intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số đề xuất hoàn thiện giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin hệ không chuyên Lý luận chính trị theo chương trình mới

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài tham luận này nêu lên những ưu điểm đồng thời chỉ ra những mặt hạn chế của giáo trình từ đó đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện giáo trình, phục vụ tốt hơn việc học tập và giảng dạy môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin trong thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số đề xuất hoàn thiện giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin hệ không chuyên Lý luận chính trị theo chương trình mới

  1. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT HOÀN THIỆN GIÁO TRÌNH KINH TẾ CHÍNH TRỊ MÁC – LÊNIN HỆ KHÔNG CHUYÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ THEO CHƯƠNG TRÌNH MỚI Lê Tuấn Anh1 1. Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lênin dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị theo chương trình mới được áp dụng vào giảng dạy từ năm học 2019-2020. Qua hơn 04 năm thực hiện, giáo trình mới đã phát huy được nhiều ưu điểm, giúp việc giảng dạy môn học tốt hơn so với các giáo trình trước đây. Tuy nhiên, hiện nay giáo trình cũng đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế cần được bổ sung, chỉnh sửa. Bài tham luận này nêu lên những ưu điểm đồng thời chỉ ra những mặt hạn chế của giáo trình từ đó đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện giáo trình, phục vụ tốt hơn việc học tập và giảng dạy môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin trong thời gian tới. Từ khóa: Chủ nghĩa tư bản, giáo trình, kinh tế chính trị Mác – Lênin. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Thực hiện Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”, dưới sự chủ trì của Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng và Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lênin hệ không chuyên lý luận chính trị (giáo trình mới) đã được xây dựng và áp dụng từ năm học 2019-2020. Mục tiêu của giáo trình mới là “nhằm trang bị cho sinh viên những tri thức, cơ bản, cốt lõi của Kinh tế chính trị Mác – Lênin trong bối cảnh phát triển của đất nước và thế giới ngày nay, đảm bảo tính cơ bản, hệ thống, khoa học, cập nhật tri thức mới, gắn với thực tiễn” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2019). Với mục đích nêu trên, giáo trình mới đã thể hiện tính chất của một giáo trình hiện đại, gắn lý luận với thực tiễn và đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học chủ nghĩa Mác – Lênin. Tuy nhiên, trong thực tế giảng dạy và học tập, giáo trình mới cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế cần được điều chỉnh, bổ sung để giáo trình ngày hoàn thiện hơn. Bài tham luận bao gồm 4 phần: Phần 1 là những ưu điểm của giáo trình mới; Phần 2 là những hạn chế của giáo trình mới; Phần 3 là những đề xuất, góp ý để hoàn thiện giáo trình mới và Phần 4 là kết luận. 2. NỘI DUNG 2.1. Ưu điểm của giáo trình kinh tế chính trị Mác – Lênin theo chương trình mới Giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lênin theo chương trình mới được đánh giá là “Hay nhất” trong các giáo trình về Kinh tế chính trị đã được xuất bản cho đến nay. Phương châm trong soạn thảo giáo trình mới là trung thành với các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin đồng thời có sự kế thừa, bổ sung những thành tựu của kinh tế chính trị hiện đại. Giáo trình có cập nhật những nội dung mới, xu hướng mới đồng thời có liên hệ đến thực tiễn kinh tế hiện nay. Cụ thể, giáo trình có những ưu điểm sau đây: Thứ nhất, về kết cấu của giáo trình 289
  2. Giáo trình có 6 chương, chia thành hai phần: Phần 1, là những nội dung của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (Chương 2,3,4). Phần 2 là những nội dung kinh tế ở Việt Nam hiện nay (Chương 5 và 6). Giáo trình với kết cấu 2 phần và trình tự các chương như vậy thể hiện tính logic, khoa học, vừa sức đối với người học. Thứ hai, sự cải tiến trong cách trình bày của giáo trình Giáo trình mới thể hiện cách trình bày theo phong cách của một giáo trình hiện đại. Trong mỗi chương đều có phần các thuật ngữ cần ghi nhớ, tóm tắt chương, câu hỏi ôn tập, vấn đề thảo luận,. Đặc biệt, giáo trình có bổ sung thêm các Hộp (Text Box) các vấn đề xoay quanh nội dung đang trình bày, giúp sinh viên dễ theo dõi, dễ ghi nhớ đồng thời đối chiếu, so sánh được các kiến thức liên quan. Thứ ba, kế thừa các ưu điểm của giáo trình cũ đồng thời có sự cải tiến, bổ sung những vấn đề mới có liên quan đến kinh tế Việt Nam và thế giới. Giáo trình đã kế thừa các ưu điểm của giáo trình do Hội đồng trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các môn khoa học Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh đồng thời cập nhật những vấn đề mới mà các giáo trình trước đây chưa đề cập như hàng hóa dịch vụ, các quan hệ trao đổi như thương hiệu, quyền sử dụng đất, quan hệ lợi ích kinh tế, cách mạng công nghiệp 4.0,…Điều này thể hiện sự cải tiến, cập nhật những nội dung mới vào giáo trình phù hợp với thực tiễn hiện nay, qua đó từng bước tăng cường sức sống, tính hấp dẫn cho môn học, biến môn học từ một môn hàn lâm kinh viện thành môn khoa học gần gũi với thực tế. Thứ tư, có liên hệ với các lý thuyết của kinh tế hiện đại trong nội dung từng chương Bên cạnh việc truyền tải những nội dung học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác – Lênin, giáo trình có đưa thêm các khái niệm của kinh tế học hiện đại khi trình bày các vấn đề có liên quan như khái niệm về hàng hóa, về thị trường, về nền kinh tế thị trường, bản chất của tiền tệ, tác động của cạnh tranh, vai trò của chính phủ trong nền kinh tế, vấn đề độc quyền, quan niệm về lợi nhuận,… Điều này giúp người học có cái nhìn đa chiều khi nghiên cứu một vấn đề kinh tế cụ thể. Những nội dung vừa trình bày nêu trên là những ưu điểm nổi bật của giáo trình kinh tế chính trị Mác – Lênin, thể hiện sự tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ tập thể ban biên soạn giáo trình. 2.2. Hạn chế của giáo trình kinh tế chính trị Mác – Lênin theo chương trình mới Thứ nhất, những hạn chế chung Môn học được bố trí thời lượng 30 tiết (2 tín chỉ) nhưng nội dung của môn học khá lớn nên việc trình bày hết nội dung của môn học cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, đây là môn chung nên quy mô sỉ số lớp thường rất đông nên phương pháp chủ yếu vẫn là phương pháp thuyết trình, muốn áp dụng các các phương pháp giảng dạy khác cũng rất khó khăn. Nhiều nội dung trong giáo trình còn quá dài và rườm rà, chưa thể hiện nội dung trọng tâm cần trình bày. Thứ hai, hạn chế trong nội dung từng chương Trong chương 2, phần mở đầu đã đề cập ngay đến “khái niệm sản xuất hàng hóa”(Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2021) mà chưa khái quát lịch sử ra đời của sản xuất hàng hóa. Cách tiếp cận như vậy sẽ làm cho người học không hiểu được vì sao sản xuất hàng hóa ra đời là bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Phần này nên giới thiệu sơ lược lịch sử ra đời của sản xuất hàng hóa, từ sản xuất tự cấp, tự túc phát triển lên sản xuất hàng hóa giản đơn rồi từ sản xuất hàng hóa giản đơn phát triển lên giai đoạn kinh tế thị trường. Như vậy người học sẽ có cái nhìn lịch sử và toàn diện trước khi đi vào khái niệm sản xuất hàng hóa. Trong phần tiền tệ, khi lấy ví dụ về trao đổi để minh họa các hình thái giá trị, giáo trình lấy ví dụ là 1A = 2B (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2021). Ví dụ như vậy làm người học khó hình dung vì vậy nên lấy một ví dụ cụ thể để trình bày (ví dụ: 1m vải = 10 kg thóc) sẽ dễ nắm bắt. Hơn nữa, trong 290
  3. phân tích hình thái giá trị giản đơn, giáo trình viết “Giá trị sử dụng của hàng hóa A được dùng để biểu hiện giá trị của hàng hóa B được gọi là hình thái ngang giá” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2021). Viết như vậy chưa đúng, viết đúng phải là “Giá trị sử dụng của hàng hóa B được dùng để biểu hiện giá trị của hàng hóa A được gọi là hình thái ngang giá”. Trong chương 3, trong phần đầu phân tích về công thức chung của tư bản: T-H-T’, T’=T+t (t>0), giáo trình giải thích bản chất và nguồn gốc của t (giá trị thặng dư) khá ngắn gọn vì vậy làm cho người học khó hiểu (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2021). Để biết được t từ đâu sinh ra giáo trình nên phân biệt rõ sự khác nhau giữa công thức lưu thông hàng hóa giản đơn (H-T-H) và công thức chung của tư bản (T-H-T’), phân tích rõ quá trình tiền chuyển hóa thành tư bản. Đặc biệt, phải quán triệt nguyên tắc trao đổi là phải theo nguyên tắc ngang giá và H mua vào (tư liệu sản xuất, sức lao động) khác với H’ bán ra (hàng hóa), phần chênh lệch đó là giá trị thặng dư vì vậy người học mới hiểu được t từ đâu sinh ra. Nên sử dụng thống nhất một ký hiệu, Các Mác gọi m là giá trị thặng dư. Vì thế, không nên sử dụng ký hiệu t làm ký hiệu giá trị thặng dư. Điều này dẫn đến sự không nhất quán trong việc trình bày các nội dung ở phần kế tiếp. Trong chương 3, phần tiền công giáo trình không phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tiền công, các hình thức tiền công cơ bản (tiền công trả theo thời gian, tiền công trả theo sản phẩm), tiền công danh nghĩa và tiền công thực tế. Đây là các vấn đề mang tính thực tiễn, đang được bàn luận sôi nổi hiện nay. Phần tuần hoàn và chu chuyển tư bản để ở phần I (sản xuất giá trị thặng dư) là không hợp lý nên chuyển xuống phần tích lũy tư bản vì nó thuộc lĩnh vực lưu thông (sử dụng giá trị thặng dư) như vậy mới hợp logic và đúng như trình tự trình bày trong Bộ Tư Bản của Các Mác. Cũng trong chương 3, trong phần III, phần tỷ suất lợi nhuận bình quân, giáo trình viết: “Tỷ suất lợi nhuận bình quân tính bằng số bình quân gia quyền các tỷ suất lợi nhuận” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2021) và công thức tính: p'  p x 100 %  (c  v ) Nhưng đây không phải công thức tính bình quân gia quyền. Vì thế, một là, nếu xem tỷ suất lợi nhuận bình quân là bình quân của các tỷ suất lợi nhuận thì phải viết công thức: ⋯. P’= Hai là, trả lại đúng công thức tính tỷ suất lợi nhuận của Các Mác p'  m x 100 %  (c  v ) Cũng trong chương 3, trong phần lợi nhuận thương nghiệp, để người học hiểu được bản chất và nguồn gốc của lợi nhuận thương nghiệp thì cần phải có ví dụ minh họa (có thể lấy ví dụ của Các Mác trong Bộ Tư Bản: 720c+180v+180m= 1080), trong đó việc phân chia giá trị thặng dư (180m) thể hiện bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận của nhà tư bản công nghiệp và nhà tư bản thương nghiệp. Giáo trình mới không có ví dụ minh họa vì vậy sẽ làm cho người học khó hiểu về bản chất và nguồn gốc của lợi nhuận thương nghiệp. Trong phần địa tô, giáo trình mới cũng không có ví dụ để minh họa về nguồn gốc hình thành địa tô, các hình thức địa tô (địa tô chênh lệch 1, địa tô chênh lệch 2, địa tô tuyệt đối) làm cho người học khó nắm bắt nội dung này. Hơn nữa, giáo trình mới cũng không đề cập đến địa tô xây dựng, địa tô hầm mỏ, địa tô độc quyền đây là vấn đề mang tính thực tiễn rất nóng hiện nay như việc cho thuê quyền sử dụng đất để sản xuất kinh doanh, cho thuê hầm mỏ khai thác khoáng sản, cho thuê nhà cửa,… Vì vậy, cần bổ sung thêm các hình thức địa tô này vào giáo trình. Trong chương 4, mục tiêu là muốn làm hiện đại hóa nội dung này nhưng như vậy sẽ làm sai lệch bản chất học thuyết của Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong giai đoạn lịch sử mới. Tên chương là “Cạnh tranh và độc quyền trong nền kinh tế thị trường” nhưng trong nội dung chỉ toàn trình bày về độc quyền và độc quyền nhà nước vì vậy nên đặt lại tên chương như giáo 291
  4. trình cũ trước đây là “Chủ nghĩa tư bản độc quyền và độc quyền nhà nước”. Vì chủ nghĩa tư bản sau giai đoạn tự do cạnh tranh sẽ chuyển sang giai đoạn mới là chủ nghĩa tư bản độc quyền và chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Đây là các giai đoạn phát triển liên tục, mỗi giai đoạn sẽ có đặc điểm riêng. Trình bày theo logic trình tự như vậy người học sẽ dễ dàng nắm bắt và theo dõi, đồng thời vẫn giữ nguyên được bản chất cốt lõi học thuyết kinh tế của Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trong chương 5, nội dung chương này khá tốt tuy nhiên phần II về quan hệ lợi ích kinh tế ở Việt Nam hiện nay giáo trình mới viết khá dài và rườm rà nên viết ngắn gọn lại. Trong chương 6, phần I trình bày về công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, vì giáo trình mới xuất bản trước khi diễn ra đại hội Đảng lần thứ XIII nên chưa cập nhật mục tiêu mới cho sự phát triển của đất nước như trong văn kiện Đại hội XIII (mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, 2045) (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021). Vì vậy, cần bổ sung vấn đề này vào giáo trình vì những mục tiêu này chính là cơ sở để ban hành chiến lược công nghiệp hóa đất nước trong từng giai đoạn và giúp người học có thể hình dung được mục tiêu phát triển của đất nước trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, trong năm 2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng đã ban hành Nghị Quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong Nghị Quyết này có khái niệm mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới. Vì vậy, cần cập nhật những nội dung mới này thay thế cho nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trong giáo trình hiện tại. 3. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT NHẰM HOÀN THIỆN GIÁO TRÌNH MỚI Giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lênin theo chương trình mới có nhiều ưu điểm hơn so với các giáo trình cũ trước đây tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như đã chỉ ra ở trên. Nhằm góp phần hoàn thiện giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lênin dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị, xin đề xuất một số giải pháp như sau: Thứ nhất, cần rà soát, lược bỏ những nội dung còn viết khá dài và rườm rà như trong Chương 5, phần II (Các quan hệ lợi ích kinh tế ở Việt Nam hiện nay), Chương 6, Phần I, mục 1 (Vai trò của các cuộc cách mạng công nghiệp đối với sự phát triển) những nội dung này cần viết ngắn gọn, súc tích và cô đọng lại. Thứ hai, về Chương 2, nên khái quát lịch sử ra đời của sản xuất hàng hóa trước khi đề cập đến khái niệm sản xuất hàng hóa. Nên sử dụng ví dụ cụ thể để trình bày sự phát triển các hình thái giá trị và chỉnh lại sự nhầm lẫn trong hình thái giá trị giản đơn. Thứ ba, về Chương 3, phần công thức chung của tư bản (T-H-T’) nên có phần so sánh với công thức lưu thông hàng hóa giản đơn (H-T-H) và phân tích kỹ quá trình chuyển hóa của tiền thành tư bản. Phần tiền công nên bổ sung thêm các hình thức tiền công cơ bản, tiền công danh nghĩa, tiền công thực tế, các nhân tố ảnh hưởng đến tiền công. Không sử dụng ký hiệu t để ký hiệu giá trị thặng dư mà thống nhất sử dụng ký hiệu m như Các Mác đã trình bày trong tác phẩm Tư Bản. Phần tuần hoàn và chu chuyển tư bản nên chuyển sang phần tích lũy tư bản (Phần II) như vậy mới logic và phù hợp với trình tự trình bày của Các Mác trong Bộ Tư Bản. Công thức tính tỷ suất lợi nhuận bình quân nên viết lại bằng công thức cũ của Các Mác hoặc viết  m bằng công ⋯. thức p'  (c  v ) x 100 % P’= 292
  5. Về phân tích nguồn gốc của lợi nhuận thương nghiệp và nguồn gốc của địa tô tư bản chủ nghĩa nên có các ví dụ minh họa và bổ sung thêm địa tô hầm mỏ, địa tô đất xây dựng, địa tô độc quyền. Thứ tư, về Chương 4, nên đặt lại tên chương như các giáo trình cũ trước đây là “ Chủ nghĩa tư bản độc quyền và độc quyền nhà nước” cho phù hợp với logic và quy luật phát triển của chủ nghĩa tư bản. Thứ năm, về Chương 6, nên cập nhật những nội dung về mục tiêu phát triển đất nước trong Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết 29-NQ-TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung Ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 4. KẾT LUẬN Giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lênin theo chương trình mới dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị là giáo trình có nhiều ưu điểm hơn so các giáo trình đã ban hành trước đây. Giáo trình thể hiện được tính sư phạm, dễ hiểu và truyền tải được những nội dung cơ bản nhất trong học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, giáo trình có bổ sung, cập nhật những lý thuyết kinh tế học hiện đại, những vấn đề kinh tế thực tiễn của Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, qua quá trình giảng dạy, giáo trình cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần được bổ sung, chỉnh sửa để ngày càng hoàn thiện, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập lý luận chính trị trong nhà trường./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021). Giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lênin (Dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị). Hà Nội: NXB Chính trị Quốc Gia Sự Thật. 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2019). Quyết định ban hành Chương trình môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin. Quyết định số số 4890/QĐ-BGDĐT, ngày 23 tháng 12 năm 2019. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Tập 1). Hà Nội: NXB Chính trị Quốc Gia Sự Thật. 4. Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh (2008). Giáo trình kinh tế học chính trị Mác –Lênin. Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia. 5. Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung Ương Đảng lần thứ XIII (2022), Nghị Quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 6. Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 Ban Bí thư Trung Ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”. 293
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2