80<br />
<br />
MỘT SỐ VẤN ĐỀ THỰC TIỄN VỀ QUAN HỆ<br />
THỪA KẾ TRONG TƯ PHÁP QUỐC TẾ<br />
<br />
<br />
GERALD GOLDSTEIN<br />
Giáo sư Khoa Luật<br />
Trường đại học Montréal, Québec, Canađa<br />
<br />
<br />
DẪN ĐỀ<br />
<br />
Ngày nay, hiện tượng xung đột pháp luật ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân<br />
như toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế, lưu thông hàng hóa và<br />
hiện tượng di cư... Những nhân tố này tất yếu làm nảy sinh các vấn đề đặc thù trong<br />
pháp luật về thừa kế.<br />
<br />
Sự không trùng nhau giữa nơi người để lại di sản chết và nơi có tài sản, hoặc giữa nơi<br />
có tài sản và nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản, là những yếu tố chính làm<br />
phát sinh quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài.<br />
<br />
Người hoạt động thực tiễn về pháp luật sẽ gặp phải tình huống có nhiều hệ thống pháp<br />
luật khác nhau cùng được áp dụng. Đối với một vụ thừa kế, nếu như cơ quan tư pháp<br />
của hai hay nhiều nước được yêu cầu can thiệp trong việc kiểm tra di chúc, xác định<br />
phạm vi quyền của người thực hiện di chúc là người nước ngoài, v.v., thì chắc chắn sẽ<br />
có nhiều hệ thống pháp luật có thể được áp dụng. Bởi vì không chỉ các yếu tố làm căn<br />
cứ xác định thẩm quyền xét xử có thể khác nhau (nơi có tài sản, nơi cư trú của người<br />
để lại di sản, v.v.) mà các yếu tố được sử dụng để xác định luật áp dụng cũng khác<br />
nhau: quốc tịch của người để lại di sản, nơi cư trú của người để lại di sản, nơi có tài<br />
sản.<br />
<br />
Bên cạnh đó, các phương thức giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế cũng rất đa<br />
dạng: một số nước cho phép áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với một quan hệ<br />
thừa kế (luật nơi có tài sản đối với bất động sản; luật nơi cư trú hoặc luật của nước mà<br />
người để lại di sản mang quốc tịch đối với động sản); một số nước khác lại chỉ cho<br />
phép áp dụng một hệ thống pháp luật thống nhất đối với quan hệ thừa kế, là luật của<br />
nước mà người để lại di sản mang quốc tịch hoặc luật nơi cư trú của người để lại di<br />
sản.<br />
<br />
Hơn nữa, phạm vi các vấn đề chịu sự điều chỉnh của pháp luật được dẫn chiếu cũng<br />
khác nhau giữa các nước: ở các nước theo hệ thống common law, pháp luật được dẫn<br />
chiếu để điều chỉnh quan hệ thừa kế không được áp dụng đối với vấn đề quản lý hoặc<br />
chuyển giao tài sản sản thừa kế, vì các vấn đề này chủ yếu chịu sự điều chỉnh của<br />
pháp luật của nước nơi có tòa án giải quyết vụ việc. Ngoài ra, giữa các nước cũng còn<br />
nhiều khác biệt lớn về các chính sách pháp luật trong nước, nhất là chính sách liên<br />
quan đến việc bảo vệ những người có quan hệ họ hàng, huyết thống với người để lại di<br />
sản, hoặc liên quan đến một số tài sản.<br />
<br />
Trong trường hợp cho phép áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với cùng một quan<br />
hệ thừa kế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dự kiến và ý nguyện của người để lại<br />
di sản không được tôn trọng và từ đó nảy sinh sự bất bình đẳng (Phần I). Trên thực<br />
tế, giữa những người thừa kế thường có sự thỏa thuận để giải quyết những khó khăn<br />
lớn nảy sinh. Làm thế nào để tránh xảy ra tình trạng này? Giải pháp áp dụng một hệ<br />
thống pháp luật thống nhất cho quan hệ thừa kế sẽ giúp cải thiện đáng kể tình hình,<br />
nhất là khi hệ thống pháp luật đó là do người lập di chúc lựa chọn (Phần II). Dù sao,<br />
chúng cũng cần xem xét một số vấn đề thực tiễn liên quan đến di chúc có yếu tố nước<br />
ngoài (Phần III) và thu thập chứng cứ (Phần IV).<br />
<br />
<br />
Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp<br />
81<br />
<br />
I. ÁP DỤNG NHIỀU HỆ THỐNG PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI MỘT QUAN HỆ THỪA KẾ: MỘT<br />
SỐ VẤN ĐỀ THỰC TIỄN<br />
<br />
A. LÝ DO ÁP DỤNG NHIỀU HỆ THỐNG PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI QUAN HỆ THỪA KẾ<br />
<br />
Trong nội luật của các quốc gia có hai quan điểm chính về thừa kế. Theo quan điểm<br />
thứ nhất, quan hệ thừa kế là quan hệ nhân thân giữa người để lại di sản và người thừa<br />
kế. Do đó, các quy phạm pháp luật tập trung vào yếu tố nhân thân của người để lại di<br />
sản và di sản được coi như một khối tài sản. Quan điểm thừa kế mang tính nhân thân<br />
này được thể hiện trong tư pháp quốc tế bằng việc áp dụng một hệ thống pháp luật<br />
duy nhất đối với quan hệ thừa kế. Quan điểm thứ hai, chủ yếu ở các nước theo hệ<br />
thống common law, thì có cách tiếp cận mang tính thực tiễn hơn, theo đó thừa kế là<br />
một phương thức chuyển giao tài sản. Theo quan điểm này, các quy phạm pháp luật<br />
tập trung vào các hành vi lần lượt tác động đến mỗi tài sản, xảy ra suốt trong quá<br />
trình chuyển giao tài sản đó. Trong tư pháp quốc tế, quan điểm thừa kế mang tính tài<br />
sản được thể hiện bằng việc áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với một quan hệ<br />
thừa kế (cơ chế chia nhỏ quan hệ thừa kế), bởi lẽ người ta cố gắng tuân theo nguyên<br />
tắc áp dụng luật nơi có tài sản vì đó là pháp luật điều chỉnh thực sự mỗi loại tài sản.<br />
<br />
Thực ra, trong số các cách tiếp cận trên, không có cách tiếp cận nào phát triển một<br />
cách triệt để. Chẳng hạn như ở các nước theo quan điểm áp dụng một hệ thống pháp<br />
luật duy nhất, người ta vẫn chấp nhận trường hợp ngoại lệ nếu tài sản thừa kế là bất<br />
động sản, bởi vì phải căn cứ trên cơ sở thực tiễn và hơn nữa, luật nơi có tài sản vẫn có<br />
quyền kiểm soát tài sản đó. Điều 833a Bộ luật Dân sự Việt Nam (sửa đổi) thể hiện rất<br />
rõ xu hướng này. Thực vậy, khoản 1 Điều này quy định quyền thừa kế (ngầm hiểu là<br />
thừa kế động sản) chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước có người để lại di sản là công<br />
dân; trong khi theo quy định tại khoản 3 Điều này, "quyền thừa kế đối với bất động<br />
sản (giả định rằng việc chuyển dịch tài sản cũng áp dụng cơ chế như vậy) phải tuân<br />
theo pháp luật của nước nơi có bất động sản. Tương tự như vậy, nhìn chung các nước<br />
cho phép áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với một quan hệ thừa kế cũng không<br />
đi đến mức chấp nhận áp dụng hệ thuộc luật nơi có tài sản đối với thừa kế động sản,<br />
do cách tiếp cận này thường dẫn đến những rắc rối nghiêm trọng (trường hợp xung<br />
đột pháp luật động, v.v.); các nước này cho rằng động sản nằm ở nơi cư trú của người<br />
để lại di sản hoặc coi vấn đề này thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật nước có<br />
người để lại di sản là công dân nhằm đi đến thống nhất một phần luật áp dụng đối với<br />
quan hệ thừa kế.<br />
<br />
B. NHỮNG KHÓ KHĂN DO VIỆC ÁP DỤNG NHIỀU HỆ THỐNG PHÁP LUẬT<br />
<br />
Khi cho phép áp dụng nhiều hệ thống pháp luật khác nhau để điều chỉnh quan hệ thừa<br />
kế cũng có nghĩa là có bao nhiêu khối tài sản thừa kế độc lập với nhau và chịu sự điều<br />
chỉnh của các hệ thống pháp luật khác nhau thì cũng có bấy nhiêu quan hệ thừa kế<br />
khác nhau. Giải pháp này sẽ không có vấn đề gì nếu tất cả tài sản thừa kế đều nằm ở<br />
một nước, nhưng nếu trong trường hợp ngược lại, tức là trường hợp thừa kế có yếu tố<br />
nước ngoài, thì sẽ phát sinh nhiều hệ quả mà người để lại di sản không dự kiến trước<br />
và đôi khi không công bằng đối với những người thừa kế hoặc người có quyền thừa kế.<br />
Sau đây là một vài ví dụ minh họa.<br />
<br />
1. Bảo vệ quá chặt chẽ hoặc không có biện pháp bảo vệ<br />
<br />
Một người tên là John qua đời và có nơi cư trú cuối cùng ở Manitoba (Canađa). Người<br />
này để lại di sản bao gồm: các động sản và bất động sản ở Manitoba trị giá 150.000$<br />
và một bất động sản ở California trị giá 50.000$. Giả sử pháp luật bang California quy<br />
định rằng trong trường hợp người chồng (hoặc vợ) qua đời thì người vợ (hoặc chồng)<br />
còn sống có quyền hưởng phần tài sản thừa kế bắt buộc theo quy định pháp luật là<br />
75.000$ cùng với 50% trị giá phần di sản còn lại. Nhưng theo quy định của pháp luật<br />
<br />
<br />
<br />
Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp<br />
82<br />
<br />
bang Manitoba, người vợ (hoặc chồng) còn sống có quyền hưởng phần tài sản thừa kế<br />
bắt buộc là 50.000$ và 50% trị giá phần di sản còn lại.<br />
<br />
Nếu áp dụng chặt chẽ quy phạm xung đột cho phép áp dụng nhiều hệ thống pháp luật<br />
đối với cùng một vụ thừa kế, thì trong trường hợp trên, với di sản thừa kế có tổng trị<br />
giá 200.000$, người vợ sẽ được nhận 150.000$, trong đó: 50.000$ là phần tài sản<br />
thừa kế bắt buộc tính trên tài sản nằm ở Manitoba, 50.000$ là tương ứng với 50% trị<br />
giá phần tài sản còn lại ở Manitoba (do pháp luật bang Manitoba được áp dụng đối với<br />
thừa kế động sản ở Manitoba với tư cách là luật nơi cư trú của người để lại di sản, và<br />
đối với thừa kế bất động sản ở Manitoba với tư cách là luật nơi có tài sản), và 50.000$<br />
là phần thừa kế bắt buộc tính trên bất động sản ở California (do pháp luật bang<br />
California được áp dụng để điều chỉnh thừa kế bất động sản ở bang này với tư cách là<br />
luật nơi có tài sản). Có nghĩa là người vợ sẽ được nhận 3/4 trị giá di sản thừa kế, còn<br />
các con chỉ được nhận 1/4 còn lại. Như vậy, nếu áp dụng cả hai hệ thống pháp luật<br />
này thì quyền lợi người thừa kế này được bảo vệ quá chặt chẽ trong khi quyền lợi của<br />
người thừa kế kia lại không được bảo vệ.<br />
<br />
Tình trạng bảo vệ quá chặt hoặc không bảo vệ quyền thừa kế của người vợ hoặc<br />
chồng còn sống cũng có thể xuất phát từ sự khác nhau trong quy định giữa các luật<br />
được áp dụng đối với quan hệ thừa kế và các yếu tố tài chính khác liên quan như chế<br />
độ tài sản giữa vợ và chồng. Ví dụ, giả sử luật của 2 nước A và B cùng được áp dụng<br />
đối với quan hệ thừa kế: pháp luật nước A không quy định về phần tài sản thừa kế bắt<br />
buộc theo luật định, mà bảo vệ quyền thừa kế của người vợ hoặc chồng còn sống<br />
thông qua chế độ cộng đồng tài sản; trong khi đó, pháp luật nước B lại có quy định về<br />
phần tài sản thừa kế bắt buộc dành cho người vợ hoặc chồng còn sống và áp dụng chế<br />
độ tách riêng tài sản.<br />
<br />
Áp dụng thống nhất một hệ thống pháp luật để điều chỉnh quan hệ thừa kế, chế độ tài<br />
sản và các quan hệ tài chính khác giữa vợ và chồng (hợp đồng ủy thác – trust, hợp<br />
đồng bảo hiểm, v.v.) là một việc nên làm và có thể làm được nếu vợ và chồng được<br />
phép lựa chọn luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế (luật đó sẽ trùng với luật áp dụng<br />
đối với chế độ tài sản giữa vợ và chồng).<br />
<br />
2. Phần tài sản thừa kế bắt buộc<br />
<br />
Quy định về phần tài sản thừa kế bắt buộc theo luật nơi người để lại di sản cư trú<br />
(hoặc luật của nước mà người để lại di sản mang quốc tịch), chẳng hạn, 2/3 theo pháp<br />
luật Việt Nam, sẽ được áp dụng đối với thừa kế động sản nhưng không được áp dụng<br />
đối với bất động sản ở Québec, bởi vì thừa kế bất động sản ở Québec sẽ được điều<br />
chỉnh bởi pháp luật Québec là luật nơi có tài sản, mà luật Québec không có quy định<br />
về phần tài sản thừa kế bắt buộc. Hơn nữa, tỷ lệ tài sản thừa kế bắt buộc theo pháp<br />
luật Pháp được áp dụng đối với bất động sản ở Pháp (giả thiết là 1/3) sẽ khác với tỷ lệ<br />
tài sản thừa kế bắt buộc được áp dụng đối với bất động sản ở Việt Nam (2/3); trong<br />
khi đó, bất động sản ở Québec không phải chịu sự điều chỉnh của bất kỳ quy định nào<br />
về phần tài sản thừa kế bắt buộc. Thực tế này có thể dẫn đến một tình huống bất bình<br />
đẳng và không được dự kiến trước, nếu như người lập di chúc tưởng rằng mọi bất<br />
động sản của mình sẽ đều chịu cùng một tỷ lệ và do đó, đã sắp xếp ưu tiên để bù đắp<br />
cho một người thừa kế nào đó. Nếu chúng ta tính giá trị của phần tài sản thừa kế bắt<br />
buộc (2/3) không chỉ trên cơ sở các bất động sản chịu sự điều chỉnh của luật nơi có tài<br />
sản và có quy định về phần tài sản thừa kế bắt buộc (bất động sản ở Việt Nam), mà<br />
còn trên cơ sở các bất động sản khác, thì về nguyên tắc chúng ta sẽ vi phạm quy<br />
phạm xung đột về thừa kế bất động sản.<br />
3. Quyền nhận hoặc từ chối nhận di sản<br />
<br />
Trong trường hợp cho phép áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với quan hệ thừa kế,<br />
người thừa kế sẽ có thể từ chối nhận di sản là động sản ở nước này (giả sử việc nhận<br />
<br />
<br />
Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp<br />
83<br />
<br />
di sản này không có lợi cho họ), nhưng đồng ý nhận di sản là bất động sản nằm ở một<br />
nước khác. Bằng cách đó, người thừa kế sẽ thu lợi nhiều nhất từ việc thừa kế tài sản<br />
nằm ở 2 nước này, nhưng giải pháp này không phải lúc nào cũng công bằng đối với<br />
những người có quyền đối với di sản thừa kế. Dù sao, người thừa kế cũng sẽ chú ý sao<br />
cho hành vi của mình liên quan đến một khối tài sản thừa kế không bị coi là việc ngầm<br />
đồng ý hoặc từ chối nhận thừa kế liên quan đến các khối tài sản khác, và sẽ phải tuân<br />
thủ các quy định của luật áp dụng đối với mỗi khối tài sản đó về thể thức đồng ý hoặc<br />
từ chối nhận di sản (thời hạn, v.v.).<br />
<br />
4. Thu hồi phần di sản đã tặng cho<br />
<br />
Trường hợp một người khi còn sống đã tặng cho con trai A của mình một bất động sản<br />
nằm ở nước X (Italia), đồng thời tặng cho con trai B một bất động sản nằm ở nước Y<br />
(Québec), thì đến khi người đó qua đời và vấn đề thừa kế được đưa ra Tòa án Québec<br />
giải quyết, người con trai A sẽ phải giao hoàn giá trị tài sản mình được tặng cho vào<br />
khối di sản chịu sự điều chỉnh của luật nước X (Italia), nhưng người con trai B sẽ<br />
không phải giao hoàn giá trị tài sản mình được tặng cho vào khối di sản X, vì tài sản<br />
tặng cho này không chịu sự điều chỉnh của luật nước X, đồng thời B cũng không nhất<br />
thiết phải giao hoàn tài sản mình được tặng cho vào khối di sản chịu sự điều chỉnh của<br />
luật nước Y (luật Québec). Kết quả sẽ là một tình trạng bất bình đẳng, trừ phi người<br />
cho tặng đã dự kiến trước như vậy.<br />
<br />
5. Thanh toán tài sản nợ<br />
<br />
Nếu trong tư pháp quốc tế, chúng ta cũng coi những vấn đề như xác định người có<br />
nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ do người để lại di sản để lại, phạm vi nghĩa vụ đối<br />
với các khoản nợ đó và phân chia nợ giữa những người có nghĩa vụ thanh toán, là<br />
những vấn đề của thừa kế giống như trong pháp luật dân sự trong nước, thì việc áp<br />
dụng nhiều hệ thống pháp luật đối có thể sẽ dẫn đến bế tắc. Như vậy, cần áp dụng<br />
một hệ thống pháp luật thống nhất, tức là một phương pháp tính duy nhất, đối với vấn<br />
đề phân chia nợ giữa những người thừa kế.<br />
<br />
6. Xung đột về quyền quản lý di sản<br />
<br />
Ở các nước theo hệ thống common law, quản lý di sản là một thủ tục tư pháp theo đó<br />
Tòa án căn cứ vào quy định của pháp luật nước mình để chỉ định một người quản lý di<br />
sản: người quản lý di sản có quy chế là người được ủy thác di sản (trustee), có nghĩa<br />
là được chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản thừa kế. Ngược lại, ở các nước theo<br />
hệ thống dân luật và cũng có thể ở Việt Nam, việc quản lý di sản đương nhiên được<br />
giao cho những người thừa kế hoặc người được chỉ định trong di chúc, do đó, những<br />
người thừa kế hoặc người được chỉ định quản lý di sản trong di chúc là những người có<br />
quyền quản lý di sản. Xung đột về quyền quản lý di sản có thể nảy sinh trong trường<br />
hợp một công dân Việt Nam, cư trú tại Việt Nam nhưng chết ở Québec, để lại di sản<br />
bao gồm các động sản ở Québec, New York và Việt Nam. Đối với các tài sản ở Québec,<br />
luật của Việt Nam được áp dụng với lý do đó là luật nơi cư trú của người để lại di sản<br />
và Québec không chấp nhận việc dẫn chiếu ngược; vì vậy, theo luật Việt Nam, những<br />
người thừa kế sẽ có quyền quản lý di sản. Đối với các tài sản ở Québec và ở Việt Nam<br />
thì không có vấn đề gì, nhưng liên quan đến tài sản thừa kế nằm ở New York thì xung<br />
đột có thể nảy sinh giữa những người thừa kế với người quản lý di sản được Tòa án chỉ<br />
định ở New York theo pháp luật tố tụng của New York.<br />
C. GIẢI PHÁP<br />
1. Dẫn chiếu ngược<br />
Chính trong lĩnh vực thừa kế đã xuất hiện án lệ chấp nhận cơ chế dẫn chiếu (chủ yếu<br />
là dẫn chiếu cấp độ 1, tức là dẫn chiếu từ pháp luật nước ngoài đến pháp luật của<br />
nước nơi có tòa án giải quyết vụ việc). Cơ chế này đã được pháp luật Việt Nam chấp<br />
<br />
<br />
Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp<br />
84<br />
<br />
nhận tại Điều 827 BLDS Việt Nam. Trong một số trường hợp, cơ chế dẫn chiếu sẽ cho<br />
phép áp dụng một hệ thống pháp luật duy nhất đối với quan hệ thừa kế. Ví dụ trong<br />
trường hợp luật nơi cư trú của người để lại di sản được áp dụng đối với thừa kế động<br />
sản là luật của Đức, còn luật áp dụng đối với thừa kế bất động sản là luật của Việt<br />
Nam: nếu Tòa án phát hiện ra rằng trên thực tế, luật của Đức dẫn chiếu trở lại luật<br />
của Việt Nam (chẳng hạn theo hệ thuộc luật của nước mà người để lại di sản mang<br />
quốc tịch), thì luật của Việt Nam sẽ có thể được áp dụng chung cho toàn bộ quan hệ<br />
thừa kế.<br />
<br />
Nhưng đây chỉ là giải pháp nhất thời và chưa đủ. Người lập di chúc vẫn không dự kiến<br />
trước được luật áp dụng, bởi vì nó phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố ngẫu nhiên. Giải<br />
pháp này cũng khó sử dụng đối với những người hoạt động thực tiễn về pháp luật và<br />
Tòa án thụ lý vụ việc, vì họ buộc phải hiểu biết rõ các quy phạm xung đột của pháp<br />
luật nước ngoài và buộc phải tuân theo quy định của pháp luật nước mình cho phép<br />
dẫn chiếu ngược. Ví dụ, theo quy định của pháp luật Québec, về nguyên tắc, việc dẫn<br />
chiếu ngược bị cấm tại Điều 3080 BLDS Québec, nhưng trong trường hợp đặc biệt, nếu<br />
căn cứ theo Điều 3082 BLDS Québec thì Tòa án Québec vẫn có thể phải chấp nhận<br />
dẫn chiếu ngược.<br />
<br />
2. Trích khấu tài sản bắt buộc<br />
<br />
Nhằm tránh những giải pháp giải quyết thừa kế không công bằng, bên cạnh việc viện<br />
dẫn trật tự công, một số nước còn cho phép áp dụng cơ chế trích khấu tài sản bắt<br />
buộc. Ví dụ, Điều 2 Luật ngày 14/7/1819 của Pháp quy định:<br />
<br />
"Trong trường hợp phân chia di sản thừa kế giữa những người đồng thừa kế là công<br />
dân Pháp với người đồng thừa kế là công dân nước ngoài, người đồng thừa kế là công<br />
dân Pháp được quyền trích khấu một phần tài sản nằm tại Pháp theo giá trị tương<br />
đương với phần tài sản nằm ở nước ngoài mà họ không được hưởng theo quy định của<br />
pháp luật và tập quán nước đó vì bất kỳ lý do gì."<br />
<br />
Xin lấy ví dụ như sau: một người Canađa cư trú ở Québec lập di chúc để lại toàn bộ tài<br />
sản của mình cho người vợ mang quốc tịch Canađa mà không cho người con trai mang<br />
quốc tịch Pháp hưởng di sản. Tổng giá trị di sản để lại là 200.000$ nhưng số động sản<br />
của người này nằm ở Pháp trị giá 100.000$. Pháp luật Québec sẽ tôn trọng di chúc của<br />
người để lại di sản và sẽ giao toàn bộ phần di sản ở Québec cho người vợ, bởi vì trong<br />
pháp luật Québec không có quy định về phần tài sản thừa kế bắt buộc, áp dụng đối<br />
với thừa kế động sản (trong điều kiện người để lại di sản không lựa chọn luật áp dụng<br />
đối với quan hệ thừa kế). Tuy nhiên, đối với những động sản ở Pháp, người con trai có<br />
thể viện dẫn quyền trích khấu tài sản bắt buộc mà Luật năm 1819 dành cho mình và<br />
bởi vì pháp luật Pháp có quy định về phần tài sản thừa kế bắt buộc, nên người con trai<br />
sẽ có thể được hưởng toàn bộ phần di sản ở Pháp trị giá 100.000$.<br />
<br />
Giải pháp trên góp phần lập lại sự công bằng nhất định giữa những người thừa kế.<br />
Nhưng quan điểm phản đối thì cho rằng giải pháp này mang tính phân biệt đối xử và<br />
không tôn trọng ý chí của người để lại di sản (mà đây lại chính là mục đích của các<br />
quy định trong lĩnh vực này). Hơn nữa, nó có thể dẫn đến những biện pháp trả đũa.<br />
Chẳng hạn như trong các vụ việc khác, nếu có thể, người ta sẽ làm thế nào đó để<br />
người vợ nhận được phần thừa kế có trị giá lớn hơn trên các tài sản nằm ở Québec.<br />
Điều 3100 BLDS Québec cũng quy định:<br />
<br />
"Trong trường hợp không thể áp dụng pháp luật được dẫn chiếu để điều chỉnh quan hệ<br />
thừa kế đối với phần di sản nằm ở nước ngoài, có thể tiến hành điều chỉnh đối với các<br />
tài sản nằm ở Québec, thông qua các biện pháp chủ yếu như chia lại các suất thừa kế,<br />
phân chia lại các khoản nợ hoặc trích khấu bắt buộc trong khuôn khổ việc chia bổ<br />
sung."<br />
<br />
<br />
Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp<br />
85<br />
<br />
Như vậy, giải pháp hiệu quả hơn trong bối cảnh hiện nay là áp dụng một hệ thống<br />
pháp luật thống nhất đối với quan hệ thừa kế và có thể cho phép người để lại di sản<br />
lựa chọn luật áp dụng.<br />
<br />
II. ÁP DỤNG MỘT HỆ THỐNG PHÁP LUẬT THỐNG NHẤT ĐỐI VỚI QUAN HỆ THỪA KẾ<br />
GIẢI PHÁP VÀ CÁC VẤN ĐỀ NẢY SINH TỪ VIỆC CHO PHÉP NGƯỜI ĐỂ LẠI DI SẢN LỰA<br />
CHỌN LUẬT ÁP DỤNG<br />
<br />
Trong phần trước, chúng ta đã xem xét phân tích một số khó khăn nảy sinh trực tiếp<br />
từ việc áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với cùng một quan hệ thừa kế, từ đó dẫn<br />
đến những giải pháp không thể dự kiến trước, có thể gây bất bình đẳng giữa những<br />
người thừa kế (quy định về phần tài sản thừa kế bắt buộc không được áp dụng đối với<br />
toàn bộ di sản, tập trung nhiều ưu tiên cho một người thừa kế, xung đột về quyền<br />
quản lý di sản, thu hồi một cách không công bằng phần di sản đã tặng cho, v.v.).<br />
Ngoài ra còn có một số khó khăn bắt nguồn từ sự khác biệt giữa các hệ thống pháp<br />
luật được áp dụng đối với quan hệ tài sản giữa vợ và chồng (tập trung nhiều ưu tiên<br />
cho một người thừa kế, quy định khác nhau giữa luật áp dụng đối với quan hệ ủy thác<br />
- trust - và quan hệ thừa kế, v.v.). Để khắc phục các vấn đề trên, hiện nay có hai xu<br />
hướng:<br />
<br />
1. Chỉ cho phép áp dụng một hệ thống pháp luật duy nhất đối với quan hệ thừa kế;<br />
<br />
2. Cho phép người để lại di sản được lựa chọn luật áp dụng đối với vấn đề thừa kế<br />
của mình.<br />
<br />
Tuy nhiên, hai xu hướng này lại gặp phải hai hạn chế khác. Thứ nhất, việc áp dụng<br />
thống nhất một hệ thống pháp luật đối với quan hệ thừa kế cũng không thể loại trừ<br />
được hoàn toàn hệ thuộc luật nơi có bất động sản (mặc dù luật nơi có bất động sản<br />
không thể trở thành luật áp dụng đối với toàn bộ di sản thừa kế); điều này có thể dẫn<br />
đến hậu quả trở lại tình trạng áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với một phần di<br />
sản. Thứ hai, trường hợp người lập di chúc lựa chọn luật áp dụng cũng không thể giúp<br />
tránh được các quy định có tính chất bảo vệ quyền lợi của những người có quan hệ<br />
huyết thống với người để lại di sản, như quy định về phần tài sản thừa kế bắt buộc; do<br />
đó cần có những hạn chế về phạm vi lựa chọn luật áp dụng của người để lại di sản.<br />
<br />
Quá trình cải cách phương thức giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế nhằm đồng<br />
thời đạt tới nhiều mục tiêu là bình đẳng giữa những người thừa kế hoặc người có<br />
quyền thừa kế, khả năng dự kiến được luật áp dụng, tôn trọng ý chí của người để lại di<br />
sản và bảo vệ một số người thừa kế hoặc một số tài sản thừa kế. Nhìn chung có hai<br />
hướng cải cách như sau: Thứ nhất là giải pháp của Công ước La Hay năm 1989 về xác<br />
định luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế (A): đây là giải pháp có tính chất triệt để<br />
hơn, theo đó luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế sẽ là một hệ thống pháp luật thống<br />
nhất được xác định theo tiêu chí khách quan, hoặc tiêu chí chủ quan (sự lựa chọn của<br />
người để lại di sản) nhưng với một số hạn chế như chấp nhận ngoại lệ hoặc có thể trở<br />
lại áp dụng nhiều hệ thống pháp luật. Thứ hai là giải pháp của Québec, chịu ảnh<br />
hưởng của pháp luật Thụy Sỹ và mang tính dung hòa hơn (B), bởi vì pháp luật Québec<br />
vừa cho phép áp dụng nhiều hệ thống pháp luật nếu căn cứ theo tiêu chí khách quan<br />
của quan hệ thừa kế, vừa chấp nhận áp dụng một hệ thống pháp luật thống nhất theo<br />
sự lựa chọn có hạn chế của người để lại di sản.<br />
<br />
A. GIẢI PHÁP TRIỆT ĐỂ ÁP DỤNG MỘT HỆ THỐNG PHÁP LUẬT THỐNG NHẤT THEO<br />
TIÊU CHÍ KHÁCH QUAN HOẶC CHỦ QUAN (CÔNG ƯỚC LAHAY 1989)<br />
<br />
Theo Điều 3 của Công ước, luật được xác định theo tiêu chí khách quan để áp dụng đối<br />
với quan hệ thừa kế là luật nơi thường trú của người để lại di sản vào thời điểm chết,<br />
nếu nước nơi thường trú cũng là nước mà người để lại di sản có quốc tịch. Ví dụ như<br />
trường hợp một người Việt Nam thường trú ở Việt Nam vào thời điểm chết. Trong<br />
<br />
Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp<br />
86<br />
<br />
trường hợp nước nơi thường trú không trùng với nước mà người để lại di sản mang<br />
quốc tịch, thì luật áp dụng cũng là luật nơi thường trú của người để lại di sản vào thời<br />
điểm chết, nếu người để lại di sản đã thường trú tại nước đó trong thời gian 5 năm<br />
ngay trước khi chết. Ví dụ, luật Việt Nam sẽ có thể được áp dụng để giải quyết vấn đề<br />
thừa kế của một người có quốc tịch Lào nếu người đó thường trú tại Việt Nam được 5<br />
năm cho đến khi chết. Tuy nhiên, luật của nước mà người để lại di sản mang quốc<br />
tịch, tức là luật của Lào, cũng sẽ có thể được áp dụng trong trường hợp ngoại lệ, nếu<br />
luật nước này có quan hệ gắn bó với vấn đề thừa kế (chẳng hạn như nếu phần lớn di<br />
sản là bất động sản nằm ở Lào). Ngoài ra, nếu không sử dụng được tiêu chí nào trong<br />
các tiêu chí trên (người có quốc tịch Lào chỉ cư trú tại Việt Nam trong 3 năm), thì luật<br />
áp dụng sẽ là luật của nước mà người để lại di sản mang quốc tịch (luật của Lào), trừ<br />
trường hợp luật của nước khác có quan hệ gắn bó hơn với vấn đề thừa kế (ví dụ, bất<br />
động sản nằm ở Campuchia, thì áp dụng luật của Campuchia).<br />
<br />
Bên cạnh những nguyên tắc tương đối phức tạp nói trên, Công ước La Hay còn quy<br />
định một số ngoại lệ (Điều 6: trường hợp di chúc nêu rõ các quy định của một luật<br />
khác được áp dụng để điều chỉnh một số tài sản thừa kế, như bất động sản; Điều 15:<br />
bảo vệ một số chế độ thừa kế dành cho một số người hoặc một số tài sản; Điều 16:<br />
quy chế áp dụng đối với di sản không có người nhận thừa kế).<br />
<br />
Điểm mới thứ hai của Công ước La Hay thể hiện ở hệ thuộc electio juris, có nghĩa là<br />
cho phép người để lại di sản được lựa chọn luật áp dụng đối với toàn bộ quan hệ thừa<br />
kế (Điều 5). Với khả năng này, về nguyên tắc, luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế sẽ<br />
là một hệ thống pháp luật thống nhất, hơn nữa lại có thể dự kiến trước. Tuy nhiên,<br />
phạm vi lựa chọn bị bó hẹp trong 2 hệ thống pháp luật mà người để lại di sản thường<br />
chọn áp dụng: luật của nước mà mình mang quốc tịch hoặc luật nơi thường trú vào<br />
thời điểm lập di chúc hoặc vào thời điểm chết (căn cứ này làm cho việc dự kiến luật áp<br />
dụng trở nên không rõ). Hơn nữa, theo quy định tại Điều 6, người để lại di sản có thể<br />
lồng vào di chúc những quy định của một hoặc một số luật mà mình lựa chọn để điều<br />
chỉnh một số tài sản thừa kế nhất định (khả năng lập nhiều di chúc). Trường hợp này<br />
sẽ dẫn đến việc quay trở lại áp dụng nhiều hệ thống pháp luật, nhưng là theo ý<br />
nguyện của người để lại di sản, nếu như hệ thuộc luật nơi có bất động sản không bị<br />
loại trừ vì lý do tiện cho việc áp dụng. Ngoài ra còn có một số hạn chế khác, như hạn<br />
chế quy định tại Điều 15 (các chế độ thừa kế cụ thể, v.v.).<br />
<br />
Tuy mang nhiều ý tưởng mới, nhưng Công ước La Hay vẫn chưa đạt được thành công<br />
lớn. Đó vẫn là một văn bản phức tạp, với nhiều điều khoản ngoại lệ. Đó là kết quả thu<br />
được sau quá trình thảo luận với những ý kiến trái ngược nhau từ các nước thành viên<br />
và trong đó, một số nước vẫn còn tỏ rõ sự thận trọng trước việc cho phép người để lại<br />
di sản lựa chọn luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế. Những bất đồng quan điểm gay<br />
gắt này có thể chính là nguyên nhân giải thích vì sao Công ước vẫn chưa nhận được sự<br />
hưởng ứng rộng rãi mặc dù các nước đàm phán đã rất cố gắng để đi đến những giải<br />
pháp tương đối hài hòa.<br />
<br />
B. GIẢI PHÁP DỤNG HÓA CỦA PHÁP LUẬT QUEBEC: ÁP DỤNG MỘT HỆ THỐNG PHÁP<br />
LUẬT THỐNG NHẤT THEO SỰ LỰA CHỌN CỦA NGƯỜI ĐỂ LẠI DI SẢN<br />
<br />
Trong khi chờ đợi Công ước La Hay được áp dụng rộng rãi trên thế giới, Québec đã<br />
chọn cho mình một giải pháp riêng nhưng mang tính dung hòa trên cơ sở dựa theo giải<br />
pháp của pháp luật Thụy Sĩ, nhằm đáp ứng kịp thời phần lớn các vấn đề do thực tiễn<br />
đặt ra.<br />
<br />
Điều 3098 khoản 1 BLDS Québec khẳng định lại khả năng áp dụng nhiều hệ thống<br />
pháp luật đối với quan hệ thừa kế theo quan điểm truyền thống:<br />
<br />
Thừa kế động sản được điều chỉnh bởi luật nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản;<br />
thừa kế bất động sản được điều chỉnh bởi luật nơi có tài sản.<br />
<br />
<br />
Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp<br />
87<br />
<br />
Nhưng khoản 2 Điều này có điểm mới hơn:<br />
<br />
Tuy nhiên, một người có thể thông qua di chúc, chỉ định luật áp dụng đối với vấn đề<br />
thừa kế của mình với điều kiện đó phải là luật của quốc gia mà mình mang quốc tịch,<br />
hoặc luật nơi mình cư trú vào thời điểm lập di chúc hoặc vào thời điểm chết, hoặc luật<br />
nơi có bất động sản mà mình sở hữu, nhưng luật nơi có bất động sản chỉ được áp dụng<br />
đối với bất động sản đó.<br />
<br />
Như vậy, việc cho phép người để lại di sản lựa chọn một hệ thống pháp luật áp dụng<br />
thống nhất tạo điều kiện bảo đảm sự bình đẳng và khả năng dự kiến trước của giải<br />
pháp giải quyết thừa kế. Nhưng phạm vi lựa chọn vẫn bị hạn chế một cách hợp lý:<br />
<br />
1. Người để lại di sản chỉ được lựa chọn trong số luật của nước mà mình mang quốc<br />
tịch hoặc luật nơi cư trú vào thời điểm chết hoặc thời điểm lập di chúc (giống với quy<br />
định của Công ước La Hay).<br />
<br />
2. Người để lại di sản có thể lựa chọn luật nơi có bất động sản, nhưng luật này chỉ<br />
được áp dụng đối với bất động sản đó. Như vậy, khả năng này có thể dẫn ngược trở lại<br />
tình huống áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với quan hệ thừa kế, theo chủ ý của<br />
người để lại di sản. Điều khoản này có phần tương tự như Điều 6 của Công ước La<br />
Hay. Tuy nhiên, khác với quy định tại Điều 6 của Công ước, đây không phải là trường<br />
hợp lồng vào di chúc một số quy định của luật nơi có tài sản, mà thực sự là việc lựa<br />
chọn một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, nhằm loại trừ việc áp dụng các quy định có<br />
hiệu lực áp dụng bắt buộc của hệ thống luật được dẫn chiếu theo tiêu chí khách quan.<br />
<br />
3. Bảo vệ một số người thừa kế hoặc một số tài sản.<br />
<br />
Căn cứ theo Điều 3099 BLDS Québec, quan hệ thừa kế lại được điều chỉnh bởi nhiều<br />
hệ thống pháp luật được xác định theo tiêu chí khách quan. Quy định tại Điều này giúp<br />
tránh trường hợp nếu áp dụng luật do người để lại di sản lựa chọn thì sẽ không áp<br />
dụng được những quy định nhằm bảo vệ một số người hoặc một số tài sản được coi là<br />
cơ bản trong luật được xác định theo tiêu chí khách quan. Điều 3099 quy định:<br />
<br />
Việc lựa chọn luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế của người để lại di sản sẽ không có<br />
hiệu lực trong trường hợp việc áp dụng luật được lựa chọn làm cho người vợ hoặc một<br />
người con của người để lại di sản mất một phần lớn quyền thừa kế mà lẽ ra họ được<br />
hưởng nếu như luật đó không được chọn áp dụng. Việc lựa chọn luật áp dụng của<br />
người để lại di sản cũng không có hiệu lực trong trường hợp việc áp dụng luật đó gây<br />
phương hại đến các chế độ thừa kế áp dụng đối với một số tài sản theo quy định pháp<br />
luật của nước nơi có tài sản vì lý do các tài sản đó phục vụ lợi ích kinh tế, gia đình<br />
hoặc xã hội.<br />
<br />
C. ƯU ĐIỂM VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA GIẢI PHÁP CHO PHÉP NGƯỜI ĐỂ LẠI DI SẢN LỰA<br />
CHỌN MỘT HỆ THỐNG PHÁP LUẬT THỐNG NHẤT ĐỂ ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ THỪA KẾ<br />
<br />
Giải pháp cho phép người để lại di sản lựa chọn một hệ thống pháp luật thống nhất để<br />
điều chỉnh quan hệ thừa kế, chẳng hạn như luật nơi cư trú của người để lại di sản vào<br />
thời điểm lập di chúc, có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, sẽ không xảy ra tình trạng bảo vệ<br />
quá chặt hoặc không bảo vệ quyền lợi của một người thừa kế nào đó như trong trường<br />
hợp áp dụng nhiều hệ thống pháp luật theo hệ thuộc luật nơi có tài sản; ở đây, nếu<br />
người thừa kế nào được ưu tiên thì cũng chỉ được hưởng một phần ưu tiên duy nhất<br />
tính trên tổng giá trị di sản. Thứ hai, nếu áp dụng một hệ thống pháp luật thống nhất<br />
theo lựa chọn của người để lại di sản đối với vấn đề phần tài sản thừa kế bắt buộc (trừ<br />
trường hợp áp dụng Điều 3099 BLDS Québec), thì kết quả tính toán sẽ chính xác hơn,<br />
bởi vì phần tài sản thừa kế bắt buộc được tính trên tổng giá trị của toàn bộ di sản và<br />
sẽ được tuân thủ một cách toàn diện. Thứ ba, nếu áp dụng một quy định thống nhất<br />
về quyền nhận hoặc từ chối nhận di sản, thì chắc chắn là người thừa kế sẽ không được<br />
<br />
Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp<br />
88<br />
<br />
linh hoạt như trước, nhưng giải pháp này sẽ công bằng hơn đối với những người có<br />
quyền đối với di sản thừa kế. Thứ tư, việc áp dụng một quy định thống nhất về việc<br />
thu hồi phần di sản đã tặng cho cũng sẽ bảo đảm công bằng hơn giữa những người có<br />
quyền thừa kế. Thứ năm, giải pháp này cũng sẽ giúp đơn giản hóa rất nhiều việc tính<br />
toán để phân chia nợ giữa những người có quyền thừa kế, bởi vì sẽ chỉ có một khối tài<br />
sản nợ duy nhất. Vấn đề công bằng cũng sẽ được bảo đảm hơn bởi vì luật được chọn<br />
áp dụng cũng sẽ điều chỉnh việc xác định tài sản thừa kế để xử lý thanh toán các<br />
khoản nợ do thừa kế. Thứ sáu, giải pháp này cũng góp phần làm giảm xung đột về<br />
quyền quản lý di sản, mặc dù trên thực tế, xung đột vẫn có thể xảy ra nếu tài sản<br />
thừa kế nằm ở một nước theo hệ thống common law, bởi vì theo quy định pháp luật<br />
của các nước này, vấn đề quản lý di sản vẫn là một vấn đề thuộc lĩnh vực tố tụng, do<br />
Tòa án phụ trách; khi đó sẽ còn phải áp dụng cả pháp luật của nước sở tại. Cuối cùng,<br />
giải pháp cho phép người để lại di sản chọn một hệ thống pháp luật để áp dụng thống<br />
nhất đối với cả vấn đề thừa kế, chế độ tài sản giữa vợ và chồng, hợp đồng trust lẫn<br />
hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, v.v., sẽ giúp cho việc giải quyết vấn đề thừa kế được dễ<br />
dàng và hiệu quả hơn.<br />
<br />
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi bật như trên, giải pháp này vẫn có một số bất<br />
cập liên quan đến phạm vi lựa chọn luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế.<br />
<br />
Ví dụ, liệu người để lại di sản có thể lựa chọn áp dụng nhiều hệ thống pháp luật hay<br />
không? Giả sử câu trả lời là có, thì chúng ta sẽ quay trở lại trường hợp một quan hệ<br />
thừa kế được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống pháp luật, với tất cả những vấn đề khó<br />
khăn của nó. Liệu chúng ta có thể công nhận quyền lập nhiều di chúc hay không? Kỹ<br />
thuật pháp lý tương đối phổ biến ở các nước theo hệ thống common law này sẽ tạo<br />
điều kiện để chúng ta chấp nhận áp dụng luật nơi có bất động sản như một thực tế<br />
không thể tránh khỏi, ít nhất là đối với một số vấn đề về chuyển giao tài sản thừa kế.<br />
Việc lập nhiều di chúc cũng giúp tránh được trường hợp trong đó di chúc duy nhất<br />
không có hiệu lực pháp luật toàn bộ, và sẽ giảm được chi phí dịch thuật. Nhưng việc<br />
áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với quan hệ thừa kế như vậy sẽ khiến cho việc<br />
giải quyết trên thực tế trở nên phức tạp do phải xử lý hài hòa giữa nhiều bản di chúc<br />
đó. Trong trường hợp sửa đổi bổ sung di chúc thì phải xem xét lại tất cả các bản di<br />
chúc và tiến hành kiểm tra, xác minh trước nhiều cơ quan có thẩm quyền ở nhiều<br />
nước; như vậy chi phí sẽ tăng.<br />
<br />
Liệu có thể đưa vào di chúc một điều khoản theo đó áp dụng cố định các quy định<br />
pháp luật hiện hành vào thời điểm lập di chúc? Hiệu lực của điều khoản này có lẽ phụ<br />
thuộc vào luật được chọn áp dụng, mặc dù nếu áp dụng pháp luật của Tòa án thì có<br />
thể có lợi. Cần giải quyết như thế nào nếu theo quy định của luật được chọn áp dụng<br />
thì di chúc bị vô hiệu? Về nguyên tắc, trong trường hợp này (di chúc bị vô hiệu), vẫn<br />
phải tuân thủ quy định của luật được lựa chọn áp dụng và khi di chúc bị vô hiệu thì<br />
việc thừa kế đó sẽ được giải quyết theo luật được dẫn chiếu theo tiêu chí khách quan.<br />
<br />
Ngoài những nội dung trao đổi trên, tôi xin trình bày một số vấn đề liên quan đến di<br />
chúc có yếu tố nước ngoài và vấn đề chứng cứ trong lĩnh vực thừa kế.<br />
<br />
III. THỪA KẾ THEO DI CHÚC: XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN HIỆU LỰC VỀ<br />
MẶT HÌNH THỨC CỦA DI CHÚC<br />
<br />
Xung đột pháp luật liên quan đến hiệu lực về mặt hình thức của di chúc có vẻ ít gặp<br />
trong thực tiễn và nhìn chung, việc giải quyết cũng tương đối dễ dàng nếu tư pháp<br />
quốc tế có một quy phạm xung đột đưa ra nhiều khả năng lựa chọn như quy định tại<br />
Điều 3109 BLDS Québec (dựa theo Công ước La Hay năm 1961 về xung đột pháp luật<br />
về hình thức di chúc):<br />
<br />
3109. Hình thức của hành vi pháp lý được điều chỉnh bởi luật nơi xác lập hành vi đó.<br />
Tuy nhiên, hành vi vẫn có hiệu lực nếu được xác lập theo hình thức quy định trong luật<br />
<br />
<br />
Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp<br />
89<br />
<br />
được dẫn chiếu để điều chỉnh về nội dung của hành vi, hoặc luật nơi có tài sản là đối<br />
tượng của hành vi vào thời điểm xác lập hành vi, hoặc luật nơi cư trú của một trong<br />
các bên vào thời điểm xác lập hành vi. Ngoài ra, di chúc có thể được lập theo hình<br />
thức quy định trong luật nơi cư trú hoặc luật của nước mà người lập di chúc mang<br />
quốc tịch vào thời điểm lập di chúc hoặc vào thời điểm chết.<br />
<br />
Tuy nhiên, còn một vấn đề liên quan đến hiệu lực của di chúc chung của vợ, chồng,<br />
như trường hợp quy định tại Điều 666 BLDS Việt Nam. Pháp luật một số nước cấm các<br />
loại thỏa thuận về thừa kế trong tương lai nên di chúc chung cũng bị cấm. Do đó, việc<br />
xác định hiệu lực của di chúc chung phụ thuộc vào việc định danh quan hệ: quan hệ<br />
đó thuộc phạm trù nội dung hay phạm trù hình thức của di chúc? Về điểm này, án lệ<br />
Québec đã có hai cách giải thích khác nhau. Chúng tôi cho rằng tất cả đều phụ thuộc<br />
vào tính chất pháp lý của quan hệ: Một số di chúc có thể là di chúc chung về mặt hình<br />
thức, nếu như chúng được lập trong cùng một bản; hiệu lực của các di chúc đó sẽ<br />
được điều chỉnh bởi luật được dẫn chiếu theo Điều 3109 BLDS Québec. Ngược lại, đối<br />
với các di chúc bao gồm những điều khoản có quan hệ qua lại với nhau, phụ thuộc lẫn<br />
nhau, thì về cơ bản, đó là di chúc chung và việc xác định hiệu lực của chúng phải căn<br />
cứ theo luật áp dụng đối với nội dung của các thỏa thuận về thừa kế trong tương lai<br />
(luật được dẫn chiếu để điều chỉnh quan hệ thừa kế hoặc quan hệ hợp đồng).<br />
<br />
Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta chấp nhận quy phạm xung đột đưa ra nhiều khả năng<br />
lựa chọn như trên, thì tòa án thụ lý giải quyết vụ việc thừa kế vẫn còn một khó khăn<br />
là phải tìm hiểu nội dung của các luật có thể được áp dụng để điều chỉnh về hiệu lực<br />
của di chúc. Chính vì vậy, Công ước Washington ngày 26/10/1973 về quy phạm pháp<br />
luật thống nhất về hình thức của di chúc có yếu tố nước ngoài đã ra đời theo đề xuất<br />
của tổ chức UNIDROIT. Quy định trong Công ước là quy phạm pháp luật thống nhất về<br />
hình thức di chúc mà tất cả các quốc gia thành viên đều chấp nhận áp dụng trực tiếp,<br />
không cần phải xác định luật áp dụng thông qua quy phạm xung đột. Tuy nhiên, Công<br />
ước không quy định về di chúc chung của vợ, chồng, vì các nhà soạn thảo không thể<br />
thống nhất được với nhau về tính chất pháp lý của loại di chúc này.<br />
<br />
IV. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHỨNG CỨ LIÊN QUAN ĐẾN THỪA KẾ CÓ YẾU TỐ NƯỚC<br />
NGOÀI<br />
<br />
A. KIỂM TRA DI CHÚC LẬP Ở NƯỚC NGOÀI<br />
<br />
1. Di chúc tự tay viết hoặc có người làm chứng<br />
<br />
Nếu di chúc được lập ở nước ngoài dưới hình thức tự tay viết hoặc có người làm chứng,<br />
và chưa được công chức, chứng thực ở nước ngoài, thì cần kiểm tra di chúc đó như đối<br />
với di chúc lập ở trong nước, nhằm bảo đảm di chúc đó tuân thủ đúng quy định về<br />
hình thức và là bản di chúc lập sau cùng, để trên cơ sở đó, làm thủ tục đăng ký gửi giữ<br />
di chúc và cấp bản sao. Nhưng nếu bản di chúc đó đã được công chứng, chứng thực ở<br />
nước ngoài, thì hiệu lực pháp luật của di chúc đó ở trong nước sẽ phụ thuộc vào quy<br />
định về việc công nhận và cho thi hành quyết định của cơ quan công quyền nước<br />
ngoài. Các nước thường có quy định riêng về việc công nhận và cho thi hành quyết<br />
định của cơ quan công quyền nước ngoài. Chẳng hạn ở Québec, quyết định của cơ<br />
quan công quyền nước ngoài có thể được trực tiếp sử dụng làm chứng cứ. Ví dụ, Điều<br />
2822 BLDS Québec quy định như sau:<br />
<br />
Văn bản công chứng thư<br />
<br />
2822. Văn bản do nhân viên công quyền có thẩm quyền của nước ngoài lập có giá trị<br />
xác thực về nội dung trong mọi trường hợp, mà không cần phải chứng minh năng lực<br />
lập hoặc chữ ký của nhân viên công quyền đó. Tương tự như vậy, bản sao một văn<br />
bản do nhân viên công quyền nước ngoài giữ cũng được coi là phù hợp với bản gốc và<br />
<br />
<br />
<br />
Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp<br />
90<br />
<br />
có giá trị thay thế bản gốc trong mọi trường hợp, nếu bản sao này do chính nhân viên<br />
công quyền đó cấp.<br />
<br />
Tuy nhiên, trong trường hợp có tranh chấp, người nào muốn viện dẫn văn bản nào thì<br />
phải chứng minh tính xác thực của văn bản đó.<br />
<br />
2. Di chúc có chứng nhận của công chứng viên (công chứng thư)<br />
<br />
Đối với di chúc lập theo hình thức công chứng thư thì không cần kiểm tra bởi vì công<br />
chứng viên đã thực hiện thủ tục này. Do đó, theo quy định của Điều 2822 BLDS<br />
Québec, di chúc dưới hình thức này sẽ có quy chế ở Québec là văn bản công chứng<br />
thư. Hệ quả của quy chế này được quy định cụ thể tại điều 2824 như sau:<br />
<br />
2824. Các văn bản, bản sao và giấy ủy quyền quy định tại Mục này có thể được gửi<br />
công chứng viên lưu giữ để công chứng viên cấp bản sao. Bản sao do công chứng viên<br />
cấp được coi là phù hợp với văn bản gửi giữ và có giá trị thay thế văn bản gửi giữ.<br />
<br />
B. TRƯỜNG HỢP MỞ THỪA KẾ Ở NƯỚC NGOÀI: CHỨNG MINH VỀ TƯ CÁCH PHÁP LÝ<br />
VÀ THẨM QUYỀN CỦA NGƯỜI ĐẠI DIỆN THỪA KẾ ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH Ở NƯỚC NGOÀI<br />
<br />
Ở các nước theo hệ thống common law, quyền quản lý di sản được trao cho một người<br />
quản lý di sản theo quyết định của Tòa án. Với quy chế là người được ủy thác di sản<br />
(trustee), người quản lý di sản đó có quyền hợp pháp đối với tài sản thừa kế, đồng<br />
thời có nghĩa vụ quản lý và chuyển giao tài sản thừa kế cho những người có quyền<br />
thừa kế. Trong trường hợp di chúc có chỉ định người thực hiện di chúc, thì Tòa án cấp<br />
giấy công nhận tư cách đó cho người đại diện thừa kế. Còn trong trường hợp di chúc<br />
không chỉ định người thực hiện di chúc hoặc vụ thừa kế mở tại nước ngoài là thừa kế<br />
theo pháp luật, thì Tòa án cấp giấy chỉ định người quản lý di sản.<br />
<br />
Các quyết định trên của Tòa án ít khi gây tranh chấp trên thực tế. Nhưng trong trường<br />
hợp có tranh chấp thì giải quyết theo quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành<br />
bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài. Nếu không có tranh chấp thì các quyết<br />
định đó sẽ đương nhiên có hiệu lực ở một số nước như Pháp hoặc Québec (xem Điều<br />
2822 BLDS Québec trích ở trên). Điều 58 Bộ luật tố tụng dân sự Québec quy định:<br />
<br />
"Người nào có quyền đại diện, theo quy định của pháp luật nước ngoài, cho một người<br />
khác đã chết tại nước đó hoặc đã lập di chúc tại nước đó nhưng để lại di sản ở Québec,<br />
thì có quyền khởi kiện trước tòa án ở Québec với tư cách là người đại diện thừa kế".<br />
<br />
C. TRƯỜNG HỢP MỞ THỪA KẾ Ở TRONG NƯỚC NHƯNG CÓ TÀI SẢN THỪA KẾ NẰM Ở<br />
NƯỚC NGOÀI : GIẤY XÁC NHẬN VÀ GIẤY CÔNG NHẬN<br />
<br />
Xin lấy một ví dụ minh họa cho những vấn đề được đề cập ở đây: một vụ thừa kế mở<br />
tại Québec (nơi cư trú của người để lại di sản là ở Québec) nhưng có một số tài sản<br />
thừa kế nằm ở nước ngoài hoặc ngoài bang Québec, chẳng hạn như ở một nước thuộc<br />
hệ thống common law.<br />
<br />
Để chứng minh nội dung của pháp luật Québec ở nước ngoài, Tòa án Québec có thể<br />
cấp giấy xác nhận. Trong trường hợp thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc, giấy<br />
xác nhận của Tòa án Québec sẽ có chức năng chứng minh về quyền và căn cước của<br />
những người có quyền thừa kế, sự tồn tại của di chúc và về việc đó là bản di chúc sau<br />
cùng, hợp pháp cả về nội dung lẫn hình thức, trên cơ sở luật được dẫn chiếu theo quy<br />
phạm xung đột của pháp luật Québec, cũng như chứng minh về tư cách pháp lý và<br />
quyền hạn của người thực hiện di chúc theo pháp luật Québec. Giấy xác nhận này<br />
cũng có giá trị như một quyết định xác nhận di chúc của tòa án Québec trong trường<br />
hợp di chúc do người để lại di sản tự viết tay hoặc có người làm chứng, hoặc như một<br />
<br />
<br />
Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp<br />
91<br />
<br />
biên bản xác nhận của công chứng viên nếu di chúc được lập dưới hình thức công<br />
chứng thư.<br />
<br />
Trong trường hợp một số tài sản thừa kế nằm ở một nước theo hệ thống common law,<br />
để bảo vệ những người có quyền đối với tài sản thừa kế ở nước đó, cần tiến hành thủ<br />
tục thứ hai: yêu cầu tòa án đóng thêm dấu vào giấy công nhận (resealing of Grants of<br />
Probates), nhằm trao cho người quản lý di sản được chỉ định quản lý các tài sản nằm ở<br />
nước đó quyền chiếm hữu tài sản và giao lại cho những người có quyền thừa kế. Giấy<br />
xác nhận do tòa án Québec cấp có thể có giá trị như "giấy chỉ định người quản lý di<br />
sản" ở nước có tài sản, theo một thủ tục rút gọn được quy định riêng (như ở bang<br />
Ontario).<br />
<br />
Còn trong trường hợp giấy xác nhận do tòa án một nước không theo hệ thống<br />
common law cấp, tất nhiên, có thể yêu cầu tòa án nơi có tài sản cấp giấy chỉ định<br />
người quản lý di sản ở nước đó.<br />
<br />
Nếu vụ thừa kế có di chúc được lập dưới hình thức công chứng thư, có thể sử dụng thủ<br />
tục cấp giấy công nhận (Letters Probate) ở các nước theo hệ thống common law, theo<br />
đó có thể trực tiếp yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ở nước nơi có tài sản (theo hệ<br />
thống common law) xác nhận di chúc bằng công chứng thư lập ở nước ngoài<br />
(Québec), theo quy định của pháp luật của nước nơi có tài sản. Trên thực tế, thủ tục<br />
này sẽ do một cơ quan đồng nghiệp ở nước nơi có tài sản thực hiện sau khi được<br />
chuyển cho những tài liệu liên quan (bản sao công chứng của bản di chúc gốc, v.v.).<br />
<br />
KẾT LUẬN<br />
<br />
Thừa kế có yếu tố nước ngoài là một lĩnh vực dễ phát sinh xung đột pháp luật và gây<br />
nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Do đó, những vấn đề như chuyển<br />
giao di sản cho người có quyền thừa kế, quản lý di sản và chuyển giao tài sản thừa kế<br />
là hàng loạt vấn đề hóc búa đối với người thực hiện việc giải quyết thừa kế, nếu như<br />
muốn tôn trọng ý chí của người lập di chúc hoặc người để lại di sản cũng như các<br />
chính sách bảo vệ một số đối tượng có quyền thừa kế hoặc một số tài sản. Có hai giải<br />
pháp giúp cho việc xử lý những vấn đề trên trở nên đơn giản hơn, mà lại có lợi cho tất<br />
cả các bên: đó là áp dụng một hệ thống pháp luật thống nhất đối với toàn bộ quan hệ<br />
thừa kế và cho phép người lập di chúc lựa chọn luật áp dụng. Tuy nhiên, vẫn cần phải<br />
quy định một số hạn chế và phải thừa nhận rằng dù có áp dụng giải pháp nào thì<br />
những khó khăn khác vẫn còn tồn tại. Theo logic, vấn đề đặt ra phức tạp thì giải pháp<br />
xử lý cũng phức tạp. Vì vậy, những người hoạt động thực tiễn về pháp luật cần nâng<br />
cao hiểu biết của mình về lĩnh vực này.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Bản dịch của Nhà Pháp luật Việt - Pháp<br />