Nghiên cứu tác động của giám sát nông sản nhập khẩu vào liên minh Châu Âu đến doanh nghiệp của Việt Nam
lượt xem 2
download
Bài viết đưa ra một số kiến nghị giúp các doanh nghiệp khắc phục được những hạn chế còn tồn tại, từng bước nâng cao chất lượng và quy trình sản xuất sản phẩm để từng bước thâm nhập thị trường liên minh châu Âu - vốn được coi là thị trường tiềm năng nhưng khó tính với hàng loạt các tiêu chuẩn khắt khe cho sản phẩm nông sản.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Nghiên cứu tác động của giám sát nông sản nhập khẩu vào liên minh Châu Âu đến doanh nghiệp của Việt Nam
- NGHIÊN CỨU TÁC ĐỘNG CỦA GIÁM SÁT NÔNG SẢN NHẬP KHẨU VÀO LIÊN MINH CHÂU ÂU ĐẾN DOANH NGHIỆP CỦA VIỆT NAM THE IMPACT OF EUROPEAN UNION MONITORING ON AGRICULTURAL PRODUCTS IMPORTED: CASE STUDY VIETNAMESE ENTERPRISES TS. Phạm Văn Kiệm ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Trang Trường Đại học Thương mại Tóm tắt Trong những năm gần đây, tình trạng từ chối và giám sát sản phẩm nông sản nhập khẩu vào liên minh châu Âu của Việt Nam đã gây ra những tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở nước ta. Một số doanh nghiệp nhỏ đã phải rút lui khỏi thị trường này, nhường cơ hội tham gia cho các doanh nghiệp mới và cơ hội tăng giá trị xuất khẩu cho các doanh nghiệp có tiềm năng và kinh nghiệm hơn. Không những thế, uy tín của doanh nghiệp nói riêng và của cả ngành xuất khẩu nông sản Việt nói chung cũng bị ảnh hưởng khiến khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản bị giảm sút trên thị trường quốc tế. Không chỉ phân tích những tác động của rủi ro này gây ra đối với hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thông qua phân tích định tính, bài viết còn đưa ra một số kiến nghị giúp các doanh nghiệp khắc phục được những hạn chế còn tồn tại, từng bước nâng cao chất lượng và quy trình sản xuất sản phẩm để từng bước thâm nhập thị trường liên minh châu Âu - vốn được coi là thị trường tiềm năng nhưng khó tính với hàng loạt các tiêu chuẩn khắt khe cho sản phẩm nông sản. Từ khóa: giám sát nông sản; nhập khẩu, nông sản nhập khẩu, từ chối nhập khẩu, liên minh châu Âu Abstract In recent years, the refusal and supervision of agricultural products imported into the European Union of Vietnam has caused significant impacts on agricultural export enterprises in our country. A small entreprise have had to withdraw from this market, giving the opportunity to participate to new businesses and the opportunity to increase export value for businesses with more potential and experience. Not only that, the reputation of enterprises in particular and the export of Vietnamese agricultural products in general are also affected, making the competitiveness of agricultural products decreased in the international market. Not only analyzing the impact of this risk on the activities of agricultural exporters through qualitative analysis, the article also provides a number of recommendations to help businesses overcome the drought. The company still exists, gradually improving the quality and product manufacturing process to gradually penetrate the European Union market - which is considered a potential but difficult market with a series of strict standards for agricultural products. Keywords: monitoring of agricultural products; import, import agricultural products, refuse to import, European Union 205
- 1. Sự cần thiết của nghiên cứu Liên minh châu Âu (EU) hiện là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trên lĩnh vực thương mại và đầu tư, đồng thời cũng là một trong những thị trường chính của nông sản nước ta. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2018 Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 27 thế giới về quy mô, sản phẩm. Riêng lĩnh vực nông thủy sản, Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới, tính riêng 10 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 4,3 tỷ USD nông sản vào thị trường châu Âu, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước đó. Bên cạnh đó, châu Âu là thị trường phát triển và khó tính với một loạt các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, nhất là nông sản để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Chính vì thế, mặc dù Việt Nam đã thiết lập quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 10/1990 và đây là thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu (chiếm tới 50% nhập khẩu rau quả của thế giới) nhưng lượng rau quả nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này lại chiếm tỷ trọng không đáng kể, chưa đến 1% (theo số liệu từ Cục Xúc tiến Thương mại). Đó là vì trong những năm gần đây, nông sản Việt Nam nhận được một loạt cảnh báo về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm từ EU. Có thể kể đến một số trường hợp điển hình như: giữa năm 2011 có 50/60 doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam có hiện tượng rau quả bị nhiễm sâu đục quả, sâu đục lá; tháng 3/2012 có hai sản phẩm rau xanh nhập khẩu từ nước ta có sâu đục lá; trong năm 2014, trong ba chuyến hàng nhập khẩu rau quả từ Việt Nam có vi khuẩn gây hại sức khỏe cho con người trên cây húng quế và mướp đắng; năm 2016, liên minh châu Âu phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép trên các sản phẩm nông sản của Việt Nam; và gần đây nhất là tháng 5/2019, hệ thống cảnh báo nhanh của liên minh châu Âu thông báo có 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập khẩu vào liên minh châu Âu do chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Kết quả là, trong năm 2019 vừa qua, xuất khẩu nông sản của Việt nam sang thị trường này chiếm 11,4% thị phần, giảm 5,3% so với năm 2018 (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đồng thời, EU tăng cường giám sát kiểm tra các sản phẩm nông sản Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này. Điều này gây ra những tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này. Không những thế, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có rất ít các tài liệu nghiên cứu về tác động của giám sát sản phẩm nông sản, đặc biệt là những tác động ở cấp độ doanh nghiệp. Điều này khiến Chính phủ các quốc gia có sản phẩm nông sản xuất khẩu sang liên minh châu Âu khó nắm được tình hình chung của doanh nghiệp và tình hình xuất khẩu nông sản trong nước; Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc ứng phó với thực trạng các lô hàng xuất khẩu sang EU bị từ chối. Xuất phát từ thực tế trên, tác giả lựa chọn nghiên cứu bài viết “Nghiên cứu tác động của giám sát nông sản nhập khẩu vào liên minh Châu Âu đến các doanh nghiệp của Việt Nam”. Dựa trên tình hình thực tế xuất khẩu nông sản với các tình huống bị từ chối nhập khẩu sang thị trường các nước liên minh châu Âu của các doanh nghiệp trong nước, tác giả chỉ ra những tác động của giám sát sản phẩm nông sản nhập khẩu vào EU. Từ đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị giải pháp giúp doanh nghiệp xuất khẩu trong nước tháo gỡ được những khó khăn, đạt được hiệu quả xuất khẩu bền vững. 206
- 2. Cơ sở lý luận Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh EU (EVFTA) chính thức được ký kết vào ngày 30/6/2019 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản vào thị trường đầy tiềm năng nhưng khó tính này. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi EVFTA có hiệu lực, một loạt các nông sản như cà phê, rau quả, hạt tiêu, gạo, mật ong tự nhiên,... sẽ được hưởng ngay mức thuế suất 0%. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường các nước liên minh châu Âu vẫn khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định và phải đối mặt với một loạt các thủ tục khác. Bên cạnh đó, các biện pháp phi thuế quan sẽ là rào cản đáng kể vì chúng có khả năng làm tăng thêm chi phí xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng nông sản do các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh và kiểm dịch thực vật. Nhìn chung, các nước xuất khẩu nông sản sang thị trường EU thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt do các vấn đề về truy xuất nguồn gốc, bảo quản, hay không có các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm (Essaji, 2008). Trong khi đó EU là thị trường có nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với nông sản nhập khẩu hơn các quốc gia khác. Chính vì thế, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu không thể đáp ứng các điều kiện này, việc giám sát các sản phẩm sẽ được thực thi, nhất là đối với các sản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, như nông sản và thủy sản (Baylis, Nogueira & Pace, 2011), dẫn đến việc bị từ chối nhập khẩu - đây là rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt. Trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến lệnh cấm hoàn toàn đối với một sản phẩm từ một nguồn gốc cụ thể. Sự từ chối nhập khẩu là do phương thức sản xuất và/ hoặc điều kiện khí hậu ảnh hưởng đến một quốc gia nhất định. Điều này tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Thứ nhất, tác động đến biên độ mở rộng của hoạt động xuất khẩu, hay nói cách khác là sự rút lui của các doanh nghiệp xuất khẩu khỏi thị trường châu Âu sau khi bị nước này từ chối nhập khẩu hoặc thực hiện giám sát sản phẩm nông sản. Theo Beestermoeller, M. (2017), việc bị từ chối hoặc tăng tỷ lệ giám sát sản phẩm nhiều lần sẽ làm tăng tỷ lệ rút lui khỏi thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Lý do được học giả này đưa ra là vì sau khi bị từ chối hoặc bị tăng tỷ lệ giám sát, các doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản lỗ từ lô hàng bị trả về và đợt xuất khẩu sang EU tiếp theo sẽ tốn thêm nhiều chi phí xuất khẩu hơn để đáp ứng được các điều kiện mà thị trường nhập khẩu mong muốn. Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Chính vì thế, các công ty nhỏ có xu hướng rút lui khỏi thị trường khó tính để chuyển sang nhưng thị trường dễ tính hơn. Tuy nhiên, Baylis, Nogueira & Pace (2009) lại chỉ ra rằng sự từ chối nhập khẩu nông sản từ thị trường EU có xu hướng ủng hộ sự gia nhập của các công ty mới trong lĩnh vực xuất khẩu, và sự gia nhập của các doanh nghiệp nhỏ lớn hơn các doanh nghiệp có quy mô lớn và trung bình. Nếu xét về mức độ dễ dàng hòa nhập đối với hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu, các doanh nghiệp lớn lại đạt được lợi thế hơn các doanh nghiệp nhỏ. Đây cũng là điều dễ hiểu vì các doanh nghiệp lớn được đầu tư bài bản về trang thiết bị, quy trình sản xuất, tập trung nguồn nhân lực có kinh nghiệm và chuyên môn cao nên dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trong nhập khẩu nông sản của thị trường châu Âu. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bị từ chối hoặc giám sát nhập khẩu trong quá khứ tác 207
- động lớn đến sự rút lui khỏi thị trường chứ không phải sự gia nhập thị trường của các công ty mới. Đó là vì các công ty mới coi đây là cơ hội và thử thách đối với họ trường thị trường EU khó tính nhưng cũng đầy tiềm năng. Hơn nữa, đối với nhiều doanh nghiệp, đạt được thành công trong việc xuất khẩu vào thị trường các nước liên minh châu Âu giúp họ dễ dàng thâm nhập các thị trường khác trên toàn thế giới. Như vậy, có thể thấy rủi ro bị từ chối và giám sát sản phảm nông sản nhập khẩu vào EU làm tăng sự đa dạng hóa nhập khẩu của liên minh châu Âu ở biên độ rộng lớn (Jaud et al., 2013). Hay nói cách khác, sự từ chối và giám sát sản phẩm vừa làm tăng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu rút lui khỏi thị trường, vừa làm tăng lượng doanh nghiệp gia nhập mới, trong đó sự thay đổi này thấy rõ ràng và mạnh mẽ hơn ở các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Thứ hai, tác động đến biên độ sâu của hoạt động xuất khẩu: theo Falvey (1989), sự từ chối và giám sát sản phẩm nông sản xuất khẩu sang EU có tác động đến giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Nghiên cứu cũng đưa ra ba điểm chính: (1) các công ty xuất khẩu lớn có xu hướng tiếp tục tồn tại và tăng số lượng và giá trị xuất khẩu của họ sang thị trường này. Nguyên nhân của việc này là các doanh nghiệp đã rút được kinh nghiệm cho mình trong quá trình sản xuất và xuất khẩu. Họ đã thay đổi dây chuyền sản xuất, thắt chặt khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm, đầu tư vào bao bì đóng gói và vận chuyển,... để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu. (2) các công ty xuất khẩu đã từng bị từ chối hoặc giám sát sản phẩm nông sản xuất khẩu có xu hướng giảm bớt giá trị xuất khẩu của họ sang thị trường châu Âu. Và (3) các công ty lớn đang hoạt động có xu hướng tăng xuất khẩu sang thị trường châu Âu trong năm sau khi bị từ chối hoặc áp dụng giám sát sản phẩm. Đó là bởi các công ty này được hưởng lợi từ các doanh nghiệp nhỏ đã rút lui khỏi thị trường sau khi bị từ chối nhập khẩu sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, các công ty lớn sẽ giảm bớt sản lượng nông sản xuất khẩu sang châu Âu do sự từ chối hoặc giám sát sản phẩm trong quá khứ làm tăng giá sản phẩm, khiến các đơn vị này phải đối mặt với chi phí cao hơn để đáp ứng được các tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường. Thứ ba, tác động đến uy tín và danh tiếng của hoạt động xuất khẩu: nghiên cứu của Shapiro (1983) chỉ ra rằng, sự từ chối hoặc thực hiện giám sát sản phẩm nông sản nhập khẩu vào EU của một quốc gia ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thuộc quốc gia đó. Sự từ chối nhập khẩu vào EU cho một loại sản phẩm nhất định làm tăng xác suất kiểm soát bổ sung đối với các sản phẩm tương tự có nguồn gốc từ quốc gia đó. Trong khi, uy tín của các nhà cung cấp thuộc quốc gia đó không bị tổn hại bởi sự từ chối hay giám sát sản phẩm đối với các sản phẩm tương tự nhưng có nguồn gốc từ quốc gia khác. Chẳng hạn, xuất khẩu của Việt Nam đối với quả thanh long bị giảm khi bị EU từ chối nhập khẩu nhưng uy tín của các doanh nghiệp Việt không bị ảnh hưởng bởi sự từ chối của EU đối với các sản phẩm tương tự có nguồn gốc từ các quốc gia khác. Trong trường hợp một mặt hàng nông sản bị từ chối nhiều lần, tỷ lệ giám sát sẽ tăng lên, ở mức cao nhất, doanh nghiệp đó sẽ bị cấm xuất khẩu mặt hàng đó. Điều này ảnh hưởng đến danh tiếng của doanh nghiệp đó nói riêng và uy tín xuất khẩu của quốc gia đó nói chung. Các doanh nghiệp luôn nỗ lực hết sức để tránh rơi vào trường hợp rủi ro cao nhất này. 208
- Thứ tư, sự tác động này là khác nhau đối với các loại hình doanh nghiệp khác nhau, bao gồm doanh nghiệp có vốn nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Beestermoeller, M. (2017) đã chỉ ra ba loại hình doanh nghiệp này kết hợp với những trải nghiệm trong quá khứ của họ với những lần bị từ chối hoặc giám sát sản phẩm nông sản nhập khẩu vào châu Âu. Tác giả chỉ ra rằng tất cả các doanh nghiệp đều chịu những tác động tiêu cực từ sự từ chối và hoạt động giám sát sản phẩm, nhưng tác động tiêu cực mạnh hơn đối với các doanh nghiệp nhà nước và thấp hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân. Lý do được đề cập là vì các doanh nghiệp tư nhân được tự chủ về mặt tài chính, các quyết định đưa ra trong việc thay đổi hướng sản xuất, thay đổi thị trường mục tiêu cũng linh hoạt và nhanh gọn hơn, giảm thiểu những rủi ro khi bị EU từ chối nhập khẩu nông sản hơn các doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu của Baylis, Nogueira & Pace (2009) xem các doanh nghiệp xuất khẩu có rút ra được kinh nghiệm gì khi bị từ chối hay giám sát nhập khẩu hay không và liệu những sự từ chối hay giám sát này có đưa đến những lo ngại về kinh tế chính trị hay không, các học giả này chỉ ra rằng các doanh nghiệp xuất khẩu mới ít bị ảnh hưởng hơn so với những doanh nghiệp xuất khẩu đã từng bị từ chối hay thực hiện giám sát sản phẩm xuất khẩu trước đó. Những ảnh hưởng về kinh tế khi bị từ chối nhập khẩu hoặc tăng tỷ lệ giám sát sản phẩm nhập khẩu là điều chắc chắn. Thông thường, một lô hàng nông sản sau khi kiểm tra không đủ điều kiện để nhập khẩu vào liên minh châu Âu do các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, truy xuất nguồn gốc, dán nhãn,... Đặc biệt liên minh châu Âu còn có thêm các tiêu chuẩn về công bằng và bền vững. Theo đó, các đơn vị mua hàng liên minh châu Âu sẽ ưu tiên các sản phẩm được chứng nhận thương mại công bằng, bao gồm các vấn đề liên quan đến đạo đức, môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp xuất khẩu, trách nhiệm nguồn cung ứng,...Nếu không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản và nâng cao này, liên minh châu Âu sẽ trả lô hàng về nơi sản xuất và doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn các chi phí phát sinh. Không những thế, doanh nghiệp sẽ cần đầu tư và thay đổi quy trình sản xuất của mình để tránh những rủi ro tương tự cho lần xuất khẩu kế tiếp. Nếu tình trạng bị từ chối và tỷ lệ giám sát sản phẩm nông sản diễn ra liên tiếp và tăng cao, việc bị cấm xuất khẩu một sản phẩm cụ thể hoặc dừng hoạt động xuất khẩu sang thị trường liên minh châu Âu là có thể xảy ra. Khi có không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu cá nhân mà còn cả hệ thống xuất khẩu của cả quốc gia. Chính vì thế, các doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng đều rất thận trọng với các lô hàng xuất khẩu sangliên minh châu Âu bị trả về để có phương án giải quyết phù hợp và hiệu quả. 3. Phương pháp nghiên cứu Dữ liệu cơ sở của nghiên cứu của bài viết này là tìm kiếm và tổng hợp các số liệu, thông tin từ các nguồn đáng tin cậy từ các công trình nghiên cứu đã công bố của các tác giả trong và ngoài nước; sách báo, tạp chí, báo cáo, các ấn phẩm về xuất khẩu nói chung và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu nói riêng; các tin tức và số liệu thống kê từ hoạt động xuất khẩu của nước ta sang thị trường châu Âu, các trường hợp bị từ chối và thực thi giám sát sản phẩm nông sản từ các nguồn đáng tin cậy như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thống kê, Bộ xúc tiến thương mại,... Đây là những thông tin được cập nhật mang tính khách quan về tình hình xuất khẩu 209
- nông sản của Việt Nam sang thị trường liên minh châu Âu, nhất là các trường hợp nông sản bị từ chối nhập khẩu vào thị trường này, tỷ lệ giám sát đối với một số loại nông sản và nguyên nhân của thực trạng. Bên cạnh đó, để tăng hiểu rõ hơn những tác động của giám sát sản phẩm nông sản nhập khẩu vào thị trường liên minh châu Âu, tác giả còn tiến hành thu thập dữ liệu thông qua phỏng vấn các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực xuất khẩu, nhất là đối với thị trường liên minh châu Âu; các chủ doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản. Trong đó, khi phỏng vấn các chủ doanh nghiệp, tác giả chú trọng vào những trường hợp doanh nghiệp có lô hàng xuất khẩu nông sản bị từ chối hoặc tăng cường giám sát để tìm hiểu nguyên nhân, tác động của rủi ro này đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như cách thức doanh nghiệp đối phó với những rủi ro đó. Để tiến hành phỏng vấn, tác giả lên danh sách các đối tượng phỏng vấn, lên lịch phỏng vấn (thời gian, địa điểm), chuẩn bị danh sách câu hỏi và tiến hành phỏng vấn. Sau khi thu thập được các thông tin và số liệu từ nguồn thứ cấp và sơ cấp trên đây, tác giả tiến hành chọn lọc và phân loại thông tin theo các mục khác nhau (thực trạng xuất khẩu nông sản, các thông tin về lô hàng nông sản xuất sang liên minh châu Âu bị trả về, các trường hợp bị giám sát sản phẩm, tác động của thực trạng này đến hoạt động của doanh nghiệp, cách thức đối phó của doanh nghiệp,...). Sau khi chọn lọc và phân loại, tác giả loại bỏ được những thông tin không rõ nguồn gốc, không rõ ràng hoặc không đáng tin cậy. Những thông tin được giữ lại được sử dụng để phân tích những tác động của giám sát sản phẩm nông sản nhập khẩu vào liên minh châu Âu của các doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, tác giả có thể đưa ra những ý kiến đề xuất giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt đạt được thành công trong hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường nghiêm ngặt này. 4. Kết quả nghiên cứu Về biên độ mở rộng của hoạt động xuất khẩu: Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2019, cả nước có 12.58 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông nghiệp thuộc nhiều thị trường khác nhau. Hàng năm có khoảng 2.000 doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực này cho thấy hoạt động xuất khẩu đang vô cùng sôi nổi ở một nước có thế mạnh về nông nghiệp như Việt Nam. Nhận xét về thị trường liên minh châu Âu, một số chuyên gia cho rằng đây là thị trường có nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nguồn gốc nông sản. Chẳng hạn, với sản phẩm gạo, hạt điều, hồ tiêu, cà phê, giá trị nguyên vật liệu đầu vào không được vượt quá 70% giá trị xuất xưởng. Ngoài ra, nhà cung cấp các sản phẩm này phải chứng minh được công đoạn sản xuất được thực hiện ở Việt Nam. Còn đối với các sản phẩm xuất khẩu là rau quả, các tiêu chuẩn về chất độc hại, dư lượng kháng sinh, thuốc trừ sâu,... phải tuân thủ những tiêu chuẩn do liên minh châu Âu đề ra. Không những thế, các quy định, tiêu chuẩn về hàng nông sản nhập khẩu vào thị trường này liên tục thay đổi. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tháng 1/2019 vừa qua, EU vừa thay đổi phụ lục II, III và IV trong Quy định số 396/2005 liên quan đến các quy định dư lượng tối đa một số loại hóa chất trên một số thực phẩm và rau quả. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp nếu không chú ý và cập nhật kịp thời các thông tin này dẫn đến việc các sản phẩm nông sản bị từ chối nhập khẩu khi không đáp ứng được các yêu cầu trên. Kết quả phỏng vấn một doanh nghiệp 210
- huyên xuất khẩu hạt điều rang muối, doanh nghiệp này đã từng xuất khẩu sang thị trường liên minh châu Âu nhưng bị từ chối lô hàng do không đủ các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì thế, doanh nghiệp đã chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường dễ tính hơn. Hiện rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có quy mô nhỏ như vậy cũng đã chuyển hướng sang thị trường khác do không bù được khoản lỗ hàng bị trả về. Ngoài ra, họ cũng không thể chi trả thêm cho các chi phí hồ sơ giấy tờ chứng nhận mà EU đưa ra bởi điều này sẽ khiến chi phí xuất khẩu bị đội lên, khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của Beestermoeller, M. (2017) khi cho rằng các công ty xuất khẩu nông sản có quy mô nhỏ sau khi bị từ chối nhập khẩu vào thị trường liên minh châu Âu có xu hướng rút lui khỏi thị trường này và chuyển sang các nước có quy định nhập khẩu dễ dàng hơn. Ngoài ra, ý kiến một số chuyên gia cũng cho ra rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ không mấy mặn mà với thị trường liên minh châu Âu vì ngại những rào cản đến từ pháp lý và thị trường. Hơn nữa, các doanh nghiệp này cho rằng thị trường liên minh châu Âu với khoảng cách địa lý xa xôi, có sự khác biệt lớn về văn hóa nên sẽ tốn nhiều chi phí cho hoạt động tiếp cận và thâm nhập thị trường. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp về lâu dài. Chính vì thế, dù châu Âu là một thị trường đầy tiềm năng nhưng do có trải nghiệm bị từ chối và giám sát nông sản nhập khẩu, hoặc do lo ngại rủi ro này mà nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ sẵn sàng rút lui để tìm kiếm thị trường xuất khẩu phù hợp hơn với điều kiện thực tế của đơn vị mình. Đồng thời với sự rút lui của các công ty nhỏ, hàng loạt công ty mới cũng được thành lập và gia nhập hoạt động xuất khẩu sang thị trường liên minh châu Âu hàng năm. Tiêu biểu là Công ty Cổ phần Visimex - một công ty quy mô vừa chuyên xuất khẩu hàng hóa nông sản hữu cơ như quế, hồi, hạt tiêu, cà phê, hạt điều, thảo quả,... trong thời gian gần đây đã bắt đầu có những lô hàng xuất khẩu đầu tiên sang thị trường liên minh châu Âu. Các doanh nghiệp cho biết thị trường liên minh châu Âu là một thử thách lớn đối với nhiều công ty bởi phải vượt qua hàng loạt những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp với bề dày kinh nghiệm xuất khẩu đã đạt được nhiều chứng chỉ cho hàng nông sản và thực phẩm như FDA, Halal, Kosher,... để chinh phục được thị trường khó tính này. Có thể thấy hàng loạt lô hàng nông sản Việt xuất khẩu sang liên minh châu Âu bị từ chối hoặc bị giám sát sản phẩm là bài học kinh nghiệm quý báu cho các công ty gia nhập sau. Bởi một khi đã đạt được thành công trong việc xuất khẩu vào thị trường liên minh châu Âu, công ty sẽ dễ dàng thâm nhập được nhiều thị trường khác trên toàn thế giới. Như vậy, có thể thấy việc bị từ chối hay áp đặt lệnh giám sát lên các sản phẩm xuất khẩu không ảnh hưởng đến sự gia nhập của các công ty mới trong lĩnh vực này. Trong đó, các doanh nghiệp có quy mô từ vừa trở lên cảm thấy tự tin hơn với thị trường này. Điều này một lần nữa minh chứng cho nghiên cứu của Baylis, Nogueira & Pace (2009). Về biên độ sâu của hoạt động xuất khẩu: chắc chắn việc bị từ chối hoặc bị áp đặt giám sát sản phẩm nông sản nhập khẩu vào liên minh châu Âu sẽ tác động tiêu cực đến cả doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt lẫn ngành xuất khẩu nông sản của nước ta. Đối với doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn nhất chính là lợi nhuận. Ngoài việc chịu hoàn toàn tổn thất 211
- phát sinh do việc trả lại lô hàng xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ phải bỏ vốn đầu tư vào dây chuyền sản xuất và chế biến sản phẩm để đáp ứng được những điều kiện nhập khẩu của thị trường liên minh châu Âu. Điều này dẫn đến nâng cao giá thành sản phẩm, khó có khả năng cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp khác. Trong khi đó, để cạnh tranh được, doanh nghiệp bắt buộc phải hạ giá bán xuống mức thấp nhất mà điều này khiến cho lợi nhuận thu về không cao. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp, nhất là danh nghiệp nhỏ, ít kinh nghiệm, nếu vẫn muốn bám trụ ở thị trường này sẽ giảm bớt giá trị xuất khẩu sang EU. Điều này là phù hợp, kết quả nghiên cứu một công ty có quy mô nhỏ chuyên xuất khẩu hàng nông sản như hạt điều, ớt, thanh long cho thấy giảm giá trị xuất khẩu sẽ bớt đi phần nào chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là trong trường hợp lô hàng vẫn chưa được nhập khẩu vào châu Âu. Cụ thể, công ty sau một lần bị từ chối nhập khẩu đã đầu tư thay đổi quy trình sản xuất để đáp ứng những tiêu chuẩn mà EU đề ra, đồng thời giảm giá trị xuất khẩu xuống còn 50% so với lần xuất khẩu ban đầu để thăm dò thị trường. Nếu lô hàng mới được nhập khẩu vào EU, công ty sẽ đẩy mạnh sản xuất theo hướng này và tăng giá trị xuất khẩu lên vào những lần tiếp theo. Còn đối với công ty có quy mô vừa đã có trên 5 năm kinh nghiệm xuất khẩu và trên 3 năm xuất khẩu sang thị trường châu Âu các mặt hàng nông sản, công ty chưa từng bị từ chối bất cứ lô hàng nào xuất khẩu sang châu Âu nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, bao bì đóng gói. Kết quả cho thấy nhờ sự rút lui của nhiều doanh nghiệp nhỏ ở thị trường này mà công ty càng có cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu. Đối với các công ty đã có kinh nghiệm, các tiêu chuẩn mà thị trường liên minh châu Âu đề ra không còn là khó khăn lớn bởi các sản phẩm nông sản đã có đầy đủ chứng nhận như Global Gap, HACCP, bảo hộ sở hữu trí tuệ, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Chính vì thế, sự rút lui của các doanh nghiệp nhỏ sau khi xuất khẩu thất bại vào EU là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đang hoạt động ở thị trường này trong việc mở rộng sản xuất, nâng cao khối lượng và chủng loại xuất khẩu. Kết quả phát hiện này hoàn toàn phù hợp với kết quả nghiên cứu của Falvey (1989) khi cho rằng sự từ chối và áp đặt giám sát sản phẩm nông sản xuất khẩu vào liên minh châu Âu khiến các doanh nghiệp nhỏ giảm giá trị xuất khẩu còn các doanh nghiệp lớn sẽ gia tăng thêm cơ hội mở rộng quy mô xuất khẩu của mình sang thị trường này. Về uy tín và danh tiếng của hoạt động xuất khẩu: Khi được hỏi về tác động của việc bị từ chối và giám sát sản phẩm nhập khẩu vàoliên minh châu Âu đến các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp đều nhận định, những rủi ro này đã xảy ra nhiều lần đối với nông sản Việt Nam. Một loạt các trường hợp bị trả về như: hơn 500 container của gạo thơm Việt Nam bị trả về năm 2013 do không đạt tiêu chuẩn chất lượng; 17 lô hàng thanh long bị từ chối nhập khẩu vào EU trong năm 2015 vì có dư lượng các thuốc bảo vệ thực vật vượt quá quy định; từ năm 2016, EU tăng tần xuất giám sát thanh long Việt nam lên 20%, một số mặt hàng rau gia vị có tần xuất kiểm tra là 50%; trong 5 tháng đầu năm 2019, có 17 lô hàng, trong đó có 8 lô hàng nông sản của nước ta bi từ chối hoặc giám sát nhập khẩu vàoliên minh châu Âu. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này nhưng chủ yếu là từ khâu sơ chế, chế biến và sản xuất. Điều này, theo các doanh nghiệp không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành nông 212
- sản Việt. Thực tế như công ty Agricare cũng đã từng có những lô hàng bị trả về từ liên minh châu Âu do mắc phải lỗi trong khâu sơ chế, chế biến. Công ty này đã phải mất nhiều năm sau mới có thể lấy lại được uy tín của mình ở thị trường châu Âu, chưa kể những tổn thất về tài chính. Hiện Việt Nam đứng đầu danh sách các nước bị liên minh châu Âu từ chối nhập khẩu (tiếp đến là Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan - thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam). Cho đến thời điểm hiện tại, vấn đề lớn nhất của nông sản Việt xuất sang EU là dư lượng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vi khuẩn gây bệnh, kim loại nặng,...Nguyên nhân là do Việt Nam chỉ chú trọng kiểm tra sản phẩm cuối cùng chứ không kiểm tra từng công đoạn sản xuất. Ngoài những yêu cầu khắt khe, các quy định này còn liên tục cập nhật và thay đổi khiến nhiều nông sản nước ta không đáp ứng kịp thời, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nói riêng và khối lượng cùng kim ngạch xuất khẩu cả nước nói chung. Quan ngại hơn, nông sản Việt vì những lần bị từ chối và giám sát này mà giảm tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Kết quả nghiên cứu trên đây trùng với kết quả nghiên cứu của Shapiro khi chỉ ra rằng sự từ chối hoặc thực hiện giám sát sản phẩm nhập khẩu vào EU sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và quốc gia đó. Đây là sự thật hiển nhiên bởi khi bị từ chối nhiều lần, EU sẽ ban lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm đó, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nông sản nói chung của doanh nghiệp và Việt Nam, cũng như danh tiếng nông sản Việt ở nhiều thị trường khác. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, các nước, dù trước đây là một thị trường dễ tính, nhưng cũng đang dần xiết chặt các quy định nhập khẩu để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Về mức độ tác động đối với từng loại hình doanh nghiệp: Có thể khẳng định rằng tất cả các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt nhà nước, nước ngoài hay tư nhân, đều chịu những tác động nhất định do lệnh từ chối nhập khẩu hoặc tăng tỷ lệ giám sát. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứ thì các doanh nghiệp tư nhân sẽ chịu tác động lớn hơn các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài. Lý do là vì các doanh nghiệp tư nhân nước ta phần lớn là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nên khi bị từ chối hoặc áp đặt giám sát sản phẩm, lợi nhuận và uy tín của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp, như trên đã phân tích, buộc phải rút lui khỏi thị trường để chuyển sang các nước nhập khẩu với điều kiện dễ dàng hơn. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước là các đơn vị có quy mô lớn, với nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu nên nếu có gặp phải những rủi ro trên cũng nhanh chóng lấy lại được vị thế nhờ đầu tư bài bản hơn và kiểm tra gắt gao hơn tại các khâu chế biến sản phẩm. Hơn nữa, các doanh nghiệp nhà nước có nhiều cơ hội tiếp cận với các thông tin chính thống từ thị trường nhập khẩu nên kịp thời nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của nhà nhập khẩu. Tác động của việc bị từ chối hoặc giám sát sản phẩm là ít nhất đối với các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Bởi lẽ các loại hình doanh nghiệp này có quy mô vừa đến lớn, được đầu tư bài bản về trang thiết bị, quy trình sản xuất cũng như nguồn nhân lực nên dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường khó tính. Kết quả nghiên cứu cho thấy phần nào khác với kết quả nghiên cứu mà Beestermoeller, M. (2017) đã chỉ ra khi cho rằng các doanh nghiệp nhà nước bị ảnh hưởng 213
- nhiều nhất, kế đến là các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài và bị ảnh hưởng ít nhất là các doanh nghiệp tư nhân. Nguyên nhân của sự khác biệt này là do ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước và liên doanh là hai loại hình được đầu tư tương đối bài bản, có cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin sớm nhất nên chủ động trong việc sản xuất hàng nông sản xuất khẩu. Còn các doanh nghiệp tư nhân với quy mô vừa và nhỏ còn gặp rất nhiều hạn chế về vốn, trang thiết bị, hạn chế trong việc tiếp cận các thông tin từ thị trường nước ngoài. Chính vì thế, các doanh nghiệp này vẫn ở thế bị động khi xuất khẩu nông sản sang các thị trường khác, đặc biệt là thị trường khó tính như EU. 5. Đề xuất khuyến nghị đối với các doanh nghiệp Việt Nam Xuất phát từ thực tế nguyên nhân của các lô hàng xuất khẩu nông sản bị liên minh châu Âu từ chối nhập khẩu hoặc áp dụng giám sát sản phẩm, tác giả đưa ra một số giải pháp, khuyến nghị giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt khắc phục được tình trạng này như sau: Thứ nhất, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhỏ của Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường kiểm soát quy trình chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm một cách chặt chẽ, kiên quyết loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phối hợp với các hợp tác xã tại các tỉnh thành để cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu đạt theo các tiêu chuẩn như Global Gap, HACCP, bảo hộ sở hữu trí tuệ, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Điều này không chỉ giúp ích cho việc xác định nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rõ ràng mà còn giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu đầu vào nhằm giảm những tác động từ biên độ của việc mở rộng hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp . Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam cần có hệ thống cảnh báo nhanh của EU đối với chất lượng hàng nông sản. Không những thế, cần trau dồi, tìm hiểu các kiến thức về các rào cản thương mại, các biện pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm mà EU đang áp dụng lên các sản phẩm nông sản của Việt Nam, đặc biệt là các yêu cầu về vệ sinh thực phẩm, quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất, quy định về dán nhãn,... và thay đổi tư duy, tăng trách nhiệm tuân thủ môi trường, trách nhiệm xã hội. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động đáp ứng những nhu cầu của thị trường này để nâng cao uy tín và danh tiếng của hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Thứ ba, doanh nghiệp cần xác định rõ lợi thế, điều kiện năng lực thực tế, sản phẩm chủ lực của mình để xem xét tính phù hợp của chúng với thị trường châu Âu. Trên cơ sở đó sẽ có cách định vị và tiếp thị sản phẩm một cách hiệu quả nhất. Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu nhu cầu của thị trường EU, nhất là những yêu cầu chủ chốt của thị trường này như nguồn gốc xuất xứ, chứng chỉ chất lượng,... để đưa những sản phẩm phù hợp đến đúng phân khúc khách hàng phù hợp. Mặt khác, doanh nghiệp không nên đặt nặng số lượng xuất khẩu sang EU mà cần đầu tư vào hệ thống quản lý và giá trị sản phẩm. Có như vậy mới tránh được những rủi ro trong quá trình giao thương hàng hóa cũng như nâng cao thương hiệu doanh nghiệp. Bởi lẽ một khi doanh nghiệp đã xuất khẩu được các sản phẩm nông sản vào thị trường liên minh châu Âu thì công ty cũng sẽ thâm nhập được nhiều thị trường khác trên toàn thế giới một cách dễ dàng hơn rất nhiều. Như vậy, có thể thấy việc bị từ 214
- chối hay áp đặt lệnh giám sát lên các sản phẩm xuất khẩu không ảnh hưởng đến sự gia nhập của các công ty mới trong lĩnh vực này Thứ tư, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu tiềm năng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng doanh nghiệp tư nhân với quy mô vừa và nhỏ do có khó khắn về vốn, trang thiết bị, hạn chế trong việc tiếp cận các thông tin từ thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp tư nhân vẫn yếu thế khi xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính là liên minh châu Âu. Cụ thể, các doanh nghiệp cần chú trọng tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chế biến, đóng gói, làm sạch sản phẩm, tổ chức các hoạt động sản xuất theo quy trình khép kín, khoa học, hiện đại,... để hạn chế những sai sót ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu vào thị trường khó tính này. Thứ năm, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường kết nối với các doanh nghiệp logistics chuyên nhập khẩu và phân phối hàng hóa sang thị trường EU để có cơ hội tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, tìm hiểu nhu cầu thị trường, nâng cao nhận thức về các điều kiện nhập khẩu, cập nhật chính sách các mặt hàng, tìm hiểu về chỉ dẫn địa lý, pháp luật thương mại, kinh tế của từng nước thành viên EU. Khi đã nắm rõ được các thông tin này, doanh nghiệp sẽ lên được kế hoạch sản xuất và phát triển sản phẩm phù hợp, đáp ứng được những tiêu chuẩn của thị trường này. Thứ sáu, các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết với nhau, liên kết với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với các cơ quan chức năng để hình thành các hợp tác hay các vùng chuyên sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, hiện đại. Chủ động tham gia các hiệp hội ngành hàng, tổ chức các buổi gặp mặt giữa các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi cách làm của nhau, đưa ra những biện pháp khắc phục tình trạng bị từ chối và giám sát sản phẩm đối với nông sản. 6. Kết luận Nghiên cứu tác động của giám sát sản phẩm nông sản nhập khẩu vào liên minh châu Âu đối với các doanh nghiệp của Việt Nam mang tính cấp thiết khi liên tục trong những năm gần đây, rất nhiều lô hàng nông sản của nước ta bị liên minh châu Âu từ chối nhập khẩu hoặc tăng tỷ lệ giám sát do không đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Tình trạng này đã gây ra những tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt. Cụ thể, tình trạng bị từ chối và áp đặt giám sát sản phẩm nhập khẩu khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó đáng kể nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ rút lui khỏi thị trường liên minh châu Âu, nhường chỗ cho các doanh nghiệp mới, trong đó có các doanh nghiệp đang hoạt động ở thị trường này có cơ hội mở rộng sản xuất và nâng cao sản lượng xuất khẩu. Bên cạnh đó, để giảm tổn thất về mặt tài chính, sau khi gặp phải rủi ro này, nhiều doanh nghiệp đã giảm giá trị xuất khẩu, đầu tư hơn vào quy trình quản lý và chế biến sản phẩm để khắc phục những sai sót trước đó. Nhìn chung, tất cả các loại hình doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở nước ta đều chịu những tác động nhất định của việc bị từ chối và giám sát sản phẩm nhập khẩu vào thị trường châu Âu, nhất là những tổn thất liên quan đến chi phí và uy tín của doanh nghiệp. Bởi điều này ảnh hưởng đến cả danh 215
- tiếng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân, vốn có hạn chế về nguồn vốn, trang thiết bị và cơ hội tiếp cận thông tin nên bị ảnh hưởng nhiều nhất, dẫn đến tình trạng phải chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường dễ tính hơn. Từ những tác động trên đây, tác giả đã đề xuất một số khuyến nghị giúp các doanh nghiệp tránh được những rủi ro trong quá trình xuất khẩu nông sản sang thị trường liên minh châu Âu. Trong đó quan trọng nhất là doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, tập trung vào chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất, tìm hiểu và cập nhật kịp thời những tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản của liên minh châu Âu để chủ động đáp ứng những nhu cầu của thị trường này. Một khi đã thành công ở thị trường EU, nông sản Việt dễ dàng có được vị thế trên thị trường xuất khẩu nông sản thế giới, từ đó nâng cao úy tín và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông sản Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu tiếng Anh 1. Baylis, Nogueira & Pace (2009) Baylis, K., Martens, A., & Nogueira, L. (2009). What drives import refusals. American Journal of Agricultural Economics, 91(5), 1477- 1483. 2. Baylis, Nogueira & Pace, 2011) Baylis, K., Nogueira, L., & Pace, K. (2011). Food import refusals: Evidence from the European Union. American Journal of Agricultural Economics, 93(2), 566-572. 3. Beestermoeller, M. (2017) Beestermoeller, M., China Economic Review (2017), https://doi.org/10.1016/j.chieco.2017.11.004 4. Bown, C (2017), “New eBook: Economics and policy in the Age of Trump,” VoxEU.org, 5 June. 5. Bown, C and E Zhang (2019), “Will a US-China trade deal remove or just restructure the massive 2018 tariffs?” VoxEU.org, 1 May. 6. Credit Suisse (2017), Santitarn Sathirathai và Michael Wan, US Border Adjustment Tax - How It Could Disrupt Asia. 7. Essaji, A. (2008). Technical regulations and specialization in international trade. Journal of International Economics, 76(2), 166-176. 8. Evenett, S and J Fritz (2018), Brazen Unilateralism: The US-China Tariff War in Perspective, the 23rd Global Trade Alert report. 9. Falvey, R. E. (1989). Trade, quality reputations and commercial policy. International Economic Review, (3), 607-622. 10. Jaud et al., 2013 Jaud, M., Cadot, O., & Suwa-Eisenmann, A. (2013). Do food scares explain supplier concentration? An analysis of EU agri-food imports. European Review of Agricultural Economics, 40(5), 873-890. 11. Shapiro (1983) Shapiro, C. (1983). Premiums for high quality products as returns to reputations. The Quarterly Journal of Economics, 98(4), 659-680. 216
- 12. WTO 4 July 2018, Repoert on G20 Trade measures (mid-October 2017 to mid-May 2018); Tài liệu tiếng Việt 13. Báo cáo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU về việc Các lô hàng nông, hải sản của Việt Nam nhập khẩu vào EU bị từ chối hoặc bị giám sát do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm (kiêm nhiệm Lúc-xăm-bua, Ủy ban châu Âu). 14. Bộ Công thương (2019), Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2018. 15. Cục Xúc tiến thương mại, Báo cáo thị trường rau quả EU. 16. Đặng Hoàng Linh, Đỗ Thị Nhân Thiên (2013), Tác động của các rào cản thương mại đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang EU giai đoạn 2007 - 2013, Báo Nông thôn 17. Nguyễn Thị Thu Thủy (2018), Rào cản phi thuế với xuất khẩu thủy sản sang EU trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số tháng 2/2018. 18. Phạm Văn Kiệm (2018), Tăng cường thuận lợi hóa thương mại của Việt Nam trong cộng đồng kinh tế ASEAN, Nhà xuất bản Công Thương. 19. Tài liệu Hội nghị Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức ngày 26/6/2019, tại Hà Nội. 20. Trần Tuấn Anh (2018), Luận cứ khoa học phát triển thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các Hiệp định thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới, Báo cáo tổng hợp Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia. 21. http://www.trungtamwto.vn 22. http://evfta.moit.gov.vn/ 23. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/thuc-day-xuat-khau-rau-qua-viet-nam- sang-thi-truong-eu-nhin-tu-quy-dinh-sps-309356.html 24. http://aba.org.vn/news/index.php?option=com_content&view=article& id=9517:bat-benh-nong-san-gap-kho-thi-truong-eu&catid=26&Itemid=121 25. https://moit.gov.vn/ 217
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Ảnh hưởng của toàn cầu hóa kinh tế và tăng trưởng kinh tế lên tỷ lệ thất nghiệp: thực tiễn tại Việt Nam
13 p | 107 | 8
-
Tác động của chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết 43/2022/QH15 tới kinh tế - xã hội và những bài học kinh nghiệm ở Việt Nam
10 p | 14 | 7
-
Tài chính toàn diện và tác động của tài chính toàn diện tới đói nghèo - bằng chứng thực nghiệm tại các nước ASEAN
20 p | 13 | 4
-
Tác động của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tới thương mại hai chiều hàng thủy sản giữa Việt Nam và Nhật Bản
17 p | 41 | 4
-
Vận dụng mô hình solow để kiểm chứng tác động của PAPI đến tăng trưởng kinh tế của các địa phương tại Việt Nam
10 p | 47 | 4
-
Tác động của chương trình phát triển nông thôn đến xóa đói giảm nghèo tại xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La
11 p | 39 | 4
-
Tác động tín dụng vi mô đến giảm nghèo tại thành phố Hồ Chí Minh
8 p | 25 | 4
-
Tác động của tăng thuế thuốc lá đến thu ngân sách và tỷ lệ hút thuốc ở Việt Nam
5 p | 58 | 4
-
Nghiên cứu tác động của Hiệp định RCEP đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam
7 p | 97 | 3
-
Nghiên cứu tác động của cắt giảm thuế quan đến nguồn thu hải quan Việt Nam
12 p | 50 | 3
-
Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
10 p | 17 | 3
-
Tác động của sự ra đời và quá trình cắt giảm gói nới lỏng định lượng 3 của Mỹ
12 p | 47 | 2
-
Tác động của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới tình hình nghèo ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
5 p | 10 | 2
-
Tác động của thể chế kinh tế quốc tế đến sản xuất và phân phối giá trị thặng dư trong thế kỷ XX và thập niên đầu thế kỷ XXI
4 p | 1 | 1
-
Nghiên cứu tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành đến tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng ở Việt Nam
17 p | 21 | 1
-
Tác động của hội nhập kinh tế đối với nền kinh tế tỉnh Hòa Bình
12 p | 24 | 1
-
Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với hoạt động xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam
13 p | 37 | 1
-
Nghiên cứu tác động của đầu tư công và tư nhân đến tăng trưởng kinh tế vùng Bắc Trung Bộ
8 p | 2 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn