intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên hiện nay

Chia sẻ: AtaruMoroboshi _AtaruMoroboshi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

26
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nhận thức sâu sắc về quá trình chuyển đổi số trong giáo dục hiện đại gắn với thực tiễn đào tạo tại các địa phương là vấn đề đặc biệt quan trọng, cần phải đưa ra bàn thảo để có những định hướng, giải pháp cụ thể. Bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên hiện nay. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên hiện nay

  1. Mai Đình Nam Trần Thanh Bắc Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên Tóm tắt: Sự bùng nổ về công nghệ đã và đang tạo ra phương những thức giáo dục mới. Như một tất yếu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy sự phát triển đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhận thức sâu sắc về quá trình chuyển đổi số trong giáo dục hiện đại gắn với thực tiễn đào tạo tại các địa phương là vấn đề đặc biệt quan trọng, cần phải đưa ra bàn thảo để có những định hướng, giải pháp cụ thể. Bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên hiện nay. Từ khóa: Chuyển đổi số, giáo dục địa phương, giải pháp Summary: The technology boom has been creating new ways of education. As a result, the Industrial Revolution 4.0 has promoted the breakthrough development of digital transformation in all areas of social life. The deep awareness of the digital transformation process in modern education associated with local training practices is a particularly important issue that needs to be discussed to have specific orientations and solutions. The article gives some solutions to meet the requirements of digital transformation at Dien Bien Teacher Training College currently. Keywords: Digital transformation, local education, solutions I. Đặt vấn đề Hiện nay, chuyển đổi số đã là một hiện thực, nó tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Sự đột phá về công nghệ số hóa đã làm thay đổi tư duy trong giáo dục và đào tạo một cách cơ bản. Do đó, cần nhận thức sâu sắc quá trình chuyển đổi số trong giáo dục trên nhiều phương diện như: cơ chế chính sách, hành lang pháp lý; quản lý giáo dục; khai thác các công cụ phân tích dữ liệu; đào tạo trực tuyến; dạy học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học; hoàn thiện, tích hợp dữ liệu thiết yếu, kết nối liên thông; phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số... một cách cụ thể. 393
  2. Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, có không gian văn hóa, kinh tế - xã hội đặc thù của Tây Bắc, Việt Nam. Thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, tỉnh Điện Biên đã và đang có những bước đi thích ứng để tạo cơ hội cho người dân đặc biệt là các dân tộc thiểu số của tỉnh được tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, rộng khắp. Ngày 29/3/2021 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 832/KH-UBND về “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025”. Theo đó yêu cầu và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục một cách quyết liệt, cụ thể hơn. Là đơn vị sự nghiệp công lập, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Điện Biên đã sớm nhận thức được vai trò và tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nói chung và chuyển đổi số trong giáo dục nói riêng. Tuy nhiên, để có góc nhìn toàn diện và những phân tích cụ thể về chuyển đổi số gắn với quá trình giáo dục đào tạo của nhà trường. Bài viết tập trung phân tích các điều kiện thực tiễn về chuyển đổi số, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở Trường CĐSP Điện Biên hiện nay. II. Nội dung 1. Nhận thức về bản chất của Chuyển đổi số trong giáo dục 1.1. Khái quát về Chuyển đổi số Có thể nói rằng, cuộc CMCN lần thứ tư (CMCN 4.0) dựa trên nền tảng các công nghệ tích hợp cao của hệ thống kết nối số hóa đã và đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất và đời sống xã hội toàn cầu, tạo ra những thách thức, cơ hội lớn đan xen cho mỗi quốc gia, địa phương, từng cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân. Nhân loại đã, đang và sẽ chứng kiến sự ứng dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong mọi mặt của đời sống mà ở đó công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin (CNTT) với sự xuất hiện một số công nghệ mang tính đột phá. Hay nói cách khác đó là công nghệ mới của CMCN 4.0 như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, Internet vạn vật... Chuyển đổi số (Digital transformation) là việc vận dụng tính luôn đổi mới, nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật để giải quyết vấn đề. Khái niệm được ra đời trong thời đại bùng nổ internet, mô tả những hoạt động đổi mới một cách mạnh mẽ và toàn diện trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Theo đó, chuyển đổi số thể hiện tính cách mạng của nó ở chỗ, nó thay trí tuệ con người, tạo ra một nguồn tài nguyên mới là dữ liệu và đưa vạn vật vào không gian mạng phục vụ con người ở mọi lúc, mọi nơi. Như vậy, “Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số. Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế 394
  3. số và xã hội số. Giống như khai phá những vùng đất mới, không gian mạng được mở rộng sẽ tạo dư địa và mở ra không gian phát triển mới cho đất nước” (Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng) Ngày 03 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg về Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo đó, khẳng định tầm nhìn đến năm 2030 “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Về quan điểm trong chuyển đổi số, Chính phủ xác định nhận thức đóng vai trò quyết định. “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển”. 1.2. Chuyển đổ số trong giáo dục Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, thì Giáo dục là lĩnh vực ưu tiên thứ hai sau Y tế. Do đó, chuyển đổi số trong giáo dục là một trong những yêu cầu cấp thiết cần phải làm ngay trong chiến lược phát triển chuyển đổi số quốc gia. Về quan điểm ưu tiên, Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục thực hiện việc: Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. Bên cạnh đó, việc triển khai công tác dạy và học từ xa, học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình cần được thực hiện. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học cần được thực hiện theo từng bước, đồng bộ và khoa học. 395
  4. Như vậy, chuyển đổi số buộc các cơ sở giáo dục phải có những thay đổi thích ứng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo gắn với đặc thù đơn vị, địa phương, đặc biệt là đối địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 là áp lực cho hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn, đó có thể là một diện mạo giáo dục hoàn toàn mới, với phương thức, cách thức, phương pháp, kĩ thuật, công cụ và phương tiện mới. Cũng cần phải hiểu rằng, chuyển đổi số trong giáo dục không đơn giản chỉ là số hóa các nguồn tài liệu mà còn bao gồm việc chuyển đổi phần cứng, kéo theo việc quản trị các nguồn lực dành cho giáo dục, đào tạo cũng thay đổi. Thực hiện chuyển đổi số là người học sẽ nghe thầy giáo giỏi nhất dạy qua môi trường số. Chuyển đổi số tạo cơ hội và động lực để người dạy và người học thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến. Sản phẩm của chuyển đổi số trong giáo dục tạo những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng trở thành công dân toàn cầu, chiếm lĩnh tri thức nhân loại một cách nhanh nhất, chính xác nhất, tiến bộ nhất. Theo nhận định của Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ: “Giáo dục nước ta đã có bước tiến lớn khi thể hiện được năng lực chuyển đổi sang học online qua đợt đại dịch Covid-19... Cơ sở dữ liệu toàn ngành đang được hoàn thiện, trong đó dữ liệu giáo dục phổ thông đã gần như hoàn chỉnh, 100% trường phổ thông được kết nối vào trục kết nối dữ liệu của ngành. Hầu hết các trường đại học áp dụng phương pháp học trực tiếp kết hợp trực tuyến, ngày càng nhiều trường xây dựng, khai thác và chia sẻ các kho học liệu trực tuyến”. 2. Vấn đề chuyển đổi số ở Trường CĐSP Điện Biên hiện nay 2.1. Những điều kiện thuận lợi Trường CĐSP Điện Biên là trường cao đẳng công lập, thuộc hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Với Sứ mạng được xác định: “Trường CĐSP Điện Biên là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên nghiệp vụ giáo dục bậc học Mầm non và đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực văn hóa xã hội trình độ cao đẳng; liên kết đào tạo trình độ đại học; là cơ sở NCKH, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế về đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp GD&ĐT và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên”. Tầm nhìn của Nhà trường: là “Trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bậc học cao đẳng và là trung tâm NCKH, công nghệ phục vụ nhu cầu học tập đáp ứng yêu cầu của xã hội”. 396
  5. Trong quá trình phát triển, Trường CĐSP Điện Biên nhận thức rõ quá trình phát triển giáo dục để đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, theo đó các điều kiện “cần” để nhà trường thích ứng với sự chuyển đổi đó là minh chứng cụ thể: Về hoạt động đào tạo: Trường CĐSP Điện Biên đã thực hiện hiệu quả ứng dụng CNTT trong đào tạo và quản lý người học. Nhà trường đã thường xuyên đổi mới về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Hoạt động lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên, khảo sát mức độ hài lòng về phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học, nội dung môn học và các điều kiện phục vụ học tập được triển khai thường xuyên thông qua hệ thống CNTT của trường. Về đội ngũ: hiện nay, trường hiện có 136 CBVC, người lao động. Trong đó: Biên chế cơ hữu 128; hợp đồng 8. Giảng viên cơ hữu: 119. Trong đó: 05 Tiến sĩ; 100 Thạc sĩ; 14 Cử nhân Đại học. Có 65 Giảng viên chính hạng II và 54 giảng viên hạng III. 100% giảng viên, CBQL đạt chuẩn theo quy định. Đội ngũ giảng viên luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng CNTT, tiếp cận công nghệ ứng dụng mới trong hoạt động chuyên môn và công tác quản lý. Về người học: tính đến 31/3/2021 Nhà trường có 569 sinh viên, trong đó 495 sinh viên là người dân tộc thiểu số; dân tộc rất ít người là 01. Sinh viên được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình học tập, tham gia các hoạt động xã hội và hoạt động trải nghiệm thực tiễn nghề nghiệp nhằm phát triển toàn diện. Việc tổ chức các hoạt động học và hoạt động xã hội được ứng dụng CNTT một cách tối đa nhất để mang lại hiệu quả tốt đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số. Về điều kiện CNTT đáp ứng quá trình chuyển đổi số: Nhà trường có đầy đủ phòng máy tính được nối mạng đáp ứng nhu cầu học tập của người học; có biện pháp hỗ trợ người học tiếp cận với công nghệ thông tin. Hiện nay, nhà trường có 03 phòng máy tính với 113 bộ được kết nối mạng đáp ứng nhu cầu học tập theo các CTĐT, trong đó, 01 phòng thực hành Tin học với 31 bộ; Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học – Hỗ trợ học tập quản lý 41 bộ để phục vụ tra cứu dữ liệu và thực hành tin học. Tổng số máy tính phục vụ công tác quản lý, điều hành là 77 bộ. Hệ thống mạng nội bộ của Trường có 05 máy chủ (01 quản lý đào tạo, 01 quản lý trang thông tin điện tử, 01 quản lý thi trắc nghiệm online, 01 quản lý hồ sơ công việc, 01 quản lý thư viện) và 177 bộ máy tính được kết nối mạng cáp quang; 01 máy chủ quản lý đề thi không kết nối mạng. Hệ thống mạng hoạt động ổn định, hiệu quả: Nhà trường đầu tư, sử dụng phần mềm quản lý có bản quyền, như: quản lý đào tạo, thi online, quản lý tài chính, quản lý nhân sự, quản lý văn bản, quản lý thư viện, quản lý tài sản. Khu vực các nhà làm việc, hội trường, giảng đường, khu nội trú... được phủ sóng wifi để thuận tiện cho cán bộ giảng viên và sinh viên tra cứu và trao đổi thông tin. 397
  6. Bên cạnh đó, Trường CĐSP Điện Biên đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng cho các đối tượng về năng lực ứng dụng CNTT cơ bản, hướng dẫn khai thác và sử dụng mạng. Hệ thống phòng máy đều có cán bộ phụ trách để hỗ trợ sinh viên học tập và tra cứu. Kết quả khảo sát, có 71% giảng viên và 81,2% sinh viên được hỏi trả lời rất hài lòng và hài lòng với việc Nhà trường có phòng máy tính được nối mạng đáp ứng nhu cầu học tập của người học. Có 85% giảng viên và 85,1% sinh viên được hỏi trả lời rất hài lòng và hài lòng với việc có biện pháp hỗ trợ người học tiếp cận với CNTT. Ngoài ra, Thư viện trường hiện có 8.009 đầu sách với 118.533 cuốn. Trong đó, sách phổ thông có 455 đầu với 26.998 cuốn; giáo trình có 1.282 đầu sách với 53.896 cuốn; sách tham khảo có 4.854 đầu sách với 35363 cuốn; luận văn, luận án có 53 đầu với 53 cuốn; báo, tạp chí có 1.246 đầu với 2.044 cuốn. Danh mục sách, tài liệu tham khảo được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Trường (http://www.cdspdienbien.edu.vn) khi cần, cán bộ giảng viên và sinh viên có thể tự khai thác trên hệ thống điện tử hoặc điện thoại thông minh của cá nhân. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu (CSDL) về hoạt động đào tạo của nhà trường, tình hình sinh viên tốt nghiệp, tình hình việc làm và thu nhập sau khi tốt nghiệp được tích hợp hành năm. Việc lưu trữ CSDL của trường được tiến hành khoa học hợp lý, toàn bộ CSDL về hoạt động đào tạo được tập hợp dưới dạng phần mềm quản lý đào tạo gồm: CSDL công tác tuyển sinh; hồ sơ quản lý sinh viên; chương trình, kế hoạch đào tạo; dữ liệu thi học phần; dữ liệu đánh giá kết quả học tập; dữ liệu đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên; dữ liệu tốt nghiệp; dữ liệu khảo sát tình hình việc làm và thu nhập của sinh viên tốt nghiệp.... Việc lập hồ sơ và quản lý được quy định rõ ràng trong văn bản Quy định chức năng, nhiệm vụ các đơn vị trực thuộc Trường CĐSP Điện Biên. Có thể khẳng định, ở mức độ ban đầu, Trường CĐSP Điện Biên đảm bảo điều kiện “cần” để đáp ứng quá trình chuyển đổi số trong thời gian tới. 2.2. Những vấn đề thực tiễn đặt ra Bên cạnh những điều kiện thuận lợi như đã đề cập ở trên, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề thực tiễn đặt ra và xem như là điều kiện “đủ” để thực hiện chuyển đổi số ở Trường CĐSP Điện Biên, đó là: Một, vấn đề về phát triển hạ tầng kỹ thuật: Hiện tại, một số thiết bị CNTT hiện đại còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu cài đặt, vận hành các hệ thống thông tin an toàn. Một số thiết bị phục vụ công tác quản lý, dạy và học đã xuống cấp, lỗi kỹ thuật, hết niên hạn sử dụng, hiện có khoảng 1/3 máy tính quá niên hạn sử dụng theo quy định, cần thay thế mới. Hai, cơ sở hạ tầng về mạng: trong đó có hệ thống mạng, mạng LAN, mạng Internet đôi lúc còn gặp sự cố do ảnh hưởng của thời tiết; mạng 4G, 5G có lúc 398
  7. chưa kết nối liên tục, ổn định do địa thế vùng miền... Điều này đặt ra vấn đề chưa đảm bảo tính sẵn sàng thực hiện kết nối, triển khai các ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh. Ba, việc sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại của một số giảng viên phục vụ dạy học trực tuyến, dạy học STEM, STEAM, STREAM... còn chưa được khai thác sử dụng thường xuyên. Chủ yếu được dùng trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19. Bốn, các hoạt động NCKH và mở rộng hợp tác quốc tế ứng yêu cầu phát triển giáo dục còn hạn chế. Việc chủ động nghiên cứu khoa học công nghệ số mới chỉ dừng lại ở một số cá nhân trong quá trình tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng; chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của việc chuyển giao kết quả nghiên cứu tới địa phương; tỉ lệ giảng viên tham gia hợp tác quốc tế về NCKH còn ít. Năm, sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của ngành về kỹ thuật và chính sách tham gia vào quá trình chuyển đổi số còn mới chỉ dừng ở việc tăng cường ứng dụng CNTT. Viêc tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyên môn về ứng dụng CNTT cơ bản và nâng cao, đặc biệt là về chuyển đổi số phục vụ quản lý, chỉ đạo điều hành, chuyên môn nghiệp vụ đối với các cơ sở giáo dục đào tạo trong tỉnh còn chưa thường xuyên. Sáu, trong bối cảnh chung các trường CĐSP hiện nay, nhà trường còn gặp khó khăn về kinh phí để hoàn hoàn thiện hạ tầng mạng mới, đầu tư lớn về tài chính và nhân lực, hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin. Bên cạnh đó, vấn đề khó khăn trong tuyển sinh đầu vào cũng đặt ra những yêu cầu thực tiễn không nhỏ đối với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ quá trình chuyển đổi số… Bảy, sinh viên của trường chiếm 92% là người dân tộc thiểu số trong tỉnh. Điều kiện để trang bị các thiết bị như: máy tính cá nhân, điện thoại thông minh.... để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số là vấn đề cần quan tâm. 3. Một số giải pháp đáp ứng yêu cầu Chuyển đổi số ở Trường CĐSP Điện Biên hiện nay Trên cơ sở đánh giá thực trạng trên đây, chúng tôi đề ra một số giải pháp cụ thể gắn với thực tiễn đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở Trường CĐSP Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025. Thứ nhất, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và quyết tâm cùng thực hiện việc nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, các ứng dụng kỹ năng số cho cán bộ, giảng viên, sinh viên nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục, xây dựng nhà trường trở thành cơ sở tiên phong trong tỉnh. Thứ hai, tiếp tục nâng cao công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Kế hoạch số 832/KH-UBND ngày 29/3/2021 của UBND tỉnh Điện Biên, Hướng dẫn số 399
  8. 828/HD-SGDĐT ngày 20/4/2021 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” tới toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên toàn trường nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy thực hiện trong quá trình dạy - học và nghiên cứu khoa học. Thứ ba, xây dựng có cơ chế khuyến khích cán bộ, giảng viên, sinh viên sử dụng CNTT hiện đại, phù hợp với mục đích yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục. Đảm bảo tính thống nhất, đáp ứng yêu cầu kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu trong trường với các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh. Thứ tư, chú trọng bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên về ứng dụng CNTT, an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Theo đó, tập trung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ, bồi dưỡng sử dụng các ứng dụng tiện ích trong điện thoại thông minh, máy tính cá nhân. Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động NCKH trực tuyến hỗ trợ giảng viên dạy học đối với việc bồi dưỡng thường xuyên cho người học ở các huyện, xã khó khăn trong tỉnh. Đặc biệt là trong quá trình bồi dưỡng các lớp chuẩn chức danh nghề nghiệp, các lớp liên kết đại học... Thứ sáu, yêu cầu giảng viên sử dụng thành thạo các công nghệ Big data, AI, Blockchain… với cơ sở dữ liệu số chuyên ngành nhằm xây dựng các hệ thống thu thập thông tin đưa ra các dự báo về người học trong quá trình đánh giá, theo dõi. Sử dụng thành thạo các phần mềm như Kahoot, Wheel of Names để tăng sự tương tác, kết nối giáo dục. Thứ bảy, trong giai đoạn đầu của chuyển đổi số, tăng cường thúc đẩy truyền thông tới sinh viên đặc biệt là sinh viên người dân tộc thiếu số về chuyển đổi số. Nhằm hướng các em tiếp cận được với công nghệ một cách thường xuyên, sử dụng thành thạo hơn các ứng dụng trên các thiết bị di động, máy tính cá nhân... tạo tiền đề chuyển đổi tư duy của sinh viên là người dân tộc thiểu số. Một số giải pháp được đề xuất ở trên nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở Trường CĐSP Điện Biên gắn với thực tiễn giáo dục tại các trường cao đẳng sư phạm miền núi hiện nay. Vấn đề này cần được bàn thảo, trao đổi một cách khoa học và cần được chia sẻ thực hiện một cách đồng bộ trong hệ thống các trường cao đẳng cả nước. III. Kết luận Quá trình chuyển đổi số trong giáo dục với những thay đổi tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho ngành giáo dục đào tạo là sự vận hành tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải có 400
  9. những nhận thức đúng về điều kiện “cần” và “đủ” để triển khai đồng bộ trong cán bộ, giảng viên, sinh viên. Việc đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi số ở Trường CĐPS Điện Biên đã và đang từng bước được quan tâm thực hiện. Các giải pháp trên đây không chỉ phù hợp, khả thi đối với Trường CĐSP Điện Biên mà còn ở các cơ sở giáo dục cao đẳng sư phạm trong nước. Trên cơ sở kết nối, chia sẻ đó, các trường Cao đẳng sẽ có thêm những ý tưởng mới để cùng nhau vận dụng sáng tạo nhằm tạo ra bước đột phá trong chuyển đổi số góp phần vào thành công chung của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Tài liệu tham khảo: [1]. Trần Thanh Bắc (2019), “Một số vấn đề đặt ra đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số ở Trường CĐSP Điện Biên trong việc đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Tự chủ hoạt động KHCN tại các trường Đại học đáp ứng yêu cầu của Cuộc CMCN 4.0, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [2]. Hiệp hội các trường Đại học – Cao đẳng (2018), “Đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường Đại học, Cao đẳng”,NXB Đà Nẵng. [3]. Hướng dẫn số 828/HD-SGDĐT ngày 20/4/2021 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên về “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025”. [4]. Kế hoạch số 832/KH-UBND ngày 29/3/2021 của UBND tỉnh Điện Biên về “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” [5]. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế (2019), “Tự chủ hoạt động khoa học công nghệ tại các trường Đại học đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội [6]. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. 401
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
7=>1