intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nền nông nghiệp của nước Đức giữa thế kỷ XIX

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

40
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này chính vì thế giới thiệu một góc nhìn đối với quá trình chuyển đổi của nền nông nghiệp nước Đức giữa thế kỷ XIX như là một bộ phận của quá trình công nghiệp hóa trên con đường tiến lên hiện đại của nước này bằng cách sử dụng các phương pháp lôgic và phương pháp lịch sử trong sự kết hợp với các phương pháp chuyên ngành và liên ngành có liên quan khác.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nền nông nghiệp của nước Đức giữa thế kỷ XIX

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 NỀN NÔNG NGHIỆP CỦA NƯỚC ĐỨC GIỮA THẾ KỶ XIX NGUYỄN MẬU HÙNG Nghiên cứu sinh, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế Email: nguyenmauhung@quangbinh.edu.vn Tóm tắt: Thế kỷ XIX được xem là một trong những thế kỷ dài nhất trong lịch sử tiến hóa của cộng đồng các cư dân nói tiếng Đức ở Trung Âu thời cận đại. Bên cạnh một cuộc cách mạng tư sản diễn ra dưới hình thức của một quá trình thống nhất và một cuộc cách mạng công nghiệp, thế kỷ dài dằng dặc này còn được phản ánh trung thực trong quá trình chuyển mình âm thầm và đau đớn của nền sản xuất nông nghiệp cũng như người nông dân dưới áp lực của nhà nước. Chính sự chuyển đổi của nền nông nghiệp cũng như của người nông dân không chỉ đã tạo ra những tiền đề quan trọng cho cuộc cách mạng công nghiệp ở Đức mà còn góp phần không nhỏ vào thành công của quá trình thống nhất nước Đức 1848-1871. Đó được xem là một cuộc cách mạng trên lĩnh vực nông nghiệp của nước Đức giữa thế kỷ XIX. Từ khoá: Cách mạng nông nghiệp, cải cách nông nghiệp, nông dân, nông thôn, quá trình thống nhất nước Đức 1848-1871. 1. DẪN NHẬP Nước Đức nửa đầu thế kỷ XIX trải qua nhiều cung bậc phát triển khác nhau trên địa hạt kinh tế. Trong khi các khu vực phía Tây và phía Nam đã bước đầu bước vào con đường kinh tế tư bản chủ nghĩa ở những mức độ khác nhau, các khu vực phía Đông của Phổ và một số khu vực phía Bắc vẫn còn duy trì các hình thức và phương thức sản xuất mang đặc trưng và tính chất phong kiến cổ điển. Chính sự phát triển của các phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là một động lực chủ yếu để đặt ra các nhu cầu về thống nhất thị trường. Trong quá trình này, người nông dân đã phải vật lộn với những biến đổi mang tính bước ngoặt của thời cuộc để tồn tại và qua đó góp phần hiện đại hóa nền nông nghiệp của nước Đức cũng như chuẩn bị các tiền đề xã hội cho cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra trong thời gian sau đó. Tuy nhiên, giới quý tộc phong kiến tư sản hóa của Phổ cũng có những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực này khi họ không những chịu khó hiện đại hóa chính mình để thích ứng với tình hình đang biến đổi từng ngày mà còn ủng hộ quá trình nhất thể hóa về kinh tế như là một trong những biện pháp và tiền đề quan trọng cho quá trình thống nhất về chính trị sau này. Vấn đề này về cơ bản vẫn chưa được quan tâm đúng mức trên thế giới, trong khi ở Việt Nam chỉ xuất hiện một cách hết sức sơ lược trong các giáo trình đại học. Bài viết này chính vì thế giới thiệu một góc nhìn đối với quá trình chuyển đổi của nền nông nghiệp nước Đức giữa thế kỷ XIX như là một bộ phận của quá trình công nghiệp hóa trên con đường tiến lên hiện đại của nước này bằng cách sử dụng các phương pháp lôgic và phương pháp lịch sử trong sự kết hợp với các phương pháp chuyên ngành và liên ngành có liên quan khác. 2. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP Ở ĐỨC GIỮA THẾ KỶ XIX 2.1. Nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu Đến năm 1800, nền kinh tế của nước Đức về cơ bản vẫn là một nền nông nghiệp tương đối lạc hậu trong so sánh với các nước công nghiệp đã tương đối phát triển hơn như Anh, Pháp và Mỹ ở phía Tây với chỉ một vài trung tâm đô thị lẻ tẻ. Các nhà nước nói tiếng Đức không chỉ độc lập về chính trị mà còn có một hệ thống kinh tế riêng. Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất cho tình trạng này chính là Vương quốc Phổ. Cho đến đầu thế kỷ XIX, nền kinh tế của Vương quốc Phổ về cơ bản vẫn là một nền nông nghiệp thuần túy đến mức mà giới doanh nhân đương thời của nước này không có đủ thị trường và doanh nghiệp bổ trợ để đầu tư cho phát triển. Tuy nhiên, các cuộc chiến tranh xuất khẩu văn hóa của người Pháp trong những năm đầu thế kỷ XIX đã buộc 128
  2. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 các nhà nước nói tiếng Đức vốn trước đây là thành viên của Đế quốc Thần thánh La Mã phải cải cách và tiến hành hiện đại hóa chính mình để thích ứng với thời cuộc. Mặc dù dậy, quá trình này đã đụng chạm đến nhiều vấn đề hệ trọng trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của cộng đồng các cư dân nói tiếng Đức ở Trung Âu lúc bấy giờ trên gần như tất cả các phương diện. Ví dụ, người dân ở vùng Westerwald của Công quốc Nassau cũng đã trải qua một thời kỳ khó khăn trong giữa thế kỷ XIX. Nền nông nghiệp ở khu vực này nhìn chung vẫn hết sức kém phát triển, trong khi phần lớn nông dân đều chỉ có thể canh tác trong những điều kiện nguồn lực rất hạn chế. Thực tế đó may ra chỉ có thể mang lại cho họ hy vọng có được một cuộc sống đủ ăn chứ không thể dư giả và đầu tư cho phát triển. Vào những năm cuối của cuộc chiến tranh chống lại Napoléon Bonaparte (1813-1815) đã xuất hiện một nạn đói kéo dài cho đến tận năm 1817. Chưa dừng lại ở đó, các mùa đông lạnh giá trong những năm 1829-1830 cũng dẫn đến nhiều chiến dịch quyên góp giúp đỡ cho các cư dân của vùng Westerwald. Trước tình hình đó, rất nhiều cư dân của Công quốc Nassau buộc phải kiếm sống bằng nghề thương lái di động hoặc công nhân mùa vụ ở vùng Rheinland hoặc di cư đến các nước khác. Chính vì thế, đa phần trong số 30 vạn cư dân của Công quốc Nassau năm 1816 là những người nghèo [4, tr.15, 29]. Tương tự như vậy, trên phạm vi rộng lớn hơn của toàn thể cộng đồng các cư dân nói tiếng Đức, giới tiểu nông chiếm đa số thông thường cũng được cho là những người tương đối thiếu điều kiện kinh tế. Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của tình trạng này chính là sự mất cân đối trong tỷ lệ tăng trưởng của các yếu tố liên quan. Trong vòng hơn 7 thập kỷ liền, số lượng các loại gia súc của các nhà nước nói tiếng Đức tăng trung bình chưa đầy 1%/năm, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất được cho là đã bắt đầu ở Liên bang Đức 1815-1866 từ những năm 1840. Cùng lúc đó, dân số cũng bắt đầu tăng nhanh hơn trước. Điều đó có nghĩa là có một sự phát triển không tương xứng giữa nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp với trình độ phát triển của ngành sản xuất này cũng như giữa nông nghiệp và công nghiệp ở Liên bang Đức 1815-1866 giữa thế kỷ XIX. Thực tế này cũng phần nào ảnh hưởng đến tính chất và đặc điểm của quá trình thống nhất Đức 1848-1871. Một biểu hiện nữa của tình trạng mất cân đối trong cơ cấu kinh tế của Công quốc Nassau lúc bấy giờ là trong khi thủ phủ Wiesbaden của họ có thể tiếp đón giới thượng lưu giàu có từ khắp châu Âu với một truyền thống phong kiến xa xỉ, đa phần người dân ở vùng Taunus và Westerwald phải sống trong các điều kiện hết sức tồi tàn và khốn khổ. Trước tình hình đó, Chính phủ Công quốc Nassau thực tế cũng đã có nỗ lực nhằm phát triển một nền công nghiệp đô thị với quy mô ngày càng lớn hơn, nhưng thất bại vì thiếu khả năng tài chính cũng như các điều điều kiện tiền đề thiết yếu [4, tr.18]. Chính vì thế, ngày 17/5/1846, Thủ tướng Dungern viết cho Công tước Adolph của Công quốc Nassau rằng ông không cần phải quá lo lắng về các nguy cơ tiềm ẩn của báo chí cực đoạn và thợ chủ công cộng sản, vì Công quốc Nassau thiếu hẳn các thành phố công nghiệp và lực lượng tư sản ở Nassau cũng chỉ là chủ sở hữu của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không có các mối liên hệ với bên ngoài như một mạng lưới xã hội rộng khắp [2, tr.411]. Cùng lúc đó, cư dân các khu vực giàu có hơn ở vùng Rheingau và các khu vực nhiều mỏ khoáng sản bên dòng sông Lahn và Dill lại sống dựa chủ yếu vào xuất khẩu rượu và quặng sắt. Đối với cư dân của các khu vực này, việc Nassau trở thành thành viên của Liên minh Thuế quan Đức của Phổ năm 1834 để tiếp cận thị trường miền Bắc của Liên bang Đức 1815-1866 là một trong những yếu tố tối cần thiết hơn so với mối quan hệ chủ quyền đối với Chính phủ Công quốc Nassau ở Wiesbaden. Quá trình thống nhất nước Đức giữa thế kỷ XIX chính vì thế thường được xem là có nguồn gốc sâu xa từ những nhu cầu thiết yếu của việc thống nhất thịt trường hàng hóa mà Liên minh thuế quan Đức của Phổ năm 1834 là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất được thành lập nhằm hiện thực hóa mục tiêu này. 129
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 Tóm lại, cho đến tận trước lúc diễn ra cuộc Cách mạng 1848-1871, cộng đồng các cư dân nói tiếng Đức ở Trung Âu vẫn sống dựa chủ yếu vào một nền nông nghiệp tập trung khai thác các nguồn lực sẵn có của tự nhiên. Nền nông nghiệp ấy mặc dù cũng đang bắt đầu phải đối mặt với không ít thách thức từ sự bùng phát của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất trong những năm 1840, nhưng về cơ bản vẫn chưa thể vượt qua chính mình để giải quyết các vấn đề bức thiết của cuộc sống hàng ngày cho đa phần người dân nông thôn lúc bấy giờ. Chính vì thế, hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp vốn vẫn còn nhiều tàn dư của chế độ phong kiến là một trong những thách thức không nhỏ đối với quá trình tiến lên hiện đại của cộng đồng các cư dân nói tiếng Đức ở Trung Âu giữa thế kỷ XIX. 2.2. Phần lớn đất đai hoang hóa Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của tình trạng lạc hậu của nền sản xuất nông nghiệp nước Đức giữa thế kỷ XIX là sự bất lực của con người trước thiên nhiên trong tình cảnh thiếu thốn. Nếu như đối với cư dân các khu vực thiếu thốn về tài nguyên thiên nhiên, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai và trải qua các biến động xã hội liên hồi, tình trạng thiếu thốn về đời sống vật chất có thể được giải thích do tác động của các yếu tố khách quan. Tuy nhiên, đối với cư dân các khu vực trù phú về tài nguyên thiên nhiên, nhưng lại phải chịu cảnh bần hàn là một biểu hiện của trình độ phát triển của nền sản xuất thấp kém. Việc nền nông nghiệp của nước Đức giữa thế kỷ XIX vẫn còn đề cho nhiều diện tích lãnh thổ tồn tại trong tình trạng hoang hóa là một trong số đó. Trong khi nền sản xuất nông nghiệp của các nhà nước nói tiếng Đức cho đến tận trước khi diễn ra cuộc Cách mạng 1848-1849 về cơ bản vẫn chưa thể giải quyết các nhu cầu lương thực thiết yếu hàng ngày của người dân, thì phần lớn diện tích lãnh thổ các nước này vẫn là rừng tự nhiên và đất hoang. Quá trình tư nhân hóa ruộng đất dẫn đến việc bãi bỏ các hình thức khai thác các khu rừng tự nhiên bằng con đường tập thể cũng như chăn thả gia súc tự do của cư dân thôn xã. Một số cải cách đơn lẻ trên lĩnh vực này đã diễn ra tgay từ trước năm 1806 ở Vương quốc Phổ. Trong số này, quan trọng nhất là việc giải phóng các nông nô lệ thuộc dựa trên hình thức sở hữu các nguồn tài nguyên quốc gia của vương quốc từ thế kỷ XVIII. Tất cả các phương thức bóc lột nông nô lệ thuộc đều được bãi bỏ từ năm 1807 ở Vương quốc Phổ. Tuy nhiên, cho đến tận năm 1816, 3/4 diện tích lãnh thổ của Công quốc Nassau vẫn bị rừng tự nhiên bao phủ [4, tr.15]. Đến tận giữa thế kỷ XIX, 175.500 trong số 453.000 hécta diện tích tự nhiên của Công quốc Nassau vẫn được dùng vào việc sản xuất nông nghiệp, 180.844 hécta cho rừng thương mại, 1.870 hécta cho vườn tược [4, tr.58]. Thậm chí cho đến tận những năm diễn ra cuộc Cách mạng 1848- 1849, hơn 40% diện tích lãnh thổ, tương đương với 800.000 Morgen, của Công quốc Nassau vẫn là rừng thương mại. Tuy nhiên, từng địa phương đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với Công quốc Nassau. Hơn 600.000 Morgen trong tổng số 800.000 Morgen rừng thương mại của Công quốc Nassau thuộc về các làng xã. Chỉ có 150.000 Morgen thuộc về nhà nước và 50.000 Morgen thuộc về các đối tượng khác. Theo số liệu thống kê của Nghị viện Nassau trong các cuộc họp bàn về chính quyền địa phương ngày 15 và 18/9/1849 và luật lương bổng cho kiểm lâm ngày 27/9/1849, 74% diện tích rừng thương mại của công quốc này thuộc quyền sở hữu của các địa phương, trong khi chỉ có 8% thuộc sở hữu của triều đình và 18% thuộc sở hữu của cá nhân và giới quý tộc phong kiến [5, tr. 494-495, 509]. Cho đến năm 1855, 86% diện tích lãnh thổ của Công quốc Nassau là tài sản của triều đình, 7% thuộc về giới quý tộc phong kiến, và chỉ có 4% thuộc về sở hữu tư nhân. Trong số đó, có 25% diện tích rừng thương mại của Công quốc Nassau được dùng tự do như sử hữu chung toàn dân, trong khi con số này ở Vương quốc Phổ chỉ là 18% theo báo cáo của đại biểu Ernst 130
  4. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 Leisler ngày 16/9/1848 trong một phiên họp của Nghị viện Nassau. Thực tế này đã biến Công quốc Nassau trở thành nhà nước giàu có nhất về rừng trong Liên bang Đức 1815-1866, nhưng trung bình lại có đến 4.800 người sinh sống trong 1 km2 diện tích lãnh thổ. Mỗi Morgen rừng thương mại của Công quốc Nassau có thể mang lại ít nhất 2 Gulden1 và 5 Kreuzer cho nền kinh tế nước này mỗi năm [5, tr.494-495]. Đó không chỉ là một trong những nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, mà còn là một trong những cơ sở thực tiễn để người ta đi đến kết luận rằng nền kinh tế của Công quốc Nassau giữa thế kỷ XIX cũng là một nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có của nhà nước hơn là dựa vào các sản phẩm công nghiệp. Tóm lại, tình trạng đất đai bị hoang hóa trên diện rộng trong lúc đời sống của người nông dân vẫn không thể thỏa mãn được các nhu cầu thiết yếu hàng ngày là một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử tiến hóa của nền sản xuất nông nghiệp các nhà nước nói tiếng Đức giữa thế kỷ XIX. Đất đai hoang hóa không chỉ phản ánh sự bất lực của nền sản xuất trước các điều kiện tự nhiên thông thường, mà còn là một thông số quan trọng của quá trình công nghiệp hóa ở Đức cho đến trước khi diễn ra cuộc Cách mạng 1848-1849. Trong khi một bộ phận không nhỏ cư dân nông nghiệp của thế giới nói tiếng Đức chưa thể thoát ly khỏi đời sống nông thôn, phần lớn đất công thuộc quyền sở hữu của các vương triều phong kiến. Một bộ phận không nhỏ đất công bị bỏ hoang hóa, trong khi không ít nông dân lại thiếu đất sản xuất nông nghiệp. Thực tế này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cư dân các vùng nông thôn phải chấp nhận một cuộc sống thiếu thốn trên chính các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị hoang phí của cộng đồng. Tình trạng đất đai hoang hóa ở các nhà nước nói tiếng Đức giữa thế kỷ XIX chính vì thế không chỉ đơn thuần là một biểu hiện của nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, mà còn là một bằng chứng không thể chối cải của các mâu thuẫn không thể điều hòa trong mối quan hệ giữa chủ sở hữu và quyền phân phối của cải vật chất do công sản tạo ra trong các xã hội giai cấp quá độ. 2.3. Nông thôn vẫn là địa bàn cư trú chủ yếu Mặc dù nông thông không phải lúc nào cũng đủ khả năng đại diện cho tình trạng lạc hậu của một nền kinh tế, nhưng xét về tổng thể một nền kinh tế thuần nông không thể nào có số người sinh sống trong các đô thị nhiều hơn ở các khu vực nông thôn. Chừng nào mà nông thôn vẫn còn bao vây đô thị và các thành phố là một phương thức tổ chức cộng đồng xa xỉ của một quốc gia, thì nền kinh tế quốc dân ấy không thể gọi là một công nghiệp cơ bản. Chính vì thế, nền kinh tế của các nhà nước thành viên của Liên bang Đức 1815-1866 về cơ bản vẫn là một nền kinh tế nông nghiệp chủ đạo. Thực tiễn này được biểu hiện ra trên rất nhiều khía cạnh khác nhau. Đến khoảng năm 1800, phần lớn diện tích lãnh thổ của cộng đồng các cư dân nói tiếng Đức vẫn còn là nông thôn. Trong nửa đầu thế kỷ XIX, hơn 80% dân số của Liên bang Đức 1815-1866 vẫn sống trong các vùng nông thôn [1, tr.1]. Đến năm 1818, chỉ có khoảng 7% dân số của Công quốc Nassau sống trong các đơn vị hành chính hơn 2.000 dân, trong khi đó phần còn lại sống trong 850 bản làng nhỏ [2, tr.111]. Năm 1819, phần lớn dân cư Công quốc Nassau vẫn sống ở các khu vực chưa được đô thị hóa với 93% các đơn vị hành chính địa phương ít hơn 2.000 cư dân 1 Gulden (fl.) là một trong số rất nhiều đơn vị tiền tệ của các nhà nước Đức giữa thế kỷ XIX. Năm 1815, 24½ Gulden tương đương với 60 Kreuzer và 105 Kreuzer tương đương với một Taler và từ năm 1818 một Taler tương đương với 102 Kreuzer. Trong hợp đồng của Liên minh Thuế quan ngày 10/12/1835, 4 Talers có thể đổi được 7 Gulden. Năm 1837, các nhà nước miền Nam nước Đức thống nhất hệ thống 24½ Gulden trong thoả thuận tiền xu Dresdener. 14 Talers có thể đổi được 24½ Gulden trong tất cả các nhà nước Đức đương thời [4, tr.42]. Một Gulden (fl.) tương đương với khoảng 12 Ơ-rô (Europe) năm 2007. 131
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 [1, tr.26]. Đến năm 1840, hơn 85% dân số Công quốc Nassau vẫn sống trong các đơn vị hành chính địa phương ít hơn 2.000 người. Con số này giảng xuống con 83% năm 1847 [1, tr.26]. Cũng trong năm 1847, hơn 83% dân số của thủ phủ Wiesbaden của Công quốc Nassau vẫn sống trong các vùng tiền đô thị [4, tr.18]. Cho đến những năm trước Cách mạng 1848-1849, phần lớn 315.000 trong tổng số 350.000 cư dân của Đại Công quốc Baden đều sống ở các khu vực nông thôn với các điều kiện kinh tế hết sức khốn khổ. Năm 1849, 114 đô thị của Đại Công quốc Baden là nơi cư trú cho 24% dân cư, trong đó 24 đô thị có hơn 3.000 dân và 12 đô thị là nơi cư trú của hơn 5.000 người [7, tr.20, 75]. Điều đó có nghĩa là hơn 3 phần tư dân số còn lại của Đại Công quốc Baden vẫn sống trong các vùng nông thôn. Trong những năm diễn ra cuộc Cách mạng 1848-1849, hơn 75% dân số của Liên bang Đức 1815-1866 vẫn sống trong các ngôi làng hẻo lánh và thậm chí ở các khu vực đô thị, số lượng thợ thủ công và công nhân nhà máy cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong dân số [3, tr.78]. Cho đến năm 1861, 72% dân số của Công quốc Nassau vẫn sống trong các vùng nông thôn và chỉ có 28% dân số sống trong các vùng đô thị. Tình hình năm 1861 tốt hơn năm 1841 chỉ duy nhất có 1% [1, tr.30]. Năm 1865, chưa đến 20% dân số của Công quốc Nassau sống trong các đơn vị hành chính địa phương nhiều hơn 2.000 người, trong khi đó Wiesbaden là nơi cư trú của chưa đến 26.000 người, Biebrich-Mosbach 6.000 người và Limburg 4.4000 người [2, tr.111] trong tổng số dân 465.636 người năm 1865. Mặc dù so với năm 1817, dân số Công quốc Nassau năm 1865 tăng thêm 53,20% [1, tr.26], nhưng phần lớn cư dân của công quốc này vẫn sống trong các vùng nông thôn hẻo lánh. Trong khi đó, chỉ có 15% dân số Anh sống trong các thành phố năm 1750, nhưng đến năm 1880, con số này đã tăng lên 80% [6, tr.14]. Chính vì thế, người nông dân Đức giữa thế kỷ XIX vẫn tiếp tục quanh quẩn bên các ngôi làng nơi họ là thành viên của các tổ chức sản xuất và quản lý các nguồn lực cộng đồng. Phần lớn làng mạc của nông dân bao quanh nhà thờ. Mố số bộ phận dân cư nông thôn bắt đầu có tư duy chính trị về sự giới hạn của các không gian làng mạc của họ [6, tr.14] trong Cách mạng 1848-1849. Tóm lại, nông thôn là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của nền sản xuất nông nghiệp tất cả các quốc gia nhà nước trong lịch sử. Quá trình biến đổi từ nông thôn sang thành thị, đồng thời cũng là một hiểu hiện của quá trình chuyển dịch nền sản xuất từ nông nghiệp thuần túy sang một nền sản xuất công nghiệp ngày càng có quy mô. Đó là một tiến trình phát triển tương đối tất yếu trong lịch sử nhân loại, nhưng lại được biểu hiện ra tương đối khác nhau giữa các dân tộc trên thế giới. Xét trên phương diện này, cho đến giữa thế kỷ XIX phần lớn cư dân của các nhà nước thành viên của Liên bang Đức 1815-1866 vẫn cư ngụ trong các khu vực lãnh thổ tiền đô thị. Sự thống trị của các khu vực tiền đô thị này không chỉ là một biểu hiện của một nền kinh tế thuần nông, mà còn cho thấy quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp không hề đơn giản đối với các nhà nước nói tiếng Đức trong quá trình tiến lên hiện đại thời cận đại. 2.4. Phần lớn lực lượng lao động vẫn là nông dân Cơ cấu lực lượng lao động của một quốc gia không chỉ thể hiện trình độ phát triển của nền kinh tế, mà còn cho thấy sức mạnh của các nền sản xuất. Một nền sản xuất công nghiệp không thể nào có lực lượng lao động công nghiệp ít hơn nông nghiệp trên bất cứ phương diện nào. Ngược lại, một nền kinh tế nông nghiệp thuần túy không thể nào có số nông dân quá nửa lực lượng lao động. Trong thực tế, quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất của một nền kinh tế cũng đồng thời kéo theo sự chuyển dịch của lực lượng lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, nhưng diễn ra rất khác nhau đối với từng quốc gia. Đối với cộng đồng các cư dân nói tiếng Đức ở Trung Âu giữa thế kỷ XIX, quá trình này diễn ra một cách hết sức khó khăn, nhưng vô cùng vững chắc. 132
  6. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 Về phương diện nghề nghiệp, nghề nông vẫn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của các nhà nước nói tiếng Đức cho đến tận giữa thế kỷ XIX. Phần lớn cư dân của các nhà nước thành viên của Liên bang Đức 1815-1866 vẫn sống dựa vào nền kinh tế nông nghiệp hoặc liên quan đến nông nghiệp trong nửa đầu thế kỷ XIX cho đến trước khi xuất hiện các nhà máy công nghiệp đầu tiên. Cho đến tận những năm diễn ra cuộc Cách mạng 1848-1849, tất cả các nhà nước nói tiếng Đức ở Trung Âu về cơ bản vẫn là các nhà nước nông nghiệp thuần túy [2, tr.78]. Nền sản xuất nông nghiệp chiếm địa vị chủ đạo trong gần như toàn bộ nền kinh tế. Các hoạt động sản xuất công thương nghiệp vẫn chiếm một tỷ lệ tương đối khiêm tốn trong tổng số lực lượng lao động của toàn thể Liên bang Đức 1815-1866. Cho đến năm 1849, Đại Công quốc Baden về cơ bản vẫn là một nhà nước nông nghiệp. Hơn một nửa lực lượng lao động của Công quốc Nassau được kiếm sống trong các ngành sản xuất nông nghiệp năm 1842 [4, tr.57]. Hơn 41,5% dân số Nassau là nông dân và hơn 50% dân cư tham gia bằng nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp khác nhau và các hoạt động sản xuất các sản phẩm nông nghiệp và rượu, trong khi 61,5% dân số tham gia sản xuất nông nghiệp như nghề chính giữa thế kỷ XIX [1, tr.26]. Hơn 50% dân số Công quốc Nassau sống dựa vào nền kinh tế nông nghiệp trong những năm diễn ra cuộc Cách mạng 1848-1849. Từ 15-20% nửa của dân số công quốc này xem nông nghiệp như một nghề phụ. Phần lớn nông dân sở hữu các hình thức sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ [5, tr.537]. Ở cấp độ liên bang, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ và lạc hậu vẫn thống trị nền kinh tế Đức đầu thế kỷ XIX. Ở cấp độ địa phương, vào thời điểm bắt đầu nửa thứ hai của thế kỷ XIX, Công quốc Nassau về cơ bản vẫn là một nhà nước nông nghiệp [1, tr.30]. Tuy nhiên, có một thực tế rất đáng quan tâm là cho dù 4/5 dân số Công quốc Nassau sống phụ thuộc vào kinh tế nông nghiệp bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau, nền kinh tế thuần nông này vẫn không đủ để chu cấp bữa ăn hàng ngày cho toàn bộ cư dân trong các vụ mùa thất bát. Tóm lại, nông nghiệp chiếm địa vị thống trị trong tất cả các nhà nước thành viên của Liên bang Đức 1815-1866 giữa thế kỷ XIX [2, tr.111, 476]. Mặc dù cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu trong các nhà nước nói tiếng Đức từ giữa thế kỷ XIX, nhưng lực lượng lao động nông nghiệp không hề giảm, mà thậm chí còn tăng lên nhanh chóng. Một phần của vấn đề này là do tổng dân số của cộng đồng các cư dân nói tiếng ĐỨc tăng từ 21 triệu người năm 1780 lên đến 23 triệu người năm 1800, 28 triệu năm 1825, và 35 triệu giữa thế kỷ XIX [12, tr.17]. Trong thời gian này, thế giới nói tiếng Đức chứng kiến một quá trình chuyển đổi từ một nước có tỷ lệ tăng trưởng dân số và tỷ lệ chết cao sang một nước phát triển theo chiều ngược lại song song với quá trình dịc nền kinh tế từ một nước nông nghiệp thuần túy sang một nước công nghiệp ngày càng hiện đại. Lực lượng lao động nông nghiệp của các nhà nước nói tiếng Đức giữa thế kỷ XIX chính vì thế thu hẹp dần, trong khi lực lượng lao động công nghiệp ngày một tăng như một quy luật tất yếu của thời cuộc. 3. KẾT LUẬN Cũng giống như tất cả các quốc gia khác trên thế giới, quá trình tiến lên hiện đại của các nhà nước nói tiếng Đức ở Trung Âu giữa thế kỷ XIX cũng chứng một một cuộc vật lộn mang tính sống còn của tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, khác với cuộc đào tẩu của các lĩnh vực kinh tế khác, nền sản xuất nông nghiệp của các nhà nước nói tiếng Đức phải trải qua nhiều bước chuyển mình quanh co phức tạp. Điều đó một mặt do xuất phát điểm của nền nông nghiệp Đức đương thời tương đối thấp, nhưng mặt khác người nông dân Đức được giải phóng tương đối muộn trong so sánh với các nước tư bản phương Tây khác. Tất cả các điều kiện đó làm cho nước Đức đến tận giữa thế kỷ XIX về cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp thuần nông. Nông nghiệp vẫn đóng vai trò của đạo trong nền sản xuất của đất nước, trong khi đa phần dân 133
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 số vẫn sống ở các vùng nông thôn. Đứng trước tình hình đó, giới quý tộc trong các nhà nước nói tiếng Đức đã tiến hành nhiều biện pháp cải cách khác nhau để đối phó với tình hình và khắc phục tình trạng khó khăn của nền sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cần thừa nhận rằng các biện pháp này nhìn tổng thể không thể phát huy tác dụng như mong muốn trong hoàn cảnh người nông dân vẫn chưa thực sự được giải phóng về mặt xã hội. Chính vì thế, các chính sách cải cách trong nông nghiệp cuối cùng mang lại lợi ích cho giới quý tộc hơn là phục vụ cho người nông dân như ý nguyện ban đầu của cuộc cải cách. Thậm chí ảnh hưởng kinh tế tự do của Adam Smith cũng bị bẻ cong để chia sẻ trách nhiệm cho sự phát triển có vấn đề trong các thời gian sau đó của cộng đồng các cư dân nói tiếng Đức ở Trung Âu. Cùng lúc đó, sự phát triển của công nghiệp bị đánh giá thấp vì chính sách cải cách được chủ ý thiết kế để hổ trợ tốt nhất cho việc phát triển kinh doanh ở các vùng nông thôn, nhưng cuối cùng đã tạo điều kiện cho sự bùng nổ của một cuộc cách mạng nông nghiệp. Trên cơ sở đó, vị trí của người nông dân ngày càng được cải thiện. Các vùng đất mà họ được nhận có chất lượng ngày càng tốt hơn. Đó chính là một cuộc cách mạng hòa bình trên lĩnh vực nông nghiệp của cộng đồng các cư dân nói tiếng Đức ở Trung Âu giữa thế kỷ XIX. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Blum, Peter (1987). Staatliche Armenfürsorge im Herzogtum Nassau 1806-1866, Selbstverlag der Historischen Kommission für Nassau, Wiesbaden. [2] Herzogtum Nassau 1806-1866, Politik - Wirtschaft - Kultur (1981). Eine Ausstellung des Landes Hessen und der Landeshauptstadt Wiesbaden unter der gemeinsamen Schirmherrschaft S.K.H. des Prinzen Henri, Erbgroßherzog von Luxemburg, Prinz von Nassau und des Hessischen Ministerpräsidenten Holger Börner, Museum Wiesbaden, 5. April bis 26. July. [3] Koch, Werner und Koch, Rainer (1989). Hessen in der Revolution von 1848-1849, Hessische Landeszentrale für politische Bildung, H. Kunz Verlag, Kelheim. [4] Lerner, Franz (1965). Wirtschafts - und Sozialgeschichte des Nassauer Raumes 1816-1964, Herausgegeben von der Nassauischen Sparkasse anlässlich der 125jährigen Widerkehr des Tages ihrer Gründung am 22. Januar 1840, Wiesbaden. [5] Schüler, Winfried (Hrg., eig., be.,) und Reyer, Herbert (be.) (2010). Nassauische Parlamentsdebatten, Band 2: Revolution and Reaktion 1848-1866, Historische Kommission für Nassau, Wiesbaden. [6] Siemann, Wolfram (2006). 1848-1849 in Deutschland und Europa, Ereignis - Bewältigung - Erinnerung, Ferdinand Schöningh, Paderborn. [7] Vollmer, Franz X. (1979). Vormärz und Revolution 1848/49 in Baden, Strukturen, Dokumente, Fragestellungen, Verlag Moritz Diesterweg, Frankfurt am Main. Title: THE MID-NINETEENTH-CENTURY GERMANY’S AGRICULTURAL PRODUCTION Abstract: The nineteenth century is considered one of the longest centuries in the evolutionary history of the German-speaking communities in Central Euope. Aside from a bourgeois revolution that took place in the form of a unification process and an industrial revolution, This long century is also truly reflected in the peaceful and painful transformation of the agricultural production as well as farmers under pressure of the state. It was the transformation of the agriculture as well as of the peasants that not only created important preconditions for the industrial revolution in Germany, but also contributed to the success of the German unification 1848-1871. It was considered a revolution in the field of agriculture in the mid-nineteenth-century Germany. Keywords: Agricultural revolution, agricultural reform, farmers, rural areas, German unification process 1848-1871. 134
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0