Một số phong tục làng Việt liên quan đến việc xây dựng, tu bổ các di tích kiến trúc nghệ thuật
lượt xem 4
download
Bài viết Một số phong tục làng Việt liên quan đến việc xây dựng, tu bổ các di tích kiến trúc nghệ thuật làm rõ các khía cạnh của hai phong tục liên quan đến việc xây dựng và tu bổ di tích của làng xã người Việt xưa kia. Đó là tục đặt hậu và tục công đức.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Một số phong tục làng Việt liên quan đến việc xây dựng, tu bổ các di tích kiến trúc nghệ thuật
- 22 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI MỘT SỐ PHONG TỤC LÀNG VIỆT LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC XÂY DỰNG, TU BỔ CÁC DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT Vũ Văn Hiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Tóm tắt: Bài viết làm rõ các khía cạnh của hai phong tục liên quan đến việc xây dựng và tu bổ di tích của làng xã người Việt xưa kia. Đó là tục đặt hậu và tục công đức. Nguồn gốc của các tục đó là sự gắn bó của người nông dân với làng xã - nơi mà đa số họ sinh ra, lớn lên và gắn bó cả cuộc đời với cộng đồng; là niềm tin gửi gắm tâm linh vào các di tích thờ cúng. Mỗi tục có thể thức riêng, song đã huy động tới mức cao nhất sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong làng vào việc xây dựng, gìn giữ các di tích thờ cúng, như đình, chùa, đền miếu, nhà thờ dòng họ,… Nhiều di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao, đến nay được công nhận là di sản văn hóa quốc gia. Việc ghi nhận các đóng góp của các cá nhân, tập thể với di tích qua hai phong tục trên được thể hiện trên bia, chuông, khánh, bảng khắc gỗ. Ngày nay, tục đặt hậu không còn, tục công đức vẫn được duy trì, nhưng ở nhiều địa phương đang diễn ra theo xu hướng ganh đua, việc ghi nhận đóng góp còn bộc lộ sự phân biệt giàu nghèo, gây mất đoàn kết trong cộng đồng. Từ khóa: Đặt hậu, công đức, phong tục, làng xã, di tích. Nhận bài ngày 5.3.2022; gửi phản biện, chỉnh sửa, duyệt đăng ngày 26.4.2022 Liên hệ tác giả: Vũ Văn Hiệp, Email: vuhiep1301@gmail.com 1. MỞ ĐẦU Hàng nghìn năm sinh sống trong các làng, các thế hệ người nông dân Việt đã tạo dựng được một hệ thống các di tích thờ cúng, đáp ứng được yêu cầu về đời sống tâm linh trên nền một cơ sở kinh tế là nông nghiệp ruộng nước. Các di tích đó gồm đình (trung tâm sinh hoạt chính trị - xã hội, nơi thờ thành hoàng, là trung tâm tổ chức các sinh hoạt tâm linh, văn hóa của làng), đền miếu (nơi chính thờ thành hoàng), chùa (nơi thờ Phật) và nhà thờ dòng họ (nơi thờ tổ và nơi sinh hoạt chung của một cộng đồng huyết thống). Rất nhiều công trình tín ngưỡng trên đây đã trở thành di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo, nhiều di tích nay đã trở thành di sản văn hóa quốc gia, di tích cấp quốc gia đặc biệt. Các di tích được xây dựng và bảo tồn qua năm tháng là kết quả của sự chung sức đóng góp về công, của, tâm trí của các thế hệ dân làng, nhờ một số phong tục tập quán được hình thành từ lâu đời. Bài viết này nêu các khía cạnh có liên quan đến hai phong tục có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc hình thành và gìn giữ các di tích thờ cúng (đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ) trong làng xã. Đó là tục đặt hậu và tục công đức. 2. NỘI DUNG
- TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 59/2022 23 2.1. Hai phong tục tiêu biểu liên quan đến xây dựng và tu bổ di tích 2.1.1. Tục đặt hậu Theo Nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính, “Hậu” nguyên nghĩa chữ Hán là “sau”. Đặt hậu (hay gửi hậu, bầu hậu) là một tục của các làng xã người Việt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Theo đó, những người không có con hoặc không có con trai hiến cho một tổ chức nào đó một số ruộng và tiền để được tổ chức đó cúng giỗ sau khi chết tại một di tích (Bùi Xuân Đính, 2012, tr. 102). Có nhiều kiểu đặt hậu: Hậu xóm (hoặc hậu họ, hậu giáp, tức đặt hậu cho xóm, hoặc giáp, họ, người đặt hậu sẽ được các tổ chức đó làm giỗ sau khi mất); Hậu Phật hay hậu chùa (đặt hậu vào nhà chùa); Hậu thần (đặt hậu cho làng). Trong các kiểu đặt hậu trên, đặt hậu cho họ, cho chùa và cho làng có tác dụng rất lớn trong việc xây dựng và tu bổ các di tích (nhà thờ dòng họ, chùa và đình) của từng tổ chức tương ứng (dòng họ, nhà chùa và cộng đồng làng). Đặt hậu cho dòng họ (hậu họ) sẽ góp phần xây dựng, tu bổ nhà thờ dòng họ - di tích luôn thể hiện niềm tự hào của dòng họ. Nhiều nhà thờ bề thế, kiến trúc đẹp ngoài sự đóng góp phân bổ theo suất đinh cùng sự đóng góp tự nguyện của người trong họ, nhất là người làm quan, người giàu có, còn là kết quả của nhiều người đặt hậu cho họ). Đặt hậu Phật (hay hậu chùa) có hai dạng: người gửi giỗ bình thường và người giàu có hiến cho làng một lượng lớn tiền, của, ruộng đất để dựng mới hoặc tu bổ lớn chùa, nên được tôn làm hậu Phật và được cúng giỗ một cách trang trọng ở chùa sau khi mất (cả làng cúng giỗ tại chùa). Trên văn bia còn lưu cho thấy, những người đặt hậu kiểu này thường là các cung phi, cung tần (thường là người làng, song nhiều trường hợp là người nơi khác, nhưng có nhiều mối quan hệ xã hội, tình cảm với dân làng, quan hệ tâm linh với ngôi chùa); nếu là nam giới thường là văn quan, võ quan các cấp (trong đó nhiều người là thái giám, đa phần là người làng, một số là con rể của làng). Để được bầu hậu, họ phải hiến một nguồn tài sản lớn từ số bổng lộc của mình (hàng vài trăm quan, hàng chục mẫu ruộng đất). Đặt hậu thần hay đặt hậu cho làng: người đặt hậu sau khi mất được làng lập ban thờ ở đầu hồi đình (hoặc ở gian gần cuối của đình), có trường hợp lập bàn thờ khi người đó còn sống; được làng làm giỗ với nghi thức tế lễ trang trọng (cũng gọi là giỗ hậu), làng sửa lễ (lễ mặn). Vào ngày hội làng, vong linh người đặt hậu được tôn làm hậu thần được mời về dự hội. Con cháu của người đặt hậu được chia một phần lộc. Đặt hậu thần có ba điểm khác biệt: Người đặt hậu thường là người thật giàu có, hiến cho làng một lượng lớn tiền của và ruộng đất (hàng vài trăm, thậm chí hàng nghìn quan tiền và hàng chục mẫu ruộng, có khi còn kèm cả ao). Người đặt hậu còn phải là người có đức độ, uy tín với dân làng, vì nếu giàu có, nhưng ăn ở không đức độ (kênh kiệu, coi thường người nghèo…), làng sẽ không nhận đặt hậu. Người đặt hậu có thể không có con, nhưng cũng có thể có con, thậm chí đủ cả con trai con gái, cháu trai cháu gái. Không chỉ đặt hậu cho mình, người đặt hậu có thể đặt cho cả bố mẹ, vợ con mình. Trường hợp này, số tiền, ruộng đóng góp cho làng rất lớn, tùy từng trường hợp cụ thể, thời điểm cụ thể, theo quy định, lệ riêng của từng làng. Khi người đặt hậu và tổ chức có di tích để người đó gửi gắm tâm linh chấp thuận các điều cơ bản, hai bên sẽ ký kết thỏa thuận và thỏa thuận này sẽ được khắc vào một tấm bia, với kích thước, dung lượng chữ và nội dung cụ thể
- 24 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI tùy từng trường hợp, song về cơ bản, nội dung bia thường chia hai mặt: - Mặt trước: có các nội dung: những người đại diện cho xóm - ngõ (hay giáp, dòng họ), chùa hay cho cộng đồng làng, ở thôn ……, xã ……, thỏa thuận để bà/ông ………. (có trường hợp cả ông, bà) đặt hậu với số ruộng (có thể cả đất, ao) là ….. sào, …… thước và số tiền là ….. quan; sau này ông/bà …… chết, xóm (họ, giáp), nhà chùa và làng sẽ cúng giỗ với lễ gồm ….. (thủ lợn hoặc gà, có trường hợp cả lợn, nếu đặt nhiều ruộng, xôi rượu, cùng hoa quả - thường là chuối và vàng mã, riêng với đặt hậu chùa thì chỉ cúng đồ chay là xôi, oản, chuối). Bên dưới ghi thời điểm lập bia (niên hiệu triều vua, ngày tháng, năm). Bia đặt hậu cho nhà chùa thường có tiêu đề “Hậu Phật bi ký” (Bia ghi việc đặt hậu cho nhà Phật hay cho chùa); còn bia đặt hậu cho đình thường có tiêu đề “Hậu thần bi ký”. Mặt sau của bia liệt kê diện tích của các thửa ruộng, tại các xứ đồng của người đặt hậu. Sau khi người đó chết, số ruộng trên giao lại cho tổ chức nhận đặt hậu (xóm - ngõ, hay giáp, dòng họ, nhà chùa hoặc làng), trở thành ruộng công của tổ chức đó, hàng năm cho đấu thầu. Người trúng thầu phải nộp lại số thóc theo quy định, hoặc phải sửa lễ theo định lượng được ghi trong bia vào ngày giỗ của người gửi giỗ. Còn số tiền, được tổ chức nhận đặt hậu sử dụng vào việc xây dựng hoặc tu bổ di tích thờ cúng, nếu thừa thì để dùng vào việc chung về sau của tổ chức (Nguyễn Quang Khải, 2016, tr. 45; Bùi Xuân Đính, 2021, tr. 723). Việc lập bia được tiến hành ngay sau khi cá nhân giao tiền và ruộng cho tổ chức có di tích. Văn bia thường do các bậc túc nho, “văn hay chữ tốt” soạn, nhiều trường hợp do các bậc đại khoa soạn (Phạm Thị Thùy Vinh, 2003, tr. 103 - 116). Phần lớn các bia được làm bằng đá xanh, bao gồm đá trầm tích, đá sa thạch, đá vôi. 2.1.2. Tục công đức “Công đức” nguyên nghĩa chữ Hán (功德) là công nghiệp và đức hạnh; song trong đời sống làng Việt, từ “Công đức” dùng để chỉ việc đóng góp của một hoặc nhiều cá nhân, một tổ chức (chẳng hạn giáp, hội đồng niên, hội tư văn, hội lão…) vào việc xây dựng, tu bổ một công trình thờ cúng (đình, chùa, đền miếu) hoặc một công trình chung của làng, như cầu, cống, nhà cầu, trường học, giếng nước… ; hoặc di tích của các tổ chức nhỏ trong làng như dòng họ (nhà thờ), xóm ngõ (điếm xóm). Việc đóng góp dưới hình thức công đức được thực hiện bằng tiền, vàng, bạc, ruộng, ao, thóc hoặc bằng vật liệu (thường là gỗ quý để làm cột), tùy điều kiện, khả năng của từng người và tùy tập tục từng làng, yêu cầu của làng ở thời điểm xây dựng hoặc trùng tu di tích. Những đóng góp này được cộng đồng ghi nhận bằng hình thức lập bia đá hoặc viết, khắc trên ván gỗ; riêng đóng góp vào việc đúc chuông, khánh trong các di tích thì đóng góp của các tổ chức và cá nhân được ghi trực tiếp trên di vật đó. Do hình thức và mức độ đóng góp khác nhau, trên văn bia thường ghi và phân thành 3 dạng. - Dạng thứ nhất: một người khởi xướng (xướng xuất hay đề xuất) việc xây dựng hoặc tu bổ một di tích (thường là đình, chùa, một số là cầu cống) và chủ động ủng hộ một lượng lớn tiền của, ruộng …, để làng và nhà chùa dựng hoặc tu bổ đình, chùa. Từ sự khởi xướng của người này mà sau đó, có nhiều nhóm, nhiều cá nhân trong một tổ chức, trong và ngoài làng đóng góp theo. Bia đá ghi sự việc này thường có tiêu đề “Hưng công bi ký”. Đoạn đầu của văn bia kể (ca ngợi) tiểu sử, công lao, đức độ của người hưng công; tiếp theo đưa ra số
- TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 59/2022 25 tiền, ruộng… mà người đó hiến cho tổ chức trong việc xây dựng, tu bổ di tích. Bên dưới liệt kê diện tích, xứ đồng của các thửa ruộng góp vào việc xây dựng, tu bổ công trình. Trong một số trường hợp, cá nhân hưng công này có thể được bầu làm hậu Phật (với việc xây dựng tu bổ chùa), hay hậu thần (với việc dựng đình hoặc các công trình khác); hoặc vừa là hậu thần, vừa là hậu Phật. Một người đứng đầu một nhóm bạn bè (chẳng hạn, hội đồng niên ở tuổi nào đó) hay một tổ chức (như hội tư văn, giáp, dòng họ, phường nhạc…) quyên tiền, bạc (hoặc ruộng…) vào việc xây dựng, tu bổ các công trình chung của làng (hoặc của các tổ chức trong làng). Người đứng đầu nhóm này được gọi là “Hội chủ” và được làng xã ghi nhận trong bia, với các hàng chữ “Hội chủ (họ tên, chức vị xã hội, địa chỉ …) cùng số tiền, ruộng hoặc vật chất đóng góp. Các cá nhân đóng góp riêng lẻ, gọi chung là Công đức. Một số bia ở mặt sau thường có tiêu đề “Công đức bi ký”, ghi họ tên, quê quán (hoặc tổ chức của người tham gia đóng góp, có thể ghi cả chức vị xã hội) và số tiền của từng người. Có trường hợp, tiêu đề của bia (mặt chính bia) được ghi là “Công đức bi ký” hoặc bia “Thập phương công đức”. Một điều đáng trân trọng của tục lệ làng xã xưa kia là rất công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng trong ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân vào việc dựng mới, tu bổ di tích, trân trọng tấm lòng của mỗi người, bất kể người đó là người làng đang sinh sống tại quê hay người làng sống xa quê, hoặc người từ nơi khác đến ủng hộ; là người có địa vị xã hội nào, đóng góp bao nhiêu... Tất cả đều được khắc ghi rõ họ tên, quê quán, chức vị xã hội và số tiền, của đóng góp trên bia, trên ván gỗ hoặc trên chuông, khánh, không có hiện tượng chỉ khắc (hoặc ghi) tên những người đóng góp nhiều, “bỏ qua” những người đóng góp ít. Đó là vì, ngoài việc trân trọng tấm lòng, làng xã xưa kia thấy rõ việc một người nghèo công đức một vài mạch, văn (tiền thời Lê, Nguyễn) hoặc hào, xu (tiền thời Pháp thuộc) còn vất vả, khó khăn hơn rất nhiều so với người giàu có công đức hàng chục quan - đồng (ứng với hai thời kỳ trên). Tuy nhiên, làng xã rất trân trọng những người đóng góp lớn, nhất là những người hưng công, hội chủ, bởi “Nhà giàu một bó, nhà khó một nén”, chỉ có các “bó” của nhà giàu mới tạo ra nguồn lực lớn, chủ đạo cho việc xây dựng, tu bổ công trình; còn các “nén” của nhiều “nhà khó” hợp lại cũng sẽ tạo ra “bó” để có tiền, của cho công việc. Đó là ý nghĩa xã hội, nhân văn của tục công đức (Bùi Xuân Đính, 2021, tr. 720 - 725). 2.2. Một vài đánh giá về tục đặt hậu hậu và tục công đức 2.2.1. Về nguồn gốc của các phong tục Nguồn gốc sâu xa của tục đặt hậu và tục công đức là sự gắn bó của các thành viên với cộng đồng làng xã, ý thức muốn được đóng góp công sức của mình vào các công trình chung, ở đây là các đình, chùa, đền miếu, nhà thờ dòng họ - những công trình tâm linh có sức thu hút mạnh mẽ với mỗi người. Tục đặt hậu và tục công đức thể hiện quan niệm “lộc bất tận hưởng” của người Việt: những người làm quan các cấp, người làm cung phi trong cung vua phủ chúa có nhiều bổng lộc, không nên hưởng lộc một mình, cần phải chia (san sẻ) cho người khác và phải sản sẻ công bằng, bằng cách hiến vào đình chùa, nhờ thần, Phật ban phát sẽ “công bằng” hơn, đều khắp hơn và “danh giá” hơn, vì “Một miếng lộc thánh bằng một gánh
- 26 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI lộc trần”. Đối với những người làm ăn, buôn bán phát đạt cũng vậy, họ muốn gửi gắm chút lộc nhờ buôn bán vào đình chùa, để mong thần, Phật tiếp tục phù hộ cho họ được hanh thông, phát đạt, tránh được những rủi ro trong bước đường làm ăn sắp tới. Tục đặt hậu ngoài việc thể hiện sự lo toan của nguời Việt về việc thờ cúng mình sau khi chết, còn thể hiện tâm lý muốn khẳng định mình có một “vị thế” trước cộng đồng ở thế giới bên kia. Theo lệ của người Việt, việc cúng giỗ mỗi người là phận sự của con cái (con trai), trong phạm vi gia đình. Tuy nhiên, trường hợp một cá nhân không có con trai, sẽ lo lắng mình không có người chăm sóc phần hồn sau khi mất, nên phải nhờ cộng đồng (cộng đồng nhỏ hẹp là xóm ngõ, dòng họ, phe giáp, thông qua tục đặt hậu xóm, hậu họ và hậu giáp; cộng đồng lớn hơn là nhà chùa - nơi có đông đảo người làng đến hoạt động tâm linh và đình - ngôi nhà chung, trung tâm sinh hoạt chính trị xã hội, tâm linh và văn hóa của cả làng). Càng được cộng đồng lớn, đông người cúng giỗ, họ càng được siêu thoát ở thế giới bên kia. Nếu khi sống, mỗi thành viên trong làng luôn muốn có một vị thế xã hội của mình trước làng xóm, thì sau khi qua đời, họ cũng muốn được cộng đồng chăm lo phần hồn. 2.2.2. Tác dụng của các tục đặt hậu, công đức Thực chất của việc đặt hậu là một người đem một số ruộng và tiền cho một tổ chức nào đó để được cúng giỗ sau khi chết. Đây là quá trình chuyển một diện tích ruộng đất tư hữu thành ruộng công của một tổ chức, về sau được gọi là “ruộng bán công bán tư”; chuyển một bộ phận “tư quỹ” (tiền riêng) thành công quỹ. Số ruộng trên sau trở thành ruộng công của xóm, họ, giáp, ruộng chùa hoặc của làng (tùy đối tượng đặt hậu) và được mỗi tổ chức đó sử dụng chung, bằng các hình thức khác nhau, tùy quy định của từng tổ chức: hoặc đem đấu thầu theo mùa vụ, để lấy hoa lợi phục vụ việc thờ cúng; hoặc giao cho lần lượt từng người cày cấy và sửa lễ; nếu có nhiều ruộng thì phân cho các thiết chế, hay một nhóm cá nhân cùng cày cấy và sửa lễ (riêng với đặt hậu cho họ, ruộng hậu trở thành ruộng họ, thường do trưởng họ canh tác và có trách nhiệm sửa lễ cho cả giỗ họ và giỗ hậu). Tóm lại, nhờ số ruộng đặt hậu này mà các tổ chức có di tích có được cơ sở kinh tế để duy trì các hoạt động thờ cúng và trong nhiều trường hợp duy trì được các sinh hoạt văn hóa (chẳng hạn, ở nhiều làng, kinh phí cho các trò diễn hội làng, hoặc cho các gánh hát, hoặc đoàn múa rối về làng biểu diễn trong hội làng, được cấp từ nguồn thu từ ruộng hậu thần). Số ruộng hậu cũng giúp cho một số người nghèo không có ruộng đất tư, có một phần ruộng đất để cày cấy trong một thời hạn nhất định với mức tô vừa phải, không phải đi cày cấy thuê ruộng của địa chủ với mức tô cao, góp phần giúp họ vượt qua những khó khăn trong những thời đoạn nhất định. Đối với số tiền của những người đặt hậu, tiền và nguyên vật liệu (cả đồ thờ cúng) của những người công đức đã giúp cho xóm, giáp, họ, nhà chùa và làng có thêm một nguồn kinh phí (nguyên vật liệu, đồ thờ) để tu bổ các công trình chung, khi công trình đó đã bị xuống cấp, đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn, mà ở nhiều làng nghèo, dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, huy động sức dân đóng góp rất khó khăn, thậm chí ở cả những làng có kinh tế khá cũng không dễ dàng huy động được. Như vậy, đặt hậu và công đức là hai hình thức huy động tài chính hữu hiệu phục vụ cho việc xây dựng và tu bổ các di tích thờ cúng. Nhờ có nguồn lực tài chính của tục đặt hậu và công đức, các tổ chức xóm ngõ, phe giáp, dòng họ, nhà chùa và cộng đồng làng xã đã xây dựng hoặc tu bổ khang trang các di tích, vừa
- TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 59/2022 27 là nơi sinh hoạt tâm linh, vừa là nơi sinh hoạt xã hội của mình. Các di tích này (cùng với cổng làng, đường làng, ngõ xóm) vừa là bộ mặt vật chất của làng, cùng với các lễ tiết thờ cúng và các sinh hoạt văn hóa là bộ mặt vật chất - tinh thần của mỗi cộng đồng cư dân làng Việt cũng như các thiết chế nhỏ trong đó. Các di tích thờ cúng mà các làng xã cũng như các thiết chế tổ chức trong đó xây dựng, tu bổ nhờ nguồn lực tài chính từ tục đặt hậu và công đức có giá trị kiến trúc và nghệ thuật rất cao. Về kiến trúc, thể hiện ở bộ vì kèo chắc chắn, khỏe khoắn, nhờ mua (hoặc được công đức) các loại gỗ tốt. Về nghệ thuật, thể hiện ở các họa tiết trang trí trên các bức cốn, các kẻ bẩy, bức cửa võng (với đình), con rồng trên nóc, các đầu đao (đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ), các bộ kiệu rước thần. Với các chùa, giá trị của chúng thể hiện rất rõ ở hệ thống tượng. Nhiều chùa có được hệ thống tượng mang nét độc đáo riêng, từ thế kỷ XVI - XVII, như là những kiệt tác, thể hiện tài hoa của hiệp thợ và những người thợ. Đặc biệt, rất nhiều chùa có các bức tượng hậu (tượng người đặt hậu), tả chân thực, chủ yếu ở tư thế ngồi, là tư liệu quý để nghiên cứu về vóc dáng người Việt ở thời điểm lập bia hậu. Có thể nói, chỉ với lượng lớn tiền bạc nhờ tục đặt hậu và công đức, làng xã cũng như các thiết chế tổ chức trong đó mới có được tiềm lực kinh tế mạnh (hay “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”) để xây dựng các di tích thờ cúng với quy mô kiến trúc bề thế theo ý muốn, cùng việc trang trí nghệ thuật và các đồ nội thất, đồ thờ cúng bên trong tương xứng. Rất nhiều trường hợp, lượng tiền thu được từ đặt hậu và kèm theo đó là công đức, hưng công rất lớn, đủ để xây dựng (hay tu bổ) cả đình và chùa (hoặc đình - đền); tránh được tình trạng “Giàu làm kép, hẹp làm đơn”, dẫn đến xây dựng công trình một cách “vừa phải”, thậm chí “giật gấu vá vai”, không đồng bộ giữa các bộ phận của một công trình hay giữa các công trình, vì thiếu tiềm lực, một thời gian sau phải tiến hành trùng tu. Một giá trị và tác dụng thiết thực khác là nhờ tục đặt hậu và tục công đức, các di tích trong làng xã có được nguồn bia đá, chuông, khánh, bảng khắc gỗ ghi lại việc các thành viên của xóm ngõ, dòng họ, phe giáp, nhà chùa, của làng đóng góp tiền của, ruộng đất vào việc xây dựng và tu bổ di tích. Văn bia, chuông khánh là di sản Hán Nôm có giá trị về nhiều mặt. Trước hết, về mặt văn bản học, cho biết rõ văn phong, chữ húy ở thời điểm lập văn bản; thân thế và sự nghiệp của những người soạn thảo minh văn; các thiết chế tổ chức (xóm ngõ, dòng họ, phe giáp…), các giai tầng xã hội (thể hiện ở mức độ đóng góp công đức của các thành viên) trong làng xã, lệ tục của làng… Về phương diện nghệ thuật, nghệ thuật tạo tác bia, chuông, khánh thể hiện ở kiểu dáng tổng thể của mỗi loại hình di vật, cũng như từng bộ phận của chúng (chẳng hạn với bia là diềm bia, trán bia; với chuông là quai chuông). Đặc biệt là hình thức hoa văn trên diểm bia, trán bia, con rồng ở trán bia, con rồng trên quai chuông…, đều có những phong cách, mang ký hiệu riêng ở từng vương triều, thậm chí triều vua. Tục đặt hậu còn góp phần quan trọng vào việc giáo dục, đạo đức, lối sống cho các cá nhân; đòi hỏi mỗi người khi sống phải có đức độ để đến khi chết mới được tổ chức, cộng đồng cúng giỗ (nếu có nhu cầu); không phải cứ giàu sang, có tiền, có ruộng giao lại cho tổ chức, cộng đồng là được chấp nhận thờ, cúng. Đặc biệt với người đặt hậu thần, để được cả làng cúng giỗ và thờ ở đình, không chỉ đòi hỏi cá nhân đó phải thật sự đức trọng, mà cả anh em người đó cũng phải sống “biết điều”, nếu không, sẽ bị làng từ chối nhận đặt hậu, dù làng có thiếu tiền
- 28 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI bạc cho việc xây dựng tu bổ di tích thờ cúng. Rất nhiều trường hợp, người đặt hậu không hẳn được sự đồng thuận, suy tôn của cả làng, nhất là bị người có mâu thuẫn trước đó, hoặc người của các dòng họ, phe phái đối lập phản đối (Bùi Xuân Đính, 2021, tr.725). 2.3. Những vấn đề đặt ra về tục đặt hậu và công đức ở một số làng xã hiện nay Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 và trong kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), tục đặt hậu chỉ còn hãn hữu ở một số làng quê, chủ yếu là ở phạm vi xóm, dòng họ, số ít ở nhà chùa, hầu như không còn tục đặt hậu thần. Đến khi hòa bình lập lại, thực hiện cải cách ruộng đất, tục này chính thức không còn tồn tại, vì ruộng đất đã chuyển đổi hình thái sở hữu, việc thờ cúng ở đình, đền, miếu bị hạn chế. Còn tục công đức vẫn được duy trì một cách bền bỉ, vì các đình, chùa, đền miếu, nhà thờ họ vẫn tồn tại, dù có nơi không được chính quyền quan tâm, nhưng cộng đồng vẫn gắn bó, quyết tâm bảo tồn. Tùy từng địa phương và từng thời điểm mà việc công đức vào việc tu bổ di tích được thể hiện đậm nhạt khác nhau, song từ nhìn chung, do các di tích không được quan tâm tu bổ, việc thờ cúng bị hạn chế, nhiều nơi cấm đoán, nên việc công đức rất mờ nhạt, nhiều nơi không được thể hiện hay không có điều kiện để thể hiện. Từ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 trở đi, trong phong trào phục dựng, tôn tạo đình chùa, đền miếu, nhà thờ dòng họ… ở các làng xã, tục công đức được phục hồi rộng khắp và mạnh mẽ, đã huy động được nguồn lực đóng góp về tiền, vật chất và cả công sức của các tập thể, cá nhân trong cộng đồng, người làng làm ăn, sinh sống xa quê; nhiều nơi huy động được sự ủng hộ của người ngoài cộng đồng có quan hệ “vị cây dây quấn” với người làng và với làng. Tuy nhiên, trong việc huy động này, ở nhiều địa phương đã sớm bộc lộ những lệch lạc, khi lập bia (hoặc lên danh sách công khai trên giấy) ở di tích, chỉ ghi tên những người đóng góp nhiều (số lượng cụ thể tùy từng làng, dòng họ quy định ở từng thời điểm), không ghi tên người đóng góp “dưới” mức quy định” (tuy nhiên, số tiền đóng góp của họ vẫn được ghi trong sổ gốc). Việc này đã tạo ra sự ganh đua, làm cho người nghèo khó phải “cố” theo người giàu, gây ra sự thiếu đồng thuận. Điển hình là làng Phương La (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), trong đợt tôn tạo các di tích những năm 2004 - 2007, trên các tấm bia ghi nhận công đức, chỉ ghi tên những người đóng góp số lượng vàng lớn (ít nhất là 5 chỉ, nhiều là hàng chục lượng, tạo ra sự ganh đua, làm cho “người nghèo phải theo người giàu, người kém giàu phải theo người giàu hơn”, gây mâu thuẫn trong cộng đồng (Bùi Thị Dung, 2008; Bùi Thị Dung, 2016; Bùi Xuân Đính, 2021, tr. 709 - 710). 3. KẾT LUẬN Đặt hậu và công đức là hai tục tiêu biểu liên quan đến việc xây dựng và tu bổ các di tích thờ cúng (đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ các dòng họ) trong mỗi cộng đồng cư dân Việt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tục đặt hậu và công đức có nguồn gốc từ quan niệm về việc thờ cúng cho mỗi cá nhân sau khi mất cùng sự gắn bó của các cá nhân với các thiết chế tổ chức và với cộng đồng làng, với các di tích của các tổ chức và của chung cả làng. Tục đặt hậu và công đức đã huy động được sự đóng góp của các cá nhân trong cộng đồng, từ những người giàu có đến những người nghèo, của các nhóm xã hội (nhóm những người đồng niên, đồng môn…), các thiết chế tổ chức trong làng (dòng họ, phe giáp, xóm, hội, phe…); tạo ra một nguồn lực tài chính đủ để các cộng đồng làng và các tổ chức trong đó xây dựng, tu bổ di tích
- TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 59/2022 29 thờ cúng trở nên khang trang, nhiều di tích có giá trị kiến trúc và nghệ thuật rất cao. Tục đặt hậu và công đức còn có ý nghĩa xã hội rất to lớn, giáo dục tư cách con người sống trong làng xã, động viên mọi người đóng góp xây dựng làng xã. Ngày nay, do thay đổi chế độ sở hữu ruộng đất và cơ cấu tổ chức làng xã, tục đặt hậu không còn tồn tại; còn tục công đức vẫn được duy trì, đã huy động được sự đóng góp của các cá nhân trong và ngoài cộng đồng, nhất là những người giàu có và có tâm, các nhóm xã hội, tạo ra nguồn lực tài chính cho việc dựng lại, trùng tu các di tích, tổ chức lễ hội và các hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, hoạt động công đức đã diễn ra tình trạng tôn vinh quá mức người giàu đóng góp nhiều tiền của, không ghi công đúng mức sự đóng góp của người nghèo, dẫn đến sự thiếu đồng thuận, thậm chí mâu thuẫn trong cộng đồng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bùi Thị Dung (2008), “Quản lý hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở các làng nghề huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình”, Luận văn thạc sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. 2. Bùi Thị Dung (2015), “Biến đổi văn hóa làng Phươn La (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)”, Luận án tiến sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. 3. Bùi Xuân Đính (2012), Các tộc người ở Việt Nam, Nxb. Thời đại. 4. Bùi Xuân Đính (2021), Bách khoa thư làng Việt cổ truyền, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội. 5. Nguyễn Quang Khải (2016), Tìm hiểu tục bầu hậu, gửi giỗ ở Bắc Ninh qua tư liệu văn bia, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội. 6. Đinh Khắc Thuân (1995), Văn bia thời Mạc, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. SOME TRADITIONS RELATED TO THE CONSTRUCTION AND ADDITION OF ARCHITECTURAL RITES IN VIETNAMESE VILLAGES Abstract: The article clarifies the aspect of two customs related to the construction and restoration of relics belonged to ancient Vietnamese villages. That is the custom of leaving assets to a different bloodline if they pass away in order to have someone worshipping them and the custom of donating to maintain religious sites thus nearby infrastructures. The origin of these customs is from the attachment of farmers to their village where most of them were born, raised and lived their whole life with the community; thus, it is also from the spiritual belief of worshiping. Each custom has its own form, but all reached to the fullest extent when there are contributions of individuals and organizations to the construction and preservation of worshiping relics, such as communal houses, pagodas, temples, and churches… Many relics of high architectural and artistic value, so far have been recognized as national cultural heritage. The appreciation to the contributions of individuals and groups to the relics through the two customs above is shown on steles, bells, wooden board. Today, the custom leaving assets for other bloodline is no longer present, although, the custom of donating to religious sites is still maintained. However, in many regions, there is a trend of competition for being recognized of contributing which also shows the distinction between rich and poor, causing disunity in the community. Keywords: Tradition, custom, villages, relics.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Người H'Mông cướp vợ
4 p | 149 | 31
-
Dân tộc Chu Ru - Tên dân tộc: Chu Ru (Cho Ru, Ru)
5 p | 217 | 26
-
Văn hóa tục ngữ Thái: Phần 1
80 p | 125 | 25
-
Có ngày tốt hay xấu không?
9 p | 171 | 24
-
Tục Múa Lân
4 p | 159 | 24
-
phong tục việt nam - Quan hệ giữa họ hàng và làng xã như thế nào
6 p | 140 | 22
-
Nhà Rông - Di sản văn hoá tiêu biểu của các dân tộc thiểu số Kon Tum
8 p | 162 | 19
-
Nghề làm giấy dó truyền thống ở Việt Nam – phần 2
6 p | 194 | 19
-
Cha mẹ có để tang con không
5 p | 113 | 10
-
Tục sơn đầu kỳ dị ở Việt Nam
8 p | 94 | 8
-
Phong tục Việt Nam: Phần 1
241 p | 19 | 5
-
Tục thờ Thiên Hậu ở làng Minh Hương và quá trình tiếp biến văn hóa
20 p | 41 | 5
-
Đánh giá lại phong trào làng mới của Hàn Quốc và một số kinh nghiệm cho phát triển nông thôn mới ở Việt Nam
17 p | 100 | 5
-
Sự thay đổi về phong tục tập quán ở làng xã Bắc Kỳ thời Pháp thuộc
9 p | 129 | 5
-
Tệ sùng bái chữ Hán
6 p | 52 | 5
-
Biến đổi trong một số tập tục của người Hoa ở hội quán Ôn Lăng, thành phố Hồ Chí Minh
13 p | 5 | 2
-
Phong tục, tín ngưỡng trong đời sống của người Tày ở vùng ATK Việt Bắc hiện nay
16 p | 33 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn