Nhà văn Lê Tràng Kiều, một cuộc đời hành động
lượt xem 4
download
Nhà văn Lê Tràng Kiều, một cuộc đời hành động Nhà văn Lê Tràng Kiều tên thật là Lê Tài Phúng, sinh năm 1912 tại quê hương Nam Định và thời ấu thơ sống ở đó, theo học trường Thành Chung. Năm mười sáu tuổi, Lê Tràng Kiều cùng gia đình chuyển cư lên Hà Nội, ngụ tại làng Mọc Quan Nhân, một trong bảy làng Mọc của Hà Nội xưa, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đất kẻ Mọc cũng là quê của nhà văn Nguyễn Tuân, và là quê ngoại của nhà văn Vũ Trọng...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Nhà văn Lê Tràng Kiều, một cuộc đời hành động
- Nhà văn Lê Tràng Kiều, một cuộc đời hành động Nhà văn Lê Tràng Kiều tên thật là Lê Tài Phúng, sinh năm 1912 tại quê hương Nam Định và thời ấu thơ sống ở đó, theo học trường Thành Chung. Năm mười sáu tuổi, Lê Tràng Kiều cùng gia đình chuyển cư lên Hà Nội, ngụ tại làng Mọc Quan Nhân, một trong bảy làng Mọc của Hà Nội xưa, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đất kẻ Mọc cũng là quê của nhà văn Nguyễn Tuân, và là quê ngoại của nhà văn Vũ Trọng Phụng.Vậy nên, từ tuổi mới lớn, Lê Tràng Kiều đã kết bạn với Nguyễn Tuân và Vũ trọng Phụng. Họ cùng trang lứa, cùng trở thành những nhà văn tiêu biểu của Việt Nam những năm ba mươi, thế kỷ XX. Khi mới lên sống ở Hà Nội, Lê Tràng Kiều học ở trường Thăng Long, và sớm tỏ rõ là một tài năng văn chương, báo chí. Mười tám, mười chín tuổi, Lê Tràng Kiều đã viết các bài báo về văn học, đăng trên tờ Tạp chí văn học. Ông sớm bộc lộ một năng lực sắc sảo trong nghiên cứu, phê bình văn học, làm báo, có khả năng hoà nhập rất nhanh vào đời sống văn chương và sớm tạo được nhiều ảnh hưởng đến các nhà văn. Giao du rất nhiều với các nhà văn đương thời, Lê Tràng Kiều quan hệ thân thiết với một số nhà văn cùng chí hướng như Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Vũ Trọng Can, Nguyễn Tuân, Bùi Huy Phồn, Hoài Thanh, Lan Khai, Thâm Tâm, Quỳnh Dao cùng một số tác giả sân khấu là Vi Huyền Đắc, Bùi Nguyên Cát, Chu Ngọc… Từ năm 1935, 1936, Lê Tràng Kiều có những đóng góp đáng kể cho văn học nước ta. Nhất là thời gian ông làm chủ bút Hà Nội báo, cùng các bạn thân thiết,
- đã làm cho phần văn học của báo tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Những tiểu thuyết như Giông tố, Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng; những vở kịch thơ Anh Nga, Tần Ngọc của Phạm Huy Thông… đã được giới thiệu, đăng tải nhiều kỳ trên Hà Nội báo, và được độc giả vô cùng tán thưởng. Một nhà thơ trẻ chưa đầy mười lăm tuổi, là Nguyễn Xuân Sanh, cũng được Lê Tràng Kiều trân trọng giới thiệu trên Hà Nội báo tác phẩm đầu tay Trường ca lạc loài, đăng liền trên 13 kỳ báo. Vinh hạnh lớn này suốt đời khích lệ nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh. Tình bạn văn chương của Lê Tràng Kiều với Vũ Trọng Phụng là mối tình tri kỷ lớn. Đương lúc Vũ Trọng Phụng được độc giả rất hâm mộ bởi một loạt phóng sự đặc sắc như Cạm bẫy Ngưòi, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô…, Lê Tràng Kiều có viết trên Văn học tạp chí số 4 ngày 8-6-1935, về ba nhà văn họ Vũ (Tam Lang Vũ Đình Chí, Tiêu Liêu Vũ Bằng và Thiên Hư Vũ Trọng Phụng). Ông biểu dương tài năng Vũ Trọng Phụng, đồng thời, đã tâm huyết trao đổi với Vũ Trọng Phụng: “Ông Phụng cứ viết cho tôi nữa đi những truyện ngắn, hay những truyện dài về xã hội, tôi dám chắc sự nghiệp văn chương ông sẽ rực rỡ vô cùng…”. Thành tâm lắng nghe lời tâm huyết của ông bạn tri kỷ, Vũ Trọng Phụng lập tức đổ tâm dồn sức vào truyện dài về xã hội, và trong năm 1936, ông sáng tạo được ba tiểu thuyết xuất sắc, làm vinh dự cho văn chương nước Việt ta, là Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên, nhà văn đặt tên là Thị Mịch, và Lê Tràng Kiều nhận đăng tải ngay trên Hà Nội báo. Nhưng lập tức nhà kiểm duyệt đã can thiệp, đòi cấm. Lê Tràng Kiều và Vũ Trọng Phụng, sau một thời gian ngắn, đã quyết định đổi tên tiểu thuyết thành Giông tố, và đã đăng tải hết trên Hà Nội báo mà giới chức kiểm duyệt không kịp hiểu đó cũng
- chỉ là chuyện về Thị Mịch, Nghị Hách… Về sau, khi nhà xuất bản Văn Thanh ấn hành Giông tố, Vũ Trọng Phụng có in lời đề tặng Lê Tràng Kiều trên đầu sách rất trân trọng(1). Đầu năm 1936, khi cuộc tranh luận về thơ mới, thơ cũ trở nên sôi động, Lê Tràng Kiều có bài viết khá quan trọng, Thơ mới, in trên Hà Nội báo số 14. Bài viết khẳng định giá trị của phong trào Thơ mới và chúc mừng chiến thắng toàn vẹn của nó. Ông viết: “Ba năm qua… Với thi ca, văn học ta đã bước một bước dài. Một sự may mắn không ngờ! Chỉ trong vòng ba năm mà lần lượt đua nhau xuất hiện không biết bao nhiêu tác phẩm có giá trị mà trong cái dĩ vãng rất phẳng lặng mấy ngàn năm chỉ lơ thơ một vài cái…”. Và, ngay thời điểm đầu năm 1936 đó, Lê Tràng Kiều đã có tầm nhìn thật sâu rộng và khả năng tư duy rất chín chắn về thơ ca dân tộc, không sa và sự thái quá có mới nới cũ: “Từ bây giờ, lịch sử chỉ còn ghi lại những áng thơ hay mà thôi, chứ không chia ra mới, cũ nữa!...”. Ngay sau dó, nhiều bài viết bảo vệ thơ cũ đã đả kích lại Hà Nội báo và bài Thơ mới của Lê Tràng Kiều. Trong đó, đáng kể nhất là bài viết bừng bừng nộ khí của ông Thái Phỉ, in trên báo Tin văn, nhằm đả kích Lê Tràng Kiều; và tờ Văn học tuần san ở Sài Gòn cũng đồng quan điểm với Tin văn, công kích Lê Tràng Kiều và Thơ mới. Cuộc bút chiến trở nên quyết liệt hơn. Lê Tràng Kiều lại công bố trên Hà Nội báo số 18 một bài Thơ mới nữa, với sự khẳng định: “Những bài thơ như Tiếng thu, Bao la sầu, Một chiều thu không phải là di sản của một gia đình nào, của một phe phái nào, của một thời gian nào, nó đáng cho mọi người trong nước ngân nga, đáng dịch ra tiếng ngoại quốc cho người ta thấy rằng dân tộc ta không phải là không có người hiểu cái hay, cái đẹp ở đời…”.
- Thế rồi, quy mô hơn, sâu sắc hơn, Lê Tràng Kiều cho đăng một loạt bài tiếp theo trên Hà Nội báo, lần lượt khẳng định giá trị Thơ mới và những tài năng của phong trào Thơ mới; khẳng định tính sâu sắc, tính đa dạng, tính phổ quát, tính cội nguồn, tính cách tân đều có trong các nhà thơ mới; và khẳng định Thơ mới đã làm trẻ lại, làm sung sức tâm hồn dân tộc. Bài viết về thơ Thái Can đăng Hà Nội báo số 20 đã chứng minh rằng, thơ Thái Can mới mà rất gần với thơ cổ điển phương Đông. Ông viết: “Nếu trong các thi sĩ mới, có một thi sĩ gần với Nguyễn Khắc Hiếu, Chu Mạnh Trinh, Bà Huyện Thanh Quan hơn hết, thì là Thái Can”. Đến bài về thơ Nguyễn Nhược Pháp trên Hà Nội báo số 21, Lê Tràng Kiều nêu bật phẩm chất thơ mới Nguyễn Nhược Pháp là sự bình dị, trong sáng, hồn nhiên. Ông đánh giá rằng, nhà thơ mới này đã dựng lại một thế giới: ngày xưa. Ông thật sâu sắc khi nhận xét rằng, văn thơ nước ta đã già đi với đạo Khổng, nhưng với thơ mới ngày nay, nó đã bắt đầu trẻ lại. Trên Hà Nội báo số 22, Lê Tràng Kiều viết về thơ mới có ngay trong thơ Đông Hồ, khen Đông Hồ thoát xác từ một thi sĩ cũ trở thành một nhà thơ có khuynh hướng mới: “Đông Hồ ngày trước là một ông cụ non lụ khụ…Nay thì Đông Hồ, với cái tuổi sắp đứng, còn biết yêu như yêu lần đầu tiên, nồng nàn, tha thiết”. Sang bài viết về thơ mới Nguyễn Vỹ, đăng Hà Nội báo số 23, Lê Tràng Kiều nhận định nhà thơ này quá mới, và cho rằng, thơ mới ngoài hàm chứa cái hay cổ điển còn phải vô cùng mới về hình thức biểu hiện. Ông nhấn mạnh thành công của Nguyễn Vỹ qua bài Sương rơi, rằng: “Đó là nhạc điệu thiên nhiên của những vật hữu hình và vô hình trong vũ trụ lúc đêm khuya, những vật ấy nối tiếp nhau mà tan vỡ thành giọt… Từng giọt/ Thánh thót/ Từng giọt/ Điêu tàn…”. Và ông nhận xét về sự đóng góp của
- Nguyễn Vỹ cho thơ ca Việt Nam: “Làm được một bài như Sương rơi cũng là nhiều lắm rồi”. Bài viết về thơ Thế Lữ, Hà Nội báo số 24, Lê Tràng Kiều chứng minh thơ mới Thế Lữ phần nào đã đạt tới cái hay cổ điển. Ông thật tinh tế khi nhận xét rằng, Thế Lữ có “tâm hồn của một người tiên chưa hề có một quá khứ đau khổ ở trần gian”. Bài viết về thơ Vũ Đình Liên trên Hà Nội báo số 26, Lê Tràng Kiều nhận định, thơ mới Vũ Đình Liên đã làm sống lại dĩ vãng, sống lại những gì vô cùng thân yêu trong quá khứ. Ông còn lưu tâm đến một phẩm chất khá đặc biệt của thơ Vũ Đình Liên, khi nêu dư luận rằng, có người đã đánh giá: “Vũ Đình Liên là một nhà thơ lao động, vì hơn nửa số tác phẩm của ông dành cho anh em lao khổ”. Tới Hà Nội báo số 30 Lê Tràng Kiều viết về Lưu Trọng Lư, “người đầu tiên gieo hạt thơ mới vào đất Bắc”. Ông so sánh Lưu Trọng Lư với Thế Lữ và Phạm Huy Thông, chỉ vài dòng mà thật đắc cách: “Thế Lữ và Huy Thông thường ngẩng đầu lên nhìn trời, nhìn núi sông to rộng mà ca những bài ca hùng tráng… Lưu Trọng Lư thì cúi đầu xuống bước từng bước sợ sệt ngại ngùng như bao giờ cũng lo đạp phải những cái linh thiêng của trời đất rải xuống”. Ông khẳng định, phẩm chất tiêu biểu của thơ Lưu Trọng Lư là rất giàu nhạc điệu, và cũng là khẳng định phẩm chất đó trong Thơ mới Việt Nam. Nay nhìn nhận lại hiện tượng Thơ mới, chúng tôi thấy, giai đoạn từ năm 1934 đến 1936, trên văn đàn diễn ra cuộc tranh luận có lúc rất quyết liệt giữa những nhà văn không tán thành thơ mới với những nhà văn cổ võ, khích lệ cho thơ mới phát triển. Là bạn văn của Lê Tràng Kiều, Hoài Thanh cũng chỉ viết có một bài Thơ mới, đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy ngày 29-12-1934. Và trong bài viết này, có đoạn viết: “Vậy bây giờ Thơ mới có quy tắc gì chưa? Hiển nhiên là chưa có. Không
- theo phép tắc khuôn khổ xưa thì người ta gọi là mới, hai chữ Thơ mới hiện nay chỉ có thể định nghĩa một cách tiêu cực như vậy mà thôi…”. Nhìn lại việc này, chúng tôi không có mục đích gì ngoài việc muốn lưu ý với bạn đọc về tầm nhìn sâu rộng, tư duy lý luận sắc bén và phẩm chất tiên phong của nhà lý luận phê bình văn học Lê Tràng Kiều. Với một loạt hơn mười bài viết, ông đã trình bày được tất cả sự đa dạng, phong phú muôn màu muôn vẻ của các nhà thơ mới, có sức thuyết phục rất lớn trong đời sống văn chương nước ta những năm đó. Mãi đến năm 1942, các tác giả Thi nhân Việt Nam mới có đánh giá sự thắng lợi trọn vẹn của Thơ mới. Nhưng, ngay từ năm 1936, với loạt bài viết của mình, Lê Tràng Kiều đã thực sự khiến độc giả thấy được sự ưu việt tuyệt đối của thơ mới! Có thể nói phong trào Thơ mới là một thành công rực rỡ của văn chương dân tộc, và trong cuộc phấn đấu để khẳng định nó, khích lệ nó phát triển mạnh mẽ, có một vị trí rất vinh dự giành cho nhà văn Lê Tràng Kiều! * Những năm giữa và cuối thập kỷ ba mươi của thế kỷ XX, nhà văn Lê Tràng Kiều có những cống hiến thực sự cho văn học, đồng thời, ông cũng gặp những khó khăn rất đáng kể. Thời gian này, trong đời sống văn chương, báo chí, một số người đã nêu vấn đề về Truyện Kiều của Nguyễn Du, coi đó là sách dâm ô có thể làm bại hoại đến những thuần phong mỹ tục của bình dân. Lê Tràng Kiều đã phải viết bài Nghệ thuật để bênh vực Truyện Kiều, đăng trên Hà Nội báo số 2 năm 1936. Ông khẳng định Truyện Kiều là tác phẩm có thể an ủi người bình dân “sau những giờ cần lao hay là trong những giờ cần lao, họ ngâm lên những câu như Lơ thơ tơ liễu buông mành/
- con oanh học hót trên cành mỉa mai, để họ hả hê lòng, để cho quên mệt nhọc…”. Tháng 5 năm 1936, tác phẩm Văn chương và hành động mà Lê Tràng Kiều đồng tác giả với Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư đã bị nhà đương cục thu tất cả đưa về nước Pháp và ra lệnh cấm lưu hành. Lê Tràng Kiều bị chính quyền đương thời coi là kẻ đứng đầu nhóm Văn chương và hành động, nên ông bị gọi ra toà. Chúng tôi, khi đi tìm hiểu về cuộc đời nhà văn Lê Tràng Kiều, có được gặp và nghe những người bạn của ông, như nhà viết kịch Bùi Nguyên Cát, người cùng ông lập ra Ban kịch Hà Nội; nhà văn Phạm Văn Kỳ, thư ký toà soạn báo TTTN; nhà văn Ngọc Giao, thư ký toà soạn báo Tiểu thuyết thứ bảy kể cho biết việc đó. Nhà viết kịch Bùi Nguyên Cát còn nói: “Anh Kiều bị chính quyền thực dân coi là cầm đầu nhóm Văn chương và hành động, còn ta thì coi là chủ soái Nghệ thuật vị nghệ thuật, thực khổ!”. Cho đến năm 1999, nhà xuất bản Hội Nhà văn in lại cuốn Văn chương và hành động, thì Lời bạt cho cuốn sách lại viết rằng, Hoài Thanh là tác giả chủ yếu. Một lần đến thăm nhà viết kịch Bùi Nguyên Cát, tôi nói việc đó, ông đã nói: “Sao họ cứ làm khổ anh Lê Tràng Kiều mãi thế!”. Câu chuyện với ông Bùi Nguyên Cát hôm đó chúng tôi mới hiểu ra, tên các tác giả Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư trên bìa sách là xếp theo vần A, B, C, không có ý nghĩa gì khác. Trở lại với Lê Tràng Kiều năm 1936. Đúng là hoạ vô đơn chí, chưa qua khỏi tai ương về Văn chương và hành động, thì đến Hà Nội báo cũng bị đình bản. Dù vậy, ông và các bạn văn cùng chí hướng vẫn kiên định và tâm huyết với văn chương. Lê Tràng Kiều gây dựng một tờ báo mới, là tuần báo Tiểu thuyết Thứ năm (TTTN). Ngay từ những số đầu, TTTN đã đăng các tác phẩm của Đồ Phồn, Nguyễn Đình Lạp, Lưu Trọng Lư, Vũ Trọng Can,
- Phạm Huy Thông… Rồi bắt đầu đăng tiểu thuyết Quý phái của Vũ Trọng Phụng. Báo đăng những tác phẩm như truyện ngắn Nghỉ mát Chapa của Bùi Huy Phồn, mô tả sự thối nát của quan chức đương thời; như phóng sự Gặp một ông nghị lôi thôi của Vũ Trọng Phụng, nói về những tệ hại của các nghị viên… Do vậy, mới ra được 13 số thì TTTN lại bị đình bản! Lê Tràng Kiều và các bạn văn lại lao đao, vất vả. Mãi đến tháng 10 năm 1938, tờ TTTN mới được xuất bản trở lại. Để có thể ra báo, Lê Tràng Kiều phải chấp nhận với chủ báo Lê Cường là, lương cho anh em trong toà soạn và nhuận bút cho tác giả thì toà báo phải lo lấy, còn tiền bán báo thì chủ báo thu. Vừa làm chủ bút, vừa lo chạy quảng cáo để có tiền nuôi anh em trong toà báo, Lê Tràng Kiều vẫn viết nhiều. Cả đời viết, ông còn ký nhiều bút danh khác nữa, như Lê Tùng, Phan Hữu, Trường Thiên… Riêng bút danh Lê Tràng Kiều và Nàng Lê ông dùng nhiều nhất trong thời kỳ làm báo TTTN. Qua những số báo TTTN mà chúng tôi có trong tay, ông viết tới hơn hai mươi bài phê bình, tiểu luận văn học, tản văn, ngoài ra còn có các bài bình luận xã hội và cả tản văn dưới hình thức ký sự điều tra. Đó là chưa kể một số truyện ngắn của Tình Thiên mà chúng tôi ngờ rằng đó là một bút danh khác của ông. Có thể thấy rõ, giai đoạn từ 1936 đến 1939, Lê Tràng Kiều viết được khá nhiều. Năm 1936, nhà xuất bản Phương Đông đã giới thiệu sách sắp in, có thiên tiểu thuyết Ngoài vườn trăng giãi do Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư là đồng tác giả. Rất tiếc, đến nay chúng tôi không có trong tay ấn bản hoặc bản thảo tiểu thuyết n ày. Ông sống rất tận tâm với văn nghệ nước nhà. Cũng thời kỳ này, ông đã cùng với Chu Ngọc, Vũ Trọng Can, Bùi Nguyên Cát lập ra Ban kịch Hà Nội, được khán giả
- đương thời rất yêu chuộng. Với một tài năng và tâm huyết như vậy thì không khó khăn nào có thể khiến ông ngừng hoạt động, ngừng cống hiến cho xã hội. Và ngay sau khi báo TTTN ngừng bản cuối năm 1939, Lê Tràng Kiều vào Nam. Và rồi ông lại chủ trương một tờ báo khác tại Sài Gòn, là báo Lá lúa. Những năm này đất nước trải qua nhiều đau thương, biến động khôn lường, nghề văn chương báo chí thực vô cùng khó khăn. Rồi Cách mạng tháng Tám. Rồi toàn quốc kháng chiến chống xâm lược Pháp. Ngay thời điểm cuối năm 1946, Lê Tràng Kiều lại tập hợp được một nhóm bạn cùng chí hướng gồm Thiết Can, Lý Hải Châu, Thê Húc Phạm Văn Hạnh, Mai Văn Bộ, Vũ Tùng… Ông cùng các bạn xuất bản tờ báo Dân quyền với khẩu hiệu in ngay bên tên báo: Một dân tộc- Việt Nam; một lực lượng- đoàn kết; một phương pháp- tranh đấu; một tinh thần- dân chủ; một mục đích- độc lập. Báo Dân quyền theo đường hướng chống đế quốc, thực dân và chính thể bù nhìn, nên lại bị cấm. Nhưng, nhóm các ông lại ra tờ báo khác. Lại bị cấm. Rồi lại có tờ báo mới thay thế. Thực chất, toà soạn các báo Ngày nay, Việt báo, rồi Lẽ sống, và rồi Phụ nữ… đều do nhóm Lê Tràng Kiều làm. Vậy là, từ khi vào Nam, Lê Tràng Kiều hoạt động chuyên sâu hơn trong lĩnh vực báo chí chính trị xã hội. Cả đời ông đã viết thật nhiều, nhưng có lẽ chỉ mới có một tác phẩm xuất bản thành sách, là cuốn Văn chương và hành động mà ông đồng tác giả với Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư. Trong tác phẩm này, ngay dưới tên sách, tác giả ghi: “Thay lời tuyên ngôn của văn phái Phương Đông”. Nội dung chính của sách gồm những tiểu luận văn chương, mang tính mỹ học cao. Sau Lời nói đầu là tiểu luận ý nghĩa đời người. Trong tiểu luận này, nhà văn có luận về tín ngưỡng, rằng: “Phải tin ở cuộc sống, phải hăng hái sống,
- phải làm thế nào cho đời ta và đời của mọi người chung quanh ta ngày một đầy đủ thêm, dồi dào thêm- đó là một tín ngưỡng căn bản…”. Thế rồi, hầu như cuộc đời Lê Tràng Kiều đã được dẫn dắt bởi lý tưởng tin ở cuộc sống và hết mình vì cuộc sống đó. Ông đã hành động, luôn luôn hành động, viết văn, làm báo và viết báo, viết rất nhiều những bài vun đắp cho tinh thần chiến đấu của nhân dân vì độc lập, hạnh phúc, tự do và thống nhất… Suốt thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, bà con Nam bộ đã thân mật gọi Lê Tràng Kiều và các bạn ông là Nhóm ký giả kháng chiến… * Sau năm 1975, đất nước hòa bình thống nhất. Trong một buổi làm việc của đại diện Văn nghệ ngoài Bắc với đại diện Văn nghệ Giải phóng, tại trụ sở Hội Văn nghệ Giải phóng, Lê Tràng Kiều gặp lại Nguyễn Xuân Sanh mới từ Hà Nội vào. Hai ông ôm riết lấy nhau hồi lâu. Sau gần bốn mươi năm xa cách, trong câu chuyện hàn huyên, Lê Tràng Kiều chỉ muốn nghe Nguyễn Xuân Sanh kể về những tiến triển của văn chương ngoài Bắc. Ông nhớ quê hương trong nỗi nhớ văn chương thật sâu thẳm, thật diết da. Đó là những giờ phút bừng dậy trong Lê Tràng Kiều một sức sống văn chương to lớn tiềm ẩn nơi đáy lòng mấy chục năm trường… Khi đi tìm hiểu về đời sống nhà văn Lê Tràng Kiều, chúng tôi gặp gỡ được một số bạn văn từng cùng ông làm báo, cùng ông hoạt động trong Ban kịch Hà Nội, từng chia sẻ buồn vui cùng ông; và, gặp cả nhà thơ lão thành Nguyễn Xuân Sanh, để hỏi chuyện. Vậy nên chúng tôi mới biết được một số chuyện về cuộc sống của ông, một số công việc ông đã làm, như chúng tôi viết ở trên. Chúng tôi cũng được biết, nhà văn Lê Tràng Kiều
- đã qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1977, do bệnh nặng. Từ ngày ông qua đời đến nay, ngót một phần ba thế kỷ đã trôi qua. Trong bộ sách đồ sộ Tổng tập văn học Việt Nam dày hàng mét, phần ghi về Lê Tràng Kiều chỉ có dăm dòng mà lại chưa rõ năm sinh, năm mất, cũng không viết về quê quán!... Cuối thế kỷ XX, sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã trở nên sâu rộng trong đời sống. Các bạn Pháp đã tặng lại ta bản in tác phẩm Văn chương và hành động; và nhiều số báo Tiểu thuyết Thứ năm mà Lê Tràng Kiều cùng các bạn văn làm những năm ba mươi, thế kỷ XX cũng từ Pháp trở về. Đó là niềm vui cho đời sống văn chương Việt Nam. Nhưng không ngờ, Lê Tràng Kiều lại được một vài nhà nghiên cứu lý luận văn học hôm nay nhìn nhận và ứng xử rất khác nhau. Như nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện, trong Lời bạt cuốn Văn chương và hành động, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 1999, không biết đã dựa vào chứng cớ nào mà viết: “Nhưng công lao biên soạn nội dung là thuộc về Hoài Thanh. Ông chủ biên và chấp bút hầu như toàn bộ cuốn sách… Hoài Thanh là đại diện có thẩm quyền cao nhất đối với bản quyền bài vở trong sách”(!) Tác phẩm Văn chương và hành động gồm hai phần. Phần phụ lục có 2 bài dịch gồm Lời tựa tập Lá thu của V. Hugo; và, bài diễn văn của A. Gide đọc ngày 22 Juin 1935 tại Hội nghị quốc tế các nhà văn, phụ thêm lời bình luận của Hoài Thanh. Còn phần nội dung chính gồm 11 bài, từ bài 1 là Lời nói đầu, đến bài 11 là Kết luận. Cuối bài Kết luận, cả ba tác giả cùng đứng tên. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện đã cố gắng lấy cớ có 4 bài trong 11 bài đã in lại trên tạp chí Tao đàn năm 1939 chỉ ký một mình tên Hoài Thanh, để coi Hoài Thanh là tác giả chủ yếu của Văn chương và hành động. Việc coi tác giả của 4 bài trên 11 bài là đã “có thẩm
- quyền cao nhất đối với bản quyền bài vở trong sách” chứng tỏ nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện đã không biết phép tính trừ đơn giản, mà anh còn làm một việc rất tổn thương đến tình bạn đã có từ hơn bảy mươi năm trước của Lê Tràng Kiều với Hoài Thanh mà đến nay nhiều ngưòi còn biết! Nếu có người lại tính rằng, Lưu Trọng Lư đảm nhận phần dịch thuật trong phần phụ lục của Văn chương và hành động, vậy còn lại 6 bài tiểu luận sẽ là do Lê Tràng Kiều viết, thì nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện sẽ nghĩ sao? Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ, tính toán thế cũng lại làm tổn thương đến người xưa, như Nguyễn Ngọc Thiện đã làm! Lại có nhà nghiên cứu văn học đã kiểm định văn bản có phần quá rạch ròi dẫn đến nhận định rằng, Hoài Thanh “đạo” văn của Lê Tràng Kiều (Bài Bản quyền thuộc về ai? của Lại Nguyên Ân, đăng trên Văn Nghệ Trẻ số 39 năm 2004). Những ý mà nhà văn Lại Nguyên Ân nêu ra sau khi khảo chứng văn bản học, theo chúng tôi, ta nên coi đó là việc thừa kế chí lự, ý tưởng và xúc cảm thẩm mỹ của bạn bè. Những chuyện mà chúng tôi được nghe những người gắn bó nhiều với Lê Tràng Kiều ngày xưa, kể cho biết, thì ông là người có thể bán nhà đi để nuôi bạn, dù ông không giàu có gì. Không khéo, những ứng xử của chúng ta hôm nay lại làm người đọc thấy đau lòng, khi nghĩ tới người xưa.Việc chúng ta làm, nếu có liên quan đến Lê Tràng Kiều, thì cũng là làm cho chúng ta thôi. Còn Lê Tràng Kiều, ông đâu có cảm thấy gì về những ứng xử nơi đời sống trần thế nữa! Có chăng, chỉ bạn đọc yêu văn học dân tộc mới là những người bị tổn thất, nếu không được biết về văn tài và cuộc đời nhà văn Lê Tràng Kiều… Viết những dòng về nhà văn Lê Tràng Kiều, chúng tôi nghĩ về cuộc sống hôm nay. Cuộc sống tươi mới, mạnh mẽ đang chảy cuồn cuộn ngoài kia, trên đất nước vẹn
- toàn. Chúng ta đã hoà nhập với thế giới, vươn tới công bằng, vươn tới văn minh, vươn mãi tới những vẻ đẹp nhân bản! Chúng tôi lại nhớ đến tác phẩm Văn chương và hành động, thiên tiểu luận ý nghĩa đời người, Lê Tràng Kiều có luận cả về văn minh: “Văn minh chẳng qua là những sức sống của con người xung đột với cái tàn ác của vũ trụ, là sự nỗ lực vĩ đại của loài người để thoát mình khỏi cái chết, cái hư vô…”. Và, chúng tôi bỗng muốn nói với nhà văn Lê Tràng Kiều, một câu thôi, rằng, những gì ông đã làm được suốt cuộc đời rong ruổi ngoài Bắc, trong Nam, một cuộc đời hành động, đâu có chết được, những ý nghĩa của nó càng không thể bị chìm vào hư vô! Hà Nội, mùa hè năm 2009 _____________ (1) Theo Từ điển Văn học, tập 1. Nxb. Khoa học xã hội, 1983, tr.264, thoạt tiên đăng Hà Nội báo tác phẩm đã mang tên Giông tố, được mười một số thì đổi tên là Thị Mịch, in thành sách 1937 với tên cũ. Theo giáo sư Trần Hữu Tá, trong sách Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, thoạt đầu đăng tải trên Hà Nội báo, tác phẩm đã mang tên Thị Mịch, sau khi bị kiểm duyệt cấm, Vũ Trọng Phụng mới viết tiểu thuyết dài Giông tố thế vào mà vẫn là chuyện về Thị Mịch, Nghị Hách… Giông tố khi in thành sách Vũ Trọng Phụng có lời đề tặng Lê Tràng Kiều trên đầu sách.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn