intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nguồn vốn FDI vào Việt Nam - cơ hội và thách thức

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

24
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội gắn liền với bảo vệ và cải thiện môi trường sẽ không thể đạt được nếu thiếu vốn đầu tư. Bài viết Nguồn vốn FDI vào Việt Nam - cơ hội và thách thức trình bày cơ hội của Việt Nam khi nguồn vốn FDI chảy vào trong nước; thách thức khi nguồn vốn FDI được đầu tư vào Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nguồn vốn FDI vào Việt Nam - cơ hội và thách thức

  1. NGUỒN VỐN FDI VÀO VIỆT NAM - CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ThS. Đinh Thị Vân Anh ThS. Nguyễn Lam Hạnh Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì Tóm tắt Tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội gắn liền với bảo vệ và cải thiện môi trường sẽ không thể đạt được nếu thiếu vốn đầu tư. Chính vì vậy, vốn đầu tư phát triển là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định việc thực hiện được các mục tiêu kể trên. Tuy nhiên, trong điều kiện của các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng, khi nguồn vốn trong nước vẫn còn hạn chế thì việc tìm đến các nguồn vốn từ nước ngoài là hết sức cần thiết. Dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ngày một gia tăng trong những năm vừa qua chứng tỏ Việt Nam là một quốc gia được đông đảo các nhà đầu tư đánh giá điểm đến có tiềm năng trong phát triển. Song song với những tác động tích cực tới nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đặc biệt hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đặt ra những thách thức không hề nhỏ đối với Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả khái quát bức tranh về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, những cơ hội có được và thách thức phải đối mặt trong thực tế. Từ khóa: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút vốn đầu tư, cơ hội, thách thức, phát triển 1. MỞ ĐẦU Năm 2019 có thể nói là một năm khởi sắc khi nhìn lại chặng đường tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Từ báo cáo năm 2017 của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI cho đến kết quả thu hút nguồn vốn FDI tính đến 20/5/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối diện với những thách thức có sức ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh tế - chính trị quốc gia. 2. CƠ HỘI CỦA VIỆT NAM KHI NGUỒN VỐN FDI CHẢY VÀO TRONG NƯỚC Thứ nhất, Việt Nam là một đất nước đang phát triển còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh, vươn tầm ra thế giới. Khi có đầu tư trực tiếp nước ngoài, Nhà nước cũng như các doanh nghiệp ở Việt Nam nhận 406
  2. thấy rằng đây là hướng đi mới của đất nước, được tiếp cận với nguồn vốn FDI là con đường mà chúng ta đang tìm kiếm cơ hội bấy lâu, giải quyết được nhiều vấn đề về cơ sở sản xuất, đầu vào đầu ra của sản phẩm hàng hóa, thị trường tiêu thụ… Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút, sử dụng FDI tổ chức vào cuối năm 2018 đã khẳng định, FDI đã trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế. Tính đến ngày 20/1/2019, cả nước có 27.463 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 343 tỷ USD và tổng vốn thực hiện hơn 192 tỷ USD. Thứ hai, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đã hình thành các vùng kinh tế phát triển tập trung, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Rất nhiều khách du lịch nước ngoài quay trở lại Việt Nam, họ ngạc nhiên về sự thay đổi chóng mặt của một dân tộc từng xếp hạng nghèo trên thế giới. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế. Thứ ba, thu hút và sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài tác động thúc đẩy chuyển dịch, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, sản phẩm, dịch vụ. Do đó, đã đưa Việt Nam từ cơ cấu kinh tế 70% là nông nghiệp sang phát triển công nghiệp hóa, phát triển các ngành dịch vụ và coi đây là thế mạnh để chúng ta hội nhập với thế giới. Khẳng định chúng ta không thua kém bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, là điểm đầu tư lý tưởng của nước bạn. Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài, từ 01/01/2019 đến 20/06/2019, các vùng lãnh thổ đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam: Bảng 1: Các vùng lãnh thổ đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam Đơn vị tính: triệu USD Quốc gia Vốn FDI Quốc gia Vốn FDI Hồng Kông 5304 Đài Loan 783 Hàn Quốc 2731 (British) Virgin lslands 774 Trung Quốc 2285 Thái Lan 489 Singapore 2199 Samoa 345 Nhật Bản 1950 Hoa Kỳ 233 Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài Song song, là 10 địa phương thu hút nguồn vốn FDI nhiều nhất 6 tháng đầu năm 2019: 407
  3. Bảng 2: 10 địa phương thu hút nguồn vốn FDI nhiều nhất 6 tháng đầu năm 2019 Đơn vị tính: triệu USD Tỉnh Vốn FDI Tỉnh Vốn FDI Hà Nội 4872 Tây Ninh 714 TP. Hồ Chí Minh 3088 Bà Rịa - Vũng Tàu 680 Bình Dương 1374 Bắc Giang 561 Đồng Nai 1239 Hải Phòng 536 Bắc Ninh 1013 Hải Dương 444 Thứ tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với máy móc, thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật trong vận hành sản xuất kinh doanh. Trong hơn thập kỷ qua, nhiều dự án đầu tư nước ngoài đã chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến ở một số ngành, lĩnh vực có tác động lan tỏa nhất định tới khu vực doanh nghiệp trong nước, qua đó góp phần nâng cao trình độ công nghệ và quản trị của nền kinh tế. Nhiều dự án lớn đã mang lại bước đột phá, đóng góp vào nguồn thu ngân sách cho nhiều địa phương. Từ đó, chúng ta được tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại của các nước phát triển trên thế giới, giảm sức người, tạo ra năng suất cao. Thứ năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã gắn kết quan hệ cả về kinh tế và chính trị của Việt Nam với các nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… giải quyết các vấn đề xã hội. Từ đó chúng ta có quyền tự hào về một dân tộc yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng cùng các nước trên thế giới bắt tay cùng phát triển trên nguyên tắc “hòa nhập nhưng không hòa tan” và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia. 3. THÁCH THỨC KHI NGUỒN VỐN FDI ĐƯỢC ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM Thứ nhất, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam bên cạnh những cơ hội cũng tạo nên những bất cập trong công tác quản lý khi ngày càng nhiều các đối tác nước ngoài sở hữu 100% vốn tại Việt Nam. Các khu công nghiệp lớn chủ yếu của người nước ngoài. Họ sử dụng nhân công, địa điểm ở Việt Nam nhưng sản phẩm lại được mang về nước họ để tạo ra giá trị kinh tế. Lao động trẻ chọn làm cho các khu công nghiệp của người nước ngoài là chủ yếu với thu nhập cao hơn khi làm cho các công ty trong nước. Vì vậy, một số doanh nghiệp trong nước tuyển dụng nhân sự rất khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Thứ hai, lượng vốn FDI tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều nhưng chúng ta vẫn chưa thu được các khoản thuế, phí vào ngân sách Nhà nước. Chưa kể có những doanh 408
  4. nghiệp nước ngoài vào Việt Nam từ rất lâu nhưng luôn luôn báo lỗ làm giảm một mức đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước trong khi các công trình công họ vẫn được sử dụng như người bản địa. Như vậy, chính sách thu hút, sử dụng FDI phải bảo đảm được hiệu lực hiệu quả giám sát, nếu các doanh nghiệp FDI thực hiện đúng cam kết thì mới được hưởng các ưu đãi về hành lang pháp lý, về giảm thuế, đồng thời có chính sách tài chính, môi trường đầu tư tốt để thu hút các tập đoàn đa quốc gia mở trụ sở, các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Thứ ba, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với máy móc kỹ thuật hiện đại nhưng là so với trong nước, còn so với khu vực và thế giới đây vẫn là những công cụ lao động trung bình hoặc trung bình tiên tiến. Do đó, Việt Nam nhận đầu tư FDI nhưng chưa được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại nhất, tối ưu nhất để phát triển nền kinh tế trong nước, để tạo ra sự tăng trưởng kỳ vọng của các nhà đầu tư. Thứ tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả cho xã hội. Nếu chúng ta không bắt kịp về văn hóa các quốc gia, không có sự chọn lọc tiếp thu thì một bộ phận giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ đi về đâu?. Hơn nữa, hậu quả về ô nhiễm môi trường, chiếm dụng tài nguyên trong nước, bảo vệ quyền lợi người lao động… vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Đây luôn là vấn đề “nóng” được toàn xã hội quan tâm, đòi hỏi Nhà nước cũng như các đơn vị liên quan phải có cách quản lý, giải quyết thực tế, hợp lý và hiệu quả hơn. 4. KẾT LUẬN Như vậy, sau khi nghiên cứu những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào trong nước, nhận thấy rằng với sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay không thể thiếu nguồn vốn FDI. Hơn nữa, trong tương lai, đây còn là chiến lược phát triển, là nhu cầu tất yếu khi Việt Nam ra nhập các tổ chức kinh tế trong khu vực và trên thế giới, tiến những bước vững chắc khẳng định năng lực của mình với các nước đầu tư vào Việt Nam. Thu hút hơn nữa các luồng vốn nước ngoài chảy vào trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng đòi hỏi Nhà nước và các bộ phận liên quan cũng phải có những chính sách phù hợp để quản lý, giám sát, sử dụng nguồn vốn FDI hợp lý, hạn chế nhiều nhất hậu quả của việc phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong tương lai, hi vọng Việt Nam sẽ trở mình vươn dậy vững mạnh và kiên định mục tiêu phát triển kinh tế - chính trị để hội nhập với khu vực và trên thế giới. 409
  5. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Thị Tuệ Anh (2015), Nghiên cứu điều chỉnh chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam đến năm 2020. 2. Tổng cục Thống kê (2014), Hiệu quả của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2005 - 2014. 3. Chu Tiến Quang Viện (2014), Đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020. 4. http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21583 410
  6. NHỮNG THÁCH THỨC MỚI THU HÚT FDI TRONG THỜI ĐẠI CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân Trường Đại học Tài chính Marketing Tóm tắt Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang vẽ lại cảnh quan kinh doanh của chúng ta ngày hôm nay. Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động nghiêm trọng đến Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tương lai ở Việt Nam. Bài viết này nhằm phân tích và đưa ra những thách thức mới mà Việt Nam sẽ đối mặt trong việc thu hút FDI trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời đưa ra một số gợi ý hoạch định trong việc thu hút sự đầu tư của các công ty nước ngoài vào thị trường Việt Nam trong tương lai. Từ khoá: FDI, Cách mạng công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa 1. MỞ ĐẦU Sau cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á và châu Mỹ Latinh, các nước đang phát triển được khuyến khích dựa vào đầu tư trực tiếp nước ngoài để thúc đầy nền kinh tế phát triển bền vững (Stiglitz, 2000). Tuy nhiên, từ những năm 1990 toàn cầu hóa FDI ngày càng quan trọng hơn, đặc biệt là các nước đang phát triển, toàn cầu hóa làm tăng khả năng cạnh tranh FDI trên diện quốc tế, chủ yếu về mặt vị trí địa lý, lao động có tay nghề cao, kinh doanh hiệu quả, vốn và hàng hóa (Nunnenkamp, P 2001). Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia được sự chú ý và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đến để đầu tư phát triển kinh doanh, mở rộng sản xuất do có nhiều lợi thế về nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ, vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Trong thời đại chuyển đổi công nghệ, về các xu hướng công nghệ mới nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự thu hút FDI trên toàn thế giới, thay đổi trong thị trường lao động, các chính sách mới phù hợp với thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. 2. NỘI DUNG Thuật ngữ công nghiệp 4.0 có nguồn gốc từ nước Đức để chỉ về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là kết quả của sự đổi mới, tiến bộ diễn ra trong ngành công nghiệp dịch vụ và sản xuất do ứng dụng công nghệ mới để tối ưu hóa lợi ích và các quy trình sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Do đó, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp cho sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất và công nghiệp dịch vụ (Schwab, 2016), sự thay đổi cả cung và cầu của doanh nghiệp, sự biến đổi liên tục trong công nghệ, quy 411
  7. mô và tác động của các hoạt động sản xuất. Việc ứng dụng và phát triển các công nghệ mới này còn đang ở giai đoạn sơ khai. Theo luật Amara, chúng ta có khuynh hướng đánh giá cao tác động của công nghệ mới trong khoảng thời gian ngắn, nhưng chưa đánh giá đúng đắn tác động cũng như sự ảnh hưởng của công nghệ trong dài hạn (Kietzmann, Pitt & Berthon, 2015). Hiện nay, thế giới đang trải qua sự thay đổi mạnh mẽ về mặt kỹ thuật số, sự kết nối tất cả các loại thiết bị, đối tượng và cảm biến qua Internet, nó đang dần biến thành công cụ có thể thông báo, theo dõi, quản lý các hoạt động và thực hiện từng hành động theo thời gian thực mà không có sự tham gia hoạt động của con người, và hơn thế nữa, đã tạo ra được lượng lớn dữ liệu trong các hoạt động của chúng ta (OEDC, 2015). Kết hợp với phân tích dữ liệu lớn và dung lượng lưu trữ của điện toán đám mây. Internet kết nối vạn vật có thể hướng đến các cách tiếp cận mới để đưa ra các quyết định, các mô hình kinh doanh mới, các hệ thống thông minh và máy tự động hoàn toàn (OECD, 2016). Các ứng dụng đang được lan rộng nhanh chóng với những tác động trở lạ, tác động trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống hơn cả mong đợi. Internet kết nối vạn vật (IoT) cho phép theo dõi lượng truy cập, các trường hợp khẩn cấp, sử dụng cơ sở hạ tầng, tránh lãng phí, triển khai các chương trình định giá thông minh. Tương tự, trí thông minh nhân tạo là khả năng của máy móc và hệ thống thu nhận kiến thức, thực hiện các nhiệm vụ nhận thức, hành vi thông minh, các phần mềm và robot có khả năng học hỏi, hoạt động độc lập với các quyết định của con người. Kết hợp với những tiến bộ trong kỹ thuật cơ khí và điện tử, trí thông minh nhân tạo có thể mở rộng năng lực của robot trong công nghiệp để thích ứng với những thay đổi trong môi trường làm việc mà không cần lập trình lại. Robot được hỗ trợ bởi trí thông minh nhân tạo sẽ ngày càng trở thành trung tâm của quá trình sản xuất vì chúng đảm bảo an toàn, tốc độ, chính xác và năng suất cao. Máy học sẵn sàng thực hiện cách mạng hóa một số dịch vụ bao gồm tiếp thị, tài chính, giải trí và y học. Chẳng hạn, các thuật toán dựa trên trí thông minh nhân tạo có thể giúp dự đoán biến động của thị trường, tự động hóa các nhiệm vụ liên quan đến sức khỏe chẳng hạn như có thể tăng khả năng tự động hóa của các robot phẫu thuật trong các bệnh viện. Những tiến bộ trong máy học, robot và trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ thúc đẩy quá trình tự động hóa, thay đổi nhu cầu lao động, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm (MaAfee, 2011). Song song đó, kỹ thuật in 3D là công nghệ mới có tiềm năng cao để chuyển đổi quy trình sản xuất trong chuỗi cung ứng. Kết hợp với công nghệ kỹ thuật số, kỹ thuật in 3D sẽ có nhiều ứng dụng trong ngành công nghiệp bằng cách hỗ trợ sự tích hợp trong quá trình thiết kế, sản xuất và phân phối sản phẩm, hiện nay đang được sử dụng để tạo ra các mô hình, sản xuất linh kiện hoặc phụ tùng thay thế, in 3D sẽ trở nên quan trọng hơn vì các vật liệu in có thể được gia tăng (như nhựa, kim loại, gốm sứ và kính). Trong tương lai, công nghệ phát triển, tự động hóa sẽ không còn bị giới hạn trong các công việc thủ công, mà cả trong giao thông, hỗ trợ văn phòng, hoặc các dịch vụ tiêu dùng của khách hàng. Theo ước tính của ODEC, 412
  8. khoảng 9% công việc ở các nước ODEC có thể được tự động hóa 25%, và tự động hóa có thể thay đổi đáng kể khoảng 50% - 70% các nhiệm vụ có liên quan, sự phát triển của tự động hóa và kỹ thuật số có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp của người lao động trong tương lai (Arntz và cộng sự, 2016). Theo Acemoglu và Restrepo (2015), các công ty, các nhà máy quyết định đầu tư vào công nghệ mới sẽ phụ thuộc vào mối liên hệ giữa giá nhân công lao động và hiệu suất làm việc của họ trong quá trình sản xuất, vì để đầu tư vào công nghệ mới họ cấn tính toán đến chi phí đầu tư vào máy móc, công nghệ mới đến khi hòa vốn. Theo Keynes (1930), lao động và công nghệ từ lâu đã có mối liên hệ rất chặt chẽ và đem lại rất nhiều lợi ích. Khi công nghệ thay đổi sẽ giúp cải thiện năng suất lao động, tạo sự tăng trưởng phát triển cho nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Trong một số ngành công nghiệp, công nghệ mới phát triển đã mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp hoặc các ngành nghề khác trong quá trình chuyển giao công nghệ, các lĩnh vực liên quan đến các hoạt động của các công ty xí nghiệp, công nghệ mới đã thay thế lượng lớn người lao động, thậm chí, một số người lao động chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác hoặc ngành nghề khác. Tuy nhiên, nó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển không cân xứng vì người lao động chưa được trang bị các kỹ năng mới thích nghi với thời đại công nghệ mới, những lợi ích mà công nghệ mới mang lại sẽ dẫn đến nhiều thách thức trong sự thích nghi, nhu cầu kỹ năng mới của lao động và cấu trúc nghề nghiệp trên thị trường lao động. Báo cáo của Global Challenge Insight (2016) cho biết, khi kỹ thuật tính toán tăng nhanh cùng với khả năng làm việc với dữ liệu, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu là một trong những kỹ năng quan trọng để người lao động có thể làm việc cho một số công ty lớn. Dưới ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều công việc mới đòi hỏi người lao động trang bị nhiều kỹ năng mới và có sự cạnh tranh rất cao. Sự kết hợp nhiều kỹ năng mới và tiếp tục phát triển trong môi trường công nghệ, đòi hỏi các thế hệ tương lai phải nâng cao trình độ về mặt kỹ thuật và khả năng học tập suốt đời, các kỹ năng khó tự động hóa như giải quyết vấn đề, sáng tạo, thuyết phục (Osborne, 2013). Một số kỹ năng mềm như kỹ năng quản lý, kỹ năng làm việc nhóm hoặc kỹ năng giao tiếp sẽ phát triển mạnh hơn trong thời đại Cách mạng công nghiêp 4.0. Các chương trình giáo dục, huấn luyện đào tạo sẽ thay đổi cho phù hợp với những yêu cầu mới (Shamsi, 2017). Các công ty sẽ đào tạo kỹ năng mới cho nhân viên, thực hiện thay đổi tổ chức và áp dụng kỹ năng quản lý mới để đảm bảo sử dụng hiệu quả tài sản và nguồn lực của công ty (Zavyalova, 2017). Mặt khác, sẽ có nhiều công việc mới xuất hiện, các sản phẩm mới, các quy trình mới, hoặc các mô hình kinh doanh mới sẽ được hình thành và phát triển. Ví dụ, việc chuyển đổi kỹ thuật số và dữ liệu lớn làm gia tăng nhu cầu các chuyên gia phân tích dữ liệu vượt qua cả nguồn cung và năng lực hiện hiện tại của hệ thống giáo dục và đào tạo (Goos và cộng sự, 2009). 413
  9. Năm 1986, Việt Nam bắt đầu tham gia thu hút FDI. FDI hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hay công ty nước này vào nước khác bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cá nhân hay công ty nước ngoài đó sẽ nắm quyền quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh này (Wikipedia.com). Theo UNICAD, ba loại hình chính của FDI là: FDI tìm kiếm tài nguyên, FDI tìm kiếm thị trường và FDI tìm kiếm hiệu quả. • FDI tìm kiếm tài nguyên liên quan đến nguyên liệu, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng. • FDI tìm kiếm thị trường liên quan đến quy mô thị trường, mở rộng thị trường, hội nhập kinh tế. • FDI tìm kiếm thị trường liên quan đến chi phí lao động, hiệu quả sản xuất, lao động có tay nghề cao, chính sách thương mại, các dịch vụ kinh doanh. The Economist cho rằng, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài không chỉ cung cấp nguồn vốn, nó còn cung cấp công nghệ và hệ thống quản lý sẵn có trên phạm vi quốc tế. Hình 1: Foreign direct investment inflows, top 20 host economies 2017 and 2018 (Billions of dollars) Nguồn: UNCTAD 414
  10. Trong nhiều năm qua, FDI chủ yếu diễn ra ở các nước có nền kinh tế phát triển, Các nước phát triển thu hút FDI trên thế giới nhiều hơn các nước đang phát triển, dẫn đầu là Mỹ. Việt Nam vẫn còn phải tập trung phát triển nhiều hơn để thu hút dòng vốn này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dòng vốn FDI đến các nước đang phát triển cao hơn dòng vốn FDI đến các nước phát triển. Hình 2: Foreign direct investment inflows, global and by group of economies, 2007 - 2018 (Billions of dollars and percent) Nguồn: UNCTAD FDI được xem là ít bị khủng hoảng hơn vì các nhà đầu tư thường có tầm nhìn dài hạn khi đưa ra quyết định đầu tư, FDI còn có thể kích thích sự tăng trưởng kinh tế tốt hơn so với các nguồn vốn khác (The Economist, 2001). Năm 2018, Việt Nam thu hút FDI được 35,46 tỷ USD bằng 98,8% so với năm 2017, giải ngân được 19.1 tỷ USD tăng 9.1% so với năm 2017, các đối tác đầu tư lớn nhất là Nhật Bản (8.59 tỷ USD chiếm 24.2% tổng vốn), Hàn Quốc (7.2 tỷ USD chiếm 20.3% tổng vốn) và Singapore (5 tỷ USD chiếm 14.2% tổng vốn) (vov.vn). Toàn cầu hóa nền kinh tế làm cho sản xuất phân tán về mặt địa lý, chuỗi giá trị, có sự kết hợp thị trường, kết hợp nguồn lực thông qua FDI, thương mại trở thành đặc điểm chính của nền kinh tế thế giới, tức là FDI sẽ làm tăng sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Sự cạnh tranh thu hút FDI sẽ dựa trên sự khác nhau về chi phí giữa các địa điểm, chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ trong kinh doanh, và lao động có tay nghề cao. Do đó, những thách thức đối vơi các nước đang phát triển trong việc thu hút FDI ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Không phải FDI chỉ đi theo hướng từ nước phát triển hơn sang nước kém phát triển hơn. Chiều ngược lại thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Nhật Bản là nước tích cực đầu tư trực tiếp vào Mỹ để khai thác đội ngũ chuyên gia ở Mỹ (Wikipedia). 415
  11. Chẳng hạn như nhiều công ty sản xuất ở Nhật Bản đã đầu tư ở Mỹ để sử dụng các chuyên gia thiết kế, công nghệ sản xuất tối ưu của Mỹ. Vì vậy, chi phí lao động thấp không còn là tiêu chí quan trọng trong chính sách thu hút FDI. Công nghệ tiên tiến có thể cắt giảm chi phi và làm tăng hiệu quả dựa vào công nghệ, cơ sở hạ tầng viễn thông đầy đủ. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm mờ đi sự khác biệt giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, do đó lợi thế về lao động rẻ tiền ở các nước đang phát triển ít được quan tâm hơn (Ginsburg R, 2018). Nếu một công ty ở châu Âu tìm một quốc gia để đầu tư sản xuất một sản phẩm, sản phẩm này có thể được sản xuất nhờ tự động hóa thay vì sản xuất nhờ lực lượng lao động, công ty này có thể chọn việc sản xuất ở gần họ ngay tại các nước phát triển. Nếu trí tuệ nhân tạo thay thế nhân viên trong một số ngành công nghiệp nhất định, điều này sẽ làm nguồn cung lao động dư thừa. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động đến bề sâu và bề dày của đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Nó tác động đến vị trí địa lý cũng như nhu cầu mở rộng dòng vốn FDI, việc ứng dụng công nghệ sẽ ít đòi hỏi đầu tư về mặt tiếp thị và bán hàng, sản xuất có thể được tập trung và gần khách hàng hơn việc phân tán chuỗi giá trị toàn cầu (Ginsburg, 2018). Các doanh nghiệp cá nhân sẽ xem xét kỹ những tiêu chuẩn trong quá trình đưa ra các quyết định có liên quan đến đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài chọn nơi để đầu tư FDI cũng thay đổi. Tự động hóa là một trong những then chốt sẽ giúp các nhà đầu tư lựa chọn, đánh giá các dự án khi tham gia vào FDI trong quá trình diễn ra Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong quá trình cải tiến công nghệ, nguồn nhân lực có tay nghề cao sẽ trở nên quan trọng hơn và thậm chí đó là nhân tố quyết định thu hút FDI. Quá trình tự động hóa sẽ thay thế lực lượng lao động có tay nghề thấp, nhưng nhu cầu về lao động có tay nghề cao sẽ gia tăng, người lao động có tay nghề thấp sẽ được thay thế bởi các hệ thống tự động, lao động có tay nghề cao sẽ giữ vai trò quan trọng trong quá trình theo dõi và đổi mới. Sự phát triển công nghệ sẽ mang lại sự tự động hóa trên diện rộng và nhiều thử thách hơn cho thị trường lao động, trong các chính sách bồi dưỡng, đào tạo, phát triển các kỹ năng cần thiết cho người lao động để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong thời đại mới (Kergroach, 2017). 3. KẾT LUẬN Nền kinh tế trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới, người lao động cần phải thường xuyên học tập nâng cao chuyên môn và các kỹ năng mềm để đáp ứng với nhu cầu lao động mới trong thời đại mới. Chi phí lao động thấp sẽ ít giữ vai trò quan trọng từ góc độ thu hút FDI. Khi hiệu suất công việc có thể tăng hiệu quả, cắt giảm chi phí dựa vào công nghệ cao, FDI sẽ tập trung ở những nơi công nghệ phát triển. Vì vậy, Chính phủ cần điều chỉnh chính sách để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng cách đổi mới cơ sở hạ tầng, viễn thông, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, có các chính sách bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động hiệu quả 416
  12. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Acemoglu và Restrepo (2015). Demographics and automation 2. Aquilani, Abbate, Gatti (2016). Proceedings of the XXVIII Sinergie Annual Conference Udine, Italy 3. Arntz, M., T. Gregory and Zierahn (2016). The Risk of Automation for Jobs in OECD Countries 4. Douglas LaBier Ph.D (2010). The 4.0 Career is coming: Are you ready to upgrade 5. Ginsburg, R. (2018) How Industry 4.0 will change FDI, FDI intelligence. 6. Global Challenge Insight Report (2016). The future of jobs, employment, skills and workforce strategy for the fourth industrial revolution. 7. Goos M., Manning A., Salomons (2009). Job polarization in Europe. American Economic Review. 8. Kergroach (2017), Industry 4.0: New challenges and opportunities for the labour market 9. Keynes (1930). Economic Possibilities for our grandchildren 10. Kietzmann, J., Pitt, L., & Berthon,P. (2015). Distributions, decisions, and destinations: Enter the age of 3-D printing and additive manudfaturing. Business Horizons, 58(2), 209-215 11. McAfee (2011). Race Against the Machine: How the Digital Revolution is Accelerating Innovation, Driving Productivity and Irreversibly Transforming Employment and the Economy 12. Nunnenkamp Peter (2001) Foreign direct investment in developing countries: What policymakers should not do and what economists don’t know 13. Osborne (2013). The future of employment: How susceptible are jobs to computerisation. 14. ODEC (2015). Data-Driven Innovation: Big Data for Growth and Well-Being 15. ODEC (2016). Science, Technology and Innovation Outlook 16. Sachsenmeier, p. (2016) Industry 4.0: Opportunities and Threats for Foreign Direct Investment (FDI) 17. Stiglitz (2000). Capital Market Liberalization, Economic Growth and Instability. World Development 28(6): 1075-1086 18. UNICTAD (1999) Foreign Direct Investment in Africa: Performance and Potential, United Nations, New York 19. UNCTAD (2019) World Invesment Report 20. UNCTAD (var, issues) World Investment Report, United, New York 21. http://vi.wikipedia.org/wiki/Đầu_tư_trực_tiếp_nước_ngoài 22. https://vov.vn/kinh-te/nhung-con-so-an-tuong-ve-fdi-nam-2018-857445.vov 417
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2