intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nghiên cứu nấm lớn tại trường Đại học Cần Thơ từ năm 2007-2022

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

18
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Nghiên cứu nấm lớn tại trường Đại học Cần Thơ từ năm 2007-2022 nghiên cứu định danh giống/loài nấm dựa trên biện pháp sinh học phân tử kết hợp hình thái truyền thống là thế mạnh của Đại học Cần Thơ.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nghiên cứu nấm lớn tại trường Đại học Cần Thơ từ năm 2007-2022

  1. Tuyển tập Hội nghị Nấm học Toàn quốc lần thứ 4 doi: 10.15625/vap.2022.0141 NGHIÊN CỨU NẤM LỚN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ TỪ NĂM 2007-2022 Đỗ Tấn Khang1, Lê Vĩnh Thúc2, Trần Văn Bé Năm1, Trần Nhân Dũng1* 1 Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ 2 Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ * Email: tndung@ctu.edu.vn TÓM TẮT Hoạt động nghiên cứu nấm lớn ở Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) còn khá non trẻ so với các trung tâm nghiên cứu nấm ở Việt Nam. Nghiên cứu định danh giống/loài nấm dựa trên biện pháp sinh học phân tử kết hợp hình thái truyền thống là thế mạnh của ĐHCT. Các công nghệ sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu phổ biến đã được nghiên cứu, trong đó nấm Rơm được nghiên cứu phát triển mạnh về hướng kinh tế. Cụ thể, các quy trình sản xuất meo nấm Rơm, quy trình sản xuất nấm trong nhà cũng như ngoài đồng rất nổi bật, đồng thời quy trình sản xuất các loài nấm khác như nấm Linh chi, nấm Bào ngư, nấm Cordyceps militaris, nấm Chân dài, nấm Vân chi, nấm Mèo đã được xác lập và chuyển giao cho công ty, nông dân,… Các cơ chất: rơm rạ, mùn cưa cao su, bã mía, mụn dừa, bông vải phế liệu, vỏ trái thốt nốt, bồn bồn phế liệu, lõi bắp,… đã được nghiên cứu và có thể được triển khai nuôi trồng các loại nấm. Còn nhiều loại nấm tự nhiên mới phát hiện từ vùng núi Thất Sơn, tỉnh An Giang chưa được phổ biến đến người dân như: nấm Tuyết (Tremella fuciformis), nấm Dai (Lentinus squarosolus), nấm Ngân nhĩ đỏ da cam (Tremella cinnabarina), nấm Tràm (Tylopilus felleus), nấm Lie da cam mỏng (Pycnoporus sanguineus), nấm Linh chi da trâu (Amauroderma subresinosum), nấm Linh chi tầng (Ganoderma apllanatum), nấm Linh chi đen (Amauroderma niger), nấm Thượng hoàng (Phellenus sp.),… cần được nghiên cứu thêm. Các công tác lai tạo chủng nấm, nghiên cứu phân tử và nghiên cứu sâu về sâu bệnh trên nấm sẽ được triển khai trong thời gian tới. Từ khóa: Nấm ăn và nấm dược liệu, hiệu quả kinh tế nấm rơm, canh tác nấm, chuyển giao công nghệ, định danh phân tử. 1. MỞ ĐẦU Ngành nuôi trồng nấm tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện và hình thành vào khoảng những năm 1930 - 1940 cho đến những năm 1970. Năm 1984, Trung tâm Nghiên cứu Nấm ăn được thành lập thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đến năm 1985 - 1986, tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) tài trợ UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm Sản xuất giống nấm Tương Mai - Hà Nội và Xí nghiệp Nấm TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, lúc này một loạt các đơn vị sản xuất và thương mại nấm hình thành [1]. Sau đó, các trung tâm nghiên cứu nấm ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng không ngừng phát triển. Khoảng năm 1978, Tổ Vi sinh thuộc Bộ môn Thực vật, Khoa Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ (tiền thân của Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học ngày nay) có sản xuất meo nấm rơm và meo nấm mèo cung cấp cho nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong một thời gian [2]. Tuy nhiên, sau năm 1985, việc sản xuất và nghiên cứu này tạm ngưng mãi đến năm 2007, công tác nghiên cứu nấm ăn, nấm dược liệu tại Trường Đại học Cần Thơ mới hoạt động lại tại Khoa Nông nghiệp và Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học (Viện NC PTCNSH). Đến năm 2017, một đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp quốc gia, 119
  2. Đỗ Tấn Khang và cs. Chương trình Tây Nam Bộ “Cải thiện chuỗi giá trị nấm rơm ở ĐBSCL” được thực hiện tại Trường Đại học Cần Thơ do PGS.TS. Võ Thành Danh chủ trì mà thành viên là các nhà khoa học ở Khoa Kinh tế, Khoa Nông nghiệp và Viện NC PTCNSH [3]. Chúng ta tìm hiểu lại thành tựu những nghiên cứu nấm ăn và nấm dược liệu tại Trường Đại học Cần Thơ, nằm trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu sản xuất và tiêu thụ nấm ăn và nấm dược liệu rất to lớn ở ĐBSCL. 2. THÀNH TỰU 2.1. Định danh các loại nấm dựa trên trình tự ITS (internal transcribed spacer) Ở ĐBSCL có rất nhiều loại nấm mọc tự nhiên chưa được phát hiện, phân lập, định danh, nuôi trồng và khai thác hết giá trị của chúng [4, 5], trong đó công tác định danh là việc rất cần thiết. Việc áp dụng phương pháp đánh dấu phân tử (molecular marker) ở mức độ DNA kết hợp với những đặc điểm hình thái của phương pháp truyền thống [6, 7] để nhận diện, định danh các chi/loài nấm có nhiều triển vọng. Vùng trình tự ITS1-5,8S-ITS2 của DNA ribosomes nhân tách chiết từ khuẩn ty của nấm được khuếch đại bằng kỹ thuật PCR với cặp mồi chung là ITS1 và ITS4 [8, 9], sau đó dùng phần mềm BLAST (Basic Local Alignment Search Tool) so sánh trên cơ sở dữ liệu trên Ngân hàng NCBI (National Center for Biotechnology Information) để xác định loài. Có thể sử dụng phần mềm PAUP 4.0 hoặc phần mềm Mega version ≥ 6 kết hợp phần mềm Bioedit version ≥ 6 để xây dựng giản đồ phả hệ. Phương pháp nghiên cứu này đã cung cấp nền tảng cho việc xác định nhanh và chính xác các chi/loài nấm cũng như sự đa dạng di truyền của các chủng (dòng) nấm [10]. Đầu tiên, một kết quả nghiên cứu định danh các loài nấm dựa trên biện pháp sinh học phân tử và hình thái nấm đã xác định: các dòng nấm rơm đều thuộc loài Volvariella volvaceae, các dòng nấm bào ngư trắng đều thuộc loài Pleurotus floridanus, các dòng nấm bào ngư Nhật thuộc loài Pleurotus cystidiosus, dòng nấm bào ngư xám thuộc loài Pleurotus pulmonarius, hai dòng nấm dai thuộc loài Lentinus squarrosulus, hai dòng nấm kim châm thuộc loài Flammulina velutipes, dòng nấm trân châu thuộc loài Agrocybe aegerita, dòng nấm mèo thuộc loài Auricularia polytricha. Bốn dòng nấm Linh chi thuộc ba loài: Ganoderma tropicum, Ganoderma lucidum, Ganoderma gibbosum. Giản đồ phả hệ cũng cho thấy mức tương quan di truyền giữa các loài nấm khảo sát có mức gắn bó boostrap cao, có thể kết luận các loài này có nguồn gốc rất gần nhau [11]. Sau nghiên cứu này, công tác giải trình tự ITS, đăng ký mã số truy cập (Accession number) các chủng nấm và sinh vật khác như các cây ăn trái, chó Phú Quốc, giun đất, cá, vi sinh vật,… đã trở thành những nghiên cứu phổ biến & thường xuyên ở Trường Đại học Cần Thơ [10, 12]. 2.2. Kinh tế sản xuất nấm rơm Trong khuôn khổ chương trình Tây Nam Bộ “Cải thiện chuỗi giá trị nấm rơm ở Đồng bằng Sông Cửu Long” (Chương trình nấm rơm Tây Nam Bộ) do PGS.TS. Võ Thành Danh chủ trì. Võ Thành Danh và cs. (2021) đã nghiên cứu phát hiện nông dân trồng nấm rơm có hiệu quả kinh tế khá cao. Lợi nhuận bình quân tính cho 1 cuộn rơm là 16,6 ngàn đồng/cuộn, lợi nhuận bình quân tính cho 1 kg nấm tươi là 14,7 ngàn đồng/kg. Đối với trường hợp tính trên 1 hộ trồng nấm, về hiệu quả tài chính, lợi nhuận bình quân đạt gần 23 triệu đồng/vụ/hộ tương ứng với tỷ suất lợi nhuận là 37,5 %; về hiệu quả kinh tế, tỷ lệ lãi gộp là 34,4 % và tỷ suất lợi nhuận là 17 % [3]. Kết hợp liên kết, tập trung mô hình trồng nấm rơm hộ gia đình, quy mô nhỏ, chi phí đầu tư thấp, trồng nấm rơm giúp sản lượng nấm rơm tăng cao, tăng thu nhập cho nông dân và tận dụng nguồn rơm phế liệu. Công tác này sẽ có hiệu quả cao khi có ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng nấm 120
  3. Nghiên cứu nấm lớn tại Trường Đại học Cần Thơ từ năm 2007-2022 rơm năng suất cao và phẩm chất nấm ngon; kỹ thuật bảo quản, sơ chế nấm rơm thích hợp kèm theo sự phát triển và đầu tư của các cơ sở sơ chế nấm rơm, công ty chế biến nấm rơm, đóng hộp ở gần các làng nghề trồng nấm rơm [13]. Chương trình nghiên cứu kinh tế nấm rơm trên đã đánh giá được hiệu quả kinh tế và mức độ chấp nhận của nông dân đối với các mô hình sản xuất nấm rơm có triển vọng và đề xuất được chiến lược và kế hoạch phát triển thị trường và nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng nấm rơm, cũng như đề xuất cơ chế tổ chức, chính sách liên kết các vùng sản xuất của bốn nhà - nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nấm rơm [13, 14]. 2.3. Kỹ thuật canh tác nấm rơm trong nhà và ngoài trời Lê Vĩnh Thúc và cs. (2019) [15] đã thiết lập được “Quy trình canh tác nấm rơm trong nhà & ngoài trời” và chuyển giao cho nông dân rất thiết thực, nhất là những kỹ thuật canh tác nấm rơm trong nhà chi phí thấp (Hình 1). Quy trình trồng đơn giản rẻ tiền phù hợp với điều kiện canh tác và khả năng tài chính của nông dân ở ĐBSCL. Quy trình sản xuất, các thông số chính trong nhà trồng như sau: Thời gian ủ tơ, theo dõi nhiệt độ và ẩm độ nhà trồng: Nhiệt độ phù hợp cho tơ nấm là 15 - 40 oC, nhiệt độ phù hợp cho quả thể là 25 - 30 oC. Ẩm độ thích hợp cho tơ nấm là 50 - 70 %, giai đoạn ra quả thể cần ẩm độ 80 - 100 %. Nếu nhiệt độ cao và ẩm độ thấp thì tiến hành phun sương nhà trồng. Trong giai đoạn này giá thể không cần ẩm nhiều, nên chỉ phun bên trong nhà trồng, không cần phun trực tiếp lên giàn. Sau 7 ngày thì tiến hành tưới phun nước nhiều để kích thích tơ nấm hình thành quả thể. Khi phun nước nên kết hợp với chiếu sáng trong vòng 12 giờ. Điều này giúp hình thành quả thể đồng loạt. Khi nấm ra quả thể có thể phun 0,05 % sodium acetate (1 L/m2) giúp nấm phát triển được tốt hơn [15, 16]. Tác dụng phân trùn quế trên nấm rơm: Bổ sung phân hữu cơ khoáng HVP 301.B 10 g hay bổ sung phân trùn quế 70 g trên 1,5 m mô làm tăng năng suất quả thể: chiều cao, đường kính, khối lượng của 30 quả thể xuất hiện đầu tiên, trọng lượng trung bình/quả thể, tổng số lượng quả thể [12]. Sử dụng phân trùn quế là 1 kỹ thuật rất tốt, thích hợp trong việc sử dụng phân hữu cơ vừa tăng năng suất, chất lượng nấm rơm vừa bảo vệ môi trường [15, 16]. Phương pháp xếp mô nấm và đốt áo mô: Giúp nấm rơm có năng suất cao hơn. Phương pháp xếp mô và liều lượng meo giống phù hợp meo 160 g/1,5 m tác dụng làm năng suất nấm rơm ngoài trời tăng cao hơn ở ĐBSCL. Tổng khối lượng quả thể và số lượng quả thể/1,5 m mô của phương pháp xếp mô cuộn kết hợp đốt áo mô (2,82 kg và 339,8 quả thể) cao hơn tương ứng so với chỉ xếp mô cuộn (2,50 kg và 307,0 quả thể) [16, 17]. Bổ sung (phun) sodium acetate CH3COONa: Liều lượng 0,05 % làm tăng năng suất nấm rơm đến 76,5 % và cho hiệu suất sinh học là 13,3 %. Công tác này làm tăng chiều rộng quả thể 3,40 cm, tăng tổng số lượng quả thể 128 quả thể/m2 và tăng năng suất là 1,59 kg/m2 [18]. 2.4. Kỹ thuật sản xuất meo nấm rơm Đồng thời với nghiên cứu “Canh tác nấm rơm trong nhà và ngoài trời” của Khoa Nông nghiệp, Viện NC PTCNSH có nghiên cứu kỹ thuật sản xuất meo nấm rơm cũng trong khuôn khổ chương trình nấm rơm Tây Nam Bộ. Kết quả nghiên cứu này đã được chuyển giao cho Công ty DASCO ở Đồng Tháp và Công ty Thảo dược HASU ở Hậu Giang. Ngoài ra các kỹ thuật này cũng được chuyển giao cho Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng kết hợp với kỹ thuật canh tác nấm rơm trong nhà trồng (Hình 2). 121
  4. Đỗ Tấn Khang và cs. Hình 1. Kệ trồng nấm bằng tre Hình 2. Canh tác nấm rơm trong nhà tại thị xã Ngã Năm Quy trình sản xuất meo nấm rơm: Sản xuất meo giống là một khâu quan trọng của quy trình trồng nấm rơm. Có thể tóm tắt quy trình gồm 3 giai đoạn (1) Phân lập, trữ giống nấm: Phân lập giống/chủng nấm từ bào tử hoặc mô thịt trên môi trường PDA thạch, trữ giống trên môi trường Czapek Dox - CMC. Thử khả năng phân hủy cellulose của các chủng/giống. (2) Tạo meo hạt trên thóc: Chuyển chủng/dòng nấm phát triển, lan tơ trong môi trường hạt thóc nấu chín. (3) Tạo meo giống sản xuất: Chuyển môi trường hạt sang môi trường vỏ trấu trong bịch nylon. Đóng túi trấu bằng túi nylon dày, nén tạo khối căng tròn đều, mỗi túi có trọng lượng khoảng 200 - 300 g. Làm cổ nút bằng cách xoắn tròn miệng túi giống, xâu lồng vòng cổ nhựa xung quanh vòng xoắn nylon, bẻ ngược miệng túi nylon kéo xuống bao quanh vòng cổ nhựa, buộc miệng cổ lại bằng dây thun. Lấy một lượng bông gòn vừa đủ với miệng cổ nút môi trường để làm nút đậy kín túi và bọc lại bằng miếng nylon mỏng. Chuyển túi môi trường vào nồi hấp khử trùng ở 121 oC, 1 atm trong 2 giờ. Cấy giống từ môi trường hạt, đợi tơ nấm phát triển trong 7 - 8 ngày thì có thể sử dụng để canh tác nuôi trồng nấm trên mô rơm trong nhà hoặc ngoài đồng. Quy trình sản xuất meo nấm rơm đã được in thành dạng sổ tay khuyến nông để phổ biến đến nông dân [14, 19]. Quy trình sản xuất meo nấm và trồng nấm rơm trên đã được chấp nhận đơn đăng ký bằng sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ và quy trình phân lập 16 chủng nấm rơm (có AC number của NCBI) đã được chấp nhận đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, Đại học Quốc gia TP. HCM là đơn vị phụ trách. 3a 3b Hình 3a. Không có hiện tượng lai Hình 3b. Có hiện tượng lai khuẩn ty - khuẩn ty nằm rời nhau đan xen vào nhau 122
  5. Nghiên cứu nấm lớn tại Trường Đại học Cần Thơ từ năm 2007-2022 Hình 4a. Dụng cụ thu bào tử Hình 4b. Bào tử nấm rơm SEM Hình 4c. Bào tử nấm C. militaris nấm rơm SEM Trồng nấm rơm trên cơ chất khác: Các cơ chất khác như phế phẩm bèo lục bình khô (bèo Nhật Bản, Eichhornia crassipes Solms), lá chuối khô mục, bồn bồn phế liệu, bông vải phế liệu, mụn dừa, mùn cưa cao su,… được canh tác nấm rơm trong mùa mưa ở Cần Thơ. Những cơ chất này có thể trồng được nấm rơm nhưng năng suất quả thể không cao như các công bố hay thông tin trên báo chí phổ thông. Những nghiên cứu này cần phải lập lại trên các mùa vụ khác nhau [20, 21]. Lai tạo chủng nấm rơm mới: Trong nuôi trồng nấm rơm Volvariella volvacea (Bull.) Singer, vai trò của giống nấm quan trọng nhất nhờ chủ yếu vào tiềm năng cho quả thể năng suất cao, chất lượng tốt cũng như đặc tính kháng sâu bệnh trong cơ chất, mặc dầu kỹ thuật canh tác, điều kiện khí hậu và chất lượng cơ chất cũng đóng vai trò quan trọng [22]. Chọn giống nấm bằng phương pháp lai tạo là 1 phương pháp triển vọng để có những giống/dòng nấm năng suất cao chất lượng tốt [23]. Công tác phân lập dòng/giống nấm bằng bào tử là 1 khâu trong công tác lai tạo giống nấm rơm (Hình 4a, 4b). Trần Thị Xuân Lan và cs. (2020) khởi đầu nghiên cứu lai tạo các chủng nấm rơm đen chất lượng ngon và nấm rơm trắng chất lượng kém. Nấm rơm đen đậm không được người dân ưa chuộng, nấm rơm trắng ít đen hơn, đẹp màu hơn nhưng chất lượng không bằng. Kết quả bước đầu đã tạo được 14 tổ hợp lai có hiện tượng lai chéo trên môi trường PDA (Hình 3a, 3b). Thực hiện thí nghiệm kiểm tra tốc độ sinh trưởng trên môi trường PDA và khả năng phân giải cellulose trên môi trường CMC đã chọn ra 05 tổ hợp có kết quả cao nhất là A1B4, A2B1, A3B5, A4B4, A5B5. Sau khi trồng thử nghiệm trong nhà trồng có 03 chủng nấm lai cho quả thể là A1B4, A2B1 và A5B5 với năng suất lần lượt là 460,93 g, 416,41 g và 385,20 g trên 6 kg chất khô rơm. Kết hợp với kết quả giải trình tự 02 chủng nấm mới có tiềm năng là A1B4 và A2B1 cho thấy chúng đều thuộc loài Volvariella volvacea. Hai chủng nấm này có năng suất tương đối cao và màu sắc sáng đẹp so với các chủng nấm ban đầu [24]. Mặc dầu nghiên cứu chưa có kết quả hoàn hảo, nhưng bước đầu đã xác lập được phương pháp lai tạo mới thực hiện tại phòng thí nghiệm Viện, là cơ sở cho những nghiên cứu lai tạo nhiều giống/chủng nấm sau này. 2.5. Nấm Cordyceps militaris Nấm Cordyceps militaris là một loài nấm ký sinh trên côn trùng có giá trị dược liệu quý, có khả năng sinh trưởng và phát triển dễ dàng trên môi trường nhân tạo, nhiều nghiên cứu đã nuôi trồng thành công trong cả môi trường lỏng và rắn giàu nguồn carbon và nitrogen [25]. 123
  6. Đỗ Tấn Khang và cs. Khoa Nông nghiệp đã nghiên cứu ảnh hưởng của nguồn dinh dưỡng đến sự phát triển của nấm Cordyceps militaris, chọn lựa tối ưu hóa môi trường sản xuất tạo quả thể và sản sinh hàm lượng cordycepin cao. Các tác giả đã sử dụng gạo trắng (ST20) có chứa hàm lượng protein cao kết hợp bổ sung các thành phần 3 % glucose, 1 % yeast extract, 1 % peptone, 0,01 % kitin và vitamin B1, B12 cho quả thể nấm đạt từ 5,82 đến 7,94 cm sau 60 ngày nuôi trồng. Trọng lượng quả thể nấm tươi đạt trung bình tương đương với 16,52 ± 0,09 g, hàm lượng cordycepin của quả thể là 5,56 mg/g [26]. Nhóm nghiên cứu nấm của Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về C. militaris. Bào tử C. militaris đã được sử dụng để phân lập, giữ giống (Hình 4c) và phục tráng giống chung với nhộng tằm. Về môi trường nuôi cấy, song song với peptone có thể sử dụng tryptone cùng gạo lức tím than bổ sung thêm 9 % nhộng xay và 100 mL/L khoáng vi lượng là công thức tối ưu để nuôi trồng nấm C. militaris. Ngoài ra có thể bổ sung sữa tiệt trùng Flex không lactose với hàm lượng 9 % kết hợp 100 mL/L khoáng vi lượng là nguồn dinh dưỡng mới có khả năng sử dụng trong nuôi trồng nấm [27]. Nhóm nghiên cứu còn công bố có thể nuôi trồng tốt nguồn dinh dưỡng từ sữa tươi tiệt trùng không đường TH True Milk được bổ sung ở tỷ lệ 9 % và 45 g/L gạo lức không nhộng tằm và chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang hoặc đèn led điều cho kết quả nuôi trồng tốt C. militaris. Chiều dài quả thể nấm là 5,31 ± 0,12 cm, khối lượng khô quả thể 2,906 ± 0,00 g, hàm lượng polysaccharide 5,473 ± 0,04 %, Adenosine 15,1 mg/kg, cordicepine 1.781,3 mg/kg [27, 28]. Các công thức sử dụng các loại sữa tự nhiên giúp các nhà sản xuất có thể sử dụng các quy trình này để nuôi trồng, sản xuất C. militaris (nhân tố thực vật) sử dụng cho mục đích từ thiện cho người ăn chay vì không dùng nhộng tằm (nhân tố động vật). Công nghệ này đã được chuyển giao cho nhiều cơ sở sản xuất C. militaris nhỏ rải rác ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Sài Gòn, Cần Thơ, Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Các cơ sở này luôn luôn có thành viên là sinh viên hay cộng tác viên đã được đào tạo từ Trường ĐHCT. Công nghệ nuôi trồng C. militaris dần dần phổ biến ở ĐBSCL. Ngày nay số lượng của C. militaris ở ĐBSCL nhiều và giá thành rẻ hơn 5 năm trước nhiều. 2.6. Nấm Linh chi (Ganoderma spp.) Nấm Linh chi: (Linzhi (reishi) mushroom, Ganoderma spp.) là một trong những loại nấm dược liệu quý. Linh chi có tác dụng an thần, làm giảm hưng phấn của thần kinh trung ương, giảm đau, bảo vệ gan, giải độc, bảo vệ gan, hạ đường huyết, thải trừ chất phóng xạ, cường tim, hạ huyết áp, làm giảm cholesterol trong máu, chống vữa, xơ động mạch, giúp cho cơ tim chịu được trạng thái thiếu máu. Polysaccharide trong Linh chi chỉ có tác dụng ức chế tế bào ung thư, tăng miễn dịch cho cơ thể. Chất germanium của Linh chi giúp khí huyết lưu thông, acid ganoderic có tác dụng chống viêm chống dị ứng [6, 29]. Cơ chất được sử dụng nuôi trồng nấm Linh chi (Ganoderma lucidum) là mùn cưa cao su hoặc bã mía. Năng suất trung bình quả thể nấm trên cơ chất mùn cưa cao su (47,3 g/350 g cơ chất khô) cao hơn bã mía (36,6 g/350 g cơ chất khô). Công thức phối trộn được chọn là cơ chất bã mía được xử lý với 3 % nước vôi và bổ sung 4 % cám gạo với thời gian thu hoạch quả thể sớm (75 - 96 ngày), năng suất cao (51,0 g/350 g cơ chất khô), chất lượng quả thể tốt (hàm lượng đạm tổng/trọng lượng khô: 3,20 %, hàm lượng tro tổng/trọng lượng khô: 0,21 %), MIC (Minimum Inhibitory Concentration) = Nồng độ ức chế tối thiểu đối với vi khuẩn Staphylococcus aureus ATCC 29213 là 12 µg/mL [30]. Nấm Linh chi tầng (Ganoderma applanatum): Hồ Thị Thu Ba và cs. (2017) phát hiện được nấm Linh chi tầng (Ganoderma applanatum) ở xã An Hảo, Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Môi trường nhân giống cấp 1 tốt nhất là rapper (cao nấm men 2 g, pepton 2 g, KH2PO4 0,46 g, K2HPO4 1 g, 124
  7. Nghiên cứu nấm lớn tại Trường Đại học Cần Thơ từ năm 2007-2022 MgSO4.7H2O 0,5 g, agar 20 g, glucose 20g, nước cất đủ 1000 mL), trong 4 ngày tơ lan đầy ống nghiệm; môi trường gạo lức là môi trường nhân giống cấp 2 tối ưu trong 11 ngày trên bình nuôi cấy; môi trường tạo quả thể thích hợp nhất là môi trường 90 % mùn cưa cao su + 5 % cám + 5 % bột bắp trong 25 ngày. Thu quả thể sau 55 ngày tơ ăn trắng bịch và hiệu suất sinh học đạt 0,94 %. Xác định hàm lượng polysaccharide và triterpenoid trong nấm nhận thấy quy trình nuôi trồng đã xây dựng không ảnh hưởng tới hàm lượng 2 chất này trong quả thể [31]. Công trình này là kết quả hợp tác giữa Trường Đại học An Giang và Trường Đại học Cần Thơ [31, 32]. Hình 5. Nấm Linh chi tầng Ganoderma applanatum [46] Hình 6. Nấm lie đỏ Pycnoporus sanguineus [48] Nấm Vân chi đỏ: Còn gọi nấm Lie đỏ, turkey tail mushroom, Pycnoporus sanguineus (L.: Fr.) Murrill (Syn Trametes sanguinea (L.) Lloyd), là nấm hóa gỗ có nhiều đặc tính giống nấm Linh chi, thường mọc ở trên thân gỗ mục. Cơ chất nấm Vân chi đỏ là mùn cưa cao su. Nguyễn Diễm My và cs. (2019) canh tác nấm Vân chi đỏ, sau môi trường hạt thêm môi trường cọng khoai mì bổ sung mùn cưa 10 % hoặc cọng khoai mì bổ sung 5 % cám gạo + 5 % cám bắp cho lan tơ tốt nhất. Môi trường bịch phôi sử dụng cơ chất mùn cưa cao su là tốt nhất. Mùn cưa cao su thêm cám gạo, bột bắp làm gia tăng tỉ lệ lây nhiễm nấm lạ [33]. Trần Đức Tường và cs. (2017) thay thế mùn cưa cao su bằng 60 % vỏ cây tràm hoặc 50 % vỏ trấu + 50 % cùi bắp xay vẫn cho năng suất quả thể tốt [34, 35]. Ly trích các hợp chất polysaccharide: Polysaccharide là một trong những hợp chất có hoạt tính sinh học quan trọng của nấm Linh chi (Ganoderma lucidum). Các hoạt tính này bao gồm kích thích hệ miễn dịch, bảo vệ gan, hạ huyết áp, chống ung thư, kháng oxy hóa,… Do đó, hiệu suất ly trích các hợp chất polysaccharide từ nấm Linh chi bằng nhiều phương pháp khác nhau ngày càng được quan tâm nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu đã xác định được loại dung môi phù hợp để ly trích polysaccharide từ nấm Linh chi đồng thời tối ưu hóa nhiệt độ và thời gian ly trích để đạt được hiệu suất và khả năng kháng oxy hóa cao. Trong thí nghiệm ly trích polysaccharide, các điều kiện ly trích polysaccharide được tối ưu hóa bằng phương pháp đáp ứng bề mặt. Các nhân tố được lựa chọn để tối ưu bao gồm: dung môi, nhiệt độ và thời gian ly trích. Từ kết quả thí nghiệm đã xác được các điều kiện tối ưu như sau: dung môi là NaOH 1M, nhiệt độ ly trích 60,90 oC và thời gian ly trích là 73,64 phút. Kết hợp với các điều kiện cố định là tỉ lệ (v/w) 1:20, đánh sóng siêu âm ở công suất 300 W, 30 phút, thì hiệu suất ly trích và khả năng khử DPPH lần lượt đạt 9,2995 ± 0,32 % và 86,15 ± 0,65 %. Dịch trích polysaccharide thô sau khi ly trích từ các điều kiện tối ưu có hoạt tính kháng oxy được xác định bằng phương pháp khử gốc tự do DPPH với giá trị IC50 là 1,94 mg/mL. Các kết quả này đã cung cấp những dẫn liệu quan trọng nhằm tạo tiền đề để xây dựng quy trình ly trích polysaccharide trên quy mô lớn sau này [36]. 125
  8. Đỗ Tấn Khang và cs. 2.7. Nấm bào ngư (Pleurotus spp.) Nấm bào ngư Pleurotus spp. (oyster mushroom) là loại nấm ăn phổ biến và mang lại nhiều giá trị ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đây là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng: đạm, đường, protein, acid amin, vitamin và khoáng. Theo Chang & Miles (2004), trong nấm bào trắng có chứa các hợp chất có khả năng kháng bệnh ung thư. Loại nấm này có tính thích nghi rộng và có thể trồng được trên các loại phế phẩm công - nông nghiệp khác nhau: bông vải, mùn cưa cao su, thân bắp, bã mía, mụn dừa, rơm rạ,… [37, 38]. Nấm bào ngư trắng (Pleurotus florida): Mùn cưa cao su, bã mía và mụn dừa có thể làm giá thể nuôi trồng nấm bào ngư trắng (Pleurotus florida). tơ nấm phát triển tốt và cho năng suất đợt 1 cao trên cơ chất là mùn cưa cao su (76,7 g/250 g cơ chất khô = 30,68 % BE (Biological efficiency) tiếp đến là bã mía (67,63 g/250 g cơ chất khô = 27,05 % BE) và thấp nhất là mụn dừa (16,85/250 g cơ chất khô = 6,74% BE). Tùy khả năng có thể bổ sung cám bắp, cám gạo và bột đậu nành. Các cơ chất này nên xử lý với 3 % nước vôi. Bã mía cần bổ sung 4 % cám gạo + 4 % cám bắp. Mùn cưa cao su cần bổ sung bột đậu nành 6,4 % và cám bắp 7,7 %, mụn dừa cần bổ sung bột đậu nành 11,1 %. So với bã mía và mụn dừa thì mùn cưa cao su giúp tơ nấm lan nhanh hơn, do dinh dưỡng trong mùn cưa cao su dễ được nấm sử dụng do chứa nhiều cellulose, ít hemicellulose và lignin, đồng thời cấu trúc của mùn cưa là tơi xốp, độ thoáng khí nhiều nên trong quá trình ủ nguyên liệu hệ enzymes cellulase, hemicellulase, laccase của xạ khuẩn, vi khuẩn kỵ khí,... dễ tiếp xúc và phân cắt cellulose, lignin, hemicellulase thành phân tử đường đơn giản. Khả năng giữ ẩm của mùn cưa cao su khá tốt nên trong quá trình ủ, nhiệt độ và độ ẩm không khí của nhà trồng thay đổi không làm ảnh hưởng nhiều đến độ ẩm của cơ chất [39]. Ngoài ra vỏ trái thốt nốt có thể thay thế mùn cưa cao su khi bổ sung bột bắp và cám gạo ở mức 5 % để trồng nấm bào ngư trắng, cơ chất này cho năng suất và hàm lượng đạm khá cao. Người dân có thể tận dụng triệt để các sản phẩm phụ từ cây thốt nốt, tạo ra việc làm, mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân đồng thời cũng giúp giảm ô nhiễm môi trường [40]. Nấm Chân dài: Nấm Chân dài có tên tiếng Anh là big cup mushroom (nấm cốc lớn) tên khoa học là Pleurotus giganteus (Berk.) Karunarathna & Hyde (sym. Lentinus giganteus Berk and Panus giganteus (Berk.) Corner), là loài nấm ăn quý mới có nguồn gốc Thái Lan & Malaysia [41, 42]. Nấm Chân dài có thể được trồng trên một số nguồn nguyên liệu có sẵn ở ĐBSCL: mùn cưa cao su, mụn dừa, bã mía và rơm. Nấm được phân lập trên môi trường Mizuno, PDA và PDA có bổ sung 20 % nước dừa. Môi trường hạt bao gồm hạt gạo lức, hạt bắp và hạt lúa kết hợp với dinh dưỡng bổ sung là 3 % cám gạo, 3 % bột bắp và 1 % vôi bột. Cơ chất trồng quả thể là mạt cưa cao su, mụn dừa, bã mía và rơm được phối trộn theo các tỉ lệ khác nhau. Tơ nấm lan nhanh nhất trên môi trường phân lập Mizuno (7,95 cm) so với môi trường PDA (6,18 cm) và PDA bổ sung 20 % nước dừa (7,71 cm) ở ngày thứ 10. Đối với môi trường hạt, tơ nấm phát triển tốt nhất trên môi trường hạt gạo lức (12,20 cm), tiếp đến là hạt bắp (11,77 cm) và hạt lúa (8,70 cm) sau 24 ngày. Năng suất nấm cao nhất đối với cơ chất trồng nấm là 70 % bã mía bổ sung 30 % rơm (127,92 g nấm tươi/bịch (400 g nguyên liệu), hiệu suất sinh học đạt 79,75 %), tiếp theo là 100 % bã mía (123,16 g/bịch, hiệu suất sinh học đạt 76,98 %). Tuy nhiên, hàm lượng polysaccharide giữa các thí nghiệm khác biệt không có ý nghĩa thống kê ở mức 5 %. Lúc sắp ra quả thể phải phủ 1 lớp cát nền hoặc đất thịt mịn. Hương vị nấm chân dài có nhiều đặc điểm giống bào ngư trắng và xám nhưng thơm hơn, giòn hơn không dai như nấm bào ngư [43]. Nấm Hoàng kim (Pleurotus citrinopileatus SINGER): vừa là thức ăn bồi bổ sức khỏe vừa là dược phẩm. Nguyễn Hoàng Thạnh là học viên cao học Khoa Nông nghiệp (2016) đã nghiên cứu 126
  9. Nghiên cứu nấm lớn tại Trường Đại học Cần Thơ từ năm 2007-2022 tìm ra các loại môi trường nhân giống và loại cơ chất phù hợp để trồng nấm Hoàng kim cho năng suất cao, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí đồng thời đảm bảo chất lượng quả thể. Kết quả nghiên cứu môi trường thạch cho thấy môi trường Potato Dextrose Agar (PDA) bổ sung muối khoáng (PDA-MK) là cho tơ lan kín đĩa sớm nhất (kín đĩa 9 cm trong vòng 8 ngày, tốc độ 0,95 cm/ngày), sợi tơ tốt, dày, phân nhánh nhiều hơn so với các môi trường PDA và PDA bổ sung nước dừa. Ở môi trường các loại hạt, qua kết quả nghiên cứu trên 3 môi trường: hạt lúa, hạt gạo và hạt bắp, thì môi trường hạt bắp có tốc độ lan tơ cao nhất (0,53 cm/ngày), đầy kín ống nghiệm 20 cm trung bình 18,6 ngày. Kết quả nghiên cứu trên cơ chất trồng nấm để thu quả thể: (1) Tốc độ lan tơ: nghiệm thức rơm phối trộn bột bắp (bột bắp 11,6 %) đạt tốc độ lan tơ nhanh nhất (17,77 cm ở giai đoạn 30 NSC); (2) Năng suất nấm tươi trên bịch phôi: nghiệm thức rơm phối trộn bột bắp (bột bắp 11,6 %) (156 g/bịch) [44]. 2.8. Vai trò vi khuẩn sợi trong sản xuất nấm Vi khuẩn sợi (actinobacteria) phân giải cellulose bao gồm các dòng hiếu kí, kị khí, ưa ấm và chịu nhiệt, sinh sống ở nhiều môi trường khác nhau nhưng nhìn chung đều có khả năng tổng hợp hệ enzyme cellulase [40]. Việc ứng dụng các dòng vi khuẩn sợi có khả năng phân giải cellulose để chuyển hóa các thành phần cấu tạo của cơ chất thành nguồn dinh dưỡng cho nấm, giúp rút ngắn thời gian trồng và thu hoạch; đồng thời làm nấm có năng suất cao và thân thiện với môi trường. Sự hiện diện của các vi khuẩn sợi phân giải cellulose có thể đẩy nhanh quá trình phân giải của cơ chất bằng cách phân giải chất hữu cơ và các tương tác thúc đẩy sự gia tăng N. Tổng hàm lượng N tăng do sự đồng hóa cấu trúc tế bào, enzyme, hormone,...) [45, 46]. Hình 7. Chủng vi khuẩn sợi DM10 dưới kính hiển vi điện tử quét SEM Tác dụng vi khuẩn sợi trên các cơ chất: Rơm rạ được dùng làm cơ chất trồng nấm rơm được xử lý bằng vi khuẩn sợi có kết quả rất tốt. Kết quả sau khi trồng cho thấy có dòng vi khuẩn sợi Achromobacter sp. giúp tăng năng suất nấm rơm, lên đến 7,35 % (VK XK2) [47]. Tương tự, Phan Thị Phới canh tác nấm rơm có bổ sung vi khuẩn sợi DM10 Streptomyces coelicoflavus có tác dụng tăng năng suất quả thể cao hơn khoảng 10 % năng suất nấm rơm không vi khuẩn sợi [21]. Phạm văn Đổng và cs. (2019) sử dụng các cơ chất rơm, bông vải phế liệu, mùn cưa cao su, mụn dừa, bèo lục bình, có chủng (dòng) vi khuẩn sợi B6.1 (Streptomyces sp.) làm tăng năng suất quả thể cao hơn các nghiệm thức không vi sinh khuẩn sợi 5 % [20]. Tác dụng vi khuẩn sợi trên cơ chất bồn bồn trồng nấm rơm: Tác động của vi khuẩn sợi lên năng suất nấm canh tác trên cơ chất bồn bồn không rõ rệt như cơ chất rơm, tuy nhiên nó giúp giảm hẳn lượng vi sinh vật nhiễm vào mô nấm. Điều này cũng giống như nghiên cứu của 127
  10. Đỗ Tấn Khang và cs. Payapanon và cs. (2011). Sự đối kháng của những vi khuẩn này đối với mầm bệnh thực vật rất rõ rệt, chúng đều ức chế các loại nấm lạ thường hay nhiễm trong cơ chất trồng nấm rơm [21, 48, 49]. Tác dụng vi khuẩn sợi trên nấm Linh chi cơ chất bã mía: Dòng vi khuẩn Stenotrophomonas maltophila và Chryseobacterium sp, làm tăng năng suất quả thể nấm Linh chi khá cao (7,5 - 8,0 %) [50]. 2.9. Các loại nấm khác Nhiều loại nấm khác như: nấm Mèo (Wood-Ear Mushroom, Auricularia spp.), nấm Hầu thủ (monkey head, lion's mane, Hericium erinaceus), nấm Hoàng đế (milky mushroom, Calocybe indica), nấm Đùi gà (king oyster mushrooms, Pleurotus eryngii DC.), nấm Hương (Shiitake mushroom, Letinula edodes),… đã được nghiên cứu tại Viện NCPTCNSH nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. Nấm Hương còn đang được thử trồng trong điều kiện nhiệt độ ở ĐBSCL 32 oC. Riêng nấm Mối tự nhiên (Termitomyces clypeatus) tuy chưa được nuôi trồng thành quả thể nhưng đã được phân lập và nuôi cấy dạng lỏng rất hữu hiệu, Nguyễn Thị Ngọc Nhi và cs. (2016) [51] có thể sản xuất thành dạng thực phẩm chức năng có hàm lượng dinh dưỡng cao. TS. Hồ Thị Thu Ba, được đào tạo từ Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, đã phát hiện nhiều loài nấm tự nhiên mới từ vùng núi Thất Sơn như: nấm Tuyết (Tremella fuciformis), nấm Dai (Lentinus squarosolus), nấm Ngân nhĩ đỏ da cam (Tremella cinnabarina), nấm Tràm (Tylopilus felleus), nấm Lie da cam mỏng (Pycnoporus sanguineus), nấm Linh chi da trâu (Amauroderma subresinosum), nấm Linh chi tầng (Ganoderma apllanatum) [52], nấm Linh chi đen (Amauroderma niger), nấm Thượng hoàng (Phellenus sp.)…, đã xác định độc tính cấp cả năm loại nấm Thượng hoàng, Linh chi tầng, nấm Dai và nấm Vân chi đều không gây độc tính cấp trên chuột, cũng như xác định thành phần dinh dưỡng và dược tính rất cao của chúng [32]. 3. KẾT LUẬN Một số nghiên cứu cơ bản về canh tác các loại nấm ăn, nấm dược liệu đã được thực hiện tại Trường ĐHCT trong đó nấm rơm được nghiên cứu sâu về sản xuất meo nấm, quy trình trồng nấm rơm trong nhà và ngoài đồng cũng như về triển vọng phát triển kinh tế. Các công tác định danh dựa trên sinh học phân tử đã được triển khai. Bài tổng kết này được giới hạn ở phạm vi nghiên cứu cơ bản và chuyển giao, phổ biến những quy trình canh tác nấm ăn, nấm dược liệu phổ biến đến nông dân và các cơ sở sản xuất nấm ở ĐBSCL mà chưa đề cập đến công nghệ chế biến nấm. Về tương lai gần, việc lai tạo, chọn giống những loại nấm có giá trị kinh tế và nghiên cứu chuyên sâu về sâu bệnh trên nấm sẽ được triển khai dựa trên những công nghệ cao. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Lê Quang Thái (2018). Hiện trạng ngành sản xuất nấm Việt Nam và giới thiệu các giải pháp công nghệ nhằm giải quyết một số vấn đề tồn tại. Hội thảo Quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Việt Nam” ngày 11/10/2018 Do Viện Ứng dụng Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. [2]. Trần Phước Đường & Nguyễn Văn Bá (1980). Quy trình sản xuất meo nấm mèo và meo nấm rơm. Tài liệu lưu hành bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đạm Sinh học - Trường Đại học Cần Thơ. [3]. Võ Thành Danh, Ngô Thị Thanh Trúc, Phạm Thị Gấm Nhung, Nguyễn Hữu Đặng & Trương Thị Thuý Hằng (2021). Hiệu quả kinh tế sản xuất nấm rơm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp 128
  11. Nghiên cứu nấm lớn tại Trường Đại học Cần Thơ từ năm 2007-2022 chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 57(2), 211-219. https://doi.org/10.22144/ctu.jvn.2021.056. [4]. Trần Thị Kim Hồng, Lê Trọng Thắng, Trương Thanh Tân, Bùi Trường Thọ, Nguyễn Văn Bé (2017). Sự phân bố và thành phần loài nấm lớn tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 2, 96-103. [5]. Kuhad, R. C., Gupta, R. & Khasa, Y. P. (2011). Microbial cellulases and their industrial applications. Enzyme Research, 2011, Article ID 280696, 10 pages. DOI:10.4061/2011/280696. [6]. Nguyễn Lân Dũng (2003). Công nghệ nuôi trồng nấm, tập 2. NXB Nông Nghiệp, 2015-2021. [7]. Trịnh Tam Kiệt (2011). Nấm lớn ở Việt Nam, tập 1. NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội, trang 66-80; trang 90-236. [8]. Han, J. G. & Shin, H. D. (2007). New Record of Xylaria persicaria on Liquidambar Fruits in Korea. Mycobiology, 35(4), 171-173. [9]. White, T. J., Burns, T., Lee, S., & Taylor, T. (1990). Amplification and direct sequencing of fugal ribosomal RNA genes for phylogenetic, In book: PCR Protocols, Publisher: Academic Press, Inc., 315-322. [10]. Trần Nhân Dũng (2011). Sổ tay thực hành sinh học phân tử - sách song ngữ. NXB Đại học Cần Thơ, 129-131. [11]. Liễu Như Ý & Trần Nhân Dũng (2012). Đa dạng di truyền một số loại nấm ăn dựa trên trình tự ITS (internal transcribed spacer). Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 22b, 18-25. [12]. Đỗ Tấn Khang, Đặng Thị Quyên, Trần Văn Bé Năm, Nguyễn Văn Lẹ & Trần Nhân Dũng (2020). Khảo sát trình tự ITS (internal transcribed spacer) của một số dòng nấm trong tự nhiên có giá trị cao. Tạp chí Di truyền và Ứng dụng, chuyên san Nấm và Công nghệ sinh học, ISSN: 0886-8566, 5-12. [13]. Lê Vĩnh Thúc & Ngô Thị Thanh Trúc (2013). Hướng phát triển trồng nấm rơm ở Đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và giải pháp. Diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp chuyên đề “Phát triển nghề trồng nấm hiệu quả” (Đồng Tháp, ngày 19 tháng 7 năm 2013), trang 117- 126. [14]. Võ Thành Danh (2020). Chuỗi giá trị nấm rơm ở Đồng bằng Sông Cửu Long. NXB Đại học Cần Thơ. [15]. Lê Vĩnh Thúc (2019). Báo cáo chuyên đề: “Quy trình trồng nấm rơm trong nhà với chi phí thấp” trong đề tài “Cải thiện chuỗi giá trị nấm rơm ở Đồng bằng Sông Cửu Long” 2017-2020. [16]. Nguyễn Hồng Huế, Lê Vĩnh Thúc, Trần Ngọc Hữu & Nguyễn Quốc Khương (2020). Hiệu quả bổ sung phân hữu cơ khoáng và phân trùn quế đến sinh trưởng và năng suất nấm rơm (Volvariella volvacea) trồng ngoài trời. Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 18(12), 1077-1083. [17]. Nguyễn Hửu Quí, Nguyễn Hồng Huế & Lê Vĩnh Thúc (2018). Khảo sát phương pháp xếp mô và liều lượng meo đến sinh trưởng và năng suất nấm rơm (Volvariella volvacea) trong điều 129
  12. Đỗ Tấn Khang và cs. kiện ngoài trời. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 54 (Số chuyên đề: Nông nghiệp), 98-105. [18]. Nguyễn Hồng Huế, Nguyễn Bùi Đăng Khoa, Nguyễn Quốc Khương & Lê Vĩnh Thúc (2019). Ảnh hưởng của liều lượng sodium acetate đến sinh trưởng và năng suất nấm rơm. Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam, 11(108), 130-135. [19]. Trần Nhân Dũng, Đỗ Tấn Khang, Trần Văn Bé Năm & Huỳnh Quốc Nhân (2020). Sổ tay Sản xuất meo nấm rơm. NXB Đại học Cần Thơ, 36 trang. [20]. Phạm Văn Đổng, Trần Vĩnh Khá & Trần Nhân Dũng (2019). Ảnh hưởng của các loại cơ chất lục bình, mùn cưa, bông vải, mụn dừa và vi khuẩn sợi đến sự sinh trưởng và phát triển nấm rơm (Volvariella volvacea). Tài liệu lưu hành bộ, Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học - Trường Đại học Cần Thơ. [21]. Phan Thị Phới, Nguyễn Thanh Tịnh, Trần Thị Xuân Lan, Trần Văn Bé Năm & Trần Nhân Dũng (2020). Khảo sát ảnh hưởng tỷ lệ rơm và phụ phẩm bồn bồn lên năng suất nấm rơm (Volvariella volvacea). Tạp chí Công Thương, 24, 45-50. [22]. Ahlawat, O. P., Singh, R. & Kumar, S. (2011). Evaluation of Volvariella volvacea strains for yield and diseases/insect-pests resistance using composted substrate of paddy straw and cotton mill wastes. Indian J. Microbiol., 51, 200-205. [23]. Ahlawat, O. P. & Kaur, H. (2020). Evaluation of hybrids and single spore isolates of paddy straw mushroom Volvariella volvacea (Bull.) Singer for fruiting body yield and nutritional quality. Journal of Environmental Biology, 41(4), 727-734. DOI:10.22438/jeb/41/4/MRN- 1255. [24]. Trần Thị Xuân Lan, Lê Thanh Quang, Trần Văn Bé Năm, Đỗ Tấn Khang & Trần Nhân Dũng (2020). Lai tạo chủng nấm rơm mới từ hai loại nấm rơm đen và nấm rơm trắng (Volvariella volvacea). Tạp chí Di truyền và Ứng dụng, chuyên san nấm và công nghệ sinh học, 4, 13-18. [25]. Shrestha, B., Zhang, W., Zhang, Y. & Liu, X. (2012). The medicinal fungus Cordyceps militaris: research and development. Mycological Progress, 11, 599-614. [26]. Trịnh Thị Xuân & Lê Anh Tuấn (2016). Nghiên cứu môi trường thích hợp cho sản xuất quả thể nấm dược liệu Cordyceps militaris (Clavicipitaceae: Hypocreales). Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, (CĐ Nông nghiệp 2016), 88-92. [27]. Nguyễn Tường Vi, Phạm Thị Thùy Dương & Trần Nhân Dũng (2019). Khảo sát sự ảnh hưởng của nguồn nitrogen, khoáng vi lượng đến sự hình thành quả thể và sinh tổng hợp polysaccharide của nấm Cordyceps militaris. Tạp chí Di truyền và Ứng dụng (chuyên san Nấm và Công nghệ sinh học), 1-7. [28]. Tăng Nguyễn Mai Trinh, Nguyễn Tường Vi & Trần Nhân Dũng (2019). Khảo sát ảnh hưởng của sữa tươi tiệt trùng không đường TH - true milk, loại ánh sáng đến sự sinh tổng hợp của nấm Cordyceps militaris. Tạp chí Di truyền và Ứng dụng (chuyên san Nấm và Công nghệ sinh học), 14-20. [29]. Suárez-Arroyo, I. J., Loperena-Alvarez, Y., Rosario-Acevedo, R., Martínez-Montemayor, M. M. (2017). Ganoderma spp.: A promising adjuvant treatment for breast cancer. Medicines (Basel), 4(1), 15. DOI: 10.3390/medicines 4010015. 130
  13. Nghiên cứu nấm lớn tại Trường Đại học Cần Thơ từ năm 2007-2022 [30]. Trần Nhân Dũng, Bùi Thị Mỹ Hương, Trần Văn Bé Năm và Đỗ Tấn Khang (2019). Khảo sát năng suất và chất lượng của nấm Linh chi (Ganoderma lucidum) trên bã mía và mạt cưa cao su có bổ sung dinh dưỡng. Tạp chí Di truyền và Ứng dụng (chuyên san Nấm và Công nghệ sinh học), 88-93. [31]. Hồ Thị Thu Ba, Trần Nhân Dũng, Trịnh Tam Kiệt, Trương Trần Thuận (2017). Kết quả nuôi trồng nấm Linh chi tầng Ganoderma applanatum phát hiện ở Tịnh Biên, An Giang. Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 102- 105. [32]. Hồ Thị Thu Ba (2019). Thu thập, tuyển chọn và nghiên cứu quy trình nuôi trồng hai loại nấm ăn và nấm dược liệu hoang dại ở vùng Thất Sơn, An Giang. Luận án Tiến sĩ Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ. [33]. Nguyễn Diễm My, Đỗ Tấn Khang, Nguyễn Phạm Anh Thi & Trần Nhân Dũng (2019). Khảo sát môi trường nuôi cấy nấm vân chi đỏ (Trametes sanguinea (L.) Imazeki). Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 55(2), 158-165. [34]. Trần Đức Tường, Võ Thị Thu Duyên, Dương Xuân Chữ & Bùi Thị Minh Diệu (2019). Hiệu quả của thay thế mùn cưa cây cao su bằng vỏ tràm trong nuôi trồng nấm vân chi đỏ (Pycnoporus sanguineus (L.: Fr.) Murrill). Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 55(2), 74-80. [35]. Trần Đức Tường, Dương Xuân Chữ & Bùi Thị Minh Diệu (2017). Hiệu quả thay thế mùn cưa cây cao su bằng cùi bắp để trồng nấm vân chi đỏ (Pycnoporus sanguineus). Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam, 12(85), 98-103. [36]. Trần Nhân Dũng, Phạm Bảo Đăng, Trần Gia Huy & Nguyễn Tường Vi (2019). Khảo sát hiệu suất ly trích polysaccharide từ nấm Linh chi (Ganoderma lucidum) bằng 5 loại dung môi khác nhau. Tạp chí Di truyền và Ứng dụng (Chuyên san Nấm và Công nghệ sinh học), 74-81. [37]. Chang, S. T. & Miles, P. G. (2004). Mushrooms, Cultivation, Nutritional value, Medical effect, and Environmental impact, CRC Press, 27-47. [38]. Ng’etich, O. K., Nyamangyoku, O. I., Rono, J. J., Niyokuri, A. N., Izamuhay, J. C. (2013). Relative performance of Oyster mushroom (Pleurotus florida) on agroindustrial and agricultural substrate. International journal of Agronomy and Plant Production, 4 (1), 109- 116. [39]. Dương Hoàng Tú, Châu Thị Chấp Ngãnh & Trần Nhân Dũng (2011). Sử dụng mùn cưa cao su, bã mía, và mụn dừa làm cơ chất nuôi trồng nấm bào ngư trắng (Pleurotus florida). Tài liệu lưu hành bộ, Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học - Trường Đại học Cần Thơ. [40]. Tăng Nguyễn Mai Trinh, Bùi Thị Minh Diệu & Trần Nhân Dũng (2019). Nghiên cứu thử nghiệm trồng nấm bào ngư trắng (Pleurotus florida) trên cơ chất vỏ trái thốt nốt. Tạp chí Di truyền và Ứng dụng (Chuyên san Nấm và Công nghệ sinh học), 101-106. [41]. Nguyễn Thị Bích Thùy, Ngô Xuân Nghiễn, Cồ Thị Thùy Vân & Trịnh Tam Kiệt (2009). Nghiên cứu sự mọc và hình thành quả thể nấm cốc lớn Clitocybe maxima (Gartn. Ex mey.: fr) Quel, Tạp chí Di truyền học và Ứng dụng, 5(2), 44 - 45. 131
  14. Đỗ Tấn Khang và cs. [42]. Kumla, J., Suwannarach, N., Jaiyasen, A., Bussaban, B. & Lumyong, S. (2013). Development of an edible wild strain of Thai oyster mushroom for economic mushroom production. Chiang Mai Journal of Science, 40(2), 161-172. [43]. Trần Thị Trúc, Đỗ Tấn Khang, Bùi Thị Minh Diệu & Trần Nhân Dũng (2019). Khảo sát ảnh hưởng nguồn dinh dưỡng đến sinh trưởng và phát triển của nấm Chân dài Panus giganteus (Berk.) Corner. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 55(2), 110-118. [44]. Nguyễn Hoàng Thạnh, Đỗ Tấn Khang, Nguyễn Tường Vi & Trần Nhân Dũng (2019). Nghiên cứu môi trường và giá thể phù hợp để sản xuất nấm Hoàng kim (Pleurotus citrinopileatus Singer). Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 55(2), 95-102. [45]. Aulakh, M. S., Khaera, T. S., Doran, J. W. & Bronson, K. F. (2001). Managing crop residue with green manure, urea and tillage in rice-wheat rotation. Soil Science Society of America Journal, 62, 820-827. [46]. Lu, W. J., Wang, H. T., Nie, Y. F., Wang, Z. C., Huang, D. E., Qiu, X. Y. & Chen, J.C. J. C. (2004). Effect of inoculating flower stalks and vegetable waste with ligno-cellulolytic microorganisms on the composting process. Journal of Environmental Science and Health, Part B, 39, 871-887. [47]. Nguyễn Thanh Tịnh, Phan Thị Phới, Trần Thị Xuân Lan, Trần Văn Bé Năm, Đỗ Tấn Khang & Trần Nhân Dũng (2020). Tuyển chọn vi khuẩn phân giải Lignocellulose để xử lý cơ chất trồng nấm rơm (Volvariella volvacea). Tạp chí Công Thương, 24, 93-98. [48]. Vetayasuporn, S. (2007). Using Cattails (Typha latifolia) as a Substrate for Pleurotus ostreatus (Fr.) Kummer Cultivation - SciAlert Responsive Version. Journal of Biological Sciences, 7, 218-221. [49]. Payapanon, A., Suthirawut, S., Shompoosang, S. & Tsuchiya, K. (2011). Increase in yield of the straw mushroom (Vovariella volvacea) by supplement with Paenibacillus and Bacillus to the compost. Journal Faculty of Agriculture Kyushu University 56(2), 249-254. DOI:10.5109/20317. [50]. Trần Văn Bé Năm, Lê Phạm Thị Tường Anh, Đỗ Tấn Khang & Trần Nhân Dũng (2019). Đánh giá hiệu quả vi sinh vật phân giải cellulose trong nuôi trồng nấm Linh chi (Ganoderma lucidum). Tạp chí Di truyền và Ứng dụng (Chuyên san Nấm và Công nghệ sinh học), 82-87. [51]. Nguyễn Thị Ngọc Nhi & Trần Nhân Dũng (2016). Phân lập giống nấm mối Termitomyces clypeatus. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 46b, 17-22. [52]. Hồ Thị Thu Ba, Trần Nhân Dũng & Trương Trần Thuận (2018). Khảo sát độc tính bán trường diễn của cao chiết từ nấm thượng hoàng (Phellinus sp.) hoang dại trên chuột nhắt trắng. Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam, 50-54. 132
  15. Nghiên cứu nấm lớn tại Trường Đại học Cần Thơ từ năm 2007-2022 ABSTRACT MACRO FUNGAL RESEARCH ACTIVITIES AT CAN THO UNIVERSITY FROM 2007 TO 2022 Do Tan Khang1, Le Vinh Thuc2, Tran Van Be Nam1, Tran Nhan Dung1* 1 Biotechnology Development and Research Institute, Can Tho University 2 College of Agriculture, Can Tho University *Email: tndung@ctu.edu.vn The macro fungal research activities at Can Tho University (CTU) are still quite young, compared to other mushroom research centers in Vietnam. Studying on identification of macro fungal varieties/species based on traditional morphological and molecular methods is the strength of CTU. The production technologies of common edible and medicinal mushrooms have been studied, in which paddy straw mushrooms are studied and developed economically. Particularly, the spawn production process of paddy straw mushroom, the process of producing paddy straw mushrooms in the house as well as in the field is very prominent, and at the same time, the production process of others species of mushrooms such as lingzi mushroom (Ganoderma lucidum), oyster mushrooms, Cordyceps militaris, big cup mushroom, Pycnoporus sanguineus, wood-ear mushrooms have been established and transferred to companies, farmers etc. Many substrates such as rice straw, rubber sawdust, bagasse, coco sawdust, cotton scraps, jaggery husk, cattails scraps, corn cobs, etc. have been studied, and they can be developed to cultivate mushroom. There are many new natural mushrooms discovered from That Son mountain area, An Giang province that have not been disseminated to people such as: snow mushroom (Tremella fuciformis), tough mushroom (Lentinus squarosolus), orange red silver ear mushroom (Tremella cinnabarina), melaleuca mushroom (Tylopilus felleus), thin orange lie mushroom (Pycnoporus sanguineus), buffalo skin reishi (Amauroderma subresinosum), royal Korea reishi mushroom (Ganoderma apllanatum), black reishi mushroom (Amauroderma niger), Phellenus sp. that need more focusing on research. Mushroom strains breeding, molecular research and advanced study on macro-mushroom pests and diseases will be implemented in the future. Keywords: Edible and medicinal mushrooms, straw mushroom economic efficiency, mushroom cultivation, technology transfer, molecular identification. 133
  16. 134
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2