NHÂN VẬT<br />
Trịnh Hoài Đức một trong “Gia Định tam gia”<br />
NGUYỄN Q.THẮNG<br />
Trịnh Hoài Đức, một nhà văn hóa lớn Việt Nam và cũng là một nhà địa phương chí có<br />
tầm cỡ của văn hóa Việt Nam. Sinh năm 1765 và mất năm 1825, thọ 60 tuổi, ông là một<br />
người Minh Hương, nhưng tinh thần và tâm thức ông luôn luôn hướng về Việt Nam. Điều<br />
đó được thấy rõ qua các công trình sáng tác và trước tác văn hóa của ông đối với lịch sử<br />
văn hóa Việt Nam hồi giữa thế kỷ XIX. Ông là sáng lập viên Bình Dương thi xã, nhóm Sơn<br />
Hội. Đây là một trong hai thi xã nổi tiếng và bề thế nhất ở lục tỉnh Nam kỳ. Thi xã này<br />
gồm: Chỉ Sơn Trịnh Hoài Đức, Nhữ Sơn Ngô Nhơn Tịnh, Hối Sơn Hoàng Ngọc Uẩn, Tri<br />
Chỉ Lê Quang Định (điều đáng chú ý là các vị sáng lập có tên tự hoặc hiệu đều có chữ<br />
Sơn, do đó nhóm có tên là Sơn Hội) đa số họ là người Minh Hương, nhưng lại rất nặng<br />
lòng với Việt Nam mà họ xem như nước mẹ. Tất cả những yếu tố đó có lẽ phát xuất từ sự<br />
cảm hóa mãnh liệt của văn hóa Việt Nam đã khiến họ trở thành một mẫu người Việt Nam<br />
chân chính.<br />
*<br />
Niềm tin cùng sức cảm hóa của văn hóa Việt Nam đối với những người Minh Hương<br />
nhận nước Việt Nam làm tổ quốc được thấy rõ qua một số thơ văn của họ (tức nhóm Minh<br />
Hương Gia Thạnh) đặt cơ sở tại vùng Chợ Quán (Chợ Lớn), nay thuộc đường Trần Hưng<br />
Đạo và Hùng Vương quận 5, TP.HCM. Tại đình Gia Thạnh (Gia Thạnh đường) ngày nay<br />
còn dấu tích tấm biển với ba chữ Gia Thạnh đường và đôi liễn do chính tay Trịnh Hoài<br />
Đức viết.<br />
“Minh đồng nhật nguyệt diệu Nam thiên, phụng chỉ lâm trường Gia cẩm tú. Hương<br />
mãn càn khôn linh Việt địa, long bàn hổ cứ Thạnh văn chương.”<br />
Nghĩa là:<br />
“Ánh sáng không thua mặt trời, mặt trăng để soi khắp trời Nam, qui mô thì phụng múa<br />
lân chầu càng tăng vẻ đẹp gấm vóc.<br />
Mùi hương tung khắp đất trời làm thơm nước Việt, địa thế thì rồng quăng cọp dựa càng<br />
nảy ra những đấng tài hoa”.<br />
Văn tài Trịnh Hoài Đức được đúc kết qua nhiều tác phẩm giá trị, nhưng nổi bật và sáng<br />
giá nhất phải kể đến bộ Gia Định thành thông chí của ông. Đây là địa phương chí đầu tiên<br />
của lịch sử thư tịch Việt Nam. Tác giả có một cái nhìn toàn diện một vùng đất mới có rất<br />
nhiều tiềm năng trong lịch sử mở nước của tiền nhân. Có thể nói đây là một tác phẩm sáng<br />
giá nhất và cũng ra đời sớm nhất ở miền Nam vào giai đoạn đất nước mới thống nhất. Qua<br />
sách, tác giả trình bày cặn kẽ về đất nước, con người, phong tục, thổ ngơi… của đất Gia<br />
Định xưa tức vùng đất mà tiền nhân quen gọi là lục tỉnh (tức gồm 6 tỉnh Gia Định, Biên<br />
Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên). Gọi là lục tỉnh vì các nhà Nho xưa<br />
gọi tắt theo một câu cổ ngữ. “Khoái mã gia biên vĩnh định an hà” nghĩa là “Phóng ngựa ra<br />
roi giữ yên non nước”, các nhà Nho theo đó lấy các chữ tắt làm tên đầu cho các tỉnh, Gia:<br />
Gia Định, Biên: Biên Hòa, Vĩnh: Vĩnh Long, Định: Định Tường, An: An Giang, Hà: Hà<br />
<br />
Tiên chỉ Nam kỳ mà bây giờ chúng ta gọi là miền Nam hay Nam bộ. Chính vì nội dung có<br />
tầm quan trọng về đất nước con người, phong tục… như đã nói; thế cho nên khi thực dân<br />
Pháp chiếm Nam kỳ việc đầu tiên khi thành lập bộ máy cai trị họ đã cho dịch tác phẩm<br />
này sang tiếng Pháp để dùng vào việc củng cố chế độ thực dân và theo đó các quan cai trị<br />
người Pháp biết được một phần lịch sử, địa lý, phong tục… dân bản xứ.<br />
Ngoài các sáng tác, trước tác bằng chữ Hán sáng giá của ông, ông còn là một nhà thơ<br />
sử dụng chữ Nôm rất độc đáo. Theo truyền văn thì số thơ ông làm bằng chữ Nôm rất<br />
nhiều, nhưng đến nay đã thất lạc. Riêng 18 bài thơ Đi sứ cảm tác đã nói lên được cái thi<br />
tài của ông và từ đó còn cho chúng ta thấy được khả năng sử dụng chữ Nôm cũng như<br />
mãnh lực tiếng Việt trong truyền thống dân tộc. Thơ ông nhẹ nhàng, trong sáng, từ hoa<br />
thuần thục, không gò chữ uốn câu, nhẹ nhàng như hơi thở khỏe khoắn lành mạnh…<br />
Bài thơ Từ giã mẹ đi sứ là một chứng liệu đích thực nhất cho thi tài cũng như văn tâm<br />
ông?<br />
Lìa hiệp thương nhau kể mấy hồi,<br />
Ân tình ai cũng khó phanh phui.<br />
Trăng lòa ải Bắc nhàn chinh bóng,<br />
Thu quạnh trời Nam quạ đút mồi.<br />
Ngay thảo tưởng rồi sa nước mắt,<br />
Công danh nghĩ lại ướt mồ hôi.<br />
Quân thân tuy cách lòng đâu cách,<br />
Trọn đạo con là trọn đạo tôi.<br />
(Theo tuần báo Tân Văn, tháng 8- 1935, Sài Gòn).<br />
Và nhất là 18 bài liên hoàn ông làm khi đi sứ Trung Hoa năm 1802 để tỏ niềm riêng<br />
nơi đất khách - tuy rằng đây là viễn tổ - nơi ông đang nhận một trọng trách của triều đình<br />
giao cho ông.<br />
Với những bài thơ Nôm này (chùm thơ Nôm đi sứ), tác giả đã nói lên được tâm sự và<br />
chí hướng cùng hoài bão mình đối với Tổ quốc, ở đây xin đơn cử một trong 18 bài thơ<br />
trên:<br />
Nước nhà xưa có phụ chi ai?<br />
Nhắn với bao nhiêu kể cõi ngoài.<br />
Gắng sức dời non khoan nói tướng,<br />
Trải lòng nâng vạc mới rằng trai,<br />
Nắng sương chưa đội trời chung một,<br />
Sông núi đừng cho đất rẽ hai.<br />
Giúp cuộc Võ Thang ra sức đánh,<br />
Người coi để tiếng nhắc lâu dài.<br />
<br />
(Bài XI, trích lại trong Quốc âm thi hiệp tuyển, Lê Quang Chiểu, Pièce en deux<br />
volumes, Sài Gòn, Claude et Compagnie édition, 1903).<br />
Ngoài ra trong cấn Trai hối thực trung biên, Trịnh Hoài Đức còn ghi lại rất nhiều thơ<br />
chữ Hán của ông về vịnh vật, tả cảnh, ngôn chí… mà loại thơ này của ông đều hàm chứa<br />
một nội dung sâu sắc chứng tỏ ông là người có rất nhiều kinh nghiệm về sử, địa, nhân tình<br />
thế thái… trong và ngoài nước, ví như:<br />
Đào châu quán trục Ngũ hồ du,<br />
Thiên lý giao thừa Phạm Lãi du<br />
Nghĩa là:<br />
Nghìn dặm từng rong thuyền Phạm Lãi,<br />
Đào Châu chơi nhỡn suốt năm hồ.<br />
Đào Châu là hiệu của Phạm Lãi. Phạm Lãi sau khi giúp Việt Câu Tiễn thành công<br />
trong việc giữ nước, khi công thành thì thân thối (thoái). Tâm sự ấy của Phạm Lãi phải<br />
chăng là nỗi niềm Trịnh Hoài Đức?<br />
Bên cạnh đó Trịnh Hoài Đức có nhiều thơ chữ Hán tặng các bạn như các bài Khách<br />
Cao Miên quốc ký hoài Diệp Minh Phụng Kỳ Sơn với các câu: “Cố quốc âm thư vạn lý<br />
tình” (Nước cũ tin âm mấy dặm trình) và câu kết: “Liên nhân khởi phục giá cô minh”<br />
(Giá cô kêu gọi, gợi thâm tình) phải chăng ông nhớ về cố quốc Việt Nam lúc đang ở nước<br />
bạn “Cao Miên”. Nước cũ vừa hàm ý cố quốc mà cũng là nơi chôn nhau cắt rốn bản thân<br />
mình. Cho nên dù phải xa nước Việt, xa đất Gia Định, nhưng hình ảnh đất nước, con<br />
người Việt Nam vẫn canh cánh bên lòng:<br />
Chế Lăng sơn thủy nhiễu yên chướng<br />
Gia Định hương quan nhập mộng hồn.<br />
Dịch thơ:<br />
Non nước Chế Lăng đầy chướng khí<br />
Xóm làng Gia Định mộng hồn trông.<br />
Thơ văn Trịnh Hoài Đức khá nhiều, không những về lượng mà chất của các tác phẩm<br />
ông mới là phần đóng góp lớn cho kho tàng văn hóa Việt Nam hồi thế kỷ XIX. Gia Định<br />
thành thông chí có lẽ là tác phẩm tầm cỡ có giá trị lớn đối với toàn bộ văn học Việt Nam<br />
mà các nhà trong Gia Định tam gia (gồm ông (THĐ), Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định),<br />
và nhóm Sơn Hội (gồm 3 vị trên và các ông Diệp Minh Phụng, Hoàng Ngọc Uẩn…) quả<br />
thật lớn lao. Phần đóng góp của họ đối với văn hóa Việt Nam rất phong phú và cho đến<br />
mãi hôm nay tác phẩm của họ - trong đó có tác phẩm Trịnh Hoài Đức - vẫn còn là những<br />
bài học đối với chúng ta trong việc “ôn cố”.<br />
<br />
Người Bình Dương<br />
SƠN NAM<br />
Bình Dương là tên vùng đất quen thuộc nhưng nghe hơi lạ tai, đối với người lớn tuổi.<br />
Xưa gọi Thủ Dầu Một, thời Pháp thuộc. Thời Tự Đức, thuộc vào địa bàn tỉnh Biên Hòa.<br />
Hai tiếng Bình Dương mới đặt sau Hiệp định Genève 1954, lần hồi trở nên quan thuộc,<br />
dân gian ưa thích, nhất là sau khi có phim Người đẹp Bình Dương ra mắt, mặc dầu không<br />
thành công như ý muốn.<br />
*<br />
Cốt lõi của người tỉnh Bình Dương ngày nay vẫn là dân sống quanh thị xã, lấy Thủ<br />
Dầu Một làm trung tâm phát triển. Thị xã nằm bên bờ sông Sài Gòn, phía thượng nguồn.<br />
Chính con sông hiền lành này là mạch máu giao lưu để vận tải hàng hóa với khối lượng<br />
lớn xuống Sài Gòn, Chợ Lớn đi các tỉnh. Phần lớn vẫn còn sử dụng đường bộ, với hệ<br />
thống khá hoàn chỉnh.<br />
Trước khi Pháp đến, Bình Dương giao lưu dễ dàng với tỉnh lân cận là Biên Hòa, xuống<br />
Sài Gòn, theo đường bộ khoảng 30km. Vì vậy, người Bình Dương không cần đi xuống các<br />
tỉnh phía đồng bằng sông Cửu Long để làm ruộng nước. Với thế mạnh là lâm sản, sau này<br />
là vườn cao su, đặc biệt có vài ngành thủ công nghệ cung cấp sản phẩm cho cả phía Nam.<br />
Khoảng cuối thế kỷ XIX, Bình Dương nổi danh là khu vực săn bắn lý tưởng, dành cho<br />
người Âu từ nước ngoài đến. Thái tử Nga (sau này là Sa hoàng bị truất phế vì Cách mạng<br />
tháng Mười 1917) vào năm 1890 được thực dân mời lên Dĩ An để săn nai, thật ra đó là<br />
con nai nuôi sẵn. Rồi người Pháp thử khai thác rừng già của Thủ Dầu Một, cho nhiều đoàn<br />
thám sát phía thượng nguồn sông Bé, rất gian nan, gặp sự chống đối của người dân tộc Stiêng. Công ty tàu thủy Pháp mở tuyến Sài Gòn đi và về 2 lần 1 tuần, từ năm 1885, nhằm<br />
chở lính, gạo, thực phẩm cho đồn bót. Pháp cho mở thêm tuyến xe lửa (chạy hơi nước, sau<br />
chạy điện) từ Sài Gòn, Bà Chiểu, Hóc Môn lên Lái Thiêu, về sau nối lên Lộc Ninh nhằm<br />
chở mủ cao su về Sài Gòn. Vấn đề phu cao su quá lớn, chỉ xin đề cập đến vài ngành tiểu<br />
công nghệ gây uy tín cho đất Bình Dương.<br />
Bình Dương, với trung tâm là Lái Thiêu có lẽ đứng đầu phía Nam về khối lượng đồ<br />
gốm, sản xuất được nhiều vì có nơi tiêu thụ, có đầu ra để phát triển đầu vào. Trước khi<br />
Pháp đến, nhiều toán nghệ nhân và chuyên gia Trung Hoa đã khảo sát thị trường đồ gốm.<br />
Bên Cam-Bốt, gần như chẳng có đất tốt với trữ lượng to, phía đồng bằng sông Cửu Long<br />
thì đất chỉ dùng làm gạch ngói, còn ở miền Trung bộ thì khó tìm đất, vả lại đường chuyên<br />
chở quá xa đến nơi phân phối. Trước đó, ở gần gò Cây Mai (Chợ Lớn) đã qui tụ số ít<br />
người chuyên về gốm thô, siêu, đặc biệt là có gốm cao cấp dùng trang trí chùa, miếu. Sau<br />
đó, khu vực Lò Gốm ấy giải thể, khi chỉnh trang vùng Chợ Lớn. Nghệ nhân và giới kinh<br />
doanh lại dời về Lái Thiêu, nơi có rạch Lái Thiêu thuận lợi chuyên chở, đồng thời vùng<br />
phụ cận hoặc xa hơn, phía Đất Cuốc (Tân Uyên) còn dự trữ đất sét. Căn cứ vào năm thành<br />
lập và trùng tu chùa Bà ở Lái Thiêu, ta đoán chắc nghề gốm ở đây khởi đầu từ năm 1867<br />
qua 1883, 1889. Lò gốm Lái Thiêu hình thành với qui mô to, trên mặt bằng đồ sộ, gần<br />
giống như lò sành sứ bên Trung Hoa: khâu chọn đất, lọc đất, nhồi đất, tạo hình, phơi khô,<br />
vào lò, xem lửa, ra lò rồi phân phối. Vòng sản xuất khép kín trong một mặt bằng. Bấy giờ<br />
những lò lớn chia ra:<br />
<br />
- Lò Quảng Đông chuyên về tượng trang trí nhiều màu sắc, dùng khuôn, làm chậu<br />
trồng cây cảnh, về sau, bày ra kiểu tượng con voi để làm đôn, có thể ngồi lên được.<br />
- Lò Triều Châu, chuyên làm tô chén gia dụng, với đặc trưng nền trắng, men xanh,<br />
thường vẽ hình con rồng, bông cúc, con gà…<br />
- Lò Phước Kiến, chuyên về vật dụng to lớn, như lu khạp, dùng men vàng, gọi men “da<br />
lươn”…<br />
Mãi đến nay, đồ gốm vẫn còn được chuộng, mặc dầu đồ nhôm nhựa phát triển. Nghề<br />
này vẫn thu hút nhiều công nhân già cả lớn bé. Chợ Lái Thiêu là thị trấn “thức suốt đêm”.<br />
Dọc theo rạch Lái Thiêu, dịp gần Tết, hàng trăm ghe tải lớn nhỏ đậu vào bến, chờ “ăn<br />
hàng”, nhất là dịp gần Tết.<br />
Nghề mộc một thời khiến cho Bình Dương nổi danh cả phía Nam, vì ở tỉnh Thủ Dầu<br />
Một nên dân gian quen ca ngợi là “thợ Thủ”, tay nghề cao. Người Pháp ngay những năm<br />
đầu thế kỷ đã tổ chức Trường Mỹ thuật Gia Định (chuyên hội họa), trường dạy gốm ở<br />
Biên Hòa và trường chuyên đồ Mộc (gọi trường Bá nghệ) ở Thủ Dầu Một. Nhờ trường<br />
mộc này, tay nghề của thợ Thủ được hiện đại hóa. Người Pháp đã thấy thế mạnh của Bình<br />
Dương là gỗ quí (gõ, cẩm lai, bằng lăng…) nên đã đưa nhiều thợ giỏi về mộc từ bên Pháp<br />
sang dạy cho dân địa phương. Những bộ “xa-lông” nay còn thấy, bán với giá khá cao lấy<br />
kiểu từ đồ mộc của Pháp, theo kiểu thức đời vua Louis XVI. Trước kia, ta dùng trường kỷ,<br />
nhưng với Pháp, đã có những ghế dựa, dành cho cá nhân, chủ nhà và khách ngồi quanh cái<br />
bàn nhỏ. Để phù hợp với cảm quan của người Việt, bày chạm cúc dây, hoa mẫu đơn, về<br />
sau, lại cản xà cừ. Cái bàn “giường thờ” thời xưa để thờ ông bà được cải tiến, trở thành cái<br />
“tủ thờ” xinh xắn, mặt hình bầu dục (gọi hột xoài). Đây là kiểu tủ của Pháp cải tiến,<br />
thường chạm hai hàng chuỗi theo hình dọc. Mặt tiền của tủ, cản xà cừ những điển tích cầu<br />
hôn Giang Tả, Ngũ Tử đăng khoa… Đây là tay nghề của những thợ cản xà cừ từ tỉnh Hà<br />
Đông vào, lần hồi, nhóm nghệ nhân của đồng bằng sông Hồng tổ chức một miếu thờ, nay<br />
hãy còn, đáng trân trọng, gọi miếu Mộc Tổ, vào khoảng năm 1940. Nghệ nhân ở Lái<br />
Thiêu lại cải tiến kiểu tranh thờ tổ tiên, trước kia thờ chữ Phước, chữ Lộc hoặc tranh nhập<br />
từ Hương Cảng với non cao, cây tùng và dòng suối. Tranh vẽ trên kiếng ra đời, vui tươi<br />
hơn, có dòng sông chảy ra biển, cây phượng trổ hoa, ngôi nhà ngói, vẫn là “cây cội nước<br />
nguồn” ở vùng văn minh sông nước, phổ biến đến tận mũi Cà Mau, nay hãy còn, hình ảnh<br />
vẽ sau tấm kiếng, thỉnh thoảng rửa sạch bụi, trông như mới.<br />
Sơn mài là thế mạnh, có truyền thống của Bình Dương, trước kia chỉ sản xuất đồ gia<br />
dụng như quả đựng đồ cưới, sau cải tiến lại, nâng lên với tranh sơn thủy (con nai uống<br />
nước bên dòng suối). Ban đầu, nổi danh nhất là nhóm Thanh Lễ, ông Thanh và ông Lễ<br />
hợp tác, về sau, ông Lễ (Nguyễn Thành Lễ) lãnh đạo, bày ra kiểu xa-lông phủ toàn sơn<br />
mài, thêm tủ đựng rượu cũng sơn mài, hấp dẫn người Âu, một thời gây uy tín lớn, xuất<br />
cảng qua châu Âu.<br />
Vườn cây ăn trái từ hai trăm năm qua thành hình ở Bình Nhâm, Lái Thiêu, giống măng<br />
cụt được du nhập (nhờ người theo đạo Thiên Chúa), thêm sầu riêng (sầu riêng, từ năm<br />
1925), thêm dâu, bòn bon. Khu vườn cây ăn trái nay trở thành điểm du lịch cho dân Sài<br />
Gòn.<br />
Lướt qua vài ngành nghề xưa để thấy người Bình Dương rất năng động, hàng hóa phải<br />
có thị trường rộng trong miền, cải tiến kỹ thuật không ngừng. Ngoài số người sống với<br />
<br />