intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nghiên cứu các kiểu kết thúc trong truyện ngắn của Guy de Maupassant

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

23
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài nghiên cứu căn cứ vào hai tiêu chí nội dung và thi pháp để xác định các kiểu kết thúc trong truyện ngắn của nhà văn Pháp thế kỉ XIX Guy de Maupassant. Nhìn từ góc độ nội dung, truyện ngắn Guy de Maupassant có các kiểu kết thúc đơn giản, dễ hiểu. Kiểu kết thúc này xuất hiện với tần suất cao trong truyện ngắn của ông.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nghiên cứu các kiểu kết thúc trong truyện ngắn của Guy de Maupassant

  1. NGHIÊN CỨU CÁC KIỂU KẾT THÚC TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA GUY DE MAUPASSANT Nhữ Thị Trúc Linh 1 1. Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Bài nghiên cứu căn cứ vào hai tiêu chí nội dung và thi pháp để xác định các kiểu kết thúc trong truyện ngắn của nhà văn Pháp thế kỉ XIX Guy de Maupassant. Nhìn từ góc độ nội dung, truyện ngắn Guy de Maupassant có các kiểu kết thúc đơn giản, dễ hiểu. Kiểu kết thúc này xuất hiện với tần suất cao trong truyện ngắn của ông. Bên cạnh những truyện có kết thúc đơn giản dễ hiểu thì còn có các kiểu kết thúc bất ngờ, kết thúc tất yếu, kết thúc mang lại niềm vui cho nhân vật, kết thúc mang lại khổ đau, bất hạnh hay cái chết của nhân vật, kết thúc thể hiện sự chua xót của nhà văn, kết thúc thể hiện sự mỉa mai châm biếm của nhà văn. Các kiểu kết thúc nhìn từ góc độ thi pháp có kết thúc đóng, kết thúc mở. Kết quả nghiên cứu cho thấy kiểu kết thúc trong truyện ngắn của Maupassant khá đa dạng phong phú. Kiểu kết thúc trong truyên ngắn Guy de Maupassant thể hiện ý đồ nghệ thuật, phong cách sáng tác của Maupassant và người đọc cũng thấy được giá trị nội dung nghệ thuật của tác phẩm qua các kiểu kết thúc truyện. Từ khóa: Guy de Maupassant, kết thúc, truyện ngắn. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Guy de Maupassant được xem là một bậc thầy về truyện ngắn, ông sinh năm 1850 trong một gia đình quý tộc đã sa sút vùng Normandie. Sau mười năm chung sống không hạnh phúc, cha mẹ ông li thân. Maupassant theo mẹ về sống tại Etretat. Năm mười ba tuổi, Maupassant theo học trường dòng Yvetot, sau đó là trường trung học Rouen. Nhà thơ Louis Bouihet, bạn thân của Flaubert là một trong những người thầy dạy Maupassant. Trong chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870, Maupassant đăng lính trong một trung đoàn hậu cần ở Rouen nhưng sau đó rút lui. Sau chiến tranh, Maupassant làm viên chức ở Bộ Hàng hải rồi chuyển sang Bộ Giáo dục. Ông có dịp quan sát và nếm trải cuộc sống mòn của giới viên chức nhỏ. Maupassant bắt đầu làm thơ, viết những vở kịch nhỏ, viết truyện ngắn. Năm 1880, ông cho ra đời tập Những buổi tối ở Médan. Maupassant nổi tiếng ngay sau đó. Ông tiếp tục viết truyện cho đăng báo và tập hợp thành những tập: Nhà chứa Tellier (1881), Cô Fifi (1882), Truyện chim rẽ già (1883), tiểu thuyết Một cuộc đời (1883), ba tập truyện Sáng trăng, Chị em Rondoli, Cô Harriet và tập kí Giữa nắng (1884), ba tập truyện ngắn Yvette, Truyện kể ban ngày và ban đêm, Toine và tiểu thuyết Ông bạn đẹp (1885), hai tập truyện Bé Roque, Ông Parent và tiểu thuyết Núi Oriol (1886). Từ năm 1887 đến 1890, ông xuất bản bốn tập truyện ngắn Horla (1887), Người được giải của bà Husson, Bàn tay trái, Cái đẹp vô ích (1888); ba tiểu thuyết Pierre và Jean (1888), Mạnh như cái chết (1889), Lòng ta (1890); hai tập kí Trên mặt nước (1888), Cuộc sống phiêu bạt (1890). Trong thời kì này, những dấu hiệu khủng hoảng đã xuất 405
  2. hiện trong sáng tác của Guy de Maupassant. Tháng 01 năm 1892, Maupassant về thăm mẹ. Sau đó, ông phát điên hẳn, ông được đưa vào bệnh viện thần kinh và mất ngày 6 tháng 7 năm 1893. Mặc dù sáng tác nhiều thể loại nhưng Maupassant nổi tiếng nhờ truyện ngắn và ông thành công ở thể loại này. Truyện ngắn của Maupassant đã biểu lộ những khả năng nghệ thuật lớn, có chiều sâu và dung lượng phong phú. Với hơn 300 truyện ngắn, cho thấy truyện ngắn của Maupassant đa dạng về chủ đề, ông luôn tìm tòi cái mới, những vật tầm thường nhất cũng xuất hiện trong truyện ngắn của ông. Khi tiếp cận các truyện ngắn của Guy de Maupassant, người viết nhận thấy rằng kiểu kết thúc trong truyện ngắn của ông cũng là một trong những yếu tố để lại ấn tượng sâu sắc với độc giả. Tìm hiểu kiểu kết thúc trong truyện ngắn của Guy de Maupassant góp phần hiểu rõ hơn phong cách sáng tác của nhà văn. 2. NỘI DUNG Theo Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong sách Từ điển Thuật ngữ văn học, kết thúc được đánh dấu bằng với mở nút. “Kết thúc còn gọi là mở nút. Một trong những thành phần của cốt truyện thường tiếp theo ngay sau đỉnh điểm, đảm nhiệm chức năng thể hiện cuối cùng của xung đột được miêu tả trong tác phẩm”. [9,132]. Đây là một định nghĩa mà từ trước đến nay chúng ta vẫn áp dụng khi đề cập đến khái niệm kết thúc. Chúng ta thường nói kết thúc của truyện này, truyện kia là người này đau khổ, người kia hạnh phúc, là sự phục thù, trả giá…Đó chính là mở nút, sự kết thúc những xung đột mâu thuẫn. Nếu hiểu theo khái niệm này thì kết thúc là kết lại diễn biến chính của câu chuyện. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi dùng khái niệm kết thúc theo quan niệm của tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi. Kết thúc luôn là vấn đề của mọi thể loại. Với những đặc trưng riêng, truyện ngắn tự xây dựng cho mình những đặc thù riêng về nghệ thuật kết thúc. Để phân chia ra những kiểu kết thúc không phải là điều dễ dàng. Trong bài viết Nghệ thuật truyện ngắn O. Henry, Lê Huy Bắc nhận xét chung về đặc điểm kiểu kết truyện ngắn O. Henry là “Những cái kết bất ngờ”. Lê Huy Bắc phân chia kết thúc trong truyện ngắn O. Henry theo hai tiêu chí. Tiêu chí thứ nhất về nội dung có kết thúc triết lí (Quà tặng của thấy pháp) và kết thúc giải thích (Dấu vết Bill Den). Tiêu chí thứ hai về cấu trúc có kết đóng (Trái tim chữ thập) và kết mở (Tên cớm và bản thánh ca). Trong truyện ngắn Maupassant, nhà văn đã tạo được những ấn tượng riêng cho những kết thúc. Sau đây, chúng tôi xin chỉ ra một số kiểu kết thúc truyện ngắn trong truyện ngắn Guy de Maupassant. 2.1. Các kiểu kết thúc trong truyện ngắn của Guy de Maupassant nhìn từ góc độ nội dung Guy de Maupassant là nhà văn thuộc trào lưu văn học hiện thực chủ nghĩa Pháp thế kỉ XIX. Các truyện ngắn của ông có sự kế thừa và phát triển những nhà văn đi trước trong thời kì này như Stendhal, Balzac, G. Flaubert, Emile Zola. Truyện ngắn của Maupassant mang hơi thở cuộc sống hiện đại với những vấn đề nhức nhối và khá gần gũi với thời đại chúng ta chứ không còn mang dáng dấp “cổ kính” như trong các trang truyện ngắn của Stendhal nữa. Truyện ngắn Maupassant được xem là truyện ngắn mẫu mực của thế kỉ XIX nói riêng và của mọi thời đại nói chung. 406
  3. Kết thúc đơn giản, dễ hiểu Cách mở nút của Maupassant không có gì quá phức tạp, ồn ào, có khi kết lại vấn đề chỉ với một câu duy nhất. (Món trang sức hay Món tư trang). Không có gì quá khó hiểu cho những kết thúc ấy, câu chữ không quá cầu kì. Người đọc tiếp xúc với những kết thúc tuy có phần bất ngờ nhưng không đến nỗi ngạc nhiên và người ta có thể lí giải nguyên nhân ý nghĩa cho những kết thúc như thế. Đơn giản không có nghĩa là dễ hiểu, dễ hiểu không có nghĩa là không có gì để nói. Trong Món gia tài, với mong muốn lấy được của cải do người cô để lại mà bố con nhà Lesap đã tìm đủ mọi cách, bất chấp mọi thủ đoạn, nào là công đoạn tìm chàng rể để có cháu, sắp xếp cho con ngoại tình, để con cắm sừng chàng rể tội nghiệp, tất cả chỉ vì món gia tài và cuối cùng họ cũng được hả hê, sung sướng vì món gia tài đã thuộc về họ. Được nhiều nhưng cũng mất quá nhiều, những thứ đã mất thì họ không thể dùng tiền mua được. Trong truyện Được huân chương, anh chồng si mê cái lấp lánh của vật chất đến độ mù quáng, anh ta tìm đủ mọi cách để sờ tay lên chiếc bắc đẩu bội tinh. Và khi có được nó thì anh ta không đủ tỉnh táo để nhận thấy mình đang bị cắm sừng, nhờ tài “ngoại giao” của vợ mà anh ta mới có được huân chương. Truyện Cái thùng con, kể về hai nhân vật là tên chủ quán Chicot và bà lão nông dân bảy mươi hai tuổi Magloire. Chicot thèm muốn trang trại của bà lão, bà Magloire thì thèm muốn những đồng êquy của tên chủ quán Chicot. Cuối cùng thì bà Magloire chết vì nghiện ngập, say sưa bởi những thùng rượu mà tên chủ quán Chicot tặng cho bà ta. Bà ta chết vì lòng tham của kẻ khác và chết vì lòng tham của chính mình. Đấy là một kết thúc đơn giản, tất yếu. Cô Harriet là truyện được nhà văn viết về người phụ nữ đáng thương, cô sống như để gánh chịu nỗi đau cuộc đời. Đằng sau vẻ ngoài hơi khác thường, một người rất gầy, rất cao mà khi mới nhìn vào người ta liên tưởng đến “con cá khô với mấy con bướm trên đầu” là một tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên, yêu loài vật, thứ tình yêu mà không phải ai cũng có. Cô ta đã sống rất cô đơn với tâm hồn thánh thiện của mình. Mọi người không hiểu những điều cô làm, không biết trái tim bé nhỏ của cô luôn hướng về những sinh vật bé nhỏ, họ cho rằng cô điên. Harriet cũng như những cô gái bình thường khác, biết yêu và khao khát một tình yêu chân chính, nhưng cô đã hoàn toàn thất vọng và tìm đến cái chết. Một con người chết mà chưa bao giờ được yêu. Kết thúc truyện là nỗi buồn man mác, những giọt nước mắt đắng cay khóc thương cho kiếp người, cho cuộc đời mỏng manh, nhỏ bé. Berthe, chuyện kể của một bác sĩ về bệnh nhân của mình, một cô gái đẹp về ngoại hình nhưng đầu óc trống rỗng. Cuộc đời ác nghiệt đã không cho cô trí tuệ và sự tỉnh táo, cô sống như người thực vật, thứ duy nhất mà cô nhận biết đó là các bữa ăn. Người ta cho cô lấy chồng với mong muốn người chồng sẽ giúp cô tỉnh táo hơn. Nhưng bất hạnh thay, cô ta đã lấy phải tên vô lại. Hắn là một kẻ hám lợi, hàng ngày chỉ biết ăn chơi, đàng điếm trong khi Berthe rất yêu hắn, yêu bằng cả thể xác lẫn tâm hồn, yêu bằng thứ tình yêu bản năng. Khi Berthe nhận biết được những điều ngoài bữa ăn, nhận biết được tình yêu và hạnh phúc thì cũng là lúc cô phải đối mặt với những xấu xa của con người và xã hội mà cô chỉ là nạn nhân. Con người bản năng, tự nhiên của Berthe không thể dung hòa được với sự trâng tráo lọc lừa của xã hội, thế là Berthe trở nên điên loạn, đó là một kết thúc tất yếu. Chú Jules tôi, sống trong sự lừa dối nên suốt đời là kẻ lang thang. Mụ Sauvage chết dưới tay lính Đức vì hành động trả thù khốc liệt của mình. Bà Hermet, bà ta điên loạn trong đau khổ, dằn vặt vì cái chết của đứa con mà mình không dám nhìn mặt trước lúc nó chết vì sợ nó lây bệnh đậu mùa cho bà ta. Những truyện trên đều có kết thúc truyện đơn giản, xuất hiện với tần suất nhiều trong truyện ngắn của Maupassant. 407
  4. Jack Randen trong Kẻ lang thang là một anh thợ làm nhà hai mươi bảy tuổi, người lương thiện, ham làm. Anh là người khỏe mạnh nhất nhưng chẳng có việc gì làm và anh phải sống nhờ người khác, trở thành “kẻ lang thang”, thậm chí không thể nuôi nổi bản thân mình. Anh đã thử đủ mọi nghề với lí do duy nhất là để tồn tại chứ không phải để sống nhưng cái điều đơn giản ấy cũng không thể có được, mọi cánh cửa đều im ỉm khóa trước mắt anh, mọi con mắt đều lạnh lùng dửng dưng và làm bạn với anh không phải là một tấm lòng rộng mở của một con người mà là một con vật - con bò cái, kẻ cho anh sữa khi anh lả đi vì đói. Đói, thỏa mãn cái đói, đó là nhu cầu thiết yếu nhất của con người, nhu cầu tồn tại, nhưng chính nó lại đẩy con người ta tới một sự tha hóa không thể lường trước được. Jack Randen muốn người ta bắt giam mình chỉ vì hi vọng duy nhất là được cho ăn nhưng người ta đã tống cổ anh đi. Để tồn tại Randen trở thành kẻ ăn cắp. Hai mươi năm tù cho chàng thanh niên hai mươi bảy tuổi, khép lại cánh cửa cuộc đời, cuộc đời Randen hầu như không còn hi vọng mà nguyên nhân chỉ vì đói, vì nhu cầu tồn tại bản năng. Nicolas Toussaint trong tác phẩm Thằng ăn mày của Maupassant cũng có số phận tương tự Jack Randen nhưng có phần bi thảm hơn. Cả cuộc đời của Nicolas Toussaint là một chuỗi dài những bi kịch. Hắn bị bỏ rơi, bị tàn tật, dị hình dị dạng, bị tai nạn, không có nơi để nương thân, “Hắn không có chỗ nương náu, không một mái nhà, không một túp lều, không một nơi trú ẩn. Mùa hè hắn ngủ khắp nơi, còn mùa đông, hắn chui vào trong các kho thóc hay các chuồng bò bằng sự khéo léo tài tình”. [6, 231] Hắn sống bằng sự ban ơn, bố thí trong sự ghẻ lạnh của mọi người trong xã hội. Cũng như Randen, Nicolas Toussaint đã ăn cắp một con gà và người ta đã đánh đập hắn tàn nhẫn. Con gà mà hắn dùng đá ném chết, hắn cũng có kịp ăn đâu. Trong mắt mọi người hắn là một kẻ ăn mày, một thằng ăn cắp. Hắn bị bắt, “Người ta giam hắn trong trại lao của thị trấn. Những viên cảnh binh không nghĩ rằng hắn cần được ăn nên để mặc hắn đến tận hôm sau. Nhưng sáng sớm, khi họ đến tra hỏi thì thấy hắn đã chết rồi, nằm cong queo trên sàn. Thật lạ quá!”. [6, 236] Kết thúc truyện là những câu tường thuật sự kiện thuần túy bình thản, lạnh lùng như cuộc sống đang hiển hiện trước mắt, sự thật về thái độ, hành động của con người trước những mảnh đời bất hạnh Truyện ngắn Maupassant đặt ra những vấn đề rõ ràng qua các xung đột mâu thuẫn và giải quyết vấn đề qua việc giải quyết những mâu thuẫn đó. Không có gì khó để xác định kết thúc trong những truyện ngắn của Maupassant. Kết thúc trong truyện ngắn Maupassant khá đơn giản, dễ hiểu, dễ xác định, được viết ra với thái độ bình thản, lạnh lùng theo nguyên tắc thẩm mĩ chung của bút pháp hiện thực chủ nghĩa. Đó là những đặc điểm cơ bản của nghệ thuật kết thúc truyện ngắn Maupassant. Kết thúc bất ngờ (Người đã khuất, Món tư trang, Món trang sức, Trở về, Kẻ ẩn dật, Kẻ hèn nhát…), kết thúc tất yếu (Cô Harriet, Mụ Sauvage, Trả thù, Kẻ lang thang, Kẻ ăn mày, Cái thùng con) Kết thúc mang lại niềm vui, hạnh phúc, sự thỏa mãn cho nhân vật (Cô Châu, Được huân chương, Kẻ thế chân, Bố của Simon, Con quỷ) Kết thúc mang lại khổ đau, bất hạnh cho nhân vật hoặc cái chết của nhân vật (Cô Harriet, Cô Fifi, Mụ Sauvage, Mụ điên, Tên lính hầu, Đôi bạn, Bà Hermet, Berthe, Món trang 408
  5. sức, Kẻ lang thang, Thằng ăn mày, Một đứa con, Một kẻ giết cha mẹ, Đứa con bị bỏ rơi, Trên biển, Bến cảng, Dạo chơi, Kẻ hèn nhát, Những ông vua, Cái tủ, Tự vẫn, Viên mỡ bò, Boitelle, Chú Jules tôi, Người gác rừng, Sơi dây) Kết thúc mang sắc thái mỉa mai, châm biếm (Món tư trang, Con quỷ, Cái ô, Cái thùng con, Người đã khuất) Kết thúc mang sự xót thương, bi thảm (Món trang sức, Mụ điên, Mụ Sauvage, Cái tủ, Người đàn bà làm nghề độn ghế) 2.2. Các kiểu kết thúc trong truyện ngắn của Guy de Maupassant nhìn từ góc độ thi pháp Kết thúc một tác phẩm như thế nào là tùy thuộc vào tiến trình diễn biến câu chuyện, tùy thuộc vào khả năng nắm bắt cuộc sống, nguyên tắc thẩm mĩ và thế giới quan của nhà văn. Lí luận chỉ làm công việc tổng kết, phân loại cho văn học chứ không mấy khi đi trước cuộc sống và hoàn toàn định hướng cho văn học. Tuy nhiên, xây dựng lí luận về những thể loại, những vấn đề có tính lí luận là điều cần thiết để có cái nhìn biện chứng, có cơ sở khoa học trong việc tìm hiểu, nghiên cứu những tác phẩm văn học và phong cách văn học. Dựa vào cấu trúc của một kết thúc, người ta thường phân chia thành kết thúc mở và kết thúc đóng. Kết thúc đóng: đánh dấu sự giải quyết trọn vẹn những mâu thuẫn trong tác phẩm. Kết thúc kiểu này là kết thúc có tính truyền thống. Kết cục không cho ta sự quay trở lại nào nữa. Truyện ngắn kết thúc với một tình thế đã xong, không cứu vãn được. (Bà Hermet, Báo thù, Bến cảng, Bố của Simon, Cái thùng con, Cái ô, Cái tủ, Cha Juda, Chú Jules tôi, Cô Fifi, Cô Harriet, Cụ Khốt, Cuộc đời lang bạt của một cô gái, Đôi bạn, Đứa con bỏ rơi, Kẻ hèn nhát, Kẻ lang thang, Mụ Sauvage, Người cha, Tên lính hầu, Món tư trang, Cô Harriet, Trông linh cữu, Tự vẫn, Viên mỡ bò…). Chịu sự chi phối của nguyên tắc hiện thực chủ nghĩa, cũng giống như tác phẩm của các nhà văn cùng thời, kết thúc trong truyện ngắn Maupassant thường là những kết thúc đóng. Kết thúc tác phẩm phản ánh hiện thực đến trần trụi. Đó là những cái chết bi thảm, sự tha hóa nhân cách không gì cứu vãn, sự trả giá quá đắt… Những kết thúc tàn nhẫn đến lạnh lùng. Cuộc sống cứ diễn ra, câu chữ cứ trôi đi bình thản, không có một lời nhận xét, bình luận nào thêm. Đó là đặc điểm kiểu kết thúc của truyện ngắn hiện thực chủ nghĩa, tuy không phải quá độc đáo nhưng có những giá trị nhất định tạo nên những ấn tượng riêng. Với những kết thúc như thế, độc giả không khỏi trăn trở, nghĩ suy. Đó là nguyên tắc thẩm mĩ nhưng đằng sau những câu chữ lạnh lùng kia của nhà văn chắc chắn không phải là một trái tim băng giá. Một nhà văn hiện thực phải biết dấu mình để người đọc cảm nhận mọi thứ qua lăng kính nghệ thuật của nhà văn. Kết thúc mở: những kết thúc còn dự báo nhiều khả năng diễn biến khác nhau bắt nguồn từ các tình tiết trong truyện. Có những kết thúc tuy đánh dấu sự xóa bỏ tính cách số phận nhân vật nhưng mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết trọn vẹn. Người đọc sẽ được khơi gợi để điền tiếp vào chỗ trống đó. Đây là kiểu kết thúc hiện đại hơn. (Một kẻ giết cha mẹ, Hạnh phúc, Trong chuyến đi, Món gia tài, Trên biển…) 409
  6. Phân loại kết thúc đóng, kết thúc mở không có nghĩa là kiểu kết thúc trong truyện ngắn của Maupassant không còn gì đáng bàn còn tác phẩm mới có nhiều vấn đề cần suy nghĩ, bàn cãi. Cần phải hiểu, một tác phẩm văn học nếu chẳng còn gì đáng suy nghĩ sau dấu chấm hết thì tác phẩm đó không thể được xem là một tác phẩm văn học thực sự. Một tác phẩm văn học có giá trị phải gợi ra những liên tưởng, những ám ảnh day dứt trong lòng người đọc để độc giả phải đọc lại, phải tìm kiếm, khám phá cho ra cái bí ẩn đằng sau. Trong khái niệm “kết thúc đóng”, chữ “đóng’ ở đây cần phải hiểu như là cái tất yếu, cái không thể cứu vãn nổi, còn “mở” là sự lơ lửng của những giải pháp. Đối với truyện ngắn, đặc biệt là những truyện ngắn hay, kết thúc phải luôn đem lại những ấn tượng. Ấn tượng, đó là nguyên tắc thẩm mĩ đầu tiên của Edgar Allan Poe khi đánh giá về truyên ngắn “Cần phải hướng tới một ấn tượng nhất định”. Từ ấn tượng đến suy nghĩ, liên tưởng, ám ảnh, day dứt, đó là quá trình tất yếu. Dù ở tiểu thuyết hay truyện ngắn thì kết thúc đóng hay mở không thể đánh dấu chấm hết cho tác phẩm bởi cách giải quyết vấn đề của tác giả luôn để lại những suy nghĩ khôn khuây trong lòng người đọc, gợi cho người đọc những trăn trở về con người, về cuộc sống, về số phận…thúc đẩy con người hành động, tìm kiếm những giá trị chân, thiện, mĩ. Đó mới là những kết thúc có giá trị, mới xứng đáng được gọi là những tác phẩm văn học. Kết thúc trong truyện ngắn Maupassant thường là những kết thúc đóng tất yếu, khép lại số phận khổ đau của nhân vật, sắc thái chủ yếu của những kết thúc này mang đậm ý chua xót, châm biếm sâu cay. Kết thúc trong truyện ngắn Maupassant vạch ra những quy luật tất yếu của cuộc sống không biện minh thêm thắt, buộc con người phải đối mặt với sự thật trần trụi nhất. Những cái kết mang rõ đặc trưng của bút pháp hiện thực chủ nghĩa thế kỉ XIX, mang cảm quan và nguyên tắc thẩm mĩ thời đại. 3. KẾT LUẬN Qua việc khảo sát, thống kê, phân loại kết thúc trong truyện ngắn Guy de Maupasant, chúng ta có thể đi đến kết luận: truyện ngắn Maupassant mang đặc trưng của thể loại truyện ngắn thế kỉ XIX. Kết thúc trong tác phẩm của ông là những kết thúc đơn giản, dễ hiểu, không khó xác định, thường là những kết thúc đóng mang tính tất yếu được viết dưới ngòi bút bình thản, lạnh lùng. Bên cạnh kiểu kết thúc đơn giản, dễ hiểu như đã nêu thì trong truyện ngắn Maupassant còn có kiểu kết thúc bất ngờ, kiểu kết thúc tất yếu, kết thúc mang lại niềm vui, hạnh phúc, sự thỏa mãn cho nhân vật, kết thúc mang lại khổ đau, bất hạnh cho nhân vật, kết thúc mang sắc thái mỉa mai, châm biếm sâu cay, kết thúc mang nặng xót thương, bi thảm, kết thúc đóng, kết thúc mở. Kết thúc trong truyện ngắn của Maupassant khá phong phú đa dạng. Trong truyện ngắn của Maupassant, ông đã phơi bày cho người đọc thấy sự thật trần trụi của đời sống con người trong xã hội Pháp thế kỉ XIX. Qua kết thúc trong truyện ngắn của Maupassant thì người đọc càng có niềm tin vào những vấn đề xã hội mà ông đã vạch ra. Điều này có thể giải thích là do đặc điểm trào lưu mà Maupassant chịu ảnh hưởng và sáng tác - trào lưu văn học hiện thực chủ nghĩa. Chủ nghĩa hiện thực có những nguyên tắc thẩm mĩ riêng, không cho phép tác giả can thiệp quá sâu vào câu chữ trong tác phẩm, nguyên tắc tôn trọng sự 410
  7. thật được đặt lên hàng đầu. Người đọc thấy được những vấn đề xấu xa của xã hội Pháp đương thời dưới ngòi bút lạnh lùng của ông thông qua những kết thúc truyện. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Guy de Maupassant (1986) Tập truyện ngắn dưới ánh trăng, NXB Sở Văn hóa Thông tin Lâm Đồng. 2. Guy de Maupassant (1987) Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỉ XIX, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp. 3. Guy de Maupassant (2000). Tuyển tập truyện ngắn. Hà Nội: NXB Hội Nhà văn. 4. Guy de Maupassant (2004). Tập truyện ngắn Đêm Noel.Hà Nội: NXB Hội Nhà văn. 5. Guy de Maupassant (2005). Truyện ngắn kì lạ. Hà Nội: NXB Lao động. 6. Guy de Maupassant (2006). Tập truyện ngắn Niềm hạnh phúc. Hà Nội: NXB Văn học. 7. Guy de Maupassant (2006). Truyện ngắn chọn lọc Viên mỡ bò. Hà Nội: NXB Hội nhà văn. 8. Lê Huy Bắc (2013). Đặc trưng truyện ngắn Anh - Mỹ, Nxb Đại học Sư phạm. 9. Lê Bá Hán (Chủ biên) (1999). Từ điển thuật ngữ Văn học, NXB Đại học Quốc gia. 10. Phùng Văn Tửu, Lê Hồng Sâm (Chủ biên) (2005). Lịch sử Văn học Pháp thế kỉ XVIII và thế kỉ XIX, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 411
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2