intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Minh sấm nghìn năm

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

37
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Sau buổi yết triều nghe lời nói thật thì ít, nhưng những lời xu nịnh của đám hèn quan lại rộ lên ngọt ngào như chim hót. Lê Long Đĩnh cả mừng, cho mở tiệc rượu khoản thưởng có mỹ nữ vào cung ca hát. Rượu ngon gái đẹp làm sao lại không vui, không uống cho thoả thích? Lê Long Đĩnh dù ngọc thể không còn được sự cường tráng như mấy năm về trước, giờ thịt da bệu bã xanh như lá vì đam mê sắc dục vô chừng. Lên triều có người dìu, xuống điện thêm người...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Minh sấm nghìn năm

  1. Minh sấm nghìn năm TRUYỆN NGẮN CỦA ĐỖ VIẾT NGHIỆM Sau buổi yết triều nghe lời nói thật thì ít, nhưng những lời xu nịnh của đám hèn quan lại rộ lên ngọt ngào như chim hót. Lê Long Đĩnh cả mừng, cho mở tiệc rượu khoản thưởng có mỹ nữ vào cung ca hát. Rượu ngon gái đẹp làm sao lại không vui, không uống cho thoả thích? Lê Long Đĩnh dù ngọc thể không còn được sự cường tráng như mấy năm về trước, giờ thịt da bệu bã xanh như lá vì đam mê sắc dục vô chừng. Lên triều có người dìu, xuống điện thêm người dắt, nhiều khi còn ngoạ sàng để nghe các văn võ bá quan cung bẩm. Vậy mà hôm nay như khác hẳn. Tâm thế người phấn khích tột độ, uống đến mắt hoa mà vẫn cứ uống. Thân thể liêu xiêu, miệng nói méo mó, tay chân vung vẩy, thấy thế bọn quần thần hoảng hốt vội dìu nhà vua vào trong long sàng, đến nỗi không kịp cởi cả long bào đã nằm vật ra rồi ngủ thiếp. Cũng vào cái đêm đó trời bỗng nổi cơn giông lớn, sấm chớp nổ ầm ầm làm rung động cả kinh thành Hoa Lư. Mưa tuôn ào ào đổ xuống sông Sào Khê, nước dâng trắng phớ ngập tràn ruộng vườn bá tính. Vách núi, đồi tre cuốc kêu khản tiếng nghe mà buồn xao xác. Trong triều mấy viên cận thần thân tín thập thò ngoài hậu điện tâm trạng bồn chồn lo âu. Thật may đến sáng tinh mơ nhà vua giật mình tỉnh giấc, nhưng miệng vẫn còn ú a ú ớnhư sợ hãi điều gì đó. Tôi thần bên ngoài cuống quýt tưởng có thích khách, liền đạp cửa xông vào mới hay không phải, trên long sàng nhà vua mặt mày tím tái, mồ hôi vã ra đầm đìa ướt đẫm cả long bào đang mặc. Thật lạ, ngoài trời cơn mưa cũng vừa tạnh. Vườn thượng uyển cũng không còn nghe tiếng chim Oanh hót, không còn ngửi thấy mùi thơm của các loài hoa quí bay vào. Lê Long Đĩnh đôi mắt nhắm hờ, mặc cho các tỳ nữ thay nhau xoa bóp. Rồi cơn mê cũng qua, tâm thế bình an trở lại, nhà vua nhìn quanh một lượt thấy các thần quan vẫn đang quì mọp dưới đất, liền hạ chỉ:
  2. “Hãy truyền lệnh ta, thượng triều”. Lệnh ban đột ngột khi đó trời vẫn chưa tan sương, mới bước qua được nửa giờ Dần. Các tôi thần nhìn nhau miệng tròn vo, không ai kịp lên tiếng đã nghe nhà vua nói tiếp: “Trong giấc ngủ đêm qua, ta có mộng thấy một cơn giông. Cơn giông đó thật là kỳ lạ. Rồi bắt đầu từ một tiếng sấm, sau đó ta nhìn thấy một thân cây cổ thụ ngọn gãy lìa rơi rầm xuống đất và trời mới đổ mưa. Nhưng là một cơn mưa toàn máu. Máu chảy đỏ đường, đỏ sông làm ta kinh hãi. Các ngươi theo ta nhiều năm, được hưởng lộc của triều đình, được bá tính trọng nể, vậy ta hỏi các ngươi giấc mộng của ta đêm qua là điềm gì?”. Các quan trong triều nghe xong, tóc dựng như gió táp toát vã mồ hôi. Trên bệ rồng nhà vua mệt mỏi đưa mắt nhìn xuống, nhưng tuyệt nhiên vẫn không thấy ai trả lời. Sốt ruột, nhà vua đập mạnh tay đánh rốp vào long bàn nói lớn: “Các ngươi đều là những bậc hiền tài, hiểu sâu, biết rộng mà sao lại câm khẩu như con sò con hến? Vậy ta hỏi, như thế có đáng bậc thần quan của sơn hà xã tắc?”. Thật may, ngay lúc đó từ bên ngoài có một vị quan Châu vội vã chạy vào, rồi quì xuống long điện xin dâng nhà vua bản tấu. Dưới sàn triều thần nhìn lên, mà tim rung như muốn thót ra khỏi lòng ngực. Nhà vua cởi niêm sợi dây lụa đào, đọc xong một lượt mày ngài biến sắc, quay sang đưa bản tấu và nói với quan Thái sư giọng ngài vẫn còn hẫng hụt: “Ta muốn khanh đọc to, đọc hết, để các thần cùng biết!”. Đỡ tờ cáo thư, Thái sư mới liếc mắt nhìn mà hồn phách đã bay tan tác. Một tin không vui. Đúng hơn là một điềm xấu. Thái sư trộm nghĩ, nếu tin này loang ra khác nào như một cơn đại hồng thuỷ? Bá tính hoang mang, tôi thần sinh loạn, há chẳng phải lành ít dữ nhiều đó sao? Khi quan Thái sư còn đang ngập ngừng, nhà vua lại đã lên tiếng giục: “Ta biết khanh đang nghĩ gì? nhưng cứ theo lệnh ta mà làm!”. Còn gì để nói. Làm tôi không được khi quân. Rồi quan Thái sư đọc: “… Ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, hôm qua bất ngờ có một cơn giông lớn. Đến đúng giờ Tuất nghe một tiếng sấm nổ to như trời sụp, đánh vào ngọn cây gạo làm gãy lìa rơi xuống đất, để lộ ra một
  3. bài sấm ngữ mực còn hồng tươi, nét viết đẹp tựa rồng bay phượng múa. Bài sấm đó như sau: Thụ căn diểu diểu/ Mộc biểu thanh thanh/ Hoà đao mộc lạc/ Thập bát tử thành/ Đông a nhập địa/ Dị mộc tái sinh/ Chấn cung kiến nhật/ Đoài cung ẩn tinh/ Lục thất niên gian/ Thiên hạ thái bình. Tôi tớ người trần mắt thịt, thấy thế hết thảy đều thất kinh không hiểu điềm lành lành hay điềm dữ, nên khẩn cấp bẩm báo Hoàng thượng anh minh soi sét?”.Quan Thái sư đọc xong, các quan trong triều nghe bàng hoàng mặt ngài thất sắc. Cung yết triều hàng ngày rực rỡ nguy nga, giờ bỗng nặng nề u uất như chốn hang cùng, căng cứng như dây đàn mộc. Lời lẽ bài sấm không ai là không hiểu ý tứ thâm sâu, sắc nhọn như dao kiếm, công khai chỉ báo ngày tận diệt của triều đình nhà Lê, làm sao không sợ? Trong triều lâu nay ai cũng biết, chỉ có quan Thái sư và quan Quốc sư là người được nhà vua tin cẩn, mỗi khi yết triều lời nói của họ luôn được coi là thần ý. Giờ Quốc sư đang công cán bá tính đường xa chưa về, trước điện chỉ còn có quan Thái sư. Nhìn trước nhìn sau biết tránh không được, liền đưa tay lên trán thấm nhẹ mồ hôi mà bẩm: “Tâu bệ hạ. Hương Diên Uẩn thuộc lộ Bắc Giang, nằm về hướng đông Bắc chiếu từ kinh thành Hoa Lư. Nếu đi bộ phải mất hơn một ngày đường, còn đi ngựa cũng hết non một buổi. Ở đây thần được nghe dân chúng lan truyền kể rằng. Vào niên Ất Sửu, Hưng Nguyên thứ nhì đời Đường Đức Tôn Quát (785 sau CN), có một vị thiền sư tên là Định Không, khi đào đất để xây chùa Quỳnh Lâm vô tình nhặt được nhiều vật lạ. Nhưng lúc đem xuống sông rửa, mới biết đó là mười chiếc khánh quí và một bình ly hương. Rồi người rửa không hiểu vì mừng, hay bị nước chảy xiết nên để tuột tay rơi mất một chiếc. Theo phép chiếu tự thì mười chiếc khánh là thập khẩu, chính là chữ Cổ (古). Còn rơi mất một chiếc chìm dưới đáy sông gọi là thuỷ khứ, chính là chữ Pháp (法). Định Không lấy hai chữ ấy ghép lại đặt tên cho hương là “Cổ Pháp”. Cổ Pháp chính là hương Diên Uẩn hiện nay tâu bệ hạ. Trong bản tấu còn nhắc tới một cái cây bị sấm đánh gãy lìa ngọn, khiến thần cũng thấy thất kinh. Kinh vì nó trùng hợp với giấc mộng đêm qua của
  4. người?”. Nói đến đây giọng quan Thái sư nghe ấp úng nửa như muốn nói, nửa lại muốn thôi càng làm cho ruột gan Lê Long Đĩnh cồn cào, mà rằng: “Khanh đừng sợ, hãy nói thật với ta?”. Quan Thái sư khấu đầu tạ ơn, rồi mạnh dạn nói tiếp: “Tâu bệ hạ. Từ lâu thần còn nghe vào niên Bính Thân Thanh Thái thứ 3, đời Đường Đế Tòng Kha (936 sau CN), người hương Cổ Pháp có trồng một cây gạo, nếu đúng là cây gạo đó thì đến nay cũng đã bảy mươi tư niên chẵn. Trong ngày trồng cây gạo đó, có một bậc trưởng lão tên là La Qúi An đến đọc một bài kệ lời lẽ thiêng liêng hùng tráng, như tiếng vang của trời của đất. Lời kệ tiên đoán đến khi nào cây gạo có hiện hình rồng, thì hương Cổ Pháp có người lên ngôi thiên tử”. “Hừm …”. Lê Long Đĩnh mặt đang xanh ngắt, vụt chốc đỏ bừng gầm lên như tiếng loài hổ báo, rồi hỏi lớn: “Ta hỏi khanh. Vậy ngày hôm qua là ngày gì?”. Quan Thái sư miệng lầm rầm đưa tay bấm số, rồi trả lời: “Theo thần, thì sấm đánh vào giờ Tuất và ngày hôm qua là ngày Thỏ, tháng Chuột, năm Gà trùng với lời kệ của trưởng lão La Qúi An ạ?”. Lê Long Đĩnh giật thót, rồi hỏi tiếp: “Còn lời bài sấm. Ý tứ ra sao?”. “Tâu bệ hạ, thần nghĩ …”. Lại lần nữa Thái sư chần chừ, nhưng được nhà vua khuyến khích, liền tâu: “Cứ như lời sấm chép. - Hoà đao mộc lạc, theo thần là đại nghịch. Lạc tức chỉ là Lê, đó chẳng phải là phạm tội khi quân? - Thập bát tử thành, là cáo ứng triều người đang suy, hiển linh sẽ có triều mới. - Còn lục thất niên gian, là chừng sáu hay bảy niên nữa thiên hạ sẽ thái bình?!”. Lê Long Đĩnh lúc đầu dù mới lướt thoáng qua nhưng cũng đủ nhận biết, nay thêm lời thích giải của quan Thái sư như gươm dao đâm thẳng vào tim mình. Rồi không còn kìm nén được nổi cơn uất ức, nhà vua vịn tay vào thành long ghế muốn đứng bật dậy, nhưng đôi chân mềm oặt lại không chiều theo ý kéo xuống. “Chúng là kẻ nào, mà dám khi quân như vậy?”.
  5. Lúc này quan Thái sư mới bước lên ba bậc, cúi đầu ghé sát vào tai nhà vua thầm thì nói nhỏ: “Xin bệ hạ cho bãi triều, thần mới dám có lời thỉnh giải?”. Dù đang giận sôi sùng sục, nhưng Lê Long Đĩnh đành phải nghe theo lời quan Thái sư. Khi các quần thần ra về hết, trong điện lúc này chỉ còn có nhà vua và quan Thái sư. Ngoài xa, vài ba người lính cấm vệ lập lờ trước cửa. Thấy đã an tâm, Thái sư vội nói: “Tâu bệ hạ. Thần xin bệ hạ tha tội chết, vì phải nói những lời khi quân. Bài sấm đó đầy ác ý của kẻ ngông cuồng, nhưng không phải là huyền ảo. Nếu đặt chữ Thập nằm trong chữ Bát, và trên chữ tử là thành chữ Lý (李̣). Dạ tâu bệ hạ, nếu đúng thiên ứng của trời đất ắt chỉ sáu đến bảy niên nữa, sẽ có một người nhà họ Lý lên ngôi”. Lê Long Đĩnh nghe mà tim giật thùm thụp, suýt nữa ngã nhào xuống nền long điện, may thay quan Thái sư đã cảnh giác nên kịp đỡ nhà vua ngồi xuống. Không còn nghi ngờ gì nữa, bài sấm đó đã ám chỉ đến vận suy mất còn của triều Lê rồi. Suốt đêm đó, Lê Long Đĩnh không tài nào chợp mắt nổi. Mà lạ, cứ chợp mắt lại thấy đất trời âm u, sông dài, thác lũ sôi réo ầm ào như ma than quỉ khóc. Lê Long Đĩnh còn nhìn thấy bóng hình Lê Long Việt ngồi trên voi chiến, nhập nhoà đi trong sương khói tay cầm gươm sáng quắc, miệng gọi tên phản nghịch Lê Long Đĩnh ra mau mau nạp mạng. Thật hư ám ảnh nhà vua sau nhiều đêm thức trắng, long thể người gầy sọp xanh xao, quần thần bối rối chưa biết phải làm gì, nhà vua lại xuống chỉ cho yết triều khẩn: “Các ngươi theo ta ăn lộc của triều đình, vậy các ngươi phải biết gìn giữ sơn hà xã tắc. Nếu vương triều của ta không còn, há các ngươi cũng mất hết phẩm tước, bổng lộc đó sao? Rồi vợ con các ngươi. Cha mẹ các ngươi cũng trở thành kẻ tiện dân, còn đâu được vinh hoa phú quí nữa? Nay có kẻ muốn làm loạn, ta giao cho các ngươi đem nhiều tinh binh đến hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp mà diệt hết lũ sâu bọ nhà họ Lý để trừ hậu hoạ về sau”. Quan Thái sư nghe chỉ mà chân tay run bần bật, liền quì gối có lời can ngăn. Nhưng có còn cách nào khác? Câu hỏi của nhà vua làm quan Thái sư bối rối. Cơn lửa giận của Lê Long Đĩnh đã bùng lên cao như núi Cắm gươm, lại như gặp gió Nam thổi mạnh từ đám quần thần cơ hội đông như ruồi.
  6. Sang ngày hôm sau, vào một đêm ở hương Diên Uẩn khi nhà nhà còn đang ngủ say, người người còn đang ngủ say. Bỗng nghe tiếng chân người chạy điên cuồng, rồi nghe tiếng chó sủa, tiếng miêu gào eo éo lẫn trong tiếng thét của người lớn, trẻ con thảm thiết. Gần sáng tiếng động im bặt bay biến như hồn ma bóng quỉ, nhưng khi những âm thanh đó biến mất để lại một cảnh tượng thật kinh hoàng tang tóc. Trong nhà, ngoài sân, đường làng thây người chết nằm ngổn ngang. Thân thể họ chằng chịt những dấu gươm đâm, đầu vỡ lìa khỏi cổ. Sông Thiên Đức xác nổi lềnh bềnh, quạ hoang bay về kêu quang quác đậu đen đặc mặt nước tranh nhau mổ rỉa thịt người. *** Vạn Hạnh bước xuống khỏi giường vì không tài nào nhắm mắt nổi. Trong đầu ông cảnh cái đêm người nhà họ Lý bị sát hại cách đây bảy năm, lại hiện lên như có ai đó đang thì thầm, đang rên rỉ đau đớn quần quại bên tai nghe buồn xao xác. Khoác thêm một chiếc áo vào người cho đỡ lạnh, Vạn Hạnh khẽ khàng mở cửa bước ra khỏi nhà đứng dưới hàng hiên, ngước mắt nhìn xa vời về hướng nhấp nhô đồi núi. Trăng suông mù mờ, ngọn Thiên Ấn trông chỉ còn như một con thuyền nhỏ. Giang sơn trùng điệp như thành, như luỹ kéo dài từ Đông sang Tây vững vàng một thuở. Nơi trời trao cho nhà Đinh chiếc ấn đặt trên đỉnh núi, nhờ thế mà xây nên nghiệp lớn Tiên hoàng bình thiên hạ. Nhưng tiếc thay nhà Đinh lại không giữ được bao lâu, sau khi dẹp mười hai xứ quân thống nhất sơn hà xã tắc. Rồi nhà Lê lên ngôi với bao nhiêu kỳ vọng của bá tính, lại như theo vết xe đổ khiến giang sơn tiêu điều ai oán. Trong triều, kẻ nịnh hót nhiều hơn tôi trung. Nội bộ hoàng thân quốc thích đố kỵ ghen ghét, tranh giành quyền lực mà sinh lòng tà loạn. Hỏi nhà chưa tề, làm sao trị quốc? Lê Long Đĩnh tham vàng bỏ ngãi, đang tay mưu sát anh ruột mình là vua Lê Long Việt để soán ngôi. Giang sơn đang nằm trong tay một ông vua, mà cả thể xác lẫn tinh thần đã bị quỉ ám. Vạn Hạnh buột thở dài vừa lúc nhìn thấy trên bầu trời, có một ngôi sao bay sẹt ngang qua rồi vụt tắt rơi về hướng Tây mất hút giữa không gian bao la thăm thẳm. Vạn Hạnh giật thót, rồi than: “Trời thật là có mắt, kẻ bạo tàn đã đến ngày quả báo rồi chăng?”. Nói xong Vạn Hạnh định quay vào nhà, nhưng phía cổng đã nghe tiếng bước chân người rậm rịch, rồi một lát có tiếng kêu gõ cửa. Trong nhà người hầu vội chạy
  7. ra hỏi vọng: “Ai đó?”. Có tiếng đáp lại: “Mở cửa xin được gặp Quốc sư?”. Từ xa Vạn Hạnh đã nghe tường tận. Linh tính mách bảo cho ông, hình như có điều gì đó đang sảy ra trong triều? Nghĩ vậy, Vạn Hạnh bước ra rồi giục người hầu mau mau mở cửa mời vào. Dù đã biết được mệnh trời vừa báo. Nhưng Vạn Hạnh vẫn không khỏi sững sốt, khi nghe tin nhà vua băng hà mà chưa rõ nguyên nhân? Quay vào nhà thay quan phục, rồi theo đoàn quân cấm vệ cấp tốc vào cung. Đêm kinh thành tĩnh mịch, nhà nhà vẫn chìm trong giấc ngủ say. Ngoài kia sông Sào Khê, vẳng tiếng sóng đập vỗ vào vách núi nghe óc ách buồn tênh tênh. Đoàn người vào đến giữa sân long điện, đội cấm binh dạt ra nhường lối cho Vạn Hạnh bước vào chính điện. Trong ánh sáng mù mờ, toả mùi thơm của dầu thảo mộc và hương trầm bay ngan ngát. Vạn Hạnh nhìn thấy nhà vua vẫn nằm trên long sàng bình nhiên như đang ngủ. Các quan trong triều ủ rũ đứng lặng hai bên. Sát long sàng có quan Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ, đang quì dưới đất đầu gục vào xác nhà vua khóc nức. Ôi chao. Cảnh đó khiến Vạn Hạnh nhớ lại chuyện cũ đã qua, cũng chính tại nơi đây khi vua Lê Long Việt bị Lê Long Đĩnh sát hại, thân thể còn đầm đìa máu, nhưng các quan trong triều đều kinh sợ mà không ai dám đến gần. Vừa lúc đó ngoài trời vẳng tiếng chim lạ kêu rùng rợn, quần thần ngơ ngác nhìn quanh, nhưng chỉ thấy có Lý Công Uẩn đang băng băng rẽ lối bước vào, rồi phục xuống ôm chặt lấy xác nhà vua khóc rầm như mưa. Bữa đó triều thần lại thêm một phen hoãng hốt, tưởng sau đó Lý Công Uẩn sẽ bị chém đầu vì tội khi quân. Nhưng không ngờ khi Lê Long Đĩnh lên ngôi, lại xem cử chỉ ấy là một tôi trung của bậc hiền tài, rồi chẳng những không xử tội chết mà còn giữ tiếp làm quan, phong cho chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ từ đó. Bây giờ Vạn Hạnh đang đứng trước muôn người, bề ngoài trông ủ rủ tiếc thương nhưng trong lòng lại rạo rực niềm vui khôn xiết. Vạn Hạnh vui vì ông đã không nhầm cậu học trò cưng, nay đã lớn khôn ngoài sự mong ước. Trong cuộc sống muôn vàn cạm bẫy đã biết tiến, biết lui, biết bịt tai che mắt kẻ khác. Biết đạo làm người phân minh. Biết trắng đen phải trái. Biết nhìn rộng trông xa để tiến lên phía trước. Gạt dòng nước mắt đang chảy tràn trên má, quan Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ nhìn thấy Quốc sư, liền đứng dậy lùi ra nhường chỗ. Vạn Hạnh giả đò như không hề để ý tới Lý Công Uẩn, vội quì phục
  8. xuống khấu đầu vái lạy nhà vua mà nước mắt đầm đìa. Tiếng khóc biệt ly trong triều kéo dài suốt nhiều ngày liền, với những cung bậc khác nhau, cảm xúc cũng khác nhau. Như một vở kịch không lời, lan toả khắp thành Hoa Lư âm u và nặng trĩu. Nhưng thôi, điều lo lắng nhất của Vạn Hạnh lúc này là giang sơn đại sự. Thiên triều vắng một ngày không vua là giang sơn nghìn cân treo sợi tóc. Nhưng quyền lực thì đang nằm trong tay các bậc đại thần, lòng dạ lại chia năm xẻ bảy. Không khí điện triều như một chảo dầu sôi. Xã tắc có nguy cơ bùng lên cảnh nồi da xáo thịt. May thay trong triều còn có những tôi trung, ngay thẳng như cây tùng cây bách. Rồi sau hai ngày sấm chớp gió mưa trên triều điện, nhóm Đào Cam Mộc ngã theo Quốc sư Vạn Hạnh, đưa được quan Tả thân tiền vệ điện chỉ huy sứ lên ngôi thiên tử. Hôm ấy là ngày mồng hai, tháng mười một, năm Kỷ Dậu. Lý Công Uẩn năm đó cũng mới vừa hai mươi lăm tuổi. *** Quốc sư Vạn Hạnh lòng tỏ như thần, khẽ mỉm cười sung sướng nâng chén trà lên môi nhấp một ngụm vừa đặt xuống có người trong triều đến tư gia, mời vào cung yết kiến Hoàng thượng khẩn. Vạn Hạnh sững sờ vì điều bất ngờ chợt đến. Bất ngờ bởi nhà vua mới đăng quang ngày hôm qua, nhưng hôm nay đã cho vời Vạn Hạnh. Nhận chỉ, Vạn Hạnh vội vàng sửa lại áo mão rồi lên kiệu cùng đoàn tuỳ tùng vào cung gấp. Chẳng mấy chốc đã đến điện rồng, ra khỏi kiệu vừa đi được mấy bước Vạn Hạnh giật mình nhìn lên thềm đại sảnh, đã thấy nhà vua đang phăng phăng bước xuống, hai tay đặt trước bụng đầu hơi cúi đón chào ông. Cử chỉ đó làm Vạn Hạnh toát vã mồ hôi, vội vàng quì phục mà rằng: “Bề tôi không dám, tâu bệ hạ?”. “Lý Quốc sư. Trò và thầy không phải là lẽ thường tình ở đời đó sao?”. “Biết lẽ đời là vậy, nhưng đó là chuyện ngày xưa, tâu bệ hạ?”. “Không chỉ là chuyện ngày xưa, mà mãi mãi vẫn là như thế?!”. Vạn Hạnh giật mình thoáng nghĩ “chẳng lẽ Lý Công Uẩn, đã biết được những điều bí mật của ta rồi sao?”. Chao ôi. Nếu là thế … . Hình ảnh người con gái có tên là Phạm Thị Ngà,
  9. một thôn nữ hiền lành xinh đẹp ngày nào đến xin Vạn Hạnh vào làm thủ hộ ở chùa Tiêu lại hiện về. Vạn Hạnh nhớ ánh mắt, khuôn mặt tròn như vành trăng sáng. “Tội lỗi, tội lỗi”. Vạn Hạnh lầm rầm trong miệng. “Cửa chùa làm sao khước từ cõi trần, đến nương nhờ vào đức Phật?”. Rồi Vạn Hạnh đã nhận nàng. Từ đó nàng chăm chỉ công việc làm vườn, tưới cây khuya sớm. Tối tối nàng lên chùa thắp hương, cùng các ni cô, phật tử nghe thuyết giảng Phật pháp. Ngày tháng qua đi ở chốn thiền môn linh thiêng huyền bí, đã làm thay đổi cuộc đời nàng. Nhưng rồi một ngày. Một ngày nàng vô tình nhìn thấy có bóng thần nhân, áo mão lộng lẫy như hiển linh từ trong cây cột chùa chính điện bước ra. Sau lần ấy cứ đêm đêm mỗi khi nàng nhắm mắt muốn ngủ, nàng lại thấy bóng người kia trong mộng. Cái bóng đó cứ lớn dần lên tiến về phía nàng, rồi phủ xuống người nàng như một cánh chim nồng ấm. Không ngờ lần đó. Chỉ một lần đó và nàng có thai. Chùa Tiêu chốn Phật pháp thanh minh và yên tĩnh. Từ ngày hiện hữu trên bến trần gian này, thì đây là lần đầu tiên sảy ra một chuyện động trời như thế, có một người con gái không chồng nhưng lại có thai. “Nam mô a di đà phật”. Cửa chùa luôn mở rộng vòng tay lớn, đón những ai thực tâm đến với người. Nhưng cửa Phật lại không giữ được lời người dăn dạy, thì còn đâu là uy tín chốn thiền linh? Còn đâu là nơi cứu rỗi cõi đời bất hạnh? Cứ nghĩ thế mà Vạn Hạnh lòng đau như cắt. Đêm đêm không ngủ, ông lại lên chùa gõ mõ đọc kinh mong người tha thứ. Nhưng đức Phật có thể tha lỗi cho nàng, vì lòng người bao la như trời như biển. Còn chúng sinh bụng dạ hẹp hòi, làm sao tha thứ cho nàng? Đường nhân như hai dòng chảy, tiến lên gặp thác, lui về gặp ghềnh nước cuộn. Kiếp này Vạn Hạnh có lỗi, thôi đành đuổi nàng ra khỏi chùa Tiêu. Bữa đó trời đổ mưa tầm tả, mưa dầm dề suốt ba ngày ba đêm. Trong chùa Vạn Hạnh mắt không dám nhìn theo bóng nàng, rồi bước vào điện tay lần tràng hạt, tay kia mở cuốn thiền kinh lầm rầm hướng lên minh điện, nhập tâm vào chốn thanh cao trời đất. Chuyện ấy đã xa hơn hai chục năm, vậy mà bây giờ … . “Thầy đang nghĩ gì đấy ạ?”. Vạn Hạnh giật mình bối rối, rồi đáp: “Tâu bệ hạ. Thần có lỗi lớn với mẫu thân của người?”. Nhà vua nhìn Vạn Hạnh sững sốt.
  10. “Không. Thầy không nên nói với trò như vậy?”. “Không. Thần có lỗi lớn, tâu bệ hạ! Từ lâu trong thần luôn bị ám ảnh, bởi việc thần đã làm với mẫu thân của người!”. Câu chuyện bỗng lắng xuống. Cả hai cùng im lặng hồi lâu, rồi nhà vua nói tiếp: “Trò có nghe mẫu thân sau khi giao trò cho sư phụ Lý Khánh Văn, rồi trên đường về quê thì bị bệnh mà mất ở dọc đường. Thầy không nên tự trách mình thế nữa, chẳng phải là số trời đó sao? Hôm nay trò mời thầy vào cung là muốn cùng thầy uống trà, và xin thầy cho trò thêm điều hay để lĩnh giáo. Chuyện đó trò mong thầy, từ nay không nên nhắc đến làm gì nữa!”. Đến lượt Vạn Hạnh ngạc nhiên. “Thần không dám. Những gì thần làm trước đây, và cũng như sau này đó là nghĩa vụ của thần. Làm quan ăn lộc của triều đình, thì phải phụng sự bá tính”. “Thầy đã dạy trò về đạo làm người, từ lúc còn thơ trò luôn ghi nhớ. Thử nghĩ nếu không có thầy, thì hôm nay trò cũng chỉ là một ngọn cỏ dại mà thôi!”. Vạn Hạnh lúc này như bừng tỉnh, rồi nhìn thẳng vào ánh mắt của nhà vua. Ở đấy ông đã nhận ra một điều gì đó thật gần gũi, thật yêu thương bình dị mà phá đi cái khoảng cách vua tôi xa vời thăm thẳm. Vạn Hạnh đã từng muốn nói với Lý Công Uẩn, những điều bấy lâu nay ông vẫn chôn chặt trong lòng. Dù có lúc tình thầy trò ngồi bên nhau giảng truyền Phật pháp, Vũ công, Văn trị khi còn ở chùa Tiêu nhưng rồi lại thôi. Bây giờ người học trò đã là thiên tử, Vạn Hạnh muốn nói thì trăm phần bối rối. Bối rối vì nhà vua không muốn nghe nhắc lại chuyện cũ. Đúng hơn là nhà vua không tin, có chuyện mẫu thân của người chết vì một nguyên cơ nào đó. Nhưng với Vạn Hạnh thì khác. Lý Công Uẩn làm sao thấu hết nỗi đau đó bằng ông? Lần đó mẫu thân người trở về quê vào sống trong một căn lều nhỏ, trước đây là nơi bán nước cho khách qua đường của thân phụ nàng, rồi cũng chính nơi này nàng đã sinh ra người. Thương nàng như đứt từng khúc ruột, nhưng dù ở xa Vạn Hạnh vẫn âm thầm dõi theo cuộc sống mưu sinh của mẹ con nàng nơi thôn dã. Biết thế nhưng không có cách gì khác giúp nàng, ngoài một chút đồ ăn chay tịnh bí mật cho người
  11. tâm phúc chuyển đến cho nàng. May thay nhìn đứa con trai mỗi ngày mỗi lớn mặt to, tai rộng, hai bàn tay dài quá gối và đôi bàn chân mang mạng đế vương, mà nàng quên đi mọi ưu phiền tủi cực. Rồi khi đứa bé lên ba tuổi. Vào một đêm. Một đêm trời không có trăng, nhưng nhiều sao giăng lấp lánh. Nàng quyết định bế đứa con yêu của mình đi sang chùa Cổ Pháp, nhờ sư trụ trì Lý Khánh Văn nuôi hộ. Nhìn đứa trẻ tướng mạo khôi ngô tuấn tú, Lý Khánh Văn thốt lên sung sướng và nhận lời nàng. Nhưng họ tên đứa trẻ là gì? Lý Khánh Văn hỏi nàng, thì nàng bối rối. Thấy vậy, Lý Khánh Văn cười lớn và nói với nàng “vậy ta đặt tên cho đứa trẻ là Lý Công Uẩn?”. Thời gian thấm thoát trôi qua, cây cối trong chùa Cổ Pháp mấy mùa trổ hoa kết trái. Nhìn cây Lý Khánh Văn chợt giật mình, mới hay Lý Công Uẩn cũng đã lên bảy tuổi. Trông người mạnh mẽ, đi đứng ung dung, giọng nói thanh cao vang vọng. Đã đến lúc phải tìm cho Lý Công Uẩn, một người thầy học văn luyện võ. Lộ Bắc Giang ngày đó rộng mỏi cánh chim, chạy chồn vó ngựa làm sao biết hết. Chỉ có sư thầy Lý Vạn Hạnh trụ trì ở chùa Tiêu, hương Cổ Pháp là bậc đàn anh song toàn tài đức gửi gắm tương lai cho Uẩn. Cơ duyên thật là kỳ lạ, lần đầu tiên gặp Uẩn đến xin làm trò, Vạn Hạnh suýt bật lên tiếng khóc. Đôi mắt, cái mũi ấy như hiện thân của nàng Phạm Thị Ngà trong đó. Một cảm giác hồi hộp bâng khuâng trào lên. Cái bóng dáng người con gái xinh đẹp như tiên giáng trần, ngày ngày quét dọn chăm bẵm vườn rau, hoa trái trong chùa mà ông vẫn gặp. Càng nghĩ tới nàng bao nhiêu, Lý Vạn Hạnh càng thấy mình có lỗi với nàng bấy nhiêu. Từ đấy Vạn Hạnh âm thầm thề nguyện, sẽ làm tất cả những gì cho Uẩn như để chuộc lỗi với nàng. Đó là những năm tháng tuyệt vời nhất của tình thầy trò Vạn Hạnh. Họ ở bên nhau như hình với bóng. Cùng ngồi đọc sách, vịnh thơ. Cùng đi dạo chơi xa, để Uẩn mở rộng tầm nhìn sơn hà xã tắc. “Bệ hạ. Những gì thần đã làm, không đáng được bệ hạ để tâm nhiều đến thế!”. Lý Công Uẩn nhìn Vạn Hạnh, chợt nhận ra hai người vẫn còn đang đứng trên thềm, nên liền nói: “Thôi được, không bàn đến chuyện đó nữa. Hôm nay trời trong gió mát, trò muốn cùng thầy đi dạo?”. Nói rồi đưa tay chỉ Vạn Hạnh bước lên, cùng đi song hàng với Lý Công
  12. Uẩn. Phía trước mặt là lầu Đông Các, đã bày sẵn bao nhiêu thức ngon vật lạ. Bên lầu mấy hàng liễu rủ mộng mơ. Hai cây bách tùng cao tầm mái ngói, xoè tán lá rộng như chiếc lộng che. Mùi hoa Dạ Thảo toả hương thơm ngan ngát, và vẳng có tiếng chim hót líu lo, càng làm cho trời đất giao hoà tuyệt mỹ. “Mời thầy dùng trà”. Lý Công Uẩn vẫn cung kính như thuở nào, còn là học trò cưng của sư Vạn Hạnh trụ trì chùa Tiêu. Bữa đó thầy trò tâm đầu ý hợp, người nói xong người kia đáp mãi tới quá Ngọ sang Mùi, lúc sắp chia tay Vạn Hạnh cung kính cúi đầu nói với Lý Công Uẩn: “Tâu bệ hạ, giờ người đã là vua của xã tắc. Thần nghĩ, xin bệ hạ nên trở về thăm quê một chuyến?”. Lời nói của Vạn Hạnh, không ngờ đánh trúng tâm can của Lý Công Uẩn. “Trò cũng vừa nghĩ đến điều đó. Trò muốn được bái tạ tổ tiên, bái tạ mẫu thân và thăm sư trụ trì Cổ Pháp Lý Khánh Văn, người cha nuôi của trò?!”. Vạn Hạnh vui thì vui, nhưng khi nghe nhà vua nhắc tới Lý Khánh Văn mà lòng cảm thấy chạnh buồn man mát. Vạn Hạnh từng tạo ra bao nhiêu điều thần diệu và trong các điều thần diệu đó, ông đã mưu tính chuẩn xác đến từng chi tiết nhỏ, vậy mà vẫn không tránh được những hệ luỵ đau lòng. Nhưng thôi, thời gian rồi sẽ dần được minh chiếu, nhiệm vụ lúc này lấy sơn hà xã tắc làm trọng. Bá tính đang đặt niềm tin lớn về nhà vua anh minh của nhà họ Lý. Nghĩ thế, Quốc sư Vạn Hạnh liền tâu: “Vậy ngày mai thiên minh lộng lẫy, lại đang là mùa xuân cỏ cây trăm hoa đua nở thuận lợi cho việc xuất hành tâu bệ hạ?”. Nhà vua cả mừng, gật đầu xuống chỉ. Bửng sáng ngày hôm sau, Vạn Hạnh cùng các quan trong triều hộ giá đưa nhà vua về quê bái tổ. Đoàn thuyền tiến ra sông lớn bắt đầu từ sông Sào Khê, chạy vào sông Hàm Long ra sông Đáy ngược lên cửa Hát Môn. Long thuyền đi giữa, hai bên tả hữu trước sau có thuyền binh bảo vệ. Trên thuyền phấp phới cờ bay, thật là một cảnh tượng uy nghi lẫm liệt. Gặp hôm trời đẹp thuận gió thuyền lướt sóng băng băng, nhà vua lòng vui khôn tả đứng trước mũi long thuyền nhìn về bốn hướng. Đến giữa
  13. trưa, khi đoàn long thuyền đi ngang một vùng sông nước mênh mang kỳ vĩ. Trên trời thấy một đàn sếu bay qua thả vào không trung những tiếng ca trong vắt, rồi khuất bóng trong đám mây hồng đang treo lơ lửng. Đắm nhìn thiên nhiên lộng lẫy bao la hiếm có. Nhà vua đưa tay chỉ, miệng thốt lên rồi hỏi Quốc sư Vạn Hạnh: “Đây là đâu mà có nhiều mây hồng cuộn như rồng bay, như hổ ngồi trên núi? Linh khí toả ngút trời, trò chưa từng nhìn thấy bao giờ?”. Vạn Hạnh lúc này cũng đang bồi hồi xúc động, chẳng kém gì nhà vua nên bối rối chưa kịp trả lời, vừa khi từ trong những áng mây hồng ấy, một con rồng vàng xà xuống trước mũi long thuyền uốn lượn như chào đón Lý Công Uẩn. Dưới sông tiếng cá quẫy rào rào như trăm ngàn tiếng vỗ tay. Cảnh tượng đó hiện ra thật kỳ ảo, rập rờn bay lên, bay xuống, một lúc lâu rồi biến mất. Bấy giờ Vạn Hạnh mới bẩm: “Tâu bệ hạ, phía trước mặt là thành Đại La”. Lý Công Uẩn ngạc nhiên. “Đại La ư? Vậy theo thầy …?”. “Bệ hạ anh minh. Nay thiên hạ thái bình, nên lấy chăm lo phát triễn sản xuất làm trọng. Giang sơn hưng thịnh, xây dựng tinh binh phòng khi nước biến đó mới là thượng sách. Thần nghĩ, kinh thành Hoa Lư giờ đây không còn diệu cơ như trước. Đất Đại La hiển linh có rồng bay, hổ ngồi là điềm tốt do ý trời, tâu bệ hạ?”. Lý Công Uẩn cười lớn, rồi hỏi tiếp Vạn Hạnh: “Ý thầy là ta nên dời đô về thành Đại La?”. “Thần không dám. Chỉ có bệ hạ anh minh, mới dám quyết một việc làm hệ trọng đến thịnh suy của sơn hà xã tắc”. LỜI HẬU THẾ
  14. Nghìn năm sau, lịch sử trôi đi như dòng sông chảy. Nghìn năm sau, nước Việt thăng trầm lúc thịnh lúc suy. Nghìn năm sau có biết bao nhiêu sử sách, nói nhiều tới chuyến đi về quê bái tổ năm ấy của Lý Công Uẩn, sau khi đăng cơ về hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang. Nhưng tiếc thay cũng chưa có ghi chép nào, chỉ ra được những chi tiết thuyết phục về con đường xuất hành cho là sát đáng. Có điều chắc chắn trên đường đi, nhìn thấy cảnh tượng đẹp đến kỳ vĩ và những lời thần ý của Lý Quốc sư Vạn Hạnh, đã giúp nhà vua vững tâm quyết định anh minh sáng suốt dời đô từ thành Hoa Lư về thành Đại La, năm Canh Tuất một nghìn không trăm mười. Người ta cũng biết được Lý Vạn Hạnh, cũng sau nhiều năm phục vụ triều đình nhà Lý, đã có công đóng góp to lớn vào sự nghiệp hưng thịnh giang sơn nước Việt, đến tuổi già ông xin nhà vua về nghỉ dưỡng ở châu Cổ Pháp, lộ Bắc giang. Năm Thuận Thiên thứ mười sáu (1025) Vạn Hạnh mất. Được tin Lý Công Uẩn bàng hoàng thương tiếc, rồi xuống chỉ khẩn cấp. Sáng tinh mơ ngày hôm sau nhà vua cùng một đoàn triều thần đông đảo về Trà Tỳ chịu tang Vạn Hạnh. Tang lễ theo nghi thức bậc đại công thần khai quốc suốt mấy ngày liền, rồi cho thỉnh xá lợi người thầy vô cùng yêu quí đưa vào chùa Liêu Sơn đặt tại đó. Vạn Hạnh mất, đem theo luôn bao điều bí mật lạ, rằng ai đã viết lời bài sấm ngữ anh minh, tiên đoán như trời định? Và ai là thân phụ chính thức của Lý Công Uẩn? Vẫn như một bức màn đen che dày đặc, phủ kín suốt nghìn năm?
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0