intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số vấn đề rút ra từ mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới

Chia sẻ: Tưởng Trì Hoài | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

6
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tham luận khoa học "Một số vấn đề rút ra từ mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới" trên cơ sở tiếp cận khái quát thực tiễn để nhận thức rõ quá trình hình thành lý luận, nội dung cơ bản và bổ sung mới về lý luận của mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, từ đó rút ra một số vấn đề vận dụng vào việc bảo vệ, phát triển chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số vấn đề rút ra từ mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” MỘT SỐ VẤN ĐỀ RÚT RA TỪ MÔ HÌNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ĐẶC SẮC TRUNG QUỐC TRONG THỜI ĐẠI MỚI Nguyễn Hồng Sơn, Phùng Nam Trường Đại học Nguyễn Huệ Tác giả liên hệ: Nguyễn Hồng Sơn, email: nguyenson250307@gmail.com Tóm tắt: Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là vấn đề thu hút sự quan tâm của các chính đảng, các nhà khoa học trong và ngoài nước, là vấn đề có ý nghĩa quan trọng mang tính thời đại. Tham luận khoa học này trên cơ sở tiếp cận khái quát thực tiễn để nhận thức rõ quá trình hình thành lý luận, nội dung cơ bản và bổ sung mới về lý luận của mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, từ đó rút ra một số vấn đề vận dụng vào việc bảo vệ, phát triển chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Từ khóa: chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa xã hội đặc sắc; đi lên chủ nghĩa xã hội; Trung quốc; Việt Nam. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Từ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, các nhà lý luận tư sản, các thế lực thù địch, phản động vui mừng ca ngợi chủ nghĩa tư bản, đồng thời tăng cường xuyên tạc, chống phá cho rằng sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội là nguyên nhân sai lầm dẫn đến sụp đổ. Không ít người nảy sinh hoài nghi tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa xã hội. Vậy phải chăng chúng ta đã lựa chọn sai con đường? Theo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới là sự kế thừa và phát huy hơn nữa Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, Thuyết “Ba đại diện” và quan điểm phát triển khoa học. Sau 100 năm thành lập Đảng Cộng sản (01/7/1921 - 01/7/2021), Trung Quốc đã thực sự khẳng định hoàn thành mục tiêu “100 năm đầu tiên” là xây dựng xã hội toàn diện khá giả và đang tiến những bước hướng tới mục tiêu “100 năm thứ hai” là xây dựng Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt. 441
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG Thành công của Trung Quốc, cùng sự kiên định của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ là những hiện thực khách quan để Việt Nam tìm hiểu, vận dụng sáng tạo vào quá trình nhận thức và khẳng định tính đúng đắn khi tiến lên chủ nghĩa xã hội, theo đúng tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011) “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011). 2. NỘI DUNG 2.1. Quá trình hình thành lý luận và nội dung cơ bản của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới 2.1.1. Quá trình hình thành lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc Sự phát triển lý luận Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là cả quá trình trước sau như một của Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin. Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định: “Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ quy luật phát triển của lịch sử loài người, nguyên lý cơ bản của nó là đúng đắn có sức sống mạnh mẽ... Kiên trì nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đi con đường mà toàn thể nhân dân Trung Quốc đã tự nguyện lựa chọn, phù hợp với tình hình Trung Quốc, sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2019, 36). Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục khẳng định: “kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên trì chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử” (Đảng Cộng sản Trung Quốc, 2013, 107). Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định kiên định và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện cụ thể của một nước Trung Quốc hiện đại trong thế kỷ 21. Ngược dòng lịch sử, sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, Trung Quốc bước vào thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. 442
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 9 năm 1982, trên cơ sở tổng kết thực tiễn từ sau đại hội đảng lần thứ XI, Đại hội đã chỉ ra những khuyết tật của mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết và đưa ra khái niệm mô hình “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” là sự “Kết hợp chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác với thực tế cụ thể của Trung Quốc” (Văn tuyển Đặng Tiểu Bình, 1993). Đại hội xác định giải phóng tư tưởng là khâu đột phá quan trọng nhất và là động lực sáng tạo cho cải cách, mở cửa phát triển đất nước. Đại hội lần thứ XIII vào tháng 10 năm 1987, đường lối cải cách, mở cửa xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc được nâng lên thành đường lối chung của Đảng và Nhà nước Trung Quốc với những nội dung chủ yếu sau: Một là, trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, sẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc và sau gọi là Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc; hai là, lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm; ba là, kiên trì “bốn nguyên tắc cơ bản” là con đường xã hội chủ nghĩa, chuyên chính dân chủ nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ nghĩa Mác - tư tưởng Mao Trạch Đông; bốn là, thực hiện cải cách và mở cửa, phấn đấu xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa, giàu mạnh, dân chủ, văn minh. Hội nghị Trung Ba khóa XIV (năm 1993) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua “quyết định về một số vấn đề xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, trong đó chỉ rõ: “Lấy xây dựng chế độ công hữu làm chủ thể, nhiều thành phần kinh tế khác nhau cùng phát triển… xây dựng chế độ phân phối thu nhập theo lao động là chính, ưu tiên hiệu quả, quan tâm tới công bằng, khuyến khích một số vùng, một số người giàu lên trước, đi con đường cùng giàu có” (Nguyễn, 2018). Đại hội XV (năm 1997), Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa. Đại hội XVI (năm 2002), lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc được bổ sung quan điểm “ba đại diện” để xây dựng đảng là: Đảng đại diện cho phát triển sức sản xuất tiên tiến; Đảng đại diện cho phương hướng tiến lên của nền văn hóa tiên tiến Trung Quốc; Đảng đại diện cho lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc. Đại hội XVII (năm 2007), bổ sung quan điểm “phát triển một cách khoa học” và xây dựng “xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa”. Đến đây, lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc được thể hiện trên năm nội dung là: một là, kinh tế thị trường 443
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc; hai là, dân chủ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc; ba là, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc; bốn là, văn hóa xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc; năm là, xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Đại hội XVIII (năm 2012), đánh dấu sự hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc với một ngọn cờ là “phấn đấu đoàn kết nhân dân các dân tộc trong cả nước”; một lý luận là “hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” và một con đường là “con đường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc”. Đại hội đưa ra bố cục chiến lược là 4 toàn diện và 5 quan điểm phát triển sáng tạo, hài hòa, môi trường thân thiện, mở cửa, cùng hưởng. Đại hội lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10 năm 2017) đã chính thức xác lập và đưa vào Điều lệ Đảng “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, khẳng định vị thế hạt nhân lãnh đạo của Tập Cận Bình và coi đây là phương hướng và vị trí lịch sử mới cho sự phát triển của Trung Quốc trong giai đoạn phát triển mới. 2.1.2. Những nội dung cơ bản và bổ sung mới về lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới Chủ đề Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định: “Không quên tâm nguyện ban đầu, ghi nhớ sứ mệnh, giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, phấn đấu không ngừng thực hiện giấc mơ Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” 1. Những nội dung cơ bản của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung quốc trong thời đại mới thể hiện qua “Tám điều cần làm rõ” và “Mười bốn điều kiên trì” được nêu lên trong văn kiện Đại hội XIX (Đỗ, 2018). Tám điều cần làm rõ: Một là, làm rõ kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, nhiệm vụ chung là thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa và phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. 1 Nguyên tác tiếng Trung: 大会的主题是:不忘初心,牢记使命,高举中国特色社会主义伟大旗帜, 决胜全面建成小康社会,夺取新时代中国特色社会主义伟大胜利,为实现中华民族伟大复兴的中国 梦不懈奋斗。Truy xuất từ (问:党的十九大的主题是什么 [Chủ đề của đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc là gì], 2017). 444
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” Hai là, làm rõ mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Trung Quốc là mâu thuẫn giữa nhu cầu cuộc sống tốt đẹp ngày càng tăng của nhân dân với sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ. Ba là, làm rõ bố cục tổng thể của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc là “Ngũ vị nhất thể” (Năm trong một, bao gồm xây dựng kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và văn minh sinh thái); bố cục chiến lược là “Bốn toàn diện” (bao gồm đi sâu cải cách toàn diện, xây dựng xã hội khá giả toàn diện, quản lý đất nước bằng pháp luật toàn diện, nghiêm trị Đảng toàn diện). Bốn là, làm rõ mục tiêu chung của đi sâu toàn diện cải cách là hoàn thiện và phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia. Năm là, làm rõ mục tiêu chung của thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật là xây dựng hệ thống pháp trị xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, xây dựng nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Sáu là, làm rõ mục tiêu cường quân của Đảng trong thời đại mới là xây dựng một quân đội nhân dân nghe Đảng chỉ huy, có thể đánh thắng trận, tác phong tốt đẹp; xây dựng quân đội nhân dân thành một đội quân hàng đầu thế giới. Bảy là, làm rõ ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc phải thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới; thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại. Tám là, làm rõ đặc trưng bản chất nhất của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc; ưu thế lớn nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mười bốn điều kiên trì: Một là, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi công tác, theo đó Đảng, chính quyền, quân đội, dân sự, sinh viên; Đông - Tây - Nam - Bắc - Giữa, Đảng lãnh đạo tất cả. Điểm mới ở đây chính là yêu cầu toàn Đảng phải tăng cường “ý thức hạt nhân”, nghĩa là “ý thức” đối với Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Hai là, kiên trì “lấy nhân dân làm trung tâm”, theo đó văn kiện Đại hội XIX tiếp tục khẳng định cần phải kiên trì địa vị chủ thể của nhân dân. Văn kiện Đại hội XIX khẳng định Đảng “coi mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân dân làm 445
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG mục tiêu phấn đấu” của mình. Đây là sự đột phá trong tư duy phát triển và là hạt nhân của Tư tưởng Tập Cận Bình. Ba là, kiên trì đi sâu cải cách toàn diện, theo đó tiếp tục nhắc lại một số quan điểm: Cần phải kiên trì và hoàn thiện chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, không ngừng thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị toàn cầu… Điểm mới ở quan điểm: “Kiên quyết loại bỏ những quan niệm tư tưởng và khuyết tật của cơ chế, thể chế không còn phù hợp, đột phá vào dinh lũy lợi ích đã cố kết”. Bốn là, kiên trì quan niệm phát triển mới “sáng tạo, hài hòa, xanh hóa, mở cửa, cùng hưởng”. Điểm mới và điểm nhấn ở đây là đặt vấn đề “thúc đẩy phát triển đồng bộ công nghiệp hóa kiểu mới, thông tin hóa, đô thị hóa và nông nghiệp hiện đại hóa... phát triển kinh tế loại hình mở cửa ở tầng bậc cao hơn”. Năm là, kiên trì quyền làm chủ của nhân dân. Đây không phải là nội dung mới, nhưng được coi là một bộ phận hợp thành quan trọng của Tư tưởng Tập Cận Bình “lấy nhân dân làm trung tâm”. Sáu là, kiên trì toàn diện quản lý đất nước theo pháp luật. Trong báo cáo chính trị Đại hội XIX, Tập Cận Bình một mặt tiếp tục khẳng định “kiên trì đi theo con đường pháp trị xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc”, mặt khác đặt vấn đề “hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc lấy Hiến pháp làm hạt nhân… kiên trì cùng thúc đẩy quản lý đất nước theo pháp luật, chấp pháp theo pháp luật và hành chính theo pháp luật; kiên trì xây dựng nhất thể hóa giữa nhà nước pháp trị, chính phủ pháp trị và xã hội pháp trị”. Bảy là, kiên trì hệ thống giá trị hạt nhân xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề được các nhà lãnh đạo Trung Quốc qua các thời kỳ khác nhau quan tâm xây dựng. Văn kiện Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt vấn đề xây dựng hệ thống giá trị hạt nhân xã hội chủ nghĩa gồm 24 chữ “giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tự do, bình đẳng, công bằng, pháp trị, yêu nước, kính nghiệp, thành tín, thân thiện”; theo đó được chia thành 3 tầng diện là quốc gia - xã hội - cá nhân. Đến Đại hội XIX, vấn đề xây dựng hệ thống giá trị hạt nhân xã hội chủ nghĩa được gắn kết với việc xây dựng lòng tự tin văn hóa, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và lý tưởng chung về 446
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, gắn với quyền chủ đạo và quyền phát ngôn trong lĩnh vực ý thức hệ. Tám là, kiên trì bảo đảm và cải thiện dân sinh trong phát triển. Đây cũng là vấn đề được nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc nêu lên, nhất là từ đầu thế kỷ mới đến nay. Tuy nhiên trong văn kiện Đại hội XIX, nhấn mạnh hơn khi cho rằng: Thúc đẩy sự giàu có và hạnh phúc của nhân dân là mục đích căn bản của phát triển… bảo đảm để toàn thể nhân dân cảm thấy mình đã nhận được ngày càng nhiều hơn trong quá trình cùng xây dựng, cùng hưởng thụ phát triển. Chín là, kiên trì sự cộng sinh hài hòa giữa con người và tự nhiên. Đây là vấn đề cũng đã từng được nêu lên từ trước. Tuy nhiên, đến Đại hội XIX thêm một bước khẳng định: Xây dựng văn minh sinh thái là kế lớn nghìn năm của sự phát triển vĩnh hằng của dân tộc Trung Hoa. Đặc biệt, trong mục tiêu phấn đấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến giữa thế kỷ đã bổ sung thêm hai chữ “tươi đẹp”, viết thành: “Xây dựng thành công cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp”. Mười là, kiên trì quan niệm an ninh quốc gia tổng thể. Văn kiện Đại hội XIX nhấn mạnh quan điểm cho rằng: Phải kiên trì đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, lấy an ninh nhân dân làm tôn chỉ, lấy an ninh chính trị làm căn bản, sắp xếp đồng bộ an ninh bên ngoài và an ninh bên trong, an ninh quốc thổ và an ninh quốc dân, an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, an ninh cá nhân và an ninh chung. Mười một là, kiên trì sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội. Đây là chủ đề xuyên suốt trong quan điểm của các thế hệ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ trước đến nay, nhưng đến Đại hội XIX đặc biệt nhấn mạnh: Xác lập địa vị chỉ đạo của tư tưởng cường quân của Đảng trong thời đại mới. Mười hai là, kiên trì phương châm “Một quốc gia, hai chế độ” và thúc đẩy thống nhất Tổ quốc. Văn kiện Đại hội XIX một lần nữa nhấn mạnh phương châm “Một quốc gia, hai chế độ” không thay đổi, không dao động. Mười ba là, kiên trì thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIX: Nhân dân các nước đồng tâm hiệp lực, xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại… Thúc đẩy xây dựng Quan hệ quốc tế kiểu mới “tôn trọng lẫn nhau, công bằng chính nghĩa, hợp tác cùng thắng”. 447
  8. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG Mười bốn là, kiên trì nghiêm trị Đảng toàn diện. Đây là một trong 4 nội dung của “Bốn toàn diện” trong báo cáo chính trị tại Đại hội XIX. Mười bốn điều kiên trì nêu trên đã cấu thành “phương lược cơ bản” của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới. 2.1.3. Những thách thức của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới Hiện nay, Trung Quốc đang đứng trước nhiều mâu thuẫn xã hội trong thời đại mới là mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về cuộc sống tươi đẹp với sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ. Đặc trưng cơ bản của Trung Quốc hiện nay là vẫn đang trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội và vẫn là nước đang phát triển lớn nhất thế giới. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc hiện nay đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn, tập trung chủ yếu được biểu hiện ở các vấn đề sau: Động lực phát triển mới về kinh tế: hiện tại những khó khăn cản trở sự phát triển mới về kinh tế là: Năng lực sáng tạo khoa học kỹ thuật chưa đủ mạnh, cơ cấu ngành nghề bất hợp lý, phương thức phát triển vẫn chủ yếu theo kiểu thô, cơ sở nông nghiệp yếu, sự trói buộc bởi tài nguyên thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng, bộ phận các ngành sản xuất cung vượt quá cầu, doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thể chế cơ chế kìm hãm khoa học phát triển còn nhiều, nhiệm vụ đi sâu cải cách mở cửa và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế còn khó khăn. Thực hiện cân bằng giữa phát triển và hưởng thụ công bằng xã hội: Khó khăn này biểu hiện “ba chênh lệch lớn mới” nảy sinh trong quá trình cải cách là sự phát triển không cân bằng, không bền vững; khoảng cách phát triển giữa các khu vực, giữa thành thị và nông thôn, khoảng cách phân phối thu nhập của người dân vẫn còn lớn; các vấn đề dân sinh liên quan đến lợi ích thiết thân của người dân như giáo dục, việc làm, bảo đảm xã hội, y tế, nhà ở còn nhiều bất cập. Mô hình phát triển truyền thống đầu tư lớn, ô nhiễm nhiều: Cơ cấu kinh tế không hợp lý, một số ngành năng lực sản xuất dư thừa, khả năng khai thác tài nguyên đã gần đến giới hạn. Diện tích canh tác giảm mạnh, chất lượng đất canh tác thoái hóa, do đô thị mở rộng, đất được đưa vào sử dụng trong công nghiệp và các loại “trào lưu khu kinh tế mở”, “trào lưu khu thực nghiệm”, “trào lưu xây dựng bất 448
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” động sản”, “trào lưu làm sân gôn”, diện tích đất canh tác còn giảm đi với tốc độ hàng chục triệu mẫu mỗi năm. Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu toàn dân đều giàu có vào năm 2050, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc cần phải tăng gấp 3 - 4 lần so với hiện nay (Lê & Nguyễn, 2021), đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn do kinh tế Trung Quốc đã qua thời kỳ phát triển nóng và đang trong giai đoạn giảm tốc. Tối ưu hóa vấn đề tự quản lý của Đảng, Nhà nước và xã hội: Khó khăn này chủ yếu biểu hiện là trình độ văn minh xã hội và tố chất văn minh con người vẫn chưa được nâng cao, một số lĩnh vực tồn tại hiện tượng mất đạo đức, thiếu thành tín; mâu thuẫn xã hội nhiều hơn; chưa tăng cường xây dựng pháp trị, xây dựng pháp trị chưa thích ứng, chưa phù hợp với nhu cầu phát triển và mục tiêu đẩy nhanh hiện đại hóa năng lực xử lý và hệ thống xử lý quốc gia. Việc thắt chặt hơn chính trị nội bộ và quyết liệt chống tham nhũng cũng làm gia tăng căng thẳng nội bộ, kìm hãm sáng tạo, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế. Ngoài ra, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với những mâu thuẫn mới nảy sinh về chính trị xã hội như vấn đề ly khai sắc tộc ở Tân Cương, Tây Tạng, phong trào dân chủ ở Hồng Kông, xu hướng độc lập của Đài Loan. Những thách thức có tính toàn cầu: Quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức, khủng hoảng tài chính quốc tế bùng phát, lây lan khiến kinh tế thế giới bất ổn và gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế phát triển tốc độ cao, đến cơ cấu và mô hình kinh tế... Bên cạnh đó, môi trường an ninh đối ngoại của Trung Quốc ngày càng phức tạp, Mỹ và đồng minh ngày càng gia tăng sức ép và kiềm chế Trung Quốc, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết; các điểm nóng về an ninh khu vực như tình hình bán đảo Triều Tiên, biên giới Trung - Ấn, vấn đề Biển Đông, Hoa Đông diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. 2.2. Một số vấn đề rút ra từ mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới đối với Việt Nam hiện nay Từ mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới có thể rút ra một số vấn đề về nhận thức và thực tiễn đối với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. 449
  10. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG 2.2.1. Về nhận thức, tư tưởng, lý luận Việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, một mặt cho chúng ta thấy rõ hơn tính phổ biến, tính đặc thù và sự đa dạng, phong phú của mô hình và con đường thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa trên thế giới hiện nay. Thực chất mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong đổi mới chủ nghĩa xã hội hiện nay là phản ánh khách quan mối liên hệ giữa đặc trưng chung của chủ nghĩa xã hội với những mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa cụ thể vốn rất đa dạng phong phú đòi hỏi các chủ thể cần nhận thức, tổ chức hiện thực hóa tránh phiến diện và dập khuôn máy móc. Tính phổ biến của chủ nghĩa xã hội được quy định bởi các giá trị của nó cũng như các nhân tố quy định và cấu thành nó, là những giá trị phổ biến toàn nhân loại. không ra đời tự phát, hư vô. Chủ nghĩa xã hội hiện thực được sản sinh ra dựa trên những tiền đề khách quan về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, vật chất kỹ thuật và giá trị tinh thần xã hội mà nhân loại, trực tiếp là dưới chủ nghĩa tư bản đã tạo ra. Đó là nền đại công nghiệp, là giai cấp vô sản hiện đại, các cuộc cách mạng công nghiệp, cách mạng khoa học - kỹ thuật và ngày nay là cách mạng khoa học- công nghệ hiện đại và các thành tựu văn minh khác, cùng với các giá trị văn hoá tinh thần và nhất là tư tưởng xã hội chủ nghĩa mà đỉnh cao là chủ nghĩa xã hội khoa học… Chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng là học thuyết khoa học, cách mạng đã luận chứng sâu sắc và đúng đắn, các quy luật, tính quy luật khách quan, tất yếu, phổ biến của quá trình chuyển biến cách mạng từ hình thái kinh tế- xã hội tư bản lên hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Những nguyên lý, quy luật, tính quy luật đó mang tính phổ biến đối với tất cả các quốc gia - dân tộc trên thế giới mà không loại trừ tính đặc thù của bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Bởi vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học là học thuyết khoa học, cách mạng, là lý luận của phong trào vô sản thế giới, cơ sở lý luận để các đảng cộng sản và công nhân vận dụng, đề ra đường lối, chiến lược, sách lược cách mạng của mình. Tính phổ biến của chủ nghĩa xã hội hiện thực biểu hiện tập trung ở bản chất, đặc trưng và mục tiêu của nó. Chủ nghĩa xã hội hiện thực, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất là một chế độ xã hội xoá bỏ áp bức, bóc lột, bất công, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo ra các điều kiện, tiền đề để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng con 450
  11. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” người. Một xã hội đã được C. Mác và Ph. Ănghen phát triển thành luận điểm có giá trị vĩnh hằng “tự do của mỗi người là điều kiện cho sự tự do và phát triển của tất cả mọi người” trong tác phẩm Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Chủ nghĩa xã hội là chế độ xã hội khác về bản chất của mọi chế độ xã hội dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu đã có trong lịch sử, thể hiện ở những đặc trưng có tính phổ quát mà các nước đi lên chủ nghĩa xã hội đang tìm cách xây dựng. Đó là xã hội xây dựng trên cơ sở nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất tiên tiến, hiện đại, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và thực hiện phân phối theo lao động là chủ yếu. Về chính trị đó là chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa đem lại quyền dân chủ thực sự cho đại đa số nhân dân, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Về văn hóa là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa vừa tiên tiến, hiện đại, khoa học vừa mang đậm tính dân tộc. Về xã hội, con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân, các dân tộc bình đẳng đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, có quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới. Nghiên cứu mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới cho phép chúng ta khẳng định lại một lần nữa rằng, sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình đã lỗi thời không tiến kịp cùng thời đại, chứ không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học như các thế lực chống cộng và cơ hội rêu rao. Cũng chính trong quá trình đổi mới, cải cách chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Trung Quốc, bên cạnh việc tiếp tục kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định tính đúng đắn của các nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin, các giá trị của chủ nghĩa xã hội, tích cực tìm tòi, bổ sung, phát triển lý luận và hoạt động thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mình. Do vậy, khi nghiên cứu, xem xét, đánh giá mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước trên thế giới cần đứng trên quan điểm duy vật lịch sử để tránh thái độ tả khuynh khi thấy các đảng cánh tả phủ nhận những nguyên lý cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội. Đồng thời nâng cao tính tích cực chính trị đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong nhận thức và hành động chống lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới; đấu tranh chống khuynh 451
  12. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG hướng tuyệt đối hóa chủ nghĩa Mác - Lênin, đòi áp dụng "nguyên xi" những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa xã hội khoa học, khuynh hướng nhân danh “sáng tạo”, “đổi mới, cải cách”, “tư tưởng đột phá” nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, đối với mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, thông qua nghiên cứu lý luận, một mặt, góp phần bổ sung, hoàn thiện hơn lý luận về mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhất là vấn đề vận dụng những quy luật phổ biến của chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam. Mặt khác, ta có tiếp cận được những kinh nghiệm từ mô hình chủ nghĩa xã hội đó để tham chiếu, phát triển nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; nhận thức rõ hơn những thách thức của quá trình nhận thức lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đặc biệt là những thách thức bên trong như biểu hiện giáo điều, rập khuôn máy móc, nhân danh “dân chủ, đổi mới” để tìm cơ hội làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 2.2.2. Về ý nghĩa thực tiễn Mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới khi soi chiếu vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay cần chú trọng các kinh nghiệm như: Kinh nghiệm về đảng cầm quyền trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu; kinh nghiệm trong giải quyết mối quan hệ giữa đảng cầm quyền với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; vai trò “kiến tạo” của nhà nước trong nền kinh tế thị trường, trong bảo đảm và giải quyết những vấn đề xã hội; sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế thị trường cũng như mối quan hệ giữa nhà nước pháp với các nhóm kinh tế - xã hội chủ chốt trong xã hội vì sự thịnh vượng chung, đặc biệt là vào những thời điểm khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội... để giúp chính phủ tìm kiếm những giải pháp nhanh chóng, hiệu quả thoát ra khỏi tình hình khủng hoảng đó. Nghiên cứu mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới cho thấy Việt Nam là nước láng giềng có nhiểu điểm tương đồng với Trung Quốc, Việt Nam một mặt tôn trọng mọi sự tìm tòi lý luận và lựa chọn con đường phát triển phù hợp với tình hình đất nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc; mặt khác, có thể nghiên cứu tham khảo để hiện thực hóa mục tiêu 100 năm thành lập Đảng đưa Việt 452
  13. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” Nam trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030; 100 năm thành lập nước trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Việc tham khảo kinh nghiệm thực tiễn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới là việc làm cần thiết; có ý nghĩa khoa học và thực tiễn vô cùng sâu sắc không chỉ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn đối với phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế. 3. KẾT LUẬN Từ sau sự đổ vỡ của mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu, chủ nghĩa xã hội hiện thực từ một hệ thống thế giới chỉ còn lại một số nước là Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Triều Tiên, Cuba. Các nước này vẫn kiên trì con đường phát triển lên chủ nghĩa xã hội, nỗ lực cải cách, đổi mới nhằm tìm kiếm những mô hình chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện của nước mình và xu thế phát triển của thế giới. Bên cạnh đó, trên thế giới cũng xuất hiện một số trào lưu xã hội chủ nghĩa do các đảng cánh tả cầm quyền tuyên bố đi lên chủ nghĩa xã hội với mô hình khác nhau. Nghiên cứu mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam có thể vận dụng vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Việc nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tính phổ biến và đặc thù của chủ nghĩa xã hội liên quan trực tiếp đến vận mệnh, tương lai của chủ nghĩa xã hội trong đổi mới, cải cách. Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên phải tổng kết thực tiễn để rút ra bài học kịp thời, bao gồm cả những thành tựu và hạn chế nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu chỉ đạo công cuộc đổi mới. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là một quá trình cách mạng khó khăn, phức tạp, lâu dài, phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm cả khách quan và chủ quan, lúc thuận lợi và lúc khó khăn. Thực tiễn luôn diễn ra sinh động muôn màu muôn vẻ, vì thế, Đảng ta phải tiến hành đánh giá khách quan cả những thành tựu đạt được và những mặt còn hạn chế ở từng giai đoạn cách mạng, tìm ra những nguyên nhân và phương hướng kịp thời khắc phục những yếu kém thì mới khỏi rơi vào chủ nghĩa xã hội không tưởng và nhất định giành thắng lợi. 453
  14. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Đảng Cộng sản Trung Quốc. (2013). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chính trị quốc gia. [2]. Đảng Cộng sản Việt Nam. (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Chính trị quốc gia. [3]. Đảng Cộng sản Việt Nam. (2019). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX. Chính trị Quốc gia - Sự thật. [4]. Đỗ, T. S. (2018). Những sáng tạo mới về lý luận Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong Đại hội XIX (21/05/2019). Viện Nghiên Cứu Trung Quốc. http://www.vnics.org.vn/Default.aspx?ctl=Article&aID=660 [5]. Lê, T. C., & Nguyễn, T. P. (2021). Thành tựu kinh tế, xã hội Trung Quốc sau một thập niên cầm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình. http://hvctcand.edu.vn/nghien- cuu-quoc-te/thanh-tuu-kinh-te-xa-hoi-trung-quoc-sau-mot-thap-nien-cam- quyen-cua-chu-tich-tap-can-binh-ky-2-3691 [6]. Nguyễn, X. C. (2018). Trung Quốc: Nhìn lại quá trình 40 năm cải cách, mở cửa. Tạp Chí Điện Tử Tổ Chức Nhà Nước. https://tcnn.vn/news/detail/41652/Trung- Quoc-Nhin-lai-qua-trinh40-nam-cai-cach-mo-cua.html [7]. Văn tuyển Đặng Tiểu Bình (Vol. 3). (1993). Chính trị Quốc gia. [8]. 问:党的十九大的主题是什么?[Chủ đề của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc là gì]. (2017). 党建-人民网. http://dangjian.people.com.cn/n1/2017/1117/c415189-29652718.html 454
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0