Mối tương đồng cảm hứng của Xình ca Cao Lan với dân ca giao duyên các dân tộc miền núi phía Bắc
lượt xem 2
download
Tình yêu là một trạng thái tâm hồn đặc biệt của mọi người, mọi dân tộc và mọi thời đại. Tình yêu lứa đôi của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc được phản ánh trong thơ ca dân gian bằng nhiều hình tượng nghệ thuật độc đáo. Trong đó Xình ca Cao Lan có những mối tương đồng cảm hứng với dân ca giao duyên các dân tộc khác như Mông Dao, Tày, Thái, Mường. . . nhưng cũng có những màu sắc riêng bắt nguồn từ quan niệm nghệ thuật và truyền thống văn hóa phong tục của mỗi cộng đồng sắc tộc.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Mối tương đồng cảm hứng của Xình ca Cao Lan với dân ca giao duyên các dân tộc miền núi phía Bắc
- JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2014, Vol. 59, No. 10, pp. 42-49 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn MỐI TƯƠNG ĐỒNG CẢM HỨNG CỦA XÌNH CA CAO LAN VỚI DÂN CA GIAO DUYÊN CÁC DÂN TỘC MIỀN NÚI PHÍA BẮC Đặng Thị Hường Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tuyên Quang Tóm tắt. Tình yêu là một trạng thái tâm hồn đặc biệt của mọi người, mọi dân tộc và mọi thời đại. Tình yêu lứa đôi của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc được phản ánh trong thơ ca dân gian bằng nhiều hình tượng nghệ thuật độc đáo. Trong đó Xình ca Cao Lan có những mối tương đồng cảm hứng với dân ca giao duyên các dân tộc khác như Mông Dao, Tày, Thái, Mường. . . nhưng cũng có những màu sắc riêng bắt nguồn từ quan niệm nghệ thuật và truyền thống văn hóa phong tục của mỗi cộng đồng sắc tộc. Vì lẽ đó thơ ca về tình yêu càng thêm sắc màu lộng lẫy, là nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca hiện đại. Từ khóa: Xình ca Cao Lan, dân ca giao duyên, tương đồng, miền núi phía Bắc. 1. Mở đầu Lịch sử văn hóa cho hay, mỗi cộng đồng dân tộc đều có một truyền thống phong tục tập quán, ngôn ngữ, tâm lí và tính cách riêng gắn với môi trường sống của mình. Song mặc dù truyền thống văn hóa khác nhau, nhưng đã là con người ở đâu cũng đều có trái tim đồng điệu, tạo nên nhịp sống kì diệu không cùng vượt qua mọi không thời gian thời gian, biên giới và sắc tộc, đó là những trạng thái tâm hồn của tình yêu nam nữ. Có thể nói đây là nguồn mạch dồi dào nhất muôn đời chảy mãi, và độc đáo hơn là những sắc điệu lời ca tình yêu ở xứ sở lâm tuyền. Xình ca Cao Lan [1;11] là một loại hình thơ ca dân gian được diễn xướng trong môi trường văn hóa dân gian Cao Lan có mối tương đồng với chủ đề hát giao duyên của nam nữ thanh niên các dân tộc khác. Nghiên cứu này mong muốn mang đến một diện mạo khái quát về thể loại văn hóa dân tộc độc đáo nhưng chưa nhiều người biết đến. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Cảm hứng về tình yêu trong Xình ca Cao Lan với dân ca các dân tộc khác Thơ ca dân gian là tiếng lòng muôn điệu của con người, nhưng nổi lên trên hết là những cung bậc về tình yêu. Những bài thơ hay nhất vẫn là những khúc ca về tình yêu. Hình ảnh quê Ngày nhận bài 11/1/2014. Ngày nhận đăng 25/05/2014. Liên lạc Đặng Thị Hường, e-mail: dangthuhuong_tq2000@yahoo.com 42
- Mối tương đồng cảm hứng của xình ca Cao Lan với dân ca giao duyên... hương xứ sở và lao động, sinh hoạt cộng đồng, đâu đâu cũng gắn với lứa đôi. Cảm xúc lứa đôi làm cho câu ca thêm trẻ mãi. Nhân vật trữ tình chính là những chàng trai cô gái trong thơ ca, từ gặp gỡ, làm quen đến ướm hỏi, giãi bày khát vọng, niềm vui, và cả nỗi buồn, những bất hạnh khổ đau đều cất lên trong lời ca tiếng hát. . . Từ thơ ca dân gian Cao Lan về tình yêu đôi lứa tới tình yêu trong thơ ca dân gian các dân tộc khác cho hay: con người có thể khác nhau về sắc tộc, nhưng cùng mang trong mình cảm xúc của tình yêu. Nam nữ người Cao Lan có tục hát Xình ca; người Dao hát Páo dung; người Tày hát Cọi; người Mông hát Đố, người Mường hát Xường. . . Qua câu hát, họ hiểu cõi lòng nhau và yêu nhau, không ít chàng trai cô gái đã nên vợ nên chồng. Dù là các tên gọi khác nhau như hát Xình ca, hát Páo dung, hát Cọi, hát Lượn, hát Đố, hát Xường... nhưng đều giãi bày tâm tư, tình cảm và khát vọng các giai điệu tình yêu. Đó là mạch nguồn bất tận trong tiếng hát của con người và làm cho con người xích lại gần nhau. . . Hát giao duyên gắn với tên gọi các bài ca về tình yêu đôi lứa. Với thanh niên Cao Lan, mùa xuân là ngày hội của Xình ca, một lối hát đối đáp có tự lâu đời thành nếp sống cộng đồng: Chàng trai cất tiếng hát: Năm cũ qua rồi năm mới đến/ Mùng ba, mùng bốn đi chơi xuân/ Mùng ba, mùng bốn hoa đua nở/ Anh đi nghìn dặm thăm người thương. Cô gái đáp lại: Chàng chỉ đến thăm người thân thôi ư?/ Chỉ đến thăm người thương thôi à?/ Hoa bản trên muôn hồng ngàn tía/ Gái bản em xấu xí lắm phải không? Chàng trai khéo léo trả lời: Hoa bản em muôn hồng ngàn tía/ Gái bản em xinh đẹp nhất vùng./ Anh mới đi hàng trăm hải lí/ Đến tìm hoa để nối tông đường [3;6]. Cứ như vậy, họ đối đáp với nhau tình tứ, ngày càng gần gũi hơn. Theo phong tục người Cao Lan, người cùng họ thờ một Ma ham thì không được kết hôn, không được hát giao duyên với nhau, cho nên nam nữ khi gặp nhau ở đâu cũng phải có lời khai giọng hỏi tên họ của bạn hát là cần thiết. Lần đầu gặp gỡ, chàng trai Cao Lan cất tiếng hát: Anh có lời ca hỏi trước nàng/ Hỏi nàng là người nhà nào đấy?/ Hỏi nàng nhà ấy họ gì vậy?/ Xin nàng nói thật cho anh nghe! Cô gái đáp: Em có lời ca hỏi tới anh/ Anh con nhà tốt ở nhà đẹp/ Anh thuộc họ tốt ở nhà đẹp/ Hát ra đây nói thật em nghe [3;7]. Nếu không “trở ngại” gì thì cuộc hát tiếp tục diễn ra không dứt, hai bên nam nữ thả sức đua tài. Cũng là cuộc gặp gỡ tình cờ của đôi bên nam nữ, thanh niên Tày lại có tính cách hồn nhiên hơn do phong tục hôn nhân của đồng bào khá tự do không phụ thuộc vào lễ giáo, nên chàng trai sẵn sàng nói về mình một cách giản dị qua tập quán ăn trầu và sinh hoạt đời thường, để bạn hát nhận ra mình đã có hay chưa người bạn tri âm: Có trầu có vỏ, không vôi/ Có chăn có chiếu, không người nằm chung. Cô gái Tày cũng không kém phần tinh tế, đáp lại một cách khiêm nhường: Trầu em cuống đỏ ăn cay/ Cau em cau điếc ăn nay đắng nhiều./ Dám đâu mang tặng người yêu? [2;34]. Tình yêu tự do bộc lộ rõ trong quan niệm sống của nam nữ thanh niên Tày: Lúa tháng mười không gặt sẽ rụng,/ Hoa mùa xuân không ngắt cũng rơi [7;14]. Cùng là giãi bài khát khao hạnh phúc, chàng trai Mường gửi thương, gửi nhớ bằng hình ảnh chân thành giản dị: "Ước chi ta đi củi chung một vác/Đi nác chung một giếng/Nấu nướng chung một bóng râm/ Trời mưa lâm thâm đội chung nón kín... Em về chốn xa đất xa mường/Anh gửi em nón trắng đi đàng/ Gửi em trầu nang ăn sá... và cuối cùng nguyền kết tóc xe tơ: Muốn cho tiện nẻo đi về/Anh sang làm rể em về làm dâu” [11;1]. Trai gái Cao Lan thể hiện tâm tình qua những câu ca mượt mà, truyền cảm, dễ khơi động 43
- Đặng Thu Hường trái tim bạn tình, khi gặp gỡ người thiếu nữ chàng trai cất tiếng hát: Thấy nàng tươi đẹp nàng ơi/ Trông tựa vành trăng lưỡi liềm lên. Cô gái đáp: Trăng rằm chính là của chàng đó/ Chàng đã thấu nỗi lòng em chưa? [3;9]. Trong con mắt người đang yêu, người mình yêu là đẹp nhất. Trước sự mạnh mẽ, chân thành của các chàng trai, các cô gái tỏ ra rất thông minh. Họ cũng có quan niệm rất gần gũi với nam nữ thanh niên người Kinh là “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, coi trọng phẩm chất tâm hồn nên có câu: Anh đi qua chín suối mười châu/ Nay đến đây rồi chẳng đi đâu./ Gặp người ngoan nết hằng mong ước/ Quay về thưa mẹ sắm cơi trầu [1;10]. Là phái nữ, có khi cô gái Cao Lan ví mình như bông hoa mâm xôi bình dị ven đường không ai để ý nhưng lại không kém phần hương sắc: Tháng giêng nở rộ hoa mâm xôi/ Hoa đi bên đường không ai nhìn đến/ Chẳng được một lời khen/ Khi quả chín trăm người đến nếm [3;14]. Ca dao người Kinh có câu: Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua. Trong thơ ca dân gian Cao Lan cũng vậy, khi yêu họ yêu cả quê hương bản quán, con đường, cảnh vật, nhà cửa bạn tình: Đến đất em nhìn lên là thấy nhà/ Thôn em tứ phía đều xinh đẹp. Cách tỏ tình của chàng trai Cao Lan ý nhị mà tinh tế: Nhìn hoa anh muốn mùi thơm/ Hỏi rằng hoa đã ướp hương nơi nào?/ Anh đây có sẵn men đào/ Nếu hoa ưng ý anh vào ướp hương [2;11]. Cũng như thơ ca dân gian các dân tộc thiểu số khác, tình yêu trong thơ ca dân gian Cao Lan hòa hợp với thiên nhiên. Trai gái mượn cảnh vật để giãi bày tình cảm làm cho lời ca trở nên thơ mộng hơn: Đêm nay lời hát hết rồi/ Trăng lên soi tỏ núi đồi trong đêm/ Nhện vàng giăng mắc tơ duyên/ Anh qua vướng phải khó xin đường về [2;14]. Cách biểu hiện tình yêu trong thơ ca dân gian Cao Lan thể hiện nhiều cảm xúc trí tuệ qua lời ướm hỏi của chàng trai: Anh là khách lạ phương xa/ Có lời xin hỏi em đà yêu ai?/ Yêu ai thì lạ xin mừng/ Nếu chưa em cũng xin đừng trách anh. Cô gái đáp lại cũng chân thành tinh tế: Người yêu chưa có anh ơi/ Quăng dao xuống nước cho lời chứng minh/ Dao nổi thì em bạc tình/ Dao chìm đáy nước thì tình trắng trong [2;16]. Lời thề nguyền tinh tế thể hiện tính chân thật thông qua các sự vật như con dao, cái cuốc làm ruộng làm nương. Cũng có khi họ mạnh dạn ước hẹn: Anh gặp nàng rồi nàng gặp anh/ Giống như cá chép gặp ao lớn/ Cá chép vào ao ăn báu vật/ Đôi ta gặp mặt sắm giường chung [2;17]. Khi tâm hồn hòa hợp, vũ trụ có đổi thay thì lòng người vẫn bền vững. Trong thơ ca dân gian Cao Lan có rất nhiều câu ca nói về quy luật muôn thủa của của tình yêu, đơn cử như câu: Yêu nhau vạn dặm vẫn như gần/ Chẳng yêu, chung cửa cũng chẳng thân [4;54]. Cảm nghĩ đó cũng gần gũi với tâm hồn nam nữ thanh niên Tày về giá trị và sức mạnh của tình yêu: Thương nhau đi mười ngày đàng cũng gần/ Không thương nhau, nhà dưới cạnh nhà trên cũng xa [6;184]. Tương tự như cảm nghĩ của nam nữ thanh niên người Kinh trong ca dao: Yêu nhau yêu cả đường đi lối về, hay Yêu nhau mấy núi cũng trèo,/ mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua. Tình yêu giúp con người có sức mạnh phi thường, ở người Mông, trai gái chứng minh tình yêu bằng tục “cắt máu ăn thề”: Anh cứ cắt ngón chân, em sẽ cắt ngón tay/ Đem pha cùng một chai, uống cho chứng tỏ rằng/ Mối tình thật đẹp thay [4;58]. Sức mạnh tình yêu khiến con người vượt qua mọi gian nan thử thách. Cảm xúc của chàng 44
- Mối tương đồng cảm hứng của xình ca Cao Lan với dân ca giao duyên... trai Cao Lan mang cảm hứng anh hùng ca và khiến ta liên tưởng đến hình tượng Đam San trong sử thi Đam San Tây Nguyên đi bắt nữ Thần Mặt trời. Tình yêu thường đi liền với nỗi nhớ. Trong ca dao dân tộc Kinh có nhiều câu diễn tả tâm trạng khi yêu của nam nữ thanh niên, chẳng hạn câu ca sau: Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa như ngồi đống than. Hay nỗi nhớ trong thơ ca dân gian Mông thật hồn nhiên, đặc biệt: Đêm đã qua sao lượn vòng đổi chỗ./ Ngày đã rạng lối đi sáng tỏ/ Ta lê bước về nhà, mà hồn còn ngủ ở thắt lưng em [4;60]. Cùng là mối tương đồng cảm hứng tình yêu, cuộc hát Páo dung của chàng trai và cô giái Dao thật mộc mạc và có phần dân dã. Khi gặp gỡ lần đầu, chàng trai Dao muốn ướm lòng cô gái: Thấy cô mình tươi tốt dung nhan Tốt tươi như một cành hoa ngàn, Ước gì nên nghĩa đá vàng, Như đôi gấu nọ cho cam một đời. . . Gặp em từ ba bốn hôm trời, Nhớ em rượu chuốc không uống, cơm mời biếng ăn. Tóc biếng chải đầu khăn biếng quấn Nằm lại ngồi, ngơ ngẩn bâng khuâng. Cô gái muốn làm cao tỏ lời thử thách: Đấy như con chim chích ăn quẩn bên đường, Đây thì như Phượng hoàng bay tít thẳm mù khơi. Thấy Phượng bay thấy được chăng ai? Toan đem tên nỏ bắn rung trời được ru! Chàng trai đáp lại hàm ý chê bai: Gà rừng hợm ra điều chê thóc ruộng Phượng hoàng kiêu, ham chuộng những cành trên. Có ngày Phượng, Quạ cùng chen, Làm cảnh đói, nhái đen còn nuốt chửng Thấy cỏ rác trâu già lửng thửng, Vùi đầu nhai rơm bẩn ổ gà! Lời thơ dân gian trong hát Páo dung của người Dao, thường mộc mạc; hình ảnh so sánh là những sự vật gần gũi trong đời sống của đồng bào. Hát Páo dung thường diễn ra trong lễ hội dân gian, trong đám cưới, trong lao động sản xuất, không thành nghi thức như hát Xình ca ở các bản Cao Lan. Theo tác giả Trần Mạnh Tiến trong công trình “Nguồn trong xứ lâm tuyền” (2014) cho biết: Điều đặc biệt lí thú là bốn câu hát thề trên đây đều có ở các dân tộc như: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, chỉ khác nhau ở ngữ âm. . . Đó xuất phát từ mối giao lưu trong môi trường văn hóa miền núi và phải chăng đó còn là chân lí của tình yêu theo cảm nhận của con người miền núi. Thơ ca dân gian Cao Lan đề cao lòng chung thủy trong tình yêu: Yêu anh như lá xanh không nhạt/ Nhớ anh vượt vạn suối không phai [8;14]. Thơ ca dân gian Cao Lan thường thể hiện những bức tranh thiếu nữ xinh đẹp, chăm lao động. Ban ngày việc đồng áng, ban đêm miệt mài bên khung cửi dưới trăng. Vẻ đẹp ấy của các cô gái đã làm mê hoặc các chàng trai: Đêm nay anh đến làng em/ Thấy em dệt vải trên nền nhà cao [3;16]. . . 45
- Đặng Thu Hường Lao động là duyên cớ để trai gái gặp gỡ tỏ tình, có khi người thiếu nữ Cao Lan cũng chủ động cất lên tiếng hát để ướm lòng chàng trai: Thấy chàng bên ấy phát nương/ Một mình cặm cụi có buồn hay không?/ Nhà giàu, sao chẳng tình chung?/ Nương khô ai đến đốt cùng anh ơi! Chàng trai đáp lại: Mùa này anh vẫn phát nương/ Một mình anh phát rất buồn em ơi!/ Nhà nghèo, chẳng có lứa đôi/ Mong em bên ấy sang chơi đốt cùng [5;1]. 2.2. Những tương đồng và khác biệt của cảm hứng tình yêu Trong thơ ca tình yêu các dân tộc cho thấy có mối tương đồng kì diệu về tâm hồn như vui say, chờ đợi nhớ mong, buồn thương, thất vọng, giận hờn và mơ ước; nhiều câu ca trùng hợp nhau về cảm xúc và tâm trạng. Người Kinh có câu: Đêm nằm lưng chẳng đến giường, người Tày cũng có câu: Có chăn có chiếu chẳng người nằm chung; người Dao có câu: Gà trống bới một mình... điều khác chăng là một vài nét phong tục, ngôn ngữ và hình ảnh cụ thể mà thôi. Xúc cảm và giai điệu tình yêu dường như đều có mối tương đồng ở các dân tộc. Sự đồng điệu về tâm hồn trong thơ ca dân gian các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc qua cảm xúc, tâm trạng còn thể hiện qua các biểu tượng nghệ thuật. Trong Xình ca thường xuất hiện nhiều biểu tượng hoa, trăng để chỉ người con gái; nhện chỉ tình yêu vấn vít; trầu cau, chăn gối, giường chiếu chỉ hạnh phúc lứa đôi; sự cách trở trong tình yêu thể hiện bằng suối, đèo; sự đổi thay bằng hình tượng mây nước; Ngưu Lang, Chức Nữ, cá với nước chỉ lòng thủy chung; nói về thiếu nữ đẹp bằng biểu tượng chim phượng hoàng, chàng trai xấu hèn là chim chích v.v... Các biểu tượng đó cũng có mối tương đồng với các biểu tượng về tình yêu trong thơ ca dân gian Dao, Tày, Thái, Mông, Mường... Do cuộc sống con người miền núi gắn bó với môi trường thiên nhiên và những hiện vật gần gũi trong đời sống, các sự vật hiện tượng đó có khả năng khơi gợi cảm giác thẩm mĩ trở thành các biểu tượng thơ ca dân gian về tình yêu đôi lứa. Song mỗi dân tộc cũng có quan niệm riêng về biểu tượng tình yêu và tuổi trẻ mang màu sắc tộc. Quan niệm riêng cho hay, người Mông nói tới lanh là nói đến vẻ đẹp và tài hoa của phái nữ; người Tày nói về tình yêu chung thủy hay dùng các biểu tượng trâu với cỏ, nai với rừng; người Dao nói đến tình yêu hạnh phúc là biểu tượng đôi gấu, gà trống gà mái... Cái hay của dân ca giao duyên là những biểu tượng nghệ thuật dân gian phản ánh quan niệm thẩm mĩ và nhân sinh của mỗi cộng đồng sắc tộc, những sáng tạo hồn nhiên, độc đáo của nhân dân tạo nên mối tương đồng và khác biệt trong văn hóa dân gian miền núi. Đó là một trong những nhân tố làm nên bản sắc thơ ca dân gian miền núi. Ngoài diễn xướng Xình ca Cao Lan về chủ đề tình yêu còn phải kể đến lối hát thi tài thử sức về trí tuệ được đồng bào gọi là hát đố. Song hát đố có một điểm khác với các bài Xình ca ở chỗ, câu hát đố trước hết là một câu đố, nhưng nhờ biến tấu ngữ âm luyến láy thành âm điệu lời hát. Câu hát đố và lời giải đố rất linh hoạt, có thể dùng cho cả nam và nữ tùy theo vị trí ngôi hát thứ nhất hoặc thứ hai. Chẳng hạn bài hát đố sau: Người thứ nhất hát đố: Cái gì bằng bằng không mọc cỏ?/ Vật gì nhọn nhọn không có cành?/ Thứ gì có cành không có lá/ Cây gì có quả không có hoa? Người thứ hai hát đáp: Mặt nước bằng bằng không mọc cỏ/ Sừng trâu nhọn nhọn không có cành/ Sừng nai có cành không có lá/ Quả ngoã có quả không có hoa [4;79]. Dùng câu đố để chuyển thành lời hát, đó là điểm khác biệt giữa hát đố Cao Lan với nghệ thuật dùng câu đố của các dân tộc khác. Cuộc sống là tổng hoà của bao nỗi buồn vui, bên cạnh những vần thơ ngọt ngào còn có những vần thơ thấm đẫm xót xa, cay đắng, trắc trở trong tình yêu. Có một số bài Xình ca dường 46
- Mối tương đồng cảm hứng của xình ca Cao Lan với dân ca giao duyên... như dành cho những thân phận lỡ làng khi yêu và tùy thuộc tình cảnh buổi hát, nơi hát, lời ca sẽ được cất lên. Khi người yêu đi lấy chồng, tâm trạng chàng trai bao đau đớn: Bảy ngôi sao theo trăng lặn về Tây Tình cũ với anh uổng phí như cửa đóng sập khi em đi. Có khi là tâm trạng tự ti về cảnh nghèo khó, yêu mà không dám đến với tình yêu: Em là phượng hoàng anh chim sẻ/ Anh nghèo không dám kết duyên mình [3;24]. Tình yêu ở dân tộc nào cũng vậy, khi tan vỡ đều đau khổ. Khi chàng trai đi lấy vợ, cô gái Mông than thở: Năm nay chàng đi lấy vợ/ Để lại một mình Gầu Mông mất cả sự sống/ Gầu Mông để nương lúa mơn mởn cho bò ăn [4;59]. Về phong tục, nạn ép duyên với người Cao Lan rất hiếm so với các dân tộc khác, nhưng cá biệt có nơi vẫn xẩy ra do những cảnh ngộ riêng và được phản ánh trong thơ ca dân gian. Trong xã hội lạc hậu, dân tộc nào cũng có bi kịch về tình yêu. Trong thơ ca dân gian Mông, các cô gái khi cùng đường tìm đến cái chết: Gầu Mông sợ ăn lá ngón/ Nhưng sao hết được đau lòng [4;59]. . . Bất lực trước hiện tại, các chàng trai cô gái Mông hi vọng vào kiếp sau. Cái chết của họ ẩn chứa niềm tin riêng từ quan niệm sống thác luân hồi của người Mông: Anh chết, em chết/ Hai đứa mình mới có cuộc sống êm đềm [9,T2;60]. Người Mông quan niệm: Chết là bắt đầu một cuộc sống mới. Xuất phát từ thú vui trảy chợ, họ quan niệm: Không lấy được nhau trên cõi trần/ Chúng ta chết đi, nắm tay nhau trảy chợ thong dong [9,T2;61]. Cũng rơi vào cảnh ngộ éo le, nhưng chàng trai Thái lại có quan niệm khác và đặt niềm tin ở cuối chặng đường đời: Không lấy được nhau thời trẻ,/ Ta lấy nhau lúc góa bụa về già [4;61]. Thơ ca dân gian Cao Lan để lại những bức tranh về tình duyên trắc trở: Người bước ra cửa, nước mắt rơi như mưa, ướt cả đôi khăn mới [8;19]. Vì vậy, đám cưới diễn ra như một bi cảnh trái ngược với trạng thái tâm hồn: Ông mối làm phép đi trước, chân nàng như níu lại [8;24]. Người yêu đi lấy chồng nhà giàu, chàng trai nghèo chúc người yêu mà lòng tan nát: Em ơi đã nhận mọi thứ rồi. . . / Xin em đừng nhắc đến tên tôi [8;25]. Cô gái Cao Lan phản đối mạnh mẽ sự ép duyên để bảo vệ tình yêu: Không phải người yêu, ta sẽ trả trầu cau./ Không phải người nhớ, ta sẽ mang gà trả tận nhà/ Nếu anh chị cứ ép ta, ta sẽ làm ma ca hát [8;21]. Thơ ca dân gian Cao Lan nói về những mối tình ngang trái của lứa đôi. Khi mất người yêu, cô gái nghĩ đến một ảo vọng mong manh: Dù có đến đâu, em cũng kiện, kiện hết mùa năm lại năm./ Kiện trời không được em xuống đất, đất dù sâu đến chín tầng/ Nơi đấy ngày đêm dù tăm tối, nhưng có tình ta [11;25]. 2.3. Vài đặc đểm về kết cấu và diễn xướng của Xình ca Phương thức hát hát giao duyên của nam nữ thanh niên các dân tộc là những bài ca, câu ca có chủ đề tình yêu hay liên quan đến trí tuệ tình yêu. Kết cấu Xình ca thường là một bài ca chiếm phần lớn là thể thơ bảy chữ bốn câu tương tự như một bài thất ngôn tứ tuyết trong thơ Đường luật, nhưng có khi chỉ là một đến hai câu ca hoàn chỉnh dùng trong hoàn cảnh hát đối đáp cụ thể. Ngoài ra còn có thể thơ tự do. Xình ca chung chủ đề nhưng phân tách thành 2 dạng đối ứng: Một bên là những bài ca câu ca chỉ dành cho nam hát và một bên là những bài ca câu ca chỉ dành cho nữ hát 47
- Đặng Thu Hường (trừ hát đố). Cho nên các bài hát câu hát Xình ca thể hiện rõ tâm lí, cảm xúc của nam và nữ. Đồng thời, các bài ca câu hát còn phải phù hợp với hoàn cảnh hát. Đồng bào Cao Lan có Xình ca hát ban ngày, Xình ca hát ban đêm; Xình ca hát trên nương, Xình ca hát dưới ruộng, Xình ca hát bên giếng nước; Xình ca hát trong nhà, ngoài sân v.v. . . Ngoài bạn hát ra, hát Xình ca cần phải có không gian thích ứng mới thể hiện hết tư tưởng chủ đề, cảm xúc trong mỗi bài ca. Do vây, hát Xình ca vừa có tính tổ chức vừa mang tính linh hoạt. Chẳng hạn bức tranh hát Xình ca khi chăn trâu sau: - Chàng trai: Nùng à!/ Dắt nhìn slam pết, lục sập nhật nhật nhịt hò nhàu,/ Sò mấy sầu? (Dịch nghĩa: Em ơi!/ Ba trăm sáu mươi ngày đêm đi chăn trâu/ Em có buồn không?). - Cô gái: Báo nùng à!/ Nhật nhật mù nhàu/ Nùng hắm sàu [5;1] (Dịch nghĩa: Anh ơi!/ Ngày đêm không có trâu để chăn/ Em mới buồn). Cái tinh tế trong lời ca đối đáp của của chàng trai và cô gái trong bức tranh hiện thực trên, nói chuyện chăn trâu để giãi bày tình cảm đôi lứa, mong muốn có cơ hội gặp nhau. Lao động chăn trâu cũng là một nguồn vui hạnh phúc. Có trâu thì mới có người chăn, có chăn trâu mới có cơ hội gặp nhau để thổ lộ tâm tình. Đó là tình cảm hồn nhiên trong sáng của tuổi trẻ trong một việc đời thường ở làng quê qua lời ca của hai nhân vật trữ tình. Lời ca tiếng hát giao nhau như câu nói trong cuộc gặp gỡ đời thường. Lối hát này không mang nghi thức trong những ngày hội xuân ở các làng bản Cao Lan mà tỏ ra gần gũi với lối hát cọi của nam nữ thanh niên Tày. Chàng trai Tày đang trong cảnh cô đơn gặp cô gái cảm xúc cất lên tiếng hát: Chim trên trời có bạn/ Nai trong rừng có đôi. . . Cô gái liền lựa một câu ca đáp lại cho đúng tâm trạng chàng trai: Chim kia còn biết gọi đàn/ Buồng không vắng vẻ dạ vàng nấu nung [7;20]. Qua lời hát đối đáp tự nhiên, đôi trai gái nhận ra tâm trạng của nhau; người nghe nhận ra tình cảm tinh tế, chân thành của đôi nam thanh nữ tú chốn lâm tuyền. Tính “cơ động” của những bài ca câu ca trong hát giáo duyên là như vậy. Đây là trạng huống phổ biến trong thơ ca hát giao duyên ở nhiều dân tộc. Tình yêu lứa đôi trong thơ ca dân gian các dân tộc chứa đựng nhiều cung bậc tình cảm và trạng thái nhân sinh. Có khi là xúc cảm cao đẹp, có khi là khát vọng về hạnh phúc và đó đây là những bi kịch của tình đời với những nghịch cảnh éo le, khổ đau, bất hạnh của lứa đôi vì lễ giáo, phong tục, cường quyền, lối sống vô thủy vô chung... Sự thực của tình yêu đã thấm vào từng câu ca điệu hát thành những giai điệu khác nhau. Trong hát Xình ca, mạch cảm hứng chung là tình yêu, nhưng cũng có loại Xình ca gắn với lễ nghi phong tục của đồng bào Cao Lan như Xình ca trong đám tang. Loại bài hát này có mối tương đồng với một số đặc điểm trong những bài ca lễ như Khuocez (Bài ca dẫn dắt linh hồn người chết) của người Mông; hát Chầu văn của người Kinh, hát Then giải hạn của đồng bào Tày... Chúng tôi sẽ giới thiệu loại hình ca lễ này trong một công trình khác. 3. Kết luận Xình ca Cao Lan chứa mọi cung bậc của tình yêu. Những tình cảm phức điệu ấy đều hướng tới tự do, ước nguyện thủy chung và hạnh phúc. Tình yêu trong thơ ca dân gian Cao Lan sôi nổi, chân thành, đằm thắm gắn với lao động, hòa vào thiên nhiên tươi đẹp mang cảm quan thẩm mĩ riêng từ truyền thống phong tục ngàn đời của dân tộc. Tiếng hát tình yêu của thơ ca dân gian Cao Lan trong như tiếng suối, xanh như lá cây rừng. Đó là tiếng nói cất lên từ những giai điệu tâm hồn về nỗi nhớ, sự chia li, bất hạnh khổ đau và khát vọng. . . Không có hiện thực phong phú của cuộc sống và tâm hồn cao đẹp sẽ không có những bài ca với vẻ đẹp muôn màu. Xình ca Cao Lan có 48
- Mối tương đồng cảm hứng của xình ca Cao Lan với dân ca giao duyên... mối tương đồng và có phần khác biệt với dân ca giao duyên các dân tộc khác về nội dung và biểu tượng do ý nghĩa nhân bản, hoàn cảnh sống, truyền thống văn hóa phong tục, tâm lí và cảm quan nghệ thuật của đồng bào tạo nên. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phương Bằng, 1981. Dân ca Cao Lan. Nxb Văn hoá, Hà Nội. [2] Sầm Dừn, 2003. Những làn điệu Xình ca về tình yêu đôi lứa. Tập Kỉ yếu 40 năm báo Tuyên Quang. [3] Nịnh Văn Độ, 2003. Chủ nhiệm đề tài: Bảo tồn hát Xình ca dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang. Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Tuyên Quang. [4] Đặng Thị Hường, 2009. Thơ ca dân gian Cao Lan. Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn. [5] Đặng Thị Hường, 2013. Lời yêu trong tiếng hát dân gian Cao Lan - Diễn đàn trí thức các dân tộc thiểu số (www. Trithucdantocthieuso.net) ngày 21 tháng 3 năm 2013. [6] Lan Khai, 2004. Truyện đường rừng. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. [7] Lâm Tuyền Khách, 1939. Những câu hát xanh. Tạp chí Diễn đàn, số 11, 12. [8] Lâm Quý (sưu tầm và dịch), 2003. Xình ca Cao Lan - Đêm hát thư nhất. Nxb Văn hóa Dân tộc. [9] Hùng Đình Quý, 2001, 2002, 2003. Thơ ca dân gian Mông Hà Giang - Tập I, II, III. Sở Văn hóa Thông tin Hà Giang. [10] TH. Say đắm điệu “Xường” dân tộc Mường. 10 tháng 10 năm 2012. Bộ Văn hóa thể thao du lịch Việt Nam. Chuyên trang Văn hóa dân tộc (Trang chủ). [11] Ngô Văn Trụ, 2006. Dân ca Cao Lan. Nxb Văn hóa Dân tộc. ABSTRACT Similarities between the folk poetry of Cao Lan and the folk poetry of ethnic peoples residing in the mountainous regions of northern Vietnam Love is a special state of mind of all people. Love among the ethnic minorities in northern mountains is expressed in their folk poetry and various unique art objects. Cao Lan’s folk poetry is similar to the folk poetry of the Tay, Dao, Thai and Muong people but there are variations due to the differing concept of life and cultural traditions of each ethnicity. Poetry about love shows splendid coloration and is a source of inspiration for modern poets. 49
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Giáo trình hình họa học phần 2
20 p | 203 | 46
-
Cô chủ quán - Kiệt tác sân khấu thế giới: Phần 1
110 p | 127 | 15
-
Những xu hướng trang điểm lý tưởng từ sàn diễn Thu/Đông 2013
37 p | 74 | 11
-
Vận động theo nhạc trong tổ chức hoạt động âm nhạc tại cơ sở giáo dục mầm non
5 p | 132 | 9
-
Trang điểm mắt cực ấn tượng cho đêm Noel
10 p | 92 | 8
-
Xu hướng nail đề-can bắt mắt và sinh động
5 p | 70 | 7
-
Xu hướng tóc và trang điểm tại Davines Hair Show & Contest 2012
14 p | 89 | 6
-
Ý tưởng cho bộ nail ấn tượng
16 p | 82 | 5
-
Tinh khôi căn phòng màu trắng đón năm mới
17 p | 52 | 4
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn