intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

32
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết phân tích về vai trò của công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, đánh giá thực trạng công tác tuyên truyền an toàn giao thông đường bộ ở nước ta trong những năm trở lại đây. Trong bài viết, tác giả dẫn chứng các nghiên cứu, kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông; từ đó đề ra một số giải pháp trọng tâm để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ trong thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ

  1. NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ Đại uý: ThS Đinh Thị Phương Dung Viện Khoa học Cảnh sát - Học viện Cảnh sát nhân dân TÓM TẮT: Bài viết phân tích về vai trò của công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, đánh giá thực trạng công tác tuyên truyền an toàn giao thông đường bộ ở nước ta trong những năm trở lại đây. Trong bài viết, tác giả dẫn chứng các nghiên cứu, kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông; từ đó đề ra một số giải pháp trọng tâm để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ trong thời gian tới. Từ khoá: tuyên truyền pháp luật, an toàn giao thông đường bộ, Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông, Quyết định 1317, bảo đảm TTATGT I. VAI TRÒ VÀ THỰC TRANG CỦA CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ Tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ là bộ phận quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành Luật giao thông, là nhiệm vụ cơ bản, dài lâu trong chiến lược bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của quốc gia. Bản chất của hoạt động tuyên truyền là một quá trình trao đổi thông điệp từ chủ thể tuyên truyền tới đối tượng tiếp nhận thông qua các kênh phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, thông qua hoạt động giảng dạy, học tập, thi tìm hiểu... với mục đích tác động nhằm thay đổi nhận thức, thái độ hành vi, góp phần phát triển xã hội. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 80% các vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra có nguyên nhân xuất phát từ chính người tham gia giao thông, do sự thiếu hiểu biết về pháp luật giao thông, quy tắc giao thông và văn hoá ứng xử khi tham gia giao thông. Chính bởi vậy, việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ có vai trò là cầu nối để chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân và là diễn đàn để người dân phản ánh tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông đến lực lượng có chức năng xem xét xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; qua đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người tham gia giao thông. Các chức năng cơ bản của hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ: - Thông tin, đây là chức năng cơ bản, đặc trưng của bất kỳ loại hình truyền thông nào, cung cấp những kiến thức cơ bản, cốt lõi về pháp luật giao thông, các vấn đề thời sự trong lĩnh vực an toàn đường bộ, các biện pháp phòng tránh và giảm thiểu thương tích do tai nạn giao thông; - Tương tác, dựa trên sự tác động tới nhận thức, thế giới quan và các mặt tình cảm, tâm lý của cá nhân cũng như cộng đồng thông qua việc phổ biến các chuẩn mực xã hội, giá trị, hành vi tham gia giao thông đúng đắn; 80
  2. - Giáo dục, bao gồm việc hình thành ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng tham gia giao thông an toàn, thúc đẩy hình thành văn hoá giao thông, xây dựng môi trường giao thông hiện đại, văn minh, đặt tính mạng con người là quan trọng nhất. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1317/QĐ-Ttg ngày 28/8/2020 “Phê duyệt Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, giai đoạn 2020 - 2025”. Đề án đặt ra Mục tiêu: “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; phòng, chống tác hại của rượu, bia phải thường xuyên, liên tục, dễ tiếp cận và hiệu quả đối với từng đối tượng; phù hợp với truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo và phong tục tập quán”. Trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, Đề án đã vạch rõ các nội dung cần đẩy mạnh tuyên truyền về “quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông; phổ biến tuyên truyền về mức xử phạt, hình thức xử phạt khi vi phạm giao thông, những hậu quả sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế, gánh nặng cho xã hội, di chứng do tai nạn giao thông gây ra. Tuyên truyền, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện “xanh” (như xe đạp, đi bộ) nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt tại các thành phố lớn, tập trung đông dân cư”. Trong thời gian qua, công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của xã hội, của người tham gia giao thông được các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quan tâm chỉ đạo, nhiều hoạt động tuyên truyền được tổ chức đồng loạt với quy mô cả nước tạo được dấu ấn và sự quan tâm của xã hội đến công tác đảm bảo TTATGT. Uỷ ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước tổ chức nhiều hoạt động với quy mô lớn, tạo được nhiều dấu ấn và sự quan tâm của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật giao thông, đặc biệt là an toàn giao thông đường bộ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa được đa dạng hóa. Cán bộ làm công tác tuyên truyền chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản. Các mô hình về bảo đảm TTATGT, TTXH hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không có kinh phí hỗ trợ, ít được tập huấn về pháp luật, nghiệp vụ và kĩ năng xử lý tình huống do đó rất khó khăn trong hoạt động. Hiệu quả của hoạt động tuyên truyền cũng chưa được tổng kết, đánh giá, phân tích chuyên sâu để làm căn cứ điều chỉnh, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc tính từng đối tượng. Để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ cần làm tốt việc lập kế hoạch, xây dựng nội dung thông điệp tuyên truyền, tổ chức các hoạt động tuyên truyền. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được triển khai theo mô hình sau. 81
  3. - Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông + Xác định đối tượng Có thể phân chia đối tượng của hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông theo độ tuổi từ thiếu nhi cho đến người cao tuổi. Trong mỗi lứa tuổi lại phân chia cụ thể theo hình thức tham gia giao thông, bao gồm người bộ hành, người tham gia giao thông bằng phương tiện xe thô sơ, xe 2 - 3 bánh, xe ô tô. Đối với độ tuổi trưởng thành bên cạnh cách phân chia trên còn có thể phân chia theo nghề nghiệp như lái xe taxi, lái xe khách, xe buýt, xe chuyên dụng... Khi đã lựa chọn được đối tượng của hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cần đặc biệt lưu ý những đặc điểm về tâm sinh lý và hành vi của đối tượng đó để đưa ra những nội dung, phương pháp giảng giải, tuyên truyền phù hợp, đảm bảo hiệu quả tuyên truyền đạt được là cao nhất. Ví dụ, khi tiến hành hoạt động tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh mẫu giáo cần nắm được những đặc điểm tâm sinh lý và hành vi của lứa tuổi này như sau: • Chiều cao và cân nặng của trẻ (tầm mắt ở trẻ 3 tuổi cao khoảng 90 cm, ở trẻ 6 tuổi khoảng 110 cm), một mặt làm hạn chế tầm nhìn và nhận thức về tình huống trên đường đối với trẻ, mặt khác khiến cho người lái xe khó nhận biết được sự hiện diện của trẻ trên đường; • Tầm nhìn bên chưa phát triển hoàn thiện (thấp hơn 20 - 25% so với người trưởng thành); • Dễ mất tập trung và thiếu sự phối hợp trong di chuyển, ví như thường nhầm chân khi đi nhanh, điều này gây khó khăn khi thực hiện hành động ngay cả khi trẻ có ý thức tuân thủ các quy tắc giao thông; • Không có khả năng đánh giá hay phân tích tình huống giao thông, xác định khoảng cách với các phương tiện đang di chuyển trên đường; • Định hướng không gian kém, gây khó khăn cho việc nhận biết các nguồn âm thanh và hướng của chúng so với các vật thể khác trên đường (trước, sau, trái, phải, trên, dưới); • Thính giác còn kém phát triển khiến cho trẻ không thể lập tức phân biệt các âm thanh, ví dụ âm thanh của động cơ xe đang chạy trên đường với các tiếng ồn khác để lựa chọn hướng di chuyển; • Khả năng ghi nhớ và nhận biết còn kém. Một đứa trẻ sáu tuổi, trong điều kiện thuận lợi chỉ có thể lĩnh hội được 2 hoặc 3 yếu tố của tình huống giao thông (tín hiệu đèn, vạch kẻ đường hay người đi bộ phía trước), sau đó số lượng các yếu tố nhận biết và ghi nhớ sẽ tăng lên theo độ tuổi (ở thanh thiếu niên: 5 - 6 yếu tố; ở người trưởng thành: 7 - 8 yếu tố). Do đó, trong một tiết học về an toàn giao thông chỉ nên giới thiệu cho trẻ mẫu giáo 2 - 3 kiến thức mới (ví dụ: hai quy tắc giao thông và một biển báo, phụ thuộc vào mức độ phức tạp của quy tắc và biển báo đó); 82
  4. • Trẻ chưa phân biệt được sự khác nhau giữa các phương tiện giao thông thực sự trên đường với những xe đồ chơi, không hiểu rằng xe thật thì không thể dừng lại lập tức giống như khi trẻ chơi đồ chơi; • Thường rất hào hứng và tích cực trong các hoạt động trải nghiệm, đặc biệt yêu thích xe cộ. Bên cạnh đó, khi tiến hành hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cần phải nắm được những đặc điểm của đối tượng gắn liền với độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, môi trường sống, điều kiện làm việc, phong tục, tập quán sinh hoạt... để có thể xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục phù hợp, hiệu quả nhất với từng đối tượng. + Xác định nội dung Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông thường được xây dựng theo chương trình, kế hoạch an toàn giao thông của năm, được thực hiện thống nhất từ cấp trung ương tới địa phương. Nội dung tuyên tuyên truyền phải phù hợp với địa bàn, đối tượng mà hoạt động tuyên truyền hướng đến. Khi tiến hành hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trên một địa bàn thì nội dung tuyên truyền phải gắn liền với những vấn đề thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông của địa phương đó, rút ra những đặc điểm chính, những điểm cần lưu ý, ví dụ như thống kê về tai nạn giao thông, các hành vi vi phạm hành chính về giao thông thường gặp, nơi hay xảy ra tai nạn, thời điểm tai nạn, đối tượng gây tai nạn, cách thức gây tai nạn... Những thông tin này khi được truyền tải tới người dân sẽ giúp họ nhận biết được thực trạng tình hình giao thông tại nơi mình đang sống, từ đó điều chỉnh hành vi tham gia giao thông và tuân thủ những quy định pháp luật về giao thông. Đối với mỗi đối tượng cụ thể, việc lựa chọn nội dung tuyên truyền cần tập trung vào các kiến thức, kĩ năng thiết yếu giúp tham gia giao thông an toàn, không để xảy ra tai nạn, những quy định pháp luật về giao thông gần gũi nhất. Việc xây dựng nội dung tuyên truyền phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nơi tổ chức hoạt động tuyên truyền, phù hợp với lứa tuổi và khả năng nhận thức của đối tượng được tuyên truyền. Ví dụ, xây dựng nội dung tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo bao gồm những kiến thức: • Đi bộ an toàn; • Ngồi xe máy/ xe ô tô an toàn khi đi cùng cha mẹ; • Tham gia giao thông bằng các phương tiện công cộng; • Xử lý khi gặp phải tai nạn. Đối với nội dung đi bộ an toàn, phải giúp các em nắm được những kiến thức cơ bản như đi bộ trên vỉa hè, đi về phía tay phải; cách qua đường an toàn; phân biệt các tín hiệu đèn giao thông... Tuy cùng một nội dung về giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em, nhưng tuỳ vào địa bàn ở thành phố/ nông thôn; ở đồng bằng/ miền núi; nơi có điều kiện kính tế phát triển/ kém 83
  5. phát triển... mà những kiến thức được lựa chọn để truyền tải phải có sự chắt lọc, phù hợp với điều kiện tổ chức giao thông, thói quen, tập quán tham gia giao thông của người dân. Có như vậy thì hoạt động tuyên truyền, giáo dục về trật tự, an toàn giao thông mới thật sự đem lại ý nghĩa tích cực. + Xác định hình thức Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phải đa dạng hoá hình thức để gia tăng hiệu quả tới đối tượng được truyền đạt. Những hình thức tuyên truyền phổ biến là thông qua hệ thống thông tin truyền thông như truyền hình, báo chí, phát thanh, sử dụng các tờ rơi, pano, áp phích, sân khấu hoá, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật giao thông, các buổi nói chuyện chuyên đề, thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát của các cơ quan chức năng... Việc lựa chọn hình thức tuyên truyền phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh nơi tổ chức, đặc điểm của đối tượng tuyên truyền và kinh phí hoạt động. Ví dụ: khi tổ chức hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo, nên lựa chọn các phương pháp giảng dạy cuốn hút như đóng kịch, xem rối, tổ chức trò chơi điều khiển phương tiện giao thông... Vì trẻ mẫu giáo khó tập trung nên một tiết học về an toàn giao thông phải tiến hành trong thời gian ngắn, kết hợp vừa học vừa chơi. Người giáo viên phải sử dụng những từ ngữ dễ hiểu, ngữ điệu, động tác cơ thể phù hợp với trẻ nhỏ... giúp các bé dễ dàng tiếp thu những kiến thức về an toàn giao thông. - Tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông + Lựa chọn thời gian, địa điểm Khi tiến hành hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cần phải nghiên cứu xem với từng đối tượng thì tiến hành vào dịp nào, địa điểm nào và làm thế nào để vận động được họ tham gia. Việc lựa chọn thời gian, địa điểm tổ chức có thể thực hiện như sau: • Tiến hành lựa chọn thời gian, địa điểm hoạt động thông qua chính quyền địa phương, các ban, hội, đoàn để kêu gọi, vận động các đối tượng tham gia giáo dục an toàn giao thông; • Tiến hành hoạt động giáo dục, tuyên truyền an toàn giao thông nhân dịp các lễ hội, sự kiện của các tổ chức, đoàn thể. Hoạt động tuyên truyền khi này mang tính chất lồng ghép nên khi tiến hành phải trong thời gian nhanh chóng, với các nội dung cô đọng, dễ hiểu nhất; • Tiến hành hoạt động giáo dục, tuyên truyền an toàn giao thông tại các cơ sở có đối tượng tập hợp như nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ quan, doanh nghiệp... Hoạt động tuyên truyền cần có sự phối hợp với các cơ quan, đoàn thể chủ quản để xây dựng được nội dung chương trình phù hợp. + Chuẩn bị trang bị, phương tiện Việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật, kĩ năng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải được thực hiện một cách trực quan, sinh động, dễ nghe, dễ hiểu nhất thì mới có thể khơi gợi sự chú ý và hứng thú của người nghe, từ đó mới có thể đem lại những hiệu quả như mong muốn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người nghe chỉ ghi nhớ được 84
  6. 10% khối lượng thông tin nếu sử dụng các biện pháp truyền đạt thuần tuý, 50% nếu được tiếp cận các phương tiện trực quan, 70% nếu được tham gia vào quá trình giảng dạy và 80% khi có sự kết hợp giữa thuyết trình và trực tiếp trải nghiệm. Bởi vậy, khi tổ chức các hoạt động tuyên truyền cần phải chuẩn bị đầy đủ, kĩ càng cơ sở vật chất, các máy móc như máy chiếu, ti vi, loa đài... Bên cạnh đó, tuỳ vào nội dung của buổi tuyên truyền, cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền cần chuẩn bị các tài liệu như: • Dữ liệu về tình hình tai nạn giao thông, vi phạm giao thông được biểu đồ, mô hình hoá; • Những ví dụ thực tế về tai nạn giao thông, các hình ảnh vi phạm thường gặp dưới dạng video clip, tranh, ảnh, phóng sự...; • Các thiết bị như bộ biển báo giao thông, sa bàn mô phỏng hoạt động giao thông, các phương tiện giao thông, trang bị, phương tiện của lực lượng Cảnh sát giao thông... Lưu ý: • Thành công hay thất bại của một hoạt động tuyên truyền phụ thuộc phần lớn vào sự chuẩn bị, lên kế hoạch chi tiết, cụ thể; • Cán bộ thực hiện hoạt động tuyên truyền, các tuyên truyền viên cần chú ý xây dựng phong cách, kỹ năng, tư thế, tác phong chuẩn mực; sự tự tin khi trình bày, diễn thuyết; chú ý đến ngữ điệu, ngôn ngữ cơ thể để thu hút người nghe, có như vậy mới đem lại hiệu quả của việc tuyên truyền. • Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để duy trì hiệu quả và củng cố nhận thức cũng như ý thức pháp luật cho người tham gia giao thông. - Đánh giá hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Trên thế giới, cả về lý thuyết và kinh nghiệm, người ta đã chỉ ra rằng để đánh giá bất kỳ yếu tố nào đều phải sử dụng hệ thống chỉ số tương ứng, có thể chỉ số định lượng tính ra từ kết quả làm việc, hoặc có thể chỉ số định tính thông qua thu thập ý kiến từ cộng đồng. Hệ thống chỉ số đánh giá càng phù hợp thì kết quả đánh giá càng đúng. Đối với hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cũng cần được thường xuyên đánh giá để đo lường hiệu quả và mức độ nắm bắt kiến thức của đối tượng được truyền thụ, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp nhằm đạt được kết quả cao nhất. Trong quá trình giảng dạy, người giáo viên, tuyên truyền viên phải thường xuyên đưa ra các câu hỏi, tiến hành vấn đáp, trao đổi để nắm bắt mức độ hiểu và tiếp thu của người học. Làm phiếu hỏi/ điều tra mức độ nắm bắt vấn đề trước và sau khi tiến hành hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông để so sánh, đo lường hiệu quả của quá trình học. Về góc độ dài hạn, tiến hành các cuộc khảo sát, điều tra tình hình trật tự, an toàn giao thông gắn với đối tượng, địa bàn đã được triển khai hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông để đánh giá có hay không sự chuyển biến, mức độ chuyển biến, những hành vi vi phạm vẫn còn phổ biến. Từ đó rút ra những đánh giá về hiệu 85
  7. quả của hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã tiến hành và có định hướng, mục tiêu, kinh nghiệm cho việc triển khai các hoạt động, chiến dịch tuyên truyền tiếp theo. Xin viện dẫn kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về An toàn giao thông đường bộ thuộc Bộ Nội vụ Liên Bang Nga về tác động của các hoạt động tuyên truyền an toàn đường bộ tới nhận thức của người tham gia giao thông. Nghiên cứu sử dụng phương pháp khảo sát bằng bảng câu hỏi (11 câu hỏi), có sự tham dự của 289 người (cư dân Thủ đô Moscow và các vùng lân cận, Cộng hòa Kabardino-Balkarian, khu vực Rostov, lãnh thổ Stavropol, v.v.). Tỷ lệ người trả lời theo giới tính là 63% nam và 37% nữ. Những người được hỏi trong độ tuổi từ 17 đến 72. Với câu hỏi những vấn đề an toàn đường bộ nào được đề cập đến thông qua các hoạt động tuyên truyền mà người được hỏi ghi nhớ, câu trả lời bao gồm: vượt quá tốc độ quy định (24,5%); lái xe trong tình trạng say xỉn (23,2%); ghế an toàn cho trẻ em (19,3%); thắt dây an toàn (16%); an toàn cho người đi bộ (17%). Các câu trả lời cho câu hỏi: “Tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ nên hướng đến những vấn đề gì?”, tỉ lệ câu trả lời như sau: lái xe trong tình trạng say xỉn (25%); vượt quá tốc độ quy định (22%), an toàn cho người đi bộ (21%), không sử dụng ghế an toàn cho trẻ em (17%), thắt dây an toàn (15%). Đánh giá về những điểm yếu, tồn tại của các hình ảnh, phim tuyên truyền về an toàn đường bộ, 26,5% người được hỏi cho rằng có mức độ biểu đạt nghệ thuật thấp; 26,2% ý kiến cho rằng các nhân vật hay câu chuyện trong hình ảnh/ đoạn phim tuyên truyền chưa đủ sức nặng tạo nên sự đồng cảm, lay động nhận thức của người xem. Theo những người được hỏi, hiệu quả tuyên truyền trong an toàn giao thông đường bộ qua các kênh thông tin được đánh giá cao nhất là Internet, bao gồm mạng xã hội (VKontakte, Facebook, Instagram, v.v.) - 37 %; qua các pa nô, áp phích cổ động ngoài trời (25%), qua các chương trình phát thanh, truyền hình (20%). Với câu hỏi là nên sử dụng phương pháp nào để tăng cường hiệu quả của các hoạt động tuyên truyền về an toàn đường bộ trên các phương tiện thông tin truyền thông, những người được hỏi cho rằng việc xây dựng kịch bản “gây sốc”, tác động mạnh đến nhận thức và tình cảm của người xem sẽ tạo nên sự đồng cảm, ghi nhớ sâu sắc (37%)(ví dụ về hình ảnh tuyên tuyền gây sốc: đoạn phim tư liệu ghi lại hiện trường vụ tai nạn giao thông với những hình ảnh tang thương, tâm sự của những người thân của nạn nhân như vợ, con về những mất mát, khổ đau khi người thân qua đời vì tai nạn giao thông, những hình ảnh tuyên truyền này thường gây xúc động mạnh cho người xem, khơi gợi sự thương cảm và có tác dụng cảnh tỉnh sâu sắc), sử dụng khẩu hiệu và hình ảnh tươi sáng (27%), câu chuyện tích cực (20,6%), hài hước (11,4%), sử dụng hình ảnh của người nôi tiếng (4%). Như vậy, dựa trên kết quả điều tra khảo sát, các cơ quan chuyên môn và đơn vị chức năng sẽ đưa ra những chương trình, kế hoạch tuyên truyền phù hợp và hiệu quả tới từng đối tượng. II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng Việt Nam cần thiết phải có những hoạt động nghiên cứu, tiến hành khảo sát, thu thập ý kiến của người tham gia giao thông về hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông nói chung cũng như an toàn giao thông đường bộ nói riêng, từ đó sẽ đo lường được hiệu quả của các hoạt động tuyên truyền đang triển khai, đưa ra những điều chỉnh, đổi mới cần thiết về nội dung, phương pháp, hình thức để tác động trúng đối tượng, đạt kết quả tuyên truyền như mong đợi. 86
  8. Mục tiêu của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông là cung cấp kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết khi tham gia giao thông và giúp cho các đối tượng vận dụng vào thực tiễn. Hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ cần luôn được chú trọng, tăng cường, thường xuyên được đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức để dễ dàng tiếp cận và lan toả những thông điệp tích cực tới mọi người dân. Các cơ quan chức năng cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, thực hiện có hiệu quả Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, giai đoạn 2020 - 2025; hoàn thành các mục tiêu mà Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Quyết định 1317/QĐ-Ttg ngày 28/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, giai đoạn 2020 - 2025”; 2. Báo cáo Tổng kết 05 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020 và Năm An toàn giao thông 2020 của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia; 3. Báo cáo tổng kết công tác năm của Cục Cảnh sát giao thông; 4. Н.М. Кузнецова, Л.А. Казанова, Т.А. Герман, Е.В. Котельникова. Социальная реклама по безопасности дорожного движения: особенности разработки и воздействия на участников дорожного движения: пособие. - М.: ФКУ «НЦ БДД МВД России», 2020. - 88 с. 87
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2