intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Mạc Thái Tổ - Mạc Đăng Dung

Chia sẻ: Le Lan | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

115
lượt xem
8
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mạc Thái Tổ (1483 ? - 22/8 âm lịch năm 1541), người sáng lập ra nhà Mạc, kéo dài từ năm 1527 đến năm 1592, trong giai đoạn lịch sử của Việt Nam mà người ta gọi là thời kỳ Lê-Mạc phân tranh hay thời kỳ Nam-Bắc triều của Đại Việt. Nhà Mạc do ông dựng lên không những chỉ phải lo khôi phục sơn hà xã tắc đã suy kiệt từ cuối thời kỳ Lê sơ mà còn phải chống chọi lại với phản ứng rất mãnh liệt của phần lớn các cựu thần nhà Hậu Lê với...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Mạc Thái Tổ - Mạc Đăng Dung

  1. Mạc Thái Tổ - Mạc Đăng Dung Mạc Thái Tổ (1483 ? - 22/8 âm lịch năm 1541), người sáng lập ra nhà Mạc, kéo dài từ năm 1527 đến năm 1592, trong giai đoạn lịch sử của Việt Nam mà người ta gọi là thời kỳ Lê-Mạc phân tranh hay thời kỳ Nam-Bắc triều của Đại Việt. Nhà Mạc do ông dựng lên không những chỉ phải lo khôi phục sơn hà xã tắc đã suy kiệt từ cuối thời kỳ Lê sơ mà còn phải chống chọi lại với phản ứng rất mãnh liệt của phần lớn các cựu thần nhà Hậu Lê với tư tưởng trung quân của Nho giáo, chẳng hạn Cương mục có viết Đăng Dung sợ lòng người tưởng nhớ nhà Lê cũ, sinh ra biến cố, nên phàm việc đều noi theo chế độ triều Lê, do vậy các sửa đổi của ông về mọi quy chế trong nước là không nhiều. Thân thế Ông tên thật là Mạc Đăng Dung , sinh giờ ngọ, ngày 23 tháng 11 năm Quý Mão (1483). Ông là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng).
  2. Cho đến nay trong sử sách và giới nghiên cứu tồn tại 3 ý kiến khác nhau về nguồn gốc của Mạc Đăng Dung: Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần. Theo Toàn thư và Đại Việt thông sử, Mạc Đăng Dung là người xã Cao Đôi (Đông Cao theo Cương mục), huyện Bình Hà (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), tổ tiên ông là Mạc Đĩnh Chi, trạng nguyên triều Trần. Đĩnh Chi sinh ra Cao (Dao theo Cương mục), Cao sinh ra Thúy (Túy theo Cương mục), Thúy sinh ra Tung, dời sang ở xã Lan Khê, huyện Thanh Hà, Hải Dương rồi sinh ra Bình, Bình lại dời sang xã Cổ Trai, huyện Nghi Dương rồi trú tại đó. Bình sinh ra Hịch, Mạc Hịch lấy con gái Đặng Xuân là Đặng Thị Hiếu người cùng làng Cổ Trai sinh được ba con trai, con trưởng là Đăng Dung, con thứ là Đăng Đốc (Đốc Tín), con út là Đăng Quyết. Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi mà Mạc Đĩnh Chi lại là cháu 5 đời của trạng nguyên Mạc Hiển Tích thời Lý Nhân Tông (1086), tức là Mạc Đăng Dung là cháu 11 đời của Mạc Hiển Tích. Người theo quan điểm này là Vũ Phương Đề trong Công dư tiệp ký[2]. Sau đó Đặng Đình Lang cũng theo thuyết này và bổ sung thêm rằng gốc gác họ Mạc từ Cơ Chất Khiết - hậu huệ nhàChubên Trung Quốc. Sau khi nhàChumất, Cơ Chất Khiết làm quan cho nhà Hán, được ban họ Mạc và phong ở Trịnh ấp. Sau này con cháu di cư xuống phía nam rồi tới Đại Việt[3]. Mạc Đăng Dung là dòng dõi người tộc Đãn ở ven biển từ Phúc Kiến (Trung Quốc) trở xuống, đã Việt hóa ở phươngNam. Đây là quan điểm của Trần Quốc Vượng cho rằng: gia phả thực của họ Mạc còn chôn trong mộ và họ Mạc là người Đãn man[4].
  3. Trong 3 luồng ý kiến trên, luồng ý kiến thứ nhất được đông đảo các nhà nghiên cứu chấp nhận vì khoảng cách thế thứ từ Mạc Đĩnh Chi tới Mạc Đăng Dung là hợp lý (7 đời trong 200 năm). Thuyết thứ hai được đánh giá là không hợp lý khi nối kết Mạc Đĩnh Chi và Mạc Hiển Tích: các nhà nghiên cứu cho rằng khoảng cách 5 đời trong 220 năm là không hợp lý về thế thứ[5]. Giả thuyết của Đặng Đình Lang đưa ra năm 1959 được xem là đi quá xa và không rõ căn cứ vào đâu[6]. Riêng giáo sư Trần Quốc Vượng phản bác cả 2 ý kiến trên mà cho rằng: Mạc Đăng Dung nhận mình là con cháu Mạc Đĩnh Chi chỉ là "thấy người sang bắt quàng làm họ"[4]. Quyền thần nhà Lê Mạc Đăng Dung hồi nhỏ làm nghề đánh cá, lớn lên có sức khoẻ, đỗ lực sĩ xuất thân, được sung vào quân túc vệ của nhà Hậu Lê đời Lê Uy Mục. Năm 1508, Đoan Khánh năm thứ 4, vua Lê Uy Mục giao cho ông làm Thiên vũ vệ đô chỉ huy sứ ty đô chỉ huy sứ. Năm 1511, Hồng Thuận năm thứ 3, vua Lê Tương Dực thăng ông làm Đô chỉ huy sứ tước Vũ Xuyên bá. Triều Lê suy yếu, các tướng chia bè phái đánh lẫn nhau, bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, mạnh nhất là lực lượng Trần Cảo. Cảo đánh chiếm kinh thành Thăng Long, các tướng gác mâu thuẫn cùng đánh dẹp. Đến khi Trần Cảo rút đi, các tướng lại chia bè phái đánh nhau. Nguyễn Hoằng Dụ (con Nguyễn Văn Lang) đánh nhau với Trịnh Tuy. Tuy thua chạy về Tây Đô (Thanh Hoá). Trần Chân về phe với Tuy đánh đuổi Hoằng Dụ, nắm lấy quyền trong triều. Mạc Đăng Dung thấy uy quyền của Chân lớn liền kêt thông gia với Chân, cho con gái Chân lấy con trai cả mình là Mạc Đăng Doanh.
  4. Năm 1518, Lê Chiêu Tông nghe lời gièm pha, sợ quy quyền của Trần Chân nên sai người giết Chân. Thủ hạ của Chân là Nguyễn Kính nổi loạn. Bấy giờ Đăng Dung đang trấn thủ Hải Dương. Chiêu Tông bèn triệu Mạc Đăng Dung và Nguyễn Hoằng Dụ về cứu giá. Hoằng Dụ đánh bị thua chạy về Thanh Hóa rồi chết. Đăng Dung một mình nhân cầm quân dẹp loạn mà nắm hết quyền bính. Năm 1521, Mạc Đăng Dung chiêu hàng được Nguyễn Kính, dẹp được Trần Cung (con Trần Cảo), quyền thế át cả Chiêu Tông. Chiêu Tông sợ chạy ra ngoài gọi quân Cần vương. Đăng Dung bèn lập em Chiêu Tông là Xuân lên ngôi, tức là Lê Cung Hoàng, tuyên bố phế truất Chiêu Tông. Vua Chiêu Tông được các tướng Hà Phi Chuẩn, Đàm Thận Huy, Lê Đình Tú về cứu, thanh thế rất lớn. Nhưng sau đó Trịnh Tuy ở Thanh Hóa ra cần vương, các tướng bất hoà. Trịnh Tuy tranh công mang Chiêu Tông vào Thanh Hoá, ra lệnh các đạo bãi binh, từ đó các tướng không theo Chiêu Tông nữa. Năm 1523, Mạc Đăng Dung nhân phe Chiêu Tông yếu thế, điều quân đánh Thanh Hoá. Năm 1524, Trịnh Tuy thua trận bỏ chạy rồi chết. Đăng Dung được phong làm Bình chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công. Năm 1525, Mạc Đăng Dung bắt được Chiêu Tông mang về Thăng Long và giết chết năm 1526. Năm 1527, ông được phong làm An Hưng Vương. Các đối thủ đều bị dẹp yên, không còn ai ngăn trở, tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất Cung Hoàng lên ngôi, lập ra nhà Mạc. Chiếu nhường ngôi của Lê Cung Hoàng cho Mạc Đăng Dung có đoạn viết: "Từ cuối đời Hồng Thuận gặp lúc Quốc gia nhiều nạn, Trịnh trung lập kẻ nghịch lên ngôi, lòng người lìa tan, trời cũng không giúp, lúc ấy thiên hạ đã không phải của nhà Lê vậy. Ta (Cung đế) bạc đức nối ngôi không thể gánh nổi, mệnh trời và
  5. lòng người hướng về người có đức. Vậy nay Thái Sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung là người trí đức, tư chất thông minh, đủ tài văn võ, bên ngoài đánh dẹp, bốn phương đều phục, bên trong trị nước thiên hạ yên vui, công đức rất lớn lao, trời người đều qui phục, nay theo lẽ phải nhường ngôi cho..." Làm vua Ông lên làm vua từ ngày 15 tháng 6 âm lịch năm 1527 đến hết năm 1529 với niên hiệu Minh Đức. Sau đó, học theo nhà Trần, nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh (tức Mạc Thái Tông) để lui về làm Thái thượng hoàng. Do thời gian làm vua rất ngắn, không để lại nhiều dấu ấn gì ngoài một số việc như: cho đúc tiền Thông Bảo,truy tôn Mạc Đĩnh Chi là Kiến Thủy Khâm Ninh Văn Hoàng Đế,xây cung điện ở Cổ Trai (nay thuộc Kiến Thụy, Hải Phòng),lấy Hải Dương làm Dương Kinh,tổ chức thi tuyển chọn người có tài (thi Hội năm 1529), cũng như sửa định binh chế, điền chế, lộc chế và đặt các vệ-phủ, các vệ sở trong ngoài, các ty sở thuộc, hiệu ty, tên quan và số lại viên, số người, số lính của các nha môn, nhưng vẫn phỏng theo quan chế triều trước với bổ sung không đáng kể nên người ta biết đến ông phần nhiều như là một người tiếm ngôi, mặc dù trong giai đoạn từ đời Lê Uy Mục đến đời Lê Cung Hoàng thì nhà Hậu Lê đã cực kỳ suy tàn, khởi nghĩa và nổi loạn nổi lên ở nhiều nơi, triều chính thối nát dẫn đến việc các ông vua này phải dựa vào thế lực ngày càng tăng của Mạc Đăng Dung nhằm duy trì quyền lực đã gần như không còn của mình và cuối cùng là việc phải nhường ngôi cho ông. Năm 1540, Mạc Thái Tông mất, Đăng Dung lập cháu nội là Mạc Phúc Hải lên ngôi, tức là Mạc Hiến Tông. Quan hệ với nhà Minh
  6. Các bộ chính sử thời phong kiến của ViệtNamnhư Toàn thư, Cương mục đều viết về hai sự kiện Mạc Đăng Dung cắt đất cho nhà Minh. Năm 1528 Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Năm 1528, cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy, Thuận và hai tượng người bằng vàng và bạc cùng châu báu, của lạ, vật lạ. Vua Minh thu nhận Trong Cương mục cũng đặt vấn đề nghi ngờ về sự việc năm 1528 mà Toàn thư đã chép. Cũng nên lưu ý rằng Toàn thư là do các quần thần nhà Hậu Lê viết ra nên có thể không chính xác. Các sử gia ngày nay xác định rõ rằng hai châu Quy Hoá và Thuận An đã mất sang tay nhà Tống từ thời nhà Lý, do hai thủ lĩnh Nùng Trí Hội và Nùng Trí Cao nộp cho Tống[7]. Đầu hàng năm 1540 Cũng theo Toàn thư: [năm] 1540...tháng 11, Mạc Đăng Dung... qua trấn Nam Quan... phủ phục trước mạc phủ của quân Minh quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước...dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu...Lại sai bọn...mang biểu đầu hàng sang Yên Kinh (Sử ký) nhưng về việc này có mâu thuẫn với sách Khâm Châu chí của nhà Thanh và Quảng Yên sách. Về sự việc cắt đất này, còn có nhiều ý kiến khác nhau. Việc cắt đất bị nhiều sử gia về sau lên án gay gắt, nhưng cũng có ý kiến cho rằng ông làm thế là khôn khéo
  7. nhất, vì cùng một lúc không thể chia sẻ lực lượng ra để chống lại hai thế lực: nhà Minh ở phía bắc, liên minh Lê - Nguyễn ở phía nam[8][9]. Trên thực tế, điều này (dù có hay không) đã ngăn không cho nhà Minh đem quân vào Đại Việt và kể từ sau khi ông mất thì cháu ông, Mạc Phúc Hải vẫn là người có toàn quyền tối cao điều hành đất nước từ địa phận Ninh Bình ngày nay trở ra. Đến thế kỷ 19, học giả Nguyễn Văn Siêu, tác giả sách Phương Đình Dư Địa chí, đã thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề này. Sau khi khảo cứu các sách địa lý Trung Quốc và ViệtNam, Nguyễn Văn Siêu kết luận[10]: Mấy động Như Tích thuộc châu Vĩnh An mới có từ niên hiệu Thuận Thiên. Nhà Mạc trả lại cho nhà Minh đất cũ đã lấn, không phải là cắt đất để đút lót vậy. Các sử gia ngày nay có quan điểm thống nhất với Nguyễn Văn Siêu[11]. Tác giả Trần Gia Phụng trong bài viết: "Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử" có đoạn bình luận xác đáng về sự kiện đầu hàng nhà Minh của Mạc Thái Tổ: "Năm 1533,... Lê Trang Tông sai Trịnh Duy Liễu cùng hơn 10 người đi đường biển từ Chiêm Thành theo thuyền buôn Quảng Đông tới Trung Hoa xin thỉnh cầu nhà Minh xuất quân đánh nhà Mạc. Năm 1536 một lần nữa Lê Trang Tông sai Trịnh Viên yêu cầu nhà Minh đánh họ Mạc. Hành động của vua Lê, kêu gọi người nước ngoài về đánh nước mình, trong đó có ý kiến cố vấn của Nguyễn Kim, không bị một sử gia nào lên án. Việc làm nầy đưa đến kết quả cụ thể là nhà Minh cử Cừu Loan làm tổng đốc, Mao Bá Ôn làm tán lý quân vụ đem binh mã sang ải Nam Quan năm 1540. Ngược lại, trong thế yếu, muốn tránh một cuộc chiến mà mình nắm chắc phần thất bại, đồng thời dân Việt sẽ một lần
  8. nữa bị đặt dưới ách thống trị trực tiếp của ngoại nhân như thời Mộc Thạnh, Trương Phụ, Mạc Thái Tổ, lúc đó đã lên làm thái thượng hoàng, đành chấp nhận đầu hàng và chấp nhận hy sinh danh dự cá nhân, lên ải Nam Quan (Lạng Sơn) chịu nhục. Nhờ sự nhẫn nhục của Mạc Thái Tổ,... Đại Việt trên danh nghĩa là lệ thuộc Trung Hoa, nhưng trong thực tế vẫn độc lập một phương, vua Mạc vẫn cai trị đất đai từ Lạng Sơn trở xuống, đâu có viên tướng Tàu nào bén mảng sang cai trị. Ai cũng bảo Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh vì quyền lợi gia đình họ Mạc, nhưng giả thiết, một giả thiết không bao giờ có thể quay lại được, Mạc Đăng Dung chống cự quân Minh như họ Hồ, nước ta bị tái đô hộ, thì nhân dân ta còn khổ biết bao nhiêu nữa. Đàng này, Mạc Đăng Dung một mình chịu nhục cho trăm họ bình yên. Người ta ưa ca tụng Hàn Tín khi nghèo khổ đã lòn trôn tên bán thịt chợ Hoài Âm (Trung Hoa) như là một gương nhẫn nhục đáng noi theo, nhưng chẳng một ai chịu chia sẻ với nỗi nhẫn nhục vĩ đại của Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung rất buồn tủi về sự kiện Nam Quan (Lạng Sơn) nên về nhà chưa được một năm, ông nhuốm bệnh từ trần năm 1541." Đi xa hơn nữa, tác giả còn so sánh hành động này của Mạc Đăng Dung với vua Lê sau ngày trung hưng về Thăng Long: ...(Theo Việt sử Thông giám cương mục,) "sau khi trở về Thăng Long, năm 1596 vua Lê Thế Tông (trị vì 1573-1599) cử người đem hình dạng hai quả ấn của nhà Mạc và vua Lê lên Nam Quan cho đại diện nhà Minh khám xét, nhưng quan nhà Minh không chịu, bắt vua Lê phải thân hành đến gặp. Vua Lê phải chấp hành, nhưng khi đến nơi đợi lâu quá không được gặp quan nhà Minh, vua Lê đành trở về, rối năm sau (1597) lên một lần nữa mới được hội kiến. Sự kiện nầy chẳng khá gì hơn việc Mạc Đăng Dung lên Nam Quan năm 1540..."
  9. Học giả Trần Trọng Kim thì lên án Mạc Đăng Dung như sau[12]: "Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ." Qua đời Năm 1541, thượng hoàng Mạc Đăng Dung qua đời, thọ 59 tuổi. Trước khi mất ông có để lại di chúc không làm đàn chay cúng Phật và khuyên Mạc Phúc Hải phải nhanh chóng về kinh sư để trấn an nhân tâm và xã tắc là trọng. Đời sau nhìn nhận Mạc Đăng Dung là một trong những nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử ViệtNam. Những nhân vật kiểu như Mạc Đăng Dung (hay Trần Thủ Độ và Hồ Quý Ly thường xuất hiện trong lịch sử Trung Hoa hơn là ViệtNam. Sử sách triều Lê- Trịnh và triều Nguyễn sau này vốn luôn lên án Mạc Đăng Dung là “thoán nghịch” hay “nghịch thần” đồng thời coi nhà Mạc là “ngụy triều” nhưng cũng phải ghi lại một thực tế lịch sử khi Mạc Đăng Dung lên ngôi là “bấy giờ thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng Dung, đến đón vào kinh sư” (Đại Việt sử ký toàn thư, tr.118) hay “lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón về kinh đô” (Đại Việt thông sử, tr.264). Nhưng dù có khen chê hay định đoạt công tội của Mạc Đăng Dung thì người ta cũng phải thừa nhận ông là một người có tài thao lược, trí dũng hơn người (chỉ trong khoảng 10 năm đã dẹp yên hầu hết các cuộc nổi loạn của nhiều phe phái, thế lực
  10. cát cứ khắp nước), là một tay anh hùng lập thân trong thời đại loạn như Đinh Tiên Hoàng thuở trước (xuất thân hàn vi từ tay không mà dựng nên đế nghiệp), là người có sức thu phục nhân tâm lớn (thu phục đại bộ phận lòng dân trong nước, chiêu nạp dưới trướng nhiều tướng lĩnh có tài và trung thành như Nguyễn Kính, Vũ Hộ, Phạm Tử Nghi...), là người dám hy sinh cả danh dự cá nhân vì đại cục quốc gia (đây là hành động thường thấy trong lịch sử Trung Quốc nhiều thời kỳ nhưng gần như không thấy gặp trong lịch sử Việt Nam ở những thời điểm then chốt). Một điều nữa khiến Mạc Đăng Dung được các sử gia sau này đánh giá cao là ở cách đối nhân xử thế của ông. Khi Mạc Đăng Dung phế bỏ nhà Lê sơ để lên ngôi, ông đã không thi hành một cuộc tàn sát hay tắm máu nào đối với con cháu nhà Lê và những người trung thành với cựu triều bởi những cuộc thanh trừng có hệ thống đã từng xảy ra khi nhà Trần lên thay nhà Lý, nhà Hồ lên thay nhà Trần trước đó. Đối với những di sản kiến trúc-văn hóa của nhà Lê sơ tại Thăng Long và Thanh Hóa, Mạc Đăng Dung cũng không xâm phạm hay tàn phá, mà còn cho tu bổ lại các công trình như nhà Quốc Tử Giám ở Thăng Long và lăng mộ các đời vua Lê tại Lam Kinh (Thanh Hóa). Đây cũng được coi là việc làm hiếm thấy trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam bởi triều đại mới lên thường xóa bỏ hay phá hủy những gì được coi là “tàn tích” của triều đại cũ cho dù nhiều “tàn tích” trong số đó có ý nghĩa tiến bộ về lịch sử đi chăng nữa. Điểm “đặc biệt” cuối cùng trong cách hành xử của Mạc Đăng Dung là ở khả năng dùng người và trọng đãi nhân tài của ông. Một bộ phận lớn quan lại, đại thần của triều cũ (Lê sơ) vẫn được tin dùng và trao giữ những chức vụ quan trọng dưới triều Mạc. Nhiều nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng sở dĩ Mạc Đăng Dung có cách hành xử linh hoạt, cởi mở như vậy là do ông xuất thân ở vùng biển nơi cư dân
  11. có cái nhìn thực tế, hướng ngoại và ít bị ràng buộc bởi những tư tưởng bảo thủ truyền thống như những cư dân trong nội địa vốn chủ yếu sống bằng nông nghiệp vào thời đó. Bởi vậy mà cho tới cuối thời Lê Trung Hưng, trong sách Vũ trung tùy bút tác giả Phạm Đình Hổ đã viết: “cái đức chính của thời Minh Đức (niên hiệu của Mạc Thái Tổ) và Đại Chính (niên hiệu của Mạc Thái Tông) nhà Mạc vẫn còn cố kết ở lòng người chưa quên. Vậy nên thời vận đã về nhà Lê mà lòng người hướng theo nhà Mạc vẫn chưa hết...” Định nam đao Thanh long đao của Mạc Thái Tổ (còn được gọi là Định nam đao) được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ ở ViệtNamkhẳng định là binh khí duy nhất của một danh tướng cũng như một vị vua dưới thời phong kiến ViệtNamvẫn còn lưu lại đến ngày nay. Năm 2010, thanh long đao này đã được con cháu họ Phạm gốc Mạc ở Nam Định đưa về lưu thờ và trưng bày ở Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng (nơi là trung tâm của Dương Kinh thời Mạc ở thế kỷ 16). Trải qua hơn 500 năm tuổi và 90 năm bị ăn mòn do chôn giấu dưới lòng đất nhưng cơ bản thanh long đao vẫn giữ được hình dạng và kích thước không khác mấy lúc ban đầu dù bị sứt mẻ và gỉ sét ở nhiều chỗ. Năm 1986, nhà sử học Lê Xuân Quang (người Nam Trực, Nam Định), hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trong quá trình tìm hiểu về hậu duệ vương triều Mạc trên đất Hà Nam Ninh cũng là nhà nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam tìm hiểu chi tiết về thanh long đao. Ông đã xin phép con cháu họ Phạm gốc Mạc được trực tiếp cân đong, đo đếm một cách tỉ mẩn thanh long đao và ghi lại trong bản báo cáo như sau: “Thanh long đao của Mạc Thái Tổ dài 2,55m, cân nặng 25,6kg, lưỡi đao dài 0,95m, cán đao
  12. bằng sắt rỗng dài 1,60m. Một hình đầu rồng bằng đồng thau che kín phần cuối lưỡi đao tiếp vào cán đao thay thế cho khâu đao (trông như thể đầu rồng đang há miệng nuốt lấy lưỡi đao), chỗ hình đầu rồng có "cá" chốt chặt lưỡi đao vào cán đao”. Nhiều chuyên gia về binh khí cổ ở ViệtNamcho rằng thanh long đao (Định nam đao của Mạc Thái Tổ) lúc ban đầu khi chưa bị gỉ sét có thể cân nặng không dưới 30 kg. Thanh đại đao này cũng được xem là một trong hai thanh long đao của một vị quân vương ở châu Á còn tồn tại đến nay và được lưu thờ là vật thái bảo. Thanh long đao còn lại là của Tống Thái Tổ (Triệu Khuông Dẫn), vua sáng lập ra nhà Bắc Tống. Cũng có nhiều đánh giá khẳng định thanh Định nam đao của Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) nặng hơn hai thanh long đao của Triệu Khuông Dẫn và của Ngô Tam Quế (hiện được trưng bày tại bảo tàng tỉnh Vân Nam ở thành phố Côn Minh của Trung Quốc) đồng thời cân nặng không kém mấy so với thanh long đao yển nguyệt của Quan Vũ thời Tam Quốc (theo tác giả La Quán Trung trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa thì long đao yển nguyệt của Quan Vũ cân nặng 82 cân thời Hán tức là khoảng 37 kg thời nay).
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2