intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luật nhân quả của đạo Phật với giáo dục đạo đức lối sống cho sinh viên hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong khuôn khổ của bài viết, tác giả chỉ đi sâu phân tích một nội dung phản ánh sự tác động của luật nhân quả của đạo Phật đến giáo dục đạo đức lối sống cho sinh viên trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng hiện nay.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luật nhân quả của đạo Phật với giáo dục đạo đức lối sống cho sinh viên hiện nay

  1. LUẬT NHÂN QUẢ CỦA ĐẠO PHẬT VỚI GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC LỐI SỐNG CHO SINH VIÊN HIỆN NAY TS. ĐỖ THỊ THANH LOAN* TS. NGUYỄN THỊ THANH NGA1** Tóm tắt: Phật giáo từ một tôn giáo ngoại nhập đã trở thành cái bản địa, cái thân thuộc đối với người dân Việt Nam. Sau khi tiếp thu Phật giáo, người Việt đã đưa niềm tin Phật giáo vào gia tài tinh thần của mình thì họ đã trở thành những chủ thể sáng tạo ra nhiều công trình văn hóa mang cốt cách đạo Phật như hệ thống chùa tháp, kho tàng thơ văn và phong tục, tập quán trong dân gian… Nhưng điều rõ nét nhất mà Phật giáo để lại trong văn hóa Việt Nam là những ảnh hưởng tư tưởng của nó đến giáo dục đạo đức, lối sống của người Việt. Trong khuôn khổ của bài viết, tác giả chỉ đi sâu phân tích một nội dung phản ánh sự tác động của luật nhân quả của Đạo phật đến giáo dục đạo đức lối sống cho sinh viên trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng hiện nay. Từ khóa: Luật nhân quả, đạo Phật, đạo đức lối sống, giáo dục đạo đức lối sống, sinh viên. Đặt vấn đề Phật giáo đã có từ lâu đời trên đất nước ta. Trải qua bao thăng trầm, Phật giáo đã và đang là một trong những hệ tư tưởng - tôn giáo có nhiều đóng góp trong dòng chảy lịch sử tư tưởng nhân loại, đặc biệt là những vấn đề nhân sinh với ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tư tưởng nhân quả của Phật giáo ngay từ đầu đã ăn sâu, bén rễ trong suy nghĩ, tình cảm người dân mọi tầng lớp nhân dân. Người Việt Nam rất coi trọng tư tưởng nhân quả, ông cha ta vận dụng triết lý nhân quả để xây dựng đạo lý, răn đời và răn mình như là luật bất thành văn để mỗi người biết tự suy xét và sống sao cho thật tốt. Do vậy, luật nhân quả của đạo Phật có tác dụng răn dạy từ bên trong mang tính tự nguyện từ mỗi người, nên giá trị nhân văn rất bền vững. * Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
  2. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 485 Luật nhân quả của đạo Phật (nhân - duyên) là một triết lý mang tính khoa học, qui luật tự nhiên của vũ trụ, không mang tính chất hình thức của sự thưởng phạt từ một đấng quyền năng. Nhìn từ góc độ khoa học, từ nhân đến quả là sự chuyển biến tự nhiên. Đạo Phật khám phá lý nhân quả cũng chính là khám phá lý khoa học tự nhiên để áp dụng tu hành, đạt đến lý tưởng siêu nhiên. Vì vậy, đạo Phật vừa mang tính khoa học tự nhiên, vừa là khoa học siêu nhiên, đúng như nhà bác học Einstein đã nói: “Đạo Phật là khoa học vừa mang tính tự nhiên vừa siêu nhiên”. Luật nhân quả của đạo Phật đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành, phát triển nhân sinh quan cũng như việc giáo dục trong quần chúng nhân dân nói chung và giáo dục lối sống, đạo đức cho sinh viên nói riêng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Phương pháp nghiên cứu Luật nhân quả của đạo Phật có giá trị nhân văn rất bền vững; đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành, phát triển nhân sinh quan cũng như việc giáo dục trong quần chúng nhân dân nói chung và giáo dục lối sống, đạo đức cho sinh viên; vì vậy, trong nghiên cứu này tác giả sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, kết hợp sử dụng một số phương pháp khác như: logic và lịch sử, phân tích và tổng hợp, khái quát hóa, trừu tượng hóa, điều tra xã hội học… để đưa ra kết quả nghiên cứu và thảo luận mang tính khách quan, khoa học. 1. Nhân quả và luật nhân quả Nhân quả: Theo chữ Hán nhân có nghĩa là hạt giống và quả là bông trái. Trong sự vận động và biến đổi, có thể hiểu nghĩa nhân quả là hành động và kết quả của hành động. Chẳng hạn: Theo nghĩa đen, nếu chúng ta lấy một hạt cam gieo trồng xuống đất, hạt cam lên thành cây cam, cây cam lớn lên cho ta những quả cam ngọt, đó là nhân và quả của cây cam. Nếu ta lấy một hạt chanh đem ươm trồng, hạt chanh lên thành cây và cho những trái chanh chua, đó là nhân và quả của cây chanh. Hai ví dụ trên cho chúng ta thấy nhân nào thì quả nấy, hạt cam sẽ cho trái cam ngọt, hạt chanh sẽ cho trái chanh chua. Theo nghĩa bóng, nếu là hành động thiện thì được phước báo an vui, nếu là hành động ác thì phải nhận lấy sự đau khổ, tức là hành động nào sẽ gặt lấy hậu quả của hành động nấy. Theo Phật giáo, nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Trong thế giới tương quan của hiện tượng, mỗi sự vật hiện tượng đều có những nguyên nhân của nó. Nguyên nhân cho sự có mặt của các hiện hữu tồn tại gọi là nhân, và sự hiện hữu gọi
  3. 486 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... là quả. Mỗi hiện tượng vừa là nhân mà cũng vừa là quả. Tương quan nhân quả ấy gọi là tương quan duyên sinh và đã được Đức phật nói đến qua giáo lý duyên khởi. Từ nhân đến quả phải trải qua một quá trình chịu sự tác động và ảnh hưởng to lớn của các yếu tố duyên theo một tiến trình tất yếu (nhân - duyên - quả) [4]. Luật nhân quả: Mọi sự vật, hiện tượng luôn vận động và phát triển tuân theo quy luật chung nhất, phổ biến, trong đó có luật nhân quả. Luật này không phải do lực lượng siêu nhiên hay xã hội nào đặt ra mà chính là quy luật tự nhiên của vũ trụ. Kết quả có được là do sự tác động của nhân duyên. Nhân duyên quả báo trong đạo Phật được gọi là luật nhân quả. Theo lời Phật dạy: “Luật nhân quả là một phép tắc được quy định theo sự hoạt động tự nhiên của vũ trụ, để quân bình trật tự an toàn của các hành tinh trong không gian” [4]. Luật nhân quả được quan niệm khác nhau thậm chí đang tồn tại sự khác biệt khá lớn. Phật giáo đối với vấn đề nhân quả có cái nhìn đầy đủ và thấu triệt. Nội dung lí luận nhân quả trong Phật pháp rất rộng. Nhân quả báo ứng là để con người hiểu hơn những vấn đề cốt yếu của cuộc sống song nó chỉ là hạt nước nhỏ bé trong biển luật nhân quả mênh mông của Phật giáo. 2. Tư tưởng Phật giáo về đạo đức, lối sống Tư tưởng Phật giáo về đạo đức, lối sống thể hiện rõ nét nhất ở tư tưởng từ bi, hỷ xả của Phật giáo hướng con người đến việc xây dựng nếp sống trong sáng, lành mạnh, một tinh thần hướng thiện. Cụ thể: Thứ nhất: Tính hướng thiện của Phật giáo là một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa nhân đạo; lòng từ bi, bác ái góp phần cứu giúp người hoạn nạn, giữ vững tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc, triết lý vô thường, vô ngã giúp con người giảm bớt cái tôi vị kỷ… Thứ hai: Giáo lý nhà Phật khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu: “hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, “muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ”... Đó là những giá trị tích cực, thiết thực góp phần giáo huấn con người, giúp cho thế hệ trẻ vững bước trước những cám dỗ của cuộc đời, khích lệ họ quan tâm đến số phận của cộng đồng, sống lương thiện, coi trọng tính nhân bản... Thứ ba: Phật giáo khuyên con người giữ ngũ giới: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu/bia. Kinh Sigalovāda (kinh
  4. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 487 Giáo thọ Thi-ca-la-việt) thuộc Trường Bộ đề cập đến chuẩn mực đạo đức của giới tại gia. Đức Phật nêu 14 điều tội lỗi mà giới tại gia nên tránh: Bốn phiền não (Giết hại các quần sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối); Bốn trường hợp gây tổn hại (Tham dục, sân hận, sợ hãi, vô minh); Sáu việc làm cho tiền tài mỗi ngày một hao giảm (Thích uống chất gây say, tham đắm nữ sắc, ưa cờ bạc, thích ngủ nhiều, thích chơi bời ngoài đường, lười nhác). Khái quát lại, quan niệm về từ bi hỉ xả và làm việc thiện là một trong những quan niệm giá trị nhất của Phật giáo. Nó không chỉ giúp con người sống cuộc đời đạo đức, lành mạnh mà còn giúp ngăn ngừa và vượt qua các tệ nạn xã hội như hiện nay; đồng thời nó kích thích con người yêu thương lẫn nhau và làm nhiều việc thiện, sống có trách nhiệm xã hội. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm” [9]. 3. Thực trạng những yếu tố thời đại tác động đến đạo đức, lối sống của sinh viên Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của nền kinh tế thị trường sinh viên chịu nhiều sự tác động từ bên ngoài, những tác động cơ bản ảnh hưởng đến đạo đức lối sống của sinh viên được nhìn nhận trên hai góc độ: xã hội mở và nhiều sự lựa chọn cá nhân. Thứ nhất, xã hội mở: Chúng ta đang sống trong xã hội có độ mở rộng, sinh viên có điều kiện tiếp xúc với nhiều loại thông tin đạt đến “rất”: rất đa dạng và rất nhanh chóng, có quy mô rất lớn và rất phức tạp. Chính những thông tin từ báo chí, điện ảnh và đặc biệt từ các phương tiện được gọi là ICT- sinh viên có điều kiện ra khỏi biên giới đến các nước phát triển đến với các thể chế chính trị khác biệt và họ biết được nhiều hơn với sự nhận thức đa chiều hơn và phản biện tốt hơn. Sống trong một thế giới mở như thế làm cho họ khôn hơn, biết nhiều ngõ ngách thông tin hơn, dễ kiểm chứng thông tin hơn, và tất nhiên cả những thông tin đúng và sai, những thông tin mơ hồ. Nếu các thế hệ sinh viên trước đây tiếp nhận thông tin một chiều từ trên xuống, từ trong ra ngoài, từ một nguồn duy nhất giống như từ bình lớn xuống dốc xuống bình nhỏ, thì ngày nay thông tin đa chiều, đa dạng, đa cấp, đa phương, đa màu sắc. Điều này, đã đưa đến một hệ quả tất yếu là họ không hẳn tin hoàn toàn vào điều gì, kể cả lòng tốt, kể cả sự tự tế [6]. Thứ hai, có nhiều sự lựa chọn cá nhân: So với các thế hệ đi trước, sinh viên có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau, thậm chí ngay trong một tình huống họ cũng tận dụng và tìm kiếm được nhiều phương án lựa chọn. Một xã hội phát triển với nhiều
  5. 488 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... sự lựa chọn là một chỉ số đo lường sự tự do và dân chủ. Sự tự do lựa chọn của cá nhân nhiều hơn trong hôn nhân, trong kết bạn, trong đào tạo, trong việc làm, trong giải trí, trong cư trú, trong tín ngưỡng và trong đời sống. Nếu sinh viên các thế hệ trước dường như chỉ có một con đường, ít sự lựa chọn, hoặc do tổ chức chọn, thậm chí cả trong hôn nhân thì ngày nay sinh viên có quyền lựa chọn tương đối tự do trong con đường đời của mình. Họ có thể chọn trường học, chọn nơi làm việc, sẽ chọn nơi lấy vợ/chồng ở các nước khác nhau, thậm chí họ có quyền từ bỏ quốc tịch, từ bỏ tổ chức, từ bỏ cha mẹ, quê hương, bản quán. Tăng sự lựa chọn đồng nghĩa với tự do nhưng cũng có nghĩa là gia tăng sự hỗn loạn...[6] Trong cuốn “Nghịch lý của sự lựa chọn”, tái bản 2018, Barry Schwartz cho rằng: “Chúng ta đang sống trong mọt thời đại mà khả năng của con người đang ở đỉnh điểm, bị choáng ngợp bởi sự dư thừa vật chất. Xét về khía cạnh xã hội, những gì chúng ta đã đạt đuợc chắc hẳn là những thứ mà tổ tiên chúng ta từng mơ ước, nhưng chúng ta cũng phải trả giá đắt cho những thành tựu đó. Chúng ta có được những thứ mà chúng ta muốn, rồi sau đó khám phá ra rằng những gì chúng ta muốn đó không đủ để thỏa mãn chúng ta như chúng ta mong đợi. Quanh chúng ta là những thiết bị hiện đại, tiết kiệm thời gian, những dường như chúng ta vẫn không có đủ thời gian. Chúng ta được tự do làm tác giả của kịch bản cuộc đời mình, nhưng chúng ta lại không biết chính xác mình muốn “viết” nên loại cuộc đời nào”[8]. Ngày nay, lối sống cá nhân có quá nhiều sự lựa chọn, điều quan trọng là thế hệ trẻ cần có định hướng tốt để tương lai thu được kết quả tốt đẹp. Lối sống cá nhân luôn chịu ảnh hưởng từ gia đình, nhà trường, bạn bè và xã hội; chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ công nghệ kỹ thuật số và công nghệ giải trí (phim ảnh, âm nhạc, truyền hình), tiền tệ… nhưng nếu con người sống thiếu lòng khoan dung và vị tha sẽ khiến cho thế giới rơi vào bất hạnh, bất công, xung đột, tội ác và hận thù… điều này đang diễn ra ở một số quốc gia trên thế giới. Một cá nhân chọn lối sống ngông cuồng, phóng túng hay lối sống vô cảm, bất cần đối với những người xung quanh sẽ chỉ nhận cái kết không hay ho, thậm chí không nhận được sự giúp đỡ, hay không nhận được một cuộc sống tươi đẹp. Một lối sống dựa dẫm, xu nịnh sẽ nhận lại cái kết bị nhàm chán và bỏ rơi. Một con đường tù tội luôn dành cho những người chỉ thích cách kiếm nhiều tiền thật nhanh, chụp giật, bất chấp mọi thủ đoạn và tàn ác, họ sẽ nhận hình phạt thích đáng theo pháp luật và nặng nề hơn nữa là bản án lương tâm luôn cắn rứt… Các khía cạnh tiêu cực nhất của lối sống cá nhân là đi theo nghề nghiệp bất thiện: sát sinh, trộm cắp, buông
  6. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 489 thả trong dục lạc, rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập, buôn người, làm ăn gian dối, buôn bán vũ khí hủy diệt mạng sống… Những yếu tố thời đại đã và đang tác động đến việc suy giảm đạo đức, lối sống của giới trẻ - thế hệ sinh viên hôm nay. Dưới ánh sáng của đạo Phật, bằng triết lý nhân quả sẽ giáo dục thế hệ trẻ có đạo đức, lối sống chuẩn mực hơn, phù hợp hơn. 4. Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của luật nhân quả của đạo Phật trong đạo đức, lối sống cho sinh viên hiện nay Cựu tổng thống Nga V.Putin đã nói: “không thể tách rời đạo đức khỏi những quy tắc tôn giáo”. Rõ ràng, bất cứ tôn giáo nào ngoài hệ thống những giá trị đặc thù để bảo vệ niềm tin tôn giáo, còn có những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân bản sâu sắc, như sống hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng thiện… Vì vậy, trong suốt chiều dài lịch sử việc giáo dục lối sống và đạo đức không thể tách rời khỏi đạo đức và lối sống của tôn giáo, nhất là Phật giáo. Đặc biệt trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế thị trường, thì việc cần tìm ra những giải pháp để phát huy hơn nữa những giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng trong việc xây dựng nhân cách đạo đức cho con người Việt Nam, đặc biệt là đối với sinh viên hiện nay. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, tác giả gợi ý một số giải pháp sau: Thứ nhất, nâng cao nhận thức về giá trị của luật nhân quả của Đạo phật trong giáo dục: đây là một trong những tư tưởng giáo dục tiến bộ trong lịch sử nhân loại. Cuộc sống luôn vận động, phát tiển, trong đó “con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” cho nên giáo dục cần phải vận dụng nhiều phương thức giáo dục khác nhau nhằm đạt đến những giá trị cao nhất của con người, trước hết phải nói đến giáo dục về đạo đức, lối sống. Việc vận dụng luật nhân quả của đạo Phật vào giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên cần làm cho họ hiểu rõ: Mối liên hệ nhân quả tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý chí con người nên chỉ có thể tìm nguyên nhân của hiện tượng trong chính thế giới của hiện tượng chứ không thể ở bên ngoài. Do nguyên nhân luôn có trước kết quả nên khi tìm nguyên nhân của một hiện tượng, ta cần tìm trong những mặt, những sự kiện, những mối liên hệ đã xảy ra trước khi hiện tượng đó xuất hiện. Vì một hiện tượng có thê do nhiều nguyên nhân sinh ra nên trong quá trình tìm nguyên nhân của một hiện tượng, ta cần hết sức tỉ mỉ, thận trọng, vạch ra được kết quả tác động của từng mặt, từng sự kiện, từng mối liên hệ cũng như từng tổ hợp
  7. 490 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... khác nhau của chúng. Từ đó ta mới có thể xác định đúng về nguyên nhân sinh ra hiện tượng. Vì một hiện tượng trong mối quan hệ này là kết quả, trong mối quan hệ khác có thể là nguyên nhân, nên để hiểu rõ tác dụng của hiện tượng ấy, cần xem xét nó trong những mối quan hệ mà nó giữ vai trò là nguyên nhân cũng như trong những quan hệ nó là kết quả. Thứ hai, trong hoạt động thực tiễn, cần chú ý: Muốn loại bỏ một hiện tượng nào đó, cần loại bỏ nguyên nhân làm nảy sinh ra nó. Muốn cho hiện tượng xuất hiện, cần tạo ra nguyên nhân cùng những điều kiện cần thiết. Vì hiện tượng này có thể do nhiều nguyên nhân tác động riêng lẻ hoặc đồng thời nên cần tùy hoàn cảnh cụ thể mà lựa chọn phương pháp thích hợp. Trong hoặt động thực tiễn cần dựa trước hết vào các nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân bên trong. Vì chúng giữ vai trò quyết định trong sự xuất hiện, vận động và tiêu vong của hiện tượng. Để đẩy nhanh hay kìm hãm, loại trừ sự biến đổi của một hiện tượng xã hội nào đó, ta cần làm cho các nguyên nhân chủ quan tác động cùng chiều, hay lệch hoặc ngược chiều với chiều vận động của mối quan hệ nhân quả khách quan. Cần và có thể tìm kiếm, vận dụng những tư tưởng giáo dục tiến bộ vốn có trong lịch sử giáo dục của nhân loại từ phương Đông sang phương Tây. Nếu như ở phương Tây, người ta đề cao tư tưởng giáo dục của Socrates vì nó nhằm hướng đến sự hoàn thiện bản thân và mối giữa cá nhân với cộng đồng thì ở phương Đông, tư tưởng của Đức Phật và Đức Khổng Tử được xem là có ý nghĩa giáo dục to lớn nhằm góp phần đem lại cho con người một cuộc sống chân - thiện - mỹ thực sự… bởi vì Phật giáo hàm chứa nhiều giá trị quí báu về giáo dục nhân cách sống cho con người, đó là điều đã được khẳng định. Hơn nữa, luật nhân quả của Đạo phật có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, nhất là đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên hiện nay. Thứ ba, đối với nhà giáo dục, dù trong lĩnh vực khoa học xã hội hay khoa học vực tự nhiên cũng đều hướng đến việc giáo dục cho con người phát triển toàn diện, vì thế để việc giáo dục hiệu quả và sâu sắc hơn, các nhà giáo dục nên vận dụng kết hợp tư tưởng Phật giáo với các tư tưởng khác để tuyên truyền và giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên; trong giảng dạy cũng như các hoạt động giáo dục khác. Để làm được điều này, người dạy cần phải có những hiểu biết và nhận thức nhất định về Phật giáo nói chung và giá trị về đạo đức, lối sống của Phật giáo nói riêng; quan
  8. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 491 trọng hơn, họ phải biết cách lồng ghép, đưa vào một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, hợp lý, hợp tình những tư tưởng đó vào các tiết dạy, những bài nói chuyện, những buổi hoạt động ngoại khóa, những lời căn dặn, khuyên bảo về kỹ năng, cách sống… cho sinh viên. Do đó, chúng ta không nên giảng dạy, khuyên bảo một cách máy móc các bài học về đạo đức, lối sống theo những mô-típ quen thuộc mà phải làm cho sinh viên tự ý thức tầm quan trọng của việc rèn luyện nhân cách sống và khuyến khích họ chủ động tìm về những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc, giá trị đạo đức, lối sống của Phật giáo… để sinh viên tự lựa chọn, tự “chiêm nghiệm”, tự “tu tập” tư tưởng đạo đức Phật giáo, mà sinh viên thấy phù hợp và yêu thích. Thứ tư, cần có sự phối hợp giữa nhà trường với các tổ chức xã hội, với các cơ sở tôn giáo (trong đó có Phật giáo) trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên. Chính sự kết hợp này sẽ làm đa dạng, phong phú hoạt động giáo dục và phát huy được các ưu thế của của các tổ chức xã hội, cơ sở tôn giáo vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên trong bối cảnh hiện nay. 5. Kết luận Như vậy, giá trị của luật nhân quả của đạo Phật đã, đang và sẽ đồng hành với những giá trị đạo đức của con người Việt Nam. Đặc biệt, điều này có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, để có được hiệu quá cao trong giáo dục cần xác định các yếu tố thời đại tác động đến giáo dục đạo đức lối sống của sinh viên; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp như: nâng cao nhận thức về giá trị của luật nhân quả của đạo Phật; xác định giá trị của luật nhân quả trong hoạt động thực tiễn; vận dụng kết hợp tư tưởng Phật giáo với các tư tưởng khác để tuyên truyền và giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên; và cần có sự phối hợp giữa nhà trường với các tổ chức xã hội, với các cơ sở tôn giáo… thực hiện đồng bộ các giải pháp này còn cần đến sự vào cuộc của lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể trong các nhà trường để việc giáo dục đạo đức lối sống cho sinh viên thật sự đi vào chiều sâu. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phạm Minh Hạc (2001), Về phát triển toàn diện con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  9. 492 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 2. Kalupahana (2007), Nhân quả triết lý trung tâm Phật giáo (Đồng Loại, Trần Nguyên Trung dịch), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 3. Doãn Chính (2003), Kinh văn của các trường phái triết học Ấn Độ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 4. Chân Quang (2001), Luận về nhân quả, Nxb Tôn giáo. 5. Quang (1960), Nhân Quả Luân hồi, Nxb Hương Đạo. 6. Đỗ Thị Thanh Loan (2019), Nhận diện những yếu tố thời đại tác động đến đạo đức, lối sống của sinh viên trong bối cảnh mới”, Nxb Đại học Huế. 7. Đỗ Thị Thanh Loan (2018), “Lối sống của học sinh, sinh viên trong bối cảnh hiện nay”, Kỷ yếu HTKH khoa Xã hội và Nhân văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. 8. Barry Schwartz, “Nghịch lý của sự lựa chọn”, tái bản 2018; https://www.vnbet. vn/hoi-thao-khoa-hoc-giao-duc-phat-giao-dinh-huong-phat-trien/van-dung-tu- tuong-phat-giao-vao-viec-giao-duc-dao-duc-loi-song-cho-hoc-sinh-sinh-vien-viet- nam-hien-nay-9594.html.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2