24 Xã hội học, số 3 - 2007<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
MÔ HÌNH TÌM HIỂU VÀ QUYẾT ĐỊNH HÔN NHÂN<br />
Ở NÔNG THÔN VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI<br />
<br />
Lê Ngọc Văn<br />
<br />
1. Đặt vấn đề<br />
Trong các xã hội nông nghiệp truyền thống, hôn nhân không được xem là việc riêng<br />
của cá nhân mà có liên quan đến tất cả các thành viên của gia đình, họ hàng. Việc lựa chọn và<br />
quyết định hôn nhân là công việc của gia đình mở rộng. Bố mẹ thường xếp đặt hôn nhân cho<br />
con cái ngay từ khi còn nhỏ nhằm liên kết sức mạnh hai gia đình. Hôn nhân được lựa chọn<br />
dựa trên các tiêu chí tương đồng giữa hai gia đình về địa vị xã hội, điều kiện kinh tế, tuổi tác,<br />
học vấn, nơi cư trú, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giai cấp xã hội, v.v... Hôn nhân giữa<br />
những người có cùng đặc điểm xã hội và văn hóa cho phép sự chuyển tiếp ổn định và an toàn<br />
địa vị xã hội, nghề nghiệp, tài sản từ bố mẹ sang con cái và các thế hệ tương lai.<br />
Xã hội Việt Nam nói chung và nông thôn Việt Nam nói riêng đang trong quá trình<br />
công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Một số công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước, ở<br />
những phạm vi và thời gian khác nhau, đã cung cấp các số liệu điều tra xã hội học, mô tả về<br />
sự biến đổi của mô hình lựa chọn hôn nhân (Nguyễn Hữu Minh, 2000; Trung tâm Nghiên cứu<br />
khoa học về Gia đình và Phụ nữ, 2002; Vũ Tuấn Huy, 2004, Lê Ngọc Văn, 2006…). Các kết<br />
quả nghiên cứu cho thấy xu hướng chuyển từ khuôn mẫu hôn nhân sắp xếp sang hôn nhân tự<br />
nguyện. Các nghiên cứu này chủ yếu được thực hiện ở khu vực đồng bằng sông Hồng và các<br />
tỉnh miền Bắc Việt Nam; Các tác giả chưa đi sâu phân tích quá trình chuyển đổi, các nhân tố<br />
tác động cũng như ý nghĩa của sự biến đổi này. Câu hỏi nghiên cứu đặt ra là sự chuyển đổi<br />
khuôn mẫu hay mô hình hôn nhân này diễn ra như thế nào, trên những phương diện nào?<br />
Những nhân tố tác động đến sự chuyển đổi khuôn mẫu hôn nhân là gì? Sự chuyển đổi này có<br />
ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội?<br />
Từ số liệu của Dự án hợp tác với SIDA: Nghiên cứu gia đình nông thôn Việt Nam<br />
(2004-2006), bài viết tập trung mô tả và phân tích sự biến đổi cuả khuôn mẫu hôn nhân<br />
trong các gia đình nông thôn Việt Nam dưới tác động của công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở<br />
hai nội dung chủ yếu là: mô hình tìm hiểu và quyền quyết định hôn nhân.<br />
2. Mô hình tìm hiểu hôn nhân<br />
2.1. Không gian địa lý của sự lựa chọn hôn nhân<br />
Không gian địa lý của những người kết hôn rộng hay hẹp tuỳ thuộc vào môi trường<br />
xã hội mà các cá nhân sinh sống, tính di động xã hội, nghề nghiệp và khả năng giao tiếp của<br />
các cá nhân. Trong các xã hội nông nghiệp truyền thống, các cá nhân thường ít có điều kiện<br />
di chuyển ra khỏi khu vực sinh sống, tính di động nghề nghiệp và di động xã hội không cao,<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
Lê Ngọc Văn 25<br />
do đó phạm vi lựa chọn hôn nhân thường bó hẹp trong phạm vi làng xã. Trong nhiều trường<br />
hợp, một số cá nhân rời làng xã đi làm ăn sinh sống ở nơi khác, họ cũng thường quay về nhà<br />
kết hôn với những người mà bố mẹ đã lưạ chọn cho họ hoặc tìm những người cùng quê tại<br />
nơi ở mới để kết hôn. Tâm lý này của người Việt Nam thể hiện trong câu ca dao: “Ta về ta<br />
tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Trong các xã hội công nghiệp hóa, không gian<br />
địa lý của việc lựa chọn hôn nhân trong phạm vi làng xã đã bị phá vỡ do tính di động nghề<br />
nghiệp và di động xã hội của các cá nhân tăng lên. Nhiều thanh niên nông thôn ra thành phố<br />
học tập và tìm kiếm công ăn việc làm tại thành phố và các khu công nghiệp mới. Họ không<br />
quay về nông thôn mà kết hôn với những người quen biết từ nhiều vùng khác nhau, thậm<br />
chí là những người nước ngoài, và sinh sống tại nơi làm việc của họ. Công nghiệp hóa và đô<br />
thị hóa đã mở rộng phạm vi lựa chọn hôn nhân. Quy luật này đã tác động như thế nào đến<br />
phạm vi lựa chọn hôn nhân tại các vùng nông thôn Việt Nam?<br />
Kết quả điều tra tại 3 xã đại diện cho 3 vùng nông thôn Bắc- Trung - Nam của Việt<br />
Nam là Cát Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái), Phú Đa (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), Phước<br />
Thạnh (Châu Thành, Tiền Giang) cho thấy, phần lớn các cặp vợ chồng kết hôn với nhau đều<br />
nằm trong cùng phạm vi của một xã. 65.9% số người trả lời cho biết họ sinh ra tại xã họ đang<br />
sống và 59.6% người vợ hoặc người chồng của họ cũng sinh ra cùng xã với họ; 12.7% số<br />
người trả lời sinh ra tại một xã khác trong cùng huyện, 7.4% thuộc huyện khác trong tỉnh và<br />
13.8% thuộc tỉnh khác. Các tỷ lệ % về nơi sinh của vợ hoặc chồng người trả lời tương ứng là<br />
18.8% (cùng huyện), 9.4%(cùng tỉnh), 11.7% (khác tỉnh) (xem bảng 1).<br />
<br />
<br />
Bảng 1: Nơi sinh của người trả lời và vợ/chồng người trả lời (số liệu chung 3 xã các tỉnh<br />
Yên Bái, Thừa Thiên-Huế, Tiền Giang ) (%).<br />
<br />
<br />
Nơi sinh của người Tỷ lệ phần Nơi sinh của vợ/chồng Tỷ lệ phần<br />
trả lời trăm người trả lời trăm<br />
Cùng xã 65.9 Cùng xã 59.6<br />
Cùng huyện 12.7 Cùng huyện 18.8<br />
Cùng tỉnh 7.4 Cùng tỉnh 9.4<br />
Khác tỉnh 13.8 Khác tỉnh 11.7<br />
Không trả lời .1 Không trả lời .1<br />
Không biết .1 Không biết .3<br />
Tổng số 100.0 Tổng số 100.0<br />
<br />
<br />
Tại 3 vùng điều tra là Yên Bái, Thừa Thiên-Huế và Tiền Giang, số cặp vợ chồng sinh<br />
ra trong cùng một xã có tỷ lệ phần trăm thấp nhất là Yên Bái: 55.0% số người trả lời và 52.7%<br />
vợ/chồng người trả lời sinh ra trong cùng một xã. Cao hơn một chút là Tiền Giang: 60% số<br />
người trả lời và 53.7% vợ/chồng người trả lời sinh ra trong cùng một xã. Thừa Thiên - Huế là<br />
địa phương có số cặp vợ chồng sinh ra trong cùng một xã chiếm tỷ lệ cao nhất: 82.6% người<br />
trả lời và 72.6 % vợ/chồng người trả lời sinh ra trong cùng một xã. Xã Phú Đa, Thừa Thiên-<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
26 Mô hình tìm hiểu và quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới<br />
<br />
<br />
Huế, cũng là xã có ít nhất các cặp vợ chồng khác tỉnh: chỉ có 3.7% người trả lời và 2.7%<br />
vợ/chồng người trả lời thuộc về những tỉnh khác nhau. Tiếp đến là xã Phước Thạnh, Châu<br />
Thành, Tiền Giang với các tỷ lệ phần trăm tương ứng là 9.3% và 5%. Xã Cát Thinh, Văn<br />
Chấn, Yên Bái là xã có số cặp vợ chồng khác tỉnh cao nhất: 28.5% người trả lời và 27.5%<br />
vợ/chồng người trả lời sinh ra ở những tỉnh khác nhau<br />
Các bảng số liệu khảo sát cho thấy Cát Thịnh-Yên Bái là nơi có tỷ lệ thấp những cặp<br />
vợ chồng kết hôn không cùng nơi sinh tại xã và tỷ lệ cao những cặp vợ chồng kết hôn có nơi<br />
sinh khác tỉnh so với các điểm điều tra khác là Phú Đa-Thừa Thiên-Huế và Phước Thạnh-Tiền<br />
Giang. Đây là kết quả của chính sách di dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới của nhà nước<br />
Việt Nam trong những năm 1960-1970 và các năm sau đó, từ các tỉnh nông thôn đồng bằng<br />
lên các tỉnh miền núi phía Bắc. Quá trình di dân này đã tăng cường sức lao động và dân cư<br />
cho miền núi, giảm mật độ dân số và sự dư thừa lao động ở các tỉnh nông thôn đồng bằng.<br />
Những người di cư thuộc các tỉnh khác nhau đã kết hôn với nhau hoặc kết hôn với người địa<br />
phương nơi họ di cư tới. Kết quả là tỷ lệ những người kết hôn khác tỉnh chiếm tỷ lệ cao so với<br />
các điểm nghiên cứu khác. Ngoại trừ yếu tố di dân làm cho hôn nhân giữa những người khác<br />
tỉnh tăng lên (trường hợp xã Cát Thịnh-Yên Bái), Không gian lựa chọn hôn nhân của phần lớn<br />
các cặp vợ chồng ở nông thôn Việt Nam là trong cùng một xã. Điều này cho thấy phạm vi<br />
giao tiếp của người dân nông thôn còn rất hạn hẹp, công nghiệp hóa và đô thị hóa nông thôn<br />
diễn ra chậm.<br />
2.2. Các hình thức tìm hiểu trước khi kết hôn<br />
Mặc dù phần lớn các cuộc kết hôn diễn ra trong phạm vi làng xã, tuy nhiên các cặp<br />
vợ chồng đều có thời gian làm quen và tìm hiểu dưới nhiều hình thức khác nhau trước khi đi<br />
tới hôn nhân. Kết quả điều tra định lượng cho thấy hơn một nửa (54.1%) số người được hỏi<br />
khẳng định là đã "tự tìm hiểu” trước khi đi tới hôn nhân. Tự do tìm hiểu, tự do yêu đương là<br />
một điểm khác biệt lớn so với việc cha mẹ sắp đặt hôn nhân ở nông thôn Việt Nam truyền<br />
thống trước đây. Điều này cũng được xác nhận qua các kết quả điều tra định tính:“Hồi xưa<br />
cha mẹ ép. Bây giờ không ai ép được. Con cái bây giờ thích ai thì lựa chọn người đó”<br />
(PVS, nữ, 50 tuổi, Huế).“Ngày trước không có yêu, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Xem tuổi<br />
có hợp không thì cho lấy” (PVS, nữ, 40 tuổi, Tiền Giang). “ở nông thôn trước đây, lấy<br />
chồng lấy vợ do cha mẹ tìm là chính, còn hiện nay các cháu tự tìm hiểu” (PVS, nam, cán bộ<br />
thôn, Thừa Thiên-Huế).“Bọn cháu cùng thôn cùng làng. Hai bên đi lại, lúc đầu cũng đi<br />
chơi đi bời rồi sau quen biết nhau, tìm hiểu nhau thì cũng thấy mến mến nhau. Khi bọn cháu<br />
xây dựng gia đình thì tự hai bên bọn cháu yêu đương nhau chứ không có sự sắp xếp của bố<br />
mẹ đâu” (PVS, nữ, 35 tuổi, dân tộc Thái, làm ruộng, Yên Bái).“Lúc trước yêu đương thì sợ.<br />
Yêu chồng nhưng hai năm sau chưa thấy mặt chồng. Bây giờ thì coi như thoải mái, họp<br />
hành gặp mặt nhau, yêu đương tự do hơn” (PVS, nữ, 45 tuổi, Yên Bái).<br />
Do phần lớn các cặp vợ chồng là người cùng làng cùng xã (xem bảng 1), do đó hoàn<br />
cảnh quen biết để đi tới kết hôn do “cùng làng/xã” chiếm một tỷ lệ cao (29.3%). Bố mẹ và<br />
người làm mối vẫn có vai trò đáng kể trong việc dẫn dắt xe duyên (21.5% số người được hỏi ý<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
Lê Ngọc Văn 27<br />
kiến cho rằng cuộc hôn nhân của họ là do “bố mẹ giới thiệu”; 13.8% “qua người làm mối”).<br />
Các môi trường làm quen khác chiếm tỷ lệ thấp hơn: 10.5% “cùng nơi làm việc”; 5.8% “ở nơi<br />
vui chơi giải trí”; 5.6% “do bạn bè giới thiệu”, “ do học cùng trường”; 2.8% do “cùng hoạt<br />
động trong các tổ chức” (xem bảng 2).<br />
<br />
Bảng 2: Các hình thức tìm hiểu trước khi kết hôn (số liệu chung 3 xã<br />
các tỉnh Yên Bái, Thừa Thiên-Huế, Tiền Giang<br />
<br />
<br />
Có Không Tổng số<br />
Các hình thức tìm Số Tỷ lệ % Số Tỷ lệ % Số Tỷ lệ %<br />
hiểu người người người<br />
trả lời trả lời trả lời<br />
Cùng nơi làm việc 94 10.5 803 89.5 897 100.0<br />
Cùng học một trường 50 5.6 847 94.4 897 100.0<br />
Bạn bè giới thiệu 50 5.6 847 94.4 897 100.0<br />
Bố mẹ giới thiệu 193 21.5 704 78.5 897 100.0<br />
Nơi vui chơi giải trí 52 5.8 845 94.2 897 100.0<br />
Người làm mối 124 13.8 773 86.2 897 100.0<br />
Tự tìm hiểu 485 54.1 412 45.9 897 100.0<br />
Cùng làng/xã 263 29.3 634 70.7 897 100.0<br />
Cùng hoạt động 25 2.8 872 97.2 897 100.0<br />
<br />
<br />
Tại 3 vùng điều tra, hình thức “tự tìm hiểu” để đi tới hôn nhân vẫn chiếm tỷ lệ cao<br />
nhất: Cát Thịnh (Yên Bái) 59.7%; Phú Đa (Thừa Thiên-Huế) 62.2%; Phước Thạnh (tiền<br />
Giang) 40.3%. Hình thức “tự tìm hiểu” ở Phước Thạnh (Tiền Giang) có tỷ lệ thấp hơn so với<br />
các điểm điều tra khác có thể được lý giải bởi hai lý do: hình thức làm quen trong “cùng<br />
làng/xã” ở địa phương này chỉ có 9.0%, thấp hơn đáng kể so với 41.8% tại Phú Đa (Thừa<br />
Thiên-Huế) và 37.2% Cát Thịnh (Yên Bái); trong khi đó hình thức thông qua “người làm<br />
mối” ở Phước Thạnh có tỷ lệ cao hơn hẳn (26.7%) so với Phú Đa (6.4%) và Cát Thịnh<br />
(8.4%). ở Phú Đa, hình thức làm quen do bố mẹ giới thiệu có tỷ lệ 25.1%, cao hơn so với<br />
Phước Thạnh (22.3%) và Cát Thịnh (17.1%). Phước Thạnh là xã có tỷ lệ làm quen do cùng<br />
học một trường thấp nhất (0.7%) so với 12.1% tại xã Cát Thịnh và 4.0% tại xã Phú Đa. Tại<br />
Phước Thạnh cũng không có trường hợp nào được làm quen do cùng hoạt động trong các tổ<br />
chức so với 4.0% ở Phú Đa và 4.3% ở Cát Thịnh.<br />
Hình thức “tự tìm hiểu” trước khi kết hôn có xu hướng tăng lên, trong khi các hình<br />
thức “bố mẹ giới thiệu” và qua người làm mối” có xu hướng giảm đi theo thời gian của người<br />
kết hôn. Chẳng hạn, trong số những người kết hôn từ 1942-1975 chỉ có 37.8% người trả lời<br />
“tự tìm hiểu” trước khi cưới. Tỷ lệ này tăng lên 54.5% với những người kết hôn từ 1976-<br />
1986; và 61.1% với những người kết hôn từ 1987-2005 (xem bảng 3).<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
28 Mô hình tìm hiểu và quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới<br />
<br />
<br />
Bảng 3: Tương quan giữa năm kết hôn của người trả lời với hình thức “tự tìm hiểu” trước<br />
khi cưới (%)<br />
<br />
<br />
“Tự tìm Nhóm năm kết hôn của người trả lời<br />
hiểu” trước 1942-1975 1976-1986 1987-2005 Tổng<br />
khi cưới<br />
Có 71 162 250 483<br />
37.8% 54.5% 61.1% 54.0%<br />
Không 117 135 159 411<br />
61.1% 45.5% 38.9% 46.0%<br />
Tổng 118 297 409 894<br />
100.0% 100.0% 100.0% 100.0%<br />
Ngược lại hình thức “bố mẹ giới thiệu” giảm từ 30.3% với những người kết hôn từ<br />
1942-1975 xuống 22.2% với những người kết hôn từ 1976-1986 và 17.1% với những người<br />
kết hôn từ 1987-2005 (xem bảng 4).<br />
<br />
<br />
Bảng 4: Tương quan giữa năm kết hôn của người trả lời<br />
với hình thức “bố mẹ giới thiệu” trước khi cưới (%)<br />
<br />
<br />
“Bố mẹ giới Nhóm năm kết hôn của người trả lời<br />
thiệu” trước 1942-1975 1976-1986 1987-2005 Tổng<br />
khi cưới<br />
Có 57 66 70 193<br />
30.3% 22.2% 17.1% 21.6%<br />
Không 131 231 339 701<br />
69.7% 77.8% 82.9% 78.4%<br />
Tổng 188 297 409 894<br />
100.0% 100.0% 100.0% 100.0%<br />
<br />
<br />
Tương tự như vậy, hình thức “qua người làm mối” tuy không giảm đối với những<br />
người kết hôn các năm 1942-1975 (17.0%) và 1976-1896 (17.2%) nhưng giảm đột ngột đối<br />
với những người kết hôn các năm 1986-2005 (9.8%). Việc không giảm tỷ lệ người làm mối<br />
đối với những người kết hôn các năm 1976-1986 có thể được lý giải là trong thời kỳ bao cấp<br />
trước đổi mới, bên cạnh gia đình, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, quân đội… cũng đứng ra<br />
giới thiệu hôn nhân cho các thành viên của mình. Bước vào thời kỳ đổi mới, vai trò mối lái<br />
hôn nhân của các tổ chức giảm đi đáng kể.<br />
Tính đa dạng của các hình thức làm quen và sự xuất hiện của các hình thức làm quen<br />
hiện đại như gặp gỡ ở nơi vui chơi giải trí, nơi làm việc, nơi học tập, bạn bè giới thiệu…<br />
trước khi kết hôn tại các điểm điều tra đã phần nào phản ánh tính đa dạng về nghề nghiệp,<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
Lê Ngọc Văn 29<br />
việc làm, môi trường giao tiếp của thanh niên nông thôn. Các hình thức làm quen do bố mẹ<br />
giới thiệu và qua người làm mối là sự tiếp nối của truyền thống, song những hình thức này<br />
chiếm một tỷ lệ khiêm tốn hơn rất nhiều so với hình thức “tự tìm hiểu” và giảm dần theo<br />
thời gian. Điều này cho thấy thanh niên nông thôn ngày càng làm chủ cuộc sống cá nhân<br />
của mình, ít phụ thuộc hơn vào gia đình.<br />
2.3. Những tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân<br />
Những tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân bị chi phối bởi hai hệ tiêu chuẩn: hệ tiêu chuẩn<br />
của cá nhân, thể hiện quan điểm, sở thích và lợi ích của cá nhân khi đi tới hôn nhân; hệ tiêu<br />
chuẩn của gia đình và các tổ chức xã hội thể hiện quan điểm, lợi ích và quyền lực của gia<br />
đình, các tổ chức xã hội đối với cá nhân tham gia kết hôn. Trong giai đoạn đổi mới, phát triển<br />
kinh tế thị trường, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, sự áp đặt hôn nhân từ phía gia<br />
đình và tập thể bị suy giảm. Hệ tiêu chuẩn cá nhân trong việc lựa chọn hôn nhân vốn bị lu mờ<br />
trong gia đình truyền thống ngày càng chiếm ưu thế hơn.Tìm hiểu tiêu chuẩn lựa chọn hôn<br />
nhân sẽ giúp chúng ta hiểu biết một cách đầy đủ hơn về những kỳ vọng cá nhân trong cuộc<br />
sống hôn nhân và những phẩm chất của người bạn đời. Những thông tin định tính thu thập<br />
được tại các vùng điều tra cho thấy hai xu hướng của người kết hôn trong tiêu chuẩn lựa chọn<br />
hôn nhân ở nông thôn Việt Nam hiện nay, đó là: xu hướng tiếp nối những tiêu chuẩn lựa chọn<br />
hôn nhân trong truyền thống và xu hướng hình thành những tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân<br />
mới.<br />
2.3.1. Xu hướng tiếp nối những tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân truyền thống<br />
Trong xã hội nông thôn trước đây, phần lớn các cuộc hôn nhân là do cha mẹ hai bên<br />
sắp đặt, do đó sự lựa chọn hôn nhân về thực chất là lưạ chọn con dâu và con rể. Tiêu chuẩn<br />
lựa chọn con dâu con rể được người xưa tổng kết trong câu tục ngữ: “dâu hiền rể thảo”. Câu<br />
tục ngữ này thể hiện nhu cầu về lợi ích của các bậc cha mẹ khi “dựng vợ gả chồng” cho con.<br />
Người con trai có hiếu với cha mẹ tất yếu phải chọn người vợ theo tiêu chuẩn bố mẹ đặt ra, đó<br />
là chọn một người vợ “hiền”. Người con gái có hiếu với cha mẹ mình cũng cố gắng chọn một<br />
người chồng theo tiêu chuẩn của cha mẹ đặt ra, đó là người chồng “thảo”. “Dâu hiền rể thảo”<br />
vừa là tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân, vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ và nguyên tắc ứng xử của<br />
người con dâu, con rể đối với bố mẹ, gia đình, họ hàng hai bên. Trong quan hệ vợ chồng,<br />
những vai trò giới truyền thống rất được kỳ vọng: người chồng được mong đợi là người chủ<br />
gia đình tốt, gương mẫu, có sức khoẻ, năng động, quyết đoán, làm kinh tế giỏi; còn người vợ<br />
được mong đợi là người phụ nữ dịu dàng, đảm đang việc nhà, yêu chồng thương con, biết<br />
nhẫn nhục hy sinh, làm tốt vai trò người vợ, người mẹ. Những mong đợi về vai trò truyền<br />
thống của người vợ và người chồng như vậy vẫn rất phổ biến trong các cộng đồng nông thôn<br />
hiện nay. Một số trích đoạn kết quả phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm tại 3 điểm nghiên cứu là<br />
Cát Thịnh-Yên Bái, Phú Đa-Thừa Thiên-Huế và Phước Thạch-Tiền Giang cho thấy rõ hơn:<br />
- Những kỳ vọng về người vợ:<br />
Những vai trò giới truyền thống của người phụ nữ vẫn là những tiêu chuẩn đầu tiên và<br />
hấp dẫn sự lựa chọn hôn nhân của nam giới ở nông thôn. Cũng như trước đây, người vợ được<br />
mong đợi trước tiên là người biết đảm đang, lo toan công việc nội trợ trong gia đình, sinh đẻ<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
30 Mô hình tìm hiểu và quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới<br />
<br />
<br />
và chăm sóc chồng con và các thành viên gia đình. Khi được hỏi: “Nam giới thường thích phụ<br />
nữ ở những điểm nào?” Một nam thanh niên trả lời: “Em thích vợ em chỉ ở nhà làm nội trợ và<br />
buôn bán quanh nhà, không nhất thiết phải đi làm cho nhà nước hay một cơ quan xí nghiệp<br />
nào đấy. Sở thích của em là không thích lấy vợ đi làm” (nam thanh niên, Yên Bái). Giải thích<br />
lý do vì sao nam giới quan tâm đến vai trò giới tính của phụ nữ khi lựa chọn hôn nhân, nhiều<br />
người cho rằng, ở nông thôn hiện nay đàn ông vẫn là trụ cột kinh tế gia đình, còn phụ nữ chỉ<br />
là người quản lý kinh tế do đàn ông làm ra: “Trong xã hội mình thì đa phần đàn ông là trụ cột<br />
gia đình, trụ cột về kinh tế. Đàn ông làm ra tiền bạc, của cải nhiều hơn nhưng mà người vợ<br />
nắm giữ. Vợ chồng mà lấy nhau rồi thì phải sinh con đẻ cái. Sinh con rồi mà vợ đi làm để cho<br />
chồng nuôi con thì không được” (Nam, có vợ con, Yên Bái). Ngoài đảm đang công việc gia<br />
đình, người đàn ông mong muốn người phụ nữ là một người vợ hiền, chung thuỷ, thương yêu<br />
chồng con, kính trọng ông bà, cha mẹ: “Điều em mong chờ nhất là vợ em chăm bẵm con cái<br />
khoẻ mạnh, hết lòng với chồng con. Nếu ở chung với gia đình thì phải biết kính trên nhường<br />
dưới, đạo làm vợ là phải biết lời ăn tiếng nói với bố mẹ” (Nam, nông dân, Yên Bái).<br />
Không phải chỉ có nam giới mà chính bản thân người phụ nữ nông thôn cũng đánh giá<br />
cao về phẩm chất giới tính truyền thống của họ khi trở thành người vợ, người mẹ. Đức tính<br />
đảm đang, chăm chỉ, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, nhường nhịn chồng con của người phụ<br />
nữ luôn là những giá trị quan trọng đối với người vợ:“Người vợ tốt trước hết về nhà chồng<br />
mình phải làm tròn trách nhiệm với cha mẹ chồng, cha mẹ chồng có nói sai mình phải từ từ<br />
nói lại chứ không được nói ngược lại với cha mẹ. Thứ hai, nếu mà chồng mình có đánh chửi<br />
không nên cãi trong lúc đó, để khi khác sẽ phân tích cho người chồng thấy như rứa là sai,<br />
phải giải hoà giữa chồng và vợ mới có hạnh phúc”(TLN, nữ, nông dân, Thừa Thiên-Huế).<br />
- Những kỳ vọng về người chồng<br />
Những người chồng luôn được kỳ vọng là người có tài hơn vợ, biết làm kinh tế, gương<br />
mẫu, là chỗ dựa tinh thần và là niềm tự hào của các thành viên trong gia đình. Hạnh phúc gia<br />
đình phụ thuộc rất nhiều vào người đàn ông có đảm đương được trách nhiệm là trụ cột gia<br />
đình hay không. Trả lời câu hỏi: Thế nào là một người chồng tốt, một nữ nông dân cho biết:<br />
“Em mong muốn một người chồng thành đạt, cả trong gia đình và ngoài xã hội. Người chồng<br />
luôn phải biết đối xử đàng hoàng khi ra ngoài xã hội và về nhà đối xử đàng hoàng với vợ con,<br />
đó là người chồng tốt” (nữ, nông dân, Yên Bái). Một phụ nữ khác thì cho rằng: “Người<br />
chồng tốt phải biết quan tâm đến vợ, biết giáo dục con, xây dựng gia đình hoàn thiện và tham<br />
gia công tác xã hội nhiều, giúp đỡ những người xung quanh, biết kiếm tiền” (nữ, nông dân,<br />
Thừa Thiên-Huế). Những người đàn ông nông thôn cũng luôn ý thức được vai trò quyết định<br />
của mình trong đời sống gia đình:“Người chồng thì phải là người đầu tầu, đầu tầu tất cả mọi<br />
cái. Trách nhiệm của người đàn ông phải là người đầu tầu tất cả mọi công việc còn người<br />
đàn bà chỉ lo những việc nhẹ trong gia đình thì khi đó gia đình mới êm ấm” (nam, nông dân,<br />
Thừa Thiên-Huế). “Đàn ông là phải có cái đầu như biết cách chăn nuôi cá rồi chăn nuôi mọi<br />
thứ, đồng ruộng là phải giỏi nếu mà chưa giỏi thì người vợ không phục” (nam, nông dan,<br />
Tiền Giang). “Người phụ nữ thì bao giờ người ta cũng thích một người chồng làm ăn giỏi,<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
Lê Ngọc Văn 31<br />
năng động về mặt xã giao, về mặt kinh tế, nói chung về mọi mặt là năng động, khôn ngoan.<br />
Phụ nữ thì hầu như là người ta thích người đàn ông như thế” (nam, công nhân, Yên Bái).<br />
Hoàn cảnh gia đình bên nhà chồng cũng là một trong những tiêu chuẩn hôn nhân rất<br />
được coi trọng vì đó là nơi người con gái phải chung sống lâu dài. ở nông thôn, khi người<br />
con gái lấy chồng họ thường gắn bó cuộc đời với gia đình nhà chồng. Bản thân các cô gái và<br />
gia đình nhà gái rất quan tâm đến hoàn cảnh gia đình nhà chồng:“Phải có cha, có mẹ đàng<br />
hoàng chứ. Ví dụ quen mà không biết thì mai kia nó có con cái mình biết sao mà mình giữ.<br />
Mình phải biết gia đình thì lúc tới mình mới gả chứ. Không biết thì làm sao mà gả được. Nó<br />
cứ theo đại lên trên đó tôi thấy không có được. Quen kiểu đó không có đựơc, rồi người ta<br />
đánh giá giữ lắm”.(PVS, nữ, Tiền Giang)<br />
2.3.2. Xu hướng hình thành những tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân mới.<br />
Nếu như trong xã hội truyền thống việc lựa chọn hôn nhân nghiêng nhiều hơn về các<br />
yếu tố đạo đức, thì ngày nay người ta có xu hướng coi trọng nghề nghiệp và kinh tế hơn.<br />
Bên cạnh tiêu chuẩn về đạo đức, ngày nay các bậc cha mẹ cũng mong muốn gả con gái cho<br />
những gia đình kinh tế khá giả, ít con. Đây có thể coi là sự kết hợp giữa truyền thống và<br />
hiện đại:“Tuỳ theo ý thích của mỗi người, bây giờ người ta thường hay lựa chọn cân đối.<br />
Gia đình này khá gia đình kia cũng khá, gia đình kia ít con, gia đình này cũng ít con. Nói<br />
chung người ta lựa chọn cái kinh tế nhiều hơn. Gia đình khá giả này chọn gia đình khá giả<br />
kia mới đúng đối tượng. Đầu tiên người ta nghĩ ngay đến tài sản chứ người ta không nghĩ<br />
về đạo đức“ (PVS, nữ, Tiền Giang). Tiền bạc là một vấn đề tế nhị và nhạy cảm, tuy nhiên,<br />
khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn, người nông dân đã không ngần ngại nói ra những suy nghĩ<br />
thực của mình về yếu tố tiền bạc trong việc lựa chọn hôn nhân. Sự phân tầng xã hội và phân<br />
hóa giàu nghèo diễn ra mạnh mẽ ở nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới có lẽ đã giúp<br />
cho người nông dân nhận thức được đầy đủ hơn giá trị của tiền bạc trong cuộc sống gia<br />
đình: “Thực sự thời đại ni con gái thích người chồng có tiền, làm ra của cải, cưới về có nhà<br />
to thoải mái, ai có tiền nhiều là thích, đó là 1 số rồi” (nữ, nông dân, Thừa Thiên-Huế).<br />
“Bây giờ nó quen biết con mình nó coi mình có giàu không, có xe cộ đầy đủ không thì nó<br />
mới theo con mình. Còn nó thấy con mình nghèo không xe không cộ, không có nhà có đất<br />
thì nó chỉ quen một thời gian rồi nó cũng bỏ” (PVS, nam, nông dân, Tiền Giang).<br />
Để bảo đảm kinh tế cho cuộc sống gia đình thì nghề nghiệp của người kết hôn là một<br />
tiêu chuẩn tiên quyết để đi tới hôn nhân. Những người chưa có nghề nghiệp hoặc không có<br />
nguồn thu nhập ổn định sẽ rất khó khăn trong việc lấy vợ, lấy chồng: “Trước đây lấy chồng<br />
lấy vợ thì chủ yếu cha mẹ tìm là chính, còn giờ thì chủ yếu các cháu tự tìm hiểu. Tìm thì ở đây<br />
xu thế các cháu tìm những người có nghề nghiệp. Nếu như không có nghề nghiệp thì rất khó<br />
tìm vợ, tìm chồng” (nam, nông dân, Tiền Giang). Không chỉ phụ nữ quan tâm đến nghề<br />
nghiệp của người chồng mà nam giới cũng quan tâm đến nghề nghiệp của phụ nữ:“ Trước<br />
đây làm ruộng thì đơn giản, còn bây giờ trong cơ chế thị trường, tôi muốn cưới một cô vợ có<br />
công việc ổn định mà trước đây không cần chi. Ví dụ tôi muốn có người vợ làm việc cho nhà<br />
nước hay biết buôn bán hay một công nhân xí nghiệp, còn trước đây chỉ có tấm lòng tốt là<br />
được rồi. Bây giờ khác” (nam, nông dân, Thừa Thiên-Huế).<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
32 Mô hình tìm hiểu và quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới<br />
<br />
<br />
Sắc đẹp là một trong số những tiêu chí được nam thanh niên quan tâm khi lựa chọn<br />
bạn đời, tuy nhiên mức độ quan tâm rất khác nhau. Trong xã hội truyền thống, cha mẹ là<br />
người lựa chọn hôn nhân cho con cái, cưới vợ cho con là lấy người có khả năng lao động và<br />
liên minh hôn nhân chủ yếu là một liên minh sinh sản cho nên người ta không quá coi trọng<br />
hình thức mà chú ý hơn đến sức khoẻ, đạo đức và khả năng sinh đẻ của người phụ nữ. Trong<br />
thời kỳ đổi mới, hình thức “tự tìm hiểu”ngày càng phổ biến hơn ở nông thôn Việt Nam. Sự<br />
thay đổi này tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn bộc lộ tình yêu và tình cảm cá nhân. Vẻ<br />
đẹp bên ngoài của các cô gái luôn là yếu tố làm siêu lòng các chàng trai. Họ sẵn sàng chọn<br />
một người phụ nữ đẹp làm vợ:“Con trai khi yêu thì không kể giàu nghèo, cứ đẹp là được”<br />
(nam thanh niên, Tiền Giang).“Ngày trước thường thì chọn người phụ nữ đảm đang với lại<br />
hiền thục. Còn thanh niên bây giờ nhiều cậu ra đường thấy cô nào đẹp thì yêu, chọn sắc<br />
nhiều hơn là tài” (PVS, nữ, nông dân, Tiền Giang). Sắc đẹp là một trong những yếu tố có sức<br />
hấp dẫn đối với thanh niên. nhưng đối với một số người thì sắc đẹp không được đặt lên hàng<br />
đầu trong việc lựa chọn hôn nhân: “Về hình thức thì cũng một phần nào đó thôi, đối với giới<br />
trí thức thì họ nghĩ như thế nào không biết còn nông dân thì hình thức không quan trọng bằng<br />
tấm lòng. Yếu tố sắc đẹp thì nó cũng mai một thôi” (nam, nông dân, Thừa Thiên-Huế).<br />
2.3.3. Về hôn nhân khác tôn giáo<br />
Tôn giáo là một ranh giới khó vượt qua trong trong việc lựa chọn hôn nhân. Theo luật<br />
thiên chúa giáo, những người theo đạo thiên chúa chỉ kết hôn với người trong cùng một đạo,<br />
cấm kết hôn với những người ngoài đạo hoặc không theo đạo. Trong thực tế có rất ít trường<br />
hợp những người theo đạo thiên chúa kết hôn với người thuộc các tôn giáo khác hoặc người<br />
không theo tôn giáo. Kết quả điều tra định tính cũng cho thấy nhìn chung những người theo<br />
đạo thiên chúa thường kết hôn với nhau, ít khi họ kết hôn với người không cùng đạo:“Nói<br />
chung là bên công giáo thì họ không lấy người ngoài đạo, đặc biệt nam nữ kết hôn thì họ lấy<br />
người trong cùng đạo. Còn nếu như đạo Phật thì họ kết hôn với công giáo cũng có. Họ không<br />
có cái quan niệm là bên này khác, nghĩa là hai tôn giáo khác nhau. Còn riêng công giáo thì<br />
không” (PVS, nam, nông dân, theo đạo phật). Đối với những người theo tôn giáo, tình yêu<br />
vẫn là cơ sở rất quan trọng của hôn nhân nhưng tôn giáo còn quan trọng hơn. Các bậc cha mẹ<br />
theo công giáo thường không muốn cho cho con cái của họ yêu và kết hôn với những người<br />
không theo đạo hay khác đạo vì như thế sẽ gây ra nhiều phiền toái và rắc rối. Trường hợp kết<br />
hôn với người không theo đạo thường xẩy ra giữa con trai theo đạo thiên chúa và con gái<br />
không theo đạo vì con gái khi về nhà chồng thường dễ dàng theo đạo nhà chồng hơn.<br />
3. Quyền quyết định hôn nhân<br />
Nếu như trong truyền thống, quyền quyết định hôn nhân diễn ra theo chiều dọc: cha<br />
mẹ quyết định, con cái nghe lời, thì ngày nay nó diễn ra theo cả chiều dọc và chiều ngang: con<br />
cái từ chỗ hoàn toàn không có quyền quyết định hôn nhân của mình đã trở thành chủ thể<br />
chính trong việc quyết định hôn nhân; cha mẹ từ chỗ là người hoàn toàn quyết định hôn nhân<br />
của con cái đã mất đi quyền lực tuyết đối trong việc quyết định hôn nhân của con cái. Số liệu<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
Lê Ngọc Văn 33<br />
của cuộc điều tra cung cấp những thông tin về quyền quyết định hôn nhân và những xu hướng<br />
biến đổi của mô hình quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam hiện nay.<br />
<br />
<br />
Bảng 5: Người quyết định chính cuộc hôn nhân của con cái (Số liệu chung tại 3 điểm<br />
điều tra)<br />
<br />
<br />
Người quyết định chính cuộc hôn nhân Số người trả Tỷ lệ %<br />
lời<br />
1. Bố mẹ quyết định hoàn toàn 74 8.2<br />
2. Bố mẹ quyết định nhưng có sự đồng ý của con 159 17.7<br />
cái<br />
3. Con cái quyết định nhưng có sự đồng ý của bố 575 64.1<br />
mẹ<br />
4. Con cái quyết định hoàn toàn 81 9.0<br />
5. Người khác quyết định 8 0.9<br />
Tổng 897 100.0<br />
<br />
<br />
Bảng số liệu chung cho thấy tỷ lệ bố mẹ quyết định hoàn toàn hôn nhân của con cái<br />
chỉ còn 8.2%. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là quyền quyết định hôn nhân đã chuyển<br />
hoàn toàn sang con cái. Việc con cái quyết định hoàn toàn hôn nhân của mình cũng chỉ chiếm<br />
một tỷ lệ khiêm tốn là 9.0%. Và vẫn còn một tỷ lệ nhất định (17.7%) “Bố mẹ quyết định<br />
nhưng có sự đồng ý của con cái”. ở nông thôn hiện nay mặc dù bố mẹ không quyết định hoàn<br />
toàn việc hôn nhân của con cái nhưng việc con cái lựa chọn ai làm vợ làm chồng đều phải<br />
được sự đồng ý của bố mẹ hai bên. Chính vì thế tỷ lệ cao nhất thuộc về phương án trả lời “con<br />
cái quyết định nhưng có sự đồng ý của bố mẹ” (64.1%). Điều này cho thấy hôn nhân vẫn tiếp<br />
tục là công việc của gia đình chứ không hoàn toàn là công việc của cá nhân. Tại xã Cát Thịnh<br />
(Yên Bái), các phương án “Con cái quyết định hoàn toàn” và “con cái quyết định nhưng có sự<br />
đồng ý của bố mẹ” lần lượt là 14.3% và 71.7%, chiếm tỷ lệ cao hơn đáng kể so với hai điểm<br />
còn lại là Phú Đa (Thừa Thiên-Huế): 4.0% và 69.6% và Phước Thạnh (Tiền Giang): 8.7% và<br />
51.7%. Ngược lại các phương án “Bố mẹ quyết định hoàn toàn” và “Bố mẹ quyết định nhưng<br />
có sự đồng ý của con cái” tại Cát Thịnh (Yên Bái) có tỷ lệ rất thấp, lần lượt là 5.0% và 9.1%.<br />
Các con số này tại Phú Đa (Thừa Thiên-Huế) là 9.0% và 16.4%; Phước Thạnh (Tiền Giang) là<br />
10.7% và 27.7%.<br />
Phương án “con cái quyết định hoàn toàn” có tỷ lệ phần trăm thấp nhất ở Phú Đa -<br />
Thừa Thiên-Huế. Điều này có thể được giải thích là ở điểm nghiên cứu này, có nhiều gia đình<br />
theo công giáo. Việc kết hôn của con cái các gia đình theo đạo thiên chúa không hoàn toàn tự<br />
do theo sở thích cá nhân mà chịu sự ràng buộc của luật đạo. Cha mẹ là người kiểm soát hôn<br />
nhân của con cái để bảo đảm việc kết hôn không vi phạm luật đạo, do đó việc kết hôn của con<br />
cái nhất thiết phải được sự đồng ý của cha mẹ. Trường hợp con cái tự quyết định hôn nhân<br />
không hỏi ý kiến cha mẹ là hiếm thấy đối với gia đình công giáo.<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
34 Mô hình tìm hiểu và quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới<br />
<br />
<br />
Mặt khác truyền thống con cái vẫn tiếp tục chung sống với cha mẹ sau khi kết hôn vẫn<br />
được duy trì khá phổ biến ở các vùng nông thôn Việt Nam, do đó sự nhất trí của cha mẹ đối<br />
với sự lựa chọn của con cái sẽ là cơ sở tạo nên sự đồng thuận trong cuộc sống chung giữa<br />
thành viên mới là con dâu, con rể với gia đình nhà chồng, nhà vợ. Hơn nữa một trong số<br />
những người con (thường là con cả ở miền Bắc, con út ở miền Nam) cùng với vợ con hay<br />
chồng con của họ sẽ chung sống suốt đời với cha mẹ của mình do đó hôn nhân của họ càng<br />
cần phải được cha mẹ đồng ý. Số liệu điều tra tại ba điểm nghiên cứu cho thấy có tới 76.4%<br />
các cặp vợ chồng sau khi kết hôn sống chung với bố mẹ (trong đó 69.7% sống với bố mẹ<br />
chồng, 6.7% sống với bố mẹ vợ). Chỉ có 21.2% các cặp vợ chồng sống riêng sau khi kết hôn.<br />
Quyền quyết định hoàn toàn hôn nhân của bố mẹ giảm dần theo thời gian. Nếu như có<br />
20.2% các cuộc hôn nhân từ những năm 1942-1975 là do bố mẹ hoàn toàn quyết định thì đến<br />
những năm 1976-1986 tỷ lệ này còn 6.7% và đến các năm 1987-2005 chỉ còn 3.7%. Tuy<br />
nhiên theo thời gian, việc con cái hoàn toàn quyết định hôn nhân không tăng lên tương ứng,<br />
thậm chí cũng giảm đi: các cuộc hôn nhân từ những năm 1942-1975 có 11.7% do con cái<br />
hoàn toàn quyết định, đến những năm 1976-1986 tỷ lệ này là 9.1%, và những năm 1987-2005<br />
là 7.8%. Thay vào đó là phương thức cùng quyết định của cả bố mẹ và con cái. Tuy nhiên<br />
trong phương thức cùng quyết định này, vai trò của bố mẹ giảm dần trong khi vai trò của con<br />
cái ngày càng tăng lên: nếu như phương thức bố mẹ quyết định có sự đồng ý của con giảm từ<br />
24.5% đối với những cuộc hôn nhân từ 1942-1975 xuống còn 22.6% các năm 1976-1986, và<br />
11.2% các năm 1987-2005, thì phương thức con cái quyết định có sự đồng ý của bố mẹ lại<br />
tăng từ 11.7% các năm 1942-1975 lên 60.6% các năm 1976-1986, và 76.8% các năm 1987-<br />
2005.<br />
Phương thức “con quyết định có sự đồng ý của bố mẹ” cũng chiếm tỉ lệ áp đảo so với<br />
các phương thức khác trong các nhóm tình độ học vấn khác nhau: nhóm những người mù chữ,<br />
biết đọc biết viết là 47.7%; cấp 1: 58.7%; cấp 2: 68.7%; Cấp3: 73.5%; cao đẳng, đại học:<br />
70.8%. Tương tự như vậy, phương thức “con cái quyết định có sự đồng ý của bố mẹ”trong<br />
hôn nhân cũng chiếm tỷ lệ cao trong tất cả các loại hộ gia đình có mức sống và hoàn cảnh<br />
kinh tế khác nhau: Hộ có mức sống khá: 72.5%; hộ trung bình khá: 69.4%; hộ trung bình:<br />
47.7%; hộ kém hơn trung bình: 55.8%; hộ nghèo: 68.8%.<br />
4. Kết luận<br />
Xu hướng chuyển đổi mô hình hôn nhân ở nông thôn Việt Nam là quá độ từ hôn<br />
nhân sắp xếp sang hôn nhân tự nguyện. Nói cách khác là từ mô hình hôn nhân tái sinh sản<br />
sang mô hình hôn nhân tự nguyện dựa trên tình yêu và tình cảm cá nhân. Trong mô hình<br />
hôn nhân sắp xếp hoặc tái sinh sản, mục đích của hôn nhân là đáp ứng lợi ích và nguyện<br />
vọng của gia đình và dòng họ, chứ không phải vì lợi ích và nguyện vọng của bản thân người<br />
tham gia kết hôn. Đó là hôn nhân vì cộng đồng chứ không phải hôn nhân vì cá nhân. Nó<br />
được cộng đồng, trực tiếp là cha mẹ cho phép và kiểm soát. Những người tham gia kết hôn<br />
phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm đối với gia đình hai bên, đặc biệt là trách nhiệm<br />
và nghĩa vụ to lớn của người con dâu đối với gia đình nhà chồng. Tục ngữ xưa có câu: “Lấy<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
Lê Ngọc Văn 35<br />
chồng là để gánh vác giang sơn nhà chồng”. Cái “giang sơn” nhà chồng mà người con dâu<br />
phải gánh vác trước tiên là trở thành người lao động chính của gia đình nhà chồng. Cưới vợ<br />
cho con là để có thêm lao động cho gia đình. Tục “thách cưới” của nhà gái đối với nhà trai<br />
chính là xuất phát từ quan niệm nhà trai phải đền bù cho nhà gái khi họ bị mất đi một người<br />
lao động là con gái của họ mà sau khi cưới sẽ trở thành người lao động của nhà trai. Sống<br />
với gia đình nhà chồng, người phụ nữ lại phải giỏi nội trợ, khéo tay hay làm, biết cách ứng<br />
xử để làm vừa lòng tất cả các thành viên gia đình nhà chồng như bố mẹ, anh em, họ hàng<br />
nhà chồng. Một trách nhiệm tối quan trọng khác đối với người con dâu là phải sinh đẻ, đặc<br />
biệt là phải sinh con trai để duy trì nòi giống. Một cuộc hôn nhân chỉ được coi là thành công<br />
khi có sự ra đời của những đứa con. Càng sinh đẻ nhiều càng được đánh giá cao. Chính vì<br />
thế mà người ta gọi đây là hôn nhân tái sinh sản. Nếu một cặp vợ chồng sau khi cưới mà<br />
không có khả năng sinh đẻ thì cuộc hôn nhân đó bị coi là thất bại và phải tiến hành một<br />
cuộc hôn nhân khác. Một cuộc hôn nhân như vậy là hoàn toàn phục vụ cho lợi ích của gia<br />
đình và do cha mẹ sắp đặt và quyết định. Nó cũng quy định các tiêu chuẩn lựa chọn hôn<br />
nhân. Đó là những người có sức khoẻ, có khả năng lao động, khả năng sinh đẻ, có tinh thần<br />
trách nhiệm, biết hy sinh bản thân vì gia đình.<br />
Quá độ từ hôn nhân sắp đặt sang hôn nhân tự nguyện được thể hiện qua những biến<br />
đổi về mô hình tìm hiểu và quyền quyết định hôn nhân.<br />
- Về mô hình tìm hiểu<br />
Đó là những biến đổi về phạm vi lựa chọn hôn nhân, các hình thức tìm hiểu và các tiêu<br />
chuẩn lựa chọn hôn nhân. Phạm vi lựa chọn hôn nhân không còn bó hẹp trong phạm vi một<br />
làng, một xã mà được mở rộng ra xã khác, huyện khác, tỉnh khác và thậm chí là nước khác.<br />
Các hình thức tìm hiểu đã giảm hình thức bố mẹ giới thiệu và người làm mối chiếm tỷ lệ cao<br />
đối với những người kết hôn trước thời kỳ đổi mới sang hình thức cá nhân tự tìm hiểu chiếm<br />
tỷ lệ cao trong thời kỳ đổi mới. Các tiêu chuẩn về nghề nghiệp, kinh tế, sắc đẹp, tình yêu<br />
trong thời kỳ đổi mới được kỳ vọng nhiều hơn các tiêu chuẩn về đạo đức trước đổi mới.<br />
- Về mô hình quyết định hôn nhân<br />
Đó là xu hướng chuyển quyết định của bố mẹ trong hôn nhân trước thời kỳ đổi mới<br />
sang quyền quyết định hôn nhân của con cái trong thời kỳ đổi mới. Quá độ chuyển đổi<br />
quyền quyết định hôn nhân này xuất hiện mô hình cha mẹ và con cái cùng quyết định dưới<br />
hình thức “con cái quyết định có sự đồng ý của bố mẹ”, trong đó, con cái là người đề xuất<br />
hôn nhân và bố mẹ là người phê chuẩn hôn nhân của con cái. Đây cũng là mô hình quyết<br />
định hôn nhân phổ biến hiện nay ở nông thôn Việt Nam.<br />
Mô hình quá độ của hôn nhân ở nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới phản ánh<br />
sự dung hoà lợi ích giữa cá nhân và gia đình, hình thành nên mô hình hôn nhân kết hợp giữa<br />
tình yêu, sự tự nguyện của các cá nhân với trách nhiệm và nghĩa vụ của cặp vợ chồng đối với<br />
gia đình và cộng đồng. Mô hình này chắc chắn sẽ còn tồn tại lâu dài đối với nông thôn Việt<br />
Nam, khu vực chịu ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài tinh thần cộng đồng của văn hóa phương<br />
Đông, trước khi tiến tới mô hình hôn nhân hiện đại, ở đó hôn nhân hoàn toàn dựa trên tình<br />
yêu lãng mạn, sở thích và lợi ích của các cá nhân.<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />
36 Mô hình tìm hiểu và quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới<br />
<br />
<br />
Sự chuyển đổi mô hình hôn nhân khẳng định quyền của cá nhân trong việc tự do lựa<br />
chọn hôn nhân, xoá bỏ các hình thức hôn nhân áp đặt. Hôn nhân dựa trên tình yêu và sự tự<br />
nguyện là cơ sở để xây dựng mối quan hệ gia đình bình đẳng, xoá bỏ sự thống trị của tư tưởng<br />
gia trưởng trong quan hệ gia đình, giải phóng người phụ nữ ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của<br />
phạm vi gia đình, giúp cho người phụ nữ vừa có cuộc sống gia đình hạnh phúc vừa phát huy<br />
tài năng cống hiến cho sự phát triển của xã hội.<br />
<br />
<br />
Tài liệu tham khảo:<br />
<br />
1. Mai Huy Bích. 1999. Nơi cư trú sau hôn nhân ở đồng bằng sông Hồng. Tạp chí Xã hội<br />
học, số 4.<br />
2. Nguyễn Hữu Minh. 2000. Các yếu tố tác động đến khuôn mẫu tuổi kết hôn của cư dân<br />
đồng bằng sông Hồng. Tạp chí Xã hội học, số 4.<br />
3. Trung tâm Nghiên cứu khoa học về Gia đình và Phụ nữ. 2002. Gia đình Việt Nam và<br />
người phụ nữ trong gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nxb Khoa<br />
học xã hội. Hà Nội.<br />
4. Vũ Tuấn Huy (chủ biên). 2004. Xu hướng gia đình ngày nay. Nxb Khoa học xã hội. Hà<br />
Nội.<br />
5. Lê Ngọc Văn. 2006. Về quan hệ hôn nhân hiện nay. Nghiên cứu Gia đình và Giới. Số 2.<br />
6. Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org<br />