YOMEDIA
ADSENSE
LUẬN VĂN:Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay
396
lượt xem 68
download
lượt xem 68
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Tín ngưỡng, tôn giáo đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử loài người. Nó tồn tại, phát triển và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội. Với hình thức manh nha là tín ngưỡng nguyên thủy như thờ thần, thờ cây, muông thú tới những hình thức tôn giáo có giáo lý, tổ chức chặt chẽ... Tín ngưỡng, tôn giáo đã trở thành một thành tố quan trọng của nền văn hóa, là nhu cầu tinh thần của một bộ phận người, đang và sẽ tồn tại lâu dài cùng tiến...
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: LUẬN VĂN:Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay
- LUẬN VĂN: Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay
- Mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Tín ngưỡng, tôn giáo đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử loài người. Nó tồn tại, phát triển và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội. Với hình thức manh nha là tín ngưỡng nguyên thủy như thờ thần, thờ cây, muông thú tới những hình thức tôn giáo có giáo lý, tổ chức chặt chẽ... Tín ngưỡng, tôn giáo đã trở thành một thành tố quan trọng của nền văn hóa, là nhu cầu tinh thần của một bộ phận người, đang và sẽ tồn tại lâu dài cùng tiến trình phát triển của xã hội loài người. Trong một vài thập kỷ gần đây, vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới có xu hướng phát triển và có những diễn biến phức tạp liên quan đến vấn đề xung đột dân tộc, sắc tộc ở nhiều quốc gia dân tộc đã và đang thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều người, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, các nhà chính trị, các nhà hoạch định chính sách... Trong giai đoạn hiện nay, xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, môi trường, giáo dục, y tế, quan hệ ngoại giao, vấn đề nghèo đói, vấn đề nhân quyền... của các nước trên thế giới. Đặc biệt, đối với văn hóa, quá trình toàn cầu hóa đã và đang gây ra nguy cơ suy thoái văn hóa, bị nô dịch về văn hóa ở một số quốc gia, mà trước hết là các nước chậm và đang phát triển. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa là một nhu cầu cấp thiết nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo với sáu tôn giáo lớn hiện nay đã được công nhận tư cách pháp nhân. Năm 1990, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 24, xác định “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân...”. Tiếp theo, ngày 12 tháng 03 năm 2003, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa IX đã ra nghị quyết số 25-NQ/TW, xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Các hình thức tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng, trong đó có các hình thức tín ngưỡng phổ biến như: thờ cúng tổ tiên, thờ thần, thờ mẫu, thờ các vị anh hùng dân tộc, những người
- có công với nhân dân, có công lập ấp, truyền nghề... Những hình thức tín ngưỡng này có lịch sử lâu đời, tồn tại cùng với quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Công cuộc đổi mới đất nước trong hai mươi năm qua đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt của đời sống xã hội. Trên lĩnh vực tôn giáo, sau Nghị quyết 24/NQ-TW của Bộ chính trị về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”. Ngày 21/03/1991 Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định 69/NĐ/HĐBT, quy định về các hoạt động tôn giáo, thể hiện chủ trương đổi mới chính sách đối với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Thờ cúng tổ tiên, tôn vinh các anh hùng có công với dân với nước vừa là tín ngưỡng vừa là đạo lý làm người, đồng thời cũng là nét đẹp của văn hóa dân tộc. Kế thừa tư tưởng của Hồ Chủ tịch và nguyện vọng của đa số nhân dân, Văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX nêu quan điểm: “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân”. Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam là một tín ngưỡng phổ biến trong cả nước. ở các làng, xã nông thôn Việt Nam, Thành hoàng là một niềm tin thiêng liêng, là một chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng từ bao đời nay. Theo quan niệm của người dân, đối với cộng đồng làng xã, Thành hoàng có chức năng giám sát việc làm, hành vi của mỗi thành viên của cộng đồng, hướng họ tới cái thiện. Sự trách phạt của Thành hoàng, thực chất là sự trừng phạt của bản thân mình, ở đây Thành hoàng đại diện như một Đấng phán xét uy linh. Đối với bên ngoài, Thành hoàng khống chế tất cả những tác động gây thiệt hại cho cộng đồng như: thiên tai, bệnh dịch, cướp bóc ... Đối với cộng đồng, Thành hoàng góp phần giáo dục, lưu giữ truyền thống về làng; “Thành hoàng và ngôi đình là một biểu tượng, một thành tố tạo nên cái truyền thống làng, tâm lý làng không thể thiếu được trong đời sống con người Việt Nam” [50, tr.10]. Bắc Ninh là một trong những cái nôi văn hóa của đồng bằng Bắc bộ. Hầu hết các làng, xã ở Bắc Ninh đều có đình, đền, miếu làng cùng với các lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm. Trên mảnh đất Bắc Ninh – Kinh bắc vẫn còn lưu giữ được kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và đặc sắc trong đó có hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa và
- sinh hoạt lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa dân gian. Đó là tài sản vật chất và tinh thần vô giá cần phải được duy trì và phát huy. Trong những năm gần đây, các lễ hội liên quan đến Thành hoàng làng đã và đang có xu hướng phát triển và có những diễn biến mới ở các làng xã trên địa bàn tỉnh. Hoạt động lễ hội đã có những đóng góp tích cực đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh nói riêng và với công cuộc duy trì và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nói chung. Tuy nhiên, nó cũng có những mặt hạn chế nhất định cần được nghiên cứu, xem xét để giúp các cấp chính quyền có những điều chỉnh nhất định nhằ m định hướng cho các hoạt động của tín ngưỡng Thành hoàng trên địa bàn tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống làng xã đùm bọc lẫn nhau, uống nước nhớ nguồn từ hàng nghìn năm nay của dân tộc ta cũng như của nhân dân tỉnh Bắc Ninh nói riêng. Chính vì vậy, tác giả chọn đề tài nghiên cứu về “Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay” làm luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Tôn giáo học. 2. Tình hình nghiên cứu của đề tài Đã có một số công trình của các cá nhân và tập thể nghiên cứu về Thành hoàng Việt Nam và một số vùng miền. Tiêu biểu là các công trình nghiên cứu: “Thờ thần ở Việt Nam” của tác giả Lê Xuân Quang, Nxb. Hải Phòng, năm 1996; “Từ điển lễ tục Việt Nam”, Nxb Văn hóa - Thông tin, năm 1996; “Thành hoàng Việt Nam” của nhóm tác giả Phạm Minh Thảo, Trần Thị An và Bùi Xuân Mỹ, Nxb Văn hóa - Thông tin, năm 1997; “Di sản văn hóa dân tộc trong tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam” của tác giả Chu Quang Trứ (2000); “Tín ngưỡng dân gian Việt Nam” của tác giả Vũ Ngọc Khánh, năm 2001, đã nêu rõ được lịch sử một số tín ngưỡng dân gian Việt Nam, lễ thức gia đình (bàn thờ gia tiên, ngày giỗ, văn khấn, thần tài, tiền chủ...) và một số thần linh được thờ cúng (Thành hoàng, tứ pháp...); “Văn hóa dân gian Việt Nam – Những phác thảo” của tác giả Nguyễn Chí Bền, Nxb. Văn hóa - Thông tin, năm 2003; “Tìm hiểu tín ngưỡng truyền thống Việt Nam”, 2005, tác giả Mai Thanh Hải;... Tác giả Nguyễn Duy Hinh, trong “Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam”, Nxb Khoa học xã hội, năm 1996, đã nêu một cách khá hoàn chỉnh khái niệm, lịch sử hình thành và các hình thức thờ Thành hoàng, điện thờ cũng như các bản kê khai Thần phả,
- Sắc phong của các thời phong kiến đang được lưu giữ tại viện Hán Nôm; “Tín ngưỡng Thành hoàng và thờ vua Hùng ở Việt Nam”, của tác giả Nguyễn Đức Lữ, Tạp chí Sinh hoạt lý luận xuân Tân tị, 2001; nghiên cứu các thần tích và phong tục thờ Thành hoàng làng của Thăng Long - Hà Nội đồng thời tìm hiểu đặc trưng của tín ngưỡng dân gian của người Hà Nội có “Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân”, Nxb Hà Nội, 2004, của các tác giả Nguyễn Vĩnh Phúc, Nguyễn Duy Hinh; trong "Thần tích Hà Nam", Nxb Khoa học xã hội, 2004, các tác giả Lại Văn Toàn và Trần Thị Băng Thanh (chủ biên) đã sưu tập và thống kê được khá đầy đủ các thần tích về các vị thần thành hoàng làng là các anh hùng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, là các vị có công che chở cho dân, dạy dân làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, dạy chữ; nghiên cứu về nguồn gốc, dạng thức tinh thần, thần điện và nghi lễ thờ cúng Thành hoàng ở Việt Nam và Shinto ở Nhật Bản đồng thời so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa hai tín ngưỡng này có “Thành hoàng ở Việt Nam và Shinto ở Nhật Bản” của Trịnh Cao Tưởng, Nxb Văn Hóa Thông tin, Viện Văn hóa, 2005; có công trình nghiên cứu riêng về Thành hoàng là các nhân vật lịch sử trong một họ ở Việt Nam, tiêu biểu là “Thành hoàng họ Đặng ở Việt Nam”, Nxb, Văn hóa dân tộc, 2005 của các tác giả Đặng Văn Lộc (chủ biên), Đặng Đức Thư và Đặng Ngọc Thanh... Nghiên cứu về địa lý hành chính và văn hóa Bắc Ninh có các công trình tiêu biểu: “Địa lý hành chính Kinh Bắc”, Sở Văn hóa Thông tin Bắc Giang, 1997, của các tác giả Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Khắc Đạm dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Tableau de Geographie Administrative d”une Anciene Province Vietnamienne: Le Bắc Ninh (ou Kinh Bắc)”; giới thiệu về văn hóa truyền thống và các di tích lịch sử của vùng đất Bắc Ninh xưa và nay có “Bắc Ninh làng cũ - quê xưa - Chiếc nôi của văn hóa Việt Nam”, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2000, của tác giả Ngô Thế Thịnh, đã được dịch giả Việt Tân dịch sang tiếng Anh; “Chuyện kể ở đền Đô”, Nxb. Văn hóa dân tộc, 2003 của các tác giả Nguyễn Đức Thìn, Phạm Thuận Thành đã tập hợp những câu chuyện kể dân gian có tính chất dã sử về đền Đô, về nhà Lý, về những phong tục tập quán của người Đình Bảng, quê hương đã hun đúc nên vương triều thịnh trị trong lịch sử. Giới thiệu về các danh nhân lịch sử xuất thân ở Kinh Bắc như: Lạc Long Quân, Âu Cơ, Phù Đổng Thiên
- Vương, Trương Chi, Cao Lỗ... có “Danh nhân lịch sử Kinh Bắc”, Nxb. Lao động, 2004, của tác giả Trần Quốc Thịnh. Năm 1941, tác giả Nguyễn Văn Huyên có công trình nghiên cứu “Về một bản đồ phân bố các Thành hoàng trong tỉnh Bắc Ninh” (à propos d’une carte de répartitiondes génies tutélaires dans la province de Bắc Ninh, Hà Nội 1941). Trong công trình này, tác giả đã thống kê các Thành hoàng các Thành hoàng trong tỉnh Bắc Ninh bao gồm: - Các thần Thành hoàng thời đại Hùng Vương có 105 vị. - Các thần Thành hoàng thời Bắc thuộc (thế kỷ thứ II trước Công nguyên đến thế kỷ thứ X Công nguyên) có 116 vị thần. - Các thần Thành hoàng thời nhà Đinh, nhà Lý (thế kỷ thứ X đến XIII) có 127 vị thần. - Các thần Thành hoàng thời kỳ nhà Trần, thời Minh thuộc, nhà Lê từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII gồm có 77 vị thần, trong đó thời nhà Trần có 40, nhà Lê có 30, thời Minh thuộc có 4. nhà Mạc có 3, nhà Nguyễn không có vị thần nào [20, tr.9-10]. Nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian và Thành hoàng ở Bắc Ninh đã còn có “Văn hiến Kinh Bắc T1,2”, năm 2002, Sở Văn hóa Thông tin Bắc Ninh. Nghiên cứu về tục thờ thần tự nhiên liên quan tới đời sống nông nghiệp trồng lúa nước ở Việt Nam, đặc biệt là vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc, có “Chùa Dâu và Nghệ thuật tứ pháp”, Nxb. Mỹ thuật, 2002, của tác giả Phan Cẩm Thượng. Trong “Các di tích lịch sử văn hóa Bắc Ninh”, năm 2004, Bảo tàng Bắc Ninh đã giúp người đọc có những thông tin về đa số các cơ sở thờ tự: đình, miếu, nghè.., Tác giả Nguyễn Quang Khải, “Vấn đề quản lý nhà nước đối với tôn giáo ở Bắc Ninh trong giai đoạn hiện nay”, Luận văn tốt nghiệp Cao cấp chính trị, năm 2004... Tuy nhiên, chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống “Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay”. 3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài 3.1. Mục đích
- Đưa ra khái niệm, nguồn gốc về Thành hoàng và sơ lược phân loại các Thành - hoàng ở Việt Nam. Nghiên cứu, giới thiệu về tín ngưỡng Thành hoàng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; - đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực và giữ gìn, phát huy những giá trị tích cực của tín ngưỡng Thành hoàng ở Bắc Ninh. 3.2. Nhiệm vụ Làm rõ khái niệm, nguồn gốc, vai trò của tín ngưỡng Thành hoàng ở Việt Nam. - Khảo sát, nghiên cứu, phân loại để làm rõ những vai trò cơ bản của tín ngưỡng - Thành hoàng ở Bắc Ninh. Nêu được các giải pháp, kiến nghị nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và phát huy - những giá trị tích cực của tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài 4.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của đề tài là tín ngưỡng Thành hoàng và các vấn đề liên quan như: điện thờ, các hình thức thờ Thành hoàng, lễ hội và những ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực của nó tới đời sống văn hóa truyền thống của nhân dân trong tỉnh Bắc Ninh. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Đề tài nghiên cứu tín ngưỡng Thành hoàng trong phạm vi tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là Thị xã Bắc Ninh và các huyện: Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành, Yên Phong, Quế Võ... Đề tài tập trung nghiên cứu những đặc điểm của tín ngưỡng thờ Thành hoàng ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn hiện nay. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 5.1. Cơ sở lý luận Dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, quán triệt những nguyên tắc của Chủ nghĩa duy vật biện chứng Chủ nghĩa duy vật lịch sử, Tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta để nghiên cứu các tài liệu và sự kiện thực tế. 5.2. Phương pháp nghiên cứu
- + Sử dụng phương pháp khảo sát, nghiên cứu các sự kiện, gặp gỡ các nhân chứng ở các địa bàn nghiên cứu nhằm thu thập tư liệu và giám định. + Phân tích tổng hợp và hệ thống hóa các tư liệu, dùng phương pháp so sánh, đối chiếu với các tài liệu điền dã thực địa, rút ra những kết luận chính xác. 6. Những đóng góp mới về khoa học của luận văn Vận dụng cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo và các phương pháp khoa học đã nêu trên, tiếp thu có bổ sung sáng tạo các tài liệu tra cứu, tiếp cận một cách tổng thể tín ngưỡng Thành hoàng ở địa bàn Bắc Ninh, luân văn đã cung cấp nhiều thông tin chính xác, cụ thể và chi tiết cho các nhà khoa học, những người làm công tác văn hoá, giảng dạy quan tâm tới lĩnh vực này. 7. ý nghĩa của luận văn Thông qua nội dung của luận văn, người đọc sẽ tìm hiểu được hiện trạng của tín ngưỡng Thành hoàng và các nghi thức liên quan tới Thành hoàng cũng như nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của cộng đồng dân cư các làng xã của tỉnh Bắc Ninh. Luận văn sẽ cung cấp các tư liệu giúp các nhà chuyên môn, nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, công tác văn hoá nói chung và tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn trong công tác chuyên môn, nhằm bảo lưu, phát huy các giá trị văn hoá, đạo đức, truyền thống của tín ngưỡng Thành hoàng nói chung và tín ngưỡng Thành hoàng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng. 8. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, kết cấu luận văn gồm 2 chương, 7 tiết: Chương 1: Tín ngưỡng Thành hoàng ở Việt Nam 1.1. Khái niệm, nguồn gốc của tín ngưỡng Thành hoàng ở Việt Nam 1.2. Quan hệ giữa tín ngưỡng Thành hoàng với một số tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam 1.3. Các loại Thành hoàng và vai trò của tín ngưỡng Thành hoàng ở Việt Nam Chương 2: Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh
- 2.1. Đặc điểm tỉnh Bắc Ninh 2.2. Thực trạng tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh 2.3. Đặc điểm và vai trò của tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh 2.4. Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra đối với tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn hiện nay
- Chương 1 tín ngưỡng Thành hoàng ở việt nam 1.1. Khái niệ m, nguồn gốc của tín ngưỡng Thành hoàng ở Việt Nam 1.1.1. Khái niệm Thành hoàng, tín ngưỡng Thành hoàng Thuật ngữ Thành hoàng là một từ Hán Việt; “Thành hoàng có nghĩa là thành hào, hào có nước gọi là trì, không có nước gọi là hoàng. Đắp đất làm "thành", đào hào làm "hoàng" [20, tr.23-24]. Thành hoàng xuất hiện ở Trung Quốc thời cổ đại và đã được thờ như là vị thần bảo hộ cho một thành trì, một phủ, châu hay một huyện. Xã hội cổ đại Trung Quốc được phân chia thành hai cấp: Vương và Hầu; vua nhà Chu là Vương cai quản chư Hầu, mỗi chư Hầu như là một vương quốc nhỏ có một toà thành và một số ấp nông thôn vây quanh. Do vậy, để bảo vệ thành có Thành hoàng, bảo vệ ấp có Thổ địa. Việc thờ Thành hoàng phổ biến khắp đất nước Trung Quốc thời cổ đại; ở đâu xây thành, đào hào là ở đó có Thành hoàng. Thành hoàng thường được vua ban biển miếu hoặc phong tước. Chính quyền phong kiến Trung Quốc đã lấy việc thờ phụng Thành hoàng làm việc giáo hoá dân chúng. Thông qua việc tế tự thần giữ thành giúp trừng phạt kẻ ác và biểu dương kẻ thiện. Do vậy, có thể hiểu một cách khái quát: “Thành hoàng là một phạm trù thần linh bảo hộ thành trì của phong kiến Trung Quốc, được du nhập vào nước ta từ thời Đường rồi tiếp tục phát triển trong các triều đại độc lập của nước ta” [20, tr.60]. “Thành hoàng là một phạm trù ngoại lai, nhưng lại mang một nội hàm bản địa Việt không hoàn toàn giống nguyên bản. Đó là một đặc điểm vay mượn ngôn từ và khái niệm ngoại quốc một cách sáng tạo của người Việt” [20, tr.22]. Thành hoàng là khái niệm chung để chỉ Thành hoàng làng. Tuy nhiên, trong các sắc phong thường dùng các từ như Đương Cảnh Thành hoàng, Bản Cảnh Thành hoàng... “Đương cảnh, Bản Cảnh Thành hoàng, Bản Thổ Thành hoàng là những khái niệm dùng để chỉ một vị thần vốn có của một địa phương, một vị thần sở tại chứ không phải vua phái đến. Thường “âm phù” vua đánh
- giặc khi vua hành quân đi qua địa phương cho nên vua công nhận là Thành hoàng...[ 20, tr.60-61] Nói chung, các cụm từ Đương cảnh Thành hoàng, Bản cảnh Thành hoàng, Bản thổ Thành hoàng, Bản đôn Thành hoàng, Bản viện Thành hoàng, Thành hoàng... “xét ra đều không phải là một loại hỉnh hay cấp bậc Thành hoàng mà vẫn là ngôn ngữ dân gian được các chức sắc khai lên triều đình” [20, tr.70-71]. Tóm lại, Thành hoàng làng là một vị thần làng được quan chức hoá, thường phong là đại vương. Thần làng là một hiện tượng tự phát, sau được nhà nước phong kiến tuyển chọn bao phong để trở thành quan lại thiêng của triều đình trấn giữ làng. Cho nên nói chung họ đều được phong đại vương và thỉnh thoảng được thăng cấp bằng cách tặng thêm mỹ tự hay đề bạt từ cấp Hạ lên Trung, hay từ Trung lên Thượng đẳng thần [20, tr.93]. Tín ngưỡng, hiểu một cách khái quát, là niềm tin của con người vào những điều thiêng liêng, huyền bí vượt khỏi thế giới tự nhiên. Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thể hiện sự tôn thờ tổ tiên; tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng; thờ cúng thần, thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hoá, đạo đức xã hội [13, tr.12]. Tín ngưỡng Thành hoàng thực chất là tín ngưỡng phúc thần đóng vai trò liên kết cộng đồng người trong một cộng đồng lãnh thổ nông nghiệp hữu hạn, làm nơi quy y tâm linh cho cư dân. Tín ngưỡng Thành hoàng mang màu sắc Việt trong bản chất dù đã tiếp thu bao nhiêu yếu tố tôn giáo và văn hoá khác [20, tr.410-411]. 1.1.2. Nguồn gốc tín ngưỡng Thành hoàng ở Việt Nam ở nước ta vào khoảng thế kỷ IX, ở Trung Quốc là thời kỳ nhà Đường, Lý Nguyên Gia đã cho xây La thành và dựng đền thờ Tô Lịch làm Thành hoàng. “Sau đó vào khoảng năm 866 Cao Biền cho mở rộng thành, lại phong Tô Lịch làm Đô Phủ Thành hoàng Thần Quân” [20, tr.31]. Từ đây ra đời thuật ngữ Thành hoàng, Thành hoàng ban đầu ở nước ta
- là Thành hoàng Đại La, đây là vị thần bảo vệ cho thành Đại La, tên của ngài là Tô Lịch. Có một số tư liệu cho rằng Tô Lịch là thuỷ thần sông Tô Lịch, luôn chống đối với Cao Biền trong việc mở rộng thành Đại La. Trong “Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam” tác giả Nguyễn Duy Hinh cho rằng, Tô Lịch là một nhân vật lịch sử có thật: Theo Giao Châu Ký và Báo Cực Truyện thì Tô Lịch làm quan lệnh ở Long Độ (Long Đỗ), đời Tấn đã được khen là người có hiếu, đặt tên làng là Tô Lịch. Lý Nguyên Gia cho xây dựng phủ lỵ trên nền nhà cũ của Tô Lịch, ngài ứng mộng khuyên Nguyên Gia dạy dân: "Tôi được sứ quân uỷ cho làm Thành hoàng ở đây. Nếu sứ quân biết giáo hoá cư dân trong thành hết lòng tận trung thì mới đáng là chức mục thú, xứng với trách nhiệm của người làm quan tốt" [20, tr.31]. Sau này năm 1010 Lý Thái Tổ rời đô ra Thăng Long lại phong Tô Lịch làm Quốc Đô Thăng Long Thành hoàng Đại Vương. Đến thời Trần, Tô Lịch lại được phong thêm các mỹ tự: “Bảo Quốc vào năm Trùng Hưng thứ nhất, Hiển linh vào năm Trùng Hưng thứ tư, Định bang vào năm Hưng Long thứ 21” [50, tr.238-239]. Năm 1442, vua Lê Nhân Tông lại cho lập đàn thờ Đô đại Thành hoàng, Gió, Mây, Sấm, Mưa và thờ Quỷ vô tự (tức là quỷ không được nơi nào thờ cúng); thần Thành hoàng để bảo vệ Thăng Long, đàn Gió Mây Sấm Mưa để cầu mưa. Do vậy tín ngưỡng thờ Thành hoàng lưu truyền vào nước ta và được triều đình phong kiến phỏng theo; việc thờ Thành hoàng xuất hiện ở nước ta ban đầu là ở đô thị do nhu cầu cần có một vị thần bảo hộ cho một thành trì. Thật khó có thể xác định chính xác niên đại của các Thành hoàng. Theo các nguồn tư liệu khác nhau thì có lẽ Thành hoàng du nhập về nông thôn nước ta từ vào khoảng thế kỷ 13 đến thể kỷ 15. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật của Thành hoàng nông thôn Việt Nam là những vị thần đã được nhân dân thờ từ trước, sau đó mới được vua phong tước vương với danh vị Thành hoàng. Tại đình Phi Xá, xã Canh Hoạch, huyện Tiên Lữ (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), có tấm bia ghi rõ Trần Thái Tông phong Đoàn Thượng Phúc làm phúc thần, nhưng bia lại dựng vào năm 1563; còn hai chữ Thành hoàng lần đầu tiên được ghi trong văn bản là tấm bia xã Thường Sơn (Thuỷ Nguyên Hải Phòng)
- thờ ông tù trưởng Lại Bốn, cũng người đời Trần, do tiến sỹ Nguyễn Đình Tuấn soạn, dựng năm 1487, kể rõ Thành hoàng ở đây do bốn xã thờ chung. Vị Thành hoàng này hiệu là Lã Nam Để Đế Lang. Đây là nguồn tài liệu quý chứng tỏ cuối thế kỷ 15 đã có việc thờ Thành hoàng ở nông thôn [50, tr.6]. Việc thờ Thành hoàng trở nên phổ biến khi triều đình biểu dương công trạng của các bậc trung thần, nghĩa sỹ và những người có công lao với nước bằng việc lập đền cho dân xã ở gần thờ khi họ hy sinh vì dân, vì nước hay khi họ chết đi. Tục này lan truyền từ làng nọ sang làng kia, làng nào cũng phải tìm một vị làm chủ tế của làng mình. Các làng đã thấy sự cần thiết có vị thần che chở cho làng mình; làng nào có người anh hùng hào kiệt, hay có công khai làng, lập ấp khi mất đi rồi thì thờ ngay người đó, làng nào không có thì đi cầu lấy một vị về thờ, có nơi thì vì một sự ngẫu nhiên nào đó cho là linh thiêng xin duệ hiệu để thờ; làng nào cũng có đền, có miếu. Thành hoàng làng đảm bảo cho sự thống nhất cộng đồng. Trải qua tiến trình lịch sử, Thành hoàng được thiêng hoá, lịch sử hoá. Xu thế lịch sử hoá Thành hoàng chứng tỏ người dân luôn mong muốn cho làng mình gắn bó với lịch sử dân tộc. Do vậy, Thành hoàng là một biểu tượng cổ xưa có gốc từ Trung Hoa để chỉ vị thần đại diện cho một toà thành lớn có hào bao quanh, vị thần này được thờ nhằm để bảo vệ cho toà thành đó. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ thời nhà Đường (vào khoảng thế kỷ IX) rồi phát triển qua các triều đại phong kiến độc lập của nước ta. Các Thành hoàng được phong các mỹ tự, các tước vị do có công âm phù giúp vua đánh giặc hay trong việc chống thiên tai. Tuy nhiên, việc thờ vị thần cai quản thành trì này không sâu đậm và không dài lâu ở các thành đô ở nước ta. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng bắt đầu lan truyền đến các vùng nông thôn nơi tín ngưỡng thờ thần in đậm dấu ấn trong nét văn hoá của người dân làm nông nghiệp lúa nước. Chẳng bao lâu, nhân dân đồng lòng suy tôn làm Thành hoàng làng, những vị thần bảo vệ cho cuộc sống của người dân trong làng, nhất là những nhân vật lịch sử từng có công tạo lập hay phát triển đời sống kinh tế – văn hoá - xã hội cho làng, nước. Trước hết, đó là những người anh hùng có công đức lớn với dân, với nước như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tảng..., hay những vị thần linh truyền thuyết đã giúp dân chống thiên tai như Thần núi Tản Viên,
- hay những người có công khai ấp, lập làng, dạy dân các nghề thủ công... Ngoại lệ, cũng có làng còn thờ cả các vị Thành hoàng vốn làm những nghề không mấy vinh quang như ăn xin, ăn trộm, gắp phân... Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam vừa mang một số nét của tín ngưỡng nguyên thuỷ vừa vượt ra ngoài nội hàm của tôn giáo nguyên thuỷ với các đặc điểm chính là: Một là, có những Thành hoàng là biểu hiện của hiện tượng thờ tự nhiên như Núi, Rắn, Đá, Cây.... Những hiện tượng tự nhiên đó đều được nhân hoá mang một lý lịch trần gian và lịch sử. “Trong tín ngưỡng Thành hoàng không có thế giới bên kia. Chỉ mới thấy tác động của sức mạnh tự nhiên đem lại đau khổ, chưa thấy những sức mạnh xã hội tác quái, mặc dù đã là xã hội giai cấp” [20, tr.407]. Hai là, tín ngưỡng Thành hoàng là sự biểu thị lòng Kính và Sợ của người nông dân đối với cái Thiêng. Tuy vậy, chưa có sự xuất hiện của một đấng Siêu Nhiên có quyền vạn năng như Thượng đế, Phật, Alla, Jésus... Việc thờ cúng Thành hoàng chỉ đơn giản nhằ m mục đích cầu an, “có Thờ có Thiêng, có Kiêng có Lành”, chưa hình thành lý luận về cái Thiêng, chưa có hệ thống lý luận về thế giới quan, nhân sinh quan, và cũng chưa chỉ ra một mô hình xã hội lý tưởng như Thiên đường, Niết bàn của một số tôn giáo khác. Ba là, để tiến hành việc thờ cúng Thành hoàng đã có một hệ thống tổ chức tương đối phức tạp nhưng cũng rất linh hoạt không cứng nhắc bằng các giáo phẩm, giáo chức như ở các tôn giáo khác. Nghi thức tế lễ Thành hoàng được thực hiện trang trọng theo hình thức triều nghi phong kiến cùng các lễ hội bao hàm các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian như đánh đu, thi vật, chọi gà, hát thi, thi nấu cơm... có những nét riêng tuỳ theo từng địa phương. Để phụng sự Thành hoàng các làng đều có một số ruộng công giao cho dân cày cấy lấy lợi làm lễ. Dân làng được chia thành các giáp, thường thì có bốn giáp, luân phiên nhau cày cấy ruộng thần, nuôi lợn, gà hiến tế; không phải toàn dân trong giáp canh tác ruộng thần mà chỉ những người sắp lên lão thường được gọi là ông Lềnh, ông Cai, ông Đám... đăng cai công việc đó. Chế độ lên lão quy định đến tuổi 49 hay 60 tuỳ theo từng nơi.
- 1 .2. Quan h ệ g i ữ a tín ngư ỡ ng Thành hoàng v ớ i m ộ t s ố t ín ngư ỡ ng d â n gian ở V i ệ t Nam Người dân Việt Nam đa phần vốn gắn bó với việc làm nông nghiệp trồng cấy lúa nước, hoạt động sản xuất luôn gắn liền với yếu tố thiên nhiên: đất, nước, thời tiết... từ đó phát sinh tín ngưỡng thờ thần cũng rất đa dạng mà trước hết là các thần thiên nhiên, linh khí núi sông được nhân hoá như: Mây, Mưa, Sấm, Chớp gắn với bốn pho tượng: Pháp Vân (Mây), Pháp vũ (Mưa), Pháp lôi (Sấm), Pháp điện (Chớp), tức Tứ pháp, thờ ở chùa Diên ứng, xã Khương Tự, Huyện Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành), tỉnh Bắc Ninh. Sau đến là các thần sông, núi, thần đất cũng được nhân dân thờ phụng. 1.2.1. Quan hệ với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên Cũng như các cư dân Đông Nam á cổ xưa khác, người dân Việt Nam thời tiền sử luôn tin rằng có sự tồn tại của một thế giới hồn linh song song với thế giới hiện thực của con người. Họ lý giải các giấc mơ, sự đau, ốm bệnh tật... là do có sự tồn tại của một thế giới khác mà con người không nhìn thấy được, ở đó có sự tồn tại của linh hồn bất diệt. Theo quan niệm dân gian, ở con người, linh hồn tồn tại một cách độc lập với ý thức và ý chí của chủ thể mà nó cư trú; nó điều khiển mọi suy nghĩ và hành động của chủ thể đó, khi linh hồn rời bỏ thể xác thì những suy nghĩ và hành động của chủ thể mà nó cư trú sẽ không thực hiện được, đó là lúc mà ta ngủ hoặc chết. Những quyền năng vô hạn của linh hồn mà người xưa gắn cho nó chủ yếu là do sự chiêm nghiệm của họ qua các giấc mơ trong giấc mơ đó người đó thấy người chết hiện về. Việc vỗ về, an ủi và tranh thủ các linh hồn che chở cho những người đang sống được bình yên, tránh mọi rủi ro bất hạnh trong đời đã hình thành nên tâm lý tôn vinh các linh hồn. Do đó, việc thờ cúng các linh hồn hay thờ cúng người đã chết là một phản ứng ứng xử tâm lý của người xưa nhằm thoả mãn những nhu cầu lợi ích của chính họ đã dần dần trở thành một hành vi không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của con người ở rất nhiều nơi trên thế giới. ở Việt Nam, việc thờ cúng các linh hồn người đã chết thường là các linh hồn có quan hệ gần gũi với người sống, thường diễn ra trong các gia đình. Trong số các tín ngưỡng cổ còn tồn tại đến bây giờ, hiếm thấy có hình thái tín ngưỡng nào lại in đậm
- trong tâm thức và đời sống của mỗi con người Việt Nam như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gia tộc. Thờ cúng tổ tiên theo nghĩa rộng là thờ cúng những người đã khuất trong cùng cộng đồng. Theo nghĩa hẹp, thờ cúng tổ tiên là thờ cúng những người cùng dòng máu như ông. bà, cha, mẹ,... Đây là một nét văn hoá đẹp của con người Việt Nam, tưởng nhớ tới những người có công trong việc tạo lập cuộc sống ngày nay của mọi gia đình, làng xóm. Do vậy, có thể khái quát tục thờ cúng tổ tiên của con người Việt Nam theo bảng sau:
- Bảng 1.2.1. Hệ thống các cấp Tổ tiên, từ Nhà đến Nước Nhà Họ Làng Nước Cấp (Gia đình) (Gia tộc) Biểu hiện ý niệm được Tổ của nhà Tổ của họ: Tổ của làng: Tổ của nước: xác định: Tổ (gia tiên): Trưởng họ Thành hoàng Vua tổ -Ông, bà (Tộc) (ông làng (Vua (Vua Hùng) - Cha, mẹ Thuỷ tổ) làng) Cơ sở vật chất Bàn thờ gia Nhà thờ họ Đình - Đền - thể hiện ý niệm tiên Miếu Nghi thức (Sinh hoạt văn hoá - Cúng - Giỗ Hội làng H ội đ ề n Tôn giáo) Chu kỳ phổ Hàng năm biến Tín ngưỡng Thành hoàng từ khi phát triển xuống tới các làng, các xã của nông thôn Việt Nam, nó đã có những biến đổi không còn giữ nguyên hình thức cũng như đối tượng thờ cúng như khi nó mới du nhập vào Việt Nam. Dưới ảnh hưởng của các loại hình tín ngưỡng dân gian của Việt Nam, nó trở thành một bộ phận cấu thành trong ba cấp độ của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đó là gia đình - họ tộc, làng xã, quốc gia và nhanh chóng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, sự thờ cúng Thành hoàng không nhằm vào toàn bộ tổ tiên, một cá nhân có quan hệ huyết thống, mà nhằm vào một nhân vật riêng biệt. Đó là những người có công với cộng đồng làng, xã, đất nước, như giúp vua đánh giặc, có công khai khẩn đất đai lập thôn, ấp, dạy dân các nghề thủ công, giúp dân khắc phục thiên tai.... Đối tượng được thờ cúng ở tín ngưỡng Thành hoàng thường không có quan hệ huyết thống với những người thực hành thờ cúng. Đối tượng được thờ cúng có thể là một nhân vật có thật trong lịch sử cũng có thể chỉ là một nhân vật huyền thoại được hư cấu
- theo chí tưởng tượng của dân làng, họ không phải là người bình thường như những đối tượng được thờ cúng trong gia đình, ngay khi họ là một nhân vật có thật xuất thân trong cộng đồng thì họ cũng được dân làng gán thêm cho những phẩm chất, năng lực, tính cách theo mong ước của cả cộng đồng. Vì vậy, đối tượng thờ cúng trong tín ngưỡng Thành hoàng thường là những người siêu phàm, hoàn mỹ, cho dù họ có nguồn gốc xuất thân từ một người bình thường. Ví dụ như Trần Hưng Đạo mà nhân dân thờ phụng ở nhiều nơi với nhiều huyền thoại, thần tích về ông. Hơn thế nữa, cho dù nhân vật được thờ cúng trong tín ngưỡng Thành hoàng làng là sản phẩm sáng tạo dựa trên mong ước của cộng đồng, họ không phải là “khuôn mẫu” chung mà lại mang những tính cách, đặc điểm của cộng đồng đã sinh ra họ hay mang nét riêng nào đó của cộng đồng thờ cúng họ. Ai cũng biết rằng Thánh Gióng là một nhân vật huyền thoại, một đứa trẻ lên ba vẫn chưa biết nói, biết cười nhưng khi nghe có giặc ngoại xâm bỗng chốc gọi mẹ cho mời xứ giả trở thành một người có sức mạnh vô biên cùng ngựa sắt, giáp sắt, gậy sắt tả xung hữu đột đánh tan quân giặc, giữ yên bờ cõi. Khi giặc đã tan ngài cưỡi ngựa bay về trời. ở đây, Gióng là một nhân vật huyền thoại nhưng lại mang một lý lịch cụ thể: Gióng quê ở làng Phù Đổng, là con của một bà mẹ nghèo cũng như bao bà mẹ thôn quê khác, ông được nuôi dưỡng với cơm, cà và muối... đây đều là những thức ăn bình thường trong cuộc sống thường nhật nơi thôn quê. Đối tượng thờ cúng ở cả tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên theo huyết thống trong gia đình và tín ngưỡng Thành hoàng đều là người, nhưng trong thờ cúng Thành hoàng, họ không phải là người bình thường, mà là những người phi thường từ sức mạnh, năng lực... cho đến hình hài. Cho dù có xuất thân từ một nhân vật có thật trong lịch sử hay được hư cấu thì đối tượng thờ cúng này luôn là sự kết hợp của cả hai yếu tố thật và hư ảo; mặt thật thể hiện sự xuất thân từ cộng đồng, mang những đặc điểm của cộng đồng đó, mặt ảo thể hiện những mong ước, khát vọng của cộng đồng về những điều cao cả, tốt đẹp cần vươn tới. Sự kết hợp giữa mặt thật và mặt ảo đã làm cho các đối tượng thờ cúng ở tín ngưỡng Thành hoàng trở nên “linh thiêng” hơn, uy lực hơn và “hiển minh” hơn cả các tổ tiên được thờ cúng trong các gia đình.
- Về nơi thờ tự, việc thờ cúng tổ tiên được tiến hành ở trong các gia đình. Mỗi gia đình đều có một bàn thờ tổ tiên, được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong các gia đình. Thường thấy, ở các tộc họ lớn còn có cả nhà thờ tộc, hay nhà thờ tổ tiên. Ngày nay, ở nhiều vùng của đồng bằng Bắc bộ vẫn còn nhiều nhà thờ tộc như vậy và đang có xu hướng khôi phục nhà thờ họ. Việc tế lễ thường được tiến hành vào các ngày giỗ kị (ngày mất của một vị tổ tiên nào đó), những ngày lễ tết (năm mới, Tết Nguyên tiêu...) hoặc những ngày diễn ra một sự kiện bất thường như sinh, cưới xin, mừng thọ...; lễ vật thờ cúng tổ tiên thường tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của gia chủ, hoặc những sản vật sẵn có của địa phương nơi gia chủ cư trú, nhưng cho dù thế nào thì thường có hoa quả, chén rượu, chén nước, và không thể thiếu trầu cau; các đồ lễ dâng cúng bao giờ cũng là những sản vật thanh khiết, tươi ngon nhất. Việc tế lễ cầu khấn tổ tiên thường do con trưởng trong gia đình tiến hành, nếu là thờ họ tộc thì tộc trưởng đứng ra đảm nhiệm. Cũng như thờ cúng tổ tiên việc thờ cúng Thành hoàng cũng được tổ chức vào các ngày Tết trong năm, ngày rằm, ngày mùng một của tháng, ngày đầu mùa hay chu kỳ chuyển thời tiết, nhưng đặc biệt vẫn là vào ngày giỗ kị, hay ngày mất của vị Thành hoàng đó. Do quyền uy siêu việt của thần và do được tiến hành ở phạm vi rộng trong cộng đồng làng, xã nên các nghi thức thờ cúng Thành hoàng làng thường rất nghiêm ngặt, chặt chẽ, và có hệ thống, quy mô hơn nhiều so với nghi thức thờ cúng tổ tiên trong các gia đình. Hệ thống nghi thức thờ cúng Thành hoàng được thể hiện một cách đầy đủ nhất ở những ngày giỗ kị vị thần - những ngày giỗ, hay ngày sinh của vị thần, thường được dân làng gọi là ngày lễ hội của làng. Tất cả các nghi thức thờ cúng Thành hoàng đều diễn ra ở đình làng; tuỳ theo điều kiện kinh tế của mỗi làng mà đình có quy mô to hay nhỏ khác nhau. Nhưng nói chung thì đình làng được xây dựng theo hình chữ T, phần dọc là nội điện, nơi thâm nghiêm thờ thần, phần ngay là đình ngoài, thường được chia làm 3 gian: gian giữa gọi là trung đình là nơi thờ tế tự, hai bên tả và hữu gian, ở trong có bàn thờ thổ điạ hoặc thờ thuộc hạ của thần. ở hai bên có hành lang là chỗ dân làng sửa soạn lễ vật để cúng tế.
- Cũng như thờ cúng tổ tiên, dân làng cúng tế lễ vật cho thần Thành hoàng những phẩm vật đã nuôi sống dân làng như các loại trái cây, các loại thực phẩm đặc trưng của địa phương, thịt lợn, thịt gà, cá.... xuất phát từ quan niệm thần Thành hoàng cũng có cuộc sống như con người “Dương sao Âm vậy”. Sự thành kính đối với các vị thần không chỉ thể hiện qua việc tuyển chọn kỹ lưỡng các phẩm vật, mà nó còn thể hiện ở sự công phu ở khâu chế biến, sắp xếp lễ vật dâng cúng thần. Tóm lại, tín ngưỡng thờ Thành hoàng từ khi du nhập vào Việt Nam lan đến các làng xã, dưới ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian bản địa, đã trở thành một bộ phận cấu thành trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một hình thức tín ngưỡng dân gian thể hiện nét văn hoá uống nước nhớ nguồn của con người Việt Nam. 1.2.2. Quan hệ với tín ngưỡng thờ thổ địa Như đã nói ở trên, cư dân người Việt cổ trước đây luôn gắn bó với nghề trồng lúa nước. Đồng bằng Bắc bộ có đặc điểm là vùng đồng bằng xen lẫn đồi núi sót, diện tích đất đai dùng cho nông nghiệp rất hạn chế, người dân phải đắp đê trị thuỷ, còn ở đồng bằng Nam bộ, người dân phải dẫn thuỷ nhập điền làm nông nghiệp. ở cả hai vùng đồng bằng người dân không ra biển hay lên rừng, mà cuộc sống của của họ gắn liền với đất đai, với việc trồng cấy lúa nước. Do vậy, trong tín ngưỡng đa thần của mình, thì thần Đất là vị thần quan trọng nhất, quan niệm của người dân là “đất có Thổ công, sông có Hà bá”. Ban đầu, thần Thổ địa thường được thờ ở các miếu hoặc các nghè, trong đó thường có một bình vôi; miếu thờ thần thường là ở đầu xóm, đầu thôn. Trong mỗi gia đình đều thờ Thổ công - vị thần đất cai quản khu đất của gia đình đang sinh sống trên đó, với mong ước được thần bảo hộ, che chở giúp xua đi những rủi ro trong cuộc sống, bảo vệ cho cả gia đình, nhờ có Thổ công, các hồn ma quỷ không thể xâm nhập để quấy nhiễu những người trong nhà, bàn thờ Thổ công thường đặt ngay ở gian bên, cạnh bàn thờ tổ tiên. Việc thờ cúng Thổ công thường được tiến hành vào các ngày giỗ, tết, sóc vọng, lễ cúng tuỳ theo gia chủ, có thể cúng chay hoặc cúng mặn, đồ lễ gồm giấy vàng, giấy bạc, trầu cau, nước, hoa quả. Tuy nhiên, cũng có gia đình cúng mặn, trước cúng sau ăn, cốt tỏ lòng thành, cúng
ADSENSE
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn