau trong sự kế thừa của mình. Các yếu tố ảo là đối tượng nghiên cứu một cách trực tiếp của huyền thoại học. 1.2 Thế giới ảo Ảo theo Từ điển tiếng Việt có nghĩa “Giống như thật nhưng không có thật” [70, tr.8]. Như vậy, ảo là phạm trù đối lập với thực. Vì thực có nghĩa là “có thật, có thể nhận biết trực tiếp bằng các giác quan” [70, tr.973] nên có thể định nghĩa ảo không phải là những gì tồn tại một cách khách quan, không thể thông qua các tác động có tính vật chất để kiểm chứng sự tồn tại của nó. Bản thân định nghĩa về ảo, thực đã cho thấy không thể coi phạm trù ảo, thực tồn tại độc lập riêng biệt mà phải luôn dùng cái này mới xác định được bản chất của cái kia. Ảo là ảo trong mối quan hệ với thực và thực là thực trong sự đối sánh với ảo. Bản chất của thế giới hoàn toàn không phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu mà trái lại rất phức tạp, đa dạng, nhiều chiều luôn có sự chuyển hóa thách thức khả năng nhận thức, lĩnh hội của con người mọi thời đại. Hơn nữa, thực - ảo không phải là cái gì tồn tại khách quan mà nó được phân biệt trên cơ sở nhận thức mang đầy dấu ấn chủ quan của con người. Vì thế, sự xác định ranh giới giữa thực và ảo là một việc làm cực kì khó khăn và không có tính chất tuyệt đối hoàn toàn. Khi đặt phạm trù ảo trong thế đối lập với phạm trù thực người ta thường có xu hướng đơn giản hóa cái ảo, chỉ cho rằng ảo có nét nghĩa không có thật, không thực. Vì thế, nhiều khi ảo được đồng nhất với hư nghĩa là “không có, là giả, trái với thực” [70, tr.472]. Thật ra, nghĩa
  19. của ảo và hư không hoàn toàn trùng khít nhau bởi chúng tuy cùng chỉ các yếu tố giống như thật, là giả, không có thật nhưng nét nghĩa đầu tiên phải nói đến của hư là không có rồi mới đến là giả chứ không như ảo với nét nghĩa đầu tiên khẳng định sự tồn tại của chúng là giống như thật nhưng không phải thật. So với hư, ảo gần gũi hơn với thực. Có thể mượn hai tiểu thuyết của văn học Trung Quốc để minh chứng cho sự khác nhau của hai khái niệm hư, ảo. Trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng, tư tưởng quan trọng nhất mà tác giả dày công hun đúc để chuyển tới độc giả gói gọn trong bốn chữ nhân sinh như mộng, chỉ ra cái quy luật cuộc đời mà rất ít con người trần tục dễ dàng thấy được: cái có là cái từ không mà ra rồi sau đó lại trở về không (hữu hoàn vô). Đó là điều không một ai có thể cưỡng lại được, người ta chỉ khác nhau ở chỗ có nhận thức được nó hay không mà thôi. Tác giả muốn gửi đến người đọc quan niệm về cái hư của cuộc đời nên các nhà nghiên cứu luôn cất công tìm hiểu yếu tố hư trong trục thực - hư của Hồng lâu mộng. Trong khi đó, tiểu thuyết Liêu trai chí dị chủ yếu được nghiên cứu theo trục thực - ảo bởi vì mặc dù tác giả sử dụng rất nhiều yếu tố ảo nhưng trong một yếu tố ảo lại chứa đựng không ít đặc tính của yếu tố thực, dùng cái ảo giống như thật để kín đáo bày tỏ suy nghĩ, thái độ, tình cảm với cái thực. Không chỉ bộc lộ sự khu biệt trong so sánh với cái hư, cái ảo còn luôn giữ vững nét nghĩa giống như thật nhưng không có thật trong sự kết hợp với nhiều từ khác nó. Ảo kết hợp với các từ có nét nghĩa tương đối cụ thể như thuật thành ảo thuật: “thuật dựa vào động tác nhanh và khéo léo làm biến hóa các đồ vật, các hiện tượng, khiến người xem tưởng như có phép lạ” [70, tr.8], như ảnh tạo thành ảo ảnh: “hình ảnh giống như thật nhưng không có thật” [70, tr.8]. Nhờ nét nghĩa của các từ kết hợp với ảo như trên, nghĩa của các từ mới thể hiện mối quan hệ gần gũi với cái thực. Bên cạnh đó, khi kết hợp với các từ có nét nghĩa trừu tượng hơn các từ trên như kỳ, huyền, mộng, hóa, tưởng, hư tạo nên các từ mới nghiêng về nét nghĩa không có thật mà chỉ có trong sự tưởng tượng của con người như kỳ tạo thành từ kỳ ảo: “kỳ lạ, tựa như không có thật mà chỉ có trong tưởng tượng” [70, tr.518], như huyền tạo thành huyền ảo: “có vẻ vừa như thực vừa như hư, thường tạo vẻ đẹp kì lạ và bí ẩn” [70, tr.470], như mộng ảo (ảo mộng): “điều ước viển vông, không thực tế” [70, tr.8], ảo hóa: “làm biến hóa có thành không, không thành có, làm cho trở thành hư ảo, không thật” [70, tr.8], ảo tưởng : “ý nghĩ hoặc điều mơ tưởng viển vông, không thực tế, không thực hiện được” [70, tr.8], ảo vọng: “hi vọng, mong ước viển vông, không thực tế”, hư ảo: “chỉ có trong tưởng tượng, hoàn toàn không có thật” [70, tr.8]… Như vậy cho dù ảo có thể kết hợp với rất nhiều từ khác nhau thì từ ngữ mới vẫn giữ được một cách tương đối các nét nghĩa cơ bản của ảo. Vì thế, các từ ngữ trên được xem như là sự thể hiện rõ
  20. hơn của cái ảo chứ không có sự khác biệt với ảo. Những gì được gọi là kì ảo, mộng ảo, ảo hóa, ảo tưởng, ảo vọng, ảo thuật, ảo ảnh, huyền ảo, hư ảo… thì trước tiên đều là những yếu tố ảo. Những từ ngữ chứa ảo như trên còn gợi cho chúng ta liên tưởng đến những từ có chữ huyền. Huyền vốn có nghĩa như sau: “I.Than đá màu đen nhánh, do than cây biến thành, dùng làm đồ trang sức. II.Có màu đen như hạt huyền” [70, tr.470]. Tuy nhiên, khi kết hợp với các từ khác, dường như huyền được đẩy về nét nghĩa mờ tối nên các từ như huyền bí, huyền diệu, huyền hoặc… đều chỉ những yếu tố bí ẩn, khó có thể hiểu biết và giải thích một cách thấu đáo. Huyền bí: “có vẻ vừa như thực vừa như hư, thường tạo nên vẻ đẹp kì lạ và bí ẩn” [70, tr.470], huyền diệu: “có cái gì đó kỳ lạ, cao sâu, tác động mạnh đến tâm hồn mà con người không hiểu biết hết được” [70, tr.470], huyền hoặc: “I.Có tính chất không có thật, mang vẻ huyền bí. II.Làm cho tin một cách mê muội vào những điều không có thật” [70, tr.470,471]. Như vậy, các từ trên đều chỉ những yếu tố không tồn tại một cách khách quan, không thể thông qua các tác động vật chất để kiểm chứng sự tồn tại của nó, vượt qua sự hiểu biết của con người. Và như thế, các từ trên cũng chính là sự thể hiện của cái ảo. Ngoài ra còn có một số từ ngữ khác như huyễn hoặc: “Làm cho mất sáng suốt, lầm lẫn, tin vào những điều không có thật hoặc có tính chất mê tín” [70, tr.471], huyễn tưởng: “Tưởng tượng ra và tin vào những điều không có thật hoặc không có cơ sở thực tế” [70, tr.471] cũng đều có thể xếp vào quỹ đạo của cái ảo. Như vậy, có thể nói rằng ảo là một phạm trù có sức bao quát khá rộng lớn. Ảo chỉ tất cả các yếu tố không có thật và chỉ có thể được sinh ra do sự tưởng tượng của con người xuất phát từ những nhu cầu khác nhau. Ảo là tất cả các yếu tố thuộc huyền thoại, là những yếu tố thuộc các câu chuyện kể về các vị thần, các nhân vật được sùng bái tham gia vào quá trình tạo lập các nhân tố của thế giới, là những quan niệm hoang đường về thế giới nằm rải rác trong văn hóa. Ảo còn bao gồm tất cả các yếu tố là sản phẩm của cái nhìn huyền thoại của con người về thế giới như sự sáng tạo những yếu tố hoang đường, sự sắp xếp những yếu tố hiện thực theo một tổ chức vượt ra ngoài sự chân thực của lịch sử. Các yếu tố ảo có từ thời nguyên thủy tất nhiên là huyền thoại nhưng các yếu tố ảo ra đời sau này cũng xuất phát từ sự kế thừa tư duy huyền thoại của người nguyên thủy và cũng từ sự tưởng tượng, hư cấu có thể có sự tự giác hoặc không. Tìm hiểu các yếu tố ảo ra đời sau thời nguyên thủy vẫn sẽ tìm thấy cốt lõi huyền thoại bên trong và còn thấy được sự sáng tạo, sự khác biệt của người thời sau trong sự kế thừa của mình. Nhà nghiên cứu Phùng Văn Tửu nhận định: “Tính chất thơ ca sâu sắc khiến huyền thoại cổ đại trở thành chất liệu quý giá cho văn học, nghệ thuật từ bao đời. Không ít các văn nhân, nghệ sĩ trên thế giới xưa nay đã khai thác đề tài từ kho tàng hầu như không bao giờ cạn kiệt ấy. Tính chất
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2