46 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2018<br />
<br />
DƯƠNG NGÔ NINH<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CỦA PHẬT GIÁO TRÚC LÂM<br />
THỜI TRẦN Ở BẮC GIANG<br />
<br />
Tóm tắt: Bắc Giang là nơi đang lưu giữ nhiều dấu tích của các<br />
ngôi chùa Phật giáo Trúc Lâm thời Trần bên phía Tây dãy Yên<br />
Tử, chứng minh cho một thời kỳ phát triển hưng thịnh của Phật<br />
giáo. Đó là sự phân bố của hệ thống chùa Phật giáo Trúc Lâm,<br />
như: Chùa Sơn Tháp, chùa Bát Nhã, chùa Hồ Bấc, chùa Bình<br />
Long, chùa Am Vãi, v.v... Đặc biệt, chùa Vĩnh Nghiêm đã trở<br />
thành trung tâm đào tạo tăng đồ của Phật giáo Trúc Lâm. Cuối<br />
thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, miền đất ở sườn Tây Yên Tử thuộc địa<br />
phận tỉnh Bắc Giang được xem như kinh đô Phật giáo thời Trần.<br />
Qua thời gian, hệ thống di tích Phật giáo Trúc Lâm và chùa<br />
Vĩnh Nghiêm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đóng một vai trò quan<br />
trọng và là một phần không thể tách rời trong quần thể di sản<br />
văn hóa và danh thắng Yên Tử gắn với Phật giáo Trúc Lâm. Bài<br />
viết này chỉ ra một số đặc trưng của Phật giáo Trúc Lâm thời<br />
Trần ở Bắc Giang qua sự phân bố của Phật giáo Trúc Lâm Tây<br />
Yên Tử, những dấu ấn, dấu tích, văn bia, đặc điểm của Phật<br />
giáo Trúc Lâm thời Trần.<br />
Từ khóa: Phật giáo, đặc trưng, Phật giáo Trúc Lâm, thời Trần,<br />
Bắc Giang<br />
<br />
Dẫn nhập<br />
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, sự ra đời của Phật giáo Trúc<br />
Lâm thời Trần có ý nghĩa rất lớn. Phật giáo Trúc Lâm tự có nét độc<br />
lập, tính nhập thế, tinh thần không phụ thuộc thân ngoại, đã khoác lên<br />
dân tộc chiếc áo tôn giáo thuần chất Việt. Nếu Đông Yên Tử (tỉnh<br />
Quảng Ninh) là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, thì Tây Yên<br />
<br />
<br />
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.<br />
Ngày nhận bài: 10/01/2018; Ngày biên tập: 15/01/2018; Ngày duyệt đăng: 25/01/2018.<br />
Dương Ngô Ninh. Một số đặc trưng của Phật giáo Trúc Lâm… 47<br />
<br />
Tử (Bắc Giang) là con đường hoằng dương Phật pháp của Ngài. Sau<br />
khi Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, Pháp Loa và tổ đệ tam Huyền<br />
Quang cũng theo con đường phía Tây này thực hiện nhiệm vụ Phật sự<br />
của Trúc Lâm, cho mở mang, xây dựng chùa tháp, phát triển đạo Phật<br />
rộng khắp ở Bắc Giang. Bài viết này chỉ ra một số đặc trưng của Phật<br />
giáo Trúc Lâm thời Trần ở Bắc Giang qua sự phân bố của Phật giáo<br />
Trúc Lâm Tây Yên Tử, những dấu ấn, dấu tích, văn bia, đặc điểm của<br />
Phật giáo Trúc Lâm thời Trần ở Bắc Giang.<br />
1. Sự phân bố của Phật giáo Trúc lâm Tây Yên Tử tỉnh Bắc<br />
Giang<br />
Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử ra đời từ thời Trần, được phân bố trên<br />
một địa bàn rộng lớn, nhưng tập trung ở 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc<br />
Giang và Hải Dương. Trên địa bàn Quảng Ninh là hệ thống di tích<br />
thuộc khu vực Yên Tử, với hàng chục điểm di tích lớn, nhỏ; các di<br />
tích ở khu vực Đông Triều, trong đó có di tích chùa Quỳnh Lâm, Am<br />
Ngọa Vân. Ở Hải Dương là khu di tích chùa Thanh Mai, khu di tích<br />
Côn Sơn - Kiếp Bạc, cùng hơn 20 điểm di tích khác, có liên quan tới<br />
Phật giáo Trúc Lâm. Ở Bắc Giang, sườn Tây Yên Tử nằm trên địa<br />
phận huyện Sơn Động, huyện Lục Ngạn, huyện Lục Nam, huyện Yên<br />
Dũng gắn liền với sự hình thành và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm.<br />
Đó là chùa Vĩnh Nghiêm - điểm nhấn đặc biệt quan trọng, một trung<br />
tâm Phật giáo nổi tiếng dưới thời Trần, cùng hệ thống Phật giáo Trúc<br />
Lâm phân bố suốt dọc triền phía Tây dãy núi Yên Tử. Tính từ Vĩnh<br />
Nghiêm ngược lên là: chùa Mã Yên, chùa Hòn Tháp, chùa Cao, chùa<br />
Khám Lạng, chùa Bình Long, đền Suối Mỡ, đền Trần, chùa Hòn<br />
Trứng, chùa Hồ Bấc (ở huyện Lục Nam), chùa Am Vãi, chùa Đồng<br />
Vành (ở huyện Lục Ngạn) và Khu bảo tồn Tây Yên Tử, với chùa Đèo<br />
Bụt, chùa Cầu, chùa Kim Quy (ở huyện Sơn Động).<br />
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chùa Vĩnh Nghiêm là một trung<br />
tâm, quan trọng trong hệ thống Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Chùa<br />
được xây dựng từ khá sớm - thời Lý. Đến thời Trần được xây dựng<br />
thành trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm. Sau khi từ bỏ ngai vàng đi<br />
tu, Trần Nhân Tông: “… đã biến ngôi chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là<br />
chùa Đức La, hiện nay ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc<br />
48 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2018<br />
<br />
Giang) thành trụ sở Trung ương của Giáo hội Trúc Lâm, chứa đủ hồ<br />
sơ của tăng ni cả nước. Ông đã tổ chức nhiều lần độ tăng ni, mỗi lần<br />
không dưới một nghìn người”1. Cả ba vị Tổ: Trần Nhân Tông, Pháp<br />
Loa, Huyền Quang đều lấy chùa Vĩnh Nghiêm làm Trung tâm truyền<br />
bá Phật pháp của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.<br />
Từ trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm, nhiều ngôi chùa bên sườn<br />
Tây Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều cũng được trùng tu và xây<br />
dựng mới. Ngôi chùa được xây mới là chùa Hồ Bấc, chùa Ngọ ở Lục<br />
Nam, Bắc Giang. Các ngôi chùa khác: chùa Am Vãi, chùa Bình Long,<br />
chùa Cao, chùa Hòn Tháp, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng từ thời<br />
nhà Lý, đến thời kỳ này đều được trùng tu mở rộng, mang đậm dấu ấn<br />
của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Mỗi ngôi chùa dù được xây mới hay<br />
trùng tu đều có một vị trí đặc biệt là được đặt trên những ngọn núi nối<br />
tiếp nhau nằm dọc cánh cung Đông Triều.<br />
Địa phận Tây Yên Tử khởi đầu từ huyện Sơn Động, từ Sơn Động<br />
xuống đến Lục Ngạn, có chùa Am Vãi thuộc xã Nam Dương. Chùa<br />
nằm trên núi Am Ni. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi: “Núi Am<br />
Ni ở xã Nam Điện, phía Nam huyện Lục Ngạn. Mạch núi từ Phật Sơn<br />
và Thù Sơn kéo đến, phía tả có giếng nước trong không bao giờ cạn.<br />
Cạnh núi có hai cái bồn bằng đá, trên núi có nền chùa cũ”2. Truyền<br />
thuyết kể lại: “Chùa Am Vãi sơ khai chỉ là một am nhỏ, có một vị sư<br />
trụ trì. Ở đây có một hang tiền và một hang gạo do mái đá núi tạo<br />
thành. Mỗi ngày cả hai hang chỉ đủ cung cấp cho vị sư này đủ dùng<br />
trong một ngày mà không bao giờ chảy hơn. Đến một ngày có một vị<br />
huynh đệ từ xa đến thăm quan cảnh chùa và ở lại dùng bữa cùng. Trụ<br />
trì chùa Am Vãi phải ra khơi cho hang tiền, gạo chảy ra đủ dùng cho<br />
hai người. Từ đó trở đi, hang tiền và hang gạo không bao giờ chảy ra<br />
nữa. Nhà sư không có tiền gạo để tu hành nên đã bỏ đi, từ đấy chùa trở<br />
nên vắng sư - thành hoang phế”3.<br />
Tiếp xuống Lục Nam có núi Phật Sơn, trên núi có chùa Ngọ hay<br />
còn gọi là chùa Đồng Vành. Núi Phật Sơn là dải núi có hình đức Phật<br />
ngọa thiền nhập Niết Bàn đầu quay về phía Tây hướng về phía sông<br />
Lục Nam, chốn tổ Vĩnh Nghiêm4. Trên núi Phật Sơn có chùa Hồ<br />
Thiên, am Ngọa Vân, chùa Ngọ (Đồng Vành) và một số di tích khác<br />
Dương Ngô Ninh. Một số đặc trưng của Phật giáo Trúc Lâm… 49<br />
<br />
do Pháp Loa xây dựng. Trong số các di tích đó thì chùa Đồng Vành là<br />
ngôi chùa cổ nằm ở phía Tây Yên Tử thuộc Bắc Giang còn lại đều<br />
nằm ở phía Đông thuộc tỉnh Quảng Ninh. Chùa Ngọ nay thuộc xã Lục<br />
Sơn, huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang.<br />
Như vậy, đến giữa thế kỷ 14 thì mối quan hệ giữa Phật giáo Trúc<br />
Lâm Yên Tử với cả nước phát triển tới đỉnh cao. Hệ thống Phật giáo<br />
Trúc Lâm với bốn trung tâm là Vĩnh Nghiêm, Thanh Mai, Yên Tử và<br />
Quỳnh Lâm đã hoàn thiện. Ở Bắc Giang trung tâm Phật giáo Vĩnh<br />
Nghiêm đã có mối liên hệ với các chùa trực tiếp như chùa Am Vãi,<br />
Yên Mã, Bình Long, Hòn Tháp, Hồ Bấc, Đồng Vành, chùa Cao,<br />
Khám Lạng, Hang Non và đã có vai trò tích cực trong việc phát triển<br />
Phật giáo Trúc Lâm ở phía Tây Yên Tử.<br />
2. Những dấu ấn, dấu tích, văn bia<br />
Phật giáo Trúc Lâm để lại dấu ấn, dấu tích sâu đậm ở các chùa<br />
thuộc dãy núi Yên Tử và phụ cận, mà cụ thể là các chùa thuộc huyện<br />
Đông Triều (Quảng Ninh), một số chùa thuộc huyện Chí Linh (Hải<br />
Dương) và huyện Lục Ngạn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang), còn được<br />
gọi là Tây Yên Tử. Tư liệu văn bia và mộc bản ở đây là minh chứng<br />
văn bản có giá trị trong việc xác định tính chân thực phản ánh đặc<br />
trưng của Phật giáo Trúc Lâm Tây Yên Tử dưới thời Trần.<br />
Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những chốn tổ của Phật giáo Trúc<br />
Lâm, ở đây còn lưu trữ nhiều di sản Hán Nôm của Phật giáo Trúc Lâm<br />
Yên Tử. Trong đó, kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với tổng số 3.050<br />
đơn vị ván khắc đã được tổ chức UNESCO thế giới khu vực Châu Á -<br />
Thái Bình Dương ghi danh là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế<br />
giới của khu vực. Chùa hiện còn 8 văn bia (không kể 5 bia bài vị ở<br />
tháp sư tổ) phản ánh về lịch sử hình thành, quá trình trùng tu tôn tạo,<br />
tô tượng, đúc chuông ở chốn tổ Vĩnh Nghiêm. Sự tu hành của Phật<br />
giáo Trúc Lâm được thể hiện ở nhiều kinh sách, trong đó có kho mộc<br />
bản. Kinh Phật có: Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh,<br />
A Di Đà Kinh. Đây là 2 bộ kinh chủ yếu dùng trong Phật giáo Trúc<br />
Lâm Yên Tử. Luật giới Phật có: Đại Thừa Chỉ Quán, Tỳ Khâu Ni<br />
Giới, Sa Di Ni Giới Kinh. Ba quyển này là giới luật tu và thiền cho<br />
các tăng ni của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Sách có: Thần Du Tây<br />
50 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2018<br />
<br />
Phương Ký, Tây Phương Mỹ Nhân Truyện, Kính Tín Lục, Nhật Trình<br />
Yên Tử. Trong đó, tập Nhật trình Yên Tử nói về sự ra đời của Phật<br />
giáo Trúc Lâm và phương pháp tu thiền của phái này. Các tăng ni,<br />
Phật tử theo dòng Bắc truyền ở Việt Nam đều sử dụng các bộ kinh,<br />
luật, sách trên để tu trì hành đạo. Những văn tự chữ Nôm này đã được<br />
sử dụng phổ biến, có hệ thống trong trước tác của Phật hoàng Trần<br />
Nhân Tông và các cao tăng trong Phật giáo Trúc Lâm cũng như các trí<br />
thức đương thời. Điều đó không chỉ thể hiện ý thức độc lập, tự chủ<br />
của dân tộc ta trong quá trình tiếp biến văn hóa mà còn là bước ngoặt<br />
đánh dấu sự phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam. Mộc bản chùa<br />
Vĩnh Nghiêm chính là di sản tư liệu quý giá của Phật giáo Bắc truyền<br />
nói chung và Phật giáo Trúc Lâm Tây Yên Tử nói riêng.<br />
Chùa Hòn Tháp còn giữ được khối đá, thân tháp có ghi bài vị của sư<br />
chùa này. Nội dung bài vị như sau: “Huyền Cơ Thiện Cho Pháp Vân<br />
Hòa Thượng Vị” (nghĩa là: Bài vị vị hòa thượng có hiệu đạo là huyền<br />
cơ thiện Thọ Pháp Vân). Nếu chỉ căn cứ vào các dòng chữ này thì còn<br />
nhiều khó khăn cho việc tìm hiểu. Một tư liệu Hán-Nôm đã giúp cho<br />
việc tìm hiểu này. Đó là phần chép về chùa Hòn Tháp trong Đạo giáo<br />
Nguyên lưu. Tư liệu này nói về quá trình vua Trần Nhân Tông lên núi<br />
Yên Tử tu hành. Trên đường đi, vua đã ghé lại nghỉ chân ở chùa Hòn<br />
Tháp (trong tài liệu chép là Sơn Tháp Tự). Tài liệu chép: “Đời thứ tư là<br />
Nhân Tông Hoàng đế, được diệu chỉ của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ngày<br />
12-2 năm Mậu Dần lên ngôi hoàng đế. Đổi niên hiệu là Thiệu Bảo. Thái<br />
hậu nằm mộng thấy người thần trao cho hai thanh kiếm, bảo rằng:<br />
“Trên thượng đế có sắc chú để người chọn”. Do đó có thi, sinh con trên<br />
mình toàn sắc vàng. Vua Thánh Tông đặt tên là Kim Phật cho Nhân<br />
Tông là vì thế. Ở bên phải hàng mi của Nhân Tông có nốt ruồi to như<br />
hạt đậu đen. Các thức giả nói rằng: “Kỳ lạ như thế tất sau này sẽ làm<br />
nên việc lớn”. Đến năm 16 tuổi thì làm Hoàng Thái tử, Điều Ngự cố từ<br />
chối hai ba lần, mời em lên thay. Nguyên từ Quốc mẫu đem con gái lớn<br />
gả cho. Duyên cầm sắt tuy đẹp nhưng lầu vàng gác ngọc thanh đạm như<br />
không. Khi ngài vào núi Yên Tử, đi về phía Đông đến chùa Sơn Tháp,<br />
nhà sư ở đó thấy diện mạo lạ thường lấy làm kính trọng lúc đó cũng là<br />
ngày Thánh Tông sắc cho quần thần đi bốn phương tìm ngài về. Ngài<br />
bất đắc dĩ phải quay về lên ngôi”5. Qua đoạn văn đó, biết rằng lúc Trần<br />
Dương Ngô Ninh. Một số đặc trưng của Phật giáo Trúc Lâm… 51<br />
<br />
Thái Tông lên Yên Tử vào chùa Sơn Tháp là lúc ngài chưa lên ngôi, tức<br />
vào khoảng năm 1274 - 1275. Về sư chùa Sơn Tháp là Hòa thượng<br />
Pháp Vân, sách Truyền Kỳ Mạn Lục có truyện Nghiệp oan của Đào Thị<br />
cho biết có sư Pháp Vân tu hành ở núi Lệ Kỳ. Vị sư này tu hành ở thời<br />
điểm năm 1349 và đã là sư cụ. Ngược lên thế kỷ 13, Pháp Vân còn nhỏ<br />
chỉ có thể là Tiểu của cụ Sơn Tháp Tự mà thôi. Như vậy, cái thời Nhân<br />
Tông đến chùa Sơn Tháp là ứng với thầy của Hòa thượng Pháp Vân.<br />
Tiếc rằng nếu đúng như vậy thì hai tháp nữa của chùa này cũng bị đào<br />
phá đi mất rồi nên không rõ hơn được nữa. Tuy thế, với chút ít tư liệu<br />
khắc trên bài vị ngôi tháp cổ ở đây cũng cho ta thấy chùa Sơn Tháp<br />
cũng là một cơ sở của Phật giáo Trúc Lâm.<br />
Chùa Khám Lạng ở xã Khám Lạng, huyện Lục Nam được khởi<br />
dựng từ thời Trần, nơi ghi dấu Tam tổ Trúc Lâm. Chùa còn lưu một<br />
hương án đá, trên đó có khắc văn tự khắc ở đầu hồi hương án hai dòng<br />
chữ Hán có nội dung: Năm Nhâm Tý, niên hiệu Thuận Thiên thứ 5<br />
(1432), ông Lưu Câu, làm quan Hạ phẩm ở xã Khám Lạng cùng vợ là<br />
Đỗ Xú công đức.<br />
Văn bia có nội dung liên quan đến việc xây dựng, tôn tạo các bảo<br />
sái thờ Phật có niên đại sớm nhất là văn bia thời Trần phát hiện ở chùa<br />
Hang Tràm (Nham Nguyệt Tự) ở xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng mới<br />
được phát hiện năm 2000. Văn bia được soạn khắc năm Xương Phù<br />
thứ 11 (1387). Bài văn bia khắc ghi nhiều sự kiện liên quan đến việc<br />
khởi dựng, cấu tác, chấn hưng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử ở một bảo<br />
sái thờ Phật thời kỳ giữa và cuối thế kỷ 14. Vì bị chôn vùi nhiều thế<br />
kỷ dưới lòng đất nên lòng văn bị mờ mòn nhiều chữ không khôi phục<br />
được trọn vẹn nội dung. Nhưng với những chữ còn lại, văn bia cho<br />
biết nội dung đại lược về quá trình khởi dựng, tôn tạo chùa Hang<br />
Tràm gắn với sự tu trì của các Đại thiền sư Phật giáo Trúc Lâm ở chốn<br />
tùng lâm trên dãy núi Nham Biền ở nửa sau thế kỷ 14. Vì văn bia bị<br />
mờ mòn, mất nhiều chữ, không khôi phục được đầy đủ nội dung nên<br />
chỉ lược dịch được nội dung văn bia như sau: Miền đất này từ lâu đã<br />
có nơi thờ Phật. Sau có người được tôn xưng là Hoàng Bà sống vào<br />
khoảng thời vua Trần Anh Tông (1293-1314) đã đến đây xây tháp, tạc<br />
tượng để thờ Phật trên nền thảo am của nhà sư họ Đỗ... Đến năm Tân<br />
52 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2018<br />
<br />
Dậu niên hiệu Đại Khánh thứ 8 (1321) Hoàng Bà lại khởi công các<br />
công trình như: Phật điện, gác chuông, tăng phòng và hành lang hai<br />
bên tả hữu. Phía trước chùa nhìn ra sông Thương, có hàng tùng bách<br />
xum xuê dẫn thẳng vào chùa. Chùa tọa trên thế núi cao, thật xứng là<br />
nơi non xanh nước biếc gợi cảnh gợi tình. Việc tôn tạo hoàn tất thì<br />
Hoàng Bà cho người thỉnh mời Hòa thượng Đại Không về cư trụ và<br />
giảng pháp. Hòa thượng Đại Không lại thỉnh mời Thiện Nhãn thiền sư<br />
về cư trụ. Thiền sư cho sửa sang tu chỉnh làm cho chốn thiền lâm thêm<br />
xán lạn, xứng với công lao người trước đã tạo dựng và không hề thờ ơ,<br />
sao nhãng việc hương khói phụng Phật. Nhưng rồi vật đổi sao rời, qua<br />
mấy chục năm thiên tai địch họa, mưa gió phũ phàng hủy hoại làm cho<br />
cảnh chùa tan hoang mái đổ tường xiêu. Nơi tùng lâm ngày nào nay<br />
hoang phế trở thành nơi nghỉ chân cho trẻ mục đồng cùng đám tiều<br />
phu... Đến tháng 3 mùa xuân năm Đinh Mão niên hiệu Xương Phù<br />
(1387) nhà sư trụ trì không nỡ để cảnh chùa ngày thêm tiêu điều đã<br />
trùng tu tôn tạo và nhờ người soạn văn bia ghi lại sự việc đã qua6.<br />
Ở khu vực chùa Bình Long, bên vách đá giếng nước có hai chữ<br />
“Thanh Thủy”, theo quan niệm tu hành xưa - người tu hành rất lưu<br />
tâm tới sự thanh tịnh đó chính là lý tưởng phải đạt đến của các thiền<br />
sư và môn đệ. Người tu hành trong núi tắm gội tâm mình trong cảnh<br />
sắc sơn nguyên này cũng để đạt được chữ “Thanh Tịnh” giếng nước ở<br />
nơi này một mặt là sơn nguyên thực tại, nhưng mặt khác lại là ý niệm<br />
phải đạt đến của các sư. Trong cách tu ở núi, hành giả chú trọng về ý<br />
niệm mà hạn chế ngôn từ. Vì thế có thể hiểu rằng đây là một yếu tố<br />
góp phần tìm hiểu một trong ba yếu tố của Phật giáo Trúc Lâm là: Mật<br />
- Tịnh - Thiền. Cho nên có thể nói rằng, tuy câu chữ ngắn mà ý niệm<br />
của nó rất rộng và đậm chất Trúc Lâm.<br />
Cụm văn bia chùa Khám huyện Lục Nam, Bắc Giang có 2 bia. Một<br />
bia khắc năm Thuận Thiên thứ 5 (1432) ghi việc tạo một bệ đá hoa<br />
sen; một bia khắc năm Hồng Đức thứ 25 (1494) ghi việc tạo bệ tượng<br />
và ba pho tượng. Bệ Phật được tạo dựng vào đầu thời Lê Sơ, năm<br />
Thuận Thiên thứ 5 (1432) ở chùa Khám Lạng có kiểu dáng như các bệ<br />
đá hoa sen thời Trần. Điều đó cho thấy, nơi đây vốn nằm trong hệ<br />
thống Phật giáo Trúc Lâm thời Trần, được duy trì và tái tạo nối tiếp<br />
Dương Ngô Ninh. Một số đặc trưng của Phật giáo Trúc Lâm… 53<br />
<br />
sau đó vào thời Lê Sơ. Còn bệ tượng khắc năm Hồng Đức thứ 25<br />
(1494) là bệ Phật, gồm ba bệ. Nội dung văn bản ghi việc công đức tạo<br />
tượng và công đức cúng áo Phật, cả thảy 4 chiếc.<br />
Phật giáo Trúc Lâm còn phát triển nhánh lên vùng Lục Ngạn. Cho<br />
đến nay, cơ sở xác định điều đó được tư liệu Hán-Nôm ở chùa Am<br />
Vãi ghi chép. Trên vườn chùa còn ngôi tháp đá cổ thời Trần Liên Hoa<br />
Bảo Tháp (Tháp báu Liên Hoa): Trúc lâm viên tịch ma ha bất thương<br />
Tỳ khưu như liên thiền sư hóa thân bồ tát cẩn vị, nghĩa là “Vị thiền sư<br />
là ma ha bất thương tỳ khưu như hóa thân làm Bồ Tát được viên tịch<br />
về chốn tổ Trúc Lâm”. Tìm hiểu thêm về chùa Am Vãi thấy trong mục<br />
Sơn Xuyên, sách Lục Nam Địa Chí (soạn cuối thế kỷ 19) viết: Núi Am<br />
Ni, ở phía đông bắc xã Nam Điện, cao hơn ngàn trượng, lên núi có<br />
thể nhìn được các đường núi ở bốn xung quanh thuộc Đông Triều và<br />
Lạng Giang. Có một giếng ở đỉnh núi, nước rất trong ngon. Lại có<br />
chùa cổ, tương truyền là nơi Công chúa nhà Trần xuất gia tu hành ở<br />
đó7. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí khi chép về vị trí núi non tỉnh Bắc<br />
Ninh đã ghi về núi Am Ni (tên khác của Am Vãi) như sau: Núi Am Ni<br />
ở xã Nam Điện, phía nam huyện Lục Ngạn mạch núi từ Phật Sơn, Thù<br />
Sơn kéo đến, phía tả có giếng nước trong không bao giờ cạn, cạnh núi<br />
có hai cái bồn bằng đá, trên núi có hầm chùa cũ8.<br />
Như vậy, ngoài mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, với số văn bia ít ỏi<br />
còn sót lại đã giúp ta biết được các ngôi chùa thuộc Phật giáo Trúc<br />
Lâm được mở mang, phát triển khắp các nơi có non cao cảnh đẹp ở<br />
vùng Na Ngạn xưa (nay thuộc phần đất Lục Ngạn, và một phần huyện<br />
Yên Dũng). Tuy ít ỏi nhưng những văn bia thời Trần còn lại trên đất<br />
Bắc Giang đã góp phần giúp người đời phác thảo được diện mạo Phật<br />
giáo Trúc Lâm ở thế kỷ 14.<br />
3. Đặc điểm Phật giáo Trúc Lâm thời Trần trên địa bàn tỉnh<br />
Bắc Giang<br />
3.1. Sự ngưỡng mộ Phật giáo<br />
Phật giáo Trúc Lâm thời kỳ này ảnh hưởng sâu sắc ở các làng xã<br />
tỉnh Bắc Giang. Niềm tin của người dân vào Phật giáo rất mạnh mẽ,<br />
nhiều ngôi chùa luôn được được quan tâm, công đức, tu tạo.<br />
54 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2018<br />
<br />
Văn bia Bắc Giang Bái thôn Thiệu Phúc Tự của Lê Quát cũng là tư<br />
liệu phản ánh về Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử ở thời kỳ này, đặc biệt<br />
cho chúng ta thấy rõ niềm tin Phật giáo rất sâu sắc, mặc dù Nho giáo<br />
đã bắt đầu len lỏi vào trong đời sống xã hội. “Nhà Phật lấy chuyện họa<br />
phúc tác động tới lòng người, sao mà cảm phục được người ta sâu và<br />
bền vậy! Trên từ vương công, dưới đến thường dân, phàm là đóng góp<br />
cho việc nhà Phật, thì dù có dốc hết tiền của, cũng không tiếc. Giá như<br />
hôm nay có gửi gắm được gì vào tháp chùa thì hớn hở như thể cầm<br />
được khế khoản trong tay, để ngày mai được báo đáp. Cho nên từ trong<br />
Kinh thành cho đến ngoài châu phủ, kể cả những nơi thôn cùng ngõ<br />
hẻm, không bảo mà người ta cứ theo, không hẹn mà người ta cứ tin; hễ<br />
nơi nào có nhà ở, là ắt có chùa chiền, bỏ rồi lại dựng, hỏng rồi lại sửa,<br />
số chuông trống lâu đài chiếm gần một nửa dân cư. Đạo Phật rất dễ<br />
thịnh hành và rất được người ta tôn sùng. Ta ngày còn trẻ đi học, dốc<br />
chí vào việc cổ kim, cũng biết qua về đạo Thánh, muốn lấy đó để giáo<br />
hóa nhân dân, nhưng rốt cục chưa có thể làm cho một hướng nào tin<br />
theo cả. Ta cũng thường dạo chơi sông núi, dấu chân đã để lại trong hầu<br />
nửa thiên hạ, thế mà chưa tìm thấy một trường học hay một văn miếu<br />
nào. Chính vì vậy mà ta rất lấy làm hổ thẹn khi so sánh với tín đồ nhà<br />
Phật, bèn viết ra đây để giãi tỏ lòng ta”9. Văn bia chùa Vĩnh Nghiêm<br />
còn ghi rõ nhiều người dân kể cả vương thân quốc thích đã đóng góp<br />
nhiều ruộng cúng cho chùa: “Đức tổ Điều Ngự Phật hoàng Trần Nhân<br />
Tông khai mở tùng lâm Vĩnh Nghiêm thì kéo theo mở cả chợ chùa. Các<br />
vị vương thân quốc thích và khắp thập phương đã phát tâm tậu nhiều<br />
ruộng cúng cho chùa, gồm cả ruộng trong xã và ruộng ở các hạt khác<br />
nữa”10. Năm 1305, nhân chuyến theo vua Trần Anh Tông đến chùa<br />
Vĩnh Nghiêm nghe Thiền sư Pháp Loa thuyết pháp, Huyền Quang đã<br />
có niềm tin vào Phật giáo, ngộ đạo và xin xuất gia tại đây, ông đã:“dâng<br />
biểu đến ba lần xin từ chức để xuất gia học đạo tu hành. Thủa ấy, vua<br />
đang tôn sùng Phật giáo nên người chấp nhận. Ngài thọ giáo với Thiền<br />
sư Pháp Loa, được pháp hiệu là Huyền Quang”11.<br />
Trên bệ tượng Tam thế Phật Di Đà chùa Khám Lạng ở xã Khám<br />
Lạng, huyện Lục Nam khắc nội dung phản ánh sự đóng góp vào chùa<br />
của các Phật tử: “Ngày mồng 7, tháng Hai năm Hồng Đức thứ 25<br />
Dương Ngô Ninh. Một số đặc trưng của Phật giáo Trúc Lâm… 55<br />
<br />
(1494). Tín chủ là Lưu Thị Luận đứng ra tạo tượng Phật Tam tôn. Bà<br />
có tên hiệu là Thiện Duyên cúng 03 quan, …; ông Thuận Tâm cúng<br />
01 quan; ông Chánh Niệm cùng bà…; bà Từ Tín, ông Ngụ cùng bà<br />
Hữu Phúc cúng 01 quan; ông Nguyên Tâm cùng bà cúng 05 tiền;<br />
(ông) Trần Xứng cúng 01 chiếc áo; bà Nguyễn Thị cúng 01 chiếc áo;<br />
bà Nguyễn Thị Đoan cúng 01 chiếc áo. Ông Phú Sơn ở xã Chỉ Tác,<br />
huyện Lục Ngạn cùng bà cúng 01 chiếc áo; bà Nguyễn Thị Giám ở xã<br />
Đông Lạc cúng tiền 05 mạch”. Với việc các tín thí hưng công đóng<br />
góp tạo hương án và bộ chân tảng, các bệ tượng đá uy nghi, đường nét<br />
chạm khắc cầu kỳ, tinh tế… cho thấy chùa có quy mô rất lớn và nhận<br />
được rất nhiều sự đóng góp của sãi, vãi, Phật tử.<br />
Những dấu ấn, dấu tích, văn bia đã phần nào cung cấp lượng thông<br />
tin quý giá cho biết niềm tin vào Phật giáo Trúc Lâm đã có ảnh hưởng<br />
sâu sắc ở các làng xã Bắc Giang.<br />
3.2. Thực hành Phật giáo<br />
Phương pháp thực hành Phật giáo Trúc Lâm đa dạng thích ứng với<br />
mọi tầng lớp trong xã hội, gắn kết mật thiết giữa Phật giáo và Nhà<br />
nước, tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển xã hội.<br />
Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, vào thời Trần<br />
thì các tu viện, đại danh lam Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Siêu Loại, Vĩnh<br />
Phúc, Báo Ân, An Lạc, Tàng Viện… là những cơ sở được chọn làm<br />
đạo tràng an cư kiết hạ trọng điểm có sự bảo trợ của triều đình, ưu tiên<br />
cho những ai là tăng sĩ ưu tú thuộc Phật giáo Trúc Lâm. Có thể nói<br />
Vĩnh Nghiêm là một trong những đạo tràng an cư kiết hạ thuộc cấp<br />
trung ương giáo hội, mang tính kiểu mẫu thời đó. Tam Tổ Thực Lục<br />
ghi: “Ngày mồng một tháng Giêng, năm Mậu Thân (1308), Điều Ngự<br />
sai Pháp Loa nhận chức trụ trì để nối dòng pháp tại chùa Báo Ân,<br />
huyện Siêu Loại. Tháng tư, Điều Ngự đến kiết hạ tại chùa Vĩnh<br />
Nghiêm ở Lạng Giang, giảng truyền đăng lục, lại sai Pháp Loa giữ<br />
chức trụ trì, bảo Quốc sư Đạo Nhất giảng kinh Pháp cho đại chúng”12.<br />
Mỗi kỳ an cư là mỗi lần giáo hội cùng phối hợp với triều đình có chủ<br />
trương xây dựng, thiết kế chương trình tu học thời khóa thật cụ thể, để<br />
sau một mùa an cư đều đem lại sự đắc pháp cho các hành giả và lợi<br />
lạc cho mọi người dân Phật tử.<br />
56 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2018<br />
<br />
Căn cứ vào các thư tịch còn lại như Khóa Hư Lục, Lục Thời Sám<br />
Hối Khoa Nghi của Trần Thái Tông; Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục,<br />
Thạch Thất Mỵ Ngữ, Cư Trần Lạc Đạo Phú… của Sơ tổ Trúc<br />
Lâm; Tham Thiền Yếu Chỉ, Pháp Sự Khoa Văn của Nhị tổ Pháp Loa;<br />
hoặc các thư tịch như Tam Tổ Thực Lục, Thánh Đăng Lục… thì thấy,<br />
chương trình tu học trong ba tháng an cư được thiết lập với quy củ<br />
thiền môn đậm nét Phật giáo Đại Việt. Với ý nghĩa quan trọng của<br />
việc tu trì giới luật, chính Pháp Loa, người lãnh đạo Giáo hội Trúc<br />
Lâm đã từng hiệu đính bộ Tứ Phần Luật, khắc in 5.000 bản lần đầu<br />
tiên vào năm 1322, tổ chức khóa học Luật Tứ Phần cho các hành giả<br />
tu trì. Điều đáng nói là Tổ đã mời các vị cao tăng như Quốc sư Tông<br />
Kính và Quốc sư Bảo Phác đến các đạo tràng giảng giới luật.<br />
Sách Tam Tổ Thực Lục ghi: “Tư Đồ Văn Huệ Vương mời sư về dinh<br />
thự An Long giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm, nhân tiện, sư xem lại<br />
bản Tứ Phần Luật San Bổ Sao, in để ấn tống hơn 5.000 quyển. Sư nhờ<br />
Quốc sư Tông Kính ở Du Tiên, Quốc sư Bảo Phác ở núi Vũ Ninh đến<br />
chùa Siêu Loại giảng bộ Luật này”13. Các bộ kinh như Pháp Hoa, Hoa<br />
Nghiêm, Lăng Nghiêm, Bát Nhã được Giáo hội Trúc Lâm đưa vào<br />
chương trình giảng dạy ở các khóa học đạo tràng. Bởi vì đây là những<br />
bộ kinh quan yếu của hệ thống kinh điển Đại thừa, các hành giả y cứ<br />
vào đó thực thi Thiền - Giáo song hành mà chứng ngộ; cũng là cơ sở<br />
lý luận hình thành học thuyết Cư trần lạc đạo mà Sơ tổ Trúc Lâm chủ<br />
trương để phục vụ cho đường lối hoạt động của Giáo hội Trúc Lâm,<br />
góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, đạo pháp trường tồn.<br />
Trên hết, kỳ an cư kiết hạ, thực sự đã làm sống dậy tinh thần Phật<br />
giáo Đại Việt, góp phần làm nên lịch sử dân tộc, lịch sử Phật giáo<br />
nước nhà. Cho nên, bất cứ tăng sĩ nào trong thời Trần đều cũng ao ước<br />
được trở về Vĩnh Nghiêm, Yên Tử để kiết hạ. Rõ ràng chùa Vĩnh<br />
Nghiêm thật sự trở thành trung tâm hoằng pháp, cơ sở đào tạo tăng tài,<br />
nơi hội tụ quần chúng tu học giáo lý Phật thuộc hệ thống Phật giáo<br />
Trúc Lâm thời Trần. Chính đặc trưng này mà Phật giáo Trúc Lâm đã<br />
được các vương triều Nhà Trần ủng hộ, quần chúng tin theo, điều đó<br />
cũng có nghĩa các tăng sĩ thời Trần là những nhà tu hành có giới đức<br />
thanh tịnh, định lực kiên cố, và trí tuệ thăng chứng đã góp phần làm<br />
cho đạo pháp trường tồn, dân tộc hưng thịnh.<br />
Dương Ngô Ninh. Một số đặc trưng của Phật giáo Trúc Lâm… 57<br />
<br />
<br />
3.3. Cộng đồng Phật giáo<br />
Phật giáo Trúc Lâm có đặc trưng xã hội, thực tế và nhập thế, liên kết<br />
cộng đồng. Phật giáo Trúc Lâm đã tạo ra một nét mới riêng biệt cho Phật<br />
giáo Việt Nam, đáp ứng ngay niềm tin của đại đa số quần chúng. Cho<br />
nên, được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ tham gia. Chưa bao giờ<br />
trong lịch sử Phật giáo có cộng đồng tín đồ tham gia thực hành đông đến<br />
thế. Trần Nhân Tông đứng ra lãnh đạo và xây dựng hệ thống tổ chức giáo<br />
hội, truyền y bát cho Pháp Loa làm Đệ nhị Tổ và giao trọng trách lãnh<br />
đạo giáo hội Trúc Lâm. Với tài năng của Pháp Loa, Ngài làm cho giáo<br />
hội Trúc Lâm càng rực rỡ hơn. Vào thời điểm này, số lượng tăng ni quá<br />
đông, cứ mỗi năm tổ chức thọ giới phải loại ra hàng nghìn người nhưng<br />
tính đến năm 1329, “số tăng sĩ đã được xuất gia trong những giới đàn do<br />
Giáo hội Trúc Lâm tổ chức dưới quyền lãnh đạo của Pháp Loa là trên<br />
15.000 vị”14. Tính đến khi viên tịch (năm 1330), “Sư đã tạo hơn 1.300<br />
tượng Phật lớn nhỏ, hai bộ tượng sơn mài, hơn trăm tượng bằng đất,<br />
dựng hai cảnh chùa lớn và năm ngôi tháp, lập hơn 200 tăng xá, độ hơn<br />
15.000 tăng ni, in một bộ Đại tạng kinh. Những đệ tử đắc pháp hơn 3000<br />
người đã liệt kê ở lược đồ. Pháp sư có 6 người, như Tuệ Nhiên, Tuệ<br />
Chúc, Hải Ấn, v.v… đều hành pháp đắc lực. Còn Hoằng Tế và Huyền<br />
Giác hiện đang chắm sóc tháp của Sư”15. Trong hơn 200 tăng đường mà<br />
Pháp Loa cho xây dựng, chùa Vĩnh Nghiêm là một trung tâm, địa điểm<br />
quan trọng trong hệ thống Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Ông đã huy<br />
động cả giới quý tộc nhà Trần vào việc xây dựng chùa tháp lúc bấy giờ.<br />
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là báu vật quốc gia giúp chúng ta hiểu rõ<br />
hơn về tư tưởng, giáo lý, lịch sử, con người và sự phát triển của Phật<br />
giáo Trúc Lâm thấm nhuần trong đời sống cộng đồng, như tác giả<br />
Nguyễn Quốc Tuấn nhận định: “Tư tưởng, giáo lý hành đạo của Phật<br />
giáo Trúc Lâm được in ra từ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được bảo<br />
lưu, quảng bá trong một thời gian dài. Tư tưởng ấy đã thấm nhuần trong<br />
đời sống cộng đồng và lan tỏa ảnh hưởng ra ngoài lãnh thổ quốc gia. Ở<br />
Việt Nam, hiện có hàng trăm Thiền viện thuộc Phật giáo Trúc Lâm,<br />
biểu tượng của nó không phải chỉ có ở Bắc Giang mà xuất hiện nhiều<br />
nơi, tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm phát triển khá mạnh mẽ và có ảnh<br />
hưởng sâu rộng đến Phật tử nhiều nước trên thế giới”16.<br />
58 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2018<br />
<br />
Những nội dung nêu trên đã cho chúng ta thấy, kể từ khi xây dựng,<br />
chùa Vĩnh Nghiêm trở thành trung tâm Phật giáo của cộng đồng Tây<br />
Yên Tử thời Trần, những đóng góp của Pháp Loa đối với cộng đồng<br />
Phật giáo Tây Yên Tử là rất lớn. Phật giáo Trúc Lâm có sức hấp dẫn,<br />
thu hút nhiều tầng lớp trong cộng đồng xuất gia. Dân chúng sùng kính<br />
đạo Phật, chùa chiền được xây dựng ở khắp nơi. Phật giáo Trúc Lâm<br />
là một yếu tố quan trọng liên kết cộng đồng thời kỳ này.<br />
Kết luận<br />
Đến thời Trần, hòa nhịp trong trào lưu Phật giáo Đại Việt phát triển<br />
lên tầm cao mới với việc trí thức hóa, bản địa hóa Phật giáo và sự định<br />
hình Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử cuối thế kỷ 13 do Điều Ngự Giác<br />
Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc<br />
thì đồng thời xuất hiện các trung tâm Phật giáo lớn ở hai sườn Đông,<br />
Tây dãy Yên Tử. Cùng với việc xây dựng, mở mang hệ thống chùa<br />
chiền ở sườn Đông Yên Tử, ở bên sườn Tây Yên Tử thuộc địa phận<br />
tỉnh Bắc Giang là sự phân bố của hệ thống Phật giáo Trúc Lâm như<br />
Chùa Sơn Tháp, chùa Bát Nhã, chùa Hồ Bấc, chùa Bình Long, chùa<br />
Am Vãi, v.v... Đặc biệt, với sự tiếp nối các sư tổ, chùa Vĩnh Nghiêm<br />
đã trở thành trung tâm với quy mô lớn để đào tạo tăng đồ của Phật<br />
giáo Trúc Lâm. Cho nên, những năm cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14,<br />
miền đất ở sườn Tây Yên Tử thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang cũng<br />
được xem như kinh đô Phật giáo thời Trần. Như vậy, có thể nói rằng,<br />
dọc theo dãy Tây Yên Tử ở Bắc Giang từ thời Trần có một hệ thống<br />
chùa cổ, đã phần nào giúp chúng ta xác định rằng, Phật giáo Trúc Lâm<br />
đã phát triển mạnh mẽ, từ sơn môn Yên Tử xuống đồng bằng và lấy<br />
trung tâm Phật giáo ở Vĩnh Nghiêm làm trụ sở của “Giáo hội”. Có thể<br />
khẳng định, trong lịch sử, hệ thống di tích và danh thắng Tây Yên Tử<br />
và chùa Vĩnh Nghiêm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đóng một vai trò<br />
quan trọng và là một phần không thể tách rời trong quần thể di tích và<br />
danh thắng Yên Tử, gắn với Phật giáo Trúc Lâm, mang đặc trưng đậm<br />
bản sắc Việt, do các thiền sư Việt Nam đã chọn lọc và “Việt Nam<br />
hóa” được những tư tưởng cao đẹp từ Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa.<br />
Đặc điểm lớn của Phật giáo Trúc Lâm là ở chỗ luôn nhập thế đồng<br />
hành cùng dân tộc, thể hiện đậm bản sắc cộng đồng dân tộc Việt, góp<br />
Dương Ngô Ninh. Một số đặc trưng của Phật giáo Trúc Lâm… 59<br />
<br />
phần củng cố và nâng cao ý thức liên kết cộng đồng, tinh thần độc lập<br />
tự chủ. Bảo vệ và phát huy những đặc trưng này trong xu thế hội nhập,<br />
phát triển hiện nay là một việc làm cần thiết, góp phần giáo dục truyền<br />
thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thúc đẩy công cuộc xây dựng,<br />
phát triển kinh tế, xã hội đất nước. /.<br />
<br />
CHÚ THÍCH:<br />
1 Hà Văn Tấn (1992), Chùa Việt Nam, Hà Nội: 12.<br />
2 Quốc sử quán triều Nguyễn, (1971), Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 4, Nxb. Khoa<br />
học xã hội, Hà Nội: 77.<br />
3 Bảo tàng Bắc Giang (2011), Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Bảo tồn phát huy các giá<br />
trị di sản văn hóa Lý-Trần tỉnh Bắc Giang, Nxb. Thông Tấn: 112.<br />
4 Nguyễn Xuân Cần, Nguyễn Huy Hạnh, Nguyễn Hữu Tự (2004), Chốn tổ Vĩnh<br />
Nghiêm, Bảo tàng Bắc Giang xuất bản, Bắc Giang: 88.<br />
5 Đạo Giáo Nguyên Lưu của An Thiền viết vào năm 1845, Tài liệu Lưu trữ tại Thư<br />
viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mã số 2675.<br />
6 Bia Vô đề thời Trần, chùa Nham Nguyệt, xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, Bắc<br />
Giang.<br />
7 Bia bài vị chùa Am Vãi, thôn Biềng, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, Bắc<br />
Giang.<br />
8 Nguyễn Đăng Duy (1998), Nho giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb. Hà Nội.<br />
9 Nguyễn Huệ Chi (1977), Thơ văn Lý Trần, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.<br />
10 Bia công đức các đời mở mang và trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm xã Đức La, dựng<br />
năm 1932.<br />
11 Thích Phước Sơn dịch (1995), Tam Tổ Thực Lục, Viện Nghiên cứu Phật học ấn<br />
hành: 80.<br />
12 Thích Phước Sơn dịch (1995), Tam Tổ Thực Lục, Sđd: 19.<br />
13 Thích Phước Sơn dịch (1995), Tam Tổ Thực Lục, Sđd: 49.<br />
14 Thích Phước Đạt (2007), Giáo hội Phật giáo nhất tông đời Trần, Báo Giác ngộ,<br />
số 410: 27.<br />
15 Thích Phước Sơn, Tam Tổ Thực Lục, Sđd: 54.<br />
16 Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Thị Quế Hương (2017), “Phác thảo giá trị di sản<br />
mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang”, Nghiên cứu Tôn giáo,<br />
số 1&2: 57-58.<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
1. Bảo tàng Bắc Giang (2011), Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Bảo tồn phát huy các giá<br />
trị di sản văn hóa Lý-Trần tỉnh Bắc Giang, Nxb. Thông Tấn.<br />
2. Đạo Giáo Nguyên Lưu của An Thiền viết vào năm 1845, Tài liệu Lưu trữ tại Thư<br />
viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mã số 2675.<br />
3. Hà Văn Tấn (1992), Chùa Việt Nam, Hà Nội.<br />
4. Nguyễn Đăng Duy (1998), Nho giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb. Hà Nội, Hà<br />
Nội.<br />
5. Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội.<br />
60 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2018<br />
<br />
<br />
<br />
6. Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Thị Quế Hương (2017), “Phác thảo giá trị di sản<br />
mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang”, Nghiên cứu Tôn giáo,<br />
số 1&2.<br />
7. Nguyễn Quốc Tuấn (2012), Đặc điểm vai trò Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20, Nxb.<br />
Từ điển bách khoa, Hà Nội.<br />
8. Nguyễn Xuân Cần, Nguyễn Huy Hạnh, Nguyễn Hữu Tự (2004), Chốn tổ Vĩnh<br />
Nghiêm, Bảo tàng Bắc Giang xuất bản, Bắc Giang.<br />
9. Quốc sử quán triều Nguyễn, (1971), Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 4, Nxb. Khoa<br />
học xã hội, Hà Nội.<br />
10. Thích Phước Sơn dịch và chú (1995), Tam Tổ Thực Lục, Viện Nghiên cứu Phật<br />
học Việt Nam ấn hành, Tp. Hồ Chí Minh.<br />
11. Thích Thanh Quyết, Nguyễn Quốc Tuấn (2013), Phật hoàng Trần Nhân Tông<br />
(1258-1308) - Con người và sự nghiệp, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.<br />
<br />
Abstract<br />
<br />
TRÚC LÂM BUDDHISM DURING THE TRẦN<br />
IN BAC GIANG: SOME CHARACTERISTICS<br />
Bac Giang, a province in the West of Yen Tu mountain, preserves<br />
many relics of Trúc Lâm Buddhist pagodas. They prove a flourishing<br />
period of Buddhism with a system of Trúc Lâm Buddhist pagodas<br />
such as: Sơn Tháp, Bát Nhã, Hồ Bấc, Bình Long, Am Vãi, etc.. In<br />
particular, Vĩnh Nghiêm pagoda has become a training centre of Trúc<br />
Lâm Buddhist monks. In the late 13th and early 14th centuries, the land<br />
on the western side of Yen Tu (Bac Giang province) was regarded as<br />
the Buddhist capital of the Trần dynasty. Over the time, the system of<br />
Trúc Lâm Buddhist monuments and Vĩnh Nghiêm pagoda in Bac<br />
Giang province has played an important role and has been an integral<br />
part of the Yen Tu cultural heritage associated with Trúc Lâm<br />
Buddhism. This article indicates some characteristics of Trúc Lâm<br />
Buddhism during the Trần in Bac Giang through its distribution,<br />
inscriptions, and relics in the West of Yen Tu.<br />
Keywords: Buddhism, characteristics, Trúc Lâm Buddhism, the<br />
Trần, Bac Giang.<br />