NGUYỄN CÔNG TRỨ, NHÀ NHO TÀI TỬ – HÀO KIỆT<br />
<br />
NGUYỄN VIẾT NGOẠN (*)<br />
<br />
<br />
TÓM TẮT<br />
<br />
Giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII- nửa đầu thế kỉ XIX, cơ sở kinh tế – xã hội Việt Nam có những<br />
thay đổi, chính vậy mà đã xuất hiện lớp nhà Nho tài tử (trước đây chỉ có nhà Nho hành đạo và<br />
nhà Nho ẩn dật). Trong các nhà Nho tài tử này, Nguyễn Công Trứ nổi bật với tính chất hào kiệt<br />
hào mại. Bài viết nhằm lý giải sơ bộ các tác nhân tạo nên đặc điểm ưu trội nói trên của nhà Nho<br />
tài tử Nguyễn Công Trứ, và cũng như là “góp lời thiên cổ sự” nhân kỷ niệm 151 năm ngày mất<br />
của ông (18/12/1858 – 18/12/2009).<br />
<br />
ASBTRACT<br />
<br />
From the period of half of the 18th century and half of the 19th century, the socio-economic<br />
system of Vietnam went through some great changes, which resulted in the appearance of the<br />
amateurish Confucian scholar (formerly there were only the secluded Confucian scholar and the<br />
one who took part in social activities). Among these scholars, Nguyen Cong Tru was considered<br />
the best with his heroic quality. This writing aims at presenting some preliminary explanations of<br />
the factors that helped create Nguyen Cong Tru’s outstanding characteristics with his heroic<br />
quality and serves as a small contribution to his 151st death anniversary (18/12/1858 –<br />
18/12/2009).<br />
<br />
1. Thời đại mà Nguyễn Công Trứ sống vắt qua hai thế kỉ, khiến ông trở thành chứng nhân của<br />
một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Tuổi ấu thơ của ông trôi qua trong lúc tình hình thật rối ren. Chế<br />
độ phong kiến Việt Nam lúc này đã đi vào con đường khủng hoảng bế tắc. Rồi phong trào Tây<br />
Sơn như ánh hào quang loé sáng rất tiếc lại sớm tắt. Sự tồn tại ngắn ngủi của nhà Tây Sơn cũng<br />
là một bi kịch lịch sử, vì việc đập tan một vương triều này để thay thế bằng một vương triều khác<br />
thì vẫn chưa thể thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của phạm trù phong kiến.<br />
<br />
Tiếp theo đó là chiến thắng của Gia Long và nhà Nguyễn ra đời. Dưới triều Nguyễn, Việt Nam<br />
quả là một quốc gia lớn của phương Đông, của khu vực Đông Nam Á. Hẳn không phải vô lý khi<br />
mà các sử gia phương Tây gọi triều Nguyễn là đế quốc An Nam (Empire d’Annam) và các vua<br />
Nguyễn là hoàng đế (Empereur). Nói một cách công bằng, quy mô và tư thế này được giữ cho<br />
đến khi phải đối diện với sự uy hiếp và xâm lược của phương Tây vào giữa thế kỷ. Và cũng chỉ<br />
trước hàng hoá và chiến thuyền của các nước tư bản thì cái xã hội phương Đông chuyên chế, lạc<br />
hậu này mới chịu thất bại và tan rã.<br />
<br />
Cần phải khẳng định rằng Nho giáo là hệ tư tưởng thống trị không riêng gì cho triều Nguyễn, mà<br />
cho tất cả mọi triều đại phong kiến Việt Nam, nhất là từ thế kỉ XV. Trải qua một lịch sử phát<br />
triển lâu dài, khi du nhập vào Việt Nam, Nho giáo trở nên hoàn thiện và đã vượt qua giai đoạn<br />
Kinh viện hóa. Tất nhiên, trong các tọa độ lịch sử khác nhau, Nho giáo có những biến động nội<br />
dung, có những đặc trưng riêng cho từng giai đoạn, nên vai trò của nó cũng gia giảm theo. Từ<br />
đó, đối với các lĩnh vực xã hội cũng như đời sống tinh thần của các cá nhân riêng rẽ sẽ có những<br />
kết quả khác nhau. Xét đến cùng, dẫu học thuyết này có chịu những thăng trầm, do biến thiên<br />
lịch sử, thì nó vẫn đóng vai trò trụ cột. Hơn nữa, nhờ việc chuyển hoá các giáo niệm khô cứng<br />
<br />
<br />
<br />
(* )<br />
TS, CVCC, Trường Đại học Sài Gòn<br />
của học thuyết thành lẽ phải thông thường, thành nguyên tắc ứng dụng, xử thế, nên Nho giáo đã<br />
được sự đồng tình, hoặc ít ra là chia sẻ, thông cảm của khá nhiều người do họ chưa có nhận thức<br />
triệt để. Nhờ những tín niệm đã trở nên quen thuộc che đậy nên tính chất phản tiến hoá và hủ bại<br />
của nó khó bị phát hiện. Mặt khác, chính ngay tại nội hàm của Nho giáo, chưa hẳn có sự hoàn<br />
toàn trùng khớp trong việc phản ánh lợi ích của giai cấp thống trị lẫn lợi ích của cá nhân cầm<br />
quyền. Cũng chính vậy mà Nho giáo không bị sụp đổ như các vương triều mà nó từng gắn bó.<br />
Thành thử, các triều đại phong kiến Việt Nam, nếu muốn việc cai trị của mình được đảm bảo<br />
tính thực thi, đều tự nguyện tìm đến Nho giáo như là tìm một công cụ thống trị tinh thần đắc lực<br />
không thể thiếu. Việc nhà Nguyễn tìm cách phục hồi Nho giáo cũng có thể xem là sự tất yếu, do<br />
họ đã thấy được những điểm khả thủ của hệ tư tưởng này, nhất là tạo ra sự ổn định xã hội trong<br />
giai đoạn đầu. Vì thế, Nho giáo trở thành quốc giáo, chữ Hán trở lại giữ địa vị độc tôn, con<br />
đường tiến thân chỉ là khoa cử nơi cửa Khổng sân Trình. Việc đề cao Nho giáo, theo chúng tôi,<br />
cũng chưa hẳn là hoàn toàn do đầu óc nô dịch của triều Nguyễn. Lịch sử khi đó ở khu vực, trong<br />
đó có Việt Nam, đều chỉ ở trong tình trạng Hán hóa hoặc trở về Đông Nam Á để bị Ấn Độ hóa.<br />
Và trên thực tế, có thể cho phép vứt bỏ ảnh hưởng Hán để quay về ảnh hưởng Đông Nam Á,<br />
nhưng tại sao nhà Nguyễn lại chọn và đề cao Nho giáo? Có lẽ, họ cần có một chính quyền vững<br />
chắc của một đất nước quân chủ nông nghiệp cha truyền con nối, với cương vực rõ ràng , nên<br />
không còn cách lựa chọn nào khác. Vì theo Nho giáo thì có nước là có sử, có phong tục, có chính<br />
quyền bản địa để quản lý đất nước “Như nước Đại Việt ta từ trước. Vốn xưng nền văn hiến đã<br />
lâu. Núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác” (Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn<br />
Trãi). Cũng nên đặt mình vào không khí xã hội lịch sử lúc đó. Sau cả một thời gian dài của chiến<br />
tranh giặc giã , người ta luôn khao khát thái bình , thì dù sao đi chăng nữa , nhà Nguyễn được<br />
thành lập cũng đã làm cho bộ mặt xã hội ổn định hơn. Cho dù , ở một số người (trong đó có<br />
Nguyễn Công Trứ) dẫu có ảo tưởng trước tình thế này , thì cũng là điều dễ hiểu. Hào quang của<br />
nhà Nguyễn , mở đầu là ông tổ Nguyễn Hoàng và sau đó là các chúa Nguyễn khác , với các công<br />
lao và dấu tích về khai phá và bành trướng bờ cõi về phương Nam , không ít thì nhiều đã hằn sâu<br />
trong kí ức người dân. Trong dân gian đã có câu ca dao nói lên niềm trông đợi vai trò nhà<br />
Nguyễn :<br />
<br />
Lạy trời cho cả gió nồm<br />
Cho thuyền chúa Nguyễn dong buồm mà ra.<br />
<br />
Hơn nữa, trước chế độ tư bản, trên thế giới, không có cách đào tạo công chức, quan lại nào sánh<br />
kịp với Nho giáo. Nói như Nguyễn Khắc Viện : “ …không có học thuyết chủ nghĩa nào đặt vấn<br />
đề xử thế rõ ràng và đầy đủ như vậy. Đặc biệt về cách ứng xử của nhà Nho đối với vua chúa”<br />
(Bàn về đạo Nho, 36). Có điều, Nho giáo lúc này, ngay ở Trung Quốc đã phơi bày trần trụi tính<br />
chất chuyên chế, bảo thủ, lỗi thời, thế mà nhà Nguyễn vẫn phục hồi Nho giáo truyền thống đã<br />
đành, lại gần như bê nguyên xi thứ Tống Nho cực đoan, phản động để ứng dụng cho dân tộc<br />
mình. Bộ luật Gia Long (Hoàng triều luật lệ), lẫn lệ Tứ bất của triều Nguyễn là những chứng cứ<br />
khó biện minh. Mở đầu là Gia Long, sau đó nhất là Minh Mạng, càng ngày càng khai thác triệt<br />
để những mặt có lợi từ phía Nho giáo , đặc biệt là Tống Nho, để củng cố và độc tôn cho vương<br />
triều chuyên chế. Xem ra, nhà Nguyễn đã triệt tiêu hoàn toàn các đối thủ chính trị. Các vụ án cha<br />
con Hữu quân Nguyễn Văn Thành, Tả quân Lê Văn Duyệt và ngay cả những lần Nguyễn Công<br />
Trứ vô cớ bị giáng chức, cách chức đều là kết cục của bàn tay sắt đó.<br />
<br />
Tuy nhiên, cũng chính do nhà Nguyễn với cách lựa chọn đường lối cơ bản không phù hợp với<br />
yêu cầu của thực tiễn, nên trí tuệ của dân chúng không được tập hợp, tiềm lực dân tộc không<br />
được bồi dưỡng. Chính sách trọng nông chỉ là hình thức, vì mọi quyền lợi chỉ nhằm tập trung<br />
nhiều hơn cho giai cấp địa chủ. Công nghiệp thủ công bị đình đốn, nền kinh tế hàng hóa manh<br />
nha từ sớm với sự ra đời của các chợ – đô thị kiểu phương Đông, nhưng do nhà Nguyễn bế môn<br />
tỏa cảng, khiến nó tuy có phát triển nhưng với tốc độ hết sức chậm chạp. Một người Mỹ là John<br />
White đến nước ta vào thời đó đã viết trong cuốn A voyage to Cochinchina (Một chuyến hành<br />
trình đến xứ Cochinchina): “Tính cách tham tàn, thất tín, chuyên chế và ức hiếp buôn bán của<br />
nhà cầm quyền đã biến xứ Cochinchina thành một nơi không được người ta ưa thích nữa…<br />
Những ai vị tha, và cả thế giới văn minh nói chung, chỉ có thể nhận thấy ở đất nước có thiên<br />
nhiên tươi đẹp này không khác gì hơn là một nỗi ân hận và thương hại sâu sắc”[1].<br />
<br />
2. Trên một cơ sở kinh tế như thế, các nhà Nho, phần lớn là những người qua học hành, thi cử<br />
hoặc làm quan, đã phân hóa thành phần một cách tương đối. Đã có nhà Nho hành đạo, nhà Nho<br />
ẩn dật, thì bây giờ có thêm nhà Nho tài tử. Mỗi một loại nhà nho như thế hình như đều có điều<br />
kiện sống riêng. Nếu nhà nho ẩn dật vốn sống theo phương thức kinh tế tự nhiên, tự cung tự cấp,<br />
nhà nho hành đạo, phần lớn là đội ngũ quan lại đang hành chức, sống bằng dạng lương bổng và<br />
lộc (từ việc chia sẻ, chiếm dụng phần tô thuế thu được qua phân phối của triều đình), thì đặc biệt<br />
nhà nho tài tử đã có thể được hỗ trợ một phần từ nền sản xuất hàng hóa nhỏ, tuy còn manh mún<br />
và cá thể , nhưng cũng không còn là thuần túy nông nghiệp cổ truyền nữa. Tất nhiên, trong một<br />
xã hội trì trệ, kém phân hóa như thế, không thể đòi hỏi một sự độc lập thuần túy. Hình như giữa<br />
họ thường có sự “chu chuyển” và đổi chỗ. Cũng không nên tìm kiếm sự đối lập giữa nhà nho tài<br />
tử với hai loại nhà nho hành đạo và ẩn dật. Đành rằng, sự xuất hiện của nhà nho tài tử như là đi<br />
ngược lại tiêu chí giá trị đã được xác định ở nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật, vì người tài tử<br />
coi tài và tình, chứ không phải là đạo đức mới thực sự làm nên giá trị của con người. Tuy nhiên,<br />
trên thực tế, chất tài tử có thể có ở cả người hành đạo lẫn ẩn dật. Như vậy, nhà Nho tài tử chỉ đối<br />
lập với nhà Nho chính thống (nhà Nho quân tử – cai trị) mà thôi. Có điều, các nhà nho tài tử vẫn<br />
khác với nhà nho hành đạo và ẩn dật ở chỗ họ đã phá vỡ quan niệm sống, quan niệm hành xử<br />
vốn quá rành mạch và phân cực lâu nay, bằng cách trộn lẫn chúng lại. Không nhất thiết là phải<br />
làm quan hay ẩn dật, nhưng để đáp ứng những nhu cầu của mình, nhà Nho tài tử không thể<br />
không tạo ra những ứng xử phi truyền thống, và tất nhiên sẽ trở nên khá kỳ dị với các bậc chân<br />
Nho. Họ đã như giải quyết được cái mâu thuẫn, cái thao thức Nho gia vốn tồn tại dai dẳng ở các<br />
thế hệ trước đó (nhập thế mà vẫn xấu hổ vì tham luyến công danh, xuất thế mà vẫn băn khoăn vì<br />
không làm tròn trách nhiệm). Cũng có thể xem đây là sự dị biệt độc đáo của nhà nho tài tử . Họ<br />
tìm thấy ở Lão – Trang những sự tương đồng về phương diện triết lý nhân sinh. Khi mà đô thị<br />
thương mại và tư tưởng thị dân tác động, nhà Nho tài tử đồng loạt xuất hiện như là một tầng lớp,<br />
thì các yếu tố Lão – Trang phù hợp lại được tiếp thu có vẻ ồ ạt hơn. Nhưng, nói như Trần Đình<br />
Hượu, vẫn là cách tiếp thu biến tướng theo kiểu Trang Tử đa dục : “Họ không phải Nho thuần<br />
túy, mà cũng không phải Trang thuần túy. Thường thường, họ là loại văn nhân gần với Đường<br />
Tống bát đại gia hơn là một nhà Nho tư tưởng, một học giả kiểu Đổng Trọng Thư, Chu Hy hay<br />
Trang Chu”[2]. Quả là, trong nhiều trường hợp, họ là tráng sĩ, là sứ giả, là thiên sứ, là các đấng<br />
“trích tiên”, đại diện cho ý thức cá nhân và tư tưởng thị dân – động lực to lớn của sự phát triển<br />
văn học. Chính vậy mà khi xét trên phương diện loại hình học tác giả văn học, do có ranh giới<br />
khá rõ rệt, nên sẽ rất dễ khu biệt ba mẫu hình nhà nho. Nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật như<br />
là cặp bài trùng, thay thế nhau xuất hiện trong những tình thế khác nhau của xã hội quân chủ cố<br />
hữu. Trong khi đó, gắn với sự phát triển eo hẹp của đô thị thì người tài tử lại ra đời chậm hơn.<br />
Cái mà nhà nho tài tử luôn tìm cách đối lập lại là giữa Tài với Đức, Tình với Tính. Họ như đã<br />
ngầm tuyên bố về giá trị con người (sở thích cá nhân, tự do phóng khoáng và thụ hưởng lạc thú).<br />
Từ đó, họ sẽ là chủ nhân (chủ soái) của nền văn học chứa đựng mầm mống chống Nho giáo,<br />
hướng về nhân đạo chủ nghĩa. Có lẽ, đây là mảng văn học chịu sự tác động của văn hóa đô thị và<br />
ý thức thị dân, là lần đầu tiên của sự thức tỉnh ý thức cá nhân nhằm thoát ra khỏi ràng buộc cộng<br />
đồng. Tư tưởng thị dân xuất hiện và trở thành xu thế chính nhằm đòi hỏi hưởng lạc, hạnh phúc,<br />
chống lại thói an bần lạc đạo. Các tài tử ra đời để thay thế cho các quân tử độc chiếm văn đàn<br />
trước đây. Tuy vẫn học đạo thánh hiền, nhưng các tài tử lại tư duy theo lối thị dân. Họ đã tạo ra<br />
được sự đột biến của thời kì văn học này, bằng cách làm ra đời các thể loại mới: ngâm khúc,<br />
truyện Nôm và Hát nói,v.v. Dù muốn, dù không, nhu cầu tự sự, nội cảm hóa và bộc lộ cá tính của<br />
tư tưởng thị dân, của nền văn hóa đô thị (dẫu là đô thị phương Đông đi chăng nữa), phải đợi đến<br />
các thể loại văn học phù hợp này mới chuyển tải được. Các tài tử đều có một ý thức văn nghệ<br />
mới, tức là đã đề cao tính hiện thực, đề cao con người cá nhân và cá tính trong sáng tác của<br />
mình. Họ còn đề cao nghệ thuật tài tử, tách văn nghệ ra khỏi học thuật và rất có ý thức phát triển<br />
thứ văn học quốc âm (chữ Nôm). Những cố gắng của họ, quả như N.I.Niculin từng nhận xét<br />
“mang tinh thần phục hưng và khai sáng”. Tuy nhiên, đó vẫn chưa thể là định hướng phủ định<br />
mang tính cách mạng đối với cơ chế xã hội truyền thống. Bản thân cuộc đời lẫn tác phẩm của các<br />
nhà nho tài tử mới chỉ là sự thể hiện giới hạn cuối cùng sự phát triển xã hội, đời sống tinh thần<br />
lẫn ý thức cá nhân thời phong kiến, cho dù họ đã cố gắng làm tất cả những điều gì có thể làm,<br />
cũng như thử nghiệm ngay tại hành trạng bản thân.<br />
<br />
3. Trong thế hệ các nhà nho tài tử, Nguyễn Công Trứ, trên tư cách của một ý thức cá nhân, mang<br />
dấu ấn khá đậm nét và đặc biệt. Đó là tính chất hào kiệt, nói đúng hơn là tài tử – hào kiệt (chữ<br />
dùng của Đoàn Lê Giang). Ông kiên cường trong cái thản nhiên, sốt ruột trong cái bình tĩnh. Ông<br />
biết làm chủ trong mọi tình thế, tức là con người “hào mại” (chữ dùng của Tản Đà, hiểu theo<br />
nghĩa tài giỏi và luôn luôn cố gắng). Thành thử, việc thể hiện cá tính qua sáng tác , Nguyễn<br />
Công Trứ có phần dữ dội , bạo gan hơn.<br />
<br />
Đặc điểm hào kiệt, hào mại ở Nguyễn Công Trứ do nhiều nguyên nhân tạo ra. Trước hết, ông<br />
trưởng thành, đi thi, làm quan, hoạt động… hoàn toàn vào thời kỳ tân triều nhà Nguyễn. Ông hầu<br />
như không có mối liên hệ nào với triều đại Lê trước đó, nên không có mặc cảm như những ai lỡ<br />
mang tiếng phải phò “nhị quân”, của cái tâm sự hàng thần nhớ chúa cũ. Ngay đến việc thân phụ<br />
ông chống Tây Sơn để phù Lê thất bại, khi đó Nguyễn Công Trứ mới mười tuổi. Cùng lắm, ông<br />
chỉ chịu cảnh nghèo khổ, loạn lạc. Và khi ông lớn lên thì cục diện chính trị trong nước đã dần<br />
dần ngã ngũ. Tuổi thanh niên của ông cùng lúc nhà Nguyễn đang tích cực củng cố địa vị thống<br />
trị. Bộ mặt xã hội dang có vẻ ổn định, thịnh trị. Như vậy, bối cảnh thực tế cho mọi hoạt động của<br />
Nguyễn Công Trứ là lúc này đất nước đã được hòa bình, giang sơn thu về một mối, một cơ hội<br />
đóng góp được sống lại. Xét về mặt sử dụng nhân lực cũng như xây dựng quan chế, Gia Long và<br />
Minh Mạng rất chú ý phương châm “chiêu hiền đãi sĩ” nên lập Quốc tử giám (1803), mở ra các<br />
khoa thi để kén chọn nhân tài, đào tạo quan lại, bổ dụng bộ máy quản lí… Nguyễn Công Trứ<br />
hoàn toàn là một trí thức thành danh vào thời nhà Nguyễn, nên tân triều là thời vận thi thố tài<br />
năng của ông.<br />
<br />
Mặt khác, về cá tính (khí chất), Nguyễn Công Trứ là một con người cường kiện, đầy tinh thần<br />
kiêu dũng, vốn ôm ấp những hoài bão lớn, thích vẫy vùng, thích hành động, sẵn sàng đảm đương<br />
những trách nhiệm khó khăn, để làm những việc phi thường “đâu đấy tỏ”. Ông là con người của<br />
chữ Chí, kể cả những khi “vỡ mộng và thất vọng” trước thực tế cay đắng trớ trêu. Ở Nguyễn<br />
Công Trứ, chí khí đóng vai trò giúp ông giữ thế quân bình. Ông vừa là văn nhân vừa là tráng sĩ,<br />
tay bút nghiên, tay cung kiếm. Người anh hùng thư kiếm này đã phản ánh một cách đặc trưng về<br />
chính trị, kinh tế , về sự phát triển lịch sử tư tưởng và sự biến đổi đời sống văn hóa tinh thần nói<br />
chung của xã hội Việt Nam thời kỳ đó. Là sản phẩm của thời kì Nho giáo đang được phục hồi<br />
chứ không hẳn là kiểu con người cá nhân đô thị thuần tuý , nên ý thức cá nhân của Nguyễn Công<br />
Trứ, một trang tài tử hào kiệt có cốt cách trượng phu, mới chỉ dừng lại ở chỗ biến đổi khá nhiều<br />
những quan niệm của Nho gia về con người mà thôi.<br />
<br />
CHÚ THÍCH<br />
<br />
[1]. Nhiều tác giả (1997), Những vấn đề lịch sử và văn chương triều Nguyễn, Nxb Giáo dục, Hà<br />
nội, Tr.11.<br />
[2]. Trần Đình Hượu (1996), Đến hiện đại từ truyền thống, Nxb Văn hóa, Hà Nội, tr. 30.<br />