intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số đề xuất cho thị trường tái bảo hiểm Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

15
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết phân tích sơ bộ về thị trường tái bảo hiểm Việt Nam, nêu lên những thực trạng, tồn tại, qua đó kiến nghị một số giải pháp với các cơ quan quản lý và các DNBH/tái bảo hiểm trong nước.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số đề xuất cho thị trường tái bảo hiểm Việt Nam

  1. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT CHO THỊ TRƯỜNG TÁI BẢO HIỂM VIỆT NAM Hoàng Tú Anh Trưởng ban Kinh doanh Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) Tóm tắt Việt Nam là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào tốc độ tăng trưởng GDP khá cao. Trong 5 năm gần đây, tăng trưởng phí bảo hiểm phi nhân thọ đều vượt mức tăng trưởng GDP với biên độ đáng kể. Theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ năm 2020 đạt 55.807 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm được các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ giữ lại chiếm khoảng 68%, đồng nghĩa với việc phần rủi ro các doanh nghiệp này tự chịu; 32% còn lại các DNBH nhượng lại cho các nhà tái bảo hiểm để san sẻ bớt rủi ro. Điều này hình thành nên một thị trường thứ cấp phía sau, đó là thị trường tái bảo hiểm. Đà tăng trưởng khá khả quan của nền kinh tế cùng với sự linh hoạt của các DNBH trong việc đánh giá rủi ro đã thúc đẩy thị trường tái bảo hiểm Việt Nam thời gian gần đây trở nên sôi động. Quy mô thị trường tái bảo hiểm Việt Nam năm 2020 đạt mức 20.000 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2019. Các nhà tái bảo hiểm nước ngoài nắm giữ 83%, phần còn lại thuộc về Tổng Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam – VINARE (thành lập năm 1994) và Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI – PVI Re (thành lập năm 2011). Tuy vậy, có một thực tế là thị phần của các nhà tái bảo hiểm nội địa vẫn luôn “lép vế” so với các doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, cho dù có sự cải thiện. Thị trường Việt Nam vẫn đang thu xếp tái bảo hiểm theo các phương pháp truyền thống, chủ yếu là tái bảo hiểm tỷ lệ. Các hình thức hợp đồng chịu rủi ro chung (Pool), tái bảo hiểm tài chính hoặc chuyển giao rủi ro thay thế (ART) không phổ biến và chưa xuất hiện nhiều tại thị trường Việt Nam. Với sự phát triển của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nói chung và tái bảo hiểm nói riêng, các doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước còn rất nhiều dư địa để mở rộng và phát triển cũng như nâng cao thị phần. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước cần nâng cao vị thế, năng lực của mình qua việc đẩy mạnh tăng vốn, nâng mức xếp hạng tín nhiệm, cơ cấu tổ chức quản lý theo chuẩn quốc tế, xây dựng chương trình quản trị rủi ro doanh nghiệp chặt chẽ, đa dạng hóa danh mục rủi ro… Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, bộ, ngành là yếu tố quan trọng góp phần giúp các doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước nâng cao cơ hội cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, đẩy mạnh phát triển thị trường bảo 89
  2. hiểm/tái bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam và ngày càng chuyên môn hóa cao và chuyên nghiệp hơn. Bài viết phân tích sơ bộ về thị trường tái bảo hiểm Việt Nam, nêu lên những thực trạng, tồn tại, qua đó kiến nghị một số giải pháp với các cơ quan quản lý và các DNBH/tái bảo hiểm trong nước. Từ khóa: Tái bảo hiểm, thị trường tái bảo hiểm 1. Tổng quan thị trường tái bảo hiểm Việt Nam 1.1. Quy mô thị trường Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tiềm năng để mở rộng phát triển. Năm 2020, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 55.807 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2019. Các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng phí bảo hiểm phi nhân thọ trong những năm gần đây là sự tăng trưởng GDP và hoạt động công nghiệp, thương mại liên quan; sự ra đời của các quy định bảo hiểm bắt buộc mới cùng với sự mở rộng của các quy định bảo hiểm bắt buộc hiện hành; cùng với đó là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu – những người có khả năng và sẵn sàng mua bảo hiểm cho tài sản của họ. Với đà tăng trưởng khá khả quan của nền kinh tế cùng với sự linh hoạt của các DNBH trong việc đánh giá rủi ro đã thúc đẩy thị trường tái bảo hiểm Việt Nam thời gian gần đây trở nên sôi động. Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng phí nhượng tái đạt khoảng 15%/năm. Giai đoạn 2020 - 2024, nhu cầu về tái bảo hiểm trên thế giới cũng như tại Việt Nam tiếp tục tăng. Theo đó, mức phí tái bảo hiểm duy trì được tốc độ tăng trưởng 2 con số. Hình 1. Phí nhượng tái thị trường Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 Đơn vị: nghìn tỷ đồng Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam 90
  3. Hoạt động tái bảo hiểm phát triển sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể tham gia vào quá trình tái bảo hiểm với các doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm đến từ châu Âu. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ mở ra một dòng đầu tư lớn có chất lượng từ các quốc gia phát triển, nơi có nhiều DNBH sẽ phải chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam, nơi khách hàng của họ đến Việt Nam đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. 1.2. Thị phần doanh thu Trên thị trường Việt Nam, hiện có hai doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước là Tổng Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam – VINARE và Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI – PVI Re. VINARE được thành lập năm 1994 và cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2006. Cổ đông chính của VINARE là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Swiss Re là cổ đông lớn thứ hai và là đối tác chiến lược của VINARE. PVI Re – công ty con của PVI Holdings, trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, được thành lập năm 2011. PVI Re tăng vốn điều lệ lên 668 tỷ đồng thông qua cổ phần hóa vào tháng 10/2013. Đây là một mốc quan trọng trong hoạt động kinh doanh, đưa PVI Re trở thành Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI. Bảng 1. Doanh thu phí năm 2020 của VINARE và PVI Re DOANH THU PHÍ NĂM 2020 Công ty Doanh thu (tỷ đồng) VINARE 2.448 PVI Re 1.482 Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Theo Báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nguồn doanh thu chính của VINARE và PVI Re chủ yếu là từ nguồn trong nước. Nguồn doanh thu nước ngoài của VINARE và PVI Re năm 2020 lần lượt là 17% và 8%. Trên thực tế, ngoài hai doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước, các nhà tái bảo hiểm nước ngoài và các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được cấp phép trong nước cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lực tái bảo hiểm cho thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp này với năng lực tái bảo hiểm lớn, kinh nghiệm lâu năm trên thị trường và nguồn lực công nghệ hiện đang cạnh tranh mạnh mẽ với các doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước. 91
  4. Hình 2. Cơ cấu thị trường tái bảo hiểm Việt Nam Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Để nâng cao năng lực cạnh tranh, bên cạnh việc tập trung tối đa vào những lợi thế vốn có như: sự hiểu biết thị trường trong nước, sự nhanh nhạy trước những thay đổi của chính sách, khả năng cung cấp cho khách hàng những sản phẩm tái bảo hiểm hiệu quả, phù hợp với đặc trưng của thị trường…, các doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước cần khắc phục hai điểm yếu cố hữu về quy mô vốn và phương thức giao dịch. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 cùng với kinh tế vĩ mô ổn định đang giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến của làn sóng dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài. Theo đó, lĩnh vực tái bảo hiểm được cho là có cơ hội đón dòng vốn đầu tư nước ngoài mới, đặc biệt là từ các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội cho VINARE và PVI Re trong việc thu xếp tái bảo hiểm các dịch vụ về tài sản, kỹ thuật, hàng hải… với nhóm khách hàng này. 1.3. Thu xếp tái bảo hiểm Thị trường Việt Nam nhìn chung vẫn đang thu xếp tái bảo hiểm theo các phương pháp truyền thống; hiện chưa có động thái lớn nào trong việc thu xếp tái bảo hiểm phi tỷ lệ thay thế tái bảo hiểm tỷ lệ, một số DNBH lớn đang thu xếp các chương trình tái bảo hiểm vượt mức bồi thường (Excess of loss), đặc biệt là đối với bảo hiểm hàng hóa. Tuy nhiên, các hợp đồng tái bảo hiểm tỷ lệ vẫn chiếm ưu thế trong hầu hết các nghiệp vụ, ngoại trừ bảo hiểm xe cơ giới. 92
  5. Trước kia, thông lệ thị trường thường hạn chế đồng bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm thường sẽ cấp đơn 100% và thu xếp tái bảo hiểm trên cơ sở tái bảo hiểm tạm thời. Tuy nhiên, hình thức đồng bảo hiểm đã trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là đối với rủi ro trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản và xây dựng lắp đặt. Xu hướng này cũng gia tăng khi người được bảo hiểm ngày càng có xu thế yêu cầu chương trình bảo hiểm cho hoạt động kinh doanh của họ phải được chia sẻ giữa các doanh nghiệp bảo hiểm. Thông thường, các nhà tái bảo hiểm trong nước và nước ngoài áp dụng giới hạn khoảng 50% năng lực hợp đồng tái bảo hiểm cố định đối với các rủi ro được đồng bảo hiểm nhằm hạn chế và kiểm soát mức độ tích tụ rủi ro. Tổng hạn mức trách nhiệm cho một sự kiện tổn thất được áp dụng trong hầu hết các hợp đồng tái bảo hiểm tỷ lệ nghiệp vụ tài sản và xây dựng. Bảo hiểm xe cơ giới thường được giữ lại và bảo vệ bởi các hợp đồng vượt mức bồi thường. Trong khi tất cả các giao dịch bảo hiểm trực tiếp tại Việt Nam phải được thanh toán bằng Việt Nam đồng, hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm – nơi mà phần lớn dịch vụ được thu xếp ra nước ngoài – sẽ được quy định và giao dịch bằng USD (về hạn mức tái bảo hiểm, phí, bồi thường…). Theo Báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện không có hợp đồng chịu rủi ro chung (Pool) được xây dựng tại Việt Nam. Hiện tại, tái bảo hiểm tài chính hoặc chuyển giao rủi ro thay thế (ART) không phổ biến và chưa xuất hiện nhiều nhu cầu quan tâm tại thị trường Việt Nam, mặc dù các thỏa thuận đó có thể áp dụng trong trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài được phép hoạt động trên thị trường. 2. Thực trạng thị trường tái bảo hiểm Việt Nam 2.1. Tỷ trọng tái bảo hiểm trong nước thấp Theo Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong trường hợp người được bảo hiểm không có các chỉ định về doanh nghiệp tái bảo hiểm, không có điều khoản nào cấm DNBH trong nước thu xếp tái bảo hiểm trên 90% tùy theo mức độ rủi ro. Mặc dù Thông tư số 50/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP cũng quy định việc nhượng tái bảo hiểm không được phân biệt đối xử giữa các DNBH, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam và doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài, thị phần của các doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước vẫn luôn “lép vế” so với các doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, cho dù có sự cải thiện qua các năm gần đây. Năm 2020, thị phần của hai nhà tái bảo hiểm VINARE và PVI Re đã tăng lên 93
  6. nhưng vẫn chỉ gần đạt 20% (VINARE 10% và PVI Re 7%). Điều này dẫn đến tình trạng phụ thuộc nhiều vào các nhà tái bảo hiểm nước ngoài, làm lệch cán cân lưu chuyển ngoại tệ. Thực tế tình trạng này không chỉ xuất hiện tại thị trường Việt Nam mà còn diễn ra tại hầu hết các thị trường bảo hiểm đang phát triển trên thế giới. Lý do thị phần của các nhà tái bảo hiểm trong nước còn khiêm tốn là do: - Hai công ty tái bảo hiểm PVI Re và VINARE đều tập trung vào mảng bảo hiểm thương mại vốn chỉ chiếm khoảng 40% doanh thu thị trường bảo hiểm gốc, trong khi 60% còn lại là các sản phấm bán lẻ (nghiệp vụ con người, xe cơ giới, sức khỏe) – vốn thuộc mức giữ lại của DNBH gốc và nếu có thu xếp tái bảo hiểm thì cũng chỉ dành cho một số thị trường quốc tế (ví dụ như nghiệp vụ xe cơ giới). Dù vậy, lợi nhuận từ nghiệp vụ này thường mỏng, thậm chí thua lỗ do có tỷ lệ tổn thất cao, chi phí khai thác lớn. - Ngoài ra, do thị trường tái bảo hiểm Việt Nam chỉ có hai nhà tái bảo hiểm trong nước, lại không có lợi thế về vốn nên việc thu xếp tái bảo hiểm phụ thuộc nhiều vào các nhà tái bảo hiểm nước ngoài, đặc biệt trong các rủi ro có trách nhiệm bảo hiểm lớn, vượt quá khả năng giữ lại của các DNBH/tái bảo hiểm trong nước, nhất là các nghiệp vụ đặc thù như: hàng không, dầu khí; các yêu cầu cao về xếp hạng tín nhiệm (rating) của khách hàng bảo hiểm gốc… 2.2. Mức giữ lại của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước còn thấp Mức giữ lại của các DNBH trong nước còn thấp dẫn đến nhu cầu thu xếp tái bảo hiểm nước ngoài cho các rủi ro có mức trách nhiệm lớn tăng lên. Bảng 2. Tỷ lệ giữ lại của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 (%) Nghiệp vụ Năm Năm Năm Năm Năm 2015 2016 2017 2018 2019 Tài sản 35,95 37,26 37,38 33,07 34,59 Xe cơ giới 96,96 90,67 87,53 79,78 81,58 Trách nhiệm 77,15 62,19 58,57 56,23 55,38 Tín dụng 46,15 27,98 48,57 70,35 78,22 Hàng hải - hàng không 51,67 53,41 54,86 52,89 49,85 Sức khỏe và tai nạn 98,08 98,08 92,17 87,80 85,24 Toàn thị trường phi nhân thọ 72,72 73,53 72,31 67,61 68,00 Nguồn: AXCO (2022) 94
  7. Bảng 2 cho thấy chuyển động trong việc tính toán mức giữ lại trong một số nghiệp vụ qua các năm, trong đó nghiệp vụ có tỷ lệ giữ lại thấp nhất và ít biến động nhất là nghiệp vụ tài sản với tỷ lệ tái bình quân là 70%. Nghị định số 73/2016/NĐ-CP với mục đích cải thiện mức giữ lại trung bình của thị trường bảo hiểm trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà tái bảo hiểm nước ngoài, giảm khối lượng lưu chuyển ngoại tệ và cải thiện tốc độ giải quyết các khiếu nại liên quan đến tái bảo hiểm, quy định rằng: - Mức trách nhiệm tối đa cho mỗi rủi ro hoặc tổn thất đơn lẻ mà DNBH được cấp phép trong nước có thể giữ lại được giới hạn bằng 10% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. - Trường hợp DNBH, chi nhánh nước ngoài nhượng tái bảo hiểm theo chỉ định của người được bảo hiểm, tỷ lệ tái bảo hiểm chỉ định tối đa là 90% mức trách nhiệm bảo hiểm. Quy định về tỷ lệ tái bảo hiểm tối đa được phép chấm dứt tình trạng tái bảo hiểm chỉ định trên thị trường khi một tổ chức lớn hoặc công ty đa quốc gia chỉ định tái bảo hiểm vượt quá 90% vào các thị trường tái bảo hiểm theo yêu cầu của họ, bao gồm các công ty tài chính lệ thuộc. Trong trường hợp người được bảo hiểm không có các chỉ định về doanh nghiệp tái bảo hiểm, không có điều khoản nào cấm DNBH trong nước thu xếp tái bảo hiểm trên 90% tùy theo mức độ rủi ro. Điều 42 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định DNBH, chi nhánh nước ngoài có thể nhận tái bảo hiểm trách nhiệm mà DNBH khác đã nhận bảo hiểm. Khi nhận tái bảo hiểm, DNBH, chi nhánh nước ngoài phải đánh giá rủi ro để bảo đảm phù hợp với khả năng thanh toán của DNBH, chi nhánh nước ngoài và không được nhận tái bảo hiểm đối với chính những rủi ro đã nhượng tái bảo hiểm. 2.3. Năng lực của các doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước 2.3.1. Quy mô vốn Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định mức vốn pháp định của doanh nghiệp tái bảo hiểm: - Kinh doanh tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam; - Kinh doanh tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 700 tỷ đồng Việt Nam; - Kinh doanh cả 3 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 1.100 tỷ đồng Việt Nam. Trên thế giới, thị trường ngách đặc thù này đang là sân chơi của các tập đoàn tài chính lâu đời và có quy mô lên đến hàng trăm tỷ đô la Mỹ như: Swiss Re, Munich Re… Trong đó, không thể không nhắc tới tập đoàn có doanh thu lớn thứ hai nước Mỹ là Berkshire Hathaway 95
  8. của tỷ phú, huyền thoại đầu tư Warren Buffett. Hiện nay, so với các nhà tái bảo hiểm nước ngoài trên thị trường, quy mô vốn của các công ty tái bảo hiểm trong nước còn rất khiêm tốn. - Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) thành lập năm 2011 với vốn điều lệ 460 tỷ đồng và năm 2018 hoàn thành tăng vốn lên 728 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Cuối năm 2021, PVI Re đã hoàn thành xin ý kiến cổ đông bằng văn bản và đã được thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 1.044 tỷ đồng, - Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE) hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu thưởng trong năm 2021, tăng vốn điều lệ từ 1.310,7 tỷ đồng lên 1.507,3 tỷ đồng và đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng vào năm 2024. Nếu muốn nâng cao năng lực tài chính, cải thiện thị phần nhận tái bảo hiểm thì các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tăng được vốn điều lệ. Đây cũng là “điều kiện cần” để các doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng mức xếp hạng tín nhiệm, tiếp cận với thị trường thế giới. 2.3.2. Xếp hạng tín nhiệm Thị trường bảo hiểm Việt ngày càng lớn mạnh và hội nhập sâu rộng, theo đó, nhu cầu được xếp hạng tín nhiệm đang tăng lên trong các nhà bảo hiểm, bởi được xếp hạng tín nhiệm sẽ là cơ hội để doanh nghiệp hoàn thiện hơn nữa về năng lực tài chính, quản lý rủi ro, năng lực quản trị... Đây cũng là “tấm giấy thông hành” không thể thiếu nếu DNBH Việt Nam muốn tham gia sân chơi quốc tế. Tuy nhiên việc tiếp cận với thị trường tái bảo hiểm quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế do rào cản về xếp hạng tín nhiệm. Hiện tại, cả VINARE và PVI Re đều đang được xếp hạng ở mức B++, trong khi các thị trường lớn đều yêu cầu mức A- (cao hơn B++ một bậc). Xếp hạng tín nhiệm của các công ty tái bảo hiểm của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng một phần bởi chỉ số Xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Giai đoạn 2013 - 2021, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam luôn nằm trong nhóm có xu hướng tốt lên. Cụ thể là tăng từ B2 lên Ba3 theo đánh giá của Moody’s, từ BB- lên BB theo đánh giá của S&P và từ B+ lên BB theo đánh giá của Fitch. Tuy nhiên, mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. 96
  9. Bảng 3. Bảng xếp hạng quốc gia năm 2021 một số quốc gia châu Á Nước S&P Moody’s Fitch Ấn Độ BBB- Baa3 BBB- Campuchia N/A B2 Hàn Quốc AA Aa2 AA- Indonesia BBB Baa2 BBB Lào Caa2 CCC Malaysia A- A3 BBB+ Philippines BBB+ Baa1 BBB Singapore AAA Aaa AAA Thái Lan BBB+ Baa1 BBB+ Trung Quốc A+ A1 A+ Việt Nam BB Ba3 BB Nguồn: Trading Economics Trong phương pháp xếp hạng tín nhiệm của A.M. Best, rủi ro quốc gia là một trong các yếu tố được cân nhắc khi đánh giá một công ty. Rủi ro quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập phạm vi xếp hạng cho những đánh giá cơ sở của công ty. Mức độ xem xét đối với rủi ro quốc gia (nghĩa là tác động tiềm tàng đối với các đánh giá về bảng cân đối kế toán, hiệu quả hoạt động và hồ sơ kinh doanh) được xác định riêng cho từng đơn vị xếp hạng dựa trên sức mạnh tài chính, vị thế thị trường và khả năng giảm thiểu hoặc quản lý rủi ro của đơn vị đó đối với rủi ro quốc gia. Các công ty kinh doanh hoặc có tài sản ở các quốc gia có rủi ro cao hơn phải chịu các điều kiện bên ngoài biến động hơn. Ở những nước này, một vị thế vốn mạnh ban đầu có thể suy giảm nhanh hơn; do đó, xếp hạng ban đầu của một DNBH với lượng vốn dồi dào hoạt động ở một quốc gia có rủi ro cao sẽ thấp hơn so với DNBH có lượng vốn tương tự ở một quốc gia có rủi ro thấp. 2.4. Nguồn nhân lực bảo hiểm/tái bảo hiểm còn thiếu về số lượng và chất lượng Số lượng nhân sự cho ngành Bảo hiểm tăng lên đáng kể, hiện đạt khoảng hơn 1 triệu người, nhưng chất lượng nhân sự còn khiêm tốn. Do thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn nên nhiều DNBH/tái bảo hiểm hiện đang tuyển dụng nhân sự từ các chuyên ngành khác và đào tạo ngắn hạn kiến thức về bảo hiểm. Điều đó tiềm ẩn rủi ro cho chính doanh nghiệp và 97
  10. cho cả thị trường nếu việc đào tạo trình độ chuyên môn trong doanh nghiệp không được chú trọng. Việc đào tạo không bài bản có thể khiến nhân sự không có hoặc chưa đủ kiến thức để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khi gặp phải những vấn đề chưa được hướng dẫn; chưa kể tới nhiều trường hợp chưa hiểu rõ chế độ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm hoặc nghiệp vụ bảo hiểm nên có thể gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình tác nghiệp. Pháp luật bảo hiểm hiện hành có yêu cầu chứng chỉ đào tạo đối với chức danh quản trị, điều hành như: Chủ tịch, Tổng Giám đốc, chuyên gia tính toán, kế toán trưởng và trưởng bộ phận kiểm tra, kiểm soát nội bộ, nhưng chưa quy định chi tiết về khung năng lực của các vị trí. Điều 30 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP có quy định về tiêu chuẩn đối với người đứng đầu các bộ phận nghiệp vụ như sau: - Có bằng đại học hoặc trên đại học; - Đối với người đứng đầu bộ phận tái bảo hiểm phải có bằng cấp hoặc chứng chỉ đào tạo về tái bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước cấp; - Có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm hoặc lĩnh vực chuyên môn dự kiến đảm nhiệm; - Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm. Do không có quy định tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ đối với các vị trí chức danh tại các bộ phận nghiệp vụ và trực tiếp phục vụ khách hàng nên nguồn nhân lực bảo hiểm/tái bảo hiểm chưa được chuẩn hóa, không phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, đối với ngành tái bảo hiểm, khi phần lớn các giao dịch tái bảo hiểm là thực hiện với thị trường tái bảo hiểm nước ngoài có nhiều năm kinh nghiệm, việc thiếu kiến thức chuyên môn sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu xếp tái bảo hiểm, kết quả đàm phán hợp đồng có nhiều điểm bất lợi cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc không có khung tiêu chuẩn, chưa có định hướng chiến lược rõ ràng và mang tính ổn định, thống nhất trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong nội bộ một số doanh nghiệp phần nào ảnh hưởng đến định hướng phát triển chuyên môn nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên và tính chuyên nghiệp của thị trường. Ngoài ra, hiện nay, trên cả nước có khá ít cơ sở đào tạo cử nhân về ngành Bảo hiểm, số lượng sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục đã đưa chuyên ngành Bảo hiểm vào chương trình giảng dạy, tuy nhiên, do chỉ tiêu quá ít nên không đủ đáp ứng số lượng cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành cung ứng cho thị trường. 98
  11. Tất cả những điều này dẫn đến việc tính chuyên nghiệp và ổn định của nguồn nhân lực bảo hiểm/tái bảo hiểm còn thấp so với yêu cầu của thị trường, kéo theo chất lượng dịch vụ cung cấp chưa cao, không đồng đều. 2.5. Quản trị rủi ro trong chương trình thu xếp tái bảo hiểm ở các doanh nghiệp Thông tư số 50/2017/TT-BTC có hiệu lực vào ngày 01/7/2017 hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP yêu cầu Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty) hoặc Tổng Giám đốc (Giám đốc) của DNBH, Giám đốc chi nhánh nước ngoài có trách nhiệm phê duyệt Chương trình tái bảo hiểm phù hợp với năng lực tài chính, quy mô kinh doanh của doanh nghiệp, chi nhánh và các quy định pháp luật hiện hành; xem xét, đánh giá, điều chỉnh Chương trình tái bảo hiểm theo định kỳ hàng năm hoặc khi tình hình thị trường có sự thay đổi để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm. Các tiêu chí đánh giá bao gồm: - Xác định khả năng chấp nhận rủi ro của DNBH, chi nhánh nước ngoài; - Xác định mức giữ lại phù hợp với rủi ro bảo hiểm được chấp nhận, những giới hạn về mức giữ lại trên một đơn vị rủi ro và mức bảo vệ tối đa từ doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm; - Xác định các loại hình và phương thức tái bảo hiểm phù hợp nhất với việc quản lý các rủi ro được chấp nhận; - Phương thức, tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm, bao gồm cách thức đánh giá mức độ rủi ro và an toàn tài chính của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm; - Danh sách các doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm dự kiến sẽ nhận tái bảo hiểm, lưu ý đến sự đa dạng hóa và xếp hạng các nhà nhận tái bảo hiểm; - Phương thức sử dụng khoản tiền đặt cọc của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm (nếu có); - Quản lý rủi ro tích tụ đối với những lĩnh vực, vùng địa lý và các loại sản phẩm đặc thù; - Cách thức kiểm soát chương trình tái bảo hiểm, bao gồm hệ thống báo cáo và kiểm soát nội bộ. Liên quan đến thu xếp tái bảo hiểm, Thông tư cũng quy định việc nhượng tái bảo hiểm không được phân biệt đối xử giữa các DNBH, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam và doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài. Về cơ bản, luật hiện hành đã quy định các tiêu chí cần phải xem xét đánh giá khi thu xếp một chương trình tái bảo hiểm. Tuy nhiên, nhiều DNBH Việt Nam hiện nay chưa đặt chương trình thu xếp tái bảo hiểm vào mục quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Thêm vào đó, một số vấn đề mà doanh nghiệp cũng cần lưu ý trong khi thu xếp nhưng chưa được đề cập trong các quy định của luật và cũng chưa được các DNBH quan tâm, bao gồm: 99
  12. - Quy định về danh mục các nhà tái nhận tái bảo hiểm và môi giới an toàn; - Đa dạng hóa danh mục tái bảo hiểm, và các nhà tái bảo hiểm phải đạt yêu cầu tối thiểu về năng lực tài chính thông qua chỉ số xếp hạng tín nhiệm; - Luật tài phán trong hợp đồng khi xảy ra tranh chấp. 2.6. Môi trường pháp lý 2.6.1. Quy định về phí bảo hiểm Hiện nay, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định bảo hiểm bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội. Cũng theo Luật này, có bốn nhóm bảo hiểm bắt buộc chính gồm: - Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách; - Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; - Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; - Bảo hiểm cháy, nổ. Ngoài ra, còn có các loại bảo hiểm bắt buộc khác được quy định tại nhiều luật, quy định chuyên ngành như: bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng; bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho tư vấn đầu tư xây dựng, kiểm toán viên, luật sư, thẩm định giá, kinh doanh chứng khoán… Mặc dù Nhà nước đã ban hành một số quy định về bảo hiểm bắt buộc, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn đang khá thả nổi, chưa có kiểm soát chặt chẽ về tỷ lệ phí dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, cung lớn hơn cầu, kéo theo tình trạng lỗ nghiệp vụ với các nhà tái bảo hiểm. Hậu quả là các DNBH Việt Nam bị các nhà tái bảo hiểm quốc tế áp đặt một số điều khoản bất lợi trong các hợp đồng tái bảo hiểm cố định, làm giảm tính hiệu quả khai thác của các DNBH trong nước đối với các dịch vụ có chất lượng rủi ro cao. Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bảo hiểm gốc cũng đang tạo ra sức ép không nhỏ trong việc thu xếp tái bảo hiểm. Mức phí và mức khấu trừ quá cạnh tranh, điều kiện điều khoản được mở rộng dẫn đến việc đơn bảo hiểm không thể thu xếp tái bảo hiểm ra thị trường nước ngoài mà bắt buộc phải thu xếp tái bảo hiểm cho các DNBH trong nước để đảm bảo phân tán rủi ro. Trong trường hợp này, năng lực của thị trường bảo hiểm Việt Nam trên thực tế đã bị tận dụng để bảo hiểm cho các rủi ro không tốt và đối mặt với nguy cơ tích tụ rủi ro rất cao. Thêm vào đó, các quy định về bảo hiểm bắt buộc mới chỉ áp dụng ở một số nghiệp vụ như: tài sản, kỹ thuật, xe cơ giới… và vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: nội dung quy định 100
  13. về phí và mức khấu trừ áp dụng còn quá chung chung, thiếu chi tiết nên việc áp dụng còn cứng nhắc, chưa phản ánh hết mức độ rủi ro, từ đó khó áp dụng cho các DNBH; sự không đồng nhất giữa Luật Đấu thầu với các nghị định/thông tư liên quan đến bảo hiểm dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh… 2.6.2. Quy định về tiêu chuẩn của các nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài Điều 43 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP có quy định đối với doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài như sau: - Doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động hợp pháp và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về khả năng thanh toán theo quy định pháp luật của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính. - Doanh nghiệp đứng đầu nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm từ 10% tổng mức trách nhiệm của mỗi hợp đồng tái bảo hiểm phải được xếp hạng tối thiểu “BBB” theo Standard & Poor’s hoặc Fitch, “B++” theo A.M.Best, “Baal” theo Moody’s hoặc các kết quả xếp hạng tương đương của các tổ chức có chức năng, kinh nghiệm xếp hạng khác tại năm tài chính gần nhất so với thời điểm giao kết hợp đồng tái bảo hiểm. - Trường hợp tái bảo hiểm cho công ty mẹ ở nước ngoài hoặc các công ty trong cùng tập đoàn mà công ty này không có đánh giá xếp hạng tín nhiệm theo quy định nêu trên thì DNBH, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải nộp Bộ Tài chính văn bản của cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài nơi công ty nhận tái bảo hiểm đóng trụ sở chính xác nhận công ty nhận tái bảo hiểm ở nước ngoài bảo đảm khả năng thanh toán tại năm tài chính gần nhất năm nhận tái bảo hiểm. Theo quy định hiện hành, các nhà môi giới nước ngoài và công ty tái bảo hiểm nước ngoài được tham gia vào việc thu xếp các hợp đồng tái bảo hiểm cố định và hợp đồng tái bảo hiểm tạm thời mà không cần phải có đăng ký hoặc cấp phép kinh doanh với cơ quan quản lý sở tại. Việc quy định tiêu chuẩn của các nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài mới chỉ dừng đến quy định về năng lực xếp hạng tín nhiệm và chưa có sự kiểm tra giám sát thường xuyên tại các DNBH/tái bảo hiểm. 3. Một số kiến nghị Từ những tồn tại nêu trên, tác giả đưa ra một số kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các DNBH/tái bảo hiểm, các cơ sở đào tạo nhằm cải thiện thực trạng của thị trường tái bảo hiểm Việt Nam. 3.1. Kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước - Các cơ quan quản lý cần có quy định để kiểm soát tỷ lệ giữ lại và ưu tiên tái bảo hiểm nội địa thay vì để tình trạng tự do tái bảo hiểm ra nước ngoài như hiện nay; qua đó đảm 101
  14. bảo cân đối dòng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài và giảm sự phụ thuộc vào các công ty tái bảo hiểm nước ngoài. Theo Hiệp định thương mại song phương (BTA) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam không được phép quy định tái bảo hiểm bắt buộc. Vì vậy, Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm bỏ cơ chế tái bảo hiểm bắt buộc trước khi tái bảo hiểm ra nước ngoài, DNBH phải tái bảo hiểm một phần trách nhiệm cho doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm trong nước. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tài chính cho thị trường bảo hiểm Việt Nam khi không còn quy định tái bảo hiểm bắt buộc, cần thiết bổ sung quy định trường hợp tái bảo hiểm ra nước ngoài theo các tiêu chí như: + Doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài: Ngoài quy định DNBH phải tái bảo hiểm cho các DNBH, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đạt hệ số tín nhiệm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, cần có các quy định cụ thể về tiêu chí áp dụng cho các nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài muốn nhận rủi ro tại Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài phải được cấp phép bởi Bộ Tài chính hàng năm thông qua việc phê duyệt các hồ sơ bao gồm: Biểu mẫu tổng hợp thông tin tài chính doanh nghiệp, Giấy đăng ký kinh doanh, Báo cáo tài chính ba năm gần nhất, Chứng nhận xếp hạng tín nhiệm, thông tin và số liệu về quan hệ hợp tác kinh doanh với thị trường Việt Nam trong ba năm gần nhất (nếu có); tình trạng công nợ với các DNBH/tái bảo hiểm tại Việt Nam. + Nghiệp vụ bảo hiểm: Một số rủi ro khuyến khích ưu tiên tái bảo hiểm trong nước như: nghiệp vụ xe cơ giới, sức khỏe, tai nạn con người, bảo an tín dụng… Đối với tái bảo hiểm trong nước, cần xây dựng các quy định cụ thể về năng lực của DNBH trong nước được nhận tái bảo hiểm như: + DNBH trong nước tham gia nhận tái bảo hiểm phải là doanh nghiệp thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2A theo quy định tại Thông tư số 195/2014/TT-BTC. + DNBH trong nước nhận tái bảo hiểm với tỷ lệ trên 10% mức trách nhiệm của rủi ro hoặc số tiền bảo hiểm thuộc trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp trên 10% vốn chủ sở hữu phải có xếp hạng tín nhiêm B+ trở lên theo A.M. Best hoặc có xếp hạng tương đương và thuộc nhóm 1 theo quy định tại Thông tư số 195/2014/TT-BTC. + DNBH trong nước muốn nhận tái bảo hiểm các hợp đồng cố định của DNBH khác phải có xếp hạng tín nhiêm B++ trở lên theo A.M. Best hoặc có xếp hạng tương đương và thuộc nhóm 1A theo quy định tại Thông tư số 195/2014/TT-BTC. Các quỹ chia sẻ rủi ro (pool) cũng cần được khuyến khích thành lập với mục đích tăng kỹ năng khai thác và giữ lại các rủi ro tốt lại trong nước. 102
  15. - Đề xuất tăng mức vốn pháp định của doanh nghiệp tái bảo hiểm lên 2.000 tỷ đồng để đảm bảo tài chính đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu về năng lực tái bảo hiểm của thị trường trong nước cũng như mở rộng khai thác ra nước ngoài. Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm muốn nhận tái bảo hiểm phải có vốn điều lệ riêng cho hoạt động nhận tái bảo hiểm, tối thiểu phải tương đương vốn pháp định cho một doanh nghiệp tái bảo hiểm để đủ năng lực tài chính cho hoạt động kinh doanh khai thác bảo hiểm gốc và kinh doanh tái bảo hiểm. - Các cơ quan quản lý cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thị trường bảo hiểm thông qua việc chuẩn hóa và đưa ra khung năng lực tiêu chuẩn cho DNBH/tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm theo hướng quy định tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, bằng cấp chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ cho người làm tại các bộ phận nghiệp vụ bảo hiểm và trực tiếp phục vụ khách hàng, xây dựng hệ thống chứng chỉ chuyên môn phù hợp với lộ trình áp dụng khung tiêu chuẩn năng lực trong dài hạn. Theo đó, tiêu chuẩn tối thiểu để đủ điều kiện làm việc tại tất cả các bộ phận nghiệp vụ bảo hiểm là phải có Chứng chỉ đào tạo cơ bản bảo hiểm/tái bảo hiểm do Bộ Tài chính cấp hoặc của các cơ sở đào tạo chính quy cấp quốc gia cấp. Tại các vị trí lãnh đạo cấp cao hơn cần có bằng cấp chuyên ngành Bảo hiểm/Tái bảo hiểm quốc tế. - Lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm với việc bổ sung phí tối thiểu áp dụng cho các nghiệp vụ khác ngoài các nghiệp vụ đã có quy định. Thêm vào đó, các cơ quan quản lý cần có thanh tra kiểm tra định kỳ các DNBH trong việc thực hiện các quy định. Việc quy định phí bảo hiểm tối thiếu sẽ giải quyết được bài toán về yêu cầu phí bảo hiểm phải đủ để trích lập dự phòng nghiệp vụ và thu xếp tái bảo hiểm; phải phù hợp với mức trách nhiệm, điều kiện, phạm vi bảo hiểm, đảm bảo thực hiện được các nghĩa vụ đã cam kết theo hợp đồng bảo hiểm và an toàn tài chính cho DNBH nói riêng và thị trường bảo hiểm nói chung. - Xây dựng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tái bảo hiểm mở rộng phát triển ra thị trường nước ngoài như các chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp. 3.2. Kiến nghị đối với các doanh nghiệp bảo hiểm - Xây dựng các chính sách quản trị rủi ro chặt chẽ, trong đó cần quản lý danh mục các doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm nước ngoài; - Xây dựng các phương án tái bảo hiểm đa dạng hơn để tăng mức giữ lại với các rủi ro tốt; - Thận trọng với các hợp đồng nhận tái bảo hiểm vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiếu nhân sự chuyên sâu trong lĩnh vực nhận tái bảo hiểm. 103
  16. 3.3. Kiến nghị đối với các doanh nghiệp tái bảo hiểm - Nỗ lực tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, cải thiện thị phần nhận tái bảo hiểm và góp phần trong công tác nâng mức xếp hạng tín nhiệm, tiếp cận với thị trường thế giới; - Nỗ lực nâng xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp lên A-, giúp các doanh nghiệp tái bảo hiểm có nhiều cơ hội phát triển ra thị trường nước ngoài; - Đẩy mạnh công tác nhận tái bảo hiểm nước ngoài nhằm đa dạng hóa danh mục rủi ro, tránh tích tụ và phụ thuộc vào thị trường trong nước. 3.4. Kiến nghị đối với các cơ sở đào tạo - Tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo các chứng chỉ quốc tế nhằm cung cấp nguồn nhân lực bảo hiểm/tái bảo hiểm không chỉ cho thị trường trong nước mà cho các thị trường trong khu vực; - Thường xuyên phối hợp với các DNBH/doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước và quốc tế trong việc giảng dạy các sinh viên, cử nhân, học viên thạc sĩ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Công ty Dịch vụ thông tin bảo hiểm (2022), Báo cáo AXCO năm 2022. 2. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Số liệu các năm 2016 - 2020. 104
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0